Tin Biển Đông – 01/12/2019
Cần cảnh tỉnh với chính sách “cây gậy và củ cà rốt”
trên vấn đề Biển Đông của Bắc Kinh
Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam kéo dài từ đầu tháng 7 cho đến gần cuối tháng 10, khoảng thời gian lâu nhất từ trước đến nay; các tàu của Trung Quốc ra rồi lại vào vùng biển của Việt Nam 4 lần trong gần 4 tháng và có xu hướng ngày càng xâm nhập sâu hơn vào vùng biển Việt Nam, lúc gần nhất cách bờ biển Việt Nam chưa đến 100 hải lý. Trước hết, cần phân tích nguyên nhân việc làm của Trung Quốc.
Thứ nhất, đây rõ ràng là hành vi trả đũa của Trung Quốc đối với việc Việt Nam kiên trì triển khai dự án hợp tác dầu khí với công ty Rosneft (Nga) tại khu vực lô 06-1. Bắc Kinh đang cố gắng và chứng tỏ họ có thể kiểm soát khu vực Biển Đông, thậm chí cả ở những nơi rất gần bờ biển Việt Nam. Trung Quốc đã quyết định thực hiện hành vi xâm lấn sau khi Việt Nam cho phép công ty Rosneft (Nga) và các đối tác Nhật Bản khoan dầu khí ở khu vực lô 06-1 mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố là nằm trong “đường lưỡi bò” phi pháp. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Malaysia với cùng lý do.
Thứ hai, so với trước đây, Trung Quốc đã mạnh hơn ở Biển Đông. Các căn cứ mà nước này xây dựng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa trở thành nơi trú ngụ, tiếp tế cho các tàu của Trung Quốc, cho phép nhiều tàu hơn tham gia vào hoạt động vi phạm và tiếp nhiên liệu mà không phải quay về cảng ở Trung Quốc (cách khu vực này 600-700 hải lý). Điều này khá khác biệt so với tình hình 5 năm trước khi mà Trung Quốc còn đang trong quá trình bồi đắp, mở rộng và bố trí lực lượng quân sự trên các cấu trúc họ chiếm đóng ở Trường Sa. Thực tế thời gian qua cho thấy, đá Chữ Thập đã trở thành nơi tiếp tế cho các tàu Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam.
Mục tiêu của Trung Quốc là buộc Việt Nam phải khuất phục, dừng các hoạt động hợp tác dầu khí với các nước bên ngoài khu vực, đúng như nội dung mà Trung Quốc đã đòi đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong đàm phán với ASEAN. Việt Nam kiên cường triển khai hoạt động dầu khí không chấp nhận lùi bước, nhưng căng thẳng ở Biển Đông vẫn kéo dài. Các tàu của Trung Quốc chỉ rút khỏi vùng biển Việt Nam khi các hoạt động khoan ở lô 06-1 kết thúc, giàn khoan rút khỏi khu vực.
Một số người cũng đặt câu hỏi muốn ngăn cản hoạt động dầu khí của Việt Nam tại lô 06-1, tại sao Trung Quốc không cho các tàu của họ đâm va phá hoại giàn khoan.Trung Quốc không dám làm như vậy bởi Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý ở khu vực này. Nếu Trung Quốc manh động, gây va chạm phá hoại giàn khoan thì họ chính là kẻ xâm lược vì đây là một dự án hợp tác với công ty Rosneft (Nga) và các đối tác Nhật Bản, cả hai nước này đều không thể để yên nếu Trung Quốc manh động gây tổn hại cho doanh nghiệp họ. Cách làm của họ là gây sức ép, uy hiếp để Việt Nam phải tự rút lui. Nhưng Việt Nam và các đối tác Nga, Nhật cũng quyết không lùi bước.
Mặt khác, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là Trung Quốc không muốn xảy ra xung đột với Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bắc Kinh hiểu rằng nếu các tàu Trung Quốc đâm va phá hoại giàn khoan có thể sẽ dẫn đến xung đột, trong khi Trung Quốc vẫn cần quan hệ với Việt Nam để không đẩy Việt Nam sang phía Mỹ.
Cuối cùng, các tàu của Trung Quốc cũng rút, nhưng mục tiêu của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông và không cho các nước khác hợp tác với các nước ven Biển Đông trong khai thác dầu khí nên hiện tại chỉ là thời điểm họ tạm dừng để củng cố lợi ích, chuẩn bị cho các bước leo thang mới nghiêm trọng hơn. Cách làm lâu nay của Trung Quốc là “lùi một bước, tiến 2 bước”, những hành động tiếp theo của họ bao giờ cùng hung hăng, hiếu chiến hơn trước.
Các hành động khiêu khích của các tàu chấp pháp Trung Quốc và điều tàu khảo sátđịa chất vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lặp đi lặp lại cho thấy Trung Quốc tiếp tục theo đuổi yêu sách “đường lưỡi bò” của họ ngay cả khi việc này có nguy cơ làm bất ổn hơn nữa tình hình ở Biển Đông. Song có lẽ ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ đẩy tình hình tới mức căng thẳng chứ Trung Quốc không đẩy tình hình đến mức xung đột.
