Tin khắp nơi – 21/10/2019
Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đến Afghanistan
nối lại các cuộc đàm phán với Taliban
Tin từ KABUL, Afghanistan – Vào hôm Chủ Nhật (20/10), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đến Afghanistan để nối lại các cuộc đàm phán với Taliban, sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột ngừng đàm phán vào tháng trước để tìm cách chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ.
Theo tin từ Reuters, chuyến đi của ông Esper đến Kabul diễn ra giữa những chỉ trích về cam kết của Hoa Kỳ đối với các đồng minh, sau khi quân đội Hoa Kỳ rút quân đột ngột khỏi vùng đông bắc Syria, và tổng thống Donald Trump mong muốn ngừng can thiệp vào nước ngoài.
Ông Esper cho biết Hoa Kỳ có thể sẽ giảm từ 14,000 binh sĩ hiện tại xuống còn khoảng 8,600 quân, mà không ảnh hưởng đến các hoạt động chống khủng bố, nếu cần thiết. Hoa Kỳ tăng tốc độ các chiến dịch chống lại các chiến binh ở Afghanistan kể từ khi tổng thống Donald Trump ngừng đàm phán với Taliban.
Trong tháng này, một phái đoàn Taliban gặp gỡ đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, trong hơn một giờ tại Pakistan, mặc dù các viên chức cho biết sự việc này không thể hiện cho việc nối lại các cuộc đàm phán chính thức. (Mộc Miên)
Dân biểu Cộng Hòa Will Hurd: thỏa thuận
giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ là “thỏa thuận đầu hàng”
Dân biểu Cộng hòa Texas Will Hurd bày tỏ lo ngại về lệnh ngừng bắn tạm thời do Tòa Bạch Ốc làm trung gian ở miền bắc Syria. Ông nhận định rằng thỏa thuận này có phần giống như hành động đầu hàng của Hoa Kỳ đối với Thổ Nhĩ Kỳ và những kẻ thù khác của Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến kéo dài tại khu vực này.
Trong chương trình “Face The Nation” của đài CBS New vào Chủ Nhật (ngày 20 tháng 10), ông Hurd cho biết theo những gì ông biết về thỏa thuận ngừng bắn, có vẻ như Tòa Bạch Ốc đang đưa ra một thỏa thuận đầu hàng hơn là một thỏa thuận hòa bình. Đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng từ Đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội, một phái đoàn Hoa Kỳ do Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn đầu đã đàm phán một thỏa thuận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào thứ năm (ngày 17 tháng 10). Ông Erdogan đã cam kết sẽ hoãn cuộc tiến quân vào miền bắc Syria
trong 5 ngày, cho phép các chiến binh người Kurd có cơ hội rời khỏi lãnh thổ đã chiếm lại được sau cuộc chiến chống ISIS.
Tuy nhiên, những người chỉ trích Tổng Thống Trump tiếp tục phản đối chiến lược của chính quyền Tổng Thống ở Syria sau thỏa thuận nói trên. Họ cho biết thỏa thuận này là không công bằng khi buộc người Kurd phải rời khỏi quê hương, trong khi cho phép Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lãnh thổ mới và tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Ông Hurd thừa nhận rằng ông và các nhà lập pháp liên quan khác không có quyền lực để buộc Tổng Thống Trump thay đổi quyết định. Nhưng ông cho biết áp lực từ người dân có thể sẽ khuyến khích Tòa Bạch Ốc giải quyết những lo ngại của hầu hết các đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội liên quan đến Syria. (Mộc Miên)
Tổng thống Trump định chuyển quân đội Mỹ
từ Bắc Syria sang miền đông gần biên giới Iraq
Tin từ BEIRUT/ANKARA – Theo tin tờ New York Times cho biết vào cuối Chủ nhật 20/10, tổng thống Trump lại thay đổi kế hoạch, không đưa lính Mỹ ở Syria về nhà như đã hứa. Ông đang cân nhắc về một kế hoạch quân sự mới, chuyển khoảng 200 binh sĩ Hoa Kỳ đến miền đông Syria gần biên giới Iraq. Đây là một khu vực nhiều mỏ dầu.
Tòa Bạch Ốc không lập tức trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Cũng liên quan đến Syria, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo cho biết họ rút khỏi thị trấn biên giới Ras al Ain theo thỏa thuận ngừng bắn do Hoa Kỳ làm trung gian.
Nhưng phát ngôn viên của phiến quân Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho biết cuộc rút lui này vẫn chưa hoàn tất.
Theo Reuters, Ras al Ain là một trong hai thị trấn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria từng là mục tiêu chính của cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ để đẩy lùi những chiến binh người Kurd và tạo ra một “vùng an toàn” sâu hơn 30 km bên trong Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ phát động cuộc tấn công sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút quân đội Hoa Kỳ khỏi vùng đông bắc Syria. Vào tối hôm thứ Năm 17/10, Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng cuộc tấn công trong năm ngày theo thỏa thuận giữa Tổng thống Tayyip Erdogan và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence. Ông Erdogan khuyến cáo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cuộc tấn công khi thời hạn kết thúc vào hôm Thứ Ba, nếu SDF không rút khỏi khu vực an toàn.
Phát ngôn viên của phiến quân Syria, Thiếu tá Youssef Hamoud thông báo với Reuters rằng SDF “vẫn chưa hoàn toàn” rút khỏi Ras al Ain.
Ở Washington và nhiều nơi khác, hành động của Trump bị chỉ trích là một sự phản bội đối với các đồng minh người Kurd từng chiến đấu trong nhiều năm cùng với quân đội Hoa Kỳ chống lại Nhà nước Hồi giáo. (Mộc Miên)
Cảnh sát Quận Cam
tịch thu 18 pound thuốc giảm đau Fetanyl
Tin từ Santa Ana, California — Theo CBS News, cảnh sát California cho biết cảnh sát đã tịch thu 18 pound thuốc giảm đau Fetanyl tại Quận Cam.
Fetanyl là một loại opioid tổng hợp. Số lượng thuốc bị tịch thu tương đương bốn triệu liều thuốc, có giá trị lên đến 1.25 triệu mỹ kim. Fentanyl là một loại thuốc giảm đau được phát minh vào những năm 1960s, được sử dụng để làm giảm cơn đau do ung thư thời kỳ cuối với sức mạnh gấp 50 lần heroin.
Tờ Orange County Register đưa tin cho biết số thuốc Fetanyl bị tịch thu nói trên gần bằng một nửa số thuốc mà cả Quận Cam tịch thu trong năm 2018, một dấu hiệu cho thấy Fetanyl đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa công cộng đáng kể. Các viên chức thuộc văn phòng cảnh sát trưởng cho biết các cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khám xét từ tòa án và bắt giữ bà Rudolph Garcia, 60 tuổi, với nhiều tội
danh liên quan đến buôn bán và tàng trữ ma túy. Các cảnh sát điều tra còn tịch thu một khẩu súng ngắn bán tự động, heroin, methamphetamine và 71,000 mỹ kim tiền mặt từ nhà của bà Garcia.
Theo Bộ Y tế Công cộng California, các trường hợp tử vong ở Quận Cam do Fentanyl đã tăng từ 14 người vào năm 2013 lên 93 vào năm 2018. Trong năm 2017, đã có 47,000 ca tử vong do opioid, hơn hẳn số người Hoa Kỳ thiệt mạng do các vụ đụng xe hoặc nổ súng hàng loạt.
Một phân tích từ Society of Actuaries cho biết tổng thiệt hại kinh tế gây ra bởi cuộc khủng hoảng opioid ở Hoa Kỳ đạt ít nhất 631 tỷ mỹ kim từ năm 2015 đến 2018, cao hơn chỉ số GDP của các nước như Bỉ, Thụy Điển và Đài Loan. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-nam-california-tich-thu-18-pound-thuoc-giam-dau-fetanyl/
Biểu tình Chile:
Năm người chết sau khi đốt phá nhà máy may
Năm người chết sau khi những người cướp bóc đốt nhà máy may gần thủ đô Santiago của Chile, nâng số người chết trong các cuộc biểu tình bạo lực lên ít nhất bảy người.
Quân đội và cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để chống lại người biểu tình và lệnh giới nghiêm được áp đặt tại các thành phố lớn.
Tình trạng khẩn cấp được ban hành ở Santiago cũng sẽ được mở rộng đến các thành phố khác ở phía bắc và nam Chile.
Venezuela: Guaido nổi dậy thất bại, Mỹ ‘phải nhờ ngoại giao’
Người Mỹ gốc Latinh và bức tường của Trump
‘Chán nản’ vì TT Trump cắt viện trợ Trung Mỹ
Biểu tình xuất phát từ việc tăng giá vé tàu điện ngầm, hiện đã bị đình chỉ. Tình trạng bất ổn gia tăng phản ánh sự giận dữ về mức sinh hoạt phí và bất bình đẳng.
Hôm 21/10, nhiều ngân hàng, trường học và cửa hàng tiếp tục bị đóng cửa.
Điều gì đang diễn ra ở Chile?
Lính cứu hỏa cho biết họ tìm thấy năm thi thể bên trong một nhà máy may mặc bị phóng hỏa bởi những người bạo loạn ở ngoại ô Santiago. Báo cáo trước đó cho biết ba người khác đã chết trong một vụ cháy siêu thị ở Santiago hôm thứ Bảy (19/10).
Bộ trưởng Nội vụ Andrés Chadwick cho biết ít nhất bảy người đã chết trong các vụ tai nạn liên quan đến biểu tình, mà không đưa ra chi tiết.
Đã có 70 “vụ việc nghiêm trọng liên quan đến bạo lực”, bao gồm 40 vụ cướp siêu thị và các doanh nghiệp khác. Hai người bị thương do súng bắn sau khi đụng độ với cảnh sát, giới chức cho biết.
“Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc leo thang thực sự chắc chắn được tổ chức nhằm gây thiệt hại cho đất nước và cuộc sống của mỗi người dân,” bộ trưởng bộ nội vụ nói.
Khoảng 10.500 cảnh sát và binh lính được triển khai trên đường phố, ông nói thêm, trong khi giới chức cũng thông báo hơn 1.400 vụ bắt giữ.
Hôm 20/10, tại một số thành phố, người biểu tình đã đốt xe buýt, phá hủy các bến tàu điện ngầm và đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm được áp đặt tại các khu vực thuộc Santiago, Valparaíso, Coquimbo và Biobío.
Tình trạng khẩn cấp sẽ được ban hành tại các thành phố Antofagasta, Valparaíso, Valdivia, Chillán, Talca, Temuco và Punta Arenas, cho phép chính quyền hạn chế tự do đi lại của người dân và quyền hội họp của họ.
Tại Santiago, hầu như tất cả các phương tiện giao thông công cộng đã bị tạm dừng hoạt động và một số chuyến bay quốc tế đã bị hủy hoặc dời lịch bay vì thiếu phi hành đoàn.
Ít nhất một tuyến tàu điện ngầm trong thành phố dự kiến sẽ hoạt động lại vào thứ Hai (21/10) sau khi toàn bộ hệ thống bị đóng cửa hôm 18/10 do những thiệt hại từ tình trạng bất ổn gây ra. Đây là điều tồi tệ nhất xảy ra với một trong những quốc gia ổn định nhất Mỹ Latinh này trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống Chile nói gì?
Tổng thống Sebastián Piñera, một tỷ phú theo đường lối bảo thủ, bị chỉ trích vì những phản ứng của ông với các cuộc biểu tình, vốn là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông nói rằng những người phóng hỏa, dựng rào chắn và cướp bóc là “tội phạm”.
“Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng [những người đứng sau các cuộc bạo loạn] là có tổ chức, hậu cần, điển hình của một tổ chức tội phạm,” ông nói. “Tôi kêu gọi đồng bào đoàn kết trong cuộc chiến chống bạo lực và phạm pháp này.”
Ông Piñera – tái đắc cử tổng thống vào tháng 3 năm 2018 sau thời kỳ làm tổng thống từ năm 2010 đến 2014 – đã triển khai binh lính và xe tăng lần đầu tiên kể từ năm 1990, khi Chile trở lại chế độ dân chủ sau chế độ độc tài của Augusto Pinochet.
Phát ngôn của tổng thống đổ thêm dầu vào lửa
Phân tích của Vanessa Buschschlüter, biên tập viên BBC News Online Mỹ Latinh
“Chúng ta đang trong cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù mạnh và không thể cản, họ là những người không tôn trọng bất cứ thứ gì và bất cứ ai, và sẵn sàng sử dụng bạo lực không giới hạn và các hành động phạm pháp.” Đó là những gì tổng thống President Piñera mô tả các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật.
Trong khi một số cảnh về các cuộc đụng độ bạo lực giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình giống với những gì diễn ra trong vùng chiến sự, phản ứng trước những lời mô tả của ông Piñera gây ra phẫn nộ với các chính trị gia đối lập. Họ gọi nó là “thảm bại” và “vô trách nhiệm”.
Nhưng quan trọng hơn là ảnh hưởng của những từ ngữ đó đối với người biểu tình. Nếu họ vốn đã cảm thấy bị chính phủ phớt lờ, việc Tổng thống Piñera gán cho họ là tội phạm, trong mắt họ, nó chứng tỏ ông ấy ít để ý tới những quan tâm của họ.,
Với phong trào biểu tình đang có được động lực trong khi vẫn thiếu người lãnh đạo thực sự và phát ngôn của ông Piñera càng thổi bùng lên ngọn lửa, cơ hội để có một cuộc đối thoại có ý nghĩa dường như càng trở lên xa vời.
Nguồn gốc là gì?
Tình trạng bất ổn đã bộc lộ những chia rẽ trong quốc gia này, một trong những nước giàu nhất khu vực nhưng đây cũng là một trong những lời kêu gọi bất bình đẳng và mạnh mẽ nhất về cải cách kinh tế.
Nó bắt nguồn từ sự bất mãn đang sôi sục trong một số trường đại học và trường học về việc thiếu nguồn và tài trợ.
