Tin Việt Nam – 17/10/2019
Công an bắt giam bà Đặng Thị Huệ
sau các cuộc phản đối BOT
Tối 16/10/2019, bà Đặng Thị Huệ hay còn có tên gọi khác là Huệ Như – một người thường lên tiếng phản đối các trạm thu phí BOT có vấn đề bị công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bắt giữ và dẫn giải về quê nhà ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình khám xét, vì cáo buộc có hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Bà Trần Thị Thu Thủy, một người chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện và thực hiện live stream trên Facebook buổi khám xét nhà bà Huệ Như, nói với Đài Á Châu Tự Do vào chiều 17/10 như sau:
“Tôi với chị Huệ vừa ngồi xuống quán nước ở ven đường đế uống nước thì họ lao vào bắt. Chị Huệ bảo các anh định làm gì, họ nói chúng tôi có quyết định bắt giữ.
Họ đưa cho chị Huệ một nắm giấy tờ nhưng không cho chị Huệ đọc mà cả chục người lôi chị lên xe biển xanh của cảnh sát trước sự chứng kiến của tôi và rất nhiều người,” chị Thủy thuật lại vụ việc vào tối 16/10.
Các đoạn video quay trực tiếp vào tối 16/10 cho thấy hàng chục công an thường phục và sắc phục khám xét căn hộ của bà Đặng Thị Huệ ở Thái Bình.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện cho Công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội vào chiều ngày 16, người trực ban cho biết sẽ xem lại vụ việc và thông báo sau, tuy nhiên các cuộc gọi sau đó không có người bắt máy, hoặc bắt máy nhưng không nói chuyện.
Chúng tôi cũng gọi cho ông Lê Ngọc Ly, Trưởng công an huyện Sóc Sơn theo số điện thoại ghi trên cổng thông tin điện tử chính thức của huyện này, tuy nhiên người này từ chối mình là Trưởng công an.
Bà Thu Thủy là người cùng với bà Đặng Thị Huệ tham gia các cuộc phản đối BOT Tân Đệ hay Bắc Thăng Long – Nội Bài. Người này cho biết khả năng bà Huệ bị bắt giam bắt nguồn từ vụ việc bà từ chối trả tiền phí để phản đối trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài hôm 11-6 dẫn đến việc bà Huệ bị giữ trong 12 giờ và chiếc ô tô đó đến giờ vẫn chưa được trả lại.
Sau vụ việc, bà Huệ khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải do đồng ý để Công ty CP BOT Vietracimex 8 đặt trạm trên con đường đã hết hạn thu phí từ lâu và thu phí cho tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên.
Bà Huệ cũng đồng thời khởi kiện việc bắt giữ người trái phép, giữ xe và việc bị hành hung dẫn đến xẩy thai.
Trước việc chỉ tham gia phản đối BOT “bẩn” nhưng lại bị bắt giam vì tội gây rối, bà Thủy cho rằng công an đang dồn người dân đến bước đường cùng.
“Tôi nghĩ rằng công an huyện Sóc Sơn, Bộ công an, ngành công an nói chung đã dồn người dân đến bước đường cùng. Họ đã đứng bảo kê cho BOT bẩn, đứng giữa giao dịch dân sự giữa người dân và doanh nghiệp, bảo kê cho doanh nghiệp.
Đuổi cùng giết tận người dân khi người ta cất tiếng nói để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình,” bà Thủy nói qua ứng dụng Messenger.
Bà Đặng Thị Huệ sinh năm 1981, là một nhân viên hành chính của trường tiểu học ở Thái Bình. Bà nhiều lần tham gia phản đối các trạm BOT cùng với ông Hà Văn Nam, các trạm này bị cho là đặt không đúng vị trí mà vẫn lạm thu người dân.
Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ khoảng 10 tài xế tham gia phản đối các trạm thu phí trong đó có ông Hà Văn Nam bị tuyên án 30 tháng tù giam vì cáo buộc “gây rối”. Ông Hà Văn Nam sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 18/10 tới đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-arrested-bot-protester-10172019094924.html
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Hải An chết
vì rơi từ tầng 8
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, ông Lê Hải An được phát hiện rơi từ tầng 8 tòa nhà trụ sở Bộ Giáo dục – Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt, TP Hà Nội) xuống đất và đã tử vong.
Từ Mỹ nhìn về giáo dục ở Việt Nam
Tiếng Việt thời ‘Công nghệ giáo dục’
Theo báo điện tử VnExpress ở trong nước, đến 9h20, một xe biển quân đội đã chở thi thể ông An đến nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.
Điều này đang đặt ra nhiều câu hỏi trên mạng xã hội về sự vội vã trong việc đưa thi thể ông An ra làm tang lễ sau một cái chết gây chấn động dư luận.
Thông cáo chính thức của Bộ GD-ĐT trên website của bộ nêu: “Ông Lê Hải An, sinh năm 1971, ủy viên Ban cán sự đảng, bí thư Đảng ủy Bộ, thứ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo, do tai nạn đã từ trần vào lúc 7h10 ngày 17/10/2019 (tức ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Hợi). Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng ông Lê Hải An sẽ được thông báo sau.”
Các đơn vị của Công an TP Hà Nội, Công an quận Hai Bà Trưng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường.
Nguyên nhân cái chết của ông An đang được công an điều tra.
Tòa nhà nơi ông An rơi gồm 8 tầng, trong đó căng tin nằm trên tầng tám.
Báo trong nước cho hay, theo nhiều cán bộ Bộ GD-ĐT, ông An thường đến căng tin ăn sáng và trở về phòng làm việc ở tầng hai của tòa nhà này.
Theo lịch công tác, sáng 17/10, ông An cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ làm việc với Hội đồng Quốc gia giáo dục tại trụ sở Bộ.
Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016 – 2021, người cũng đến trụ sở Bộ GD-ĐT để tham gia cuộc họp sáng nay, viết trên Facebook cá nhân:
“Chúng tôi làm việc với nhau tuy không lâu, nhưng biết An là người có năng lực và nhiệt huyết trong việc cải tổ giáo dục đại học. Một mất mát lớn cho tương lai ngành giáo dục.”
Quá trình làm việc của ông An
Ông Lê Hải An sinh năm 1971 tại Hà Nội. Ông là con trai út của Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây tại Việt Nam.
Ông từng học Đại học Thăm dò địa chất tại Moskva (Nga), Thạc sĩ dầu khí tại Đại học Tổng hợp Brunei và Tiến sĩ dầu khí tại Đại học Heriot-Watt, Anh.
Ông An bắt đầu làm việc tại Trường đại học Mỏ – Địa chất từ tháng 12-1995 với vai trò trợ giảng bộ môn địa vật lý, khoa Dầu khí; rồi trở thành giảng viên chính thức và sau đó là Trưởng khoa Dầu khí của trường này.
Năm 2010, ông được công nhận chuẩn chức danh Phó Giáo sư và là Phó Hiệu trưởng từ năm 2011-2014.
Từ năm 2014, ông An là Bí thư, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất.
Tháng 11/2018, ông An được bổ nhiệm chức Thứ trưởng GD-ĐT, phụ trách giáo dục đại học, báo chí truyền thông, địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…
Tháng 2/2019, ông giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ GD-ĐT.
Ngoài ông An, Bộ GD-ĐT còn có hai thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Văn Phúc.
Gian lận thi cử và ‘cơn lũ’ lòng dân
So sánh việc xử lý gian lận thi cử ở Mỹ và VN
Giáo dục Hà Giang có ‘gian lận điểm thi’
Ông An cũng là người đã ký Thông báo về việc xem xét kỷ luật công chức của Bộ GD-ĐT có trách nhiệm liên quan tới việc xảy ra gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
13 công chức được yêu cầu kiểm điểm liên quan kỳ thi THPT quốc gia 2018 gồm các cục trưởng, cục phó Cục Quản lý chất lượng, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, vụ trưởng Vụ Pháp chế…
Tuy nhiên, ngày 9/9/2019, Bộ GD-ĐT lại ký văn bản hủy bỏ các Quyết định và Thông báo trên.
Lý do hủy bỏ xem xét kỷ luật là các văn bản nội bộ này chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, đồng thời còn để tiến hành quy trình xem xét, kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng như hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tin quan chức ngã, rơi từ nhà cao tầng luôn thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam.
Trong tháng 8 năm nay, báo chí nước này đưa tin, ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội “được phát hiện tử vong sau khi rơi từ tầng 27 chung cư Vinaconex xuống sảnh”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50079666
Tín đồ PGHH thuần túy Nguyễn Hoàng Nam
tuyệt thực trong trại Xuân Lộc
Ông Nguyễn Hoàng Nam, một tù nhân lương tâm theo đạo Phật giáo Hòa Hảo thuần túy thông báo với gia đình là ông đang tuyệt thực từ ngày 11 tháng 10 năm 2019 vì bị cán bộ quản giáo trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chuyển ông đến ở với những người có án ma túy.
Bà Lâm Thị Yến Trinh, vợ ông Nam chiều 16 tháng 10 năm 2019 kể lại cuộc thăm gặp vào sáng nay như sau:
“Sáng nay em có đi thăm ông Nguyễn Hoàng Nam, là chồng em. Trước đây ổng ở trại K2, nhưng giờ họ đưa ra K ngoài với mấy người hút chích không à, nhưng ổng tuyệt thực, không ăn cơm là 6 ngày nay.
Sáng này đi thăm ổng thì có 2 người cán bộ kè đi ra, ổng đi không nổi luôn, ổng ốm mà xanh xương hết luôn”, bà Trinh nói qua điện thoại.
Cũng theo lời bà Trinh, từ 5 tháng nay ông bị giam ở phân trại K2 cùng với các tù nhân chính trị khác nhưng lần này lại bị chuyển sang phân trại khác.
Một cán bộ trại giam Xuân Lộc cũng nhờ bà khuyên nhủ ông Nam ăn cơm trở lại và việc tuyệt thực là do ông chứ không phải trại giam không cung cấp thức ăn.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do chiều 16/10 gọi điện thoại cho số trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nhưng không thể kết nối.
Trại giam Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai là nơi có tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca thông báo với gia đình là ông cùng các tù chính trị khác tuyệt thực từ ngày 4/10/2019 để phản đối cán bộ quản giáo không cho ông ra ngoài chữa trị mụt hạch nổi ngay cổ gây đau đớn.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Hoàng Nam sinh năm 1982, là một tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy không theo chỉ đạo của nhà nước.
