Tin khắp nơi – 21/11/2019
Hoa Kỳ xem xét
việc thu hồi tối đa 4,000 quân từ Nam Hàn
Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Năm (21/11), tờ Chosun Ilbo của Nam Hàn cho biết Hoa Kỳ đang xem xét cắt giảm đáng kể số lượng binh sĩ của họ ở Nam Hàn nếu Seoul không đóng góp nhiều hơn vào chi phí đóng quân.
Theo Reuters, Washington ngừng các cuộc đàm phán về chi phí quốc phòng với Nam Hàn trong tuần này sau khi yêu cầu Seoul tăng mức đóng góp hàng năm lên 5 tỷ mỹ kim, gấp hơn năm lần so với số tiền họ đang trả, trong một cuộc bất hòa công khai hiếm hoi của liên minh. Cả hai bên đều không công khai xác nhận các con số, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở trong và xung quanh Nam Hàn là một “sự bảo vệ trị giá 5 tỷ mỹ kim”.
Khoảng 28,500 binh sĩ Hoa Kỳ hiện đang đóng quân tại Nam Hàn, quốc gia hiện vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với một Bắc Hàn có vũ trang nguyên tử sau cuộc xung đột năm 1950-1953 giữa hai bên.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết ông không hề hay biết về bất kỳ kế hoạch thu hồi 4,000 binh sĩ Hoa Kỳ khỏi Nam Hàn nếu các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí thất bại. Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết bài báo của Chosun “không phải là quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ”.
Theo luật pháp của Hoa Kỳ, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Nam Hàn không được giảm xuống dưới 22,000 quân, trừ khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đưa ra lý do hợp lý cho việc cắt giảm thêm cho Quốc hội. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-xem-xet-viec-thu-hoi-toi-da-4000-quan-tu-nam-han/
Ông Trump dự kiến sẽ ký hai dự luật Hong Kong?
Tổng thống Donald Trump rất có thể sẽ ký hai dự luật đã được thông qua ở Quốc hội liên quan đến Hong Kong, một nguồn tin ẩn danh cho Reuters biết.
Tuy nhiên, người này từ chối nói khi nào ông Trump sẽ ký duyệt dự luật.
BBC vẫn đang tiếp tục xác minh thông tin trên.
Cựu nhân viên Anh ‘bị Trung Quốc tra tấn, tìm bằng chứng can thiệp’
Biểu tình Hong Kong: Người biểu tình đu dây trốn thoát
Cảnh sát bắt sinh viên chạy khỏi ĐH Bách Khoa Hong Kong
TQ thề ‘trả đũa’ nếu ông Trump ký dự luật Nhân quyền Hong Kong
Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư thông qua hai dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong và đã đưa hai văn bản luật này đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký duyệt hoặc phủ quyết.
Hai dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong và Bảo vệ Hong Kong được hai nhánh của Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua trong vòng hai tháng trong bối cảnh Hoa Kỳ đang có những đàm phán về thương mại với Trung Quốc.
Tháng trước, Hạ viện đã thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong và dự luật này vừa được Thượng viện nhất trí thông qua hôm thứ Ba, trước khi nó được thống nhất thông qua lần trước ở Hạ viện với tỷ lệ phiếu 417 thuận 417, 1 chống hôm qua.
Phiếu chống duy nhất đến từ một dân biểu Đảng Cộng hoà.
Hạ viện cũng thông qua dự luật Bảo vệ Hong Kong với tỷ lệ 417-0 vốn cũng được Thượng viện cũng nhất trí thông qua vào thứ Ba, nhằm cấm xuất khẩu một số loại vũ khí kiểm soát đám đông cho lực lượng cảnh sát Hong Kong, bao gồm lựu đạn hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng chích điện.
Hai dự luật này giờ sẽ được chuyển đến bàn của Tổng thống Donald Trump và ông có 10 ngày để quyết định ký kết thành luật hoặc phủ quyết (veto).
Nhà Trắng từ chối bình luận về dự định của tổng thống về hai dự luật này.
Nhưng quyết định phủ quyết (veto) sẽ khó có hiệu quả vì hai dự luật đều đã được thông qua ở cả Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát mà hầu như không có sự phản đối nào.
Chỉ cần đa số 2/3 ủng hộ ở cả Thượng viện và Hạ viện thì quyết định phủ quyết của Tổng thống sẽ bị vô hiệu hoá và hai dự luật vẫn sẽ thành luật.
Hai dự luật này đã khiến Trung Quốc tức giận đe doạ sẽ “trả đũa” nếu hai dự luật này trở thành luật.
Hôm thứ Tư, Trung Quốc đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ, và cảnh báo sẽ trả đũa nếu Tổng thống Trump ký duyệt Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, sau khi dự luật này được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triệu Húc đã triệu tập nhà ngoại giao William Klein, Đại biện, tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phản đối mạnh mẽ và Mỹ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả”, tuyên bố nói trên viết.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc triệu tập một nhà ngoại giao Mỹ kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong bắt đầu cách đây năm tháng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50498652
Khó hoàn tất ‘Giai đoạn một’
thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trong năm nay
Việc hoàn tất ‘giai đoạn một’ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài sang năm sau, các chuyên gia thương mại và những nguồn tin thân cận với Tòa Bạch Ốc cho biết, giữa lúc Trung Quốc làm áp lực để được Mỹ rút bỏ thuế quan và chính quyền ông Trump đáp trả bằng những đòi hỏi cao.
Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chánh Steve Mnuchin nói trong một cuộc họp báo ngày 11/10 rằng một thỏa thuận sơ khởi có thể mất 5 tuần để hoàn tất.
Nhưng hơn 5 tuần sau đó vẫn chưa đạt được một thỏa thuận và những cuộc thương thuyết có thể trở nên phức tạp hơn, các chuyên gia thương mại và những người được nghe thuyết trình về các cuộc đàm phán nói với Reuters.
Tổng thống Trump và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer công nhận là rút lại thuế quan để có được một thỏa thuận mà không giải quyết những vấn đề cốt lõi như sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ sẽ không được xem là một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ, một người được nghe thuyết trình về vấn đề này nói.
Các giới chức Bắc Kinh cho biết là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Trump có thể ký thỏa thuận vào đầu tháng 12. Một số chuyên gia nói ngày kế tiếp cần phải được chú trọng là ngày 15/12, khi thuế quan đánh vào 156 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, trong đó có những món hàng ngày lễ như đồ dùng điện tử và vật liệu trang hoàng Giáng Sinh.
“Các cuộc thảo luận đang tiếp tục và tiến bộ đã đạt được về văn bản của thỏa thuận giai đoạn một,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Judd Deere nói trong một email chiều 20/11.
Việc đàn áp người biểu tình Hong Kong có thể cũng làm việc hoàn tất thỏa thuận thêm phức tạp.
Tối 19/11 Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật lên án việc đàn áp và hứa ủng hộ Hong Kong, việc này bị Bắc Kinh chỉ trích ngay tức thì.
Các cuộc thảo luận cũng thêm phức tạp vì những tranh chấp trong Tòa Bạch Ốc về những phương pháp tốt nhất để tiếp cận Trung Quốc và bởi sự kiện là ông Trump có thể phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào vào phút chót.
Một số chuyên gia về thương mại được nghe thuyết trình về những cuộc thảo luận nói với Reuters là họ vẫn còn lạc quan về một thỏa thuận trong những tuần lễ tới.
Tổng thống Trump ngày 20/11 cho biết phái đoàn của Mỹ vẫn tiếp tục đàm phán với Trung Quốc.
Một cuộc hội thoại giữa ông Mnuchin, Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được Tân Hoa Xã mô tả là ‘xây dựng’.
Dù vậy, những bình luận gia của truyền thông Trung Quốc hiện cũng nói họ bi quan về chuyện đạt được một thỏa thuận.
Hu Xijin, biên tập viên của tờ Hoàn cầu Thời báo do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, viết trên Twitter ngày 20/11: ‘Ít người Trung Quốc tin là Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể sớm đạt được thỏa thuận.”
Ông Hu kết luận trên Twitter: “Trung Quốc muốn thỏa thuận nhưng chuẩn bị cho một kịch bản xấu là cuộc thương chiến kéo dài.”
Hoa Kỳ đơn độc trước sự phản đối mạnh mẽ
do thay đổi chính sách về các khu định cư Israel
Tin từ Liên Hiệp Quốc -Vào hôm thứ Tư (20/11), Hoa Kỳ đơn phương tự biện hộ tại Liên Hiệp Quốc, trước sự phản đối mạnh mẽ của Liên minh châu Âu và các cường quốc thế giới khác, vì tuyên bố của chính quyền Trump rằng họ không còn xem các khu định cư của Israel trên phần đất chiếm đóng của người Palestine là vi phạm luật pháp quốc tế.
Thông báo vào hôm Thứ Hai của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mike Pompeo đảo ngược lập trường trong bốn thập kỷ của Hoa Kỳ về các khu định cư của người Do Thái tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Hành động này được Israel hoan nghênh, nhưng bị lên án mạnh từ người Palestine và các nhà lãnh đạo Arab.
