Tin Việt Nam – 13/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/11/2019

An ninh thắt chặt tại phiên tòa xử luật sư Trần Vũ Hải

Phiên xử sơ thẩm Luật sư Trần Vũ Hải với cáo buộc “Trốn thuế” diễn ra hôm 13/11 tại Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trong tình trạng “thắt chặt an ninh”, ngay cả phóng viên báo nhà nước cũng không được dự tòa.

Luật sư Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương bị cáo buộc trốn thuế trong một vụ giao dịch mua bán đất ở thành phố Nha Trang. Luật sư Trần Vũ Hải cũng là người tham gia đại diện cho nhiều người dân mất đất và các nhà hoạt động ở Việt Nam trong những năm qua.

Gần 60 luật sư đăng ký bào chữa cho vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải tại phiên tòa nhưng tòa án chỉ cấp chứng nhận bào chữa cho 33 người trong số này. Đây được ghi nhận là kỷ lục về số lượng luật sư cùng tham gia bào chữa miễn phí cho một bị cáo và cũng là đồng nghiệp của họ.

Các hình ảnh lan truyền qua mạng xã hội cho thấy công an rào đường và canh gác cẩn mật quanh khu vực tòa án tương tự như các phiên xử giới đấu tranh dân chủ. Tuy phiên tòa được nói là “xét xử công khai” nhưng các báo Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP.HCM cho biết ngay cả phóng viên của các báo nhà nước Việt Nam cũng không được vào dự để đưa tin.

Báo Pháp Luật TP.HCM tường thuật: “Khi phóng viên trình thẻ nhà báo, nói rõ đã đến Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đăng ký tác nghiệp từ chiều 12-11, các cán bộ an ninh nói: “Báo Pháp Luật TP.HCM không có trong danh sách được cho vào”. Phóng viên hỏi vì sao thì người này trả lời: “Tôi chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên!”.

Phóng viên nhiều lần trình thẻ nhà báo, đề nghị cho gặp người có chức trách để yêu cầu giải thích lý do nhưng lực lượng an ninh quyết liệt ngăn cản. Hiện chỉ có một số ít phóng viên được cho vào theo dõi phiên tòa.”

Về vụ án ‘trốn thuế’ đối với vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải, những người bào chữa cho ông đã gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang trả hồ sơ để giám định bổ sung trước khi đưa vụ án ra xét xử với lý do “các kết luận giám định và giám định bổ sung trong vụ án là chưa rõ”.

Tuy nhiên, tòa án đã thông báo bác yêu cầu này và cho rằng hai kết luận giám định đã nêu rõ việc có hay không hành vi trốn thuế, cụ thể loại thuế, số tiền trốn thuế trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 78/40 đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa xác định: trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng ngôi nhà cùng đất tại 78/40 đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang, vợ chồng Luật sư Trần Vũ

Hải cùng hai người khác đã có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân hơn 280 triệu đồng. Tuy nhiên, cáo trạng không nêu hành vi phạm tội của từng bị can.

Trước đó, vào ngày 2/7/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nhà riêng cùng với văn phòng làm việc tại Hà Nội đối với Luật sư Trần Vũ Hải để điều tra về hành vi “Trốn thuế” liên quan đến một vụ mua bán đất đai ở Khánh Hòa.

Tuy nhiên, khi khám xét công an lại thu giữ luôn cả những tài liệu bao gồm hồ sơ vụ việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do, người được cho là đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan đưa về nước khi ông này đang xin quy chế tỵ nạn với Liên Hiệp Quốc vào hồi tháng 1 năm nay. Sự việc đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án, yêu cầu Việt Nam phải điều tra, trả lời về vụ bắt cóc này. Luật sư Trần Vũ Hải lúc đó là luật sư đại diện cho ông Trương Duy Nhất. Sau cáo buộc trốn thuế, luật sư Trần Vũ Hải đã phải ngừng việc làm đại diện pháp lý cho blogger Trương Duy Nhất.

Dự kiến phiên tòa xử vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải sẽ kéo dài 5 ngày.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lawyer-tran-vu-hai-s-trial-starts-11132019070934.html

 

Máu ‘ngang ngược’ trong huyết quản công an!

Diễm Thi, RFA

Gần đây liên tiếp xuất hiện những video clips cho thấy hành xử xem thường người khác của những cán bộ công an khi mặc thường phục như việc nữ đại úy Lê Thị Hiền “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất đến việc Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt tát người khi bị nhắc nhở…Vì sao những cán bộ công an phải mẫu mực khi mặc sắc phục lại hành xử một cách ngang ngược, bạo lực như thế trong đời thường?

Hành xử côn đồ

Mấy hôm nay báo chí chính thống cũng như mạng xã hội lan truyền video clip một người đàn ông ném đồ ăn và tát vào mặt một nhân viên tại quầy tính tiền. Nhân vật này sau đó bị truyền thông phanh phui nêu đích danh là Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt, mới được điều chuyển công tác từ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thái Nguyên về Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Vụ việc này khiến nhiều người nhớ lại trường hợp tương tự cách đây cũng không bao lâu.

Hồi tháng 8 vừa qua, Đại úy công an Lê Thị Hiền đồng thời là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông – trật tự – phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngành công an thì côn đồ hung hăng hơn bởi họ có quyền lực, ỷ vào quyền lực. Cái thói côn đồ hung hăng ăn hiếp dân – là những người yếu thế – được tấm áo ngành che chắn nên họ ngang nhiên, tự do lắm. – Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà

Những hành xử như thế dưới cái nhìn của Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà là cách hành xử côn đồ. Blogger này nhận định ngày càng nhiều người Việt hành xử mang tính côn đồ như vậy chứ không riêng ngành công an. Bà nhấn mạnh:

“Ngành công an thì côn đồ hung hăng hơn bởi họ có quyền lực, ỷ vào quyền lực. Cái thói côn đồ hung hăng ăn hiếp dân – là những người yếu thế – được tấm áo ngành che chắn nên họ ngang nhiên, tự do lắm.”

