Tin Biển Đông – 22/112019
Tàu chiến Mỹ hai lần đi qua Trường Sa và Hoàng Sa
Tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đã hai lần đi qua các đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa trong những ngày gần đây. Hãng tin Reuters trích nguồn tin từ giới chức quân sự Mỹ cho biết như vậy hôm 21/11.
Phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, Reann Mommsen cho Reuters biết, tàu chiến Gabrielle Gifford đã đi qua vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn hôm 20/11. Đá Vành Khăn là đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây lấp thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước.
Người phát ngôn Hạm đội 7 cũng cho biết một tàu chiến khác là Wayne E. Meyer đã đi qua vô hại gần quần đảo Hoàng Sa vào hôm thứ Năm, ngày 21/11.
Bà Reann Mommsen cho biết các chuyến đi này của tàu chiến Mỹ hoàn toàn theo luật và “cho thấy cam kết của Mỹ duy trì quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển, vùng trời đã được đảm bảo cho mọi quốc gia”.
Phía Trung Quốc hôm 22/11 cũng đã xác nhận thông tin hai tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này và cho biết Trung Quốc đã theo dõi đường đi của tàu Mỹ.
Người phát ngôn Quân khu Miền Nam của quân đội Trung Quốc sau đó ra tuyên bố kêu gọi Hoa Kỳ phải “dừng ngay các hành động gây hấn và tránh bất cứ vụ tai nạn không dự đoán trước nào”. Trung Quốc cũng đồng thời khẳng định: “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Biển Đông và khu vực xung quanh”.
Chuyến đi của các tàu chiến Mỹ ở khu vực Biển Đông xảy ra vào lúc có chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đến Châu Á, trong đó có Việt Nam và Philippines. Nhân chuyến thăm này, phía Hoa Kỳ đã tuyên bố cung cấp cho Việt Nam một tàu tuần duyên mới để tăng cường khả năng tuần tra ở Biển Đông.
Mỹ cam kết duy trì hoạt động tuần tra ở Biển Đông
Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein tái khẳng định cam kết Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trong vùng Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát chiến lược vùng biển này.
Ông nhắc lại cam kết Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp có tấn công vũ trang trong chuyến thăm Philippines ngày 16-8.
Theo trang Rappler, trả lời báo chí quốc tế trong cuộc họp báo qua điện thoại về việc không quân và hải quân Mỹ sẽ thể hiện mức độ răn đe nào trước các hành động bành trướng của Trung Quốc, tham mưu trưởng David Goldfein cho biết: “Chúng tôi khẳng định không ngừng duy trì sự sẵn sàng và năng lực của quân đội Mỹ trong tuần tra hàng hải, hàng không ở nơi chúng tôi cần có mặt, khi chúng tôi cần có mặt. Chúng tôi sẽ không giảm bớt sự quan tâm này trong tương lai. Đây là cam kết của chúng tôi với khu vực”.
Ông Goldfein và ông Charles Brown Jr., chỉ huy Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ, đều có mặt ở Manila ngày 16-8 trong bối cảnh người dân, báo chí Philippines rất quan tâm trước một loạt cuộc cuộc xâm nhập của tàu hải quân Trung Quốc vào lãnh hải Philippines từ tháng 2 đến đầu tháng 8 năm nay.
Ông Goldfein khẳng định mọi sự vi phạm đối với “quy tắc trật tự quốc tế” đều đáng quan ngại. “Theo tôi, thẳng thắn mà nói, bất cứ hoạt động trên biển hoặc trên không vốn đang gia tăng hiện nay, kể cả các hoạt động về không gian và trên mạng, phải tuân thủ các quy tắc quốc tế về trật tự chung.
Do đó dù bất cứ ai trong khu vực vi phạm điều này, đây cũng là vấn đề đáng quan ngại. Vì vậy, một phần trong sự hiện diện và tham gia của chúng tôi ở đây là để đảm bảo các khu vực quốc tế chung thuộc về tất cả mọi người. Mọi người, trong đó có Trung Quốc, đều có lợi khi có tự do hàng hải”.
Ngày 9-8 vừa qua, chuẩn đô đốc Karl Thomas, chỉ huy nhóm tác chiến 70 của tàu sân bay USS Ronald Reagan, cũng khẳng định hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại Biển Đông để đảm bảo an ninh và tự do hàng hải.