Tại Liên Hiệp Quốc, sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ còn bị chỉ trích từ Liên Âu, và một loạt các thành viên Hội đồng Bảo an, bao gồm Nga và Trung Cộng.
Phó Đại sứ Cherith Norman Chalet của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nhắc lại lập trường mới của Hoa Kỳ đối với việc định cư của Israel ở Bờ Tây, và tuyên bố rằng việc này “không trái với luật pháp quốc tế”. Quyết định thay đổi chính sách này được xem là một hành động bật đèn xanh để Israel xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng, nơi người Palestine muốn là một phần trong nhà nước tương lai của họ.
Hành động của Hoa Kỳ cũng có thể làm suy yếu các nỗ lực của Tổng thống Trump muốn giải quyết cuộc xung đột thông qua kế hoạch hòa bình. Kế hoạch này được xây dựng trong hơn hai năm, nhưng bị hoài nghi ngay từ trước khi công bố. (Mộc Miên)
Hạ viện Mỹ thông qua
dự luật bảo vệ nhân quyền cho Hong Kong
Hạ viện Mỹ ngày 20/11 thông qua hai dự luật nhằm ủng hộ người biểu tình Hong Kong và cảnh cáo Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Hai dự luật này sẽ được gửi tới Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Donald Trump hoặc là ký ban hành luật hoặc là phủ quyết.
‘Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong’ được Hạ viện biểu quyết thông qua với tỷ lệ 417-1. Dự luật này đã được Thượng viện thông qua hôm 19/11. Tháng rồi, Hạ viện đã thông qua một dự luật tương tự.
Dự luật đòi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ phải xác nhận ít nhất một năm một lần rằng Hong Kong duy trì đủ quyền tự trị để được Mỹ dành cho quy chế thương mại đặc biệt giúp lãnh thổ này trở thành trung tâm tài chính thế giới.
Dự luật cũng đem lại những chế tài nhắm vào các giới chức chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền tại Hong Kong.
Dự luật thứ hai được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 417-0. Dự luật này cũng đã được Thượng viện nhất trí hôm 19/11, qua đó cấm xuất khẩu các loại võ khí kiểm soát đám đông sang cho lực lượng cảnh sát Hong Kong bao gồm hơi cay, đạn cao su và súng bắn điện.
Tại Bắc Kinh hôm 20/11, Trung Quốc lên án việc thông qua dự luật này và thề sẽ trả đũa mạnh tay để bảo vệ an ninh, chủ quyền.
Mưa đá và tuyết rơi tại Nam California
sau hai ngày cuối tuần nắng nóng kỷ lục
Chỉ vài ngày sau đợt nóng kỷ lục diễn ra vào cuối tuần qua, miền Nam California đã phải đón nhận một cơn mưa đá vào thứ tư (ngày 20 tháng 11).
Người dân địa phương báo cáo mưa đá trên khắp khu vực, từ thành phố Culver đến trung tâm thành phố Los Angeles, Pasadena và El Monte đến Hemet và Redlands. Cảnh sát công lộ California đã đưa ra các khuyến cáo nhắc nhở những người lái xe giảm tốc độ và bật đèn pha. Theo KTLA5, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới 32 độ F ở vùng núi, và Antelope Valley dự kiến sẽ thấy điều kiện thời tiết tương tự vào thứ Bảy (ngày 23 tháng 11).
Các khu vực núi bao gồm Big Bear, Wrightwood và Running Springs đều chứng kiến đợt tuyết rơi đầu tiên của mùa đông. Đến 11 giờ sáng thứ tư, Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia cho biết tuyết đã rơi dày từ 2 đến 3 inch tại khu trượt tuyết Mountain High, 6 inch tại Lockwood Valley và 1 inch tại Frazier Park, nơi có độ cao cách mặt nước biển khoảng 5,000 feet. Theo một thông cáo báo chí, sau khi nhận thấy tuyết rơi vào Thứ Tư, khu trượt tuyết Snow Valley cho biết họ có kế hoạch mở cửa vào thứ tư tuần sau nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia cho biết thêm rằng tuyết sẽ tiếp tục rơi tại các vùng núi đến hết thứ năm (ngày 21 tháng 11).
Một khuyến cáo thời tiết mùa đông đã được đưa ra cho đến 7 giờ tối thứ năm tại thị trấn Acton, Mount Wilson, Sandberg và các cộng đồng miền núi khác tại Quận Los Angeles, ngoại trừ dãy núi Santa Monica. Tại các Quận San Bernardino và Riverside, khuyến cáo bão mùa đông đã được ban hành tại các khu vực từ 7 giờ sáng thứ Tư đến 7 giờ tối Thứ Năm. Các cộng đồng bị ảnh hưởng bao gồm Arrowhead Lake, Big Bear City, Big Bear Lake, Running Springs, Wrightwood và Idyllwild-Pine Cove. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/mua-da-va-tuyet-roi-tai-nam-california-sau-hai-ngay-cuoi-tuan-nang-nong-ky-luc/
Ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ
ủng hộ cuộc điều tra luận tội tổng thống Trump
Tin từ Atlanta – Hôm Thứ Tư (ngày 20 tháng 11), trong cuộc tranh luận công khai thứ năm của các ứng cử viên tổng thống Đảng Dân Chủ, các ứng cử viên đồng lòng ủng hộ cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Trump.
Nhưng họ có nhiều ý kiến khác nhau về các chính sách áp thuế mới đối với người giàu, và cách mở rộng bảo hiểm y tế cho người dân Hoa Kỳ. Tại cuộc tranh luận, các ứng cử viên cho biết nỗ lực của Tổng Thống Trump để buộc Ukraine điều tra về Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden là một ví dụ về sự tham nhũng của chính quyền Tổng Thống. Hạ Viện đã tiến hành một cuộc điều tra luận tội về cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Trump và Tổng Thống Ukraine nhằm buộc nước này điều tra những thông tin bất lợi về ông Biden và con trai ông là Hunter Biden.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cho biết nguyên tắc của Hoa Kỳ là không một ai được đứng trên luật pháp, và tổng thống Trump cần phải chịu trách nhiệm vì hành động trên. Trong khi đó, ông Biden cho biết nếu ông trở thành tân tổng thống, ông sẽ để Bộ Tư pháp quyết định liệu tổng thống Trump có nên bị truy tố hay không.
Cuộc tranh luận của Đảng Dân Chủ diễn ra chỉ 11 tuần trước cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa, vào ngày 3 tháng 2, vì vậy đây một trong những cơ hội cuối cùng cho những ứng cử viên muốn tạo dấu ấn với cử tri. Trong các cuộc thăm dò được thực hiện gần đây, ba ứng cử viên đứng đầu của Đảng Dân Chủ bao gồm ông Biden, bà Warren và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bernie Sanders. Tuy nhiên, một ứng cử viên mạnh mẽ khác là thị trưởng thành phố South Bend, ông Pete Buttigieg đã dẫn đầu trong hai cuộc thăm dò gần đây ở Iowa và đang nhắm đến các cuộc bỏ phiếu sớm ở New Hampshire, bất chấp những thắc mắc của cử tri về sự thiếu kinh nghiệm của ông, cũng như việc ông không thể tiếp cận với các cử tri người Mỹ gốc Phi. (Mộc Miên)
Vụ Ukraina: Đại sứ Sondland
tránh cáo buộc trực tiếp Donald Trump
Một nhân chứng đáng ngại cho Nhà Trắng, nhưng lại không trực tiếp cáo giác tổng thống. Đó là kết quả cuộc điều trần của ông Gordon Sondland, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua 20/11/2019 trước Hạ Viện. Ông nói ngược lại với Nhà Trắng, nhưng thận trọng tránh phát biểu bất lợi cho ông Donald Trump.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
« Ông Gordon Sondland nhấn mạnh, đòi hỏi của ông Giuliani là một sự đổi chác với một chuyến viếng thăm Nhà Trắng của tổng thống Ukraina. Vị đại sứ nói rằng, trước khi tiếp đồng nhiệm Ukraina, tổng thống đã yêu cầu mở điều tra về công ty đã tuyển dụng con trai của ông Joe Biden, và về cuộc bầu cử năm 2016.
Nhưng Gordon Sondland khẳng định chưa bao giờ nghe ông Donald Trump trực tiếp đòi hỏi như thế, mà luật sư của ông Trump là Rudolf Giuliani đã đóng vai trò trung gian.
Tại Hạ Viện, ông Sondland bị chất vấn là khi tổng thống bảo hãy nói chuyện với luật sư riêng của ông ấy, và sau đó ông Giuliani đưa ra một số yêu cầu, thì có thể giả định rằng đó là từ tổng thống.
Gordon Sondland nhất quyết bác bỏ giả thiết có một mạng lưới ngoại giao song hành nhằm gây áp lực lên Ukraina. Ông nói : « Chúng tôi luôn thông báo các hoạt động của mình cho bộ Ngoại Giao và cố vấn an ninh quốc gia, tất cả mọi người đều có liên quan ».
