Tin khắp nơi – 30/09/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 30/09/2019

Trump đề nghị bắt

Chủ tịch Ủy Ban Tình báo Hạ viện tội ‘phản quốc’

Hôm 30/09, Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, đáp trả các nhà lập pháp dẫn đầu cuộc điều tra luận tội ông, đề nghị bắt Dân biểu Adam Schiff, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện, vì tội phản quốc, theo Reuters.

Đề nghị trên có thể làm dấy lên chỉ trích nhằm vào ông Trump, liên quan đến một cuộc điện đàm, trong đó ông yêu cầu Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy điều tra đối thủ Dân chủ, Joe Biden, và con trai ông ấy.

Cuộc điện đàm này bị một nhân viên tình báo Hoa Kỳ tố cáo, làm tăng thêm lo ngại liệu Tổng thống Trump có tìm cách tận dụng việc cấp viện trợ cho Ukraina để phục vụ cho một lợi ích chính trị hay không.

“Dân biểu Adam Schiff đưa ra những tuyên bố bịa đặt và tồi tệ, làm như thể đó là lời của tôi trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraina, sau đó đọc công khai trước quốc hội và người dân Mỹ. Nó hoàn toàn không liên quan tới những gì tôi nói trong cuộc điện đàm. Có nên bắt ông ấy về tội phản quốc?” Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm 30/09.

Tổng thống Trump đả kích các đối thủ chính trị kể từ khi phe Dân chủ ở Hạ viện hôm 24/09 tuyên bố sẽ theo đuổi một cuộc điều tra luận tội.

Ông đánh đồng người tố giác và các quan chức Nhà Trắng cung cấp thông tin cho người tố giác với người làm gián điệp, và đề nghị xử họ phạm tội phản quốc.

Cũng theo Reuters, Tổng thanh tra giám đốc cơ quan tình báo quốc gia xem khiếu nại của người tố giác là đáng tin cậy và khẩn cấp, trong khi một sĩ quan tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng người tố giác đã hành động có thiện chí.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-de-nghi-bat-chu-tich-ub-tinh-bao-ha-vien-vien-toi-phan-quoc/5104216.html

 

Điều tra luận tội Trump:

“Làn sóng dư luận chuyển sang ủng hộ”

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, hôm 28/9/2019 nói rằng dư luận hiện đang đứng về phía một cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump sau khi có công bố thông tin mới về cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, theo Reuters.

Bà Pelosi tuần này tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra sau khi xuất hiện khiếu nại tố cáo nói ông Trump dường như thu hút sự ủng hộ chính trị từ tổng thống Ukraine, nhằm giúp ông tái đắc cử vào năm tới, hãng tin Anh cho hay.

Pelosi trong nhiều tháng đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng trong việc cân nhắc các lời kêu gọi của các thành viên khác thuộc đảng dân chủ trong Quốc hội để tiến hành các thủ tục luận tội chống lại ông Trump, vốn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi cựu Công tố viên đặc biệt Robert Mueller làm chứng vào ngày 24/7 về cuộc điều tra của ông về ông Trump và cuộc can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016.

Điều tra luận tội Trump: Hạ viện gửi trát cho Pompeo

Trong công luận, làn sóng đã hoàn toàn biến đổi; nó có thể gây ra sự thay đổi ngay bây giờChủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi

Quốc hội và quyền lực nghị viện – cái nhìn từ Anh qua Mỹ tới VN

Bản ghi điện đàm cho thấy ông Trump hối thúc điều tra về Biden

Luận tội một tổng thống có dễ không?

Họp LHQ: Dịp cho Tổng thống Donald Trump ‘tỏa sáng’

“Trong công luận, làn sóng đã hoàn toàn biến đổi; nó có thể gây ra sự thay đổi ngay bây giờ – ai biết được – nhưng ngay bây giờ sau khi thấy được khiếu nại và báo cáo của IG (Tổng thanh tra) và thái độ ung dung của chính quyền đối với nó, người dân Mỹ đang đi đến một quyết định khác,” bà Pelosi nói với truyền thông Mỹ.

Trong cuộc gọi điện thoại vào ngày 25/7 giữa ông Trump và ông Zelenskiy, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã yêu cầu người đồng cấp của mình mở cuộc điều tra về ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, ông Joe Biden và con trai, ông Hunter Biden, người từng làm việc trong hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Ukraine.

Cả ông Joe Biden và con trai ông đều bác bỏ bất kỳ hành vi sai trái nào.

Về phần mình, ông Trump nói ông không làm gì sai trái và cáo buộc đảng Dân chủ đã khởi động một cuộc “săn phù thủy” có động cơ chính trị.

Các nhà lập pháp tại Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đang điều tra những lo ngại rằng các hành động của Tổng thống Trump, đã gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.

‘Phủ bóng’

Cuộc điều tra luận tội đã tái phủ bóng lên khả năng có thêm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, chỉ vài tháng sau khi ông bị che phủ bởi cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller, vẫn theo Reuters.

“Nếu các dữ kiện có sức thuyết phục đối với người dân Mỹ, chúng cũng có thể làm điều tương tự với một số đảng viên Cộng hòa,” bà Pelosi nói với truyền thông Mỹ hôm thứ Bảy.

Tuy nhiên, bà không đưa ra dự đoán Hạ viện sẽ mất bao lâu để hoàn thành bất kỳ thủ tục luận tội nào có thể chống lại ông Trump.

Hạ viện Mỹ chính thức mở cuộc điều tra luận tội ông Trump

Không có Tổng thống nào trong lịch sử đất nước chúng ta bị đối xử tệ như tôi. Đảng Dân chủ bị đông cứng với sự thù hận và sợ hãi. Họ sẽ chẳng đạt được điều gì cảTổng thống Donald Trump

Chủ tịch Hạ viện Pelosi nói ‘muốn thấy ông Trump vào tù’

Số người Mỹ đòi luận tội ông Trump tăng

“Việc này sẽ mất nhiều thời gian vì Ủy ban Tình báo cần phải nghiên cứu tất cả các sự kiện,” Chủ tịch Hạ viện Mỹ được hãng tin Anh dẫn lời, nói.

Nhiều ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ tham dự một sự kiện kéo dài ba ngày tại Austin, Texas, trong đó có Thị trưởng Pete Buttigieg, cựu Nghị sỹ Beto O’Rourke, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và cựu Bộ trưởng Nhà ở Julian Castro, tất cả đều đồng ý với bà Pelosi rằng chiến dịch đẩy ông Trump ra khỏi chức vụ phải tập trung vào các chính sách mà không phải là luận tội.

Tuy nhiên, ông Castro, người từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói thêm rằng trong khi một số cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ đang chia rẽ vì ủng hộ luận tội, ông nghĩ rằng công chúng sẽ ngày càng ủng hộ cuộc điều tra.

“Giống như ở vụ Watergate, sau khi có nhiều bằng chứng được đưa ra… bạn sẽ thấy nhiều người thuộc các nhóm chính trị khác nhau bắt đầu ủng hộ điều tra luận tội,” ông Castro nói tại sự kiện, đề cập đến các động thái vào năm 1974 để luận tội cựu Tổng thống Richard Nixon.

Nixon đã từ chức trước khi thủ tục luận tội được đưa ra.

Trong các diễn biến liên quan đến cuộc điều tra luận tội với mình, Tổng thống Trump và những người ủng hộ nhiều lần lên tiếng bác bỏ sai trái của ông Trump và cho rằng đây là những cáo buộc chính trị của đảng Dân chủ đối lập trước cuộc bầu cử đang tới nhằm tấn công và hạ bệ ông.

Trong một thông điệp trên Twitter hôm 25/9, ông Trump viết:

“Không có Tổng thống nào trong lịch sử đất nước chúng ta bị đối xử tệ như tôi. Đảng Dân chủ bị đông cứng với sự thù hận và sợ hãi. Họ sẽ chẳng đạt được điều gì cả. Điều này không bao giờ được phép xảy ra với một Tổng thống khác. Thật là một cuộc săn phù thủy, bới lông tìm vết!”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49870444

 

Phe Dân chủ ‘quyết tâm tìm hiểu’

cuộc điện đàm giữa TT Trump và ông Putin

Quốc hội Hoa Kỳ sẽ quyết tâm tiếp cận các bản ghi cuộc gọi giữa Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo thế giới khác, Reuters đưa tin hôm 30/09, dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ Adam Schiff.

Hôm 29/09, ông Schiff, thành viên đảng Dân chủ, nói trên chương trình Gặp gỡ báo chí của đài NBC: “Tôi nghĩ rằng nhu cầu tối quan trọng ở đây là bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và xem liệu trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới khác – và đặc biệt là với ông Putin – Tổng thống (Trump) có gây tổn hại an ninh của chúng ta theo cách mà ông nghĩ có lợi về mặt cá nhân cho chiến dịch tranh cử của ông.”

Vào tuần trước, Hạ viện do phe Dân chủ lãnh đạo đã chính thức công bố tiến hành một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump sau khi xuất hiện tố cáo của môt người trong giới tình báo Hoa Kỳ rằng ông đã gây ảnh hưởng với Ukraine để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 vì lợi ích chính trị của riêng mình.

Người tố cáo trích dẫn một cuộc điện đàm, trong đó ông Trump yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mở cuộc điều tra về cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một nhà lãnh đạo trong số các ứng cử viên Dân chủ đang tìm cách thách thức ông Trump trong mùa bầu cử tổng thống năm 2020 và con trai ông là Hunter Biden. Ông Hunter Biden từng là một thành viên trong ban lãnh đạo một công ty dầu khí Ukraine.

Về phần mình, ông Trump, trong một loạt các thông tin trên Twitter vào tối ngày 29/09, viết rằng ông muốn “gặp gỡ” người tố giác và người đã “cung cấp thông tin bất hợp pháp này” cho người tố giác.

“Có phải người này đã do thám Tổng thống Hoa Kỳ? Các hậu quả lớn!” ông Trump viết.

“Tôi muốn ông Schiff bị thẩm vấn ở cấp độ cao nhất về tội Gian lận & Phản quốc,” ông Trump viết thêm.

Cho đến nay danh tính người tố giác vẫn chưa không được tiết lộ.

Cuộc gọi điện thoại vào ngày 25/07 của ông Trump với nhà lãnh đạo Ukraine diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ đóng băng gần 400 triệu đôla viện trợ cho Ukraine, khiến xuất hiện lo ngại rằng Tổng thống Trump sử dụng ngân quỹ được Quốc hội phê duyệt để làm đòn bẩy phục vụ cho cho lợi ích chính trị cá nhân của ông.

Ông Schiff nói trên đài NBC: “Nếu những cuộc trò chuyện với ông Putin hoặc với các nhà lãnh đạo thế giới khác được sắp xếp lại trong cùng một tệp tin điện tử, có nghĩa đó là hành động bí mật… nếu có nỗ lực che giấu những điều đó thì chúng tôi quyết tâm tìm hiểu.”

Trong khi đó, theo Reuters, Điện Kremlin nói rằng các cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Putin chỉ có thể được công bố với sự đồng ý của Moscow.

Ông Schiff nói thêm rằng Ủy ban tình báo Hạ viện đã đạt được thỏa thuận với người tố giác để người này xuất hiện trước ủy ban. Ngoài ra, ông Schiff Schiff nói rằng ông hy vọng người tố giác sẽ sớm xuất hiện.

Tuy nhiên, ông Mark Zaid, luật sư của người tố giác, viết trên Twitter rằng nhóm pháp lý đang làm việc với cả hai bên trong Quốc hội và “chúng tôi hiểu rằng việc tất cả các bên đều đồng ý rằng việc bảo vệ danh tính của người tố giác là điều tối quan trọng.” Ông Zaid cho biết, hiện vẫn chưa đạt được một thỏa thuận nào và cũng chưa ấn định thời gian để người tố giác “liên lạc” với Quốc hội.

Trong khi đó, hôm 29/09, Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller đã chỉ trích phe Dân chủ, cáo buộc người tố giác là một phần trong âm mưu “bí mật” nhằm chống lại Tổng thống Trump.

“Tôi nhận biết sự khác biệt giữa một người tố giác và điệp viên bí mật. Đây thực sự là một điệp viên “bí mật”, ông Miller nói với đài Fox News hôm 29/09.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-dan-chu-quyet-tam-tim-hieu-cuoc-dien-dan-giua-tt-trump-va-ong-putin/5104166.html

 

CVS ngừng bán Zantac và các sản phẩm tương tự

vì chứa chất có thể gây ung thư

Theo tin từ CBS News, tiệm thuốc tây CVS tuyên bố họ sẽ dừng bán thuốc trị bao tử,  Zantac vì có thành phần có thể gây ung thư.

Đây là loại thuốc không kê đơn, và là thương hiệu của CVS đối với loại thuốc phổ thông ranitidine, sẽ không được kinh doanh sau khi các cơ quan y tế tìm thấy dấu vết các chất gây ung thư.

Lệnh thu hồi chính thức của Zantac vẫn chưa được ban hành. Đầu tháng này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết một số loại thuốc được thử nghiệm có chứa một lượng nhỏ N-nitrosodimethylamine (NDMA). Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu thuốc, tiến sĩ Janet Woodcock cho biết NDMA có thể gây hại với liều lượng lớn, nhưng mức độ mà FDA tìm thấy trong các thử nghiệm sơ bộ về ranitidine hầu như không vượt quá liều lượng có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm thông thường. FDA khuyên người tiêu dùng không nên hoảng loạn, nhưng đề nghị chuyển sang một loại thuốc không kê đơn khác, trong khi cơ quan này kiểm tra nhiều mẫu hơn.

Nhà sản xuất dược phẩm Novartis đã tuyên bố sẽ không còn phân phối các phiên bản của Zantac do phát hiện này. Sandoz, bộ phận của Novartis sản xuất một phiên bản của Zantac cho biết họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về các tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng sản phẩm, dẫn đến việc thu hồi này. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhà thuốc để lựa chọn điều trị thay thế.

Hôm thứ Bảy (28/09/2019) công ty sản xuất thương hiệu Zantac- Sanofi- đưa thông báo họ đang phối hợp chặt chẽ với FDA cho các cuộc điều tra để bảo đảm chất lượng và an toàn của sản phẩm, đồng thời cam kết sẽ minh bạch với người tiêu dùng và sẽ liên tục cập nhật tin tức mới nhất.  (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cvs-ngung-ban-zantac-va-cac-san-pham-tuong-tu-vi-chua-chat-co-the-gay-ung-thu/

 

Montana tuyên bố tình trạng khẩn cấp

đối với cơn bão tuyết tháng 9 lịch sử

Tin từ Montana – Theo tin từ CBS News, Thống đốc Montana, Steve Bullock đã tuyên bố tình trạng bão tuyết khẩn cấp toàn khu vực trong đêm, sau khi tiểu bang hứng chịu hơn 3 feet lớp tuyết dày.

Một cơn bão tuyết diễn ra sớm vào cuối tháng 9, đã phủ trắng thành phố Great Falls hơn 1 foot tuyết. Tuyết dày đặc khắp tuyến đường phố khiến cho việc giao thông khó khăn. Gần các khu vực núi, tuyết đã chồng lên dày đặc bên ngoài nhà cửa. Các cơn gió lớn đốn ngã nhiều cây cối. Có thời điểm hàng nghìn nhà dân bị mất điện.

