Huyền thoại – Dân chủ & Trung Cộng
Lời nói đầu: Chủ nghĩa Cộng sản đã chết tại Trung cộng. Tập đoàn Trung cộng đang nuốt dần thế giới. Trung cộng đang vượt qua Hoa kỳ. Dân Trung hoa chỉ giỏi bắt chước. Trung cộng bị ô nhiễm khủng khiếp, và đang khuynh đảo Phi Châu. Mao là một tên đồ tể. Chế độ Cộng sản đang bước đến hồi cáo chung. Thế kỷ 21 nằm trong tay Trung cộng, đúng thế không? Marte Kjær Galtung (nữ phân tích gia đặc trách vụ Trung cộng thuộc Bộ Quốc phòng Na-uy) và Stig Stenslie (trưởng ngành Nghiên cứu Á-châu thuộc Bộ Quốc phòng Na-uy) nêu rõ 49 huyền thoại về quá khứ, hiện tại, và tương lai của Trung cộng, và cân nhắc về những sự thật và hư cấu của những huyền thoại. “Văn hóa Trung hoa không phù hợp với nền Dân chủ” là một trong những huyền thoại mà độc giả cần biết rõ.
Nhà nước Trung cộng và một số học giả Tây phương cho rằng một nền dân chủ kiểu phương Tây không thể thực hiện tại Trung cộng. Dân chủ chưa bao giờ là một phần của nền văn hóa Trung hoa. Họ nói, ngay cả chữ “dân chủ” trong tiếng Hán – minzhu – dịch ra là “nhân dân làm chủ”, không bắt nguồn từ truyền thống và triết học chính trị của Trung hoa. Lịch sử Trung cộng đầy dẫy những cuộc cách mạng, và thường là những cuộc nổi loạn của nông dân truất phế bạo chúa nhưng lại không hề mong mỏi thay đổi cơ chế. Một triều đại độc tài này được thay thế bằng một triều đại độc tài khác. Cứ thế tiếp tục mãi.
Một số người cho rằng dân chủ không thích hợp với triết lý Khổng giáo nhấn mạnh đến sự hòa hợp và quy phục. Sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị khác nhau và sự tham gia chính trị rộng lớn là những khái niệm hoàn toàn xa lạ. ” ’Dân chủ Khổng giáo’ rõ ràng là mâu thuẫn về mọi mặt”, nhà khoa học chính trị Mỹ Samuel P. Huntington[1] tuyên bố. Ở phương Tây, các nhà tư tưởng đã trồng các ý tưởng về dân chủ, như François-Marie Voltaire và Jean-Jacques Rousseau, và thách thức các giáo điều độc tài cũng như gia trưởng cũ. Những ý tưởng này là nguồn cảm hứng dẫn đến cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp. Nhưng ở Trung cộng, triết học Nho giáo vẫn uy nghi tồn tại vượt qua mọi thách đố, và người dân Trung cộng vẫn loay hoay mắc kẹt trong một nền văn hóa chính trị phi dân chủ, theo Huntington.[2]
Một số người khác lại cho rằng người dân Trung cộng không đủ trưởng thành để hiểu thấu nền dân chủ, một quan điểm được tuyên truyền sâu rộng trên các tuần báo đảng. Việc mua phiếu được đánh dấu là một vấn đề lớn. Dân nghèo thì nghèo đến mức họ sẵn sàng bán phiếu; người giàu thì giàu đến nỗi họ mua phiếu dễ dàng và trở thành những kẻ hoạt đầu chính trị, công khai ủng hộ đường lối cai trị của đảng và nhà nước ngay sau khi đắc cử. Một blogger nổi tiếng Han Han thậm chí còn tuyên bố rằng còn quá sớm để thực hiện dân chủ tại Trung cộng vì “phẩm chất” (suzhi) của người dân – từ giáo dục đến cách hành xử – chưa đạt đến mức để có thể thực hiện một nhà nước dân chủ.