Ông bị bắt hồi năm 2017 với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” sau khi đến nhà đồng đạo Bùi Văn Trung để dự đám giỗ.
Ngày 9/2/2018, ông Nam bị tòa án nhân dân huyện An Phú tỉnh An Giang tuyên án 4 năm tù giam và tuyên y án trong phiên xử vào tháng Năm cùng năm.
Một dân oan bị tuyên án tù vì
“Lợi dụng quyền tự do dân chủ” nói xấu lãnh đạo
Vào ngày 17 tháng 10, Tòa án Nhân dân huyên la Grai, tỉnh Gia Lai, đã tuyên phạt bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1968) 2 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật Hình sự. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân được báo chí trong nước trích đăng, bà Nguyễn Thị Huệ đã sử dụng mạng xã hội facebook với các tên Nguyễn Thị Huệ, Công Lý Về Tôi, Nguyễn Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Den Quang để nói xấu lãnh đạo đảng, nhà nước, những người trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình của bà Huệ. Bà Huệ bị cáo buộc đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của nhiều lãnh đạo, đồng thời làm mất niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của đảng và nhà nước.
Cáo trạng cũng cho biết, từ năm 2016 đến 2018, các cơ quan chức năng của tỉnh đã giải quyết một số vụ án liên quan đến gia đình bà Huệ, nhưng bà Huệ thường xuyên đến các cơ quan tố tụng, ban tiếp dân và các ban ngành khác của huyện la Grai và tỉnh Gia Lai để khiếu nại, chửi bới, xúc phạm các cán bộ đang làm nhiệm vụ.
Bà Huệ bị công an bắt tạm giam để điều tra vào ngày 12/3, theo thông tin từ con gái của bà Huệ là chị Quỳnh Thương.
Hôm 19/3, chị Quỳnh Thương nói với đài Á Châu Tự Do về lý do mẹ mình bị bắt giam:
“Lý do là họ nghĩ mẹ em là đi cấu kết với các tổ chức khác để phá nhà nước, nhưng mẹ em không có làm như thế.
Mẹ em chỉ có là 2 hồ sơ oan của nhà em thì mẹ em đi đòi, rất nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan công an điều tra công an huyện mà họ cứ đùn đẩy họ không giải quyết.
Vừa rồi thêm một vụ nữa mẹ em đã gửi đơn rồi mà công an không giải quyết tiếp tay cho bà đó ở đây xù nợ ở đây hàng bao nhiêu tỷ, mẹ em cũng bị mất khoảng 10 triệu.
Mẹ em mới lên mẹ em bực, mẹ em nói, mẹ em chửi. Ở trên đấy nói mẹ em đi gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện nhiều nơi nên ảnh hưởng, và lợi dụng tự do dân chủ để chửi cán bộ nhưng không phải, nhà em đi tìm công lý thôi,”
Từ đầu năm đến nay, theo thống kê của đài Á Châu Tự Do, đã có ít nhất 17 người bị bắt giữ tại Việt Nam với các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia và tuyên truyền, nói xấu lãnh đạo đảng, nhà nước.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) chỉ trích chính quyền Việt Nam đã mạnh tay đàn áp các tiếng nói đối lập. Theo thống kê của tổ chức này, hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất khoảng 133 người vì thực hiện những quyền tự do căn bản.
Giới chức giáo dục tỉnh Sơn La:
Nhận hơn 1 tỷ đồng để nâng điểm thi vì quá khó khăn
Tại tòa xử sơ thẩm vụ nâng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018 tại hai tỉnh Sơn La và Hà Giang, một số bị cáo cho biết lý do họ thực hiện hành vi đó.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tỉnh Sơn La khai trước tòa án hôm 16/10/2019 về việc nhận 1,04 tỷ đồng sau khi sửa điểm thi cho 4 thí sinh thi THPT ở tỉnh này hồi năm 2018.
Nguyên văn lời bà Nguyễn thị Hồng Nga được truyền thông trong nước trích dẫn là “Bị cáo tự ý thức được việc nhận tiền cảm ơn từ những người nhờ nâng điểm này là sai, nhưng vì thời buổi bây giờ, bị cáo nhận thấy mình cũng đã làm việc quá vất vả nên đành nhận số tiền đó.”
Mạng báo Đấu Thầu trích lời bà Nga kể lại trước tòa, trước khi sửa bài thi, ông Trần Xuân Yến – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La gọi bà Nga sang phòng riêng của Yến rồi đưa một danh sách các thí sinh và nói rằng:
“Cứ làm đi vì năm nay có cả trường hợp của sếp, tức ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La).”
Nghe vậy, Nga liền nhận tờ danh sách cách thí sinh mà ông Yến đưa và do cả nể sếp nên làm việc này.
Tuy nhiên, bị cáo Trần Xuân Yến phủ nhận toàn bộ lời khai của những người khác và cho rằng danh sách chuyển cho bà Hồng Nga chỉ để xem điểm trước cho các thí sinh chứ không nhờ nâng điểm.
Vào ngày 15 tháng 10 Bà Lê Thị Dung, Phó Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) công an tỉnh Hà Giang hôm khai trước tòa án rằng, bà nhờ Trưởng phòng khảo thí tỉnh nâng điểm cho 20 thí sinh trong đó có con của mình chỉ nhằm để tạo phúc, chứ không có lợi lộc gì.
Nguyên văn lời bà Dung được truyền thông dẫn lại: “Chính bản thân tôi lúc đi nhờ chỉ nghĩ tới việc tạo phúc, chứ không nghĩ anh Hoài (Trưởng phòng khảo thí Hà giang) nâng tới ngần ấy điểm. Lúc đó tôi mới biết đó là vi phạm pháp luật.
Theo cáo trạng, do mối quan hệ quen biết, bị cáo Dung đã nhờ và được Trưởng phòng khảo thí Nguyễn Thanh Hoài giúp nâng điểm cho 20 thí sinh trong đó có người được nâng gần 30 điểm mà không có hứa hẹn vật chất gì.
Vụ án thầy giáo Tĩnh: Luật sư không được
sao chụp hồ sơ vì ‘là tài liệu mật’?
Thầy giáo – nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Năng Tĩnh xuất hiện tại một phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An hôm 17/10, nhưng phiên tòa đã bị hoãn lại do các luật sư bào chữa chưa được tiếp cận chi tiết và không được phép sao chụp hồ sơ vụ án vì phía tòa cho rằng đó là “tài liệu mật,” theo tin từ gia đình và luật sư.
Từ thành phố Vinh, bà Nguyễn Thị Tình, vợ của ông Nguyễn Năng Tĩnh, cho VOA biết:
“Ngày 11/10, có hai luật sư ra đây để chuẩn bị cho phiên tòa ngày 17/10. Luật sư yêu cầu được sao chụp hồ sơ của bị cáo nhưng phía tòa án nói đây là hồ sơ bảo mật quốc gia nên không được sao chụp và chỉ cho luật sư đọc vào sáng hôm ấy. Vì lý do không được sao chụp nên các luật sư đã yêu cầu hoãn phiên tòa.”
Luật sư yêu cầu được sao chụp hồ sơ của bị cáo nhưng phía tòa án nói đây là hồ sơ bảo mật quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Tình, vợ của nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh
Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong ba luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Năng Tĩnh, nói với VOA:
“Thẩm phán Nguyễn Đăng Phồn nói rằng đó là hồ sơ mật, thuộc về nhóm an ninh quốc gia cho nên chúng tôi chỉ được đọc, xem qua, và ghi chép chứ không được sao chụp.
“Đó là một bộ hồ sơ với 1.000 bút lục thì làm sao chúng tôi có thể đọc, chép.
“Thư ký tòa mang bộ hồ sơ này ra trong khoảng từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 30 nên chúng tôi không thể nào ghi chép được.
“Trong khoảng thời gian đó, các chi tiết từng lời khai, từng bản giám định tư tưởng của Sở Văn hóa, Thông tin và Truyền thông chúng tôi không thể xem xét kỹ.”
Thẩm phán Nguyễn Đăng Phồn nói rằng đó là hồ sơ mật, thuộc về nhóm an ninh quốc gia cho nên chúng tôi chỉ được đọc, xem qua, và ghi chép chứ không được sao chụp
Luật sư Nguyễn Văn Miếng
VOA chưa liên lạc được với Thẩm phán và Tòa án tỉnh Nghệ An để tìm hiểu về việc gây cản trở này.
Nhà đấu tranh Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt ở Nghệ An
Công an Nghệ An hôm 17/9/2019 cho biết cơ quan này đã kết thúc quá trình điều tra hình sự đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh sau hơn 3 tháng ông này bị bắt tạm giam.
Khoản 1, Điều 82 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015 nêu: “Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.”
Bà Nguyễn Thị Tình, lên tiếng phản đối việc nhà chức trách ngăn cản luật sư bào chữa tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án của chồng bà.
“Tôi nghĩ bên tòa án làm như thế là hoàn toàn sai pháp luật. Luật sư bào chữa phải được xem và nghiên cứu kỹ để biết được người ta buộc tội thân chủ của mình bằng chứng cứ gì thì mới có thể đưa ra lý luận và bào chữa.
“Phía tòa còn nói rằng lần sau mà thiếu vắng luật sư thì phiên tòa vẫn diễn ra bình thường.
“Tôi hoàn toàn không đồng ý với yêu cầu và lý do mà tòa án đưa ra.”
Ông Nguyễn Năng Tĩnh, giảng viên của trường Cao đẳng Văn hoá-Nghệ thuật Nghệ An, bị công an tỉnh bắt vào ngày 29/5/2019 và sau đó bị khởi tố về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Chính quyền Việt Nam cáo buộc nhà giáo dạy nhạc “đã đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích chống nhà nước…” trên Facebook cá nhân mang tên Nguyễn Năng Tĩnh.
Sau khi ông Tĩnh bị bắt, mạng xã hội lan truyền video ông Tĩnh dạy học sinh hát bài “Trả lại cho dân,” một trong những bài hát của nhạc sỹ bất đồng chính kiến Việt Khang, từng bị giam 4 năm tù ở Việt Nam.
