Hồng Kông: Xe điện ngầm tê liệt, sau đêm phản kháng dữ dội chống chính quyền
Cảnh biểu tình phản đối chính quyền ở Hồng Kông, ngày 05/10/2019.REUTERS/Jorge Silva |
Sáng hôm nay, lãnh đạo Hồng Kông thừa nhận: “Bạo lực cực kỳ nghiêm trọng tại tất cả các khu phố của Hồng Kông”, “tất cả mọi người đều rất lo ngại, thậm chí hoảng sợ” sau biến cố vừa qua. Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lên án “những phần tử gây bạo động, mang mặt nạ”.
Theo AFP, biểu tình bùng phát, chỉ vài giờ sau khi chính quyền ban bố sắc lệnh tăng cường trấn áp biểu tình, đặc biệt với lệnh cấm mang mặt nạ. Nhiều đụng độ nổ ra trong đêm giữa người biểu tình và cảnh sát. Nhiều người biểu tình giận giữ đập phá tại trung tâm thành phố, phóng hỏa nhiều trạm xe điện ngầm và một số trung tâm thương mại. Trạm xe điện ngầm tại khu phố Tseung Kwan O, vốn được coi là nơi bình an, cũng bị một số người phản kháng cực đoan phá phách.
Tại một địa điểm gần Hoa lục, một thiếu niên 14 tuổi bị trúng đạn cảnh sát vào chân. Tại quận Yuen Long, cảnh sát đã nổ súng khi xe bị đám đông bao vây.
Sắc lệnh chống mang mặt nạ bị phản kháng dữ dội nói trên dựa vào một công cụ pháp lý có từ gần một thế kỷ trước, rất gây tranh cãi. Việc sử dụng công cụ pháp lý này, tuy giúp chính quyền không phải đưa vấn đề ra trước Nghị Viện, nhưng gây lo ngại sâu sắc trong xã hội dân sự Hồng Kông, trước nguy cơ chính quyền toàn quyền sử dụng bạo lực để trấn áp phong trào đòi dân chủ.
Đặc phái viên Vincent Souriau từ Hồng Kông cho biết cụ thể:
Vickie Lui là một luật sư, chuyên về luật hình sự. Bà tham gia vào một nhóm các luật gia cấp tiến, gần gũi với giới tranh đấu vì dân chủ. Nữ luật sư nói đến tình trạng sai lạc với Hiến pháp : ‘‘Đối với tôi, điều này là hoàn toàn vô ích và đi ngược lại với các nguyên tắc pháp lý. Luật pháp của chúng ta, giống như trong mọi xã hội dân chủ, đều phải là có ích, cần thiết và ở mức độ tương xứng. Trong khi đó, văn bản vừa được ban hành này lại chỉ khiến tình hình tồi tệ thêm và đặc biệt là nó không giúp gì trong hoàn cảnh của Hồng Kông hiện nay”.
Chính quyền Hồng Kông lợi dụng một đạo luật có từ năm 1922 về tình trạng khẩn cấp, để ra quyết định này. Theo luật sư Vickie Lui, văn bản rất mơ hồ này để ngỏ cánh cửa cho việc đàn áp ngày càng nặng nề nhắm vào phong trào phản kháng.
Bà nói: “Cách nói ‘vì lợi ích của Hồng Kông’, được sử dụng trong văn bản này, cho phép người ta giải thích tùy tiện. Chính quyền có thể nói là điều này cho phép họ ngăn chặn việc truy cập một số địa chỉ Internet, cấm một số ứng dụng trên điện thoại di động, như các dịch vụ nhắn tin trên mạng, được sử dụng rất nhiều kể từ đầu phong trào đến nay. Hay áp đặt lệnh thiết quân luật. Và còn nhiều biện pháp khác”.
Hiện tại, đã có hai khiếu nại chống lại các biện pháp khẩn cấp của chính quyền. Xã hội dân sự cho rằng các biện pháp này đi ngược lại “Luật cơ bản”, được coi là Hiến pháp của Hồng Kông. Phía tòa án đang thụ lý hồ sơ này.
Theo RFI