Tin Việt Nam – 24/09/2019
Hồ sơ vụ án VN Pharma với nhiều dấu ‘tuyệt mật’
Tại phiên xử vụ án VN Pharma hôm 24/9, chủ tọa phiên tòa đưa ra cảnh báo: ‘Hồ sơ vụ án có một số tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật. Những người nào sử dụng tài liệu này phải chú ý, còn ai cố tình làm lộ bí mật sẽ bị xử lý theo quy định’.
Vào ngày 24/9, Tòa án Nhân dân TPHCM tái xét xử vụ buôn bán thuốc chống ung thư giả tại Công ty cổ phần VN Pharma, các bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên tổng giám đốc VN Pharma; Võ Mạnh Cường nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C bị truy tố có vai trò chủ mưu cùng 10 bị cáo đồng phạm giúp sức.
Có đến 181 người liên quan, người làm chứng được triệu tập nhưngvắng mặt, trong đó có ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, khi vụ án xảy ra ông Cường là cục trưởng Cục Quản lý dược.
Tại các phiên xử trước và quá trình điều tra bổ sung vụ án, các tài liệu mật chưa từng được nhắc đến.
Tại phiên xử hôm 24/9, bị cáo Nguyễn Minh Hùng trong phần trả lời xét hỏi của mình, đã thừa nhận việc làm khống hồ sơ để xin Bộ Y tế nhập thuốc ung thư giả về bán.
Theo đó, từ năm 2013, Nguyễn Minh Hùng đặt mua thuốc H-Capita 500mg trị ung thư của Cường là đại diện Công ty Helix Canada. Vì thuốc này chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu do Cục quản lý dược cấp cùng nhiều loại giấy tờ khác…
Tuy nhiên ông Hùng, do phía đối tác không đáp ứng được các giấy tờ theo yêu cầu nên ông Hùng đã chỉ đạo cho đạo cấp dưới thuê dược sĩ viết hồ sơ kỹ thuật thuốc với giá 2.000 USD. Đồng thời, lập hợp đồng mua bán khống với nhà cung cấp là công ty Austin Hong Kong, xin Cục Quản lý dược cấp phép nhập 200.000 hộp thuốc H – Capita 500mg do Công ty Helix Canada sản xuất.
Sau đó, VN Pharma nhập 9.300 hộp H- Capita 500mg thì Cục Quản lý dược phát hiện lô thuốc này bị giả về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, nên niêm phong. Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine, là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Vụ cháy Rạng Đông: Đã thu gom
và vận chuyển 1.100 tấn chất thải
1.100 tấn chất thải sau cháy được thu gom và vận chuyển ra khỏi khu vực kho xưởng, nơi bị cháy của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tính đến chiều ngày 23 tháng 9.
Truyền thông quốc nội trong cùng ngày dẫn lời của ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị URENCO 10 cho biết thông tin vừa nêu.
URENCO 10 là đơn vị đã hoàn thành việc thu gom 1.100 chất thải sau cháy, bao gồm 11 tấn bóng đèn huỳnh quang thải, 361 tấn vật tư và tàn dư sau cháy, 700 tấn vật liêu xây dựng sau cháy và 9 tấn chất thải rắn.
Đại diện của URENCO 10 cho biết khối lượng 1.100 tấn chất thải sau cháy này đã được 20 xe vận tải chuyển ra khỏi kho xưởng Rạng Đông; đồng thời toàn bộ lượng chất thải đã được Bộ Tư lệnh Hóa học, thuộc Bộ Quốc phòng phun tẩy độc trước khi thu gom và vận chuyển.
URENCO 10 cho biết thêm toàn bộ 1.100 tấn chất thải sau cháy đang được lưu giữ an toàn tại nhà xưởng có nền bê tông kèm mái che và URENCO 10 cũng đã đề nghị các cơ quan quản lý tiến hành phân tích mẫu để đánh giá mức độ độc hại trước khi có phương án xử lý sau cùng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị URENCO 10 được báo giới trích lời rằng đơn vị này sẽ tiếp tục thu gom chất thải tại 2 khu vực còn lại và theo dự kiến thì tốc độ thu gom sẽ nhanh hơn.
Vụ cháy ở nhà máy Công ty Rạng Đông bùng phát vào tối ngày 28 tháng 8 và vụ cháy này gây hoang mang cho cư dân sinh sống ở khu vực xung quanh lẫn dư luận về tính độc hại, do các thông tin bất nhất giữa những cơ quan có trách nhiệm xử lý hậu quả vụ cháy phổ biến trong thời gian qua.
Nữ đại úy chửi bới nhân viên hàng không
bị đề nghị giáng cấp bậc
Nữ cán bộ Công an quận Đống Đa, Hà Nội chửi bới nhân viên hàng không đã đi làm trở lại nhưng bị đề nghị giáng cấp bậc hàm vì đã vi phạm về ứng xử nơi công cộng của cán bộ.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 24/9 dẫn thông báo của lãnh đạo công an quận Đống Đa cho biết, tính đến ngày 24/9 đã hết thời hạn đình chỉ công tác của nữ đại úy Lê Thị Hiền cán bộ Đội cảnh sát giao thông, trật tự, phản ứng nhanh và đại úy Hiền đã đi làm lại bình thường.
Ban lãnh đạo cho hay đã đề xuất xử lý kỷ luật nghiêm nữ đại úy này bằng hình thức giáng cấp bậc trước ngày tạm đình chỉ nhưng vẫn đang chờ giám đốc công an thành phố ký ban hành quyết định.
Trước đó, nữ đại úy Lê Thị Hiền đã bị cục hàng không Việt Nam ra quyết định cấm bay trong 12 tháng và thời gian bắt đầu kể từ ngày 27/8/2019 đến 26/8/2020. Sau khi hết thời gian trên, nữ đại úy Hiền sẽ chịu sự kiểm tra bắt buộc 12 tháng tiếp theo nếu có nhu cầu đi lại bằng hàng không từ ngày 27/8/2020 đến ngày 26/8/2021.
Ngoài ra, hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã yêu cầu các trung tâm đại lý bán vé máy bay cập nhật thông tin nữ đại úy Lê Thị Hiền để phát hiện kịp thời nữ đại đại úy làm thủ tục hoặc mua vé trong thời gian cấm vận. Đồng thời, hãng hàng không Bamboo Airway cũng đồng lòng hưởng ứng lệnh cấm vận đối với nữ đại úy này.
Trước đó vào ngày 11/8 đại úy Lê Thị Hiền đã có hành vi la hét, chửi bới, xô đẩy lực lượng chức năng và nhân viên hàng không tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Qua hình ảnh được ghi lại, công an quận Đống Đa đã xác minh thái độ, lời nói của nữ đại úy đã vi phạm về ứng xử nơi công cộng đối với cán bộ và yêu cầu bà báo cáo nội dung sự việc, trong khi đó công an quận Đống Đa đã gửi đề xuất lên thành phố Hà Nội về việc tạm đình chỉ 30 ngày đối với bà để tiến hành làm rõ vụ việc.
Thiếu tá công an ở Thủ Thiêm tự tử
vì bị cướp đất- vợ được đền bù 6 triệu đồng
Tin Saigon.- Trang facebook Bà Ngoại Thuỷ ngày 23 tháng 9 năm 2019 loan tin, vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày 23 tháng 9, công an quận 2, Sài Gòn đã đến khu tạm cư, nằm trên phường An Phú để trao cho ông Trần Vĩnh Phúc 3 tấm huy chương, và số tiền 6,260,000 đồng. Vì ông Phúc đã mất, nên vợ ông là bà Thuỷ đã đứng ra nhận thay cho chồng mình.
Trên facebook cá nhân, bà Thuỷ cho biết, vì quá uất ức nên vào năm 2015, chồng bà đã treo cổ tự tử chết. Trước khi mất, chồng bà Thuỷ được ông Trần Đại Quang truy tặng huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, vì đã có gần 20 năm phục vụ liên tục trong lực lượng công an. Tuy nhiên vì có nhà đất ở Thủ Thiêm, nên gia đình bà Thuỷ cũng như những gia đình khác đều bị nhà cầm quyền thành phố cướp đất, đuổi ra khỏi nhà. Một dân oan Thủ Thiêm cho biết, do gia đình bà Thuỷ bị lực lượng cướp đất xông vào nhà lấy hết tài sản quăng ra khỏi nhà, rồi đuổi đi mà không đền bù thoả đáng, không cho tái định cư.
Bị chính những ngừơi đồng đội, những người đồng đảng của mình đối xử tàn ác, cạn tình nghĩa khiến ông Phúc căm phẫn, uất ức mà đã treo cổ tự vẫn. Được biết, hiện tại, bà Thuỷ đang ở trong khu tạm cư tồi tàn ở phường An Khánh. Đến nay dù đã mất, ông Phúc vẫn không có chỗ để thờ cho đàng hoàng. Vợ ông phải để di ảnh và những kỷ vật nhà cầm quyền truy tặng trên một chiếc bàn gấp được làm từ gỗ ván ép với giá vài chục ngàn đồng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/thieu-ta-cong-an-o-thu-thiem-tu-tu-vi-bi-cuop-dat-vo-duoc-den-bu-6-trieu-dong/
Đất Thủ Thiêm được bán đấu giá rẻ hơn 10 lần so với thị trường
Tin Saigon.- Trang 24h ngày 23 tháng 9 năm 2019 loan tin, ban Cai Quản Đầu Tư- Xây Dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn vừa trình Uỷ ban thành phố về việc sẽ bán đấu giá khoảng 793,000 m2 đất tại Thủ Thiêm, và số tiền dự trù thu được là 22,000 tỷ đồng. Như vậy, ban Cai quản sẽ bán mỗi m2 đất với số tiền 27,7 triệu đồng.
Trong khi đó, theo trang 24h thì giá đất trên thị trường cao hơn rất nhiều so với giá của nhà cầm quyền rao bán. Cụ thể, giá đất trên thị trường ở khu vực trên được bán thấp nhất là 130 triệu đồng một m2, và cao nhất là 320 triệu đồng một m2, tuỳ vào từng vị trí. Ngay đến cả những căn nhà chung cư cũng được bán với giá khoảng từ 60 đến 100 triệu đồng một m2.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, đất Thủ Thiêm hiện đang được xem là khu vực có vị trí đắc địa nhất Sài Gòn, đất ở đây được ví như vàng, kim cương. Nhiều người cho rằng giá bán trên của nhà cầm quyền là mức giá “rẻ như cho”, hoàn toàn phi thực tế.
Giới đầu tư bất động sản cho rằng, nguyên tắc đấu giá đất là phải bảo đảm theo giá đất thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Cai quản Thủ Thiêm giải thích, giá đất trên là giá mà ban Cai quản thẩm định năm 2016, và bây giờ ban lấy giá đất này để báo cáo cho Uỷ ban thành phố. Hiện tại, bộ Tài nguyên và Môi trường, và bộ Tài chính chưa có hướng dẫn phương pháp thẩm định giá các lô đất trên nên ban chưa có cơ sở để tính toán mức giá mới.
Sau khi thông tin trên được rò rỉ, thì nhiều người cho rằng nhà cầm quyền thành phố đang có mục đích bán đất giá rẻ cho các công ty sân sau của mình, nhằm tư lợi cá nhân.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/dat-thu-thiem-duoc-ban-dau-gia-re-hon-10-lan-so-voi-thi-truong/
Dân dựng lều trước nhà máy cồn Đại Tân
phản đối ô nhiễm môi trường
Người dân thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam dựng lều trước cổng nhà máy cồn Đại Tân từ hơn một tuần nay để phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 24/9 trích lời người dân địa phương nói nguyên nhân là vì họ đã phải chịu đựng bầu không khí độc bẩn và mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy cồn Đại Tân suốt gần chục năm qua.
Tin cho hay vào khuya ngày 18/9, mùi hôi từ nhà máy bốc ra quá nặng khiến nhiều người phải đổ ra đường và kéo về nhà máy cồn Đại Tân, nơi bị cho là phát ra mùi hôi.
Một người dân cho biết sau đó ngay sáng 19/9, bà con đã dựng lều trước cổng nhà máy cồn Đại Tân và chặn các xe vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm ra vào nhà máy.