Hôm 14/10, trang Asia News cho biết ông Tĩnh là một người hoạt động dân chủ và nhân quyền, thành viên của Nhóm Bảo vệ Sự sống, Quỹ Phát triển con Người và Truyền thông Công giáo.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 07/10 nhận định rằng việc bắt giam ông Nguyễn Năng Tĩnh, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền khác nhằm vào bất cứ ai lên tiếng chỉ trích chính phủ. “Đây là một phần của cuộc đàn áp đối với những người ủng hộ dân chủ và chính trị đa đảng.”
Ân xá Quốc tế kêu gọi viết thư
phản đối Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh trong tù
Ân xá Quốc tế kêu gọi cần có hành động khẩn cấp bằng cách viết thư gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre tố cáo tình trạng tù nhân chính trị-Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh bất tỉnh trong trại giam.
Trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 16 tháng 10, Tổ chức Ân xá Quốc tế đề cập về tình trạng sức khỏe của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh bị thương nghiêm trọng ở đầu và chân sau khi bị tù hình sự đánh đến bất tỉnh hồi đầu tuần tháng 10 và không được trại giam cho chữa trị mà còn lại bị đưa vào phòng biệt giam.
Tổ chức Ân xá Quốc tế còn nhấn mạnh vụ việc tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh vừa xảy ra là diễn biến tiếp theo sau nhiều tháng người tù chính trị này bị sách nhiễu về tinh thần do hàng ngày bị tù hình sự dọa giết trước sự làm ngơ của ban quản giáo trại giam Bến Tre.
Do đó, tổ chức này kêu gọi cộng đồng cần khẩn cấp viết thư gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, Đại tá Võ Hùng Minh để yêu cầu trại giam Bến Tre cần phải đối xử với tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh theo các quy định tối thiểu của tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc (chiếu theo Các nguyên tắc Nelson Mandela), đặc biệt không được tra tấn bao gồm hình thức biệt giam và phải cho phép được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết. Đồng thời yêu cầu phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh.
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách chiến dịch của Ân xá Quốc tế tại Việt Nam và Campuchia phát biểu với RFA như sau:
“Trong trường hợp này chúng tôi nhận thấy rằng anh Nguyễn Ngọc Ánh đang ở trong trường hợp hết sức nguy hiểm và cần phải có sự can thiệp nay tức khắc. Và trong trường hợp này chúng tôi cũng xác định công an tỉnh Bến Tre phải chịu trách nhiệm chính nên chúng tôi đưa họ vào danh mục để tất cả những lời kêu gọi nhắm vào họ.”
Bà Nguyễn Thị Châu, vợ của ông Nguyễn Ngọc Ánh, vào ngày 11 tháng 10 cho Đài Á Châu Tự Do biết ông báo bị đánh đến bất tỉnh trong tù. Thông tin này được ông cho bà hay trong lần thăm gặp mới nhất trong cùng ngày.
Hồi tháng 6/2019, kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.
Truyền thông trong nước trích cáo trạng cho biết trong khoảng thời gian từ 2013 – 2014, ông Ánh đã tạo một tài khoản mạng xã hội Facebook lấy tên là “Nguyễn Ngọc Ánh” với mục đích ban đầu là để trao đổi thông tin liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên từ tháng 4 – 2016 đến tháng 8 – 2018, ông Ánh đã tiếp tục tạo một số tài khoản Facebook khác nhau, thường xuyên tham gia cá buổi phát trực tiếp, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân về các chính sách, pháp luật và quan hệ ngoại giao của Nhà nước.
Cáo trạng cũng cho biết ông Ánh đã tạo các nhóm kín chia sẻ, thảo luận, kêu gọi biểu tình vào các ngày 4 tháng 9 năm 2018 và 30 tháng 4 năm 2019.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ vào ngày 30/8/2018. Ông từ chối có luật sư bào chữa trước phiên tòa sơ thẩm.
Đà Nẵng trả hàng trăm tội phạm Trung Quốc
về Hoa Lục
Hơn 400 người Trung Quốc ở Đà Nẵng có dấu hiệu vi phạm pháp luật được trả về Hoa Lục từ đầu năm đến nay.
Đó là số liệu được Thành ủy Đà Nẵng báo cáo tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 tổ chức hôm 15 tháng 10.
Tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: mại dâm, cờ bạc, hoạt động trái phép qua mạng internet, trốn truy nã… được thừa nhận là rất phổ biến.
Trong số 400 người Trung Quốc được trả về nước có 35 người đang bị truy nã, 20 người từng phạm pháp hình sự.
Vào ngày 14/9, Công an TP Đà Nẵng bắt giữ 5 người có quốc tịch Trung Quốc, gồm: Tưởng Đăng Quân, Trương Huệ Mẫn, Phương Tuấn Kiệt, Đới Hồng Hi, Lưu Tiểu Duy do có hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và dụ dỗ trẻ em đóng “phim con heo”, quay và phát trực tiếp các clip kích dục quay được lên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Sau đó một ngày, ngày 15/9, Công an TP Đà Nẵng cũng đã phát hiện 34 người Trung Quốc đang lưu trú tại một khách sạn cùng nhiều laptop, điện thoại di động để thực hiện đầu tư phi pháp, thao túng chứng khoán…
Hôm 24/9, ông Huỳnh Đức Thơ Chủ tịch UBND Đà Nẵng nói với truyền thông trong nước rằng các ngành chức năng Đà Nẵng cần hết sức chú trọng tội phạm người nước ngoài.
Cũng theo báo cáo này, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm người nước ngoài trên địa bàn diễn biến phức tạp trong chín tháng qua với 337 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ 219 vụ, 317 đối tượng phạm tội ma túy.
Chính quyền sạch ở đâu khi nước bẩn?
Hoàng TrúcGửi cho BBC News Tiếng Việt từ Việt Nam
Mấy hôm nay, Hà Nội giống như trong một phim về ngày tận thế hoặc trông như người Hà Nội sắp di cư đến hành tinh khác.
Đầu tiên, người Hà Nội cảm giác có mùi lạ trong nước sinh hoạt. Báo chí vào cuộc, phát hiện nguồn cấp nước vào nhà máy nước sông Đà bị nhiểm dầu thải từ nguồn nào đó bí ẩn.
Ban đầu nhà cung cấp nước nói không có gì, chỉ là mùi clo, nhưng sau đó nước ở đầu cuối tới hộ sử dụng có màu đen và mùi dầu.
Bàn tròn BBC: Nước cấp ô nhiễm ở Hà Nội và phim có đường lưỡi bò bị ngừng chiếu
Nước nhiễm bẩn – đâu là trách nhiệm của chính quyền?
Hà Nội lại xếp hàng lấy nước như quá khứ
Nước máy bẩn
Chính quyền Hà Nội lúc đó mới thông báo người dân ngưng sử dụng nước từ nhà máy nước sông Đà và được cấp nước miễn phí từ xe bồn.Nguồn nước rót vào nhà máu bị nhiễm dầu thải, chất xtylen cao nhiều lần mức cho phép, có thể nguy hiểm đến sức khỏe.
Hôm nay ra lấy nước thì thấy đúng là có mùi tanh thật, không chỉ riêng tôi mà ai cũng phản ánh điều nàyMột người dân
Hà Nội trông giống thời chiến tranh, người dân rồng rắn xếp hàng chờ lấy nước.
Nhưng có một số khu vực nguồn nước cung cấp từ xe bồn không sử dụng được.
Chiều 16-10, cư dân tại khu HH đô thị Linh Đàm, Hà Nội sau khi “rồng rắn” xếp hàng lấy nước, đã lại phải đổ đi ngay vì nước không sạch.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online chiều 16-10, cư dân tại khu HH đô thị Linh Đàm sau khi “rồng rắn” xếp hàng lấy nước lại phải đổ đi ngay.
Từ hôm qua, sau khi nhận nước từ xe bồn do ban quản lý toà nhà cung cấp, nhiều cư dân đã phát hiện ra tình trạng mùi tanh và màu nước vẩn đục nên rất hoang mang với tình trạng này.
“Nước này cũng có mùi lạ, rất tanh, hôm đầu tôi mang nước về để dùng còn nghĩ do dụng cụ đựng nước của mình bị bẩn nên mới ảnh hưởng đến chất lượng nước,” bà Nguyễn Thị Tuyết, cư dân một toà nhà chung cư bị ảnh hưởng, chia sẻ.
“Nhưng hôm nay ra lấy nước thì thấy đúng là có mùi tanh thật, không chỉ riêng tôi mà ai cũng phản ánh điều này.”
Các quầy kệ nước đóng chai trong siêu thị nhanh chóng được mua sạch.
Ô nhiễm không khí: dân kiện được chính quyền?
Bàn tròn BBC: Ô nhiễm nghiêm trọng ở Hà Nội, xử lý thế nào?
AirVisual ‘bị đánh’ đúng tuần Hà Nội ô nhiễm không khí nặng
Hoạt cảnh cũng tương tự ở các cửa hàng, điểm bán, chợ online đối với các mặt hàng máy đo không khí cầm tay,máy lọc không khí tại nhà và khẩu trang đi đường.
Một Hà Nội trong khủng hoảng kép, nước bẩn và bụi mịn.
Trách nhiệm thì trong suốt.
Có vẻ như chẳng có ai bị trừng trị cho nỗi khổ mà người dân phải gánh chịu.
Ông Nguyễn Văn Tốn, tổng giám đốc nhà máy cấp nước sông Đà nói “ừ, thì xin lỗi”, chính quyền Hà Nội thì nói nhà máy phát hiện có dầu thải ở nguồn nước nhưng chậm báo cáo.
Cuộc họp kết thúc vì… hết giờ và ống kính báo chí ghi nhận các quan chức :tươi cười”.
Chính quyền sạch
Cũng như những thảm họa môi trường mới xảy ra, cháy nhà máy Rạng Đông có thủy ngân, chưa có quan chức nào bị xử lý và việc khắc phục hậu quả cũng từ từ.
Trên mạng xã hội người ta dẫn các trường hợp tương tự, thị trưởng mất chức khi xảy ra sự cố tương tự, nhưng đó là ở nước ngoài.
Còn ở VN thì cứ thế, nước vẫn bẩn và chính quyền vẫn trong suốt.
Thay vì sử dụng các quyền hiến định để khởi kiện thì người Hà Nội lại làm thơ tự trào và đăng thông báo cần thuê phòng ở dài hạn tại các khu vực không bị ảnh hưởng.