Constanza Gonzalez, một người biểu tình, nói với BBC rằng: “Đây không phải là về các đảng phái chính trị. Tôi nghĩ người dân đang giận dữ và đây là điều đã xảy ra trong một thời gian dài.”
Ông Piñera đã đình chỉ việc tăng giá vé tàu điện ngầm hôm 19/10, nói rằng ông đã lắng nghe với “sự khiêm nhường” trước “tiếng nói của đồng bào tôi”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50124643
Tổng thống Chile mở rộng tình trạng khẩn cấp
sau khi nhiều người thiệt mạng
Tin từ SANTIAGO, Chile – Vào cuối hôm Chủ Nhật (20/10), tổng thống Sebastian Pinera cho biết chính phủ Chile sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp tới các thành phố ở phía bắc và phía nam, sau khi ít nhất bảy người thiệt mạng trong các vụ đụng độ dữ dội và tấn công đốt phá hồi cuối tuần qua.
Theo Reuters, ông xác nhận rằng tình trạng khẩn cấp mà ông tuyên bố cho Santiago vào tối hôm thứ Bảy sẽ được mở rộng về phía bắc và phía nam của thủ đô. Các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu nổ ra từ hai tuần trước vì quyết định tăng giá vé xe giao thông công cộng. Ông Pinera cho biết hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt của Santiago sẽ hoạt động một phần vào hôm thứ Hai, cùng các bệnh viện, một số trường học và nhà thờ. Ông cũng kêu gọi người dân Chile đoàn kết và giúp đỡ hàng xóm để giữ an toàn và tiếp tục các sinh hoạt hằng ngày.
Khi phát biểu trong cuộc họp báo ở Santiago trước đó vào tối hôm Chủ nhật (20/10), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Andres Chadwick cho biết rằng quyết định gia hạn biện pháp khẩn cấp được đưa ra trong bối cảnh “bạo lực và phá hoại ngày càng gia tăng”. Ông trích dẫn 70 “sự việc bạo lực nghiêm trọng” vào hôm Chủ nhật, bao gồm cả việc cướp bóc 40 siêu thị và các công ty khác. Số lượng binh sĩ và cảnh sát đang ở mức 10,500 tại Santiago và sẽ được tăng cường khi cần thiết.
Santiago và các thành phố khác của Chile bị nhấn chìm bởi nhiều ngày bạo loạn, cùng với các cuộc biểu tình ôn hòa, sau khi chi phí giao thông công cộng gia tăng. Tình trạng bạo lực khiến ông Pinera tuyên bố tình trạng khẩn cấp. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-chile-mo-rong-tinh-trang-khan-cap-sau-khi-nhieu-nguoi-thiet-mang/
LHQ thắt lưng buộc bụng vì các nước đóng góp trễ
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres đã đưa ra một kế hoạch tiết kiệm để đối phó với tình hình ngân sách cạn kiệt do nhiều quốc gia chậm đóng góp, nhất là Hoa Kỳ.
Washington vào cuối tuần qua đã hứa chi trả phần lớn trước cuối năm, nhưng tổ chức quốc tế vẫn lo sợ không thể bảo đảm được các hoạt động, nhất là tiền lương cho 37.000 nhân viên trên khắp thế giới.
Từ New-York, thông tín viên Carrie Nooten gởi về bài tường trình :
Một số văn bản chính thức không còn được dịch ra, các hội nghị bị hủy bỏ, những chuyến công du của các nhà ngoại giao bị cắt giảm tối đa và việc tuyển dụng bị ngưng lại. Liên Hiệp Quốc tìm cách giảm thiểu mọi chi tiêu, ngoài việc trả lương, để có thể chống chọi được.
Không chỉ có trụ sở chính ở New York bị ảnh hưởng, mà cả các chi nhánh ở Genève, Vienna, Nairobi và bốn ủy ban khu vực đều được lệnh phải thắt lưng buộc bụng. Tổng thư ký Antonio Guterres cảnh báo ngân sách Liên Hiệp Quốc đang bị thâm hụt nặng nề nhất kể từ một thập niên qua. Cho dù từ vài ngày qua đã có một số khoản tiền được chuyển giao để bảo đảm trả lương tháng 11 cho các viên chức, tình hình vẫn gay go.
Liên Hiệp Quốc lẽ ra phải nhận được 1,3 tỉ đô la còn thiếu trong tổng ngân sách 3 tỉ đô la cho năm 2019. Một nhóm bảy « con nợ » chiếm đến 97% số tiền này, đó là Hoa Kỳ, Brazil, Achentina, Mêhicô, Iran, Israel và Venezuela.
Tuy Liên Hiệp Quốc đã quen với việc quốc gia đóng góp nhiều nhất là Hoa Kỳ thường chuyển tiền chậm, nhưng việc tổng thống Donald Trump coi thường tổ chức quốc tế này đã khiến không khí thêm căng thẳng. Và nhất là Liên Hiệp Quốc lo ngại xu hướng chi trả chậm đang trở thành phổ biến, làm cho ngân sách ngày càng sớm bị thâm thủng, kéo dài thêm và nặng nề hơn.
Vấn đề tiền nong đã trở nên đáng ngại đến nỗi nếu không có biện pháp siết chặt chi tiêu từ tháng Giêng năm 2019, Liên Hiệp Quốc sẽ không tổ chức được phiên họp Đại Hội Đồng tháng Chín vừa rồi với sự tham dự của các nguyên thủ toàn thế giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191021-lien-hiep-quoc-phai-that-lung-buoc-bung-vi-cac-nuoc-dong-gop-tre
Brexit : Bị Nghị Viện hãm lại,
chính phủ Anh vẫn quyết đúng hẹn
Chính phủ của thủ tướng Boris Johnson quả quyết sẽ đưa Vương Quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 31/10, dù vẫn yêu cầu Bruxelles hoãn thêm lần nữa thời hạn ra đi. Điều gì sẽ diễn ra tiếp sau khi thỏa thuận mới về Brexit bị Nghị Viện kìm lại.
Lẽ ra hôm thứ Bảy 19/10/2019 đã phải là ngày trọng đại của ông Boris Johnson. Trong phiên họp bất thường của Hạ Viện ở Westminster, thủ tướng Anh trình lên các dân biểu thỏa thuận mới về Brexit mà ông vừa ký được trước đó 48 giờ đồng hồ sau một cuộc đấu căng thẳng với các nước châu Âu. Nhưng diễn biến bất ngờ lại xảy ra giữa Nghị Viện. Các dân biểu Anh thay vì bỏ phiếu về thỏa thuận trên thì lại thông qua một luật làm đình hoãn toàn bộ kế hoạch của chính phủ Boris Johnson.
Sau cái ngày thứ Bảy, giờ được báo chí xứ sương mù gọi là « ngày điên rồ », màn diễn đã kéo dài từ hơn ba năm nay một lần nữa lại đẩy nước Anh vào sự bất định trong khi mà chỉ còn 11 ngày nữa đến hạn Vương Quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách có trật tự.
Lùi lại thêm thời hạn đến 31/01/2020 ?
Văn kiện được 332 dân biểu Anh thông qua hôm thứ Bảy vừa rồi quyết định hoãn lại việc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit cho tới chừng nào chưa thông qua văn bản luật về việc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận vừa ký. Thông qua luật gác việc bỏ phiếu thỏa thuận sang một bên như vậy, các dân biểu Anh vẫn dựa trên tinh thần điều luật khác có tên gọi là « Benn Act » đã được phe chống Brexit không thỏa thuận (Brexit no deal) cho bỏ phiếu thông qua từ hồi tháng 9.
Luật Benn, tên ông Hilary Benn, một trong số nghị sĩ đề xuất, yêu cầu thủ tướng phải gửi thư lên chủ tịch Hội Đồng Châu Âu xin giãn lịch trình Vương Quốc Anh ra khỏi EU đến ngày 31/01/2020. Mục địch chính của luật Benn là để tránh Brexit no deal.
Boris Johnson đã ngỏ ý cho biết ông sẵn sàng chấp nhận giải pháp này như một điều kiện để đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 31/10 tới. Thủ tướng Boris Johnson đã cố tránh để nước Anh chia tay bằng mọi giá nên đã tìm kiếm một thỏa thuận mới với Liên Âu với hy vọng Hạ viện thông qua hôm thứ Bảy. Nhưng cuối cùng nỗ lực của ông Boris Johnson đã vô ích.
Nên nhớ là « hạn cuối » Brexit ban đầu được dự trù ngày 29/03/2019 đã bị đẩy lùi lại hai lần và thêm lần nữa tới ngày 31/01/2020, với điều kiện được 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu chấp nhận.
Nhưng nếu Liên Âu từ chối lùi thêm hạn chót ?
Hồi tháng 9 mới đây, ông Boris Johnson đã tuyên bố thà chết còn hơn là đi xin Bruxelles cho lùi lại thời hạn Brexit. Thế nhưng tối ngày thứ Bảy, bị các dân biểu Anh dồn đến chân tường, lãnh đạo chính phủ Anh không còn sự lựa chọn nào khác là viết thư đề nghị tới chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk.
Nhưng lại một lần nữa, chính trị gia bảo thủ lại làm một việc không giống ai. Ông Donald Tusk đã nhận được đến 3 bức thư của Luân Đôn với tinh thần nội dung không ăn nhập gì với mục đích xin gia hạn Brexit.
Thư thứ nhất, không ký tên, khiến người ta dễ nhầm là thư mẫu với nội dung đề nghị kéo dài thời hạn Brexit thêm 3 tháng. Bức thư thứ 2 có chữ ký Boris Johnson, nhưng trong thư thủ tướng Anh cho biết ông không muốn thời hạn kéo thêm 3 tháng và ông coi việc lùi lại Brexit là một sai lầm.
Thư có đoạn viết : « Từ khi tôi là thủ tướng, một lần nữa trước Quốc Hội, tôi đã tỏ rõ chính kiến của tôi và lập trường của chính phủ rằng việc kéo dài thời hạn sẽ gây hại cho lợi ích của Vương Quốc Anh và các đối tác châu Âu cũng như các mối quan hệ của chúng ta ».
Bức thứ thứ 3 dưới hình thức một công hàm của đại sứ Anh bên cạnh Liên hiệp Châu Âu. Trong thư ông Tim Barrow giải thích chính phủ buộc phải tuân theo luật, nên mới mới có thư đề nghị lùi thời hạn.
Tại Bruxelles, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk xác nhận ngay tối hôm thứ Bảy đã nhận được đề nghị lùi thời hạn Brexit từ chính quyền Anh. Ông cho biết trên twitter ông sẽ tham khảo ý kiến các lãnh đạo EU để đồng thuận trả lời Vương Quốc Anh.
Cũng trong tối đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ thái độ hững hờ cho rằng kéo dài thêm thời hạn sẽ chẳng có lợi cho bên nào. Trong khi đó tại nước Đức, các quan chức chính trị lại cho rằng đợi thêm vài tuần nữa cũng không đặt thành vấn đề gì và họ vẫn tin nước Anh ra đi nhanh chóng và có trật tự.
Sáng Chủ nhật các đại sứ các nước châu Âu đã có cuộc họp chủ yếu bàn về việc truyền đạt nội dung thỏa thuận Brexit vừa ký với Anh đến các nghị sĩ châu Âu. Trong tuần Nghị Viện Châu Âu mới sẽ có phiên họp toàn thể tại Strasbourg. Nhà đàm phán của EU về Brexit, Michel Barnier, cho biết « các đại sứ châu Âu họp như dự trù để ấn định các bước phê chuẩn thỏa thuận ».
Tại Nghị Viện Châu Âu, một cuộc họp lãnh đạo các nhóm nghị sĩ với chủ tịch David Sossoli hôm nay để chi tiết hóa các bước tiến hành. Về phía Liên Hiệp Châu Âu, tiến trình phê chuẩn vẫn tiếp tục bất chấp những biến động tại Anh. Mặt khác, các nước châu Âu vẫn có quyền từ chối đề nghị lùi thời hạn ra đi của Anh.
Liệu thời hạn 31/10 ra khỏi EU như dự trù có chắc chắn hay không ?
Mặc dù đề nghị lùi thời hạn, « chúng tôi sẽ ra đi ngày 31/10. Chúng tôi có cách và đủ thẩm quyền để làm điều đó », nhưng ông Michael Gove, cánh tay phải của Boris Johnson ngày hôm qua vẫn quả quyết như vậy trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky News. Thủ tướng Boris Johnson cũng cam đoan với các dân biểu rằng tuần này ông sẽ trình văn kiện luật cần thiết để triển khai áp dụng thỏa thuận Brexit.
Ông Jacob Rees-Mogg, bộ trưởng phụ trách quan hệ giữa chính phủ với Nghị Viện đã tuyên bố hôm thứ Bảy rằng chính phủ dự kiến sẽ trình thỏa thuận Brexit để thảo luận và bỏ phiếu ngay ngày hôm nay. Nếu kịp thông qua văn kiện luật về thực thi thỏa thuận thì ngày 31/10 tới vẫn có thể là hạn chót cho Brexit.
Việc bỏ phiếu về thỏa thuận, chính phủ Anh giờ có thể dựa vào sự hậu thuẫn của một vài thành phần thuộc đảng Bảo Thủ từng bị khai trừ vì đã ủng hộ luật bắt buộc thủ tướng phải xin lùi thời hạn. Bây giờ việc xin lùi thời hạn đã được đề nghị để « tránh Brexit không thỏa thuận … tôi sẽ ủng hộ thỏa thuận của thủ tướng », cựu bộ trưởng Amber Rudd đã tuyên bố như vậy trên kênh Sky News.
Trong khi chờ đợi, nếu thỏa thuận vẫn không được thông qua, Vương Quốc Anh sẽ có nguy cơ ra đi không thỏa thuận, một kịch bản đang làm giới kinh tế hết sức lo âu. Kịch bản no-deal sẽ dẫn đến rối
loạn ở biên giới, trong nước thì khan hiếm thực phẩm thuốc men và giá cả tăng và thậm chí kéo theo cả lạm phát.
