Tin Việt Nam -10/10/2019
Quan chức bị kỷ luật, lại được làm “quan”!
Bị kỷ luật – vẫn giữ được… chức
Vụ việc được xem là nghiêm trọng nhất là tại hội nghị Trung ương 9 khóa XII vào ngày 26/12/2018 Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư TPHCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Cang bị kết luận là đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thẩm quyền, quy trình xử lý công việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố HCM liên quan những sai phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thế nhưng ngay sau khi bị kiểm điểm không lâu, ông Tất Thành Cang được đề bạt làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TPHCM” và vẫn giữ nguyên chức danh thành ủy viên, đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố diễn ra hôm 8/10, các cử tri đặc vấn đề về việc vì sao ông Cang dù bị Trung ương kỷ luật nhưng vẫn “giữ ghế” thành ủy viên và là đại biểu hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy trả lời do trung ương chỉ cách các chức vụ mà Trung ương quản lý chứ không chỉ đạo cách chức Thành ủy viên hay tư cách HĐND TP.HCM, vì vậy xem xét chức vụ này là do Đảng bộ TP.HCM thực hiện.
Nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn nhận định cho rằng, trường hợp của ông Cang không chỉ riêng là Thủ Thiêm mà còn rất nhiều vụ khác nữa và đúng ra ông Cang đã bị bắt, truy tố, ra tòa và đi tù từ lâu rồi nhưng vì sự bao che, chống lưng, chạy chọt rất lớn phía sau trong thành ủy thành phố HCM.
“Gần đây nhất người ta cũng nghi ông Nguyễn Thiện Nhân bí thư thành ủy thành phố HCM trắng trợn bao che cho ông Cang. Vấn đề thứ hai người ta nghi rằng phía sau ông Cang phải có ô rất lớn vì mặc dù bị cắt chức Ủy viên Trung ương nhưng vẫn giữ chức vụ thành ủy viên, vẫn có chân trong hội đồng nhân dân. Như vậy cái “ô” đó là ai, người ta suy ra quê quán ông Cang ra thì dư luận cho rằng ông Cang thuộc quân khu Long An, “quân khu” có nghĩa là tính đồng hương đồng đội rất cao và ông Trương Tấn Sang cựu Chủ tịch nước cũng là quê Long An nên dư luận nghi rằng chỉ có những nhân vật có cỡ như ông Sang và hiện giờ vẫn còn những hoạt động xã hội trong chiến trường mới có thể bao che cho Tất Thành Cang được.”
Ngoài ra, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết, việc cán bộ đã bị trung ương kỷ luật cách mọi chức vụ nhưng vẫn còn giữ chức vụ khác thì nó đã vi phạm quy định 205 mà Tổng Bí thư Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới ký về việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền.
Chia sẻ với RFA về vấn đề này, Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang phân tích, về mặt nguyên tắc Đảng bộ thành phố không sai nhưng vì những sai phạm nghiêm trọng của ông Cang nên dư luận xã hội cảm thấy không phục. Ông giải thích thêm:
“Trung ương chỉ quản lý chỗ là Ủy viên Trung ương Đảng của ổng thôi thì đã xử lý rồi đó là chức lớn nhất của ổng. Còn những chức vụ khác trong Đảng thấp hơn như thành ủy viên TPHCM thì phải do Đảng bộ thành phố kỷ luật mà nếu chưa kỷ luật thì ông vẫn nắm giữ vị trí đó, không có gì sai về mặt nguyên tắc nhưng rõ ràng nó chướng. Đúng ra là phải cách chức vụ trong Đảng, mọi thứ luôn mới đúng. Có những trường hợp nếu Trung ương ra 1 cái kỷ luật là cách hết mọi chức vụ trong Đảng hoặc khai trừ Đảng chẳng hạn thì thành phố không cần phải làm nữa nên tùy vào kiểu Trung Ương làm như thế nào.”
Ngoài ra, nhà báo Võ Văn Tạo còn cho hay đối với trường hợp của ông Cang thì dùng từ “phe phái” có phần nào đúng vì những quan điểm của Trung ương nhận xét đánh giá kỷ luật cán bộ thành phố HCM mà đa phần thành ủy thành phố đều không tán thành, những thành phần cán bộ chủ chốt của thành phố đều không hài lòng nên thường họ sẽ tìm cách trì hoãn việc xem xét.
Quy trình quy hoạch cán bộ có vấn đề?
Một vụ việc khác liên quan đến xử lý cán bộ sai phạm có thể kể đến là trường hợp ông Lương Duy Hanh.
Sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do công ty gang thép Formosa gây ra hồi tháng 4/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cách chức Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường và tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh- chuyên viên Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) lúc bấy giờ do liên quan vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, mới đây ông Hanh vừa được quy hoạch vào vị trí Vụ trưởng của hai vụ thuộc Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TNMT. Ít có trường hợp quan chức bị kỷ luật lại được quy hoạch làm quan ngay trong lĩnh vực mình vi phạm như trường hợp ông Hanh. Trước đây thường nếu cán bộ bị kỷ luật thường sẽ bị điều chuyển công tác sang bộ phận khác để tránh điều tiếng. Như trường hợp ông Nguyễn Huy Dũng, bí thư huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) sau khi bị kỷ luật khiển trách, ông được điều chuyển về giữ chức Phó giám đốc sở Xây dựng tỉnh…
Trở lại việc quy hoạch ông Hanh, ông Phạm Tân Tuyến vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ thuộc Bộ TNMT giải thích việc quy hoạch như thế để cán bộ có động lực phấn đấu trong thời gian tới (!?)
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS nhận định “Họ giải thích kiểu gì cũng được mà cách giải thích như ông ấy nghe cũng có vẻ hợp lý nhưng thật sự không biết như thế nào nên biểu người dân tin thì thật sự hơi khó.”
Còn Nhà báo Phạm Chí Dũng thì nói: “Đó cũng chỉ là lời ngụy biện mà thôi vì một cán bộ bị kỷ luật mà chưa bị xử lý tới nơi tới chốn và đặc biệt trong vụ Formosa thì việc phấn đấu chỉ là chui sâu và leo cao, ăn càng nhiều càng tốt chứ ngoài ra không có động lực nào khác. Đó là thực trạng rất phổ biến trong công tác cán bộ trong nền chính trị tại VN, nguồn gốc lớn nhất là do cơ chế độc đảng, độc tài mới sinh ra những vấn đề như vậy.”
Ngoài ra, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết thêm, vụ việc Formosa là sự bất công ghê gớm của toàn xã hội cũng như nền chính trị độc tài của Việt Nam và đúng ra ông Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phải bị cách chức chứ không chỉ riêng gì ông Hanh nhưng tới nay vẫn ung dung tự tại, do đó đây là sự bao che thôi.