Một số người dân mà RFA tiếp xúc đều cho rằng thói hành xử côn đồ “có sẵn trong máu” của công an Việt Nam tương tự như nhận xét của Luật sư Nguyễn Duy Bình rằng do bản tính, môi trường, tư duy nhận thức đã tạo nên những hành vi đó. Nếu họ sinh ra, lớn lên được học tập, rèn luyện trong một môi trường tốt hơn thì họ sẽ không có cách hành xử như vậy. Cách cư xử như vậy không thể làm gương cho xã hội, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền và chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, gây mất uy tín của nghành công an, nơi được xem là một trong những cơ quan thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật.

Cũng với cái nhìn của một người trong ngành tư pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Sài Gòn cho rằng người công an hành xử như vậy, thứ nhất là do họ coi thường, không tôn trọng người dân. Thứ hai là họ không có sự rèn luyện quy cách ứng xử để giữ gìn phẩm chất của mình. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những người này sẽ bị xử lý về hành chính hoặc hình sự.

Điều 11 Thông tư 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an quy định chiến sĩ công an nhân dân phải gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng; Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.

Qua cách cư xử nơi công cộng của Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng úy Nguyễn Xô Việt, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định:

“Đối với ngành công an thì họ có quy tắc ứng xử đối với người dân. Tôi cho rằng những hành vi như thế của cán bộ chiến sĩ công an khi xử lý sẽ nặng hơn đối với một công dân bình thường. Anh là người hiểu biết pháp luật mà có những hành vi không tôn trọng người khác, ý thức kém.”

Do thể chế?

Trong một lần trò chuyện với RFA về cách hành xử của công an với dân một cách côn đồ cũng như bắt tay với côn đồ để đàn áp dân, ông Đinh Quang Tuyến, một nhà đấu tranh trong nước nhận định tất cả là do thể chế:

“Cộng sản muốn cai trị đất nước và dân tộc Việt Nam với luật pháp và hiến pháp bất công do họ tạo ra. Cộng sản Việt Nam không biết điều hành dẫn đến một đất nước không phải pháp quyền cũng chẳng phải pháp trị mà là vô pháp.”

Với sự việc Thương úy công an Nguyễn Xô Việt được cho là người đã ném xúc xích, tát nhân viên quầy thu ngân tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên qua clip đã gây xôn xao trên mạng xã hội từ ngày 10 tháng 11, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin trên báo chí trong nước rằng sự việc xảy ra ngoài giờ, vào ngày nghỉ chứ không phải lúc đang làm nhiệm vụ.

Công an Việt Nam thấm nhuần cách mà họ được đào tạo cai trị người dân bằng bạo lực chứ không bằng lẽ công chính, bằng luật pháp, cho nên trong bất cứ tường hợp nào, dù người dân phạm tội hay không thì họ cũng hành xử một cách côn đồ, bạo lực để thị uy và trấn áp người dân ngay từ ban đầu. – Ông Trần Trọng Nhân

Ông Trần Trọng Nhân, một người dân Sài Gòn cho rằng với kinh nghiệm bản thân, ông thấy hầu hết công an có cách làm việc hết sức thiếu tôn trọng người dân và bạo lực ngay trong lời nói đầu tiên. Theo ông thì việc công an cư xử như vậy xuất phát từ thể chế. Ông phân tích:

“Công an Việt Nam thấm nhuần cách mà họ được đào tạo cai trị người dân bằng bạo lực chứ không bằng lẽ công chính, bằng luật pháp, cho nên trong bất cứ trường hợp nào, dù người dân phạm tội hay không thì họ cũng hành xử một cách côn đồ, bạo lực để thị uy và trấn áp người dân ngay từ ban đầu. Chính vì vậy mà khi ra đời sống, cách hành xử nó bộc phát ra.”

Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam từng nói với RFA rằng những người làm công chức nói chung và ngành công an nói riêng vẫn còn nặng thói cửa quyền. Họ quen ở trong tư thế người ban phát dịch vụ và người khác phải nhận dịch vụ của mình. Họ luôn luôn ở tư thế của những người quen được người khác “cung phụng, nịnh hót”, không bao giờ dám làm phật ý. Chỉ cần một hành động có vẻ ngược lại là họ hành xử như một kẻ côn đồ.

Theo quy định về quy tắc ứng xử của công an nhân dân, công an phải nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật và điều lệnh Công an nhân dân.

Trong thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay, đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện nên công an, an ninh chính là công cụ trấn áp của đảng chứ không phải để bảo vệ dân. Ông Trần Trọng Nhân nhận xét:

“Người dân bây giờ họ không coi trọng và không tin vào lực lượng công an khi họ cần sự bảo vệ. Họ chỉ có sợ hãi hoặc khinh miệt mà thôi”.

Chiều 11 tháng 11, Đại tá Đặng Đức Đang – phó giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên – cho báo chí trong nước biết đơn vị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác thời hạn 1 tháng đối với thượng úy Nguyễn Xô Việt.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là hành động côn đồ, không thể chấp nhận được, cần phải có hình thức xử lý thật nghiêm.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-way-policeman-treat-people-police-regime-dt-11122019132311.html

 

Công an huyện Đông Anh:

 Nhóm biểu tình đòi đất là Công an về hưu

Đại diện Công an huyện Đông Anh ngày 13/11 đã lên tiếng xác nhận nhóm người mặc quân phục căng băng rôn biểu tình đòi đất ngày 11/11 là các cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại Công an huyện đã nghỉ hưu.