Bầu lại Quốc Hội trước thời hạn hay trưng cầu dân ý lại ?
Còn lại hai khả năng ít xảy ra nhưng không phải là không xảy ra:
Thứ nhất là bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Một khi Brexit bế tắc hoàn toàn thì việc bỏ phiếu bầu Nghị Viện trước thời hạn là một lối ra, dù chưa biết đi về đâu. Tất cả các chính đảng ở Anh đã chuẩn bị cho khả năng này. Nhưng việc giải tán Quốc Hội để bầu lại trước thời hạn chỉ diễn ra được khi đảng đối lập chính, Công Đảng, ủng hộ.
Thủ tướng Anh đã hai lần đã có ý định bầu cử trước thời hạn nhưng không thành vì thiếu sự ủng hộ của đối lập. Với ông Boris Johnson, bầu lại Quốc Hội là cơ hội duy nhất để ông giành lại được đa số mà ông đã bị mất dần mất mòn trên hành trình Brexit.
Thứ hai là tổ chức trưng cầu dân ý lại về Brexit. Đây là giải pháp được Công Đảng ưa thích và cũng được không ít người dân ủng hộ. Nhưng trường hợp này có xảy ra thì vẫn tiếp tục kéo nước Anh vào tình trạng bất định kéo dài.
Ba năm 4 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016 mà kết quả là 52% dân Anh ủng hộ Brexit, người Anh vẫn chưa biết khi nào hay liệu họ có chia tay được với Liên Hiệp Châu Âu hay không ?
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191021-brexit-bi-chinh-phu-ham-lai-chinh-phu-anh-van-quyet-dung-hen
Brexit : Châu Âu không muốn thấp thỏm chờ đợi mãi
Tại Luân Đôn, liệu hôm nay, 21/10/2019, thủ tướng Anh Boris Johnson có thuyết phục được Quốc hội biểu quyết thỏa thuận Brexit hay không ? Sau diễn biến bất ngờ hôm thứ Bảy, Nghị Viện Anh đã « biểu quyết dời ngày biểu quyết », trong khi đó, chính phủ Anh bảo đảm là sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đúng vào ngày 31/10.
Qua ba bức thư trần tình gửi chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, bức thứ hai và thứ ba khẳng định quyết tâm của thủ tướng Anh là sẽ không kéo dài thêm thời gian.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet phân tích :
Châu Âu nghĩ rằng đã biết rõ thủ tướng Anh Boris Johnson không thay đổi ý định. Chủ Nhật 20/10/2019, đại sứ 28 nước thành viên cũng đã họp lại để xem xét mà không tranh luận về ba bức thư của chính quyền Anh.
Quyết định của Bruxelles rất rõ ràng : tiến trình Brexit tiếp tục.
Văn bản thỏa thuận mới, được thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu chấp nhận, đã được gửi lên Nghị Viện Châu Âu để biểu quyết phê chuẩn vào thứ Năm tới.
Đối với châu Âu, bằng mọi giá không để cho tình trạng bất định, nay thế này mai thế khác, như dưới thời nữ thủ tướng Theresa May, phi mã trở lại. Do vậy, Bruxelles một mặt làm như tin vào lời cam kết của Boris Johnson, theo đó, trong hôm thứ Hai hoặc thứ Ba, Nghị Viện Anh sẽ thông qua luật Brexit, nhưng cùng lúc họ vẫn chuẩn bị phương án B.
Bởi lẽ, không loại trừ khả năng Anh Quốc lại xin dời ngày Brexit một lần nữa để có thời giờ sắp xếp tiến trình biểu quyết ở Nghị Viện. Nhưng châu Âu chỉ cho thêm vài ngày mà thôi.
Trong trường hợp Luân Đôn cần ba tháng thì kỳ hạn này phải do cấp thượng đỉnh châu Âu quyết định. Dù sao đi nữa, 27 thành viên còn lại, không thấy lý do chính đáng nào để làm hài lòng kẻ muốn ly thân.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191021-brexit-lien-hiep-chau-au-khong-muon-thap-thom-cho-doi-mai
Khủng hoảng Catalunya :
Sự lựa chọn khó khăn của thủ tướng Sanchez
Thủ phủ Barcelona của vùng tự trị Catalunya rơi vào bạo động đến ngày thứ 9. Hơn nửa triệu người đòi độc lập biểu tình hàng ngày trong lúc các nhóm cực đoan đập phá và xung đột với cảnh sát. Làm cách nào để thoát khỏi bế tắc ? Thủ tướng Tây Ban Nha đứng trước một sự lựa chọn khó khăn : Cứng rắn hay hòa dịu ?
Từ Madrid, thông tín viên François Musseau phân tích :
Làm cách nào để đối phó với cuộc khủng hoảng Catalunya và biểu tình bạo động? Đây là bài toán nát óc của thủ tướng Pedro Sanchez. Trong bối cảnh sắp đến ngày bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn (chỉ còn ba tuần nữa), vị thế của người đứng đầu chính phủ đảng Xã Hội càng khó khăn hơn.
Trong những ngày tới, thủ tướng Tây Ban Nha sẽ phải duy trì sách lược cô lập Quim Torra, chủ tịch hành pháp Catalunya. Trong hai ngày cuối tuần, Quim Torra, một nhà chính trị thuộc phe chủ trương độc lập, ba lần tìm cách đối thoại với Madrid nhưng không thành công.
Thủ tướng chính phủ trung ương đặt điều kiện tiên quyết là phải dứt khoát lên án các hành động bạo lực do các thanh niên cực đoan tiến hành từ 9 ngày qua.
Nếu lãnh đạo phe đòi độc lập bị mất uy tín thì thủ tướng Tây Ban Nha có thể tự hào ông là người của tình thế, ôn hoà nhưng kiên định.
Tuy nhiên, ván cờ cũng rất khó khăn cho Pedro Sanchez. Bạo lực càng tăng ở thủ phủ Barcelona thì một phần công luận và báo chí và nhất là các đảng thiên hữu sẽ thúc giục ông hành động, tái lập trật tự tại vùng nổi loạn. Yêu cầu cụ thể của phe hữu là đặt Catalunya dưới quyền cai quản trực tiếp của chính phủ trung ương và phế truất Qim Torra.
Hiện tại, thủ tướng Tây Ban Nha chọn nước cờ thận trọng. Chính sách của Madrid, ôn hòa hơn hay cứng rắn hơn tùy thuộc vào diễn biến tình hình trong những ngày tới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191021-khung-hoang-catalunya-thu-tuong-sanchez-khong-ke-hoach-ven-toan
Syria : Lực lượng Kurdistan
rút khỏi thành phố giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ
Tại miền bắc Syria, sau hai ngày căng thẳng, hôm qua 20/10/2019 một đoàn xe chở người bị thương và các chiến binh Kurdistan đã rời khỏi Ras Al Ain, thủ phủ Hassaké (đông bắc Syria). Đây là lần đầu tiên lực lượng Kurdistan rút lui toàn bộ khỏi thành phố của Syria giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ, đang bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vây hãm.
Việc quân Kurdistan triệt thoái khỏi khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ là điều kiện đặt ra trong thỏa thuận ngưng bắn được Washington thương lượng với Ankara.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết tình hình cụ thể :
Một đoàn xe trên 80 chiếc chở những người bị thương, các chiến binh Kurdistan và các thi hài, đã có thể rời Ras Al Ain trước mắt những người lính Syria bổ sung cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang chuẩn bị nắm lấy quyền kiểm soát thành phố. Đến tối, lực lượng Dân Chủ Syria loan báo đã triệt thoái toàn bộ khỏi địa điểm được người Kurdistan gọi là Serekaniye.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa xác nhận cuộc di tản đã kết thúc, nhưng bộ Quốc Phòng nước này đã công bố trên Twitter các hình ảnh của đoàn xe, khẳng định đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ – nước đóng vai trò trung gian hòa giải và bảo đảm thỏa thuận hưu chiến. Ankara ra hạn định cho lực lượng Kurdistan đến tối thứ Ba 22/10 phải rút hoàn toàn khỏi khu vực sẽ trở thành vùng đệm và tiếp đón một phần của ba triệu rưỡi người Syria tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phía Mỹ cho rằng lệnh hưu chiến đã được tôn trọng, thậm chí « rất tốt », theo như một tweet của ông Donald Trump, nêu ra nhận xét của bộ trưởng Quốc Phòng. Tổng thống Mỹ cũng nói đến « những vụ chạm trán nho nhỏ », nhưng tỏ ra lạc quan về thành công của thỏa thuận. Tuy vậy tình trạng hưu chiến vẫn khá mong manh : Ankara loan báo đã có một quân nhân tử trận trong vụ tấn công vào Tal Abyad, một thành phố biên giới khác mà quân Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm đóng.
Quân Mỹ ở Syria được điều sang Irak
Cũng trong hôm qua, một đoàn trên 70 quân xa Mỹ được trực thăng yểm trợ đã rút khỏi căn cứ Sarrine gần thành phố Kobané, hướng về tỉnh Hassaké. Quân Mỹ cũng đã rút khỏi ba căn cứ khác ở Syria, và từ nay hai tỉnh Raqqa (miền trung) và Aleppo (tây bắc) không còn một người lính Mỹ nào, chỉ duy trì một số vị trí ở Deir Ezzor và Hassaké (đều ở miền đông bắc Syria).
Tuy tổng thống Donald Trump tuyên bố đưa các quân nhân Mỹ về nước, nhưng AFP và Reuters đều khẳng định một đoàn khoảng 100 quân xa Mỹ rút khỏi Syria hôm nay đã qua biên giới, đến vùng tự trị của người Kurdistan ở Irak.
Theo thông báo vào cuối tuần trước của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Mark Esper, khoảng 1.000 lính Mỹ ở bắc Syria sẽ đến miền tây Irak để tiếp tục cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS). Hôm nay 21/10 ông Esper cho biết đang cân nhắc việc duy trì một số quân ở đông bắc Syria để canh giữ các giếng dầu, không để lọt vào tay quân thánh chiến.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191021-syria-luc-luong-kurdistan-rut-khoi-thanh-pho-giap-ranh-tho-nhi-ky
Cảnh sát giải cứu gần 150 học sinh
trường học Hồi Giáo ở Bắc Nigeria
Tin từ KADUNA, Nigeria – Vào hôm thứ Bảy (19/10), cảnh sát cho biết họ giải cứu gần 150 học sinh khỏi một trường học ở miền bắc Nigeria. Ngôi trường này tuyên bố rằng họ đang dạy kinh Koran cho học sinh, nhưng thay vào đó lại lạm dụng chúng.
Theo Reuters, đây là chiến dịch giải cứu thứ tư trong một tháng, đưa tổng số người được giải cứu từ các trường tôn giáo ở miền bắc Nigeria lên hơn 1,000. Cuộc đột kích này sẽ gây thêm áp lực, để buộc Tổng thống Muhammadu Buhari đưa ra hành động đối với các trường Hồi giáo được cai quản lỏng lẻo có tên là Almajiris. Các chuyên gia cho rằng những trường này giáo dục hàng triệu trẻ em trên khắp miền bắc đa phần theo Hồi giáo.
Thống đốc Nasir El Rufai của tiểu bang Kaduna đã ra lệnh đột kích vào trường cải cách Hồi giáo ở Rigasa. Những em học sinh được tập trung tại một trại gần đó, đứng thành hàng trong bộ đồng phục màu hạt dẻ. Bà Hafsat Baba, ủy viên phụ trách dịch vụ nhân sinh của Kaduna cho biết, không giống như các trường khác, ít nhất 22 trong số 147 người được cứu là nữ. Hiện vẫn chưa thể xác định được tình trạng của những học sinh được giải cứu.
Một viên chức thông báo với hãng tin Reuters rằng ngôi trường này thuộc quyền sở hữu của một người đàn ông, cũng sở hữu một trong những trường bị đột kích ở tiểu bang Katsina lân cận vào đầu tuần này. Hiện ông này đã bị cảnh sát bắt giữ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-giai-cuu-gan-150-hoc-sinh-truong-hoc-hoi-giao-o-bac-nigeria/
Tòa án Đài Loan bác bỏ vụ kiện
của gần 10 ngàn nạn nhân Formosa ở Việt Nam
Phiên tòa sơ thẩm của tòa án Đài Bắc hôm 14 tháng 10 năm 2019 đã tuyên bác bỏ đơn kiện của gần 10 ngàn công dân Việt Nam kiện Công ty thép Hưng Nghiệp Formosa – Hà Tĩnh, một công ty con của Tập đoàn Formosa Plastic Group của Đài Loan.
Hội Công lý cho nạn nhân Formosa hồi tháng 6 năm nay đã cùng với năm công ty luật quốc tế lần đầu tiên kiện Formosa tại Đài Loan để yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân vì là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển 4 tỉnh miền trung Việt Nam hồi năm 2016.
Bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch của Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa nói với phóng viên RFA hôm 21 tháng 10 như sau:
“Ngày 11 tháng 6 thì Hội Công lý cho nạn nhân Formosa cùng với 2 tổ hợp luật sư tại Đài Loan đại diện cho 7875 nạn nhân của thảm họa Formosa đã nộp đơn khiếu kiện tại tòa án quận của Đài Bắc, Đài Loan.
Sau hơn 4 tháng cứu xét thì ngày 14/10 vừa qua thì bên văn phòng luật sư được tòa gọi lên và đưa ra cái phán quyết là họ không có quyền thụ án cái vụ án này, với lý do là họ không có thẩm quyền. Tuy nhiên trong bản án này cũng khuyên là những nguyên đơn Việt Nam này nên về Việt Nam để kiện,” bà Nancy Bùi nói qua điện thoại.
Bà Nancy Bùi cho biết thêm, hai tổ hợp luật sư đại diện cho các nạn nhân tại Đài Loan gồm Environmental Jurists Association (EJA) và Environmental Rights Foundation (ERF) đang chuẩn bị nộp đơn kháng án của các nạn nhân vào ngày 24 tháng 10 năm 2019 sắp tới tại tòa Thượng thẩm tòa Đài Loan và đang kêu gọi ký tên để ủng hộ việc kháng cáo này trên trang mạng change.org.
