Tin khắp nơi – 17/10/2019
Ông Trump sẽ không kí thỏa thuận thương mại
với TQ trước khi gặp ông Tập
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/10 tuyên bố có phần chắc sẽ không kí bất kì thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc cho đến khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn APEC sắp tới ở Chile.
Ông Trump, nói chuyện với các phóng viên tại Nhà Trắng, cho biết thỏa thuận thương mại một phần được công bố vào tuần trước đang trong quá trình chính thức hóa.
“Nó đang được chuẩn bị,” ông nói.
Ông Trump, ông Tập và các nguyên thủ quốc gia khác dự kiến sẽ tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Santiago từ ngày 11-17/11.
Tuần trước, ông Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc loan báo giai đoạn đầu của thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington nhưng không đưa ra nhiều chi tiết.
Trung Quốc muốn có thêm các cuộc đàm phán sớm nhất là vào cuối tháng 10 để xác định những chi tiết của thỏa thuận “giai đoạn một,” một bản tin của Bloomberg hôm 14/10 trích dẫn những người nắm rõ sự việc này cho biết.
Hoa Kỳ cứng rắn hơn với Trung Quốc
về vấn đề Hong Kong, Huawei
Hôm 15/10, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua bốn đạo luật/nghị quyết cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, trong số này có ba luật liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và một nghị quyết cổ vũ Canada trong vụ tranh chấp với Trung Quốc về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông TQ Huawei.
Tất cả bốn biện pháp được thông qua với đa số tuyệt đối, 100%, giữa lúc các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội đều muốn có lập trường mạnh mẽ với Trung Quốc và thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Hồng Kông sau bốn tháng bất ổn tại vùng lãnh thổ này.
Các đạo luật/ nghị quyết này được đưa ra giữa lúc Toà Bạch Ốc đang dự phần vào các cuộc đàm phán tế nhị với Bắc Kinh để giải quyết cuộc chiến tranh thương mại đã làm tê liệt các giao dịch thương mại giữa hai bên.
Một trong những biện pháp được đưa ra, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, đòi hỏi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hàng năm phải xác nhận là Hong Kong được duy trì quyền tự trị trước khi tiếp tục được đối xử đặc biệt để cho phép Hong Kong duy trì vị thế là một trung tâm tài chính lớn.
Thứ hai, Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông cấm xuất khẩu các mặt hàng quân sự và thiết bị kiểm soát đám đông mà cảnh sát Hong Kong có thể sử dụng để đàn áp người biểu tình.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo các nhà lập pháp Mỹ về ‘những ý đồ đen tối’ nhằm phá hoại sự ổn định của Hồng Kông, và cảnh báo rằng mối quan hệ song phương sẽ bị tổn hại nếu các biện pháp này chính thức trở thành luật.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc phải đề ra những biện pháp hiệu quả để mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình”.
Thượng viện Mỹ chưa lên lịch biểu quyết về các luật hay nghị quyết liên hệ, mà nếu được chuẩn thuận sẽ được gửi sang Toà Bạch Ốc để Tổng thống Trump ký thành luật, hoặc phủ quyết. Tuy nhiên, một phụ tá tại Ủy ban Đối ngoại cho biết cuộc biểu quyết về các luật liên quan tới Hồng Kông dự kiến sẽ được tiến hành tại trụ sở quốc hội trong vài tuần tới.
Biện pháp thứ ba được Hạ viện thông qua là một nghị quyết không có tính cách ràng buộc, công nhận mối quan hệ giữa Hồng Kông với Hoa Kỳ, lên án sự ‘can thiệp’ củaBắc Kinh vào các vấn đề nội bộ của đặc khu Hong Kong,ủng hộ quyền của người dân thành phố được phản đối.
Chính phủ Hồng Kông nói họ lấy làm tiếc về quyết định của Hạ viện Mỹ thông qua các biện pháp cứng rắn đó, đồng thời cảnh báo các cơ quan lập pháp nước ngoài chớ nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong.
Biện pháp thứ tư là một nghị quyết không có tính ràng buộc pháp lý của chính phủ Mỹ, ca ngợi các hành động của Canada sau khi Hoa Kỳ yêu cầu nước này dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei- tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, sau khi bà Mạnh bị bắt ở Canada vào tháng 12 năm ngoái.
Hoa Kỳ tố cáo Huawei là đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội Hoa Kỳ nói rằng họ coi công ty Trung Quốc này là một mối đe dọa an ninh.
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-cung-ran-hon-voi-tq-ve-van-de-hong-kong-huawei/5126629.html
Mỹ muốn TQ ‘mạnh tay’ với Triều tiên
để thúc đẩy đàm phán hạt nhân
Quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ ở châu Á hôm thứ Ba (15/10) cho biết, Washington muốn Bắc Kinh thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên để khiến chính quyền Kim Jong Un tích cực hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phát biểu tại một hội nghị ở Washington rằng, Trung Quốc đã nới lỏng việc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, đặc biệt trong việc kiểm soát những mặt hàng bị cấm trung chuyển giữa các tàu ngoài biển”.
“Chúng tôi muốn Trung Quốc thực hiện tốt hơn”, Schriver nói. Ông cho biết thêm: “Về tối thiểu, lệnh trừng phạt vẫn đang được thi hành, nhưng tôi nghĩ Trung Quốc còn nhiều biện pháp gây áp lực để Bình Nhưỡng tích cực hơn trong các cuộc đàm phán”.
Ông Schriver cũng đề cập đến những nỗ lực của Mỹ nhằm nối lại các cuộc đàm phán để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Đầu tháng này, Mỹ và Triều Tiên đã có cuộc hội đàm cấp chuyên viên đầu tiên kể từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 2. Tuy nhiên, Triều Tiên cáo buộc phía Mỹ không linh hoạt và bỏ ngỏ khả năng sẽ tham dự một vòng đàm phán khác.
Lý do Trump – Tập ‘ngừng bắn’
“Lệnh ngừng bắn” chiến tranh thương mại vào cuối tuần trước giúp Trump – Tập có chiến thắng vào thời điểm đang chịu nhiều áp lực.
Trong nhiều tháng qua, Trump gây áp lực với Bắc Kinh bằng cách đánh thuế nặng với mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, nhằm giải quyết một loạt lo ngại của Mỹ về cách Trung Quốc quản lý nền kinh tế. Trong khi đó, các quan chức cấp cao Trung Quốc đáp trả các đòn áp thuế của Trump và nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có điều kiện tiên quyết là Mỹ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan.
Tuy nhiên, ngày 11/10, hai bên quyết định rằng thỏa thuận một phần còn tốt hơn không có. Họ thống nhất một thỏa thuận sơ bộ rằng Trung Quốc mua thêm nông sản Mỹ và thực hiện một số bước mở cửa
nền kinh tế, đổi lấy việc Mỹ để từ bỏ kế hoạch tăng thuế tuần tới. Động thái này sẽ giúp làm dịu cuộc chiến thương mại đã gây thiệt hại đáng kể cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố ở Hong Kong cũng như giá hàng hóa trong nước tăng mạnh. Còn Trump rất muốn một câu chuyện để chuyển hướng dư luận khỏi cuộc điều tra luận tội và một loạt nghi ngờ về liên lạc giữa đội ngũ của ông với Ukraine. Cả hai lãnh đạo ngày ngày đối mặt với những tin tức kinh tế tiêu cực vì cuộc chiến thương mại đang đè nặng lên đầu tư sản xuất và kinh doanh.
“Rõ ràng là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lâm vào bế tắc”, Edward Alden, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói. “Tại thời điểm này, không bên nào thấy việc leo thang căng thẳng có thể đem về lợi ích gì. Tổng thống muốn một sự kiện tích cực để có lợi cho chiến dịch tranh cử năm 2020 và người Trung Quốc muốn điều tương tự vì lý do kinh tế”.
Trump và các cố vấn bác bỏ chiến tranh thương mại gây ra thiệt hại kinh tế ở Mỹ. Tuy nhiên, các bằng chứng ngày càng khó bỏ qua. Đầu tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 700 tỷ USD vào năm 2020 – tương đương với quy mô của toàn bộ nền kinh tế Thụy Sĩ.
Khi chiến dịch tái tranh cử của Trump đang đến gần, ông và các cố vấn ngày càng ý thức về sự cần thiết phải hạn chế bất kỳ thiệt hại kinh tế nào, đặc biệt với đối tượng cử tri quan trọng như nông dân, những người phải thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến.
Kinh tế nông nghiệp Mỹ rơi vào suy thoái do sụt giảm mạnh về doanh số bán hàng sang Trung Quốc các mặt hàng chủ đạo như đậu nành, thịt lợn và ngô. Trong khi chính quyền đã cố gắng giảm bớt thiệt hại bằng hai vòng hỗ trợ tài chính, nông dân ngàycàng mong muốn Nhà Trắng chấm dứt chiến tranh thương mại, nói rằng khoản trợ cấp không đủ để bù đắp cho doanh số bị mất.
Nỗi đau đó có nguy cơ trầm trọng hơn vào tuần này. Trước khi có thỏa thuận “ngừng bắn” hôm 11/10, Trump lên kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc nhiều khả năng trả đũa, dẫn đến hệ quả là người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sắp bước vào mùa nghỉ lễ sẽ chịu thiệt.
Còn về phần ông Tập, giá thực phẩm tăng cao đã trở thành vấn đề lớn ở Trung Quốc. Dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt lợn cũng như các sản phẩm thay thế như thịt bò và thịt cừu tăng mạnh. Khi công chúng Trung Quốc bắt đầu hỏi “thịt bò ở đâu”, các nhà đàm phán thương mại có câu trả lời: Nó có thể đến từ Mỹ, cùng với rất nhiều thịt lợn, đậu nành và thực phẩm khác.
Nhưng trong khi thỏa thuận có lợi cho một số ngành công nghiệp nhất định, nó ít khả năng đảo ngược những chia rẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với thỏa thuận mới này, Mỹ vẫn giữ mức thuế áp đặt trong 16 tháng qua đối với một loạt các ngành công nghiệp Trung Quốc. Điều đó có thể khiến nhiều công ty vẫn nỗ lực chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc, có thể sang Mỹ nhưng nhiều khả năng là các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.
Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, nói rằng thỏa thuận giúp không có lệnh trừng phạt mới nào được đưa ra nhưng không giải quyết được các rạn nứt cơ bản giữa hai nước. “Khó có thể cho rằng động thái này là bước xuống thang căng thẳng thật sự”, Prasad nói.
Trump hôm 11/10 cho biết Trung Quốc đồng ý mua 40 – 50 tỷ USD hàng hóa nông sản Mỹ hàng năm, trong khi mức trước chiến tranh thương mại là khoảng 24 tỷ USD. Không thể đảm bảo Trung Quốc có tiếp tục đồng ý nhượng bộ hay không khi nước này đang trong thời điểm nhạy cảm chính trị. Ba tuần tới, phiên họp của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc gồm 204 thành viên sẽ diễn ra. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ tháng hai năm ngoái.
Ông Tập chịu trách nhiệm lớn về tình trạng mối quan hệ Mỹ – Trung cũng như tình trạng nền kinh tế Trung Quốc. Để xử lý các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, ông Tập đã chọn một ủy ban đảng Cộng sản mà ông đích thân giám sát và để một trong những cố vấn thân cận nhất, Phó thủ tướng Lưu Hạc, phụ trách.
“Trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay, ông ấy cần phải có câu trả lời cho các thành viên Ủy ban Trung ương dự cuộc họp”, cựu biên tập viên Deng Yuwen của một tạp chí đảng ở Bắc Kinh, viết.
Vẫn có nguy cơ thỏa thuận Mỹ – Trung sụp đổ sau khi Ủy ban Trung ương Đảng họp. Bắc Kinh dường như đang phòng ngừa rủi ro đó. Truyền thông nhà nước Trung Quốc không mô tả những điều hai bên thống nhất là một thỏa thuận thực tế. Bản thân ông Trump cũng nói rằng các chi tiết pháp lý của thỏa thuận vẫn chưa ngã ngũ và chưa được trình bày ra văn bản.
Trung Quốc và Mỹ từng đạt được hai thỏa thuận “ngừng bắn”, lần đầu tiên vào tháng 12 ở Buenos Aires và lần thứ hai vào tháng 6 tại Osaka. Thỏa thuận Buenos Aires kéo dài 5 tháng trong khi thỏa thuận Osaka sụp đổ trong một tháng.
“Điều gì cũng có thể xảy ra”, Trump trả lời khi được hỏi liệu thỏa thuận có thể sụp đổ trước khi hai bên ký kết tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào tháng tới hay không. “Điều đó có thể xảy ra. Nhưng tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ diễn biến theo hướng đó. Tôi nghĩ chúng tôi biết nhau rất rõ”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30903-ly-do-trump-tap-ngung-ban.html
Phó Tổng thống Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ
ngừng tấn công Syria
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/10 nhằm tìm cách thuyết phục Ankara ngưng cuộc phản công nhắm vào các chiến binh người Kurd ở đông bắc Syria.
Tuy nhiên, theo Reuters, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ tiếp tục chiến dịch.
Tin cho hay, cuộc tấn công suốt một tuần qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Syria liên quan tới 160 nghìn thường dân.
Theo Reuters, Tổng thống Trump đã bị cáo buộc bỏ rơi các chiến binh người Kurd, vốn là đối tác chính của Washington trong cuộc chiến nhằm đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Syria khi cho rút quân Mỹ khỏi biên giới, giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc phản công hôm 9/10.
Bị chỉ trích,
Trump bênh vực quyết định rút quân khỏi Syria
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/10 cho biết ông không phản đối nếu Nga giúp Syria trong cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ và bác bỏ những chỉ trích về việc ông rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria khiến đồng minh người Kurd bị tấn công.
Quyết định của ông Trump rút lực lượng Mỹ trước một cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào miền bắc Syria đã phá tan tình hình tương đối yên ổn ở đó và ông đã bị chỉ trích vì bỏ mặc lực lượng dân quân người Kurd đã giúp Mỹ đánh bại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.
Việc Washington vội vàng rút đi đã tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đua nhau phân chia quyền kiểm soát khu vực của người Kurd mà trước đây được Mỹ bảo vệ.
Quân đội Syria cùng với các lực lượng Nga đã tiến vào thành phố Kobani, thành phố biên giới quan trọng về mặt chiến lược và là điểm nóng tiềm năng cho một cuộc xung đột rộng hơn, Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh chuyên theo dõi chiến sự ở Syria, cho hay.
Nói chuyện với các phóng viên khi tiếp Tổng thống Ý Sergio Mattarella tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng và sau đó trong một cuộc họp báo chung, ông Trump nói người Kurd “không phải là thiên thần” và rằng Thổ Nhĩ Kỳ và đất nước Syria đang được Nga hậu thuẫn có lẽ cần phải “quyết đấu.”
Trong Phòng Bầu dục với ông Mattarella, ông Trump nói: “Binh sĩ của chúng tôi không gặp nguy – vì họ không đáng bị như vậy, trong khi hai nước tranh giành đất đai không liên quan gì đến chúng tôi.”
Ông Trump cũng bênh vực quyết định rút binh sĩ như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn đưa họ về nhà từ những cuộc chiến bất tận, dù ông bị các thành viên cùng Đảng Cộng hòa đả kích.
“Tôi xem tình hình ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria đối với Mỹ là hết sức khôn ngoan về mặt chiến lược,” ông Trump nói.
“Syria có thể nhận được sự trợ giúp từ Nga, và điều đó cũng tốt thôi. Họ có nhiều quyết tâm mà,” ông nói sau đó. “Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết đấu với nhau, có lẽ họ sẽ quyết đấu với nhau. Nhưng binh sĩ của chúng ta sẽ không mất mạng vì chuyện đó.”
Hành động vào tuần trước sau một cuộc điện đàm vào ngày 6 tháng 10 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Trump đột ngột đảo ngược chính sách của Mỹ suốt năm năm qua với quyết định từ chối bảo vệ người Kurd ở Syria và rút khoảng 50 thành viên lực lượng biệt kích trước rồi sau đó khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ ở miền bắc Syria.
“Đây là một sai lầm tệ hại hơn những gì (Barack) Obama đã làm” khi cựu Tổng thống này rút quân Mỹ khỏi Iraq vào năm 2011,” Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsay Graham, thường là một trong số những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất, nói với các phóng viên.