Cơn bão tuyết cũng đổ bộ một phần của Idaho. Ở Spokane, Washington, cơn bão tuyết lần đầu được ghi nhận ở thời điểm này kể từ khi cơ quan bắt đầu ghi dữ kiện từ năm 1881. Cơ quan dự báo thời tiết dự đoán cơn bão sẽ tiếp tục đổ bộ xuyên đêm và sẽ di chuyển ra khỏi khu vực vào sáng hôm sau. Một số trường học sẽ đóng của vào thứ Hai (30/09/2019), nhưng dự đoán tuyết sẽ tan vào cuối tuần và mọi người sẽ tiếp tục đón nhận sự trở lại của mùa thu. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/montana-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-doi-voi-con-bao-tuyet-thang-9-lich-su/

 

Cảnh sát tìm kiếm nghi can nổ súng bắn 2 người

trên đường Walk Of Fame Hollywood

Theo tin từ KTLA5, Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) cho biết vào sáng Chủ Nhật (ngày 29 tháng 9), hai người bị bắn dọc theo con đường Walk of Fame ở Hollywood.

Theo LAPD, các cảnh sát đã đến hiện trường tại khu 6300 Hollywood Boulevard, sau khi nhận được báo cáo về vụ nổ súng, và tìm thấy hai nạn nhân nam bị trúng đạn. Các nạn nhân được tìm thấy cách nhau một khoảng ngắn, một người ở gần Wilcox Avenue và người kia gần Cahuenga Boulevard. Chính quyền thành phố cho biết một nạn nhân đã ngay lập tức được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Người còn lại từ chối không đến bệnh viện và không hợp tác với cảnh sát.

LAPD cho biết một nghi can trong vụ nổ súng đã chạy trốn khỏi hiện trường. Video từ hiện trường cho thấy các nhân viên y tế của Sở Cứu hỏa Los Angeles đang điều trị cho một người đàn ông đang ngồi, và dáo dác nhìn xung quanh cảnh giác, trong khi nhiều đám đông nhỏ tụ tập để xem. Các cảnh sát điều tra cho biết vụ nổ súng không liên quan đến băng đảng. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/canh-sat-tim-kiem-nghi-can-no-sung-ban-2-nguoi-tren-duong-walk-of-fame-hollywood/

 

Mỹ nhắc lại với Việt Nam cam kết ở biển Đông

Ngày 26/9, nhân dịp dự phiên thảo luận chung cấp cao khoá họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ vào năm 2020, đề nghị hai bên phối hợp tăng cường tiếp xúc và đối thoại, nhất là cấp cao, làm sâu sắc hơn và mở rộng khuôn khổ quan hệ thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng…, tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Thứ trưởng David Hale bày tỏ vui mừng quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua duy trì đà phát triển thực chất, hiệu quả, mong muốn đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ đối với hoà bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Hale khẳng định Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại biển Đông, mong muốn hai bên duy trì tiếp xúc ở các cấp, thường xuyên tham vấn và phối hợp trong quan hệ song phương cũng như các diễn đàn đa phương.

Cũng trong ngày 26/9, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng CH Uganda, Thủ tướng St Vincent and the Grenadines và Ngoại trưởng Algeria.

Các Thủ tướng và Ngoại trưởng đều bày tỏ tình cảm sâu sắc với Việt Nam, chúc mừng Việt Nam đã trúng cử làm uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục, thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, đề xuất với Việt Nam các biện pháp nhằm tăng cường trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, phối hợp tại các diễn đàn đa phương….

http://biendong.net/bi-n-nong/30597-my-nhac-lai-voi-viet-nam-cam-ket-o-bien-dong.html

 

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giúp luật sư riêng tổng

thống Trump gặp cố vấn tổng thống Ukraine

Tin từ Washington, D.C. — Theo Reuters, trong một cuộc điện đàm vào tháng 7, Tổng Thống Trump đã thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói chuyện với luật sư cá nhân của ông, ông Rudy Giuliani để điều tra cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, một trong những ứng cử viên hàng đầu thách thức Tổng Thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Theo bản tóm tắt của cuộc điện đàm, Tổng Thống cũng đã đề nghị Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ tham gia vào cuộc điều tra. Reuters cho biết ông Giuliani đã từng nói rằng Bộ Ngoại giao đã giúp ông sắp

xếp các cuộc họp với các cố vấn của Tổng Thống Zelenskiy, đồng thời đăng một bản sao của tin nhắn mà ông đã nhận được từ một nhà ngoại giao Hoa Kỳ trên Twitter.

Giờ đây, một câu hỏi mà các nhà lập pháp Dân Chủ đang điều tra luận tội Tổng Thống Trump đưa ra là liệu Tổng Thống đã sử dụng bao nhiêu nguồn lực từ văn phòng của ông và bộ máy của chính phủ Hoa Kỳ để tiến hành cuộc điều tra ông Biden.

Vào tháng 8, một người tố giác ẩn danh đã nộp đơn khiếu nại cho Tổng Thanh tra Ủy ban Tình báo Hoa Kỳ, nói rằng một số viên chức Tòa Bạch Ốc hoàn toàn “không đồng tình” với cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Trump và Tổng Thống Zelenskiy. Họ nghĩ rằng Tổng Thống Trump đã lạm quyền để làm lợi cá nhân. Bản khiếu nại này đã khởi động  một cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Trump, mở ra một mối đe dọa pháp lý mới cho nỗ lực tái đắc của của ông. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/bo-ngoai-giao-hoa-ky-giup-luat-su-rieng-tong-thong-trump-gap-co-van-tong-thong-ukraine/

 

Nghị Viện Châu Âu bác hai ứng viên Ủy Ban Châu Âu

Thanh Phương

Hôm nay, 30/09/2019, một ủy ban của Nghị Viện Châu Âu đã bác việc bổ nhiệm hai ứng viên người Hungary và Rumani của Ủy Ban Châu Âu mới, với lý do là có xung đột lợi ích.

Từ hôm nay cho đến ngày 08/10, 26 ứng viên cho Ủy Ban Châu Âu mới, đứng đầu là chủ tịch Ursula von der Leyen, người Đức, phải ra điều trần trước Nghị Viện Châu Âu để được chính thức bổ nhiệm. Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử của định chế này, Ủy ban các vấn đề tư pháp, đặc trách xem xét bản khai về các lợi ích của các ứng viên Ủy Ban Châu Âu, đã từ chối phê chuẩn việc bổ nhiệm hai ứng viên của Ủy Ban Châu Âu mới, chỉ vài giờ trước khi bắt đầu các cuộc chất vấn.

Laszlo Trocsanyi, người Hungary, được đề cử làm ủy viên châu Âu về Láng giềng và Mở rộng, bị nghi ngờ về quan hệ của ông với văn phòng luật sư do chính ông thành lập vào năm 1991, trước khi làm bộ trưởng Tư Pháp của chính phủ thủ tướng Viktor Orban. Còn bà Rovana Plumb, được đề cử làm ủy viên châu Âu đặc trách Giao Thông, thì có hai khoản vay đang gây tranh chấp. Như vậy là hai ứng viên này sẽ không được ra điều trần trước Nghị Viện Châu Âu. Đây là một vố rất đau đối với tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.

Cơ quan chống gian lận của châu Âu OLAF cũng đã điều tra về một số ứng viên khác, trong đó có ủy viên đặc trách Thị trường Nội địa, người Pháp, Sylvie Goulard. Bà Goulard đã được Ủy ban các vấn đề tư pháp phê chuẩn việc bổ nhiệm, nhưng bà, giống như một số ứng viên khác, sẽ vẫn phải vất vả trả lời chất vấn của các nghị sĩ châu Âu.

Bản thân bà Ursula von der Leyen đã chỉ được các nghị sĩ châu Âu phê chuẩn việc bổ nhiệm làm tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu với tỷ lệ rất sát sao, tức là với đa số chỉ hơn 9 phiếu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190930-nghi-vien-chau-au-bac-hai-ung-vien-uy-ban-chau-au

 

Quốc tang cố tổng thống Pháp Jacques Chirac

Trọng Thành

Hôm nay, 30/09/2019, nước Pháp tổ chức quốc tang cựu tổng thống Jacques Chirac, với một phút mặc niệm tại tất cả các công sở, trường học. Lễ tang được tổ chức vào 12 giờ trưa tại nhà thờ Saint-Sulpice, Paris. Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì tang lễ, với sự tham dự của gia quyến cố tổng thống, cùng hơn 80 lãnh đạo, cựu lãnh đạo các nước.

Điện Invalides đóng cửa vào lúc 7 giờ sáng hôm nay, sau khi mở cửa liên tục gần 17 tiếng đồng đồng hồ cho người dân đến viếng ông Chirac trong đêm, để tránh phải xếp hàng lâu và cũng để có thêm thời gian mặc niệm trước thi hài và chân dung cố tổng thống.

Trước lễ quốc tang là nghi thức dành riêng cho gia đình tại điện Invalides, bắt đầu từ 9 giờ 30. Ông Martin Chirac-Rey, 23 tuổi, cháu trai duy nhất của cố tổng thống, đại diện cho gia đình, nói lời vĩnh biệt người ông. 11 giờ, thi hài của cố tổng thống rời điện Invalides. Trên suốt dọc lộ trình nhiều cây số từ điện Invalides đến nhà thờ Saint Sulpice, công chúng có cơ hội nghiêng mình lần cuối trước vong linh cố tổng thống Chirac.

Tang lễ chính thức bắt đầu vào 12 giờ. Tổng giám mục Paris, đức ông Michel Aupetit, là người cử hành nghi thức tôn giáo. Trong số các lãnh đạo quốc tế tham dự lễ quốc tang cố tổng thống Jacques

Chirac, có nguyên thủ Nga Vladimir Poutine, tổng thống Ý Sergio Mattarella, tổng thống Gruzia Salomé Zourabichvili, thủ tướng Hungary Viktor Orban, vua Jordani Abdallah II, quốc vương Qatar Tamim Ben Hamad Al Thani, và nhiều cựu lãnh đạo cùng thời với cố tổng thống Chirac, như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzaï, cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder, cựu thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodriguez Zapatero.

Lễ quốc tang có sự tham gia của ba cựu tổng thống Pháp François Hollande, Nicolas Sarkozy et Valéry Giscard d’Estaing, cùng lãnh đạo chính trị của tất cả các đảng phái nước Pháp, ngoại trừ lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia, bà Marine Le Pen, quyết định không tham dự, sau khi gia đình tỏ ra e ngại về sự hiện diện của lãnh đạo đảng cực hữu.

Thi hài của cố tổng thống Jacques Chirac được an táng tại nghĩa trang Montparnasse. Theo ý nguyện của phu nhân, bà Bernadette, Jacques Chirac sẽ yên nghỉ bên cạnh ngôi mộ người con gái cả, Laurence, qua đời năm 2016.

Vào đúng 15 giờ, các công sở và trường học trên cả nước dừng hoạt động, để dành một phút mặc niệm cố tổng thống Jacques Chirac.

http://vi.rfi.fr/phap/20190930-quoc-tang-co-tong-thong-phap-jacques-chirac-ok

 

Nhớ Jacques Chirac,

vị tổng thống Pháp ‘sống trong lòng dân’

Phạm Cao PhongGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Paris, Pháp

Lâu rồi nước Pháp mới có một tổng thống đổi chữ cựu ra chữ cố. Sau sự ra đi của cố Tổng thống François Mitrand (1916-1996) đến nay, sự ra đi của ông Jacques Chiracs (1932-2019) có khoảng cách 23 năm.

Không phải vì hiếm mà báo chí và người dân Pháp bàn ra tán vào. Bên này thành lệ, ai đi cũng kể công, kể tội rồi khép lại, chúc an nghỉ và hết day dứt.

Người Pháp viếng cố tổng thống Chirac

Đường dẫn tới Cuộc chiến Đông Dương lần Ba

Nhìn chung, người Pháp nhận định tích cực và yêu mến ông. Chỉ số thiện cảm đứng ngang với ông Charles de Gaulles, trên hết các tổng thống còn lại.

Riêng nhiều người Việt ở Pháp lại thiên về mặt tiêu cực, phủ nhận.

Các cây bút Việt khơi chuyện ông bán sách để vợ đứng ra ký, bán được gần nửa triệu quyển với giá 22,5 euro. Chuyện ông lương hưu đến 30.000 euro còn đi ở nhờ, để cho vợ Thủ tướng Lebanon Hariri nói đổng làm mất mặt nước Pháp. Chuyện hồi ông làm thị trưởng Paris (ông được dân bầu), mà người mình nói là giữ ghế đến 18 năm, dính líu tùm lum chuyện thụt két và tư túi…

Nói chung theo họ, Jacques kém, Jacques hư, chuyện tình cũng vớ vẩn.

Nhận cô gái Việt tị nạn làm con nuôi

Tạp chí Pháp ‘Gala’, chuyên nói về các bà các cô có tên, không tuổi vì ảnh lúc nào cũng đẹp, bìa bóng nhoáng, bán rẻ rề, nhắm vào các bà nội trợ hay tỷ phú thời gian bỏ tiền ra mua không xót so với tờ ‘Le Monde’ toàn chữ, ảnh đen trắng, đã bỏ thời gian đăng lại bài phỏng vấn báo chí năm 2013 với cô Anh Đào Traxel, con gái nuôi của vợ chồng cố thổng thống.

Chuyện rằng:

Năm 1979, lúc đó còn làm thị trưởng Paris, ra sân bay đón thuyền nhân Việt Nam đến từ Malaysia, hai vợ chồng đã nhận Anh Đào vào vòng tay gia đình.

Cô gái tỵ nạn 21 tuổi lúc đó có một mái nhà, ngồi cùng bàn ăn với gia đình. Bernadette Chirac mua tặng cô chiếc áo cưới.

Song, kể từ năm 2012, cô không liên lạc với gia đình bố mẹ nuôi. Cô chỉ biết sự ra đi của ông qua báo chí.

Trong quyển sách tự sự ‘Một gia đình không bình thường’ viết về sự trôi nổi của mình, Anh Đào giành những lời ngờ vực: “Tôi được coi là một thành viên trong gia đình họ khi Bernadette và Claude muốn điều đó. Khi họ cần tôi làm dịu cộng đồng châu Á hoặc dư luận. Họ yêu cầu tôi tham dự đêm giao thừa Trung Quốc, chụp ảnh cho tạp chí Gala vào giữa chiến dịch tranh cử tổng thống. Lúc đó, tôi thích nó. Hôm nay tôi có nghi ngờ. Tôi cảm thấy mình đã được sử dụng một chút cho mục đích bầu cử.”

Cô nói thêm, Jacques Chirac được bầu làm tổng thống, thân cận của ông đã nói rõ rằng, ông “không còn là thị trưởng Chirac, mà là tổng thống của Pháp”. Anh Đào Traxel sẽ khó có quyền đến thăm ông tại Cung điện Elysee. “Có lẽ gia đình nuôi của tôi đã xấu hổ với tôi,” cô nói vào thời điểm lúc đó, “bởi vì tôi chỉ là một nhân viên chăm sóc trong nhà dưỡng lão.”

