Đọc báo Pháp – 04/11/2019
Macron đi Bắc Kinh,
dân Duy Ngô Nhĩ bị truy bức ở Pháp
Chuyến công du Trung Quốc ‘‘nhạy cảm’’ của tổng thống Pháp là chủ đề chính của hầu hết các báo số đầu tuần này. Trong khi Le Figaro nhấn mạnh việc tổng thống Macron tìm kiếm cơ hội ”hợp tác” tại Trung Quốc, La Croix cảnh báo Trung Quốc vừa là ”cơ hội”, cũng vừa là ”đe dọa”. Bắc Kinh không phải là mối đe dọa xa xôi: Libération nêu bật trên trang nhất tình trạng người Duy Ngô Nhĩ tị nạn bị chính quyền Trung Quốc truy bức ngay trên đất Pháp.
Le Monde đặt câu hỏi : ”Vì sao chuyến công du Trung Quốc của Macron lại nhạy cảm”. Trong chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai, tổng thống Pháp muốn Bắc Kinh thực thi một quan hệ có đi, có lại với đối tác, ”tương tự như điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc đòi hỏi”. Đây là thông điệp chính của bài nhận định của Le Monde.
‘‘Quan hệ có đi có lại’’
Quan hệ song phương Pháp – Trung dường như đang đi theo chiều hướng này. Tại Paris và Bắc Kinh, giới ngoại giao hai bên nhấn mạnh đến quan hệ ”đối tác toàn diện”, ”đối thoại chiến lược”… Trong chuyến công du này, tổng thống Pháp nhận lời mời làm khách danh dự của Hội chợ Nhập khẩu Thượng Hải, một biểu tượng của chính sách mở cửa thương mại của Trung Quốc. Tổng thống Pháp là nguyên thủ duy nhất tham dự Hội chợ (ngoài ra, chỉ có ba nước khác cử thủ tướng).
Về phần mình, Bắc Kinh cũng rất cần đến đối tác mới, đặc biệt với Liên Âu, trong bối cảnh đối đầu với Mỹ. Hôm 01/11, Trung Quốc lần đầu tiên bổ nhiệm một quan chức cao cấp phụ trách quan hệ với Liên Âu. Ông Tập Cận Bình và phu nhân sẽ có buổi ăn tối riêng, với cặp vợ chồng nguyên thủ Pháp, để đáp
lễ. Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, dự kiến sẽ không có hợp đồng lớn nào được ký kết. Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải phóng xạ, trị giá 11 tỉ đô la, vẫn chỉ đang trong giai đoạn đàm phán.
Căng thẳng lộ rõ. Trong lúc Paris nhấn mạnh đến khía cạnh văn hóa của chuyến công du (với việc tổng thống Pháp khai trương một chi nhánh của bảo tàng nghệ thuật đương đại Pompidou tại Thượng Hải – chi nhánh đầu tiên ngoài châu Âu, và nhiều hoạt động tăng cường trao đổi văn hóa song phương), thì trước chuyến đi của ông Macron, một quan chức bộ Ngoại Giao Trung Quốc cảnh cáo : việc Pháp gia tăng hiện diện tại Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương không được gây ra bất ổn cho khu vực. Vấn đề khủng hoảng Hồng Kông và Tân Cương ắt hẳn sẽ không được đề cập tới, do được coi là ”công việc nội bộ” của Trung Quốc.
Chuyến đi gặt hái
Le Figaro có cái nhìn lạc quan hơn về chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai của tổng thống Macron. Theo nhật báo Pháp, chuyến đi lần này cho phép ông Macron thu hoạch các kết quả đầu tiên, trước hết là về mặt thương mại, vốn đã được đặt nền móng từ trước. Phủ tổng thống Pháp thừa nhận thương mại, cụ thể là lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, là ưu tiên. Nhân dịp này, khoảng 40 hợp đồng sẽ được ký kết. Ngoài công nghiệp thực phẩm, là công nghệ vũ trụ, năng lượng, du lịch và y tế là những thế mạnh của Pháp.
Gia tăng hợp thương mại dường như là chuyện không thể đi song hành với các đòi hỏi về nhân quyền. Tuy nhiên, Libération đưa ra một góc nhìn khác. Bài xã luận ”Những người bị truy bức” nhấn mạnh : tổng thống Macron hoàn toàn có lý do để nêu vấn đề nhân quyền với Trung Quốc, mà không ngại bị Bắc Kinh cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ.
