Tin Biển Đông – 01/10/2019
TQ sử dụng tàu cá
để kiểm soát và giám sát trái phép ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Philippines (13/9) cáo buộc Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu cá để phục vụ nhiều mục đích của Bắc Kinh như do thám, tìm kiếm, cứu hộ cũng như hỗ trợ hoạt động của tàu hải cảnh và hải quân trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trung Quốc sử dụng tàu cá để kiểm soát, giám sát Biển Đông
Theo Bộ Quốc phòng Philippines, Trung Quốc đang tận dụng các tàu cá để kín đáo thực hiện động thái giám sát, tìm kiếm và cứu hộ cũng như hỗ trợ cho hoạt động của các lực lượng hành pháp nước này; nhấn mạnh có khả năng cao là Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai những tàu này trong chiến lược tác chiến bất đối xứng để kiểm soát và phong tỏa biển, ví dụ như chiến thuật áp đảo số lượng và đâm vào tàu của các quốc gia tranh chấp chủ quyền khác tại Biển Đông. Trung Quốc dường như muốn tạo nên lợi thế trong khu vực hàng hải nhưng không gây nên căng thẳng trong khu vực. Bộ Quốc phòng Philippines cho rằng các tàu cá Trung Quốc thực chất là “dân quân trên biển”, thường xuyên hỗ trợ cho hoạt động của tàu hải cảnh cũng như hải quân. Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhà chức trách Philippines đã phát hiện 322 tàu loại này. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Philippines ghi nhận ít nhất 300 lần tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng nước quanh đảo Thị Tứ, một cấu trúc san hô tự nhiên ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines kiểm soát trái phép. Bên cạnh hoạt động của tàu cá, nhà chức trách Philippines cũng ghi nhận hoạt động ngày càng gia tăng của các tàu hải cảnh, hải quân Trung Quốc tại vùng biển phía Tây Philippines. Các tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần cản trở hoạt động của Philippines tại khu vực bãi Scarborough, đảo Thị Tứ và bãi Cỏ Mây.
Trước đó, Chuẩn đô đốc Indonesia A.Taufiq R. (21/6/2016) cũng cảnh báo việc tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia chỉ là cái cớ để tiến tới tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tương tự, giới chức Mỹ cũng tố cáo Trung Quốc sử dụng tàu cá để củng cố và tìm cách thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông. Theo quan chức ngoại giao của Mỹ, “đó là một chiều hướng gây lo ngại khi các tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu tuần duyên, hành động theo hướng dường như là một âm mưu nhằm khẳng định một tuyên bố không hợp pháp”; nhận định “điều đó cho thấy sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc – xét về các lực lượng quân sự và bán quân sự – và được sử dụng theo cách khiêu khích và có thể gây mất ổn định”. Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Nam Á Abraham Denmark cho rằng, bằng cách sử dụng các lực lượng có vỏ bọc là ngư dân, Trung Quốc đã tránh được việc đối đầu trực tiếp với quân đội các nước. Thậm chí, đây là chiêu bài để Trung Quốc có thể lợi dụng để bác bỏ các cáo buộc khiêu khích và ngụy biện rằng, các hành động này là của lực lượng “ngư dân yêu nước”. Một số các tàu cá và hải giám của Trung Quốc đang có hành xử thiếu chuyên nghiệp trong việc tiếp cận lực lượng quân đội hay ngư dân nước khác. Đây thực chất là kế sách mới nhằm kiểm soát trái phép đối với các thực thể tại Biển Đông.