Đại diện Công an huyện Đông Anh lên tiếng xác nhận sự việc một ngày sau khi truyền thông và mạng xã hội lan truyền thông tin, video clip về nhóm khoảng chục người mặc sắc phục ngành công an căng băng rôn đòi quyền lợi đất tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Báo mạng Thanh niên cho biết theo đại diện Công an (CA) Đông Anh thì nhóm cán bộ biểu tình đòi đất hiện không còn thuộc quản lý của CA Đông Anh; không đại diện cho CA Đông Anh trong việc đòi quyền lợi tại dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ mà chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng An Thịnh.

Theo vị đại diện CA Đông Anh thì dự án nhà ở kéo dài từ năm 2002 đến nay chưa hoàn thành là do quá trình thực hiện có một số sai sót và cơ chế chính sách về đất đai có thay đổi qua các thời kỳ. Hơn nữa, người đại diện của Công ty An Thịnh cũng đã được thay đổi.

Điều đáng nói là đại diện CA Đông Anh không đồng ý cung cấp bất cứ hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ CA huyện Đông Anh, ngay cả số điện thoại và địa chỉ của Công ty An Thịnh.

Được biết trong số 200 cán bộ, chiến sĩ có quyền lợi tại dự án nhà ở này thì hơn 100 người đã nghỉ hưu, hiện còn khoảng vài chục người vẫn còn đang công tác tại CA huyện Đông Anh.

Khu đất xây dựng nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Công an huyện Đông Anh là khu đất vàng nằm ngay trung tâm huyện. Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2008 nhưng đến nay chưa xong. Hiện giá giao dịch đất ở khu vực này từ 170 triệu đến 200 triệu đồng/m2.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dozen-office-protesting-land-grabs-retired-11132019075606.html

 

Khá bảnh bị tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù giam

Sáng 13/11, Khá Bảnh – một nhân vật được nhiều người biết đến trên mạng xã hội Youtube, Facebook với những đoạn video về giang hồ, kiểu nhảy “múa quạt”, vừa bị TAND thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh tuyên phạt tổng cộng 10 năm 6 tháng tù về hai tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, đồng thời tịch thu gần 5 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Khá bảnh tên thật là Ngô Bá Khá tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi lô đề.  Chỉ trong vòng 44 ngày, Khá và người chơi đã giao dịch số tiền gần 5 tỷ đồng, qua đó Khá Bảnh thu lời gần 300 triệu đồng.

5 bị cáo khác trong cùng vụ án bị tuyên các bản án từ 12 tháng tù đến 8 năm 6 tháng tù giam.

Khá bảnh bị bắt hôm 1/4/2019 sau khi đoạn clip người này tự đập và đốt xe máy lan truyền mạnh mẽ trên mạng và hứng chịu nhiều chỉ trích.

Báo chí Việt Nam gọi những người như Khá Bảnh là “giang hồ mạng” và bày tỏ quan ngại khi có nhiều em trong độ tuổi học sinh hâm mộ nhân vật này.

Ngoài Khá bảnh, các “giang hồ mạng” khác như Quang rambo, Huấn hoa hồng… đều bị công an bắt hoặc bị đưa đi cai nghiện bắt buộc sau khi trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/popular-facebooker-sentenced-10-years-with-gambling-accusations-11132019080925.html

 

Vụ án Ngân hàng Ocean: Khởi tố thêm 3 bị can

Thêm 3 cấp dưới của bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) bị khởi tố trong giai đoạn 2 điều tra vụ án sai phạm tại Ngân hàng thương mại CP Đại Dương – Oceanbank.

Truyền thông nhà nước Việt Nam vào ngày 13/11 loan tin Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phê chuẩn khởi tố bị can Nguyễn Hồng Mai (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Đại Dương), Hoàng Văn Tuyến (nguyên Kế toán trưởng Công ty Dương) và Đỗ Trung Hiền (Giám đốc Công ty TNHH Alpha-Beta) cùng về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 221- BLHS năm 2015.

Trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can cùng tội danh, nâng tổng số bị can bị khởi tố trong vụ án này lên 11 bị can. 8 bị can này bao gồm: Hà Văn Thắm, Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính kế toán OceanBank), Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc khối kế toán và giao dịch trong nước OceanBank), Trương Kim Thanh (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần dịch vụ và khách sạn Đại Dương), Đinh Thị Hồng Hương (nguyên Phó Giám đốc Khối kế toán và giao dịch trong nước, Hội sở chính OceanBank), Lê Thị Quyên (nguyên chuyên viên phòng Quan hệ công chúng, Khối Marketing và quan hệ công chúng – Hội sở chính OceanBank), Trần Thị Thu Hồng (nguyên Trưởng phòng Kế toán nội bộ thuộc Khối Kế toán và giao dịch trong nước, Hội sở chính OceanBank) và Đào Thị Nhài (nguyên Trưởng phòng Quan hệ công chúng (PR), Khối Marketing và quan hệ công chúng – Hội sở chính OceanBank).

Hôm 4/5/2018, bị cáo Hà Văn Thắm bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên mức án chung thân về các tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank bị tuyên án tử hình về các tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 9/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự ‘Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng’ xảy ra tại OceanBank.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ocean-bank-case-prosecuting-3-more-defendants-11132019072157.html

 

Khốn khổ, đổ nợ vì qua Mỹ làm chui,

‘nạn nhân’ bỏ về VN tố cáo

Một người đàn ông trẻ tuổi ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mới đây nói với VOA rằng ông là “nạn nhân” của một đường dây đưa lậu người sang Mỹ làm việc chui, đã quay về Việt Nam và hiện đang bị đường dây này “uy hiếp” buộc phải trả món nợ hàng trăm triệu đồng cho chuyến đi.

Ông Lâm Nguyên Bách, 31 tuổi, cho biết sự việc bắt đầu từ giữa năm 2017, khi một người bạn cùng tuổi tên là Hồ Hoàng Chương từ Mỹ về gặp và “mời” ông Bách đi làm nghề đánh bắt cua ở bang North Carolina với thu nhập từ 4.000 đến 5.000 đô la/tháng.