”Mạng lưới tai mắt khổng lồ”
Trong số báo ra ngày hôm nay, Libération giới thiệu cuộc điều tra về tình trạng chính quyền Trung Quốc đe dọa những người Duy Ngô Nhĩ đang tị nạn tại Pháp. Nhiều người trong số họ, đang ẩn náu bí mật, nhận được các bưu kiện từ nước ngoài với thông điệp đe dọa, hay bị liên lạc qua điện thoại, ngay khi họ vừa có số mới. Nhiều người nhận được yêu cầu phải đến trình diện tại sứ quán Trung Quốc….
Libération nhấn mạnh, ngoài vấn đề xâm phạm nhân quyền, các hành động truy bức này đặt ra một thách thức nghiêm trọng về an ninh với Pháp, với châu Âu. Bởi ”nếu như Trung Quốc có thể có được dễ dàng số điện thoại hay địa chỉ của một người tị nạn, thì có nghĩa là Bắc Kinh đã triển khai một cách bất hợp pháp một mạng lưới tai mắt khổng lồ trên toàn lãnh thổ châu Âu, và nhiều nơi khác”.
Châu Âu đoàn kết trước đế chế Trung Hoa
Cũng về chủ đề này, nhật báo Công Giáo La Croix, mang tựa đề ‘‘Trung Hoa’’ (hay Đế chế ở trung tâm thế giới) nhấn mạnh đến ‘‘thái độ lập lờ ngày càng khó chấp nhận được’’ của chính quyền Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh khẳng định đang trong giai đoạn nỗ lực tham gia vào nhóm “các cường quốc phát triển nhất”, nhưng mặt khác lại không chấp nhận điều chỉnh luật pháp trong nước để bảo hộ đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, giống như các đối tác.
Về mặt chính thức, Bắc Kinh khẳng định không có tham vọng đế quốc, nhưng trên thực tế, đảng Cộng Sản Trung Quốc thao túng toàn bộ xã hội Trung Quốc, và tăng tốc xây dựng các tập đoàn khổng lồ có tham vọng đứng đầu thế giới, và bành trướng sức mạnh quân sự.
Tìm được quan hệ cân bằng với Trung Quốc là rất khó khăn. La Croix chốt lại : đối mặt với siêu cường này, châu Âu phải đoàn kết. Đây là đường hướng mà các lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực xây dựng trong những tháng gần đây. Việc bộ trưởng Nghiên cứu Khoa học của Đức và ủy viên phụ trách Thương Mại của Liên Âu có mặt trong phái đoàn của tổng thống Macron là một tín hiệu rõ ràng.
Tập Cận Bình củng cố quyền lực nội bộ
Tổng thống Pháp đến Trung Quốc đúng vào lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa khép lại một hội nghị trung ương đặc biệt. Lần đầu tiên, sau 20 tháng, Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc nhóm họp, từ ngày 28 đến 31/10. Khoảng cách thời gian giữa hai hội nghị dài chưa từng thấy kể từ thời kỳ rối loạn tại Trung Quốc đầu những năm 1970 đến nay.
Uy quyền của Tập Cận Bình dường như gia tăng sau hội nghị này, theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, được báo Le Monde dẫn lời. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số đồn đoán về vị thế của tổng bí thư họ Tập bị lung lay. Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị dài một giờ 40 phút, chủ tịch Trung Quốc đòi hỏi toàn Đảng nỗ lực ”không ngừng”.
Theo Le Monde, điểm đặc biệt đáng chú ý trong bài diễn văn nói trên là sự tương phản, giữa một bên là thái độ ”tự thỏa mãn” của ban lãnh đạo Trung Quốc về năng lực điều hành của chính quyền và bên kia là ”những lo ngại về các thách thức to lớn đang chờ đợi”.
Bài diễn văn của ông Tập cho thấy chính quyền Bắc Kinh muốn tiếp tục duy trì vị trí thống lãnh của khu vực kinh tế Nhà nước. Ông Tập Cận Bình không hề nhắc đến cuộc xung đột thương mại với Hoa Kỳ, kéo dài hơn một năm nay.
Hồng Kông: Chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị trung ương
Về năng lực điều hành ”ưu việt” của chính quyền, mà ban lãnh đạo Bắc Kinh tỏ ra thỏa mãn, nhật báo Pháp chỉ ra giới hạn nghiêm trọng, qua cuộc khủng hoảng Hồng Kông hiện nay. Cuối tuần trước, trả lời báo giới, ông Thẩm Xuân Diệu (Shen Chunyao), quan chức phụ trách vấn đề Hồng Kông của Đảng, thừa nhận khủng hoảng Hồng Kông là một chủ đề trung tâm trong các thảo luận nội bộ trong Hội nghị trung ương vừa qua. Hiện tại, Bắc Kinh chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào nhằm cải thiện khả năng điều hành của chính quyền trung ương đối với đặc khu Hồng Kông (thông qua việc cách chức hay bổ nhiệm các lãnh đạo đặc khu), như điều mà quan chức nói trên quảng bá.