Một mặt, “đâm dao” vào sau lưng Việt Nam thông qua các hành động xâm lấn vùng biển của Việt Nam, mặt khác Trung Quốc vẫn chủ động thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, vẫn tiếp tục đề nghị Việt Nam giải quyết nội bộ vấn đề không để ảnh hưởng đến cái gọi là “đại cục” quan hệ hai nước. Cách làm của họ là vừa đe dọa, cưỡng ép, vừa dụ dỗ, tranh thủ. Rõ ràng họ đang sử dụng thành thạo “cây gậy và củ cà rốt” với Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng hơn nữa các căn cứ quân sự, các cơ sở hạ tầng ở Biển Đông mà nước này xây dựng trái phép để phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy sức mạnh lớn hơn trong khu vực, trong đó có việc xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Còn trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc sẽ ráo riết nâng cao vị thế của mình bằng cách lợi dụng sự khác biệt trong lợi ích và quan điểm của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông.
Trong thời gian đàm phánBộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực và tiếp tục các hành vi hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông trước khi COC ra đời, để tạo việc đã rồi. Nói cách khác, trước khi có nhiều quy định khác được đưa ra, Trung Quốc đang tìm mọi cách để củng cố lợi thế chỗ đứng vũng chắc cho họ ở Biển Đông.
Cùng với việc tiếp tục tăng cường quân sự hóa các cấu trúc mà nước này chiếm đóng, xây dựng phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang treo lơ lửng một “củ cà rốt” thông qua thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Một thực tế là hiện tại còn có nhiều khác biệt giữa các nước thành viên ASEAN trong mối quan tâm đến vấn đề Biển Đông và lợi ích kinh tế với Trung Quốc, cũng như nhận thức khác nhau đối với vai trò của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Điều này tạo cơ hội cho Bắc Kinh khai thác các vấn đề nội bộ của ASEAN, phân hóa, lôi kéo, chia rẽ các nước ASEAN.
Để ngăn cản Trung Quốc tái diễn hành vi hiếu chiến thực hiện ý đồ khống chế Biển Đông, ASEAN nhất thiết phải có chung tiếng nói chống lại sự hung hăng của nước này.Tất nhiên, tiếng nói của một ASEAN thống nhất cần phải kết hợp với các hành động của các cường quốc ngoài khu vực được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ.
Tuy nhiên, để có được điều này là không dễ dàng bởi lẽ Trung Quốc đã và đang sử dụnghiệu quả “củ cà rốt” thương mại, đầu tư, tài chính để lôi kéo được một vài nước ASEAN mà tiêu biểu là Cămpuchia đã ngả hẳn về phía Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Thậm chí, do tác động của “củ cà rốt” mà Trung Quốc đưa ra, Philippines – một nước có tranh chấp trên Biển Đông lớn thứ 2 (sau Việt Nam) với Trung Quốc cũng đã bị dao động, lung lay quan điểm của mình trên vấn đề Biển Đông mặc dù chính họ là tác giả vụ kiện Biển Đông hồi năm 2013.
Năm 2020, Việt Nam vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hà Nội có thể làm gì để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông và đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Để phát huy vai trò của mình trong đoàn kết ASEAN trên vấn đề Biển Đông và tranh thủ sự ủng hộ của các nước ngoài khu vực và cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông, Hà Nội cần có cách tiếp cận thực tế với “củ cà rốt” mà Bắc Kinh luôn đưa ra, tránh xa và cần thoát ra khỏi cái “cạm bẫy” nguy hiểm này; thẳng thắn vạch trần những mưu đồ và hành vi sai trái của Bắc Kinh ở Biển Đông cả trong khuôn khổ ASEAN lẫn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Việt Nam là nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông và cũng là nước luôn bị Trung Quốc chĩa mũi nhọn gây hấn. Nếu Hà Nội không đi đầu dẫn dắt trên vấn đề Biển Đông thì cũng chẳng có ai làm hộ.
Hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông
Việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan là nhân tố có yếu tố sống còn đối với không chỉ các nước quanh Biển Đông mà còn với cả thế giới, nhất là trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang có những biến động nhanh chóng, khó lường.
Biển Đông đã trở thành một vấn đề nổi bật tại hầu hết các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế liên quan, không chỉ vấn đề quốc phòng, an ninh mà cả các vấn đề hợp tác kinh tế. Mới đây nhất là cuộc thảo luận bàn tròn với chủ đề “Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Viện Hudson (một viện nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Washington – Mỹ), tổ chức ngày 27-11 (theo giờ Việt Nam) với sự tham dự của nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu thế giới.