“Việt kiều” Chương thỏa thuận miệng với ông Bách rằng chi phí để thu xếp cho ông sang Mỹ là 15.000 đô la (khoảng 350 triệu đồng). Số tiền này dùng để dựng lên một bộ hồ sơ giả nhằm xin visa du lịch Mỹ cho ông Bách.

Cơ hội việc làm ở Mỹ rất nhiều, như làm nail, làm phụ hồ, làm nghề biển, nấu ăn, rửa chén, phục vụ. Những việc này chỉ phù hợp với những gia đình có quốc tịch Mỹ chấp nhận bao che, bao bọc cho gia đình họ qua Mỹ theo diện đi bất hợp pháp.

Ông Lâm Nguyên Bách

Khi ông bắt đầu đi làm ở Mỹ và đạt được thu nhập như đã hứa hẹn, tiền lương đó sẽ được trừ dần để trả cho số tiền phí 15.000 đô la, theo thỏa thuận, ông Bách kể lại.

Có thể hoàn cảnh của cá nhân ông Bách và điều kiện của gia đình ông đã làm ông trở thành “mục tiêu” của ông Chương. Ông Bách lý giải với VOA:

“Tại vì ông Chương biết tôi lúc này đang là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định và tôi có 3 con, thì ông Chương nhắm vào tôi. Sau này tôi biết chắc là ông nhắm vào bố mẹ tôi, ông nhìn vào số tài sản của bố mẹ tôi để sau khi đưa tôi qua Mỹ sẽ quay về đòi nợ bố mẹ tôi, chứ không phải là cho tôi một công ăn việc làm ổn định”.

Qua mặt Tổng Lãnh sự quán Mỹ

Việc tạo ra một bộ hồ sơ giả để xin visa có sự tham gia của ít nhất 2 người bên Mỹ và 3 người ở Việt Nam, ông Bách cho VOA biết.

Theo đó, “Việt kiều” Chương và một “Việt kiều” nữa có tên Lâm Nguyên Quang, 66 tuổi, “chế” ra một bức thư trong đó nói ông Quang, quốc tịch Mỹ, sống ở Oakland, bang California, là cha ruột của ông Lâm Nguyên Bách, mời ông Bách sang thăm.

Cùng lúc, đầu đường dây bên Việt Nam “phù phép” biến ông Bách thành một nhân viên có thâm niên 3 năm tại Tập đoàn FPT với thu nhập 1.000 đô la/tháng, sinh sống tại một địa chỉ giả ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, cũng như có sổ tiết kiệm650 triệu đồng tại một ngân hàng.

Khoảng cuối tháng 8/2017, theo yêu cầu của đường dây, ông Bách tới Tp. HCM và ở đó nhiều ngày để “luyện tập” hỏi đáp về các thông tin giả, chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn visa tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ. Ông Bách kể lại:

“Họ đưa tôi các giấy tờ họ làm giả, yêu cầu tôi học thuộc, để khi vào Đại sứ quán Mỹ [nguyên văn] chắc chắn những câu hỏi này người của Đại sứ quán Mỹ sẽ hỏi tôi. Và họ cam kết với tôi là hồ sơ chắc chắn sẽ đậu 100%”.

Làm theo những chỉ dẫn này, ông Bách được Tổng LSQ Mỹ cấp visa vào cuối tháng 9/2017 và 6 tháng sau, tháng 3/2018, ông Chương về Việt Nam đón và đưa ông Bách sang Mỹ.

“Ông Chương này rất nhiều lần về Việt Nam. Mỗi lần về, ông lại dẫn một người sang Mỹ”, ông Bách nói với VOA.

VOA cố gắng liên lạc với cả 5 nhân vật trong đường dây, gồm ông Chương, ông Quang, và 3 người ở Việt Nam, nhưng tất cả những người này đều không hồi đáp.

Thất vọng, bỏ cuộc

Hạ cánh xuống đất Mỹ, ngày đầu tiên của ông Bách là một chuyến đi dài trên 1 chiếc xe bán tải do ông Chương cầm lái, đi đến “nơi xa xôi hẻo lánh nhất” của North Carolina, ở miền trung Bờ Đông nước Mỹ.

Ông Chương không có sẵn nơi ở tại địa điểm đó và mất 2, 3 ngày “đi loanh quanh” để thuê nơi ở, ông Bách nhớ lại.

Tiếp đến, ông Chương giao ông Bách thu dọn đồ trên một con thuyền. Sau 10 ngày, ông Bách hoàn thành công việc, ông Chương bán hết số đồ đó và mới “nói thật” rằng “nghề cua mất mùa 2 năm nay, không làm được nghề cua nữa”.

Giải pháp được ông Chương đưa ra là ông ta sẽ đưa ông Bách tìm nghề khác mà ông Bách chấp nhận được.

Trong trạng thái hoang mang, xem như “đã bị lừa”, ông Bách phó mặc cho ông Chương “chở đi loanh quanh” cho đến khi được giới thiệu “làm phụ hồ” cho một Việt kiều làm nghề mua nhà cũ, sửa lại để bán.

Tôi không thể nảo làm việc chui ở nước Mỹ trong tình trạng hoảng loạn và lo sợ như vậy được.

Ông Lâm Nguyên Bách

Người chủ thầu này đồng ý thuê ông Bách, cũng như cho ông được thuê chỗ ngủ là phòng khách với giá 300 đô la/tháng. Sau khoảng 25 ngày làm việc, ông Bách bỏ cuộc. Ông nói:

“Tôi quyết định là tôi không thể nào đi làm thế này được. Tại vì đầu tiên là làm không có bảo hiểm, bị tai nạn lao động là tôi phải chịu hết. Thứ hai, nghề này không ổn định vì ông chủ thầu này khi nào ông mua nhà ông mới kêu mình đi làm. Thứ ba, khi police [cảnh sát] tới, ông không bảo đảm cho tôi là police có bắt tôi hay không. Tôi không thể nảo làm việc chui ở nước Mỹ trong tình trạng hoảng loạn và lo sợ như vậy được”.