“Húp canh dầu thải sông Đà
Còn món tráng miệng chính là thủy ngân
Xong rồi bắc ghế ra sân
Hít tí bụi mịn sướng rân cả người”
Như bài thơ của một tác giả trên mạng đề tên là Trunkz đã viết.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50082426
Nước Hà Nội nhiễm bẩn và trách nhiệm của chính quyền
Hàng trăm ngàn người dân đang sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang lo lắng bởi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn.
Một nhà bình luận thời sự, TS Nguyễn Quang A ở Hà Nội nhận định rằng, qua vụ việc này, vấn đề giao cho tư nhân kinh doanh những lĩnh vực có tính chất độc quyền, cho thấy ‘lỗi hệ thống’ trong tư duy quản trị đất nước.
Hà Nội lại xếp hàng lấy nước như quá khứ
Ô nhiễm không khí: dân kiện được chính quyền?
Nguồn nước nói trên do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp.
Công ty này quản lý Nhà máy Nước sạch Sông Đà.
Do công ty không báo?
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc tối 15/10 chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố; đồng thời, có giải pháp bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm.
Công văn cũng yêu cầu, Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm nói trên.
Trước đó cùng ngày, hơn 1 tuần sau khi nước sạch sinh hoạt có mùi lạ, UBND TP Hà Nội mới chính thức lên tiếng, công bố các kết quả xét nghiệm nước.
Báo Lao động dẫn lời ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần.
Sáng 15/10, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phân trần trong cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội rằng, “Nhà máy nước sông Đà phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền, không có hành động để ngăn chặn, do đó dầu chảy vào nhà máy,” theo báo Người lao động.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 16/10 rằng, bên cạnh việc phải xử lý hình sự những người đổ dầu trộm vào đầu nguồn nước sông Đà, thì việc nhà nước thả cho một công ty hoạt động trong một lĩnh vực độc quyền mà thiếu giám sát, trước hết là lỗi của nhà nước.
Ông A nói:
“Tôi nghĩ, lỗi chính trong chuyện này là về mặt nhà nước, về mặt chính quyền. Một mặt là chính quyền không giám sát chặt chẽ. Nếu họ phân biệt rõ ràng, những công ty cung cấp nước sạch kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên và ảnh hưởng đến rất đông người, nhà nước phải kiểm soát rất chặt và đôi khi chính quyền có thể sở hữu luôn các công ty công ích này.
Việc giao chúng cho tư nhân làm là vô trách nhiệm và chắc chắn sẽ dẫn đến tai họa. Tôi cảnh báo rằng, những chuyện như ô nhiễm nước hay vỡ đường ống nước sẽ còn xảy ra nữa, bởi một công ty hoạt động chạy theo lợi nhuận, trong một lĩnh vực độc quyền, thì họ sẽ có những động lực lợi ích hoàn toàn khác với mục tiêu của công ty công ích.”
Lỗi hệ thống?
Việt Nam khuyến cáo dân Hà Nội ‘hạn chế ra đường’
Từ Formosa đến Rạng Đông: cuộc khủng hoảng toàn diện
Vụ cháy Rạng Đông: “Dân không còn biết tin vào đâu”
TS Nguyễn Quang A phân tích rằng: “Điều rất đáng tiếc là ở Việt Nam, những công ty hoạt động công ích người “cổ phần hóa” mà thực chất là tư nhân hóa. Thực sự những gì có tính chất độc quyền thì người ta viện vào cớ là bây giờ nhà nước không còn tiền để đầu tư nữa, ngân sách đang khó, nên phải huy động nguồn vốn của dân, của doanh nghiệp để làm.
Theo ông, việc trao cho tư nhân kinh doanh trong những lĩnh vực độc quyền mà thiếu giám sát chặt chẽ cũng là một kiểu tham nhũng.
Ông nói rằng:
“Những vụ tham nhũng trong quá trình chuyển tài sản công thành tài sản tư, ví dụ như vụ ‘bán’ Cảng Quy Nhơn vừa rồi thì thực ra dễ nhìn thấy hơn. Của nhà nước trị giá tới 1000 mà họ bán cho tư nhân chỉ có 100; hay ngược lại, ở vụ AVG, của tư nhân chỉ đáng giá chẳng hạn có 100 thì mua tới 1000. Kiểu tham nhũng đó dễ phát hiện. Còn việc trao những hoạt động độc quyền cho một nhóm người thì tinh vi hơn, vì nó hoàn toàn hợp pháp.”
“Điều quan trọng nhất là trong tư duy của lãnh đạo chính quyền cho đến tận những người chop bu của đất nước này là họ không phân biệt rõ, khu vực nào cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả, nơi nào cơ chế thị trường không hoạt động tốt và nhà nước phải giám sát chặt chẽ. Nguyên nhân chính nằm ở đó.” TS Nguyễn Quang A bình luận thêm.
Ông cũng nói rằng, đây là “lỗi hệ thống trong tư duy quản trị đất nước của cả Đảng Cộng sản Việt Nam và cả chính phủ này. Nếu người ta biết, cái nào nhà nước phải làm thì dứt khoát làm cho tốt; cái nào có thể để tư nhân làm hiệu quả hơn thì để tư nhân làm, nhà nước chỉ giám sát thôi. Tiếc là [ở Việt Nam], nhà nước cứ lao vào làm những việc không phải của nhà nước, những việc mà giao cho tư nhân làm thì hiệu quả hơn, còn những việc đáng lẽ nhà nước phải làm thì lại giao cho tư nhân. Tư duy cứ lộn đầu lộn đuôi như thế.”
Nước nguồn sông Đà cấp cho khu vực nào?
Báo Lao động dẫn Kế hoạch đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2019 do UBND Thành phố Hà Nội ban hành từ tháng 7 vừa qua, thì Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 có tổng công suất là 300.000 m3/ngày đêm, có thể nâng công suất lên 330.000 m3/ngày đêm.
Với lưu lượng hiện nay, nhà máy này cấp nước cho Hà Nội trung bình khoảng 250.000 – 260.000 m3/ngày đêm.
Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông.
Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà từng dính rất nhiều sự cố vỡ đường ống nước.
Năm 2018, có chín bị cáo liên quan đến các vụ vỡ đường ống nước lãnh án với tội danh”Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50066196
Khởi tố vụ đổ trộm dầu thải
khiến nguồn nước ở Hà Nội ô nhiễm
Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, đã khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường đối với vụ đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco) gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn hộ dân tại Hà Nội.
Đó là thông tin được nêu ra tại buổi họp báo để báo cáo kết quả kiểm tra, làm rõ vụ đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn nhà máy Viwasupco do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức hôm 17/10. Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.
Tại buổi họp báo, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) cho biết từ ngày 9/10, người dân đã phát hiện dầu thải đổ vào khu vực suối đầu nguồn tại đường liên xã Hợp Thịnh – Phúc Tiến – Phú Minh (huyện Kỳ Sơn. Lượng dầu thải này được khẳng định đã chảy vào hệ thống lấy nước sản xuất của Viwasupco.
Công ty Viwasupco nói đã phát hiện, báo công an địa phương và tự tổ chức thu gom dầu thải vào ngày 9/10. Lượng chất ô nhiễm mà Viwasupco thu được khoảng 100 lít dầu và nước dính dầu; 7 bao tải đất bùn có dính dầu khoảng 60kg đã được lưu trữ trong kho chứa chất độc hại của Viwasupco, khoảng 3-4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy.
Đại diện sở TNMT cho biết việc chôn lấp tạm thời cát dính dầu của Viwasupco là không đúng quy định và yêu phải khẩn trương thu gom, xử lý lượng cát bị chôn lấp nói trên.
Cơ quan chức năng nói đã lấy 5 mẫu nước tại nhiều điểm ở Viwasupco để mang đi kiểm định, đánh giá tính chất của dầu thải và đang chờ kết quả trong vài ngày tới.
Trước đó ngày 16/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) trong cuộc họp khẩn do Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội tổ chức đã khẳng định chất lượng nước của Viwasupco đã đạt tiêu chuẩn.
Đại diện Viwasupco nói thành phố đã chỉ đạo Viwasupco cấp nước trở lại cho người dân, nhưng khuyến cáo nước mới chỉ phục vụ tắm rửa, vệ sinh.
Từ hơn một tuần, các hộ dân dùng nước của Viwasupco đã phát hiện nước có mùi lạ. Đến ngày 15/10, chính quyền Hà Nội mới chính thức lên tiếng khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước của Viwasupco để nấu ăn. Thành phố cũng đã bố trí nhiều xe cung cấp nước sạch để phục vụ cho các hộ dân đang chịu cảnh nước bị ô nhiễm.
Cũng tại cuộc họp báo, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn cho biết nhận thấy vụ việc trên có dấu hiệu hình sự nên đã ra quyết định khởi tố vụ việc. Ngoài ra, Công an tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương và tích cực điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm gây ra vụ đổ dầu thải nói trên.
Vụ nước bẩn Hà Nội: Mọi người cứ làm quá lên!
Lê Nguyễn Hải Đăng
Vụ nước nhiễm độc ở Hà Nội cho thấy các cấp độ lạc quan của ông Tổng giám đốc nhà máy nước Sông Đà.
Cấp độ một: Tự tin đi ăn xin.
Hôm 8/10, người dân ở Hòa Bình phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu thải vào khu vực lấy nước của Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco), cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 5 quận ở Hà Nội.
Hai ngày sau, người dân ở Hà Nội phát hiện nước có mùi hôi, màu đục.
Ba ngày sau đó, đoàn kiểm tra TP Hà Nội đi kiểm tra mẫu nước.
Trong suốt thời gian này, nhà máy nước có ngắt một thời gian để cô lập dầu, tức ngăn dầu tràn thêm rồi vớt. Sau đó vận hành bình thường, do “chuyên gia nói rằng nước đã hết mùi”.
Sáu ngày kể từ khi dân phát hiện đổ trộm dầu thải, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco nói nguồn dầu tràn vào đã được xử lý; mùi khét trong nước chỉ là mùi clo, nước vẫn an toàn vì không có độc tố. Hết sức tự tin.
—-Tự tin đi ăn xin tức nói theo trend vần vè của dân mạng, là tự tin đến mức chẳng thiết làm gì, khi nào đói thì chỉ cần ngửa cái mũ ra ngồi thiền ở ngã tư bất kỳ, là đủ ấm no hạnh phúc.
