Trên khắp mọi ngả đường, khắp các con phố lớn nhỏ, bốn chữ “Trời diệt Trung Cộng” tung bay đầy quyết đoán. Người Hồng Kông viết khẩu hiệu của mình lên cờ, in lên biểu ngữ, sơn lên tường, viết xuống lòng đường, hay treo lên những toà cao ốc. Ở mọi nơi, mọi chốn, đâu đâu cũng thể hiện ý chí sắt đá ấy — mà không chỉ là ý chí, đó còn là niềm tin: Thiên lý sẽ không dung!
Nhưng xoay trở lại mà nói, khẩu hiệu “Trời diệt Trung Cộng” phải chăng là… quá khích, giống như khi bị áp bức hay bất công, người ta vẫn hay buông ra những lời ác khẩu? Hoặc giả nếu không phải là quá khích, thì cũng là cảnh báo, đại loại như “nhân quả báo ứng, không thể dùng luật người thì đã có luật Trời”? Nói tóm lại, bạn có cho rằng khẩu hiệu ấy không lý trí, và rằng nó chỉ đơn thuần thể hiện sự bất bình và căm hận trước Bắc Kinh độc tài, chứ không dựa trên một cơ sở nào cả?
Kỳ thực không phải vậy!
Niềm tin “Trời diệt Trung Cộng” không phải là ý nghĩ điên rồ của một cá nhân nào, cũng không phải là lời nói quá khích của người biểu tình xứ Cảng Thơm. Trên thực tế, câu nói ấy đã được lưu truyền trong cộng đồng người Hoa gần chục năm trước đây, thông qua một bài hát tên là “Tàng tự thạch”:
“Nhìn không thấy thiên thượng thần tiên,
Lại nhìn thấy địa thượng kỳ quan.
Mau tới Bình Đường xếp hàng xem,
Trời diệt Trung Cộng tại nhãn tiền.
Tảng đá Bình Đường kể câu chuyện,
Thần thoại Bình Đường thiên hạ truyền.
Nghìn năm vạn năm “tàng tự thạch”,
Trời diệt Trung Cộng tại nhãn tiền.
Mau tới xếp hàng nhìn thử xem,
Trời diệt Trung Cộng tại nhãn tiền.
Mau tới xếp hàng nhìn thử xem,
Trời diệt Trung Cộng tại nhãn tiền”… [1]
Bài hát kể về một tảng đá kỳ lạ tại huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Bởi tảng đá mang dòng chữ có niên đại hàng triệu năm tuổi, nên được gọi là “Tàng tự thạch” (đá mang chữ). Dòng chữ ấy có gì đặc biệt? Và vì sao người Trung Hoa tin rằng “Trời diệt Trung Cộng” chính là Thiên ý?
Trước hết, hãy để tôi kể bạn nghe câu chuyện thần thoại có từ rất xa xưa…
Truyện kể rằng, trên núi Khô Lâu có bà Thạch Cơ Nương Nương. Thạch Cơ vốn là một hòn đá, được âm dương soi sáng, nhật nguyệt thấm nhuần, trải qua mấy nghìn năm như thế mà tu xuất được hình người, nhưng chưa đắc chính quả. Sau này, Thạch Cơ vì tư thù cá nhân mà đã gây chiến với Thái Ất chân nhân, bị Hoả Long Tráo của Thái Ất chân nhân thiêu cho tan hồn phách, cuối cùng hiện nguyên hình thành hòn đá xanh.
Thạch Cơ đã tu luyện trăm nghìn năm, nhưng chỉ vì một quyết định sai lầm mà cuối cùng lại trở về làm đá. Hòn đá bị rêu phong quấn quanh, khẽ hát lên những lời than thở:
“Ngọn đá trên núi hát đại dương,
Ngọn đá dưới núi thật tang thương;
Năm xưa thiêu mình hôm nay thán,
Một niệm quên mất giờ vấn vương”.
Thiên thượng thương tình nên đã phái hai vị tiên nhân là Quan, Trương xuống hạ giới, ban cho Thạch Cơ một cơ hội. Hai vị Quan, Trương dùng pháp lực khắc vào trong lòng đá 6 chữ biểu lộ Thiên ý, lại nói với một tiểu đồng vốn là đệ tử của Thạch Cơ Nương Nương:
“Sư phụ ngươi cần phải trải qua phong sương ngàn năm, hơn một nghìn năm sau mới có thể lập công chuộc tội. Lúc ấy sư phụ ngươi sẽ công đức viên mãn, duyên quy thánh quả, có thể thoát khỏi kiếp đoạ đày”.
Nói rồi, hai vị tiên nhân lại dặn tiểu đồng mang hòn đá Thạch Cơ đến nơi thung lũng non cao, dùng phong ấn dựng hòn đá lên vách núi. Nghìn năm sau, đây sẽ là nơi sơn thuỷ hữu tình, phong cảnh tươi đẹp, trở thành nơi du ngoạn thưởng lãm. Đó cũng là khi Satan hoành hành, rồng đỏ lũng đoạn nhân gian, lúc ấy Thiên thượng sẽ giáng xuống sấm sét để lộ dòng chữ trên tảng đá, tiết lộ Thiên cơ cho con người thế gian…
Bạn đọc thân mến, có thể bạn đã từng nghe kể một phần của câu chuyện trên qua “Phong Thần Diễn Nghĩa”. Cho dù bạn có tin hay không, thì hãy cứ coi đó chỉ là truyện thần thoại, kể ra chỉ để góp vui dăm ba lời. Nhưng những gì được nhắc đến dưới đây không phải thần thoại hay hoang đường, mà chính là câu chuyện có thực trên chính mảnh đất Trung Hoa.