Để về nước, ông Bách liên lạc với một người bà con xa của vợ, đi xe buýt mười mấy tiếng qua nhiều chặng đến bang Indiana, được đón ở đó rồi mua vé về Việt Nam.

Trong khi có nhiều người ở Việt Nam xem nước Mỹ như một miền đất hứa, ước ao và bằng mọi giá để đến đó, chấp nhận làm những việc phạm pháp, ông Bách lại bỏ về. Ông phân tích thêm vớiVOA vì sao ông lại suy nghĩ, hành động trái ngược nhiều người khác:

“Cơ hội công việc làm ở Mỹ rất nhiều, ví dụ như làm nail, thứ hai là làm phụ hồ như tôi, thứ ba là làm nghề biển, thứ tư là người ta trốn ở những nơi nấu ăn, nhà bếp, làm rửa chén, phục vụ. Những việc này chỉ phù hợp với những gia đình có quốc tịch Mỹ chấp nhận bao che, bao bọc cho gia đình họ qua Mỹ theo diện đi bất hợp pháp. Còn những người như tôi không có gia đình, họ hàng thân thích bên Mỹ sẽ rất dễ và chắc chắn sẽ bị cảnh sát bắt khi lao động chui”.

Những người lao động chui cũng không có bảo hiểm và các quyền lợi như các công dân Mỹ, thậm chí điều xấu nhất có thể xảy ra là “chết ở một nơi nào đó trên đất Mỹ mà không ai biết tới”, đó là điều mọi người cần hiểu, ông Bách nói thêm.

Côn đồ đòi nợ, nhà chức trách im lặng

Không lâu sau khi ông Bách về đến nhà, ông Chương và những người trong đường dây tìm đến, “đòi nợ” về số tiền làm hồ sơ giả cho chuyến đi Mỹ.

Ông Bách cho rằng thỏa thuận về công việc đã không đạt được như hứa hẹn, đồng thời yêu cẩu ông Chương chứng minh bằng giấy tờ về khoản nợ. Đáp lại, ông Chương “thuê dân xã hội đen’ đến bao vây nhà ông Bách, uy hiếp gia đình, kể cả bố mẹ ông Bách cho đến tận thời điểm hiện nay, tháng 11/2019.

Tôi không thể nào để các thế lực này cứ xuống gia đình mình, uy hiếp gia đình, bố mẹ và con cái mình được. Đó là động lực để tôi tố cáo vụ án này. Tôi chấp nhận sẽ bị chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phải chịu cảnh bị đe dọa, quấy rối kéo dài, ông Bách quyết định tố cáo đường dây làm hồ sơ giả với Tổng Lãnh sự quán Mỹ và công an địa phương, cho dù việc này cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ông vì ông đã tham gia một hoạt động không đúng luật. Ông đưa ra lý do:

“Hiện tại là bố mẹ tôi đã già, con tôi đang nhỏ, mà những thế lực côn đồ không đi tìm tôi mà quyết định tìm tới những người thân của tôi. Tôi không thể nào để các thế lực này cứ xuống gia đình mình, uy hiếp gia đình, bố mẹ và con cái mình được. Đó là động lực để tôi tố cáo vụ án này. Tôi chấp nhận sẽ bị chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi tố cáo hành động này thì mong pháp luật hãy làm đến nơi đến chốn”.

Trong một năm qua, ông Bách cùng gia đình đã trình báo cho nhà chức trách địa phương với đầy đủ các thông tin. Nhưng mãi cho đến ngày 12/11 bộ phận công an kinh tế thành phố Tuy Hòa mới mời mẹ của ông Bách đến hỏi câu chuyện phát sinh ra khoản nợ là như thế nào, chưa có bất cứ động thái gì điều tra về “đường dây làm hồ sơ giả để đi Mỹ”.

Cũng trong thời gian qua, ông Bách và người thân đã gọi điện và nhiều lần gửi email tố cáo đến Tổng LSQ Mỹ, nhưng “chưa thấy phản hồi gì”. Ông cho biết:

“Tôi có gọi điện đến Lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam. Người tiếp nhận thông tin của tôi ở LSQ Mỹ thì tôi có cảm giác là người này rất là thờ ơ, và người này nói với tôi là ‘không đủ thông tin’ về ông Chương, người này không chấp nhận và cúp máy”.

VOA liên lạc bằng email đến Tổng LSQ Mỹ ở TP.HCM để tìm hiểu xem cơ quan ngoại giao này xử lý thư tố cáo của ông Bách ra sao, nhưng chưa nhận được câu trả lời của họ

Một cựu nhân viên Tổng LSQ Mỹ có thâm niên lâu năm, am hiểu về việc xét cấp visa Mỹ cho VOA biết có “vô số” các vụ làm giả hồ sơ xin visa Mỹ, và mặc dù Tổng LSQ không ngừng tiến hành điều tra nhưng “không thể” xử lý hết, số vụ bị phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng”.

Lời tố cáo của ông Bách về đường dây đưa lậu người đi Mỹ làm chui được công khai với báo chí chỉ ít ngày sau khi xảy ra vụ việc đau lòng ở Anh, trong đó 39 di dân lậu người Việt bị phát hiện đã chết trong một xe container đông lạnh.