Được hỏi về vấn đề này, ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết ông không xem buổi điều trần. Còn tổng thống Donald Trump luôn cương quyết bác bỏ cáo buộc, nói rằng không làm áp lực với Ukraina dưới mọi hình thức, và giữ khoảng cách đối với ông Sondland. Ông Trump nói : « Tôi không quen ông ấy nhiều », trong khi Sonland là người đã đóng góp 1 triệu đô la cho buổi lễ nhậm chức và được ông bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Châu Âu ».
Thủ tướng Canada sẽ thay đổi nội các
Tin từ OTTAWA, Canada – Vào hôm thứ Tư (20/11), thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ thay đổi nội các của ông, và những người trong cuộc cho rằng ông có thể chuyển Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chrystia Freeland sang một công việc mới và yêu cầu bà ngăn chặn một cuộc khủng hoảng đoàn kết quốc gia.
Theo Reuters, Đảng tự do của ông Trudeau mất đa số trong một cuộc bầu cử vào tháng 10, và hiện đang không có nhà lập pháp nào ở các tỉnh sản xuất năng lượng Alberta và Saskatchewan. Đây là các tỉnh phản đối luật môi trường cứng rắn mà các nhà phê bình cho rằng có thể làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ. Các cuộc thăm dò cho thấy quan điểm ly khai đang gia tăng. Bà Freeland, một nhân vật quan trọng trong nội các, thành công dẫn dắt Canada qua 15 tháng đàm phán khó khăn để thương lượng lại một tân định thương mại lục địa. Vào hôm thứ Ba (19/11), đài phát thanh Radio-Canada cho biết rằng bà Freeland sẽ được thay thế bởi Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Francois-Philippe Champagne. Thông tin này cho thấy bà sẽ thay đổi chức vụ. Bà Freeland ra đời ở Alberta và lớn lên ở đó. Ba nguồn tin Đảng tự do cho biết nhóm của ông Trudeau đang xem xét việc bổ nhiệm bà làm bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên chính phủ, người đứng đầu của chính phủ để đối phó với các tỉnh. Tình hình căng thẳng đoàn kết quốc gia là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Canada, nơi Quebec tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vấn đề độc lập bất thành vào năm 1995.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-canada-se-thay-doi-noi-cac/
Colombia : Chính phủ lo lắng đón tổng đình công
Sau Ecuador, Chilê, Bolivia, giờ đến lượt Colombia sắp rúng động vì các cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Theo dự kiến, một cuộc tổng đình công lớn sẽ diễn ra trong ngày 21/11/2019, theo lời kêu gọi của tất cả các nghiệp đoàn và các phe đối lập, nhằm phản đối một dự thảo cải cách luật lao động và hưu trí.
Từ Bogota, thông tín viên đài RFI, Marie – Eve Detoeuf tường trình :
« Chính phủ căng như sợi dây đàn. Các nghiệp đoàn, sinh viên, các đảng đối lập, các nhóm thổ dân và ngay cả Giáo hội Công giáo đều ủng hộ cuộc đình công. Yêu sách của người dân thì rất nhiều. Một số đến biểu tình để chống chính sách kinh tế và xã hội của chính phủ, và nhất là chống dự thảo cải cách luật lao động và hưu trí. Số khác đến để bảo vệ hiệp định hòa bình ký được với quân du kích và phản đối các vụ ám sát có mục tiêu ngày càng nhiều tại những vùng nông thôn.
Chính phủ – trước đó tố cáo cuộc biểu tình là đã bị những người nước ngoài thâm nhập – đã đề ra nhiều biện pháp. Biên giới bị đóng cửa, khoảng hai chục công dân Venezuela bị trục xuất. Quân đội được đặt trong tình trạng báo động ngay từ thứ Ba 19/11.
Tại Bogota, việc giới truyền thông luân phiên bị khám xét đã làm dấy lên một sự phản đối mạnh mẽ từ giới bảo vệ tự do thông tin. Giờ phải chờ xem nếu như tất cả những biện pháp này – vốn nhằm gây sợ hãi – có ngăn cản được người dân ra đường biểu tình hay không. Hay như ngược lại chúng sẽ còn thúc đẩy họ xuống đường mạnh hơn. Hạ hồi phân giải ! »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191121-colombia-chinh-phu-lo-lang-don-tong-dinh-cong
Đức Giáo Hoàng gặp gỡ
quốc vương và đại lão hòa thượng Phật Giáo Thái Lan
Tin từ BANGKOK, Thái Lan – Đức Giáo Hoàng Francis đã gặp đại lão hòa thượng Phật giáo, thủ tướng và quốc vương của Thái Lan vào đầu chuyến thăm chính thức vào hôm thứ Năm 21/11, trước khi cử hành một buổi cầu nguyện với hàng chục ngàn tín đồ Công giáo Thái Lan.
Theo Reuters, trong chuyến viếng thăm đất nước Đông Nam Á này, Đức Giáo hoàng đã lên tiếng về nạn buôn người và thúc giục lòng trắc ẩn đối với người tị nạn. Cộng đồng Công Giáo nhỏ bé nhưng nhiệt
thành xuất hiện với số lượng lớn cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng đến đất nước Phật giáo Thái Lan, điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình châu Á kéo dài bảy ngày bao gồm cả Nhật Bản.
Vào hôm Thứ Năm (21/11), Thủ tướng Thái Lan đã tổ chức các buổi lễ chào đón chính thức trước khi Đức Giáo Hoàng gặp gỡ đại lão hòa thượng của Phật giáo Thái Lan, Somdet Phra Maha Muniwong, người ở độ tuổi 91. Sau đó, Ngài đã gặp gỡ vua Maha Vajirusongkorn, người chính thức lên ngôi vào đầu năm nay và là người bảo hộ chính thức của Phật giáo tại Thái Lan.
Số lượng tín đồ Công giáo của Thái Lan chỉ vừa cao hơn 380,000 ở một đất nước hơn 65 triệu dân, nhưng cộng đồng nhỏ này vẫn phát triển mạnh. Vào tối hôm thứ Năm, hàng chục ngàn người đã tập trung tại sân vận động quốc gia của Bangkok để tham dự buổi cầu nguyện đầu tiên trong số hai buổi lễ được Đức Giáo Hoàng chủ trì. Ngài sẽ tổ chức một buổi lễ khác tại Nhà thờ của Bangkok trước khi khởi hành đến Nhật Bản vào hôm Thứ Bảy, nơi ngài sẽ đến thăm các khu vực nổ bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/duc-giao-hoang-gap-go-quoc-vuong-va-dai-lao-hoa-thuong-phat-giao-thai-lan/
NATO sẽ theo dõi việc Trung Cộng mở rộng quân đội
Tin Brussels, Bỉ – Các ngoại trưởng NATO vào thứ Tư, 20 tháng 11, đã công nhận không gian cũng sẽ là một mặt trận chiến tranh, và đồng ý giám sát chặt chẽ sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Cộng, trong nỗ lực nhằm chứng minh rằng liên minh này sẽ không tan rã như lời bình luận mới đây của Pháp. Các ngoại trưởng hy vọng rằng, 2 chính sách mới về không gian và về Trung Cộng sẽ cho thấy NATO không phải là dấu vết còn sót lại từ thời Chiến Tranh Lạnh, mà là lá chắn chống lại các mối đe dọa hiện nay.
Chính sách không gian, vốn đã được thảo luận từ nhiều tháng qua, xác nhận rằng các trận chiến trong tương lai sẽ không chỉ diễn ra trên bộ, trên không, trên biển, trên mạng điện toán, mà còn cả trong không gian. NATO sẽ không đưa vũ khí vào không gian, nhưng sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ vệ tinh, vốn là thiết bị sống còn trong mạng lưới liên lạc ngày nay. Chính sách còn lại về Trung Cộng sẽ mở đường cho NATO tập trung nhiều hơn vào tham vọng quân sự của Bắc Kinh, và bảo đảm rằng mạng lưới liên lạc và hạ tầng của các nước đồng minh sẽ tránh được nguy cơ can thiệp từ nước ngoài. Trung Cộng có ngân sách quốc phòng cao thứ 2 thế giới chỉ sau Hoa Kỳ vào năm 2018, và chỉ trong vòng 5 năm đã tăng thêm 80 chiến hạm và tàu ngầm cho Hải quân, tương đương toàn bộ hạm đội Hải quân Anh quốc. Trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa là đến dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, các ngoại trưởng muốn chứng minh rằng tổ chức này vẫn mạnh mẽ, để bác bỏ lời bình luận hồi đầu tháng của Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, nói rằng tổ chức NATO hiện đã chết não.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nato-se-theo-doi-viec-trung-cong-mo-rong-quan-doi/
WHO báo động tình trạng sức khỏe tù nhân tại châu Âu
Ngày 21/11/2019, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) công bố một báo cáo chi trích tình trạng tù nhân ở châu Âu gặp khó khăn trong điều trị bệnh, khiến tình trạng sức khỏe thêm trầm trọng và gây nhiều tốn kém.