2020 – Năm thay đổi diện mạo nước Mỹ
Chính trường Mỹ, một năm trước bầu cử tổng thống, là một chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Les Echos có chùm bài mang tựa đề : ”2020 là năm có thể làm thay đổi diện mạo nước Mỹ”. Nhật báo Pháp tóm lược tình hình : Không khí bất định đang ngự trị, giữa một bên là tổng thống Donald Trump đang bị thủ tục phế truất đe dọa, và bên kia là nội bộ phe Dân Chủ, không thống nhất được về đường lối.
Đáng chú ý có bài phân tích về hệ thống cân bằng quyền lực của nước Mỹ (thông qua việc bầu lại nghị viện hai năm một lần) thường hậu thuẫn cho việc lưỡng đảng chia sẻ quyền lực, trong bối cảnh số lượng cử tri ủng hộ các ứng cử viên có quan điểm cực đoan gia tăng.
Hồi hai nhiệm kỳ Macron: Dân chúng lo ngại
Les Echos số ra hôm nay cũng tập trung chỉ ra những thách thức với tổng thống Macron trong phần hai nhiệm kỳ tổng thống, đúng hai năm rưỡi cầm quyền của ông Macron. Theo nhật báo kinh tế Pháp, bất chấp việc các chỉ số kinh tế đang theo chiều hướng tốt (như thất nghiệp sụt giảm), đông đảo cử tri Pháp lo ngại về các cải cách sắp tới. Trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Bruno Jeanbart, giám đốc nghiên cứu của OpinionWay, giải thích: nghi ngờ của dân chúng tập trung vào khả năng của tổng thống dẫn dắt các cải cách – đề xuất trong thời gian tranh cử, do uy tín của tổng thống bị suy yếu trong thời gian khủng hoảng Áo Vàng.
Theo Les Echos, trong hai năm rưỡi tới, chưa thể dự báo được gì về các ứng cử viên có mặt trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống tới. Một trong các kịch bản có thể là đương kim tổng thống Macron sẽ phải một lần nữa phải đối đầu lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen, cho dù đông đảo cử tri đã hoàn toàn mất thiện cảm với nhân vật này, sau lần năng lực yếu kém của bà Le Pen thể hiện rõ trong cuộc tranh luận trực tiếp với ông Macron.
Tín đồ Công Giáo muốn khôi phục Giáo hội
Khủng hoảng của Giáo hội Công Giáo, đặc biệt với các vụ bê bối ấu dâm, khiến Giáo hội muốn lắng nghe các tín đồ nhiều hơn là chủ đề trang nhất của La Croix. Nhật báo Công Giáo dành 11 trang đầu để tổng hợp ý kiến của các tín đồ Công Giáo, trong cuộc điều tra mang tên : ”Réparons l‘Eglise” (Chúng ta cùng nhau khôi phục Giáo hội), với hơn 5000 ý kiến trả lời. Nhiều người đề xuất chấm dứt chế độ tu sĩ độc thân, đào tạo tốt hơn các nhà tu hành, và dành nhiều vị trí hơn cho phụ nữ. Ít giáo điều hơn, gần gũi với người nghèo hơn là các đòi hỏi khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191104-macron-di-bac-kinh-dan-duy-ngo-nhi-bi-truy-buc-o-phap
Tin đọc nhanh
(AFP) –Vụ 39 người chết trong xe tải ở Anh : Việt Nam bắt thêm 8 nghi can.
Công an Việt Nam hôm nay 04/11/2019 đã bắt thêm 8 người bị nghi có liên can đến thảm kịch 39 người Việt bị chết trong một chiếc xe tải tại Essex, gần Luân Đôn hồi cuối tháng 10. Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Cầu, thông báo đang tích cực điều tra để xóa bỏ những đường dây đưa người bất hợp pháp sang Anh. Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết sẽ phối hợp với Anh để đưa thi hài những người xấu số về nước sau khi đã xác định được danh tính nạn nhân. Tuần trước, Việt Nam đã bắt giữ hai người, còn tại Anh, hai người bị tạm giam và ba người khác được cho tại ngoại hầu tra.
(AFP) – Hy Lạp phát hiện 41 di dân còn sống trong xe đông lạnh.
Cảnh sát Hy Lạp hôm nay 04/11/2019 thông báo đã tìm phát hiện 41 di dân trốn trong một xe tải container đông lạnh ở miền bắc nước này. Bảy trong số các di dân này bị sưng phổi, đã được đưa đến bệnh viện.
(Reuters) – Cuba đả kích Trump, kêu gọi chống chủ nghĩa đế quốc.