“Nếu việc ông Hanh được trót lọt đó là một thách thức ghê gớm của Bộ TNMT đối với dư luận xã hội và đồng thời thách thức luôn quy định 205 về kiểm soát quyền lực chống chạy chức chạy quyền của Nguyễn Phú Trọng đã ký. Nếu ông Trọng không giải quyết vấn đề Trần Hồng Hà và Lương Duy Hanh thì quy định 205 không còn ý nghĩa gì nữa và chiến dịch chống tham nhũng chỉ mang tính chất mị dân và “đầu voi đuôi chuột”.”
Đồng tình với ý kiến của nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Võ Văn Tạo còn cho rằng về nguyên tắc thì việc cách chức cán bộ sẽ có thời gian nhất định để xem xét nhưng đối với trường hợp của ông Hanh vi phạm vụ việc lớn mà vẫn được quy hoạch vào chức vụ trưởng Bộ TNMT như thế chắn chắn là không điều bất hợp lý.
“…Trước trường hợp của ông Hanh cũng đã có nhiều trường hợp tương tự như thế, cứ nghĩ để qua lâu rồi không ai để ý nữa rồi lén lén đưa vào chức này vụ kia và thậm chí còn tệ hơn nữa như bi kỷ luật ở cấp dưới nhưng được đưa lên thẳng Trung ương làm ngon lành hơn nữa. Nên độ khoảng 3-4 năm trở lại đây có một quy định là nếu vi phạm kỷ luật ở địa phương không được đưa lên trung ương để đề bạc và bố trí cán bộ nữa, chứ trước đó là loạn xà ngầu hết.”
Theo các nhà báo và giới quan sát tình hình chính trị tại Việt Nam chúng tôi trò chuyện đều có chung nhận định rằng, quy trình xử lý kỷ luật, quy hoạch cán bộ trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam rất tùy tiện, không minh bạch. Gần như việc đó tùy thuộc vào sự bảo trợ của ai và thế lực nào đứng sau mà thôi. Chính điều đó khiến người dân càng ngày càng mất lòng tin vào chính quyền, nhà nước.
“Đây là tội rất lớn, bởi vì các cơ quan công quyền phải được người dân tin cậy thì lúc đó chính quyền mới hoạt động được hiệu quả, để mất đi lòng tin của người dân là mất đi tài sản rất lớn của quốc gia trong sự phát triển của đất nước.” tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.
Đà Nẵng phát hiện 10 người Trung Cộng
nhập cảnh bất hợp pháp, tổ chức đánh bạc
Tin từ Đà Nẵng, ngày 10/10/2019: Công an Đà Nẵng đã bắt giữ 10 người nhập cảnh bất hợp pháp từ Trung Cộng và thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam như tổ chức đánh bạc trên mạng và kinh doanh trực tuyến trái phép.
Báo Thanh Niên đưa tin, công an quận Hải Châu đã đột kích số nhà 105 Nguyễn Lộ Trạch, phường Hoà Cường Nam và bắt được nhóm người từ 27 đến 31 tuổi. Họ khai đã vào Việt Nam bằng đường bộ từ biên giới phía Bắc trong thời gian từ tháng 9 đến nay. Vẫn chưa rõ Đà Nẵng có xét xử những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam này hay lại tìm cách trục xuất ngay chúng về bên kia biên giới.
Tháng 6, Đà Nẵng phá ổ tội phạm tương tự của 35 người Trung Cộng nhưng không thấy xét xử. Công an Việt Nam cũng bắt giữ 28 người Trung Hoa vì hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Quảng Ninh vào cuối tháng 8 và gần 400 tên tội phạm đánh bạc người Trung Hoa ở Hải Phòng vào tháng 7. Trong cả hai trường hợp này, phía Việt Nam trục xuất chúng mà không xét xử.
Việc trục xuất tội phạm người Trung Cộng không qua xét xử về những hành vi trái pháp luật Việt nam có thể là thực hiện hoá hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Trung Cộng, ký năm 2015. Gần đây, Trung Cộng đã phê chuẩn hiệp định này nhưng không thấy Việt Nam công bố. Tuy nhiên, việc trục xuất này bị giới bất đồng chính kiến cho là vi phạm luật pháp và làm suy yếu chủ quyền quốc gia.
Hoạt động tội phạm của người Trung Cộng có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Tháng 9, công an Việt Nam phát hiện một đường dây sản xuất số lượng hàng tấn thuốc ma tuý tổng hợp của nhóm tội phạm người Trung Cộng ở một số tỉnh ở miền Trung và Cao nguyên Trung Phần.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/da-nang-phat-hien-10-nguoi-trung-cong-nhap-canh-bat-hop-phap-to-chuc-danh-bac/
Bộ An ninh Nội địa Mỹ giúp phá đường dây lừa đảo
có cựu cán bộ công an ở Việt Nam
Bốn người Việt, trong đó có một cựu cán bộ công an, vừa bị kết án hàng chục năm tù trong vụ án lừa đảo qua mạng do Bộ An ninh Nội địa Mỹ bắt đầu điều tra cách đây bảy năm.
Theo thông tin từ văn phòng Điều tra của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (HSI) gửi cho VOA hôm 9/10, một tòa án nhân dân ở Hà Nội đã kết án tổng cộng 60 năm tù đối với 4 đối tượng vi phạm luật Việt Nam liên quan đến lừa đảo tài chính, tham nhũng công và rửa tiền.
Trong số 4 người bị kết án có Trần Xuân Hưởng, mà theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, là một quan chức thực thi pháp luật của Bộ Công an.
Đưa tin về vụ việc này, báo Pháp luật Việt Nam cho biết Tòa án Nhân dân TP Hà Nội hôm 23/9 tuyên phạt Trần Xuân Hưởng, 35 tuổi, nguyên cán bộ Công an thành phố Hà Nội, 17 năm tù về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.”
Hai người khác cùng tham gia nhóm này là Lê Thành Tiến Sĩ, 31 tuổi, ngụ tại Cần Thơ, và Mai Quang Thanh, 36 tuổi , ngụ tại TP Hồ Chí Minh, một người bị tuyên án 15 năm tù. Người còn lại, Nguyễn Hồng Thanh, 31 tuổi, ngụ tại Quảng Ngãi, nhận bản án 13 năm tù cùng về tội danh trên.
Mỹ phá đường dây kết hôn giả lấy thẻ xanh do người Việt cầm đầu
Vào tháng 7/2012, Bộ An ninh Nội địa Mỹ mở cuộc điều tra về nhóm tội phạm sống ở Việt Nam sử dụng thẻ “Gift card” của trang web mua bán hàng trực tuyến Amazon.com có nguồn gốc bất hợp pháp để thu lợi bất chính.
Điều tra của Bộ an ninh Nội địa Mỹ cho thấy thất thoát của các nhà bán lẻ Mỹ do nhóm tội phạm này gây ra lên đến hơn 100.000 USD. Vụ lừa đảo này đã gây thiệt hại cho khoảng 15 nhà bán lẻ ở Mỹ và 65 thể chế tài chính ở 9 quốc gia.