Tàng tự thạch
Vào năm 2002, một tảng đá mang chữ được phát hiện tại thung lũng Chưởng Bố, huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Theo khảo sát, tảng đá bị rơi xuống từ vách núi cao, sau khi rơi xuống nó bị nứt làm đôi, vết nứt để lộ ra 6 chữ nổi trên mặt phải bên trong khe nứt: “Trung Quốc Cộng Sản Đảng Vong”.
Sau khi phát hiện, một đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học nổi tiếng đã đến huyện Bình Đường để nghiên cứu “Tàng tự thạch”. Đoàn gồm 15 người, trong đó có ông Lý Đình Đống, viện sĩ Học viện Khoa học Trung Quốc, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, là một chuyên gia về Địa chất Không khí và Biểu đồ Địa lý; ông Lưu Bảo Quân, một nhà địa chất học của Học viện Khoa học Trung Quốc; ông Lý Phượng Lân, giáo sư Đại học Khoa học Địa lý Trung Quốc, ủy viên của Công viên Địa chất Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên Đất Quốc gia, và là một chuyên gia cổ sinh vật học. Từ khía cạnh địa chất có thể thấy 6 chữ trên “Tàng tự thạch” không phải do con người làm ra, hay nói cách khác, đó là một kỳ tích của tự nhiên mà khoa học chưa thể giải thích được.
Trong cuộc khảo sát này, Nhân dân Nhật báo, CCTV, Quang Minh Nhật báo, Khoa kỹ Nhật báo, Vệ tinh Du lịch, Đài truyền hình Quốc tế Trung Quốc, cùng hơn 20 hãng thông tấn khác bao gồm People’s Daily.Net, Sina.Net, Eastern Net, Sohu.Net, Yahoo, và New China đều đưa tin về phát hiện trên, mặc dù họ chỉ nhấn mạnh vào 5 chữ “Trung Quốc Cộng Sản Đảng” mà không hề nhắc tới chữ “Vong”.
Theo một phiên bản hải ngoại của tờ Nhân dân Nhật báo, huyện Bình Đường là một vùng núi cao với thung lũng sâu ở tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam Trung Quốc. Thôn Chưởng Bố của huyện Bình Đường là một vùng thắng cảnh hữu tình, rộng chừng 6 cây số. Tại nơi đây, người ta có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên với nhiều vùng núi non kỳ bí, các dòng sông, những khối đá, hang động, tre nứa và các loài thuỷ sản. Vùng này bị cô lập và vẫn còn hoang sơ không có dấu vết con người trong một thời gian dài.
“Tàng tự thạch” đã nói rõ Thiên ý: ĐCSTQ với những tội ác đã gây ra cho nhân loại, cuối cùng cũng sẽ bị diệt vong. Trong gần 70 năm cầm quyền, ĐCSTQ đã phát động các cuộc đàn áp và thanh trừng đối với dân tộc Trung Hoa, từ Cách mạng Văn hoá, Tam phản, Ngũ phản, Đại nhảy vọt, cho đến đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp Phật giáo Tây Tạng, mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công, và hiện nay là thao túng chính trị Hồng Kông, chiếm lĩnh Biển Đông và gây hấn với các quốc gia trong khu vực… Một triều đại đỏ chuyên quyền và bạo ngược, Thiên thượng há có thể dung tha?
Cuốn “Chết bởi Trung Quốc” (Death by China) của hai giáo sư Peter Navarro và Grey Autry đã không ngần ngại gọi Trung Quốc là ‘Rồng Đỏ’, còn cuốn “Sách sự thật” (The Book of Truth) của giáo đồ Cơ Đốc lại gọi Trung Quốc là ‘Satan’. Trong Khải Huyền, Rồng Đỏ hay còn gọi là Satan chính là kiếp nạn của nhân loại, và bởi gây hoạ loạn nhân gian, Rồng Đỏ ấy cuối cùng sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.
Trở lại với Hồng Kông, vì sao người biểu tình có thể dõng dạc hô lên khẩu hiệu: “Trời diệt Trung Cộng”? Bởi đó chính là Thiên ý!
Vậy nên mới có thơ rằng:
“Satan nghìn năm hiện Đông phương,
Rồng đỏ chưa hưng có Quan, Trương;
Thạch Cơ hồn chết thân còn đó,
Nghìn năm mới ứng nghiệt đảng vong”.
Tâm Minh
Chú thích:
[1] Nguyên văn:
看不到天上的神仙,
就看看地上的奇观。
快到平塘走一趟哟,
天灭中共在眼前。
平塘的石头会说话,
平塘的神话天下传。
千年万年”藏字石”哟,
天灭中共在眼前。
走一趟啊看一看,
天灭中共在眼前。
走一趟啊看一看,
天灭中共在眼前。
Copyright © 2024 | TDV tandaiviet.org