Trong một động thái tương tự, hãng tin AFP dẫn nguồn tin của một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang lợi dụng các tàu cá cùng đội hộ tống có vũ trang (lực lượng quân sự và bán quân sự) để đẩy mạnh những tuyên bố “chủ quyền” biển ở vùng lãnh thổ tranh chấp, gây “bất ổn tiềm tàng” trong khu vực. GS Andrew Erickson, Đại học Hải chiến Mỹ cho biết, Trung Quốc đang cố gắng sử dụng các ngư dân được chính phủ hậu thuẫn như một thành tố để hỗ trợ yêu sách Biển Đông. Trước đó, chuyên gia Zhang Hongzhu thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học kỹ thuật Nanyang của Singapore nhận định, “Chính quyền Trung Quốc xem ngư dân và hạm đội tàu cá là công cụ quan trọng nhằm bành trướng sự hiện diện của Trung Quốc cũng như yêu sách chủ quyền của nước này ở các vùng biển tranh chấp. Ngư dân ngày càng đươc đẩy lên tuyến đầu tranh chấp Biển Đông và các xung đột đánh bắt cá có thể châm ngòi những căng thẳng ngoại giao và an ninh giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực”. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có khoảng 21 triệu ngư dân và 439.000 tàu đánh cá, trong đó tỉnh Hải Nam có khoảng 3,4 triệu ngư dân và khoảng 9.000 tàu.
Mưu đồ của Trung Quốc
Trung Quốc sử dụng các tàu cá để tìm cách khẳng định “chủ quyền” tại những vùng biển tranh chấp là một âm mưu thấp hèn và không có cơ sở luật pháp quốc tế. Hành động này của Trung Quốc không thể tạo ra cái gọi chủ quyền ở Biển Đông mà chỉ khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ ý đồ “độc chiếm Biển Đông” và coi thường luật pháp quốc tế. Trung Quốc âm mưu thông qua các hoạt động đánh bắt cá phi pháp để ngụy tạo rằng các vùng biển mà ngư dân Trung Quốc đang khai thác hải sản nằm trong vùng biển thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc và đây là “ngư trường truyền thống, vùng nước lịch sử” của Trung Quốc. Trên thực tế, những hoạt động phi pháp của tàu cá Trung Quốc sẽ không thể chứng minh “chủ quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông – một chủ quyền phi lý mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền, vì:
Thứ nhất, tàu cá Trung Quốc đánh bắt phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước đã được luật pháp quốc tế và các nước trên thế giới công nhận. Ngư dân Trung Quốc chủ yếu tiến hành đánh bắt cá trong các vùng biển có tranh chấp chủ quyền hoặc những vùng biển mà Bắc Kinh ngang nhiên sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp của một số nước, trong đó có có quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam. Theo số liệu của Cảnh sát biển Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm hiệp định, khai thác hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam; 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai được 217 đợt tàu hoạt động kiểm tra, giám sát thực thi hiệp định trên cả 2 khu vực Vùng dàn xếp quá độ và trong vùng đánh cá chung. Đã xua đuổi 7.781 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm quy định hiệp định, vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam với tổng số tiền xử phạt là 4 tỷ đồng.
Thứ hai, tàu cá phi pháp của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), EEZ là vùng biển mở rộng 200 hải lí (tương đương 370km) tính từ bờ biển của một quốc gia. Trong khu vực này, quốc gia ấy có đặc quyền khai thác và sử dụng toàn bộ tài nguyên biển. Cụ thể, Điều 56 của UNCLOS 1982 quy định các quốc gia ven biển có đặc quyền liên quan đến khai thác các loại tài nguyên sinh vật hoặc phi sinh vật; Điều 62 của UNCLOS 1982 quy định công dân của các quốc gia khác khi tiến hành đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác phải tuân theo các biện pháp bảo tồn và các thể thức, các điều kiện khác được đề ra trong các luật và quy định của nước ven biển khác. Vì vậy, việc các tàu cá Trung Quốc cố tình xâm nhập, đánh bắt trộm thủy hải sản của Việt Nam cũng như của các nước trong khu vực là vi phạm luật pháp quốc tế và những nước này hoàn toàn có thể kiện các tàu cá của Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Thứ ba, các nước trong khu vực liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối hoạt động đánh bắt cá phi pháp của tàu cá Trung Quốc và triển khai nhiều biện pháp trấn áp hoạt động này. Để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc, các nước ven Biển Đông một mặt tăng cường năng lực chấp pháp, tuần tra trên biển, mặt khác đẩy mạnh việc hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực ngư nghiệp, tuần tra