Tin Việt Nam – 11/10/2019
Tướng Hải quân Hoa kỳ gốc Việt Nguyễn Từ Huấn
tri ân bố mẹ bị thảm sát trong Biến cố Mậu Thân
Lòng biết ơn của một vị Tướng
Trong bài phát biểu tại Lễ thăng cấp Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày 10/10/2019 tại Trung tâm Tưởng niệm & Di sản Hải quân Hoa Kỳ (US Navy Memorial & Heritage Center), ở Thủ đô Washington DC, ông Nguyễn Từ Huấn cất lời cảm ơn đến nước Mỹ đã đón nhận ông là một người tị nạn sau Chiến tranh Việt Nam và đã cho ông một cuộc đời mới với hoài bão phục vụ cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn nhấn mạnh:
“Tôi rất vui mừng được đến và định cư ở Mỹ, một đất nước thịnh vượng và hùng mạnh. Nhưng sự giàu có mà tôi nhìn thấy không chỉ là về của cải vật chất mà đó là sự hào hiệp và lòng nhân ái dành cho con người. Những người lính trẻ trong Hải quân và Thủy quân Lục chiến ở đảo Guam đã giúp đỡ hơn 100 ngàn người Việt tị nạn, luôn luôn phục vụ với tinh thần hết lòng và tôn trọng.
Đây là đất nước Hoa Kỳ của chúng ta. Một quốc gia xây dựng trên nền tảng phục vụ, lòng nhân từ, sự hào hiệp, cơ hội, tự do hy vọng và ước mơ. Những giá trị đó đã khích lệ cho tôi tham gia vào quân đội và được vinh dự phục vụ trong binh chủng Hải quân, bảo vệ quốc gia và Hiến pháp.
Thật là vinh hạnh cho tôi khi được đề bạt lên cấp bậc Đề đốc Hải quân và tôi cũng rất khiêm tốn để nói rằng được vinh dự là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được thăng cấp tướng trong binh chủng Hải quân Hoa Kỳ. Niềm vinh dự này thuộc về cộng đồng người Mỹ gốc Việt luôn với tinh thần yêu nước, trách nhiệm, danh dự, quả cảm và trung thành với quốc gia Hoa Kỳ đã đón nhận người tị nạn Việt Nam.”
Trong giây phút bày tỏ lòng biết ơn đến đồng đội, đến bạn bè, gia đình thân nhân…đã yêu thương và hỗ trợ ông đạt thành tựu trong binh nghiệp, là một người Mỹ gốc Việt đầu tiên được đề bạt cấp tướng lãnh trong binh chủng Hải quân Hoa Kỳ, Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn xúc động nói lời cảm ơn đến thân phụ và thân mẫu đã quá cố:
Con gửi đến bố và mẹ đang ở thiên đường. Con hy vọng đã làm bố mẹ tự hào. Con sẽ tiếp tục sống cuộc sống mà bố mẹ đã làm gương cho đến khi mất. Đó là cuộc sống của danh dự, cam đảm, trung thành và gìn giữ di sản hào hùng của mình cho thế hệ con cháu
-Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn
“Con gửi đến bố và mẹ đang ở thiên đường. Con hy vọng đã làm bố mẹ tự hào. Con sẽ tiếp tục sống cuộc sống mà bố mẹ đã làm gương cho đến khi mất. Đó là cuộc sống của danh dự, cam đảm, trung thành và gìn giữ di sản hào hùng của mình cho thế hệ con cháu.”
Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn cũng gửi đến chú thím, ông Tú Nguyễn và bà Kim Chi đã thay thế bố mẹ nuôi dạy ông kể từ sau khi biến cố của gia đình bị thảm sát hồi Mậu Thân năm 1968, mà chỉ duy nhất một mình ông còn sống sót vào lúc ông 10 tuổi.
“Tôi muốn nói lời cảm ơn đến một người Mỹ gốc Việt, chú của tôi là cựu Đại tá Không quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cùng thím của tôi, bà Kim Chi đã nuôi nấng và dạy dỗ tôi nên người. Chú của tôi giống như hàng ngàn người lính VNCH khác đã cùng với những người lính không quân đồng minh Mỹ (chiến đấu-pv) cho đến tận những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Chú tôi đã hy sinh trọn cuộc đời của ông cho con cháu được có cuộc sống tốt đẹp hơn, được sinh sống ở một quốc gia tự do và tiếp tục tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền.”
Ghi danh vào lịch sử
Trong những ngày Tết Nguyên đán Mậu Thân, năm 1968, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký thỏa thuận ngừng bắn 36 giờ đồng hồ để cho dân chúng đón tết cổ truyền. Thế nhưng Quân đội Bắc Việt, dưới danh nghĩa Mặt trận Giải phóng miền Nam đã đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm thị xã miền Nam Việt Nam. Thời điểm cuộc tấn công diễn ra vào lúc giao thừa và hàng ngàn người dân bị thiệt mạng. Trong các nạn nhân hồi biến cố Mậu Thân, cả gia đình gồm 7 thành viên của Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn bị thảm sát. Vào giờ phút định mệnh đó, cậu bé Nguyễn Từ Huấn bị thương nhưng đã may mắn sống sót và mang theo ký ức bi thảm của gia đình trong suốt quãng đời còn lại của mình.