Hành động của ông Trump bị nhiều người xem là bật đèn xanh cho các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước tấn công lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, đồng minh thân cận của Washington trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo từng kiểm soát những dải lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
Hạ viện Hoa Kỳ hôm 16/10 đã biểu quyết với tỉ lệ 354 thuận và 60 chống để lên án quyết định của ông Trump rút binh sĩ Mỹ trong một nghị quyết không mang tính ràng buộc, với hàng chục nghị sĩ Đảng Cộng hòa biểu quyết ủng hộ cùng đa số bên Đảng Dân chủ.
Tổng thống Trump mất bình tĩnh
sau khi tranh cãi với bà Pelosi về vụ rút quân ở Syria
Sau khi rút quân khỏi Syria, vào hôm Thứ Tư (16/10), tại tòa Bạc Ốc, tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ không đạt được lợi ích trong việc bảo vệ các chiến binh người Kurd, với danh nghĩa là đồng minh của Hoa Kỳ chống lại các phần tử cực đoan ISIS.
Việc phản đối lập trường của tổng thống Trump đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và người Kurd diễn ra rất nhanh và nghiêm trọng trong ngày, không chỉ từ đảng Dân Chủ mà còn từ những thành viên đảng Cộng Hòa. Hạ viện, dù bị chia rẽ nghiêm trọng về cuộc điều tra luận tội tổng thống Trump, nay lại đoàn kết để phản đối việc rút quân của Hoa Kỳ với kết quả áp đảo 354-60. Nhiều nhà lập pháp bày tỏ lo ngại hành động này có thể dẫn đến sự hồi sinh của ISIS, cũng như sự tăng tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực. Một nhà lập pháp gọi hành động này là quà tặng của tổng thống Trump dành cho Putin.
Tại Tòa Bạch Ốc, tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ không có liên quan trong khu vực – và không cần phải bận tâm đến các chiến binh người Kurd. Sau cuộc bỏ phiếu phản đối tại Hạ viện, các nhà lãnh đạo quốc hội của cả hai đảng đến Tòa Bạch Ốc để tham dự một cuộc họp, và nảy sinh vụ công kích giữa tổng thống Trump và bà Pelosi. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các thành viên đảng Dân chủ hàng đầu khác đã bỏ ra khỏi một cuộc họp, cáo buộc rằng ông Trump đã mất bình tĩnh, gọi bà là một “chính trị gia hạng ba”, và không có kế hoạch đối phó với một nhóm nhà nước Hồi giáo đang có khả năng hồi sinh. (Mộc Miên)
Hạ Viện bỏ phiếu áp đảo 354/60 phản đối
quyết định rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria
Tin từ Washington, D.C. — Vào hôm Thứ Tư (16 tháng 10), Hạ Viện bỏ phiếu phản đối quyết định rút quân đội Hoa Kỳ khỏi miền Bắc Syria của Tổng Thống Trump, với sự đồng thuận rất lớn của lưỡng đảng.
Bất chấp sự chia rẽ nghiêm trọng trước cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Trump, đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã hợp tác cùng nhau và phê chuẩn một nghị quyết không ràng buộc bằng một cuộc bỏ phiếu với 354 phiếu thuận và 60 phiếu chống. Nghị quyết nêu rõ sự phản đối của Quốc Hội đối với việc rút quân và cho biết Thổ Nhĩ Kỳ nên chấm dứt hành động quân sự ở Syria. Bên cạnh đó, Quốc Hội nói rằng Tòa Bạch Ốc nên đưa ra một kế hoạch để bảo đảm nhà nước Hồi giáo ISIS đã bị đánh bại.
Đài KTLA5 đưa tin cho biết, Đảng Cộng hòa gọi quyết định rút quân là ” một thảm họa”. Trong khi Đảng Dân chủ chỉ trích tổng thống Trump trực tiếp. Dân biểu Seth Moulton nói rằng Tổng Thống “đã đứng về phía những kẻ độc tài và đồ tể”. Trong số các thượng nghị sĩ, ông Lindsey Graham, một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng Thống Trump, cho biết quyết định của Tổng Thống sẽ cho phép ISIS tái sinh và nói thêm rằng Tổng Thống sẽ “phải chịu trách nhiệm”. Ông Graham nhận định quyết định của Tổng Thống Trump là “đi ngược lại các lời khuyên quân sự hợp lý”. Ông hy vọng Tổng Thống “sẽ xem xét lại và hành động để ngăn chặn đổ máu trước khi quá muộn.
“Lãnh đạo đa số Thượng Viện Mitch McConnell gọi quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và lực lượng người Kurd ở Syria là “một liên minh tuyệt vời” đã thành công trong việc đẩy lùi ISIS; ông cũng “xin lỗi vì tình trạng hiện tại.” (Mộc Miên)
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ
Elijah Cummings qua đời
Dân biểu Elijah Cummings, một trong những đảng viên Dân chủ có ảnh hưởng nhất trong Quốc hội Mỹ và là nhân vật chủ chốt trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, qua đời hôm thứ Năm 17/10, ở tuổi 68.
Thông báo từ văn phòng của ông Cummings cho biết ông qua đời do “các biến chứng liên quan đến các vấn đề về sức khỏe mà ông đã bị từ lâu.” Ông Cummings gần đây đã vắng mặt tại Quốc hội vì lý do sức khỏe, trong đó có các vấn đề về về tim mạch và đầu gối.
Xuất thân từ một gia đình tá điền, nhưng ông đã vươn lên làm lãnh đạo Ủy ban Giám sát có nhiều quyền lực của Hạ viện. Ông Cummings đã đụng độ với ông Trump trong nhiều cuộc điều tra liên quan đến vị tổng thống của Ðảng Cộng hòa — từ tài chính cá nhân cho đến các vụ bị tố cáo là lạm dụng các cơ quan liên bang.
Ủy ban giám sát là một trong ba ủy ban Quốc hội dẫn đầu các thủ tục luận tội tổng thống bắt đầu từ ngày 24 tháng 9, sau khi ông Trump yêu cầu Ukraine điều tra ông Joe Biden, đối thủ tiềm năng của ông Trump bên Ðảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Hạ viện với chủ tịch là bà Nancy Pelosi sẽ chọn người thay thế ông Cummings làm chủ tịch Ủy ban Giám sát trong những ngày tới.
Ông Cummings được những người theo Ðảng Dân chủ ở bang Maryland bầu làm đại biểu Quốc hội lần đầu tiên vào năm 1996. Ông đã giữ chức chủ tịch Úy ban Giám sát kể từ tháng 1 năm nay, sau khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 2018.
Trước cuộc điều tra luận tội, ủy ban của ông Cummings đã điều tra xem liệu Trump có lạm dụng quyền lực để làm giàu cho bản thân, cho gia đình hay các doanh nghiệp của mình, trong đó có các khách sạn Trump hay không.
Nhà lập pháp người Mỹ gốc Phi này từng gọi ông Trump là một kẻ phân biệt chủng tộc và chỉ trích gay gắt chính sách nhập cư của ông Trump.
Bất chấp những khác biệt, Tổng thống Trump đã gửi lời chia buồn tới gia đình và thân nhân của ông Cummings hôm thứ Năm.
Tổng thống Trump đăng trên Twitter: “Tôi đã tận mắt chứng kiến nghị lực, niềm đam mê và trí tuệ của nhà lãnh đạo chính trị rất đáng kính này. Công việc và tiếng nói của ông trên nhiều mặt trận sẽ rất khó khăn, nếu không nói là không thể thay thế!”
Hồi tháng 7, ông Trump đã gọi ông Cummings là một “kẻ bắt nạt tàn bạo,” và nói ông nên tập trung vào việc dọn dẹp thành phố Baltimore kinh tởm, đầy chuột bọ, thay vì chỉ trích công việc của cơ quan di trú ở biên giới Mexico.
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan :
Hội Đồng Bảo An phản ứng lấy lệ
Sau một tuần lễ họp kín về tình hình Syria, Hội Đồng Bảo An vào hôm qua, 16/10/2019, rốt cuộc cũng đã ra được một tuyên bố chung, nhưng chỉ ở mức tối thiểu. Từ một tuần lễ nay, 15 thành viên Hội Đồng Bảo An đã không đưa ra được quan điểm chung, Nga vẫn bác bỏ đề nghị ngưng bắn hay lên án Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Carrie Nooten, thông tín viên RFI tại New York, thông cáo yếu ớt này đã gây ngạc nhiên ngay cả trong các đại sứ có mặt trong cuộc họp, như đại sứ Nam Phi, quốc gia chủ tịch Hội Đồng Bảo An.
« Một thông cáo với văn phong thật rút gọn. Đại sứ Nam Phi, quốc gia chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong tháng này, cũng tỏ vẻ ngạc nhiên về tính èo uột của bản tuyên bố chung vừa được 15 quốc gia thành viên thông qua.
Theo ông Jerry Matjila : Hội Đồng đã nói là thật sự quan ngại trước nguy cơ phân tán của các nhóm khủng bố mà Liên Hiệp Quốc công nhận, kể cả của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, và tình hình khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn. Đây là những điều mà Hội Đồng đã yêu cầu tôi thông báo cho quý vị.
Hai thông báo khác riêng rẻ đã tiếp theo tuyên bố chung : thông cáo của các nước châu Âu đã lên án cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, và thông cáo của đại sứ Mỹ Kelly Kraft, gay gắt hơn đối với Ankara so với trước đây.
Đối với một số nhà ngoại giao, nếu tuyên bố chung hôm qua, 7 ngày sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, là một bước đầu, thì dường như các thành viên của Hội Đồng Bảo An vẫn giữ nguyên quan điểm rất khác biệt của mình.
Và hành lang của Liên Hiệp Quốc cũng phản ánh những điều diễn ra trên chính trường quốc tế : Đại sứ Nga đã phát biểu dông dài với báo chí, trong khi giữ im lặng suốt 7 ngay qua.
Ông đã nêu lên sự sáng suốt của Matxcơva về toàn cục địa chính trị ở Syria, nói đến vai trò “trung gian hòa giải” của Nga – tổng thống Putin sắp đón tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong những ngày tới tại Matxcơva. »
Tình hình tại chỗ
Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng đông bắc Syria đã làm hơn 300.000 người phải di tản trong 8 ngày qua, theo thông báo của tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, OSDH, được AFP trích dẫn. Phần đông đã chạy trốn khỏi các trận đánh ở tỉnh Hassaké, ở vùng chung quanh Kobané (tỉnh Alep), và vùng Tal Abyad (tỉnh Raqqa).
Về chiến sự, quân đội Syria, hôm qua, 16/10/2019, tiếp tục triển khai rộng ở phía bắc và đông bắc Syria. Tối qua, các đoàn xe của quân đội Syria cùng một số xe thiết giáp Nga đã vào được thành phố Kobané. Họ cũng triển khai quân chung quanh Tall Tamr – gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ – ở tỉnh Hassaké ở vùng đông bắc, đồng thời chuẩn bị vào thành phố Raqqa.
Theo tổ chức OSDH, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang kiểm soát thành phố Tal Abyad, trong khi vào hôm nay họ đã chiếm được một nửa thành phố giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ Ras al-Ain.
Anh rời EU cuối tháng 10
và có thời kỳ chuyển tiếp hết 2020
Anh và EU đã đạt một thỏa thuận mới về Brexit, theo lời Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói đây là “thỏa thuận công bằng”.
Tuy thế, ông nói ông “buồn vì Brexit” khi kết thúc cuộc họp báo với ông Johnson tại Brussels chiều 17/10.
Bàn tròn BBC: Brexit và chuyện thời sự Việt Nam
Hai người cùng thúc giục quốc hội hai bên ủng hộ.
Những gì mới nhất từ Brussels liên quan đến thỏa thuận Brexit với Anh:
Bắc Ireland sẽ ở trong khu vực thuế quan của Anh, nhưng lại tuân theo một số quy định thuế quan EU. Việc kiểm soát hàng hóa từ Anh sang Bắc Ireland sẽ được làm chặt chẽ hơn nếu hàng hóa đó được bán, vận chuyển tiếp vào CH Ireland là khu vực thị trường chung EU. Hai miền Nam và Bắc Ireland không đặt hàng rào biên giới.
Anh Quốc và Liên hiệp châu Âu sẽ ký Hiệp định tự do mậu dịch với mức thuế nhập bằng 0, và sẽ không bị hạn chế bởi chế độ quota, hay là hạn ngạch hàng hóa.
Chế độ quota – hạn ngạch này đã được EU áp dụng cho nhiều nước trên thế giới, ví dụ EU sẽ chỉ mua một số lượng hàng nhất định mỗi năm từ nước đó.
Anh ra khỏi EU nhưng hai bên sẽ có 14 tháng chuyển tiếp, từ cuối tháng 10/2019 đến hết 2020, nhằm chuẩn bị cho cơ chế mới. Trong thời gian này, mọi hoạt động diễn ra bình thường.
Có vẻ đây là tin vui cho thị trường, vì đồng bảng Anh đã tăng giá ngay lập tức, lên mức cao nhất so với USD từ 5 tháng qua. Vào lúc này đồng bảng trị giá 1.2937 USD.
Tuyên bố chung EU – Anh nói về mối quan hệ tương lai ‘đầy đủ, tham vọng’ và vì nhân dân hai bên.
Các cơ chế hợp tác chặt chẽ về an ninh, quốc phòng, chống khủng hoảng, di dân được hai bên đồng ý, cho dù Anh sẽ không còn là thành viên EU.
Thông cáo chính trị chung Anh – EU nói sau 45 năm Anh là thành viên EU, hai bên cần ghi nhận tình trạng đặc thù đó, hàm ý không thể coi Anh như một nước xa lạ.
Dù vậy, còn rất nhiều chi tiết hai bên phải đàm phán để có hiệp định tự do thương mại, và các mối quan hệ đặc biệt khác.
Khả năng qua cửa Quốc hội
Tuy nhiên, hiện không rõ ‘thỏa thuận Johnson’ có gặp số phận giống thỏa thuận Brexit mà bà Theresa May, thủ tướng trước của Anh, hay là không.
Thỏa thuận của bà May ký với EU vào tháng 9/2018 đã ba lần bị Quốc hội Anh bác bỏ.
Sang EU sau Brexit, dân Anh cần lo gì?
Biên giới Ireland, Brexit và lời Boris
EU ‘sẵn sàng giúp VN’ về an ninh mạng
Nay, theo bình luận của biên tập viên chính trị BBC, ông Norman Smith thì ông Johnson sẽ không có đủ phiếu dân biểu Hạ viện để thông qua thỏa thuận này.
Lý do là đảng Dân Chủ Liên hiệp -DUP ở Bắc Ireland nói họ phản đối thỏa thuận vì ‘đặt Bắc Ireland vào vị thế riêng biệt với phần còn lại của Anh Quốc’.
Vì thế, theo Norman Smith, thủ tướng Johnson phải có ủng hộ của “rất nhiều dân biểu Hạ viện thuộc đảng Lao Động đối lập” thì mới thông qua được thỏa thuận rút khỏi EU.
Lãnh đạo đảng Lao Động, ông Jeremy Corbyn đã ngay lập tức bác bỏ thỏa thuận này của ông Johnson.
Xem bài: Brexit có phải là định mệnh của Anh?
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50083920
Sang EU sau Brexit,
dân Anh kiểu gì cũng phải chuẩn bị
Nếu Anh-EU không đạt thỏa thuận Brexit, công dân Anh cần chuẩn bị từ hộ chiếu cho chó mèo đến dấu GB dán lên xe khi sang EU sau 31/10 năm nay.
Tuy nhiên, kể cả khi hai bên đạt thỏa thuận Brexit, việc cư trú của người Anh tại các nước EU sẽ vẫn phụ thuộc vào luật của từng nước.
Mặt khác, trong phương án ‘no deal Brexit’ – không có thỏa thuận để Anh rút khỏi EU một cách trật tự, công dân hai bên vẫn có quyền đi du lịch, thăm viếng lẫn nhau trong 90 ngày.
Vì sao kinh tế Anh có vẻ tốt bất chấp lo lắng Brexit?
EU sẽ lại phải gia hạn Brexit cho Anh?
Boris thua vòng I và Hạ viện Anh muốn gia hạn Brexit
Để ở lại các nước EU lâu hơn, khi ấy người Anh cần xin visa hoặc giấy phép lao động.
Đây cũng là thỏa thuận để công dân Anh sang thăm các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, nằm trong Khu vực Kinh tế châu Âu (European Economic Area).
Trường hợp đặc biệt được áp dụng cho lãnh thổ Cộng hòa Ireland nhờ thỏa thuận song phương Anh – Ireland ‘ Common Travel Area (CTA).