Các phát biểu của quan chức Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên tiếng chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng hành vi này cùng với chính sách kinh tế của Bắc Kinh đang gây bất ổn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trước đó, giới chức Mỹ cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để đe dọa các quốc gia khác là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực.
http://biendong.net/bi-n-nong/31637-my-cam-ket-duy-tri-hoat-dong-tuan-tra-o-bien-dong.html
Trung Cộng phẫn nộ vì tàu chiến Hoa Kỳ
di chuyển ở vùng Biển Đông bị tranh chấp
Tin từ Washington, DC – Khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters vào hôm thứ Năm (21/11), quân đội Hoa Kỳ cho biết các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ hai lần di chuyển gần các đảo bị Trung Cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong vài ngày qua, tại thời điểm căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo tin từ Reuters, tuyến đường thủy bận rộn này là một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ – Trung, bao gồm một cuộc chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Hồng Kông và Đài Loan.
Trong các cuộc đàm phán cấp cao vào đầu tuần này, Trung Cộng kêu gọi quân đội Hoa Kỳ ngừng phô trương thanh thế ở Biển Đông và gây ra thêm “những bất ổn mới” về vấn đề Đài Loan, nơi bị Trung Cộng xem là một tỉnh ngoan cố.
Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên khiến Trung Cộng phẫn nộ bằng cách thực hiện các chiến dịch “tự do hàng hải” bằng các tàu gần một số đảo mà Trung Cộng chiếm đóng, khẳng định quyền tự do tiếp cận các tuyến đường thủy quốc tế.
Chỉ huy Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, thông báo với hãng tin Reuters rằng tàu chiến đấu ven biển Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn vào hôm thứ Tư. Ông Mommsen cho biết tàu khu trục Wayne E. Meyer thách thức những hạn chế đối với việc qua lại không gây hại ở quần đảo Hoàng Sa vào hôm thứ Năm.
Vào hôm thứ Sáu, quân đội Trung Cộng xác nhận rằng hai tàu chiến của Hoa Kỳ đi qua các tuyến đường thủy gây tranh cãi, đồng thời cho biết họ theo dõi hành trình của các tàu Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-phan-no-vi-tau-chien-hoa-ky-di-chuyen-o-vung-bien-dong-bi-tranh-chap/
‘Vòng vây pháp lý’
để đấu tranh với Trung Quốc trên Biển Đông
Các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế nên phối hợp cùng nhau tạo thành một ‘vòng vây pháp lý chặt chẽ’ mà Trung Quốc không thể nào né tránh được trên vấn đề Biển Đông và Việt Nam nên cân nhắc kiện Trung Quốc về hành vi xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của họ, các học giả về Biển Đông khuyến nghị tại một hội thảo mới đây ở Washington DC.
Hội thảo với chủ đề ‘Tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ nhất và xa hơn nữa’ được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 18/11 đã phân tích những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, các đảo quốc Thái Bình Dương và đề xuất sự phối hợp về chính sách trong khu vực.
Trên mặt trận pháp lý, hành động nổi tiếng nhất ở Biển Đông là vụ kiện của Philippines vốn được Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vào giữa năm 2016 rằng ‘chủ quyền lịch sử’ mà Trung Quốc tuyên bố đối với đường chín đoạn trên Biển Đông là ‘không có cơ sở’ trong luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này với lập luận rằng ‘chủ quyền lịch sử’ của họ có trước khi Công ước Quốc tế về Luật Biển được ký kết vào năm 1982. Mặt khác, phán quyết của PCA không hề có cơ chế thực thi để buộc Bắc Kinh từ bỏ đường chín đoạn của mình.
Muốn tự làm luật?
Đánh giá về lập trường của Trung Quốc, bà Atsuko Kanehara, giáo sư về Luật Quốc tế thuộc Đại học Sophia, Nhật Bản, cho rằng Bắc Kinh ‘muốn đơn phương thay đổi luật pháp quốc tế một cách cưỡng bức’.
“Về mặt nguyên tắc, luật pháp quốc tế được tạo ra dựa trên sự đồng ý của các quốc gia có chủ quyền,” bà giải thích.
“Từng nước không được phép đơn phương viết nên luật quốc tế,” bà nói thêm và nhấn mạnh rằng Trung Quốc ‘đã đơn phương’ đòi hỏi ‘quyền lịch sử’ trên Biển Đông.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng có một số trường hợp luật quốc tế cho phép mỗi nước được hành động đơn phương, chẳng hạn như xác định giới hạn của phạm vi của quyền tài phán đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng việc tự xác định này ‘phải dựa trên các điều luật liên quan’.
Do đó, bà Kanehara nói yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc không dựa trên luật pháp quốc tế là ‘đáng lên án’ và ‘sai trái’.