Cơ quan điều tra của Bộ an ninh Nội địa Mỹ ở TP HCM đã cung cấp tất cả các thông tin về 4 đối tượng trên cho bộ cho Bộ Công an Việt Nam. Trong hơn 4 năm sau đó, HSI đã phối hợp và cung cấp cho Bộ Công an Việt Nam các bằng chứng tài liệu bao gồm các nội dung tài khoản email, hồ sơ tài chính và các thông tin hỗ trợ khác.
Theo thông tin từ tài liệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an Việt Nam được báo Pháp luật đăng tải, vào năm 2012 Cảnh sát ở bang Kansas của Mỹ điều tra đối tượng tên Colin Lee Custard trú tại Hoa Kỳ có hành vi mua thẻ của người tên “Huong” ở Việt Nam. Bộ An ninh Nội địa Mỹ đề nghị Bộ Công an Việt Nam điều tra làm rõ hành vi của người tên “Huong” và các đối tượng liên quan ở Việt Nam.
Theo kết quả điều tra, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Trần Xuân Hưởng, có tên “Huong” cùng 3 người kể trên có hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, ông Hưởng tham gia một số diễn đàn trên mạng internet và dùng nhiều hộp thư điện tử để thu mua thẻ “Gift card” sau đó bán cho các đối tượng ở nước ngoài để kiếm lời.
Theo báo Pháp Luật, cơ quan chức năng xác định rằng ông Hưởng mua bán 5.539 thẻ với giá trị hơn 355.671 USD.
Mai Quang Thanh là người giúp ông Hưởng bán thẻ và hưởng 8-21% giá trị thực của thẻ còn ông Hưởng thu lợi từ 5-10% lợi nhuận. Ông Thanh lưu trữ gần 1.900 mã thẻ có tổng giá trị hơn 117.000 USD.
Do không xác định được cụ thể số lượng, giá trị của thẻ “Gift card” và hàng hóa nên cơ quan điều tra xác định số tiền chiếm đoạt và hưởng lợi của ông Hưởng và đồng phạm dựa trên cơ sở số tiền họ nhận được khi bán hoặc chia lợi nhuận theo % giá trị thực của thẻ “Gift card”, theo báo Pháp Luật. Trong đó, ông Hưởng đút túi 1,2 tỷ đồng, Mai Quang Thanh là 119 triệu đồng, Nguyễn Hồng Thanh là 179 triệu đồng, và ông Sĩ là 1,3 tỷ đồng.
Hồi tháng 5 vừa qua, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vừa phá vỡ một đường dây lớn làm kết hôn giả ở Houston, Texas, do người gốc Việt cầm đầu để giúp người Việt Nam có được thẻ xanh một cách bất hợp pháp.https://www.voatiengviet.com/a/bo-an-ninh-noi-dia-my-giup-pha-duong-day-lua-dao-co-cuu-can-bo-cong-an-o-viet-nam/5118476.html
Bộ trưởng quốc phòng CSVN không biết đọc bản đồ
Tin Vietnam.- Ngày 8 tháng 10 năm 2019, Facebook mang tên Hoang Tung Thien đã loan tải đoạn video clip có nội dung về đoạn nói chuyện của Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cộng sản Việt Nam trong buổi toạ đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế diễn ra tại Hà Nội, ngày 6 tháng 10 vừa qua.
Tại đây, ông Lương yêu cầu đại diện bộ Ngoại Giao đang có mặt trong buổi toạ đàm phải trả lời câu hỏi của ông rằng: Có chiến đấu đến cùng để giữ được Bãi Tư Chính hay không? Vì Việt Nam chỉ còn 50% đặc quyền trên biển, nếu giữ được Bãi Tư Chính là sẽ giữ được tất cả các đảo còn lại, mất Bãi Tư Chính là sẽ mất hết. Ông Lương khẳng định, nếu như để xảy ra chiến tranh ở Việt Nam thì lỗi lớn nhất là của bộ Ngoại Giao, Ban đối ngoại trung ương, rồi đến Đối ngoại quốc phòng.
Qua đây, ông Lương đã tiết lộ một số “bí mật” như: ở sự kiện Bãi Tư Chính đã và đang diễn ra trên Biển Đông; phía bộ ngoại giao đã có bản báo cáo rằng người dân Việt Nam đã nhận thức quá tốt, nên họ để cho “đảng và nhà nước lo”. Ông Lương cho rằng, bộ ngoại giao phải đánh giá lại cho khách quan.
Bộ ngoại giao cũng đã khẳng định sẽ không kiện Trung Cộng ra toà án quốc tế, nhưng lại vẫn nói là đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, và có thể kiện.
Ông Lương còn cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử quân đội cộng sản Việt Nam có một Bộ trưởng không đọc được bản đồ đó là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng đang còn tại vị. Còn Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm tổng cục Chính trị thì không biết cầm súng.
Ông Lương nói thêm, hiện tại trong quân đội cộng sản Việt Nam, từ lớp các đại tướng trở xuống có được một mặt “mạnh” ở các tướng lĩnh là đều có rất nhiều tiền. Bản thân ông Lương rất ngạc nhiên khi đến thăm nhà trợ lý cũ của mình, thấy nhà rất to, trong khi ông chỉ có một căn hộ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bo-truong-quoc-phong-csvn-khong-biet-doc-ban-do/
Việt Nam: Đi tu mà giàu và chùa giống công ty
Hoàng TrúcGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
Một đại đức ở tỉnh Vĩnh Phúc, sư Thích Thanh Toàn, sau khi được Giáo hội Phật giáo chấp thuận cho xả giới hoàn tục vì bị cáo buộc ‘gạ tình’, đã công khai với báo chí ông có khối tài sản khoảng 200 đến 300 tỷ đồng bao gồm tiền, vàng, xe, nhà đất, trang trại…
Chùa ở Tam Đảo đình chỉ sư bị tố ‘gạ tình’
Vụ thỉnh vong chùa Ba Vàng: dư luận dậy sóng
Làm thế nào chấn hưng Phật giáo Việt Nam?
Người này còn vui mừng bày tỏ ông sẽ lập gia đình và ăn chơi xả láng.
Từ trường hợp này và nhìn rộng ra những người tham gia mạng xã hội ngao ngán và khó hiểu, hoài nghi về con đường tu tập của nhiều tu sĩ hiện nay.
Nhà sư nêu trên vào chùa tu từ bé, gia tài chỉ có bình bát, ba bộ áo cà sa nhưng hơn 10 năm sau, vì vi phạm mà phải xin hoàn tục và có khối tài sản khổng lồ, nếu coi đây là start-up thì dó là trường hợp thành công nhất, tay trắng đi tu làm nên tất cả.
Vậy những gì diễn ra trong chùa làm cho những tu sĩ giàu lên nhanh chóng như vậy?
Nhà chùa phát triển trùng điệp
Chưa có bao giớ Phật giáo VN hưng thịnh như hiện nay nếu nói về sự phát triển nóng của hệ thống thờ tự.