Vào hạ tuần tháng 6 năm 2019, Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ chuẩn thuận đề nghị của Tổng thống Donald Trump đề bạt Đại tá Nguyễn Từ Huấn lên cấp bậc Phó Đề đốc, thuộc binh chủng Hải quân Trừ bị Hoa Kỳ. Ngay sau khi thông tin này được chính thức thông báo, cộng đồng người Việt khắp năm châu hân hoan đón nhận và gửi lời chúc mừng đến vị tân Phó Đề đốc được chuẩn thuận Nguyễn Từ Huấn với sự ngưỡng mộ ông như là một nhân vật huyền thoại và là một chứng nhân của lịch sử.
Tại buổi lễ thăng cấp Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn, rất nhiều khách tham dự chia sẻ cảm xúc của họ với RFA về vị tướng Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên.
Thiếu tướng Lương Xuân Việt, binh chủng Bộ binh Hoa Kỳ nói:
“Vài tháng trước khi nghe tin Huấn được thăng chức lên Đề đốc thì tôi rất là xúc động, gần như là muốn ứa nước mắt luôn tại vì tôi thấy không những là một người bạn, đồng đội mà cũng là một người tị nạn như mình lại có hoàn cảnh rất đặc biệt. Khi tôi thấy những người như vậy mà có thể trải qua những thử thách trong đời sống và bây giờ có thể lên chức tướng thì tôi cho rằng giây phút này không những là giây phút đặc biệt mà là giây phút lịch sử.”
Đại tá nghỉ hưu Tom Economy, một đồng đội cũ của Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn bộc bạch rằng câu chuyện thương tâm của gia đình cũng là một động lực đối với thành tựu trong quân đội của vị tân Phó Đề đốc hôm nay:
“Tôi nghĩ rằng hôm nay là một ngày tuyệt diệu cho nước Mỹ khi Hải quân Hoa Kỳ đề đạt Đề đốc Huấn Nguyễn, một người Việt di dân đã vượt qua mọi trở ngại để trở thành một vị sĩ quan với nhân cách như ông. Thật là tuyệt vời cho người Mỹ!”
Cựu Hội trưởng Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt, Đại tá Mimi Phan tâm tình rằng, Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn là một tấm gương cho tất cả các thành viên của Hội, đồng thời cũng là một người anh được rất nhiều người quý mến:
“Những đức tính của Đề đốc Huấn Nguyễn như là không bao giờ bỏ đàn em đằng sau, luôn luôn đồng hành chung để hoàn thành sứ mệnh. Lúc nào tôi cũng coi anh giống như là một người anh của mình. Những gì anh dạy dỗ thì tôi học hỏi. Hôm nay rất mừng vì anh được đề bạt lên Đề đốc.”
Thay mặt cho gia đình, ông Tú Nguyễn bùi ngùi xúc động chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi cảm thấy rất là hãnh diện cho gia đình, hãnh diện cho Huấn và cho tất cả cộng đồng người Việt Nam tị nạn, không chỉ ở Mỹ mà ở khắp toàn thế giới. Đó là niềm vinh dự cho đất nước và cũng là một điều nói lên sự thành công của những người Việt tị nạn không phải là những người thất trận và cam chịu số phận.”
Vào đầu tháng 7 vừa qua, Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn cũng xác nhận với RFA trong một cuộc phỏng vấn ngắn rằng tuy là một nạn nhân của chiến tranh, nhưng ông tham gia quân đội để bảo vệ và bảo tồn những giá trị quý báo của nhân loại-đó là giá trị của một thế giới hòa bình.
“Thật sư tôi không sợ chiến tranh. Tôi ghét chiến tranh tại vì tôi đã là nạn nhân của chiến tranh và tôi cũng là người đã từng tham gia trong chiến tranh. Chiến tranh đem đến những sự đau khổ, chia rẽ, tàn phá, không những chỉ con người mà cả môi trường, thành phố và những gì tốt đẹp của nhân loại. Nhưng mà chúng ta đang sống trong một xã hội có dân chủ, có hòa bình, có nhân quyền thì tôi muốn tham gia vào quân đội vì tôi muốn bảo tồn tự do, dân chủ và nhân quyền đó. Những giá trị đó, nếu chúng chúng ta không bảo tồn thì sẽ mất đi rất dễ dàng.”
Tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh
‘bị đánh đến bất tỉnh trong tù’
Tù chính trị Nguyễn Ngọc Anh bị đánh đến bất tỉnh trong nhà tù. Tin này được bà Nguyễn thị Châu, vợ của ông Nguyễn Ngọc Ánh, cho Đài Á Châu Tự Do biết vào ngày 11 tháng 10 ngay sau lần thăm gặp mới nhất trong cùng ngày.