Hiểm họa từ “cánh tay nối dài của Hải quân Trung Quốc”
Với chủ đề được cho là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc, các chuyên gia, học giả đến từ Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ… đã cùng nhau chia sẻ quan điểm, biện pháp nhằm đối phó với những hành vi hung hăng, gây hấn của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”, mà theo đó đòi phi lý và phi pháp chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Trong đó, đặc biệt đáng lo ngại là việc Trung Quốc thời gian qua ráo riết tiến hành quân sự hóa, triển khai đội tàu vũ trang trá hình quy mô lớn ở Biển Đông, hòng dùng sức mạnh để đơn phương áp đặt chủ quyền theo yêu sách vốn đã từng bị Tòa Thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết bác bỏ trong vụ kiện của Philippines.
Trong bài tham luận tại bàn tròn “Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Phó Giáo sư Richard Heydarian – Khoa Chính trị học thuộc Đại học De La Salle (Philippines) bày tỏ lo ngại về điều mà ông cho là Trung Quốc “đang nhanh chóng thay đổi thực địa trên Biển Đông” qua hành động bồi đắp trái phép hàng loạt thực thể thời gian qua.
Vị Phó Giáo sư cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng cái gọi là “Vạn lý Trường Thành tên lửa đất đối không” bằng cách triển khai tên lửa loại hiện đại nhất ra Biển Đông trong vòng 3 năm qua bên cạnh các máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng điện tử. Cùng với đó, Trung Quốc còn triển khai lực lượng áp đảo các tàu Hải cảnh – một lực lượng bán quân sự được xem là “cánh tay nối dài của Hải quân Trung Quốc” – để chiếm ưu thế ở Biển Đông. Điều đáng lo ngại là “mức độ các hoạt động ngoại giao của ASEAN đã không theo kịp những diễn biến trên thực địa” của Trung Quốc.
Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các bên ở Biển Đông
Việc không chỉ ASEAN mà cả những cường quốc thế giới, nhất là Mỹ, “không theo kịp những diễn biến trên thực địa” đã khiến Trung Quốc, dù bị phản đối và chỉ trích, song vẫn ngang nhiên tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông. Toan tính lâu dài và nguy hiểm để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc rõ ràng được hoạch định với những giai đoạn, bước đi rõ ràng.
Trước hết là việc thực hiện chiến thuật “thò bàn chân sói” khi dùng vũ lực cưỡng chiếm 7 thực thể là đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào đầu năm 1988. Tiếp đó là việc ồ ạt tiến hành bồi đắp trái phép những thực thể chiếm đóng trái phép này thành những đảo nổi nhân tạo quy mô lớn trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2016.
Trung Quốc từ năm 2017 đến nay đang hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông khi triển khai những trang thiết bị, vũ khí hiện đại, từ radar quân sự, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, sân bay, cảng nước sâu… ra các đảo nhân tạo bồi đắp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây chính là những căn cứ để không chỉ tàu chiến mà cả những đội tàu bán vũ trang, và mới đây nhất là tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Trong đó nghiêm trọng nhất là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019.
Việc Trung Quốc chiếm ưu thế áp đảo so với các quốc gia liên quan trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (6 quốc gia và vùng lãnh thổ hay còn gọi là “tranh chấp 5 nước 6 bên”, gồm: Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam) đã mang tới những nguy cơ khôn lường cho khu vực và thế giới.
Thứ trưởng phụ trách Phương Đông của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Thakur trong phát biểu ngày 21-11 vừa qua đã cho rằng, các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông đóng vai trò trọng yếu đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, việc đảm bảo tự do hàng hải có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Sau khi nêu rõ tầm quan trọng to lớn của tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD và hơn 30% nguồn cung dầu thô quốc tế đi qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nhấn mạnh tới việc cần phải có một trật tự dựa trên quy tắc, nơi có sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia liên quan. Phải có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, không được sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Việt Nam có quyền dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền hợp pháp
Đảm bảo tự do hàng hải, hàng trên Biển Đông đang là một thách thức lớn trong bối cảnh Trung Quốc vẫn không ngừng leo thang các hành động nguy hiểm hòng hiện thực hóa tham vọng độc chiếm vùng biển này. Các quốc gia khu vực, các quốc gia trên thế giới có lợi ích sống còn ở Biển Đông không thể duy trì được hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác nếu không kiềm chế, ngăn chặn được tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở đây.
Là quốc gia liên quan trực tiếp và bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng nhất chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Việt Nam từ trước tới nay luôn kiên trì, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền được pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước
UNCLOS 1982, công nhận và bảo hộ. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.
Lập trường và hành động đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, cho đó là cách hành xử đầy trách nhiệm nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác. Phó Giáo sư Richard Heydarian cho rằng, Việt Nam nên tận dụng thời cơ là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 để đoàn kết khu vực ứng phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng theo vị Phó Giáo sư này, Việt Nam hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc về sự vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình theo luật quốc tế, yêu cầu Tòa trọng tài quốc tế chứng minh Trung Quốc “không có quyền đi vào bãi Tư Chính”. Việt Nam hoàn toàn có quyền và được quốc tế ủng hộ khi áp dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của mình, luật pháp quốc tế cũng như cam kết với quốc tế để bảo vệ chủ quyền hợp pháp, chính đáng ở Biển Đông.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31813-hoa-binh-on-dinh-va-thuong-ton-phap-luat-o-bien-dong.html
Biển Đông – Nội dung quan trọng
trong chuyến công du 4 nước Châu Á
của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper thăm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam – 4 nước được Mỹ đánh giá có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Phát biểu tại họp báo ngày 7/11, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận về những thách thức chung như quân sự hóa Biển Đông và các hoạt động kinh tế và thương mại của Trung Quốc”.
Đây là chuyến thăm châu Á thứ hai của ông Esper kể từ khi lên nhậm chức vào cuối tháng 7, cho thấy những ưu tiên hợp tác quốc phòng của Mỹ tại khu vực này. Chuyến đi là dịp để chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định cam kết của Mỹ đối với đồng minh và đối tác ở châu Á.
Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự, cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại.Chuyến công du 4 nước lần này của Bộ
trưởng Esper phản ánh sự lo ngại của Mỹ đối với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực.
Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Esper tham dự Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ – Hàn Quốc lần thứ 51, thảo luận với Hàn Quốc về liên minh Mỹ – Hàn; đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng song phương để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm liên quan đến an ninh và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong thời gian thăm Thái Lan, ông Esper tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Chiều 17/11/2019 tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Mỹ diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có bài phát biểu về quan hệ Mỹ – ASEAN trong đó chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông; nhất là việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đưa ra những quan điểm về những mối quan ngại an ninh chủ yếu tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là về những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định cam kết của Mỹ về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia dù lớn hay nhỏ và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Về an ninh hàng hải, ông Mark Esper khẳng định, Mỹ có chính sách thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và những hoạt động sử dụng vùng biển và vùng trời một cách hợp pháp; nhấn mạnh Mỹ đã tiến hành thêm nhiều chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2019, điều mà nước này thực hiện nhiều nhất trong 20 năm qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích mạnh mẽ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông: “Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông càng thổi phồng thêm tính không chính danh của “đường lưỡi bò”, một yêu sách phi pháp và phi lý và đi ngược lại phán quyết của Toà trọng tài về Biển Đông tháng 7/2016, tạo nên bất ổn và gia tăng nguy cơ xung đột”; Mỹ khẳng định Mỹ và ASEAN đang có một lập trường chung về Biển Đông, Mỹ tin rằng tuyên bố của ASEAN sẽ là một phương tiện mạnh mẽ để thể hiện sự đoàn kết.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp Mỹ – ASEAN, Bộ trưởng Esper nói rằng Trung Quốc đã tăng cường sử dụng cái mà họ gọi là “tàu dân quân hàng hải” để xua đuổi các thủy thủ và ngư dân Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cũng như sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để ngăn chặn Việt Nam khoan dầu và khí đốt tự nhiên ngoài bờ biển của nước này.
Ông Esper nhấn mạnh “thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại để khẳng định “đường lưỡi bò”, Bắc Kinh đang ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỷ đôla dự trữ năng lượng”; “Hành vi này tương phản với trật tự dựa trên quy tắc mà tất cả chúng ta đang cùng nhau thực hiện và vun đắp trong hơn 70 năm qua”; “các hành động ở Biển Đông của Bắc Kinh đưa ra một thách thức hàng hải đòi hỏi một giải pháp đa phương.”
Đã có nhiều ý kiến hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Tổng thống Donald Trump không tham dự hội nghị cấp cao ASEAN đầu tháng 11/2019 tại Thái Lan và thay vào đó chỉ cử Cố vấn an ninh quốc gia Robert Obrien làm trưởng đoàn tham dự. Tuy nhiên, không hẳn là ông Trump không quan tâm tới khu vực này mà thực tế ông Trump đang có quá nhiều vấn đề quan trọng khác phải bận tâm, cụ thể như cuộc điều tra luận tội trong nước hay thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, những vấn đề có thể ảnh hưởng tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tại cuộc họp cấp cao thường niên Mỹ – ASEAN trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN tại Thái Lan, đại diện Mỹ là cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã chính thức chuyển lời mời của tổng thống Donald Trump tới toàn thể lãnh đạo 10 nước trong khối ASEAN qua Mỹ dự một Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt vào quý 1 năm 2020.
Một số nhà phân tích cho rằng quyết định tổ chức Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN phản ánh một mối quan tâm có thật của Mỹ đối với khu vực. Đây cũng là một cách để chính quyền Trump giải tỏa những hoài nghi của các nước ASEAN về việc “liệu Mỹ có thực tâm đứng về phía các nước ASEAN hay không?” Quyết định cấp tốc tổ chức một Thượng đỉnh Đặc biệt Mỹ – ASEAN ngay vào đầu năm 2020 nằm trong một loạt động thái mạnh mẽ của Mỹ gần đây để chứng tỏ tầm quan trọng mà Washington dành cho khu vực Đông Nam Á.
Cùng với lời mời tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt Mỹ-ASEAN, Bộ Ngoại giao đã công bố một bản Báo cáo về “Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”, trong đó chỉ trích mạnh mẽ yêu sách “đường lưỡi bò” và các hoạt động gây hấn của Trung
Quốc ở Biển Đông nằm trong một loạt những hoạt động nhằm thuyết phục ASEAN về quyết tâm dấn thân của Mỹ vào vùng Đông Nam Á.
Nếu được diễn ra, Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN sẽ là một minh chứng sống động cho cam kết của Mỹ đối với khu vực, nơi đang phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán, hung hăng vào lúc mà tâm lý hoài nghi về vai trò của Washington đang tồn tại.
Ngày 18/11/2019, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có cuộc gặp lần đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Vấn đề Biển Đông cũng là một nội dung quan trọng của cuộc gặp. Tại cuộc gặp, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhắc lại lập trường lâu nay của Trung Quốc về Biển Đông và yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào Biển Đông thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tái khẳng định rằng Mỹ sẽ cử máy bay, tàu để tuần tra bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và khuyến khích các quốc gia có chủ quyền khác hành động tương tự.
Tại Philippines, Người đứng đầu Lầu năm góc Mỹ Mark Esper gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzanthảo luận về các phương thức tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên, nhất là việc mở rộng mối quan hệ liên minh quân sự Mỹ – Philippines tồn tại suốt hàng thập niên qua. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, Bộ trưởng Esper khẳng định “Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Philippines cũng như cải thiện năng lực hàng hải”; “Một điều rõ ràng, chúng tôi không chỉ muốn gửi đi thông điệp phản đối Trung Quốc mà còn muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các quy định và luật pháp quốc tế. Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc cũng nên tuân thủ những quy tắc này. Hành động tập thể là cách tốt nhất để truyền tải thông điệp và đưa Trung Quốc đi theo con đường đúng đắn”.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Esper thảo luận với phía Việt Nam về các hoạt động, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ. Trong đó là những nội dung về hợp tác duy trì cục diện Biển Đông dựa trên pháp luật, bao gồm việc nâng cao năng lực quản lý biển của Việt Nam cũng như việc tàu chiến, tàu sân bay ghé các cảng biển của Việt Nam. Mỹ đang tích cực triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chống lại ý đồ bành trướng ngang ngược của Trung Quốc tại khu vực, trước hết là Biển Đông. Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng ở Biển Đông nói riêng và trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang trong các hoạt động gây hấn, xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông; tìm mọi cách đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, Mỹ đã có nhiều động thái thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông qua phát biểu của lãnh đạo và quan chức Mỹ gần đây và những hoạt động với tần xuất nhiều hơn, phạm vi và quy mô lớn hơn của lực lượng hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Qua chuyến thăm 4 nước Châu Á lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Esper phía Mỹ muốn phát đi thông điệp tới các nước trong khu vực là nên tin tưởng Mỹ và hoài nghi Trung Quốc, nên gắn kết với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc.
Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Esper chọn thăm Philippines và Việt Nam là hai nước đang chịu sức ép lớn nhất từ Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian gần đây, Trung Quốc nhiều lần cho các tàu khảo sát hoạt động trái phép trong vùng biển của Philippines, thậm chí vào sâu trong lãnh hải của Philippines; tàu của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines lênh đênh trên biển hồi tháng 6/2019….
Đối với Việt Nam, tàu khảo sát Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; uy hiếp hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam ở Biển Đông trong gầ 4 tháng (từ 04/7/2019 đến 24/10/2019). Mỹ là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất lên án hành vi của Trung Quốc, kể cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lần đầu tiên ra Tuyên bố chỉ trích hành vi bắt nạt các nước láng giềng của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đến thăm 2 nước này cùng với những phát biểu lên án mạnh mẽ những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm truyền tới Trung Quốc một thông điệp rằng Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc thi hành chính sách dọa nạt, cưỡng ép “cá lớn nuốt cá bé” với các nước láng giềng và Biển Đông không phải “ao nhà” của Trung Quốc; Mỹ sẽ cùng với các đồng minh và đối tác bảo vệ trật tự luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Chuyến công du bốn nước châu Á lần này minh họa cho điểm mới trong trọng tâm chiến lược quốc phòng của Mỹ: tập trung vào Trung Quốc như một mối đe dọa đối với sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Bầu cử Hồng Kông:
Trò “tẩy não” của ĐCSTQ đã thảm bại
Kết quả bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông hôm 24/11 cho thấy phe dân chủ đã toàn thắng, còn phe kiến chế thân Bắc Kinh đại bại, đây là thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ khi Hồng Kông chuyển giao chủ quyền về Trung Quốc Đại Lục. Trước bầu cử, hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tạo thanh thế cho phe kiến chế thân Bắc Kinh, nhưng kết quả cho thấy trò “tẩy não” đã thất bại. Có thể nói kết quả bầu cử là minh chứng rõ ràng ý dân Hồng Kông trong hơn 5 tháng chiến dịch biểu tình chống Dự luật Dẫn độ.
Bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông đã kết thúc sáng ngày 24/11, đạt mức cao kỷ lục mới với 2,94 triệu cử tri, tỷ lệ cử tri 71,2%, các ứng cử viên của phe dân chủ đã giành được chiến thắng áp đảo. Tính đến khoảng hơn 12 giờ trưa ngày 25/11 đã hoàn tất công tác kiểm phiếu tại 452 khu vực bầu cử ở Hồng Kông, kết quả phe dân chủ đã giành được 389 ghế, trong khi phe kiến chế thân Bắc Kinh chỉ giành được 60 ghế, giảm mạnh so với 292 ghế trong cuộc bầu cử quận lần trước đó.
Ê chề cho trò “tẩy não” của truyền thông của ĐCSTQ tại Đại Lục
Trước cuộc bầu cử, có thể nói hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ đã dùng mọi cách để “yểm trợ” cho phe kiến chế thân Bắc Kinh, không ngừng “tẩy não” người dân Hồng Kông với luận điệu “dùng lá phiếu ngăn chặn bạo loạn”.
Ngày 23/11, trang trực tuyến của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đăng bài bình luận, nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông “Đây là cơ hội dùng lá phiếu ngăn bạo loạn không thể bỏ qua”, “Đa số người im lặng phải phản công”. Cùng ngày, Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đăng tải video ngắn về hoạt động tuyên truyền của các minh tinh Hồng Kông mà tiêu biểu nhất là “vua điện ảnh Hồng Kông” Thành Long, qua đó yêu cầu người dân Hồng Kông sử dụng phiếu bầu để ngăn chặn bạo lực.
Trưa ngày 23/11, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ có bài bình luận rằng, “Hồng Kông cần các cuộc bầu cử công bằng dựa trên sự ổn định xã hội”. Bài viết cũng đề cập đến vụ ám sát ông nghị viên thân Bắc Kinh là Hà Quân Nghiêu, nhưng không đề cập đến thông tin về các nhân sĩ dân chủ bị tấn công. Kết quả là Hà Quân Nghiêu đã đại bại trong cuộc bầu cử này.
Một bài viết trên Nhật báo Bắc Kinh bình luận: “Chúng tôi mong muốn nhiều công dân Hồng Kông nhìn rõ sự thật, kiên quyết bảo vệ quê hương bằng phiếu bầu cùng nhiều hành động hơn nữa.”
Ngày 24/11, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục trò “đánh tráo khái niệm” với tweet cổ vũ cho phe kiến chế thân Bắc Kinh: “Bạn muốn một Hồng Kông hòa bình và thịnh vượng hay một Hồng Kông hung bạo và nổi loạn?”
Nhưng bây giờ, kết quả bầu cử đã chứng minh trò “tẩy não” của ĐCSTQ trước bầu cử đã hoàn toàn thất bại.
Truyền thông Hồng Kông thân Bắc Kinh và giới chấp pháp Hồng Kông cũng bị ‘bóc mẽ’
Trong bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông, nhiều nguồn tin xác nhận rằng ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông đã dùng toàn lực hỗ trợ phe kiến chế và can thiệp vào phe dân chủ, thậm chí còn có tình trạng cử tri bị cảnh sát cản trở khi tham gia bỏ phiếu.
Trong tình hình nguy ngập của phe kiến chế, hôm 24/11, tờ Văn Hối (Wenweipo) do Văn phòng Liên lạc Trung ương ĐCSTQ kiểm soát đã công bố một bài viết tựa đề “Phe kiến chế nguy cấp toàn diện, dựa vào lá phiếu để cứu Hồng Kông”, bài viết đảo lộn trắng đen đầy ý đồ “tẩy não” người Hồng Kông và kêu gọi bỏ phiếu cho phe kiến chế. Bài viết liệt kê nhiều vấn đề trong hoàn cảnh tuyệt vọng của phe kiến chế, đã phân phối “phiên bản miễn phí” cho công chúng. Nhật báo Apple đưa tin, một số nhân viên đi phân phát báo tiết lộ ban đầu người này được giao đi phân phát 500 bản, nhưng ngày 24/11 tăng lên hơn 1.000 bản.
Còn tờ Đại Công Báo (Takungpao) thân ĐCSTQ cũng phát miễn phí “Phiên bản tinh hoa”, điểm phân phối chỉ cách khu bỏ phiếu khoảng 100 mét, ngay trang đầu đã báo nguy cho phái kiến chế và thúc đẩy cử tri bỏ phiếu cho phái này.
Ngày 24/11, tờ Hk01 (Hồng Kông 01) thân ĐCSTQ cũng công bố hai bài bình luận, liệt kê “danh sách ứng cử viên không ủng hộ” gồm 19 người và “danh sách người nghiệp dư chen ngang không ủng hộ” gồm 184 người. Trong hai “danh sách không ủng hộ” này đa số là các ứng viên dân chủ.
