Tin Biển Đông – 18/11/2019
Tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc
tiến vào Biển Đông
Tàu sân bay nội địa đầu tiên do Bắc Kinh tự đóng Type 001A đang trên đường đến Biển Đông để thực hiện các cuộc thử nghiệm khoa học và diễn tập. Hải quân Trung Quốc đưa ra xác nhận này vào ngày 18/11.
Thông báo của Hải quân Trung Quốc ghi rõ việc tổ chức thử nghiệm và diễn tập của tàu sân bay nội địa Type 001A ở khu vực là hoạt động bình thường trong quá trình đóng hàng không mẫu hạm và việc này không nhắm vào bất kỳ mục tiêu cụ thể nào và không liên quan đến tình hình hiện tại.
Trước đó vào ngày 17/11, Reuters loan tin dẫn tuyên bố từ Cơ quan quốc phòng của Đài Loan cho hay Tàu 001A của Trung Quốc đã đi ngang eo biển Đài Loan, vùng chồng lấn của Bắc Kinh và Đài Bắc. Đồng thời cho biết thêm tàu sân bay nội địa này bị tàu Hoa Kỳ và Nhật bám đuôi.
Tuy nhiên, thông báo của Hải quân Trung Quốc không hề đề cập đến việc này.
Tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc được hạ thủy năm 2007 và vào năm sau đó tiến hành các chuyến đi biển thử nghiệm. Theo kế hoạch vào sang năm, tàu sân bay Type 001A sẽ được biên chế.
Phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18 tháng 11 cũng có phát biểu rằng hoạt động của hải quân Trung Quốc không có gì đáng phải ngạc nhiên và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Vấn đề Biển Đông
sẽ được đưa ra ASEAN và Liên Hợp Quốc
Việt Nam sẽ đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự của cả ASEAN và Hội đồng Bảo an LHQ, khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, đưa ra thông tin vừa nói tại cuộc họp báo quốc tế về năm Chủ tịch ASEAN hôm 18/11 và được truyền thông trong nước trích dẫn cùng ngày.
Về lộ trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong năm 2020, khi Việt Nam đóng vai trò Chủ tịch ASEAN, Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết quá trình đàm phán bắt đầu từ tháng 3 năm 2018, đến nay đã hoàn tất vòng rà soát thứ nhất. Các nước ASEAN đã làm tốt công tác chuẩn bị để bước vào vòng đàm phán thứ 2.
Ngoài ra, ông Dũng cũng nhấn mạnh, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ dành thêm thời gian cho đàm phán và tìm ra cách thức phù hợp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệu quả hơn trong năm 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết thêm, Biển Đông là vấn đề được các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm. Vì vậy khi Việt Nam đảm nhiệm ‘vai trò kép’ Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an tất cả những vấn đề liên quan sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị, có thể của cả ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc UNSC.
Vừa qua vào ngày 28 tháng 9, khi phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, không nhắc đến tên Trung Quốc trong trình bày về căng thẳng tại Bãi Tư Chính của Việt Nam suốt mấy tháng trời do nhiều tàu Trung Quốc gây nên.
Cũng tin liên quan, trong khuôn khổ Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Retreat) diễn ra tại Bangkok hôm 17/11, vấn đề Biển Đông đã trở thành tâm điểm Hội nghị.
Theo Bangkok Post, một số Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, khi phát biểu tại cuộc họp, đã bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông, song vẫn thể hiện sự lạc quan về tiến trình Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Giới chuyên gia, học giả Mỹ khuyến nghị
cần công khai những hành vi sai trái của TQ ở Biển Đông
Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành vi làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông gây mất an toàn, an ninh trong khu vực, giới chuyên gia và học giả hàng đầu tại Mỹ cho rằng các nước liên quan và dư luận cần công khai nhiều hơn những hành vi sai trái của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Giáo sư John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland (Mỹ) cho rằng những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây tác động xấu đến toàn khu vực và Việt Nam cần có thái độ rõ ràng trong vấn đề này. Theo Giáo sứ Short, là một nước thường xuyên đối mặt với những hành vi của Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy việc truyền bá quan điểm đúng đắn trong việc xử lý vấn đề Biển Đông ra khắp thế giới. Ông cho rằng, “Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng không nhỏ và có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của nước này ra khắp khu vực và trên toàn thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần thông qua các hội thảo, diễn đàn khoa học bày tỏ chính kiến của mình chống lại những hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cần đặc biệt nêu cao việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông bằng cách đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để chống lại những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trong khu vực”.
