Tin khắp nơi – 09/10/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 09/10/2019

Mỹ hạn chế visa cho Trung Quốc

vì vấn đề người Hồi giáo Tân Cương

Mỹ tuyên bố sẽ hạn chế số visa cấp cho các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến việc đàn áp người Hồi giáo.

Đây là bước tiếp theo sau quyết định hôm thứ Hai, đưa 28 tổ chức của Trung Quốc mà theo Hoa Kỳ, có liên quan đến cáo buộc ngược đãi ở khu vực Tân Cương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết chính phủ Trung Quốc đã tạo ra “một chiến dịch đàn áp mạnh”.

Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc là không có căn cứ.

Cảnh sát Tân Cương ‘dùng app theo dõi dân’

TQ tức giận về thư đòi ngừng đàn áp dân Uighur

Trung Quốc ‘bắt 13.000 khủng bố’ ở Tân Cương từ 2014

Trong một tuyên bố, ông Pompeo cáo buộc chính phủ Trung Quốc về một chuỗi các vụ ngược đãi với người Uighur, người Kazakh, Kyrgyz và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác.

Hành động ngược đãi này bao gồm “giam giữ hàng loạt, giám sát nghiêm nhặt bằng công nghệ, quản giáo hà khắc đối với việc thể hiện bản sắc văn hóa và tôn giáo; và ép buộc các cá nhân nước ngoài phải trở về, thường để đối mặt với nguy hiểm chờ đợi ở Trung Quốc”.

Trung Quốc đã bác bỏ các động thái của Hoa Kỳ.

“Chẳng có cái gì gọi là ‘vấn đề nhân quyền’ như Hoa Kỳ tuyên bố,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Geng Shuang nói hôm thứ Hai.

“Những cáo buộc này chỉ là một cái cớ để Hoa Kỳ cố tình can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc.”

Hạn chế thị thực sẽ được áp dụng đối với quan chức chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như thân nhân của họ.

Tuyên bố của Hoa Kỳ nói: “Hoa Kỳ kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấm dứt ngay lập tức chiến dịch đàn áp ở Tân Cương, thả tất cả những người bị giam giữ một cách tùy tiện và ngừng nỗ lực cưỡng chế thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo Trung Quốc cư trú ở nước ngoài trở về Trung Quốc để đối mặt với số phận mập mờ”.

Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang trong một cuộc chiến thương mại, và các phái đoàn đã được cử đến Washington để nhóm họp vào cuối tuần.

Chuyện gì xảy ra ở Tân Cương?

Trung Quốc nói rằng người dân ở Tân Cương đang theo học ở “các trung tâm đào tạo nghề” nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Nhưng các nhóm nhân quyền và Liên Hợp Quốc nói rằng Trung Quốc đang giam giữ một triệu người Uighur và những người Hồi giáo khác trong các trại giam.

Ngày càng có nhiều đơn tố cáo từ Hoa Kỳ và các nước khác về hành động của Trung Quốc tại Tân Cương.

Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cáo buộc rằng Trung Quốc “yêu cầu công dân tôn thờ chính phủ, chứ không phải Thiên Chúa” trong một cuộc họp báo ở Vatican.

Và vào tháng 7, hơn 20 quốc gia tại Hội đồng Nhân quyền LHQ đã ký một bức thư chung chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc đối với người Uighur và những người Hồi giáo khác.

Người Uighur là ai?

Người Uighur là tộc người Turk theo đạo Hồi. Họ chiếm khoảng 45% dân số của khu vực Tân Cương; 40% còn lại là người Hán.

Trung Quốc tái lập quyền kiểm soát vào năm 1949 sau khi đánh bại nhà nước Đông Turkestan tồn tại trong thời gian ngắn.

Kể từ đó, đã có sự di cư quy mô lớn của người Hán mà người Duy Ngô Nhĩ lo sợ đang làm xói mòn nét văn hóa của họ.

Tân Cương chính thức được chỉ định là khu vực tự trị ở Trung Quốc, giống như Tây Tạng ở phía Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49957133

 

Tổng thống Trump muốn ‘thỏa thuận lớn’ với TQ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (7/10) phát biểu ông muốn đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc, tuy nhiên, ông cũng không chắc chắn về kết quả này.

Hãng tin AFP cho biết, khi được các phóng viên hỏi liệu ông có chấp nhận thỏa thuận một phần với Trung Quốc hay không, Tổng thống Trump phát biểu: “Tôi nghĩ đó không phải là điều chúng tôi muốn chút nào. Tôi hướng về việc đạt thỏa thuận lớn với Trung Quốc”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã đi đến bước này. Chúng tôi đang làm tốt. Tôi rất muốn một thỏa thuận lớn và tôi nghĩ đó là những gì chúng tôi đang hướng tới”. Song, Tổng thống cũng thừa nhận, ông “không chắc chắn” liệu có đạt được điều đó không. “Điều gì đó có thể xảy ra? Tôi đoán vậy. Cũng có thể, ai biết trước được”, ông Trump cho biết.

Những tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra trước vòng đàm phán thương mại cấp cao sẽ diễn ra vào ngày 10/10 tới. Phó thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn thương mại Trung Quốc, sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại Washington. Nhà Trắng cho biết đàm phán thương mại sẽ tập trung thảo luận các lĩnh vực mà chính quyền Trump yêu cầu từ năm ngoái như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao bắt buộc các công nghệ độc quyền và nông nghiệp.

Tuy nhiên, một nguồn tin tiết lộ với Bloomberg rằng, Trung Quốc tỏ ra không sẵn lòng với thỏa thuận thương mại toàn diện như Tổng thống Trump mong muốn. Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết, ông sẽ không đề cập đến việc cải cách chính sách công nghiệp hay cải cách trợ cấp chính phủ của Trung Quốc.

Cuộc đàm phán Mỹ-Trung sắp tới sẽ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng sau khi chính quyền Trump hôm thứ Hai (7/10) thêm 28 công ty Trung Quốc vào danh sách bị hạn chế giao dịch với các doanh nghiệp Mỹ vì liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/30790-tong-thong-trump-muon-thoa-thuan-lon-voi-tq.html

 

Mỹ đưa thêm công ty khởi nghiệp Trung Quốc

vào ‘danh sách đen’

Chính phủ Mỹ đã đưa thêm một số công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc vào “danh sách đen” về thương mại để trừng phạt Bắc Kinh về việc đối xử với người thiểu số Hồi giáo, theo Reuters.

Hãng tin Anh cho rằng bước đi mới này gây thêm căng thẳng trong quan hệ hai nước trước thềm cuộc đàm phán thương mại cấp cao ở Washington trong tuần này.

XEM THÊM:

Mỹ bổ sung hàng chục doanh nghiệp TQ vào danh sách đen

Quyết định vấp phải sự chỉ trích của Bắc Kinh này nhắm mục tiêu vào 20 cơ quan đảm trách vấn đề an ninh công cộng của Trung Quốc cũng như 8 công ty, trong đó có công ty giám sát bằng video Hikvision cũng như các công ty hàng đầu về công nghệ nhận dạng như SenseTime Group Ltd và Megvii Technology Ltd.

Bước đi trên cấm các công ty mua các thiết bị từ phía các công ty Mỹ nếu không được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ, và Reuters cho rằng điều này có thể khiến một số công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách gặp khó khăn.

Các quan chức Mỹ nói rằng động thái mới, giống với bước đi nhằm hạn chế ảnh hưởng của công ty Huawei, không liên quan gì tới việc hai nước tái tục các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-%C4%91%C6%B0a-th%C3%AAm-c%C3%B4ng-ty-kh%E1%BB%9Fi-nghi%E1%BB%87p-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0o-danh-s%C3%A1ch-%C4%91en-/5114965.html

 

South Park “xin lỗi đểu” Bắc Kinh

 sau khi bị chặn chiếu ở Trung Quốc

Các nhà sản xuất phim hoạt hình châm biếm South Park của Mỹ đã đưa ra một lời xin lỗi “đểu” Trung Quốc sau khi chương trình này bị chặn ở hầu hết nước này.

Trong một tập gần đây, nhân vật Randy bị ép lao động khổ sai và bị đưa vào trại cải tạo Đảng Cộng sản sau khi bị bỏ tù trong một chuyến thăm đến Trung Quốc.

Hầu hết các tập phim và các bình luận đánh giá về South Park giờ đây không xuất hiện trên internet tại Trung Quốc.

Giới trẻ TQ chơi chữ hiểm hóc chống kiểm duyệt

‘VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’

TQ xóa lợn hoạt hình Anh vì ‘lệch lạc’

“Chúng tôi hoan nghênh các nhà kiểm duyệt Trung Quốc vào nhà và vào trong trái tim của chúng tôi. Đảng Cộng sản muôn năm!” lời xin lỗi của các nhà sản xuất viết.

Điều gì xảy ra trong tập phim?

Trong “Band in China”, Randy Marsh tới Trung Quốc để cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh cần sa của mình.

Anh ta bị bắt, tống vào tù, và bị ép lao động khổ sai và bị giáo dục cải tạo.

Trong một cảnh, Randy đứng dưới mưa trong khi một cai tù chích điện anh ta.

“Tôi là một thành viên tự hào của Đảng Cộng sản,” Randy sau đó đọc từ một tờ giấy. “Đảng quan trọng hơn cá nhân.”

Sau đó anh ta nhìn thấy một người bảo vệ bắn vào đầu một tù nhân, trước khi bị đưa đến một phòng giam đông kín người, nơi anh ta gặp và trò chuyện với hai nhân vật hoạt hình khác là gấu Winnie the Pooh và heo Piglet.

Năm 2017, hình ảnh của gấu Winnie the Pooh đã bị chặn ở Trung Quốc vì nhiều người thấy thích thú trước sự giống nhau giữa chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình và chú gấu hoạt hình này.

“Một số người nói Pooh trông giống chủ tịch Trung Quốc, vì vậy chúng tôi trở thành thứ bất hợp pháp ở Trung Quốc”, Piglet nói.

“Đây là kiểu nhà thương điên nào vậy?” Randy đáp lại.

Trung Quốc phản ứng ra sao?

Kể từ khi tập phim được chiếu ở Mỹ vào tuần trước, việc tìm kiếm “South Park” trên trang mạng xã hội Trung Quốc Weibo cho thấy “không có kết quả liên quan nào được tìm thấy”.

Chương trình đã bị xóa khỏi các trang web video khác nhau của Trung Quốc, bao gồm cả Bilibili, iQiyi, Youku và le.com. Mặc dù một số tìm kiếm hiển thị giới thiệu ngắn gọn, nhưng các video không thể phát được.

Trên Douban, một trang web đánh giá phim nổi tiếng ở Trung Quốc, kết quả tìm kiếm cho thấy “theo luật pháp, quy định và chính sách có liên quan, kết quả tìm kiếm không được hiển thị”.

Trên công cụ tìm kiếm phổ biến của Trung Quốc, Baidu, “South Park” vẫn hiển thị kết quả – nhưng hầu hết các mục đều là tin cũ. Kết quả được xếp hạng hàng đầu là một thông tin chỉ trích chương trình vì tác động tiêu cực của nó đối với thanh thiếu niên.

Một số người đã khắc phục lệnh cấm bằng cách sử dụng “S23E02” (Phần 23, Tập 2) để thảo luận về tập phim này trên Weibo.

Các nhà sản xuất của South Park trả lời như thế nào?

Trên Twitter, biên kịch của chương trình Trey Parker và Matt Stone đã đưa ra một “lời xin lỗi chính thức tới Trung Quốc”.

“Giống như NBA [Hiệp hội bóng rổ quốc gia], chúng tôi chào đón các nhà kiểm duyệt Trung Quốc vào nhà và vào thẳng trái tim của chúng tôi,”

“Chúng tôi cũng yêu tiền hơn là tự do và dân chủ. Ông Tập hoàn toàn không giống Winnie the Pooh chút nào.

“Đảng Cộng sản vĩ đại của Trung Quốc vạn tuế! Cầu mong mùa vụ này bội thu! Giờ chúng tôi đã ổn chưa Trung Quốc?”

Lời sản xuất nhắc khéo đến Daryl Morey, huấn luyện viên bóng rổ nhà nghề NBA của Mỹ, người trước đó đăng lên Twitter bày tỏ ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong.

