Tin khắp nơi – 22/112019
Vài nétvề bộ chỉ huy
Ấn Độ – Thái Bình Dương USINDOPACOM
Được thành lập năm 1947, bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (USPACOM) được đổi tên thành bộ chỉ huy Liên quân Ấn Độ – Thái Bình Dương (USINDOPACOM) vào ngày 30/05/2018.
Trang mạng của USINDOPACOM nêu rõ bộ chỉ huy này phụ trách các chiến dịch quân sự tại một vùng rộng hơn 100 triệu dặm vuông (160 triệu km2), tức chiếm hơn ½ quả địa cầu (52%), đi từ ngoài khơi bờ biển phía Tây của Mỹ đến tận bờ Tây của Ấn Độ, từ Bắc Cực cho đến Nam Cực.
Phương tiện và vùng trách nhiệm
Khái niệm bộ chỉ huy Liên quân Ấn Độ – Thái Bình Dương do các nhà chiến lược Mỹ và Úc đưa ra, phản ảnh rõ sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tại một khu vực đông dân nhất và năng động nhất của hành tinh. Rộng hơn nữa, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương lan rộng đến tận các bờ biển châu Phi và bình thường ra bao gồm cả vùng Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, từ năm 2002, vùng Vịnh Ả Rập – Ba Tư do năm bộ chỉ huy tác chiến khác của Mỹ phụ trách.
Tổng hành dinh của USINDOPACOM nằm tại Hawai. Các lực lượng của bộ chỉ huy này đồn trú và triển khai khắp cả vùng. Tổng cộng, USINDOPACOM có đến 375.000 quân nhân và nhân viên dân sự. Cụ thể:
– 106.000 binh sĩ và nhân viên dân sự của Lục quân Mỹ (US Army (quân đoàn 8, sư đoàn 7 và 25 bộ binh, Lục quân Alaska, ban chỉ huy phòng không và chống tên lửa 94, lữ đoàn bộ binh 196, lữ đoàn quân báo 500, trung đoàn thông tin 311, biệt đội phối hợp chiến trường 5);
– 46.000 phi công và nhân viên dân sự của Không quân Mỹ (US Air Force) thuộc các không đoàn 5,7 và 11.
– Khoảng 200 tầu chiến, trong có 5 nhóm tầu sân bay thuộc các hạm đội 3 và 7, gần 1100 thiết bị bay và hơn 130 ngàn thủy thủ.
– Hai quân đoàn thủy quân lục chiến viễn chinh với khoảng 86.000 người và 64 thiết bị bay.
– 1.200 lính đặc nhiệm.
USINDOPACOM còn giám sát cả các lực lượng lính Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, một lực lượng liên quân thường trực, trung tâm tác chiến tình báo liên quân cho vùng Thái Bình Dương, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và một trung tâm quản lý thảm họa, chủ yếu dự phòng công tác bảo vệ thường dân trong trường hợp Hawai bị tấn công bằng tên lửa.
USINDOPACOM có những nhiệm vụ nào?
Nhiệm vụ chính của bộ chỉ huy này là “răn đe mọi hành vi gây hấn và chiếm thế thượng phong trong các xung đột vũ trang nếu như răn đe gặp thất bại”.
Theo giải thích của chuyên gia Alexandre Sheldon-Duplaix, chuyên nghiên cứu lịch sử quốc phòng, trường Ecole Superieure de guerre trên tạp chí Diplomatie (Đối Ngoại – số ra tháng 10 & 11/2019), USINDOPACOM phải xử lý nhiều cuộc xung đột tiềm tàng: Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan; Trung Quốc và các tranh chấp với những nước láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông; Việt Nam và Philippines; Hai miền Triều Tiên và mối quan hệ của hai nước với Nhật Bản; xung đột Ấn Độ – Pakistan. USINDOPACOM cũng phải thực thi năm trong số bảy hiệp ước phòng thủ chung mà Mỹ ký kết.
Tuy nhiên, theo đô đốc Philip S.Davidson, chỉ huy USINDOPACOM, ngoài Bắc Triều Tiên là một hiểm họa hiện tại, trong dài hạn Trung Quốc là mối “đe dọa lớn nhất cho Hoa Kỳ và trật tự thế giới”. Ông ghi nhận là Trung Quốc phát triển mạnh mẽ các năng lực hải quân và đã phóng nhiều vệ tinh (100 chiếc trong năm 2019 so với khoảng một chục chiếc năm 2000) cũng như là các năng lực quân sự khác và tin học.
Dù vậy, đô đốc Davidson tỏ vẻ yên tâm rằng quan hệ của Mỹ và Trung Quốc hiện nay mang tính chất “tranh đua” hơn là “đối đầu”. Đôi bên thường xuyên trao đổi thông tin liên lạc nhằm tránh các sự cố bất ngờ trên không và trên biển.
Mối đe dọa tiếp theo là Nga, vốn được cho là “kẻ hay phá đám”. Tuy không nằm trong vùng giám sát của USINDOPACOM, nhưng bộ chỉ huy này có nhiệm vụ hỗ trợ cho USEUROCOM, giám sát từ Nga đến Vladivostok.
Mục tiêu cuối cùng của USINDOPACOM hành động bên cạnh những quốc gia chia sẻ cùng một quan điểm với Mỹ “chiến đấu trong những vùng xám giữa hòa bình và chiến tranh, và chiến thắng trước khi lâm trận”. Những hành động này sẽ bảo đảm “một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở chống lại những tác nhân hay gièm pha luôn tìm cách đạt các mục tiêu của mình ngoài một cuộc xung đột vũ trang”.
Hướng đến một liên minh quân sự?
Hiện tại, đối thoại an ninh bốn bên (Quadrilateral Security Dialogue – QSD hay còn được gọi là Quad) là đối thoại chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Nhưng Washington và Tokyo hy vọng có thể biến cuộc đối thoại này thành một đối tác gần như là một liên minh quân sự để chống Trung Quốc.
Cuộc đối thoại này do thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng năm 2007, với sự ủng hộ của phó tổng thống Mỹ – Dick Cheney, thủ tướng Úc – John Howard, và thủ tướng Ấn Độ – Manmohan Singh. Chương trình này bổ sung cho đối thoại chiến lược ba bên (Trilateral Security Dialogue – TSD), thành lập năm 2002 giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.
Cuộc gặp TSD đầu tiên năm 2002 chỉ diễn ra ở cấp quan chức cao cấp, rồi cấp bộ trưởng năm 2005. Hoa Kỳ hy vọng các nước đồng minh tham gia vào chiến lược toàn cầu của Mỹ trên phương diện chống khủng bố và phổ biến hạt nhân. Đổi lại, Nhật Bản và Úc muốn có một sự bảo đảm chiến lược duy trì sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Thế nhưng, phải đợi đến tháng 12/2017, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới có thể tái khởi động cuộc đối thoại này tại Manila và nhắc lại một lần nữa một năm sau đó tại Singapore, sau cuộc họp Shangri-La. Lúc này bốn nước mới bảo vệ khái niệm vùng “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng”, nhấn mạnh đến vị thế chung “những nền dân chủ lớn”, ngầm đối chọi với một “Trung Quốc chuyên chế”.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc hy vọng các cuộc họp của Quad trở nên thường xuyên hơn, thế nhưng Ấn Độ lại không muốn gò bó khi khẳng định là New Dehli “hợp tác với tất cả các nước và các định chế trong khu vực nhằm xúc tiến một tầm nhìn chung về một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng”. Ấn Độ còn thể hiện quan điểm khác biệt khi cho rằng không loại trừ Trung Quốc.
Hơn nữa, khi đề cập đến hợp tác hàng hải, Ấn Độ tìm cách bỏ qua mọi tham chiếu có liên quan đến “tự do lưu thông hàng hải và hàng không” hay “luật pháp quốc tế” được đề cập đến trong các bản thông cáo do Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản công bố.
Tháng 3/2019, đô đốc Davidson nhìn nhận là Quad rất có thể sẽ không bao giờ là một liên minh quân sự, trước sự phản đối của Ấn Độ, vốn dĩ luôn lo lắng không muốn bị Hoa Kỳ thao túng. Ông Davidson giải thích rằng vấn đề này đã nhiều lần được đề cập đến, nhưng chỉ huy trưởng hải quân Ấn Độ, đô đốc Sunil Lanba nói rõ là “khả năng tức thì cho Quad là không có”. Nhà nghiên cứu Sheldon-Duplaix kết luận: Sự xuất hiện của một NATO châu Á do USINDOPACOM chỉ huy, sau hơn nửa thế kỷ ra đời SEATO*, dường như chưa phải là chủ đề ưu tiên.
******
– SEATO: Southeast Asia Treaty Organization (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á) được thành lập trong giai đoạn 1954 – 1977, quy tụ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Pakistan, Philippines, Thái Lan và New Zealand.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191122-bo-chi-huy-an-do-thai-binh-duong-usindopacom
Chuyến thăm của Esper
làm khăng khít hơn đối tác Quốc Phòng Mỹ-Việt
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của ông từ ngày 19-21/11, nêu bật tầm quan trọng của quan hệ đối tác quốc phòng hai nước, đồng thời kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật.
“Chuyến thăm của Bộ trưởng Esper tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong quan hệ đối tác với Việt Nam và sự ủng hộ lâu dài của chúng tôi đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở và trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ra tuyên bố hôm 21/11.
Trong một video trên Twitter với hơn 11 ngàn lượt người xem, được Lầu Năm Góc đưa ra nhân chuyến thăm của ông Esper đến Hà Nội, có đoạn: “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng trong đó có tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật”.
Điểm nhấn của chuyến thăm này là bài phát biểu của ông Esper trước các sinh viên của Học viện Ngoại giao Việt Nam về quan hệ đối tác quốc phòng quan trọng giữa hai nước và cam kết của Washington với an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và tuyên bố chuyển cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai vào năm tới. Đây là một trong những lớp tàu lớn nhất trong trong hạm đội Tuần duyên Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Esper tuyên bố: “Mục tiêu của chúng tôi là để cho tất cả người dân được sống trong thịnh vượng, an ninh và tự do; cho tất cả các nước được tự do triển khai hoạt động thương mại và thực thi chủ quyền; và giữ cho các vùng biển và các tuyến đường thuỷ mà nền kinh tế của chúng ta dựa vào thì rộng mở đối với tất cả các bên”.
Ông cũng nói rõ: “Hoa Kỳ kiên quyết phản đối hành vi dọa nạt của các bên có tuyên bố chủ quyền nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hay hàng hải, và chúng tôi kêu gọi chấm dứt các hành động bắt nạt và phi pháp đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển. Hành vi ứng xử như vậy hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định”.
Bộ trưởng Esper lên tiếng tố cáo các hành động bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông: “Các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột”.
Cũng trong bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam hôm 20/11, Bộ trưởng Esper thông báo: “Hoa Kỳ sẽ chuyển cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai”.
“Việc chuyển giao con tàu này – một trong những lớp tàu lớn nhất trong trong hạm đội Tuần duyên Hoa Kỳ – là biểu tượng cho quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và sẽ giúp tăng cường thực thi luật hàng hải và khả năng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam”, theo tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ hôm 21/11. Trước đó Việt Nam đã nhận một chiếc tàu tuần duyên cùng loại, hiện mang tên CSB 8020, vào ngày 25/05/2017.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Esper đã gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; và Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Quốc Vượng.
“Tại mỗi cuộc gặp, Bộ trưởng Esper đều tái khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập đóng góp cho an ninh quốc tế và thượng tôn pháp luật”, theo thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ.
TTXVN trích lời ông Trần Quốc Vượng phát biểu trong buổi tiếp ông Esper rằng Việt Nam “khẳng định chủ trương nhất quán coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn đưa quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng”.
Sau khi thăm di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội, ông Esper viết trên Twitter hôm 21/11: “Trong chuyến thăm Việt Nam, tôi đã đi thăm nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ tù binh Mỹ. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các tù binh và những người vẫn còn mất tích trong chiến tranh. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam để giúp xác định và trao trả hài cốt của các quân nhân của chúng tôi”.
Bình luận về chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Bộ trưởng Esper, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 21/11 nói: “Chuyến thăm nhằm đưa quan hệ quốc phòng song phương hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã ký giữa hai bộ quốc phòng và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm đóng góp thiết thực cho mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, bà Hằng cũng bày tỏ hy vọng rằng, trong thời gian tới, “Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tích cực đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực trong vấn đề nhân đạo, đáp ứng mong mỏi của nhân dân hai nước, vì sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”
https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-tham-cua-bo-truong-quoc-esper-khang-khit/5176916.html
Đưa tàu tác chiến ven bờ đến Biển Đông,
Mỹ gửi thông điệp gì?
Gây ấn tượng bởi bề ngoài, hai tàu tác chiến ven bờ (LCS) thuộc lớp Independence cho thấy sự chuyển dịch của Mỹ từ trinh sát và răn đe sang tăng cường khả năng tấn công tầm gần trên Biển Đông.
Sự xuất hiện của các tàu LCS lớp Independence ở Biển Đông đánh dấu sự trở lại châu Á sau gần 3 năm vắng bóng. Lần trở lại này cho thấy sự lột xác của lớp tàu từng bị đánh giá là vô dụng trong hải quân Mỹ.
