IRASEC: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Pháp

Cac Bai Khac

No sub-categories

IRASEC: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Pháp
Thu Hằng

Ảnh ghép một số tác phẩm của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, IRASEC, Bangkok, Thái Lan.RFI / Tiếng Việt

“Đánh giá lại chủ nghĩa tư bản và xã hội châu Á trong thế kỷ XXI: Tổng quan so sánh các thành tựu của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới và những thách thức phía trước”, đây là chủ đề hội thảo quốc tế gần đây nhất, có quy mô lớn, diễn ra trong hai ngày 07-08/11/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh, được Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại kết hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, đồng tổ chức.

Vào đầu tháng 11/2019, RFI Tiếng Việt đã gặp và phỏng vấn bà Claire Trần, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại – IRASEC (Institut des Recherches sur l’Asie du Sud-Est contemporain) ở Bangkok để tìm hiểu về lịch sử, chức năng và hoạt động nghiên cứu của Viện.

PV. Claire Trần, Giám đốc Viện IRASEC 28/11/2019

RFI: Xin bà giới thiệu về Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Pháp và tại sao IRASEC lại có trụ sở ở Bangkok ?

Claire Trần : IRASEC là một viện nghiên cứu nằm trong số 27 trung tâm nghiên cứu của Pháp ở nước ngoài, trên mọi châu lục, châu Phi, châu Mỹ, châu Á… Và có 5 trung tâm nghiên cứu Pháp tại châu Á được Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) và bộ Ngoại Giao Pháp đồng tài trợ.

Tại châu Á, Pháp có trung tâm nghiên cứu lâu đời nhất ở Tokyo, đó là Nhà Pháp-Nhật (Maison Franco-Japonaise). Một trung tâm khác, cũng có từ lâu, nằm ở Pondichery, Ấn Độ, cùng với một chi nhánh ở New Delhi. Ngoài ra, Pháp cũng có một trung tâm khác ở Hồng Kông và một chi nhánh ở Đài Bắc (Đài Loan). IRASEC là viện trẻ nhất trong số trên, được thành lập cách đây gần 20 năm ở Bangkok.

IRASEC không chỉ nghiên cứu về những vấn đề ở Thái Lan mà nghiên cứu toàn khu vực, gồm 11 nước Đông Nam Á , khác với những trung tâm chỉ nghiên cứu về Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên. Ở Bangkok, chúng tôi chỉ có một nhóm nhỏ khoảng 4-5 nhà nghiên cứu, trong đó có giám đốc Viện, một người phụ trách xuất bản. Nhưng chúng tôi có những nhà nghiên cứu tại các nước đối tượng nghiên cứu của họ. Ví dụ, năm 2018, chúng tôi có một nhà nghiên cứu ở Miến Điện, một người khác ở Thái Lan.

Năm 2019, chúng tôi có một nhà nghiên cứu ở Thái Lan và một người khác ở Việt Nam. Trong số hai nhà nghiên cứu này, một người nghiên cứu về những thành phố trên Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc ở Đông Nam Á, một người khác, Trần Thị Anh Đào, hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu về nhiều vấn đề, trong đó có tác động về môi trường, vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước dâng cao đối với kinh tế Việt Nam. Đó chỉ là hai ví dụ để nói rằng các nhà nghiên cứu của Viện hoạt động trong một nước sở tại của ASEAN và chúng tôi gặp nhau ở một số sự kiện, cũng như trong các ấn bản hoặc các cuộc hội thảo.

Vậy Viện IRASEC tập trung vào những ưu tiên nghiên cứu nào?

IRASEC có nhiều ưu tiên nghiên cứu, như chuyển giao chính trị, các vấn đề về tôn giáo. Tiếp theo là vấn đề lãnh thổ và đô thị. Chủ đề thứ ba là khối ASEAN và vấn đề hội nhập. Chủ đề thứ tư tập trung vào sự năng động xã hội, di cư và vấn đề giới. Và cuối cùng, một hướng nghiên cứu mới của Viện là xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu.

Những trọng tâm nghiên cứu này được phát triển theo từng nước và so sánh, đối chiếu giữa các nước. Tôi cũng muốn nói thêm là trong số những chủ đề nghiên cứu chính của Viện, bên cạnh những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, chúng tôi cũng tạo vai trò quan trọng cho những nhà nghiên cứu trẻ đến Viện, thông qua học bổng hoặc chương trình thực tập, để hiểu rõ hơn về vùng Đông Nam Á.

Ngoài các hoạt động nghiên cứu và hội thảo, Viện IRASEC xuất bản nhiều công trình nghiên cứu. Hoạt động này được Viện tổ chức như thế nào ?

Chúng tôi xuất bản từ rất lâu. Đó là những tác phẩm, đầu tiên là bằng tiếng Pháp, nhưng ngày càng có nhiều ấn bản bằng tiếng Anh. Tác phẩm quan trọng của Viện IRASEC mang tên Đông Nam Á : Tổng kết, thách thức và triển vọng(Asie du Sud-Est : Bilan, Enjeux et Perspectifs), được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết về tình hình năm trước ở mỗi quốc gia trong khối ASEAN, do các chuyên gia về nước đó, hoặc các nhà báo, soạn thảo. Chúng tôi đang chuẩn bị cho tập Đông Nam Á 2020 nói về những sự kiện diễn ra trong năm 2019 và dĩ nhiên là sẽ có một bài viết về Việt Nam. Sách được phát hành vào mùa Xuân 2020.