Nhưng dòng tweet này chỉ trích dữ dội từ các fan hâm mộ và các đối tác Trung Quốc đã hủy chiếu các trận đấu của đội Houston Rockets của ông và rút các khoản tài trợ.

NBA cho biết những bình luận của ông Morey là “đáng tiếc”, trong khi cầu thủ James Harden của Rockets nói: “Chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi yêu Trung Quốc.”

Ông Morey sau đó nói: “Tôi đã có rất nhiều cơ hội kể từ dòng tweet đó để lắng nghe và xem xét các góc nhìn khác.”

Trung Quốc kiểm duyệt đến đâu?

Twitter và Facebook, Google bị chặn và vào tháng 5, Wikipedia thông báo tất cả các phiên bản của trang web của họ cũng bị chặn.

Mạng internet của Trung Quốc vận hành giống như mạng nội bộ khi chỉ có thông tin được cho là phù hợp có thể lưu hành – thường được gọi là Vạn Lý Tường Lửa của Trung Quốc.

Báo chí và truyền hình Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, trong khi một số từ và cụm từ nhất định bị kiểm duyệt trên các trang mạng xã hội Trung Quốc.

Tin tức về các cuộc biểu tình ở Hong Kong cũng bị hạn chế, trong khi nhiều người có thể khóa tài khoản nếu thảo luận các vấn đề nhạy cảm.

“Một người bạn của tôi vừa bị chặn tài khoản WeChat [một ứng dụng nhắn tin Trung Quốc] trong ba ngày sau khi anh ta nói chuyện với bạn mình về hệ thống pháp lý của Trung Quốc và cải cách hệ thống pháp lý,” nhà báo Trung Quốc Karoline Kan nói với BBC Tháng Chín.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49982627

 

Nhà Trắng ‘sẽ không hợp tác

với cuộc điều tra luận tội’

Nhà Trắng đã chính thức từ chối hợp tác với cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.

Một bức thư gửi cho các nhà lãnh đạo Dân chủ bác bỏ cuộc điều tra, gọi nó là “vô căn cứ” và “không hợp lệ về mặt hiến pháp”.

Ba ủy ban Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đang điều tra ông Trump.

Cuộc điều tra đang cố gắng tìm hiểu xem liệu tổng thống có giữ lại viện trợ cho Ukraine để thúc đẩy nước này điều tra Joe Biden, người đang tranh cử ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Những nhân vật chính trong cuộc điều tra luận tội Trump

Điều tra luận tội Trump: Người tố giác thứ hai xuất hiện

Chủ tịch Hạ viện Mỹ: “Dư luận ủng hộ điều tra luận tội Trump”

Luận tội một tổng thống có dễ không?

Bức thư của Nhà Trắng được đưa ra vài giờ sau khi chính quyền Trump chặn đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu xuất hiện trước cuộc điều tra luận tội của Quốc hội.

Lá thư nói gì?

Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone gửi bức thư dài tám trang cho bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện và thành viên hàng đầu đảng Dân chủ, và ba chủ tịch của ba ủy ban Dân chủ.

Ông cáo buộc các nhà lãnh đạo đã thiết lập một cuộc điều tra “vi phạm sự công bằng cơ bản và quy trình bắt buộc theo hiến pháp” – đặc biệt bằng cách không tổ chức bỏ phiếu về việc khởi động cuộc điều tra.

Bức thư cáo buộc đảng Dân chủ cố gắng thay đổi kết quả bầu cử năm 2016 và tấn công cuộc điều tra là “không hợp lệ về mặt hiến pháp và vi phạm quy trình cần có”.

“Để hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với người dân Mỹ … Tổng thống Trump và Chính quyền của ông không thể tham gia vào cuộc điều tra đảng phái và vi hiến của quý vị trong những hoàn cảnh này.”

Đáp lại, bà Pelosi nói bức thư “rõ ràng là sai” và cáo buộc ông Trump đã cố gắng “bình thường hóa sự phi pháp”.

“Tổng thống, ông không đứng trên luật pháp. Ông sẽ phải chịu trách nhiệm.”

Phân tích của Anthony Zurcher

Phóng viên Bắc Mỹ

Vào thời điểm cuộc điều tra luận tội của Hạ viện đang xúc tiến được hai tuần, nước Mỹ đang tiến tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Trong khi phản hồi bằng văn bản của Nhà Trắng đối với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mất tám trang, thì thông điệp rất đơn giản. Không có lời khai. Không nộp tài liệu. Không hợp tác gì cả.

Chính quyền Trump đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của toàn bộ cuộc điều tra, gọi quá trình này là “vi hiến”. Đảng Dân chủ phản đối rằng chính Hiến pháp trao cho Quốc hội “quyền lực luận tội” – và họ sẽ tiếp tục điều tra dù có hoặc không có sự đồng ý của Nhà Trắng.

Đảng Dân chủ tại thời điểm này có một số lựa chọn. Họ có thể trích dẫn chính quyền cản trở công lý và làm chính điểm này thành một điểm trong việc luận tội.

Họ có thể cố gắng đáp ứng nhu cầu không xác định của Nhà Trắng, hy vọng sẽ khuyến khích sự hợp tác của họ

Hoặc họ có thể cố gắng dùng các tòa án để buộc Nhà Trắng hợp tác.

Tuy nhiên, ngành tư pháp có thể là ngán việc phải xét xử một đối đầu không thua gì một hiến tranh chính trị. Điều này đặt ra triển vọng rất thực tế rằng ông Trump có thể không cảm thấy mình phải tôn trọng bất kỳ kết luận nào được đưa ra bởi Hạ viện – và, đến lúc có kết luận, cũng đặt câu hỏi về tính hợp lệ của một phiên tòa Thượng viện.

Đây là lãnh thổ chưa được khám phá. Và như cả hai bên đều thừa nhận (mặc dù họ đưa ra kết luận hoàn toàn khác nhau), tổng thống – và có lẽ chính luật pháp – đang bị đe dọa.

Diễn tiến mới nhất trong cuộc điều tra luận tội

Lá thư của ông Cipollone đến vài giờ sau khi Nhà Trắng chặn Gordon Sondland, đại sứ Mỹ tại EU, nói chuyện với ba ủy ban Dân chủ đằng sau cánh cửa đóng kín.

Tin nhắn được công bố tuần trước cho thấy ông Sondland đã thảo luận về những nỗ lực gây áp lực với Ukraine đối với ông Biden với các nhà ngoại giao khác của Mỹ.

Robert Luskin, luật sư của ông Sondland nói thân chủ của mình “thất vọng sâu sắc” khi ông tới Washington từ Brussels để chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình.

“Đại sứ Sondland tin tưởng mạnh mẽ rằng ông luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ và ông sẵn sàng trả lời các câu hỏi của Ủy ban một cách đầy đủ và trung thực”, tuyên bố nói.

Trong một tweet, tổng thống cho biết ông Sondland nếu xuất hiện thì chỉ là xuất hiện trước một “tòa án trò hề”.

Nhưng chủ tịch ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff nói với các phóng viên rằng ông Sondland có tin nhắn hoặc email “có liên quan sâu sắc” đến cuộc điều tra trên một thiết bị cá nhân. Ông nói rằng những thông tin liên lạc đó đã được chuyển đến Bộ Ngoại giao, nơi đang giữ chúng lại.

“Việc không cho nhân chứng này xuất hiện”, Đảng Dân chủ California nói thêm, “việc không nộp các tài liệu này, được chúng tôi xem là thêm một bằng chứng mạnh mẽ về sự cản trở các chức năng lập hiến của Quốc hội.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49982737

 

Thẩm phán buộc Trump nộp tám năm hồ sơ khai thuế

Thẩm phán buộc Tổng thống Donald Trump phải nộp tám năm hồ sơ khai thuế cho các nhà điều tra ở New York.

Thẩm phán bác bỏ lập luận mà luật sư của ông Trump đưa ra rằng ông được hưởng quyền miễn trừ toàn diện trước các điều tra khi tại nhiệm.

Phán quyết của tòa cho phép các điều tra viên xem xét khoản tiền được trả cho hai người phụ nữ tố cáo rằng họ có quan hệ với ông Trump.

Các công tố viên cho biết rằng mọi tổng thống Hoa Kỳ kể từ thời Jimmy Carter đã tự nguyện công khai tờ hồ sơ thuế của mình trước hoặc khi nhậm chức.

Những nhân vật chính trong cuộc điều tra luận tội Trump

Điều tra luận tội Trump: Người tố giác thứ hai xuất hiện

Donald Trump, nếu bị luận tội thì diễn tiến sẽ ra sao?

Trong phán quyết dài 75 trang hôm thứ Hai, Thẩm phán Victor Marrero gọi tuyên bố miễn trừ của tổng thống là “không phù hợp với cấu trúc chính phủ và các giá trị hiến pháp”, và rằng tòa sẽ không cho phép “tổng thống áp dụng quyền miễn trừ tuyệt đối và vô hạn”.

Tổng thống tweet về phán quyết hôm thứ Hai, tuyên bố rằng đảng Dân chủ đang “thúc ép công tố viên của đảng Dân chủ tại cả thành phố và cấp tiểu bang New York nhắm vào Tổng thống Trump”.

Tờ khai thuế của Trump sẽ được công bố bây giờ?

Không, bởi vì các luật sư của ông Trump đã ngay lập tức nộp đơn kháng cáo, và Tòa án phúc thẩm vòng 2 đã cho phép tạm hoãn phán quyết của Thẩm phán Marrero.

Nếu phán quyết của thẩm phán không bị hủy bỏ, luật sư của tiểu bang New York có thể thực thi trát trước đó đã gửi cho công ty kế toán của ông Trump, yêu cầu nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp, từ 2011-18.

Nhưng những hồ sơ này có thể không được công khai ngay cả khi kháng cáo thất bại, vì chúng sẽ được bảo vệ bởi Đại bồi thẩm đoàn.

Bối cảnh cuộc điều tra

Cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc rằng luật sư của ông Trum, ông Michael Cohen đã trả tiền ‘bịt miệng’ cho hai phụ nữ – ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal – cả hai đều nói rằng họ có quan hệ với ông Trump. Tổng thống phủ nhận có quan hệ với các phụ nữ này.

Công tố viên quận Manhattan Cyrus Vance Jr đang xem xét liệu cơ quan tổ chức chiến dịch bầu cử cho ông Trump có vi phạm luật bầu cử hay không khi hoàn tiền cho ông Cohen.

Ông Vance nói rằng tổng thống “không được xác định là bị đơn và cũng không có giả thiết nào rằng ông Trump sẽ là bị đơn”, tờ Washington Post đưa tin.

Ủy ban bầu cử liên bang đã không được báo cáo về khoản tiền được cho là trả cho bà Daniels và bà McDougal. Câu hỏi đặt ra là liệu các khoản thanh toán này là để bảo vệ danh tiếng cá nhân ông Trump hay bảo vệ hình ảnh của ông với tư cách là ứng cử viên tổng thống.

Theo quy tắc bầu cử của Hoa Kỳ, bất kỳ khoản thanh toán nào được thực hiện với mục đích tác động đến cuộc bỏ phiếu phải được báo cáo.

Ông Cohen năm nay đã nhận tội vi phạm luật bầu cử trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, liên quan đến việc xử lý số tiền bịt miệng này, và hiện đang thụ án ba năm tù vì vi phạm tài chính và các tội khác.

Nhưng ông Trump đã khẳng định khoản thanh toán là hợp pháp và không lấy từ khoản tài chính của chiến dịch. Ông cũng đã cáo buộc luật sư cũ của mình dựng chuyện để được giảm án.

Các luật sư của ông Trump đã chỉ trích cuộc điều tra là có động cơ chính trị, và nhấn mạnh việc ông Vance là thành viên đảng Dân chủ.

Đã có một số nỗ lực buộc ông Trump công khai hồ sơ thuế. Ông Trump cũng đang kháng cáo nhằm ngăn Ngân hàng Deutsche công bố hồ sơ thuế của ông theo trát đòi của Hạ viện, liên quan đến một cuộc điều tra các hoạt động tài chính của gia đình.

Đầu tháng này, một thẩm phán đã tạm thời chặn một luật mới của California, mà nếu được thông qua sẽ buộc ông Trump công bố bản khai thuế thu nhập cá nhân nếu muốn tranh cử tổng thống năm 2020. Tổng thư ký tiểu bang California nói sẽ kháng cáo.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49957128

 

Thống đốc Newsom ký luật

giới hạn tiền thuê nhà ở California

Tin từ California – Vào hôm thứ Ba (08/10/2019), thống đốc Gavin Newsom vừa ký luật giới hạn tăng tiền thuê nhà trong một thập kỷ kế tiếp, nhằm ngăn khủng hoảng nhà ở ở tiểu bang đông dân nhất quốc gia.