Cô trách móc gia đình bố mẹ nuôi không dành thời gian cho cô đi học, trong khi các gia đình khác như “Michel Drucker, Philippe Douste-Blazy và Charles Millon cũng nhận nuôi những thuyền nhân như tôi, tạo điều kiện cho họ đi học, điều đó cho phép họ có một nghề nghiệp phù hợp. (…) Tôi thậm chí không có thời gian để học tiếng Pháp, Bernadette rất nhanh chóng tìm cho tôi công việc này. Làm nhân viên phục vụ trong nhà nghỉ hưu, điều mà tôi rất hối hận.”

Cô viết: “Trong gia đình Chirac, người ta không lẫn lộn giữa giẻ lau và khăn ăn…”

Tôi đọc những diễn cảm đủ mầu sắc mà lòng ngổn ngang.

Những chi phí xa hoa

Nhớ chuyện cựu Thủ tướng cánh tả Lionel Jospin nói về Jacques Chirac trước vòng bầu cử tổng thống năm 2002 là “một tổng thống già nua, mệt mỏi, hết thời”. Sau, Jospin bị loại từ vòng một và Jacques Chirac trúng cử với 82,21%.

Vì sao người Pháp lại chọn Jacques làm tổng thống? Dù có chuyện ông khi làm thị trưởng Paris có hầm rượu giá trị đến 14 -15 triệu Francs, riêng hoá đơn thanh toán hoa quả điểm tâm thậm phi lý. Ai đời, món tráng miệng bằng lương cả một phần tư lương tháng của người lao động bình thường. Vì những tư túi và bất minh trong thời gian làm đô trưởng Paris mà ông phải lãnh án tù treo hai năm. Những thay đổi đảng phái ở các chức vụ cho phép bới ra được những lèm nhèm, những chuyện đi đêm trong quá khứ.

Chuyện ở nhờ nhà cũng có. Tờ Express đã lý giải: “Chiếc chìa khóa có một cái tên, có một khuôn mặt. Đó là Laurence, cô con gái của hai vợ chồng mắc một bệnh não hiểm nghèo. Harirri thường rẽ qua đón Laurance đưa bằng máy bay riêng đi khám bệnh, điều trị tại Mỹ. Jacques và Bernadette không bao giờ quên điều đó.” Trước đó, hôm 13/4/1990, Laurence nhẩy từ tầng tư xuống đất, song không chết.

Bà vợ Hariri cũng không nói đến mức nước Pháp phải thẹn. Ngược lại khối Ả-rập rất ngưỡng mộ Tổng thống Jacques Chirac. Khi đi thăm thành cổ Juresalem 10/1966, trước hành vi đàn áp và khiêu khích của cảnh sát Israel, ông đã gọi nhóm cận vệ và an ninh Israel và nói: “Các anh muốn gì? Muốn tôi quay trở lại máy bay của tôi, muốn tôi bay về Pháp? “

Nhà báo Piere Haski trả lời phỏng vấn Europe 1 nói “đó là khoảnh khắc ngoại giao hiệu ứng rất mạnh, một cử chỉ biến ông thành người hùng của thế giới Ả-rập. Tất cả các báo đều nêu sự kiện này, sau đó CNN truyền liên tục, mỗi chặng qua Syrie, Jordanie, ai cũng chỉ nói về chuyện đó. Đó chính là điều Chirac muốn gửi tín hiệu: nước Pháp cảm thông nỗi thương tâm của khối Ả-rập.”

Với những người Ả-rập lợi dụng chế độ an sinh xã hội và ăn bám tại Pháp ông rất thẳng thừng, gọi họ là đồ rác rưởi. Một lần đi thăm khu Gouttte d’Or tại Paris, nơi Thủ tướng Juppé ra ứng cử, ông chỉ trích sinh hoạt thiếu văn hóa, chế độ đa thê, lười biếng, bòn rút quỹ trợ cấp xã hội của cộng đồng Bắc Phi quần tụ ở đây.

Chirac là tổng thống đối đầu trực diện với Mỹ trong hồ sơ Iraq, giống như Charles de Gaule lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và rút Pháp ra khỏi khối OTAN 1966.

Lợi dụng sự kiện tòa tháp đôi tháng 9/2001, vin cớ Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt và tài trợ khủng bố, Tổng thống Mỹ G. W. Bush đã leo thang lên đỉnh điểm là một cuộc chiến với nước này. Jacques Chirac đã lên án việc ăn không nói có, gian dối về tin tức tình báo và phản đối dứt khoát cùng Mỹ tham chiến. Ngày 14/2/2003, Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đọc diễn văn tuyên bố nước Pháp không chấp nhận liên minh với Mỹ chống Iraq.

Người Pháp có cánh nhìn không giống các dân tộc khác. Chả giống Mỹ, lại càng không giống Việt Nam. Họ thích cái lẳng lơ, đẹp trai hay cái láu cá, tài tháu cáy tiền chùa, đến hội chợ nông nghiệp hàng năm ở Porte de Versaille, uống rượu đỏ, ăn đồ đặc sản nông nghiệp và vỗ mông bò bồm bộp?

Không đơn giản như vậy. Jacques Chirac đã đi qua hết thời Đệ ngũ Cộng hòa và hòa tan vào giai đoạn đó. Định mệnh chọn vậy.

‘Cá tính Pháp’

Hồi ngồi ghế học trò, các thầy giáo đều nhận xét chú bé Jacques quá hiếu động. “Làm gì cũng phải suy nghĩ một tí chứ”, “tính khí bốc đồng, ba hoa chích choè”, ” kiềm chế hơn nữa thì tốt”… Chẳng có từ nào ứng với tương lai một người sẽ làm hai nhiệm kỳ tổng thống, trải rất nhiều chức vụ từ thủ tướng, bộ trưởng, nghị viên Quốc hội Pháp, thành viên nghị viện Châu Âu, người sáng lập và đồng thời chủ

tịch Đảng RPR hiện thân của Đảng ‘Những người Cộng hòa’ (LR) bây giờ, và 18 năm thị trưởng thủ đô nước Pháp…

Jacques Chirac mang đủ cá tính của tầng lớp thanh niên Pháp tích cực. Dũng cảm, cứng cỏi, tính tự lập cao, ưu phiêu du, bất cẩn một tý, lãng mạn tràn trề.

Jacques chào đời không phải từ mong ước của mẹ, cũng chỉ vì bất cẩn. Cái tên cũng dân dã, như tên Ivan của Nga hay Hans của Đức.

Jacques tốt nghiệp phổ thông ‘như có phép màu’, 18 tuổi nhảy xuống chiếc tàu chở than “Capitaine St.Martin” làm lính thủy, theo đuổi ứớc mơ từ bé là bồng bềnh sóng biển, hay làm bác sĩ chạy chữa cho dân nghèo. Được ba tháng, bố ép về nhà.

19 tuổi, Jacques vào trường Science-Po, một trường chỉ dành cho những người ưu tú, vẫn đi bán ‘L’Humanité dimanche’ (Báo của Đảng Cộng Sản Pháp) mỗi tuần sau thánh lễ ở nhà thờ St-Sulpice (Paris).

Năm 1950, Jacques ký vào ‘lời kêu gọi Stockholm’ đòi ‘cấm tuyệt đối vũ khí hạt nhân’. Tên Jacques cũng có trong hồ sơ dính líu tới cộng sản. Một lần còn bị hai cảnh sát áp giải về nhà bố mẹ.

Hè 1953, Jacques qua Mỹ, ghi tên vào khóa dự thính Harvard Business School. Để có tiền tiêu, chàng thanh niên không ngần ngại làm chân bán kem cho một tiệm gần Harvard Square, bán cheeseburgers, hoặc lái xe cho các tỷ phú, mặc dù cha là thống đốc ngân hàng Pháp.

Tại Mỹ, Jacques lại bị một tiếng sét ái tình với Florence Herlihy, cô gái đến từ Nam Caroline. Tuy nhiên gia đình bên Pháp vẫn ngầm ủng hộ Bernadette Chdron de Courcel, cô bạn Jacques đính hôn khi quen tại đại học. Cuối cùng, cô gái Pháp ít nói thắng cô Mỹ ồn ào, nóng bỏng.

Hai người kết hôn ngày 16/3/1956 có chung hai cô con gái: Laurence sinh năm 1958, và Claude sinh năm 1962. Năm 1979, nhận nuôi thêm Anh Đào.

Sau ngày cưới, Jacques Chirac thực hiện nghĩa vụ quân sự. Dù có thể chối từ trách nhiệm công dân, vì là sinh viên ENA. Học,”làm việc như một con ngựa” tại trường sĩ quan Saumur, Jacques đỗ thứ tám, nhận quân hàm trung úy trong Trung đoàn 11 dưới quyền tướng Koenig tại Đức, sau gia nhập trung đoàn thiết giáp tại Algeria.

Con người Jacques Chirac đa diện: vừa là chính trị gia địa phương gắn bó với miền quê Corrèze, vừa có hoài bão quốc tế.

Ông là người am hiểu văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, thích môn võ vật Sumo. Phải chăng vì vậy cô gái Việt Nam ông nhận nuôi có tên Anh Đào?

Với ông, “Yêu nước là yêu dân”.

Những người nông dân yêu quý ông. Dưới thời lãnh đạo của Jacques Chirac, nước Pháp là cường quốc nông nghiệp.

Hồi ký của ông viết:

“Khi tôi nhận trách nhiệm về nông nghiệp, nước Pháp đứng hàng thứ tư xuất khẩu thế giới về sản lượng. Năm 1973, chúng ta đã vươn lên vị trí thứ hai, sau Hoa Kỳ, nhưng trước Canada và Australia.”

Hiện nay, cứ hai ngày có một nhà nông tự tử vì phá sản.

Simon Vey đã cảm động khi nhận bó hoa của Jacques khi đạo luật phá thai mang tên bà được thông qua tại quốc hội. Đạo luật cách mạng của bà được sự ủng hộ rất lớn của ông.

Ông còn là vị tổng thống thực hiện ba đại công trình “an toàn giao thông, trợ giúp người khuyết tật có chỗ đứng trong xã hội và bài trừ bệnh ung thư “. Những thành quả mang lại làm những người thiệt thòi phải nhớ ơn ông.

Hôm nay chúng ta xúc động những gì cô bé 16 tuổi Greta Thunberg nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Điều này Chirac là người đầu tiên đánh thức lương tâm con người trong lãnh vực môi trường với lời tuyên bố: “Ngôi nhà chúng ta đang cháy mà chúng ta làm ngơ, ngoảnh mặt đi chỗ khác.”

Ông phát biểu câu nói đó vào ngày 4/9/2002, đúng 17 năm trước.

Về đời tư vị tổng thống của mình, người Pháp không quan tâm, dù có là “tình anh, anh giữ. Tình tôi, tôi cầm” hay “tình anh tôi giữ, tình tôi anh cầm”. Cây tình yêu cần chăm sóc bằng cả hai tay. Bernadette trong mắt các con bà là người mẹ cặm cụi học lấy bằng, tham gia hoạt động chính trị, để không nhàm chán trong vai đệ nhất phu nhân và có thể… để giữ người đàn ông của cuộc đời mà bà yêu.

Mà ngay các vệ sĩ cũng phải ngạc nhiên tại sao các bà các cô nhét được vào túi ông những lời hẹn hò. Những cô gái xinh giòn như kẹo chanh thì la toáng lên “ông ta có cưỡng nổi sức hút của tôi đâu”. Các bạn gái đầm ấm thì vui vẻ với chú nhóc tì có cái mũi bé tẹo, xinh xinh như Jacques.

Cô phóng viên tờ Figaro Jacqueline Chabridon tươi tắn cũng chẳng lo che chắn mối tình vụng trộm với Jacques khi đó mới làm thủ tướng. Ngay tổng thống tương lai cũng đã nghĩ đến chuyện ly dị.

Song kết cục thế nào chúng ta đều biết.

Bernadette viết ‘Cẩm nang giữ chồng’ chắc sẽ xúc động không kém ‘Cẩm nang nuôi tù’ của Phạm Đoan Trang.

Tổng thống Macron đã tóm tắt sự nghiệp chính trị của ông như sau:

“Tổng thống Chirac là hiện thân của một tư tưởng nào đó về nước Pháp. Ông miệt mài đấu tranh vì sự hài hòa của đất nước. Với Tổng thống Chirac, nước Pháp dám trực diện với lịch sử. Pháp là một quốc gia độc lập và kiêu hãnh; Pháp dám cưỡng lại một cuộc chiến không chính đáng, năm 2003 Pháp từ chối can thiệp quân sự vào Iraq mà không được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm. Thế rồi Pháp đã yểm trợ tiến trình tái thiết vì an ninh và hòa bình cho Lebanon. Pháp luôn đóng vai trò truyền thống của lương tâm nhân loại.”

Điện Invalides đã phải mở cửa thâu đêm để dòng người ghé qua vĩnh biệt Jacques Chirac, ‘người đàn ông thuần túy Pháp’, ‘một tổng thống si mê thần dân của mình’.

Những tổng trưởng, nghị sĩ, những nhân vật chức quyền một thời hét ra lửa lặng lẽ xếp hàng như bất cứ người dân nào. Họ biết, trước cái chết, mỗi cá nhân đều bình đẳng, việc cậy nhờ vị trí trên dương gian để vào viếng ông vô vị và giả dối.

Khi một người mất đi, bằng nỗi nhớ của người ở lại chúng ta hiểu được giá trị của con người đó. Jacques đã bước vào đền thờ của lòng dân.

Họ nhớ một Jacques Chirac nhẩy tâng tâng sau bài diễn văn đọc tại lãnh thổ hải ngoại “Bây giờ là tiết mục quan trọng nhất ti-ponch”. (Rượu khai vị đặc trưng của quần đảo Antilles, Guyane, Réunion gồm rượu rhum chưng cất lâu năm, đá cục với chanh tươi, sirô đường mía và bạc hà). Họ nhớ một tổng thống trước bàn tiệc hỏi, “Thế ở đây không có thủ lợn và lòng heo à”. Một Jacques Chirac năm nào cũng có mặt ở Hội Chợ Nông nghiệp vỗ mông bò bồm bộp.

Hôm nay, toàn dân Pháp xúc động chào một con sư tử chính trị qua đời, chia tay với một đoạn đời của họ, chia tay Chirac, hiện thân của một nước Pháp thủy chung với giá trị phổ quát và vai trò lịch sử.

Châu Âu, thế giới và cả ở Việt Nam xa xôi chào từ biệt một nhà lãnh đạo đất nước và một người bạn.

Hiểu văn hóa Pháp, bạn sẽ hiểu điều giản dị, tinh tế trong câu nói đẫm nước mắt. “Ông ấy đi tháng Chín.”

Không xây lăng mộ, Pháp sẽ mai táng thi hài ông Chirac ở nghĩa trang Montparnasse, cạnh mộ con gái Laurence, người qua đời năm 2016.

Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại Paris.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49880158

 

Vài điều cần biết

về thói quen uống rượu vang tại Pháp

Tuấn Thảo

Mùa thu tại Pháp là mùa truyền thống của các Hội chợ Rượu vang (Foire aux Vins). Nhân dịp này, người Pháp thường mua rượu không chỉ để uống thường ngày, mà còn để cất giữ rượu thượng hạng trong những năm được mùa. Về điểm này, công ty nghiên cứu thị trường SoWine công bố những xu hướng tiêu thụ rượu vang tại Pháp.

Dựa theo số liệu (công bố vào hôm 27/09/2019) của cơ quan thống kê Dynata, bản nghiên cứu của công ty SoWine cho thấy các xu hướng của người tiêu dùng ở Pháp đã biến chuyển rất nhiều trong suốt 20 năm qua. Trong một thời gian dài, cách dùng rượu vang đã không có nhiều thay đổi, nếu không nói là bất biến. Lối tiếp cận của người Pháp (nhìn chung) dựa trên những kiến thức ‘‘gia truyền’’ : hiểu theo nghĩa, trong các bữa ăn gia đình, bố mẹ thường hay uống gì, con cái sẽ uống nấy.

Thế nhưng, theo cơ quan SoWine, thời của những thói quen ‘‘gia truyền’’ dường như đã qua. Trong các bữa ăn gia đình, cũng không còn phải tuân thủ chuyện uống từ đầu đến cuối, 100% rượu vang của vùng Bordeaux hay là của vùng Bourgogne. Tùy theo sở thích, thực khách có thể kết hợp cả hai vùng, nếu biết cách chọn có thể uống cả hai loại rượu vang đỏ và trắng.

Thanh niên hay cao niên, người Pháp giờ đây tò mò hơn và hiểu biết nhiều hơn về rượu vang. Các ứng dụng trên smartphone gia tăng, thông tin đầy rẫy trên mạng xã hội, nhiều chương trình truyền hình hay sách hướng dẫn về nấu ăn lần lượt ra đời, tất cả những yếu tố đó giúp cho người Pháp biết thêm nhiều về rượu vang cũng như về khái niệm ‘‘wine pairing’’ : ăn món nào, uống rượu nấy. Về điểm này, khoảng 60% người Pháp đã từng tham gia ít nhất một lần trong năm những sự kiện liên quan đến rượu vang, đó thường là những hội chợ, liên hoan ẩm thực địa phương, hay là ghé thăm các nhà sản xuất rượu vang, do người Pháp thường có thói quen : ghé thăm vùng nào thì nên dùng đặc sản miền nấy.

Nhìn chung, người Pháp uống khá nhiều rượu vang, ít nhất là hai lần trong tuần. Mức tiêu thụ của dân Pháp vẫn ở một mức tương đối cao so với các nước châu Âu. Khi mua rượu, đại đa số người Pháp (86 %) mua ở siêu thị, họ dựa vào gợi ý của bạn bè hay người thân (53%), họ đọc ý kiến của các chuyên gia (32%) và tìm hiểu qua các trang hướng dẫn trên mạng (15%).

Người Pháp yêu chuộng nhất các loại rượu vang trắng : 91% thường uống rượu trắng khai vị), 89% dùng rượu vang hồng (rosé) và 84% thích các loại rượu vang đỏ. Trong số các loại rượu vang phổ biến nhất đối với người tiêu dùng ở Pháp, 43% là rượu vang Bordeaux, 26% rượu vùng Bourgogne và 21% rượu vùng Champagne. Khi dùng rượu sủi bọt, cứ trên mười người, là có tới chín người thích uống sâm banh.

Tuyệt đại đa số người Pháp thích uống rượu ở nhà (85%) nhiều hơn là khi họ đi ăn nhà hàng (52%), họ uống rượu vang trước hết là với gia đình người thân, rồi sau đó là với bạn bè. Trong số các loại đồ uống có độ cồn yêu chuộng của người Pháp, rượu vang vẫn luôn đứng đầu bảng xếp hạng (49%) trước bia (27%) và sâm banh (21%). Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn giữa hai thành phần thanh niên và trung niên. Tại Pháp, người tiêu dùng càng trẻ, họ càng thích uống các loại rượu pha (cocktail). Còn người tiêu dùng càng lớn tuổi, họ lại càng thích dùng rượu vang.

Trong số các xu hướng mới, người Pháp (33%) đặc biệt là giới thanh niên ngày càng thích các loại rượu vang ‘‘hữu cơ’’ (vin bio / organic wine). Xu hướng này rất mạnh ở những người từ 26 đến 35 tuổi. Tuy nhiên, trở ngại chính vẫn là giá thành quá cao của các loại rượu vang này, cho dù hơn 50% người Pháp cho biết họ sẵn sàng trả giá cao hơn, phần lớn cũng vì do các loại rượu vang có dán nhãn hiệu ‘‘bio’’ vẫn còn tương đối ít trên thị trường.

Đối với những ai không biết một chút gì về rượu vang, bạn vẫn có thể dựa vào bảng xếp hạng của các chuyên gia thuộc ‘‘Câu lạc bộ Pháp về rượu vang’’ (Club des Français du Vin) thường được đăng trên các báo như Capital hay Le Parisien. Sau khi nếm thử các loại rượu vang, các chuyên gia lập ra danh sách của những chai rượu ‘‘đáng mua’’ nhất. Hầu hết các dây chuyền siêu thị tại Pháp như Leclerc, Franprix, Casino, Auchan, hay các cửa hàng chuyên bán rượu như Nicolas, Le Vin qui parle ….. hàng năm đều có tổ chức “Hội chợ rượu vang”. Năm nay, hội chợ kéo dài cho tới 06/10/2019.

Chỉ riêng tại các siêu thị Lidl, có tới hơn 150 nhãn hiệu khác nhau, tức là đã tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước, trong đó có 10% là rượu vang ‘‘bio’’ và không chỉ có rượu Pháp, mà còn có thêm rượu nhập khẩu từ Úc và New Zealand. Tại các siêu thị Casino, hội các chuyên gia ‘‘Le Club des Sommeliers’’ lập ra danh sách các loại rượu vang thượng hạng (millésime / vintage) từ năm 1998 đến 2012 (ngoài champagne) dưới 20€ một chai.

Còn tại các cửa hiệu Franprix, chỉ có vào mùa này người ta mới tìm thấy những chai Margaux 2011 với giá mềm 17€ một chai. Ý kiến của các chuyên gia khá cần thiết đối với những ai muốn mua rượu để trữ trong nhiều năm. Đây là cách để giúp cho người tiêu dùng dễ chọn lựa hơn trước khối lượng rượu vang khổng lồ. Tính trung bình hàng năm tại Pháp, có hơn 54 triệu chai được bán chỉ riêng trong mùa Hội chợ Rượu vang.

http://vi.rfi.fr/phap/20190930-vai-dieu-can-biet-ve-thoi-quen-uong-ruou-vang-tai-phap

 

Cháy nhà máy Lubrizol:

Chính quyền Pháp hứa ‘‘minh bạch hoàn toàn’’

Trọng Thành

Hơn ba ngày sau vụ cháy nhà máy hóa chất Lubrizol, ở Rouen, thủ phủ vùng Normandie, miền bắc nước Pháp, với các hậu quả y tế và môi trường khó lường, hôm qua, 29/09/2019, chính quyền nhấn mạnh sẽ « minh bạch hoàn toàn » các kết quả điều tra.

Theo AFP, thủ tướng Pháp Edouard Philippe bảo đảm là « để đáp ứng nỗi lo ngại chính đáng của các cộng đồng dân cư, chỉ có một giải pháp duy nhất : nghiêm túc và minh bạch triệt để, hoàn toàn ». Thủ tướng Philippe cho biết rõ chủ trương của chính phủ là toàn bộ các kết quả điều tra sẽ được công bố.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy, lãnh đạo chính quyền Normandie đã công bố nhiều kết quả phân tích khác nhau, trong đó có chất lượng không khí. Theo ông Pierre-André Durand, chất lượng không khí được coi là « bình thường », trừ ngay tại địa điểm nhà máy Lubrzizol, nơi có sự hiện diện của chất

độc benzen. Chính quyền Normandie cũng lưu ý là, để bảo đảm an toàn thực phẩm, nhiều địa phương đã ra quyết định tạm ngừng thu hoạch.

Chính quyền hơn một trăm xã cũng ra lệnh ngừng thu hoạch cây trồng và các sản phẩm từ chăn nuôi, do nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nhiều địa phương ngày hôm qua thông báo, những người làm nông có trách nhiệm giữ lại « sữa, mật ong và trứng gà nuôi ngoài trời », để chờ kiểm tra, những sản phẩm có chứng chỉ y tế mới được đưa ra thị trường.

Vụ hỏa hoạn không chỉ gây lo ngại ô nhiễm môi trường trong vùng Normandie. Cơ quan phụ trách y tế vùng láng giềng cực bắc Hauts-de-France cũng kêu gọi dân cư thông báo kịp thời về những dấu vết của ô nhiễm.

Ngay từ ngày thứ Bảy, nhiều nghiệp đoàn (CGT, Solidaires…), tổ chức bảo vệ môi trường (Greenpeace, France nature environnement) kêu gọi biểu tình ngày mai 01/10, trước trụ sở cơ quan tư pháp Rouen, đòi hỏi « minh bạch hoàn toàn » về tai nạn công nhiệp này. Theo thông báo chung của các nghiệp đoàn, hiệp hội, « danh sách các sản phẩm bị hỏa hoạn hiện vẫn chưa được công bố ».

http://vi.rfi.fr/phap/20190930-chay-nha-may-lubrizol-chinh-quyen-phap-hua-minh-bach-hoan-toan

 

Nữ thương gia Hoa Kỳ Jennifer Arcuri

 thừa nhận quan hệ tình dục với ông Boris Johnson

Tin từ Luân Đôn, Anh Quốc – Theo tin từ NYTIMES, vào cuối tuần qua, một bài báo của Anh Quốc cho biết, một nữ thương gia Hoa Kỳ – từng nhận được hàng ngàn bảng Anh từ một cơ quan chính phủ do ông Boris Johnson kiểm soát khi ông là thị trưởng của Luân Đôn- thông báo với bạn bè rằng bà và ông Johnson đã từng quan hệ tình dục.

Tiết lộ trên tờ Sunday Times of London làm gia tăng vụ bê bối liên quan đến Thủ tướng Anh Quốc Johnson, khi ông cố gắng vượt qua thế bế tắc trong Nghị viện về các kế hoạch Brexit của ông. Một số cơ quan đang điều tra các cáo buộc rằng ông đối xử thiên vị cho nữ thương gia Jennifer Arcuri, 34 tuổi, bằng cách giúp cô nhận được tiền tài trợ, và đưa cô vào các phái đoàn thương mại mà cô không đủ điều kiện tham gia.

Vào hôm thứ Sáu tuần trước (27 tháng 9), một giám sát viên tại Tòa thị chính Luân Đôn tố cáo ông Johnson với một giám sát viên cho một cuộc điều tra. Ông cho biết nếu những lời buộc tội này có thật, có thể cấu thành hành vi sai trái nơi công sở. Cả ông Johnson và cô Arcuri đều phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Một bộ trưởng chính phủ từ Đảng Bảo thủ của ông Johnson bác bỏ thông tin này là “một khiếu nại bị chính trị hóa rõ ràng”.

Những tiết lộ mới này được công bố vào cuối tuần này, khi ông Johnson đến Manchester để dự lễ khai mạc hội nghị của Đảng Bảo thủ. Hội nghị bị lu mờ trước phán quyết của Tòa án tối cao vào Thứ Ba tuần trước, rằng việc ông Johnson đình chỉ Quốc hội ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Brexit là “bất hợp pháp”.(Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/nu-thuong-gia-hoa-ky-jennifer-arcuri-thua-nhan-quan-he-tinh-duc-voi-ong-boris-johnson/

 

Đức mở phiên xử Volkswagen về vụ « dieselgate »

Thanh Phương

Hôm nay, 30/09/2019, phiên tòa xử vụ kiện tập đoàn xe hơi Volkswagen được mở ra tại tòa án vùng Brunswick của Đức, bốn năm sau vụ tai tiếng « dieselgate », tức là vụ gian dối về khí thải từ các xe hơi chạy diesel do tập đoàn này sản xuất.

Hơn 450 ngàn người đã ghi tên vào danh sách kiện tập thể, theo một thủ tục được thông qua sau vụ dieselgate và lần đầu tiên được áp dụng tại Đức. Đại diện đứng ra kiện, hiệp hội những người tiêu dùng VZBV, cáo buộc tập đoàn xe hơi Volkswagen đã cố tình làm hại khách hàng của họ khi lắp đặt một phần mềm làm giả mạo kết quả kiểm định để cho thấy những xe hơi của hãng này ít ô nhiễm hơn là trên thực tế.

Các thẩm phán sẽ nêu ý kiến của họ về tổng cộng khoảng 50 điểm, nhưng điểm chính yếu là xác định xem Volkswagen có đã gây thiệt hại cho khách hàng và có đã hành xử trái với đạo lý hay không.

Sau phiên tòa hôm nay, phiên thứ hai sẽ diễn ra ngày 18/11. Vụ xử theo dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm, cụ thể là có thể kéo dài đến năm 2023.

Ngoài thủ tục kiện tập thể, 61 ngàn đơn kiện cá nhân cũng đã được nộp tại Đức, trong đó có một số đơn đã được giải quyết ngoài khuôn khổ tư pháp.

Vụ tai tiếng « dieselgate » xảy ra vào năm 2015 khi tập đoàn Volkswagen thú nhận đã trang bị cho 11 triệu chiếc xe của hãng này những phần mềm làm giả kết quả kiểm định về ô nhiễm. Hãng xe hơi Đức đã phải chi ra hơn hơn 30 tỷ euro các chi phí pháp lý, tiền phạt và tiền đền bù, chủ yếu là ở Hoa Kỳ. Tại Đức, hiện Volkswagen chỉ mới trả ba khoản tiền phạt tổng cộng 2,3 tỷ euro, nhưng còn đang bị nhiều vụ kiện dân sự và hình sự.

Cách đây một năm, các nhà đầu tư đã đệ đơn kiện đòi bồi thường, bởi vì do vụ « dieselgate » mà cổ phiếu của họ đã bị sụt giá ở thị trường chứng khoán. Vào tuần trước, chủ nhân hiện nay của Volkswagen Herbert Diess và chủ tịch hội đồng giám sát của tập đoàn Hans Dieter Pötsch cũng vừa bị đưa ra tòa trở lại vì tội thao túng giá cổ phiếu.

Vụ tai tiếng này còn khiến cho số xe hơi diesel càng sụt giảm ở Đức và nhiều thành phố này đang dự tính cấm xe diesel, bị xem là gây ô nhiễm không khí nặng nề.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190930-duc-mo-phien-xu-volkswagen-ve-vu-%C2%AB-dieselgate-%C2%BB

 

Bồ Đào Nha quan ngại diễn biến phức tạp

trên Biển Đông,

kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế

Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Jorge Lacão bày tỏ quan tâm sâu sắc về vấn đề đảm bảo thương mại và tuân thủ luật quốc tế trên Biển Đông, cho rằng các nước cần giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua các công cụ đàm phán và đối thoại.

Trong chuyến thăm Bồ Đào Nha, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Jorge Lacão; hội đàm với Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha José Capucho gặp và trao đổi với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha Eurico Brihante…

Tại các cuộc gặp, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt là kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 500 triệu USD năm 2018; bày tỏ cảm ơn Bồ Đào Nha đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA, IPA); đề nghị phía Bồ Đào Nha tiếp tục ủng hộ việc phê chuẩn hai hiệp định này tại Quốc hội Bồ Đào Nha và Nghị viện châu Âu. Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, sau khi được phê chuẩn, hai hiệp định trên sẽ mở ra một trang mới trong trao đổi thương mại, hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và EU nói chung và với Bồ Đào Nha nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực Bồ Đào Nha có thế mạnh như công nghiệp hàng hải, du lịch, hoá dầu và khai khoáng. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha tiếp tục phối hợp với Đảng Cộng sản Việt Nam trên các hoạt động đa phương của các chính đảng, như Hội báo Avante, Cuộc gặp các đảng cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời với vị thế và uy tín của mình tại Bồ Đào Nha và Nghị viện châu Âu, ủng hộ việc thông qua EVFTA và IPA.

Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Jorge Lacão và đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha cho rằng chuyến thăm là bước khởi đầu quan trọng của tiến trình thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha; nhất trí tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước thực hiện các dự án hợp tác và đầu tư; bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển trong trao đổi thương mại và đầu tư song phương sau khi EVFTA và IPA được phê chuẩn. Đại diện Lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Bồ Đào Nha bày tỏ cam kết mạnh mẽ đối với việc tăng cường thực chất quan hệ hai nước, khẳng định Bồ Đào Nha coi trọng Việt Nam trong chiến lược thúc đẩy quan hệ giữa Bồ Đào Nha với ASEAN không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha khẳng định chuyến thăm là cơ hội quan trọng để tăng cường hiểu biết và thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, thông tin về các nỗ lực của Đảng cộng sản Bồ Đào Nha nhằm đấu tranh bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Bồ Đào Nha.

Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Nguyễn Văn Bình cũng đã thông tin cho phía Bồ Đào Nha về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, đồng thời đề nghị Bồ Đào Nha ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề này. Đáp lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Jorge Lacão bày tỏ quan tâm sâu sắc về vấn đề đảm bảo thương mại và tuân thủ luật quốc tế trên biển. Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha Eurico Brihante bày tỏ hoàn toàn hiểu về tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông, khẳng định việc giải quyết các tranh chấp trên biển cần được thực hiện thông qua các công cụ đàm phán và đối thoại. Trong trao đổi về tình hình Biển Đông, Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha bày tỏ quan điểm nhất quán ủng hộ lập trường giải quyết tranh chấp của Việt Nam thông qua đàm phán và các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Trong những năm gần đây, Bồ Đào Nha nhiều lần đã tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Trong chuyến thăm Bồ Đào Nha của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (26/6/2014), ông Uông Chu Lưu đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Hai bên đã có những quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác ASEAN-EU; đề nghị Bồ Đào Nha ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với từng nước trong EU nói riêng và với EU nói chung. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng thông báo về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); Thỏa thuận cấp cao giữa hai nước về quan hệ cũng như giải quyết quyết tranh chấp. Hành động trên của Trung Quốc đang gây mất ổn định ở Biển Đông, đe dọa thông thương hàng hải, hàng không tại các vùng biển quốc tế, gây lo ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, tự do hàng hải quốc tế… Tại buổi hội đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Antonio Filipe cho rằng thời gian qua, cá nhân ông trên cương vị phụ trách Nhóm Nghị sỹ Đảng Cộng sản trong Quốc hội Bồ Đào Nha cũng như các đồng chí của ông đều theo dõi sát tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 gây ảnh hưởng đến hòa bình ổn định khu vực; cho biết ông sẽ vận động, tuyên truyền cho các đảng trong Quốc hội Bồ Đào Nha am hiểu, chia sẻ và ủng hộ lẽ phải, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; cho rằng hai bên cần tiếp tục kiên trì các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay tại Biển Đông.

Trong chuyến thăm Bồ Đào Nha (2-4/12/2016) của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương dẫn đầu, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tại buổi gặp, ​tiến sỹ Teresa Ribero cho biết Bồ Đào Nha mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực mà nước này có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu, như du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt là nền kinh tế biển. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Bồ Đào Nha, ​tiến sỹ Sergio Sousa Pinto cho biết Bồ Đào Nha ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải trên Biển Đông; nhấn mạnh với tư cách là một quốc gia biển, Bồ Đào Nha rất quan tâm đến tự do hàng hải và việc phải duy trì các vùng biển mở, khẳng định không nước nào có quyền đóng cửa các tuyến đường biển trên thế giới.

http://biendong.net/bien-dong/30591-bo-dao-nha-quan-ngai-dien-bien-phuc-tap-tren-bien-dong-keu-goi-cac-ben-tuan-thu-luat-phap-quoc-te.html

 

Hàng ngàn người biểu tình ở Moscow

yêu cầu thả tù nhân chính trị

Tin từ MOSCOW, Nga – Vào hôm Chủ Nhật (29/9), hơn 20,000 người Nga xuống đường ở Moscow để yêu cầu thả những người biểu tình bị bỏ tù trong mùa hè trong một chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến.

Những người biểu tình bị bắt tại các cuộc biểu tình bùng phát vào tháng 7, khi các chính trị gia đối lập bị cấm tham gia một cuộc bầu cử địa phương. Các cáo buộc về sự tàn bạo của cảnh sát và những bản án tù khắc nghiệt gây ra một làn sóng phản đối công khai bất thường. Một số người bị kết án tới bốn năm tù, và những người khác đang bị truy tố vì các tội như bạo lực với cảnh sát.

Vào ngày Chủ Nhật 29/09 nhiều mưa, nhiều nhóm người vẫy cờ từ một loạt các nhóm chính trị, đồng thời hô to những khẩu hiệu yêu cầu trả tự do cho những tù nhân chính trị. Các cuộc biểu tình này không phải là mối đe dọa đối với Tổng thống Vladimir Putin, người giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tái bầu cử hồi năm ngoái. Nhưng sự việc này lại diễn ra khi vị thế của ông suy yếu, sau nhiều năm Nga bị suy giảm thu nhập. Phe đối lập hy vọng số lượng người biểu tình đạt mức lớn nhất có thể, và lập luận rằng các nhà chức trách sẽ buộc phải thả những người biểu tình bị bỏ tù nếu họ cảm thấy việc giam giữ họ có thể khiến vị thế của họ suy yếu hơn.

Nhóm White Counter chuyên theo dõi các cuộc biểu tình chính trị cho biết họ thống kê được 25,200 người tại cuộc biểu tình này. Phía cảnh sát cho rằng số người biểu tình ở khoảng 20,000. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hang-ngan-nguoi-bieu-tinh-o-moscow-de-yeu-cau-tha-tu-nhan-chinh-tri/

 

Thái tử Saudi Arabia khuyến cáo

về tình hình căng thẳng với Iran

Tin từ WASHINGTON, DC – Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào hôm Chủ Nhật (29/9), Thái tử Saudi Arabia khuyến cáo rằng giá dầu có thể tăng vọt đến “những con số cao không tưởng” nếu thế giới không đoàn kết để ngăn chặn Iran.

Nhưng ông này lại cho biết rằng một giải pháp chính trị sẽ tốt hơn một giải pháp quân sự. Khi phát biểu trong chương trình “60 minutes” của CBS, thái tử Mohammed bin Salman cũng phủ nhận việc ông ra lệnh cho các đặc vụ Saudi sát hại nhà báo Jamal Khashoggi gần một năm trước, nhưng nói ông phải chịu “hoàn toàn trách nhiệm” với tư cách là người lãnh đạo quốc gia. Cái chết của ông Khashoggi tạo ra sự phẫn nộ toàn cầu và hủy hoại danh tiếng của thái tử.

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa chính quyền tổng thống Donald Trump với Iran, kẻ thù truyền kiếp của Saudi Arabia, chi phối chính sách của Hoa Kỳ đối với Riyadh nhiều hơn trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau cuộc tấn công vào ngày 14 tháng 9 ở trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ Saudi.

Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào hôm Thứ Ba tại Saudi Arabia, Thái tử cho biết ông đồng ý với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, rằng vụ tấn công ngày 14 tháng 9 phá hủy cơ sở chế biến dầu mỏ lớn nhất thế giới là một hành động gây chiến của Iran. Nhưng ông cho biết vẫn mong muốn một giải pháp hòa bình. Vì một cuộc chiến giữa Saudi Arabia và Iran sẽ làm sụp đổ nền kinh tế toàn cầu. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/thai-tu-saudi-arabia-khuyen-cao-ve-tinh-hinh-cang-thang-voi-iran/

 

Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong

bị tấn công bằng sơn ở Đài Loan

Ca sĩ và cũng là một nhà hoạt động của Hong Kong, cô Denise Ho, bị một người đàn ông đeo mặt nạ tấn công bằng sơn đỏ tại một cuộc tuần hành ở Đài Loan để bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong, theo Reuters.

Cô Ho, vốn từng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trước đó trong tháng này, đang trao đổi với các phóng viên tại cuộc tuần hành ở Đài Bắc thì một người đàn ông chạy tới và đổ sơn đỏ lên đầu cô.

Hai người đàn ông Đài Loan đã bị bắt ngay sau vụ tấn công, theo Reuters.

XEM THÊM:

Trung Quốc dọa đáp trả Mỹ về dự luật Hong Kong

Hãng tin này dẫn lời cơ quan điều tra của hòn đảo này nói rằng hai nghi phạm có liên hệ tới một nhóm tội phạm có tổ chức, vốn ủng hộ quan hệ gần gũi hơn giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Các nhà tổ chức nói rằng khoảng 100 nghìn người tham dự cuộc tuần hành ở Đài Loan để ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong.

Đây cũng là một phần của các cuộc tuần hành “chống chủ nghĩa toàn trị” khắp toàn cầu trước lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/ca-s%C4%A9-hong-kong-b%E1%BB%8B-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-b%E1%BA%B1ng-s%C6%A1n-%E1%BB%9F-%C4%91%C3%A0i-loan/5103339.html

 

‘Tôi không hy vọng gì vào tương lai mình ở Hong Kong’

Karishma VaswaniPhóng viên thương mại Á Châu

“Tôi theo học đại học để có một cuộc sống tốt hơn, nhưng tôi không có hy vọng gì cho tương lai của mình”, Dicky Cheung, 20 tuổi nói với tác giả.

Dicky và bạn của ta là sinh viên, nhưng đằng sau những nụ cười thân ái và vô tư của họ là một nỗi lo lắng về tương lai.

Họ gặp tôi ở quận Mongkok của Hong Kong và trong một bữa tối với rau bina mặn và mực, tôi được nghe những câu chuyện về sự thất vọng và cố gắng không mang lại kết quả.

Dicky đang học để trở thành một giáo viên và muốn trở thành trụ cột chính cho gia đình.

Nhưng anh không nghĩ điều đó khả thi, bởi vì một khi tốt nghiệp đại học, Dicky nói rằng anh không nghĩ mình sẽ có được một công việc tốt – hoặc bất kỳ công việc nào cả.

Các công ty PR từ chối ‘xây dựng lại hình ảnh’ cho Hong Kong

Hong Kong trước Quốc khánh TQ: Người biểu tình lên lịch, Joshua Wong sắp tranh cử

Đài Loan gửi mặt nạ phòng hơi độc cho Hong Kong

“Tôi muốn thay đổi cuộc sống của gia đình mình. Ở Hong Kong, mọi người phải làm việc cật lực mới đủ để trả tiền thuê nhà rất cao “, Dicky nói với tôi, cảm xúc trào dâng trong mắt.

“Giờ khi lớn lên, tôi còn không thể làm được điều đó. Các vị trí tuyển dụng đang ở mức thấp hơn trước [và] khi chúng tôi tốt nghiệp trong ba năm nữa, tình hình [sẽ] tệ hơn nhiều. “

Đối với Leung Suet Lam, 18 tuổi, viễn ảnh cũng tương tự.

“Khi tốt nghiệp, tôi nghĩ sẽ vẫn phải sống cùng với gia đình”, Suet Lam tâm sự với tôi. “Rất khó để có một căn hộ ở đây … mua là chắc chắn không được rồi.

“Cấu trúc của những ngôi nhà ở Hong Kong cũng rất nhỏ – tôi sẽ phải chi rất nhiều tiền để mua một căn hộ nhỏ xíu và điều đó sẽ hạn chế trí tưởng tượng của mình về cuộc đời.”

Những người trẻ tuổi như Dicky và Leung đang vật lộn với ba thách thức kinh tế lớn: giá lương không tăng, thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh và giá bất động sản thì tăng mạnh.

Trong khi các lý do cho các cuộc biểu tình chính trị rất phức tạp và không liên quan đến việc mua nhà hoặc kiếm việc làm, nhiều người trẻ ở Hong Kong cảm thấy bị bỏ rơi hàng thập niên nay bởi các chính sách của chính phủ được hoạch định kém.

Điều đó thúc đẩy sự phẫn nộ của họ đối với một hệ thống mà họ cảm thấy đang làm bất lợi cho tương lai của cho họ.

Tiền lương tăng chậm

Cạnh tranh để vào được một trong những trường đại học hàng đầu của Hong Kong rất khốc liệt, nhưng ngay cả khi được vào học và tốt nghiệp xong, không có gì bảo đảm bạn sẽ tìm được một công việc tốt hoặc có thu nhập ổn định.

Ngày càng nhiều người Hong Kong đang phải cạnh tranh với sinh viên Trung Quốc để tìm việc.

Chan Wai-Keung, một giảng viên tại Đại học Bách khoa Hong Kong, cho biết vào những năm 1990, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp là khoảng 25.000 đôla Hong Kong (3.188 đôla). Ngày nay, ông nói nó có thể chỉ là 28.000 đôla Hong Kong.

Ông Chan từng xuất bản một báo cáo xem xét tăng trưởng của tiền lương và giá sinh hoạt cho thanh niên Hong Kong trong vòng 30 năm qua.

Ông thấy rằng trong khi tiền lương bắt đầu bị đình trệ, giá bất động sản đã tăng gấp 10 lần.

“Chương trình giáo dục của chúng tôi đã lỗi thời”, ông Chan nói với tôi.

“Nền kinh tế của Hong Kong bị chi phối bởi một số ít các gia đình quyền lực, giới đã kiếm được nhiều tiền trong thị trường bất động sản. Họ không muốn đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao hoặc các ý tưởng sáng tạo.

“Chính phủ của chúng tôi chỉ có những lời nói đãi bôi về việc phát triển công nghệ cao. Ngay cả khi những người trẻ tuổi muốn tham gia vào ngành công nghiệp mới này, sẽ không có nhiều cơ hội tốt cho họ.”

Nhà ở xa tầm tay

Triển vọng công ăn việc làm ảm đạm có nghĩa là những thứ như mua nhà nằm ngoài tầm với của hầu hết người Hong Kong, ngoại trừ một số ít may mắn – như Karide Chow.

Là một nhân viên công nghệ với một công ty quốc tế trong thành phố, Karide Chow đã vay tiền của mẹ để mua một căn hộ chung với anh trai.

“Rất khó để sở hữu một ngôi nhà ở Hong Kong và giá thuê nhà tiếp tục tăng lên trong vài năm qua,” cô nói với tôi. “Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn mua căn hộ trong năm nay, bởi vì giá sẽ tiếp tục tăng.”

Căn hộ làm Karide tốn hết hơn 500.000 đôla và có diện tích khiêm nhường 25 mét vuông.Và ở trong căn hộ nhỏ bé này, Karide, anh trai và bạn trai của cô sẽ sống chung – điều mà cô nói không bất thường bởi vì giá nhà đắt đỏ ở đây.

Hong Kong là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để làm chủ một ngôi nhà, theo Chỉ số Bong Bóng Bất Động sản UBS.

Giá nhà đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008, và tại thời điểm năm 2017, theo Cục Thống kê của Hong Kong, chưa đến một nửa số hộ gia đình ở đây có nhà riêng, con số thấp nhất trong 20 năm.

Nhà cửa công cộng là một giải pháp, nhưng số nhà này không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Một phần của vấn đề là các nhà phát triển bất động sản nắm giữ các lô đất chưa sử dụng do nhà băng làm chủ, không có động cơ để xây chung cư.

“Nếu họ phát triển [đất] thành nhà ở tư nhân, họ sẽ kiếm được gấp mười lần”, Stanley Wong, cựu chủ tịch của Lực lượng đặc nhiệm Hong Kong về Cung cấp Đất đai nói với tôi.

“Đối với nhà cho thuê công cộng – thì lợi nhuận sẽ giảm xuống khoảng gấp năm lần. Cung cấp đất đai ở bất kỳ quốc gia nào cũng là trách nhiệm của chính phủ.

“Tôi phải nói trong mười hoặc mười lăm năm qua, chính phủ Hong Kong đã không đủ cả quyết để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ đáp ứng được nguồn cung đất trong trung hạn.”

Thiếu ý chí chính trị

Hong Kong có một trong những mức thuế thấp nhất trên thế giới, điều này đã giúp nó trở thành một trung tâm tài chính lớn.

Tuy nhiên, mức thuế thấp đó có nghĩa là chính phủ phải tìm những cách khác để tài trợ cho các chương trình giáo dục, nhà ở và y tế.

Theo truyền thống, chính phủ Hong Kong đã dựa vào doanh thu từ bán đất cho các nhà phát triển cho các dự án thương mại – nhưng điều đó có nghĩa là có rất ít động lực để chính phủ quy hoạch đất cho nhà ở công cộng.

Vấn đề khác là cấu trúc phức tạp của hội đồng lập pháp Hong Kong, cơ quan 70 thành viên bỏ phiếu về cách sử dụng công quỹ. Hội đồng này bị chi phối bởi các nhóm kinh doanh, những người thường bỏ phiếu vì lợi ích riêng của họ.

Hong Kong là một thành phố được xây dựng cho kinh doanh. Nhưng trong khi các doanh nghiệp phát triển mạnh, các thành phần dân chúng khác bị bỏ rơi.

Việc thiếu kế hoạch của chính phủ đã góp phần vào khoảng cách giữa người giàu và nghèo lớn nhất ở Hong Kong trong 45 năm.

Chính phủ hiện nhận ra rằng họ cần phải điều chỉnh mọi thứ – nhưng nhận thức này có thể là quá ít, quá muộn.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49874855

 

Hồng Kông tổng vệ sinh

chuẩn bị cho ngày quốc khánh Trung Cộng

Tin từ HỒNG KÔNG – Vào hôm thứ Hai (30/9), các trạm tàu điện ngầm và đường phố Hồng Kông mở cửa trở lại sau một ngày cuối tuần hỗn loạn, với cảnh sát bắn vòi rồng, hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình. Để đáp trả, người biểu tình phóng hỏa và ném bom xăng bên ngoài văn phòng chính phủ và khắp các quận trung tâm.

Vùng lãnh thổ của Trung Cộng đang đứng trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân vào hôm Thứ Ba. Nhà chức trách mong muốn tránh những cảnh có thể làm xấu hổ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Một cuộc tổng vệ sinh lớn đang diễn ra sau khi các con đường, cửa hàng và các tòa nhà trên khắp trung tâm tài chính được phủ đầy graffiti, cửa sổ trong các tòa nhà chính phủ bị đập vỡ.  Một phần vỉa hè bị người biểu tình nhổ bỏ trong các cuộc biểu tình cuối tuần. Một số nhà ga ngầm bị phá hoại và đường phố tràn ngập những mảnh vụn từ những vật cản trên đường và tàn dư của những đám cháy.

Theo một đại diện của Tổ Chức Nhân dân về Nhân quyền (CHRF), hai nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, tài tử Gregory Wong và Ventus Lau, bị bắt vì liên quan đến các cuộc biểu tình vào hôm thứ Hai (30/9). Cảnh sát Hồng Kông không lập tức xác nhận các vụ bắt giữ này.

Vào hôm thứ Hai (30/9), CHRF cho biết chính quyền từ chối phê duyệt một cuộc diễn hành được lên kế hoạch vào hôm thứ ba từ Công viên Victoria trong khu du lịch Vịnh Causeway đến Đường Chater, bên cạnh các trụ sở chính phủ, do những lo sợ về vấn đề an ninh. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hong-kong-tong-ve-sinh-chuan-bi-cho-ngay-quoc-khanh-trung-cong/

 

Hồng Kông: Học sinh trung học bãi khóa

trước ngày Quốc khánh Trung Quốc

Trọng Thành

Trước cuộc biểu tình dự kiến có đông người tham gia vào ngày mai, nhân 70 năm ra đời nước Trung Hoa cộng sản, hôm nay 30/09/2019, học sinh trung học Hồng Kông bãi khóa, tuần hành rầm rộ, tố cáo bạo lực cảnh sát và đòi hỏi dân chủ cho đặc khu. Biểu tình, tuần hành là chuyện đã gần như diễn ra hàng ngày tại Hồng Kông kể từ gần 4 tháng nay, nhưng căng thẳng đặc biệt dâng cao trước ngày Quốc khánh Trung Quốc 01/10.

Phóng sự của thông tín viên Vincent Souriau tại Hồng Kông :

« Tại trường học, mọi người thổi sáo. Còn trên đường phố tất cả hát vang ca khúc biểu tượng của phong trào ‘‘Vinh quang cho Hồng Kông’’. Chống lại nền độc tài tàn bạo, đó là khẩu hiệu của giới học sinh trung học. Tất cả xuống đường trong đồng phục, như cô Suki, 18 tuổi.

Suki bày tỏ : ‘‘Có hai điều. Trước hết là tự do và dân chủ, bởi chúng tôi sinh ra được hưởng tự do, nhưng người ta đã tước đoạt của chúng tôi. Chúng tôi phải chiến đấu, chúng tôi phải kháng cự, vì chính tương lai của chúng tôi. Còn điều thứ hai là cảnh sát. Bạo lực và sự độc đoán không thể mang lại điều gì. Họ đã lạm dụng quyền lực, và đã có rất nhiều nạn nhân, trong hàng ngũ những người biểu tình, và kể cả những người dân thường, những người không dính dáng gì đến phong trào. Tôi không thể chấp nhận như vậy’’.

Vị trí của các học sinh trung học có phải là ở trên đường phố như thế này ? Có nên bỏ học, tuần hành dưới hơi cay như vậy không ? Nếu bạn đặt ra những câu hỏi này thì điều đó chứng tỏ bạn đã quá già nua. Anh Keith, 18 tuổi, trả lời : ‘‘Hiện nay, tự do và dân chủ là hai giá trị nền tảng của toàn thế giới. Tôi tin rằng, nếu như thế hệ đi trước không muốn đứng lên để bảo vệ các giá trị ấy, để bảo vệ nguyên tắc ‘‘một quốc gia, hai chế độ’’, thì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chỉ còn giới trẻ để cứu lấy tương lai của đất nước’’.

Bất chấp các nguy cơ, đa số họ muốn tuần hành vào ngày mai, mùng một tháng Mười, Quốc khánh Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, để tố cáo việc chính quyền Bắc Kinh thao túng vùng lãnh thổ Hồng Kông ».

Bắc Kinh tăng gấp đôi số nhân viên an ninh

Theo AFP, hôm nay, trước ngày Quốc khánh, dự kiến sẽ căng thẳng tại Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tôn trọng nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ ». Ông Tập cam kết Bắc Kinh sẽ « tiếp tục thực thi toàn diện và thành thật (…) quyền tự trị của vùng lãnh thổ Hồng Kông », tuân thủ Hiến pháp (Trung Quốc) và Luật cơ bản Hồng Kông (tức Hiến pháp đặc khu). Tuy nhiên, phát biểu của chủ tịch Trung Quốc hoàn toàn không gây ngạc nhiên và không hề là một sự nhân nhượng. Đây đơn giản chỉ là một lời nhắc lại những gì mà chính quyền Bắc Kinh liên tục khẳng định từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời một số chuyên gia về an ninh cho hay, chính quyền Trung Quốc đã kín đáo tăng gấp đôi số lượng các nhân viên an ninh, bố trí tại Hồng Kông. Các nhà quan sát châu Á và phương Tây nhấn mạnh đến việc Trung Quốc nhân cuộc luân chuyển các đơn vị quân đội đồn trú tại Hồng Kông, diễn ra hồi tháng trước, để tăng thêm lực lượng và phương tiện. Khoảng từ 10 nghìn đến 12 nghìn nhân viên an ninh Trung Quốc hiện có mặt tại Hồng Kông, so với từ 3 đến 5 nghìn trước đây.

Cảnh sát Hồng Kông cảnh báo tình hình sẽ « rất, rất nguy hiểm » vào ngày mai tại Hồng Kông, nơi những người biểu tình đòi dân chủ dự kiến sẽ xuống đường đông đảo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190930-hong-kong-hoc-sinh-trung-hoc-bai-khoa-truoc-ngay-quoc-khanh-trung-quoc

 

Giới ngoại giao: ‘Trung Quốc âm thầm

tăng gấp đôi binh sĩ ở Hong Kong’

Hiện có tới 12.000 binh sĩ Trung Quốc có mặt ở Hong Kong, Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết hôm 30/09. Trong số này có các thành viên của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một lực lượng bán quân sự, vốn báo cáo lên Quân ủy Trung ương với sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Vào tháng trước, Bắc Kinh đã đưa hàng ngàn binh sĩ qua biên giới vào thành phố Hong Kong bằng các phương tiện như xe tải, xe bọc thép, xe buýt và cả bằng tàu thủy, vẫn theo Reuters.

Tân Hoa Xã mô tả rằng đây là hoạt động “thường lệ” của lực lượng cấp thấp mà Trung Quốc đã cho đồn trú ở Hong Kong kể từ khi Anh chuyển giao thành phố này cho Bắc Kinh vào năm 1997. Tân Hoa Xã không đề cập đến các cuộc biểu tình chống chính phủ đang làm rúng động Hong Kong từ tháng 6 cho đến nay.

Các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây tại Hong Kong trong tháng qua nói với Reuters rằng họ chắc chắn việc triển khai binh sĩ vào cuối tháng 8 vừa qua không phải là một sự luân chuyển thường lệ, mà là một sự củng cố lực lượng. Tất cả 7 nhà ngoại giao cho Reuters cho biết rằng họ chưa thấy bất kỳ lực lượng đáng kể nào ở Hong Kong đã quay trở về đại lục trong những ngày trước hoặc sau khi Tân Hoa Xã loan báo.

Ba trong số các đặc phái viên cho Reuters biết rằng đội ngũ nhân viên quân sự Trung Quốc tại Hong Kong đã tăng gấp đôi về quy mô kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu. Họ ước tính số lượng nhân viên quân sự hiện nay là từ 10.000 đến 12.000 người, tăng từ 3.000 đến 5.000 người so với trước.

Do đó, các đặc phái viên tin rằng Trung Quốc hiện đang tập hợp lực lượng quân sự lớn nhất từ trước đến nay ở Hong Kong, bao gồm lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và lực lượng chống bạo động khác.

Đáng chú ý, năm trong số các nhà ngoại giao cho biết, việc tăng cường lực lượng này bao gồm các thành phần của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP), một lực lượng chống bạo động bán quân sự của đại lục và lực lượng an ninh đối nội dưới sự chỉ huy riêng của PLA.

Trong khi Reuters không thể xác định quy mô của đội ngũ PAP, các phái viên cho biết phần lớn binh sĩ ở Hong Kong là thuộc PLA.

Đầu tháng 9, một phát ngôn viên của Văn phòng Trung Quốc phụ trách các vấn đề Hong Kong và Ma Cao cho biết, Trung Quốc sẽ “không ngồi yên” nếu tình hình trong thành phố tiếp tục xấu đi và gây ra mối đe dọa cho “chủ quyền của đất nước.”

Một số nhà phân tích nước ngoài cho rằng sự hiện diện quân sự được củng cố của Trung Quốc lớn hơn dự kiến và dường như đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Họ nói rằng quy mô của lực lượng này cho thấy nó đã vượt xa vai trò mang biểu tượng truyền thống của quân đồn trú địa phương ở Hong Kong.

https://www.voatiengviet.com/a/gioi-ngoai-giao-trung-quoc-am-tham-tang-gap-doi-binh-si-o-hong-kong/5104074.html

 

Kỷ niệm 70 năm: TQ phô bày sức mạnh quân sự

vào ngày quốc khánh

Alex NeillViện nghiên cứu chiến lược quốc tế

Trung Quốc sẽ tổ chức một trong những cuộc diễu hành quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay vào thứ Ba để kỷ niệm 70 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản và Bắc Kinh hứa hẹn sẽ phô bày một loạt vũ khí tân tiến nước này tự sản xuất.

Những thiết bị nào chúng ta sẽ được thấy và làm thế nào mà Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới?

Kế hoạch cho ngày 1 tháng 10 là gì?

Cuộc diễu hành quân sự – một phần của một ngày lễ kỷ niệm khổng lồ – sẽ diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn trước quan khách, một số thành viên quần chúng được lựa chọn và 188 tùy viên quân sự từ 97 quốc gia.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng gần đây cho biết Trung Quốc không có ý định hay cần phải “uốn cơ bắp” với màn trình diễn này, nhưng trọng tâm là thể hiện một “Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và có trách nhiệm”.

Tuy nhiên, sự quy mô của cuộc diễu hành này đã khơi mào cả sự ngưỡng mộ lẫn khinh miệt.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết 15.000 quân nhân sẽ tham gia, bao gồm 59 nhánh của quân đội và 580 thiết bị quân sự sẽ diễu hành trên đường phố và 160 máy bay sẽ bay trên không.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giám sát quân đội dọc theo Đại lộ Trường An – đại lộ lớn của Bắc Kinh – và sau đó, một số lực lượng diễu hành của lục quâ, không quân và lực lượng thiết giáp áo giáp sẽ đi quanh hoặc thông qua Quảng trường Thiên An Môn.