Bà Nguyễn Thị Châu, trình bày rõ:
“Hồi sáng tôi lên đến trại tạm giam là 9 giờ kém, đến 9 giờ hai mẹ con được mời vô gặp bố. Vừa ngồi xuống thì tôi thấy chồng đi ra mà anh đi không nổi, một chân đi một chân lết mà tay anh lại chống lên cái chân đứng trụ. Tôi muốn khóc nhưng phải kềm nén để hỏi lý do vì sao. Chồng tôi nói bị đánh. Tôi hỏi an ninh đánh hay là ai đánh thì anh nói là người tù hình sự lần trước kiếm chuyện trước chưa đánh mà bây giờ mới đánh. Hôm thứ Sáu vừa rồi, họ mời người tù hình sự đó ra làm việc. Vừa làm việc xong nó vào nó chỉ mặt ngay và nói “tao giết chết mày mà tao không phải ở tù. Đợt này tao sẽ giết chết mày”. Nói xong nó nhảy vô đánh, chồng tôi né được. Khi chồng tôi quay lại lấy khăn đi tắm thì nó đạp lén từ phía sau. Chồng tôi ngã xuống thì gáy đập vào cái bậc mà người ta xây thành giường cho nằm. Anh nói nếu anh đập đầu vào đó thì anh đã chết rồi. Anh bất tỉnh. Nó tiếp tục vào đè chân và tay anh nhưng một người tù kinh tế vô can ngăn, nếu không thì chồng tôi đã chết”
Bà Châu nói thêm về tình cảnh của chồng trong tù:
“Sau đó chồng tôi xin được thăm khám thì ở trại người ta không cho. Họ cũng không bắt tù hình sự kia đi kỷ luật hay khởi tố gì hết mà bắt chồng tôi đi ra ở một phòng như biệt giam. Không cho nước sôi, không cho đọc báo, không cho xem TV, không cho nghe đài gì hết. Chỉ quanh quẩn ở phòng đó. Trong khi đó anh bị đau, đi không được, tức là anh ấy không tự vệ sinh cho mình được mà anh ấy phải chịu đựng như vậy. Hôm nay anh gặp tôi thì anh mới đi được. Anh ấy nói anh không ăn được, không ngủ được. Anh ấy nói họ sẽ kéo dài thời gian (giam cầm biệt giam) trái phép chứ không dám đưa luật sư ra vì anh thường đòi làm đúng luật, cho nên họ kiếm đủ mọi thứ. Anh nói trong đó có rất nhiều bất công áp lực với anh mà anh không dám nói ra vì anh càng nói thì nó càng làm khó, tìm cách để giết anh.”
Bà Châu nhấn mạnh:
“Tôi chỉ muốn cộng đồng, các tổ chức nhân quyền lên tiếng bảo vệ, giúp chồng tôi giữ được mạng sống. Tôi không cần gì ngoài điều đó. Lúc bước vô con đường đấu tranh thì chúng tôi đã chấp nhận cái chết, nhưng phải chết cho đáng. Chứ chết vì sự ác độc không đúng thì tôi không chấp nhận được.”
Hồi tháng 6/2019, kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.
Truyền thông trong nước trích cáo trạng cho biết trong khoảng thời gian từ 2013 – 2014, ông Ánh đã tạo một tài khoản mạng xã hội Facebook lấy tên là “Nguyễn Ngọc Ánh” với mục đích ban đầu là để trao đổi thông tin liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên từ tháng 4 – 2016 đến tháng 8 – 2018, ông Ánh đã tiếp tục tạo một số tài khoản Facebook khác nhau, thường xuyên tham gia cá buổi phát trực tiếp, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân về các chính sách, pháp luật và quan hệ ngoại giao của Nhà nước.
Cáo trạng cũng cho biết ông Ánh đã tạo các nhóm kín chia sẻ, thảo luận, kêu gọi biểu tình vào các ngày 4 tháng 9 năm 2018 và 30 tháng 4 năm 2019.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ vào ngày 30/8/2018. Ông từ chối có luật sư bào chữa trước phiên tòa sơ thẩm. Người dự trù sẽ bào chữa cho ông tại phiên tòa phúc thẩm là Luật sư Đặng Đình Mạnh.
Hồi tháng 6/2019, Tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền Quốc tế) ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho ông Nguyễn Ngọc Ánh và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông này.
Theo Human Rights Watch, “chính quyền Việt Nam đang đặt ông Nguyễn Ngọc Ánh vào tầm ngắm, buộc ông phải đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và án tù giam, nhằm đe dọa những người khác có thể dám lên tiếng chất vấn chính quyền”.
Tạp chí bị đình chỉ hoạt động
vì ‘thông tin sai’ về biệt phủ tướng công an
Với lý do “thông tin không đúng sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, Cục Báo chí Việt Nam vừa quyết định tước giấy phép hoạt động 2 tháng và phạt 50 triệu đồng đối với tạp chí điện tử Luật Sư Việt Nam, sau khi tờ báo đăng bài “Biệt phủ lấn sông”, đề cập đến tư dinh của gia đình Thiếu tướng Công an Đỗ Hữu Ca – nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.
Quyết định xử phạt do Cục trưởng Cục Báo chí, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, ký ngày 11/10 nói rằng bài viết của tạp chí Luật Sư Việt Nam đã vi phạm nghị định của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, theo tường thuật của truyền thông trong nước.
Ngoài hình thức phạt tiền và tước giấy phép hoạt động 2 tháng, Cục Báo chí còn yêu cầu tạp chí Luật Sư Việt Nam phải “cải chính” nội dung, và nếu không thực hiện trong thời hạn quy định, tờ báo sẽ bị “cưỡng chế thi hành”.
Trước đó, trong bài “Biệt phủ lấn sông” đăng vào ngày 10/8, tạp chí Luật Sư Việt Nam đăng tin, ảnh và video về một khu “biệt phủ” được cho là của gia đình Thiếu tướng công an Đỗ Hữu Ca tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trong đó, tạp chí này dẫn lời người dân địa phương nói rằng “điều đặc biệt hơn cả là bằng mắt thường ai cũng nhìn thấy công trình xây dựng hoành tráng này đã… lấn sông, vi phạm quy định về hành lang đê điều”.
“Công trình này đã hoàn thiện, đi vào sử dụng và nằm ngay bên cạnh trụ sở UBND xã Kênh Giang, nhưng không thấy lực lượng chức năng kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xử lý”, tạp chí Luật Sư Việt Nam viết.
Sau khi bài báo về “biệt phủ nguy nga, rộng hàng nghìn mét vuông” được tạp chí Luật Sư Việt Nam đăng lên, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca đã lên tiếng trên báo Trí Thức Trẻ hai ngày sau và nói rằng khu đất của gia đình ông “đã được cấp sổ đỏ từ lâu”, và thông tin nói rằng biệt thự lấn sông và vi phạm quy định “là không đúng”.