Có gần 15.000 ngôi chùa đã được trùng tu, xây dựng mới thật bề thế, xứng tầm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt.
Việc đầu tư vào du lịch gắn với các cơ sở thờ tự cũng được đẩy mạnh, thể hiện qua sự ra đời, phát triển nhanh của các điểm du lịch tâm linh ở khắp Việt Nam.
Nhiều dự án du lịch tâm linh rộng đến cả ngàn héc-ta, trong khi đó mỗi khu vực lại xuất hiện một công trình tôn giáo mới với đủ các loại kỷ lục do doanh nghiệp xây dựng.
Công trình rất nổi tiếng hiện nay là dự án tâm linh Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình) với hàng loạt các kỷ lục.
Ngôi chùa mới xây dựng được cho là lớn nhất thế giới bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam).
Theo thông tin công bố doanh nghiệp đã rót 11.000 tỷ đồng, mục tiêu là xây dựng ngôi chùa lớn nhất thế giới bên trong một khu du lịch rộng 5.100 héc-ta.
Tại Hải Phòng, dự án làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp gồm cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino… và tượng Phật cao 150m.
Ở Thái Nguyên sẽ có bảo tháp lớn nhất thế giớ, chứa được tới 10 ngàn người ở Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940 héc-ta (gồm diện tích hồ là 2.500 héc-ta).
Gần đây nhất, Hà Nội có đề xuất xin 1.000 héc-ta đất để đầu tư 15.000 tỷ đồng làm khu du lịch tại chùa Hương.
Tuy nhiên không phải chùa nhiều là Phật pháp phát triển, tam bảo dường như lung lay trước những bê bối của giới tu sĩ do chính báo chí phát hiện như vụ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh hay thỉnh vong ở chùa Ba Vàng.
Phật tử đến chùa cũng chụp giật, chụp ảnh post lên mạng xã hội, nhét tiền vào tượng Phật rồi vội vả lên xe tiến đến một ngôi chùa khác.
Thông thường, một chuyến đi chùa theo tour dạng bình dân , khách hành hương sẽ đi 10 kiểng chùa trong một ngày, quá nhanh, Phật cũng không chạy theo kịp.
Người viếng chùa bây giờ cũng khác xưa, thay vì cầu mong được giải thoát thì đa số chuyển sang cầu an.
Người nhà đau yếu cũng đi chùa xin cái lễ, công việc làm ăn thất bại cũng lên chùa xin lễ, bán nhà không dược cũng lên chùa xin cái phép bán nhà…
Hàng chục triệu người cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, bất ổn với công việc làm ăn và những đối mặt khắc nghiệt khác của cuộc sống quá nhanh quá nguy hiểm đã tìm đến chùa để…cầu an chứ không phải tìm con đường đi giải thoát mang tính triết học như Phật giáo thuở ban đầu.
Phật giáo VN bảo thủ hay cởi mở?
Từ không gian siêu thoát thành không gian giao dịch
Sự hồi sinh và thịnh vượng của Phật giáo VN có nguồn gốc từ sự đổi mới cho phù hợp với chúng sinh, nhà chùa cung cấp cái chúng sinh cần, hình thành một thị trường tâm linh, cung cấp dịch vụ an ninh tinh thần.
Các loại lễ cúng sao, giải hạn, cầu an, tụng niệm tang lễ, cầu siêu,đưa vong lên chùa, bán khoán, …có nguồn gốc từ các đạo giáo bản địa, tín ngưỡng thờ cúng gia tiên đã được nhà chùa mềm hóa và được chúng sinh thành tâm hưởng ứng hình thành một thị trường nhộn nhịp và nhà chùa có thu , giàu lên rất nhanh.
Những dịch vụ này là sự phát triển từ triết lý của Phật giáo dân gian bản địa, trên cơ sở từ bi hỉ xả, cứu khổ cứu nạn bằng mọi cách giúp chúng sinh xoa dịu nỗi đau, sống lành mạnh, vị nhân sinh…Phật phải có thần thông để cứu giúp chúng sinh ngay từ những yêu cầu cụ thể của Phật tử…Sự cải cách này đã được Phật tử ủng hộ và họ cũng sẵn sàng mở hầu bao cho nhà chùa.
Nhà chùa trở thành sàn giao dịch tâm linh và trụ trì trong phần đời thực nào đó đóng vai trò như chủ một doanh nghiệp.
Việc xã hội hóa lành mạnh trên cơ sở triết học cứu khổ cứu nạn, Phật giáo phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc của người dân được cả giáo hội Phật giáo và chính quyền ủng hộ nên sự phát triển gần như bùng nổ của các cơ sở thờ tự là có thật.
Nhưng sư trụ trì chưa bao giờ được đào tạo làm giám đốc hay CEO cho nên những bê bối trong hàng ngũ tu sĩ chung quanh chuyện tiền bạc, sắc giới là điều không thể tránh khỏi.
Nếu Phật giáo là chỗ dựa tinh thần của hàng triệu người Việt thì khi bản thân Phật giáo lúng túng với chính nền tảng phát triển của mình thì Phật tử biết tính sao đây?
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại TPHCM.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49991277
“Nghề tu”: Trụ trì hơn 10 năm
có tài sản hàng trăm tỷ đồng
Diễm Thi, RFA
Đại đức Thích Thanh Toàn hoàn tục và xin giữ lại tài sản hơn 300 tỉ đồng đang gây “khó” cho địa phương và cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dư luận đặt vấn đề 300 tỉ trong hơn 10 năm làm trụ trì của sư Toàn từ đâu ra?
Mập mờ tiền chung – riêng
Sau tai tiếng “gạ tình” phóng viên báo Phụ Nữ, Đại đức Thích Thanh Toàn trụ trì chùa Nga Hoàng xin hoàn tục. Tại cuộc họp chiều 5 tháng 10, ông Thích Thanh Toàn gửi tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục nhưng xin giữ lại tài sản. Ông nói:
“…Nhưng bây giờ, con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai và chuyển như thế nào? Thế thôi! Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ.
Còn chùa 800m2 đấy thì con vui vẻ, các ngài sao cũng được, nhưng bây giờ cái tài sản của con là con nguyện, con mua, con không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 2-300 tỷ đấy, con xin các ngài!…”
Ngày 11 tháng 5 năm 2008, Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ nhiệm Đại đức Thích Thanh Toàn về trụ trì tại chùa Nga Hoàng (Quan Âm thiền tự), xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo theo Quyết định số 89/QĐ/BTS ngày 17/4/2008.
Như vậy chỉ trong hơn 10 năm trụ trì, Đại đức Thích Thanh Toàn đã có khối tài sản lên đến 300 tỷ, một con số khiến dư luận bàn tán…
Một vị sư từng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không muốn nêu tên nói với RFA sáng 9 tháng 10 rằng:
“Chủ sở hữu đứng tên sổ đỏ như tài sản cá nhân nhưng vẫn phải có một tờ giấy khác kèm theo xác nhận đó là tài sản của giáo hội theo đúng hiến chương của giáo hội.”