Định chế của Liên Hiệp Quốc cảnh báo việc các tù nhân phải « hứng chịu một cách bất bình đẳng các bệnh lý, không được chẩn đoán và không được điều trị, và điều này sẽ còn làm tăng thêm gánh nặng cho các cơ sở y tế công sau khi được thả ».
Sau khi đã nghiên cứu số tù nhân tại 39 trong số 53 nước châu Âu, đại diện của WHO tại châu Âu khuyến nghị các nước thành viên thiết lập một bảng tổng quan về tình trạng sức khỏe của các tù nhân – chủ yếu nhờ vào các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, sức khỏe tâm thần và các chứng nghiện, cũng như là chứng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và viêm gan (theo sự tình nguyện).
Báo cáo của WHO chỉ trích tình trạng thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng tại một số nước. Cụ thể, Pháp chỉ có 49,9 nhân viên chăm sóc sức khỏe, trong đó có 3,4 bác sĩ cho 1.000 tù nhân. Nga có 32,1 nhân
viên y tế, trong đó có 11,5 bác sĩ cho 1.000 tù nhân. Thấp nhất là Bồ Đào Nha chỉ có 8,6 nhân viên y tế, bao gồm một bác sĩ, cho 1.000 người bị giam giữ.
WHO chú tâm nhiều đến sức khỏe tâm thần, do 14% ca tử vong đều do tự tử trong thời giam bị giam giữ. Hơn nữa, « tỷ lệ tử vong ở những người ra tù vượt quá mức tỷ lệ tử vong ở người dân bình thường, đặc biệt là ở giai đoạn một tháng sau khi ra tù ». Nguyên nhân chủ yếu có thể dự đoán được là do tự tử hay dùng thuốc quá liều.
Tỷ lệ tử vong tại những nước Đông Âu cao gấp hai lần so với tại những nước Tây Âu, đến mức 500 người chết trên 100 ngàn cựu tù nhân. Trong khi đó, theo WHO, mức trung bình thế giới là 10,5 cho 100 ngàn dân.
Hiện tượng nhà tù bị quá tải cũng là một tác nhân gây hại sức khỏe. Nếu số lượng tù nhân giảm đáng kể tại châu Âu trong giai đoạn 2016 – 2018, thì 8 nước, trong đó có Pháp, vẫn còn « nhiều vấn đề quá tải tù nhân nghiêm trọng », theo một nghiên cứu của Hội Đồng Châu Âu công bố hồi tháng 4/2019.
Với tỷ lệ 116 tù nhân cho 100 chỗ, nước Pháp có tỷ lệ tự tử cao nhất (12,6/10.000 tù nhân), đứng hàng thứ ba sau Rumani (120 người/100 chỗ) và Bắc Macedonia (122).
Cuối cùng, khả năng được chăm sóc răng hàm mặt cho thấy rõ sự bất bình đẳng giữa các nhà tù châu Âu. Nếu như mỗi nhà tù của Pháp đều có cơ sở chữa trị răng hàm mặt, tại Gruzia, không có một bác sĩ nha khoa nào và tại Bosnia chỉ có một bác sĩ nha.
AFP cho biết, năm 2017, các nước châu Âu chi ra 20,2 tỷ euro cho các trại tù. Trung bình chi phí cho mỗi tù nhân là 67 euro. Cả châu Âu có khoảng 1,5 triệu tù nhân, trong đó 94% là nam giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191121-wto-bao-dong-tinh-trang-suc-khoe-tu-nhan-tai-chau-au
Nước Áo cho biết
ngôi nhà của Hitler sẽ trở thành đồn cảnh sát
Vào hôm thứ Ba (19 tháng 11), Bộ trưởng Nội Vụ Áo cho biết họ sẽ sửa ngôi nhà nơi Adolf Hitler sinh ra thành đồn cảnh sát, sau nhiều năm tranh luận về cách tốt nhất để ngăn chặn việc ngôi nhà trở thành một địa điểm hành hương cho những người theo chủ nghĩa tân phát xít. Sau khi trưng thu ngôi nhà ở Braunau am Inn, một thị trấn ở biên giới với nước Đức, chính phủ Áo sẽ mời các kiến trúc sư từ khắp liên minh Châu Âu trình kế hoạch tái thiết kế tòa nhà.
Theo tuyên bố của Bộ Nội Vụ Áo, đây sẽ là nơi đặt văn phòng của lực lượng cảnh sát địa phương. Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Peschorn cho biết việc cảnh sát sử dụng ngôi nhà sẽ gửi một tín hiệu không thể nhầm lẫn rằng tòa nhà này sẽ không bao giờ gợi lại ký ức về Chủ nghĩa Quốc Xã. Bộ Nội Vụ Áo cho biết các kiến trúc sư từ khắp Liên minh EU sẽ được mời gửi kế hoạch tái thiết kế tòa nhà trong tháng này, và sau đó một ban giám khảo gồm các chuyên gia và viên chức sẽ chọn thiết kế chiến thắng trong nửa đầu năm tới. Mặc dù Hitler được sinh ra ở Braunau vào năm 1889, nước Áo vẫn lập luận trong nhiều thập kỷ rằng họ là nạn nhân đầu tiên của Chủ nghĩa Quốc Xã, khi bị chính quyền Hitler sáp nhập vào năm 1938. Tuy nhiên, các chính phủ gần đây đã công nhận rằng người Áo cũng là thủ phạm trong tội ác của Đức quốc xã và có rất ít sự chống lại sự cai trị của Hitler.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nuoc-ao-cho-biet-ngoi-nha-cua-hitler-se-tro-thanh-don-canh-sat/
Chính phủ Ukraine đã biết khoản viện trợ quân sự
bị hoãn từ cuộc điện đàm giữa hai tổng thống
Vào Thứ Tư (ngày 20 tháng 11), một viên chức Ngũ Giác Đài cho biết các viên chức chính phủ của Ukraine đã biết về khoản viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ bị hoãn từ ngày 25 tháng 7, lúc cuộc điện đàm giữa tổng thống hai nước diễn ra.
Theo KTLA5, để bảo vệ tổng thống Trump, các viên chức Tòa Bạch Ốc và các thành viên Cộng Hòa của Quốc Hội bác bỏ cáo buộc rằng Tổng Thống Trump đã không sử dụng khoản tiền viện trợ như một điều khoản để ép buộc Ukraine điều tra về ông Joe Biden, đối thủ chính trị của Tổng Thống trong cuộc bầu cử năm 2020 sắp đến. Đảng Cộng Hòa lập luận rằng Tổng Thống Trump đã không làm gì sai trái nếu Ukraine không biết rằng khoản tiền viện trợ đã bị hoãn.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước các Ủy Ban Hạ Viện vào hôm thứ tư, bà Laura Cooper, phó phụ tá bộ trưởng quốc phòng về Nga, Ukraine và Á-Âu (Eurasia), đã điều trần rằng một số nhân viên của bà nhận được những câu hỏi về khoản viện trợ từ viên chức Ukraine vào ngày 25 tháng 7, cùng ngày với cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Trump và Tổng Thống Ukraine. Theo lời khai của bà Cooper, những email mô tả các câu hỏi của Ukraine về viện trợ được gửi vào giữa buổi chiều – chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm nói trên. Khi được hỏi về khả năng các viên chức Ukraine chỉ muốn hỏi thăm tình trạng của gói tài trợ, bà Cooper trả lời rằng theo kinh nghiệm của bà “Ukraine chỉ đặt ra những câu hỏi về những điều cụ thể, chứ chưa từng gọi để hỏi về tình trạng của gói tài trợ.”
Cũng vào hôm Thứ Tư, các đồng minh của Tổng Thống Trump vẫn tiếp tục khẳng định rằng chính Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận việc ông không biết Hoa Kỳ đã hoãn lại gói viện trợ, cho đến khi thông tin này được tiết lộ trong các báo cáo công khai. Tuy nhiên, lời khai của bà Cooper cho thấy ít nhất một số viên chức Ukraine đã biết về việc gói viện trợ bị hoãn từ trước tháng 8. (Mộc Miên)
Triều Tiên: không thiết gặp Trump
trừ phi Mỹ bỏ ‘chính sách thù địch’
Một quan chức cấp cao của Triều Tiên hôm 20/11 nói Hoa Kỳ phải từ bỏ ‘chính sách thù địch’ đối với Bình Nhưỡng nếu muốn khởi động lại các cuộc đàm phán để phi hạt nhân hóa Triều Tiên, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin.
Trao đổi với các phóng viên sau khi gặp các quan chức Nga ở Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui nói rằng không có cách nào mở thêm một hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nếu ông Trump duy trì lập trường hiện tại đối với Triều Tiên.
Yonhap dẫn lời Thứ trưởng Choe nói rằng, một khi Mỹ rút lại toàn bộ chính sách thù địch chống Triều Tiên, thì thương thuyết với Hoa Kỳ mới có thể tiến tới phía trước, và hai bên có thể tiếp tục thảo luận về các vấn đề hạt nhân.
Thứ trưởng Choe nói: “Cho tới lúc đó, tôi nghĩ rằng một cuộc họp thượng đỉnh không thực sự là vấn đề quan tâm của chúng tôi.”
Bà Choe không nêu rõ chính sách nào của Mỹ được coi là ‘chính sách thù địch’, nhưng Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm Chủ nhật nói rằng một nghị quyết gần đây của Liên Hiệp Quốc về quyền con người là một hành động ‘khiêu khích chính trị’ do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Triều Tiên còn kêu gọi Mỹ phải chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, đồng thời tháo gỡ các lệnh cấm vận đã làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên.
Khi được hỏi hành động nào của Hoa Kỳ là cần thiết để bắt đầu lại các cuộc đàm phán, bà Choe nói rằng người Mỹ biết rất rõ họ phải làm gì.
“Phía Hoa Kỳ sẽ phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp coi chúng tôi là kẻ thù và sau đó thông báo cho chúng tôi về quyết định chiến lược đó.”
Ông Kim và ông Trump đã gặp gỡ tại một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mang tính bước ngoặt tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, hai ông đồng ý cải thiện quan hệ và đàm phán để chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Các nỗ lực đó không đạt được tiến bộ đáng kể và hội nghị thượng đỉnh thứ nhì cũng sụp đổ tại Việt Nam vào tháng Hai.
Hai nhà lãnh đạo hồi tháng 6 đồng ý mở lại đàm phán tại một cuộc gặp gỡ thứ ba tại biên giới giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Nhưng các cuộc đàm phán cấp làm việc hồi tháng 10 ở Thụy Điển đã kết thúc sau khi phái viên Bắc Triều Tiên tố cáo rằng người Mỹ đã đến bàn hội nghị với ‘tay không’.
Bà Choe, một trong những nhà thương thuyết hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên, đã gặp các quan chức Nga, kể cả Ngoại trưởng Sergei Lavrov ở Moscow hôm 20/11, theo bản tin của Yonhap.
Phát biểu của bà Choe là tuyên bố mới nhất trong một loạt tuyên bố của các quan chức cấp cao Triều Tiên trong những tuần gần đây, kêu gọi Mỹ phải hành động, trong khi hạn chót do ông Kim đặt ra là trước cuối năm nay, Washington phải tỏ ra linh hoạt hơn, đang tới gần.
Hong Kong: Cậu bé 12 tuổi bị kết án ‘tội hình sự’ vì vẽ sơn
Theo truyền thông Hong Kong, một cậu bé 12 tuổi trở thành người trẻ nhất bị kết án phạm tội liên quan đến phong trào biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong.
Cậu bé này, không được nêu tên, bị bắt trên đường đến trường sau một cuộc biểu tình hồi tháng 10.
Cậu bé thừa nhận gây ra thiệt hại mang tính hình sự vì phun sơn viết khẩu hiệu lên đồn cảnh sát và ga tàu điện ngầm.
Tòa án Hong Kong sẽ kết án cậu ta vào tháng sau.
Ông Trump dự kiến sẽ ký hai dự luật Hong Kong?
TQ thề ‘trả đũa’ nếu ông Trump ký dự luật Nhân quyền Hong Kong
Biểu tình Hong Kong: Người biểu tình đu dây trốn thoát
Hiện có hơn 5.000 vụ bắt giữ kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng Sáu.
Trong số họ có nhiều trẻ em ở độ tuổi từ 12 đến 15, mặc dù vậy đây là trường hợp đầu tiên bị kết án.
Thẩm phán nói với tòa án khu vực rằng một cảnh sát mật đã nhìn thấy cậu bé phun dòng chữ “cảnh sát đểu chết tiệt” và “sự hủy diệt thiêng liêng, tự do cho Hong Kong” lên tường của đồn cảnh sát Mong Kok và ở bến tàu MRT Prince Edward hôm 3/10.
Viên cảnh sát này đã theo cậu bé về đến nhà và phục ở bên ngoài suốt đêm, theo tờ South China Morning Post.
Khi học sinh này rời nhà đến trường lúc 07:00 sáng hôm sau, viên cảnh sát đã chặn cậu bé và tiến hành khám xét nhà, và tìm thấy sơn đen trong nhà.
Simon Cheng nói anh bị bịt mắt và đánh đập ở Trung Quốc
Luật sư của em trai này là Jacqueline Lam, nói với tòa án rằng cậu bé đã bị giữ qua đêm trong đồn cảnh sát sau khi bị bắt, đó là một “bài học không quên” cho cậu.
“Tôi yêu cầu tòa án nương nhẹ,” bà luật sư này. “Vì thực ra, cậu ta mới chỉ 12 tuổi.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50508089
Hồng Kông chuẩn bị bầu cử địa phương
trong bối cảnh vẫn căng thẳng
Tại trường đại học Bách Khoa, « tâm chấn » cuộc đụng độ từ mấy ngày qua, sau khi nhiều sinh viên đã tẩu thoát được hoặc ra đầu hàng, AFP nhận thấy hôm nay 21/11/2019 sự hiện diện của cảnh sát đã giảm nhiều. Về phía người biểu tình chỉ còn vài chục người cố thủ so với khoảng 1.000 người lúc ban đầu. Trong bối cảnh vẫn căng thẳng, cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật 24/11 tới.
Từ Bắc Kinh, đặc phái viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
« Người dân Hồng Kông sẽ đi bầu Chủ nhật này, đó là điều mà Bắc Kinh và chính quyền đặc khu mong muốn, nếu không có những vụ bạo động mới gây trở ngại cho cuộc bầu cử. Những người ủng hộ chính quyền cũng như phe dân chủ đều có lợi khi cuộc bỏ phiếu không bị dời lại. Tuy chỉ là bầu cử hội đồng quận, nhưng đây là một trong những dịp hiếm hoi người Hồng Kông có thể bày tỏ quan điểm không phải bằng việc xuống đường.
Theo Nelson Chan, 38 tuổi, quản trị viên ngành công nghệ thông tin, có thể sẽ có nhiều người đấu tranh dân chủ đi bầu. Chúng tôi gặp anh trong một trung tâm thương mại, giờ đây đã trở thành nơi quen thuộc cho việc « biểu tình trong giờ nghỉ ăn trưa ». Sơ mi, cà vạt, và khẩu trang che mặt, anh cho rằng người dân Hồng Kông muốn gởi đi thông điệp: cuộc bầu cử này là phương cách để chứng tỏ họ chiến
đấu cho tự do. « Trung Quốc nói rằng người dân Hồng Kông ủng hộ chính quyền, chúng tôi sẽ chứng tỏ đó là dối trá ».
Bài hát « Nguyện vinh quang quy Hương Cảng » được những người nhân viên văn phòng hát lên trong không khí ôn hòa. Nhưng có những cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra trước bầu cử, được thấy trước là sẽ căng thẳng. Các báo Hồng Kông hôm nay đăng ảnh một trung sĩ cảnh sát với khuôn mặt mang vết thẹo. Anh này đã bị tấn công bằng dao cạo râu sau khi cản trở một ông cụ 72 tuổi xé bỏ các áp-phích tranh cử ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191121-hong-kong-chuan-bi-bau-cu-dia-phuong-trong-boi-canh-van-cang-thang
Trung Quốc cho Zimbabwe
nhiều hơn 40 lần con số 3,6 triệu đô
Đại sứ quán Trung Quốc ở Zimbabwe hôm 19/11/2019 đã bác bỏ lời của Bộ trưởng Tài chính Zimbabwe rằng viện trợ từ Bắc Kinh cho quốc gia thân hữu ở châu Phi chỉ có 3,6 triệu USD, tính từ đầu năm đến hết tháng 9 vừa qua.
‘Làm ngân sách cần phản ánh đúng thực tế’
Bộ trưởng Mthuli Ncube nêu ra con số này khi trình bày ngân sách Zimbabwe từ nay đến 2020.
Ông nói tiền viện trợ từ TQ ít hơn hẳn tiền Zimbabwe nhận cùng thời gian từ Anh và Mỹ (50 triệu USD), EU (41 triệu), và Thuỵ Điển (28 triệu).
Vén màn bí mật ‘tiền viện trợ’ Trung Quốc
Tiền chính phủ TQ tới Việt Nam bao nhiêu?
Mugabe từ anh hùng thành lãnh đạo độc tài
Theo công bố của ĐSQ Trung Quốc thì “số liệu từ tháng 1-9/2019 cho thấy tiền viện trợ của TQ cho Zimbabwe là 136,8 triệu USD”.
Đây là con số lớn hơn 40 lần so với số tiền Zimbabwe nêu.
Phía Trung Quốc đề nghị chính phủ Zimbabwe “đánh giá tổng thể các con số thống kê về viện trợ và phản ánh đúng thực trạng khi soạn ngân sách”.
Từ những năm qua, Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trên thế giới nếu tính đến các khoản viện trợ cho châu Phi.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của châu Phi.
