Quốc hội Việt Nam hôm 25/11 thông qua luật sửa đổi cho phép người nước ngoài được miễn thị thực khi họ đến các “khu kinh tế đặc biệt”, dẫn đến nhiều tiếng nói phản đối, bày tỏ bất bình của người dân trên mạng xã hội.
Các báo trong nước, trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Tiền Phong, đưa tin cho hay Luật xuất nhập cảnh sửa đổi, bổ sung được thông qua vào chiều 25/11 với 404 đại biểu tán thành, tương đương 83,64% tổng số đại biểu quốc hội. Các điều luật mới sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.
Nội dung được nhiều người chú ý đến là khoản 7 điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 12 của luật hiện hành về trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam.
Quy định mới viết rằng ngoài những trường hợp đang áp dụng, việc miễn thị thực sẽ được mở rộng, dành cho cả những người nước ngoài khi “vào khu kinh tế ven biển do chính phủ quyết định”.
Các khu kinh tế dạng này phải đáp ứng đủ các điều kiện gồm: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”, theo các bài báo.
Thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển là 30 ngày, các bản tin cho biết.
Dự thảo về luật đặc khu người ta không đưa ra bàn thảo nữa vì phản ứng rất mạnh mẽ của người dân, thì nay quy định này lại được đưa vào luật xuất nhập cảnh, như vậy, có thể nói là cách thức làm luật nó chưa phản ánh đúng với lòng dân. – Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-an ninh của quốc hội, ông Võ Trọng Việt được báo chí trích lời đưa ra nhận xét rằng việc bổ sung quy định kể trên là “cần thiết”. Ông Việt khẳng định việc miễn visa là động thái “vừa tạo thuận lợi” cho người nước ngoài vào đầu tư, hoạt động tại khu kinh tế ven biển, “vừa bảo đảm chặt chẽ” về công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu, người thường đưa ra các ý kiến phản biện, có cái nhìn khác về vấn đề này.
Viết trên trang Facebook cá nhân có tổng cộng gần 45.000 bạn bè và người theo dõi, tiến sĩ Chukhẳng định quy định mới chủ yếu tạo thuận lợi cho người Trung Quốc để họ sẽ được “tự do ra vào Vân Đồn và Phú Quốc mà không phải xin thị thực”.
Ông cũng lưu ý rằng nhiều người Trung Quốc đến Vân Đồn song không chỉ dừng lại ở đó mà còn đi vào lục địa Việt Nam.
Vân Đồn ở miền bắc, Phú Quốc ở miền nam và Bắc Vân Phong ở miền trung là 3 địa điểm được giới lãnh đạo Việt Nam nhắm đến phát triển thành các đặc khu kinh tế với các chính sách riêng, thông thoáng hơn, bao gồm cả miễn thị thực cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, chủ trương này vấp phải sự phản đối mãnh liệt hồi năm ngoái khi người dân lo sợ rằng 3 đặc khu sẽ bị người Trung Quốc lợi dụng, dần dần biến thành các vùng “tự trị”, “ly khai” của Trung Quốc.
Những tiếng nói phản đối, mà đỉnh điểm là một số cuộc biểu tình bạo lực hồi tháng 6/2018, đã dẫn đến việc đình hoãn vô thời hạn đối với dự luật về đặc khu.
Dưới con mắt của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, quy định mới về thị thực được xem như một cách lách luật, làm cho “Vân Đồn và Phú Quốc nghiễm nhiên biến thành đặc khu cho người Trung Quốc mà không cần phải thông qua luật đặc khu”.
Ông viết tiếp rằng “Các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được lợi ích của mình bất chấp phải thí đi lợi ích của Tổ Quốc”.
Bài viết của ông nhanh chóng được hàng chục nghìn người chia sẻ, đăng lại, và bình luận, kể cả trong nhiều diễn đàn có hàng trăm nghìn thành viên như Bàn luận về Kinh tế-Chính trị, Góc nhìn Báo chí Công dân, Nhật ký Yêu nước.
Chung suy nghĩ với tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, một nhà nghiên cứu khác cũng thường lên tiếng phản biện về các vấn đề chính trị, xã hội – tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – nói với VOA rằng ông “thất vọng” khi thấy quốc hội thông qua việc miễn thị thực.