USS Gabrielle Giffords hiện đang đồn trú tại quân cảng Changi của Singapore và trực chiến khu vực Biển Đông từ ngày 15-11. Trong khi đó, USS Montgomery cũng vừa kết thúc một đợt tập trận 6 ngày với Úc trong khu vực.
Trung Quốc cảnh giác cao độ
Một thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Singapore đã được gia hạn tới 15 năm vào tháng 9 năm nay, cho phép các lực lượng Mỹ có thể sử dụng các căn cứ hải quân và không quân của Singapore làm nơi tiếp liệu hậu cần, bảo dưỡng và nghỉ ngơi.
Với lượng choán nước chỉ 2.300 tấn, các tàu LCS có thể hoạt động ở những vùng nước nông mà những lớp tàu chiến hạng nặng như tàu khu trục hay tàu tuần dương không thể tiến vào. Tính năng kỹ chiến thuật này gần như công khai nên khi USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery được triển khai tới Biển Đông, Trung Quốc đã thể hiện sự cảnh giác cao độ.
“Lượng choán nước nhỏ cho phép chúng xâm nhập các vùng nước nông, tiếp cận gần hơn các đảo san hô rải rác ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam – PV).
Tốc độ lên tới 50 hải lý/h cũng là một lợi thế của những tàu này, đem lại ưu thế lớn cho người Mỹ trong các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOP)” – Viện nghiên cứu đại dương thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) nhấn mạnh trong một báo cáo công bố tuần này.
Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, đến thời điểm hiện tại, các tàu chiến được Mỹ sử dụng trong những chiến dịch FONOP là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga.
Tần suất các chiến dịch này đã được đẩy lên mức cao nhất trong năm 2018 và 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Khả năng các tàu LCS được sử dụng cho những chiến dịch FONOP vẫn để ngỏ, vì giờ đây chúng thuộc quyền chỉ huy của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ.
“Tín hiệu rõ ràng ở đây là chúng tôi không đối đầu Trung Quốc. Nước Mỹ ủng hộ các quy tắc và luật pháp quốc tế. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng nên học cách tôn trọng chúng như những nước khác” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh ngày 19-11 khi đến thăm Philippines.
Lột xác cho nhiệm vụ mới
Các học giả Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến thiết kế dạng module của các tàu 3 thân lớp LCS. Thiết kế này cho phép các tàu có thể nâng cấp nhanh chóng, lắp thêm vũ khí hoặc các thành phần khác trong trường hợp cần thiết.
Hải quân Mỹ hiện đang vận hành 10 tàu LCS lớp Independence, trong đó USS Gabrielle Giffords là tàu mạnh nhất khi đã được lắp thêm tên lửa tấn công hải quân thế hệ thứ năm (NSM), có thể tấn công các mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền ở khoảng cách gần 200km.
Các hình ảnh được hải quân Mỹ công bố cho thấy USS Gabrielle Giffords được trang bị tới 8 tên lửa NSM khi được triển khai tới Biển Đông – khả năng tối đa của con tàu.
USS Gabrielle Giffords đã bắn thử NSM trong ngày 1-10, đúng vào dịp Trung Quốc kỷ niệm 70 năm quốc khánh và phô diễn sức mạnh quân sự bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41. Trang Stars and Stripes nhận định vụ bắn thử của USS Gabrielle Giffords nên được hiểu là một thông điệp gửi tới Trung Quốc.
Các tên lửa NSM được trang bị đầu dò hình ảnh chủ động và dẫn đường bởi máy bay không người lái MQ-8B. Dù không phải là tên lửa siêu thanh, NSM có thể chủ động hạ thấp độ cao để đánh lừa rađa đối phương, tăng khả năng sống sót và tấn công chính xác mục tiêu.
Lầu Năm Góc bác tin Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc
Lầu Năm Góc bác bỏ tin nói rằng Mỹ đang chuẩn bị rút lực lượng quân sự khỏi Hàn Quốc.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman hôm 21/11 cho biết tin nói rằng Mỹ đang xem xét rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc là “hoàn toàn không đúng sự thật.”
Tờ báo bảo thủ của Hàn Quốc Chosun Ilbo dẫn một “nguồn tin ngoại giao ở Washington” nói rằng quân đội Mỹ đang “chuẩn bị rút một lữ đoàn” ra khỏi bán đảo này, nếu các cuộc đàm phán về việc thanh toán chi phí cho quân đội Mỹ ở Hàn Quốc không tiến triển. Một lữ đoàn quân đội Mỹ bao gồm khoảng 2.000-4.000 binh sĩ.
“Bộ trưởng (Mark) Esper đã ở Hàn Quốc trong tuần qua, nơi ông liên tục nhắc lại cam kết của chúng tôi đối với Hàn Quốc và người dân nước này,” ông Hoffman nói. “Chúng tôi đòi tờ Chosun Ilbo ngay lập tức rút lại bài báo của họ.”
Các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Hàn Quốc đổ vỡ hôm 19/11 vì Washington đòi Seoul gia tăng đóng góp tài chính cho việc duy trì lực lượng quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của nước này.
Nhà đàm phán của Hàn Quốc Jeong Eun-bo nói với các phóng viên rằng phía Mỹ bỏ đi sau một phiên họp ngắn. James DeHart, nhà đàm phán của Mỹ, cho biết đội ngũ của ông rời đi vì các đề xuất của người Hàn Quốc “không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi về chia sẻ gánh nặng công bằng và bình đẳng.”
Seoul hiện chỉ trả hơn 890 triệu đôla cho chi phí của 28.500 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc để phòng vệ nước này trước một cuộc tấn công kha dĩ từ Triều Tiên.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết chính quyền Trump muốn tăng số tiền này lên tới 5 tỉ đôla.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã phàn nàn rằng các đồng minh của Mỹ không trả đủ tiền cho Washington duy trì các căn cứ và binh sĩ được sử dụng để bảo vệ họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói trong chuyến thăm Seoul tuần trước rằng Hàn Quốc là “một quốc gia thịnh vượng có thể và nên trả nhiều hơn để giúp bù đắp chi phí quốc phòng.”
https://www.voatiengviet.com/a/lau-nam-goc-bac-tin-my-rut-quan-khoi-han-quoc/5176195.html
Sau Hong Kong, Mỹ còn cả ‘kho khủng’
hơn 150 dự luật ‘tổng tấn công’ TQ
Sau dự luật về Hong Kong, không tin nổi khi South China Morning Post cho biết hơn 150 dự luật đang chờ đặt lên bàn làm việc của Tổng thống Trump, cái nào cũng ‘dữ dội’: Biển Đông, Đài Loan, an ninh mạng… như muốn “tổng tấn công” Trung Quốc.
Ngày 20-11 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua “Đạo luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong” với số phiếu đồng thuận gần như tuyệt đối. Trước đó một ngày, Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật này – một động thái đã gây ra những phản ứng và cảnh báo mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Giờ đây, dự luật này đang trong trạng thái chờ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê duyệt. Ông Trump sẽ có 10 ngày để ra quyết định ký hay bác bỏ. Nếu được ký thành luật, dự luật có thể mở đường cho việc trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với đặc khu hành chính Hong Kong.
Theo báo South China Morning Post, trong bối cảnh dự luật này đang nhận được sự chú ý gần đây, thật ra vẫn còn hơn 150 dự luật khác hướng tới đối phó Trung Quốc trên nhiều mặt trận, từ kinh tế cho tới tư tưởng, có thể sẽ nằm trên bàn làm việc đợi Tổng thống Trump ký.
Chẳng hạn Đạo luật chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 9 là một trong nhiều dự luật nhắm vào Trung Quốc có thể sẽ “hạ cánh” tại bàn làm việc của ông Trump. Dự luật này đang đợi Hạ viện Mỹ thông qua.
Những dự luật trên hoặc nhắm thẳng vào Trung Quốc (chẳng hạn Đạo luật kiểm soát chuyển giao công nghệ Trung Quốc), hoặc chứa những điều khoản liên quan tới Trung Quốc (chẳng hạn Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia) – mà phải được thông qua hằng năm.
Trong số những chủ đề nổi bật của các dự luật này có an ninh mạng, buôn bán chất ma túy fentanyl, các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, thương mại và đầu tư, Biển Đông, và Đài Loan.
Tương tự dự thảo luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong – vốn có khả năng đe dọa đáng kể quan hệ kinh tế, thương mại giữa Mỹ và Hong Kong, một số dự luật có thể sẽ làm gián đoạn thương mại và đầu tư quốc tế.
Ví dụ, Đạo luật kiểm soát chuyển giao công nghệ Trung Quốc sẽ yêu cầu ngoại trưởng và bộ trưởng thương mại Mỹ lập một danh sách “các công nghệ liên quan lợi ích quốc gia” mà có thể sẽ không bán hay chuyển giao cho Trung Quốc. Dự luật này cũng sẽ áp biện pháp trừng phạt lên bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm lệnh cấm.
Tuy nhiên, ông Arthur Kroeber, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty dịch vụ tài chính Gavekal Dragonomics ở Hong Kong, nhận định việc thông qua dự luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong không nên được xem là một “người thay đổi cuộc chơi”, để mà ngụ ý rằng các dự luật khác về Trung Quốc sẽ dễ thông qua.
“Lý do dự luật này được Thượng viện Mỹ thông qua là vì đây là một dự luật rất dễ xem xét. Dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ xem xét tình trạng (tự trị) của Hong Kong, vốn ít phức tạp hơn một số dự luật, chẳng hạn về vốn và đầu tư” – ông Kroeber giải thích.
Vị này cũng nhận định khi nước Mỹ bước vào năm bầu cử tổng thống 2020, sẽ càng khó hơn để các nhà lập pháp Mỹ tổ chức thông qua những dự luật đang chờ được xử lý.
Hoa Kỳ bắt đầu trục xuất người di dân
sang Guatemala theo thỏa thuận tầm trú
Tin từ Washington, DC – Hôm thứ Năm (21 tháng 11), chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu trục xuất người di dân xin tầm trú ở Hoa Kỳ sang Guatemala, bước đầu của thỏa thuận gây tranh cãi với chính phủ Guatemala khi yêu cầu những người tầm trú nước ngoài phải xin các quốc gia Trung Mỹ bảo hộ.
Ngoại trưởng Guatemala, Enrique Antonio Degenhart Asturias cho biết thứ Năm là cột mốc đánh dấu giai đoạn bắt đầu của hiệp ước với Hoa Kỳ, và ông nói với các phóng viên ở thủ đô rằng chính phủ dự kiến sẽ có nhiều người di dân Honduras và Salvador đến Guatemala khi Hoa Kỳ sẽ trục xuất họ vào tuần sau. Ông cho biết Guatemala sẽ tìm cách tăng dần số lượng người nước ngoài đến tầm trú nước này.
Thỏa thuận này đã nhận nhiều chỉ trích từ người ủng hộ di dân và các nhóm nhân quyền. Họ cho rằng Hoa Kỳ sẽ khiến những người tầm trú gặp nguy hiểm, khi buộc họ phải tin tị nạn ở quốc gia có hệ thống tầm trú yếu kém, khi chính các nước này cũng có hàng trăm nghìn công dân di dân trong những tháng qua.
Guatemala tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu kết thúc những năm 1990s, nhưng họ tiếp tục vật lộn với tỉ lệ tội phạm cao, buôn lậu ma túy, bất ổn chính trị và nghèo đói trên diện rộng, đặc biệt trong cộng đồng bản địa lớn ở vùng cao nguyên phía tây nước này.
Theo Liên Hiệp Quốc, năm 2018 chỉ có khoảng 262 người di dân xin tị nạn ở Guatemala. Trong khi bị Hoa Kỳ kiểm tra, những người tầm trú sẽ không thể yêu cầu biện lý. Khi các viên chức cơ quan tầm trú xác định những người di dân phải tuân theo thỏa thuận, các quan tòa phụ trách di dân sẽ ra phán quyết nên gửi họ đến Guatemala hay không. Các tòa án di dân dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico sẽ có vai trò trong các thỏa thuận trong những tuần tới.
Ông Asturias cho biết những người bị trục xuất đến Guatemala theo thỏa thuận này sẽ có hai lựa chọn: một là xin tị nạn ở đây thông qua trung tâm di dân Guatemala, hoặc là xin giúp đỡ để trở về quê nhà. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-bat-dau-truc-xuat-nguoi-di-dan-sang-guatemala-theo-thoa-thuan-tam-tru/
Mỹ: Thẩm phán bác chính sách mới về người xin tị nạn
Một thẩm phán liên bang ngày 19/11 phán rằng lệnh cấm một phần của chính quyền Trump đối với người tầm trú tị nạn không áp dụng cho bất cứ người nào xuất hiện tại một cửa khẩu biên giới chính thức của Mỹ trước khi chính sách được loan báo hồi tháng 7 năm nay, một quyết định có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn người.
Chính quyền ông Trump ngày 16/7 loan báo là sẽ bác đơn xin tị nạn của bất cứ người nào đi xuyên biên giới một quốc gia khác mà không đệ đơn xin tị nạn ở những nơi đó trước khi tới Mỹ.