Theo chính quyền địa phương nơi vị sư này trụ trì, từ khi về chùa Nga Hoàng năm 2008, nhà sư Thích Thanh Toàn đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân địa phương ở xã Hợp Châu không thông qua chính quyền địa phương, với tổng diện tích giao dịch không phép lên tới 6000 m2. Số đất này là do sư Toàn bỏ tiền ra mua, chuyển nhượng, nhưng chưa thể sang tên được và sư Toàn nói là của riêng mình, không liên quan đến chùa Nga Hoàng.
Hiện chưa có quyết định chính thức của chính quyền và giáo hội về khối tài sản mà sư Toàn nhận là của mình. Thầy Thích Tâm Vượng, Phó trưởng ban Trị sự Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc, xác nhận với RFA tối 9 tháng 10:
“Cho đến giờ này chưa có cơ quan nào xác nhận về những tài sản đó. Riêng tiền cúng dường thì thuộc về chùa. Nếu chứng minh tài sản đó không tranh chấp, không kiện tụng thì đương nhiên sẽ được sở hữu.”
Với số tài sản trị giá lên đến 300 tỷ đồng thì có lẽ không ai tin đó là tiền “cúng dường” của bá tánh. Vì theo sự giải thích của thầy Thích Tâm Vượng, thì:
“Tiền cúng dường thì nó thuộc về chùa vì tiền cúng để xây chùa, để tạc tượng, để đúc chuông chứ đâu phải cúng cho cá nhân. Tiền này do các vị trụ trì ở chùa quản lý.”
Một vị thầy khác cho hay cách hành xử tiền cúng dường tùy thuộc vào từng chùa, từng tu viện và thiền viện chứ không giống nhau, không theo một khuôn khổ nhất định nào hết. Con số cụ thể do Ban trị sự và vị trụ trì quản lý.
“Bá tánh cùng dường là cúng cho cơ sở tôn giáo chứ không phải cho cá nhân. Nếu vị trụ trì không đàng hoàng thì giáo hội sẽ lấy tài sản đó làm của tam bảo và cử người thầy khác vô thay thế.”
“Chi tiêu thì cũng thông báo với đại chúng. Ví dụ tiền cúng dường được bao nhiêu, chi tiêu cho tiền ăn trong chùa bao nhiêu, có những dự án xây dựng gì…”
Vị thầy này nói thêm rằng, Giáo hội chỉ quản lý cơ sở, còn vấn đề chi tiêu, xây dựng trong chùa là do từng chùa tự vận dụng sao cho có lợi nhất cho sự tu tập mà thôi.
Cũng trong ngày 9 tháng 10, trả lời trên báo Thanh Niên, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng hội thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN rằng theo luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa, tất cả những gì họ đang sử dụng thì những tài sản đó đều thuộc về tăng (nghĩa là Tăng đoạn, Giáo hội). Thậm chí khi vị tỳ kheo đó mất đi ngay cả cái được coi là tài sản trên mình là tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định.
Lợi dụng tôn giáo để trục lợi?
Ở Việt Nam những năm gần đây có những ngôi chùa rất đẹp với mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng như Chùa Tam Chúc (Hà Nam) có diện tích lên tới 5.000 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.
Chùa Bái Đính là một quần thể Phật Giáo rộng khoảng 540 ha. Du khách lần đầu đến sẽ choáng ngợp trước sự hùng vĩ, rộng lớn và vẻ đẹp nơi đây.
Chùa Ba Vàng có tên gọi từ xa xưa là Bảo Quang Tự, nghĩa là “ánh sáng quý”, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì, chùa được xây dựng lại và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam với diện tích 4.500 mét vuông.
Báo mạng Giáo Dục Việt Nam hôm 7 tháng 3 trích lời Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn – chuyên gia nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) rằng:
“Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam và không gian văn hóa của người Việt thì từ xưa đến nay không có hệ thống chùa quá to. Một ngôi chùa có thể được gọi là to như chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích hoặc chùa Keo thì vẫn nằm trong không gian làng xã chứ không hề mang tính du lịch, thương mại…”
Với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cũng thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì vấn đề văn hóa tâm linh đã bị các nhóm lợi ích thương mại hóa, trở thành một lĩnh vực kinh doanh với lợi nhuận khổng lồ. Ông nói:
“Cách đây 10-15 năm, một số người giàu có kết hợp với các quan chức coi việc trùng tu hoặc nâng cấp mở ra các chùa chiền. Đấy là cách làm ăn của họ có thể thấy ở tất cả các nơi, mà thực chất đằng sau nó là việc kinh doanh. Họ chỉ mượn các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng để kinh doanh, đây là mối lợi béo bở giữa các thế lực chức sắc tôn giáo, các doanh nghiệp giàu có và các quan chức từ trung ương đến địa phương. Ba thế lực chân vạc này nó tạo nên những cái khu du lịch Bái Đính ở Ninh Bình và Đại Nam lạc cảnh ở Bình Dương.”
Với những tai tiếng xảy ra liên tục những năm gần đây liên quan đến việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi như gần đây nhất là vụ “giải vong” ở chùa Ba Vàng, vụ Đại Đức Thích Thanh Toàn “gạ tình” phóng viên, dư luận cho rằng cần phải có sự cải tổ từ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Đại Đức Thích Tâm Vượng chia sẻ với RFA về việc này hôm 9/10:
“Cái đấy thì thầy cũng không dám có ý kiến vì phải do Trung ương giáo hội. Thầy chỉ phụ trách cấp cơ sở nên phải tuân thủ chỉ đạo từ trên xuống dưới. Giáo hội muốn hoạt động được thì phải do Ban tôn giáo chính phủ, Bộ nội vụ, nên các thầy phải tuân thủ từ trên xuống dưới.”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận định, cho đến bây giờ thì càng ngày lòng tin của con người trong cuộc sống hiện tại càng mất đi. Chưa bao giờ các vấn đề về băng hoại giá trị truyền thống rạn nứt như bây giờ, cho nên người dân không tìm được sự an ủi, niềm tin nơi trần thế thì họ phải tìm kiếm trong tôn giáo.
Chính những người trong những ngôi chùa như vậy kết hợp với những quan chức cấp tỉnh và kết hợp với những đại gia lợi dụng sự yếu đuối, sự, mê lầm đó của dân chúng để họ trục lợi. Họ quyết liệt phải trục lợi bằng được. Ông cho rằng đây đã đến hồi mạt pháp của Phật giáo Việt Nam và khó có thể chấn hưng lại.