Cuối cùng, có những người nghĩ rằng nền dân chủ phương Tây không phù hợp vì nó sẽ tạo ra sự hỗn loạn. Từ năm 1988, đảng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm rộng rãi với khẩu hiệu “dân chủ cho dân,” trong các cuộc bầu cử ở cấp địa phương, dẫn đến 1 triệu cuộc bầu cử trong sáu trăm nghìn đơn vị làng xóm; ba triệu đại diện địa phương đã được bầu[3]. Tuy nhiên, ở cấp quốc gia, nhà cầm quyền lại không muốn lối bầu cử tự do rộng rãi như thế. “Xin long trọng tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không sử dụng một hệ thống nhiều đảng thay phiên nắm giữ guồng máy nhà nước,” ông Wu Bangguo (Ngô Bang Quốc) – lúc đó là người nắm quyền lực thứ hai của Trung cộng – trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhân dân tháng 3 năm 2011. Ông cảnh báo rằng với một hệ thống như vậy, “có thể nhà nước sẽ chìm vào vực thẳm của rối loạn nội bộ.”[4] “Nếu Trung cộng bắt chước hệ thống dân chủ nghị viện đa đảng của phương Tây, nó có thể lặp lại xáo trộn và hỗn loạn như đã xảy ra trong cuộc ‘Cách mạng Văn hóa’ khi các phe phái mọc lên khắp nơi,” cơ quan tin tức Tân Hoa Xã nhà nước khuyến cáo trong lễ kỷ niệm lần thứ chín mươi của Đảng Cộng sản.[5] Thay vào đó, đảng kêu gọi “dân chủ trong hoàn cảnh đặc thù,” đó là nền “dân chủ tư vấn”. Trong thực tế, điều này có nghĩa là đảng độc tài tiếp tục lãnh đạo, với sự tán thành của các đảng viên trong nội bộ đảng và sẽ tham vấn nhiều hơn với các nhóm liên quan về những vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, nếu nói rằng nền văn hóa Trung cộng không thích hợp với nền dân chủ thì cần phải thẳng thắn xét lại.
Cần nói ngay một điều, phong trào dân chủ của Trung hoa đã trải qua hơn một thế kỷ, cho dù gặp nhiều trở ngại vẫn duy trì tư tưởng dân chủ. Tác giả Liang Qichao (Lương Khải Siêu) là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào dân chủ ở Trung Hoa. Năm 1895, ông tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên yêu cầu các vua quan nhà Thanh trao quyền cho người dân tham gia chính trị ở Bắc Kinh. Ông dịch những cuốn sách của Rousseau, Thomas Hobbes, John Locke, David Hume, Jeremy Bentham, và các nhà triết học chính trị phương Tây khác sang tiếng Hoa và xuất bản các bài báo – do ông viết – cổ xuý tư tưởng dân chủ, và được các nhà trí thức Trung hoa háo hức đọc. Ngay sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, một số đảng phái chính trị được thành lập. Cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên – và tính đến nay là cuộc bầu cử duy nhất – trong lịch sử Trung hoa diễn ra từ tháng 12 năm 1912 đến tháng 2 năm 1913. Có đến ba trăm đảng và tổ chức tranh cử để bầu cử. Vào thời điểm này, chưa đến 1% người Trung hoa được quyền bầu cử, do những đòi hỏi nghiêm ngặt liên quan đến giới tính, tài sản, và trình độ học vấn. Tuy vậy, cuộc bầu cử này là một kinh nghiệm dân chủ quan trọng. Đảng Quốc gia (Guomindang) đã thắng cử. Từ những năm cuối của triều đại nhà Thanh đến những ngày đầu của thời kỳ Cộng sản, các cuộc bầu cử diễn ra khá thường xuyên ở cấp địa phương, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong một nghiên cứu của luận án tiến sĩ xuất sắc, Joshua Hill cho thấy những cuộc bầu cử này có tác động sâu sắc đến ý thức chính trị của người dân Trung hoa. [6]
Cần hiểu thêm rằng lời kêu gọi dân chủ do Lương Khải Siêu và các nhà trí thức khác khởi xướng cùng vào thời điểm cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bùng dậy mạnh mẽ. Chen Duxiu (Trần Độc Tú) và các sinh viên đứng sau phong trào ngày 4 tháng 5 (thường gọi là Phong trào Ngũ Tứ), được thành lập năm 1919, yêu cầu “tư tưởng Khổng Tử” nhường chỗ cho “tư tưởng Dân chủ” và “tư tưởng Khoa học.” Dân chủ được xem như một mạch sống cho Trung hoa – một sự tiếp nối của “phong trào tự rèn luyện” vào cuối thế kỷ 19.
Ý tưởng về dân chủ tồn tại ngay cả trong thời Mao Trạch Đông, và từ năm 1978 đến 1979 bức tường phía tây của Tử Cấm Thành được mệnh danh là “Bức tường Dân chủ.” Trên bức tường này, bất cứ ai cũng có thể đăng những ý tưởng liên quan đến dân chủ và tự do hóa chính trị. Điều này hầu như được các giới hữu trách chấp nhận, những kẻ đã thử nghiệm hàng loạt cải cách chính trị khác nhau trong suốt thập niên 1980. Năm 1989, cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do bị đột ngột bức tử tại Quảng trường Thiên An Môn, nhưng ngay cả cuộc thảm sát rùng rợn này cũng không thể tiêu diệt tư tưởng và phong trào dân chủ. Điều lệ 08 được công bố ngày 10 tháng 12 năm 2008, kỷ niệm lần thứ sáu mươi Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ. Ngay từ đầu, 303 nhà trí thức Trung hoa đã ký đơn thỉnh nguyện này, kéo theo nhiều người khác tiếp tục ký vào đơn thỉnh nguyện. Họ yêu cầu chính phủ Trung cộng cải thiện tình hình nhân quyền và nới lỏng quyền lực độc quyền của đảng. Người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010 Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), bị nhà cầm quyền lên án công khai là kẻ gây rối đằng sau bản kiến nghị, bị bắt và kết án mười một năm tù vì có “âm mưu lật đổ chính quyền.”