Các tổ chức bênh vực di dân đâm đơn kiện nhân danh di dân chú ý đến những khuyến cáo của chính phủ Mỹ và trình diện tại cửa khẩu chính thức trước đây trong năm để yêu cầu được tị nạn, hơn là vượt biên giới bất hợp pháp.
Những tổ chức bênh vực di dân nói chính quyền đã dùng chiến thuật nhử mồi và lật lọng chống lại những di dân này bằng cách áp đặt lệnh cấm.
Thẩm phán liên bang Cynthia Bashant ra phán quyết có lợi cho những tổ chức này hôm 19/11, nói rằng bất cứ người nào xuất hiện tại cửa khẩu Mỹ-Mexico trước ngày 16/7 sẽ được miễn trừ lệnh cấm.
“Những người tìm cách tị nạn này hiểu được họ được tiếp cận để xin tị nạn tại Hoa Kỳ căn cứ trên ý muốn của họ chờ tại Mexico”, thẩm phán Bashant viết. “Dựa vào thông báo của chính phủ Mỹ, họ đã làm như vậy. Chính phủ–trong một sự thay đổi có thể được xem như hướng dẫn sai lạc và tệ hơn nữa là lường gạt –hiện đang tìm cách thay đổi cục diện.”
Đối mặt với làn sóng những gia đình tìm tị nạn ngày càng tăng hồi năm ngoái, Hoa Kỳ cho biết không đủ khả năng thanh lọc tại cửa khẩu biên giới chính thức và bắt đầu nói với mọi người là hãy chờ tại Mexico để đệ đơn xin tị nạn. Cách này được gọi là “metering” (tức là giới hạn số di dân xin tị nạn tại cửa khẩu biên giới Mỹ-Mexico mỗi ngày) đã làm nhiều người chờ đợi nhiều tháng.
Số tên trên danh sách chờ tại 11 thành phố biên giới Mexico lên đến gần 21.400 người trong tháng này, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Strauss về An ninh Quốc tế và Luật pháp tại trường đại học Texas và Trung tâm Nghiên cứu Mỹ-Mexico tại trường đại học California, San Diego.
Tại Tijuana, danh sách chờ có dưới 9.000 tên. Những người được gọi tên tuần qua nói họ đã chờ tại Mexico 5 tháng nay.
Hoa Kỳ không quản lý danh sách chờ mà danh sách này thay đổi theo thành phố. Theo thời gian, các giới chức liên bang, tiểu bang và địa phương Mexico quản trị các nơi tạm trú của di dân và chính di dân.
Thiếu sự kiểm soát của Hoa Kỳ hay việc quản lý tập quyền của các danh sách làm cho khó biết được có bao nhiêu người xin tị nạn trong danh sách chờ trước ngày 16/7 và được chấp nhận trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào tháng 9 vừa qua. Luật sư của nguyên đơn ước lượng có hàng ngàn người.
Các tổ chức đại diện cho những người xin tị nạn hoan nghênh phán quyết vừa kể của thẩm phán.
Tối cao Pháp viện California bác bỏ dự luật
yêu cầu Tổng thống Trump phải khai thuế thu nhập
thì mới được tham gia bầu cử sơ bộ
Hôm thứ Năm (21/11/2019), Tối cao Pháp viện tiểu bang California đưa ra phán quyết rằng Tổng thống Trump không cần nộp bản khai thuế cá nhân để trở có thể có tên trên phiếu bầu trong kỳ bầu cử sơ bộ của California vào mùa xuân tới.
Tòa án cho rằng dự luật độc nhất và nhắm thẳng vào Tổng thống Trump này đã vi phạm một điều trong hiến pháp tiểu bang, cho phép bỏ phiếu bầu tổng thống công khai trong kỳ bầu cử sơ bộ. Tổng thống Trump đã phá bỏ truyền thống khi trở thành ứng cử viên tổng thống duy nhất không công bố thông tin tài chính cá nhân.
Trước đó, một quan tòa từng tạm thời ngăn chặn luật tiểu bang nói trên và Tối cao Pháp viện California nhanh chóng đưa ra phán quyết vì thời hạn nộp bản khai thuế để tham gia kỳ bầu cử sơ bộ là vào tuần sau. Luật này yêu cầu các ứng cử viên tổng thống hoặc thống đốc phải nộp các bản sao thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm. Nếu không tuân theo thì sẽ bị tước quyền tham gia kỳ bầu cử sơ bộ của tiểu bang, nhưng luật không có hiệu lực cho cuộc tổng tuyển cử.
Đảng Cộng hòa cho rằng luật sẽ khiến số cử tri đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử sơ bộ giảm đi, gây ảnh hưởng đến cơ hội tham gia cuộc tổng tuyển cử của các ứng cử viên lập pháp và quốc hội của đảng Cộng hòa. (Môc Miên)
Trump nói sẽ công bố báo cáo tài chính cá nhân
trước bầu cử 2020
Tổng thống Donald Trump, đối mặt với các vụ kiện và đòi hỏi chính trị phải công bố hồ sơ khai thuế và các thông tin tài chính khác, hôm 21/11 cho biết sẽ công bố một báo cáo tài chính của ông trước cuộc bầu cử tổng thống, và khẳng định đó là quyết định của ông có cung cấp thông tin hay không.
“Tôi sạch sẽ, và khi tôi công bố báo cáo tài chính (quyết định của tôi) vào một lúc nào đó trước bầu cử, nó sẽ chỉ cho thấy một điều – rằng tôi giàu hơn người ta tưởng nhiều – Và đó là một điều tốt,” ông Trump nói trong một dòng tin đăng trên Twitter.
Ông Trump cũng nói cuộc điều tra kéo dài hai năm của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ cho thấy không có gì bất thường trong tài chính của ông.
Ông Trump, chủ sở hữu một chuỗi khách sạn quốc tế và là cựu ngôi sao truyền hình thực tế, là ứng cử viên Tổng thống đầu tiên của một đảng lớn kể từ Gerald Ford năm 1976 không công bố hồ sơ khai thuế của mình.
Tuần trước, một thẩm phán liên bang đã bác tư cách bị đơn của tổng chướng lí bang và trưởng sở thuế bang New York trong vụ kiện của ông Trump tìm cách ngăn chặn một ủy ban Quốc hội có được hồ sơ khai thuế của ông nộp cho bang New York. New York đã thông qua một đạo luật vào đầu năm nay cho phép ủy ban tiếp cận hồ sơ khai thuế cấp bang của ông Trump.
Trong khi đó, một tòa án phúc thẩm liên bang ở New York đã phán quyết rằng công ty kế toán lâu năm của Trump phải giao nộp hồ sơ khai thuế trong tám năm của ông Trump cho các công tố viên ở New York.
Luận tội Trump: Trump
‘thúc đẩy luận điệu làm mất uy tín Ukraine’
Fiona Hill: Sondland đã làm “các việc chính trị vặt” cho Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phớt lờ ý kiến của các cố vấn cấp cao và đưa ra một giả định sai lệch rằng Ukraine đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, một cựu trợ lý của Nhà Trắng cho hay trong cuộc điều tra luận tội.
Luận tội: Quốc hội đang điều tra xem Trump có nói dối Mueller
Dòng tweet của ông Trump rung chấn phiên điều trần luận tội
Tại sao Ukraine rất quan trọng đối với Hoa Kỳ
Bà Fiona Hill nói Tổng thống Trump, thay vì thế, đã nghe quan điểm của luật sư riêng, ông Rudy Giuliani.
Bà Hill gọi các cáo buộc về UKraine là một “câu chuyện hư cấu”.
Ủy ban điều tra đang xem xét có phải ông Trump cho rút viện trợ để gây áp lực khiến Ukraine phải điều tra một đối thủ chính trị.
Sẽ là bất hợp pháp nếu Mỹ tìm kiếm trợ giúp nước ngoài nhằm đạt được các ưu thế trong cuộc bầu cử. Ông Trump đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Theo một giả định gây mất uy tín, chính người Ukraine hoặc các cá nhân có quan hệ với người Ukraine đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, chứ không phải Nga.
Trong một cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine, Tổng thống Trump đã thúc giục ông này xem xét các cáo buộc cũng như mở một cuộc điều tra ông Joe Biden, một trong những ứng cử viên chính cho chức thổng thống Mỹ của đảng Dân chủ.
Thứ Năm là ngày thứ năm và ngày cuối cùng của phiên điều trần công khai của Ủy ban Tình báo Hạ viện.
Bà Fiona Hill đã nói gì?
Trong phần phát biểu mở màn, bà Hill – cựu cố vấn cấp cao của Nhà Trắng – buộc tội các đảng viên Cộng hòa đã gieo rắc ngờ vực về can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
“Dựa trên các câu hỏi và các khẳng định mà tôi nghe được, một vài trong số quý vị trong ủy ban này có vẻ tin rằng Nga và các cơ quan an ninh Nga không thực hiện một chiến dịch gây bất lợi cho đất nước chúng ta – và rằng có vẻ, một cách nào đó, vì một số lý do nào đó, Ukraine đã làm điều này,” bà nói.
Cú điện thoại tình cờ có thể bất lợi cho Trump ra sao?
Luận tội: Đại sứ Mỹ tại Ukraine cảm thấy ‘bị đe dọa’ bởi Trump
Bà hối thúc các nhà làm luật không thúc đẩy “các giải thuyết chính trị sai lạc” vốn đã gieo rắc nghi ngờ về sự can thiệp của Nga vào các cuộc bầu cử Mỹ.
“Đây là một câu chuyện tưởng tượng đã được thực hiện và tuyên truyền bởi chính các cơ quan an ninh Nga,” bà nói.
Trong phần làm chứng của bà Hill, luật sư đảng Dân chủ Daniel Goldman hỏi bà: “Vậy theo bà được biết thì Tổng thống Trump đã phát lờ lời tư vấn của các quan chức cấp cao của ông ấy về giả thuyết này và thay vì thế ông ấy đã lắng nghe quan điểm của ông Rudy Giuliani?”
“Có vẻ chính là như vậy, đúng thế,” bà trả lời.
Trong phần làm chứng sau đó, bà cảnh báo rằng ông Giuliani đã đưa ra các cáo buộc “gây bão” và “gây thiệt hại” về Ukraine.
“Ông ấy rõ ràng đã thúc đẩy các vấn đề và các ý tưởng mà, quý vị biết đấy, có thể quay lại ám ảnh chúng ta,” bà nói. “Tôi cho rằng đó chính là cái mà chúng ta đang đối diện hôm nay.”
‘Giọng tổng thống to và dễ nhận ra’ – điều một phụ tá tình cờ nghe thấy.
Bà làm chứng rằng bà đã có một số “cuộc gặp thử thách” với ông Gordon Sondland – đại sứ Mỹ tại EU, người ra làm chứng hôm thứ Tư – về Ukraine, bởi vì ông Sondland không tiếp tục cho bà hay về “mọi cuộc họp mà ông đang tham gia”.
Nhưng sau đó bà nhận ra rằng ông Sondland “đã có một nhiệm vụ khác”.
“Ông ấy chạy các việc vặt về chính trị mang tính cá nhân, chúng tôi thì quan tâm tới an ninh quốc gia,” bà nói.
Còn ai phát biểu tại phiên điều trần?
Nhà ngoại giao Mỹ tại Ukraine David Holmes cũng ra làm chứng hôm thứ Năm.
Trong phần phát biểu mở đầu, ông cho hay công việc của ông ở đại sứ quán tại Kiev đã bị ‘phủ bóng’ vào năm 2019 bởi các hành động của ông Giuliani.
“Tôi nhận thức rằng ông Giuliani, một luật sư riêng của tổng thống, có vai trò trực tiếp trong ngoại giao của Ukraine,” ông Holmes nói.
Ông Holmes thên rằng ông ‘bị choáng’ vào 18/7 khi một nhân viên Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) thông báo rằng viện trợ quân sự cho Ukraine đã bị rút.
“Vị này nói mệnh lệnh này do tổng thống đưa ra và đã được ông Mulvaney chuyển tới OMB mà không có lời giải thích nào thêm,” ông Holmes nói, ám chỉ quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney.
Ông Holmes nói ông tình cờ nghe thấy một cuộc điện đàm vào 26/7 giữa ông Trump và ông Sondland có khả năng gây tổn hại cho ông Trump.
Ông Sondland, trong phiên điều trần hôm thứ Tư, xác nhận rằng trong cuộc điện đàm, hai người đã bàn luận về “các cuộc điều tra” mà tổng thống muốn Ukraine thực hiện.
“Khi tổng thống nói, [Sondland] nhăn mặt và đưa điện thoại ra xa tai như thế này,” ông Holmes nói và làm động tác mô phỏng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50500301
Phế truất TT Mỹ: Trump « tệ hơn Nixon »,
nhưng đảng Cộng Hòa vẫn ủng hộ mạnh mẽ
Hai tuần lễ điều trần công khai tại Hạ Viện Mỹ kết thúc hôm nay 22/11/2019. Hơn một chục nhân chứng đã lần lượt kể lại các nỗ lực của ông Rudolf Giuliani, luật sư riêng của tổng thống Donald Trump, để đòi chính quyền Ukraina mở cuộc điều tra có thể có lợi cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump.