trên Biển. Trong những năm qua, Hải quân Indonesia đã nhiều lần bắt giữ các tàu cá Trung Quốc trái phép quanh quần đảo Natuna. Trong nhiều trường hợp, Hải quân Indonesia đã phải nổ súng để trấn áp, bắt giữ và lai dắt tàu cá Trung Quốc vào bờ. Hiện tại, Indonesia đang tăng cường lực lượng bảo vệ quanh vùng biển ở Natuna gần với Biển Đông. Khoảng 800 binh sĩ Indonesia đang canh gác quanh Natuna, dự kiến tăng đến 2.000 người trong thời gian tới. Trong 10 năm qua, các lực lượng trên biển Việt Nam đã xua đuổi gần 7.800 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên vùng biển Việt Nam. Theo số liệu của Cảnh sát biển Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc, khai thác hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam, trong đó có một số tàu dùng thủ đoạn treo biển nhận biết giả để đánh lừa lực lượng kiểm tra, kiểm soát của Việt Nam, gây khó khăn cho cơ quan giám sát của Việt Nam. Tương tự, Hàn Quốc và Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) đã bắt đầu hợp tác điều tàu quân sự trấn áp các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng đệm quân sự, quanh cửa sông nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Seoul mới đây đã thành lập 24 đội quân cảnh, được trang bị 4 xuồng cao tốc, nhằm đối phó với số lượng tàu cá hoạt động trái phép ngày càng tăng của Trung Quốc tại vùng đệm này. Theo thỏa thuận đình chiến giữa hai nước, không tàu nào của Hàn Quốc, Triều Tiên hay nước ngoài được phép hoạt động ở khu vực này, trừ những tàu đã đăng ký chính thức với ủy ban quân sự đình chiến của Hàn Quốc hoặc Triều Tiên. Ngoài ra, Seoul và Bình Nhưỡng mỗi bên được phép triển khai tối đa 4 tàu tuần tra và 24 nhân viên quân sự được trang bị súng ngắn, súng trường nhằm duy trì trật tự và bảo đảm việc thực thi cam kết của thỏa thuận đình chiến tại vùng đệm. Theo đó, đội tàu tuần tra của Hàn Quốc đã chở theo lực lượng quân cảnh, hải cảnh, phiên dịch viên và các thành viên của UNC tới vùng đệm để trấn áp các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép. Các đội tàu tuần tra Hàn Quốc được phép sử dụng vũ lực chống trả các tàu cá Trung Quốc trong trường hợp các tàu này không tuân thủ theo mệnh lệnh cảnh báo ban đầu của đội tàu Hàn Quốc. Trong trường hợp xảy ra giao tranh giữa các tàu cá nước ngoài với đội tàu Triều Tiên, Hàn Quốc cũng sẽ triển khai tàu chiến và trực thăng cạnh đó tới hỗ trợ.
Thứ tư, tàu cá Trung Quốc không chỉ đánh bắt phi pháp trong vùng EEZ của các nước mà còn đánh bắt các loại động vật trọng sách đỏ như rùa biển, san hô; phá hủy môi trường sinh thái và sử dụng lưới vét tận diệt các thủy hải sản ở Biển Đông. UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn nêu rõ các nước thành viên phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Thông qua việc phá hủy các rạn san hô, Trung Quốc đang gây nguy hại cho toàn bộ hệ sinh thái biển và các loài thủy sản phụ thuộc. Ngư dân Trung Quốc không chỉ phá hoại an ninh lương thực của chính họ mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Hành động phá hủy môi trường sinh thái, đánh bắt các loại động vật trong sách đỏ của ngư dân Trung Quốc là vi phạm một loạt các Hiệp định, Điều ước, Công ước quốc tế như UNCLOS, Công ước về buôn bán quốc tế về các giống loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa (1973), Công ước của Liên hợp quốc về sự biến đổi môi trường (26/8/1980), Công ước về Ða dạng sinh học 1992 (16/11/1994), Công ước về
đánh bắt cá và Bảo tồn tài nguyên sinh vật của High Seas, Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng của động vật, thực vật hoang dã (CITES)…
Thứ năm, Chính phủ Trung Quốc luôn bao biện cho các tàu cá phi pháp khi cho rằng tàu cá của nước này “hoạt động bình thường” trong “ngư trường truyền thống Trung Quốc”, nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”, ngư dân truyền thống Trung Quốc được hưởng “quyền đánh bắt theo lịch sử” và “quyền lịch sử” dựa trên luật pháp theo phong tục địa phương của ngư dân Trung Quốc có thể cùng tồn tại trong vùng EEZ của nước khác. Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc làm gì có “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” mà luật pháp quốc tế cùng thực tiễn các quốc gia khác công nhận. Ngoài ra, quyền lịch sử là khái niệm thiếu tính chắc chắn trong việc áp dụng và chưa được chấp nhận rộng rãi. Chưa có trường hợp tiền lệ nào trong luật quốc tế về quyền lịch sử theo kiểu mà Trung Quốc tuyên bố, trong khi các nước láng giềng ven Biển Đông phản đối.