Cấp độ hai: Oan quá Thị Mầu
Mặc dù không hề thông báo về hiện trạng chất lượng nước cho khách hàng trong suốt 6 ngày, nhưng khi báo giới chất vấn việc Công ty không thông báo việc phát hiện váng dầu trên hồ cấp nước sản xuất cho nhà máy, Tổng Tốn nói Công ty không bưng bít thông tin.
Theo ông Tốn, ngay khi phát hiện vết dầu loang, công ty đã thông báo đến chính quyền địa phương và Công an Hòa Bình để kiểm tra. Rồi huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên và thuê cả người bên ngoài làm vệ sinh; quây cách ly, vớt dầu loang. Thậm chí nhân viên văn phòng không có chuyên môn cũng phải đi vớt dầu, bận đến nỗi không kịp làm báo cáo báo cáo sự cố cho các cơ quan kiểm tra và khách hàng.
Đấy sốt sắng như thế mà bị vu là bưng bít thông tin. Oan này to như cái đình, oan quá Thị Mầu.
Ghi chú: Thị Mầu là nhân vật trong truyện thơ nổi tiếng Quan âm Thị Kính. Trong đó, Thị Kính do bị chồng ngờ oan là âm mưu giết chồng nên bị đuổi khỏi nhà. Kính cạo đầu, giả trai vào chùa tu hành.
Mầu là con gái phú ông, xinh đẹp, đỏng đảnh và quen thích gì được nấy. Vì giả trai mà vẫn quá xinh đẹp nên Kính bị Mầu crush, chủ động tán tỉnh. Nhưng Kính quá cứng nên Mầu thất thân với anh thợ cày của gia đình có thai, rồi sợ bị hạch tội và để vừa trả thù, vừa mong buộc được Kính vào với mình, Mầu đổ cho Kính chính là tác giả bào thai. Đến ngày sinh, Mầu mang đứa bé đến chùa giao cho Kính.
Kính bị sư ông đuổi ra khỏi chùa vì can tội phá giới, ôm đứa bé nuôi trong nghèo khổ nhưng không một lời phân trần. Mãi ba năm sau, Kính chết vì lao lực, để lại di ngôn trần tình nỗi oan giết chồng. Dân làng tẩn liệm, nhìn thấy thân thể mới biết Kính là phụ nữ.
Thành ngữ “Oan Thị Kính” chỉ nỗi oan lớn không cách nào giãi bày. Còn Oan Thị Mầu là dân gian chế ra để chế giễu những nỗi oan tự lên kịch bản, tự làm diễn viên chính, tự quay, tự dựng, bỏ tiền PR đem đi chiếu miễn phí đồng thời viết bài ca ngợi.
Cấp độ ba: Liều như con diều. Ngu như con… à mà thôi! Quê như con tê tê! (Chuyện quan trọng phải nói ba lần).
Một tuần sau vụ đổ dầu, vào 15-10-2019, Chủ tịch Hà Nội-ông Nguyễn Đức Chung công bố với báo chí tỷ lệ chất Styren trong nước cao gấp ,3 đến 3,6 lần mức cho phép.
Chất Styren hòa tan trong nước được xem là một hợp chất nguy hiểm gây ô nhiễm nguồn nước. Chất độc này gây dị ứng với da và mắt. Với hàm lượng cao và tiếp xúc lâu, chất này có thể hấp thu vào cơ thể người gây hại gan, thận, thần kinh.
6 ngày ăn chất styren vào bụng, chưa kể các chất khác trong nước nhiễm độc, nhưng Tổng Tốn vẫn yên ủi dân là an toàn.
Vừa liều, vừa ngu, tưởng thế là dân cun cút nghe. Ai ngờ quê như con tê tê vì bị sếp chủ tịch bóc mẽ lêu lêu.
Cấp độ 4: Hồn nhiên như cô tiên, à nhầm, như con điên.
Sau khi bị sếp cả bóc mẽ, anh Tổng đành chịu nhận là nước bẩn thật rồi. Đang định ngấm ngầm lờ đi vài ngày nữa kẻo phải bồi thường chết toi tiền, bây giờ lại phải chở nước miễn phí cho dân xài có khổ tôi không.
Bỗng nhiên có thêm anh giám đốc của Công ty nước sạch Pháp Vân hồn nhiên như cô tiên, lấy ngay cái xe téc chở nước đi tưới cây ven đường chở nước đến cho bà con uống bù.
Nhưng chẳng may bà con lại kêu ầm lên là nước tanh hôi quá, không uống được. Nhà báo lại đi chất vấn. Đến lúc đấy anh Hồn nhiên mới thừa nhận.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cũng không nên o ép người ta quá. Anh ấy có ý tốt thôi, uống nước có phân bón xong cả làng lại tốt cây tốt củ hơn hớn ra mà chả tốn đồng nào thích quá.
Cấp độ năm: Không hiểu tại sao nước Hòa Bình chảy về đến tận Hà Nội
Tổng Tốn giải thích việc không báo cáo Hà Nội là do sự việc xảy ra tại đầu nguồn khu vực nhà máy ở Hòa Bình nên chỉ báo cáo cơ quan chức năng ở đây.
(Chả hiểu sao nước ở Hòa Bình mà lại chảy tận về Hà Nội làm khổ người dân thế chứ. Chẳng có kỷ luật gì cả. Có phải đảng viên không đấy?).
“Công ty cũng có lỗi nhưng người dân cũng phải thông cảm”. “Theo quy định, đương nhiên công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu mà sai đương nhiên sẽ chịu trách nhiệm”.
Đúng rồi, công ty “cũng” có lỗi thôi. Ai biết được tự dưng dân Hà Nội lại thích nước sạch đến thế? Bao năm nay sống chung với sông Tô Lịch có thấy kêu ca gì đâu bỗng nhiên…
“Có mấy quận thôi. Mọi người cứ làm quá lên”-bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia bình luận.
Tham khảo:
http://danviet.vn/tin-tuc/toan-canh-vu-nuoc-sach-song-da-nhiem-ban-nguoi-dan-ha-noi-lao-dao-1023603.html
https://soha.vn/doanh-nghiep-thua-nhan-dung-xe-cho-nuoc-tuoi-cay-dua-nuoc-sach-mien-phi-cho-dan-ha-noi-20191017145542952.htm
https://soha.vn/hop-bao-vu-nuoc-sach-co-mui-la-can-bo-cong-ty-song-da-phat-hien-dau-thai-chay-vao-he-thong-nuoc-nhung-cu-de-mac-ke-20191015152811406.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông:
muốn vận hành phải mất nửa năm hoặc hơn
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông muốn vận hành phải mất nửa năm hoặc lâu hơn nữa tùy vào thái độ và trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu EPC Trung Quốc.
Đó là kết luận của tư vấn Pháp khi tiếp cận dự án để kiểm tra và chỉ ra những vấn đề chưa đồng bộ của dự án được báo chí trong nước loan tin ngày 17/10.
Theo đó, tư vấn Pháp đã chỉ ra những vấn đề chưa đồng bộ của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, cho rằng hồ sơ thi công và hồ sơ về hệ thống an toàn đều chưa đầy đủ. Trong khi đó, để tàu có thể vận hành thì tất cả phải đồng bộ.
Trước đó, vào chiều ngày 25 tháng 9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho truyền thông quốc nội biết Bộ Giao thông – Vận tải không thể tiến hành nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do tổng thầu EPC Trung Quốc chưa cung cấp đủ tài liệu để nghiệm thu, cho nên đó là lý do chính khiến dự án không thể khai thác thương mại.
Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cho biết nguyên nhân do Tổng thầu Trung Quốc thiết kế hồ sơ thi công toàn bộ nhưng trong quá trình thực hiện lại nhiều lần điều chỉnh thiết kế, đặc biệt là hạng mục gói thầu các ga… thêm vào đó, hồ sơ kỹ thuật lại không được quan tâm xử lý kịp thời, dẫn đến việc các gói thầu đã xong những hồ sơ hoàn công, hồ sơ an toàn kỹ thuật tổng thể thiếu hoặc không đầy đủ.
Những thiếu sót này đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước phát hiện và yêu cầu chủ đầu tư và tổng thầu Trung Quốc khắc phục vào năm 2013-2015 rồi mới được tiếp tục thi công các phần việc khác. Tuy nhiên đến nay những yêu cầu hoàn thiện vẫn chưa được đáp ứng khiến hồ sơ nghiệm thu còn nhiều thiếu sót.
Đại diện Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, ông Phạm Minh Hà trong buổi báo cáo với lãnh đạo Chính phủ vừa qua cho biết Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước sẽ làm việc với Bộ Giao thông – Vận tải để xem xét các vướng mắc về việc này để đưa ra phương án tháo gỡ.
Ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được truyền thông trong nước trích lời tại buổi làm việc hôm 1/10/2019, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, tổng thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án vào khai thác trong năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.
Dịch vụ đòi nợ: nên giữ hay nên bỏ?
Trong buổi họp lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) diễn ra vào sáng ngày 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng không nên cấm hoạt động “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” mà cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ để đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Đòi nợ hay siết nợ?
Trong thực tế hiện nay có một số người chây ì trả nợ và vì vậy chủ nợ phải sử dụng các công ty đòi nợ thuê nhưng rất đáng tiếc là các công ty đòi nợ thuê này hoạt động có những thủ đoạn ngoài pháp luật như khủng bố hoặc có những hoạt động phạm pháp một cách nghiêm trọng. – TS. Lê Đăng Doanh
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích rõ hình thức “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” đã có từ năm 2007. Chính phủ và Bộ Tài chính đã có rất nhiều văn bản quy định chỉ có những doanh nghiệp khi có giấy phép kinh doanh đòi nợ mới được phép đòi nợ dưới sự quản lý của Nhà nước. Ông nhận định:
“Đòi nợ thuê không phải là tội phạm như mọi người vẫn lầm tưởng mà nó là một dịch vụ đòi nợ, một dịch vụ có tính chất đặc biệt được pháp luật Việt Nam công nhận và điều chỉnh. Đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014 của Việt Nam. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì chính phủ ban hành Nghị định 104/2007 có quy định chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ khi mà khoản nợ đủ căn cứ để đòi nợ hợp pháp hoặc quá hạn thanh toán.”