Dân biểu Adam Schiff, người phụ trách tiến trình truất phế cho rằng vụ này còn « tệ hại » hơn vụ Watergate của cựu tổng thống Richard Nixon. Tuy bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng ông Trump vẫn được sự ủng hộ vô điều kiện của phe Cộng Hòa.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
« Các nhân chứng lần lượt tấn công vào lý lẽ bào chữa của Donald Trump, nhưng lãnh địa của ông không hề suy suyển : tất cả các nhân vật đảng Cộng Hòa tiếp tục ủng hộ tổng thống.
Trong mỗi cuộc điều trần, phe Cộng Hòa đều tố cáo thủ tục truất phế, và cố gắng hướng cuộc tranh luận về phía con trai của ông Joe Biden, hay nêu ra giả thiết Ukraina can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, tuy hôm qua một nhà ngoại giao đã nói rằng đó chỉ là chuyện viễn tưởng.
Các nhân chứng đã khẳng định : vâng, có việc đề nghị « có qua có lại » với Ukraina – đó là lời mời tổng thống nước này thăm Nhà Trắng, để đổi lấy việc mở điều tra. Vâng, Rudolf Giuliani, luật sư riêng của tổng thống Trump đã triển khai một mạng lưới song song với kênh ngoại giao thông thường, và các hành động của ông này được ngoại trưởng thông qua. Vâng, người Ukraina biết chuyện viện trợ quân sự bị ngưng và họ tỏ ra lo lắng.
Tuy nhiên không một ai có thể khẳng định đã nhận được chỉ thị trực tiếp từ tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng cấm nhân viên của mình ra điều trần trước Hạ Viện, đặc biệt là luật sư Rudolf Giuliani, và tổng thống tiếp tục nói rằng mình vô tội. Cử tri của ông Trump thì vẫn trung thành với ông, chỉ có 21% người Mỹ cho biết theo dõi chặt chẽ tiến trình phế truất. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191122-trump-nixon-dang-cong-hoa-ung-ho-manh-me
Hoa Kỳ cáo buộc công dân Trung Cộng
về hành vi trộm cắp bí mật thương mại
Tin từ Washington, DC – Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết vào hôm thứ Năm (21/11), một công dân Trung Cộng làm việc cho Monsanto trước khi công ty này được Bayer AG mua bị cáo buộc tại St. Louis, Missouri, về tội trộm cắp bí mật thương mại cho Trung Cộng.
Theo tin từ Reuters, ông Haitao Xiang, 42 tuổi, một nhân viên của Monsanto và công ty con Climate Corp từ năm 2008 đến 2017, bị các viên chức liên bang chặn lại tại một phi trường của Hoa Kỳ trước khi ông có thể mang theo phần mềm canh tác độc quyền lên chuyến bay tới Trung Cộng.
Luật sư Eric Selig của ông Xiang cho biết thân chủ của ông sẽ không nhận tội tại phiên tòa buộc tội, hiện vẫn chưa được lên kế hoạch.
Vào năm 2008, Trung Cộng công bố chương trình “Thousand Talents Plan” của họ để tuyển dụng các nhà nghiên cứu khoa học. Chính quyền ở Washington gọi chương trình này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Ông Selig cho biết ông Xiang đang bị giam giữ tại nhà tù quận Randolph ở Illinois khi chờ phán quyết của thẩm phán về việc đóng tiền thế chân tại ngoại. Ông cho biết ông Xiang, người sống ở Hoa Kỳ 17 năm và có vợ và con gái sống ở nước này, không bỏ trốn bằng đường hàng không.
Công ty Bayer hoàn thành việc tiếp quản Monsanto vào tháng 6 năm 2018. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-cao-buoc-cong-dan-trung-cong-ve-hanh-vi-trom-cap-bi-mat-thuong-mai/
Tổng Thống Trump cân nhắc miễn thuế cho Apple
Tin từ Austin, Texas — Tổng thống Donald Trump hiện đang xem xét khả năng miễn thuế nhập cảng cho hàng hóa, đồ phụ tùng của Apple nhập cảng từ Trung Cộng sau chuyến thăm nhà máy lắp ráp máy tính của Apple ở Austin, Texas. Theo Reuters, ông Tim Cook, CEO của Apple, cũng có mặt ở đó. Tổng thống Trump trả lời với báo chí rằng tổng thống đang cân nhắc có nên đối xử với Apple giống đang đối xử với như Samsung hay không.
Ông Cook, người có mối quan hệ mật thiết với tổng thống Trump, từng tìm kiếm sự trợ giúp cho Apple khỏi rào cản thuế của Hoa Kỳ, vốn là một phần của cuộc chiến thương mại kéo dài giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vào tháng 9, Apple công bố rằng họ sẽ sản xuất máy tính Mac Pro mới tại Austin. Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan quản trị thương mại Hoa Kỳ chấp thuận 10 trong số 15 yêu cầu miễn thuế được nộp bởi công ty Apple, trong bối cảnh miễn thuế rộng hơn đối với các khoản thuế liên quan đến các bộ phận máy tính. Đầu tháng này, Apple cũng yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump miễn thuế đối với đồng hồ Apple, đồ phụ tùng iPhone và các sản phẩm khác từ Trung Cộng. Việc thúc đẩy khu vực sản xuất ở Hoa Kỳ trở thành một trong những mục tiêu trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump. Tổng thống Trump từng đăng lên Twitter điều này để gây áp lực cho các công ty Hoa Kỳ duy trì việc hoạt động sản xuất tại Mỹ. Trước đó vào thứ Tư (20/11), Apple cho biết họ đã bắt đầu xây dựng một khuôn viên mới ở Austin và dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2022
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-can-nhac-mien-thue-cho-apple/
Ký giả New York time khẳng định Tổng Thống Trump
là người thích hợp để đối phó Trung Cộng
Tin Singapore City – Ông Thomas Friedman, nhà phân tích ngoại giao của tờ New York Time và cũng là một tác giả nổi tiếng, mới đây đã bình luận rằng Tổng Thống Donald Trump là người thích hợp để đối phó Trung Cộng. Lên tiếng tại Học viện Lý Quang Diệu ở Singapore vào thứ Năm, 21 tháng 11, ông Friedman, một người thường chỉ trích chính phủ Trump, nói rằng ông ủng hộ tổng thống trong chính sách thương mại với Trung Cộng.
Buổi nói chuyện của ông Friedman thuộc hội nghị Festival of Ideas kéo dài 4 ngày của học viện, khởi sự từ thứ Tư, có sự tham dự của hơn 60 lãnh đạo các học viện, các tổ chức công cộng và tư nhân, thảo luận về các thách thức hiện nay trong xã hội. Xung đột Mỹ-Trung đang gây lo ngại toàn cầu, nhưng ông Friedman cho rằng Tổng Thống Trump đã đúng khi cứng rắn với Trung Cộng, vì nước này không hề cư xử một cách công bằng. Theo ông Friedman, Trung Cộng trong vòng 30 năm qua đã từ một nước nghèo trở thành nước trung lưu, bằng cách sử dụng chiến thuật 3 bước. Bước đầu tiên là cố gắng làm việc, kêu gọi tinh thần dân tộc, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục. Bước 2 là đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, và phớt lờ các quy định của Tổ chức thương mại thế giới. Trong bước 3, Trung Cộng lợi dụng sự an tâm của các nước láng giềng trước sự hiện diện của hạm đội Hoa Kỳ – Thái Bình Dương, để ngấm ngầm áp đảo về kinh tế mà không khiến các nước này lo ngại. Các chiến lược này đã mở đường cho Trung Cộng trở thành thế lực hùng mạnh đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ.
Hiện tại, theo ông Freidman, Trung Cộng đang muốn trở thành nền kinh tế lớn bằng việc thống trị lĩnh vực công nghệ cao, và Hoa Kỳ chắc chắn không thể để Bắc Kinh thực hiện ý định này.
Mộc Miên
Trump: ‘Không nhờ tôi thì Trung Quốc
đã nghiền nát Hong Kong trong 14 phút chẵn’
Tổng thống Trump tuyên bố chính ông đã cản ngăn Trung Quốc ‘nghiền nát’ Hong Kong, và cho biết ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đừng đưa quân sang Hong Kong bởi vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Bản tin của CBS trích dẫn một cuộc phỏng vấn mà Tổng thống Trump dành cho chương trình Fox & Friends sáng hôm nay, thứ Sáu 22/11, trong đó ông Trump tuyên bố:
“Nếu không có tôi, thì Hong Kong đã bị nghiền nát trong 14 phút chẵn.”
Ông Trump nói thêm rằng ông Tập đã huy động sẵn 1 triệu binh sĩ ngay bên ngoài Hong Kong, lực lượng này không tiến vào Hong Kong “chỉ vì tôi (Trump) đã yêu cầu ông Tập ‘đừng làm như vậy, bởi vì nó sẽ có tác động vô cùng tiêu cực tới thỏa thuận thương mại.’”
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump công khai việc ông đã can thiệp vào tình hình Hong Kong. Hồi tháng 8, ông Trump viết trên Twitter rằng ông Tập có thể chấm dứt cuộc tranh chấp ở Hong Kong “một cách nhân đạo.”
Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Fox, ông Trump từ chối không nói liệu ông có sẽ ký các dự luật liên quan tới Hong Kong do quốc hội chuyển qua, buộc chính phủ Mỹ áp đặt cấm vận đối với các giới chức Trung Quốc và Hong Kong có hành động vi phạm nhân quyền chống lại người biểu tình.
Dự luật này còn quy định chính phủ Mỹ phải ra phúc trình thường niên gắn liền quy chế thương mại đặc biệt cho Hong Kong với tình trạng nhân quyền. Các quan chức Trung Quốc hối thúc Tổng thống Trump hãy phủ quyết dự luật này.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox, ông Trump nói:
“Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng sát cánh với Chủ tịch Tập Cận Bình.”
Ông Trump giải thích rằng đó là điều quan trọng để đàm phán với Trung Quốc hầu đạt được một hiệp định thương mại.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-khong-nho-toi-tq-da-nghien-nat-hong-kong/5177157.html
Quốc tế kêu gọi EU và Mỹ đóng băng
các thỏa thuận với Việt Nam
sau vụ bắt nhà báoPhạm Chí Dũng
Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 21/11 lên tiếng kêu gọi EU và Hoa Kỳ phải có tiếng nói sau khi chính quyền Việt Nam bắt và khởi tố Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào cùng ngày.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, v ật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW trong tuyên bố của mình viết rằng: “Bây giờ là lúc mà chiến dịch của Hà Nội cho một hiệp ước thương mại với EU đã có kết quả trực tiếp là những vi phạm chống lại những người bất đồng chính kiến. EU cần phải lên tiếng về trường hợp nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người chỉ kêu gọi Châu Âu phải đòi hỏi có những cải thiện thực sự về tình hình nhân quyền trước khi phê chuẩn Hiệp định Thương Mại Việt Nam EU.”
“Với việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, Việt Nam đang cho thấy mình không chấp nhận bất cứ tiếng nói trái ngược nào và quyết tâm đàn áp những nỗ lực đòi hỏi nền báo chí độc lập cho quốc gia”.
HRW kêu gọi EU, Hoa Kỳ và những quốc gia khác cần phải lên tiếng yêu cầu Hà Nội bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Phạm Chí Dũng.
Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) hôm 22/11 cũng ra thông cáo báo chí lên án việc bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, người đã từng nằm trong danh sách các anh hùng thông tin của RSF 5 năm về trước. Ông Daniel Bastard, người đứng đầu bộ phận Châu Á Thái Bình Dương của RSF được trích lời trong thông cáo nói rằng:
“Việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng là một xác nhận mới nhất về việc chính quyền hoàn toàn không có khả năng chấp nhận bất cứ thông tin nào không được đưa ra bởi chính hệ thống tuyên truyền của họ”
“Chúng tôi yêu cầu việc trả tự do ngay lập tức cho nhà báo này. Vào lúc mà Việt Nam đang muốn hoàn tất thỏa thuận thương mại với EU và thảo thuận về quốc phòng với Mỹ. Chúng tôi thúc giục Brussels và Washington đóng băng tất cả các tiến trình chừng nào Hà Nội còn tiếp tục cho thấy những vi phạm về tự do báo chí”.
Anh: Lãnh tụ đảng Tự do Dân chủ
từng hút cần sa ‘thấy ngon’
Nêu ra chương trình tranh cử, lãnh tụ Lãnh tụ đảng Tự do Dân chủ Anh (Lib Dem), bà Jo Swinson kêu gọi hợp pháp hóa cần sa.
Theo bà Swinson, người Scotland, tiền thu về từ việc bán cần sa hợp pháp ở các tiệm có giấy phép sẽ đem cho ngân sách nhà nước 1,5 tỷ bảng một năm.
Bà Jo Swinson nói với chương trình BBC Newsnight rằng bà đã từng hút cần sa hồi còn là sinh viên đại học.
Bà thừa nhận “hút cần sa rất thích, và đó không phải là điều gì bất thường”.
“Nhiều người khác cũng hút và chúng ta cần để cho người dùng có thể hút một cách an toàn.”
Lib Dem, đảng lớn thứ tư trong Quốc hội Anh (20 nghị sỹ – tính đến trước ngày giải thể nghị viện), hiện đang tung ra các lời cam kết nhằm thu hút cử tri.
Một trong cách cam kết đó là nếu lập chính phủ, họ sẽ “tạo ra thị trường cần sa có kiểm soát bằng luật, và coi loại dược thảo này là thuốc dạng B” và cho người trên 18 tuổi mua hợp pháp.