Xu hướng không thay đổi
Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh bắt cá phi pháp trong các vùng biển tranh chấp, khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, dễ mất kiểm soát.
Một là, các nước tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện để hiện đại hóa lực lượng chấp pháp đối phó với tàu cá phi pháp Trung Quốc, dẫn đến tình trạng chạy đua mua sắm các tàu bán quân sự trong khu vực.
Hai là, gia tăng khả năng xảy ra xung đột giữa tàu chấp pháp của Trung Quốc với tàu các nước. Trung Quốc liên tục cử các tàu ngư chính, Hải giám đi theo bảo vệ tàu cá hoạt động trong các vùng biển tranh chấp và đã xảy ra một số vụ liên quan việc tàu chấp pháp Trung Quốc tìm cách “hỗ trợ” tàu cá thoát khỏi sự truy đuổi, bắt giữ của các nước trong khu vực. Vụ việc thứ nhất xảy ra vào ngày 19/3/2016 khi lực lượng tuần tra Indonesia đang đưa tàu cá 200 tấn Kway Fey 10078 của Trung Quốc về bờ để xử lý, Trung Quốc đã cho tàu Hải cảnh ngăn lực lượng tuần tra Indonesia lai dắt tàu cá này vào nội thủy của Indonesia và ép tàu tuần tra của Indonesia thả tàu cá của Trung Quốc. Vụ việc thứ hai xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ngoài khơi bãi cạn Nam Luconia. Chỉ trong ba ngày từ 24-27/3/2016, khoảng 100 tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần bãi cạn Nam Luconia sau đó được tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống rút ra hết.
Ba là, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc đều cho rằng cần phải giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận liên quan. Tuy nhiên, việc tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong EEZ của các nước là đi ngược lại tinh thần trên, nó khiến mâu thuẫn, bất đồng giữa các nước gia tăng, góp phần tạo ra các tranh chấp mới, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Bốn là, việc tận diệt các loại thủy hải sản và phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông gây ra thảm họa môi trường trong khu vực, đe dọa sinh kế của hàng triệu ngư dân các nước ven biển. Với sản lượng đánh bắt cá ngày càng giảm, chi phí cho mỗi lần ra khơi không cập so với số tiền bán cá thu được, ngư dân các nước sẽ phải bỏ nghề, khiến tình trạng thất nghiệp ra tăng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và ổn định xã hội của các nước trong khu vực.
Năm là, các tàu cá phi pháp của Trung Quốc thường có thái độ hung hăng, sẵn sàng chống trả lực lượng chấp của các nước, gây đe dọa nghiệm trọng về tính mạng của nhân viên chấp pháp cũng như tài sản (tàu, thuyền) của các nước.
Nhìn chung, việc Trung Quốc đứng đằng sau giật dây, ủng hộ và hỗ trợ tàu cá đánh bắt phi pháp trong các vùng biển tranh chấp không ngoài mục đích “độc chiếm Biển Đông”. Tuy nhiên, hành động này là phi pháp và trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng không tạo ra “chủ quyền” cho Trung Quốc. Trung Quốc cần chấm dứt ngay những hành động trên nhằm góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực không bị ảnh hưởng và bảo vệ môi trường sinh thái cũng như các loại đồng vật trong sách đỏ không bị tuyệt chủng. Các nước trong khu vực Biển Đông cần tăng cường phối hợp, nghiên cứu đưa ra các cơ chế tuần tra, giám sát chung để bắt giữ, xử lý tàu cá phi pháp của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Quốc phòng Nhật Bản
tái khẳng định các cam kết ở Biển Đông
và lên án hành động của TQ
Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và Sách trắng thường niên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiếp tục lên án, cảnh báo về những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết đối với hoà bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ khẳng định có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông
Bên lề phiên thảo luận chung cấp cao khoá họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale đã có cuộc gặp riêng. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale bày tỏ vui mừng quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua duy trì đà phát triển thực chất, hiệu quả, mong muốn đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ đối với hoà bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thứ trưởng Hale khẳng định Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại biển Đông, mong muốn hai bên duy trì tiếp xúc ở các cấp, thường xuyên tham vấn và phối hợp trong quan hệ song phương cũng như các diễn đàn đa phương.
Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng 2019, trong đó cảnh báo hoạt động của TQ ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 27/9 đã công bố Sách trắng quốc phòng thường niên, trong đó nhận định Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng chi phí quốc phòng một cách không minh bạch nhằm xây dựng quân đội lớn mạnh hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21, đồng thời cảnh báo tàu hải quân Trung Quốc thường hoạt động tại một số khu vực ở Biển Đông. “Theo cách này, Trung Quốc dường như mở rộng quân đội cũng như những hình thức hiện diện khác và nâng cao khả năng hoạt động ở Biển Đông. Những hành động như thế của Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng và đẩy mạnh ý đồ của nước này tạo ra sự đã rồi. Nhật quan ngại sâu sắc về những hoạt động này”, Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản viết. Chính phủ Nhật Bản cũng kêu gọi những quốc gia liên quan, trong đó có Trung Quốc, kiềm chế hoạt động đơn phương đẩy căng thẳng leo thang và hành xử dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
“Trung Quốc đã tham gia vào những nỗ lực đơn phương, cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng dựa trên những xác nhận riêng của nước này và điều này không phù hợp với trật tự quốc tế hiện nay. Có thể những công trình thuộc dự án ‘Vành đai, con đường’ sẽ tăng cường hoạt động của Quân đội Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và nhiều nơi khác”, tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng trích dẫn Sách trắng cho biết.
Chính quyền Tokyo đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 10% trong suốt 7 năm qua, nhằm giúp quân đội nước này đủ nguồn lực đấu lại với những tiến bộ quân sự của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, trong đó có cả những công nghệ nhằm chống lại những tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.Ngoài ra, để chạy đua với quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, Nhật Bản đã mua sắm rất nhiều máy bay tàng hình và các vũ khí tiên tiến khác từ Mỹ.Trong yêu cầu ngân sách mới nhất, quân đội Nhật Bản đã yêu cầu được cấp 1,1 tỷ USD để mua 9 chiếc tiêm kích tàng hình F-35, trong đó có 6 chiếc có khả năng cất cánh thẳng đứng, để có thể hoạt động trên các tàu sân bay trực thăng.
Trong khi đó, ngân sách Trung Quốc năm 2019 đã tăng 7,5% so với năm 2018, lên tới 177 tỷ USD, và gấp 3 lần ngân sách quốc phòng Nhật. Chưa hết, Bắc Kinh hiện đang phát triển nhiều vũ khí tiên tiến nhằm giúp nước này tăng khả năng hoạt động trong các chiến dịch quân sự. Hải quân Trung Quốc trước đây vốn chỉ hoạt động tại vùng biển gần nước này, nay Bắc Kinh đã điều các phi đội và tàu chiến tuần tra gần các đảo phía tây thuộc quần đảo Okinawa, cũng như những vùng thuộc Tây Thái Bình Dương. Sách trắng cho biết, việc các tàu và máy bay Trung Quốc tuần tra gần không phận và lãnh hải Nhật Bản đang dần trở thành “nỗi lo ngại an ninh quốc gia”.
Việt Nam – Singapore: Thúc đẩy hợp tác song phương,
nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Từ 22-24/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm chính Singapore nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, giáo dục – đào tạo, văn hóa, Biển Đông.