Theo KTLA, ông Newsom ký thông qua dự luật tại một sự kiện ở Oakland, khu vực ghi nhận tình trạng lượng người vô gia cư tăng 43% trong hai năm qua. Việc tiền thuê nhà đột ngột tăng dẫn đến vấn đề vô gia cư ở tiểu bang, thu hút nhiều chỉ trích toàn quốc cũng như từ tổng thống Trump. Luật mới sẽ giới hạn mức tăng tiền thuê mỗi năm là 5% cộng lạm phát cho đến 01/01/2030. Luật cấm chủ nhà đuổi người thuê mà không có lý do chính đáng, nghĩa là họ không thể đuổi người đang thuê để nhận tiền thuê cao hơn từ khách mới.

Cho đến khi chính thức có hiệu lực từ 01/01/2020, điều khoản về mức tăng tiền thuê sẽ có hiệu lực với hợp đồng thuê từ 15/03/2019 để ngăn chủ nhà tăng tiền thuê trước khi luật có hiệu lực.

Theo một phân tích pháp lý, giới hạn tiền thuê California là hợp lý, dựa trên quy mô của tiểu bang này. Tiểu bang có 17 triệu người thuê nhà. Hơn một nửa trong số họ dành hơn 30% thu nhập để trả tiền thuê.

Theo tác giả dự luật, thượng nghị sĩ tiểu bang David Chiu, luật mới của California vẫn có nhiều ngoại lệ, theo ước tính chỉ áp dụng cho khoảng 8 triệu người thuê. Luật không áp dụng cho nhà được xây trong 15 năm trở lại, hy vọng sẽ khuyến khích các nhà phát triển xây thêm cơ sở hạ tầng. Luật không áp dụng với nhà ở một gia đình, ngoại trừ những nhà thuộc sở hữu các tập đoàn hoặc công ty bất động sản. Luật cũng không áp dụng cho trường hợp nhiều hộ gia đình ở chung một nhà. Luật không áp dụng cho 2 triệu người ở California đã kiểm soát được tiền thuê nhà.

Năm ngoái, các cử tri đã từ chối bỏ phiếu mở rộng tầm kiểm soát thuê nhà trên toàn tiểu bang. Hầu hết các nơi ở California, chủ nhà được tăng tiền thuê bất cứ lúc nào nếu đã thông báo trước. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/thong-doc-newsom-ky-luat-gioi-han-tien-thue-nha-o-california/

 

Cặp vợ chồng tài phiệt nhận án tù

cho vụ hối lộ tuyển sinh đại học Hoa Kỳ

Tin từ Boston – Vào hôm thứ Ba (08 tháng 10), một nhà sáng lập công ty thực phẩm và thức uống cùng vợ bị kết án 1 tháng tù, liên quan đến vụ bê bối hối lộ tuyển sinh đại học lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ.

Gregory và Marcia Abbott nhận án nhẹ hơn so với đề nghị tám tháng của công tố viên liên bang của Boston, sau khi thừa nhận trả 125,000 Mỹ kim để hối lộ giám thị sửa đáp án trong kỳ thi tuyển sinh cho con gái. Quan tòa quận- Indira Talwani- cũng đưa ra mức phạt tiền mỗi người 45,000 Mỹ kim. Hồi tháng Năm, họ bị cáo buộc các âm mưu lừa đảo bằng thư.

Các công tố viên cho biết mục tiêu của Abbotts, là gian lận điểm số của con gái họ để được nhận vào Đại học Duke, trường của bà Marcia Abbott từng theo học. Trong hồ sơ tố tụng, các luật sư của Abbotts nói họ là những người tốt, nhưng đã chọn quyết định sai lầm tệ hại. Nhóm luật sư lập luận rằng cặp vợ chồng chỉ nên bị quản chế.

Luật sư của vợ chồng nhà Abbotts vẫn chưa đưa ra bình luận. Gia đình Abbotts cùng 52 người khác bị buộc tội trong đường dây người giàu có trả tiền hối lộ cho một nhà tư vấn tuyển sinh đại học California, để đưa con cái họ vào đại học ưu tú bất hợp pháp. Hồi tháng 3, cố vấn William “Rick” Singer đã nhận tội tạo điều kiện cho gian lận thi cử tuyển sinh đại học, và hối lộ các huấn luyện viên thể thao tại các trường đại học để giới thiệu khách hàng của mình là các vận động viên được tuyển thẳng. Các công tố viên cho biết năm 2018 họ đã thông qua Singer để hối lộ một giám thị cho các kỳ thi ACT và SAT của con gái họ để sửa câu trả lời ở trung tâm do Singer kiểm soát. Người giám thị đó là Mark Riddell, cựu cố vấn tại một trường tư ở Florida. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cap-vo-chong-tai-phiet-nhan-an-tu-cho-vu-hoi-lo-tuyen-sinh-dai-hoc-hoa-ky/

 

Giá xăng Nam California chạm mốc $4.18/gallon,

cao hơn $1.43 giá trung bình trên toàn quốc

Tin từ Nam California – Giá xăng tại miền nam California lại tăng trong tuần này, lập kỷ lục về chênh lệch giá thành giữa tiểu bang và toàn quốc. Theo Cơ quan Cai Quản Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, đến hết ngày 07/10/2019, giá trung bình cho tất cả loại xăng trên toàn địa phương tăng 11%, chạm mốc 4.18 Mỹ kim/gallon.

Tờ Orange County Register đưa tin cho biết so với năm nay, giá xăng của địa phương năm trước rẻ hơn 37%. Mức tăng này xuất hiện khi các nhà lọc dầu chuyển từ công thức cháy sạch hơn dành cho mùa hè sang công thức hỗn hợp rẻ hơn dành cho mùa đông. Giá xăng tại các quận Los Angeles, Orange và Ventura cộng một phần của quận Riverside và San Bernardino đã tăng thêm 70%/gallon chỉ trong sáu tuần qua.

Trong khi đó, giá xăng dầu trên toàn quốc đã tương đối ổn định trong cùng thời kỳ. Các tài xế Hoa Kỳ đã trả trung bình 2.74 Mỹ kim/gallon trong tuần qua, giữ nguyên trong cả tuần và chỉ tăng 8 xu trong vòng sáu tuần qua. Sự khác biệt này đã đẩy khoảng cách giữa Nam California và giá quốc gia lên mức kỷ lục 1.43 Mỹ kim/gallon – tăng 11 xu trong một tuần và tăng 62 xu kể từ ngày 26/08/2019. Khoảng cách tuần này đã phá kỷ lục mức cao nhất trước đó vào tháng 07/2015. Giá thành nhiên liệu đắt đỏ ở nam California không có gì mới, vì khu vực này có chi phí tinh luyện đắt đỏ, cộng với chi phí cho nhiên liệu đốt sạch, cộng với thuế nhiên liệu của chính quyền địa phương cao. Tuy nhiên, các tài xế địa phương trong tuần này đang trả nhiều hơn gấp ba lần thông thường với giá tại Hoa Kỳ.

Kể từ năm 2000, giá xăng trung bình ở nam California cao hơn 39 xu/gallon so với giá quốc gia.

Tường Thắng

https://www.sbtn.tv/gia-xang-nam-california-cham-moc-4-18-my-kim-gallon-tai-xe-phai-tra-ky-luc-1-43-my-kim-nhieu-hon-gia-trung-binh-tren-toan-quoc/

 

Nobel Hóa Học 2019

được trao cho 3 người cha của pin Lithium-ion

Trọng Nghĩa

Hôm nay, 09/10/2019, Ủy Ban Nobel Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Hóa Học 2019 cho ba nhà khoa học Mỹ, Anh và Nhật Bản đã sáng chế và phát triển loại phin sạc Lithium-Ion, hiện được dùng trong vô số vật dụng, từ điện thoại đi động cho đến xe hơi chạy điện.

Giải thưởng đã được trao cho khoa học gia Mỹ John B. Goodenough, sinh tại Đức năm 1922, hiện làm việc tại Đại Học Texas (Mỹ), Stanley Whittingham, sinh tại Anh năm 1941, thuộc Đại Học Binghamton, New York (Mỹ), và Akira Yoshino, sinh tại Nhật Bản năm 1948, thuộc tập đoàn Asahi Kasei và Đại Học Meijo ở Nagoya (Nhật Bản).

Trong bản thông cáo, Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển ghi nhận rằng « loại pin Lithium-ion đã tạo ra một cuộc cách mạng trong đời sống con người, và được dùng trong mọi loại vật dụng, từ điện thoại đi động cho đến máy tính cầm tay và xe hơi điện. Với công trình của mình, ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa Học năm nay đã thiết lập nền móng cho một xã hội không dây và không năng lượng hóa thạch ».

Điều đáng ghi nhận là ở tuổi 97, khôi nguyên Nobel Hóa Học 2019 John Goodenough đã trở thành người đoạt giải lớn tuổi nhất trong lịch sử giải Nobel.

Nobel Vật Lý cho hai công trình nghiên cứu về vũ trụ

Còn hôm qua, 08/10, giải Nobel Vật lý 2019 đã được phân đôi để trao cho hai công trình nghiên cứu về thiên văn vũ trụ của ba nhà khoa học, được cho là đã « đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ ».

Công trình thứ nhất là của nhà nghiên cứu Mỹ-Canada James Peebles, sinh năm 1935 tại Winnipeg, Canada, hiện là giáo sư tại Đại Học Princeton (Hoa Kỳ). Ông được tặng thưởng nhờ « những phát hiện mang tính lý thuyết về vật lý vũ trụ ».

Công trình đoạt giải thứ hai là của hai nhà khoa học Thụy Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz, nhờ « những phát hiện góp phần nâng cao nhận thức của con người về vũ trụ », cụ thể là « một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt Trời ».

Michel Mayor, sinh năm 1942 tại Lausanne, Thụy Sĩ, hiện dạy tại Đại Học Genève (Thụy Sĩ), còn Didier Queloz sinh năm 1966, là giáo sư tại Đại Học Genève và Đại Học Anh Cambridge.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191009-nobel-hoa-hoc-2019-duoc-trao-cho-3-nguoi-cha-cua-pin-lithium-ion

 

Ecuador áp đặt lệnh giới nghiêm sau khi

các cuộc biểu tình đẩy chính quyền ra khỏi thủ đô

Tin từ QUITO, Ecuador – Vào hôm Thứ Ba (8/10), tổng thống Ecuador Lenin Moreno ra lệnh giới nghiêm xung quanh các tòa nhà chính phủ, sau sáu ngày biểu tình chống thắt lưng buộc bụng đẩy chính quyền của ông ra khỏi thủ đô Quito, và gây ra hàng trăm vụ bắt giữ.

Giống như các chiến thuật lật đổ các chính phủ trước đây, hàng ngàn người biểu tình bản địa tràn vào thủ đô vùng cao. Một số người băng qua các vạch chắn an ninh để đặt chân vào Quốc hội một chóng vánh vào hôm Thứ Ba, vẫy cờ và hô vang khẩu hiệu: “We are the people!” Ở những nơi khác tại Quito và các điểm nóng khác, những người biểu tình đeo mặt nạ, cầm gậy, ném đá, chiến đấu với lực lượng an ninh, và bị đáp trả bằng hơi cay. Chính quyền cho biết vụ đụng độ này khiến 19 dân thường và 43 cảnh sát bị thương.

Khi đối mặt với thách thức lớn nhất trong hai năm rưỡi cầm quyền, ông Moreno từ chối khôi phục các khoản trợ cấp nhiên liệu mà gần đây ông cắt giảm, đồng thời loại trừ khả năng từ chức. Ông Moreno tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại đây và chuyển các hoạt động của chính phủ đến thành phố ven biển Guayaquil, nơi ít có vấn đề hơn.