Theo đó, công dân hai bên tiếp tục có quyền sang sinh sống, làm việc, hưởng dịch vụ y tế ở phía bên kia.
Tiếp tục như cũ nhưng không vĩnh viễn?
Riêng về công dân EU đang sống ở Anh, London đã đạt thỏa thuận với Brussels cho 2,37 triệu công dân EU tiếp tục sống, làm việc ở Anh bình thường.
Con số chừng 1,3 triệu công dân Anh đang sống và làm việc tại EU cũng được đảm bảo quyền lợi tương tự.
Thỏa thuận này, theo những gì các bên nói, không bị nội dung đàm phán Brexit hiện nay và về sau tác động nữa.
Tất nhiên, đây chỉ là quyền định cư và lao động của các cá nhân đã sống ở EU và Anh, còn muốn có quyền công dân, họ phải xin và chờ xét theo thủ tục từng quốc gia.
Chưa kể hiện không rõ các cam kết về việc đảm bảo ổn định cho công dân của nhau sẽ có hiệu lực bao lâu.
Chính phủ Pháp, trên trang web của mình, nói Pháp cho công dân Anh đã sống tại Pháp quyền hưởng dịch vụ y tế trong hai năm.
Sau đó tình hình ra sao thì còn là câu hỏi để ngỏ.
Chính phủ Anh khuyên ai ở vào trường hợp đó cần nhanh chóng đăng ký định cư tại Pháp.
Hiện nay, công dân Anh, với tư cách công dân EU, không cần visa hay giấy phép gì để sống, làm việc tại Pháp.
Tây Ban Nha cho hay họ sẽ chỉ đảm bảo các quyền y tế và được chăm sóc sức khoẻ cho công dân Anh chừng nào công dân Tây Ban Nha được hưởng các quyền tương tự ở Anh.
Hộ chiếu Anh và các yêu cầu khác
Tuy vậy, chính phủ Anh khuyến cáo công dân của mình rằng họ nếu muốn sang EU đi du lịch không cần visa cho tới 90 ngày, vẫn cần có hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng tính từ ngày khởi hành.
Hộ chiếu Việt ‘yếu hơn hộ chiếu Cuba’Việt Nam ‘là đối tác thương mại quan trọng của Anh’
Brexit: Anh được hai ‘hạn chót’ treo trên đầu
Brexit: Số dân Anh xin hộ chiếu EU tăng nhanh
Đó là trường hợp ‘no deal Brexit’, còn nếu hai bên đạt thỏa thuận Brexit thì chi tiết về hộ chiếu sẽ được công bố sau.
Điều gây phiền toái cho công dân Anh là nếu không có thỏa thuận Brexit chung với 27 nước EU thì người Anh sẽ phải tuân theo luật di trú và chế độ thị thực của từng quốc gia trong EU.
Chính phủ Anh khuyên công dân hãy vào đọc các trang của từng nước EU họ muốn đến để biết chi tiết về chế độ thị thực.
Dù chưa nước EU nào nói sẽ ngăn cản hoặc tăng cường kiểm soát công dân Anh nhập cảnh một khi không có thỏa thuận Brexit, chính phủ Anh vẫn khuyến cáo công dân mình:
Sang EU cần mang sẵn vé khứ hồi
Chứng minh là có đủ tiền hoặc phương tiện tài chính cho thời gian thăm viếng, du lịch
Xếp vào hàng không dành cho công dân EU, EEA và Thụy Sĩ
Mang đề can GB (Great Britain) dán vào xe hơi, xe máy
Mang theo bằng lái xe quốc tế mà hiện có thể xin ở bưu điện
Sức khoẻ cho người và hộ chiếu chó
Trong trường hợp ‘no deal Brexit’, bảo hiểm y tế có trong thẻ EHIC (European Health Insurance Card) sẽ mất hiệu lực với người Anh.
Chính phủ khuyến cáo là công dân Anh khi đó cần phải mua bảo hiểm du lịch và y tế riêng với cả phần về các bệnh lý đã có.
Lý do là bảo hiểm du lịch bình thường không chịu phí tổn cho các bệnh kinh niên hoặc có tiền sử bệnh án trước khi đi du lịch.
Căng thẳng hơn là vấn đề xảy ra với chủ của chó mèo, động vật mang theo sang EU.
Hộ chiếu cho thú cưng ‘EU Pet Passport’ có giá trị toàn Liên hiệp châu Âu sẽ hết hiệu lực, và chủ chó mèo, chuột bạch…sẽ phải làm một loại khác đi kèm các chứng nhận y tế cho con vật họ muốn bế sang EU.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50061449
Những « mánh khóe » hối lộ quan chức Trung Quốc
của ngân hàng Deutsche Bank
Kênh truyền hình France 24 ngày 15/10/2019 trích dẫn các tiết lộ của truyền thông Đức, phanh phui những « mánh khóe » mà một ngân hàng Đức có thể sử dụng một cách hợp pháp để có thể chen chân vào thị trường Trung Quốc béo bở.
Những chai rượu vang nổi tiếng hiệu Château-Lafite, những chiếc túi xách tay Louis Vuitton, những chuyến tham quan ở Las Vegas, một con hổ bằng pha lê trị giá 15.000 đô la hay những chiếc màn hình phẳng cao cấp… Những tài liệu nội bộ mà nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung có được, nêu rõ là trong giai đoạn 2002 – 2014, ngân hàng lớn nhất của Đức đã chi ra khoảng 200 000 đô la tiền quà cáp cho các quan chức cao cấp chế độ Trung Quốc.
Deutsche Bank nhìn xa hơn, mở rộng hầu bao với cả cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân (1993-2003) hay cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo (2003-2013) để trục lợi. Đặc biệt, vị cựu thủ tướng Trung Quốc còn được tặng một con ngựa bằng pha lê ám chỉ đến tuổi trong số tử vi Trung Quốc.
“Con trai và con gái của…”
Nhưng Deutsche Bank không chỉ dừng ở đó. Ngân hàng này còn tuyển dụng cả con cái của các quan chức cấp cao và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc mà ngân hàng này muốn có giao dịch. Tổng cộng Deutsche Bank đã tuyển dụng gần 100 người, đến thực tập có trả lương hay ký hợp đồng.
Trong nhãn quan giới ngân hàng Đức, nguồn lợi từ “con ông cháu cha ” quan trọng đến mức năm 2010, họ sẵn sàng sa thải nhân viên của mình “nếu thấy cần thiết” để giành chỗ cho quý tử của đại gia dầu khí Trung Quốc, theo như một thư điện tử mà tờ Süddeutsche Zeitung được xem.
Theo France 24, ngân hàng Đức không phải là cơ sở tài chính đầu tiên dùng đến những “mánh khóe” trên với những “người bạn” Trung Quốc. Năm 2013, ngân hàng Mỹ JP Morgan từng là tâm bão của một vụ tai tiếng tương tự. Một thực tập sinh Trung Quốc được tuyển dụng để “làm hài lòng” ai đó đã bị đánh giá trong nội bộ là “ứng viên tồi tệ nhất trong lịch sử JP Morgan”.
Người này đã trượt các kỳ thi tuyển dụng và từng bị một trong những người phụ trách phỏng vấn tuyển dụng đánh giá là “chưa chín chắn, vô trách nhiệm và ít đáng tin cậy”. Nhưng những phê phán đó không thể ngăn cản người này có được một chỗ làm trong hãng.
Sau một cuộc điều tra vì tham nhũng, ngân hàng Mỹ năm 2016 đã chấp nhận bồi thường 264 triệu đô la cho vụ tai tiếng này. Đối với những vụ việc tương tự, Crédit Suisse (Thụy Sĩ) đã phải chi trả 47 triệu đô la cho chính quyền Mỹ năm 2018 và ngân hàng Barclay cũng phải rút hầu bao 6,3 triệu đô la để nộp phạt hồi tháng 09/2019.
Hối lộ là một phần không thể tránh khỏi trong lãnh vực tài chính của Trung Quốc. Nhưng các tiết lộ của Süddeutsche Zeitung cho thấy, lần đầu tiên, các hoạt động nhộn nhịp sau hậu trường của một ngân hàng lớn để có thể cắm chân tại thị trường lớn nhất châu Á.
Báo Mỹ New York Times, vốn cũng được tiếp cận các tài liệu nội bộ của ngân hàng cho biết, từ đầu những năm 2000, “Deutsche Bank đã có tham vọng ấn định mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu thế giới và nhận thấy Trung Quốc như là một trong những ưu tiên để đạt được mục tiêu. Nhưng ngân hàng này bị chậm trễ so với các đối thủ”. JP Morgan và Goldman Sachs đã đặt trụ sở tại Trung Quốc và ngân hàng Đức đã phải gia tăng gấp đôi nỗ lực khi ve vãn một cách nguy hiểm và bất hợp pháp để được nâng cấp.
Việc áp dụng ồ ạt dường như đã thúc đẩy các đối thủ phải gia tăng các hành vi đáng ngờ của chính họ. Năm 2009, JP Morgan bắt đầu tuyển dụng đông đảo hơn con cháu các quan chức sau khi mất một hợp đồng về tay Deutsche Bank. Ngân hàng Đức này đã “ký hợp đồng tuyển dụng con gái của tổng giám đốc của doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan”. Hiện tư pháp Mỹ đang mở điều tra nhắm vào JP Morgan tại Trung Quốc.
Viên cố vấn về phát triển của Deutsche Bank ở Trung Quốc là một cựu nhân viên Goldman Sachs ở Bắc Kinh. Lee Zhang đã bị ngân hàng Đức mua chuộc năm 2001 để giúp đặt chân vào một đất nước vừa mới mở cửa kinh tế với thế giới. Là một người thông thạo, Lee Zhang đã dần dần leo từng nấc cho đến khi trở thành giám đốc chi nhánh Deutsche Bank tại Trung Quốc.
Tài xử sự và các mối quan hệ cá nhân của ông với những người thân cận của giới cầm quyền đã cho phép Deutsche Bank năm 2011 trở thành ngân hàng được các doanh nghiệp Trung Quốc ưa thích nhất để sắp xếp việc lên sàn chứng khoán, theo như tường thuật của trang mạng kinh tế Bloomberg.
“Ngài Trung Quốc” của Deutsche Bank
Nhưng các phương pháp của ông Lee Zhang để đạt được các mục tiêu đã làm dấy lên nhiều chỉ trích ngay trong nội bộ Deutsche Bank. Ngay từ năm 2004, nhiều nhân viên đã báo động với cấp trên là “hãi hùng trước cách thức mà ông Lee Zhang tiến hành các thương vụ và tự hỏi về những chiếc phong bì có chứa đầy tiền”, theo như những nguồn trao đổi nội bộ mà tờ Süddeutsche Zeitung được tham khảo.
Một trong những chiến công đầu tiên của “ngài Trung Quốc” tại ngân hàng Đức là vào năm 2002, đã tổ chức cho ông Josef Ackermann, khi đó là phát ngôn viên ban lãnh đạo Deutsche Bank và là vị tổng giám đốc tương lai của hãng, gặp được tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Giang Trạch Dân. Để làm được việc này, Lee Zhang đã chi 100.000 đô la cho một công ty bí ẩn mà chưa có ai được nghe nói đến, điều này đã làm dấy lên nhiều mối nghi ngờ có tham nhũng.
Năm 2004, ông Lee Zhang còn chi thưởng nhiều triệu đô la cho nhà “trung gian” bị nghi ngờ từng là “tay chân” của một lãnh đạo chế độ. Lee Zhang còn bị chỉ trích là đã tư lợi ba triệu đô la từ ngân hàng thông qua một công ty ảo do vợ ông đứng tên.
Trước những tiết lộ bị phơi bày, số tiền 16 triệu đô la mà Deutsche Bank nộp cho chính quyền Mỹ nhằm đóng lại cuộc điều tra vì tham nhũng năm 2014 dường như không đáng là bao. Các tài liệu nội bộ chứng minh là ngân hàng này có thể phải đối mặt với những điều tệ hại nhất: Một văn phòng kiểm toán bên ngoài kết luận rằng án phạt có nguy cơ nằm trong khoảng từ 84 đến 252 triệu đô la.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191017-hoi-lo-quan-chuc-trung-quoc-ngan-hang-deutsche-bank
Pháp : Âm thanh thôn dã,
một « di sản giác quan » cần được bảo tồn ?
“Chú ý! Ở đây chúng tôi có những tiếng chuông vang lên thường xuyên, tiếng gà gáy rất sớm và rất to cũng như là tiếng ồn của những đàn gia súc… Quý vị vào đây thì phải tự chịu trách nhiệm!”. Đây là lời cảnh báo của ông Régis Bourelly, thị trưởng xã Saint-André-Valborgne, tỉnh Gard, miền nam nước Pháp.
Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là có thật. Bởi vì, năm 2018, nhiều người Paris “khó chịu” đã đến gặp ông để phàn nàn về tiếng chuông nhà thờ và tiếng chó sủa. Ông bực bội hỏi phóng viên Le Figaro: “Mỗi năm họ chỉ có mặt ở đây độ 15 ngày vậy mà họ dám lên mặt dạy đời chúng tôi. Vậy khi tôi đến Paris, tôi có phàn nàn gì đâu tiếng ồn xe cộ! Nếu chúng ta không bảo vệ thế giới nông thôn, thì chúng ta sẽ chết!”
Không chỉ thế, mùa hè 2018, một chủ doanh nghiệp chuyên diệt côn trùng đã “sững sờ” khi nhận được một đề nghị từ một khách hàng muốn tiệt trừ hoàn toàn những “chú ve sầu” kêu quá to trong sân vườn nhà ông. Thị trưởng xã Pignols, vùng Puy-de-Dôme “giật thót người” khi nhận được những lời ca thán về phân của những chú ong. Tiếng lục lạc của cô bò sữa trên những cánh đồng cỏ cao nguyên cũng bị các chủ nhân nhà nghỉ trên Haute-Savoie phàn nàn…
Những vụ kiện “lạ đời”
Yêu thích thiên nhiên, bảo vệ môi trường nên đến những kỳ nghỉ, người dân đô thị Pháp đổ xô về các vùng nông thôn, tìm kiếm chút hương đồng gió nội, chút không khí trong lành, nhưng họ không chấp nhận tiếng ồn miền thôn quê, nên cũng sẵn sàng đưa những con thú đáng thương ra trước pháp luật.
Tiếng kêu cạp cạp của những chú vịt, tiếng gà gáy ban mai, tiếng bò rống ngoài đồng, tiếng ếch kêu ộp ộp hay ngay cả tiếng ve kêu râm ran ngày hè… Ôi sao thật đinh tai nhức óc! Hệ quả là tại Pháp, ngày càng có nhiều âm thanh thôn dã bị kiện ra tòa chỉ vì “gây huyên náo xóm giềng bất thường” theo như thuật ngữ của tư pháp. Một tổng kết sơ bộ cho thấy trong vòng ba năm gần đây đã có khoảng 40 vụ kiện.
Le Figaro liệt kê một số trường hợp hiện đang chờ xét xử: Ngày 19/11/2019, tòa án ở Dax sẽ phân xử vụ kiện những con vịt và ngỗng ở xã Soustons (tỉnh Gard, miền nam nước Pháp).
Một cặp vợ chồng cùng hai người con vừa mới đến định cư tại xã này từ một năm nay. Có điều thời điểm đến xem nhà để mua là mùa đông, mùa những con vịt và ngỗng phần lớn bị chế biến thành món thịt hầm. Giờ đây, họ kiện người phụ nữ hàng xóm, 67 tuổi đã về hưu, lấy việc chăn nuôi ít gia cầm làm thú vui tiêu khiển và có thêm nguồn thu nhập bù đắp khoản lương hưu ít ỏi, chỉ vì bực bội những tiếng cạp cạp của ngỗng và vịt, bất chấp những cánh cửa sổ dày hai lớp kính.
Hay như vụ kiện ở Compiegne, phía bắc nước Pháp. Chủ nhân gà trống Coco không chấp nhận phán quyết của tòa ra lệnh tách lìa Coco với chủ đã kháng án đến tòa cấp cao hơn ở Haute-Savoie.
Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là vụ xử gà trống Maurice ở vùng Saint-Pierre-d’Oléron (Charente – Maritime), phía tây nước Pháp. Maurice và gia chủ đã bị một cặp du khách kiện ra tòa chỉ vì chú gáy quá to và quá sớm buổi sáng. Sau hai năm tranh luận, tòa án ngày 05/09/2019 đã xử cho Maurice thắng kiện. Vụ việc đã gây được tiếng vang lớn lan sang tận phía bên kia bờ Đại Tây Dương.