Hội Công lý cho nạn nhân Formosa ra thông cáo trên trang web vào hôm 21 tháng 10 cho rằng bản án của tòa hôm 14 tháng 10 là một phán quyết không công bằng và thiếu nhân đạo vì “24 bị cáo đều là người Đài Loan hoặc công ty của họ có trụ sở tại Đài Loan. Ngoài ra, tất cả những quyết định quan trọng về vấn đề kỹ thuật, kế hoạch kinh doanh, vốn đầu tư, và các Tổng giám đốc đều ở Đài Loan.”
Tổ chức được thành lập với mục tiêu Yểm trợ cho công cuộc tìm công lý cho nạn nhân của thảm họa môi trường do công ty Formosa gây nên cũng đánh giá rằng, “khi tòa đẩy vụ án trở về Việt Nam khác nào đẩy các nạn nhân vào chỗ chết khi mà trước đây họ đã tìm đủ mọi cách để khiếu kiện và kháng án tại tòa án Việt Nam; đơn của họ đã bị trả về, họ còn bị đánh đập đến thương tích. Hơn 20 người đã bị bắt và đang bị ngồi tù với những bản án nặng nề lên tới 20 năm. Hàng trăm người khác vẫn còn đang trên đường trốn chạy.”
Đại sứ EAS: Diễn biến phức tạp tại Biển Đông
có nguy cơ làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến COC
Ngày 17/10, tại Cuộc họp Đại sứ các nước thành viên Cấp cao Đông Á (EAS) ở thủ đô Jakarta của Indonesia, các nước cho rằng diễn biến phức tạp tại Biển Đông có nguy cơ làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến COC.
Tại cuộc họp, các nước đánh giá cao kết quả các hoạt động hợp tác đã được triển khai nhằm thực hiện Tuyên bố của các EAS từ năm 2005 đến nay và các lĩnh vực ưu tiên thuộc Chương trình Hành động Manila 2017 về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường kết nối ASEAN, hợp tác biển, công nghệ thông tin và truyền thông (ICTs), hợp tác năng lượng, môi trường, các vấn đề liên quan sức khoẻ toàn cầu và quản lý thiên tai… Các nước đối tác của ASEAN khẳng định cam kết tiếp tục cùng các nước ASEAN triển khai hiệu quả hợp tác trong khuôn khổ EAS. Cuộc họp cũng ghi nhận công tác chuẩn bị về hậu cần và nội dung các dự thảo văn kiện trình để thông qua tại EAS-14 tại Bangkok ngày 4/11 sắp tới đã cơ bản hoàn tất. Dự kiến Lãnh đạo các nước tham gia EAS sẽ thông qua 3 Tuyên bố quan trọng làm cơ sở cho tăng cường hợp tác ở khu vực, bao gồm Tuyên bố về việc ngăn chặn sản xuất trái phép, buôn lậu và sử dụng ma túy, Tuyên bố về hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia và Tuyên bố về quan hệ đối tác vì phát triển bền vững. Các nước đối tác đánh giá cao việc các Lãnh đạo ASEAN thông qua Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và làm cầu nối cho hợp tác hiệu quả.
Liên quan vấn đề Biển Đông, các nước đối tác của ASEAN cũng chia sẻ các đánh giá tích cực về quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời, bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, các hoạt động quân sự, cản trở các hoạt động khai thác hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển theo luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982… có nguy cơ làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC. Các nước cũng nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hoá, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Được biế EAS là một diễn đàn gồm các quốc gia ở châu Á được các lãnh đạo của 16 quốc gia Đông Á và khu vực lân cận tổ chức mà Khối ASEAN là trung tâm. Nga, Mỹ đã đệ đơn làm thành viên của khối vào năm 2005 và đang tham dự với tư cách là quan sát viên. Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức ở Kuala Lumpur vào ngày 14/12/2005.
Tại Hội nghị EAS lần thứ 9 vừa qua, Ngoại trưởng các nước ASEAN và 8 nước đối thoại là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ đã tham dự. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai nhấn mạnh là Chủ tịch ASEAN trong năm 2019, Thái Lan tin tưởng rằng EAS có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xúc tiến chương trình
nghị sự vì sự bền vững. Bộ trưởng Don Pramudwinai cho rằng an ninh và ổn định trong khu vực là nền tảng then chốt cho sự tiếp tục tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của khu vực, do đó ông mong muốn có sự trao đổi quan điểm mang tính xây dựng về việc làm thế nào để tiến lên phía trước. Là nước điều phối và Chủ tịch EAS trong năm nay, những chủ đề được Thái Lan ưu tiên thảo luận gồm: Tăng cường hợp tác trong tiến trình EAS; Kết nối ASEAN, bảo tồn môi trường, quản lý thảm họa và an ninh; Thúc đẩy các lĩnh vực và hoạt động được quan tâm chung như các vấn đề y tế toàn cầu, dịch bệnh và hợp tác biển… Ngoài ra, một nội dung thảo luận nữa tại hội nghị EAS lần này là chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 14 sẽ diễn ra trong dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan vào tháng 11 tới.
Tại Hội nghị, các nước tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của EAS sau 14 năm thành lập, là diễn đàn của các nhà lãnh đạo về các vấn đề chính trị và kinh tế mang tầm chiến lược, là bộ phận cấu thành quan trọng của cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ mà ASEAN giữ vai trò trung tâm. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS trong tăng cường cách tiếp cận đa phương và trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các giá trị được thừa nhận của luật pháp quốc tế, đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Các nước tham gia EAS nhất trí tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018-2022 gồm môi trường – năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế – dịch bệnh, quản lý thảm họa, kết nối, kinh tế – thương mại, an ninh lương thực và hợp tác hàng hải. Các Bộ trưởng đồng thời chia sẻ sự cần thiết phải tăng cường EAS để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, trong đó có đảm bảo cách thức triển khai hiệu quả các thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao, nâng cao vai trò của Bộ phận EAS tại Ban thư ký ASEAN và cơ chế trao đổi giữa Ủy ban đại diện thường trực ASEAN (CPR) và các Đại sứ các nước đối tác tham gia EAS tại Jakarta (Indonesia). Nhân dịp này, các Bộ trưởng nhất trí kế hoạch trình Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 14 vào cuối năm 2019 xem xét thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố về chống buôn bán ma túy; Tuyên bố về chống tội phạm xuyên quốc; và Tuyên bố về kết nối.
Về tình hình Biển Đông được các nước trao đổi sâu rộng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực. Các Bộ trưởng EAS nhấn mạnh lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Các nước cũng nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá của các nước về vai trò và vị trí quan trọng của EAS trong cấu trúc khu vực, nhất là trong bối cảnh những chuyển động phức tạp, khó lường của tình hình đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với EAS. Phó Thủ tướng ủng hộ các nỗ lực tăng cường vai trò của nước Chủ tịch EAS, đồng thời cũng là Chủ tịch ASEAN, ASEAN+3 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), gia tăng quan hệ gắn kết, bổ trợ lẫn nhau giữa các cơ chế này. Phó Thủ tướng cho rằng hợp tác biển và kết nối là hai lĩnh vực mà các nước tham gia EAS có tiềm năng, phù hợp với quan tâm và nhu cầu hợp tác ở khu vực cần được tiếp tục đẩy mạnh. Về tình hình Biển Đông, tiếp theo những quan ngại được các nước EAS bày tỏ tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ thêm về các hoạt động đơn phương vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, qua đó, kêu gọi tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tàu cá Triều Tiên chìm
do cố tình đâm vào tàu kiểm ngư Nhật
Chính phủ Nhật Bản đã công bố một đoạn video vào hôm thứ Sáu (18/10), về vụ va chạm hồi tuần trước giữa một tàu kiểm ngư Nhật Bản và một tàu cá của Triều Tiên.
Đoạn phim dài 13 phút cho thấy tàu Triều Tiên bị chìm sau khi va chạm với tàu thuộc Cơ quan Kiểm ngư Nhật Bản Okuni, vào ngày 7/10, ngoài khơi tỉnh Ishikawa Nhật Bản, trái ngược với tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng Nhật Bản cố tình đánh chìm tàu.
Đoạn phim cho thấy, tàu Okuni phun vòi rồng vào tàu của Triều Tiên sau khi tàu này không tuân thủ cảnh báo rời khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Hai tàu đang di chuyển song song, nhưng tàu Triều Tiên bất ngờ rẽ trái và đâm vào tàu Nhật Bản, sau đó nó bị chìm.
Takashi Koya, quan chức Cơ quan Kiểm ngư Nhật Bản, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/10: “Chúng tôi đã công bố (đoạn video) theo mong muốn của công chúng để chứng minh cho mọi người thấy rằng chúng tôi đã thực hiện các hoạt động chấp pháp một cách đúng đắn”, theo Kyodo News.
Trong video, tàu Okuni đã thả xuồng cứu sinh cho thủy thủ đoàn của Triều Tiên, họ vẫn sống và rời khỏi khu vực bằng một chiếc tàu Triều Tiên gần đó.
Con tàu bị đắm được xác định là đánh bắt trái phép trong khu vực, bởi trên tàu có lưới đánh cá, thiết bị và dây phơi mực trên boong.
Hôm thứ Bảy, Triều Tiên đòi Nhật bồi thường vụ việc và nói rằng Nhật Bản cố tình đánh chìm tàu, đồng thời kêu gọi Tokyo ngăn chặn tái diễn. Nhật Bản gọi các yêu cầu của Triều Tiên là “hoàn toàn không thể chấp nhận”.
Vụ va chạm xảy ra khoảng 350km về phía tây bắc bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, gần vùng biển trữ lượng cá mực dồi dào. Khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng đánh cá bất hợp pháp của tàu Triều Tiên và tàu Trung Quốc.
Chính quyền Nhật Bản tăng cường tuần tra để kiểm soát vùng biển.
http://biendong.net/bi-n-nong/30987-tau-ca-trieu-tien-chim-do-co-tinh-dam-vao-tau-kiem-ngu-nhat.html
Biểu tình Hong Kong:
Người biểu tình ném bom xăng vào cảnh sát
Người biểu tình chạy trốn khỏi chiếc xe vòi rồng tẩm màu nhuộm xanh bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo
Một nhóm người biểu tình cực đoan đã ném bom xăng vào đồn cảnh sát khi bạo lực lại bùng phát ở Hong Kong, trong lúc một cuộc tuần hành bị cấm thu hút hàng chục ngàn người đang diễn ra.
Các nhà chức trách đã từ chối cấp phép cho một cuộc tuần hành qua một khu mua sắm cao cấp, với lý do lo ngại trật tự công cộng.
Nhưng nhiều người đã bất chấp điều đó. Và một nhóm nhỏ người biểu tình mặc áo đen sau đó đã tấn công vào một đồn cảnh sát.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ nhân quyền Hong Kong
Biểu tình Hong Kong: Carrie Lam ủng hộ cảnh sát dùng vũ lực
Hong Kong: Tại sao Bắc Kinh chưa quyết liệt dẹp tan biểu tình?
Hong Kong: Diễn văn thường niên của bà Carrie Lam bị đình chỉ
Hong Kong đã trải qua bốn tháng biểu tình kêu gọi đòi dân chủ.
Tại đồn cảnh sát Tsim Sha Tsui, các sĩ quan bắn hơi cay vào người biểu tình trong khi cổng tòa nhà bị đốt cháy. Sau đó, một chiếc xe vòi rồng đã được điều động để dọn dẹp khu vực này.
Đây là khu vực vốn có đông người đi mua sắm vào Chủ nhật.
Ở những nơi khác, các cửa hàng và ngân hàng Trung Quốc đã bị phá hoại. Một ngọn lửa lớn do người biểu tình đốt lên, đã nhấn chìm một cửa hàng bán các sản phẩm của nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi, ở khu vực Mong Kok.
Không phải tất cả những người biểu tình vào Chủ nhật đều tham gia vào các hành động bạo lực. Mặc dù cuộc biểu tình bị cấm, nó đã bắt đầu một cách ôn hòa.
Điều gì gây ra cuộc đụng độ vào Chủ nhật?
Một trong những lý do khiến người biểu tình giận dữ là vụ tấn công vào nhà lãnh đạo dân chủ Jimmy Sham vào đầu tuần này, khiến anh phải nằm viện. Nhà lãnh đạo này đã bị năm người đàn ông cầm búa tấn công ở quận Mong Kok ở Kowloon.
Vào thứ bảy, một người đàn ông khác được cho là đang phát tờ rơi ủng hộ dân chủ đã bị đâm.
Trong những tuần gần đây, số lượng người tham dự các cuộc biểu tình đã giảm. Trước đây, hàng trăm ngàn người đã tham gia biểu tình trong nhiều đợt.
Cuộc biểu tình vào Chủ nhật tuần này cho thấy con số ấy đã tăng trở lại, mà theo các nhà tổ chức là có khoảng 350.000 người tham dự. Cảnh sát Hồng Kông vẫn chưa công bố con số thống kê của họ về số gười tham gia.
Một người biểu tình, Daniel Yeung, nói rằng số lượng người tham gia vào Chủ nhật vượt xa sự mong đợi của anh, nói thêm rằng “Người Hong Kong sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền biểu tình của họ”.
“Chính phủ hiện không cho phép bất kỳ cuộc biểu tình ôn hòa nào,” một người biểu tình khác, tên Avery, nói hôm Chủ nhật. “Điều đó nghĩa là, bất cứ ai ra ngoài đường đều có nguy cơ vi phạm pháp luật. Đó là chiến thuật mà chính phủ Hong Kong đang sử dụng.”
Có giải pháp nào trong tầm tay?
Ban đầu, các cuộc biểu tình đã được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ trước một dự luật mới cho phép nghi phạm hình sự bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.
Người dân ở Hong Kong rất quyết liệt bảo vệ hệ thống pháp luật của họ, cũng như các quyền cá nhân, căn cứ theo nguyên tắc được gọi là “một quốc gia, hai hệ thống”.