Trong một nghị định bằng văn bản vào hôm Thứ Ba (8/10), ông Moreno ra lệnh các nhà chức trách giới hạn việc di chuyển gần các tòa nhà chính phủ và các cơ sở chiến lược từ 8 giờ chiều đến 5 giờ sáng để giữ trật tự. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/ecuador-ap-dat-lenh-gioi-nghiem-sau-khi-cac-cuoc-bieu-tinh-day-chinh-quyen-ra-khoi-thu-do/

 

5 thành viên Châu Âu trong Hội đồng Bảo an

kêu gọi Triều Tiên bỏ võ khí hạt nhân

Năm thành viên Châu Âu trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 8/10 thúc giục Triều Tiên “có bước cụ thể” hướng tới việc từ bỏ võ khí hạt nhân và các chương trình phi đạn đạn đạo một cách đầy đủ, kiểm chứng được, và không thể đảo ngược.

Các đặc sứ ra thông cáo chung sau cuộc họp kín của hội đồng gồm 15 thành viên bàn về vấn đề Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử phi đạn đạn đạo mới phóng đi từ tàu ngầm hồi thứ Tư tuần trước. Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Đức, Anh, và Pháp.

Đợt phóng này là hành động khiêu khích nhất của Triều Tiên kể từ khi tái tục đối thoại với Mỹ vào năm ngoái và được thực hiện tiếp theo sau một loạt các cuộc thử nghiệm phi đạn trong vài tháng qua. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Triều Tiên dùng công nghệ phi đạn đạn đạo.

Năm thành viên Châu Âu trong Hội đồng Bảo an nói các đợt phóng thử phi đạn của Triều Tiên gây phương hại tới an ninh ổn định khu vực và rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng.

“Hội đồng Bảo an cần phải duy trì các nghị quyết. Các chế tài quốc tế phải giữ nguyên và phải thực thi đầy đủ, nghiêm ngặt,” đặc sứ của Đức, Anh, Pháp, Bỉ, và Ba Lan nhấn mạnh trong thông cáo.

Đầu tuần này, Triều Tiên đã khuyến cáo Mỹ, Anh, Pháp, Đức rằng nêu vấn đề thử phi đạn của Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an chỉ “thôi thúc thêm chí hướng bảo vệ chủ quyền của chúng tôi.”

https://www.voatiengviet.com/a/th%C3%A0nh-vi%C3%AAn-ch%C3%A2u-%C3%A2u-trong-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%A3o-an-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-b%E1%BB%8F-v%C3%B5-kh%C3%AD-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n/5115911.html

 

UNICEF băn khoăn về người giúp việc

dưới tuổi vị thành niên ở Việt Nam

UNICEF muốn Việt Nam sửa đổi Bộ luật Lao động để ngăn chặn tình trạng trẻ em chưa đủ tuổi làm nghề giúp việc nhà vì lo ngại trẻ bị lạm dụng.

Theo VnExpress, trong buổi hội thảo tham vấn để thảo luận về sửa đổi Bộ luật Lao động được tổ chức vào ngày 7/10, bà Shelley Casey, đại diện UNICEF tại Việt Nam đã nói với các quan chức chính phủ và chuyên gia rằng một số quốc gia trên thế giới đã xếp công việc này vào dạng công việc nguy hiểm cho trẻ vị thành niên.

Bà Casey chỉ ra điển hình như ở Philippines và Malaysia, việc thuê trẻ em dưới 15 tuổi làm việc nhà là bất hợp pháp.

Theo bà Shelley Casey, “Công nhân vị thành niên dễ bị lạm dụng. Do đó, nếu họ được phép làm việc, chính quyền cần phải đưa ra một số biện pháp an toàn.”

Các sửa đổi đề xuất hiện tại trong Bộ luật Lao động của Việt Nam không xác định việc thuê người chưa thành niên làm việc nhà là bất hợp pháp. Người thuê lao động được phép thuê lao động dưới 18 tuổi và phải có sự động ý của cha mẹ hoặc người bảo hộ của trẻ. Với trường hợp trẻ dưới 15 tuổi, người thuê phải ký hợp đồng với người đại diện pháp lý cho trẻ và có được sự đồng ý của trẻ. Trẻ em dưới 13 tuổi chỉ được làm các công việc liên quan đến nghệ thuật, luyện tập thể thao và phải có sự đồng ý của sở lao động địa phương.

Bà Shelley Casey đồng tình với các sửa đổi được đề xuất, nhưng cho biết luật nên đưa ra định nghĩa về “công việc nhẹ” dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và mô tả nó là công việc không gây rủi ro cho sức khỏe, phát triển thể chất hoặc thành tích học tập.

Ở Việt Nam, việc thuê người giúp việc, thường là lao động nữ, là khá phổ biến.

Hiện không có con số thống kê cụ thể về người giúp việc nhà ở Việt Nam. Nhưng kết quả cuộc điều tra dân số năm 2013 cho thấy 7,1% người giúp việc trong nước ở độ tuổi dưới 18.

Năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dự đoán 350.000 người Việt sẽ làm nghề giúp việc vào năm 2020, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đài Loan, Ma Cao, Cyprus, Malaysia và Ả Rập Saudi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/unicef-frets-over-underage-maids-in-vn-10092019085312.html

 

Brexit : Luân Đôn và Bruxelles

chuẩn bị khả năng đàm phán thất bại

Thanh Phương

Các cuộc đàm phán về Brexit giữa Luân Đôn với Bruxelles có vẻ như sắp bị cắt đứt, trong khi chỉ còn chưa tới 3 tuần nữa là đến ngày Anh Quốc phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã gia hạn cho thủ tướng Anh Boris Johnson từ đây đến cuối tuần phải đưa ra một thỏa hiệp có thể chấp nhận được, để hai bên chia tay êm thấm ngày 31/10.

Nhưng hôm qua, 08/10/2019, cả Luân Đôn lẫn Bruxelles đều không giấu vẻ bi quan, có vẻ như đang chuẩn bị tinh thần cho một Brexit không thỏa thuận, thậm chí không loại trừ khả năng dời ngày Brexit theo như mong muốn của thủ tướng Anh. Theo hãng tin AFP, sau cuộc điện đàm hôm qua giữa ông Johnson với thủ tướng Đức Angela Merkel, một nguồn tin từ phủ thủ tướng Anh cho rằng coi như không thể nào đạt được thỏa thuận.

Theo nguồn tin này, thủ tướng Merkel đã cảnh báo thủ tướng Johnson là rất khó đạt thỏa thuận nếu Luân Đôn không đưa ra những đề nghị mới dự trù để Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu, điều mà cho tới nay Anh Quốc vẫn từ chối.

Các cuộc đàm phán khó khăn vẫn tiếp diễn hôm qua vẫn dựa trên đề nghị mà thủ tướng Johnson đưa ra vào thứ Tư tuần trước để cố giải quyết vấn đề hóc búa biên giới Ireland, đề nghị mà các nước thành viên khác của Liên Hiệp đã bác bỏ. Tuy nhiên, với nhịp độ đàm phán như hiện nay, rất khó tìm ra đồng thuận trước cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu trong hai ngày 17 và 18/10 tới.

Bực bội trước tình hình này, hôm qua, trên mạng Twitter, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk cáo buộc thủ tướng Johnson đang « đùa với tương lai của châu Âu và Anh Quốc » khi chơi một trò « ngu xuẩn », đó là « tìm thủ phạm » trong trường hợp đàm phán thất bại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191009-brexit-luan-don-voi-bruxelles-chuan-bi-cho-kha-nang-dam-phan-that-bai

 

Pháp : Khai mạc hội nghị quốc tế tài trợ

chống sida, lao và sốt rét

Mai Vân

Hôm nay, 09/10/2019, hội nghị lần thứ sáu nhằm khôi phục lại Quỹ Thế Giới chống sida, lao và sốt rét khai mạc tại thành phố Lyon, miền nam nước Pháp. Đây là lần đầu tiên Pháp đăng cai tổ chức hội nghị này, với hy vọng huy động được ít nhất 14 tỷ đô la tài trợ.

Hội nghị, diễn ra 3 năm một lần, khai mạc với sự hiện diện của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đề ra mục tiêu huy động khoản tiền nói trên để có thể chiến thắng được ba loai bệnh kể trên từ nay đến năm 2030, những chứng bệnh đã khiến 3 triệu người thiệt mạng mỗi năm trên thế giới.

Về bệnh sida, số người nhiễm virút HIV mỗi năm mỗi giảm, nhưng các tiến bộ trong chữa trị đã chậm lại. Theo giới y khoa, phương thức phòng chống, trị liệu đều có đủ, chỉ thiếu tiền, đến mức mà nhiều người lo ngại rằng số bệnh nhân sẽ tăng cao trở lại.

Chính vì vậy mà chỉ tiêu huy động được ít ra 14 tỷ đô la cần thiết cho 3 năm tới đây đã được đề ra tại hội nghị Lyon. Trong số cả chục lãnh đạo quốc gia đến tham gia hội nghị Lyon, phần đông là lãnh đạo châu Phi.

Nhìn chung, 70% tiền huy động được sẽ chi cho các nước châu Phi, như Nigeria, Tanzania, Congo (RDC), Mozambique, Zimbabwe. Hai nước châu Phi Nigeria và Nam Phi, đồng thời là những quốc gia đóng góp cho Quỹ Thế Giới chống sida, lao và sốt rét.

Tuy con số 14 tỷ đô la có vẻ cao – hội nghị trước cách đây 3 năm, đã huy động được 12,2 tỷ – nhưng theo các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, số tiền đó có lẽ sẽ không đủ để diệt trừ các bệnh này.

Ngoài ra, đây mới là chỉ tiêu đề ra, còn đặt được hay không thì phải chờ đến khi hội nghị kết thúc vào ngày mai, 10/10.

http://vi.rfi.fr/phap/20191009-phap-khai-mac-hoi-nghi-quoc-te-tim-tai-tro-chong-sida-lao-va-sot-ret

 

Khủng bố tại sở Cảnh Sát Paris :

Bộ trưởng Nội Vụ ra điều trần Quốc Hội

Thanh Phương

Cuối chiều qua, 08/10/2019, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner đã ra điều trần trước Ủy Ban Pháp Luật Hạ Viện, vào lúc một số nhân vật trong phe đối lập cánh hữu và cực hữu yêu cầu ông phải từ chức vì đã để xảy ra vụ tấn công khủng bố sát hại bốn công chức tại sở Cảnh Sát Paris ngày 03/10/2019.

Tuy không chấp nhận từ chức, nhưng trong cuộc điều trần trước Ủy Ban Pháp Luật Hạ Viện, bộ trưởng Castaner thừa nhận là đã có « một sự rối loạn » trong guồng máy Nhà nước. Trước đó, trong buổi sáng, bộ trưởng Nội Vụ Pháp đã trả lời trong một cuộc điều trần kín của phái đoàn dân biểu đặc trách tình báo về những trục trặc nào có thể đã dẫn đến vụ thảm sát ở sở Cảnh Sát Paris.

Hôm qua, chủ tịch Hạ Viện Pháp Richard Ferrand thông báo sẽ đáp ứng đề nghị của phe đối lập cánh hữu lập một ủy ban điều tra về vụ khủng bố này. Ủy ban điều tra sẽ bắt tay vào việc ngay từ tuần tới.

Theo các nhà điều tra, thủ phạm vụ khủng bố Mickael Harpon đã cải đạo theo Hồi Giáo từ khoảng một chục năm nay và thường xuyên tiếp xúc với các thành viên một hệ phái Hồi Giáo cực đoan. Nhưng các nhà điều tra cũng chú ý đến trạng thái tâm lý của hung thủ, do một ngày trước vụ tấn công, đương sự có những biểu hiện bất bình thường.

Các nhà điều tra cũng đang nỗ lực phân tích những dữ liệu chứa trong khóa USB được tìm thấy trên bàn làm việc của Mickael Harpon, làm việc trong sở Cảnh Sát Paris từ năm 2003. Những dữ liệu trong USB này nhiều đến mức toàn bộ các ban được huy động để tham gia phân tích.

Lễ truy điệu bốn công chức bị Harpon sát hại đã được tổ chức sáng hôm qua (08/10) trong sân sở Cảnh Sát Paris. Trước bốn linh cữu, tổng thống Emmanuel Macron đã bảo đảm sẽ tiến hành « một cuộc chiến không ngơi nghỉ » để chống khủng bố Hồi Giáo.

http://vi.rfi.fr/phap/20191009-khung-bo-so-canh-sat-paris-bo-truong-noi-vu-ra-dieu-tran-truoc-quoc-hoi

 

Trái mộc qua bổ cho sức khỏe

Tuấn Thảo

Mùa nào ăn quả nấy. Đó là lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng đối với người tiêu dùng. Phương châm này lại càng đúng đối với những ai sống ở những nước có khí hậu lạnh, với bốn mùa trong năm. Tại Pháp, mùa thu là mùa hạt dẻ, rau bina (épinard), nấm sò (pleurote), bông cải, củ dền, bí rợ. Về trái cây, mùa thu có nho, táo, lê và hiếm hơn nữa là quả mộc qua.