Đây cũng là lần đầu tiên một đội ngũ từ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc 8.000 người của Trung Quốc sẽ tham gia.

Chúng ta sẽ thấy những thiết bị gì?

Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) rõ ràng rất hào hứng với việc phô diễn các hệ thống vũ khí mới tinh vi mà họ nói tất cả đều đang hoạt động.

Các nhà tuyên truyền của PLA đặc biệt chú trọng đến các tên lửa mới, có khả năng tàng hình và không cần người lái. Trong số các thiết bị chúng tôi mong đợi để xem là:

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 mới nhất, mà các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ nơi nào trên Trái đất. Được cho là mang trọng tải đầu đạn MIRV. Một đầu đạn MIRV có thể được chỉ dẫn hướng tới một mục tiêu cụ thể, sau đó có khả năng bắn trúng 10 mục tiêu khác nhau trên một khu vực rộng.

Một hệ thống tên lửa đạn đạo khác, DF-17, được cho là có thể mang theo một phương tiện bay lượn siêu âm gần giống với hệ thống Avangard của Nga. Những phương tiện như vậy có thể cơ động lảng tránh ở tốc độ cực cao để trốn tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Hai máy bay không người lái, một máy bay không người lái giám sát và nhắm mục tiêu siêu thanh gọi là DR-8 và chiếc còn lại là máy bay không người lái hình cánh dơi tàng hình có tên là Sharp Sword, được thiết kế để phóng từ tàu sân bay.

Máy bay vận tải Y-20, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và máy bay cảnh báo và giám sát sớm.

Biến thể mới nhất của máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc H6-N – có khả năng tiếp nhiên liệu trên không và mang theo tên lửa đạn đạo phóng từ trên không.

PLA đã nhấn mạnh rằng cuộc diễu hành cũng sẽ chứng minh các cấp độ đổi mới mới từ ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và sự cải thiện về khả năng tấn công.

Trung Quốc chi bao nhiêu cho quân sự?

Sự gia tăng trong ngân sách quân sự của Trung Quốc rất đáng chú ý, và đã tăng tốc kể từ khi ông Tập công bố những cải cách lớn vào năm 2015.

Trong thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng đã tăng ít nhất 10% mỗi năm – hiện tại nó ở mức 168,2 tỷ đô la, lớn thứ hai trên thế giới.

Trung Quốc cũng là nhà đầu tư quốc phòng lớn nhất châu Á, năm 2018 chi 56,1 tỷ đôla cho việc mua sắm và phát triển vũ khí và nghiên cứu quốc phòng, hơn 33% ngân sách quốc phòng chung của Trung Quốc. Một sách trắng quốc phòng gần đây gọi đây là chi tiêu “hợp lý và phù hợp”.

Trung Quốc làm giảm tầm quan trọng của mức gia tăng chi tiêu khổng lồ này bằng việc so sánh với Mỹ, nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới – tổng cộng là 643,3 tỷ đôla năm 2018.

Bắc Kinh lập luận rằng mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chi tiêu quốc phòng của họ chưa bằng một phần tư so với Hoa Kỳ năm 2017 và chỉ tốn 100 đôla mỗi người dân – chỉ bằng 5% so với Hoa Kỳ.

Vì sao TQ nghĩ sẽcần đến sức mạnh quân đội?

Trung Quốc cho biết họ đang xây dựng một “quân đội mạnh” để phù hợp với vị thế quốc tế và thu hẹp khoảng cách với các quân đội hàng đầu thế giới.

Một manh mối về động lực của Bắc Kinh có thể thấy từ sách trắng, vốn ngay từ đầu đã cáo buộc Hoa Kỳ kích động và tăng cường cạnh tranh giữa các nước lớn, tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, đẩy mạnh phát triển phòng thủ về hạt nhân, ở vũ trụ, không gian mạng và tên lửa, và làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Và ngay trên đầu danh sách các rủi ro và thách thức an ninh, tài liệu này mô tả cuộc chiến chống lại phe ly khai ngày càng gay gắt và chương trình nghị sự đòi độc lập cứng đầu của đảng Dân chủ tiến bộ cầm quyền của Đài Loan.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, một ngày nào đó sẽ được đưa trở lại dưới sự kiểm soát của đại lục – bằng vũ lực nếu cần thiết. Thống nhất là một phần trung tâm của mục tiêu “trẻ hóa quốc gia” của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng là một chủ đề chính trong cuộc diễu hành.

Với cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ diễn ra trong ba tháng nữa, việc phô bày các hệ thống tên lửa đạn đạo và nhấn mạnh vào các công nghệ tàng hình và tiên tiến trong cuộc diễu hành sẽ là một thông điệp răn đe.

Cuộc diễu hành cũng sẽ tìm cách thể hiện quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, bao gồm cả các yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông.

Ví dụ, các hệ thống tên lửa có thể được sử dụng để bảo vệ các căn cứ không quân và hải quân mới được xây dựng trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trên thực tế, Trung Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo chống hạm vào Biển Đông vào cuối tháng 6.

Những khả năng này được cho là một phần trong chiến lược Chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2AD) của Trung Quốc, nhằm ngăn chặn Mỹ tiếp cận Biển Đông.

Sức mạnh quân sự TQ đến đâu so với Mỹ?

Một trong những khác biệt lớn với thứ ba, trái ngược với cuộc diễu hành lớn cuối cùng ở Bắc Kinh năm 2015, sẽ là một không khí ăn mừng.

Cuộc diễu hành V-Day, đánh dấu kỷ niệm 70 năm chiến thắng Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, là một sự kiện hoàn toàn long trọng. Cuộc diễu hành này trái lại tìm cách tôn vinh những thành tựu của Trung Quốc về đổi mới quốc phòng và sản xuất nội địa.

Thông điệp chính là PLA đã thực sự bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình – và sau những cải cách sâu rộng, nó có vị trí tốt để tiến tới trở thành một lực lượng hiện đại hóa vào năm 2035 và lực lượng tầm cỡ thế giới vào năm 2049.

Tuy nhiên, trong khi một cuộc diễu hành quân sự xa hoa có thể thể hiện quy mô đầu tư của nó, nó không thể mô tả khả năng quân sự tổng thể của PLA.

Trung Quốc cần cải thiện cơ cấu lương quân sự, chế độ hậu cần chung và đào tạo chung. Ngoài ra, chương trình cải cách quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc liên quan đến việc đại tu cơ cấu chỉ huy và lực lượng toàn diện và tốn kém.

Bất chấp sự tinh vi bắt mắt của kho vũ khí sẽ được diễu hành, PLA vẫn còn nhiều thập kỷ nữa mới đạt được khả năng quân sự gần với Mỹ.

Alexander Neill là thành viên cao cấp của Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49874928

 

Tàu dầu TQ rơi vào ‘danh sách đen’ của Mỹ:

Thị trường vận chuyển nhiên liệu hoảng loạn

Giá vận chuyển nhiên liệu tăng vọt, các công ty dầu mỏ cuống cuồng tìm tàu thay thế là những hệ quả từ lệnh cấm của Mỹ.

Các công ty môi giới vận chuyển trên khắp thế giới đang bị “ngập đầu” trong các cuộc gọi từ các thương nhân dầu mỏ nhằm tìm kiếm tàu thay thế sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng chục tàu chở dầu do một nhà điều hành tàu chở dầu lớn của Trung Quốc vận hành.

Với cáo buộc chở các lô dầu thô bất hợp pháp của Iran, Mỹ đã liệt vào “danh sách đen” khoảng 50 tàu chở dầu được điều hành bởi một công ty con của Cosco Shipping Energy Transport (CSET) – một trong những chủ tàu chở dầu lớn nhất thế giới và đáp ứng phần lớn nhu cầu dầu của Trung Quốc.

Washington cũng cảnh báo các cảng biển và thương nhân trên khắp thế giới ngừng kinh doanh với các tàu của Trung Quốc.

Một nhà môi giới Singapore cho biết, điện thoại của công ty đã không ngừng đổ chuông kể từ khi có thông báo và các thương nhân muốn tìm kiếm giải pháp thay thế.

“Chúng tôi làm việc cả đêm. Tất cả đều có yêu cầu giống nhau: ‘Hãy cho tôi bất cứ tàu nào cũng được ngoại trừ tàu của Cosco và phải ngay lập tức’. Mọi người đều đang hoảng loạn” – nhà môi giới cho biết.

Làn sóng tìm tàu thay thế đã góp phần thúc đẩy thêm một đợt tăng giá mới đối với chi phí vận tải dầu, sau khi vụ tấn công trong tháng này nhằm vào các cơ sở dầu của Ả-rập Xê-út gây lo ngại về nguồn cung dầu thô và khiến giá cước vận chuyển tăng.

“Lệnh trừng phạt này nghĩa là hầu hết công ty phương Tây sẽ phải tránh thuê tàu Cosco, đồng nghĩa với việc nguồn cung tàu chở dầu sẽ bị thắt chặt một cách hiệu quả” – đại diện ngân hàng đầu tư Clarksons Platou Securities cho biết.

Công ty mẹ của CSET – Cosco Shipping Group – là nhà khai thác vận tải lớn nhất thế giới xét về số lượng tàu và năng lực, vận hành hơn 1.100 tàu các loại, bao gồm tàu container, tàu chở dầu và tàu chở hàng rời. Công ty này cũng là một phần quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” trị giá hàng nghìn tỷ USD của Bắc Kinh nhằm mục đích thiết lập cơ sở hạ tầng và kênh phân phối để giúp mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Một nguồn tin am hiểu vấn đề này cho biết, Cosco đang yêu cầu Bắc Kinh đưa lệnh trừng phạt này vào nội dung cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Nguồn tin này cũng khẳng định, giới chức Trung Quốc coi động thái này của Mỹ như là một “cú đâm trực tiếp” vào chính quyền Bắc Kinh.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên và dự định sẽ tìm hiểu thêm về tình hình này” – đại diện của Cosco đưa ra phản ứng trước lệnh cấm của Mỹ.

http://biendong.net/doc-bao-viet/30596-tau-dau-tq-roi-vao-danh-sach-den-cua-my-thi-truong-van-chuyen-nhien-lieu-hoang-loan.html

 

TQ ‘vô tình’ để lộ tên lửa hành trình siêu thanh mới?

Hôm 25-9, quân đội Trung Quốc đưa lên mạng đoạn phim quay cảnh khai hỏa một tên lửa hành trình siêu thanh mới nhất, song đã nhanh chóng gỡ đoạn phim trên và thay bằng đoạn phim khác đã cắt cảnh này.

Đoạn clip gốc dài khoảng một phút và được đăng trên mạng xã hội của Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhân kỷ niệm 70 năm quốc khánh nước này.

Trong đoạn phim trên, loại tên lửa với thiết kế chưa từng được ghi nhận khai hỏa từ bệ phóng lưu động đặt trên xe tải xuất hiện trong khoảng hai giây.

Tuy nhiên, sau đó đoạn clip trên đã bị gỡ xuống và thay bằng đoạn clip thứ hai. Trong đoạn clip thứ hai, cảnh phóng tên lửa “lạ” được thay bằng cảnh khai hỏa hai tên lửa khác nhau trên thao trường ở sa mạc.

Việc chỉnh sửa không thể qua mắt được giới quan sát quân sự Trung Quốc, vài một vài người trong số họ tin rằng loại vũ khí trong clip đầu tiên là một mẫu tên lửa hành trình có tốc độ siêu thanh chưa từng xuất hiện trước đây.

Loại tên lửa xuất hiện đầu tiên có thiết kế cánh lưng mỏng, cánh đuôi có thể xếp lại và có bộ phận đẩy tăng cường, tất cả nhằm tăng tầm bay cũng như vận tốc tối đa của tên lửa này – một chuyên gia quân sự giấu tên phát biểu với báo South China Morning Post.

“Loại vũ khí này có thể có tầm bắn lên tới hơn 1.000 km”, người này nói thêm.

Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có vài điểm khác nhau cơ bản, bao gồm việc tên lửa hành trình thường bay thấp hơn và có vận tốc chậm hơn, vì thế dễ bị đánh chặn hơn.

Loại tên lửa hành trình này, tuy nhiên có thể dễ dàng xuyên qua lớp phòng vệ của đối phương hơn khi nó có thể được trang bị khả năng lượn từ bầu khí quyển với vận tốc gấp năm lần âm thanh. Đây là công nghệ đã được trang bị trên loại tên lửa đạn đạo Dongfeng-17 (DF-17) của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trên xe phóng tên lửa còn được trang bị các thiết bị lạ và được giới chuyên gia nhận định là các thiết bị gây nhiễu và chông gây nhiều. “Các thiết bị trên có thể tăng cường khả năng chống can thiệp điện tử và gây nhiễu có hướng của đối phương, từ đó gia tăng khả năng tấn công của tên lửa” – chuyên gia trên phân tích.

http://biendong.net/bi-n-nong/30595-tq-vo-tinh-de-lo-ten-lua-hanh-trinh-sieu-thanh-moi.html

 

“Gấp 40 lần”: Đặt cược lớn, TQ “soán ngôi” Mỹ

 tại vùng đất đặc biệt giàu tiềm năng

Từ những năm 1990, Bắc Kinh đã để mắt tới châu Phi và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn ra nước ngoài.

Đầu tư Trung Quốc tại châu Phi

Sau khi thực hiện chiến lược này, năm 2009, Trung Quốc đã “soán ngôi” Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.

Bắc Kinh hiện tại là chủ nợ lớn nhất đối với hầu hết các quốc gia châu Phi. Trong vòng hơn 2 thập kỉ, Trung Quốc đã đầu tư khoản tiền trị giá 143 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng, đường sắt, sân bay, đường cao tốc và đập thủy điện – theo dữ liệu được tổng hợp bởi tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Trung-Phi tại Đại học Johns Hopkins, Washington.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã chịu nhiều “tiếng xấu” trong quá trình đầu tư vào châu Phi.

Hiện tại, ngày càng có nhiều lời chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang khiến các nước châu Phi chịu gánh nặng nợ nần thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường – siêu dự án trị giá hàng trăm tỉ USD với mục tiêu nối liền giao thương của Trung Quốc với châu Âu, châu Phi nhờ vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang tìm cách khống chế các nước châu Phi. Các công ty Trung Quốc đưa người Trung Quốc tới để làm những công việc mà người bản địa có thể làm. Bên cạnh đó, châu Phi cũng là nơi phải tiêu thụ hàng loạt mặt hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng không đảm bảo chất lượng.

SCMP cho rằng, những lời cáo buộc này có thể không đúng hoàn toàn, nhưng trên thế giới, nhiều quốc gia đã hình thành định kiến rằng Trung Quốc đang có những hành vi không đúng đắn tại châu Phi.

Vì vậy, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thay đổi hình ảnh tiêu cực thông qua một loạt các chương trình mới, bao gồm thành lập một loạt các Viện Khổng Tử. Được đặt tại các trường đại học trên khắp châu Phi, Viện Khổng Tử dạy tiếng và văn hóa Trung Quốc. Các viện này cũng có liên kết với các tổ chức như Alliance Francaise của Pháp và British Council của Anh.