“Việc nói bằng mắt thường ai cũng thấy công trình nhà ở của gia đình tôi lấn sông, vi phạm quy định về hành lang đê điều hoàn toàn không đúng. Bởi từ nhà tôi được xây ra đến mép sông còn gần 100m nữa, trong khi hành lang bảo vệ sông theo quy định chỉ có 10m. Ở đây, họ chụp bằng flycam nên nhìn không rõ nhưng nếu ở gần sẽ thấy rất rõ cọc tiêu của hành lang bảo vệ sông, cách 10m tính từ mép bờ. Như vậy, từ nhà tôi xây ra đến hành lang bảo vệ sông còn rất xa chứ đâu có gần”, báo Trí Thức Trẻ dẫn lời tướng Ca khẳng định.
Sau phát biểu của ông Ca, Chủ tịch UBND xã Kênh Giang cũng lên tiếng nói “thông tin phản ánh về khu nhà, vườn của gia đình Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca lấn sông là không chính xác”, vẫn theo Trí Thức Trẻ.
Vụ “biệt phủ lấn sông” của thiếu tướng công an đã thu hút khá nhiều sự chú ý của công luận trong thời gian qua.
Hôm 4/10, một số trang báo mạng “lề trái” đã đăng một lá thư kiến nghị của nhóm luật sư gửi các lãnh đạo Việt Nam yêu cầu xác minh, làm rõ khối tài sản của gia đình tướng Ca và công khai cho người dân được biết sau khi tạp chí Luật Sư Việt Nam đăng tin về biệt thự này.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca sinh năm 1958, nguyên là Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng. Ông Ca được thăng chức lên hàm thiếu tướng sau khi đã trực tiếp có mặt tại hiện trường và chỉ huy vụ cưỡng chế đất nổi tiếng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng vào năm 2012.
Vào ngày 2/1/2019, Bộ Công an trao quyết định nghỉ công tác “chờ chế độ hưu trí” cho tướng Đỗ Hữu Ca.
2 cựu lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông bị khai trừ đảng
Hai cựu bộ trưởng Thông tin- Truyền Thông, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị Ban chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam. Truyền thông trong nước loan tin ngày vào ngày 11/10.
Theo đó, tại cuộc họp cùng ngày, dưới sự chủ trì điều hành của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban chấp hành trung ương quyết định khai trừ ra khỏi đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, nguyên Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương và ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên trung ương Đảng khóa XII, Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương, nguyên bí thư ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin & truyền thông.
Hiện hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án hình sự Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Tổng công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG).
Ông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận hối lộ 3 triệu USD từ Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ để chỉ đạo nhân viên dưới quyền phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ trong việc MobiFone mua cổ phần của AVG.
Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn, là người kế nhiệm ông Son, nhận hối lộ 200.000 USD.
Sau sự vụ, ông Son đã có đơn xin nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả. Số tiền này chỉ là phần nhỏ trong số 3 triệu USD mà ông đã nhận của Phạm Nhật Vũ. Hiện cơ quan điều tra tiếp tục tìm hiểu số tiền còn lại ông Son đã tẩu tán đi đâu.
Ông Nguyễn Bắc Son là Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016. Ông Trương Minh Tuấn kế nhiệm ông Son, làm Bộ trưởng Thông tin Truyền thông từ tháng 4/2016.
Quán cà phê xua đuổi khách Việt
chỉ tiếp khách ngoại quốc ở Hội An
Tin từ Hội An, Việt Nam – Hiện nay, nhiều cư dân mạng đang kêu gọi tẩy chay một quán cà phê ở Hội An sau khi có những tin đồn rằng quán cà phê này phân biệt đối xử. Theo báo Phụ Nữ Online, quán cà phê trên có tên là Cyclo’s Road ở đường Bạch Đằng, Thành phố Hội An.
Tờ báo phỏng vấn chị P, một nữ du khách đến từ Sài Gòn từng ghé thăm quán cà phê này vào ngày 7/9 cùng chồng và một người bạn. Khi người bạn của chị P. hỏi người nhân viên rằng có thể kéo ghế ra chỗ khác được không, thì một người đàn ông của quán mời họ ra ngoài và cho biết ở đây không phục vụ. Chị P về nhà và kể lại câu chuyện với chủ nhà trọ để rồi bất ngờ khi biết chị chủ trọ cũng xác nhận từng bị như vậy. Theo hãng tin Saigonneer, hồ sơ của quán cà phê trên trang TripAdvisor có 175 bài đánh giá, với 102 đánh giá năm sao và 15 đánh giá một sao. Tất cả những đánh giá xấu đều cho rằng quán cà phê kỳ thị chủng tộc. Ngoài các tài khoản từ khách du lịch Việt Nam, cũng có những khiếu nại tương tự từ du khách người Thái, Nam Hàn và Trung Cộng. Kể từ khi tin tức về các nhận xét phân biệt đối xử xuất hiện, cư dân mạng lên tiếng kêu gọi tẩy chay quán cà phê Cyclo’s Road, và liên tục đăng tải những bình luận chê bai lên trang Facebook của quán.