Khác với quả táo và quả lê giờ đây có thể được tìm thấy hầu như quanh năm, (nhưng táo và lê nếu ăn đúng mùa cho đủ chất dinh dưỡng thì nên ăn từ tháng 9 đến tháng 3), trái mộc qua (coing/quince) chỉ có thể được tìm thấy (như quả mận tây vàng mirabelle) trong một thời gian khá ngắn, thường là vào tháng 10, trễ lắm là vào tháng 11 hàng năm.

Bề ngoài trái mộc qua trông giống như trái lê hay trái ổi, nhưng hình dáng kích cỡ lại to hơn và thô hơn, quả mộc qua khi vừa hái xuống, có màu xanh bọc một lớp ‘‘phấn nâu’’, nhưng đến khi chín, mộc qua lại ngát hương thơm, óng ánh một màu vàng sáng. Trái này có nhiều vị chua và vị chát, nên phải ủ thật chín mới ăn được. Người Pháp thường dùng mộc qua để nấu ăn chủ yếu các món mặn ngọt, nhưng ngon nhất vẫn là để làm ‘‘mứt mộc qua’’, loại trái cây nấu nấu nhuyễn với đường (confiture) dùng trong các bữa điểm tâm. Loại ‘‘mứt dầy’’ (pâte de coing) có thể ăn như kẹo hay dùng kèm với các loại phô mai.

Ở các quốc gia phía nam châu Âu, ven bờ Địa Trung Hải, trái mộc qua được gắn liền với mùa thu, hay ít ra trong các bức tranh tĩnh vật của trường phái hội họa Tây Ban Nha trong Thời kỳ Hoàng kim (Siglo de Oro), quả mộc qua luôn được chọn làm biểu tượng của mùa thu muôn thuở. Mộc qua có nguồn gốc từ vùng Kavkaz, được du nhập vào châu Âu qua ngõ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà dân tộc học François Couplan, tác giả của quyển sách ‘‘Confitures Inattendues’’, mộc qua đã có từ rất lâu, phổ biến trong nền văn hóa cổ đại.

Trong truyện thần thoại Hy Lạp, các cành hoa và nguyên trái mộc qua là biểu tượng của Thần Vệ Nữ. Trong vườn tiên của ba nàng Hesperides, những quả ‘‘táo vàng’’ mà Hercule từng thành công chiếm đoạt thật ra là những quả mộc qua chín vàng thơm ngát. Cũng theo tác giả François Couplan, có những giống mộc qua có vị ngọt dịu hơn ở vùng Trung Á, nên rất dễ ăn khi trái thật chín, nhưng mộc qua ở Nam Âu thì lại dòn và cứng, ngoài ra còn nhiều hạt nhỏ li ti ở trong cơm thịt, cho nên mộc qua thường phải nấu cho thật nhừ thì ăn mới thấy ngon.

Trong thực tế, mộc qua là một trong những loại trái cây hiếm hoi, nhờ có cả hai vị chua chua, ngòn ngọt cho nên có thể được kết hợp với rất nhiều món mặn. Mộc qua nấu chung với ô liu làm cho món tajine của người Bắc Phi trở nên tuyệt vời, mộc qua cũng thể ăn kèm với thịt xiên đút lò hay nướng củi trong các món Thổ Nhĩ Kỳ, Liban hay là Hy Lạp.

Trong các món tráng miệng, mộc qua nấu nhuyễn cho thật lỏng (gelée), rồi làm đông lại thành “thạch” có thể thay thế mật ong và mứt ngọt để kết hợp với đủ loại bánh nướng hay kem sữa. Trong số các đầu bếp trứ danh Pháp, Michel Trois Gros là người đầu tiên kết hợp mộc qua với đậu khấu, hạt lựu và hai thìa rượu menetou. Ông dùng nước sốt thơm mùi mộc qua ăn kèm với đùi thỏ rừng đút lò, hay làm mứt cán mỏng, thái nhỏ rồi rải đều trên mặt kem vani.

Về mặt dinh dưỡng, mộc qua chứa khá nhiều chất bổ cho cơ thể. Mộc qua không có nhiều calories (chỉ khoảng 60 calories mỗi trái) mà lại giàu chất xơ trong cơm thịt cũng như trong vỏ. Vì thế khi nấu mộc qua, người Pháp ít khi nào gọt vỏ, chỉ cần rửa sạch, rồi cắt ra thành nhiều mảnh và chủ yếu cắt bỏ những phần (cùi) cứng nhất.

Mộc qua chứa khá nhiều vitamin. Một trái chứa đến 25mg vitamin C, trong 100g trái cây, tương đương với 25% lượng vitamin được khuyến cáo nên dùng mỗi ngày. Do nồng độ vitamin C ở một mức cao, hơn cả trái táo vì thế càng nên ăn mộc qua vào mùa thu. Ngoài vitamin cũng như hầu hết các loại trái cây, mộc qua còn đặc biệt giàu chất tannin chẳng những giúp giảm thấp lượng cholesterol xấu trong máu, mà còn rất bổ cho bộ phận tiêu hóa : ruột non cũng như ruột già.

Do mùa mộc qua rất ngắn (chỉ khoảng một tháng), trái chín càng để lâu càng mất chất bổ, cho nên mộc qua thường được nấu thành mứt, có thể để dành trong suốt mùa đông. Để làm mứt, bạn có thể dùng đường mía và chỉ để khoảng 450g đường cho 1kg trái cây (nêu thích ăn ngọt thì phải chỉ thêm đường).

Mộc qua cắt nhỏ ngâm với một chút nước chanh, trộn với đường rồi đun lửa trung bình trong nồi đậy nấp kín, khi bắt đầu sôi vặn lửa nhỏ lại trồi phải đếm trhời gian cho thật kỹ : 35 phút nếu thích ăn lỏng, 55 phút nếu thích ăn mứt ngọt đặc quánh.

Khi vừa nấu xong, ta buộc phải đổ ngay vào lọ thủy tinh khi mứt lỏng còn rất nóng để tránh bị lên mốc. Do mộc qua có nhiều chất tannin và pectine, nên đông đặc rất nhanh khi nguội dần. Mứt mộc qua có thể trữ được lâu và đảm bảo đem lại một chút hương thơm đậm nồng giữa cái lạnh buốt giá mùa đông.

http://vi.rfi.fr/phap/20191008-trai-moc-qua-bo-cho-suc-khoe-pour-mercredi-09102019

 

Tin mới: Thổ Nhĩ Kỳ không kích Syria chặn quân Kurd

Chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom một số phần thuộc đông bắc Syria vào ngay lúc ban đầu của chiến dịch có thể sẽ dẫn tới cuộc xung đột với các đồng minh của Mỹ do người Kurd dẫn đầu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói chiến dịch này là nhằm tạo ra một “vành đai an toàn”, nơi không có các tay súng người Kurd và cũng sẽ là nơi dành cho người tỵ nạn Syria.

Mỹ rút quân khỏi Syria: Trump cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ

Ông Trump ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Syria

Không kích Syria: Mỹ vẫn ‘lên nòng’

Theo Các lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd dẫn đầu (Kurdish-led Syrian Democratic Forces – SDF), các khu vực dân sự đã bị phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.

Lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt đất cũng đã càn quét vùng biên giới.

Chiến dịch được triển khai chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút lính Mỹ ra khỏi bắc Syria, một quyết định được công bố sau khi có cuộc điện thoại với ông Erdogan vốn làm dấy lên những chỉ trích rộng khắp ở trong nước và cả ở nước ngoài.

Người Kurd, đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến đánh bại nhóm thánh chiến tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria – canh chừng hàng ngàn chiến binh IS và thân nhân của họ tại các nhà tù, trại giam ở các khu vực do người Kurd kiểm soát. Hiện chưa rõ liệu những người này có được tiếp tục giam giữ một cách an toàn hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?

Trên Twitter, ông Erdogan nói chiến dịch này “nhằm ngăn chặn việc tạo hành lang khủng bố dọc biên giới phía nam của chúng tôi, đem lại hòa bình cho khu vực”, và rằng nó sẽ “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, giải phóng các cộng đồng địa phương khỏi tay những kẻ khủng bố”.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tạo ra “vùng an toàn” không có các tay súng người Kurd – vốn bị Ankara coi là khủng bố – cũng sẽ là nơi dành cho hai triệu trong số 3,6 triệu người tỵ nạn Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin tức nói có một số vụ nổ lớn đã xảy ra tại thị trấn vùng biên Ras al-Ain, trong lúc cũng có các vụ nổ vang lên tại Tal Abyad, theo Reuters.

Anh và Pháp đã có kế hoạch yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn cấp để thảo luận tình hình, và Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ hãy “ngưng chiến dịch quân sự”.

Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Lindsay Graham, một đồng minh thân cận của ông Trump, nói ông sẽ dẫn đầu việc nỗ lực yêu cầu Quốc hội Mỹ “bắt ông Erdogan phải trả giá đắt”, và nói thêm: “Hãy cầu nguyện cho các đồng minh người Kurd của chúng ta, những người đã bị chính quyền của ông Trump từ bỏ một cách đáng xấu hổ”.

Ông Trump đáp trả những lời chỉ trích đối với quyết định rút quân của mình bằng cách đe doạ “xóa sổ” kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu như nước này tấn công “quá mức”, và nói Thổ Nhĩ Kỳ “không nên làm những gì bên ngoài điều mà chúng ta nghĩ là nhân đạo”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49985912

 

FIFA phạt Liên đoàn bóng đá Hong Kong

15.000 USD vì ‘lý do kỷ luật’

Liên đoàn bóng đá Hong Kong vẫn chuẩn bị cho hai trận đấu vòng loại World Cup 2022 mặc dù họ bị FIFA phạt 15.300 đô la Mỹ (120.000 đô la Hong Kong) vì “lý do kỷ luật” liên quan đến trận đấu giữa hai đội Hong Kong, Iran.

Mặc dù FIFA không nêu ra bất kỳ sự cố cụ thể nào, khoản phạt kể trên được cho là liên quan đến việc khán giả đã có hành vi la ó vào quốc thiều Trung Quốc trước trận đấu tại sân vận động Hong Kong hôm 10/9 và tạo thành một chuỗi liên kết nhiều người vào giờ nghỉ giữa hai hiệp để ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính quyền.

Nhiều khả năng những cảnh tượng tương tự sẽ lại diễn ra khi Hong Kong là đội chủ nhà đấu với Bahrain ở sân So Kon Po 40.000 ghế vào ngày 14/11, và tiếp đến là khi họ đấu với Campuchia ở cùng địa điểm 5 ngày sau đó.

“Hiện tại, chúng tôi không thay đổi kế hoạch, mặc dù chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình ngoài xã hội”, chủ tịch của Hong Kong FA, Pui Kwan-kay nói. “Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ các bên liên quan và sẽ tiếp tục chuẩn bị cho hai trận đấu trên sân nhà theo kế hoạch”, quan chức này cho biết thêm.

Quyết định vẫn thi đấu được đưa ra sau khi một số sự kiện thể thao ở Hong Kong đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại vì bất ổn xã hội.

(South China Morning Post, FIFA)

https://www.voatiengviet.com/a/fifa-phat-lien-doan-bong-da-hong-kong/5116870.html

 

5 vấn đề ĐCSTQ khó che giấu

sau màn duyệt binh hoành tráng

Hôm thứ Bảy (5/10), ông James Jay Carafano, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu An ninh quốc gia và Chính sách ngoại giao thuộc Quỹ Di sản Mỹ (Heritage Foundation) có một bài viết đăng trên Fox News cho biết, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) toàn lực chúc mừng 70 năm thành lập chính quyền, nhưng họ cũng không cách nào che giấu được 5 vấn đề lớn.

