Tin Biển Đông – 14/10/2019
Âm mưu của tàu Trung Cộng
khi cố tình phát tín hiệu nhận diện ở Biển Đông
Tin Vietnam.- Theo báo Vietnamnet ngày 14 tháng 10 năm 2019, tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc trung tâm Chiến lược và nghiên cứu có trụ sở ở Washington, Mỹ cho biết, có 14 tàu hải cảnh của Trung Cộng đã cố tình tự phát đi tín hiệu nhận diện tự động khi hoạt động ở các bãi cạn Luconia, Cỏ Mây, và Scarborough. Trong khi đó, có rất nhiều tàu hải cảnh Trung Cộng đang hoạt động ở các vùng khác trên Biển Đông tắt tín hiệu nhận diện, và chúng chỉ phát khi ra vào cảng.
Theo tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thì các tàu hải cảnh của Trung Cộng hoạt động dai dẳng. Chúng muốn các nước trong khu vực biết rõ sự hiện diện này. Phía Trung Cộng rất quan tâm đến Luconia, Cỏ Mây, và Scarborough. Có thể Trung Cộng tin rằng, nếu các tàu hải cảnh của họ có mặt ở khu vực này đủ lâu, thì những nước duyên hải trong khu vực sẽ chấp thuận thực tế việc tàu Trung cộng đã kiểm soát được các bãi cạn trên.
Nếu kế hoạch này của Trung Cộng thành công, thì Trung Cộng sẽ có thể mở rộng quyền kiểm soát sang các bãi ngầm, bãi cạn khác. Các tàu hải cảnh Trung Cộng tuần tra ở bãi cạn tuy không trang bị vũ trang hạng nặng, chỉ có vòi rồng, và vũ khí hạng nhẹ, nhưng chúng lớn hơn nhiều các tàu thực thi luật pháp, và cả tàu hải quân của các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á nhận định, việc sử dụng tàu như trên của Trung Cộng là điều lý tưởng để triển khai hoạt động linh hoạt, nếu xảy ra các vụ va chạm thì những tàu hải cảnh này có thể xua đuổi những tàu khác mà không cần vũ khí gây chết người.
Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc chương trình An ninh hàng hải ở trường Rajaratnam tại Singapore cho rằng, hành động này Trung Cộng là minh chứng cho việc kiểm soát quyền tài phán.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/am-muu-cua-tau-trung-cong-khi-co-tinh-phat-tin-hieu-nhan-dien-o-bien-dong/
Điểm yếu của căn cứ TQ ở Biển Đông
Một khi xung đột xảy ra, các cơ sở quân sự – mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông – khó giữ vững việc giữ đường dây liên lạc, cung cấp nhiên liệu, đạn dược…
Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest mới đây, Giáo sư Robert Farley – giảng viên cao cấp tại Đại học Kentucky (Mỹ), tác giả quyển The Battleship (Chiến hạm) nổi tiếng – nhận định Trung Quốc đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông thông qua việc mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đảo mà họ chiếm đóng phi pháp. Bắc Kinh xem đây là lợi thế chiến lược quân sự quan trọng. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, trên thực tế giá trị các “căn cứ nổi” này không nhiều như Bắc Kinh vẫn nghĩ.
Điểm yếu lộ rõ
Trong Thế chiến 2, Nhật Bản – như Trung Quốc bây giờ, cũng nhận ra việc kiểm soát các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương mang lại ý nghĩa chiến lược ít nhiều. Tuy nhiên đến cuối cùng, chính những hòn đảo này đã trở thành gánh nặng cho Nhật Bản khi Mỹ và đồng minh tập trung lực lượng đánh chiếm từng đảo một, buộc Nhật phải từ bỏ.
Phó đô đốc Horatio Nelson lừng danh (người Anh) từng châm biếm rằng chỉ những kẻ ngốc mới mang một con tàu đi chiến đấu với pháo đài. Nhưng trong thời đại ngày nay mọi việc đã khác, con tàu vẫn có thể chiếm lợi thế hơn pháo đài với sự hỗ trợ của công nghệ quân sự tinh vi, theo chuyên gia Farley. Trong trường hợp của Trung Quốc, dù không ngừng mở rộng, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho các đảo mà họ chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông nhưng sự thật là điểm yếu của những cơ sở này vẫn cứ tồn tại và không dễ khắc phục trong một sớm một chiều.
Những cơ sở quân sự mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, chủ yếu nằm ở 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, rõ ràng ít nhiều cũng mang về lợi thế cho quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Giáo sư Farley, những lợi thế này có ý nghĩa chính trị nhất thời nhiều hơn là quân sự.
“Thực tế, khi sở hữu những căn cứ trên Biển Đông, Trung Quốc có thể khiến hoạt động tuần tra, tự do hàng hải của Mỹ gặp khó khăn. Nhưng nếu xung đột xảy ra, sẽ không quá khó để không quân và hải quân Mỹ “giải quyết” những cơ sở này”, chuyên gia Farley nhận định.
Điểm yếu của căn cứ Trung Quốc ở Biển Đông
Căn cứ Trung Quốc xây trái phép trên đá Gạc Ma của Việt Nam
Trung Quốc đã thiết lập hệ thống bệ phóng tên lửa ở các bãi đá Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, Phú Lâm mà họ cho rằng có thể “càn quét” mọi ngóc ngách trên Biển Đông. Loại tên lửa mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông là hệ thống đất đối không (ví dụ như HQ-9) cùng tên lửa hành trình trên bộ. Đây là những vũ khí có khả năng loại khỏi vòng chiến nhiều loại tàu chiến, chiến đấu cơ của Mỹ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hệ thống tên lửa của Trung Quốc đang được đặt trên các thực thể nhân tạo giữa biển mà không có bất kỳ sự bảo vệ hiệu quả nào. Giáo sư Farley phân tích: “Tên lửa phóng từ đất liền sở dĩ có thể sống sót trước các cuộc không kích vì chúng được sự che chắn tự nhiên từ cây cối, núi đồi. Còn trong trường hợp này, Trung Quốc thiếu các vỏ bọc tự nhiên nên các cơ sở phòng thủ nhân tạo sẽ khó lòng “sống sót” trước đợt tấn công phối hợp”.
Ngoài ra, về lý thuyết thì bên cạnh tên lửa, một số sân bay mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông có thể giúp Bắc Kinh dễ dàng định vị và tiêu diệt mục tiêu từ xa – với khoảng cách tương đương tên lửa hành trình, nhờ vào hệ thống máy bay tuần tra, chiến đấu. Thế nhưng thực tế khi có xung đột, không khó để vô hiệu hóa những sân bay này với tên lửa tầm xa và các đợt tấn công tổng hợp. Ở giữa đại dương, cũng không phải dễ để một đơn vị vừa sửa chữa nhanh các sân bay, vừa phải chống đỡ những đợt tấn công trong khi nguồn lực là hữu hạn.
Không hề “bất khả xâm phạm”
So với các bệ phóng tên lửa hay sân bay, tổ hợp radar của Trung Quốc trên Biển Đông còn dễ tổn thương hơn. Với tính bất động, khó che giấu, radar dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của quân đội Mỹ như phóng tên lửa (từ tàu ngầm và máy bay tàng hình), tấn công mạng hoặc tác chiến điện tử.
Nhìn chung, toàn bộ năng lực quân sự của những thực thể Trung Quốc tạo nên ở Biển Đông bị phụ thuộc nhiều vào công tác hậu cần từ đại lục. Các căn cứ tưởng chừng “bất khả xâm phạm” này lại rất dễ cô lập vì hầu hết đều không có kho dự trữ đủ lớn. Khi xung đột xảy ra, việc giữ cho đường dây liên lạc, cung cấp nhiên liệu, đạn dược… được an toàn sẽ là rủi ro và thách thức sống còn cho Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/30850-diem-yeu-cua-can-cu-tq-o-bien-dong.html
Một số dự báo về xu hướng và diễn biến tiếp theo
của tình hình Biển Đông cuối 2019 và đầu 2020
Trong thời gian tới, xu hướng ổn định chung ở Biển Đông nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì, tuy nhiên do các hành động đơn phương và tính toán của các bên nên có khả năng sẽ bùng phát những diễn biến phức tạp và có thể thường xuyên bất ổn.
Giới nghiên cứu các nước cho rằng tình hình Biển Đông sẽ diễn biến theo xu thế và tùy thuộc vào bốn nhân tố sau:
Một là, cạnh tranh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông sẽ gia tăng. Hiện nay, sự can dự của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là thông qua các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không (FONOP) và các cuộc tập trận song phương, đa phương với các đối tác, đồng minh trong và ngoài khu vực. Từ năm 2019 đến nay, Mỹ đã tăng đáng kể tấn suất, phạm vi và quy mô các hoạt động FONOP ở Biển Đông bất chấp những phản ứng từ Trung Quốc. Mỹ đã tuyên bố sẽ đối phó với lực lượng tàu cá “dân sự” và các lực lượng bán quân sự của Trung Quốc như đối với hải quân. Mỹ cũng đang xúc tiến việc triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa ở khu vực để khẳng định sự vượt trội so với Trung Quốc. Để đối phó với Mỹ và đồng minh, Trung Quốc sẽ tăng cường triển khai quân đội tại các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp, khuyến khích sự tham gia của các lực lượng trên biển để củng cố hiện diện và chiếm đóng đối với các thực thể này, cũng như ưu thế vượt trội của Trung Quốc đối với Mỹ và các nước.
Hai là, các động thái đơn phương của Trung Quốc và một số nước trên thực địa và trên bàn đàm phán. Như chúng ta đã chứng kiến, Trung Quốc đã hành xử một cách độc lập, bất chấp luật pháp và phản ứng của các bên ở Biển Đông. Những hành động như vậy khiến tình hình căng thẳng phức tạp. Những hành động này cũng tiềm ẩn nguy cơ va chạm cao nếu các bên không kiềm chế. Như vụ việc Trung Quốc triển khai nhóm tàu khảo sát vào vùng thềm lục địa của Việt Nam và ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế. Hành động tương tự cũng diễn ra đối với Malaysia và Philippines. Bất chấp sự can dự của ASEAN kể từ năm 1992, Trung Quốc phần lớn đã vi phạm đáng kể các chuẩn mực theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) của ASEAN năm 2002 và sau đó nước này cũng vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) thông qua những hoạt động như xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên quy mô lớn. Nhìn chung, những hành động như của Trung Quốc đã tạo ra những mối đe dọa mới đối với an toàn hàng hải và gây cản trở cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), dẫn đến căng thẳng tái diễn.
Ba là, sự khác biệt về tham vấn và đàm phán COC do quan điểm của một số nước như Campuchia, Lào, Philippines trong vấn đề này còn chịu sự chi phối, tác động lớn từ Trung Quốc. Trung Quốc muốn COC cũng trên cơ sở nguyên tắc đàm phán song phương giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là ASEAN, không bao gồm sự tham gia của các nước bên ngoài như Mỹ, EU, Nhật Bản… Điều này không phù hợp với xu thế và mong muốn của các nước ASEAN. Vì Biển Đông có ảnh hưởng tác động đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Nếu đàm phán song phương theo kiểu Trung Quốc, giá trị thực sự của COC sẽ bị méo mó, hoặc sẽ không thể đạt kết quả do sự phân hóa nội bộ các nước ASEAN của Trung Quốc. Vai trò của ASEAN cũng như quan hệ giữa khối này với TQ là một nhân tố quan trọng.
Bốn là, hợp tác hàng hải và phát triển chung giữa các nước có thể bị đình trệ do sự thiếu lòng tin và ý trí chính trị của các nước và do sự phá vỡ chủ nghĩa dân tộc thuần túy. Các nước buộc phải chọn lựa bên nào để theo giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, Biển Đông sẽ thành khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một bên là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với một bên là “Vành đai, con đường” và “Con đường tơ lụa” trên biển của Trung Quốc. Mỹ – Trung sẽ cạnh tranh dẫn đến đối đầu trực tiếp hoặc gián tiếp, hay sẽ thoả hiệp dựa trên chia phần lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn vẫn là những kịch bản đang cần xác định rõ. Từ đó mới định lượng các yếu tố tích cực hoặc tiêu cực đến những quốc gia liên quan và đề ra chính sách ứng phó phù hợp cho các nước khu vực.
Tóm lại, dù Biển Đông diễn biến theo chiều hướng nào thì một thực tế chắc chắn là các quốc gia ven biển phải đứng trước lựa chọn hành động đơn phương, tăng cường an ninh biển và kéo cả khu vực vào xung đột, hay là xây dựng các nguyên tắc, thể chế và xác định các vấn đề tiếp cận mở. Xu hướng đơn phương và quân sự hóa ở Biển Đông đang gia tăng hiện nay chính là mối đe dọa an ninh con người cho toàn khu vực. Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt hơn để ngăn các nước tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông, có thể có va chạm nhỏ giữa các nước tranh chấp và leo thang thành sự cố lớn. Vì vậy, để có giải pháp lâu dài cho Biển Đông, rất cần những nỗ lực chung của tất cả các nước.
Triển vọng thoả thuận hợp tác khai thác chung
dầu khí ở Biển Đông giữa Philippines và Nga
Trong chuyến thăm Nga kéo dài 5 ngày (02-06/10/2019) vừa qua, Tổng thống Philippines Duterte đã gây sự chú ý của dư luận khi đưa ra đề nghị các công ty dầu khí của Nga, mà cụ thể là Tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Rosneft, tham gia vào các dự án hợp tác khai thác năng lượng ở Biển Đông. Các nhà quan sát cho rằng triển vọng của thoả thuận này phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.
Về thông tin liên quan hoạt động hợp tác khai thác chung ở Biển Đông giữa Philippines và Nga
Phát ngôn viên, kiêm Cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines Duterte Salvador S. Panelo cho biết Tổng thống đã mời Tập đoàn Rosneft và các nhà lãnh đạo giới dầu mở của Nga, đầu tư vào Philippines, đặc biệt là liên quan đến phát triển dầu khí ở Biển Đông và đảm bảo với các quan chức này rằng các khoản đầu tư của họ an toàn ở Philippines và Chính quyền Philippines sẽ không dung thứ cho tội phạm tham nhũng, quan liêu.
Trước cuộc họp của Duterte với các Giám đốc điều hành của Rosneft, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Soreta cũng cho rằng các công ty năng lượng của Nga quan tâm đến hoạt động khai thác dầu khí ở Philippines và bất kỳ thỏa thuận nào với Nga đều không thể làm tổn hại quyền của Manila trong khu vực. “Họ đã sẵn sàng làm điều đó theo luật của chúng tôi. Họ không phải là một bên đưa yêu sách. Nếu họ đến, nó sẽ là sự công nhận đầy đủ các quyền chủ quyền của chúng tôi và quyền thăm dò khai thác của chúng tôi”, phát biểu của Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Soreta đăng trên tờ Rappler của Philippines.
