Tin Biển Đông – 30/09/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 30/09/2019

Tàu hải cảnh TQ lởn vởn, cố ý để bị phát hiện

 ở 3 nơi trên biển Đông: Thủ đoạn nham hiểm mới?

Một số tàu cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động ở biển Đông được cho là cố ý mở tín hiệu nhằm “được” các nước láng giềng phát hiện ở những vùng nước tranh chấp.

Quân đội Mỹ từng cảnh báo sẽ đối phó với thách thức từ tàu cá “trá hình” và tàu hải cảnh Trung Quốc theo cách thức giống như đối phó với tàu quân sự (Ảnh minh họa: CNA)

AMTI: Tàu hải cảnh Trung Quốc cố ý “được” phát hiện

Báo cáo ngày 26/9 của Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS), Mỹ, cho biết họ xác định được 14 tàu hải cảnh Trung Quốc phát ra tín hiệu trong Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) khi di chuyển qua bãi Luconia, bãi Scarborough, và bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trong năm qua.

Các tàu thương mại trọng tải trên 300 tấn được yêu cầu phải mở tín hiệu AIS thường trực để tránh va chạm, trong khi tàu chấp pháp và tàu quân sự được phép lựa chọn thời gian và địa điểm phát tín hiệu này. AMTI cho hay, những tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở các khu vực khác trên biển Đông chỉ mở AIS khi tiến vào hoặc rời khỏi bến cảng.

Theo đó, các tàu chấp pháp Trung Quốc di chuyển gần ba thực thể nêu trên dường như đã cố gắng để được “nhìn thấy”. Một tàu hoạt động gần bãi Luconia được ghi nhận phát sóng AIS 258 ngày trong vòng 365 ngày qua, trong khi tàu ở bãi Cỏ Mây là 215 ngày, và bãi Scarborough là 162 ngày.

“Dường như không có khu vực tranh chấp nào khác mà Cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện lâu dài đến thế, và là nơi mà Trung Quốc rõ ràng muốn các nước trong khu vực biết được sự hiện diện của họ,” báo cáo của AMTI nói.

“Bắc Kinh rõ ràng đang thể hiện quan tâm đặc biệt tại bãi Luconia, bãi Cỏ Mây và Scarborouh. Có vẻ như họ đang đánh cược rằng nếu có thể duy trì hiện diện ‘bán thường trực’ của cảnh sát biển đủ lâu, thì các nước trong khu vực sẽ phải chấp thuận sự kiểm soát thực tế [của Trung Quốc] đối với khu vực này.”

Mục đích của Trung Quốc là gì?

Nếu Bắc Kinh thành công với mưu đồ này ở bãi Luconia và bãi Cỏ Mây, bên cạnh việc Trung Quốc gần như đã kiểm soát bãi Scarborough từ năm 2012 – AMTI phân tích, thì chiến lược kể trên sẽ trở thành một “bản kế hoạch đầy thuyết phục để mở rộng kiểm soát của Trung Quốc trên các đảo đá và bãi cạn khác” ở biển Đông.

Thông qua triển khai tàu hải cảnh, Trung Quốc sẽ tạo ra sự hiện diện rõ rệt trên thực địa tại những vùng mà nước này áp đặt chủ quyền phi lý nhưng không có được những cơ sở thường trực.

Tại Luconia hồi tháng 9 và tháng 10/2018, hải quân Malaysia xác định tàu hải cảnh số hiệu 3306 của Trung Quốc hoạt động trong hai ngày.

Ở gần bãi Cỏ Mây – thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Philippines chiếm đóng trái phép – hồi tháng 5 vừa qua, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn ba tàu tiếp tế của Philippines.

Theo AMTI, các tàu Trung Quốc hiện diện gần ba bãi cạn trên không mang theo vũ khí hạng nặng mà trang bị súng vòi rồng và các vũ khí nhỏ, song những tàu này có kích cỡ lớn hơn tàu chấp pháp và thậm chí là tàu quân sự của các nước láng giềng trên biển Đông.

“Điều này khiến [các tàu hải cảnh Trung Quốc] lý tưởng trong các chiến dịch liên quan đến đe dọa đâm va và, nếu cần thiết, chèn ép các tàu khác để xua đuổi họ mà không cần sử dụng vũ lực gây sát thương,” báo cáo của AMTI nêu.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Chương trình an ninh hàng hải, Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Singapore, nói rằng việc để cho tàu hải cảnh “được” phát hiện hoạt động ở các khu vực có tranh chấp là thủ đoạn để Bắc Kinh tranh giành quyền kiểm soát và tài phán.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã leo thang trong mùa hè qua, khi Bắc Kinh bị các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế lên án vì hành vi đơn phương gây hấn, làm xói mòn lòng tin và leo thang căng thẳng ở khu vực.

Hồi tháng 8, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ lần lượt lên án các hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc trên biển Đông – bao gồm hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng hôm 12/9 tuyên bố, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải dương 8 (gồm tàu khảo sát Hai dương địa chất 8 và các tàu hải cảnh hộ tống) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, được quy định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam cũng nêu rõ quan điểm về ảnh hưởng của hoạt động vi phạm của nhóm tàu này đối với quan hệ giữa giữa hai nước và với hòa bình, hữu nghị của khu vực. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khỏi vùng biển của Việt Nam.

Bà Hằng cũng nêu rõ, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán rằng mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng EEZ và thềm lục địa, hoàn toàn thuộc về Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS 1982, mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

http://biendong.net/bi-n-nong/30593-tau-hai-canh-tq-lon-von-co-y-de-bi-phat-hien-o-3-noi-tren-bien-dong-thu-doan-nham-hiem-moi.html

 

Mỹ điều tàu sân bay tới Biển Đông

ngay trước Quốc khánh Trung Quốc

Trung Quốc đã nhận được lời chúc mừng lễ Quốc Khánh (1/10) từ phía Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh lại cáo buộc Washington cố tình gây căng thẳng quân sự trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó có việc triển khai hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tới Biển Đông, theo tạp chí Newsweek.

Trong một thông điệp được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 27/09, Ngoại trưởng Mike Pompeo viết: “Thay mặt nhân dân Hoa Kỳ, tôi gửi lời chúc mừng đến nhân dân Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh ngày 1/10. Hoa Kỳ chúc nhân dân Trung Quốc hạnh phúc, sức khỏe, hòa bình và thịnh vượng trong năm tới.”

Lời chúc này được đưa ra trong bối cảnh hai bên đang có căng thẳng, không chỉ vì cuộc chiến thương mại đang tác động tới toàn cầu, mà còn vì những xung đột ở Biển Đông, nơi Ronald Reagan, hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, chạy bằng năng lượng hạt nhân, gần đây đã thách thức chủ quyền của Bắc Kinh, vẫn theo tạp chí Newsweek.

“Phía Mỹ rất thích có những hành động nhỏ nhặt ngay trước các ngày lễ lớn của Trung Quốc, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng không có hành động nhỏ nhặt nào có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chung của quân đội và quốc gia Trung Quốc,” Đại tá Nhậm Quốc Cường, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói với báo chí hôm 29/09.

“Quân đội Trung Quốc sẽ hoàn thành nhiệm vụ và bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia một cách có phương pháp, cũng như bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới,” Newsweek dẫn lời ông Nhậm cho biết.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, và Hoa Kỳ lâu nay đã tiến hành các hành động thực thi “quyền tự do hàng hải” ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước này.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo về bước đi mới nhất của Mỹ, “kêu gọi phía Hoa Kỳ tôn trọng các mối quan ngại về an ninh của các quốc gia trong khu vực và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].”

Theo Newsweek, ông Nhậm cũng lên án một cáo do Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ công bố hôm 24/9, trong đó coi hải quân Trung Quốc “gây thách thức lớn” đối với khả năng của Hải quân Mỹ.

Ông Nhậm nói rằng lời lẽ của báo cáo này “cho thấy sự kiêu ngạo và định kiến, cũng như các tâm lý ‘được ăn cả, ngã về không’ và Chiến tranh Lạnh của một số quan chức Hoa Kỳ.”

Ông Nhậm tuyên bố rằng “những hành động như vậy là vô lý, sai lầm và nguy hiểm, và phía Trung Quốc kiên quyết phản đối.”

Trong một diễn biến liên quan, tàu sân bay Hoa Kỳ USS Ronald Reagan đang tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, trang Japan Times hôm 29/09, dẫn những hình ảnh vệ tinh mới cho biết.

Hình ảnh vệ tinh được đăng trên mạng xã hội cho thấy dường như là tàu Reagan và một số tàu chiến không xác định, có thể là của Hoa Kỳ và Trung Quốc, đi chuyển trong khu vực phía đông bắc của quần đảo Trường Sa hôm 28/09, theo Japan Times.

Khi được hỏi về các hình ảnh này, cũng như vị trí của tàu Reagan, và liệu có ý định gửi đi một thông điệp tới Trung Quốc, một phát ngôn viên của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ từ chối xác nhận vị trí tàu sân bay, nhưng cho biết tàu hiện nay “đang tiến hành các hoạt động thường lệ”.

“Hiện tại, tàu không phản ứng lại bất kỳ sự kiện cụ thể nào,” trung tá Reann Mommsen cho Japan Times biết trong một email.

Hôm 26/09, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, tàu sân bay Hoa Kỳ và nhóm tàu tấn công, có căn cứ ở thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa (Nhật), đã có mặt ở Biển Đông để “phô trương sức mạnh và leo thang quân sự hóa khu vực.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-dieu-tau-san-bay-toi-bien-dong-ngay-truoc-quoc-khanh-trung-quoc/5104004.html

 

Tại sao Việt Nam không nêu đích danh Trung Quốc

 trước Đại hội đồng LHQ?

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ là cơ hội tốt cho Việt Nam “quốc tế hóa việc tranh chấp” trên Biển Đông với Trung Quốc; và việc ông Phạm Bình Minh không chỉ đích danh Trung Quốc thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam về đối sách với Bắc Kinh. Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales.

Đồng thời, nhiều người Việt bày tỏ thất vọng khi ông Minh không nêu tên Trung Quốc trong bài phát biểu trước Đại hội đồng dù Hà Nội trong những tháng qua nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của mình cũng như tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp Biển Đông.

Bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, có đoạn “kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982”.

Bài phát biểu không nêu tên Trung Quốc và không nêu vụ đối đầu đang diễn ra tại Bãi Tư Chính.

“Thận trọng” và “chia rẽ”

Theo nhận định của GS Thayer, chuyên gia phân tích các vấn đề Việt Nam, giới lãnh đạo Hà Nội đã “rất thận trọng” trong việc ứng xử với vụ việc này.

Vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc của Đại học NSW cho rằng, mặc dù Việt Nam đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong vụ tranh chấp với Trung Quốc, việc không chỉ đích danh Trung Quốc tại Đại hội đồng LHQ là vì các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, “chia rẽ về việc Việt Nam nên theo đuổi chính sách nào” để đáp trả Trung Quốc trong khi Bắc Kinh “không muốn danh thế hay vị thế của họ bị chỉ trích” trên trường quốc tế.

“Nguyên nhân của việc thiếu sự thống nhất là do Việt Nam không có những lựa chọn tốt,” theo GS Thayer và ông cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn rõ ràng cho thấy họ muốn Rosneft Việt Nam ngừng

khai thác dầu và Việt Nam không may là đã phải ngừng lại với Repsol trước sự đe dọa ở Bãi Tư Chính.”

Vào tháng 7/2018 và tháng 3/2018, Việt Nam được cho là đã ngừng hai dự án khai thác dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha. Hiện Việt Nam đang hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đến thăm dò.

Luật sư Vũ Đức Khanh, người thường xuyên theo dõi chính trường Việt Nam, cũng cho rằng một trong những lý do Việt Nam vẫn ‘chưa’ nêu đích danh Trung Quốc là vì “vẫn cảm thấy cô đơn nếu có một cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam không tin bất cứ ai có thể đứng ra giúp họ và càng không tin Hoa Kỳ sẽ sát cánh chiến đấu bên cạnh họ vì giữa họ và Hoa Kỳ cũng như thế giới vẫn chưa có sự chia sẻ vào những giá trị nền tảng chung.”

Mỹ cho tới nay là quốc gia duy nhất nêu đích danh Trung Quốc khi cáo buộc nước này “bắt nạn” Việt Nam và các nước láng giềng trong hoạt động khai thác dầu khí Biển Đông.

“Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa Mỹ và Việt Nam cũng như lòng tin trong vấn đề này,” GS Thayer nói và cho rằng Việt Nam và Mỹ có những quan điểm khác nhau về mối quan hệ chiến lược, và Mỹ sẽ không bảo vệ Việt Nam trên Biển Đông chừng nào Việt Nam không phải là một đồng minh của họ.

Thất vọng

Từ Việt Nam, luật sư Lê Công Định viết trên Facebook: “Những ai quan tâm đến tình hình quốc gia hiện nay đều trông đợi (ông) Phạm Bình Minh lên án (Trung Quốc) thực hiện chính sách gây hấn trên Biển Đông và xâm phạm chủ quyền Việt Nam,” “tuy nhiên (ông) Phạm Bình Minh đã nói gì? Ông cũng nêu vấn đề mà mọi người quan tâm, nhưng tuyệt nhiên không dám nhắc đến (Trung Quốc) như kẻ xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam.”

Nhiều người Việt, trong và ngoài nước, dùng từ “thất vọng” trong các đăng tải trên Facebook cá nhân về bài phát biểu của ông Minh, cũng là bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

“Cá nhân tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam khác trong lẫn ngoài nước cùng nhiều bạn bè của Việt Nam trên thế giới đều rất thất vọng” về bài phát biểu của ông Minh trước Đại hội đồng LHQ hôm 28/9, Luật sư Vũ Đức Khanh nói với VOA từ Canada.

Tiến sỹ Mạc Văn Trang, hiện đang sống ở Hà Nội, cũng chia sẻ chung quan điểm này. Ông nói với VOA rằng ông “quá thất vọng” vì cho rằng Việt Nam là “chính nghĩa, bị hại, mà không dám nêu tên kẻ cướp là lên án (Trung Quốc)”.

Nguyen Ngoc Chu, một Facebooker, cũng bày tỏ “thất vọng” về bài phát biểu của ông Minh và cho rằng “Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam, đem tàu đến thăm dò địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam, mà Việt Nam không dám chỉ mặt gọi tên lên án Trung Quốc tại ĐHĐLHQ thì ai sẽ lên án Trung Quốc giúp Việt Nam?

Theo dữ liệu hành trình mới nhất mà chuyên gia hàng hải của Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, Ryan Martinson, cập nhật hôm 30/9, hai ngày sau khi ông Minh phát biểu tại LHQ, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã quay trở lại vùng biển của Việt Nam lần thứ 4. Cho tới lúc này Việt Nam chưa có phản ứng gì về lần trở lại của tàu Trung Quốc.

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam nên có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc như Philippines đã làm để có được sự ủng hộ chính thức của cộng đồng quốc tế và giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông về lâu dài.

https://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-viet-nam-khong-neu-dich-danh-trung-quoc-truoc-dai-hoi-dong-lhq/5104244.html