Ngày 1/10, ĐCSTQ đã tổ chức lễ mừng một cách long trọng tại Bắc Kinh. Trong bài viết đăng trên Fox News, ông James Jay Carafano nói, kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ thành lập chính quyền, ĐCSTQ đã không còn phương thức nào tốt hơn so với cử hành duyệt binh quy mô lớn và bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đương nhiên, ĐCSTQ có lý do chúc mừng của mình: Họ kiểm soát tất cả, bao gồm cả chính phủ, quân đội và kinh tế. Họ thống trị một nước lớn về ngoại giao và kinh tế cấp thế giới cũng như một nước lớn có nền quân sự không ngừng trỗi dậy, bành trướng.

Nhưng một phương diện khác, ĐCSTQ cũng đối mặt với một số vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Dưới đây là 5 vấn đề lớn mà ĐCSTQ không cách nào che giấu được.

Vấn đề Hồng Kông cần giải quyết cấp bách

Hoạt động đấu tranh đòi dân chủ và tự do của người dân Hồng Kông đã kéo dài liên tiếp 4 tháng qua, và không có dấu hiệu dừng lại. Ông James Jay Carafano cho rằng, mặc dù giá nhà đất đắt đỏ tại Hồng Kông đã khiến thế hệ thanh niên Hồng Kông phải mang theo gánh nặng trên lưng, khiến họ ngày càng bất mãn, nhưng đây không phải là nguyên nhân khiến họ phải bước ra đường và tiếp tục kháng nghị. Điều ăn sâu vào trong tâm của người kháng nghị chính là nỗi lo sâu sắc của họ: Cánh tay u ám của Bắc Kinh sẽ xâm phạm tự do chính trị và tự do kinh tế của họ.

Chính quyền này tiếp tục phá hoại tính hoàn chỉnh của “Luật Cơ bản”, luật này yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng tự do của người dân Hồng Kông. Ông James Jay Carafano cho biết, các hoạt động kháng nghị của Hồng Kông đang nhắc nhở thế giới: Trung Quốc (ĐCSTQ) không hề thực hiện cam kết của họ. Điều này khiến cho ĐCSTQ đối mặt với áp lực tổn hại danh tiếng.

Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ

ĐCSTQ đã giam giữ hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi trong các trại giam được giám sát nghiêm ngặt. Ông James Jay Carafano nói, cách làm tàn khốc này khiến cho ĐCSTQ bị liệt vào một trong những chính quyền đàn áp tôn giáo và nhân quyền trên toàn cầu.

Ông cho biết, hành vi này của ĐCSTQ đã khiến hình tượng của họ bị ô uế hơn. Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gần đây, Tổng thống Mỹ Trump đã chủ trì một hội nghị liên quan đến bức hại tôn giáo, lên án những kẻ bức hại tôn giáo, và kêu gọi tôn chính quyền bức hại tôn giáo thả những tù nhân lương tâm; xóa bỏ luật hạn chế tôn giáo và tự do tín ngưỡng; bảo vệ nhóm người yếu thế, tay không tấc sắt và người bị bức hại.

Tháng 7 năm nay, 22 quốc gia đã đệ trình thư chung lên Liên Hiệp Quốc, yêu cầu ĐCSTQ tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản, bao gồm tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Ông James Jay Carafano nói, rất nhiều người đã nhận thức một cách tỉnh táo rằng, ĐCSTQ lâu nay đã bố trí một cách có hệ thống người của họ vào trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, mục đích rõ ràng của họ chính là lợi dụng các cơ quan của Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy các chính sách mà ĐCSTQ chú trọng.

Ông trích dẫn lời của đồng nghiệp tại Quỹ Di sản đồng thời là chuyên gia tại Liên Hiệp Quốc Brett Schaefer nói, ĐCSTQ đang dịch chuyển kết quả công tác của Liên Hiệp Quốc sang “các việc ưu tiên và ý thức hệ có lợi cho ĐCSTQ”. Cách làm xấu xa này đang khiến toàn cầu chú ý, và khiến nhiều nước xa lánh họ.

Bốn cỗ máy ma quỷ” ĐCSTQ dùng để giết người trong 70 năm cầm quyền

Toàn cầu bắt đầu nhận thức được bộ mặt thật của “Một vành đai, một con đường”

ĐCSTQ lâu nay vẫn coi dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của “Một vành đai, một con đường” là một món quà cho toàn thế giới, và toàn lực thúc đẩy, gắn mác là giúp đỡ các nước cùng chia sẻ sự phồn vinh của Trung Quốc. Nhưng ông James Jay Carafano nói, cách nói này đúng là hoang đường, “Một vành đai một con đường” ngày càng giống chủ nghĩa đế quốc kinh tế.

Theo nhiều nghiên cứu trong nhiều năm qua, ít nhất 13 quốc gia tại châu Á, châu Phi và châu Âu đang lún sâu vào nợ nước ngoài và có thể dẫn đến khủng hoảng vì dự án “Một vành đai, một con đường” này. Trong đó, ĐCSTQ cho Sri Lanka vay tiền để phát triển cảng Hambantota, do Sri Lanka không thể trả nợ được, nên tháng 12/2017 đã chính thức cho ĐCSTQ thuê cảng chiến lược này và diện tích 15.000 mẫu Anh xung quanh cảng trong thời hạn 99 năm để trả nợ. Hành động này của Sri Lanka đã dẫn đến nhiều chỉ trích và kháng nghị trong nước, người kháng nghị cho biết chủ quyền quốc gia đã bị xâm phạm.

Các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ đã lên án “Một vành đai, một con đường” thực chất chính là “bẫy nợ”. ĐCSTQ lợi dụng các khoản nợ không thể trả được của các nước đang phát triển, nhân cơ hội để kiểm soát chính trị và tài nguyên chiến lược của các nước.

Ông James Jay Carafano cho biết, ngày càng có nhiều quốc gia cảnh giác với “Một vành đai, một con đường”, và đang ngăn chặn các khoản đầu tư liên quan. Một số quốc gia khác cũng đang thông qua việc tăng cường đầu tư từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước khác để cân bằng với đầu tư hiện có của Trung Quốc tại quốc gia của mình.

Ông chỉ ra, không chỉ “Một vành đai, một con đường” khiến cho toàn cầu nghi ngờ về hoạt động kinh tế của Trung Quốc (ĐCSTQ), mà còn các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc giống như Huawei cũng ngày càng bị các nước phương Tây coi là công cụ của ĐCSTQ, chứ không chỉ đơn thuần coi họ là công ty bán ra các sản phẩm để kiếm tiền nữa.

Ông James Jay Carafano cho rằng, danh tiếng về hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã bị tổn hại, ĐCSTQ muốn trách thì chỉ có trách chính bản thân họ. ĐCSTQ không hề đưa ra một phương án thay thế cho hệ thống thị trường tự do, mọi thứ họ làm đều là đang đang thể hiện ra họ “làm thế nào để trở thành kẻ dối trá lớn nhất trên thế giới”, thông các hành vi qua đánh cắp sở hữu trí tuệ, hủ bại và thương mại không công bằng, hàng rào phi thuế quan để lợi dụng thị trường.

Vấn đề kinh tế Trung Quốc đang chững lại

Nhà phân tích Kinh tế Riley Walters của Quỹ Di sản đã tiến hành tổng kết về kinh tế quốc gia của ĐCSTQ. Kết quả cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn luôn chững lại. Mặc dù Trung Quốc đã trải qua 20 năm tăng trưởng thương mại và đầu tư, nhưng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ đình trệ trước khi đạt đến trạng thái thu nhập cao. Cùng với việc ĐCSTQ đối mặt với tình trạng già hóa dân số, nhiều khoản nợ và ít đồng minh kinh tế, kinh tế Trung Quốc cần phải nhanh chóng cải cách.

Nói cách khác, ĐCSTQ từng dựa vào các chính sách kinh tế như đánh cắp, lừa gạt đã không còn hợp thời nữa. Họ sẽ không còn tiếp tục dựa vào đánh cắp, lừa dối và bắt nạt để đánh thông con đường hướng đến kinh tế thế giới. Điều này có nghĩa là Trung Quốc (ĐCSTQ) không lâu nữa sẽ phải đưa ra lựa chọn đầy khó khăn.

Ông Riley Walters cho rằng, nếu ĐCSTQ muốn giữ tăng trưởng kinh tế, cuối cùng sẽ buộc phải chọn cải cách thị trường tự do và thương mại công bằng, trong khi những điều này vẫn luôn bị ĐCSTQ tích cực áp chế.

Liệu có thể tiếp tục dùng mô thức thống trị hiện tại?

Ông James Jay Carafano nói, nếu ĐCSTQ tiếp tục dùng phương thức thống trị hiện tại để thống trị Trung Quốc 70 năm nữa, vậy thì đó sẽ là kết cục đau buồn. Thực tế đáng buồn là, đồng minh của họ sẽ ngày càng ít, nguồn tài chính sẽ ngày càng ít, quyền lực cũng sẽ ngày càng ít.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/30749-5-van-de-dcstq-kho-che-giau-sau-man-duyet-binh-hoanh-trang.html

 

TQ chỉ trích Mỹ trừng phạt ‘vô căn cứ’

Trung Quốc cho rằng việc Mỹ trừng phạt 28 thực thể của họ với cáo buộc ngược đãi người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương là “vô căn cứ”.

“Không có thứ gọi là ‘các vấn đề nhân quyền’ như Mỹ tuyên bố. Những cáo buộc này chỉ là cái cớ để họ can thiệp vào nội bộ Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay nói, đề cập tới việc Bộ Thương mại Mỹ hôm 7/10 liệt 28 thực thể của họ vào danh sách đen.

Các thực thể, gồm Sở Công an khu tự trị Tân Cương, 19 cơ quan trực thuộc chính quyền và 8 công ty, sẽ bị cấm mua sản phẩm Mỹ. Washington cáo buộc 28 thực thể này liên quan tới hành vi “vi phạm nhân quyền và ngược đãi” trong “chiến dịch đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Mỹ “sẽ không dung thứ cho sự đàn áp tàn bạo với các nhóm thiểu số ở Trung Quốc”. Trong khi đó, Bắc Kinh bày tỏ “sự bất mãn mạnh mẽ và kịch liệt phản đối” lệnh trừng phạt mới, đồng thời bảo vệ chính sách của họ ở khu vực biên giới phía tây.

Quyết định liệt các cơ quan và công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của Mỹ đưa ra trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng vì nhiều vấn đề, đặc biệt là chiến tranh thương mại. Nhà Trắng hôm qua thông báo các cuộc đàm phán giữa hai nước sẽ bắt đầu lại vào ngày 10/10. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã giam hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác trong những “trại cải huấn chính trị” ở Tân Cương. Một số người nói rằng họ thậm chí bị tra tấn tại đây.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần khẳng định họ lập ra các trung tâm đào tạo nghề nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan trong khu vực, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập với xã hội. Trong sách trắng công bố hồi tháng ba, chính phủ khẳng định Tân Cương là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và sẽ mạnh tay trấn áp chủ nghĩa khủng bố theo đúng luật pháp.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/30770-tq-chi-trich-my-trung-phat-vo-can-cu.html

 

Chuyên gia Mỹ:

TQ xây đập trên Mekong không để lấy điện

Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho rằng Trung Quốc trữ nước cho tương lai bằng các đập thủy điện.

“Năm 2018, có tình trạng lãng phí điện ở các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong. Tại tỉnh Vân Nam, do không có điện lưới đến phía đông Trung Quốc, lượng điện lãng phí lớn gấp hai lần tổng lượng điện mà cả Thái Lan tiêu thụ”, Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, nói trong hội thảo “Tác động từ những chính sách của Trung Quốc đối với sông Mekong” sáng nay tại Hà Nội.

Hội thảo do Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VCES) và Quỹ Friedrich Naumann Việt Nam tổ chức.

Theo Eyler, lượng điện ở một số dự án không được đưa ra thị trường do các khách hàng ưu tiên mua điện từ các nhà máy sản xuất từ than. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục xây các đập thủy điện trên sông Mekong. Ở thượng nguồn Mekong, trong tổng số 19 đập thủy điện, Bắc Kinh đã hoàn thành 11 đập.

Eyler dự đoán trong khoảng ba thập kỷ tới, Trung Quốc có thể phải đối diện với tình trạng thiếu nước ngọt do băng tan trên dãy Himalaya sẽ cạn dần. Trung Quốc còn đang tìm cách khơi nguồn nước chảy sang sông Dương Tử.

“Vì sao Trung Quốc vẫn xúc tiến kế hoạch xây đập? Tôi cho rằng Bắc Kinh đang muốn tích trữ nước cho tương lai”, ông nói.