Một số tài liệu công khai nói năm 2015, Trung Quốc cam kết chi 60 tỷ USD tiền cho vay và viện trợ cho lục địa châu Phi.
Sang năm 2018, lãnh đạo Trung Quốc lại cam kết chi thêm 60 tỷ nữa tại hội nghị thượng đỉnh với châu Phi.
Quan hệ Trung Quốc – Zimbabwe luôn nồng thắm thời cố TT Robert Mugabe, người nêu ra chính sách Hướng Đông (Look East).
Nhìn chung, từ 10 năm qua, Trung Quốc đã cạnh tranh với Hoa Kỳ và EU về các khoản viện trợ và tài trợ phát triển trên thế giới.
Số liệu chính thức cho biết từ 2000 đến 2014, Trung Quốc tài trợ 4.300 dự án ở 140 nước, trị giá 354 tỷ đôla.
Trong cùng thời gian, tổng viện trợ của Mỹ là 394 tỷ đôla.
Việt Nam nhận hơn 4,3 tỷ USD viện trợ và tài trợ từ nguồn chính phủ Trung Quốc từ 2000 đến 2013, theo AidData.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-50490038
Trung Quốc đòi Tổng thống Trump phủ quyết
dự luật nhân quyền Hong Kong
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/11 lên tiếng yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ quyết dự luật nhân quyền cho Hong Kong và nhắc lại lời đe dọa sẽ có biện pháp mạnh nếu luật được thông qua.
“Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ nhìn nhận thực tế, ngừng việc làm sai trái của mình trước khi quá muộn, ngăn cản dự luật này trở thành luật và ngay lập tức dừng việc can thiệp vào việc Hong Kong và chuyện nội bộ của Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu tại buổi họp báo.
Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư, ngày 20/11 đã thông qua hai dự luật về Hong Kong, chỉ một ngày sau khi các dự luật này được thông qua ở Thượng viện. Hiện tại các dự luật này chỉ còn chờ chữ ký của Tổng thống Trump.
Dự luật nhân quyền cho Hong Kong vừa được Quốc hội Mỹ thông qua quy định việc cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong vi phạm nhân quyền, đồng thời yêu cầu một báo cáo hàng năm về quy chế thương mại ưu đãi mà Washington dành cho Hong Kong.
Một dự luật khác cấm xuất khẩu các vũ khí không gây chết người cho cảnh sát Hong Kong bao gồm hơi cay, đạn cao su, vòi rồng, súng điện.
Hog Kong hiện vẫn đang được hưởng quy chế thương mại ưu đãi với Mỹ sau khi được Anh trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997 với điều kiện Bắc Kinh phải đảm bảo sự độc lập về dân sự, tư pháp và tự do kinh tế cho Hong Kong.
Tuy nhiên Bắc Kinh thời gian qua đã có những bước nhằm siết chặt hơn nữa việc kiểm soát chính trị đối với Hong Kong, dẫn đến các làn sóng biểu tình phản đối ở Hong Kong trong suốt hơn 5 tháng qua và đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trung Quốc cảnh báo ‘thảm họa’
nếu Đài Loan tiến tới độc lập
Chính phủ Trung Quốc hôm 21/11 lên tiếng cảnh báo Đài Loan sau khi người cùng chạy đua với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tháng Một tới nói rằng ông nỗ lực vì độc lập của hòn đảo này, theo Reuters.
Bà Thái chọn cựu thủ tướng William Lai làm ứng viên phó tổng thống hôm 17/11, cùng ngày Trung Quốc triển khai một hàng không mẫu hạm qua Eo biển Đài Loan, một hành động Đài Bắc coi là đe dọa.
Viết trên Facebook hôm 18/11, ông Lai lặp lại rằng ông là người “thực tiễn” về “độc lập của Đài Loan”.
Theo Reuters, đáp lại câu hỏi về các tuyên bố này của ông Lai, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc nói hôm 21/11 rằng hai phía của Eo biển Đài Loan thuộc về Trung Quốc, và rằng việc “thống nhất” đất nước không phải là điều bất kỳ thế lực nào có thể ngăn chặn.
“Độc lập của Đài Loan là ngõ cụt và nó sẽ chỉ mang tới một thảm họa nghiêm trọng cho Đài Loan”, văn phòng trên nói.
“Nó chắc chắn sẽ bị tất cả người dân Trung Quốc phản đối, trong đó gồm cả các đồng bào Đài Loan”.
Đảng Dân Tiến của bà Thái và ông Lai ủng hộ độc lập chính thức cho Đài Loan. Nhưng bà Thái nói rằng bà không tìm cách thay đổi tình trạng hiện thời với Trung Quốc, theo Reuters.
Trung Quốc mời nhà đàm phán thương mại Mỹ
tới Bắc Kinh
Trung Quốc đã mời các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ tới tham dự một vòng đàm phán trực tiếp mới ở Bắc Kinh, Reuters đưa tin hôm 21/11, dẫn lại tờ The Wall Street Journal.
Tin cho hay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã mời đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tới dự một cuộc gặp ở Bắc Kinh.
Khó hoàn tất ‘Giai đoạn một’ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trong năm nay
Ông Lưu cũng nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng vòng đàm phán mới có thể diễn ra trước Lễ Tạ ơn vào ngày 18/11 ở Mỹ.
Theo The Wall Street Journal, các quan chức Mỹ cho thấy sự sẵn lòng gặp trực tiếp nhưng chưa đưa ra cam kết về ngày giờ cụ thể.
Tuy nhiên, tin cho hay, các nhà đàm phán lưỡng lự tới tham gia cuộc gặp chừng nào Trung Quốc không cho biết rõ cam kết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, về việc bắt chuyển giao công nghệ cũng như về việc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao “con tin”
Ngày 15/11/2019, ông Nobu Iwatani, một giáo sư Nhật Bản bị Trung Quốc bắt giữ gần ba tháng trước đó đã được trả tự do và hồi hương. Đây là trường hợp mới nhất được biết đến của một người nước ngoài qua làm việc tại Trung Quốc rồi bị bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp. Từ vụ hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor bị Trung Quốc bắt giam từ cuối năm ngoái, trong một động thái bị coi là để trả đũa vụ chính quyền Ottawa bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Chu, dư luận quốc tế đã quan ngại trước việc Trung Quốc ngày càng dùng đến thủ đoạn gây áp lực này.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 12/11 đã xem đấy là “một xu hướng mới đáng lo ngại”, một xu hướng mà nhật báo Pháp La Croix (ngày 16/09) gọi là “chính sách ngoại giao con tin” của Trung Quốc.
Trong bài phân tích trên tờ The Diplomat mang tựa đề “Tại sao Trung Quốc lại gia tăng việc bắt giữ người ngoại quốc? – Why Is China Detaining More Foreigners?”, đã thử tìm hiểu lý do mà đồng nghiệp của ông tại trường Đại Học Hokkaido lại bị Trung Quốc bắt giữ.
Nguyên do có thể là giáo sư Nobu Iwatani, chuyên về lịch sử Chiến Tranh Trung-Nhật lần thứ hai, đã có quá trình làm việc cho Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng, một học viện do cả bộ Quốc Phòng lẫn bộ Ngoại Giao Nhật Bản quản lý. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, hiện nay, giáo sư đó chỉ là một nhà nghiên cứu đại học, làm việc trong các học viện, chứ không còn là một nhân viên chính phủ.
Được mời qua Trung Quốc để bị bắt: Một cái bẫy?
Điều đáng nói là vị giáo sư này không phải là tự nhiên lại đến Trung Quốc. Ông đã được Viện Lịch Sử Hiện Đại thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc mời qua để thuyết trình. Vào cùng một thời điểm vào năm ngoái, vị giáo sư này đã từng đến đó làm việc, cũng theo lời mời của đối tác Trung Quốc.
Việc giáo sư bị giam giữ đã có tác động lớn đến giới học giả, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về Trung Quốc. Nhiều người đã hủy bỏ kế hoạch qua Trung Quốc hay đình chỉ các chương trình hợp tác. Dư luận báo chí Nhật Bản cũng bày tỏ thái độ bất bình, một nhân tố không thuận lợi chút nào cho mong muốn cải thiện bang giao Nhật-Trung, mà điểm nổi bật sẽ là chuyên công du Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào mùa xuân tới đây.
Theo nhận xét của giáo sư Kawashima, ông Nobu Iwatani là giáo sư Nhật Bản đầu tiên bị giam giữ, nhưng không phải là người nước ngoài đầu tiên bị Bắc Kinh “bắt làm con tin”.
Ngay từ năm 2013, một nhà nghiên cứu gốc Hoa tại Nhật Bản đã bị giam giữ sáu tháng ròng rã tại Trung Quốc, trong lúc nhiều học giả gốc Hoa khác cũng bị cầm cố vài tuần. Bên cạnh đó, cũng có tin về 13 doanh nhân bị bắt giam.