Bà Jo Swinson phê phán chính sách của hai đảng khác tại Anh, Bảo thủ và Lao động, là ” cấm đoán ma tuý loại nhẹ”.
Đảng của bà muốn học theo chính sách của Hoa Kỳ và Canada là hợp pháp hóa cần sa để cho người dùng mua hợp pháp.
Chúng ta cần để cho người dùng có thể hút cần sa một cách an toànBà Jo Swinson
Quan điểm này, giống như cách đã làm ở Hà Lan, cho rằng việc coi cần sa là đồ cấm chỉ khiến các băng đảng tội phạm hoạt động mạnh trong thị trường đen để trồng và bán cần sa.
Theo bà Swinson, để thị trường cần sa như một lĩnh vực hình sự, “chỉ đánh vào giới trẻ và đó là lối đẩy họ vào các tội ác khác”.
Trước bầu cử 12/12/2019, đảng Tự do Dân chủ Anh nêu ra nghị trình của họ là ngăn Brexit và giữ Anh trong Liên hiệp châu Âu.
Ngoài ra, đảng này muốn giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách tới 2030 đạt mục tiêu tạo ra 80% nguồn điện cho cả nước Anh từ năng lượng tái tạo.
Giảm được nạn ‘trồng cỏ’ của người Việt?
Người Việt ở Anh: Lỗ hổng thiên đàng và căn bệnh mãn tính
Mua bán người – Đừng đánh cược tương lai
Vụ 39 người chết ở Anh: Tranh cãi về trách nhiệm
Dù bà Jo Swinson không đề cập trực tiếp về vụ 39 nạn nhân Việt Nam chết khi vào Anh bằng đường lậu hồi tháng 10/2019, sáng kiến hợp pháp hóa cần sa của đảng Tự do Dân chủ Anh được một số giới chú ý.
Ông Daniel Silverstone, từ trường Liverpool John Moores University viết trên một trang về nhân quyền, nói đến sự thiếu hiệu quả của cảnh sát Anh chống nạn buôn người.
Trồng cần sa lậu ra sao?
Trồng trong môi trường kín để tưới cây đều, điều chỉnh không khí
Dựng đèn có ánh sáng nhân tạo 24/7
Tạo vòng sinh trưởng từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch là 3 tuần
Có thể rút ngắn thời gian chiếu sáng xuống 18 giờ/ngày, nhưng phải chờ thu hoạch sau 7-9 tuần.
Chất lượng dầu cần sa tùy thuộc vào nồng độ THC (Tetrahydrocannabinol, chất tạo ảo giác thần kinh) trong lá khi thu hoạch và quá trình sấy khô.
Trong bài viết ‘How To Prevent The Deaths Of More Vietnamese Migrants Trying To Reach Britain‘ (31/10/2019) ông nêu rằng một cách tiếp cận mới có thể giúp cải cách hệ thống pháp luật Anh chính là nghị trình hợp pháp hoá cần sa của đảng Tự do Dân chủ:
“Chính sách Lib Dem đề nghị có thể giảm đi tính hấp dẫn, lợi nhuận lớn từ việc làm phi pháp (trồng cần sa) tại Anh, và giúp Anh đứng cùng hàng ngũ với các nước châu Âu, những điểm đến mà người nhập cư lậu Việt Nam đi qua.”
Tác giả này cũng viết rằng một trong những mục tiêu quen thuộc của di dân Việt vào Anh là để trồng cần sa phi pháp.
Hà Lan trong năm 2019 đã bắt đầu cho quá trình thử nghiệm 4 năm hợp pháp hóa cần sa, với trên 70 cửa tiệm được giấy phép bán loại ma tuý này từ nay đến 2021.
Hồi tháng 10/2018, Canada ra luật liên bang hợp pháp hóa việc trồng và dùng cần sa.
Nay, nước này đang tiến đến chỗ cho bán cả các loại đồ ăn và đồ uống có chứa cần sa nồng độ nhẹ.
Theo đánh giá của Deloitte trong nghiên cứu ‘Nuôi dướng tăng trưởng mới’ (Nurturing new growth), thị trường đồ hút, hàng ăn và đồ uống có chất cần sa ở Canada ước tính đạt 2,7 tỷ đô la Canada.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50516486
Hoàng Tử Andrew thoái lui khỏi các nhiệm vụ hoàng gia
Công tước xứ York cho biết ông đang rút lui khỏi các nhiệm vụ hoàng gia, vì vụ bê bối Jeffrey Epstein trở thành một “vấn đề lớn” đối với Hoàng gia Anh Quốc. Hoàng tử Andrew, 59 tuổi, cho biết ông xin Nữ hoàng cho phép thoái lui trong “tương lai gần”. Ông cho biết ông vô cùng thông cảm với các nạn nhân của tội phạm tình dục Epstein và tất cả những người “muốn có một số hình thức khép kín”.
Vị công tước này phải đối mặt với phản ứng ngày càng dữ dội sau một cuộc phỏng vấn của hãng tin BBC về tình bạn của ông với nhà tài chính Hoa Kỳ. Các công ty mà ông có liên kết, chẳng hạn như BT và Barclays, cùng các trường đại học và tổ chức từ thiện cắt đứt quan hệ với ông. Trong vài tháng, vị công tước phải đối mặt với các câu hỏi về mối quan hệ của ông với ông Epstein, người tự sát vào tháng 8 trong khi chờ xét xử về các cáo buộc buôn bán tình dục. Bà Virginia Giuffre, một trong những người tố cáo ông Epstein, tuyên bố rằng bà bị ép quan hệ tình dục với vị hoàng tử này ba lần. Công tước luôn phủ nhận mọi hình thức tiếp xúc tình dục hoặc quan hệ với bà. Hành động mới nhất của ông, được Cung điện Buckingham mô tả là “một quyết định cá nhân”, được thực hiện sau các cuộc thảo luận với Nữ hoàng và Hoàng tử Charles. Ông còn cho biết thêm rằng ông “sẵn sàng hỗ trợ mọi cơ quan pháp luật chính đáng trong các cuộc điều tra của họ, nếu được yêu cầu”.
https://www.sbtn.tv/hoang-tu-andrew-thoai-lui-khoi-cac-nhiem-vu-hoang-gia/
Phát hiện 16 di dân
trong thùng xe tải từ Pháp sang Ireland
Cảnh sát Ireland cho hay thủy thủ đoàn trên một chiếc phà chở khách từ Pháp sang Ireland hôm 21/11 phát hiện 16 di dân xuất xứ từ Trung Đông trốn trong một thùng hàng xe tải niêm phong, tất cả sức khỏe ổn định.
16 người bị phát giác trong cuộc kiểm tra thường lệ trên phà trên đường từ cảng Cherbourg của Pháp sang Rosslare, Đông Nam Ireland, phát ngôn nhân của chiếc phà Stena Line cho biết.
Cảnh sát tin rằng đa số trong nhóm di dân đã qua tuổi vị thành niên.
Sau khi phát hiện, nhân viên trên phà, với sự hỗ trợ của tài xế xe tải, đã mở thùng xe tải và tất cả 16 người đàn ông trong container sau đó đã được kiểm tra sức khỏe.
Cảnh sát khám xét chiếc xe tải. Chủ xe, theo cảnh sát, là một công ty đặt ở Ireland. Tài xế trạc 50 tuổi là một cư dân ở Ireland hơn 25 năm. Cả chủ xe tải và tài xế đều tỏ ra hợp tác với cảnh sát trong cuộc điều tra.
Hôm 23/10 vừa qua, thi thể 39 người Việt được phát hiện trong thùng lạnh xe tải gần London, Anh Quốc. Hai người ở Anh và tám người ở Việt Nam đã bị truy tố về vụ này.
Ngày 19/11, giới hữu trách Hà Lan phát hiện 25 di dân trên một phà chở container khi chiếc phà vừa rời Hà Lan tới Anh.
Bánh ngọt Pháp có quá nhiều chất phụ gia
Đó là kết luận của Cơ quan an toàn thực phẩm ANSES của Pháp. Cơ quan này cho công bố hôm 20/11/2019 một bản nghiên cứu về các chất phụ gia trong các ‘‘thực phẩm chế biến’’. Theo kết quả báo cáo, 78% các thực phẩm bày bán trong siêu thị đều có ít nhất một chất phụ gia trong danh sách các thành phần.
Cơ quan ANSES đặc trách về các vấn đề an toàn trên nhiều lãnh vực thực phẩm, môi trường và lao động. Đây là lần đầu tiên cơ quan này phối hợp với INRA (Cơ quan quốc gia nghiên cứu nông học) để công bố một cuộc khảo sát từng được tiến hành ở quy mô lớn : trên 30.000 sản phẩm chế biến của ngành nông thực phẩm được nghiên cứu trong 10 năm liền.
Theo kết quả được báo Le Parisien và Hufftington Post trích dẫn, trong giai đoạn những năm 2008-2016, ngành nông thực phẩm đã có phần giảm bớt các chất phụ gia để chế biến thực phẩm, thế nhưng mức giảm ấy trong gân fmột thập niên vẫn chưa đủ. Cứ trên 10 sản phẩm được phân tích, là có đến gần 8 (78%) hàm chứa ít nhất là một chất phụ gia.
Hơn một nửa các thức ăn do ngành nông thực phẩm chế biến (53%) hàm chứa đến ba chất phụ gia. Đáng ngạc nhiên hơn cả là các loại bánh ngọt có bơ dùng cho điểm tâm và các bữa ăn nhẹ (viennoiserie) có rất nhiều chất phụ gia để giúp cho bánh thêm nhiều màu, nhiều mùi hương sao cho thật hấp dẫn đối với khẩu vị của người tiêu dùng, nhưng loại viennoiserie này đôi khi lại có tới 5 chất khác nhau trong cùng một chiếc bánh.
Theo cô Céline Ménard, trưởng ban quan sát chất lượng thực phẩm (OQALI) trực thuộc cơ quan ANSES, không phải chỉ có bánh ngọt viennoiserie, mà nhiều món tráng miệng khác cũng như đồ ăn tươi chế biến sẵn và các loại kem đông lạnh” đều có nhiều chất phụ gia. Các loại kem chantilly chẳng hạn (whipped cream) chủ yếu chỉ có đường và kem sữa, nhưng đổi lại có tới ba chất phụ gia dùng để làm đặc sản phẩm như E471, E941 và E942. Mùi vani cũng không phải là hương liệu tự nhiên mà chỉ là nhân tạo.
Cụ thể, Liên hiệp Châu Âu cho phép sử dụng 400 chất phụ gia khác nhau. Trong ngành nông thực phẩm, các nhà sản xuất chủ yếu sử dụng hơn 10% các chất được cho phép. Trên số 46 chất phụ gia thông dụng nhất, các nhà chế biến thực phẩm ‘‘công nghiệp’’ thường sử dụng ba loại : E330 (axit citric), có tác dụng điều chỉnh độ chua và độ kiềm. Chất này có mặt trong một phần tư các sản phẩm trong siêu thị. Phụ gia thứ nhì là loại tinh bột biến thể được sử dụng để làm chất dày hay chất đặc (hiện diện trong hơn 20% sản phẩm) và phụ gia thứ ba là chất E322 (lecithin), chất nhũ hóa có mặt trong 17% các thực phẩm.
Một điều khá bất ngờ khác là các tập đoàn quốc tế nổi tiếng như Danone hay Nestlé lại là những công ty dùng nhiều chất phụ gia nhất, các tập đoàn này sử dụng chất phụ gia trong 27% các sản phẩm của mình so với 19% của các nhãn hiệu với giá mềm nhất (Marque Repère hay là Premier Prix).
Một cách chi tiết, việc sử dụng nhiều chất phụ gia dẫn tới nghịch lý là nhiều thức ăn làm sẵn dùng để ăn liền chưa chắc gì đã tốt hơn đồ đóng hộp, như bánh mì sandwich, các khay xà lách trộn, các hộp thức ăn đã nấu chín chỉ cần hâm lại vài phút. Các chất phụ gia ở đây ngoài vai trò điều vị, còn được dùng để duy trì độ tươi của thực phẩm càng lâu càng tốt. Còn các loại soda, nước ngọt ít đường lại tăng thêm chất phụ gia trong cách chế biến.
Một trong những điểm tích cực đáng ghi nhận là ngành nông thực phẩm đã giảm đáng kể lượng nitrite và các chất phụ gia thường được dùng để chế biến xúc xích hay các món thịt nguội. Một cách tương tự các loại pizza đông lạnh đã được cải thiện đáng kể, vì ngày càng loại trừ bớt các chất bảo quản không cần thiết. Ngược lại các loại thức ăn tráng miệng lại gia tăng các chất phụ gia, đặc biệt là các loại kem, càng cầu kỳ bao nhiêu lại càng dùng nhiều phẩm màu và hương vị nhân tạo bấy nhiêu.