Quan hệ Việt Nam – Singapore
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Hai bên đã tích cực phối hợp triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, giáo dục – đào tạo, văn hóa…
Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao và các cấp. Không những vậy, Việt Nam và Singapore thường xuyên hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhằm không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của hai nước trong ASEAN cũng như trên thế giới, góp phần giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Đồng thời, hai nước cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển; nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả và kịp thời với các thách thức đang nổi lên; tích cực đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hợp tác quốc phòng – an ninh cũng ngày càng được mở rộng, tăng cường một cách thực chất và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực giao lưu tàu hải quân, chống khủng bố, an ninh mạng…
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm qua không ngừng phát triển và mở rộng. Singapore giữ vững là nhà đầu tư vào Việt Nam lớn nhất trong ASEAN và thứ 3 trên thế giới, sau Hàn Quốc và Nhật Bản, với 2.190 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 48 tỷ USD, trải trên 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Hiện Singapore đã đầu tư tại 48/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Về thương mại, Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 6 trên thế giới. Tính đến tháng 10/2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 17,3 tỷ USD. Cơ cấu thương mại cải thiện theo hướng cân bằng hơn.
Vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt Nam – Singapore
Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Chính sách ngoại giao của Singapore về vấn đề Biển Đông có thể tổng kết như sau: Singapore giữ lập trường trung lập không nghiêng về bên nào; Singapore quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này; hy vọng các bên tranh chấp kiềm chế; đồng thời kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển.
Trong khi đó, Việt Nam là một bên liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cũng là nước duy nhất có đầy đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các vùng biển phụ cận. Trong những năm gần đây, để bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới, trong đó có Singapore. Mới đây, tại cuộc tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore lần thứ 12 (14/8), hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao lập trường của Singapore trong vấn đề Biển Đông, thể hiện trách nhiệm và vai trò tích cực đối với hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như sự đoàn kết và vững mạnh của Cộng đồng ASEAN.
Thời gian tới, Singapore sẽ tiếp tục duy trì quan điểm trung lập do không phải là một bên tranh chấp chủ quyền, nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và tránh là gia tăng căng thẳng trong nội khối về vấn đề này. Tuy nhiên, để không làm giảm vai trò là đối tác của Mỹ ở khu vực và là
thành viên tích cực của ASEAN, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC và các công cụ giảm thiểu nguy cơ va chạm bất ngờ trên biển.
Việt – Pháp: Ủng hộ tự do, an ninh,
an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông
Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt Nam Catherine Deroche, hai bên nhất trí quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, không vi phạm quyền khai thác trong vùng thềm lục địa của nước khác.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt Nam của Thượng viện Cộng hòa Pháp Catherine Deroche đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trong cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự đóng góp của Thượng viện Pháp, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt của Thượng viện và Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt của Hạ viện Pháp đối với sự phát triển quan hệ hai nước, hai cơ quan lập pháp; khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực, trong đó hợp tác cấp Trung ương và địa phương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vào tháng 6/2019 vừa qua tại Hà Nội sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và châu Âu nói chung, cũng như giữa Việt Nam và Pháp nói riêng; đồng thời đề nghị Thượng viện Pháp tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy để Nghị viện châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn hai hiệp định này; nhấn mạnh hợp tác y tế và văn hóa hai nước cũng rất thiết thực, hiệu quả; mong muốn các Festival Huế tiếp tục là sự kiện thu hút sự tài trợ và tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân và địa phương Pháp; đề nghị phía Pháp tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt Catherine Deroche nhấn mạnh, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong tháng 4/2019 đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên như quốc phòng, giáo dục đại học và nhất là giao lưu thanh niên hai nước.
Liên quan vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt Catherine Deroche bày tỏ hoan nghênh lập trường ủng hộ tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông; cho rằng các bên cũng cần tuân thủ luật pháp quốc tế, không vi phạm quyền khai thác trong vùng thềm lục địa nước khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Pháp tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ở Biển Đông.