Không chỉ kiện về tiếng ồn, nhiều nông gia còn bị kiện vì mùi hôi của gia súc, mùi phân ngựa, phân bò… Một chủ trại vịt ở vùng Vendée trong vòng tám ngày đã phải lắp đặt các thiết bị phát tán hương thơm tinh dầu theo lệnh của tòa án chỉ vì bị người hàng xóm, chủ một trại camping kiện về những mùi “hôi thối” từ gia súc.
Âm thanh thôn dã, một di sản của quá khứ?
Những đơn kiện “thái quá” đến mức, ông Pierre Morel-A-L’Huisser, nghị sĩ thuộc đảng Những Người Cộng Hòa (Les Republicains – LR), tỉnh Lozere, đề xuất một dự luật “Bảo vệ di sản giác quan nông thôn”. Đề xuất dự luật của ông, dự kiến được đưa ra thảo luận tại Quốc Hội trong mùa thu này, sẽ cung cấp một bản kiểm kê những “rủi ro có thể chấp nhận được” tại miền thôn quê, cho phép phản bác các đơn kiện.
Những kiểu kiện « lạ đời » này đang làm cho những nông dân chính gốc cảm thấy bất mãn, và cuộc sống quen thuộc của họ bị xáo trộn vì những lớp người tân nông thôn đến từ thành thị. Họ quên rằng bên cạnh những cánh đồng lúc mì, đồng hoa hướng dương hay những cánh đồng trồng ngô “thẳng cánh cò bay”, âm thanh thôn quê cũng là một phần không thể thiếu trong quang cảnh miền quê.
Nhận định về hiện tượng này, ông Jean Viard, nhà xã hội trả lời phỏng vấn báo Le Figaro cho rằng xã hội nông thôn Pháp ngày nay đã bị biến đổi rất nhiều so với cách nay 50 năm. Những người sống ở nông thôn hiện nay là những tầng lớp ông gọi là “tân nông thôn”, nghĩa là những người từ bỏ cuộc sống đô thị.
Số dân có nhà vườn ở nông thôn tăng nhanh, trong khi số lượng trang trại giảm mạnh đến 6 lần (500 ngàn trang trại so với ba triệu cách nay 50 năm). Do vậy, theo nhà xã hội học, nước Pháp của những làng quê nay không còn nữa. Trên các vùng đất nông thôn và cận đô thị, người ta sẽ thấy một trang trại, một lô nhà, một ngôi nhà riêng, một trung tâm thương mại tiếp nối nhau…
“Trong quần thể này, nông dân, thương nhân, nghệ nhân, người về hưu, công nhân, tầng lớp tân đô thị, đô thị cuối tuần, du khách của Airbnb cùng chung sống…
Và những người “Áo Vàng”, những người khởi xướng phong trào phản đối, là những người sống ở các vùng cận đô thị, nhà có vườn. Và trên cùng một mảnh đất này, cách biệt giàu và nghèo còn cao hơn cả giữa nông thôn và thành thị. Do vậy, những vụ xung đột diễn ra là do những khó khăn của những bộ phận dân cư này phải sống cùng với nhau và do những ảo ảnh mà những người đô thị tạo ra từ vùng nông thôn”.
http://vi.rfi.fr/phap/20191017-phap-am-thanh-thon-da-di-san-giac-quan-bao-ton
Nga phản đối nhà ngoại giao Mỹ
tới gần địa điểm thử nghiệm quân sự
Nga hôm 17/10 tuyên bố sẽ chính thức gửi công hàm phản đối tới Hoa Kỳ sau khi cảnh sát Nga bắt ba nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại nơi mà Nga nói là một khu vực cấm gần một địa điểm thử nghiệm quân sự đã đóng.
Theo Reuters, các nhà ngoại giao này đã bị cảnh sát chặn sau khi họ tới nơi trên bằng tàu hôm 14/10 và đã bị trả về, theo Bộ Ngoại giao Nga.
Dù được bảo vệ theo quy chế miễn trừ ngoại giao, họ bị cáo buộc vi phạm luật lệ vì không có giấy phép đặc biệt mà người nước ngoài cần để tới thăm nơi đó.
Ông Pompeo xác nhận đã nghe điện đàm giữa TT Trump và TT Ukraine
Theo Reuters, khu vực trên là nơi được cộng đồng tình báo phương Tây quan tâm vì từng xảy ra một vụ tai nạn quân sự bí ẩn ở đó hồi tháng Tám.
Tin cho hay, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng các nhà ngoại giao tới đó để làm công vụ và đã thông báo một cách phù hợp cho chính quyền Nga về việc họ tới đó.
Nhưng Bộ Ngoại giao Nga nói rằng các nhà ngoại giao mà họ miêu tả là các tham tán quân sự đã được phát hiện ở khu vực cấm, cách xa hơn nhiều so với thành phố Arkhangelsk mà Nga nói là họ dự tính tới thăm.
Quân sự và kinh tế, hai lá bài
giúp Nga mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi
Nga đang trở thành một đối tác quan trọng của châu Phi. Sau Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản, đến lượt nước Nga tổ chức trọng thể Thượng Đỉnh Nga – Châu Phi. Tổng thống Vladimir Putin không còn che giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại một vùng đất từng là thuộc địa cũ của nhiều nước châu Âu và đang bị choáng ngợp trước các dự án đầu tư đồ sộ của Trung Quốc.
Điện Kremlin không chỉ hài lòng với những thắng lợi quân sự quan trọng tại Trung Đông, đảo ngược tình thế tại Syria, chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, thắt chặt quan hệ với hai đối thủ của Hoa Kỳ trên bàn cờ quốc tế là Iran và Trung Quốc, vồn vã với những đồng minh của Washington tại châu Á, từ Hàn Quốc đến Philippines … Chính sách đối ngoại của Nga đã kiên nhẫn khai thác lá bài châu Phi. Đặc biệt là từ năm 2017, các nhà lãnh đạo châu Phi ngày càng thường xuyên đến gõ cửa điện Kremlin : từ tổng thống Công đến Angola, từ nguyên thủ Mozambique thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha đến thống soái Al Sissi, tổng thống Ai Cập… Lần này, tại thượng đỉnh Nga- Châu Phi đầu tiên, tổ chức tại thành phố Sochi từ ngày 22 đến 24/10/2019, tổng thống Putin sẽ đón tiếp trọng thể 35 nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ châu Phi, từ những nước lớn như Nam Phi hay các quốc gia có trọng lượng khiêm tốn hơn như Angola, Rwanda, Ethiopia… Điện Kremlin cho biết, đây là cơ hội để các bên “thảo luận về các vấn đề chính trị và kinh tế” về những ưu thế của nước Nga “qua các chương trình hợp tác có lợi cho cả đôi bên”.
Sự hiện diện quân sự
Trên thực tế, sau gần ba thập niên lùi vào bóng tối, để cho phương Tây, rồi Nhật Bản, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng với các nước châu Phi, nước Nga ngay từ nhiệm kỳ thứ nhì của Vladimir Putin đã quyết định quay trở lại châu lục này. Bởi vì Nga và châu Phi cùng chia sẻ nhiều quyền lợi chung. Điện Kremlin không quên nhắc lại với nhiều lãnh đạo châu Phi rằng không ít người trong số ấy từng được đào tạo tại Liên Xô xưa kia. Một số quốc gia như Ethiopia hay Angola từng là những nước cộng sản và trong thời kỳ chiến tranh lạnh và Matxcơva đã đóng một vai trò quan trọng giúp cho nhiều nước châu Phi thoát khỏi ách độ hộ của các nước phương Tây.
Trên thực tế, chuyên gia Pháp, Arnaud Dubien thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược –IRIS, lưu ý Matxcơva luôn duy trì ảnh hưởng, dù đấy chỉ là một sự hiện diện khiêm tốn tại nhiều nước châu Phi, từ Algeri đến Lybia và đương nhiên là Ai Cập. Gần đây, với Cairo chẳng hạn cuối 2017 đôi bên đã thông báo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân và rất nhiều các hợp đồng mua bán vũ khí quan trọng. Libya cũng là một vùng đất luôn được Matxcơva quan tâm. Gần đây hơn Nga khiêu khích Pháp tại Trung Phi, công khai gửi hẳn cố vấn an ninh Valeri Zakharov đến Bangui cố vấn cho tổng thống Faustin Archange Touadéra giúp ông này bảo vệ quyền lực. Trung Phi vốn được coi là “sân sau của Pháp” tại châu lục này. Giới quan sát cũng đã trông thấy những toán lính đánh thuê do tập đoàn Wagner, mà chủ nhân là một người rất thân cận với Vladimir Putin đến những vùng hiểm trở như ở Libya để hỗ trợ cho tướng Hafta, hay ở khu vực phía bắc Mozambique, tại Madagascar và cả ở Sudan. Về mặt chính thức, Matxcơva đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với chính quyền Mali hồi tháng 6/2019, trước đó nữa là với Burkina Faso hay với Cộng Hòa Nhân Dân Côngo…
Đổi vàng và kim cương lấy vũ khí
Một ưu điểm khác của Matxcơva trong mắt các đối tác châu Phi là vũ khí. Nga là nhà xuất khẩu vũ khí thứ hai trên thế giới. Theo báo cáo của Việt Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), 35 % vũ khí của châu Phi do Nga cung cấp. Algeri hay Ai Cập và cả Nigeria, Maroc là những khách hàng luôn được tập đoàn Rosoboronexport đặc biệt chiều chuộng.
Ngoài vế quân sự, hợp tác kinh tế cũng là một ưu tiên trong quan hệ giữa Nga và châu Phi. Có điều trong lĩnh vực này Matxcơva đi chậm mất một nước cờ. Năm 2018, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Nga và các đối tác châu Phi chỉ đạt 17 tỷ đô la, chưa bằng 1/10 so với giao thương giữa châu lục này với Trung Quốc. Về kinh tế, Nga chỉ đứng hạng thứ 12 trên thế giới, thua xa Trung Quốc. Ngoài vũ khí, Nga không có nhiều mặt hàng để chinh phục người tiêu dùng ở châu Phi. Matxcơva cũng không có khả năng tài chính như Bắc Kinh cho phép đưa ra các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, tựa như Trung Quốc, Nga cung rất quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Lục Địa Đen. Trong lĩnh vực này, Nga có thể đề nghị với các đối tác châu Phi cùng thăm dò và khai thác từ đất hiếm đến các mỏ vàng, đồng và cả dầu khí.
Arnaud Kalifa, chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, cho rằng, thượng đỉnh Sochi lần này là cơ hội để nước Nga của tổng thống Putin đẩy mạnh hợp tác, bù đắp lại thời gian đã bỏ lỡ với châu Phi, lôi kéo châu lục này thêm về phía mình để làm đối trọng với ảnh hưởng kinh tế đã quá lớn của Trung Quốc, đồng thời thu hẹp bớt ảnh hưởng chính trị, ngoại giao của phương Tây với châu Phi.
Châu Phi đang trở thành đối tượng mới trên con đường khôi phục hào quang của nước Nga trên trường quốc tế.
Bị Trump bảo « đừng ngu »,
Erdogan quẳng thư tổng thống Mỹ vào sọt rác
« Đừng đầu bò đầu bướu. Đừng có ngu ! ». Những từ ngữ rất thiếu tính ngoại giao đã được ông Donald Trump sử dụng trong lá thư gởi cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 09/10/2019. Theo BBC News, sau đó ông Erdogan đã quăng lá thư của tổng thống Mỹ vào thùng rác.
Le Monde nhận định, ông Trump lại gây sững sờ trong cung cách xử lý khủng hoảng, với lá thư gởi cho ông Erdogan trước khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang Syria. Nội dung thư và cách viết « không giống ai » đã khiến truyền thông phải liên lạc với bộ phận báo chí của Nhà Trắng để xác minh xem đó có phải là tin vịt hay không.
Trước sự phẫn nộ dấy lên do quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria, tổng thống Donald Trump dường như thối lui. Ông viết trong thư gởi Erdogan : « Ông không muốn gánh lấy trách nhiệm về việc thảm sát hàng ngàn người, và tôi cũng không muốn chịu trách nhiệm về việc hủy hoại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ – điều mà tôi sẽ làm. Lịch sử sẽ đánh giá tích cực nếu ông hành động một cách đúng đắn và nhân văn, nhưng sẽ vĩnh viễn coi ông là quỷ dữ nếu tình hình trở nên tồi tệ ».
Donald Trump kết luận : « Đừng đầu bò đầu bướu. Đừng có mà ngu ! »
Những lời lẽ này có lẽ không lọt tai nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ, đã từng ra tay thanh trừng đại quy mô sau cuộc đảo chánh hụt. Có thể kể : 12.000 cảnh sát và 32.000 công chức bị đình chỉ công tác, 13.000 vụ bắt giữ trong quân đội và ngành tư pháp, đóng cửa 47 tờ báo và 17 kênh truyền hình…
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria:
Mỹ duy trì áp lực đối với Ankara
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và ngoại trưởng Mike Pompeo đến Ankara chiều ngày 17/10/2019 với mục đích thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn tại vùng Kurdistan -Syria. Theo chương trình nghị sự hai nhà lãnh đạo Mỹ sẽ hội kiến tổng thống Erdogan. Nhưng tới nay Ankara vẫn kiên quyết thực hiện đến cùng chiến dịch tiêu diệt các lực lượng Kurdistan tại khu vực miền bắc Syria, sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông tín viên đài RFI Anne Andlauer thuyết phục tổng thống Erdogan ngưng xâm chiếm vùng Kurdistan tại Syria là nhiệm vụ bất khả thi.
“Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào. Phát biểu trước báo giới, ông nói : Chúng tôi không thể tuyên bố ngừng bắn. Chúng tôi không thể ngồi cùng bàn đàm phán với những kẻ khủng bố. Vài giờ sau, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại điều này trước các nghị sĩ thuộc đảng của ông.
Bị các nước phương Tây yêu cầu phải chấm dứt cuộc tấn công, tổng thống Erdogan đặt điều kiện. Ông cho biết : Đề nghị của chúng tôi là như sau : ngay lập tức tối nay, tất cả những tên khủng bố phải buông súng, phá hủy tất cả các cứ điểm của chúng và rút ra khỏi khu vực an ninh mà chúng tôi đã vạch ra.
Như vậy, Recep Tayyip Erdogan đã phẩy tay gạt bỏ đề nghị của Hoa Kỳ muốn đứng ra làm trung gian. Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn cam kết sẽ thực hiện tới cùng các dự án của ông, có nghĩa là thành lập một vùng đệm rộng lớn ở phía bắc Syria. Những biện pháp trừng phạt đầu tiên mà Hoa Kỳ và châu Âu đưa ra không hề làm ông ta nao núng.
Đây cũng là điều mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay sẽ nói với phái đoàn Mỹ tới gặp ông tại Ankara. Cuộc gặp này có thể là cơ may cuối cùng trước khi Nhà Trắng đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt mới và Quốc Hội Mỹ cũng sẽ làm tương tự. Donald Trump đã đe dọa là hủy diệt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Chắc chắn là các sứ giả của tổng thống Mỹ sẽ cho Recep Tayyip Erdogan nếm thử những gì mà ông sẽ phải hứng chịu nếu như ông vẫn ngoan cố tiếp tục cuộc tấn công vào Syria.”
print
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191017-tho-nhi-ky-tan-cong-syria-my-tiep-tuc-duy-tri-ap-luc-len-chinh-quyen-ankara
Vì sao Nga và Mỹ bị « tê liệt »
vì chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chấp nhận lời mời của điện Kremlin và sẽ công du Nga trong thời gian từ đây đến cuối tháng 10/2019. Hiện tại, cả Nga lẫn Mỹ đều có vẻ bất lực trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại bắc Syria.
Ngày 15/10/2019, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo : « Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi nào đạt được các mục tiêu ». Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria OSDH, bắt đầu từ hôm 09/10, chỉ trong vòng có 7 ngày, chiến dịch quân sự này đã gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng cho cả hai phía : 70 thường dân và 135 chiến binh lực lượng Dân chủ Syria FDS bên phía Syria. Còn bên Thổ Nhĩ Kỳ là 20 thường dân và 120 chiến binh thân Thổ. Thêm vào đó, cuộc tấn công khiến 160 ngàn người phải bỏ nhà bỏ cửa chạy sơ tán (theo số liệu của Liên Hiệp Quốc).