Thêm đơn kiến nghị Chủ tịch nước
giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến
Truyền thông trong nước hôm 10/10 cho biết vừa có một đơn kiến nghị xin giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến được đại biểu quốc hội gửi tới Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tử tù Đặng Văn Hiến (47 tuổi) là người đã nổ súng bắn vào nhân viên của công ty Long Sơn khi công ty này đến cưỡng chiếm đất đai, nhà cửa của ông hồi tháng 10 năm 2016 ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, khiến 3 người chết và 13 người bị thương.
Tòa sơ thẩm tỉnh Đắk Nông hôm 3/1/2018 đã tuyên án tử hình ông Đặng Văn Hiến.
Tuy nhiên bản án đã gây bức xúc trong dư luận, nhiều luật sư đã tham gia đề nghị giảm án cho ông Đặng Văn Hiến.
Mặc dù vậy, phiên tòa phúc thẩm ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 12/7 đã bác đơn kháng cáo.
Truyền thông trong nước trích lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban thường vụ Quốc hội) cho biết ông đã có phiểu chuyển đơn gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc xin giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến, theo đơn của Công ty Luật Công chính gửi đến ông.
Nội dung đơn của các luật sư gửi đại biểu quốc hội xin Chủ tịch nước đánh giá lại bản chất hành vi của Đặng Văn Hiến, xin giảm án tử hình vì Đặng Văn Hiến là một nông dân cần cù, chưa có tiền án, tiền sự, động cơ giết người xuất phát từ bức do chính nạn nhân với số đông áp đảo gây ra tại khu đất nhà bị cáo,
việc cưỡng chế đất là vi phạm pháp luật và mặc dù bị cáo đã cảnh cáo nhưng nhóm người công ty Long Sơn vẫn tiến hành cưỡng chế.
Trước đó, vào ngày 17/7/2018, văn phòng Chủ tịch nước cũng đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch Trần Đại Quang yêu cầu chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sta Nhân dân Tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án và báo cáo Chủ tịch nước.
Một luật sư đề xuất lập Liên đoàn Luật sư độc lập
trong Ngày Luật sư
Ben Ngo
Nhân ngày Luật sư Việt Nam 10/10, các báo nhà nước ca ngợi giới luật sư và rằng đa số các luật sư “có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của đảng”. Tuy vậy, một luật sư ở TP.Hồ Chí Minh nói với Đài Á Châu Tự Do về mong muốn hình thành “Liên đoàn Luật sư độc lập”.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, được truyền thông dẫn lời tại buổi lễ mừng ngày Luật sư Việt Nam: “Đa số các luật sư có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của đảng, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; giữ vững và phát huy những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp luật sư.”
Hôm 10/10, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với RFA:
“Chỉ khi Việt Nam có Liên đoàn Luật sư độc lập thì vai trò của luật sư mới có thể đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Hiện nay, người đứng đầu đoàn, liên đoàn luật sư phải là đảng viên nên có cảm giác Đoàn và Liên đoàn luật sư hiện nay chỉ là cơ quan hành chính nhà nước nối dài để quản lý luật sư mà thôi.”
Theo điều lệ, Liên đòan Luật sư Việt Nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư và các luật sư Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện tại đây là Liên đoàn luật sư duy nhất đại diện cho các luật sư ở Việt Nam, theo ước tính con số thống kê vào năm 2018 của Liên đoàn là khoảng 13.000 người.
Thật ra điều này giống như trong tôn giáo, về mặt tổ chức, những người đứng đầu tôn giáo đều có sự phê chuẩn của nhà nước. Do đó rất khó để có luật sư độc lập. Tuy nhiên, các luật sư nên có tư duy độc lập cho từng cá nhân, để đóng góp cho tiếng nói của liên đoàn có giá trị hơn. – LS Phùng Thanh Sơn
Luật sư Sơn thừa nhận rằng đề xuất có một Liên đoàn độc lập là “không khả thi”.
“Thật ra điều này giống như trong tôn giáo, về mặt tổ chức, những người đứng đầu tôn giáo đều có sự phê chuẩn của nhà nước. Do đó rất khó để có luật sư độc lập. Tuy nhiên, các luật sư nên có tư duy độc lập cho từng cá nhân, để đóng góp cho tiếng nói của liên đoàn có giá trị hơn.”
“Ở Việt Nam hiện nay, nhiều luật sư không dám nói lên hết suy nghĩ của mình, có thể là do họ lệ thuộc tổ chức hoặc giữ mối quan hệ với cơ quan tố tụng để hành nghề. Rất ít người dám nói lên suy nghĩ thực, trong khi đa số ngại đụng chạm, ngại bàn đến vấn đề chính trị trong khi đó là điều bình thường trong xã hội. Các luật sư được cho là người am hiểu luật pháp, chính sách, có nhận thức rõ về quy định pháp luật cũng như chính sách đó có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hay không. Chính luật sư phải nói tiếng nói đó đầu tiên, nhưng hiện nay số lượng này rất ít”.
Ngày Luật sư Việt Nam 10/10 diễn ra trong bối cảnh Luật sư Trần Vũ Hải vừa bị Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị truy tố với cáo buộc “Trốn thuế”. Ông Hải là người được biết tiếng qua những ý kiến phản biện trên trang cá nhân và từng nhận đại diện pháp luật cho nhiều dân oan mất đất và gần đây nhất là nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất. Luật sư Trần Vũ Hải bị cáo buộc trốn thuế trong một giao dịch bất động sản, khiến ông không thể tiếp tục đại diện cho blogger Trương Duy Nhất.
Blogger Trương Duy Nhất là người từng có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền. Ông bị bắt ở Bangkok, Thái Lan hồi cuối tháng 1 khi đang xin quy chế tỵ nạn. Vụ việc blogger này biến mất ở Bangkok đột ngột đã đặt ra những nghi vấn về việc an ninh Việt Nam đã phối hợp với cảnh sát Thái bắc cóc ông. Tuy nhiên, công an Việt Nam cho đến lúc này vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin về hoản cảnh blogger bị bắt như thế nào.
Hôm 8/10, luật sư Đặng Đình Mạnh, trưởng Văn phòng luật cùng tên, người đang đại diện cho blogger Trương Duy Nhất, nói với RFA:
“Người tiền nhiệm là Luật sư Trần Vũ Hải đã gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Trương Duy Nhất trong giai đoạn điều tra vụ án. Tôi cũng gặp một phần khó khăn như vậy. Tôi đã đăng ký bào chữa tại Cơ quan Điều tra Bộ Công an, đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và khi hồ sơ chuyển qua đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì tôi mới được cấp thông báo người bào chữa. Cho nên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu lại tiếp tục bị gây khó khăn, trở ngại khi thực hiện việc chức nghiệp bào chữa của mình.”
Trong khi đó, Luật sư Lê Công Định viết trên trang cá nhân:
“Hôm nay là ngày được gọi là “truyền thống luật sư” [của Việt Cộng], nhiều bạn hữu không hiểu cội nguồn vấn đề, nên đã vô tình gửi lời chúc mừng tôi. Tuy cám ơn thịnh tình của quý bạn, nhưng xin phép không nhận lời chúc mừng, vì chẳng liên quan gì đến tôi, và bởi luật sư thời đại Việt Cộng có danh giá gì để tự hào (?).