Pháp tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song với tư cách là nước có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai thế giới, việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của nước Pháp. Ngoài ra, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng là một vùng biển mà Pháp có nhiều quyền lợi cần bảo vệ. Đây là nơi Pháp có 5 vùng lãnh thổ hải ngoại, 1,5 triệu công dân Pháp sinh sống và có 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Pháp đã có những tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định quyết tâm bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Quan chức cấp cao của Pháp đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định Pháp sẽ tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (4/2018) đã đề ra mục tiêu “xây dựng trục Ấn Độ -Thái Bình Dương để các quyền tự do giao thông trên biển và trên không phải được tôn trọng” (ám chỉ ngăn
ngừa mọi tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông). Trước đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (20/3/2017), cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp và Nhật ủng hộ tự do hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương. Tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với “các đồng minh và bạn bè” sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; cho rằng thông qua việc thực hiện quyền tự do hàng hải, Pháp kiên quyết phản đối bất kỳ hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo (ám chỉ hành động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa); đồng thời tái khẳng định Pháp ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với sự ràng buộc pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (hiện là Ngoại trường Pháp) cho biết Hải quân Pháp đã nhiều lần triển khai hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, cho rằng Pháp sẽ tiếp tục cho tàu thuyền và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, bất chấp cảnh báo và đe dọa từ Trung Quốc cũng như thách thức từ Philippines, Pháp tiếp tục đưa ra tuyên bố khẳng định sẽ cử tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngay sau khi Tổng thống Philippines Duterte đưa ra tuyên bố thách thức Mỹ, Anh, Pháp và một số nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne (28/6) tuyên bố hải quân nước này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này. Theo ông Jean-Baptiste Lemoyne, Pháp quyết thúc đẩy và bảo vệ luật pháp quốc tế. Đó là lý do hải quân của chúng tôi thường tuần tra ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này; đồng thời nhấn mạnh Pháp là một phần thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Paris có 7.000 binh sĩ ở khu vực này và đó là bằng chứng cho cam kết của Pháp đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này. Trước đó, Pháp (6/4) đã điều tàu hộ vệ Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự nhận định, việc tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan là dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ đang tăng cường thực thi quyền tự do đi lại tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc.
Đáng chú ý, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 18, Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (1/6) đã công bố chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, đồng thời khẳng định Pháp sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông tối thiểu hai lần mỗi năm. Tại Đối thoại, Bộ trưởng Quân Lực Florence Parly công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Pháp với 5 điểm nhấn:
Thứ nhất, “bảo vệ quyền lợi về chủ quyền, của các công dân, bảo vệ lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế” của nước Pháp. Để hoàn thành những mục tiêu đó Paris đã huy động 7.000 lính đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của những người lính này rất rõ ràng: “chống khủng bố, các tổ chức tội phạm, và chống lại mọi hành vi thù nghịch nhắm vào chủ quyền quốc gia của nước Pháp”.
Thứ hai, trong chiến lược an ninh được bộ trưởng Pháp, Florence Parly đề cập đến là “đóng góp duy trì ổn định khu vực qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh và quân sự. Ấn Độ và Australia là hai đối tác then chốt” của Pháp.
Thứ ba, cùng với các đối tác trong vùng, bảo vệ tự do lưu thông hàng hải. Pháp sẽ “tiếp tục tuần tra Biển Đông tối thiểu mỗi năm hai lần”. Bà Parly cũng tuyên bố không chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và lên án chủ trương “sự đã rồi” của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế. Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng bộ trưởng Quân Lực Florence Parly bồi thêm “Pháp không để bất cứ một quốc gia nào uy hiếp”. Bà gián tiếp nhắc đến sự cố hồi tháng 4/2019 khi Trung Quốc đã uy hiếp chiến hạm Vendémiaire của Pháp đi ngang qua eo biển Đài Loan.
Thứ tư, liên quan hạt nhân Bắc Triều Tiên, Pháp “ủng hộ những nỗ lực ngoại giao” để đạt được đến mục đích “giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách không thể đảo ngược” và những cam kết trên hồ sơ này sẽ phải được tôn trọng.
Thứ năm, bà Florence Parly cho rằng, phòng chống thiên tai, giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây nên trong vùng châu Á Thái Bình Dương cũng là một ưu tiên của Pháp.
Nhìn chung, việc Pháp tích cực tham gia tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là hành động đóng góp lớn cho hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng là hành động bảo vệ thiết thực bảo vệ lợi ích của Pháp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua hoạt động của Pháp ở Biển Đông có thể thấy được cộng đồng quốc tế đang hết sức quan tâm, lo ngại về hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc.