Tin Biển Đông – 12/11/2019
TQ thử nghiệm thiết bị lặn không người lái ở Biển Đông
Báo SCMP sáng sớm nay (9/11) đưa tin Trung Quốc đã phát triển được một thiết bị lặn không người lái tầm xa để mở rộng phạm vi hoạt động của nước này ở Biển Đông.
Theo tuyên bố của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hôm 5/11, thiết bị tự hành dưới nước (AUV) mang tên Sea-Whale 2000 gần đây đã hoàn tất cuộc thử nghiệm dài 37 ngày ở Biển Đông với khoảng cách 2.011 km.
Bắc Kinh giữ bí mật về tuyến đường mà thiết bị này đã trải qua, tuy nhiên theo SCMP, với phạm vi được công bố, thiết bị của Trung Quốc có thể dễ dàng bao phủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Bắc Kinh đang chiếm giữ phi pháp và quân sự hóa các hòn đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Theo SCMP, Viện Khoa học từ chối giải thích lý do Trung Quốc muốn triển khai thiết bị lặn không người lái này ở Biển Đông.
Chiếc AUV sử dụng bộ xử lý trung tâm của STMicroelectronics, một công ty bán dẫn
http://biendong.net/bi-n-nong/31413-tq-thu-nghiem-thiet-bi-lan-khong-nguoi-lai-o-bien-dong.html
Tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông
ngày càng thu hút sự chú ý của Mỹ
Trung Quốc đang không ngừng triển khai các đội tàu tuần duyên khổng lổ cùng tàu đánh cá kết hợp dân quân biển để đòi hỏi một cách phi lý về chủ quyền tại Biển Đông. Đáp lại, Mỹ hiện cũng đưa các tàu thuộc Lực lượng Tuần duyên tới khu vực.
Trung Quốc đang không ngừng triển khai các đội tàu tuần duyên khổng lổ cùng tàu đánh cá kết hợp dân quân biển để đòi hỏi một cách phi lý về chủ quyền tại Biển Đông. Đáp lại, Mỹ hiện cũng đưa các tàu thuộc Lực lượng Tuần duyên tới khu vực.
Theo SCMP, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng một cách khéo léo lực lượng tàu dân sự núp dưới vỏ “hòa bình, thân thiện” để đe dọa và lấn át các nước khác có chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, theo những gì các nhà phân tích gọi là chiến lược “chiến tranh Nhân dân trên biển”, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt các tàu đánh cá kiêm cả vai trò dân quân biển và các đội tàu tuần duyên khổng lồ ở Biển Đông, nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược này.
Trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, các nước trong khu vực buộc phải xem xét lại chiến lược đối phó của mình.
Phản ứng với các động thái của Trung Quốc, Mỹ cũng đã đưa các tàu thân trắng thuộc Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) tới khu vực. Cách tiếp cận của Mỹ đã phản ánh lập trường của Washington trong việc đối phó với nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh lạnh mới ở Đông Á, khi hai siêu cường cùng “tranh đấu” trên biển.
Nhận thức được các chính quyền tiền nhiệm đã thất bại trong việc kìm hãm Trung Quốc khi nước này chuyển đổi nhanh chóng bối cảnh chiến lược khu vực – đặc biệt là chương trình cải tạo đảo lớn và quân sự hóa phi pháp các đảo trên Biển Đông -, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều các tiếp cận mới ở Biển Đông.
Nhà Trắng đã trao quyền tự quyết chính sách lớn hơn cho Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) để thách thức một Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Kết quả của chính sách này được thể hiện qua nhiều chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) do hải quân Mỹ thực hiện trên khắp Châu Á và tại Biển Đông.
FONOPS cho phép Mỹ nhiều lần triển khai các tàu chiến tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo do Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông. Hơn nữa, FONOPS còn mở rộng sang các khu vực địa lý mới, đặc biệt là Bãi cạn Scarborough.
Khi có được quyền tự quyết nhiều hơn, Lầu Năm Góc cũng áp dụng một ngôn ngữ cứng rắn hơn, bao gồm công khai kêu gọi Trung Quốc tháo dỡ các tài sản quân sự trái phép mà nước này đã triển khai trên các đảo nhân tạo.
Quan trọng hơn, hải quân Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận hoạt động. Bắt đầu từ cuối năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông James Mattis đã cảnh báo rằng, Lầu Năm Góc sẽ bắt đầu “đối xử” với lực lượng dân quân biển Trung Quốc, còn được gọi là Lực lượng Dân quân Hàng hải Quân đội Giải phóng Nhân dân, như một nhánh mở rộng của lực lượng vũ trang Bắc Kinh.
Sự thay đổi hoạt động này sau đó đã được xác nhận và triển khai trong năm nay bởi đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân của Mỹ, khi ông cảnh báo về các hành động khiêu khích của Trung Quốc, cụ thể qua các cuộc đối đầu giữa các tàu núp dưới vỏ bọc hòa bình của Trung Quốc với tàu của các nước khác trong khu vực.
Ban lãnh đạo Lầu Năm Góc đã cam kết sẽ chống lại chiến lược chiến tranh không cần đổ máu của Trung Quốc bằng cách xây dựng cách tiếp cận cụ thể nhằm đối phó các lực lượng tuần duyên và bán quân sự vốn đang càng phát triển của Bắc Kinh. Sau khi cảnh báo Bắc Kinh về các hành vi cản trở hoạt động của tàu Mỹ trong khu vực, đô đốc Richardson hứa hẹn sẽ có cách tiếp cận “cơ bắp” với Trung Quốc.
Điều này cho thấy sự leo thang căng thẳng rất lớn, vì tàu chiến Mỹ có thể bắt đầu áp dụng cách thức đối phó tương tự với các tàu quân sự “vỏ xám” của Trung Quốc cũng như các tàu bán quân sự và tàu tuần duyên của nước này, đồng nghĩa với việc gia tăng đáng kể các nguy cơ xảy ra các vụ chạm trán trên biển.
Sau vụ nghi ngờ tàu bán quân sự Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông hồi tháng 6, Washington đã cảnh báo công khai Bắc Kinh rằng, nước này có hiệp ước phòng vệ chung với Manila và có thể áp dụng nhằm chống lại trước các mối đe dọa “vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) cũng đã bắt đầu tham gia vào cuộc tranh chấp, đồng thời mở rộng các cuộc tập trận chung nhằm nâng cao năng lực phòng vệ của các của các quốc gia có liên quan.
Khi được hỏi về các kế hoạch nhằm đối phó các cuộc xung đột ở Biển Đông với Trung Quốc, tư lệnh của USCG, đô đốc Karl Schultz, đã nói trong Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax (Canada) năm ngoái rằng, các cuộc thảo luận và những nỗ lực lên kế hoạch vẫn đang diễn ra.
“Chúng tôi có liên quan với nhau, chúng tôi đã hợp tác đào tạo với các đồng minh khu vực nhằm tăng cường an ninh khu vực. Chúng tôi muốn tập trung vào các đối tác có chung chí hướng nhằm xây dựng một cách tiếp cận mang tầm khu vực”, đô đốc Schultz nhấn mạnh.
Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ, đã nhắc lại cách tiếp cận toàn diện này qua việc khẳng định trọng tâm vào việc thách thức cái gọi là “Vạn lý Trường thành SAM” – hệ thống tên lửa đất đối không do Trung Quốc triển khai tại Biển Đông.
Các tàu của tuần duyên Mỹ cũng đã tham gia các chiến dịch “Tự do hàng hải” (FONOPS) cùng hải quân Mỹ ở nhiều khu vực bao gồm cả eo biển Đài Loan. USCG cũng tăng cường triển khai các chiến dịch khác như triển khai 3 tàu phản ứng nhanh ở đảo Guam và tham gia tập trận chung ở Tây Thái Bình Dương với các đồng minh ngoài châu Á.
Gần đây, các tàu USCGC Walnut và USCGC Joseph Gerczak đã thực hiện các nhiệm vụ chung với tàu hải quân Úc HMAS Choules và hải quân New Zealand HMNZS Otago. Điều này báo hiệu sự thúc đẩy các hoạt động lâu dài của Mỹ trong khu vực.
Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng ngày càng gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ Trung – Mỹ, bao gồm một cuộc chiến thương mại, các chế tài của Mỹ và vấn đề Đài Loan.
Tham vọng nguy hiểm độc chiếm Biển Đông
cần được ngăn chặn!
Trung Quốc với sự bất chấp chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế đã leo lên một nấc thang nguy hiểm mới trong hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Song sự hung hăng ấy có thể sẽ không dừng mà còn tiếp tục leo thang hơn nữa trong tương lai nếu không có sự ngăn chặn đủ mạnh.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell trong trao đổi với báo chí tại Hà Nội mới đây đã cho rằng, Trung Quốc sẽ “liều lĩnh và hành xử theo cách hung hăng hơn, gây lo ngại lớn ở khắp khu vực”. Ông Kurt Campbell đưa ra nhận định này trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế ở châu Á, cạnh tranh với Mỹ và đặc biệt là sau khi chứng kiến hàng loạt hành động gây hấn, phi pháp mới thời gian qua trên Biển Đông như việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gây hấn ở Biển Đông
Vị cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thẳng thắn cho rằng, các hoạt động phi pháp thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông là sự vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Nhìn nhận về toan tính của Trung Quốc trong việc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính trong thời gian hơn 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019, ông Kurt Campbell cho rằng, Trung Quốc rõ ràng đã phát đi tín hiệu về việc sẽ tăng cường các hoạt động ở trong khu vực “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”), không chỉ với Việt Nam, mà còn với các bên khác cùng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như Malaysia, Philippines…
Ông Kurt Campbell đánh giá, các tín hiệu của Trung Quốc đưa ra là “rất nghiêm trọng”. Theo đó, nước này không chỉ có các hoạt động trong khu vực thuộc “đường lưỡi bò” tự vẽ ra để đòi yêu sách gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, mà còn tăng cường nhắc đến các thực thể, dù chúng không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật quốc tế. Ông Kurt Campbell khuyến cáo, các nước liên quan ở Biển Đông cần phải thận trọng khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở khu vực thuộc yêu sách chủ quyền đơn phương “đường lưỡi bò” và đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép từ các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Nhìn nhận của ông Kurt Campbell – nhân vật từng giữ cương vị khá cao trong cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ – đã thu hút sự quan tâm và chú ý rộng rãi. Nhiều người đã tỏ ra đồng tình với nhận định này khi cho rằng việc Trung Quốc rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua hoàn toàn không đồng nghĩa với việc cường quốc này sẽ giảm bớt các hành động hung hăng ở Biển Đông. Nếu nhìn vào những gì mà Trung Quốc đã tuyên bố và hành động trên Biển Đông thời gian qua đều có thể thấy rất rõ điều rất đáng lo ngại này.