Các loại trái cây xay nhuyễn hay ‘‘mứt tươi’’ cũng vậy dùng quá nhiều phẩm màu như E160a (màu cà rốt) E163 (màu đỏ tím), chất bột nổi E500 (carbonate de sodium), chất làm đông đặc E440 (pectine). Theo khuyến cáo của tổ chức ‘‘60 triệu người tiêu dùng’’ ở Pháp, không nên ăn qúa nhiều các thức ăn chế biến sẵn, vì các chất phụ gia có nguy cơ làm tăng các chứng bệnh như tiểu đường, béo phì, rối loạn hệ nội tiết ……
Theo ANSES, toàn bộ các dữ liệu này sẽ được chuyển tới Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu để đánh giá các rủi ro liên quan đến các chất phụ gia, để rồi từ đó hạn chế hay duy trì cách sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm. Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu hiện đang rà soát lại các chất phụ gia đã được phép khai thác từ năm 2009.
Trong lúc này, người tiêu dùng ở Pháp khi đi chợ càng nên sử dụng các ứng dụng như Yuca, Scan Eat hay Open Food Facts để biết rõ hơn về các thành phần dùng để chế biến các sản phẩm. Điều căn bản nhất cần nên biết là ta nên mua thực phẩm tươi rồi đem về nhà nấu nướng, bởi vì thức ăn càng thông qua nhiều khâu chế biến lại càng có nhiều chất phụ gia.
http://vi.rfi.fr/phap/20191121-banh-ngot-phap-co-qua-nhieu-chat-phu-gia-pour-vendredi-22112019
Động đất chính trị ở Israel :
Thủ tướng bị đặt trong vòng điều tra
Tối ngày 21/11/2019, ông Benyamin Netanyahu đã trở thành thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Israel bị điều tra vì tham nhũng lúc đương chức. Thủ tướng Netanyahu tố cáo đây là một vụ « đảo chính », hứa hẹn sẽ không bỏ cuộc.
Thông tín viên tại Jerusalem, Michel Paul cho biết thêm chi tiết :
« Ông Benjamin Netanyahu chuyển sang thế phản công. Ông tuyên bố : Chúng ta đang chứng kiến một mưu toan đảo chính và chỉ trích Viện Kiểm sát Israel mà ông cho là mù quáng.
Thủ tướng Netanyahu nói : Cần phải điều tra những ai đang điều tra. Tôi dành cả cuộc đời mình chiến đấu cho đất nước. Đây là một ngày khó khăn cho tôi và nhiều người dân Israel.
Đây là lần đầu tiên một thủ tướng đương nhiệm Israel bị khởi tố. Benjamin Netanyahu bị điều tra về ba vụ liên quan, và trong đó có một vụ ông bị điều tra với tội danh tham nhũng. Ông còn bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm và biển thủ.
Hồ sơ nhạy cảm nhất là vụ công ty Bezeq. Netanyahu bị cáo buộc là đã dành ưu đãi của chính phủ cho chủ nhân công ty viễn thông này có được hàng triệu đô la, để đổi lấy việc đưa tin có lợi ông.
Nhà lãnh đạo đảng Likoud có nguy cơ lãnh án đến 10 năm tù vì tội danh tham nhũng, và ba năm cho mỗi tội danh, gian lận và lạm dụng tín nhiệm ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191122-chinh-tri-israel-thu-tuong-dieu-tra-qt
TT Trump : Iran che giấu « thảm kịch » trấn áp biểu tình
Trên mạng Twitter ngày 21/11/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ « Iran trở nên bất ổn đến mức chế độ phải cắt mọi hệ thống Internet để người dân Iran không thể nói về tình trạng bạo lực trên quy mô lớn đang xảy ra trên đất nước ».
Ngoài ra, ông Donald Trump còn lên án « chế độ Iran đã gây ra một thảm kịch » và « không minh bạch ». Về phần ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông kêu gọi người biểu tình Iran chuyển đến Mỹ mọi bằng chứng trấn áp để « trừng phạt những hành động lạm dụng » từ phía chính quyền Teheran.
Chính quyền Đức lên án « những hành động bất cân xứng » nhắm vào người biểu tình. Còn Liên Hiệp Châu Âu hy vọng lực lượng an ninh Iran « hết sức kiềm chế ». Tuy nhiên, Teheran đã phản đối, cáo buộc Liên Hiệp Châu Âu can thiệp, đồng thời yêu cầu Bruxelles giải thích tại sao « không giữ lời hứa » giúp Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tránh những biện pháp trừng phạt của Mỹ, khiến kinh tế nước này bị suy thoái.
Theo AFP, đối với chính quyền Teheran, phong trào phản kháng ở Iran, cũng như ở Irak, bị các thế lực thù nghịch nước ngoài giật dây, như Hoa Kỳ, Israel và Ả Rập Xê Út. Để chứng minh điều này, chính quyền dùng biện pháp « thú tội » trên truyền hình, như trường hợp một phụ nữ, được giới thiệu tên là Fatemeh Davand, đã thú nhận trên truyền hình Nhà nước hôm 20/11 rằng bà « là một trong số những người cầm đầu các cuộc nổi dậy » ở tây bắc Iran.
Truyền thông Iran cũng thông báo bắt giữ một cựu nhân viên của sứ quán Iran tại Đan Mạch, bị cáo buộc chặn một trong những tuyến đường cao tốc quanh Teheran, và phát hiện « trang thiết bị tình báo, cũng như nhiều trang thiết bị điện tử khác » tại nhà riêng.
Chính quyền Teheran chỉ nhắc đến có 5 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, trong đó đã có đến 4 nhân viên an ninh. Tuy nhiên, theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế, có ít nhất 106 người thiệt mạng. Mạng Internet vẫn chưa hoạt động trở lại ở Iran dù tình hình đã trở nên yên tĩnh hơn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191122-trump-iran-che-giau-tham-kich-tran-ap-bieu-tinh
Điểm lại những nội dung đáng chú ý
tại một số cuộc gặp không chính thức
diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN diễn ra tại Thái Lan, trong ngày 17/11 đã diễn ra các cuộc gặp không chính thức giữa ASEAN với các nước đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Cuộc gặp không chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản
Tại cuộc gặp này,Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono khẳng định Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực. Nhật Bản cũng mong muốn tận dụng các cơ hội hợp tác với ASEAN để đạt được hiệu quả nhất và trên cơ sở nhu cầu của từng bên. Nhật Bản cũng cam kết sẽ giúp ASEAN tăng cường năng lực, nhất là về công nghệ và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên cơ sở “Tầm nhìn Vientiane” đã được nâng cấp. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khẳng định, quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản không ngừng mở rộng trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua; đánh giá cao những hỗ trợ và sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực. Các Bộ trưởng mong muốn, thông qua hợp tác, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực.
Cuộc gặp không chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc
Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khẳng định, Trung Quốc coi trọng hợp tác với ASEAN, cho rằng hợp tác quốc phòng ASEAN – Trung Quốc đang ngày càng phát triển. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ủng hộ những đề xuất của phía Trung Quốc khẳng định, hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức thành công Diễn tập Hàng hải ASEAN – Trung Quốc năm 2018, Giao lưu Sĩ quan trẻ ASEAN – Trung Quốc và Giao lưu học giả quân sự ASEAN – Trung Quốc vào tháng 10/2019 vừa qua. Những hoạt động này góp phần thiết thực vào việc xây dựng lòng tin giữa ASEAN với Trung Quốc. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cuộc gặp không chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper tái khẳng định cam kết của Mỹ về Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia dù lớn hay nhỏ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong khi đó, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hoan nghênh việc Mỹ tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt là ADMM+. Ghi nhận những nỗ lực tích cực của Mỹ trong hợp tác quốc phòng với ASEAN thời gian qua, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng đánh giá cao việc lực lượng Hải quân các nước ASEAN và Mỹ đã tổ chức thành công “Diễn tập hàng hải ASEAN – Mỹ”.
Ngoài ra, còn có các cuộc tiếp xúc song phương giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam với Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Brunei, New Zealand, Hàn Quốc. Các Bộ trưởng đều khẳng định ủng hộ Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức thành công các hoạt động quân sự quốc phòng trong năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đặc biệt quan tâm
thảo luận về tình hình an ninh khu vực,
trong đó có vấn đề Biển Đông
Ngày 17/11, tại Bangkok (Thái Lan), tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Lãnh đạo các nước đã thảo luậnvề tình hình khu vực và thế giới,các vấn đề an ninh nội khối, trong đó có vấn đề Biển Đông, trước khi làm việc chính thức với các đối tác vào ngày 18/11. Hội nghị do Đại tướng Prawit Wongsuwan, Phó Thủ tướng Thái Lan chủ trì hội nghị.
ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức, đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Prawit Wongsuwan, cho biết trong những năm qua, hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ, với việc thành lập các cơ chế hợp tác mới và các hoạt động liên quan khác. Đó là những minh chứng cho cam kết của các nước trong việc tăng cường sự ổn định, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN nhằm xây dựng ASEAN là một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển theo “Tầm nhìn ASEAN 2025”. Tuy nhiên, Đại tướng Prawit Wongsuwan cho rằng ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những thách thức và đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, điều không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được. Tại Hội nghị ADMM hẹp, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã trao đổi quan điểm về môi trường an ninh quốc tế và khu vực. Các bộ trưởng đều khẳng định ASEAN cần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm và dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác tại khu vực nhằm ứng phó kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên như vấn đề khủng bố, mặt trái của sự phát triển của công nghệ, an ninh mạng.
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới
Các Bộ trưởng cũng trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới.Một số Bộ trưởng đánh giá tích cực về tiến triển của đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), văn kiện được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực, song đã bày tỏ lo ngại về các diễn biến gần đây trên Biển Đông. Các Bộ trưởng đều nhất trì cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đồng thời yêu cầu các bên không có các hành động quân sự hóa, đơn phương gây phức tạp tình hình, đóp góp nỗ lực chung trong đảm bảo hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trước cuộc họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN cũng đã có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa, trong đó hai bên xác nhận sẽ tiến hành tập trận hải quân chung, tuy nhiên chưa thống nhất thời gian cụ thể. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho biết các nước ASEAN nhất trí kêu gọi tất cả các bên tôn trọng tiến trình đàm phán COC. Đáp lại, người đồng cấp Trung Quốc cho biết sẵn sàng làm việc để giải quyết bất đồng trên biển với các nước ASEAN. Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch trong ngày 16/11, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, đồng thời thống nhất cùng phối hợp giải quyết vấn đề ngư dân hai nước vi phạm vùng biển của nhau trên tinh thần nhân đạo, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo đúng luật pháp Indonesia và luật pháp Việt Nam, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ hai nước cũng như trở thành một vấn đề khu vực. Trong ngày 18/11, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN làm việc chính thức với các đối tác từ Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và Mỹ.
Nam Hàn rút lại quyết định
chấm dứt hiệp ước tình báo với Nhật Bản vào giờ chót
Tin từ Seoul, Nam Hàn – Nam Hàn vào giờ chót đã rút lại quyết định chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản hết hạn vào hôm thứ Bảy (23 tháng 11) do tranh chấp về lịch sử và thương mại.
Theo tin từ Reuters, việc Thỏa thuận An ninh Thông tin Quân sự (GSOMIA) hết hạn rất có thể sẽ làm gia tăng bất hòa giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không muốn tranh chấp giữa hai đồng minh châu Á phá hoại mối quan hệ hợp tác an ninh.
Vào tháng 8, Nam Hàn thông báo cho Nhật Bản rằng họ sẽ chấm dứt GSOMIA sau khi Nhật Bản áp đặt các hạn chế đối với việc xuất cảng các vật liệu cần thiết cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiển thị sang Nam Hàn. Nguồn gốc của tranh chấp này là sự phẫn nộ bắt nguồn từ việc Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910-45.
Thỏa thuận an ninh này sẽ hết hạn vào nửa đêm hôm thứ Bảy, trừ khi Nam Hàn quyết định gia hạn. Nhưng cả hai bên đều không khoan nhượng, với Nam Hàn tuyên bố rằng Nhật Bản phải dỡ bỏ các hạn chế thương mại trước. Nhật Bản kêu gọi duy trì thỏa thuận an ninh.
Vào hôm thứ Năm, ông Kang Gi-jung, thư ký cao cấp của ông Moon về các vấn đề chính trị, cho biết rằng chính phủ Nhật Bản từ chối thừa nhận sai lầm của họ, và thay vào đó lại mong đợi Nam Hàn “vẫy cờ trắng”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết việc kết thúc thỏa thuận sẽ không có tác động trực tiếp đến an ninh Nhật Bản, nhưng sự việc này có thể gửi sai tín hiệu đến Bắc Hàn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nam-han-rut-lai-quyet-dinh-cham-dut-hiep-uoc-tinh-bao-voi-nhat-ban-vao-gio-chot/
Các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc lấn sân sang Việt Nam
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – Các công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc đang tận dụng những nét tương đồng của nước họ với Việt Nam – đề cao giáo dục, có cùng chung những nghi lễ, lịch sử nội chiến chia rẽ và hiện đang tập trung vào sản xuất và hội nhập với thương mại quốc tế – để mang lại lợi thế trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong khi Việt Nam theo bước của Hàn Quốc để trở thành một trong những con hổ Châu Á tiếp theo.
Hàn Quốc vốn đã là một nhà đầu tư lớn ở quốc gia Đông Nam Á này, nhưng giờ đây các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực như mỹ phẩm và ứng dụng điện thoại thông minh cho khách sạn đang tham gia đầu tư.