Nếu như châu Âu tỏ ra bất lực trong vụ việc này, thì khả năng hành động của hai cường quốc lớn là Nga và Mỹ cũng bị hạn hẹp. Kênh truyền hình Pháp Franceinfo giải thích vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đang làm cho Nga và Mỹ cùng « tê liệt ».
Trump không biết phải làm gì
Trên đài truyền hình Franceinfo, bà Nicole Bacharan, nhà chính trị học và chuyên gia về Hoa Kỳ, cho rằng Donald Trump đã tự mình trói mình. Tình hình không đòi hỏi phải gấp rút triệt thoái binh sĩ Mỹ, nhưng nguyên thủ Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho Erdogan. Dường như sau khi đã cho phép chiến dịch này và ra lệnh rút quân, tổng thống Mỹ lại đột ngột thay đổi thái độ đe dọa « hủy diệt » nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu như Ankara vượt « lằn ranh đỏ ».
Vì sao lại có sự thay đổi giọng điệu như thế ? Chuyên gia Nicole Bacharan cho rằng đó là vì ông Trump bị dồn vào đường cùng, bị chỉ trích từ mọi phía. « Nếu như Trump có vẻ lùi bước một cách lố bịch như vậy và còn dọa dẫm hành động chống lại tình huống do chính ông tạo ra, là bởi vì ông ấy đang bị tất cả mọi người chống đối, các nghị sĩ đảng Dân Chủ, đảng Cộng Hòa và Lầu Năm Góc nữa ».
Kết quả là gì ? Thứ Hai, 14/10, Donald Trump cam kết trên Twitter đang chuẩn bị những « biện pháp trừng phạt lớn nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ ». Cuối cùng thì Hoa Kỳ cũng ban hành một sắc lệnh trừng phạt nhắm vào 3 bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ : Năng Lượng, Quốc Phòng và Nội Vụ. Thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ nêu rõ trừng phạt đưa ra là nhằm thuyết phục Ankara « dừng ngay lập tức cuộc tấn công » tại Syria.
Tài sản tại Mỹ (nếu có) của ba vị bộ trưởng nói trên sẽ bị phong tỏa, và các giao dịch quốc tế bằng đô la sẽ bị ngăn chận. Bà Nicole Bacharan lưu ý, « những đòn trừng phạt này thật ra chẳng có chút hiệu quả gì hết. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ sẽ dừng tấn công chừng nào họ đạt được điều họ muốn ! »
Giữa hai đồng minh, Hoa Kỳ đã nhanh chóng lựa chọn
Khi được hỏi về phản ứng của binh sĩ Mỹ tại thực địa, cho rằng việc bỏ rơi đồng minh Kurdistan là điều xấu hổ, ông Ryan McCarthy, bộ trưởng Lục Quân Mỹ (dưới quyền bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ) trả lời rằng nên « giải thích cho binh sĩ hiểu tính chất phức tạp của tình thế ». Khi hai đối tác của Mỹ có những lợi ích trái ngược nhau, « cần có thời gian để giải thích sự khác biệt trong quan hệ giữa các binh sĩ và các chọn lựa mà chúng ta phải thực thi ở cấp độ quốc gia ».
Điều này có nghĩa là vị bộ trưởng Lục Quân ngầm thừa nhận những gì mà các quan chức quân sự Mỹ đã nói riêng với nhau từ bao lâu nay : Giữa Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên của NATO, cho trú ngụ các cơ sở quân sự chiến lược của Mỹ, và sắc tộc thiểu số người Kurdistan tại Syria, vốn đang tận dụng các thắng lợi quân sự chống lại nhóm tổ chức Nhà nước Hồi Giáo Daech để kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria, thì không bao giờ Hoa Kỳ phải thực sự tính toán lựa chọn gì cả, như giải thích của ông Joshua Landis, chuyên gia về Syria trường đại học Oklahoma với AFP : « Trump cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn người Kurdistan. Do vậy, tôi không nghĩ rằng đây là quyết định đơn phương của Trump. Hoa Kỳ xem Thổ Nhĩ Kỳ như là một đối tác quan trọng để bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Và Recep Tayyip Erdogan đã hiểu rằng thời điểm đã đến và Hoa Kỳ sẽ không tuyên chiến với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì người Kurdistan ».
Nga cũng kẹt vì vừa muốn giữ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ vừa lo Daech trỗi dậy
Về phía Nga, mọi chuyện cũng không đơn giản hơn. Ngày Thổ Nhĩ Kỳ mở đợt tấn công vào bắc Syria, nước Nga tỏ ra kín tiếng. Vladimir Putin chỉ đơn giản « kêu gọi đối tác Thổ Nhĩ Kỳ nên suy nghĩ kỹ đến tình hình hiện nay để tránh ảnh hưởng đến những nỗ lực chung giải quyết khủng hoảng Syria ».
Theo giải thích của ông Cyrille Bret, chuyên gia về các vấn đề chiến lược và Quan hệ Quốc tế với Franceinfo, « nước Nga bị kẹt giữa một bên là liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ và bên kia là mối bận tâm ngăn chận chiến binh thánh chiến người Kavkaz hồi hương ».
Quả thật, nguyên thủ Nga đã từng phát biểu về hồ sơ gai góc này khi nhắc đến khả năng trỗi dậy tiềm tàng của nhóm tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Hàng ngàn chiến binh của Daech bị người Kurdistan giam giữ có nguy cơ lại được tự do. Tổng thống Nga trong một cuộc họp thượng đỉnh với các nước cựu Xô Viết ở Achkhabad, Turkmenistan đã cảnh báo : « Đây là một mối đe dọa thật sự cho chúng ta, cho quý vị bởi vì những kẻ đó sẽ đi đâu và sẽ ra sao ? »
Vẫn theo ông Cyrille Bret, « nước Nga đang chờ xem tình hình tiến triển ra sao, Nga không thể gây áp lực với bên này cũng như là bên kia. » Một trong những hành động duy nhất mà Nga đưa ra là ngăn chận một dự thảo tuyên bố của Mỹ tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào thứ Sáu 18/10 nhằm yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngưng chiến dịch quân sự.
Với ông Cyrille Bret, điều này không có gì là bất ngờ cả : « Lẽ thường thôi : Đường lối đối ngoại của Nga đó là ‘không can thiệp’. Đối với nước Nga, chủ quyền là nguyên tắc cốt yếu trong quan hệ quốc tế ».
Dù vậy, thứ Ba 15/10, Matxcơva đã tỏ ra cứng giọng. Đặc sứ của điện Kremlin về Syria, ông Alexander Lavrentiev tuyên bố rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là « không chấp nhận được » và cho biết là không có một thỏa thuận tiên quyết nào giữa Matxcơva và Ankara.
Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn Nga Interfax bên lề chuyến công du Abu Dhabi, đặc sứ Nga xác nhận là Matxcơva có đứng ra làm trung gian giữa chính phủ Syria và người Kurdistan. Ông còn cho biết rõ là Nga sẽ không cho phép xảy ra đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Cả Nga lẫn Mỹ sẽ không hành động trực diện chống Erdogan
Rốt cuộc, một điều hiển nhiên là Mỹ và Nga sẽ không bao giờ tiến hành các hoạt động quân sự chống tổng thống Erdogan. Liệu liên minh mới nhất giữa Kurdistan với Bachar al-Assad có sẽ làm thay đổi cục diện đối với Nga, đồng minh lớn của chế độ Damas ?
Về điểm này, ông Cyrille Bret tỏ ra dứt khoát : « Đây là một yếu tố bất định mới bởi vì nước Nga lại rơi vào thế kẹt giữa hai đồng minh, nhưng điều đó cũng không hẳn là ngày mai, binh sĩ của ông Putin sẽ sát cánh cùng Bachar al-Assad ra chiến trường để chống Thổ Nhĩ Kỳ. »
Về phần mình, tổng thống Mỹ rất rõ ràng. Donald Trump hôm thứ Hai, 14/10, cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ không lại lao vào một « cuộc chiến giữa những người đã đánh nhau từ hai trăm năm nay ». Ông bực bội nói tiếp : « Phải chăng người ta thật sự nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ phải tham chiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối NATO ? Những cuộc chiến không hồi kết sẽ phải chấm dứt ! »
Do vậy, liên minh quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ dường như không bị đe dọa. Theo trung tâm nghiên cứu American Security Project, Hoa Kỳ đang cất giữ 50 quả bom hạt nhân tại khu căn cứ quân sự Mỹ ở Incirlik, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khu căn cứ không quân này mà Hoa Kỳ sử dụng từ thời Chiến Tranh Lạnh, và là nơi đóng quân của khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ, rất hữu ích cho các chiến dịch chống Daech và được dùng như là đầu cầu cho các chiến dịch quân sự của Mỹ trong toàn khu vực.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191017-nga-my-chien-dich-quan-su-tho-nhi-ky-syria
Việt Nam tố
TQ phạm luật ngay tại hội nghị ASEAN – TQ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh các hành vi vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và an ninh ở khu vực, không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.
Tuyên bố được Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đưa ra tại Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN -Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 vừa mới kết thúc tại Đà Lạt ngày 15-10.
Trung Quốc và Philippines, nước giữ vai trò điều phối viên ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2018-2021, đồng chủ trì hội nghị.
Dù không giữ vai trò chủ tọa, song phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã làm rõ về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đã nêu bật lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trước sự hiện diện của 9 nước ASEAN còn lại và Trung Quốc, đoàn Việt Nam nhấn mạnh hành vi vi phạm của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và an ninh ở khu vực, đặc biệt không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc (COC).
Khẳng định cam kết đối với tiến trình thực hiện DOC và xây dựng COC, đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh tình hình hiện nay càng cho thấy tính cấp thiết của việc có một bộ quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, giúp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai.
Theo đó, đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương cách làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới, trong đó có việc tập trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vai trò của các quan chức cao cấp (SOM) trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bày tỏ lo ngại về các hành vi vi phạm luật quốc tế ở Biển Đông.
Được biết, trong hội nghị SOM-DOC lần thứ 17 được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) hồi tháng 5-2019, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu cũng đã chỉ ra các hành động đơn phương trên Biển Đông, đặc biệt là quân sự hóa đảo nhân tạo, đang gây xói mòn niềm tin và đe dọa sự ổn định của khu vực.
Trong thông cáo báo chí sau đó của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã gạt ra các quan ngại và kêu gọi của Việt Nam, khẳng định “tất cả các bên tham dự đều tin rằng tình hình Biển Đông đang tiến triển theo chiều hướng ngày càng tốt và ổn định hơn”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30917-viet-nam-to-tq-pham-luat-ngay-tai-hoi-nghi-asean-tq.html
Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự
đối phó với những mối đe dọa an ninh tiềm ẩn
Quân đội Hàn Quốc có quân số thường trực khoảng 625.000 người. Trong đó lục quân có quân số 560.000 người, hải quân 70.000 người, không quân 65.000 người và lực lượng dự bị khoảng hơn 3 triệu người. Để bảo vệ an ninh quốc gia và chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn, Hàn Quốc đang tích tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên.
Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự
Trong những năm gần đây, cùng với diễn biến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu hạ nhiệt và việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng, gây sức ép trong khu vực, Hàn Quốc đã buộc tăng cường sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn. Không những vậy, để đối phó với sự tăng cường quân sự của các nước xung quanh mình đặc biệt là các nước có tranh chấp về biển đảo, Hàn Quốc cũng tích cực nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội trong đó có tăng cường sức mạnh cho hải quân. Ủy ban ngân sách và tài chính của quốc hội nước này đã thông qua khoản chi cần thiết cho các chương trình tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân nhằm đối phó với kế hoạch tăng cường hải quân của Nhật Bản và Trung Quốc. Hàn Quốc đang phát triển tên lửa hành trình siêu thanh có thể tấn công tàu sân bay, tàu khu trục. Bên cạnh đó nước này cũng tăng cường thêm về mặt số lượng các tàu khu trục và tàu ngầm với kỹ thuật hiện đại để tăng cường lực lượng hải quân nhằm đối phó với hành động khiêu khích trên biển của Triều Tiên và những tranh chấp biển đảo với các quốc gia láng giềng là Nhật Bản (Dokdo/Takeshima) và Trung Quốc (leodo/Tô Nham).
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, sở dĩ nước này đầu tư để tăng cường sức mạnh hải quân là vì lực lượng hải quân còn rất yếu chưa tương xứng với Trung Quốc và Nhật Bản cả về số lượng và chất lượng. Phía Hàn Quốc còn dự định đóng thêm tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis từ năm 2023 đến 2027 nhằm nâng cao sức mạnh hải quân để đối phó với tên lửa cũng như tàu ngầm của đối phương và ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn xung quanh bán đảo Triều Tiên. Trước thực tế Nhật Bản hạ thủy tàu Izumo được cho là vượt trội so với nhiều tàu sân bay thứ thiệt và kế hoạch đóng thêm tàu sân bay của Trung Quốc, phía Hàn Quốc cũng dự định đóng 2 tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn có thể mang 30 máy bay chiến đấu.
Không những đầu tư nâng cao sức mạnh của lực lượng hải quân, Hàn Quốc còn dự định đầu tư mua sắm để tăng cường sức chiến đấu của lực lượng không quân bằng việc lên kế hoạch mua 40 máy bay chiến đấu F35 thay vì 60 máy bay F16 như dự kiến ban đầu, nâng cấp khả năng tác chiến cho 134 máy bay F16. Sở dĩ Hàn Quốc đổi ý định từ mua F16 sang mua F35 (máy bay tàng hình) là vì Nhật Bản cũng dự định mua 40 máy bay F35 và phía Trung Quốc thì đang phát triển máy bay tàng hình J20 và J31. Ngoài ra nước này còn dự định mua thêm máy bay trực thăng, xem xét mua máy bay không người lái. Hàn Quốc cũng chú trọng phát triển công nghệ tàng hình để cạnh tranh với Nhật Bản và Trung Quốc trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng nóng lên.
Gần đây Hàn Quốc còn tăng cường trang bị bom xuyên phá thông qua hợp đồng mua bom xuyên phá của Mỹ để lắp trên máy bay chiến đấu. Với việc trang bị loại bom xuyên phá này, Hàn Quốc có khả năng tấn công các căn cứ tên lửa hay sân tập kết máy bay chiến đấu ngầm dưới mặt đất của Triều Tiên. Hàn Quốc còn dự định trang bị thêm tên lửa hành trình (của Đức) đánh chặn mục tiêu để có thể tấn công chính xác các khu quân sự chính của Triều Tiên ở gần Bình Nhưỡng như các cơ sở hạt nhân Yongbyon, khu thử nghiệm hạt nhân, căn cứ tên lửa.