Hung hăng hơn từ pháp lý tới hành động
Trung Quốc đã gia tăng mạnh các hoạt động đòi chủ quyền trên Biển Đông sau khi chính thức đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”, theo đó đòi chủ quyền tới khoảng 80% diện tích Biển Đông. Nhiều vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các bên liên quan vốn được thừa nhận, công nhận theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982.
Thế nhưng, tham vọng đòi chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc chưa dừng lại khi đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) vào năm 2013. “Tứ Sa” được Trung Quốc dùng như một căn cứ pháp lý để đòi chủ quyền ở Biển Đông với diện tích được cho còn lớn hơn là yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” đưa ra trước đó.
Cùng với sự leo thang tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc cũng tỏ ra hung hăng và gây hấn trong hành động trên vùng biển chiến lược, mà không chỉ các quốc gia trong khu vực mà các cường quốc khác trên thế giới cũng có lợi ích sống còn. Đó là việc ráo riết bồi đắp các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988 thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn, rồi tiến hành việc quân sự hóa.
Trung Quốc từng tạo mối đe dọa nghiêm trọng với chủ quyền các bên liên quan cũng như tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo đúng Công ước UNCLOS 1982 trong thời gian gần 1 tháng hồi tháng
5-2014. Thế nhưng, việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu và kéo dài (hơn 3 tháng) vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính mới đây rõ ràng là bước leo thang hơn rất nhiều so với hành động hung hăng và gây hấn trước đó của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhìn lại để thấy rằng, Trung Quốc đang không ngừng leo thang cả về pháp lý và hành động trên Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông!
Biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn tham vọng nguy hiểm
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell dù chỉ rõ việc Trung Quốc sẽ tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế để tiếp tục leo thang các hành động hung hăng trên Biển Đông, song vẫn tin tưởng vào sức mạnh của luật pháp quốc tế trong việc ngăn chặn những hành vi, tham vọng phi pháp. Bên cạnh đó, ông Kurt Campbell cho rằng, cùng với việc duy trì tuân thủ luật pháp quốc tế cũng rất cần sự thể hiện đồng lòng của các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông.
Trên thực tế có thể thấy phán quyết bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện của Philippines là một đòn giáng rất mạnh, bác bỏ hoàn toàn cơ sở pháp lý mà Trung Quốc vin vào để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Phán quyết của PCA là cơ sở để nước liên quan trong khu vực và thế giới đấu tranh, bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình theo Công ước UNCLOS 1982.
Cho tới nay, không có bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế lớn nào công nhận chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc. Trong động thái chính thức và mạnh mẽ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4-11 vừa qua đã khẳng định chủ quyền dựa vào bản đồ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông đã được chứng minh là vô căn cứ, phi pháp và bất hợp lý. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, nước này lên án Trung Quốc có nhiều hành động khiêu khích nhằm củng cố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý, “dọa nạt” các nước trong khu vực bằng sự bất ổn và nguy cơ xung đột.
Không chỉ có vậy, nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ bằng việc đưa các nhóm tàu chiến và tàu sân bay tiến hành tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Biển Đông là sự bác bỏ trên thực tế yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định sự tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển này.
Trung Quốc cho dù có hung hăng và gây hấn đến đâu cũng không thể hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông nếu tất cả các bên liên quan cùng cất lên tiếng nói mạnh mẽ, đi đôi với đó là biện pháp mạnh mẽ trên thực tế ngăn chặn tham vọng nguy hiểm với tất cả những ai có lợi ích gắn liền với hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này.
http://biendong.net/bi-n-nong/31421-tham-vong-nguy-hiem-doc-chiem-bien-dong-can-duoc-ngan-chan.html