Nhưng họ ngày càng lo ngại rằng, Trung Quốc đang tìm cách gia tăng sự kiểm soát ở Hong Kong.
Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cuối cùng đã tuyên bố hủy bỏ dự luật dẫn độ, nhưng phong trào phản kháng đã mở rộng để bao gồm bốn yêu cầu khác:
Các cuộc biểu tình không được coi là “bạo loạn”
Ân xá cho người biểu tình bị bắt
Một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát
Thực hiện quyền bầu cử phổ thông hoàn chỉnh
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam bị nhiều nhà vận động ủng hộ dân chủ coi là ‘loa phát ngôn’ của Bắc Kinh – điều mà bà này phủ nhận.
Bà Lam đã bị buộc phải hủy bài phát biểu quan trọng hàng năm của mình tại quốc hội trong tuần này, sau khi các nhà lập pháp đối lập hò hét, giơ biểu ngữ và hô khẩu hiệu phản đối bà.
Bài phát biểu kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình của bà cuối cùng đã phải chiếu qua video được quay từ trước.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ, trong khi đó, đã ủng hộ phong trào dân chủ bằng cách thông qua một dự luật tại Hạ viện.
Các công ty Mỹ, bao gồm công ty trò chơi video Blizzard và Liên đoàn Bóng rổ Mỹ cũng bị lôi kéo vào cuộc khủng hoảng chính trị này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50120813
Chính quyền Hồng Kông
khó có giải pháp cho khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng xã hội tại Hồng Kông sắp bước qua tháng thứ năm. Trưởng đặc khu hành chính vật vã tìm kiếm một lối thoát. Một số chuyên gia cho rằng khó khăn này xuất phát từ việc chính quyền chính quyền Hồng Kông không có quyền lực thật sự cũng như là các kinh nghiệm cần thiết để chấm dứt.
Bùng nổ vào tháng Sáu, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông cho đến lúc này chưa cho thấy có dấu hiệu suy giảm và gần như là chuyện thường nhật. Bạo lực gia tăng mức độ từ cả hai phía người biểu tình và cảnh sát. Họ phản đối quyền tự do ngày càng bị hạn hẹp và sự can dự ngày càng lớn từ phía Bắc Kinh. Và dự luật dẫn độ như là ngòi thuốc nổ làm bùng lên những “ấm ức” từ khi phong trào Dù Vàng đòi dân chủ bị dập tắt.
Thế nhưng, mọi giải pháp do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu hành chính đề ra đều không thể hạ nhiệt cơn phẫn nộ của người biểu tình. Việc chính quyền Hồng Kông dùng đến một đạo luật có từ thời thuộc địa Anh Quốc cấm biểu tình đeo mặt nạ còn gây ra những vụ đập phá dữ dội hơn chưa từng có, làm tê liệt một phần lớn thành phố.
Nhận định về sự bất lực thực sự của chính quyền Hồng Kông trước phong trào phản đối, ông Ben Bland, giám đốc bộ phận Đông Nam Á, thuộc Lowy Institute, nói với AFP rằng đó là vì “chính quyền Hồng Kông đang có vấn đề về tính chính đáng.” Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không do dân bầu lên mà được một ủy ban bầu cử gồm 1.200 thành viên, đa phần thân Bắc Kinh chỉ định.
Trong một đoạn ghi âm, mà nội dung đã bị rò rỉ hồi tháng 09/2019, trưởng đặc khu hành chính giải thích rằng bà phải phục vụ “hai chủ nhân”: Bắc Kinh và Hồng Kông, nên phạm vi hoạt động để có thể giải quyết khủng hoảng rất “hạn hẹp”.
Do vậy vẫn theo ông Bland, “vì chính quyền Hồng Kông không có tính chính đáng và các thẩm quyền chính trị mà các cuộc bầu cử tự do trao cho, nên giới chức Hồng Kông rõ ràng là gặp khó khăn trong việc điều hành”.
Còn theo ông Jeffrey A. Bader, nhà nghiên cứu tại Brookings Institution từng nhận định rằng hệ thống chính trị mà Anh Quốc trao lại cho Bắc Kinh năm 1997 chỉ làm cho người dân thêm lo lắng, không tin rằng “những mối bận tâm của họ có thể sẽ được một chính quyền hiệu quả hay có trách nhiệm xử lý, vì người dân xem chính quyền này hoàn toàn thần phục Bắc Kinh”.
Nhìn từ Trung Quốc, làn sóng phản đối này là một điều sỉ nhục không thể chấp nhận, thậm chí không thể chịu được. Bắc Kinh nhiều lần lên án đó là âm mưu của phương Tây nhằm áp đặt bằng sức mạnh nền dân chủ tại vùng lãnh thổ tự trị.
Nếu Bắc Kinh ra tay can thiệp trực tiếp vào Hồng Kông, hành động này có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Còn nếu phó mặc cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tự xoay sở, không đưa ra giải pháp nào khác ngoài việc ra lệnh trấn áp người biểu tình, thì tình trạng này sẽ gây chia rẽ thêm giữa người biểu tình ôn hòa với những kẻ cực đoan.
Trong bài xã luận trên báo Les Echos, ngày 21/10/2019, nhà báo Dominique Moisi nhận định, Trung Quốc sẽ phải trả giá cho chiến lược nói trên. Nếu Bắc Kinh cứ để cho tình hình tại Hồng Kông ngày thêm xấu đi, tìm cách xóa bỏ quy chế “một đất nước hai chế độ“, thì điều này chỉ giúp củng cố thêm vị thế các thị trường chứng khoán châu Âu và bất lợi cho thị trường Hồng Kông. Chẳng lẽ Tập Cận Bình lại muốn như vậy.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191021-chinh-quyen-hong-kong-kho-co-giai-phap-cho-khung-hoang
Hộ chiếu ‘đường lưỡi bò’
khiến người TQ khó mua căn hộ ở Việt Nam
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang thuận đường, trên đà đầu tư vào bất động sản cao cấp ở Việt Nam, thì đột nhiên bị vấp phải bức tường hộ chiếu do những tranh chấp trên biển Đông.
Theo luật pháp Việt Nam, khách hàng người nước ngoài phải nộp hộ chiếu làm bảo đảm cho việc hoàn thành các giấy tờ công nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư. Tuy nhiên, trong hộ chiếu của người Trung Quốc có in hình đường chín đoạn mô tả quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, vì thế theo SCMP, các khách hàng Đại lục đã gặp khó khăn trong việc sở hữu một căn hộ ở Việt Nam.
“Không phải là người Trung Quốc không quan tâm tới các dự án bất động sản ở Việt Nam, mà là vì những vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam”, Andy Han, giám đốc điều hành của tập đoàn SonKim Land, một nhà phát triển bất động sản hạng sang, đang có 5 dự án khu dân cư tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), cho biết.
“Điều này đã ảnh hưởng đến khoảng 10 phần trăm doanh số của chúng tôi. Nhiều người Hồng Kông đã mua các căn hộ có giá từ 200.000 đến 500.000 đô la Mỹ từ chúng tôi vì nhà ở Hồng Kông thực sự đắt đỏ”, ông Han cho biết thêm.
Người mua từ Hồng Kông và Trung Quốc đại lục là nhóm khách hàng nước ngoài lớn thứ ba của SonKim, chiếm 20% doanh số của tập đoàn này.
Theo SCMP, tuy quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã được cải thiện kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa hai quốc gia láng giềng đã khiến quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh trở nên thất thường hơn kể từ năm 2011.
Trong khi khách hàng bất động sản từ Trung Quốc đại lục giảm thì bù vào đó là các khách hàng đến từ Hồng Kông và các nước châu Á khác.
Tờ báo Hồng Kông cho biết, giá của một căn hộ cao cấp ở Việt Nam so với Hồng Kông rẻ hơn nhiều, điều này giải thích lý do tại sao người nước ngoài nói chung và người Hồng Kông nói riêng đổ xô mua các dự án căn hộ cao cấp ở TP HCM.
“Các căn hộ cao cấp nằm ở trung tâm các thành phố lớn của Việt Nam có giá bằng khoảng một nửa giá bất động sản tương đương ở Bangkok, và bằng chưa đến 10% so với giá bất động sản ở Hồng Kông”, Kenneth Kent, tổng giám đốc của REA Group, công ty vận hành cổng thông tin bất động sản Squarefoot.com.hk cho biết.
Bắt đầu từ năm 2015, các công ty kinh doanh bất động sản ở Việt Nam bắt đầu được phép cung cấp 30% số căn hộ trong một dự án chung cư cho người nước ngoài.
“Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật cho phép người nước ngoài mua căn hộ, và sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ trong một chung cư. Điều này kích thích các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới thị trường bất động sản ở Việt Nam”, ông Han nói.
Đàm phán hiệp thương theo kiểu của Trung Quốc:
Không thể giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (16/10) cho rằng “cục diện quan hệ Trung Quốc – Việt Nam phát triển tốt như hiện nay không dễ dàng. Trung Quốc hy vọng Việt Nam cùng với Trung Quốc kiên trì thông qua đàm phán hiệp thương giải quyết bất đồng trên biển, dùng hành động thực tế để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, duy trì hợp tác tin tưởng song phương”. Tuy nhiên, đàm phán hiệp thương theo kiểu song phương trực tiếp với từng nước liên quan của Trung Quốc sẽ không thể giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà chỉ tạo cơ hội để Trung Quốc lợi dụng, gây sức ép với từng nước.
Đàm phán là một trong những biện pháp quan trọng trong luật quốc tế
Giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế (bao gồm tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ) đã được quy định trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Các quốc gia có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua các biện pháp phi vũ lực. Nguyên tắc này đã hình thành từ lâu, đặc biệt từ năm 1945 khi Hiến chương Liên hợp quốc ra đời. Không một quốc gia nào phủ nhận nguyên tắc này, nhưng điều này không đồng nghĩa là đã có sự đồng thuận về nội dung của nguyên tắc. Các nội dung cụ thể của nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970, trong đó một số nội dung đã nhận được sự đồng thuận cao và được công nhận là tập quán quốc tế.
Từ khi Hiến chương Liên hợp quốc ra đời và có hiệu lực, với tính phổ quát của tổ chức này, hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế đã trở thành một nguyên tắc pháp luật quốc tế ràng buộc tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Điều 2(3) và Điều 33, cũng như trong Điều 1(1) về mục đích, tôn chỉ hoạt động của Liên hợp quốc. Ngoài ra, các điều ước quốc tế thành lập các tổ chức khu vực quan trọng cũng ghi nhận lại nguyên tắc này như Hiến chương ASEAN, Hiến chương của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Hiến chương thành lập Liên minh châu Phi và các văn bản thành lập của Liên minh châu Âu. Cùng với sáu nguyên tắc cơ bản khác, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp được giải thích cụ thể trong Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia năm 1970 (Tuyên bố năm 1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Sau đó, Đại hội đồng đã thông qua một số nghị quyết khác về nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm Tuyên bố Manila về Hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 1982 (Tuyên bố Manila) và Nghị quyết về Ngăn ngừa và hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 2003.
Tuyên bố năm 1970 quy định các nghĩa vụ của các quốc gia trong nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, cụ thể như sau: (1) Nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình theo cách thức không gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và công lý quốc tế; (2) Nghĩa vụ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp một cách nhanh chóng và công bằng thông qua đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, biện pháp tư pháp, sử dụng các tổ chức hay dàn xếp quốc tế hoặc các biện pháp hòa bình khác theo sự lựa chọn của các bên, phù hợp với hoàn cảnh và bản chất của tranh chấp; (3) Nghĩa vụ tiếp tục tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình mà các bên chấp nhận trong trường hợp chưa thể giải quyết tranh chấp bằng bất kỳ biện pháp hòa bình nêu trên; (4) Nghĩa vụ hạn chế có hành động có thể làm xấu đi tình hình, gây nguy hiểm cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải hành động theo cách thức phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc.
Tính tới thời điểm hiện tại, có nhiều tranh chấp quốc tế trên biển, tuy nhiên, các tranh chấp phức tạp, kéo dài thường rơi vào những loại tranh chấp như: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn… Luật quốc tế chưa quy định cụ thể một giải pháp nhất định nào cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế mà chỉ nêu lên một số phương thức thông dụng dành cho các quốc gia quyền tự do lựa chọn những phương pháp hòa bình khác hợp lý, có lợi và chấp nhận được. Một số phương thức nhằm giải quyết tranh chấp mà chúng ta có thể phân loại thành các nhóm sau: Thứ nhất, giải quyết tranh chấp thông qua phương thức phi tài phán. Ở phương thức này, các biện pháp thường được đề cập đến đó là: Đàm phán, thương lượng; môi giới, trung gian, hòa giải; ủy ban điều tra và ủy ban hòa giải quốc tế; trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và biện pháp ngoại giao công chúng,… Thứ hai, giải quyết tranh chấp thông qua phương thức tài phán như trọng tài quốc tế, tòa án quốc tế.
Tranh chấp ở Biển Đông
Hiện tại, tại Biển Đông có 2 loại tranh chấp, bất đồng chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của UNCLOS để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn. Hai loại tranh chấp này hoàn toàn khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân… Vì vậy, các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết chúng cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, vì có mối quan hệ với nhau do tồn tại trong cùng một phạm vi địa lý và tác động qua lại của chúng, nhất là trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa có tính đến hiệu lực của các quần đảo này như thế nào, cũng là nguyên nhân gây nên những nhận thức khác nhau nói trên.
Loại thứ nhất: Thực chất đây là tình trạng tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng mọt phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông. Theo Công pháp quốc tế, để chứng minh, bảo vệ và giải quyết loại tranh chấp này, các bên liên quan hoặc cơ quan tài phán quốc tế đã dựa vào nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”; một nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện đại đang được vận dụng khi xem xét giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông dụng nhất hiện nay. Điều đáng nhấn mạnh là trong UNCLOS không có điều khoản nào đề cập đến nguyên tắc này. Nói một cách khác, UNCLOS không phải là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Loại thứ hai: Tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn. Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về Địa-Chính trị, Địa- Kinh tế trên phạm vi toàn thế giới với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 ra đời. Kết quả là, trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á cò khoảng 15 tranh chấp, tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi đường biên giới lưỡi bò của Trung Quốc, vì tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của UNCLOS của nó.