Không chỉ vi phạm luật quốc tế với yêu sách chủ quyền mà hành động của Bắc Kinh trên thực địa cũng ‘đi ngược lại luật pháp quốc tế’, vị giáo sư đến từ Nhật nói tại hội thảo.
“Luật pháp quốc tế nghiêm cấm cả sử dụng vũ lực lẫn đe dọa dùng vũ lực,” bà nói.
Bà đưa ra dẫn chứng là các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên hộ tống các tàu cá của họ đi vào vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của các nước quanh Biển Đông trong nỗ lực khẳng định chủ quyền.
“Không thể phủ nhận rằng chiến lược của Bắc Kinh sử dụng các tàu hải cảnh, thậm chí là tàu quân sự, và biến ngư dân thành dân quân đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng,” bà nói.
“Tôi có thể nói rằng những chiến lược này có thể được xem như là hành vi cưỡng ép.”
Bà chỉ ra rằng Nhật Bản, với tư cách là một nước tôn trọng luật pháp quốc tế, đã đối phó với sự xâm lấn của Trung Quốc vào ‘vùng biển của Nhật’ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước đang có tranh chấp trên Biển Hoa Đông với tinh thần là ‘không làm leo thang căng thẳng giữa hai nước’.
Do đó, thay vì triển khai quân đội, tức Lực lượng Phòng vệ trên Biển, để đối phó với sự xâm nhập của phía Trung Quốc, Tokyo sử dụng lực lượng dân sự là các tàu tuần duyên, bà cho biết.
“Nhật với sự cẩn trọng cao nhất đã cố gắng tránh cho tình hình căng thẳng trên Biển Hoa Đông leo thang thành đối đầu quân sự,” bà nói và giải thích rằng Tokyo muốn tránh các biện pháp sức mạnh vốn luật pháp quốc tế không cho phép ‘nhiều nhất có thể’.
Bên cạnh đó, Tokyo còn tranh thủ các diễn đàn song phương và đa phương trong khu vực để đối phó với Trung Quốc.
Bà cho biết Nhật Bản đang mong đợi Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mà các nước Asean đang đàm phán với Trung Quốc sớm ra đời để kiểm soát các hành động của Trung Quốc và Bộ Quy tắc Ứng xử này cần ‘phải đủ mạnh để buộc Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế’.
Bà nói rằng Tokyo ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế và kêu gọi các nước tranh chấp trên Biển Đông cũng dùng luật pháp quốc tế để đối phó với Trung Quốc.
“Chúng ta cần phải xây dựng một vòng pháp lý mạnh mẽ mang tính bao vây mà Trung Quốc không thể nào thoát ra được,” bà đề xuất và dẫn ra việc Nhật Bản cùng Mỹ các nước như Anh, Pháp, Úc đã hợp tác để duy trì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế để chống lại đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.
“Cách làm này sẽ không có kết quả ngay lập tức,” bà nhìn nhận. “Nếu không có lập trường kiên định và mạnh mẽ trong một thời gian thì sẽ rất khó để đạt được kết quả mong muốn.”
Bà cũng lưu ý rằng bản thân Bắc Kinh, mặc dù bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế, nhưng cũng vẫn phải dựa vào luật pháp quốc tế. Bà đưa ra bằng chứng là ngay từ đầu cho đến cuối quá trình thụ lý vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh đã đưa ra rất nhiều tuyên bố giải thích cho lập trường của họ về ‘chủ quyền lịch sử’ mà trong đó họ lập luận rằng quyền lịch sử này ‘dựa trên tập quán luật pháp quốc tế (customary international law)’.
“Do đó, tôi nghĩ là luật pháp quốc tế cũng có tác dụng ngay cả đối với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc cũng cần sự giải thích pháp lý (đối với yêu sách chủ quyền của họ),” bà phân tích.
Việt Nam nên kiện?
Trao đổi với VOA bên lề hội thảo về những lá bài nào Việt Nam có thể dùng để đối phó với Trung Quốc trong thời gian tới sau khi Bắc Kinh gần như đã tạo dựng được một hiện trạng mới trên Biển Đông, ông Collin Koh Swee Lean, nghiên cứu viên của Trường Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, cho rằng Hà Nội ‘có một số lựa chọn’.
“Giờ đây họ đã nắm chức chủ tịch khối Asean (trong năm 2020) và đó là một công cụ rất hữu dụng,” ông phân tích và chỉ ra rằng Bắc Kinh rút tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính là ‘do đón đầu Việt Nam sắp làm chủ tịch Asean’.