“Tôi nghĩ rằng đầu tư khởi nghiệp Việt Nam đang thực sự gia tăng vào lúc này,” Jisoo Kang, giám đốc điều hành của Fluto, một công ty khởi nghiệp Hàn Quốc đang tiến hành thử nghiệm người dùng trên các sản phẩm kĩ thuật số, cho biết.
Cuộc chinh phục tiếp theo
Trong khi các đại công ty Hàn Quốc đã chinh phục thị trường truyền hình và ô tô quốc tế, giai đoạn tăng trưởng tiếp theo là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam là 7% hàng năm, so với tốc độ tăng trưởng 2% của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, con đường mà các đại công ty Hàn Quốc đã đi cũng có thể giúp các công ty khởi nghiệp. Một công ty khởi nghiệp logistics của Hàn Quốc có tên 2Luck cho biết họ sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty đã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam.
“Có rất nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc ở đây,” Kim Seungyong, giám đốc điều hành của 2Luck, cho biết.
Công ty của anh nhắm mục tiêu tăng hiệu năng cho dịch vụ logistics bằng cách kết nối các tài xế xe tải đã giao hàng với khách hàng cho các chuyến đi trở về của họ.
Các công ty khởi nghiệp khác đang xem xét những tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Người Việt Nam đánh giá cao tất cả mọi thứ từ nhạc pop Hàn Quốc đến các phim truyền hình Hàn Quốc, và việc người dân hai nước kết hôn với nhau là chuyện phổ biến.
Phương sách giáo dục
Một điểm chung là giáo dục. Giống như học sinh Hàn Quốc, học sinh Việt Nam cũng đặt nặng chuyện thi cử và dành nhiều thời gian đi học thêm sau giờ học chính quy. Điều này được phản ánh ở điểm số cao mà Việt Nam đạt được trong các kì thi quốc tế.
KEII Platform, một công ty giáo dục, tự gọi mình là công ty “edtech” (công nghệ giáo dục) đầu tiên ở Hàn Quốc. Các dịch vụ của họ bao gồm dạy toán cho học sinh qua video và để học sinh tự học toán trên ứng dụng điện thoại thông minh.
“Chúng tôi muốn trở thành nền tảng giáo dục số 1 tại Việt Nam,” Peter Lee, giám đốc điều hành của KEII Platform, cho biết vào tháng 10.
Tuy nhiên, họ đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh — họ không phải là công ty khởi nghiệp đầu tiên tìm kiếm cơ hội trong thị trường dịch vụ giáo dục. Các công ty Việt Nam như Topica, Elsa và Yola đã có mặt trên thị trường ở đây từ lâu.
https://www.voatiengviet.com/a/cac-cong-ty-khoi-nghiep-han-quoc-lan-san-sang-viet-nam/5176183.html
Nguy cơ hồ sơ Triều Tiên lặp lại
những ngày ‘lửa và giận dữ’ năm 2017
Điều quan trọng mà ông Trump và các cố vấn cần phải thừa nhận là hòa bình và việc giảm thiểu các mối đe dọa từ Triều Tiên là có thể đạt được.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khoa trương rằng chỉ mình ông có thể đưa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào bàn đàm phán và thường viện dẫn việc dừng các vụ thử trên lửa tầm xa và đầu đạn hạt nhân như bằng chứng về thành công của ông.
Tuy nhiên, Triều Tiên nói rằng nước này đã bị Tổng thống Trump “phản bội” do thiếu các tiến bộ trong đàm phán – và nếu Mỹ không thay đổi chính sách trước cuối năm nay, thì Triều Tiên sẽ không còn thấy bị hạn chế với những vụ thử [tên lửa và hạt nhân] nữa.
Nói cách khác, nếu Tổng thống Trump không nhanh chóng trở lại với tiến trình ngoại giao, thì viễn cảnh năm 2020 có thể giống như những ngày “lửa và giận dữ” của năm 2017 và nguy cơ về một cuộc chiến tranh hủy hiệt sẽ lại một lần nữa dấy lên.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Daniel L. Davis một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Mỹ có tên Ưu tiên Quốc phòng Mỹ vẫn còn thời gian để tránh kịch bản leo thang một cách không cần thiết như vậy.
Triều Tiên đang dần mất kiên nhẫn
Hôm 14/11, truyền thông Nhà nước Triều Tiên tuyên bố Mỹ đã đề xuất vòng đàm phán cấp chuyên viên mới trong tháng 12.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày hôm sau nói rằng, Mỹ sẽ “linh động” trong các cuộc tập trận quân sự chung trong tương lai với Hàn Quốc – các cuộc tập trận mà Triều Tiên thường phản đối – nếu điều đó tạo điều kiện cho con đường ngoại giao.
Việc tiến hành linh hoạt các cuộc tập trận chung không chỉ mang tính răn đe, ông Esper nói, mà còn nhằm đảm bảo rằng Mỹ sẽ không đóng bất cứ cánh cửa nào cho phép thúc đẩy các tiến bộ trên mặt trận ngoại giao.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump với ông Kim ở Singapore năm 2018, hai bên có lúc tưởng như đang hướng tới một thỏa thuận có thể gia tăng cơ hội hòa bình giữa 2 nước mà về mặt kỹ thuật vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất cho một bước đột phá lớn đã không còn, khi cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội đầu năm 2019 không đạt được kết quả nào.
Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 2/2019, có nhiều hy vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ kết thúc cuộc gặp 2 ngày bằng một thỏa thuận ít nhất mang tính biểu tượng, đặt nền móng cho các cuộc đàm phán quan trọng trong năm 2019.
Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khi đó John Bolton có vẻ như đã thuyết phục được Tổng thống Trump không nhượng bộ lớn với ông Kim.
Ông Kim đã nổi giận vì không có bước tiến nào ở Hà Nội và suốt nhiều tháng sau đó đã không liên lạc với phía Mỹ. Đã có sự cải thiện nhỏ vào cuối tháng 6 khi ông Trump bất ngờ gặp ông Kim ở Khu phi quân sự (DMZ) liên Triều.
“Cuộc gặp này đã có những điều đáng kể”, ông Kim nói với phóng viên, “vì nó có nghĩa là chúng tôi muốn chấm dứt quá khứ không dễ chịu và cố gắng tạo ra một tương lai mới”. Nhưng mốc gợi mở này, lại không được nối tiếp bằng hành động ngoại giao chính thức nào và tình hình tiếp tục bế tắc.
Ông Kim bắt đầu tỏ ra không hài lòng bằng cách tiến hành một số vụ thử vũ khí chiến thuật, với ý định thúc đẩy ông Trump trở lại đàm phán. Triều Tiên thực sự cần ít nhất là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và sẵn sàng tham gia vào con đường ngoại giao từng bước với Washington. Vấn đề chính mà ông Trump và các cố vấn cấp cao của ông phải thừa nhận hòa bình với Triều Tiên là khả thi và việc giảm mối đe dọa từ Triều Tiên có thể đạt được.
Chiến lược nào là phù hợp?
Tuy nhiên, sẽ không khả thi khi trở lại “xu hướng Bolton” trong việc tìm cách phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn trước khi bất cứ biện pháp trừng phạt nào được dỡ bỏ. Nếu các nhà ngoại giao Mỹ trở lại đàm phám và yêu cầu ông Kim giải giáp kho hạt nhân của mình trước khi bất cứ sức ép nào được gỡ bỏ, thì khi đó, các cuộc đối thoại sẽ lại sụp đổ và nhiều khả năng ông Kim sẽ khôi phục các vụ thử tên lửa tầm xa và thậm chí cả một vụ thử hạt nhân mới.
Trong những năm qua, Triều Tiên vẫn thường phát tín hiệu công khai trước khi làm những điều mà họ đe dọa, và chẳng có lý do gì để tin họ sẽ không làm vậy với những đe dọa hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Davis, tình thế này có thể tránh được với một chiến lược phù hợp từ Washington.
Tin tốt cho người Mỹ là an ninh Mỹ sẽ vẫn được đảm bảo bởi sự răn đe hiện nay của nước này. Ngay cả nếu Triều Tiên trở lại với các vụ thử nghiệm mang tính khiêu khích nhiều hơn, ông Kim sẽ vẫn cảm thấy nếu tiến hành một cuộc tấn công thực sự nào nhằm vào Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì quân đội Mỹ sẽ đáp trả một cách lấn át và nhiều khả năng làm sụp đổ chính quyền của ông.
Cũng cần phải hiểu rằng ông Kim coi sự tồn tại của chế độ là chìa khóa và coi kho hạt nhân là “thanh gươm” bảo vệ độc nhất đối với sự tồn tại của Triều Tiên. Nói cách khác, yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn sẽ là dấu chấm hết không lối thoát cho các cuộc đàm phán.
Có một con đường tốt hơn, ít rủi ro hơn, đó chính là việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhất định để đổi lấy những hành động cụ thể từ phía Triều Tiên.
Trong kịch bản tốt nhất, sẽ phải mất tới 10 năm thậm chí hơn thế trước khi Triều Tiên cảm thấy đủ “an ninh” để phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng mọi bước đi được thực hiện để giảm căng thẳng đều sẽ gia tăng cơ hội đạt được hòa bình.
Bầu cử Đài Loan 2020:
Dấu hiệu sớm về căng thẳng quan hệ giữa hai bờ
Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu năm 2020 tại Đài Loan, đảng cầm quyền và các đảng phái chính trị tại hòn đảo này đang tích cực chuẩn bị nhân sự tranh cử của đảng mình. Đáng chú ý, đảng cầm quyền đã chọn một ứng viên cho vị trí Phó Tổng thống có tư tưởng chống Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn hôm 17/11 đã chọn ông Lại Thanh Đức, chính trị gia từng công khai ủng hộ Đài Loan độc lập, làm cấp phó trong cuộc bầu cử vào đầu năm 2020. Ông Lại Thanh Đức từng có thời gian đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan, làm liên danh tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào đầu năm 2020. Ông Lại là chính trị gia ủng hộ độc lập cho Đài Loan. “Tôi đã quyết định chấp nhận lời mời của bà Thái, trở thành cấp phó của bà ấy, để cùng chiến đấu trong cuộc bầu cử, đoàn kết và bảo vệ Đài Loan, để tiếp tục thể hiện ánh sáng dân chủ, dẫn đường cho Hồng Công trong thời kỳ đen tối này”, ông Lại tuyên bố sau khi nhận được lời mời từ nhà lãnh đạo Đài Loan. Truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó kêu gọi chính phủ phát lệnh truy nã toàn cầu nhằm bắt giữ và truy tố chính trị gia Đài Loan theo đạo luật chống ly khai của nước này. Trước liên danh mới thành lập, Quốc dân đảng đối lập, với xu hướng thân Bắc Kinh, tuyên bố bà Thái Anh Văn đang tập hợp những lá phiếu “cực đoan” bằng cách khuấy động phong trào đòi độc lập cho Đài Loan.
Phán ứng được xem là có liên quan tức Bắc Kinh, trong ngày 17/11, truyền thông quốc tế cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Đài Loan. Quan chức Đài Loan cáo buộc hành động trên của Bắc Kinh nhằm gây sức ép và can thiệp vào cuộc bầu cử tại hòn đảo này vào đầu năm 2020.Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết một nhóm tàu sân bay do tàu sân bay chế tạo nội địa đầu tiên của Trung Quốc dẫn đầu đã đi qua eo biển Đài Loan. Theo sau nhóm tàu sân bay của Trung Quốc là các tàu của Mỹ và Nhật Bản, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết. Cũng theo tuyên bố từ cơ quan này, máy bay chiến đấu và các tàu được triển khai để giám sát hoạt động của nhóm tàu sân bay Trung Quốc. “Ngay khi bà Thái lựa chọn người liên danh và cuộc chạy đua bầu cử chuyển sang một mức độ mới, PLA (quân đội Trung Quốc) đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay 002 tới eo biển Đài Loan. Trung Quốc muốn can thiệp vào bầu cử Đài Loan. Cử tri sẽ không bị đe dọa. Họ sẽ nói không với Trung Quốc tại hòm phiếu”, Joseph Wu, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, viết trên Twitter.
Nhiều người biểu tình ở Hồng Kông đầu hàng
khi cuộc bao vây trường đại học tiến đến hồi kết
Tin từ Hồng Kông – Ít nhất 8 người biểu tình cố thủ tại một trường đại học Hồng Kông đầu hàng vào đầu hôm thứ Sáu (22 tháng 11), trong khi những người khác tìm kiếm lối thoát vượt qua cảnh sát chống bạo động bao quanh khuôn viên trường nhưng cho biết rằng không cuộc đối đầu này không có thời hạn chấm dứt.
Theo Reuters, cuộc bao vây tại Đại học Bách khoa trên bán đảo Kowloon dường như đang tiến đến hồi kết với số lượng người biểu tình giảm xuống vài chục, vài ngày sau khi một số vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ phát triển mạnh vào tháng Sáu.
Giám đốc cảnh sát mới của Hồng Kông, ông Chris Tang, người đảm nhiệm chức vụ trong tuần này, kêu gọi những người còn lại bên trong tiến ra ngoài. Ông tuyên bố rằng ông mong muốn một giải pháp hòa bình.