Vào ngày 16/9, ông Nguyễn Văn Lãnh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin cộng sản thành phố Hội An, có văn bản thông tin về vụ việc Quán cà phê Cyclo’s Road xua đuổi khách Việt, chỉ tiếp khách ngoại quốc. Theo văn bản, bước đầu có thể khẳng định việc chủ quán cà phê từ chối phục vụ nhóm bạn của chị P là có thật.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/quan-ca-phe-xua-duoi-khach-viet-chi-tiep-khach-ngoai-quoc-o-hoi-an/
10 năm chưa xác minh được sai phạm của
cựu lãnh đạo Sở Y tế, khiến người dân bị thiệt hại
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ra quyết định số 4346 gia hạn giải quyết tố cáo đối với ông Huỳnh Văn Biết – nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, bị 83 công dân là bệnh nhân trại phong Thanh Bình ở Quận 2 tố cáo ông đã xác nhận sai thời điểm sử dụng đất khiến người dân bị thiệt hại trong quy chế đền bù.
Báo trong nước loan tin ngày 11/10.
Tin cho biết, bệnh nhân tại trại phong Thanh Bình đã được cấp nhà và đất để ở và sản xuất nhằm đảm bảo cuộc sống từ trước năm 1975. Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Biết đã xác nhận sai thời điểm sử dụng, thay vì trước năm 1980 thì ông lại ghi sau ngày 20/12/2001 khiến người dân không được bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện giải tỏa, di dời trại phong Thanh Bình để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Người dân trại phong Thanh Bình cho biết họ bức xúc vì phương án bồi thường số 65 được đưa ra ngày 27/3/2008 không cho họ được bồi thường nhà, đất.
Một cán bộ Hội đồng bồi thường quận 2 giải thích do Quyết định 336 của Ủy ban ban hành ngày 24/12/1979 thì Trại phong Thanh Bình chỉ là nơi trung chuyển bệnh nhân từ nơi khác về phân loại rồi chuyển đi Khu điều trị phong Bến Sắn điều trị, không phải nhà công vụ của Sở Y tế TPHCM phân cho bệnh nhân hoặc cán bộ quản lý. Vì thế việc bố trí nhà, đất cho các hộ gia đình bệnh nhân sử dụng là sai quy định.
Trong thực tế, các bệnh nhân cho biết họ được cấp nhà trước khi Quyết định 336 được ban hành và vẫn sử dụng ổn định tới thời điểm bị giải tỏa nên đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất theo Khoản 3, điều 48 của Nghị định 181. Vì vậy, theo quy định thì các hộ gia đình bệnh nhân này phải được bồi thường về đất ở.
Hồ sơ tố cáo của những gia đình bệnh nhân tại trại phong Thanh Bình đã được UBND TPCHM thụ lý giải quyết và giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng xác minh vào tháng 6/2009. Việc xác minh đến nay đã được gia hạn 2 lần.
Cho dân giám sát CSGT – Tưởng dễ mà lại khó!
Trong Dự thảo Thông tư lần 3 về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ công an đã bổ sung đề nghị người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông (CSGT) bằng máy ghi âm, quay phim hoặc quan sát trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan Công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là với Bộ Công an, có những cơ chế gì để bảo vệ cho những người dân khi giám sát cơ quan công quyền, cụ thể đây là CSGT? – Nhà báo Ngô Nhật Đăng
Dân được quyền giám sát CSGT
Đây là thay đổi so với Thông tư 54/2009 đang áp dụng và Dự thảo lần 2. Nếu dự thảo này được thông qua, Thông tư sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2019.
Nhận xét về việc này, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng ý kiến mới này của Bộ Công an rất nên khuyến khích. Ông tiếp lời:
“Không cứ riêng anh đâu mà công chúng nói chung cũng sẽ rất hoan nghênh ý kiến này của Bộ Công an. Vì điều đó tốt cho tất cả mọi người nhất là cho chính cơ quan công an. Đây là một dịp để người dân có phương tiện giám sát giúp cơ quan công an hoạt động tốt hơn.”
Xác nhận lời Luật sư Mạnh, bạn Trang, hiện đang ở Sài Gòn cho biết qua Facebook Messenger như sau:
“T ủng hộ. Vì như vậy CSGT mới làm đúng trách nhiệm và minh bạch. Nhưng dĩ nhiên dân cũng không được làm lố. Kiểu người ta phạt đúng tội thì không nên lạm dụng quay phim chụp hình.”
Còn theo anh Minh, ở góc nhìn của anh, đề xuất này thực chất chẳng có tác dụng gì rõ rệt vì thói quen sợ phiền phức của người Việt hiện nay:
“Ra đường bị công an giao thông bắt vô, nói chung ai cũng tâm lý muốn đi nhanh cho rồi thành ra mới có tình trạng cảnh sát giao thông ăn hối lộ. Còn thời gian móc máy ra quay thì mọi chuyện đã khác rồi.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, nhà báo Ngô Nhật Đăng, lại cho rằng những đề xuất này người dân đã yêu cầu từ lâu rồi và đây là lúc chính phủ cần thay đổi. Ông lý giải:
“Kể cả ở những nước khác, đều có cơ chể để những người tuân luật giám sát người thực thi pháp luật để xã hội có kiểm soát và tránh trường hợp những người thực thi luật pháp vượt quá quyền hạn của mình.”
Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, dư luận còn vấn đề cần quan tâm nhiều hơn khi Bộ Công an đưa ra đề này. Ông nói:
“Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là với Bộ Công an, có những cơ chế gì để bảo vệ cho những người dân khi giám sát cơ quan công quyền, cụ thể đây là CSGT? Một vấn đề nữa là liệu những người kiểm tra, giám sát những hành động của cảnh sát giao thông có được bảo vệ hay không và những phản hồi của người dân khi lên các cơ quan chức năng bên trên khi phát hiện sai phạm kỷ luật của CSGT sẽ được xử lý như thế nào?”