Lãnh đạo Đảng Cộng Sản Raul Castro và chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cùng với tổng thống Venezuela Nicholas Maduro ngày 03/11/2019 đã lên tiếng cảnh cáo rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Cuba và Venezuela sẽ chỉ khiến hai nước quyết tâm hơn trong việc đoàn kết với nhau để hậu thuẫn cho các thay đổi xã hội trong khu vực.
Ba nhà lãnh đạo đã chủ trì phiên bế mạc của một hội nghị đoàn kết tại La Habana, quy tụ hơn 1.300 nhà hoạt động xã hội, chủ yếu đến từ Châu Mỹ Latinh. Cuộc họp kéo dài ba ngày được tổ chức để thảo luận về cách đánh bại những gì các nhà tổ chức mệnh danh là một cuộc tấn công do đế quốc Mỹ lãnh đạo chống lại các chính phủ và phong trào tiến bộ và xã hội chủ nghĩa.
(AFP) –Iran sản xuất 5 kg uranium làm giàu mỗi ngày.
Teheran hôm nay 04/11/2019 loan báo như trên, số lượng này cao gấp 10 lần so với hai tháng trước đây, lúc Iran bắt đầu bỏ qua một số cam kết trong hiệp định nguyên tử năm 2015. Phó tổng thống Ali Akbar Saléhi còn cho biết đã chế tạo hai mẫu máy ly tâm hiện đại hơn, và đang thử nghiệm một máy.
(AFP) –Người biểu tình Liban phong tỏa nhiều tuyến đường.
Hôm nay 04/11/2019, nhiều tuyến đường chính tại Liban đã bị người biểu tình phong tỏa, sau cuộc xuống đường hôm Chủ Nhật của cả trăm ngàn người ở Beyrouth, Tripoli, Saida…Người dân chống lại hệ thống chính trị không hề thay đổi nhiều thập niên qua, với sự ngự trị của các gia tộc quyền lực.
(AFP) –Nhà văn Jean-Paul Dubois được giải Goncourt.
Goncourt, giải thưởng văn chương danh giá nhất trong thế giới Pháp ngữ hôm nay 04/11/2019 đã được trao cho nhà văn Jean-Paul Dubois, với tác phẩm « Tất cả những con người không sống cùng một cách trên thế giới ». Cuốn tiểu thuyết do nhà xuất bản L’Olivier ấn hành, được coi là một tác phẩm xúc động nói về hạnh phúc đã đánh mất. Nhà văn Jean-Paul Dubois, 69 tuổi, sống tại Toulouse, từng được giải Femina năm 2004 với tác phẩm « Một cuộc đời Pháp ». Giải Renaudot năm nay dành cho nhà văn Sylvain Tesson với cuốn « Con báo tuyết » (Gallimard xuất bản).
(AFP) – Gorbachev : « Căng thẳng Nga và phương Tây, một mối họa lớn ».
Đây là nhận định của cựu lãnh đạo Xô Viết cuối cùng, ông Mikhaïl Gorbatchev, trên đài BBC ngày 04/11/2019. Theo ông, cuộc đua vũ khí hạt nhân mà Nga và phương Tây đang lao vào là nguyên nhân chính của mọi sự nguy hiểm. Ông kêu gọi các nước phá hủy loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này để cứu rỗi nhân loại và hành tinh.
(AFP) – Hoa Vi sẽ chi 40 tỉ đô la để mua hàng ở châu Âu.
Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) hôm nay 04/11/2019 cho biết hy vọng đạt chỉ tiêu mua 40 tỉ đô la nguyên vật liệu từ châu Âu trong 5 năm tới. Do Nhà Trắng cấm bán công nghệ cho Hoa Vi vì nghi ngờ làm gián điệp, tập đoàn Trung Quốc không thể mua chất bán dẫn, thiết bị phụ tùng và dịch vụ cho smartphone hay mạng viễn thông từ Qualcomm, Intel, Google … của Mỹ, trị giá đến 10 tỉ đô la mỗi năm.
(AFP) – Bitcoin do một nhà đầu tư duy nhất « thổi giá » năm 2017.
Theo một công trình nghiên cứu được Bloomberg dẫn ra hôm nay 04/11/2019, vụ đồng tiền ảo bitcoin đột ngột tăng vọt lên cái giá khó tin là gần 20.000 đô la hồi năm 2017 là kết quả lũng đoạn thị trường của một nhà đầu tư duy nhất. Thời gian đó, sàn Bitfinex đã dùng đồng tiền ảo tether của mình mua vào hàng loạt bitcoin để đầu cơ, mà đặc điểm của tether là gắn với giá trị đồng đô la.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191104-tin-doc-nhanh