Hầu hết những người còn lại cho biết họ muốn tránh bị bắt vì bạo loạn hoặc các cáo buộc khác, nên họ hy vọng sẽ tìm được cách để vượt qua cảnh sát bên ngoài hoặc trốn trong khuôn viên gần như hoang vắng của trường đại học.
Bầu không khí trong khuôn viên trường tĩnh lặng khi mặt trời mọc, sau một đêm tuần tra của một số người biểu tình trong khuôn viên trường để tìm cảnh sát chìm. Những người khác lẫn trốn và lo sợ rằng họ sẽ bị bắt bởi những kẻ xâm nhập.
Một phóng viên của Reuters nhìn thấy sáu người biểu tình mặc đồ đen nắm tay nhau đi về phía cảnh sát, trong khi một nhân viên sơ cứu cho biết hai người khác đầu hàng sau đó. (Mộc Miên)
Bầu cử địa phương Hồng Kông:
Cảnh sát sẽ bảo vệ các phòng phiếu
Ngày 22/11/2019, tân cảnh sát trưởng Hồng Kông Đặng Bỉnh Cường (Chis Tang) thông báo là lực lượng cảnh sát của đặc khu sẽ được triển khai đông đảo để bảo vệ các phòng phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng quận huyện vào cuối tuần này.
Ông Đặng Bỉnh Cường tuyên bố với các phóng viên là cảnh sát sẽ xử lý ngay lập tức, không một chút do dự, những hành vi bạo lực làm cản trở cuộc bầu cử.
Theo Reuters, cuộc bầu cử hội đồng quận lần này được coi là cuộc trắc nghiệm về sự ủng hộ của người dân Hồng Kông đối với phong trào biểu tình đòi dân chủ. Đây cũng sẽ là cơ hội để các ứng cử viên phe dân chủ giành thêm ghế trong số 452 nghị viên sẽ được bầu cho 18 quận huyện.
Những người biểu tình sợ rằng bầu cử sẽ bị đình hoãn do tình hình rối loạn. Về phần chính quyền Hồng Kông, họ khẳng định duy trì cuộc bầu cử, nhưng cảnh báo là bạo động có thể sẽ khiến không thể tổ chức một cuộc bầu cử an toàn và công bằng.
Trong khi đó, cũng theo hãng tin Reuters, vào sáng sớm hôm nay, đã có thêm 8 người biểu tình rời khỏi khuôn viên đại học Bách khoa Hồng Kông để đầu hàng cảnh sát. Như vậy là trong một ngày qua, tổng cộng đã có khoảng 30 người đã ra khỏi khuôn viên đại học hiện vẫn bị cảnh sát bao vây. Hiện chưa rõ còn bao nhiêu người cố thủ bên trong vì sợ bị bắt.
Cảnh sát trưởng Hồng Kông Đặng Bỉnh Cường hôm nay nhắc lại là những người dưới 18 tuổi có thể rời khỏi nơi đây, cho dù có thể là sau đó sẽ bị truy tố. Ông cũng cam kết là sẽ đối xử không thiên vị toàn bộ những người lớn bị bắt. Tuy nhiên, cảnh sát trưởng Hồng Kông khẳng định không đề ra bất cứ thời hạn nào cho cuộc bao vây khuôn viên đại học Bách khoa.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191122-bau-cu-dia-phuong-hong-kong-canh-sat-phong-phieu
Nhà thiết kế Trung Quốc từng ăn cắp
mẫu áo dài Việt, giờ nói về ‘phẩm giá trang phục TQ’
Thương hiệu thời trang Ne·Tiger của Trung Quốc khi ra mắt bộ sưu tập họ gọi là “sự sáng tạo mới” năm 2018 nhưng giống hệt các mẫu áo dài của Việt Nam. Nhiều người Việt phẫn nộ.
Ne·Tiger là một thương hiệu thời trang nội của Trung Quốc. Nhà sáng lập công ty này, theo trang Harbin Fashion Week là ông Zhang Zhifeng. Ông này thành lập công ty năm 1982 và đăng ký thương hiệu Ne·Tiger từ năm 1992.
Những ngày qua, chưa rõ vì lẽ gì, những hình ảnh liên quan tới bộ sưu tập được gọi là “cách tân” những kiểu áo dài của thương hiệu thời trang Ne·Tiger từng công bố năm ngoái trở lại thành một đề tài gây tranh cãi rất nhiều trên dư luận mạng ở Việt Nam.
Theo đó, trong Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh khai mạc ngày 25-10-2018, Ne·Tiger đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế gây bức xúc với người Việt vì nó cho thấy sự sao chép áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo” của nhà thiết kế.
Những ngày qua, nhiều người Việt bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội về bộ sưu tập mà Ne·Tiger tuyên bố là “sự sáng tạo của họ” với áo dài. Rất nhiều người cho rằng nhãn hiệu thời trang Trung Quốc đã cố tình chơi trò “đánh lận con đen”, sao chép thiết kế mẫu áo dài truyền thống của Việt Nam rồi gọi là sáng tạo, cách tân.
Không ít ý kiến trên các diễn đàn mạng cáo buộc động thái của Ne·Tiger với áo dài, quốc phục của Việt Nam, chẳng khác nào một âm mưu “đường lưỡi bò” thứ hai trong lĩnh vực văn hóa và thời trang của người Trung Quốc.
Trong một diễn biến có thể là trùng hợp, ngày 25-10 năm nay, cũng tại Bắc Kinh, Tuần lễ thời trang xuân hè 2020 lại có sự góp mặt của thương hiệu thời trang Ne·Tiger này.
Đài CGTN (Trung Quốc) dẫn lời ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne Tiger, tuyên bố quan điểm của ông khi sáng tạo các bộ sưu tập thời trang của ông: “Khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”.
Ông này cũng nói: “Trong khi vẫn bảo lưu truyền thống, tôi cũng đã luôn chú ý tới việc hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây để được người tiêu dùng chấp nhận trên toàn thế giới”.
Phát biểu năm nay của ông Zhang Zhifeng khiến nhiều người liên tưởng tới bộ sưu tập được cho là ăn cắp mẫu áo dài của Việt Nam công bố năm ngoái. Bởi vậy, với nhiều người, chưa rõ cái quan niệm “đan quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây” của người sáng lập thương hiệu thời trang nội Ne Tiger của Trung Quốc có bao hàm việc bắt chước, sao chép quốc phục của một nước khác hay không, nhưng nhìn vào những hình ảnh trang phục được nhà thiết kế này từng gọi là “sản phẩm sáng tạo” của ông, ai cũng có thể cảm nhận điều đó.
Các mẫu áo dài mà nhà thiết kế Trung Quốc coi là “sáng tạo” của họ:
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, Tuần lễ thời trang xuân/hè 2020 Trung Quốc có sự tham gia của hơn 200 nhà thiết kế trong và ngoài nước. Tuần lễ này cũng sẽ trình diễn hơn 100 chương trình biểu diễn và các cuộc thi thời trang, bên cạnh đó là hơn 30 sự kiện đặc biệt.
Bắc Kinh vẫn không ngừng đe dọa Đài Loan
Liên danh tranh cử của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố đòi độc lập cho vùng lãnh thổ này. Bắc Kinh liền cảnh báo mạnh mẽ: ‘Sẽ chỉ chuốc lấy tai họa’.
Ngày 21-11, chính quyền Bắc Kinh cảnh báo vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ chuốc lấy “tai họa” sau khi người đồng hành tranh cử của bà Thái Anh Văn, ông Lại Thanh Đức (William Ching‑te Lai), nói rằng đang tranh đấu cho sự độc lập của đảo Đài Loan – vốn là một lằn ranh đỏ đối với Bắc Kinh.
Cụ thể, trong một bài viết trên Facebook vào đầu tuần này, ông Lại Thanh Đức tuyên bố ông là một “người làm việc thực tế vì độc lập của Đài Loan”. Chính khách 60 tuổi này còn nói rằng Đài Loan vốn là “quốc gia độc lập”, không lệ thuộc vào Trung Quốc đại lục.
Phản hồi trước một câu hỏi của phóng viên về những bình luận này, Văn phòng sự vụ Đài Loan của Chính phủ Trung Quốc nói rằng cả hai bên eo biển Đài Loan đều thuộc về “một Trung Quốc” và việc “thống nhất Tổ quốc” không phải là chuyện mà bất kỳ lực lượng nào có thể can ngăn được.
“Độc lập của Đài Loan” chỉ là ngõ cụt và sẽ chỉ mang tới tai họa trầm trọng cho Đài Loan. Điều đó chắc chắn sẽ bị tất cả người Trung Quốc, gồm những đồng bào ở Đài Loan, phản đối” – người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan Mã Hiểu Quang (Ma Xiao Guang) tuyên bố ngày 21-11.
Hôm 17-11, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã công bố chọn ông Lại Thanh Đức, chính trị gia từng công khai ủng hộ Đài Loan độc lập, làm người đồng hành tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 1-2020.
Theo Hãng tin Reuters, vấn đề độc lập của Đài Loan – một vấn đề nhạy cảm với Bắc Kinh – đã trở thành vấn đề nổi bật trong cuộc bầu cử ở Đài Loan kể từ khi ông Lại Thanh Đức, người từng phục vụ trong chính quyền Đài Loan, bắt tay với bà Thái.
Tháng 4 năm ngoái, khi còn là một quan chức cấp cao trong chính quyền Đài Loan, ông Lại Thanh Đức từng tuyên bố trước cơ quan lập pháp của Đài Loan rằng ông là “một người làm việc vì độc lập của Đài Loan” và rằng Đài Loan là “quốc gia độc lập”.
Lúc bấy giờ, trang Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đáp trả ngay. Trang này viết rằng Trung Quốc nên phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với ông Lại Thanh Đức để khởi tố ông theo Luật chống ly khai 2005 của Trung Quốc.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và cũng nhiều lần khẳng định không loại trừ phương án vũ lực để thống nhất hòn đảo này. Trong khi đó, lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh – luôn bác bỏ các tuyên bố như vậy.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31662-bac-kinh-van-khong-ngung-de-doa-dai-loan.html
Thương chiến Mỹ-Trung:
TQ có muốn giải quyết nhưng không ngại trả đũa
Trung Quốc muốn đạt một hiệp định thương mại sơ khởi với Hoa Kỳ và đã cố tránh một cuộc chiến thương mại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hôm thứ Sáu, tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc không ngần ngại trả đũa khi cần thiết.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng một cuộc tranh chấp kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang làm tăng những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu bằng cách phá vỡ các chuỗi cung ứng, cắt giảm đầu tư và làm mất tự tin trong giới kinh doanh.
“Chúng tôi muốn làm việc để đạt một thỏa thuận ‘giai đoạn 1’ trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng giữa hai bên.
Trả lời câu hỏi của các đại diện tham gia Diễn đàn Kinh tế Mới do Bloomberg tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập nói:
“Chúng tôi sẽ chiến đấu khi cần thiết, nhưng chúng tôi đã làm việc tích cực để cố tránh một cuộc chiến tranh thương mại. Chúng tôi không phải là bên đã khởi xướng cuộc chiến này và đó không phải là điều chúng tôi muốn”.
Các thị trường tài chính toàn cầu giảm sút trong tuần này vì những lo sợ về nguy cơ đàm phán thương mại có thể tan vỡ, giữa lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ ký hai dự luật ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong, đặc khu hành chánh của Trung Quốc.
Việc hoàn tất thỏa thuận giai đoạn một có thể kéo dài sang năm tới, các chuyên gia thương mại và những người thân cận với Toà Bạch Ốc nói với Reuters, giữa lúc Bắc Kinh đòi Mỹ lật ngược quyết định áp thuế quan đối với nhiều mặt hàng TQ, trong khi Washington phản công lại bằng cách tăng thêm những đòi hỏi của chính họ.
Trung Quốc đã mời các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ tới dự một vòng đàm phán mới tại Bắc Kinh, tờ Wall St. Journal trích các nguồn tin dấu tên cho biết,. Theo nguồn tin này, Bắc Kinh hy vọng các cuộc đàm phán có thể diễn ra trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, rơi nhằm ngày thứ Năm 28/11 tại Hoa Kỳ.
Các quan chức Mỹ nói họ sẵn sàng gặp nhưng chưa cam kết ngày giờ nhất định. Họ cho biết phía Mỹ sẽ tỏ không sẵn sàng sang Trung Quốc đàm phán, trừ phi Trung Quốc có những cam kết rõ ràng sẽ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thôi bắt buộc chuyển giao công nghệ và đồng ý mua nông sản của Mỹ.
Các quan chức từ Bắc Kinh đã đề nghị hai nhà lãnh đạo, ông Tập và ông Trump, có thể ký thỏa thuận vào đầu tháng 12.
Một số chuyên gia lưu ý rằng ngày 15/12 là ngày đáng chú ý, khi thuế quan của Hoa Kỳ đối với khoảng 156 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực, trong đó có nhiều mặt hàng gồm quà tặng cho mùa nghỉ lễ như hàng điện tử và đồ trang trí Giáng sinh.
Bloomberg News trích dẫn những người tham dự một buổi ăn tối trước diễn đàn hôm thứ Tư tại Bắc Kinh, nói rằng thương thuyết gia chính của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, bày tỏ lạc quan về thỏa thuận giai đoạn một, hướng tới việc giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.