“Tôi chỉ mong được tiếp nối truyền thống và danh giá hàng trăm năm nay của nghề luật sư trên thế giới, nhất là tại Hong Kong ngày nay, và trên mảnh đất Nam phần thời Việt Nam Cộng Hòa mà thôi. Bởi chỉ ở những nơi ấy và thời ấy, các luật sư mới thực sự ngẩng cao đầu tranh đấu vì công lý, chứ không vục mặt vào nồi cơm.”
Luật sư Lê Công Định là một luật sư nổi tiếng ở Việt Nam, người thường có các bài viết và phát biểu ủng hộ dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Ông đã từng bị chính quyền tuyên án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế vào năm 2010 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Vào tháng 6 năm 2009, ông bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam xóa tên khỏi đoàn sau khi bị bắt với lý do vi phạm các điều trong quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư. Việc kết án luật sư Lê Công Định đã bị quốc tế lên án sau đó.
Việt Nam các năm qua cũng đã bỏ tù nhiều luật sư khác vì những tiếng nói đối lập.
Bên cạnh đó, một số luật sư nổi tiếng thường đại diện cho dân oan và các vụ án liên quan đến nhân quyền như các ông Phạm Công Út, Võ An Đôn mới đây đã bị rút thẻ hành nghề, xóa tên khỏi Đoàn Luật sư địa phương. Trong các trường hợp này, họ được báo nhà nước ghi nhận là “bị kỷ luật”, nhưng công luận lại cho rằng lý do thật sự là vì những người này tham gia bào chữa cho người nghèo hoặc giới hoạt động dân chủ.
Đóng cửa “cà phê đường tàu” tại Hà Nội từ 10/10
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 10/10 đã chính thức đặt barie tại lối vào đường tàu, cấm tất cả du khách đến khu vực này uống cà phê và chụp ảnh.
Truyền thông trong nước loan tin ngày vào cùng ngày.
Theo báo Pháp Luật TPHCM, thượng tá Bùi Văn Đang, Phó công an quận Hoàn Kiếm cho biết từ tháng 6 công an quận đã xử lý nhiều chủ kinh doanh vi phạm hành lang đường sắt tại khu vực trên nhưng sau khi phạt xong, cảnh buôn bán lại được tái diễn.
Công an quận Ba Đình, Hà Nội cũng đã cử lực lượng chốt chặn tại khu vực này và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm hành lang đường sắt.
Trước đó, ngày 7/10 chính quyền Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo lãnh đạo các quận, huyện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang đường sắt và hoàn thành trước 12/10 theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.
Cà phê đường tàu là con phố dài 200m nối đường Điện Biên Phủ với đường Trần Phú. Trước đây là khu nhà ổ chuột, giữa là tuyến đường sắt. Từ khi xuất hiện “cà phê đường tàu”, tuyến phố này trở thành điểm đến du lịch của khách nước ngoài và giới trẻ.
Từ 14 giờ đến 23 giờ 30 hàng ngày, khách đến khu cà phê đường tàu này rất đông, ngồi sát và thậm chí ra giữa đường ray uống cà phê. Khi tàu đến, nhiều người đứng sát đường tàu để chụp hình, quay phim gây mất an toàn. Đã từng có một nữ du khách Canada gặp nạn tại tuyến phố cà phê này.
Theo quy định chỉ giới đảm bảo an toàn công trình đường sắt là 8,6 m tính từ mép đường ray ngoài cùng. Tuy nhiên, khu vực “cà phê đường tàu” do tính lịch sử nên hai bên nhà dân chỉ cách mép ray ngoài cùng từ 1,8 m đến 2,3 m.
Ùn tắc giao thông & ô nhiễm không khí
khiến TPHCM & Hà Nội xếp hạng thấp
trong chỉ số thành phố thông minh
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đứng hạng 65 và 66 trong bảng xếp hạng toàn cầu về các thành phố thông minh, cách xa những nước lân cận.
Đây là số liệu lấy từ Chỉ số Thành phố thông minh do Viện Phát triển Quản lý Quốc tế của Thụy Sĩ cùng Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore biên soạn.
2 tổ chức trên đã xếp hạng trong số 102 thành phố trên khắp thế giới dựa trên năm tiêu chí: sức khỏe và sự an toàn, tính biến động, các hoạt động, cơ hội và quản trị, tập trung vào cách người dân nhận thức phạm vi liên quan đến những tác động trong nỗ lực làm cho thành phố của họ thông minh, cân bằng các khía cạnh kinh tế và công nghệ với các khía cạnh nhân đạo.
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện đang đứng sau Singapore – hạng 1, Đài Bắc – hạng 7, Hồng Kông – hạng 37 và Seoul – hạng thứ 47.
Tuy nhiên, 2 thành phố lớn của Việt Nam vẫn đang xếp hạng cao hơn một vài nơi khác như Kuala Lumpur – hạng 70, Bangkok – hạng 75, Jakarta – hạng 81 và Manila – hạng 94.
Báo cáo cho biết những thách thức lớn nhất Hà Nội và Sài Gòn phải đối mặt là tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí.
Chất lượng không khí ở Hà Nội đã chuyển từ xấu thành xấu hơn trong những tuần gần đây với việc thủ đô liên tục đứng đầu danh sách các thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới được theo dõi bởi ứng dụng IQAir AirVisual.
Thành phố 7,5 triệu dân này có khoảng 7 triệu xe, cộng thêm 2 triệu xe nữa đến từ những nơi khác. Tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng trong giờ cao điểm từ lâu đã là một vấn đề đối với Hà Nội.
TP HCM với dân số 13 triệu người cũng đã phải vật lộn trong nhiều năm với tình trạng ùn tắc giao thông.
Số lượng phương tiện cá nhân đã tăng theo cấp số nhân, có hơn 825.000 ô tô và 8,1 triệu xe máy trong thành phố. Giao thông công cộng chỉ đóng một vai trò nhỏ.
Cán bộ CSGT phải “Chào” và “Cảm ơn”
với người vi phạm giao thông
Bộ Công an đề xuất cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an Nhân dân trước và sau đó nói lời cảm ơn với người bị kiểm soát giao thông.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 10/10 dẫn nguồn từ dự thảo thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.
Theo dự thảo, các đội tuần tra CSGT trong khi thực hiện việc tuần tra, kiểm tra được dừng phương tiện và người tham gia giao thông trong bốn trường hợp, thứ nhất thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kiểm soát và xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật, ghi hình và thu âm được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Thứ ba, tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về vi phạm giao thông và thứ tư là phải có văn bản đề nghị của thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của các cơ quan liên quan đề nghị dừng phương tiện để kiểm soát và văn bản này phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát rõ ràng.