Hai bài bình luận này đã gây nhiều tranh cãi. Ủy viên Hội đồng lập pháp Âu Nặng Hiên (Au Nok-hin) cho rằng cách làm của Hồng Kông 01 là vô trách nhiệm và “xúc phạm” ngành truyền thông. Minh Báo (Ming Pao) thì cho rằng cách làm kiểu xúi giục người ta không bầu như vậy là vi phạm nguyên tắc bầu cử, đã cân nhắc việc liên hệ với những người bị ảnh hưởng phải khiếu nại. Ngày 24/11, có ít nhất 114 biên tập viên của Hồng Kông 01 đã đưa ra tuyên bố chung bằng tên thật nhằm thể hiện quan điểm phản đối cách làm tùy tiện này, ảnh hưởng đến tính công bằng của hoạt động bầu cử, họ cùng nhấn mạnh cách làm như vậy “không đại diện cho lập trường của chúng tôi, không phản ánh quan điểm của chúng tôi.”
Ngoài ra, trong bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông ngày 24/11, một số người dân đã chụp được hình ảnh cảnh sát tham gia lôi kéo phiếu bầu cho phe kiến chế, thậm chí có cảnh sát đeo mặt nạ đe dọa cử tri.
ĐCSTQ không công bố kết quả bầu cử Hồng Kông
Địa điểm bầu cử Hội đồng quận Tuen Mun trong bầu cử Hội đồng quận tại Hồng Kông vào ngày 24/11/2019 (Hình: Epoch Times).
Mỉa mai là sau cuộc bầu cử vào ngày 25/11, trong hoạt động đưa tin của bộ máy truyền thông chính thống của ĐCSTQ khi đưa tin đã không đề cập đến kết quả bầu cử với tình hình thắng – bại của mỗi phe.
Sáng ngày 25/11, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin về bầu cử Hồng Kông đã chỉ cho biết tổng cộng có hơn 2,94 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu, với tỷ lệ cử tri là 71,2%. Theo sắp xếp bầu cử, toàn Hồng Kông có 615 trạm bỏ phiếu chung và 23 trạm bỏ phiếu chuyên dụng, thời gian bỏ phiếu là từ 7:30 đến 22:30 ngày 24/11. Đến khoảng 10h30 ngày 25/11 nhưng Tân Hoa Xã vẫn không cập nhật thông tin kết quả bầu cử cũng như tình hình thắng – thua của mỗi bên. Còn hôm 25/11, Nhật báo Nhân dân của ĐCSTQ cũng đã không đưa bất cứ thông tin gì về bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông. Trong khi Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ chỉ đưa tin rằng “kết quả bỏ phiếu (vào ngày 24) dần dần lộ diện, số ghế của phe kiến chế đã bị sụt giảm…”
Phân tích: Trò “tẩy não” của ĐCSTQ đã thất bại
Cuộc bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông lần này đã thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu.
Lord David Alton, nghị viên của Hạ viện Anh, người được mời tham gia “Ban giám sát bầu cử độc lập” đã viết bài cho rằng việc tỷ lệ người đi bầu đạt kỷ lục mới lần này là thông điệp quan trọng đối với chính quyền, chứng minh rằng người dân Hồng Kông tin vào dân chủ, luật pháp và nhân quyền. Ông nhấn mạnh người Hồng Kông phải có quyền bầu thị trưởng của họ chứ không thể do Bắc Kinh tự ý bổ nhiệm.
Hôm 24/11, trên Facebook cá nhân nhà hoạt động dân chủ Đại Lục Vương Đan (Wang Dan) đã cho biết, chiến thắng áp đảo của phe dân chủ trong bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông là chiến thắng đầy thú vị và cảm động. Vương Đan nhận định kết quả bầu cử này chắc chắn là “lời tố cáo” lớn nhất đối với ĐCSTQ. Truyền thông chính thống của ĐCSTQ hàng ngày dối trá rằng “hầu hết người dân Hồng Kông ủng hộ ngăn chặn bạo loạn”, nhưng giờ đây đã rõ giọng điệu chua ngoa của họ.
Nhà bình luận chính trị Trình Hiểu Dung (Cheng Xiaorong) cho biết, qua hơn 5 tháng chiến dịch biểu tình vì dân chủ, cuộc bầu cử này là ‘cái tát’ mạnh đối với ĐCSTQ. Để đối phó với phong trào vì tự do dân chủ của người Hồng Kông, ĐCSTQ đã thao túng số lượng lớn tổ chức truyền thông, ngăn chặn thông tin chuẩn mực, kích động chủ nghĩa dân tộc, tiến hành tuyên truyền “tẩy não” người Trung Quốc trong và ngoài nước. Ông cho biết bầu cử lần này báo với ĐCSTQ: Ý Trời không thể phạm, lòng dân không thể xem nhẹ. Nếu 1,4 tỷ người Đại Lục được bầu cử dân chủ như vậy, với mỗi người một phiếu bầu thì ĐCSTQ sẽ lập tức không còn chỗ đứng.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31800-bau-cu-hong-kong-tro-tay-nao-cua-dcstq-da-tham-bai.html
Mỹ tuần tra ở Hoàng Sa, Trường Sa
buộc TQ phải bám đuôi trên Biển Đông
Khi Hạm đội 7 của hải quân Mỹ điều tàu tác chiến ven biển Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn và tàu khu trục Wayne E. Meyer tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại cử tàu ra “bám đuôi” trên Biển Đông.