Từ hơn một tuần nay, người dân thôn Nam Phước thay phiên nhau túc trực, thậm chí nấu ăn ngay tại cổng nhà máy với quyết tâm ngăn cản nhà máy cồn Đại Tân hoạt động.
Ông Phạm Văn Tĩnh, Phó giám đốc Nhà máy cồn Đại Tân, cho biết nguyên nhân là do trong quá trình sản xuất, vận hành đã để tràn dầu fusel – một dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol, xảy ra vào đêm 18/9 dẫn đến việc mùi đặc trưng bị phát tán.
Phó giám đốc Nhà máy cồn Đại Tân khẳng định nhà máy đã đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu fusel tràn ra môi trường. Hiện công ty đã khắc phục khoảng 90%.
Sau sự việc trên, sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Nam cũng đã đến nhà máy và tiến hành lấy mẫu, đưa đi xét nghiệm.
Nhà máy cồn Đại Tân có vốn đầu tư 600 tỷ đồng và bắt đầu hoạt động từ năm 2010. Nhà máy phải tạm đóng cửa tháng 11/2012 do làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về vốn. Tháng 3/2015, nhà máy được Công ty Cổ phần Nhiên liệu Tùng Lâm mua lại hoàn bộ và tái hoạt động.
Một dự án khác ở tỉnh Quảng Nam cũng bị người dân phản đối hồi đầu tháng 8 vì lo ngại sẽ gây ô nhiễm môi trường là lò đốt rác Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Dự án này đã được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan tìm vị trí mới cho dự án và phải báo cáo tỉnh trước ngày 15/10.
Báo động nạn nạo, phá thai ở Việt Nam
Kết quả biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình do Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra trong hội thảo Hưởng ứng ngày tránh thai thế giới diễn ra sáng ngày 23/9 ở Hà Nội, cho thấy tại Việt Nam mỗi năm có đến 300.000-350.000 trường hợp phá thai. Từ cuối năm 2017, Việt Nam từng bị Tổ chức Y Tế Thế giới WHO xếp hạng là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới và đứng đầu Châu Á.
Thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) được đăng tải trên trang web Dân Sinh của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào ngày 4/9 vừa qua cũng nêu rõ trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000-400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Giáo dục sinh sản ở Việt Nam ra sao?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, cô Đỗ Thị Trang, Giám sát và Đào tạo nâng cao năng lực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam miền Bắc, cho biết thực trạng việc giáo dục sinh sản cho học sinh hiện được Bộ Giáo dục lồng ghép trong các bài học giáo dục giới tính được giảng dạy rộng rãi tại các trường:
Bằng kinh nghiệm một số giáo viên truyền đạt, nội dung cũng khá cấm kỵ, mọi người cũng ngại, không đi sâu nhưng cũng có giảng cho học sinh. Cũng có một số giáo viên chủ nhiệm là nam giới ngại không đề cập vấn đề này với (học sinh) nữ. – Đỗ Việt Khoa
“Đại đa phần các trường ở Hà Nội, trường công hay trường tư thì các con được giáo dục giới tính từ cấp 1 hay cấp 2. Cấp 1 con sẽ học về cơ thể, chú trọng các phần, vùng cơ thể. Còn cấp 2 sẽ là sức khỏe sinh sản vị thành niên…, cấp 3 là học về giải phẫu, đó là chương trình chính thống. Tuy nhiên có những trường như các khu vực nông thôn do thiếu thời lượng hoặc thiếu giáo viên thì họ không đưa cái đấy là một môn học.”
Giải thích chi tiết hơn về lớp học giáo dục giới tính tại trường mình, Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện đang dạy tại trường Trung học Phổ thông Thường Tín ở Hà Nội cho biết:
“Thật ra chương trình trung học phổ thông mấy năm gần đây người ta yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải có 4 tiết dạy về giới tính để cập nhật cho học sinh vấn đề giới tính. Giáo dục sinh sản là vấn đề chủ yếu mà giáo viên chủ nhiệm phải lên lớp nói cho học sinh, nói theo giáo trình. Một số giáo viên bộ môn khác cũng đề cập đến chuyện đó, hướng dẫn học sinh một định hướng hợp lý. Cơ bản tùy từng trường, các trường vùng sâu tôi không biết, trường tôi có cái này để các em phòng tránh bảo vệ sức khỏe của mình.”