Ông Bách khẳng định với VOA rằng đi lậu sang Mỹ là một “sai lầm” và khuyên rằng những người muốn đi Mỹ hãy đi “đàng hoàng”, nhờ người thân bảo lãnh đúng luật.

https://www.voatiengviet.com/a/khon-kho-do-no-vi-qua-my-lam-chui-nan-nhan-bo-ve-vn-to-cao/5164565.html

 

39 nạn nhân: Nhìn lại

vụ 58 người Trung Quốc ‘ngạt thở’ năm 2000

Năm 2000, 58 người Trung Quốc chết ngạt trong một xe tải ở cảng Dover khi đi lậu vào nước Anh.

Nhiều gia đình Hà Tĩnh ‘rút đơn xin nhận tro cốt’

Bàn tròn BBC: Nhập cư lậu vào Anh – trải nghiệm và những lời cảnh báo

Đất nước VN ‘tiến bộ’ sao dân vẫn quyết ra đi?

‘Áp lực lớn’ buộc VN vẫn phải tiếp tục xuất khẩu lao động và di dân

Tài xế người Hà Lan sau đó bị tòa Anh kết tội ngộ sát và chịu án 14 năm tù.

Một người phiên dịch Trung Quốc bị tội cấu kết, chịu án 6 năm tù.

Chín thành viên khác của nhóm buôn người sau đó cũng bị án tù trong phiên tòa ở Hà Lan.

Vụ việc xảy ra ngày 18 tháng Sáu năm 2000. 58 thi thể người Trung Quốc được tìm thấy trong xe tải, trên chuyến phà đi từ Zeebrugge, Hà Lan đến Dover, Anh. Họ bị chết ngạt.

Cho đến 20/9, 58 nạn nhân mới được xác nhận danh tính toàn bộ.

Những người này là dân tỉnh Phúc Kiến.

Điều tra cho thấy nhóm buôn người liên quan là một nhóm người Phúc Kiến, hoạt động ở Đông, Trung Âu, Đức và Pháp.

Tổng cộng 55 người đàn ông và 4 phụ nữ đã đi từ Trung Quốc, mỗi người trả 20.000 bảng khi đó.

Họ dùng hộ chiếu Trung Quốc hợp pháp để bay sang Belgrade. Tại đây, họ nhận hộ chiếu giả để được đưa vào Hungary.

Con đường đi lậu dẫn họ sang Áo, Pháp, rồi tới Hà Lan, nơi họ được cho vào nhà tạm trú.

Tại Rotterdam, họ được đưa vào xe tải chở cà chua để đi vào Anh.

Hai phụ nữ cùng đoàn sống sót.

Trung Quốc không trả tiền

Chính phủ Trung Quốc từ chối trả tiền để vận chuyển xác nạn nhân về nước.

Sau bảy tháng tranh cãi, rốt cuộc bộ trưởng nội vụ Anh khi đó Jack Straw đồng ý rằng tiền thuế của Anh phải dùng để trả, tổng cộng là 150.000 bảng, lấy lý do nhân đạo.

Sau này, vào năm 2004, xảy ra việc một nhóm người lậu Trung Quốc chết đuối khi bắt sò ở Vịnh Morecambe, Anh quốc.

Trung Quốc cũng từ chối trả tiền để đưa xác họ về nước. Rốt cuộc Anh đồng ý trả tiền.

Đòi bồi thường

Khi đó ở địa phương Phúc Kiến có tin đồn một số gia đình nạn nhân được băng buôn người trả lại tiền sau khi họ dọa báo cảnh sát.

Tuy vậy, cũng chưa chắc tin đồn này đúng, vì một số người lại tin rằng băng nhóm chỉ trả lại tiền khi người thân của chính họ chết.

Đến ngày 9/4/2001, thân nhân của nhóm 58 nạn nhân ở Trung Quốc tuyên bố đã viết thư cho giới chức Hà Lan và Anh đòi bồi thường 27.227 euro cho mỗi nạn nhân.

Lý do họ đưa ra là chính phủ hai nước đã không ngăn chặn được cái chết.

Họ bảo rằng giới chức hai nước đã biết hành trình và vì thế lẽ ra có thể ngăn chặn thảm kịch.

Không rõ việc đòi bồi thường này rốt cuộc có kết quả ra sao.

Tuy vậy, trong vụ nạn nhân chết đuối ở Vịnh Morecambe năm 2004, người thân ở Phúc Kiến sau đó cũng đòi bồi thường. Nhưng nó thất bại, vì các nạn nhân không ở Anh hợp pháp.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50390199

 

Gia đình Việt Nam gặp khó khăn trong việc

hồi hương thi thể các nạn nhân tử vong ở Essex

Hiện nay, các gia đình của 39 nạn nhân người Việt chết trong chiếc xe tải đông lạnh ở Essex hồi tháng trước đang gặp khó khăn tài chính để hồi hương thi thể người thân của họ.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cộng sản  huyện Can Lộc ở tỉnh Hà Tĩnh, quê nhà của 10 nạn nhân, ông Bùi Huy Cường cho biết các viên chức địa phương đã đến thăm các gia đình và khuyến khích họ nhận tro thay vì thi thể. Thế nhưng, trên mạng có thông tin không chính thức nói rằng chính phủ Anh Quốc sẽ tài trợ mọi chi phí để đưa thi thế các nạn nhân về Việt Nam, làm cho nhiều gia đình nạn nhân khó hiểu ai đúng ai sai.

Ông Cường cho biết 7 gia đình đã ký đơn xin nhận tro, nhưng sau đó đã rút lại. Gia đình của nạn nhân Phạm Thị Trà My, 26 tuổi không tìm ra cách đưa thi thể cô về nhà. Ông Nguyễn Đình Gia, cha của nạn nhân Nguyễn Đình Lượng từ tỉnh Nghệ An đã bày tỏ mong muốn đưa thi thể con trai về ngay sau khi nhận được tin báo chính thức. Ông cho biết chính quyền địa phương đã hỏi ông ký vào giấy tờ đồng ý đưa tro nạn nhân về, nhưng ông không nắm rõ thông tin này. Có rất ít thông tin về việc hồi hương trên các cơ quan truyền thông cộng sản Việt Nam, kể từ khi một viên chức chính phủ được trích dẫn vào thứ Sáu tuần trước (08 tháng 11) nói rằng các thi thể dự kiến sẽ được đưa trở lại vào cuối tuần trước.