Cũng theo Giáo sư Short, trong thời gian qua, các nước ASEAN đã có sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn không chỉ về chính trị mà còn cả thương mại, kinh tế, xã hội và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược nội khối, điều này có đóng góp không nhỏ của Việt Nam, nước sẽ nắm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Giáo sư Short bày tỏ tin tưởng, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thành công trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới những vấn đề “nóng” cũng như giúp ASEAN có được chính sách chung để giải quyết những vấn đề này. “Vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và tôi tin chắc rằng, Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy giải quyết những vấn đề trong khu vực có tác động tới Việt Nam và các quốc gia trong khối vì lợi ích chung. Việt Nam cần nêu bật được khả năng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trong đó có việc tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Short nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Việt Nam và các nước cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ: i) Thứ nhất, Trung Quốc sẽ “ỷ vào sức mạnh của mình” để tiếp tục gây sức ép với Việt Nam và các nước trong khu vực trong vấn đề Biển Đông buộc các nước phải chấp thuận yêu sách của Trung Quốc. ii) Thứ hai, Trung Quốc cũng được cho là “không quan tâm gì đến lý lẽ” khi đơn phương thực thi những hành vi sai trái ở Biển Đông trong suốt thời gian qua, như việc liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Điều này xuất phát từ tham vọng độc chiếm
Biển Đông của Trung Quốc và nước này luôn tự tin vào sức mạnh về quân sự của mình so với các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông bởi vùng biển này không chỉ có ý nghĩa chiến lược về địa chính trị mà còn có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào phục vụ cho “cơn khát dầu” đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. iii) Thứ ba, trong nhiều năm qua, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai quốc gia này. Vài năm trở lại đây, thế giới mới bắt đầu quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong đó có Việt Nam, Philippines hay Indonesia.
Vì vậy, Giáo sư Short nhắc lại quan điểm rằng, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế. “Không nhiều người Mỹ biết đến quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông so với những gì họ có thể tiếp cận được từ Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, điều này sẽ thay đổi khi mà Việt Nam đang ngày càng chủ động hơn trong việc truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới để nhận được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế”, ông Short nhấn mạnh. Theo Giáo sư Short, một khi cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tham vọng của mình bởi khi đó, các nước trong khu vực và trên thế giới chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt hơn khiến Trung Quốc ít nhiều phải chùn bước.
Tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (SAIC) chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ công nghệ cho Chính phủ Mỹ cho rằng trong khi Trung Quốc không ngừng tìm mọi cách để gia tăng ảnh hưởng và khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, tuyến đường vận tải hàng hải huyết mạch của thế giới, Bắc Kinh đã và đang tăng cường thực thi chiến thuật “vùng xám” hòng thực hiện mưu đồ thâm sâu. Việc theo đuổi các nguồn tài nguyên biển đã khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn, họ thúc đẩy các hoạt động nằm giữa ranh giới giữa hòa bình và chiến tranh mà vốn vẫn được biết đến là “vùng xám”. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tàu thực thi pháp luật cỡ lớn, tàu dân quân biển và sử dụng lực lượng ngư dân được huấn luyện quân sự để cùng phối hợp gây rối cho các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông. Trên thực địa, chiến thuật “vùng xám” liên tục được Trung Quốc thử nghiệm và điều chỉnh qua những cuộc đối đầu với lực lượng chấp pháp của các nước, đặc biệt ở Biển Đông từ năm 2006. Mục đích của chiến thuật này là nhằm thay đổi hiện trạng, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng. Dù Trung Quốc luôn che giấu thì sự tồn tại của lực lượng dân quân biển nước này đã không còn là điều bí mật. Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tới thăm một làng chài ở đảo Hải Nam đã ca ngợi mô hình dân quân biển tại đây, yêu cầu nhân rộng ra toàn quốc. Về mặt lý thuyết, chiến thuật vùng xám được một quốc gia sử dụng để đạt được một lợi ích nào đó, thường là về lãnh thổ, nhưng không muốn dùng vũ lực một cách quy mô và trực tiếp.
Chuyên gia Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) tại Mỹ nhận định “cách duy nhất để đẩy lùi mưu đồ của Trung Quốc là khiến nước này phải trả giá về ngoại giao, kinh tế… thông qua sự hợp tác, nhất trí của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi đối phó với Trung Quốc. Sẽ rất khó để mỗi quốc gia riêng lẻ có thể thực hiện được điều này. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ và từng bước thuyết phục Trung Quốc rằng họ đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông. Các nước trong khu vực cần công khai với thế giới về những gì đang diễn ra ở Biển Đông và không chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc. Chỉ có làm như vậy mới khiến Trung Quốc không thể tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi lý của mình. Trung Quốc luôn lo ngại các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và cả cộng đồng quốc tế có thể sẽ có những phản ứng quyết liệt hơn nếu như các nước trong khu vực cùng lên tiếng chỉ trích những hành động sai trái của nước này. Đây cũng là cách hiệu quả để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.