Ông Collin cũng nhắc lại là tại cuộc họp mới đây để thảo luận về COC, Việt Nam đã ‘có lập trường hết sức mạnh mẽ đến mức một vài nước Asean còn nói riêng với nhau rằng Hà Nội đã ‘cướp diễn đàn’ (hijack) của quá trình đàm phán COC’.
“Hà Nội thật sự đã gây sức ép lên Trung Quốc,” ông nhận định và cho rằng sử dụng các tiến trình trong Asean để gây sức ép lên Trung Quốc là một phương cách mà Hà Nội có thể sử dụng trong năm làm chủ tịch Asean.
Một biện pháp nữa mà ông Collin cũng đề xuất là ‘tiến trình pháp lý’, tức là kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực như Philippines đã từng làm.
“Việt Nam có thể dựa vào phán quyết hồi năm 2016 của PCA để tham khảo. Khi đó, họ sẽ có cơ hội rất cao để thắng kiện Trung Quốc,” ông nhận định.
“Việc này có thể sẽ gây tổn hại về thanh danh cho Trung Quốc vì nó sẽ là một thất bại nữa đối với Bắc Kinh trên mặt trận pháp lý.”
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên cân nhắc tăng cường hợp tác với Mỹ và các nước khác. Trong khuôn khổ Asean, vốn bị chia rẽ trên các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, ông Collin đề nghị Hà Nội nên làm việc song phương với những nước có cùng chung lập trường để có sự phối hợp về Biển Đông ‘thay vì mong chờ Asean đạt được sự thống nhất’.
Về câu hỏi có phải Việt Nam hiện nay đang đơn độc trong nỗ lực đối phó tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông hay không khi mà các nước tranh chấp khác như Malaysia hay Philippines đã chọn thái độ im lặng hay gần như đầu hàng, ông Collin nói rằng Việt Nam không thật sự đơn độc vì thái độ của các nước phức tạp hơn thế.
“Cho đến nay Việt Nam vẫn liên tục lên tiếng rất mạnh mẽ phản đối các hành động của Trung Quốc trong khi chúng ta không hề thấy điều này ở các nước Philippines và Malaysia,” ông cho biết. “Hai nước này dường như né tránh và đôi khi các lãnh đạo của họ còn đưa ra những tuyên bố cho thấy tâm lý chịu thua. Điều này đem đến cảm giác là họ đang đầu hàng Trung Quốc.”
“Chúng ta cần phải phân biệt giữa những gì họ nói và những gì xảy ra trên thực địa,” ông nói thêm và cho biết mặc dù ngoài mặt tỏ vẻ nhún nhường trước Bắc Kinh nhưng Manila và Kuala Lumpur ‘đã có sự hợp tác rất mạnh mẽ với các đối tác như Mỹ, Nhật’.
“Đó là tín hiệu mà họ gửi đến Bắc Kinh. Họ muốn nói rằng chúng tôi đang muốn giữ thể diện cho quý vị và cho quý vị thêm không gian hành động nhưng mặt khác chúng tôi không hề lơi lỏng quyết tâm,” ông nói.
Giải thích về động cơ khiến Trung Quốc gần đây có hành động quyết liệt trên Biển Đông, ông Collin cho rằng giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu sức ép của người dân trong nước phải hành động.
“Họ đối mặt với những vấn đề trong nước cho nên họ phải đẩy các vấn đề đó ra ngoài để củng cố lòng tin của người dân và tranh thủ sự ủng hộ cho Đảng,” ông giải thích và nêu lên một số thách thức mà ban lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt như cuộc chiến thương mại với Mỹ, tăng trưởng kinh tế suy giảm, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng Hong Kong…
“Đối diện với vấn đề Hong Kong thì Biển Đông là một phương cách để chứng tỏ rằng bạn không hề yếu ớt trên vấn đề chủ quyền,” ông nói thêm.
Ngoài ra, với những gì xảy ra trên Biển Đông (Việt Nam, Malaysia khai thác dầu khí) thì Trung Quốc ‘cần phải có phản ứng’, ông cho biết.
“Trung Quốc giờ đây rất khác Trung Quốc của 30 năm trước. Khi đó, Đảng Cộng sản có thể tùy ý theo đuổi chính sách đối ngoại mà không cần giải thích với người dân. Nhưng bây giờ người dân Trung Quốc đang đặt câu hỏi: tại sao tàu chiến Mỹ có thể tự do đi lại trên Biển Đông?”
“Do đó Chính phủ Trung Quốc phải làm gì đó để trả lời cho công luận trong nước,” ông nói.