Nhà cầm quyền cộng sản kiểm soát chặt chẽ sau khi các nhà báo nước ngoài đến các tỉnh miền trung để nói chuyện với các gia đình nạn nhân. Nhiều người bình luận trực tuyến đã đặt câu hỏi làm thế nào các gia đình có thể đủ khả năng trả gần 30,000 bảng Anh cho người thân của họ, để vượt biên đến Anh Quốc. Tuy nhiên, nhiều gia đình đến từ một trong những vùng nghèo nhất của Việt Nam, đã đi vay mượn khắp nơi để tạo điều kiện cho người thân họ có cuộc sống tốt hơn. (BBT)

https://www.sbtn.tv/gia-dinh-viet-nam-gap-kho-khan-trong-viec-hoi-huong-thi-the-cac-nan-nhan-tu-vong-o-essex/

 

Doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam

ký hợp đồng hơn 300 triệu đô la trong 5 ngày

hội chợ biên giới

Hội chợ kinh tế và thương mại biên giới lần thứ 19 giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa bắt đầu khai mạc vào ngày 12/11 tại tỉnh Lào Cai với sự tham gia của hàng trăm gian hàng đến từ các nước Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc.

Đây là hội chợ nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2019 do Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam, Sở Công thương Lao Cai phối hợp tổ chức với các cơ quan thương mại thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Theo Thông tấn xã Việt Nam (VNA), có khoảng hơn 800 gian hàng của nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ, bán nhiều mặt hàng bao gồm nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng, và thủ công mỹ nghệ.

Theo VNA, đã có khoảng 24 doanh nghiệp từ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đăng ký sẽ ký kết các hợp đồng trị giá lên đến hơn 300 triệu đô la.

Cũng nhân dịp này, một đoàn Trung Quốc sẽ có các chuyến đi tìm hiểu thực tế tại các cơ sở công nghiệp ở các khu kinh tế biên giới và các địa điểm du lịch thuộc tỉnh Lao Cai.

Phát biểu tại buổi khai mạc hội chợ, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Trung Quốc) tăng trung bình mỗi năm gần 20%, trong khi khách du lịch qua cửa khẩu tăng hơn 21% mỗi năm.

Hội chợ kinh tế thương mại biên giới kéo dài 5 ngày được tổ chức luân phiên mỗi năm một lần tại hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam, với mục đích thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-hold-19-border-economic-trade-fair-12-november-11132019082955.html

 

Việt Nam bác bỏ cáo buộc “chiếm đảo” của Trung Quốc

Việt Nam bác bỏ hoàn toàn cáo buộc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào ngày 8/11, cho rằng phía Việt Nam “chiếm đảo” của nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố như vừa nêu trong cuộc họp báo vào ngày 13 tháng 11.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, vào hôm 8 tháng 11 rằng Việt Nam đã “xâm lược và chiếm đóng” các đảo của Trung Quốc, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh là “Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”.

Bà Lê Thị Thu Hằng còn nói thêm rằng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý đối với chủ quyền hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, cũng như luôn mong muốn giải quyết những tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đồng thời nhắc lại Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc nỗ lực đóng góp vào sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Vào ngày 8/11 vừa qua, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Việt Nam không “làm phức tạp” vấn đề ở Biển Đông, sau khi một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Hà Nội có thể cân nhắc biện pháp pháp lý trong tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh ở Biển Đông, kéo dài hơn 4 tháng qua tại khu vực Bãi Tư Chính.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-opposes-china-island-occupation-accusation-11132019073829.html

 

Tố cáo lãnh sứ quán CSVN gây khó dễ sinh viên du học

Tin Vietnam.- Ngày 12 tháng 11 năm 2019, trên trang blog cá nhân, ông Dương Ngọc Thái, hiện là Kỹ sư phần mềm đang sống và làm việc ở thung lũng Silicon Valley của Mỹ đã viết thư gửi đến lãnh đạo cộng sản Việt Nam về những bê bối của của lãnh sứ quán  ở ngoại quốc.

Theo ông Thái, cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Silicon Valley đều là những cá nhân xuất sắc, được chính phủ Mỹ xem là những tài năng đặc biệt, được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới săn đón,

tạo điều kiện tối đa để cống hiến. Thế nhưng, họ lại bị các viên chức lãnh sự quán tìm mọi cách kéo xuống, khiến họ trở nên phạm pháp giống như các viên chức lãnh sự quán.

Cụ thể, các viên chức lãnh sự quán đã lợi dụng nhu cầu gia hạn visa của người dân bằng cách tăng giá lệ phí, tự ra giá cao hơn gấp nhiều lần quy định. Nếu người nào không đóng đủ số tiền mà viên chức lãnh sự đưa ra thì sẽ bị gây khó dễ, ngâm hồ sơ đến vài tháng, hoặc trả hồ sơ mà không giải thích vì sao.

Theo diễn đàn Tôi Và Sứ Quán, từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 đến ngày 1 tháng 11 năm 2019, diễn đàn này đã ghi nhận có hơn 170 lượt người dân Việt bị viên chức Lãnh sự quán lạm thu với số tiền hơn 10,000 Mỹ kim. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng, vì rất ít những người bị lạm thu lên tiếng, và muốn khiếu nại.

Theo diễn đàn này,  lãnh sự quán ở các nước như Malaysia, Nhật Bản, Nga là những nơi “khét tiếng” về nạn vòi vĩnh, làm khó người dân để kiếm tiền. Điều đáng buồn hơn là nhiều người dân chấp nhận im lặng để “nuôi béo” hành vi tham nhũng của viên chức lãnh sự quán.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/to-cao-lanh-su-quan-csvn-gay-kho-de-sinh-vien-du-hoc/

 

Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ trích công ty Nhật

 trong vụ làm sạch sông Tô Lịch

Tin Vietnam.- Báo Một thế giới ngày 12 tháng 11 năm 2019 loan tin, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội, đã thông báo kết luận về buổi làm việc với tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản, và công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt về kết quả thử nghiệm làm sạch đoạn sông Tô Lịch, và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano- Bioreacte Nhật Bản.

Ông Chung đã chỉ trích, bày tỏ không hài lòng với phía Nhật. Theo ông Chung, phía Nhật đã không tuân thủ yêu cầu của nhà cầm quyền khi mời các cơ quan báo chí, sử dụng truyền thông trong quá trình thử nghiệm mà chưa có kết quả. Vì vậy, ông Chung yêu cầu phía Nhật phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, và phải nghiên cứu các quy định của luật pháp cộng sản Việt Nam.

Phía Nhật Bản vẫn tiếp tục xin được tài trợ mọi kinh phí để tiếp tục thực hiện thêm thử nghiệm làm sạch một hồ nước đọng gây ô nhiễm. Họ hứa sẽ bỏ kinh phí để tổ chức hội thảo Khoa học mời các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng các sở, ngành của Hà Nội tham gia đánh giá kết quả thử nghiệm. Trước đề nghị này, ông Chung yêu cầu công ty Nhật không được thông tin cho truyền thông khi chưa được cơ quan chức năng cộng sản Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm.

Trước đó, vào tháng 5 năm 2019, công ty của Nhật đã tự bỏ mọi kinh phí để làm sạch một đoạn sông Tô Lịch ở Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng bằng công nghệ Nano- Bioreacte của Nhật. Chỉ sau hơn 1 tháng, đoạn sông ô nhiễm đã trở nên trong sạch nhưng lại bị công ty thoát nước Hà Nội bất ngờ xả nước từ hồ Tây ra làm công trình thử nghiệm của phía Nhật bị ảnh hưởng. Tiếp đến, sau khi công ty Nhật thực hiện thả cá xuống đoạn sông đã được làm sạch thì những con cá lại bị kẻ gian đầu độc chết. Dư luận nghi ngờ có hành vi cố ý phá hoại của các nhóm lợi ích.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-ha-noi-chi-trich-cong-ty-nhat-trong-vu-lam-sach-song-to-lich/

 

Tàu Hải quân Myanmar đến cảng Cam Ranh

 trong chuyến thăm 3 ngày

Tàu UMS Moattama của Hải quân Myanmar cùng hơn 100 sĩ quan, thủy thủ vừa cập cảng quốc tế Cam Ranh hôm 12/11, bắt đầu chuyến thăm và giao lưu với Hải quân Việt Nam kéo dài 3 ngày.

Trong thời gian ở thăm Việt Nam, các thủy thủ Myanmar sẽ gặp xã giao các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh vùng 4, giao lưu thể thao với cá sĩ quan và hải quân Bộ tư lệnh vùng 4.

Ngoài ra, các thủy thủ hai nước cũng có cơ hội thăm quan tàu của nhau.

Chuyến thăm của tàu Hải quân Myanmar được truyền thông trong nước cho biết là nhằm tăng cường, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.

Cảng Quốc tế Cam Ranh của Việt Nam trước kia từng là quân cảng cho Mỹ thuê trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, và sau đó được Liên Xô, sau này là Nga thuê lại cho đến năm 2002. Việt Nam sau đó đã chuyển cảng này thành cảng Quốc tế và đón nhận nhiều tàu Hải quân các nước tới thăm.

Cam Ranh cũng là nơi có căn cứ tàu ngầm của Việt Nam với 6 tàu ngầm hạng Kilo mà Việt Nam đặt mua của Nga từ năm 2009.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/burma-naval-vessel-on-three-day-visit-to-vietnam-11132019082447.html

 

Dự án metro số 1 giảm 3.400 tỷ vốn đầu tư

Dự án đường sắt metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vừa được điều chỉnh mức đầu tư sau khi thẩm định chỉ còn 43.600 tỷ đồng, giảm 3.400 tỷ đồng so với mức được đưa ra trước đó.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được báo trong nước ngày 13/11 dẫn phát biểu  rằng  thành phố đã hoàn tất việc thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng mức đầu tư của 2 tuyến đường sắt metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Cụ thể, sau khi loại bỏ các yếu tố, hạng mục không cần thiết, tổng kinh phí cho dự án metro số 1 chỉ còn 43.600 tỷ đồng và metro số 2 là 48.000 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư này đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Chính trị cho phép.

Hiện UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ chờ phê duyệt của Hội đồng Nhân dân thành phố trong kỳ họp cuối năm, xem xét đưa ra nghị quyết bố trí phần vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.

Trước đó, vào năm 2008, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án tuyến metro số 1. Trong đó bao gồm việc phê duyệt nâng tổng mức đầu tư từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ đồng không đúng trình tự, thủ tục.

Theo lời ông Võ Văn Hoan, tính đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã ứng hơn 5.00 tỷ đồng cho dự án.

Dự án metro số 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, nên tiến độ đầu tư, nguồn vốn đang được các chủ đầu tư tiến hành khẩn trương.

Đối với dự án metro số 2, sau khi điều chỉnh mức đầu tư là 48.000 tỷ đồng, thời gian hoàn thành cũng được xin dời lại đến năm 2026 thay vì 2024. Hiện dự án này chỉ mới xây dựng tòa nhà điều hành.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/project-metro-no1-reduced-3point4k-billion-of-investment-11132019073836.html