Vẫn theo Luật sư Hậu, các dịch vụ đòi nợ phải xử lý đòi nợ phù hợp theo các quy định của pháp luật và hoạt động đòi nợ này thực hiện theo hợp đồng giữa người cho vay và người đi vay.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2019, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh vì cho rằng nhiều vụ đòi nợ thuê gần đây đã biến tướng mang tính chất “xã hội đen”, khủng bố tinh thần, cưỡng bức con nợ…
Vậy liệu nên giữ hay nên bỏ loại hình kinh doanh thu nợ đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay.
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính và thị trường cho rằng:
“Hiện nay vấn đề đòi nợ thuê thì nó gây nhiều vấn đề như mất đi trật tự của xã hội, vi phạm đạo đức. Thế nhưng trong kinh tế thị trường thì nó là một cái nghề. Vậy thì khi nó bị sai như vậy thì phải chấn chỉnh cho đúng, pháp luật phải nghiêm minh trừng trị những vi phạm, về mặt đạo đức và xã hội.”
Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, cần chỉnh sửa lại những văn bản và nghị định cho vấn đề này theo đúng luật pháp vì theo nguyên tắc cung cầu, có cầu thì mới có cung. Do đó cần xem những mặt trái, bất cập để chỉnh sửa, vì nếu không thì những dịch vụ sử dụng “luật rừng” khi đòi nợ sẽ gây mất trật tự xã hội.
Nên có biện pháp chế tài
Giải thích rõ hơn về tình trạng này ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:
“Trong thực tế hiện nay có một số người chây ì trả nợ và vì vậy chủ nợ phải sử dụng các công ty đòi nợ thuê nhưng rất đáng tiếc là các công ty đòi nợ thuê này hoạt động có những thủ đoạn ngoài pháp luật như khủng bố hoặc có những hoạt động phạm pháp một cách nghiêm trọng.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng rõ ràng là cần phải hạn chế vi phạm pháp luật và tiêu cực của đòi nợ thuê, nhưng cấm hay là nên cho hoạt động trong một khuôn khổ pháp luật được hoàn thiện hơn thì chúng ta nên nghiên cứu từ thực tiễn. Tuy vậy, ông cũng đưa ra giải pháp:
“Theo tôi thì cần có sự tổng kết về thực tế đòi nợ thuê ở Việt Nam hiện nay diễn ra như thế nào và những vấn đề mà nó đã xảy ra, các đụng độ, vấn đề về an ninh. Qua đó cũng nêu lên những hạn chế về pháp luật rồi tổ chức một cuộc hội thảo, sau đó có kiến nghị và ý kiến. Khi có hai luồng ý kiến khác nhau thì tôi nghĩ cách tốt nhất chúng ta nên ngồi lại thảo luận và phân tích một cách khoa học.”
Việc đòi nợ thuê nếu về lý thuyết thì rất hay, có cơ chế, tổ chức thực hiện. Nhưng trên thực tế đất nước mình trên khá nhiều phương diện mà quản lý xã hội còn lỏng lẻo thì nó dễ trở thành nơi người ta lợi dụng và tính chất mafia có môi trường để nảy sinh. – Dương Trung Quốc
Còn theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, hiện tại trong thông tin ông nhận được hoàn toàn không nói là không nên cấm mà luận chứng của bên trình lên Ủy ban công vụ còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Ông tiếp lời:
“Tôi nghĩ việc đòi nợ thuê nếu về lý thuyết thì rất hay, có cơ chế, tổ chức thực hiện. Nhưng trên thực tế đất nước mình trên khá nhiều phương diện mà quản lý xã hội còn lỏng lẻo thì nó dễ trở thành nơi người ta lợi dụng và tính chất mafia có môi trường để nảy sinh. Vì thế tôi cho rằng ý thức của xã hội cũng rất e ngại. Đây là điểm khiến cho nhiều người băn khoăn. Một mặt nếu không có cơ chế ấy thì việc đòi nợ rất khó, nhưng giao phó cơ chế ấy thì người thực hiện có nghiêm chỉnh theo luật không thì đó lại là một câu hỏi chưa thể khẳng định được. Vì thế tôi cho rằng chắc phải tiếp tục được bàn, chứ nói thế không phải loại bỏ kiến nghị ấy.”
Hầu hết các chuyên gia khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do đều cho rằng không nên bỏ loại hình kinh doanh đòi nợ. Tuy nhiên, để hạn chế những biến tướng của hình thức kinh doanh này, Việt Nam cần phải bổ sung thêm nhiều điều khoản trong Luật Đầu tư, như đề nghị của Luật sư Nguyễn Văn Hậu:
“Tôi thấy nếu đưa đây vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh như cái đề nghị thì nó chưa ổn lắm vì chúng ta phải quy định những điều mà người đi đòi nợ thuê không được làm. Nếu đi đòi nợ mà họ dẫn ra xô xát, đánh nhau hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do các nhân, quyền tài sản, quyền dân sự khác của khách nợ, đây là những quy định cấm trong hoạt động đòi nợ thuê. Tôi cho rằng nếu quy định có thiều những điều này thì chúng ta phải bổ sung và phải có chế tài nghiêm khắc đối với những người lợi dụng việc này (đòi nợ thuê) để cưỡng đoạt tài sản, gây thương tích thì căn cứ vào quy định tố tụng hình sự để xử những tội này theo quy định Bộ luật Hình sự Việt Nam.”
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng đối với bất kỳ luật nào cũng vậy, bên cạnh cơ chế cho họ quyền hạn thì cũng phải giám sát hết sức chặt chẽ và nghiêm túc vì những việc làm này rất dễ đi đến những thỏa thuận đằng sau luật, kể cả giữa người thuê và người thực hiện hay giữa người nợ và người đòi nợ nên có thể nhiều yếu tố tiêu cực xảy ra. Vì vậy ông cho rằng:
“Tôi nghĩ nó cần phải được nghiên cứu kỹ và nếu rõ ràng không thực hiện được, chưa đủ điều kiện thực hiện thì việc gác lại cũng có khả năng xảy ra như cách đặt vấn đề của TPHCM. Vấn đề còn lại là khắc phục nó bằng cái gì, thực hiện nó bằng cách gì để thay thế? Có lẽ đây vẫn là bế tắc!”
Có chứng chỉ mới được làm việc thiện: Bất ổn & vô lý
Diễm Thi, RFA
Người Việt Nam xưa nay vốn có câu “lá lành đùm lá rách” để nói về những tấm lòng từ tâm, giúp nhau qua cơn hoạn nạn, nay lại có đề xuất bổ sung việc “giúp nhau” đó vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Điều này có hợp lý không khi những người làm từ thiện xuất phát từ tâm, họ giúp người cũng xuất
phát từ cái tâm đồng cảm, yêu thương chứ chưa hẳn coi việc giúp người là công việc kinh doanh có lợi…
Đề xuất vô lý
Tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16 tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật trình Quốc hội lần này đề xuất bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này, trong đó có kinh doanh cơ sở cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AID, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em…được đề nghị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.
Đề nghị này bị cả Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải cân nhắc vì nhiều người làm từ thiện chỉ vì lòng nhân ái.
Báo Thanh Niên dẫn lời bà Ngân rằng, “Nhiều người đang sống lang thang ngoài đường, người ta đưa về nhà nuôi, bây giờ yêu cầu người ta phải chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phải có đủ điều kiện y tế chăm sóc người già mới cho làm thì tôi băn khoăn có phù hợp với điều kiện thực tế hay không?”
Luật đầu tư năm 2014 quy định Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có nghĩa là ngành nghề mà khi đầu tư kinh doanh thì ngành nghề đó phải đáp ứng được các điều kiện về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội hay sức khỏe của cộng đồng.
Khi thực hiện kinh doanh những ngành nghề có điều kiện thì doanh nghiệp cần phải thỏa mãn các điều kiện cụ thể như phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận có đủ điều kiện kinh doanh; Chứng chỉ hành nghề…
Như vậy, một người hay một nhóm người nào đó có lòng tốt và có khả năng tài chính muốn giúp đỡ người nghèo bỗng dưng trở thành chủ “doanh nghiệp” và phải có các loại giấy phép theo yêu cầu, dù thực chất họ chẳng kinh doanh gì cả.
Không cần phải xin giấy phép của bất cứ cơ quan chức năng nào hết, cứ việc đem thức ăn, đồ dùng ra phát cho họ vào ngày Thứ bảy hoặc Chủ nhật. – Cô Jenny Nguyễn
Một người dân thường làm từ thiện, cho RFA biết quan điểm của mình:
“Yêu cầu này là vô lý. Tụi tui không có bằng cấp gì hết nhưng có tâm, có tấm lòng giúp người nghèo. Ngoài giúp đỡ về tiền bạc, tụi tui đến nhiều nơi chăm sóc người nghèo, người già, giúp họ vệ sinh cá nhân, từ chùa chiền, nhà thờ, nhà nuôi trẻ mồ côi…
Nếu bây giờ yêu cầu bằng cấp hay chứng chỉ thì tụi tui phải chấm dứt những hoạt động đó. Thiệt thòi thuộc về người nghèo thôi.”
Cũng quyên góp thực phẩm, quần áo để giúp những người vô gia cư ở Thủ đô Washington, DC, cô Jenny Nguyễn cho biết, cứ gần cuối tuần cô phải liên lạc với các homeless shelter (nơi ngủ cho người vô gia cư), để biết cuối tuần họ sẽ tập trung ở đâu để nhận quà từ thiện thì nhóm cô sẽ đến đó, thường là ở các công viên. Cô cho biết:
“Không cần phải xin giấy phép của bất cứ cơ quan chức năng nào hết, cứ việc đem thức ăn, đồ dùng ra phát cho họ vào ngày Thứ bảy hoặc Chủ nhật”.
Từ thiện là hoạt động giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn xuất phát từ cá nhân hay một tổ chức bằng việc gây quỹ từ thiện, hỗ trợ bằng hiện vật hay tiền. Những hoạt động từ thiện diễn ra nhiều và thường xuyên ở Việt Nam, nhưng rất nhiều người không muốn nêu danh tính mà họ chỉ làm vì cái tâm của họ.
Với con mắt của một nhà báo, ông Nguyễn Ngọc Già có cái nhìn công bằng từ hai phía:
“Phải phân biệt cho rõ những cơ sở bảo trợ người già, nói chung là viện dưỡng lão có tính chuyên nghiệp với những người làm từ thiện từ tâm của họ.