Trong tác phẩm này, chúng tôi đề cập các vấn đề theo đề tài và chủ đề xuyên suốt, ví dụ chúng tôi từng nói đến vấn đề dân số và đô thị hóa tại các thành phố Đông Nam Á. Chúng tôi cũng đề cập đến dự án Con đường Tơ lụa mới và đầu tư của Trung Quốc, cũng như các khu vực phi thuế quan, trong đó có Việt Nam và Lào. Hoặc chúng tôi cũng thống kê về việc kêu gọi vốn ở Đông Nam Á. Có thể nói đó là một tác phẩm rất quan trọng. Chúng tôi đề cập đến những chủ đề theo từng nước.

Riêng về Việt Nam, chúng tôi có một tài liệu tham khảo Việt Nam đương đại (Vietnam contemporain) nhằm tổng kết, đánh giá tình hình Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi cũng in một tác phẩm về vấn đề đất đai ở Việt Nam, về vai trò của giới tinh hoa. Gần đây nhất, chúng tôi xuất bản một cuốn sách nhỏ về di dân Việt Nam, mang tên Hành trình đến Vương quốc Anh (En route vers le Royaume-Uni) cùng với tổ chức phi chính phủ France Terre d’Asile. Có thể thấy là chúng tôi có rất nhiều loại ấn phẩm khác nhau.

Ngoài ra, tôi rất muốn gửi đến thính giả RFI là từ một năm nay, chúng tôi đã phát triển một chương trình để mọi người có thể tự do truy cập mọi công trình nghiên cứu của IRASEC. Có nghĩa là độc giả có thể truy cập vào trang này và tải về các bài viết hoặc toàn bộ tác phẩm bằng tiếng Pháp, bằng biếng Anh kể từ cuối năm 2019. Có nhiều tác phẩm truy cập được, không chỉ về Việt Nam vì chúng tôi nghiên cứu khắp khu vực, mà còn có những sách nói về ASEAN hoặc vai trò của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Với mạng lưới các nhà nghiên cứu ở các nước sở tại, liệu điều này có giúp những công trình, tác phẩm nghiên cứu của Viện IRASEC trở nên xác đáng hơn, hợp với thời sự trong khu vực hơn không?

Những nhà nghiên cứu tham gia IRASEC là những nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) hoặc giảng viên của các trường đại học được biệt phái đến Bangkok hoặc một trong những nước trong vùng. Nhờ đó, họ lưu lại nghiên cứu thực địa lâu hơn, nhưng đặc biệt là giúp họ có cơ hội hợp tác với các đối tác địa phương. Tôi nhấn mạnh điểm này vì đó không phải là những nhà nghiên cứu đến tìm tòi, viết sách rồi quay về Pháp. Điều quan trọng đối với chúng tôi là được hợp tác với các đối tác, như Thái Lan hoặc Việt Nam chẳng hạn. Vì sự kết hợp này cho phép chia sẻ và phát triển kiến thức.

Tôi lấy ví dụ năm 2018, chúng tôi tổ chức một hội thảo và một triển lãm ảnh về những người lính châu Á trong Thế Chiến I. Để thực hiện dự án này, chúng tôi đã kết hợp với đại học hoàng gia Thái Lan Chulalongkorn, đơn vị đóng góp rất nhiều cho hội thảo trên. Điều đó muốn nói là IRASEC không hoạt động một mình, các nhà nghiên cứu cũng không làm việc đơn lẻ mà kết hợp với các đối tác địa phương.

Như bà nói ở trên, Pháp có 27 trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Hệ thống này có nằm trong chiến lược «tỏa sáng» đang được Pháp triển khai ?

Đúng là bộ Ngoại Giao đề cập đến «tỏa sáng» ngành nghiên cứu Pháp ra thế giới, nhưng tôi lại cho rằng Viện IRASEC góp phần vào quá trình hợp tác khoa học giữa Pháp với các tất cả đồng nghiệp trên thế giới, đặc biệt là với Việt Nam. « Tỏa sáng », đúng, nhưng « hợp tác » là trên hết bởi vì ngành khoa học, nghiên cứu khoa học không chỉ dừng ở cấp quốc gia mà mang tính toàn cầu.

Để có những tiến bộ trong nghiên cứu, chúng tôi phải kết hợp với các đồng nghiệp châu Á, Hoa Kỳ, châu Phi, Nga… Điều quan trọng là IRASEC có thể làm việc với các đồng nghiệp Thái Lan, Việt Nam, nhưng cũng phối hợp với các nhà nghiên cứu Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Gần đây, tôi được mời đến Đại học Kyoto (Nhật Bản) và Đại học Seoul (Hàn Quốc). Những trường đại học đó cũng phát triển các trung tâm nghiên cứu riêng của họ về Đông Nam Á. Vì vậy, điều quan trọng đối với chúng tôi là có thể nắm bắt được quan điểm và cách đánh giá của đồng nghiệp châu Á, thường không hẳn có cùng cách nhìn với Pháp hoặc châu Âu.

Cuối cùng, tôi muốn nói thêm là chúng tôi cũng kết hợp với nhiều đối tác châu Âu. Chúng tôi thường xuyên đón những sinh viên, đồng nghiệp từ châu Âu và họ có thể tham gia vào các dự án tập thể. Tất cả những điều trên cho thấy rằng nghề nghiên cứu không thuộc phạm vi một quốc gia, mà là quốc tế. Vì thế, chúng tôi « tỏa sáng», nhưng bằng cách hợp tác với các đối tác trong vùng và châu Âu.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Claire Trần, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Pháp tại Bangkok, Thái Lan.

RFI