Giám sát ra sao để không phạm luật?
Trở lại sự việc từ đầu tháng 10 và cuối tháng 9 vừa qua khi báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đăng tin cho biết ông Lê Công Nam bị công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng, vì ông Nam đã dùng điện thoại di động ghi hình khi bị Đội Cảnh sát Giao thông Công an thị xã Hoàng Mai kiểm tra, lập biên bản vi phạm lỗi “lắp bánh không đúng kích cỡ”. Ông Nam cũng bị cáo buộc là đã dùng lời lẽ xúc phạm danh dự và nhân phẩm lực lượng CSGT.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, người chia sẻ video này cũng bị phạt 7,5 triệu đồng. Theo công an, ông Sỹ và ông Nam đã có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng CSGT, vi phạm điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cả hai đều bị yêu cầu gỡ bài.
Trước đó, hôm 27/9, anh Nguyễn Hữu Đức ở tỉnh Bình Phước cũng bị yêu cầu nộp phạt 7,5 triệu đồng khi đưa thông tin bị công an phạt lên mạng xã hội mà công an cho rằng xúc phạm danh dự, uy tín của họ. Ông Đức cũng phải gỡ thông tin đã đăng tải.
Từ những trường hợp vi phạm như trên, nhiều người đang tỏ ra hoang mang, vậy giám sát ra sao để không phạm luật?
Bạn Trang tại Sài Gòn bày tỏ:
“Quay phim chụp ảnh để làm bằng chứng cho những vụ việc ko làm đúng pháp luật thì đúng. Nhưng khi chia sẻ thì cũng phải dùng lời lẽ chừng mực. Không được lạm dụng để chửi bới kích động xuyên tạc. Bây giờ anh hùng bàn phím nhiều lắm. Luật không chặt là loạn.”
Giải thích rõ hơn, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng đây là điều mà những “người giám sát” nền cần biết:
Quay phim chụp ảnh để làm bằng chứng cho những vụ việc ko làm đúng pháp luật thì đúng. Nhưng khi chia sẻ thì cũng phải dùng lời lẽ chừng mực. Không được lạm dụng để chửi bới kích động xuyên tạc. Bây giờ anh hùng bàn phím nhiều lắm. – Trang
“Cái yêu cầu của Bộ Công an đi kèm theo ý kiến đó cứ xem một cách bình tĩnh thì thật ra nó sòng phẳng và nó đúng đắn để bảo đảm rằng những clip quay phim hay chụp ảnh, ghi âm là trung thực, không bị cắt xén vì nếu cắt xén đi thì làm sai lệch hoàn toàn nội dung băng ghi âm hay ghi hình. Thế thì việc post (phốt) thông tin cho công chúng biết hoặc tố cáo thì người phốt phải chịu trách nhiệm.”
Báo mạng VnExpress vào ngày 8/10 có đăng tin ghi rõ “các chuyên gia luật cũng cho rằng hiện không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh cán bộ, chiến sĩ song luật có nêu rõ cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý “quay phim, chụp ảnh” nhằm đưa thông tin phiến diện, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải… sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc Bộ luật Hình sự.”
Do đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng thực chất đề xuất mà Bộ Công đưa ra để răn đe xã hội chứ không phải có cơ chế thoáng để người dân có quyền hành hơn:
“Ngoài chuyện người dân chưa kịp mừng là đã có những cơ chế để xã hội có thể kiểm soát được những người thực thi luật pháp thì lại có ngay một quy định đi kèm theo sau mà mũi nhọn lại chĩa thẳng vào người dân. Tôi cho rằng người ta sẽ nghĩ nhiều đến chuyện không phải khuyến khích người dân làm nữa mà để đe nẹt người dân khi đưa những việc làm sai trái của lực lượng cảnh sát giao thông.”
Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, đề xuất của Bộ Công an về việc giám sát hoạt động của CSGT vẫn là một điểm mới mà mọi người cần ủng hộ. Tuy nhiên, nếu gán ghép việc cấm người dân phát tán và có nguy cơ bị xử phạt theo Luật An ninh mạng là điều vô lý. Ông nhận định:
“Luật an ninh mạng hầu như là một biện pháp bịt miệng mọi người và cái phạm trù để nói là phát biểu ý kiến cá nhân hoặc có ý xúc phạm, bôi nhọ cơ quan nhà nước thật ra ranh giới của nó rất mù mờ, không có gì để xác định vấn đề này. Nếu trong tường hợp cơ quan nhà nước nào đó muốn xử lý người dân thì họ chỉ việc đẩy qua khía cạnh có sự xúc phạm, lập tức người phát biểu trở thành người vi phạm.”
Vì thế, Luật sư Mạnh cũng đưa ra đề xuất để điều luật được hoàn chỉnh và cân bằng hơn cho hai phía chính quyền và người dân:
“Để bảo đảm quyền được phát biểu của người dân đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, kể cả vấn đề phản biện để xây dựng đất nước thì nên bỏ luật An ninh mạng và những điều khoản nằm trong Bộ luật hình sự. Ví dụ như điều người dân hay bị là Điều 117 chẳng hạn, tức là khi họ phát biểu hoặc nói chuyện với nhau mà chính quyền cho rằng họ tuyên truyền, những câu nói hoặc quan điểm của họ khác ý với chính quyền thì rất dễ phạm tội 117 Bộ luật Hình sự.”