Người nước ngoài tại Trung Quốc bị Luật An Ninh mới đe dọa
An toàn của người nước ngoài tại Trung Quốc đã đặc biệt bị đe dọa từ khi Trung Quốc ban hành Luật Chống Gián Điệp và Luật An Ninh Quốc Gia 2015, với việc chính quyền của ông Tập Cận Bình ngày càng siết chặt việc kiểm soát và giám sát nhắm vào du khách, trong đó có cả những người từ Đài Loan và Hồng Kông.
Giáo sư Kawashima nhắc lại rằng theo truyền thông Đài Loan, đã có đến 150 người Đài Loan bị “mất tích” ở Trung Quốc trong những năm gần đây, bên cạnh một số giáo sư đại học bị bắt giam vì lý do an ninh quốc gia. Một số người Mỹ, Canada và Úc cũng bị lâm vào tình trạng tương tự.
Câu hỏi đặt ra là vì sao chế độ Bắc Kinh lại bắt giữ các nhà nghiên cứu nước ngoài?
Đối với giáo sư Kawashima, hiển nhiên là bất kỳ một quyết định bắt giam nào cũng có thể là một biện pháp trả đũa, vào lúc mà khá nhiều người Trung Quốc tại nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, bị tình nghi làm gián điệp và thu thập thông tin ở nước ngoài trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung.
Ngoài ra, đó cũng có thể là một biện pháp đàn áp quyền tự do tư tưởng và ngôn luận đang được đẩy mạnh dưới thời Tập Cận Bình, không chỉ nhắm vào người dân trong nước, mà vào cả những người nước ngoài hiện diện ngắn hạn hay dài lâu ở Trung Quốc.
Bắt bớ người Đài Loan ở Hoa Lục để hù dọa chính quyền Đài Bắc
Như giáo sư Shin Kawashima đã nêu bật ở trên, người Đài Loan là nạn nhân đông đảo nhất trong những vụ bắt giữ người nước ngoài tại Trung Quốc vì lý do an ninh.
Trong một bài phân tích ngày 16/09 vừa qua, nhật báo Pháp La Croix đã nêu bật trường hợp gần đây của một người Đài Loan, từ Hồng Kông qua Thẩm Quyến đã đột nhiên bị mất tích. Phải một tháng sau thì chính quyền Bắc Kinh mới thông báo là người đó đã bị bắt với tội danh “phá hoại an ninh quốc gia” tại Trung Quốc. Nếu bị xét là có tội, người Đài Loan này có thể bị án tù rất nặng nề.
Đối với La Croix, rõ ràng là chính sách ngoại giao bắt con tin tiếp tục được Trung Quốc áp dụng, sau một loạt những vụ bắt giữ gây tranh cãi, từ vụ bắt giữ và biệt giam hai công dân Canada vào năm ngoái, cho đến vụ bắt giam một nhân viên người Hồng Kông làm việc cho lãnh sự quán Anh Quốc ở Hồng Kông vào tháng Tám.
Mục tiêu của các vụ bắt giữ người Đài Loan làm con tin, theo La Croix, là nhằm hù dọa dân chúng và chính quyền Đài Loan, trong bối cảnh hòn đảo 23 triệu dân này đang chuẩn bị bầu lại tổng thống vào đầu năm 2020, và trong lúc Bắc Kinh đang gia tăng áp lực trên chính quyền Đài Bắc từ ngày bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống vào năm 2016.
Danh sách “con tin” ngày càng dài thêm
Nhìn chung, các trường hợp như của vị giáo sư Nhật mới đây, hay của những người Đài Loan trước đó, đã bổ sung vào danh sách ngày càng dài thêm của những người ngoại quốc bị chế độ Bắc Kinh bắt giữ vì lý do an ninh quốc gia.
Trong một bản liệt kê tạm thời một số vụ “bắt con tin” điển hình, hãng tin Anh Reuters 27/08/2019, đã điểm lại một số trường hợp như của hai công dân Canada Michael Kovrig, and Michael Spavor bị bắt vào năm 2018 và sau đó bị cáo buộc là đã “xâm phạm bí mật Nhà Nước” Trung Quốc, hay của ông Peter Dahlin, một công dân Thụy Điển hoạt động trong lãnh vực bảo vệ dân quyền và nhân quyền, bị bắt năm 2016 với cáo buộc “có hoạt động gây hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc”, bị ép lên đài truyền hình để “thú tội”, trước khi được thả ra và trục xuất về nước.
Theo Reuters, với một guồng máy tư pháp Trung Quốc thiếu minh bạch, lại chịu sự kiểm soát của đảng Cộng Sản, những người bị buộc tội hầu như chắc chắn phải lãnh án. Bắc Kinh cũng thường xuyên phủ nhận những lời tố cáo của giới bảo vệ nhân quyền về các hành vi ngược đãi những người bị giam giữ, đặc biệt là trong các trường hợp nhạy cảm. Ngoài ra, các vụ liên quan đến đến bí mật nhà nước hoặc an ninh quốc gia thường được xử lý một cách khắc nghiệt hơn các vụ án hình sự khác, với cả khả năng án tử hình, và người gốc Hoa cầm hộ chiếu ngoại quốc thường bị đối xử khắc nghiệt hơn so với người nước ngoài khác.
Trung Quốc ve vãn Hàn Quốc,
đồng minh quân sự của Mỹ
Cuộc đọ sức Mỹ -Trung tranh giành ảnh hưởng với phần còn lại của thế giới phải chăng đang mở rộng sang lĩnh vực quân sự ? Theo tiết lộ của báo Anh, The Telegraph, hôm Chủ Nhật 17/11/2019, bên lề hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) tại Bangkok, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoà đã có một buổi làm việc riêng với đồng nhiệm Hàn Quốc, Jeong Kyeong Doo. Đôi bên đồng ý “tăng cường hợp tác quân sự song phương. Bắc Kinh mời bộ trưởng Hàn Quốc công du Trung Quốc vào năm tới nhằm “đẩy mạnh các trao đổi và hợp tác song phương trong lĩnh vực phòng thủ, bảo đảm ổn định trong khu vực”, như chính lời ông Jeong đã giải thích trong cuộc họp báo tại Bangkok.
Thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh Washington và Seoul đang hục hặc về đóng góp chi phí quân sự, bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc. Nhà Trắng đòi Seoul chi ra gần 5 tỷ đô la, thay vì chưa đầy 1 tỷ như hiện tại, để duy trì sự hiện diện của 28.500 lính Mỹ tại bán đảo Triều Tiên. Dưới áp lực của chính quyền Trump, trong năm 2019, Hàn Quốc đã đồng ý tăng thêm 8 % khoản đóng góp so với hồi 2018. Đối với Nhà Trắng, số tiền 923 triệu đô la của Hàn Quốc vẫn chưa đủ.
Tổng thống Trump còn dọa rút một phần lực lượng quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc về nước, nếu Seoul không thỏa mãn yêu sách của Hoa Kỳ. Liền sau đó báo giới nêu lên khả năng Lầu Năm Góc giảm quân số tại Hàn Quốc, có thể là rút đến 4.000 lính về Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper, trước khi rời Hà Nội trở về Washington sau một vòng công du châu Á, đã bác bỏ tin trên.
Dù vậy dư luận Hàn Quốc đang nêu lên nhiều nghi vấn về quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ. Trong bài xã luận hôm 18/11/2019, báo The Korea Times cảnh báo Washington coi chừng “già néo đứt dây”. Tờ báo có uy tín này cho rằng “liên minh quân sự Mỹ -Hàn có nguy cơ đổ vỡ” vì những “đòi hỏi thô bạo quá đáng của phía Washington”.
Cũng tờ báo này cho rằng Donald Trump đang biến liên minh chiến lược với Hàn Quốc thành một phương tiện để “moi tiền” một đồng minh. Một thăm dò tại Seoul cho thấy có tới 96 % người Hàn Quốc nghĩ là Washington đang dùng lá bài an ninh để bắt chẹt chính quyền của tổng thống Moon Jae In. Công luận cho rằng đã đến lúc Hàn Quốc cần phải cưỡng lại những yêu sách của Washington.
Không chỉ có thế Seoul còn bất bình trước những áp lực của Mỹ đòi Hàn Quốc thông qua một thỏa thuận tay ba Mỹ- Nhật-Hàn về chia sẻ thông tin quân sự. Khúc mắc nằm ở chỗ hiện tại, hai đồng minh đông bắc Á của Hoa Kỳ là Nhật Bản và Hàn Quốc đã có một thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự. Văn bản này sẽ hết hiệu lực vào ngày 23/11/2019 và trên nguyên tắc sẽ được triển hạn thêm.
Nhưng từ mùa hè vừa qua, Tokyo và Seoul đã lao vào một cuộc chiến thương mại. Nhật Bản dọa giới hạn, thậm chí là cấm bán một số nguyên liệu cần thiết cho nền công nghiệp Hàn Quốc. Để trả đũa, Seoul tuyên bố ý định rút khỏi thỏa thuận hợp tác quân sự nói trên với Tokyo.
Ngoài ra, thái độ vồ vập quá đáng, hay nói đúng hơn là cả tin, của tổng thống Donald Trump với người bạn mới của ông là lãnh đạo Kim Jong Un, cũng là một cái gai đối với Seoul. Về thực chất, hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn đe dọa an ninh Hàn Quốc.