Về khả năng và triển vọng hoạt động hợp tác khai thác chung ở Biển Đông giữa Philippines và Nga
Vai trò của các công ty dầu khí Nga ở Biển Đông đã được chú ý kể từ tháng 7 vừa qua khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát hải dương 8 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế ở phía Nam Biển Đông. Nhóm tàu Trung Quốc đã tìm cách ngăn cả, quẫy nhiễu hoạt động của giàn khoan dầu Việt Nam và Rosneft gần Bãi Tư Chính. Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam được pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thừa nhận, không có bất kỳ tranh chấp nào với các nước.
Năm 2018, Trung Quốc cũng đã đe doạ và sử dụng quân sự để buộc Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha ngừng hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông với Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp hiện nay, Rosneft dường như không hề nao núng và cho thấy dấu hiệu sẽ có hành động tương tự như công ty Repsol của Tây Ban Nha. Giới quan sát nhận định, Trung Quốc sẽ không đối xử với các dự án thăm dò dầu khí của Nga giống như cách đối xử với công ty Tây Ban Nha hay Nhật Bản. Vì vậy, điều này cho thấy chiến lược của Philippines hiện nay là muốn hợp tác với Nga để làm đối trọng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nga sẽ chỉ coi Việt Nam là đối tác quan trọng, truyền thống ở Đông Nam Á để cùng triển khai các dự án hợp tác dầu khí thay vì mở rộng hoạt động tương tự với Philippines, vì Nga không muốn đụng chạm lợi ích với Trung Quốc. Năm 2016, Nga cũng là nước tuyên bố phản đối Phán quyết của Toà Trọng tài thường trực trong vụ kiện yêu sách đường lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc. Các quan chức Nga, cũng như giới lãnh đạo của Rosneft và Gazprom, hai công ty năng lượng hàng đầu có các dự án chung với Việt Nam, rất kín tiếng về hoạt động của họ tại các khu vực ngoài khơi của Việt Nam. Nga có lợi ích rõ ràng ở Biển Đông, song khó có khả năng Nga chấp nhận xung đột với Trung Quốc để mở rộng hoạt động và hiện diện ở vùng biển này. Điều này giải thích cách Nga thể hiện tiếng nói hạn chế trong vấn đề này suốt những năm qua.
Mặc dù là một điểm bất đồng giữa Bắc Kinh và Mátxcơva, các hoạt động của các công ty Nga ở Biển Đông khó có thể làm mất ổn định mối quan hệ chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và Nga và hai quốc gia này thực sự cần nhau trong các vấn đề lớn hơn. Hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc quanh Bãi Tư Chính của Việt Namm hiện nay có thể chỉ đơn thuần là dấu hiểu của Trung Quốc muốn nói rằng Bắc Kinh đang theo dõi những gì mà Nga đang làm ở khu vực.
Tóm lại, về tương lai liệu có các thoả thuận hợp tác khai thác chung dầu khí giữa Philippines và Nga hau không còn khó đoán định, song chắc chắn rằng quyết định của hai bên sẽ phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Vì vậy, thông tin mà Tổng thống Duterte vừa đưa ra có thể chỉ nhằm thăm dò dư luận hoặc nâng cao giá trị chuyến thăm Nga của ông cũng như đa dạng hoá chiến lược của
nước này trong các thoả thuận hợp tác khai thác chung, như với Trung Quốc, vốn đang gây nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều tại Philippines.
Nội dung, mục đích của Hải quân Mỹ khi tiến hành
diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông
Theo tờ “Nava Today”, nhóm tàu sân bay Ronald Reagan và tàu đổ bộ Boxer của Mỹ đã tiến hành các nội dung diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Động thái này nằm trong những cam kết tăng cường hiện diện và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không của Washington ở khu vực.