Theo thông tin trên, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã điều tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords (20/11) di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tàu khu trục Wayne E. Meyer (21/11) tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hoạt động trên là “dựa trên luật lệ quốc tế và thể hiện cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ các quyền, sự tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời được bảo đảm cho tất cả các quốc gia”.
Trong khi đó, Bộ tư lệnh Quân khu Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA, 22/11) xác nhận có điều động lực lượng bám đuôi chiếm hạm Mỹ khi các tàu này áp sát “những đảo tranh chấp” trên Biển Đông. Thông báo của Trung Quốc đồng thời kêu gọi phía Mỹ dừng các hành động khiêu khích trên Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ khẳng định tàu chiến nước này thách thức những tuyên bố chủ quyền cản trở quyền tự do hàng hải.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (22/11) cáo buộc Mỹ đã “làm tổn hại nghiêm trọng” cái mà Bắc Kinh tự nhận là “chủ quyền và sự an toàn của Trung Quốc, phá hủy hòa bình và ổn định trên Biển Đông”. Ông Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng: “Vào ngày 20 tháng 11, tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords của Hải quân Hoa Kỳ đã xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh đảo, rạn san hô ở quần đảo Nam Sa khi chưa được Chính quyền Trung Quốc cho phép. Vào sáng ngày 21 tháng 11, tàu khu trục Wayne E. Meyer của Hoa Kỳ đã xâm nhập vào vùng lãnh hải thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc. Quân khu Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã giám sát, theo dõi, xác minh và xua đuổi các tàu trên. Các hành động của Hoa Kỳ đã làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc và làm suy yếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phía Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố phản đối về vấn đề này. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không được các nước ở Biển Đông hưởng theo luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ chủ quyền và an ninh nào của quốc gia này dưới danh nghĩa hàng hải và hàng không. Hiện tại, tình hình ở Biển Đông nói chung ổn định và tất cả các bên liên quan tập trung vào đối thoại và hợp tác. Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ dừng ngay lập tức các hành động khiêu khích đó và không đi ngược lại xu hướng để tránh gây tổn hại cho hòa bình và yên tĩnh trong khu vực. Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia và bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Trên thực tế, cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đã xâm chiếm, kiểm soát và bồi đắp trái phép một số thực thể, bao gồm đá Vành Khăn, thành các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng bất chấp luật pháp và sự chỉ trích quốc tế. Những năm gần đây, để bảo vệ hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, Mỹ thường xuyên điều tàu chiến tuần tra trong khu vực, nhất là vùng biển trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá do Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, tuy Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh, Mỹ đã tích cực triển khai các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông còn là cách để Mỹ thực hiện một số mục tiêu quan trong: Gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. Thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. Duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cũng như hệ thống luật pháp quốc tế. Theo đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường ở Biển Đông. Từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo quân đội triển khai nhiều hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế cũng đánh giá những hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đã giúp ích cho Việt Nam trong đối đầu Việt – Trung liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định có ba lợi thế mà Việt Nam có được từ các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ: (1) Chương trình tuần tra tự do hàng hải của Mỹ duy trì thách thức về mặt pháp lý đối với các đòi hỏi quá đáng về chủ quyền không hợp lý của Trung Quốc…. (2) Chương trình tuần tra tự do hàng hải giúp duy trì cân bằng lỏng của cường quốc biển tại Biển Đông vì các tuần tra của Hải quân Mỹ cho thấy sự hiện diện và là biểu tượng hiện hữu là Mỹ có quyền lợi ở Biển Đông. (3) Tuần tra tự do hàng hải chuyển sự chú ý từ đối đầu Việt Trung trong trung tâm xung đột ở Biển Đông sang tập trung vào đối đầu Trung – Mỹ. Đáng chú ý, trong bối cảnh Philippines thay đổi thái độ trong vấn đề Biển Đông, chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc để đối
lấy viện trợ kinh tế đã khiến Việt Nam rơi vào thế bị động và có phần cô lập khi đấu tranh chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tuần tra tự do hàng hải sẽ là “mồi lửa” hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Được biết, hoạt động tuần tra trên của Mỹ diễn ra đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang thăm Việt Nam và có các tuyên bố cứng răn chỉ trích, lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời tái khẳng định cam kết ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền. Ông Mark Esper cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là để cho tất cả người dân được sống trong thịnh vượng, an ninh và tự do; cho tất cả các nước được tự do triển khai hoạt động thương mại và thực thi chủ quyền; và giữ cho các vùng biển và các tuyến đường thuỷ mà nền kinh tế của chúng ta dựa vào rộng mở với tất cả”; cho rằng “các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột. Mỹ kiên quyết phản đối hành vi dọa nạt của các bên yêu sách nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hay hàng hải, và chúng tôi kêu gọi chấm dứt các hành động bắt nạt và phi pháp đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển. Hành vi ứng xử như vậy hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định”.