Về hải quân, tính đến tháng 10/2019, hải quân Hàn Quốc đang vận hành 68 tàu chiến lớn, bao gồm 16 tàu ngầm, 12 tàu khu trục, 13 tàu hộ vệ tên lửa, 13 tàu hộ tống và 14 tàu đổ bộ. Hạm đội còn nhiều tàu tuần tra, tàu quét mìn và tàu hậu cần. Hải quân Hàn Quốc là một trong những lực lượng có sức mạnh hàng đầu khu vực Đông Á. Lực lượng này đang vận hành khoảng 170 tàu chiến các loại, trong đó mạnh nhất là tàu khu trục lớp Sejong Đại đế. Đây là loại tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ với khả năng công thủ toàn diện. Tàu khu trục lớp Chungmugong Yi Sun-sin của Hàn Quốc trong một nhiệm vụ trên biển. Các tàu chiến của Hàn Quốc đều do công nghiệp đóng tàu trong nước chế tạo. Chúng là những chiến hạm rất hiện đại có thể tác chiến độc lập hoặc biên đội. Hàn Quốc còn sở hữu khoảng 13 tàu ngầm, 1 tàu đổ bộ trực thăng và nhiều tàu chiến hiện đại khác. Giới phân tích quân sự nhận định tiềm lực quân sự của Hàn Quốc rất mạnh, họ có thể tác chiến độc lập mà không quá phụ thuộc vào Mỹ.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (12/7) đã quyết định mua sắm tàu đổ bộ tấn công (LPH-II) có khả năng vận hành máy bay cánh cố định. Tàu mới nhiều khả năng sẽ triển khai hoạt động tiêm kích tàng hình F-35B. LPH mới sẽ có lượng choán nước khoảng 30.000 tấn, gấp đôi so với tàu sân bay trực thăng lớp Dokdo chỉ có thể triển khai hoạt động trực thăng. Một tàu LPH tải trọng 30.000 tấn có thể mang theo hàng chục tiêm kích tàng hình F-35B. Trong nhiều năm, Seoul đã cân nhắc việc mua tiêm kích tàng hình F-35B, phiên bản cất, hạ cánh thẳng đứng, để bổ sung cho F-35A hoạt động trên đất liền. Đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố mua thêm 20 tiêm kích tàng hình F-35A, để bổ sung cho 40 chiếc F-35A đã mua trước đó vào năm 2014. Tuy nhiên, kế hoạch mua F-35B có thể trang bị cho tàu sân bay tương lai vẫn chưa được thực hiện.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc (30/4) đã phê duyệt kế hoạch mua thêm tàu khu trục và tàu ngầm cho lực lượng hải quân đang phát triển nhanh chóng của đất nước. Kế hoạch mua sắm trị giá 6 tỷ USD, gồm 3 tàu khu trục Aegis lớp Sejong the Great được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, 3 tàu ngầm được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Các tàu chiến mới có thể giúp Seoul mở rộng phạm vi hoạt động ngoài nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ bờ biển. Ba tàu khu trục lớp Sejong the Great và 3 tàu ngầm Dosan An Chang-Ho mới sẽ giúp mở rộng hạm đội chứ không phải để thay thế cho các tàu cũ. Các tàu khu trục Sejong the Great mới được trang bị hệ thống phóng tên lửa nâng cấp cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Về lục quân: Lục quân Hàn Quốc sở hữu khoảng 5.180 khẩu pháo các loại, trong đó mạnh nhất là pháo tự hành K9 Thunder 155 mm (ảnh). Quân đội Hàn Quốc dự định tăng số lượng pháo tự hành K9 lên 1.200 khẩu vào năm 2019. Tổng số xe tăng các loại của Hàn Quốc khoảng 2.300 chiếc. Đáng chú ý, lục quân Hàn Quốc đang vận hành khoảng 300 xe tăng K2 Black Panther, một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực đắt nhất thế giới. Đây là vũ khí chủ lực giúp Hàn Quốc kiềm chế lực lượng xe tăng đối phương. Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc còn sở hữu khoảng 33 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U do Liên Xô sản xuất. Với biệt danh “xe tăng bay”, T-80 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới. Tổng số xe tăng các loại của Hàn Quốc khoảng 2.300 chiếc. Về tên lửa, quân đội Hàn Quốc đang sở hữu tên lửa hành trình Hyunmoo-1/2/3, tầm bắn từ 180 – 1.500 km. Tuy ít về số lượng nhưng tên lửa Hàn Quốc được trang bị công nghệ tinh vi, có thể đánh trúng mục tiêu với độ chính xác rất cao.
Về Không quân: Lực lượng không quân Hàn Quốc (ROKAF) là lực lượng gần như thống trị bán đảo Triều Tiên. ROKAF đang vận hành khoảng 118 tiêm kích F-16. Đây là loại máy bay chiến đấu đa nhiệm có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Không những vậy, nòng cốt trong sức mạnh tấn công trên không của Hàn Quốc là tiêm kích đa nhiệm F-15K. Chiến đấu cơ này được trang bị nhiều vũ khí tiên tiến, gồm tên lửa hành trình KEPD-350 Taurus, tầm bắn hơn 500 km. Đây là vũ khí mang tầm chiến lược trong việc phá hủy các mục tiêu quan trọng sâu trong lãnh thổ đối phương. F-15K là phiên bản của F-15E được sản xuất tại Mỹ với 40% linh kiện do Hàn Quốc chế tạo. Đây là chiến đấu cơ hiện đại đại nhất bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á. Hàn Quốc hiện có 59 chiếc F-15K tạo nên sức mạnh chiến đấu áp đảo. F-15K tự hào được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ cho phép gây nhiễu hệ thống phòng không đối phương, giúp tác chiến an toàn hơn. F-15K được trang bị 2 động cơ phản lực F100-PW-229, tốc độ tối đa lên đến 3.000 km/h, tầm bay tối đa 3.900 km, trần bay 18.000 m. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sức mạnh ấn tượng của F-15K chỉ làm hạn chế chứ không ngăn chặn được khả năng tấn công của Triều Tiên. Tiêm kích F-15K được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Taurus siêu chính xác được xem là át chủ bài của Hàn Quốc. Taurus thuộc loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất tàng hình công nghệ cao. Tên lửa bay cách mặt đất chỉ từ 30-40 m để tránh radar, khi đến gần mục tiêu, tên lửa sẽ bay lên cao để tấn công kiểu bổ nhào. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng tiên tiến kết hợp giữa quán tính, tham chiếu địa hình và cảm biến hồng ngoại giai đoạn cuối. Taurus có thể đánh trúng mục tiêu ở cự ly 500 km với sai số chỉ 1m. Sự chính xác của tên lửa Taurus kết hợp với năng lực vượt trội của tiêm kích F-15K tạo cho Không quân Hàn Quốc phương tiện lợi hại để vô hiệu hóa các bệ phóng tên lửa của đối phương. Hàn Quốc đã nhập khẩu khoảng 170 tên lửa Taurus, trong đó 40 tên lửa đã được bàn giao cho không quân nước này. Ngoài ra, Seoul cũng đặt hàng thêm 90 tên lửa nữa để đáp ứng mối đe dọa ngày càng tăng trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài tên lửa Taurus, tiêm kích F-15K còn có thể mang theo các vũ khí đối không và đối đất khác với tổng tải trọng lên đến 10 tấn, gấp 3 lần tải trọng máy bay ném bom trong Thế chiến II.
Ngoài ra, ROKAF còn sở hữu máy bay huấn luyện kiêm tấn công hạng nhẹ T-50 do Hàn Quốc chế tạo là một vũ khí lợi hại khác giúp tăng cường sức mạnh tấn công mặt đất. Bên cạnh dùng cho ROKAF, T-50 đã được xuất khẩu cho một số quốc gia trên thế giới.
Những đối thủ thủ tiềm tàng của Hàn Quốc
Triều Tiên luôn ưu tiên hàng đầu cho sức mạnh quân sự dựa trên chính sách “tiên quân”. Con bài quân sự luôn được Triều Tiên sử dụng để mặc cả với thế giới bên ngoài. Do vậy, Triều Tiên không ngừng nâng cao khả năng quân sự của mình thông qua các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Điều đó đồng nghĩa với việc an ninh khu vực Đông Bắc Á luôn trong tình trạng bất ổn do Triều Tiên luôn khuấy động một cuộc tăng cường vũ khí quân sự trong khu vực. Bên cạnh đó, sự trở lại châu Á của Mỹ cùng với các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng là một nguyên nhân thúc đẩy Triều Tiên tăng cường sức mạnh quân sự. Mỹ xoay trục về châu Á và tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này trở thành mối đe dọa thường trực đến an ninh của Triều Tiên và để đảm bảo an ninh cho mình, Triều Tiên không ngừng nâng cao khả năng quân sự thông qua các vụ thử hạt nhân và tên lửa bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế và lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chính việc gia tăng sức mạnh quân sự của Triều Tiên là một trong những nguyên nhân làm cho các nước khác trong khu vực phải tăng cường phòng thủ bằng cách nâng cấp các trang thiết bị quân sự qua đó làm gia tăng chạy đua sức mạnh quân sự giữa các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á.
Thực hiện “đại chiến lược” quốc gia là vươn lên trở thành cường quốc số 1 thế giới, Trung Quốc đã và đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự với những khoản đầu tư quốc phòng rất lớn, đã tăng từ khoảng 30 tỷ USD vào năm 2000 lên 120 tỷ USD vào năm 2010. Năm 2013, Trung Quốc vẫn giữ vị trí số 1 về chi tiêu quốc phòng ở khu vực châu Á nói chung và Đông Bắc Á nói riêng. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, với tốc độ chi tiêu ngân sách quốc phòng của Trung Quốc như những năm qua thì con số này sẽ vượt ngân sách quốc phòng của Mỹ vào năm 2035. Nhờ khoản chi phí quốc phòng lớn này mà chất lượng của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được cải thiện đáng kể. Quân đội Trung Quốc hiện nay không chỉ đông về mặt số lượng mà những trang thiết bị chiến đấu cũng ngày càng được hiện đại. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã cho ra mắt các loại phương tiện chiến đấu hiện đại để cạnh tranh với Mỹ như máy bay tàng hình J20, J31, tàu sân bay và các loại vũ khí, khí tài hiện đại. Việc xuất hiện những phương tiện chiến đấu mới này đã gây lo ngại cho các nước trên thế giới nói chung và khu vực Đông Bắc Á nói riêng. Sự tăng cường lực lượng của Trung Quốc không chỉ tăng mức độ an toàn cho quốc gia này mà còn có tác dụng răn đe các nước trong khu vực khi giải quyết các tranh chấp. Hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay trong nước, dự kiến tàu sân bay nội địa của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng chủ trương tăng cường sức mạnh hải quân để thực hiện những tham vọng quốc gia nói chung và chiến lược biển nói riêng.
Năm 2010, Nhật Bản đã thay đổi chiến lược quân sự trên cơ sở xem xét mối đe dọa an ninh đối với nước mình mà trọng tâm là việc chuyển ưu tiên trong quân sự từ đối phó với Nga ở phía Bắc sang đối phó với Trung Quốc ở phía Nam. Nhật Bản đã, đang và sẽ tăng cường sức mạnh quân sự bằng việc mua sắm các trang thiết bị cho lực lượng phòng vệ, đặc biệt là trang bị cho lực lượng phòng vệ trên biển của nước này (tương đương hải quân của các nước khác) thông qua việc mua tàu ngầm (dự định tăng từ 16 lên 22 chiếc), triển khai các dự án đóng tàu chở trực thăng chiến đấu cỡ lớn. Để thực hiện các kế hoạch đặt ra, Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng trong 5 năm từ 2014 – 2019 lên 5% tương đương 240 tỷ USD để mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng. Theo đó Nhật Bản mua 2 tàu khu trục được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis, 3 máy bay không người lái cho hoạt động giám sát, 5 tàu ngầm, 52 xe lội nước và 17 máy bay vận tải Osprey của Mỹ cho các lược lượng phòng vệ mặt đất và trên biển, trang bị 28 máy bay chiến đấu F35. Không dừng lại ở những chủ trương, hành động nêu trên, Nhật Bản đã tiến hành giải thích lại Hiến pháp để thực hiện quyền phòng vệ tập thể với Mỹ, trong đó có nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí để mở đường cho các công ty trong nước tham gia các dự án xuất khẩu vũ khi với nước ngoài. Việc này được coi như là một bước ngoặt mang
tính lịch sử trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Tất cả những động thái đó đi ngược lại những gì mà Nhật Bản đã từng thực hiện trong quá khứ. Điều đó cho thấy, Nhật Bản đang dần dần thay đổi để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới, để đáp lại những thay đổi của môi trường an ninh xung quanh và gia tăng sự cạnh tranh sức mạnh với các nước Đông Bắc Á.
Biểu tình Hong Kong:
Lãnh đạo Jimmy Sham bị ‘tấn công bằng búa’
Nhà lãnh đạo của một trong những tổ chức ủng hộ dân chủ lớn nhất Hong Kong đã được đưa đến bệnh viện sau khi bị tấn công.
Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy Jimmy Sham thuộc Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) nằm trên đường, người đầy máu.
Sự kiện này xảy ra vài giờ sau khi Đặc khu trưởng Carrie Lam phải ngừng đọc bài diễn văn hàng năm sau khi bị la ó phản đối tại tòa nhà lập pháp.
Các cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ nền dân chủ cho Hong Kong bắt đầu vào tháng 6 và không có dấu hiệu giảm bớt.
Hong Kong: Diễn văn thường niên của bà Carrie Lam bị đình chỉ
Biểu tình Hong Kong: Tập Cận Bình cảnh cáo “tan xương nát thịt”
Biểu tình Hong Kong: Lý do khiến Starbucks bị tấn công
Chuyện gì xảy ra cho Jimmy Sham?
CHRF cho biết Jimmy Sham bị một nhóm gồm năm người đàn ông cầm búa tấn công ở quận Mong Kok của bán đảo Kowloon, và bị thương ở đầu.
Tổ chức này nói thêm rằng Jimmy Sham tỉnh táo khi được đưa đến bệnh viện, và đang trong tình trạng ổn định.
Đây là lần thứ hai lãnh đạo của CHRF bị tấn công kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.
CHRF cho rằng cuộc tấn công dính dáng đến những người ủng hộ Bắc Kinh, những người cũng bị nghi ngờ tấn công các nhà hoạt động dân chủ khác trong những tháng gần đây.
“Không khó để liên kết sự việc này với một vụ khủng bố chính trị đang lan rộng để đe dọa và ngăn chặn việc thực thi hợp pháp các quyền tự nhiên và pháp lý”, CHRF tuyên bố trong một văn bản.
Tổ chức biểu tình phi bạo lực, tổ chức nhiều cuộc tuần hành lớn vào đầu mùa hè, cho biết họ đang xin giấy phép của cảnh sát để tổ chức một cuộc tuần hành mới vào Chủ nhật.
Những đơn xin tuần hành gần đây của CHRF đã bị chính quyền từ chối, trong khi nhiều nhà hoạt động quyết tâm hơn đã tổ chức các cuộc biểu tình bất chấp lệnh cấm và đụng độ với cảnh sát.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi các nhà chức trách mở một cuộc điều tra về vụ Jimmy Sham bị tấn công.
“Jimmy Sham bị bỏ trên đường sau khi bị đánh chảy chảy máu và phải nhập viện vì chấn thương ở đầu.
“Ngay cả trong bối cảnh chính quyền đang gia tăng các cuộc tấn công vào giới đấu tranh, sự việc này vẫn gây sốc về sự tàn bạo của nó”, Joshua Rosenzwei, người đứng đầu văn phòng khu vực Đông Á của Ân xá Quốc tế cho biết.
Chuyện gì xảy ra tại viện lập pháp?
Các nhà lập pháp đối lập đã làm phiên họp của Hội đồng Lập pháp (Legco) phải ngưng lại khi bà Carrie Lam bắt đầu đọc bài diễn văn hàng năm.
Sau lần gián đoạn đầu tiên, phiên họp tiếp tục chỉ để bị gián đoạn thêm một lần nữa. Sau đó bài diễn văn bị đình chỉ – thay vào đó bà Lam đã đọc diễn văn gửi đi bằng video.
Đó là lần đầu tiên bài diễn văn thường niên tại viện lập pháp của một đặc khu trưởng Hong Kong bị ngừng lại.
Điều đó có nghĩa là dự luật dẫn độ – nguyên nhân gây ra nhiều tháng biểu tình – không thể được rút chính thức.
Sau một gián đoạn đầu tiên, phiên tiếp tục chỉ bị gián đoạn một lần nữa.
Sau đó, nó đã bị đình chỉ – và một bài phát biểu được ghi lại trước bởi bà Lam đã được đăng trên trang web của Legco.
Trong cuộc họp báo sau bài diễn văn được chuyển đi qua video, bà Carrie Lam bác bỏ tuyên bố rằng bài phát biểu của bà đã lờ đi các yêu cầu của phong trào phản kháng.
Nhưng bà nói rằng đây không phải là lúc để xem xét việc cải cách bỏ phiếu, trong khi khẳng định Hong Kong có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí mà không có sự can thiệp của Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50078256
Cơ quan lập pháp Hong Kong rơi vào hỗn loạn
Cơ quan lập pháp Hong Kong hôm 17/10 đã rơi vào cảnh hỗn loạn, khi nhiều nhà lập pháp bị nhân viên an ninh kéo ra ngoài vì phản đối bà Carrie Lam, yêu cầu mở cuộc điều tra vụ tấn công đầy bạo lực nhắm vào một nhà hoạt động thúc đẩy nhân quyền nổi bật trước một cuộc tuần hành lớn, theo Reuters.
Vụ tấn công bằng dao và búa đối với anh Jimmy Sham tối 16/10, khiến anh ngã xuống đường và chảy nhiều máu, nhằm để đe dọa người biểu tình và kích động bạo lực trước cuộc tuần hành vào ngày 20/10, nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Claudia Mo nói với các phóng viên.
Người biểu tình Hong Kong kêu gọi chế tài từ Mỹ
Đây là ngày hỗn loạn thứ hai ở cơ quan lập pháp của Hong Kong sau khi bà Lam hôm 16/10 bị buộc phải cắt ngắn bài phát biểu thường niên về chính sách vì bị phản đối.