Ngoài ra, tờ China Daily – báo tiếng Anh lớn nhất Trung Quốc – cũng xuất bản một ấn phẩm hàng tuần tại châu Phi nhằm đề cao vai trò của Trung Quốc ở lục địa đen. Tân Hoa Xã, mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc cũng tham gia hoạt động ở châu Phi.

Các chuyên gia nhận định, nhiệm vụ của các cơ quan truyền thông nói trên là xóa bỏ những “tiếng xấu” của Trung Quốc ở các khu vực trên thế giới.

Nỗ lực của Trung Quốc

Tuy nhiên, sáng kiến thể hiện sức mạnh mềm rõ rệt nhất của Trung Quốc ở châu Phi là chương trình học bổng giúp đưa hàng nghìn sinh viên châu Phi tới Trung Quốc, ở các cấp học đại học và sau đại học.

Năm ngoái, tại diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi tại Bắc Kinh, chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ cấp 50.000 suất học bổng và 50.000 cơ hội đào tạo cho công dân châu Phi trong 3 năm tới – nhiều hơn 66% so với khoản cam kết hồi năm 2015.

Con số này cũng vượt xa các chương trình mà các quốc gia khác – bao gồm Anh và Mỹ – cấp cho châu Phi. Theo thông báo của các đại sứ quán Trung Quốc tại châu Phi, các khoản học bổng sẽ giúp chi trả học phí, viện phí và thậm chí cả chi phí sinh hoạt.

Cuối tháng 8 vừa qua, hàng nghìn học sinh châu Phi đã bắt đầu đi học tại các trường đại học Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cho biết số lượng học sinh châu Phi theo học tại các viện giáo dục của Trung Quốc trong năm nay đã đạt mức cao kỉ lục.

“Đây là quyền lực mềm mà Trung Quốc đang áp lên thế hệ tiếp theo,” một chuyên gia nói. “Trung Quốc muốn những du học sinh châu Phi trong tương lai sẽ trở thành người tiêu dùng mới cho các sản phẩm Trung Quốc.”

Trong vòng 15 năm, số du học sinh quốc tế tới học tại Trung Quốc đã tăng 6 lần, từ 77.715 sinh viên trong năm 2003 tới 492.185 sinh viên vào năm 2018 – theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Cũng trong giai đoạn này, số lượng sinh viên châu Phi tới học tại Trung Quốc đã tăng tới tận 40 lần, từ 1.793 trong năm 2003 tới 81.562 trong năm ngoái. Châu Á là khu vực có nhiều sinh viên tới học tại Trung Quốc nhất, với gần 300 nghìn sinh viên trong năm ngoái.

http://biendong.net/doc-bao-viet/30594-gap-40-lan-dat-cuoc-lon-tq-soan-ngoi-my-tai-vung-dat-dac-biet-giau-tiem-nang.html

 

Nguyên nhân khiến TQ không thể

ra tay vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc

và mối lo ngại đáng báo động cho kinh tế toàn cầu

Trong khi Mỹ và Châu Âu theo đuổi các chính sách tiền tệ dễ dàng để thúc đẩy nền kinh tế của họ, Trung Quốc đang có một hướng đi thận trọng hơn. Đây sẽ là một trở ngại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Donald Trump từng nặng lời chỉ trích các nhà lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang vì chưa hành động đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, mặc dù Fed đã cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ sẵn sàng mua nhiều nợ nhất có thể để phục hồi khu vực đồng euro. Điều đó khiến Trung Quốc trở thành nước duy nhất trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới không đạp được chân trên bàn đạp tăng trưởng.

Trong các chu kỳ trước đây, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy dự báo tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc đang bị đe dọa đều dẫn đến kích thích toàn diện. Lần này, ngay cả khi nền kinh tế đang đương đầu với tốc độ phát triển chậm nhất trong gần ba thập kỷ, và có nhiều khoảng để cắt giảm lãi suất hơn so với các nước khác, Chủ tịch Tập Cận Bình lại tiếp tục chiến lược ổn-định-trước-tiên của mình. Có kích thích, nhưng ở mức độ vừa phải, thậm chí là tối thiểu và điều đó có tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.

Trước đây, ngay từ dấu hiệu đầu tiên về sự bất ổn định, Trung Quốc sẽ mở các vòi tín dụng, theo ông Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh. Bây giờ họ nhận ra rằng một điểm phần trăm tăng trưởng thêm không xứng đáng với thiệt hại mà nền kinh tế phải chịu.

Năm 2008, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã giải phóng mọi kích thích. 5 lần cắt giảm lãi suất cơ bản đi kèm với gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ NDT (563 tỷ USD) đã giúp bùng nổ hoạt động cho vay ngân hàng, phần lớn là cho chính quyền địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng.

Điều này dẫn đến một trong những sự tích tụ nợ nhanh nhất trong lịch sử loài người, và khoản nợ đó vẫn là một gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia.

Các nhà phân tích xác định thời gian thay đổi chính sách là tháng 5/2016, khi một bài báo của một người có thẩm quyền đăng trên tờ Nhật báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, gọi nợ là “tội lỗi căn nguyên”. Ảo tưởng về kích thích nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ dễ dàng đã sinh ra những vấn đề bao gồm bong bóng bất động sản, năng suất công nghiệp dư thừa và các khoản vay không phù hợp đang gia tăng, theo bài báo, được cho là của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc đã bước vào một con đường mới mà các nhà lãnh đạo còn bị mắc kẹt giữa sự bất ổn xuất phát từ cuộc chiến thương mại và công nghệ leo thang với Mỹ.

Thay vì cung cấp thêm tín dụng, các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng chuyển hướng cho vay khỏi các doanh nghiệp nhà nước bế tắc sang các công ty tư nhân nhỏ hơn, hiệu quả hơn. Họ cũng đã tìm cách giảm rủi ro hệ thống bằng cách củng cố hệ thống quy định. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương nhắc lại chính sách tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 24/9: “Chúng tôi không vội vàng thực hiện cắt giảm lãi suất lớn hay nới lỏng định lượng, như một số ngân hàng trung ương khác.”

Kết quả là một lực cản không thể tránh khỏi đối với tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong một tháng kể từ năm 2002, trong khi chỉ số giá công nghiệp chìm sâu hơn vào giảm phát. Theo ông Polk, tất cả những điều này có nghĩa là sự chậm lại của Trung Quốc có thể sẽ là một trở lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới. Ông Frederic Neumann, đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc Hồng Kông, cho biết phần còn lại của thế giới sẽ cần phải làm quen với việc Trung Quốc sẽ không đưa ra biện pháp khắc phục nhanh đối với tình trạng bất ổn tăng trưởng hiện tại.

Trung Quốc đang thực hiện một số bước để giữ cho tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa được hạ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, lãi suất thị trường được điều chỉnh thấp hơn, phát hành trái phiếu cho chi tiêu cơ sở hạ tầng tăng lên. Chính phủ cũng cam kết cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và hộ gia đình khoảng 2 nghìn tỷ NDT (281 tỷ USD) trong năm nay theo kế hoạch kích thích

tài khóa lớn nhất từ ​​trước đến nay của nước này. “Mặc dù có vẻ như Trung Quốc chậm trễ trong việc kích thích chính sách cùng những minh chứng, nhưng thực tế thì hơi kém thuyết phục”, theo ông George Magnus, nhà kinh tế tại Trung tâm Đại học Oxford Trung Quốc.

So với các khoản chi tiêu trong quá khứ, kích thích này có mục tiêu và hiệu chỉnh nhiều hơn. Nhưng nó không phải là không có rủi ro: mối nguy hiểm lớn nhất là nền kinh tế chậm lại hơn so với kỳ vọng của nhà hoạch định chính sách, dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng và suy thoái trở nên khó đảo ngược. Các nhà lãnh đạo sau đó có thể tăng cường kích thích, gây ra những bất ổn về tài chính mà họ muốn tránh.

Quyết tâm của cấp lãnh đạo có thể được kiểm nghiệm sớm hơn. Với những thách thức thương mại và tài chính “đau đầu” hơn, tăng trưởng có thể giảm tới 5,5% nếu không có kích thích mạnh mẽ hơn, Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Oxford Economics ở Hồng Kông nói. Sáu tháng tới sẽ là phép thử, ông nói. “Cá nhân tôi chưa thể tin rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng hãy chờ xem.”

http://biendong.net/goc-nhin-moi/30590-nguyen-nhan-khien-tq-khong-the-ra-tay-vuc-day-nen-kinh-te-dang-giam-toc-va-moi-lo-ngai-dang-bao-dong-cho-kinh-te-toan-cau.html

 

Tập Cận Bình tái cam kết ‘trung thực’

đối với vấn đề Hong Kong

Hôm 30/09, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, tái cam kết việc cho phép Hong Kong tự chủ các vấn đề của họ giữa lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục ở lãnh thổ bán tự trị này, theo AP.

Ông Tập phát biểu tại một sự kiện trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc hôm 30/09:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và trung thực các nguyên tắc Một quốc gia, hai hệ thống (và) người Hong Kong quản lý Hong Kong.”

Cách tiếp cận của Trung Quốc là để đảm bảo Hong Kong và khu vực bán tự trị Macao “được thịnh vượng và tiến bộ cùng với đại lục và nắm lấy một tương lai thậm chí còn tươi sáng hơn,” ông Tập nói.

AFP loan tin rằng đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV dịp này đã phát các chương trình ca ngợi lòng yêu nước trong suốt ngày 30/09 và hiển thị hình ảnh ca ngợi công dân, bao gồm các dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống vẫy quốc kỳ Trung Quốc.

Ông Tập cũng bày tỏ lòng kính trọng trước linh cữu của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông ở Quảng trường Thiên An Môn, theo AFP.

Vào 1/10, ông Tập dự kiến sẽ chủ trì lễ Quốc khánh mang tính biểu tượng với cuộc diễn hành khí tài quân sự của Trung Quốc, có thể bao gồm cả tên lửa Dongfeng 41 có khả năng phóng hạt nhân tới Hoa Kỳ trong 30 phút. Dự kiến sự kiện này huy động đến 15.000 binh sĩ, hơn 160 máy bay và 580 thiết bị quân sự.

https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-tai-cam-ket-trung-thuc-doi-voi-van-de-hong-kong/5104259.html

 

Tập Cận Bình, « Người cầm lái vĩ đại » phiên bản 2.0

Minh Anh

Lên cầm quyền từ năm 2012, hôm nay, 30/09/2019, lần thứ hai, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm lăng Mao Trạch Đông, nhân dịp Quốc Khánh lần thứ 70.

Cai trị Trung Quốc từ gần 7 năm qua không chia sẻ quyền lực và với bàn tay sắt, giới quan sát phương Tây nhận định hình ảnh của Tập Cận Bình, chẳng khác gì một « Người Cầm Lái Vĩ Đại » mới, phiên bản 2.0.

Tập Cận Bình, con trai của Tập Trọng Huấn, một quan chức cao cấp Trung Quốc từng bị đuổi ra khỏi quyền lực dưới thời Cách Mạng Văn Hóa giờ không còn gì để oán hờn Mao cả. Bảy mươi năm sau ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, xã hội Trung Quốc giờ chẳng mấy gì khá hơn, thoát được bẫy Mao Trạch Đông, giờ lại rơi vào chiếc lồng sắt « lộng lẫy » của Tập Cận Bình.

Với công nghệ mới, Tập Cận Bình có thể kiểm soát chặt chẽ các hoạt động, tư tưởng của người dân. Ông không thích và không dung thứ cho bất kỳ ai viết về ông và gia đình ông. Công nghệ cao không

những giúp Tập Cận Bình kiểm soát cả những hình ảnh về ông mà còn là công cụ đắc lực để ông tô bóng hình ảnh của mình : Một vị lãnh đạo gần gũi với dân, lắng nghe dân. Một nhà tư tưởng lớn « ngang tầm » với Mao Trạch Đông.

Và những tư tưởng này phải được truyền bá, dạy dỗ cho các « thần dân » ngay từ còn tuổi thơ ấu. Những nhà lãnh đạo và trí thức tương lai phải thấm nhuần « tư tưởng Tập ». Công nghệ cao đang biến Trung Quốc thành một « chế độ độc tài hoàn hảo », đến mức ông Stein Ringen, chuyên gia chính trị học nghĩ ra một thuật ngữ mới « giám sát kỹ trị ». Bởi vì tư tưởng Tập không chỉ giới hạn trong « tập sách đỏ » giống như Mao, mà hiện diện cả trên các ứng dụng cho điện thoại thông minh.

Trong « tư tưởng Tập Cận Bình », « Nhà nước Pháp Quyền » chỉ chiếm vị trí thứ 5, « điều hành đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc » và « giấc mơ hồi sinh Trung Hoa » mới là điều cốt lõi.

Và để có thể thực hiện những điều này, đất nước cần có một lãnh đạo « có uy tín » và một bộ máy điều hành tài giỏi. Do vậy, phải đoạn tuyệt với cơ chế chuyển giao quyền lực do Đặng Tiểu Bình thiết lập, chấm dứt quy định giới hạn hai nhiệm kỳ cho vị trí chủ tịch nước.

Cũng giống như Mao, dù sẽ bị phản đối ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng Tập Cận Bình khó có thể nói là bị « suy yếu ». Với chưa tới 10% đảng viên ủng hộ và trung thành, Tập Cận Bình đã « bóp nghẹt » thành công mọi tiếng nói đối lập từ các đối thủ để trở thành một « Mao Trạch Đông phiên bản 2.0 » của Trung Quốc ngày nay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190930-tap-can-binh-nguoi-cam-lai-vi-dai-phien-ban-20

 

Tập Cận Bình viếng lăng Mao Trạch Đông

 trước ngày lễ Quốc Khánh

Minh Anh

Hôm nay, 30/09/2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến viếng lăng Mao Trạch Đông. Một cử chỉ mà hãng AFP đánh giá là « hiếm thấy ».

Việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến bày tỏ lòng thành kính trước « Người Cầm Lái Vĩ Đại », người gây ra cái chết của hàng triệu đồng bào bằng các chiến dịch chính trị gây tranh cãi thường hiếm khi có.

Đây là lần thứ hai, kể từ khi lên cầm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đến viếng lăng chủ tịch họ Mao, nằm tọa lạc ngay giữa trung tâm thủ đô Bắc Kinh, tại quảng trường Thiên An Môn. Lần thứ nhất là vào năm 2013, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình đã kính cẩn nghiêng mình ba lần trước thi hài của Mao.

Ngày mai, thứ Ba, 01/10/2019, đích thân Tập Cận Bình chủ trì lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước ngay chính tại địa điểm Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 01 tháng 10 năm 1949, sau khi cuộc nội chiến kết thúc. Một cuộc diễu binh và diễu hành hoành tráng sẽ được tổ chức nhân dịp lễ này.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đưa đất nước đi theo một chính sách cải cách kinh tế trái ngược với chính sách tập thể hóa bị áp đặt trước đó. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tổng kết thời kỳ Mao Trạch Đông : « Hai phần ba tích cực, một phần ba tiêu cực ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190930-tap-can-binh-vieng-lang-mao-trach-dong-truoc-ngay-le-quoc-khanh