Trong bối cảnh kênh đối thoại giữa Seoul và Washington bị tắc nghẽn, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ để tranh thủ cảm tình của Hàn Quốc vì ít nhất ba mục đích.
Những đợt tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc thưa thớt dần là một tin vui đối với Bắc Kinh. Liên minh quân sự Mỹ -Hàn càng có dấu hiệu rạn nứt, và trong trường hợp Washington giảm quân số đóng tại Hàn Quốc thì Trung Quốc lại càng mừng. Thân thiện với Seoul để chọc tức Washington có thể là một giải pháp tốt trong thời điểm này.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa còn có thêm một động lực khác để dành ưu tiên cho kênh đối thoại với đồng nhiệm Hàn Quốc. Bắc Kinh lo ngại một khi đã rút khỏi Hiệp Định Tên Lửa Tầm Trung INF, Hoa Kỳ lại càng hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh, đưa tên lửa tầm trung đến Nhật Bản và Hàn Quốc, sát cạnh với Trung Quốc. Đây là kịch bản mà chính quyền của ông Tập Cận Bình không hề mong muốn xảy ra.
Cuối cùng, liên quan tới hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên – mà qua đó là an ninh của toàn khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc luôn đóng vai trò trung tâm. Bằng chứng rõ rệt nhất là thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Igor Morgulov cách nay hai ngày cho biết Nga và Trung Quốc cùng đề xuất một kế hoạch làm giảm căng trên bán đảo Triều Tiên. Kế hoạch này sẽ được Matxcơva trình bày với thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Cohoe Son Hui, nhân dịp bà đang viếng thăm nước Nga. Bắc Kinh thừa biết rằng để đạt được một số kết quả cụ thể, phải cần có tiếng nói của Seoul.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191121-trung-quoc-ve-van-han-quoc-dong-minh-quan-su-cua-my-chua-co-hinh
Trung Quốc « sẵn sàng đáp trả » Mỹ
về luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông
Sau Thượng Viện, đến lượt Hạ Viện Hoa Kỳ ngày 20/11/2019 thông qua dự luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông. Trung Quốc lập tức cảnh báo “sẵn sàng đáp trả“. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố “Bắc Kinh sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ một ai phá hoại sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông“.
Hãng tin Reuters cho biết ông Vương Nghị đã đưa ra tuyên bố này hôm 21/11/2019 nhân một buổi làm việc tại Bắc Kinh với cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, William Cohen và nhấn mạnh rằng Trung Quốc “không bao giờ cho phép bất kỳ một ai làm phương hại đến nguyên tắc một quốc gia hai chế độ“.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo được AFP trích dẫn nói rõ Trung Quốc “mạnh mẽ lên án và cứng rắn chống lại việc văn kiện liên quan đến Hồng Kông” vừa được quốc Hội Mỹ thông qua. Không đi sâu vào chi tiết, nhưng ông Cảnh Sảng răn đe : “nếu Hoa Kỳ cương quyết hành đơn phương hành động, Trung Quốc sẽ có những biện pháp cụ thể để đáp trả”.
Ngày 20/11/2019 luật “Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông” được Hạ Viện Mỹ thông qua với 417 phiếu thuận. Văn bản này quy định những điều khoản như sau : mỗi năm một lần bộ Ngoại giao Mỹ phải xác nhận rằng chính quyền Hồng Kông tôn trọng các quyền của người dân để đặc khu này tiếp tục hưởng các khoản ưu đãi về thương mại của Hoa Kỳ. Thứ hai là cho phép Washington trừng phạt những quan chức nào vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông.
Theo một nguồn tin thông thạo được AFP trích dẫn, Nhà Trắng không có ý định phủ quyết dự luật vừa được quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua. Giới quan sát đánh giá, vấn đề Hồng Kông có thể cản trở việc Washington và Bắc Kinh ký kết thỏa thuận kết thúc “Giai đoạn 1” chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191121-trung-quoc-my-ve-luat-dan-chu-nhan-quyen-hong-kong
Giới trẻ Campuchia xăm hình bản đồ
vì lo sợ nhượng đất cho Việt Nam
Ngày càng có nhiều giới trẻ Campuchia xăm hình bản đồ nước này lên thân thể để phản đối một luật mới được Thượng viện Campuchia thông qua vì lo sợ chính phủ sẽ nhượng đất cho Việt Nam.
Hồi đầu tháng này, Thượng viện Campuchia thông qua một luật trong hiệp ước bổ sung công nhận 84% việc cắm mốc ranh giới dọc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Những nhà hoạt động bảo vệ đường biên giới và thành viên của Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập nói hiệp ước trên sẽ nhượng đất cho Việt Nam theo hiệp ước năm 1985. Họ cho rằng đây là hiệp ước được ban hành sau khi Việt Nam ‘xâm chiếm’ Campuchia vào năm 1979 để lật đổ chế độ Khmer Đỏ và lập chính phủ ‘bù nhìn’ nhằm cai trị đất nước.
Một bạn trẻ ở tỉnh Siem Reap nói với Ban Khmer của Đài Á Châu Tự Do rằng anh và những người khác xăm hình bản đồ vì muốn đảm bảo rằng chính phủ Campuchia giữ nguyên hơn 181.000 km2 lãnh thổ Campuchia khi họ thực hiện việc phân chia ranh giới.
Người Campuchia này cũng cho biết việc xăm bản đồ Campuchia lên thân thể đã trở thành một phong trào phổ biến trong giới trẻ nước này.
Trong khi đó, Chủ tịch ủy ban biên giới Campuchia Var Kimhong từ chối bình luận về hình xăm bản đồ và cho rằng đây chỉ là quyết định cá nhân. Ông Var Kimhong cũng khẳng định chính phủ Campuchia chịu trách nhiệm về vấn đề biên giới.
Thù oán giữa Việt Nam và Campuchia đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng được khơi gợi khi chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot nắm chính quyền.
Những cáo buộc xung quanh việc phân chia lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia trở thành một trong những điểm chính trong vấn đề chính trị ở Campuchia hiện nay, đặc biệt khi phe đối lập cho rằng Thủ tướng Hun Sen chỉ là một công cụ của người Việt Nam.
Bà Suu Kyi đối đầu vụ kiện diệt chủng tại Tòa quốc tế
Bà Aung San Suu Kyi sẽ ra trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để tranh luận về một vụ kiện qua đó Gambia cáo buộc Myanmar diệt chủng người thiểu số Rohingya, theo Reuters.
Hơn 730.000 người Rohingya đã trốn sang nước láng giềng Bangladesh sau cuộc đàn áp của quân đội Myanmar năm 2017, mà các nhà điều tra của Hoa Kỳ nói rằng đã được thực hiện với “ý định diệt chủng”.
Chính phủ Myanmar, quốc gia mà tôn giáo chính là Phật giáo phủ nhận cáo buộc diệt chủng.
Gambia, một quốc gia nhỏ bé, chủ yếu là người Hồi giáo ở Tây Phi, đã nộp đơn kiện sau khi giành được sự ủng hộ của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia.
Bà Suu Kyi phải đối mặt với án diệt chủng?
Suu Kyi không sợ ‘giám sát’ của quốc tế
Vụ Rohingya: ‘Cơ hội cuối’ cho Suu Kyi
Quốc tế chỉ trích Suu Kyi: Giới hoạt động VN học gì?
“Myanmar đã giữ nhờ các luật sư quốc tế nổi tiếng để tranh luận vụ kiện do Gambia đệ trình”, Bộ trưởng tư vấn nhà nước của bà Suu Kyi’s cho biết trong một bài đăng trên Facebook.
Phát ngôn viên của quân đội Myanmar, Thiếu tướng Zaw Min Tun nói với Reuters rằng quyết định trên được đưa ra sau khi quân đội tham khảo ý kiến với chính phủ.
“Chúng tôi, quân đội, sẽ hoàn toàn hợp tác với chính phủ và sẽ làm theo chỉ dẫn của chính phủ”, ông nói.
Người phát ngôn của đảng của bà Suu Kyi, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, cho biết bà đã quyết định tự mình sẽ xử lý sự việc.
“Họ cáo buộc bà Aung San Suu Kyi đã không lên tiếng về các vi phạm nhân quyền”, phát ngôn viên Myo Nyunt nói. “Bà quyết định tự mình đối mặt với vụ kiện.”
Cả hai nước Gambia và Myanmar đều đã ký kết Công ước Diệt chủng năm 1948, điều này không chỉ cấm các quốc gia phạm tội diệt chủng mà còn buộc tất cả các quốc gia ký kết ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng.
Tòa án Công lý Quốc tế cho biết sẽ tổ chức các phiên điều trần công khai đầu tiên trong vụ kiện từ ngày 10 đến 12 tháng 12.
Tòa án Công lý Quốc tế, tuy thế, không có cách nào để thực thi bất kỳ phán quyết nào của mình.