Chuyên gia của Trung tâm Stimson nhấn mạnh các đập thủy điện trên sông Mekong không những cắt giảm lượng nước xuống hạ nguồn, mà còn làm giảm dòng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông. Mekong được coi là nơi có nhiều cá nhất trên đất liền, với tổng lượng khoảng 2,6 triệu tấn.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, mùa hè năm 2019 chứng kiến tình trạng hạn hán nặng. Tuy nhiên, khi đó Trung Quốc đã giữ lại nước ở đập Cảnh Hồng, thay vì xả nước.

“Đó là một quyết định tồi tệ”, Eyler nói.

Chuyên gia này đánh giá việc Trung Quốc xả nước trong mùa khô là điều vô cùng quan trọng. Các nước ở hạ nguồn cần có thỏa thuận với Bắc Kinh để đảm bảo dòng chảy của sông Mekong liên tục, nhất là trong mùa khô.

Eyler cho biết thêm việc thiếu nước từ thượng nguồn cùng với sự xâm mặm của nước biển đang đe dọa sẽ mất đất. Ước tính cứ mỗi mét nước biển dâng sẽ làm mất 30% đất.

“Tôi dự báo đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn mất nhiều đất”, Eyler nói. Ông cũng nhắc đến tình trạng sụt lún.

Ở hạ nguồn Mekong, ước tính có khoảng 400 đập thủy điện sắp được xây dựng, trong đó Lào sẽ xây 300 đập. Trung Quốc tham gia với tư cách nhà đầu tư của các dự án này, cùng với Thái Lan.

Eyler gợi ý cơ chế Lan Thương – Mekong cần được sử dụng để bàn về điều tiết nước từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Cơ chế hợp tác này được hình thành từ tháng 11/2015, gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Sông Mekong chảy qua 6 nước nói trên, đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương.

“Việt Nam cần lưu ý thảo luận giảm lũ với Trung Quốc vì Đồng bằng sông Cửu Long cần có lũ để phát triển. Trong khi Campuchia và Lào lại không cần”, Eyler nói. Ông đánh giá an ninh nguồn nước là vấn đề thuộc về nỗ lực ngoại giao và nó không dễ dàng.

Với các đập thủy điện ở hạ nguồn, Eyler cho biết Việt Nam có thể hợp tác với Lào và Campuchia điều chỉnh theo hướng giảm số lượng đập thủy điện. Trong khi Thái Lan không tham gia hợp đồng xây mới hay mua điện từ Lào và Campuchia, Việt Nam trở thành khách hàng chính. Từ đó, Việt Nam có thể “đặt hàng” để Lào và Campuchia phát triển các năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hóa sinh.

Đề cập đến việc Việt Nam có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, Eyler cho rằng Việt Nam nên chú trọng hợp tác với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

“Khi thành công với các mô hình kinh tế đó, các nước như Lào, Campuchia, Myanmar sẽ chú ý đến hợp tác với Việt Nam”, Eyler gợi ý.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/30768-chuyen-gia-my-tq-xay-dap-tren-mekong-khong-de-lay-dien.html

 

TQ sẽ thành cường quốc số một

khi họ độc chiếm được Biển Đông

Đã từ lâu Trung Quốc xác định muốn trở thành cường quốc số một Thế giới thì phải trở thành quốc gia mạnh về biển. Bắc Kinh đã bằng mọi biện pháp để dần dần làm chủ tuyến đường biển nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trong thực tế một phần hàng hoá của Mỹ đến Ấn Độ, các nước Tây Á, Đông Âu, 80% hàng hoá của Nhật, 90% hàng hoá của Hàn Quốc là hai nước đồng minh thân cận của Mỹ đều phải đi qua Biển Đông. Hơn nữa các hạm đội của Mỹ ở Ấn Độ Dương và khu vực Trung Á cần phải liên kết hỗ trợ nhau với hạm đội Thái Bình Dương đều phải kết nối qua Biển Đông.

Vì thế Trung Quốc đã quyết phải chiếm và bồi đắp bằng được các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc chiếm được từ Việt Nam.

Hiện tại Trung Quốc đã xây dựng đảo Phú Lâm thành căn cứ quân sự, các máy bay cất cánh từ Phú Lâm đã có thể khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông. Trung Quốc bồi đắp và xây dựng xong 3 sân bay có đủ điều kiện cho các máy bay quân sự hiện đại nhất ở ba đảo: Chữ Thập, Vành Khăn, Su Bi thuộc quần đải Trường Sa. Như vậy với hệ thống căn cứ quân sự và các sân bay trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì tàu và máy bay Trung Quốc đã hoàn toàn khống chế Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc. Hơn thế nữa, Trung Quốc không chỉ khống chế con đường hàng hải qua Biển Đông mà họ sẽ còn tuyên bố vùng nhận dạng hàng không buộc máy bay của Mỹ và các nước đồng minh muốn bay qua khu vực này phải xin phép Trung Quốc.

Chính vì tầm quan trọng của Biển Đông mà Mỹ đã coi Biển Đông là vùng lợi ích tối cao của Mỹ. Còn Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Vì thế Trung Quốc đã bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế quyết phải chiếm bằng được các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam biến các đảo này thành căn cứ quân sự quan trọng. Còn Mỹ cũng đang kiên quyết kêu gọi các nước cùng lên tiếng phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc, và Mỹ cũng trực tiếp gia tăng hoạt động của các tàu quân sự ở khu vực này.

Không chỉ trên Biển Đông mà Trung Quốc còn đang thực hiện việc xây dựng các căn cứ quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương, cái mà Trung Quốc gọi là “Chuỗi ngọc trai” nhằm khống chế nốt con đường hàng hải trên Ấn Độ Dương.

Để đáp lại hành động của Trung Quốc thì Mỹ và Ấn Độ đang hợp tác để xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đang cố vươn lên thành cường quốc số một, ngoài việc phát triển kinh tế thì còn phát triển quân sự, và họ sẽ thành công khi khống chế được con đường hàng hải từ Thái Bình Dương qua Biển Đông để nối với Ấn Độ Dương. Có người đã dự báo Trung Quốc sẽ thành công vào năm 2020. Đây là một thách thức lớn đối với Mỹ, Ấn Độ và các nước khác.

http://biendong.net/dam-luan/30772-tq-se-thanh-cuong-quoc-so-mot-khi-ho-doc-chiem-duoc-bien-dong.html

 

“Chủ nghĩa bành trướng độc đoán” của TQ

Tại một diễn đàn về hợp tác giữa các nước ở Thái Bình Dương, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu tuyên bố: Trung Quốc đang thực thi “chủ nghĩa bành trướng độc đoán” ở Thái Bình Dương.

Thông tin này được hãng Reuters loan đi hôm 7/10. Ông Joseph Wu đã công bố nhiều cứ liệu về kế hoạch hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Quần đảo Solomon và Kiribati -hai quốc gia ở vùng biển Thái Bình Dương mà.Mới đây hai quốc gia này đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và ngả sang Bắc Kinh.

Lí do mà Bắc Kinh truyên bố “ôm” hai quốc gia là: Đài Loan chỉ là một tỉnh trực thuộc Trung Quốc, do đó không có quyền thiết lập quan hệ cấp nhà nước với nước ngoài.

Hiện Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị cho việc mở lại trạm radar ở Kiribati và xây dựng một căn cứ hải quân ở tỉnh Western thuộc Quần đảo Solomon. Đây là điều khiến cho Đài Bắc phản ứng dữ dội. Ngoại trưởng Đài Loan nói: “Từ quan điểm chiến lược dài hạn, những người bạn và đối tác cùng chí hướng nên thực sự lo lắng rằng, liệu Thái Bình Dương có còn tự do và rộng mở hay không, và liệu các tác nhân chính có tuân theo trật tự dựa trên luật pháp quốc tế hay không?”.

Đài Loan hiện có quan hệ ngoại giao chính thức với 15 quốc gia. Tuy nhiên, nước này đang ngày càng suy yếu về ngoại giao, quân sự, do số lượng các đồng minh ở Thái Bình Dương giảm mạnh, chỉ còn bốn nước: Palau, Quần đảo Marshall, Tuvalu và Nauru.

Không thể chịu cảnh “vừa trói vừa đánh khen hay chịu đòn”, Đài Bắc kêu gọi các nước hãy lên án mạnh mẽ các động thái của Trung Quốc. Bắc Kinh đang dốc sức kiềm chế, làm giảm bớt sự hiện diện của Đài Loan tại Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Đài Loan nói: “Tôi chắc chắn không muốn chứng kiến Thái Bình Dương biến thành một Biển Đông khác. Một ngày kia chúng ta sẽ thở dài than rằng đã quá muộn để làm bất cứ điều gì”.Nói điều này ông Joseph Wu muốn nhắc đến các động thái của Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo và các rạn san hô trong vùng lãnh hải đang có tranh chấp.

Không hiểu cái chính sách đa quốc gia một chế độ của Trung Quốc “hiện đại, nhân văn” thế nào mà từ Hồng Công đến Đài Loan đều muốn thoát ra khỏi vòng tay tưởng êm ái mà đầy gai của Bắc Kinh? Đến

những người anh em trong nhà mà Trung Nam Hải còn lấn lướt như thế hỏi làm sao họ không bắt nạt các nước khác ở Biển Đông để nhắm tới âm mưu chiếm hết khu vực này, trở thành bá chủ thế giới.

Mấy hôm nay ở Việt Nam đang lan đi một nguồn tin, nhiều nhà trí thức,nhà chiến lược,tướng lĩnh quân đội, công an đã tổ chức một cuộc tọa đàm bàn về hành động cướp biển ở bãi Tư Chính. Các học giả cũng kiến nghị phải sớm kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Vụ kiện này Hà Nội nắm chắc phần thắng. Nếu để mất Tư Chính Việt Nam sẽ mất tất các đảo.

Tình hình thế giới, cùng với những làn sóng chống lại nhà cầm quyền Bắc Kinh ở Đài Loan, Hồng Công trong lúc này đang là thời cơ thuận lợi cho Việt Nam khởi kiện Trung Quốc, cũng như có những hành động cứng rắn hơn về ngoại giao và quân sự

http://biendong.net/dam-luan/30766-chu-nghia-banh-truong-doc-doan-cua-tq.html

 

Công ty Anta Sports Của Trung Cộng

tuyên bố tạm dừng gia hạn hợp đồng NBA

Tin từ Bắc Kinh, Trung Cộng – Vào hôm Thứ Ba (8/10), công ty ANTA Sports Products của Trung Cộng cho biết họ sẽ dừng đàm phán gia hạn hợp đồng với Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA), bổ sung tên vào danh sách các công ty Trung Cộng cắt đứt quan hệ với hiệp hội bóng rổ này.

Theo Reuters, các nhà tài trợ Trung Cộng cắt đứt quan hệ với Hiệp Hội Bóng Rổ Hoa Kỳ, sau một bài đăng ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông trên Twitter của tổng giám đốc Houston Rockets Daryl Morey. Ông này đã nhanh chóng xóa bài đăng này vào cuối tuần qua. Trong một tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo, Anta cho biết công ty này phản đối mọi hành động gây tổn hại đến lợi ích của Trung Cộng, và bất mãn với những bình luận của các giám đốc điều hành Houston Rockets và NBA. Công ty này không cung cấp thông tin chi tiết về bản chất của hợp đồng đang được đàm phán.

Anta có hợp đồng với một số cầu thủ NBA, bao gồm cả Klay Thompson của Golden State Warriors, và Gordon Hayward của Boston Celtics. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cong-ty-anta-sports-cua-trung-cong-tuyen-bo-tam-dung-gia-han-hop-dong-nba/

 

TQ nhắm hạn chế visa

đối với người Mỹ dính dáng đến ‘chống TQ’

Trung Quốc đang lên kế hoạch siết chặt hạn chế visa đối với công dân Hoa Kỳ có mối liên hệ với các nhóm chống Trung Quốc, những người nắm thông tin về chủ trương này cho biết, không lâu sau khi Hoa Kỳ có những hạn chế tương tự đối với công dân Trung Quốc, giữa lúc quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi.

Bộ Công an Trung Quốc trong nhiều tháng qua đã soạn các quy định để hạn chế khả năng đi đến Trung Quốc của bất kỳ ai là nhân viên hoặc nhận tài trợ của các cơ quan tình báo và các nhóm nhân quyền Mỹ.

Những thay đổi dự kiến này được nêu ra sau khi hồi tháng 5 Mỹ đưa ra các quy định visa chặt chẽ hơn đối với các học giả Trung Quốc.

Một trong những nguồn tin cho biết, việc Mỹ hôm thứ Ba 8/10 công bố các quy định mới về hạn chế visa đối với các quan chức chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà Mỹ cho là phải chịu trách nhiệm về việc giam giữ hoặc xâm hại người thiểu số Hồi giáo, đã càng làm cho Trung Quốc có thêm lý do để đặt ra các quy định hạn chế mới bên phía họ.

“Đây không phải là điều chúng tôi muốn làm nhưng chúng tôi dường như không có sự lựa chọn nào khác”, nguồn tin cho biết.

Các quy định mới của Trung Quốc sẽ yêu cầu lập ra danh sách các tổ chức và nhóm nhân quyền dính líu đến quân đội Mỹ và CIA, và nhân viên của các nhóm, tổ chức đó sẽ bị đưa vào danh sách đen về visa, theo các nguồn tin không muốn nêu danh tính.

“Các kế hoạch đã được các sĩ quan cảnh sát cấp cao thảo luận rộng rãi trong những tháng gần đây, nhưng khả năng áp dụng trở nên cao hơn sau khi nổ ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong và có lệnh cấm visa của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc”, một nguồn tin cho biết thêm.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-co-ke-hoach-han-chi-visa-doi-voi-nguoi-my-dinh-dang-den-chong-tq/5116744.html

 

Philippines muốn

cùng Nga khai thác dầu khí ở Biển Đông

Philippines hy vọng Nga trở thành đối tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng các nhà quan sát nói rằng Tổng thống Rodrigo Duterte cũng phải chú ý quan hệ Trung – Nga đang thân thiết nên Moscow không muốn làm mất lòng Bắc Kinh.

Trong một động thái có thể làm phức tạp thêm tình hình ở một trong những tuyến đường thủy bận rộn và giàu tài nguyên nhất thế giới, Tổng thống Philippines đã mời tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft của Nga cân nhắc về một thỏa thuận thăm dò dầu khí Biển Đông.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), lời mời được đưa ra trong chuyến thăm Nga của ông Duterte vào tuần trước khi ông gặp các lãnh đạo của Rosneft, trong đó có giám đốc điều hành Igor Sechin.

“Tổng thống đã mời Rosneft, đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí Nga đầu tư vào Philippines, nhất là mảng dầu khí. Tổng thống đảm bảo với các lãnh đạo Rosneft rằng sự đầu tư của họ ở Philippines là an toàn, và ông sẽ không dung thứ cho nạn quan liêu tham nhũng”, Salvador S. Panelo, người phát ngôn kiêm cố vấn pháp lý của tổng thống Duterte cho biết hôm thứ Năm (3/10).

Trước đó, Đại sứ Philippines tại Nga, ông Carlos Sorreta nói rằng các công ty năng lượng Nga quan tâm đến khai thác dầu khí ở Philippines, và bất kỳ thỏa thuận nào với Nga sẽ không gây tổn thất cho quyền lợi của Manila tại Biển Đông.

Trang tin điện tử Rappler.com dẫn lời ông Sorreta: “Họ sẵn sàng tuân thủ luật pháp của chúng ta. Họ không đòi chủ quyền. Nếu họ đến thì đấy hoàn toàn là sự công nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và quyền khai thác tài nguyên của chúng ta”.

Kể từ tháng Bảy, vai trò của các công ty dầu khí Nga ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý quốc tế. Tàu Trung Quốc và Việt Nam đối đầu khi tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) đến bờ biển Việt Nam, tàu Trung Quốc cản trở hoạt động của giàn khoan dầu của Việt Nam và Rosneft gần Bãi Tư Chính, rạn san hô mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.

Cũng theo SCMP, là đối tác với Trung Quốc, Nga giữ vị thế trung lập trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tổng thống Vladimir Putin công khai đứng về phía Trung Quốc, đặt dấu hỏi về giá trị của phán quyết năm 2006 của Tòa án trọng tài Hague ở Hà Lan ủng hộ chủ quyền của Philippines cho phép Manila toàn quyền khai thác nguồn tài nguyên dầu khí.

Bắc Kinh cảnh báo Việt Nam từ bỏ các dự án thăm dò với các công ty nước ngoài mà họ nói rằng đe dọa chủ quyền Trung Quốc. Dưới áp lực của Bắc Kinh từ năm ngoái, Hà Nội đã ngừng khoan dầu khí với đối tác Tây Ban Nha là công ty Repsol. Theo SCMP, có suy đoán rằng, Việt Nam vận dụng chiến lược hợp tác với các cường quốc như Nga về dầu khí Biển Đông nhằm đối trọng với Bắc Kinh.

Chuyên gia Đông Nam Á Zhang Mingliang đến từ Đại học Tế Nam, Quảng Châu nói rằng: “Trung Quốc sẽ không đối xử với dự án thăm dò dầu khí của Nga giống như cách họ đối xử với công ty Tây Ban Nha”. Ông Zhang cho rằng, các cuộc tuần tra của tàu Hải Dương 8 và các tàu Trung Quốc gần các hoạt động của Rosneft có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang theo dõi Nga trong khu vực.

Còn Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông, Vladivostok, Nga, nói rằng, các quan chức chính phủ Nga, Rosneft và Gazprom (hai công ty năng lượng hàng đầu đều có dự án liên doanh với Việt Nam) đều kín tiếng về hoạt động của họ ở vùng biển Việt Nam: “Điều đó cho thấy Moscow có vài quyền lợi ở Biển Đông, nên họ sẽ nỗ lực bảo vệ, thậm chí điều đó khiến Bắc Kinh khó chịu”.

Nhưng ông Lukin cũng nghi ngờ liệu Nga có muốn phá hỏng quan hệ với Trung Quốc hay không: “Dù là một điểm bất đồng giữa Bắc Kinh và Moscow, hoạt động của các công ty Nga ở Biển Đông không thể gây bất ổn cho mối quan hệ chiến lược Nga – Trung vốn rất quan trọng, và Moscow – Bắc Kinh đều cần hỗ trợ nhau ở những vấn đề lớn hơn”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/30789-philippines-muon-cung-nga-khai-thac-dau-khi-o-bien-dong.html

 

Philippines tìm ra cách khắc chế

tham vọng của TQ ở Biển Đông?

Việc sở hữu hệ thống HIMARS sẽ giúp Philippines kiềm chế hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng Manila vẫn cần phải tính toán kỹ về khả năng này.

Mỹ và Philippines đã thảo luận về khả năng quân đội Philippines mua Hệ thống Pháo Phản lực Cơ động cao (HIMARS) – một hệ thống được Mỹ và nhiều quốc gia khác đang sử dụng, theo South China Morning Post.

Phân tích của  chuyên gia Michael Peck trên The National Interest nhận định, nếu được triển khai, hệ thống này có thể tấn công các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để bồi đắp ở quần đảo Trường Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND] trên Biển Đông.

Đe dọa trực tiếp các đảo nhân tạo ở Biển Đông

HIMARS là hệ thống pháo đa nòng có trọng lượng nhẹ hơn, tính cơ động cao hơn hệ thống pháo phản lực đa nòng (MLRS) M270 hiện cũng đang được quân đội Mỹ sử dụng. HIMARS có thể phóng rocket với tầm bay 70km và tên lửa đạn đạo có GPS dẫn đường tầm bắn 300km.

Hiệu quả của hệ thống HIMARS là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, cái khó trong thương vụ này chính là việc Philippines không có nhiều kinh phí. Tờ South China Morning Post cho biết, hai bên chưa thể đạt được thỏa thuận vì HIMARS dường như quá đắt đỏ trong khi ngân sách quốc phòng của Philippines lại eo hẹp.

Chính xác thì hệ thống HIMARS có giá bao nhiêu? Nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin từ chối đưa ra chi phí ước tính, thay vì thế, tập đoàn này chuyển câu hỏi cho Bộ Chỉ huy Hàng không và Tên lửa Bộ binh Mỹ nhưng đơn vị này cũng không hồi đáp câu hỏi của The National Interest. Chi phí của HIMARS được phân chia làm 2 phần là bệ phóng chính và các loại đạn tùy chọn, bao gồm: tên lửa dẫn đường và không dẫn đường, hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa (ATACMS), tên lửa tầm xa và tên lửa tấn công chính xác.

Theo ước tính, chi phí một quả tên lửa dẫn đường sử dụng cho hệ thống HIMARS có giá khoảng 100.000 đến 200.000 USD còn một ATACMS có giá trên 700.000 USD. Cũng có thể tìm hiểu về giá trị của HIMARS thông qua một manh mối khác khi gần đây Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 414 triệu USD cho 18 hệ thống HIMARS kèm theo cam kết hỗ trợ và đào tạo nhân lực. Với ngân sách quốc phòng năm 2019 chỉ ở mức 3,4 tỷ USD thì giao dịch mua HIMARS số lượng lớn sẽ là vấn đề hóc búa đối với Philippines.

Nói như vậy nhưng cũng cần phải thấy rằng, HIMARS vẫn là lựa chọn rẻ hơn nhiều so với việc mua tên lửa hành trình Tomahawk (mỗi quả tên lửa loại này có giá khoảng 1,4 triệu USD). Thêm nữa, Philippines cũng đã từng có trải nghiệm HIMARS trên thực tế, khi hệ thống này được Thủy quân lục chiến Mỹ triển khai trên đất Philippines trong cuộc tập trận chung Balikatan giữa hai nước hồi năm 2016.

Collin Koh Swee Lean, một nhà phân tích quốc phòng Singapore, nói với tờ South China Morning Post rằng, Philippines có thể triển khai HIMARS tại hai địa điểm, một trong số đó nằm ở Palawan. Nếu ở được triển khai ở đây, HIMARS sẽ đặt tiền đồn Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn trong tầm ngắm.

Theo Collin Koh Swee Lean, một địa điểm khác Philippines có thể triển khai HIMARS là đảo Thị Tứ [hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Philippines chiếm giữ – ND] nhưng hòn đảo này cũng rất dễ bị tổn thương trước các cuộc không kích và tấn công tên lửa của phía Trung Quốc bởi nó cách đá Subi – nơi Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trên đó chỉ khoảng 22km.

Philippines vẫn phải cân nhắc

Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines nhận định, giá thành rẻ hơn so với các loại vũ khí khác làm cho HIMARS trở nên hấp dẫn. Ý tưởng mua các hệ thống HIMARS có thể là một trong số ít các lựa chọn khả thi để đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo và tiếp tục có những hành động khiêu khích ngày càng gia tăng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Batongbacal nói rằng ông không nhận thấy khả năng Philippines sớm sở hữu hệ thống HIMARS bởi nước này vẫn e ngại phản ứng từ phía Trung Quốc.

Brian Harding, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington đồng ý với nhận định này khi cho rằng sẽ khó có sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong tương lai gần. Bên cạnh giá cả cạnh tranh, ông Duterte chắc chắn sẽ thấy việc sở hữu HIMARS là quá khiêu khích đối với Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông Harding tin rằng, cái khó ở đây không có nghĩa là khả năng Philippines sở hữu HIMARS không bao giờ thành hiện thực. Ngay cả khi ông Duterte không đột ngột thay đổi chính sách với Trung Quốc thì chính sách đối ngoại của Philippines vẫn có thể thay đổi đáng kể khi nước này có một Tổng thống mới vào năm 2022. Một Tổng thống mới hoàn toàn có thể sẽ tìm cách thúc đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) song phương để mở rộng đường cho Mỹ triển khai các hệ thống như HIMARS ở Philippines.

“Trên thực tế, điều đáng quan tâm hơn không phải việc Philippines sở hữu các tên lửa mà là hệ thống tên lửa do Mỹ vận hành trên đất Philippines. Tôi cho rằng, các nhà quan sát không nên chỉ nghĩ đến những năng lực mà Philippines hiện có”, ông Harding cảnh báo. “EDCA cho phép Mỹ triển khai hệ thống của mình một cách luân phiên, tạo điều kiện để đưa các thiết bị tối tân tới bố trí trong khu vực nếu được các nhà lãnh đạo cho phép”

http://biendong.net/bi-n-nong/30784-philippines-tim-ra-cach-khac-che-tham-vong-cua-tq-o-bien-dong.html