Nếu ở các viện dưỡng lão (gọi chung) thì phải có những quy định rõ ràng, cụ thể mà tôi tin rằng bao lâu nay nó đã đi vào khuôn mẫu. Còn những người làm từ thiện bằng từ tâm của họ thì họ có thể mang vài người có hoàn cảnh khó khăn về nuôi mà đòi hỏi phải có bằng cấp đại học hay chứng chỉ thì nó rất là vô lý.”
Ông Nguyễn Ngọc Già nói thêm rằng đòi hỏi như vậy chỉ thiệt thòi cho những người nghèo không nơi nương tựa sống lay lất bên ngoài xã hội. Nếu không có những tấm lòng từ tâm giúp đỡ thì xã hội sẽ thêm nhếch nhác, bất ổn với cảnh ăn xin, thậm chí ăn trộm, ăn cướp…
Thêm rào cản để sách nhiễu dân
Một lý do khiến người dân “dị ứng” với bằng cấp hiện nay do quá nhiều bằng cấp giả. Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng nêu ý kiến về việc “chuộng” bằng cấp ở Việt Nam hiện nay:
“Ngay cả trong chính sách của nhà nước bây giờ cũng nên bỏ cái bồi dưỡng kiến thức đi vì nó không quan trọng, thứ hai là xã hội cần loại bỏ suy nghĩ là bằng cấp mới làm được, bằng cấp là điều kiện cần để chúng ta có một số kiến thức mà thôi, những vấn đề kinh nghiệm, giao tiếp hằng ngày đó mới là điều quan trọng. Một khi suy nghĩ được vậy thì các vấn đề bằng giả bằng lậu, học giả bằng thật thì nó mới có thể bớt đi được.”
Mới tuần trước, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Hành chính – Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, dùng bằng giả để thăng tiến suốt 20 năm mới bị phát hiện gây xôn xao dư luận xã hội nhưng không khiến người dân bất ngờ, bởi thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2004 đã cho ra con số hơn 10 ngàn trường hợp dùng bằng giả bị phanh phui.
Với đề xuất liên quan bằng cấp trong hoạt động từ thiện vừa được Bộ Kế hoạch – Đầu tư nêu ra, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già phân tích thêm một khía cạnh của sự vô lý:
“Thứ nhất là tôi không tin vào tất cả các loại bằng cấp ở Việt Nam hiện nay mà lại phát sinh thêm nạn quan liêu cho những người thật sự có từ tâm. Thứ hai, việc này lại tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước nhũng nhiễu người dân và người làm từ thiện cảm thấy chán nản không muốn làm nữa.”
Ông nói thêm rằng, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng đang kêu gọi lấy lại niềm tin và tình yêu thương của dân mà lại “bày ra” nhiều cái rào cản để làm khó dân như thế thì rõ ràng trong nội bộ chính quyền không thống nhất, ai muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói.
Trong xã hội hiện nay, khi đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng đến không còn tình người thì những hoạt động từ thiện trở thành tia sáng mong manh nuôi dưỡng lòng nhân ái lại đang đứng trước nguy cơ bị mất do những đề xuất vô lý của cơ quan chức năng.
Thay vì tạo thêm những rào cản thì các ban ngành nên đề xuất những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, những xử phạt nghiêm minh hơn trước những vấn nạn ăn chặn tiền từ thiện của cả người già và trẻ em mà báo chí lên tiếng chỉ mới hai tuần trước tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Có như vậy, người dân mới cảm thấy các cuộc họp về dự thảo luật trình quốc hội, tốn tiền thuế của dân, là cần thiết!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/do-charity-work-must-have-a-degree-dt-10162019142836.html
Lấy lại niềm tin, tình yêu thương của dân: Có quá trễ?
Thanh Trúc, RFA
“Giữ vững kỷ cương, kỷ luật của đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quí trọng của nhân dân” là khẳng định của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở phần cuối bài phát biểu bế mạc Hội Nghị Trung Ương Khóa 11 chiều 12 tháng Mười vừa qua. Đây là hội nghị chuẩn bị cho đại hội đảng 13 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.
Không ai tin?
Bản tin sau đó trên báo Thanh Niên phát hành trong nước cho thấy khi nói về công tác cán bộ, ông Nguyễn Phú Trọng đôi ba lần nhắc lại cũng như nhấn mạnh việc “củng cố” nhằm “lấy lại niềm tin, tình thương yêu của nhân dân đối với đảng”.
Theo ông, dù có nhiều thời cơ và thuận lợi trong thời gian qua, thì khó khăn và thách thức vẫn là phải tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Báo chí còn trích dẫn nguyên văn phát biểu của ông là “Phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cả về văn kiện lẫn nhân sự để Đại Hội thành công tốt đẹp, thật sự là đại hội đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển”.
Nói thế chỉ là lên dây cót cho anh em thôi chứ còn thực sự lòng dân người ta chán chê ra, người ta yêu cầu mười thì anh làm được vài ba, có khi còn lỗi âm, thử hỏi làm sao mà dân tin được. – Ông Nguyễn Khắc Mai
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, một trí thức phản biện ở Hà Nội, cho rằng giờ mà kêu gọi lấy lại niềm tin và tình yêu thương của nhân dân chẳng khác nào mất bò mới lo làm chuồng:
“Mất lâu rồi, không có tình thương yêu nào không có tin tưởng nào hết. Thực sự mà nói thì ông biết là không có niềm tin, không còn được nhân dân tin, ông biết thế là tốt. Tôi không quan tâm đến đại hội đảng vì nói thật hội nghị gì cũng chỉ là hình thức, nội bộ họ đang đấu tranh với nhau. Tôi chẳng quan tâm đại hội đảng đâu, tôi không chửi họ và không theo họ thế thôi, kệ!”
Toàn bộ bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng vào khi bế mạc Hội Nghị Trung Ương 11 chứng tỏ ông không đủ sức thuyết phục, là nhận định của ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu –Ban Dân Vận Trung Ương Đảng:
“Bởi vì toàn nói chuyện chung chung thôi, khen Ban Chấp Hành Trung Ương là có nhiều ý kiến sắc sảo, nhưng ý kiến gì thì không rõ. Khen ba bốn cái văn phòng làm việc tử tế nhưng đề xuất được cái gì thì cũng không nói rõ, tới đây sẽ chuyển biến cái gì, tập trung vào việc gì cũng không nói rõ. Trong Huế tôi có câu “ném cát bụi tre”, nghe rào rào, ào ào như thế, tôi thấy chả có tin tưởng gì.”
Ông Nguyễn Khắc Mai phân tích tiếp:
“Ông Trọng nhiều lần nói rằng tình hình Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Ông tự hào về một số kết quả ví dụ tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng và các thứ khác. Thế nhưng dân người ta đặt vấn đề là kết quả như thế, thành tựu như thế mà phải trả một giá rất đắt vì sự suy đồi của con người và xã hội, đặc biệt sự suy đồi thoái hóa của cơ quan hành pháp. Nói thế chỉ là lên dây cót cho anh em thôi chứ còn thực sự lòng dân người ta chán chê ra, người ta yêu cầu mười thì anh làm được vài ba, có khi còn lỗi âm, thử hỏi làm sao mà dân tin được.”
Nên giải quyết những vấn đề lớn
Tựu chung để lấy lại niềm tin và tình yêu thương, sự quí trọng của người dân thì quan trọng từ Đại Hội XIII là thông qua Nghị Quyết Hội Nghị Trung Ương lần thứ 11, nhận thức sâu sắc về những vấn đề lớn, thí dụ “Giải quyết quan hệ giữa qui luật thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa”, kế đến là “Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, chỉnh đốn đảng”.
Nhà quan sát thời cuộc, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng:
“Cần hiểu Nguyễn Phú Trọng là một người Mác Xít giáo điều, ông ta giáo điều hệt như Hugo Chavez của Venezuela lúc còn sống. Cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa xã hội đã dẫn Venezuela đến một đất nước không chỉ thảm thương mà còn nghèo đói. Nếu Nguyễn Phú Trọng còn muốn duy trì chủ nghĩa xã hội và cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa như Venezuela thì ông ta sẽ đẩy Việt Nam vào tình trạng thê thảm, đặc biệt vào lúc Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thảm họa về kinh tế, môi trường, thiên nhiên …
Lấy lại niềm tin, thương yêu này kia thực sự chả ăn nhập gì với cái định hướng xã hội chủ nghĩa của ông ta, càng giữ định hướng xã hội chủ nghĩa thì càng gây tai họa. Càng gây tai họa càng làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của người dân vào đảng và Nhà Nước. – Nhà báo Phạm Chí Dũng
Thứ hai, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thất bại lâu rồi. Bằng chứng rất rõ cho việc thất bại đó là sự tan rã của phần lớn hệ thống kinh tế quốc doanh trong đó bao gồm cả khái niệm tan rã vì tham nhũng. Nó sinh ra nhiều hậu họa, để lại những số nợ kinh khủng. Từ đó để thấy không còn hy vọng gì ở cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế của Việt Nam. Lấy lại niềm tin thương yêu này kia thực sự chả ăn nhập gì với cái định hướng xã hội chủ nghĩa của ông ta, càng giữ định hướng xã hội chủ nghĩa thì càng gây tai họa. Càng gây tai họa càng làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của người dân vào đảng và Nhà Nước.”
Từng là người chuyên nghiên cứu về lý thuyết Mác Lê từ khi còn trẻ, cựu vụ trưởng Vụ Dân Vận Nguyễn Khắc Mai cũng cho rằng ông đủ cơ sở để khẳng định chủ thuyết mà ông Nguyễn Phú Trọng đang đề cao thực sự là một thất bại:
“Càng nghiên cứu sâu thì không có chủ nghĩa Mác Lê nào cả, bởi nó là một thứ hổ lốn, nó đầu Ngô mình Sở, nó mâu thuẩn lẫn nhau, anh này nói một đàng anh kia nói một nẻo. Ông Mác về già ông đĩnh đạc ông sám hối, ông nói chả có chủ nghĩa cộng sản gì đâu, đấy là trò lừa trẻ con (Enfantine).