Dân Đài Loan là người Trung hoa, hấp thụ cùng một di sản Nho giáo như người dân ở đại lục, và đất nước này đã trải qua sự phát triển dân chủ thành công. Dường như khó có thể tranh luận về đề tài nền dân chủ về cơ bản không thích hợp với nền văn hóa Trung hoa. Trong một thời gian dài chỉ có một đảng được phép cầm quyền: đảng Quốc gia. Những người bất đồng chính kiến bị đàn áp, và Chiang Kai-shek (Tưởng Giới Thạch) và sau đó là con trai ông, Chiang Ching-kuo (Tưởng Kinh Quốc), thay phiên trị vì làm tổng thống mãn đời. Tuy nhiên, năm 1986, TT Tưởng Kinh Quốc cho phép lập đảng phái, và cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức – dĩ nhiên trong khuôn khổ nhà nước thống trị của đảng Quốc gia. Năm 1996, Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tự do đầu tiên, và năm 2000, Đảng Tiến bộ Dân chủ của phe đối lập chính thức nắm quyền.
Có lý do để lạc quan về tinh thần dân chủ ở Trung cộng. Dân số có một nhận thức mạnh mẽ về công lý, cho dù không nhất thiết phải là nhận thức về dân chủ. Thực tế là tại Trung cộng người ta thấy rất nhiều cuộc biểu tình chống tham nhũng và chống lạm dụng quyền lực hằng năm – ngay cả ở vùng nông thôn[7] – phản ảnh một sự thôi thúc dân chủ tự nhiên. Năm 2011, dân làng Wukan ở tỉnh Quảng Đông nổi loạn chống lại các quan chức đảng địa phương tham nhũng đã tịch thu đất mà không đền bù thích đáng cho người dân. Các quan chức Cộng sản tham nhũng bị loại ra khỏi guồng máy cai trị thuộc làng Wukan. Năm sau, hơn 6500 dân làng – 85 phần trăm – đã bỏ phiếu chọn ra một hội đồng làng mới. Cuộc bầu phiếu bí mật, và một hội đồng độc lập giám sát tiến trình bầu cử. Bất chấp sự ngặn chặn và kiểm duyệt của nhà cầm quyền, sự kiện làng Wukan vẫn được truyền đi xa. Một số làng khác đã bắt chước theo gương của Wukan.
Trung cộng là một quốc gia độc đảng chưa bao giờ có một nền dân chủ. Nỗi sợ hãi về một hỗn loạn đe doạ sẽ xảy ra chắc chắn là điều có thật, không chỉ trong số các nhà lãnh đạo mà còn trong số những người đã trải qua các cuộc xâm lược, biến động, chiến tranh và các chiến dịch chính trị cực đoan xảy ra từ giữa thế kỷ 19 đến nay. Thậm chí nhiều người còn nhận thấy sự phát triển nhanh chóng ở đại lục kể từ năm 1978 là hỗn loạn và khó lường. Nhưng văn hóa Trung cộng về cơ bản không thích hợp với nền dân chủ. Các phong trào dân chủ trước đây, ví dụ như Đài Loan, và những ý tưởng hình thành tại đại lục ngày nay chứng tỏ một tiềm năng dân chủ sôi nổi. Nó có thể được thực hiện tại đại lục trong khuôn khổ một cải cách có kiểm soát của hệ thống độc đảng hoặc theo một mô hình tương tự của Đài Loan – hoặc có thể chẳng có một thay đổi thể chế thực sự nào trong tương lai gần.
Notes
1. Samuel P. Huntington, The Third Wave (Norman: University of Oklahoma Press, 1991), 307.
2. Như trên.
3. Kerry Brown, Ballot Box China: Grassroots Democracy in the Final Major One-Party State (London: Z Books, 2011).
4. “Chinese Leader Rules Out Democracy,” BBC News, 11 March 2011,
5. “China Media: Multi-party System Would Bring Chaos,” Sino Daily, 2 July 2011,
6. Joshua Hill, “Voting as a Rite: A History of Elections in Twentieth Century China” (unpublished PhD diss., Harvard University, 2011).
7. Kevin J. O’Brien and Li Lianjiang, Rightful Resistance in Rural China (Cambridge: Cambridge University Press, 2006).
Lược dịch: