Liệu truyện tranh VN có lên ngôi?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Liệu truyện tranh VN có lên ngôi?

Long Thần Tướng kể về chuyện đánh thắng quân Nguyên Mông

Theo BBC – Marianne Brown – Viết cho BBC từ Hà Nội – 15:40 GMT – thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Một cậu bé bị nhốt trong gông gỗ đang quắc mắt nhìn về phía trước. Phía sau là người phụ nữ đang phe phẩy quạt trên võng.

Hình ảnh gây chú ý này là trang bìa của cuốn truyện tranh mới ở Việt Nam với tên Long Thần Tướng.

Cuốn truyện sẽ chẳng phải là điều gì khác thường ở châu Âu hay châu Mỹ nhưng tại Việt Nam, nơi ngành truyện tranh còn đang trong trứng nước, đây là điều lạ thường.

Chuyện kể về một vị tướng đã đanh thắng quân Nguyên Mông hồi Thế kỷ 13.

Một trong các tác giả, ông Nguyễn Thanh Phong, 28 tuổi, nói ông muốn mang lại cho độc giả một phần cuộc sống trong bối cảnh lịch sử thay vì cốt truyện giả tưởng hay hành động thường thấy dành cho trẻ em.

“Chúng tôi muốn có thứ liên quan tới cuộc sống của chúng tôi,” ông nói.

‘Thách thức khốc liệt’

Nhiều nghệ sỹ như ông Phong đang tham gia viết truyện tranh nội địa.

Nhưng đây là một thách thức ở nơi mà truyện tranh Nhật Bản thống lĩnh và người đọc chủ yếu vẫn là trẻ em.

Ở Đông Nam Á, “đa số lớn lên với những truyện tranh như Archie, Asterix, Tin Tin và Lão Phu Tử nhưng phần lớn không đọc truyện tranh sau giai đoạn đó,” nghệ sỹ truyện tranh từng được giải thưởng đang sống ở Singapore Sonny Liew, tổng biên tập của Liquid City, hợp tuyển nghệ thuật truyện tranh Đông Nam Á.

“Người ta có xu hướng xem chuyện tranh thuộc diện các siêu anh hùng và truyện tranh cho trẻ nhỏ chứ không phải là thứ cho người lớn,” ông Liew nói.

Hầu hết các truyện tranh được sản xuất trong vùng, bao gồm cả Việt Nam, có chất lượng thấp hơn truyện nhập khẩu vốn có thể dễ dàng bị sao chép và bán với giá rẻ.

Ông Nguyễn Thanh Phong từng lên truyền thông quốc tế do sách của ông bị cấm

 

Ông Phong muốn mang lai cho độc giả một phần cuộc sống trong bối cảnh lịch sử
Ông tin rằng các độc giả ở độ tuổi của ông sẵn sàng đón đọc truyện tranh cho người lớn tuổi hơn

“Một phần của vấn đề là cơ sở hạ tầng; thiếu sự hỗ trợ về nội dung hay là xưởng vẽ nơi các tác giả có thể học nghề,” ông Liew nói.

“Nếu so với Nhật Bản thì họ có những biên tập viên và tác giả có kinh nghiệm để hướng dẫn những người trẻ hơn.”

Hơn nữa các nghệ sỹ truyện tranh Việt Nam thường vẫn phải đối mặt với những “thách thức khốc liệt” trong đó có sự thiếu thốn do chiến tranh gây ra và sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản, theo cây viết John A Lent, tác giả của cuốn Southeast Asian Cartoon Art: History, Trends and Problems (Nghệ thuật Hoạt họa Đông Nam Á: Lịch sử, Xu hướng và Vấn đề).

Mặc dù truyện tranh nở rộ ở miền nam Việt Nam trong những năm 1960, kiểm duyệt trở nên chặt chẽ hơn sau khi đất nước thống nhất dưới quyền của Đảng Cộng sản hồi năm 1975.

Việt Nam cũng vô cùng nghèo khó.

“Một vài trong số họ [nghệ sỹ truyện tranh] tiếp tục [sáng tác] sau chiến tranh nhưng không có thị trường,” theo ông Đỗ Hữu Chí, nghệ sỹ minh họa và người đã viết về lịch sử truyện tranh Việt Nam.

“Ai cũng lo đến chuyện ăn gì, sống ở đâu nên không còn thời giờ để tiêu khiển nữa.”

‘Thế hệ Manga’

Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi ở Việt Nam từ cuối thập niên 1980 với sự mở cửa của Việt Nam thông qua hàng loạt cải cách kinh tế.

Nhưng một số truyện tranh Việt Nam đã nhanh chóng bị loạt truyện Doraemon qua mặt khi xuất hiện vào năm 1992.

Cả ông Chí và ông Phong đều thuộc “thế hệ manga” vốn lớn lên với Doraemon, theo lời ông Phong.

Ông Chí, vốn xuất bản với bút danh Bút Chì, đang chuẩn bị cho ra mắt bộ truyện tranh ở Hoa Kỳ và sau đó sẽ xuất bản ở Việt Nam.

“Tôi không cho rằng người Việt Nam chưa sẵn sàng bỏ tiền ra để mua sách gốc,” ông nói. Nhưng ông cho rằng dự án của ông Phong sẽ góp phần mang lại thay đổi.

Manga của Nhật Bản phổ biến ở Đông Nam Á và các nơi khác

Ông Phong và bạn học Nguyễn Khánh Dương xuất bản Long Thần Tướng lần đầu trên một tạp chí hồi năm 2004 nhưng tạp chí này đã ngưng loạt truyện tranh vì vấn đề tài chính.

Lần này ông Phong nhắm vào các độc giả khác. Ông tin rằng những người lớn lên với truyện tranh như ông đã sẵn sàng đọc những gì chín chắn hơn.

“Mười năm trước chúng tôi viết cho độc giả tuổi từ 13, 14 trở lên nhưng không già hơn 20,” ông nói.

“Giờ chúng tôi muốn nhắm tới độc giả già hơn.”

Ông Chí chuẩn bị ra mắt truyện tranh ở Hoa Kỳ

Nhưng kiểm duyệt vẫn là vấn đề không phải lạ lùng gì với ông. Hồi năm 2011 ông Phong được truyền thông quốc tế nhắc tới khi truyện tranh ‘Sát thủ đầu mưng mủ’ của ông bị cấm vì dùng ngôn ngữ “phản cảm”.

Quyên tiền qua gọi vốn qua mạng sẽ tránh được việc phải xin phép – và do vậy [tránh được] các vấn đề với những người kiểm duyệt – nhưng ông Phong nói nhóm của ông vẫn có thể cần tới nhà xuất bản để phân phối sách.

Khó có khả năng truyện tranh về nhân vật anh hùng khả kính trong lịch sử sẽ là vấn đề với chính quyền nhưng điều đó còn phụ thuộc và chuyện ông và nhóm sáng tác sẽ viết chuyện thế nào.

Uy tín của ông cũng đồng nghĩa với việc [độc giả] đặt nhiều mong đợi.

“Tôi nghĩ rằng dự án gọi vốn qua mạng sẽ là bước khởi đầu rất tốt cho một kỷ nguyên mới. Không chỉ cho truyện tranh mà còn cả sách minh họa, sách tranh và các loại nghệ thuật hài hước khác,” nghệ sỹ Đỗ Hữu Chí nói.

“Chúng tôi có những nghệ sỹ giỏi và họ sẽ xuất bản trong nhiều năm tới, ngay cả trong năm nay. Chúng tôi sẽ có khu vườn mùa xuân và hoa mới vừa nở.”