Từ năm 2013, việc người dân có được phép quay phim cảnh sát giao thông hay không đã được Bộ công an đưa ra bàn thảo nhiều lần.
Đến cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công an công bố Dự thảo lần 2 và đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Điều này khiến người dân tiếp tục phản ứng và chính vì vậy, trong dự thảo lần này Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên.
Nước sinh hoạt có mùi “lạ” người dân Hà Nội lo lắng
Nhiều khu vực dân cư tại Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt có mùi “lạ” được cho biết giống mùi nước trong hồ bơi, đã tỏ ra lo ngại về điều này.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 11/10 cho biết người dân tại một số khu vực phản ánh.
Theo tin của Vietnamplus, một số người dân sinh sống tại khu vực phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, nước sinh hoạt có mùi “lạ” xuất hiện từ ngày 10/10. Người dân cho hay khi nước chảy ra từ vòi có mùi khó chịu, giống mùi hóa chất.
Người dân tại khu vực này tỏ ra lo lắng vì tình trạng nước có mùi hôi nồng nặc, thậm chí nhiều người không dám dùng nguồn nước này để sinh hoạt hằng ngày như nấu cơm, rửa tay và thậm chí vệ sinh cá nhân…
Ngoài hai phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung thì còn một số khu vực khác như Hoàng Liệt, Định Công quận Hoàng Mai, Phương Canh quận Nam Từ Liêm… cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Hiện cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành lấy mẫu nước đem đi xét nghiệm.
Trong tháng 7/2019, hàng nghìn hộ dân ở nội và ngoại thành Hà Nội cũng phải chịu cảnh sử dụng nước sinh hoạt nhiễm bẩn khi trong nước không chỉ có màu khác lạ mà còn có cả dị vật.
Vào thời điểm đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giải thích do nguồn nước cung cấp cho người dân Hà Nội hiện nay chủ yếu là nước ngầm. Ô nhiễm nguồn nước ngầm chính là nguyên nhân khiến cho nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân không được đảm bảo và nguy cơ sử dụng nước bẩn luôn nằm trong tình trạng báo động.
Đề xuất căn hộ 25m2,
Bộ Xây dựng muốn tạo ra những khu ổ chuột mới?
Bộ xây dựng bổ sung hạng mục trong dự thảo tiêu chuẩn quốc gia VN cho phép diện tích tối thiểu căn hộ chung cư giảm từ 45m2 xuống còn 25m2 bất chấp cảnh báo và không tán thành của nhiều chuyên gia đô thị. Các chuyên gia cảnh báo nếu diện tích căn hộ chung cư 25m2 được phép xây dựng sẽ xảy ra tình trạng quá tải đô thị, hạ tầng và một khi tình trạng hậ tầng kỹ thuật, xã hội bị phá vỡ sẽ ảnh hưởng hạ tầng giao thông và liên đới đến cả việc cấp thoát nước đô thị -một vấn đề nan giải tại các khu đô thị hiện nay ở VN. Phớt lờ các cảnh báo, Bộ XD đang quyết tâm “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp thực hiện dự án này.
Trước đây một năm, Bộ xây dựng đã từng có văn bản đồng ý khi một doanh nghiệp xin ý kiến xây dựng chung cư 25m2. Tuy nhiên trước sự phản ứng mạnh mẽ từ các chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư và cả doanh nghiệp, câu chuyện về nhà chung cư 25m2 bị lắng lại và chìm xuồng. Một năm sau, Bộ xây dựng muốn “xới” lại chuyện cũ khi đưa vào dự thảo thông tin trên.
Trả lời với báo Vietnambiz.vn đăng ngày 4/10, ông Nguyễn Quốc Hiệp chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư Bất động sản toàn cầu cho rằng, trước kia căn hộ cho phép tối thiểu 45m2 bây giờ cho xuống 25m2 thì số lượng sẽ tăng lên gấp đôi, mật độ dân số sẽ tăng đáng kể và nó ảnh hưởng đến chủ trương của các đô thị đang quản lý về dân số. Ngoài ra, việc xây căn hộ 25m2 chỉ phù hợp với các khu vực nhà ở xã hội và dành cho những hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp, khu đô thị xa trung tâm…như vậy không bị gánh nặng dân số đè lên còn tại các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM thì 45m2 là hoàn toàn hợp lý.
Trao đổi với RFA hôm 11/10, kiến trúc sư Trần Thanh Vân từ Hà Nội nhận định về việc này cho rằng, việc dân số nhiều không phải vì số lượng căn hộ nhỏ tăng lên, bà giải thích:
“Cách tổ chức, công ăn việc làm đã không tạo được điều kiện, tổ chức cuộc sống nó liên quan đến kiến thức, liên quan việc bố trí công ăn việc làm, nếu không có việc làm thì người ta sẽ chui vào những khu vực chật chội. Nói đâu xa ngay tại trung tâm Hà Nội một gia đình 9 người ở cùng nhau trong một căn phòng sát mặt đường với 11m2 và căn phòng đó chính là cửa hàng, mọi người còn lại phải chui lên gác lửng nhưng vì sao họ vẫn chấp nhận bởi vì họ muốn kiếm tiền, kiếm sống nên chui vào trong khu vực trung tâm để ở. Nên căn hộ chật hẹm sẽ thu hút được nhiều người thì điều đó hoàn toàn không đúng đâu.”
Ngoài ra, bà Vân còn giải thích thêm rằng, nguyên nhân quá tải đô thị còn do người dân các tỉnh đổ về trung tâm thành phố quá nhiều.