Lực lượng hải quân Mỹ tham gia
Ronald Reagan là một siêu hàng không mẫu hạm thuộc lớp Tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng Lò phản ứng hạt nhân năng lượng. Nó là chiến hạm thứ 9 của lớp Nimitz được đóng và được đặt theo tên của Ronald Reagan, Tổng thống Hoa Kỳ thứ 40 tại vị từ năm 1981 đến năm 1989. Tính đến tháng 5/2012, USS Ronald Reagan là một phần của Nhóm tác chiến tàu sân bay 9 (CSG-9) của Hải quân Mỹ và được điều hành bởi Tư lệnh Không quân Hải quân Thái Bình Dương. Vào tháng 01/2014, Hải quân Mỹ thông báo rằng, USS Ronald Reagan sẽ thay thế USS George Washington trở thành soái hạm của Nhóm tác chiến tàu sân bay 5 và lệnh tấn công thông qua Căn cứ Hải quân Yokosuka (Nhật Bản), như là một phần của Hạm đội tàu sân bay mạnh nhất của Mỹ.
Trong khi đó, tàu đổ bộ Boxer có khả năng mang theo 1.500 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng nhiều khí tài quân sự khác.Boxer là chiếc thứ 4 thuộc lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, được biên chế từ năm 1995. Con tàu dài 257 m, rộng 32 m, có lượng giãn nước hơn 41.000 tấn và sàn đáp rộng gần 9.000 m2. Mỗi tàu lớp Wasp có thể mang tối đa 30 máy bay các loại tùy thuộc nhiệm vụ. Trong các chuyến tuần tra thông thường, USS Boxer thường mang 6 tiêm kích AV-8B Harrier, 4 trực thăng tấn công AH-1Z Viper, 12 trực thăng lai MV-22B Osprey, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53E Super Stallion và 4 trực thăng đa dụng UH-1Y Venom hoặc MH-60R Seahawk.
Mục đích, nội dung cuộc diễn tập
Chuẩn đô đốc George Wikoff hôm 7/10 cho biết mục đích diễn tập chung giữa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu đổ bộ USS Boxer ở Biển Đông là nhằm duy trì an ninh và ổn định tại khu vực. Sự hiện diện của Mỹ thể hiện cam kết với những giá trị mà Mỹ chia sẻ với các đối tác và đồng minh trong khu vực. Chuẩn đô đốc Wikoff không tiết lộ thời gian, địa điểm cụ thể của cuộc diễn tập, nhưng nhấn mạnh hải quân Mỹ, với lực lượng áp đảo gồm các nhóm tác chiến kết hợp giữa tàu sân bay và đổ bộ, luôn sẵn sàng ngăn chặn những bên muốn thách thức “các giá trị chung”. Theo chuẩn đô đốc Mỹ, trong cuộc diễn tập, tàu chiến, máy bay của hải quân và thủy quân lục chiến đã thực hành các bài tập tấn công trên biển, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ, bắn đạn thật với các vũ khí hạng nhẹ, phòng không và chống ngầm.
Sự linh hoạt của lực lượng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là yếu tố quyết định đối với khả năng tấn công của Mỹ. Khả năng kết hợp năng lực đáng tin cậy của một nhóm tàu sân bay với ưu thế chiến đấu viễn chinh của lực lượng thủy quân lục chiến và tích hợp vào mạng lưới đồng minh, đối tác trong khu vực giúp chúng tôi có lợi thế cạnh tranh thực sự, Chuẩn đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy nhóm viễn chinh số 7 Mỹ khẳng định.
Ngoài hoạt động bắn đạn thật, nhóm tàu sân bay Ronald Reagan và tàu đổ bộ Boxer còn tiến hành các hoạt động phối hợp khác trong hoạt động tuần tra, trinh sát và đảm bảo an toàn hàng hải và hàng không. Các tình huống giả định nhằm tấn công các mục tiêu đối phương trên biển. Mặc dù không tuyên bố công khai nhằm vào những hành động của Trung Quốc, nhưng những hoạt động quân sự của Washington ở Biển Đông được xem là nhằm đối phó với Bắc Kinh, trong bối cảnh nước này không ngừng gia tăng quân sự hóa và hành động lấn lướt tại khu vực. Được biết Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề ra chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Hải quân Mỹ nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông để thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.