Tiến sĩ Giao nói thêm: “Điều này rất nguy hại cho an ninh quốc gia, và cách làm như vậy tôi nghĩ có gì đó không ổn. Dự thảo về luật đặc khu người ta không đưa ra bàn thảo nữa vì phản ứng rất mạnh mẽ của người dân, thì nay quy định này lại được đưa vào luật xuất nhập cảnh, như vậy, có thể nói là cách thức làm luật nó chưa phản ánh đúng với lòng dân”.
Tiến sĩ Giao, cũng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nói ông có chung quan sát như tiến sĩ Chu, ghi nhận thực tế rằng đại đa số người nước ngoài đến các khu kinh tế ven biển, một khái niệm mới thay thế cho cụm từ “đặc khu”, đều là người Trung Quốc.
Cái năng lực quản lý nhà nước của chúng ta kiểm soát các hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật của người nước ngoài trên đất Việt Nam hiện nay cũng đang rất yếu kém rồi, đã xảy ra rất nhiều vụ rồi. Thế mà bây giờ lại tràn lan để người nước ngoài được miễn thị thực vào các vùng kinh tế biển.Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao
Ông Giao khẳng định việc người dân Việt Nam lo âu về sự hiện diện của người Trung Quốc là có nhiều cơ sở, đó là ngoài chuyện họ kết hôn với người Việt, lập các khu phố Tàu ở nhiều địa phương, gần đây, người Trung Quốc còn gây ra một loạt các vụ phạm pháp như sản xuất ma túy, lừa đảo hoặc cờ bạc công nghệ cao, thậm chí phạm tội giết người.
Trong khi đó, nhà chức trách Việt Nam không tỏ ra họ có thể kiểm soát được tình hình. Tiến sĩ Giao nhận xét với VOA rằng điều luật mới về miễn thị thực là “rất nguy hiểm”. Ông nói rõ hơn:
“Cái năng lực quản lý nhà nước của chúng ta kiểm soát các hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật của người nước ngoài trên đất Việt Nam hiện nay cũng đang rất yếu kém rồi, đã xảy ra rất nhiều vụ rồi. Thế mà bây giờ lại tràn lan để người nước ngoài được miễn thị thực vào các vùng kinh tế biển. Mà giữa các khu kinh tế biển làm gì có ranh giới đâu. Đến biên giới chúng ta kiểm soát còn khó nữa là ranh giới vào các khu kinh tế biển”.
Nhắc lại một loạt động thái gần đây của Trung Quốc đưa các loại tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh Trung Quốc đã và đang thực hiện dã tâm chiếm biển, đảo của Việt Nam.
Vì vậy, một mặt, ông đặt ra câu hỏi vì sao các đại biểu quốc hội lại thông qua luật sửa đổi bị xem như một bước đi trí trá thay cho luật đặc khu đang bị đình hoãn? Mặt khác, ông cũng nêu ra câu hỏi liệu một lượng lớn người Trung Quốc được miễn thị thực có mặt ở Việt Nam vào cùng một thời điểm mà tiếp ứng cho dã tâm của Trung Quốc, quân đội Việt Nam có phản ứng kịp hay không, việc bảo vệ an ninh, chủ quyền có bảo đảm được hay không?
Bình luận về làn sóng những ý kiến bất bình hiện nay trên mạng xã hội về luật sửa đổi, tiến sĩ Giao khẳng định điều đó cho thấy “lòng dân không yên” và các lãnh đạo nhà nước “cần phải lưu ý”.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 25/11, chỉ có 26 đại biểu – tương đương 5,38% tổng số đại biểu quốc hội – không tán thành luật xuất nhập cảnh sửa đổi.
Trước đó, theo báo chí trong nước, hôm 14/11, khi thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung luật này, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, đại diện cho Đà Nẵng, đã đề nghị cân nhắc kỹ quy định giao cho chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh.
Bà Thúy cho rằng trong bối cảnh vùng biển Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng, quy định mới có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch. Nhưng những tiếng nói như của bà Thúy là quá ít ỏi, quá muộn màng.