“Tại Hà Nội có một số căn hộ chung cư cao cấp như là Vingroup hay Times City thì toàn là những người giàu tại khu vực các tỉnh thành mua cho con cái để về Hà Nội học, nhiều người con cái chỉ mới đang học phổ thông thôi cũng xin về Hà Nội học trái tuyến và sẵn sàng nộp thêm tiền trái tuyến, các con cái đều có căn hộ riêng tại những khu vực đó. Cho nên không phải vì căn hộ nhỏ là thu hút được nhiều người. Đó là sự thiếu hiểu biết của những người tổ chức bởi vì tại sao lại cho xây dựng nhà tại khu vực đông này, đáng lẻ ra cần một nơi thoáng rộng cho phép làm nhà cao tầng nên đó là cái sai của người quản lý thành phố.”
Còn theo góc nhìn của ông Trần Bang, một kỹ sư xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, nhu cầu về nhà ở căn hộ nhỏ là có thật, một khi có nhu cầu thì buộc phải đáp ứng nhưng điều quan trọng là những nhà hoạch định chính sách phải nhìn xa, phải dự kiến được mặt lợi và hại cho cộng đồng chứ đừng có thỏa mãn bừa bãi thì mọi thứ coi như chấm hết.
“Theo tôi nhu cầu 25m2 là có thật nhưng anh phải tính toán trước được rằng nếu anh có 1000m2 đất mà lại duyêt cho xây đến 900m2 đất luôn tức 90%, rồi cho lên tối đa 30 tầng, rồi chặt nhỏ ra 25m2/căn thì số lượng người tăng nhưng mà nếu vẫn diện tích 1000m2 đó mà chỉ duyệt xây khoảng 60% chẳng hạn, số tầng khống chế chỉ độ 10 tầng thì số lượng người so ra vẫn ít nên không phải không đáp ứng được nhu cầu vẫn được thôi. Chứ đừng tận dụng hết 1000m2 xây lên xong từ khu vực chỉ 500 hộ dân biến thành 5000 hộ thì lại thành quá tải và về lâu về dài nó thành cái ổ chuột mà phá đi thì lãng phí.”
Tầm nhìn xa cho đô thị hiện đại
Căn hộ được hiểu là một không gian sống và phải đầy đủ các chức năng bao gồm phòng khách, phòng bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ với chức năng đồng bộ khép kín. Do đó, toàn bộ chức năng này đồng bộ trong căn hộ 25m2 liệu có hợp lý không?
Ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hải Phát Land phát biểu với truyền thông trong nước rằng: “Căn hộ 25m2 để định cư lâu dài cũng không đúng với yêu cầu ở hiện tại, chỉ có thể phát triển cho thuê sẽ phù hợp hơn khi hướng đến đối tượng sinh viên, người mới ra trường, gia đình có thu nhập thấp ở được tối đa 2 người. Căn hộ 25m2 sẽ tăng được tính lựa chọn cho khách hàng nhưng bản chất chỉ giải quyết được nhu cầu ngắn hạn, còn về lâu dài thì ai cũng muốn ở căn hộ có diện tích rộng hơn”.
Từ ý kiến của ông Giang, một anh kiến trúc sư không muốn nêu tên từ Sài Gòn đồng tình và đưa ra nhận xét thêm :
“Bản thân mình đang sống trong một căn hộ khoảng 50m2, có hai phòng ngủ, 1 bếp, 1 phòng khách và 1 toilet thì theo mình đó là tiêu chuẩn tối thiểu mà 1 căn hộ có thể có được. Đó là căn hộ 2 phòng ngủ nhà còn nếu 1 phòng ngủ thì bạn có thể trừ đi 10m2 thì còn khoảng 40m2 nên nếu 1 phòng ngủ thì căn hộ tối thiểu 40m2 là hợp lý.”
Anh kiến trúc sư nói tiếp “Như mình thấy nó sai từ lúc ban đầu tức là kiến trúc nó phải đi từ quy hoạch đô thị đi đến tổng mặt bằng, rồi đến không gian kiến trúc và mới đi tới nội thất. Còn đây ngay từ đầu mình đã nhảy vào không gian nhỏ xíu như vậy rồi, kiểu như sự lựa chọn sai lầm từ đầu. Đương nhiên người dân thì không có nhiều lựa chọn vì cuộc sống, vì kinh tế thì bắt buộc họ phải tới một nơi như vậy để sinh sống. Tại sao ngay từ đầu không làm một điều gì đó đủ tiêu chuẩn cho người dân để sau ngày người ta không cần giải quyết vấn đề nội thất.”
Một bạn nữ sống tại Sài Gòn nói với chúng tôi rằng, đối với cá nhân chị thì diên tích 25m2 là hợp lý nhưng nó chỉ dành cho người độc thân. Tuy nhiên chị lo ngại: “Em chỉ lo ngại rằng là những căn hộ 25m2 đó mà không quy định số lượng người ở trong cùng một căn, nếu để quá nhiều người trong cùng một căn thì cái khu vực chung, khu vực sinh hoạt công cộng thì nó không đủ.
Theo ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia xây dựng và người dân thì hầu như mọi người đều cho rằng, nhu cầu về căn hộ nhỏ giá rẻ cũng thật sự cần nhưng nếu các nhà quản lý hạ tầng cũng như cơ quan chính quyền không quy hoạch, tính toán từ đầu thì tình trạng quá tải tại các khu đô thị sẽ chắc chắn xảy ra, chưa kể hàng loạt hệ lụy đi kèm…
Như Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội nói vấn đề nhà chung cư diện tích tối thiểu nên có tầm nhìn 50 năm chứ không thể thiển cận được…