Reuters cho rằng việc này cho thấy sự chia rẽ về chính trị tại Hong Kong và chưa thấy lối thoát đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài hơn bốn tháng qua.
Trong bài phát biểu về chính sách hôm 16/10, bà Lam không tỏ ra nhượng bộ với người biểu tình, nhưng tìm cách xoa dịu sự tức giận bằng cách thông báo các biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhà ở tại Hong Kong, vốn một phần dẫn tới các cuộc biểu tình.
Quan chức TQ đi đâu ở Mỹ báo trước lộ trình
Các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ sẽ phải báo cho chính quyền Mỹ biết trước khi tổ chức bất kỳ cuộc họp nào với các giới chức Mỹ.
Các chuyến thăm chính thức tới “các tổ chức giáo dục và nghiên cứu”, chẳng hạn như các trường học và đại học, cũng phải được đăng ký trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Trung Quốc cho biết Mỹ đang vi phạm các quy tắc quốc tế – nhưng Mỹ cho biết các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế tương tự.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước.
Mỹ nói gì?
Các quy tắc sẽ áp dụng cho “các cuộc họp chính thức với các quan chức nhà nước [Mỹ], các cuộc họp chính thức với các quan chức địa phương và thành phố, các chuyến thăm chính thức tới các tổ chức giáo dục và các chuyến thăm chính thức tới các tổ chức nghiên cứu”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Một quan chức cho biết Mỹ chỉ đơn thuần là “san bằng sân chơi” với Trung Quốc, và đó là phản ứng trước những hạn chế của Trung Quốc đối với các nhà ngoại giao Mỹ.
“Ở Trung Quốc, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ không có quyền tự do giao tiếp với ột loạt những người quan trọng đối với chúng tôi để thực hiện công việc của chúng tôi ở đó.”
“Ngược lại, các nhà ngoại giao [Trung Quốc] ở Mỹ tất nhiên, có thể tận dụng tối đa lợi thế của xã hội mở rộng của chúng tôi,” một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao nói.
Quan chức Mỹ cho biết các nhà ngoại giao Trung Quốc không cần phải xin phép cho các cuộc họp, nhưng được yêu cầu thông báo trước cho bộ ngoại giao.
Mục tiêu cuối cùng, quan chức này nói, sẽ là để cho “những yêu cầu này và yêu cầu đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Quốc [đến] hai đều bị hủy bỏ.”
Trung Quốc phản ứng ra sao?
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ gọi các quy tắc mới là “vi phạm Công ước Vienna.”
“Phía Trung Quốc không có yêu cầu tương tự đối với các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự Mỹ tại Trung Quốc”, họ nhấn mạnh.
Và nói thêm: “Đối với sự có đi có lại, Mỹ có số lượng nhân viên ngoại giao ở Trung Quốc nhiều hơn nhiều so với nhân viên ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ.”
Công ước Vienna là gì?
Công ước Vienna là một thỏa thuận vạch ra các quy tắc của quan hệ ngoại giao.
Theo công ước này, các nhà ngoại giao được “đảm bảo” tự do di chuyển và đi lại ở nước họ có tòa đại sứ.
Công ước cũng nói rằng quốc gia tiếp nhận “sẽ không phân biệt đối xử giữa các quốc gia”.
Đầu đuôi chuyện này ra sao?
Hai quốc gia đã đối đấu trong một cuộc chiến thương mại, áp đặt thuế lên hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la của nhau trong năm qua.
Tuy nhiên, quan chức bộ ngoại giao Mỹ cho biết phán quyết mới “không liên quan trực tiếp” đến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc có cách giao dịch không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ. Trong khi ở Trung Quốc, có một nhận thức rằng Hoa Kỳ đang cố gắng kiềm chế sự gia tăng của mình.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50078259
TQ từ chối tham gia
cắt giảm vũ khí hạt nhân cùng Mỹ và Nga
Đại diện Trung Quốc cho rằng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không cùng cấp độ với Nga và Mỹ, nên họ sẽ không đàm phán về cắt giảm vũ khí này.
Tuyên bố trên được Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Thông đưa ra vào hôm 16/10.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo kiểm soát vũ khí quốc tế Bắc Kinh lần thứ 16 (16/10), Vụ trưởng Phó Thông cho biết, Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc lấy làm tiếc trước việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời cho rằng động thái của Mỹ sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với ổn định và cân bằng chiến lược toàn cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hòa bình và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu cũng như đối với hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phó Thông đánh giá, chỉ sau hai tuần rút khỏi INF, Mỹ đã thử tên lửa hành trình cho thấy ý đồ “tháo khỏi ràng buộc”, nhằm tìm kiếm ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ. Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nước này kiên quyết phản đối Mỹ bố trí tên lửa tầm trung tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời cảnh báo, Trung Quốc sẽ không ngồi yên và có biện pháp đáp trả thích đáng.
Về đề xuất đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên Trung – Mỹ – Nga, ông Phó Thông cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối, đồng thời khẳng định tương quan sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc không cùng cấp độ với Nga và Mỹ, do đó Trung Quốc sẽ không tham gia vào đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa hai nước Nga – Mỹ.
Hội thảo kiểm soát vũ khí quốc tế Bắc Kinh lần thứ 16 diễn ra trong hai ngày 16-17/10 tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc do Hiệp hội kiểm soát và cắt giảm vũ khí Trung Quốc (CACDA), chương trình khoa học và nghiên cứu an ninh quốc gia (PSNSS) và Tổ chức kêu gọi giảm bớt nguy cơ hạt nhân của Mỹ (NTI) phối hợp tổ chức.
Tên lửa đạn đạo Đông Phong – 17:
Vũ khí siêu vượt âm của TQ
Trong lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, Bắc Kinh lần đầu công bố tên lửa đạn đạo Đông Phong-17 (DF-17) mang đầu đạn siêu vượt âm. Dự kiến, DF-17 sẽ chính thức đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ vào cuối năm nay.
Theo các thông tin ban đầu từ truyền thông Trung Quốc, quá trình phát triển DF-17 diễn ra từ năm 2009, thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào năm 2014. Tình báo Mỹ sau khi phát hiện việc Bắc Kinh thử vũ khí mới đã đặt cho nó tên định danh Wu-14 và sau đó là DF-ZF. Tên gọi chính thức DF-17 của vũ khí này được tiết lộ vào năm 2017 trong một tài liệu của PLA và thứ vũ khí này được công khai hoàn toàn trong lễ duyệt binh chào mừng 70 năm quốc khánh Trung Quốc, tính từ thời điểm phát triển đến khi hoàn thành chỉ mất 10 năm, một khoảng thời gian kỷ lục.
Nhìn từ bề ngoài dễ nhận thấy DF-17 có một tầng tên lửa đẩy thông thường và phần đầu đạn kiểu tàu lượn siêu âm thiết kế tương tự HTV-2 của Mỹ hay Avangard của Nga. Ước tính thông số kỹ thuật của DF-17 bao gồm chiều dài 14,4 m; trọng lượng 14 tấn, phần đầu đạn tàu lượn nặng khoảng 1,4 tấn; tầm bắn 1.700 km; tốc độ gia đoạn công kích mục tiêu lên tới 3200 m/s.
Theo thông tin ban đầu, tên lửa đạn đạo DF-17 hiện trực thuộc căn cứ số 61là quân đoàn nằm ở phía Đông nhắm đến Đài Loan, Okinawa (Hàn Quốc, Nam Nhật Bản cũng nằm trong phạm vi tấn công của nó). Một thông tin khác cho biết DF-17 hiện đang triển khai đến 3 lữ đoàn, nó là vũ khí chiến thuật cùng cấp DF-11/15/16. Dự kiến, DF-17 sẽ chính thức đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ vào cuối năm nay. Cùng quan điểm trên, tạp chí Diplomat cho biết, DF-17 là loại vũ khí mà cộng đồng tình báo Mỹ hồi năm 2017 đã dự đoán sẽ trở thành vũ khí siêu thanh đầu tiên được triển khai trên thế giới. Lực lượng Tên lửa chiến lược của quân đội Trung Quốc có thể sẽ đưa hệ thống tên lửa này vào trực chiến trong năm 2020.
Tuy nhiên, chuyên gia Ankit Panda, nhà phân tích kỳ cựu của Diplomat nhận định hiện nay có rất nhiều lý luận thổi phồng xung quanh cái gọi là “vũ khí siêu thanh”, nhưng chúng thực ra đã xuất hiện vài lần trong lịch sử. Ví dụ, các tên lửa đạn đạo liên lục địa ra đời cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 đã chứng kiến đầu đạn của chúng đạt tốc độ siêu thanh. Và siêu thanh là từ mô tả về tốc độ. Từ này đề cập bất cứ cái gì di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh hoặc lớn hơn nữa. Hiện tại, tên lửa siêu thanh được chia làm hai loại: tên lửa hành trình siêu thanh (hypersonic cruise missile) và bom lượn siêu thanh (hypersonic boost-glide weapon). Loại thứ hai tinh vi hơn và thu hút sự chú ý hơn. Về trường hợp DF-17, từ lâu Trung Quốc đã tìm cách chế tạo một hệ thống có độ chính xác cao. Các nhà phân tích Mỹ nói sai số của nó chỉ là vài mét. Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng, quy mô, số lượng vũ khí được trình diễn trong cuộc duyệt binh của Bắc Kinh cho thấy rằng, quân đội Trung Quốc đạt đến một cấp độ phát triển mới và đang sở hữu một số loại vũ khí độc đáo có một không hai trên thế giới. Theo ông Kashin , cuộc diễu duyệt binh, mà trong đó các hệ thống vũ khí chiến lược đóng vai trò trung tâm, cũng cho thấy rằng, Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ sự ổn định trên thế giới trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay. Trong khi đó, tướng John Hyten, người nay là phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ cho biết Mỹ hiện chưa có phương tiện phòng thủ nào có thể ngăn chặn các loại vũ khí như DF-17.
Được biết, từ năm 1985 đến nay, Trung Quốc đã có bước chuyển mình vượt bậc về tên lửa đạn đạo nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Mỹ và đồng minh. Hiện Bắc Kinh là một trong những nước sở hữu nhiều loại hình tên lửa đạn đạo hiện đại bậc nhất trên thế giới. Trong đó có một số loại tên lửa đạn đạo hiện đại bậc nhất trên thế giới, cụ thể:
Tên lửa đạn đạo DF-26 là mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung, được biên chế cho quân đội Trung Quốc vào tháng 4/2018. DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của Trung Quốc, nó là bước phát triển từ DF-21 với tầm bắn lớn và độ chính xác được gia tăng. Trung Quốc tuyên bố rằng DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung xuất sắc nhất thế giới do cả Nga lẫn Mỹ không có sản phẩm tương tự vì chịu ảnh hưởng của Hiệp ước INF. DF-26 thuộc loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, có chiều dài 14 m; đường kính thân 1,4 m; trọng lượng phóng 20 tấn; tầm bắn chưa thấy công bố rõ ràng, ước tính vào khoảng 3.000 – 4.000 km, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định rằng con số này ít nhất phải đạt tới 5.000 km; tải trọng đầu đạn mà tên lửa DF-26 có thể mang theo nằm
trong khoảng 1,2 – 1,8 tấn, nó lắp được đầu đạn hạt nhân. Nhờ sử dụng hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu mà sai số của DF-26 chỉ nằm dưới 10 m. Tuy nhiên, một trong những tính năng nổi bật của tên lửa này là có khả năng đánh trúng các mục tiêu di động. Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. Khả năng đặc biệt của vũ khí mới là tốc độ cao trong triển khai và vận hành. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước, theo các nhà phân tích quân sự. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung. Theo các chuyên gia, tên lửa Đông Phong-26 khi được phóng từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị đánh chặn hơn so với khi phóng từ các khu vực gần bờ biển, bởi trong giai đoạn đầu, tên lửa bay ở tầm khá thấp và dễ bị phát hiện. Đối thủ khả dĩ nhất của tên lửa DF-26 trong khu vực là Agni V do Ấn Độ sản xuất, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự thì tính năng kỹ chiến thuật của DF-26 cao cấp hơn nhiều.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A (tầm bắn đến 11.200km). Tổ hợp tên lửa thuộc bộ ba răn đe hạt nhân này được phát triển vào giữa những năm 1980 của thế kỷ 20. Ngay từ đầu, các kỹ sư Trung Quốc nhận nhiệm vụ thiết kế đảm bảo hệ thống phóng tên lửa phải cơ động tương tự như các ICBM Topol và Topol-M của Nga. Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa liên lục địa ICBM DF-31 là một trong những bí mật quân sự hàng đầu của Trung Quốc. Theo các phương tiện truyền thông, đây là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ba tầng phóng dài 13m, đường kính 2,25m và trọng lượng phóng 42 tấn, trang bị hệ thống dẫn đường quán tính với khả năng định vị bằng các chòm sao. Độ chính xác của đầu đạn (CVO – vòng tròn độ sai lệch), theo các ước tính khác nhau, từ 100m đến 1km. Tên lửa ICBM Trung Quốc có thể được lắp đặt đầu đạn hạt nhân đơn nhất có công suất lên tới 1 megaton hoặc ba đầu đạn dẫn đường đến các mục tiêu riêng rẽ với công suất 20-150 kiloton/đạn. Theo khối lượng mang hữu ích, có thể khoảng 1,2 tấn, tên lửa DF-31 tương tự như ICBM Topol và Topol-M của Nga. Có nhiều thông tin cho rằng, thay vì sử dụng đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng đầu đạn lượn siêu âm DZ-ZF. Phương tiện bay siêu âm được phóng từ sân bay vũ trụ Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây), theo trang báo này, đầu đạn lượn siêu âm (GLA) thực hiện các thử nghiệm bay với tốc độ từ 6.400 đến 11.200km/h, đánh trúng mục tiêu tại thao trường thử nghiệm miền tây Trung Quốc. Theo báo cáo của Ủy ban Tình báo Quốc hội Mỹ, DZ-ZF có thể được PLA đưa vào biên chế năm 2020, năm 2025 sẽ có phiên bản tầm xa nâng cấp. Phiên bản nâng cấp của tên lửa DF-31A là tên lửa đạn đạo liên lục địa ba tầng, sử dụng nhiên liệu rắn phóng từ xe phóng di động. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, khoảng 10 hệ thống tên lửa DF-31A được triển khai tại Trung Quốc. Ước tính ban đầu của Washington cho rằng, tên lửa DF-31 có tầm bắn khoảng 7.200km. Tầm bắn này không thể đánh tới lãnh thổ Mỹ. Nhưng phiên bản sửa đổi của tên lửa này, DF-31A, có tầm bắn hơn 11.200 km và có khả năng bao trùm hầu hết lục địa Mỹ khi phóng từ các khu vực thuộc miền trung Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 là vũ khí chiến lược thế hệ thứ tư của Trung Quốc với tầm bắn xa nhất trong số tên lửa xuyên lục địa hiện có. DF-41 có tầm bắn lên đến 15.000 km, trở thành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn xa nhất thế giới. Về cấu tạo, DF-41 dài 21 m với đường kính khoảng 2,25 m; trọng lượng 80 tấn, sử dụng nhiên liệu rắn, được phóng từ các hệ thống di động, giúp nó có tính cơ động cao và thời gian phóng ngắn, khiến đối phương khó theo dõi. Một số chuyên gia cho biết DF-41 còn có thể được triển khai tại các giếng phóng ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Nước này có thể đang phát triển bệ phóng chạy trên đường sắt cho DF-41, được ngụy trang dưới dạng toa xe tàu hỏa thông thường. Các tính năng này được cho là giúp tăng tốc độ phản ứng và khả năng sống sót của lực lượng hạt nhân Trung Quốc trước các đợt tấn công phủ đầu của đối phương. Với tải trọng 2,5 tấn, DF-41 có thể mang theo 10 đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV) và trên lý thuyết có thể tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ chỉ 30 phút sau khi phóng. DF-41 còn có thể mang theo mồi nhử và các thiết bị hỗ trợ thâm nhập khác để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Tính năng này được phát triển để đối phó các hệ thống chống tên lửa đạn đạo tầm xa như Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMDS) của Mỹ. DF-41 được phóng thử ít nhất 8 lần kể từ năm 2012, lần thử mới nhất diễn ra đầu tháng 11/2017 tại vùng sa mạc phía tây nước này, trước khi được biên chế với quy mô hai lữ đoàn vào cuối 2017. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, những quả DF-41 đầu tiên sẽ được triển khai tại đại bản doanh Lực lượng Tên lửa mới thành lập của quân đội Trung Quốc ở Tín Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Tại Hà Nam, DF-41 sẽ mất nửa giờ để tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ nếu bay qua Bắc Cực hoặc Thái Bình Dương. Ngoài ra, phạm vi tấn công của DF-41 bao gồm tất cả các thành phố lớn của Mỹ – từ Washington (11.550 km) và New York (10.991 km), đến Los Angeles (10.065 km) và San Francisco (9.506 km).
Tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm JL-3 là một trong những loại vũ khí mới nhất được Trung Quốc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm tên lửa diễn ra ngày 24/11/2018 và không nói rõ tầm bắn của JL-3, song theo phỏng đoán của tình báo Mỹ, loại vũ khí này có tầm bắn hơn 9.000km. Thông số này đã vượt xa loại tên lửa đời cũ JL-2 chỉ có tầm bắn từ 7.400-8.000km. Tên lửa JL-3 cùng với lớp tàu ngầm Type 96 đang được chế tạo, sẽ đánh dấu sự hiện đại hóa khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc. Hiện nay, Bắc Kinh đang sở hữu 4 hoặc cũng có thể nhiều nhất là 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo Kiểu 94 (NATO gọi loại tàu ngầm này là lớp Tấn), được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2. Tầm bắn xa hơn của tên lửa JL-3 sẽ cho phép các tàu ngầm Trung Quốc tấn công các mục tiêu ở sâu trong lục địa, giảm thiểu sự di chuyển vào vùng biển gần đối phương trong một cuộc xung đột, tăng khả năng sống sót cho kíp lái tàu. Hiện tại số lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân sẽ được Trung Quốc đóng vẫn chưa được xác định, nhưng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa tàu ngầm Type-96 và tên lửa JL-3 vào trang bị trong những năm tới.
http://biendong.net/bien-dong/30945-ten-lua-dan-dao-dong-phong-17-vu-khi-sieu-vuot-am-cua-tq.html
Ứng phó thương chiến,
TQ tiếp tục ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp nước ngoài
Theo thông tin từ Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ gỡ bỏ những hạn chế doanh nghiệp với các ngân hàng nước ngoài, các công ty môi giới và các công ty quản lý quỹ, tiếp tục mở cửa lĩnh vực tài chính, vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn vì thương chiến với Mỹ.
Thời gian qua Trung Quốc liên tục thúc đẩy những nỗ lực mở cửa lĩnh vực tài chính, tăng cơ hội tiếp cận đầu tư trong lĩnh vực này với doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là một trong những yêu sách quan trọng của Washington trong tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai bên.
Theo Hãng tin Reuters, tuần trước Trung Quốc công bố lịch trình chắc chắn của kế hoạch mở cửa hoàn toàn các thị trường hợp đồng tương lai (future market), môi giới (brokeage) và các quỹ tương hỗ (mutual fund) cho nhà đầu tư nước ngoài từ năm tới.
Đây cũng là bước mới nhất nhằm bãi bỏ những quy định, những hạn chế với hàng ngàn tỉ USD của ngành công nghiệp tài chính.
Dù vậy cuộc họp nội các ngày 16-10 chưa nêu chi tiết những ảnh hưởng cụ thể từ việc loại bỏ những hạn chế đó.
Ngoài ra chính quyền Trung Quốc cũng hỗ trợ các chính quyền địa phương trong nỗ lực thu hút đầu tư, tạo những điều kiện thoải mái hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong vay vốn.
Cuộc họp nội các cũng khẳng định Trung Quốc sẽ không cho phép việc ép buộc chuyển giao công nghệ với các công ty nước ngoài.
Việc ổn định tình hình đầu tư nước ngoài là một phần trong những chính sách của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc do ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại với Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức 6,2% trong năm nay, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua và sẽ còn giảm xuống khoảng 5,9% trong năm 2020, theo Reuters.
Thời gian qua Chính phủ Trung Quốc dựa khá nhiều vào các giải pháp kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có chính sách cắt giảm thuế đáng kể và tăng chi cho đầu tư hạ tầng.
Các mức cắt giảm thuế đã lên tới 1.500 tỉ nhân dân tệ (211,32 tỉ USD) trong 8 tháng đầu năm 2019. Điều này đã giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp, tăng thu nhập và việc làm. Tổng mức giảm thuế trong cả năm 2019 dự kiến vượt quá mốc 2.000 tỉ nhân dân tệ.
Trung Quốc kêu gọi Việt Nam đối thoại về Biển Đông
Bắc Kinh kêu gọi Hà Nội đối thoại hòa bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau khi Việt Nam đẩy mạnh lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền.
Báo South China Morning Post (SCMP) trích lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo vào hôm thứ Tư 16/10 rằng “Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại và đàm phán, để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua các hành động thiết thực.”
Tuyên bố được đưa ra tiếp theo sau một cảnh báo hồi đầu tuần của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rằng đất nước sẽ “không bao giờ thỏa hiệp” chủ quyền của mình, nhưng cần duy trì một môi trường hòa bình.
Trước đó, hôm 7/10 người kiêm nhiệm hai chức vụ cao nhất của Việt Nam “đề nghị Trung ương phân tích” về tình hình Biển Đông trong bối cảnh các tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau quanh khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7.
Ngoài phát biểu của ông Trọng, hôm thứ Ba 15/10, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nói rằng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông đã bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng, theo SCMP.
Căng thẳng trên Biển Đông tăng cao trong hơn 3 tháng qua khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chấn Hải Dương 8 vào khu vực mà Việt Nam nói là chủ quyền của mình. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã vài lần lên tiếng phản đối sự “vi phạm chủ quyền” của các tàu Trung Quốc nhưng chưa kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như nhiều chuyên gia và công chúng kêu gọi.
(Theo SCMP, Tuổi Trẻ Online)
https://www.voatiengviet.com/a/trugn-quoc-keu-goi-viet-nam-doi-thoai-ve-bien-dong/5126243.html
Nhìn lại sự tham gia của Thái Lan
trong vấn đề Biển Đông khi làm Chủ tịch ASEAN 2019
và xu hướng chính sách trong năm 2020
Năm 2019, sự tham gia của Thái Lan đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông được đánh dấu bằng việc nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên tổ chức ASEAN. Nhìn chung, do là nước không liên quan trực tiếp các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên Thái Lan vẫn giữ quan điểm trung lập, tìm cách cân bằng các mối quan hệ quốc tế để làm tròn vai của mình.
Với vai trò điều phối, tổ chức các hoạt động của nước Chủ tịch Thái an, ASEAN đã cho thấy tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) hôm 31/7 tổ chức tại Băng Kok, các nước đã ra Tuyên bố chung, đăng trên trang web của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN của Thái Lan, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình (ở Biển Đông) và nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại về các hành vi cải tạo, hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, theo tuyên bố. Ngoại trưởng các nước ASEAN tái khẳng định việc cần thiết phải tăng cường lòng tin, kiềm chế các hành vi và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa hoặc dùng vũ lực, trong khi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp theo khuôn khổ luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bên cạnh đó, ngoại trưởng các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi toàn bộ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC). “Chúng tôi hoan nghênh những biện pháp thiết thực nhằm giảm căng thẳng, nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và tiến hành các biện pháp tăng cường lòng tin giữa các bên. Và chúng tôi nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”, theo tuyên bố. Rõ ràng so với các nước như Campuchia, Lào hay thậm chí là Philippines khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đã có lúc các nước không thể ra được Tuyên bố chung về Biển Đông hoặc bất đồng về quan điểm, lập trường. Vì vậy, việc năm 2019, ASEN ra được Tuyên bố chung và thể hiện quan điểm rõ ràng hơn về tình hình Biển Đông, phần nào cho thấy vai trò tích cực của Thái Lan.
Truyền thông Thái Lan đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế trước những diến biễn ở Biển Đông
Giới chuyên gia, học giả Thái Lanthúc giục Chính phủ nước này cần tích cực thể hiện vai trò trong việcduy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó thể hiện quan điểm rõ ràng hơn đối với những hoạt động đơn phươngnhư quân sự hóa, vi phạm chủ quyền các nước ở Biển Đông. Trước mắt, Thái Lan cần nhận thức rõ rằng những diễn biến gần đây nhất cho thấy vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh cho cả khu vực. Là thành viên ASEAN và là một nước Đông Nam Á, Thái Lan không thể không làm gì. Tranh chấp Biển Đông ngày càng trở nên nổi cộm trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc, đe doạ phá vỡ quan hệ hợp tác này nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Và với vai trò Chủ tịch ASEAN, Thái Lan phải có nhiều động thái tích cực để đoàn kết các nước đi đến một tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông. Báo chí, truyền thông Thái Lan cũng quan tâm đề cập thường xuyên những diễn biến ở Biển Đông, cho rằng các nước ASEAN không liên quan trực tiếp đến tranh chấp như Thái Lan, Indonesia và Singapore có thể đóng góp nhiều hơn vào giải quyết tranh chấp, vấn đề Biển Đông có tác động đến an ninh, ổn định của cả khối ASEAN và cả khu vực Tây Thái Bình Dương. Truyền thông Thái Lan cho rằng, các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tất cả các nước trong khu vực. Bởi vậy, các nước ASEAN cần đoàn kết để đối mặt một cách mạnh mẽ, khôn khéo trước sự bành trướng hung hăng này. Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện của mình trên Biển Đông với những hành động khiêu khích không cần thiết. Các tờ báo Thái Lan đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm ra sân bay xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo chí Thái Lan nhận định, đây là hành động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, đồng thời kêu gọi ASEAN đoàn kết hành động, không để tình hình trở nên phức tạp hơn. Khuyến cáo Trung Quốc rất muốn lôi kéo Thái Lan về phía mình vì Bắc Kinh muốn tham gia vào quá trình soạn thảo Quy tắc Ứng xử của các nước tại Biển Đông (COC) với ASEAN ngay từ bước đầu. Trong vụ việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát hải dương 8 xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, báo chí Thái Lan đã thể hiện tiếng nói tích cực, phản ánh khách quan, nhìn chung đều lên án hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, quan điểm và lập trường của Thái Lan khi làm Chủ tịch ASEAN vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ mối quan hệ với TQ
Như trước đây, Thái Lan tìm cách cân bằng quan hệ với TrungQuốc khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Thái Lan lại càng trở thành đối tượng tranh thủ và chịu tác động mạnh của Trung Quốc. Trong các chuyến thăm đến Thái Lan, giới lãnh đạo Trung Quốc đều tìm cách lôi kéo Thái Lan ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 8 vừa qua khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc tại Bangkok, để lấy lòng Thái Lan – Chủ tịch ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dùng những từ ngữ hoa mỹ để đề cao vai trò của Thái Lan thông quan việc khẳng định những tiến triển của ASEAN và Trung Quốc trong việc hoàn tất phiên họp giới thiệu đầu tiên về dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) rất được trông chờ để tạo ra một khuôn khổ hành động dựa trên các quy tắc ở Biển Đông. “Chúng ta có thể hoàn thành được phiên họp giới thiệu dự thảo trước thời hạn bởi vì các bên còn lại đã có sự thảo luận thực sự. Kết quả này cần phải được hoan nghênh. Tiến triển này đã cho chúng ta nhiều thời gian hơn cho các phiên họp tiếp theo và củng cố niềm tin của chúng ta và sự quyết tâm mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng các quy tắc trong khu vực, vì hòa bình trên Biển Đông” Ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu. Rõ ràng đây là những phát biểu nhằm đánh bóng cho chính mình của Bắc Kinh, đồng thời cũng khiến nước chủ nhà Thái Lan hài lòng. Song dường như những gì mà lãnh đạo Trung Quốc nói đi ngược lại tình hình căng thẳng trên Biển Đông gần đây giữa Trung Quốc và một loạt các quốc gia láng giềng khác. Ngoài các vấn đề quốc tế trên, Trung Quốc cũng được xem là lấy lòng Thái Lan khi giảm sự quan tâm đối với anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin-Yingluck Shinawatra khi hai người này về thăm quê hương Trung Quốc hồi đầu năm. Trong đợt bầu cử Quốc Hội Thái Lan hồi tháng 6 và bỏ phiếu bầu thủ tướng nhiệm kỳ mới, Trung Quốc cũng đưa ra các tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với chiến thắng của Thủ tướng Chan O Cha và đảng cầm quyền.
Năm 2020, Thái Lan sẽ tiếp tục giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, mặc dù đều tranh đối đầu với TQ nhưng sẽ vẫn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN
Mặc dù là nước không có tranh chấp, song Biển Đông có vai trò, tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thái Lan. Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương,thông qua eo biển Basi (nằm giữa Philippines và Đài Loan) và eo biển Đài Loan. Về phía Tây, Biển Đông thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Trải qua nhiều thập kỷ trong lịch sử, Biển Đông luôn được coi là con đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.
Xét về mặt tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông rất giàu tài nguyên cả nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Về tài nguyên hải sản, với khoảng 2000 loài cá khác nhau và các loài đặc sản khác (tôm, cua, trai, tảo biển,…) là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng không bao giờ cạn nếu biết giữ gìn và bảo vệ. Biển Đông chứa đựng một tiềm năng lớn tài nguyên dầu khí. Toàn bộ thềm lục địa của Biển Đông được bao phủ bởi lớp trầm tích đệ tam dày, có nơi còn lan sang cả dốc và bờ ngoài của rìa lục địa. Các khu vực có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Brunei-Saba, Sarawak, Malay, Phattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, sông Hồng, cửa sông Hậu Giang. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Khu vực đáy biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa các mỏ khoáng sản sun phít đa kim, kết cuội sắt mangan. Ngoài ra, biển Đông còn là vùng biển nước sâu rộng lớn, có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc thành tạo và tích tụ băng cháy (còn gọi là khí hydrat).
Thái Lan là một nước công nghiệp mới. Tính đến năm 2016, tổng sản phẩm nội địa của Thái Lan là 390.592 USD (đứng thứ 28 thế giới, đứng thứ 9 châu Á và đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia). Thái Lan xuất khẩu nhiều hơn 105 tỷ USD hàng năm. Các sản phẩm xuất khẩu chính bao gồm gạo, hàng dệt may, giầy dép, hải sản, cao su, nữ trang, ô tô, máy tính và thiết bị điện. Thái Lan đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, mỗi năm xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo tinh chế. Vì vậy tuyến đường biển đối với Thái Lan hết sức quan trọng, giúp nền kinh tế nước này vươn ra bên ngoài và ngược lại. Một khi Biển Đông bất ổn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Thái Lan.
Cơ quan tình báo Úc muốn có thêm nguồn lực
để chống lại sự can thiệp của ngoại quốc
Tin từ SYDNEY, Úc – Trong một báo cáo được công bố trong tuần này, cơ quan tình báo quốc gia của Úc cho biết rằng họ không có đủ nguồn lực để thu thập thông tin tình báo về các điệp viên ngoại quốc và những nỗ lực của họ nhằm can thiệp vào các vấn đề của Canberra.
Theo tin từ Reuters, Úc, một đồng minh trung thành của Hoa Kỳ, cảnh giác cao độ trước mối đe dọa của các phần tử cực đoan trong nước sau một số cuộc tấn công “đơn độc” trong những năm gần đây. Nhưng Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) cho biết việc thu thập thông tin tình báo về sự can thiệp của ngoại quốc đang bị đình trệ khi họ tập trung vào những mối đe dọa đó.
Hồi năm ngoái, ASIO có ngân sách hàng năm là 533.4 triệu đô Úc (361.1 triệu mỹ kim) và tuyển dụng hơn 1,900 người. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc, ông Peter Dutton, cho biết ASIO sẽ nhận được nhiều tiền hơn và nhân sự sẽ tăng lên đến hơn 2,000 người. Vào tháng 9, Ông Duncan Lewis, người từng lãnh đạo ASIO trong hơn năm năm, khuyến cáo rằng sự can thiệp của ngoại quốc là một mối đe dọa lớn hơn khủng bố.
Hồi năm ngoái, Canberra đưa ra các đạo luật cứng rắn mới nhằm hạn chế khả năng hoạt động của các điệp viên ngoại quốc, sau khi lưu ý rằng Trung Cộng đang cố gắng can thiệp vào các vấn đề của Úc. Úc hiện yêu cầu các nhà vận động hành lang cho ngoại quốc phải ghi danh và buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ bị xem là can thiệp vào các vấn đề trong nước. (Mộc Miên)