Trong đó có một điểm đáng lưu ý, theo dự thảo ngoài việc phương tiện giao thông phải dừng đúng vị trí, cán bộ CSGT phải thông báo người điều khiển phương tiện xuống xe và xuất trình giấy tờ. Tiếp theo, CSGT phải thực hiện hành động chào theo điều lệnh công an nhân dân, trừ trường hợp biết trước người đó có dấu hiệu tội phạm, có lệnh truy nã, thiếu văn hóa, sử dụng rượu bia và chất kích thích…
Ngoài ra, CSGT phải nói “Chào ông(bà, anh, chị…) trước khi kiểm soát các loại giấy tờ liên quan và phải nói “cảm ơn” sau khi thực hiện việc kiểm soát.
Trước đó ngày 8/10, Bộ Công an cũng đã có đề xuất dự thảo về việc người dân được phép giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. Thủ trưởng cơ quan Công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Từ năm 2013, việc người dân có được phép quay phim cảnh sát giao thông hay không đã được Bộ công an đưa ra bàn thảo nhiều lần. Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 và đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Điều này khiến người dân tiếp tục phản ứng và chính vì vậy, trong dự thảo lần này Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên. Nếu dự thảo được thông qua, Thông tư sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2019.
Việt Nam thúc giục Facebook và Google hợp tác
ngăn chặn tin xấu, lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam
Bộ Thông tin Truyền thông đang đẩy mạnh việc trao đổi với Facebook và Google để gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, triển khai định danh tài khoản người dùng ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Truyền thông trong nước hôm 9/10 cho hay, Bộ Thông tin Truyền thông đã đề cập đến những giải pháp này trong việc tăng cường quản lý thông tin điện tử trong một báo cáo gửi Quốc hội.
Từ hồi giữa tháng 8, Bộ Thông tin Truyền thông (TT – TT) đã cho biết bộ này đang yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam và yêu cầu công ty này phải chia sẻ, cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn các tài khoản mạo danh, xuyên tạc, nói xấu.
Hôm 19/8, truyền thông trong nước đưa tin cho biết đại diện Facebook ở Việt Nam cho biết công ty sẽ gỡ bỏ những tài khoản không sử dụng tên thật và yêu cầu người dùng phải cung cấp danh tính của mình.
Bộ TT – TT cũng cho biết bộ này đã đề nghị Facebook và Google thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác riêng cho Việt Nam để trao đổi các vấn đề còn tồn tại bao gồm: vi phạm nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và khai thuế, mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo luật An Ninh Mạng.
Theo thông tin từ bộ TT – TT, đến thời điểm hiện tại, Google đã ngăn chặn hơn 8000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội; Facebook đã gỡ bỏ 249 trên 257 tài khoản giả mạo, hơn 251 link bài viết có nội dung chống phá đảng và nhà nước.
Dự án cao tốc Bắc-Nam:
Sơ tuyển nhà đầu tư trong hạ tuần tháng 10
Ban quan lý Dự án cao tốc Bắc-Nam, thuộc Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) chuẩn bị phát hồ sơ dự kiến mời thầu sơ tuyển cho 8 dự án thành phần (đầu tư bằng hình thức BOT), sau khi Bộ GT-VT hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế của 8 dự án vừa nêu để chuyển sang đấu thầu trong nước.
Truyền thông quốc nội, vào ngày 10 tháng 10 loan tin vừa nêu, dẫn nguồn từ Bộ GT-VT cho biết việc mời sơ tuyển nhà thầu được dự kiến sẽ bắt đầu trong tuần thứ ba của tháng 10 năm 2019 và sẽ hoàn thành trong tháng 1 năm 2020.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông được báo giới dẫn lời cho biết rằng Bộ GT-VT vẫn giữ nguyên tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án cao tốc Bắc-Nam theo nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên sẽ điều chỉnh giảm tiêu chí về kinh nghiệm do các nhà thầu trong nước bị hạn chế về mặt này.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định rằng không chia nhỏ các dự án vì sẽ gây phức tạp trong việc tính toán các chặng thu phí của dự án.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông còn nhấn mạnh rằng trong trường hợp không lựa chọn được nhà thầu thì sẽ chuyển sang đầu tư công nhằm kết nối các tuyến với nhau. Đồng thời Bộ sẽ có những kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư huy động vốn triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ GT-VT xem xét và xử lý những phản ánh liên quan tình trạng doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” doanh nghiệp trong nước để đấu thầu làm cao tốc Bắc-Nam.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam được chia làm 11 dự án thành phần với tổng mức đầu tư lên đến hơn 102 nghìn tỷ đồng. Dự án ban đầu được mở thầu rộng rãi cho quốc tế, nhưng đã phải hủy vì những quan ngại trong nước cho rằng nhiều công ty Trung Quốc sẽ tham gia thầu và xây dựng đường cao tốc. Người dân Việt Nam và nhiều chuyên gia lo ngại về chất lượng các công trình do các công ty Trung Quốc xây dựng ở Việt Nam từ trước đến nay.
Chính phủ CSVN lấy số liệu ô nhiễm môi trường 2005
báo cáo cho năm 2019
Tin Vietnam.- Báo Vneconomy ngày 10 tháng 10 năm 2019 loan tin, Chính phủ cộng sản Việt Nam đã lấy số liệu ô nhiễm môi trường năm 2005 của Hà Nội làm báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô năm 2019 để gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo này được hoàn thành ngày 19 tháng 7 năm 2019, do ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký. Nội dung của bản báo ghi rằng, “thống kê gần đây nhất” cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80,000 tấn bụi khói; 9,000 tấn khí SO2; 19,000 tấn khí NO2; và 46,000 tấn khí CO2. Tuy nhiên, số liệu “gần đây nhất” này đã được phát hiện ra nó có từ 14 năm trước, và đã được báo Tuổi trẻ loan tải từ ngày 30 tháng 11 năm 2015.
Sau đó, vào ngày 17 tháng 9 năm 2010, trên báo Nhân Dân cũng có một đoạn “báo cáo” với số liệu giống hệt như trên. Và những số liệu này đều được lấy từ báo cáo của Chính phủ “vừa được phát hành”.
Theo kiểm tra của phóng viên qua công cụ tìm kiếm Google thì hơn 10 năm qua, Chính phủ chỉ có một số liệu trên để cung cấp cho báo chí, nên các tờ báo đã dùng số liệu trên để làm thông tin về môi trường “gần đây nhất”. Sau 14 năm, số liệu về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội của chính phủ không hề có bất kỳ một thay đổi nào.
Những ngày gần đây, ứng dụng AirVisual cho thấy Hà Nội đã đứng đầu thế giới về ô nhiễm. Vneconomy đã viết: “Không cần bình luận gì thêm, khi ô nhiễm môi trường là vấn đề nóng rực ở Thủ đô những ngày gần đây”.
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-csvn-lay-so-lieu-o-nhiem-moi-truong-2005-bao-cao-cho-nam-2019/