Như vây, rõ ràng là UNCLOS chỉ là căn cứ pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp về biển, trong đó có tranh chấp do việc giải thích và áp dung Công ước Luật Biển không đúng hoàn toàn hay từng phần. Chẳng hạn, việc vạch ra hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa, đường cơ sở của các hải đảo, quần đảo xa bờ, của quốc gia quần đảo…là nội dung thường là có sự khác nhau, nên đã tạo ra các vùng chồng lấn to nhỏ khác nhau cần được các bên tiến hành hoạch định theo những nguyên tắc nhất định, tùy theo chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa do Công ước quy định. Ví dụ, tại Điều 15, Mục 2, Phần II, Công ước quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hay đối diện nhau: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ phi có sự thỏa thuận ngược lai….”. Hay, tại Điều 74, Phần V, Công ước quy định việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau : “ Việc hoạch định ranh giới vung đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng”…, thường được gọi là theo nguyên tắc công bằng…
Ngoài hai tranh chấp ở trên, tại Biển Đông hiện còn tồn tại tranh chấp về việc khai thác, đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, tranh chấp này lồng ghép và có liên quan trực tiếp đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về ranh giới các vùng biển, thềm lục địa. Trung Quốc thường xuyên cho tàu cá, tàu quân sự đội lốt tàu cá xâm nhập trái phép vào sâu trong vùng biển, ngư trường truyền thông của Việt Nam cũng như Indonesia, Philippines, Malaysia… để đánh bắt trộm hải sản và tiến hành các hoạt động phá hoại khác. Đã có rất nhiều vụ tàu cá Trung Quốc, thậm chí là các loại tàu chấp pháp như Hải Cảnh, Ngư chính… cố tình đâm va, tàu của Việt Nam ở Biển Đông. Không những vậy, số tàu này của Trung Quốc cùng thường xuyên cướp tài sản của ngư dân Việt Nam như xăng dầu, hải sản đánh bắt được, ngư cụ, tài sản mang theo…
Cách vận dụng ngang ngược của Trung Quốc
Trung Quốc từ trước đến nay luôn thực hiện quan điểm cho rằng, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp với nước liên quan; bao biện cho việc xây dựng, cải tạo phi pháp các thực thể ở Biển Đông (đá, bãi cạn) chỉ phục vụ mục đích dân sự như chống cướp biển, hỗ trợ tàu thuyền đi lại và ngư dân đánh bắt cá trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần khẳng định vấn đề Biển Đông không liên quan đến ASEAN, Trung Quốc phản đối các nước sử dụng vấn đề Biển Đông để gây tổn hại cho “mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Trung Quốc và ASEAN”. Do đó, Trung Quốc cho rằng đàm phán song phương trực tiếp giữa các bên liên quan là biện pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Không những vậy, Trung Quốc còn thường xuyên gây sức ép, buộc các nước phải chọn đàm phán song phương với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và các khoản viện trở, đầu tư thương mại để mua chuộc, ép buộc một số nước phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngân hàng xây dựng Trung Quốc – CCB (25/4) đã ký với Cơ quan Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore bản ghi nhớ giữa CCB với các quốc gia ASEAN. Theo đó, CCB sẽ cung cấp 30 tỉ SGD (22,2 tỉ USD) cho các công ty hai nước thực hiện những dự án hạ tầng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” nhằm tạo ảnh hưởng bao trùm khu vực rộng lớn từ Trung, Nam Á đến tận châu Âu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào các nước, nhất là Campuchia. Theo con số chính thức được công bố, riêng trong năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lên tới con số 1,9 tỉ USD, cao gấp hai lần tổng đầu tư của các nước ASAEN và 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước ASEA không có tranh chấp Biển Đông. Hiện nay Trung Quôc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và các nước ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc. Theo Báo cáo của Hội đồng thương mại Trung Quốc – ASEAN, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm 2014 đạt mức 480 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2013. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc, sau Liên minh châu Âu và Mỹ, chiếm hơn 11% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Không những vậy, Trung Quốc còn đe dọa các nước ASEAN sẽ phải gành chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu có hành động chống lại Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại thường niên giữa quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN (SOM) – Trung Quốc ở Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (28/4) cảnh báo, ASEAN ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là một “bước đi liều lĩnh”, khẳng định đây là động thái của các cường quốc bên ngoài (ám chỉ Mỹ và Nhật Bản) nhằm chống lại Trung Quốc và các nước “không nên đánh đổi quan hệ Trung Quốc – ASEAN lấy mối quan hệ với cường quốc bên ngoài”.
Tuy nhiên, do tranh chấp ở Biển Đông rất phức tạp, liên quan trực tiếp lợi ích của nhiều nước và nhiều khu vực khác nhau, nên các nước đều đồng thuận cho rằng đây là vấn đề đa phương, cần được giải quyết thông qua các cơ chế đa phương, không thể chỉ đàm phán song phương trực tiếp giữa Trung Quốc với từng nước được.
Lựa chọn của Việt Nam
Việt Nam là nước có đầy đủ chứng cứ lịch sử và hồ sơ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đứng trước khó khăn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo trên. Đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc và một số nước trong khu vực đã xâm chiếm trái phép nhiều đảo, đá, bãi cạn của Việt Nam. Chính vì vậy, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, giải quyết thông qua đàm phán sẽ là một trong những lựa chọn được ưu tiên nhất, vì: Xuất phát từ thẩm quyền của Tòa án quốc tế, Việt Nam khó có thể khởi kiện các bên tranh chấp (đặc biệt là Trung Quốc) ra Tòa án quốc tế, (bao gồm: Tòa án quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật biển (thành lập theo Phụ lục VI Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982) và Tòa án đặc biệt (phụ lục VIII Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982),… để yêu cầu giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Theo truyền thống, hầu hết những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới đều được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Tuy nhiên, theo quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc và quy chế Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc, ICJ chỉ giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia khi có yêu cầu và các quốc gia đó đều đã chấp nhận thẩm quyền giải quyết của ICJ. Trên thực tế, Việt Nam và các bên tranh chấp chưa ký kết điều ước quốc tế nào có quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại ICJ. Hơn nữa, kể cả việc khi đã đưa ra Tòa án quốc tế thì việc phải tuân thủ nguyên tắc pacta sunt servanda (tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế) thì khả năng rủi ro rất cao, có thể nếu thắng sẽ được tất cả nhưng cũng có thể bị thua và mất tất cả. Trong trường hợp này, có lẽ chúng ta chưa không nên mạo hiểm đặt cược chủ quyền của quốc gia vào sự phán xét của Tòa án và chắc chắn thời gian theo đuổi vụ kiện sẽ không phải là ngắn.
Các biện pháp phi tài phán khác ngoài đàm phán như thương lượng; môi giới, trung gian, hòa giải; ủy ban điều tra và ủy ban hòa giải quốc tế; trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và biện pháp ngoại giao công chúng cũng là những biện pháp quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp, song chúng chỉ là một trong các biện pháp bổ trợ cho biện pháp đàm phán mà thôi. Thực tế thống kê về các vụ tranh chấp biển, thì chưa có vụ tranh chấp nào chỉ sử dụng đơn thuần một trong các biện pháp trên.
Trong khi đó, việc sử dụng biện pháp đàm phán (có thể là song phương hoặc đa phương) trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sẽ làm sáng tỏ những bất đồng, là cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để các bên tranh chấp bày tỏ quan điểm, lập trường, yêu sách của mình về vấn đề tranh chấp và cùng nhau thương lượng, nhượng bộ để giải quyết. Hơn thế nữa, trong quá trình đàm phán sẽ giúp Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được nội dung, thủ tục và tiến trình giải quyết tranh chấp mà không bị cuốn vào quá trình tố tụng kéo dài. Và trong khi vấn đề chủ quyền giữa các quốc gia trên biển chưa được giải quyết triệt để thì sử dụng biện pháp đàm phán để giải quyết là một trong những hướng đi đúng đắn giúp Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, từ đó có thể xây dựng các đối sách phù hợp đồng thời có thời gian củng cố thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ quan điểm chính đáng của mình và phản bác những lập luận, yêu sách sai trái của đối phương.
Chủ trương của Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích của quốc gia trên Biển Đông; giữ gìn môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Thực tế, Việt Nam đã và đang thực hiện rất tích cực biện pháp đàm phán và cần tiếp tục kiên trì thực hiện trong tương lai.
TQ kiểm soát giáo dục
nhằm xóa bỏ nguồn gốc người Tây Tạng
Trong nhiều thập niên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) toan tính thay đổi nhân khẩu học, đàn áp văn hóa và cưỡng chế bằng vũ lực, nhằm đồng hóa hoặc Hán hóa Tây Tạng. Đảng đang xiết chặt kiểm soát khu vực tự trị về giáo dục, chuẩn bị sẵn một tương lai sau khi Đạt Lai Lạt Ma 84 tuổi qua đời.
Tờ OZY thông tin, kể từ tháng 5/2017, có ít nhất hai trường học ở Lhasa, một trường ở Chamdo – thành phố lớn thứ 3 ở Khu Tự trị Tây Tạng (TAR) và một trường ở thành phố Lhoka, cảnh báo phụ huynh phải dừng việc cho con cái họ tham gia các lớp học tại các tu viện. Thông báo gửi trường Chamdo còn cho biết “các cơ quan thẩm quyền cao hơn sẽ bí mật theo dõi, và những người vi phạm quy định sẽ bị xử lý”.
Vào tháng 12/2018, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương đảng chuyên giám sát chính sách liên quan các nhóm thiểu số, trực tiếp ban hành một lệnh cho các cơ quan chức năng của đảng tại tỉnh Thanh Hải – lân cận TAR – phải đảm bảo ngăn chặn được các lớp học không chính thức do các nhà sư trong tu viện tổ chức. Lệnh này mô tả các lớp học là “nguy hiểm” nhằm “xâm nhập ý thức hệ người trẻ”.
Trung Quốc đã gia tăng việc đưa trẻ em Tây Tạng tới học ở các trường nội trú được gọi là ‘neidi’ do nhà nước quản lý bên ngoài khu vực tự trị. Những trường này đã có từ năm 1985, cho đến năm 2005, có tổng cộng 25.000 học sinh người Tây Tạng.
Giám đốc điều hành Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ Tây Tạng, Tsering Tsomo cho biết, khi các học sinh được đưa khỏi Tây Tạng, họ sẽ học tập dưới sự kiểm soát: “Học sinh Tây Tạng không được phép tiếp xúc với người ngoài, những học sinh lớn chỉ được phép ra khỏi khu nội trú nếu có giáo viên đi kèm. Đây là một sự tăng tốc chính sách Hán hóa người Tây Tạng”.
Đồng thời, chính phủ Trung Quốc đang thắt chặt sự tiếp cận các nền tảng giáo dục Tây Tạng.
Vào tháng 5/2017, các phụ huynh có con em của trường tiểu học Jebumgang ở Lhasa đã nhận được lệnh không cho con cái họ “tham gia vào bất kỳ hoạt động mê tín hay tôn giáo nào” vào tháng tư theo lịch âm, thời điểm diễn ra các nghi lễ tôn giáo và tới các tu viện theo phong tục của người Tây Tạng.
Vào tháng 5/2018, trường mẫu giáo Chamdo đưa ra một lệnh cảnh báo các bậc cha mẹ rằng nếu cho con nghỉ bất kỳ một ngày học nào ở trường và sau đó bị phát hiện là bí mật đưa con đến tu viện tham gia ngày hội tôn giáo thì gia đình của trẻ sẽ bị báo cáo thẳng tới cơ quan giáo dục thành phố.
Vào tháng Tám năm ngoái, một trường trung học phổ thông ở Lhasa ép phụ huynh phải ký cam kết phải ngừng việc cho con tham gia cá hoạt động tôn giáo khác nhau. Nếu họ đưa con em tới các lớp học do các trung tâm tôn giáo tổ chức thì phải chịu hình phạt nghiêm khắc bao gồm việc bị xóa khỏi danh sách nhận phúc lợi và trợ cấp của chính phủ. Chỉ riêng tại một quận của Tây Tạng, khoảng 1.000 đến 1.500 học sinh bị cấm tham dự các lớp học bảo tồn Phật giáo Tây Tạng và văn hóa của khu vực này.
Theo OZY, ĐCSTQ đã chuẩn bị trong một thập niên cho một chính sách di chuyển người du mục Tây Tạng vào các khu định cư mới. Kể từ năm 2009, chính sách này đã tăng tốc với chủ trương “tăng số lượng người Tây Tạng phụ thuộc vào chính phủ vì kế sinh nhai”.
Bà Tsering Tsomo nói rằng, “chính sách này rất nham hiểm” và rất hiệu quả, bởi việc đe dọa bị xóa khỏi danh sách nhận trợ cấp và các chương trình phúc lợi xã hội, khiến người Tây Tạng tuân phục những cảnh báo của Bắc Kinh.
Âm mưu của Trung Quốc khi tìm mọi cách
hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam
Từ cuối tháng 6/2019 đến nay, Trung Quốc công khai cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vừa sách nhiễu công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng Bãi Tư Chính, vừa khảo sát một khu vực ngoài khơi miền Nam Trung Bộ. Hành động phi pháp trên của Trung Quốc là nhằm thực hiện một số mưu đồ thâm hiểm trên thực địa.