Thứ hai là làm gì có chủ nghĩa xã hội, và cái hình thái gọi là sau chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa xã hội thì làm gì có chuyện ấy. Bây giờ vì sợ mất quyền hành nên là cứ kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê chứ thực ra đấy là cái mà dân Việt Nam đã ói ra rồi, không ai người ta thừa nhận. Thực tế dân không thể tin được, không thể yêu được, làm được một số thành quả gì đấy thì cướp bóc hết một nửa rồi. Anh ở trong hội trường anh nói tầm phào với tình hình hiện nay với một đảng cầm quyền nói theo Lenin là vừa đốt vừa tham vừa cậy quyền thì làm sao cho dân tin được, người ta càng cười cho thôi.”
Dưới mắt nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, một số thành quả kinh tế nhất định bao năm qua so ra không thể sánh với cả một núi tham nhũng. Bao nhiêu củi tươi, củi khô, được cho là củi nhà của ông Nguyễn Phú Trọng, chưa được bỏ vào lò đốt, thì nói công tác cán bộ đến củng cố xây dựng hoặc kỷ cương kỷ luật đảng chỉ là nói lấy được mà thôi.
Muốn biết rõ ý dân, lòng dân đối với đảng và Nhà Nước thì cứ mạnh dạn trưng cầu dân ý sẽ hai năm rõ mười, là ý kiến của nhà báo, blogger, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn:
“Từ Điều 86 cho đến Điều 93, cả trong 8 Điều này đều qui định về quyền hạn và trách nhiệm của một chủ tịch nước. Thiết nghĩ bổn phận là chủ tịch nước thì ông cứ thi hành theo đúng Hiến Pháp.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng cần lấy lại niềm tin, tình thương của nhân dân là nói cho đảng của ông ta. Suốt 70 năm qua cái gọi là niềm tin, tình yêu của dân dành cho đảng chỉ là sự nhồi sọ. Tôi xin phép mượn tựa đề một cuốn sách của nhà văn Vũ Thư Hiên, tức là người miền Bắc lúc bấy giờ và người miền Nam sau này đều sống trong cảnh” Đêm Giữa Ban Ngày”. Người dân Việt Nam đã bị lầm quá sâu và ông Nguyễn Phú Trọng tưởng rằng người dân hiện nay vẫn còn lầm lẫn như vài chục năm về trước nên ông ta bảo là lấy lại niềm tin. Thực chất người dân không còn tin đâu.
Nếu họ dám thực hiện trưng cầu ý dân, và Luật trưng cầu ý dân đã có hiệu lực rồi, nếu cho rằng người dân Việt Nam hiện nay còn tin tưởng còn thương yêu đảng cộng sản Việt Nam thì trưng cầu ý dân ngay đi.”
Nếu họ dám thực hiện trưng cầu ý dân, và Luật trưng cầu ý dân đã có hiệu lực rồi, nếu cho rằng người dân Việt Nam hiện nay còn tin tưởng còn thương yêu đảng cộng sản Việt Nam thì trưng cầu ý dân ngay đi. – Blogger Nguyễn Ngọc Già
Bế mạc Hội Nghị Trung Ương 11, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tới việc bổ nhiệm một số nhân sự mới trong bộ máy cầm quyền, đồng thời à loan báo quyết định kỷ luật 7 tổ chức đảng, bao gồm Ban Cán sự Đảng bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Ban Cán sự Đảng bộ Truyền Thông-Thông Tin, Ban Cán sự Đảng bộ Giao Thông Vận Tải, Ban Thường vụ Đảng ủy ngoài nước, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Theo ông Nguyễn Phú Trọng, kỷ luật cán bộ là điều ông cho rằng “Thật là đau xót nhưng không thể không làm, không có cách nào khác”.
Còn đối với nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu –Ban Dân Vận Nguyễn Khắc Mai, khi tình hình tham nhũng đầy dẫy cùng số lượng cán bộ đảng viên tham ô, thoái hóa tăng cao, thì cho dù ông Nguyễn Phú Trọng có than thở như thế nào dân vẫn không tin.
Ông Trọng hoãn đi Mỹ vì lo ngại sức khỏe?
Có những dấu hiệu cho thấy Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ không thực hiện được chuyến công du Mỹ đầy mong đợi trong năm nay vì những lo ngại về sức khỏe, theo các chuyên gia phân tích chính trường Việt Nam.
Trích dẫn các nguồn tin khác nhau, nhà phân tích Ấn Ðộ-Thái Bình Dương Derek Grossman của RAND Corporation nhận định rằng ông Trọng sẽ không đi thăm Mỹ trong tháng này, trong khi Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales cho biết người đứng đầu nhà nước Việt Nam sẽ thăm Mỹ vào năm sau. Cả hai chuyên gia đều đưa ra lý do là vì những quan ngại về sức khỏe của ông Trọng.
Chuyến thăm của người đang nắm quyền lực cao nhất tại Việt Nam tới Washington được nhiều người mong đợi trong bối cảnh Mỹ muốn thúc đẩy cho một mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam khi Trung Quốc ngày càng gây sức ép trên Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đích thân mời ông Trọng tới thăm Nhà Trắng để bàn thảo các giải pháp tăng cường các mối quan hệ song phương, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hồi tháng 2 khi ông Trump tới Hà Nội tham dự thượng đỉnh với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Trọng lần đầu tiên tới thăm Mỹ năm 2015 và được tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama tiếp đón tại Nhà Trắng trong tư cách là tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Với việc ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời, ông Trọng được kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch nước và sẽ “danh chính ngôn thuận” khi gặp tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên tháng 4 vừa qua, ông Trọng được cho là đã phải nhập viện trong một chuyến thăm và làm việc tới Kiên Giang. Ông Trọng sau đó đã xuất hiện trở lại trong các sự kiện diễn ra tại Hà Nội qua các hình ảnh được truyền thông chính thống đăng tải.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, trong một bài phân tích đăng trên VOA, cũng cho biết rằng từ cuối tháng 9 “bắt đầu rộ lên thông tin bên lề chính trường Việt Nam về việc (TBT-CTN) Nguyễn Phú Trọng gặp phải vấn đề khó khăn về sức khỏe nên sẽ khó có thể đi Washington gặp Tổng thống Trump, dự kiến vào tháng 10.”
Nói với VOA từ Canberra hôm 15/10, GS Thayer trích các nguồn tin từ Việt Nam, mà ông tiếp xúc trong vòng một tháng qua, cho biết ông tổng bí thư “bị liệt tay phải” và rằng “ông ấy đã phải nhập viện ngay trước khi Hội nghị TW 11” diễn ra hồi tuần trước.
Ông Trọng đã không tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, vào cuối tháng trước.
BNG Việt Nam chưa bao giờ cho biết thời gian cụ thể ông Trọng sẽ thăm Mỹ nhưng truyền thông quốc tế cho rằng ông Trọng dự kiến thăm Mỹ vào tháng 10. Trong một buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm 12/9, bà Hằng nói với các phóng viên rằng “hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ được thông báo đến truyền thông vào thời điểm thích hợp.”
GS Thayer, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, nói rằng Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, từng là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phan Văn Khải, nói với ông bên lề một hội nghị rằng cho tới lúc này chưa có bất cứ một cuộc gặp nào ở cấp làm việc giữa Mỹ và Việt Nam được tổ chức để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Trọng.
“Đồng sàng dị mộng” về đối tác chiến lược
Theo nhà phân tích chính sách của Mỹ, Derek Grossman, viết trong một phần đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 15/10, rằng nếu đúng là tổng bí thư-chủ tịch nước Việt Nam không thăm Mỹ trong tháng này thì “giờ đây sẽ có rất ít khả năng Mỹ và Việt Nam nâng sự hợp tác lên ‘quan hệ đối tác chiến lược.”
Chuyến thăm Mỹ của ông Trọng được mong đợi trong suốt nhiều tháng qua trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gây sức ép với Việt Nam trên Biển Đông trong hoạt động khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài, trong đó có ExxonMobil củaMỹ.
Nhiều người kỳ vọng chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ sẽ nâng tầm quan hệ giữa hai nước từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược.”
Mặc dù Việt Nam và Mỹ cùng muốn có mối quan hệ chiến lược, nhưng GS Thayer cho rằng hai nước lại “đồng sàng dị mộng” trong quan niệm về “đối tác chiến lược.”
“Đối tác chiến lược của người Mỹ có xu hướng được thiết kế bởi Lầu Năm Góc (bộ quốc phòng Mỹ) và đại loại đưa Việt Nam vào một mối liên minh để lập nên trật tự dựa trên luật pháp để chống lại Trung Quốc,” GS Thayer nói.
Trong khi đó, theo vị giáo sư này, Việt Nam có một quan niệm rộng lớn hơn về “đối tác chiến lược”, trong đó bao gồm cả hỗ trợ về “công nghệ, giáo dục, y tế và có thể là hợp tác về an ninh và chính sách ngoại giao.”
Việt Nam hiện vẫn đang duy trì chính sách “3 không” – trong đó có không dựa vào nước này để chống nước kia.
“Việt Nam cần sự hỗ trợ của Mỹ nhưng họ lại không muốn một sự cam kết với Mỹ,” GS Thayer nói. “Quan niệm về đối tác chiến lược của Lầu Năm Góc có thể đẩy Việt Nam quá gần tới một mối quan hệ mà họ sẽ không muốn.”
Do đó, theo GS Thayer, Việt Nam đã luôn “do dự” trong việc trở thành đối tác chiến lược của Mỹ, trong khi Mỹ luôn thúc giục Việt Nam về việc này.
“Trước vụ Bãi Tư Chính, Việt Nam do dự hơn bởi vì làm thế nào để họ cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc,” GS Thayer nói. “Nhưng giờ đây họ gần như bị dồn vào chân tường bởi vì Trung Quốc ngày càng tăng sức ép, tăng sự hiện diện, và không lùi bước. Ai mà biết được?”
Theo nhận định của vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Úc, thuộc đại học NSW, ông Trọng sẽ thăm Mỹ vào năm sau khi hai quốc gia cựu thù kỷ niệm 25 năm ngày nối lại quan hệ ngoại giao.
Vị giáo sư của đại học Úc nói rằng chuyến thăm của ông Trọng nên được tiến hành trước khi bầu cử Mỹ vào cuối năm sau vì nếu có sự thay đổi trong sự lãnh đạo của Mỹ thì “Việt Nam sẽ phải đặt niềm tin vào bất cứ chính quyền mới nào của Mỹ.” Nhưng theo ông, điều đó có thể “rủi ro và không chắc chắn.”