Ấm mưu nham hiểm của Trung Quốc
Chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III, Đại Học Ateneo de Manila, Philippines nhận định, việc Trung Quốc đang tăng cường cản trở các hoạt động kinh tế trên biển chính đáng và hợp pháp của các láng giềng, cũng như gây áp lực đối với các công ty nước ngoài, buộc họ ngừng hoạt động thăm dò, không chỉ bên trong “đường 9 đoạn” bị coi là không có giá trị pháp lý, mà cả trong vùng biển tiếp giáp là nhằm:
Thứ nhất, Trung Quốc giờ đây đã nắm được Philippines, cho nên đã tương đối rảnh tay để đối phó với Việt Nam. Trước đây, trong số những nước có tranh chấp ở Biển Đông, Philippines và Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc phản đối các yêu sách quá trớn của Trung Quốc. Nhưng với việc Manila đang càng lúc càng sẵn sàng đồng khai thác với Bắc Kinh, Trung Quốc đã có thể tập trung đối phó với cản lực còn lại là Hà Nội.
Thứ hai liên quan đến tập đoàn dầu hỏa Mỹ ExxonMobil, hiện là đối tác của Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Exxon sắp đưa ra quyết định về việc có nên tiếp tục đầu tư hay không, không riêng gì ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, từ Na Uy cho đến Vịnh Mêhicô. Bắc Kinh có lẽ đã muốn gây sự cố để khuyến khích Exxon thoái vốn ra khỏi Việt Nam. Trên vấn đề này, Trung Quốc muốn lập lại kịch bản trước đây, khi sức ép của Trung Quốc đã thành công, buộc được tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha rút đi.
Thứ ba là ý đồ tác động đến chuyến thăm Mỹ từng được dự kiến của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, với hồ sơ Cá Voi Xanh được cho là sẽ hiện diện trong chương trình nghị sự. Đã có nhiều nguồn tin là quan chức thuộc tập đoàn dầu khí PetroVietnam, đối tác của ExxonMobil trong dự án, sẽ tham gia phái đoàn thăm Mỹ.
Thứ tư là Việt Nam sắp đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm tới và Hà Nội có thể sẽ sử dụng cơ hội này để thúc đẩy một sự đồng thuận khu vực vững chắc hơn nhằm đẩy lùi các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ năm, vào năm 2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Bắc Kinh có thể muốn chứng minh là Đảng đã thành công trong việc bảo vệ quan điểm được mở rộng về lãnh thổ, quyền hàng hải và an ninh quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể tính toán rằng Việt Nam sẽ không để tái diễn các cuộc bạo loạn như vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh cho cắm một giàn khoan nước sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vì bạo động có thể khiến các nhà đầu tư sợ hãi vào thời điểm Việt Nam đang thu hút các công ty chạy trốn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Trung Quốc sẽ không đạt được ý đồ ở Biển Đông
Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của Việt Nam, cũng như cộng đồng quốc tế để tiến hành các hoạt động phi pháp trong vùng biển Việt Nam sẽ không đạt được ý đồ mà Bắc Kinh đưa ra. Không những vậy, hành động trên của Trung Quốc có thể bị phản tác dụng, khiến Bắc Kinh “mất cả chì lẫn chài” trong vấn đề Biển Đông.
Theo đó, hành động của Trung Quốc có thể nâng cao hơn nữa quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi kinh tế trên biển của mình; thúc đẩy chính phủ Mỹ ủng hộ Exxon để chống lại áp lực của Trung Quốc và thúc đẩy ASEAN đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc muốn loại trừ các công ty nước ngoài khác, không cho đầu tư vào các dự án năng lượng ngoài khơi của họ. Mặt khác, cho dù phương án của Hà Nội đối phó với Bắc Kinh còn hạn chế, cơ sở pháp lý yếu kém của các yêu sách Trung Quốc vẫn là một lỗ hổng mà Việt Nam có thể khai thác bằng cách đưa vụ việc ra một định chế quốc tế, như Philippines đã làm vào năm 2013.
Không những vậy, các nước láng giềng đang chống lại áp lực của Trung Quốc để phát triển các mỏ khí đốt nằm trong EEZ của mình. Trong khi đó, mặc dù Philippines đã đồng ý trên nguyên tắc về một kế hoạch hợp tác chung nhưng thỏa thuận chính thức vẫn chưa được ký kết. Trung Quốc cũng không thể ngăn cản các công ty dầu khí nước ngoài làm việc với các quốc gia duyên hải khác. Ngay cả Nga, được cho là đối tác thân thiết với Trung Quốc, cũng có hợp tác trong hoạt động dầu khí ở Biển Đông với các nước ASEAN.
Thái độ chính đáng của Việt Nam
Liên quan vụ tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (3/10) cho biết, theo cơ quan chức năng Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu trên và không để tái diễn các vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.
Về phát biểu của phía Trung Quốc cho rằng, hoạt động dầu khí của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lập trường của Việt Nam đã được nêu rõ trong phát biểu ngày 12/9: “Khu vực mà Trung Quốc gọi là bãi Vạn An thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian vừa qua đã khẳng định rõ điều này”.
TQ chặn ASEAN tiếp cận
nguồn tài nguyên 2,5 nghìn tỷ đô la ở Biển Đông
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Bắc Kinh có hành động khiêu khích tại Biển Đông khi ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á tiếp cận nguồn năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la trong khu vực.
Tờ Philstar thông tin, hôm 16/10, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell đã báo cáo trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng, yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc đối với Biển Đông là bất hợp pháp và phi lý.
Ông Stilwell nói: “Thông qua các hành động khiêu khích liên tục nhằm khẳng định đường chín đoạn, Bắc Kinh đang ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng có thể tái tạo trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ đô la, đồng thời làm gia tăng bất ổn và nguy cơ xung đột”.
Ông Stilwell cho rằng, các yêu sách của Bắc Kinh đối với tuyến đường thủy đang tranh chấp không có cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như địa lý. Vào tháng 7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết vô hiệu hóa yêu sách đường chính đoạn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc bác phán quyết này và tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông một cách phi pháp.
Washington cũng lo ngại về sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (C.O.C) với các thành viên khối ASEAN, bao gồm Việt Nam, Philippines.
Ông Stilwell nói: “Trong khi tuyên bố rằng họ cam kết ngoại giao hòa bình, thực tế là các lãnh đạo Trung Quốc thông qua lực lượng Hải quân, các cơ quan thực thi pháp luật và dân quân hàng hải, tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác”.
Đầu năm nay, Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu hải quân, tàu bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá ở vùng lân cận đảo Thị Tứ ở Trường Sa. Trung Quốc cũng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển gần Bãi Tư Chính.
Ông Stilwell nói rằng: “Nếu Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông được Trung Quốc sử dụng nhằm hợp pháp hóa các hành vi nghiêm trọng và những yêu sách hàng hải bất hợp pháp, cũng như trốn tránh các cam kết mà Bắc Kinh đã ký kết theo luật quốc tế, thì Bộ quy tắc này sẽ gây thiệt hại cho khu vực và cho tất cả những ai coi trọng quyền tự do trên biển”.
Trích dẫn Đạo luật Sáng kiến Tái Đảm bảo Châu Á (Asia Reassurance Act – ARIA) của Mỹ năm 2018, ông Stilwell nhấn mạnh, Washington tiếp tục đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động hợp pháp trên biển.
Ông Stilwell cũng cho biết, trong năm 2019, Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông hơn bất cứ năm nào trong 25 năm qua.
Đông Nam Á – căn cứ địa của tội phạm lừa đảo người TQ
Tổng kết hoạt động chống tội phạm lừa đảo của cảnh sát các địa phương Trung Quốc đã cho thấy Đông Nam Á là căn cứ địa của tội phạm lừa đảo người Trung Quốc.
Ngày 6/8/2019, Cục Điều tra Hình sự của Bộ Công an Trung Quốc cho biết, từ đầu năm 2019, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 51.000 nghi phạm liên quan đến 58.000 vụ lừa đảo qua mạng bị phá, tăng lần lượt 32% và 3%, giúp dân chúng tránh được thiệt hại kinh tế tới 13,5 tỷ Nhân dân tệ. Bên cạnh đó, hoạt động chống tội phạm lừa đảo ở nước ngoài cũng đạt kết quả đáng kể.
Theo trang tin Chinanews, ngày 15/10 vừa qua, Công an tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã thuê máy bay để đưa về nước 136 tội phạm lừa đảo qua mạng bị bắt tại Lào sau khi phá vỡ thành công vụ đại án lừa đảo qua mạng rộng khắp các tỉnh thành liên quan đến hơn 1.200 vụ lừa đảo. Cảnh sát đã phá vỡ 15 ổ nhóm lừa đảo, thu được tang vật hơn 21 triệu NDT cùng rất nhiều máy tính, điện thoại… dùng để gây án.
Trước đó, ngày 10/6, cảnh sát Trung Quốc và Campuchia đã triển khai một hành động “thu lưới” ở thành phố cảng Sihanoukville, phá vỡ 3 ổ nhóm, bắt giữ 68 nghi phạm và thu giữ một số lượng lớn công cụ sử dụng phạm tội lừa đảo qua mạng như thẻ ngân hàng, máy tính và điện thoại di động. Ngày 17 tháng 6, cảnh sát Trung Quốc và Campuchia đã bắt giữ nốt 5 nghi phạm đang lẩn trốn ở thủ đô Phnom Penh rồi dẫn giải về Trùng Khánh.
Đây chỉ là một vài trong số hàng mấy chục vụ người Trung Quốc phạm tội lừa đảo qua mạng ở các nước Đông Nam Á bị bắt và dẫn độ về nước.
Các tội phạm lừa đảo qua mạng bắt ở Campuchia bị dẫn giải về Tứ Xuyên.
Văn phòng phối hợp Liên bộ của Quốc Vụ viện Trung Quốc về trừng trị loại tội phạm mới lừa đảo qua mạng vừa ra quyết định: kể từ ngày 14/10/2019, thực hiện các biện pháp dừng các tài khoản mạng xã hội và phong tỏa việc thanh toán qua các mạng các loại thẻ QQ, WeChat, Alipay, POS, v.v. ở khu vực Myanmar là vùng trọng điểm về hoạt động lừa đảo qua mạng. Chủ đề “Lừa đảo qua mạng Đông Nam Á – Trung Quốc” một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận.
Kể từ đầu năm 2019 đến nay, qua tổng kết hoạt động chống tội phạm lừa đảo của cảnh sát các địa phương Trung Quốc cho thấy: rất nhiều nơi theo dõi, truy tìm các nghi phạm lừa đảo trên mạng ở trong nước đều dẫn tới nhiều hang ổ nằm ở Đông Nam Á, các tội phạm lừa đảo người Trung Quốc đã biến khu vực này trở thành một “căn cứ địa lừa đảo” lớn ở châu Á. Kể từ năm 2016, Bộ Công an Trung Quốc đã tới Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Myanmar và các quốc gia khác để trấn áp 10 vụ người Trung Quốc phạm tội lừa đảo qua mạng từ nước ngoài, phá vỡ 26 ổ nhóm phạm tội hình sự, bắt giữ hơn 400 nghi phạm và 8 lần thuê máy bay dẫn giải nghi phạm về nước trị tội.
Ví dụ, năm 2016, Trung Quốc và Malaysia đã hợp tác phát hiện vụ án lừa đảo qua mạng, bắt giữ 74 nghi phạm đưa về Trung Quốc. Năm 2017, 25 công dân Trung Quốc đã bị bắt vì buôn bán ma túy và lừa đảo qua mạng ở Philippines. Theo tính toán, số kẻ lừa đảo tập trung ở khu vực Đông Nam Á có ít nhất 300.000 người. Điều quan trọng hơn là mục tiêu lừa đảo của những kẻ này về cơ bản là người Trung Quốc sống trong nước. Vậy tại sao Đông Nam Á lại trở thành “căn cứ lừa đảo” của người Trung Quốc từ nước ngoài lừa người Trung Quốc ở trong nước?
Các chuyên gia tiến hành phân tích, cho rằng có ba lý do chính. Thứ nhất, quan hệ thương mại của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á khá mật thiết, khối lượng thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN liên tục tăng trưởng. Những khoản tiền lớn giao dịch qua lại đã giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng lợi dụng những kẽ hở ở cả hai phía để thừa cơ kiếm lợi.
Thứ hai, thị thực dễ dàng. Người Trung Quốc dễ dàng xin và được chấp thuận khi xin visa tới các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, về mặt địa lý, Đông Nam Á là các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Thị trường hai khu vực được kết nối và lưu thông rất thuận tiện. Mức độ tiêu dùng ở đây cũng khá thấp, chi phí lao động thấp và tập quán văn hóa cũng gần với Trung Quốc, vì vậy rất để hòa nhập với môi trường địa phương. Đó là một môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nhân Trung Quốc, đồng thời cũng thu hút nhiều tội phạm lừa đảo người Trung Quốc.
Cuối cùng, chính quyền địa phương các nước này quản lý lỏng lẻo các vụ việc liên quan đến Trung Quốc. Theo thông tin công khai, các vụ người Trung Quốc lừa đảo nhiều nhất đều xảy ra ở các quốc gia có quan hệ tốt với Trung Quốc như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Malaysia. Các vụ lừa đảo ở các quốc gia này chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực: gian lận viễn thông, lừa đảo cờ bạc trực tuyến và lừa đảo tiền vốn và đã sớm trở thành hệ thống khép kín.
Tại sao các phần tử lừa đảo người Trung Quốc lại có một hệ thống lừa đảo hoàn chỉnh như vậy tại các quốc gia này, nguyên nhân quan trọng là do chính quyền địa phương “không quản lý chặt người Trung Quốc”. Chính sự buông lỏng các vụ việc liên quan đến người Trung Quốc của các nước Đông Nam Á đã bị những kẻ lừa đảo Trung Quốc lợi dụng để thiết lập các tụ điểm ở nhiều nước Đông Nam Á rồi lừa đảo khắp Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến Đông Nam Á trở thành căn cứ của những kẻ lừa đảo người Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30983-dong-nam-a-can-cu-dia-cua-toi-pham-lua-dao-nguoi-tq.html
TQ có cửa thay Mỹ thống trị thế giới trong thế kỷ 21?
Chiến trường Syria là một bằng chứng cho thấy cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi theo hướng khó dự báo. Khi vị thế của Mỹ lung lay cũng là lúc các sức mạnh “ẩn mình chờ thời” trỗi dậy.
Những ngày qua, việc Mỹ rút quân khỏi Syria, người Kurd quay lưng với phương Tây, rồi dẫn đến các lực lượng Nga, Iran và quân chính phủ Syria mở rộng phạm vi kiểm soát… được xem là “bước ngoặt” kịch tính đối với khu vực Trung Đông.
Giới quan sát phấn khích nhận định những chuyển biến ở Syria dự báo hồi kết cho vai trò đầu tàu của Mỹ trong khu vực, thậm chí là vị thế thống trị toàn cầu của Washington.
Báo The Hill của Mỹ thậm chí so sánh sự kiện lần này với quyết sách “Đông Suez” của Anh năm 1968 – rút hết quân khỏi Đông Nam Á, Vịnh Ba Tư và quần đảo Maldives – đánh dấu sự tan rã của sức mạnh Đế quốc Anh hậu Thế chiến thứ 2.
Câu hỏi đặt ra là nếu cuộc khủng hoảng Syria quả thực là “thời khắc chuyển biến”, ai là ứng viên cho chiếc vương miện “cường quốc số 1”?
Trung Quốc có cửa thay Mỹ thống trị thế giới trong thế kỷ 21? – Ảnh 2.
Trung Quốc không giấu giếm tham vọng cường quốc trong thế kỷ 21 – Ảnh: REUTERS
Khó dự báo, nhưng không bất ngờ
Theo báo The Guardian, sự thoái lui dần của Mỹ trên trường quốc tế được công nhận rộng rãi, nhưng khó để xác định khi nào một thời điểm cụ thể, mang tính quyết định, xảy ra; có thể đến hàng trăm năm sau các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn tranh cãi về điều này.
Một ví dụ khá sinh động: Có lần, khi được hỏi về tầm quan trọng của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, cố thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trả lời ngắn gọn: “Còn quá sớm để nói”.
Nhìn chung, những thay đổi lớn trong cân bằng địa chính trị và chiến lược ít khi diễn ra bất ngờ, thường nó là kết quả của nhiều quyết sách chính trị, động thái quân sự, tai nạn và cả tính toán sai lầm trong nhiều năm.
Những nỗ lực không thành trong việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, kết hợp với lời hứa tranh cử “chấm dứt mọi cuộc chiến ở nước ngoài” của ông Donald Trump năm 2016, mối hận thù lâu năm giữa người Thổ và người Kurd… là những sự kiện tiền đề dẫn đến thay đổi lớn vừa qua.
Việc Nga mở rộng sức ảnh hưởng ở Trung Đông cũng không diễn ra mới đây.
Từ khi can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, Tổng thống Vladimir Putin đã khéo léo khai thác chính sách mơ hồ, thiếu nhất quán của Mỹ; trong lúc ông Trump lo đối đầu với Iran, ông Putin thận trọng thiết lập quan hệ hợp tác với cả bạn lẫn thù, bao gồm Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập… dựa trên lợi ích đan xen.
Nói như ông Chu Ân Lai, vẫn còn sớm để nhận định việc Mỹ rút quân là một bước ngoặt. Tuy nhiên, các biến động ở Syria là bằng chứng rõ nhất cho thấy cán cân sức mạnh toàn cầu đang dịch chuyển, chỉ có điều không ai rõ nó sẽ đi về đâu và hậu quả ra sao.
Trật tự thế giới mới
Trật tự thế giới cũ do Mỹ thống trị đã yếu đi là một thực tế, nhưng ai sẽ vượt lên dẫn đầu lại là dấu hỏi. Bốn thế lực chính của thế giới vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu.
Nói về Nga, với những gì được kế thừa từ cố Tổng thống Boris Yeltsin, ông Putin đã làm rất tốt công việc của mình. Tuy nhiên, bên cạnh thành công về ngoại giao và quân sự, đặc biệt ở Trung Đông, Nga không thể khỏa lấp được những điểm yếu nội tại: đầu tư yếu, lệ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, hạ tầng và an sinh xã hội còn nghèo nàn…
Trong khi đó, Trung Quốc với túi tiền rủng rỉnh không giấu giếm tham vọng quay lại thời hoàng kim. Kế hoạch “Vành đai, Con đường” đổ tiền vào hơn 150 quốc gia có lẽ là chiến lược bành trướng toàn cầu quy mô, tốc độ nhất từng được triển khai trong lịch sử.
Bắc Kinh gọi đó là “hợp tác cùng có lợi”, người chỉ trích thì gọi là “cái bẫy nợ tàn nhẫn”. Dù là gì, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn và cạnh tranh hơn trong quan hệ với các cường quốc khác, nhất là với Mỹ.
Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) không ngừng hiện đại hóa, còn các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei đủ sức chen lấn với đối thủ phương Tây trong các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng hạt nhân…
Nếu loại trừ một châu Âu đang chia rẽ và tiềm lực không còn như xưa, thì gọi là “đủ sức đương đầu với Trung Quốc” chỉ còn lại Mỹ. Đây vẫn là quốc gia dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng như kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, y khoa, khám phá không gian… và gần đây đã trở thành nhà sản xuất dầu thô, khí đốt lớn nhất thế giới.
Trên hết, Mỹ vẫn là sức mạnh quân sự số 1. Người ta nói ông Trump đã thay đổi vĩnh viễn hình ảnh nước Mỹ, điều đó có thể đúng, nhưng những người kế nhiệm của ông, dù là ai, chắc chắn sẽ làm mọi cách để ngăn việc phải trao chiếc vương miện “soái ca” cho Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30979-tq-co-cua-thay-my-thong-tri-the-gioi-trong-the-ky-21.html
Doanh nghiệp ngoại e dè
trước lời hứa mở cửa thị trường của TQ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tiếp tục xóa bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với doanh nghiệp ngoại. Thế nhưng khối doanh nghiệp lại tỏ ra thận trọng trước lời hứa này.
Chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh công bố kết quả tăng trưởng kinh tế quý 3-2019, ông Tập đã nhắc lại lời hứa tiếp tục mở cửa thị trường nội địa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính ngày 19-10 đã đọc bức thư chúc mừng của Chủ tịch Tập gửi tới Hội nghị Doanh nghiệp đa quốc gia Thanh Đảo. Trong đó, ông Tập viết: “Cánh cửa của Trung Quốc sẽ chỉ mở rộng hơn nữa, môi trường kinh doanh chỉ trở nên tốt hơn nữa và các cơ hội dành cho doanh nghiệp đa quốc gia trên toàn thế giới sẽ chỉ nhiều hơn nữa”.
Ngoài ra, chủ tịch Trung Quốc cũng ca ngợi vai trò của các công ty đa quốc gia trong quá trình mở cửa và đổi mới của Trung Quốc suốt 4 thập kỷ qua.
“Chỉ khi thế giới tốt đẹp, Trung Quốc mới tốt đẹp. Chỉ khi Trung Quốc tốt đẹp, thế giới mới có thể tốt hơn”, ông Tập nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết mở cửa thị trường hơn nữa cho doanh nghiệp ngoại – Ảnh: AFP
Mặc cho giọng văn lạc quan, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang tỏ ra thận trọng với thông điệp của ông Tập, theo South China Morning Post.
Lý do xuất phát từ mô hình kinh tế do nhà nước chi phối tại Trung Quốc. Đây cũng là một trong những vấn đề cốt lõi khiến Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại với quốc gia này.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng tỏ ra e ngại trước nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn doanh nghiệp ngoại đề cập tới các vấn đề chính trị nhạy cảm.
Theo SCMP, các công ty nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về các rào cản họ phải đối mặt khi cố gắng tiếp cận thị trường Trung Quốc. Những công ty này cũng cảm thấy bất công trước những ưu đãi mà Bắc Kinh dành cho doanh nghiệp quốc doanh của mình.
Dù Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần hứa cải cách khối doanh nghiệp công, các công ty ngoại vẫn phàn nàn vì quá trình này tiến triển chậm chạp.
Ông Sheman Lee – giám đốc điều hành Tập đoàn truyền thông Forbes Global – phát biểu tại Hội nghị Thanh Đảo rằng doanh nghiệp ngoại đang đối mặt với môi trường thương mại nhiều thách thức tại Trung Quốc.
“Tăng trưởng của doanh nghiệp đa quốc gia tại Trung Quốc diễn ra rất chậm những năm gần đây do thách thức ngày càng lớn từ các hãng địa phương, một thị trường dần bão hòa và chi phí hoạt động tăng”, ông Lee phát biểu.
Tương tự, ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, cho biết nhiều công ty đa quốc gia không muốn tung ra các sản phẩm tốt nhất ở thị trường Trung Quốc vì sợ mất tài sản trí tuệ của mình.
Trung Quốc gay gắt đả kích Mỹ
tại diễn đàn quốc phòng Bắc Kinh
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc hôm 21/10 đả kích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nói rằng Bắc Kinh không hề nao núng trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, hay áp lực và chính sách ‘cây gậy’ của Mỹ, đồng thời lặp lại lời đe dọa sẽ dùng sức mạnh quân sự để buộc chế độ dân chủ tự trị của đảo Đài Loan phải chấp nhận quyền cai trị từ Bắc Kinh.
Tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc , không trực tiếp nêu tên Hoa Kỳ trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Tương Sơn, một hội nghị thường niên ở Bắc Kinh theo khuôn mẫu các hội nghị đa phương như Đối thoại Shangri-la ở Singapore.
Nhưng ông Ngụy lặp lại những luận điệu mà Bắc Kinh thường đưa ra, tố cáo Washington và các đồng minh phương Tây là theo đuổi chính sách nhằm kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Trong bài diễn văn khai mạc diễn đàn quanh chủ đề ‘Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương’.Tướng Ngụy Phượng Hòa tuyên bố ‘Không một ai và không một lực lượng nào có thể ngăn cản bước tiến của Trung Quốc hướng tới việc sáp nhập Đài Loan.
Ông Ngụy nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép các phần tử ly khai tranh đấu cho một Đài Loan độc lập, nắm được cơ hội, và cũng không cho phép bất kỳ lực lượng bên ngoài nào can thiệp vào vấn đề Đài Loan.
Viên tướng TQ tuyên bố: “Thống nhất với mẫu quốc là hướng đi dúng và các hoạt động ly khai rồi sẽ thất bại”.
Đài Loan tách ra khỏi Trung Quốc trong cuộc nội chiến năm 1949 và từ đó tới nay được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quân đội và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, bất chấp Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan.
Đề cập đến điều mà Trung Quốc coi là hành động can thiệp không chính đáng của Hoa Kỳ vào các vấn đề nội bộ của các nước khác, ông Ngụy tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận cũng như không hề nao núng trước các hành động của Washington.
Viên tướng Trung Quốc tung ra những phát biểu đó giữa lúc căng thẳng đang lên cao giữa hai nước về một loạt vấn đề kinh tế và an ninh, từ thương mại và chuyển giao công nghệ cho tới các vấn đề Hồng Kông và Biển Đông.
Về phía Hoa Kỳ, các quan chức Mỹ cũng đưa ra những đánh giá cứng rắn về các cố gắng của Trung Quốc nhằm gạt Mỹ ra ngoài để trở thành cường quốc quân sự hàng đầu ở Châu Á.
Trong cuộc điều trần hôm thứ Tư vừa rồi trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ David R. Stilwell nhận định rằng Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc đang theo đuổi một tầm nhìn khác có tính đàn áp đối với khu vực. Tầm nhìn đó áp đặt một trật tự mới có lợi cho Trung Quốc, và đặt Bắc Kinh vào vị thế cạnh tranh chiến lược với tất cả những ai muốn duy trì một trật tự tự do và cởi mở giữa các quốc gia có chủ quyền trong một trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.
Về cuộc tranh chấp Biển Đông, ông Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách vác vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông thể hiện qua cái gọi là đường 9 đoạn ‘phi lý’ của họ, là ‘không có cơ sở pháp lý, lịch sử và địa lý’.
Ông Stilwell đặc biệt chỉ trích việc Trung Quốc tuyên bố theo đuổi một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển gọi là hòa bình với các bên khác trong khi cùng lúc sử dụng hải quân, lực lượng cảnh sát biển và các tác nhân khác để bắt nạt các nước láng giềng như Việt Nam, và củng cố các yêu sách chủ quyền trong khu vực bằng cách xây dựng các tiền đồn trên các đảo nhân tạo.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-gay-gat-da-kich-my-tai-dien-dan-quoc-phong-bac-kinh/5133008.html
Trung Quốc và Úc
kết thúc diễn tập chung trên đảo Hải Nam
Quân đội Trung Quốc và Australia đã kết thúc cuộc huấn luyện quân sự chung trên đảo Hải Nam của Trung Quốc, Reuters đưa tin, dẫn lại Tân Hoa Xã hôm 20/10.
Cuộc huấn luyện có tên gọi “Panda – Kangaroo 2019” bắt đầu ngày 10/10 và kết thúc ngày 19/10 với sự tham gia của 10 binh sĩ và sĩ quan mỗi bên.
Theo Tân Hoa Xã, cuộc thao dượt “tập trung vào việc rèn luyện kỹ năng quân sự, ý chí và tinh thần đồng đội của người tham gia”.
Mỹ thử tên lửa mới ở Thái Bình Dương cùng lúc Trung Quốc phô diễn vũ khí
Reuters nhận định rằng cuộc huấn luyện chung được tiến hành trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang xấu đi, nhất là sau khi Trung Quốc hồi tháng Tám bắt một nhà văn Úc gốc Hoa vì bị nghi làm gián điệp, trong khi Canberra bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong tuyên bố hồi đầu tháng này, theo Reuters, Bộ Quốc phòng Úc nói rằng cuộc huấn luyện quân sự “Padaroo” nhằm mục đích “thiết lập mối quan hệ vững mạnh giữa người dân cũng như sự thấu hiểu lẫn nhau”.