Vẫn theo thầy Khoa, tuy việc giảng dạy là điều tất yếu, tuy nhiên vẫn có một số khó khăn nhất định cho các giáo viên:
“Bằng kinh nghiệm một số giáo viên truyền đạt, nội dung cũng khá cấm kỵ, mọi người cũng ngại, không đi sâu nhưng cũng có giảng cho học sinh. Cũng có một số giáo viên chủ nhiệm là nam giới ngại không đề cập vấn đề này với (học sinh) nữ.”
Về vấn đề này, cô Đỗ Thị Trang cũng cho rằng phía gia đình cũng phải có trách nhiệm trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, không thể đổ hết trách nhiệm cho ngành giáo dục:
“Chị thấy sự thiếu hụt ở Việt Nam không phải thiếu về chương trình mà cha mẹ chưa có kiến thức và kỹ năng giáo dục giới tính cho con nên kỳ vọng nhà trường. Nếu cha mẹ có kiến thức thì họ sẽ dạy trẻ, mỗi cha mẹ sẽ xem vấn đề đấy và chia sẻ, trai thì chia sẻ vấn đề của trai, gái thì chia sẻ vấn đề của gái. Ở Việt Nam cha mẹ giao phó cho nhà trường và xã hội nên tạo ra lỗ hổng.”
Phương pháp hạn chế nạo phá thai
Phát biểu trong buổi hội thảo ngày 23/9, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng Cục dân số kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế cho biết cứ 100 ca phá thai của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) có chồng thì hết 62 trường hợp là mang thai ngoài ý muốn.
Nhận xét về tình trạng phá thai trong nước hiện nay, cô Đỗ Thị Trang nhận định rằng ở Việt Nam nếu không may có thai đi ra các cơ sở y tế tư nhân rất dễ dàng mua được thuốc, thậm chí được sử dụng các biện pháp nạo, phá thai nên họ nghĩ điều đấy rất đơn giản nên họ càng dễ dàng.
Bộ Y tế có Quy định 4620 nêu rõ là phá thai chủ động sử dụng nwhnxg phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến 22 tuần tuổi. – LS. Nguyễn Văn Hậu
Do đó, cô Trang cho rằng quy định pháp luật cần có thêm một số biện pháp cấm việc phá thai một cách tự do như bây giờ.
Chúng tôi có trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam để hỏi rõ hơn về các điều khoản luật định và được ông nói rõ:
“Bộ Y tế có Quy định 4620 nêu rõ là phá thai chủ động sử dụng nhưng phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến 22 tuần tuổi. Trong luật Bảo vệ sức khỏe của Việt Nam có quy định quyền phụ nữ khám, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai ở điều 44 như sau: thứ nhất phụ nữ có quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng và được khám, chữa bệnh ohuj khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén và được phục vụ đến khi sinh con tại các cơ sở đã ban hành. Quy định này đã ban hành rất lâu, 29 năm. Nhiều điều khoản đó có thể không còn phù hợp.”
Mặc dù vây, vẫn theo luật sư Hậu tuy điều luật này có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn đang còn hiệu lực pháp lý. Chính vì vậy đây vẫn là cơ sở thừa nhận quyền nạo, phá thai. Ông tiếp lời:
“Như vậy pháp luật Việt Nam vẫn cho phép người phụ nữ nạo phá thai tuy nhiên vẫn có những trường hợp nhất định mà pháp luật nghiêm cấm không được phá thai, đó là theo pháp lệnh về dân số: tức là loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng biện pháp phá thai hoặc cung cấp thuốc, sử dụng các biện pháp khác.”
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang nỗ lực giảm thiểu tình trạng nạo, phá thai bằng các phương pháp khác, như lời cô Đỗ Thị Trang:
“Một trong những cách giảm thiểu vấn nạn này là đang cố gắng vận động để cấm việc phá thai một cách tự nhiên, thoải mái. Kiểm soát hoạt động các cơ sở tư nhân vì các ca nạo, phá thai ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra một số cách nữa thì trong các chương trình giáo dục ở Việt Nam đang đưa chương trình sức khỏe sinh sản và giới tính là một chương trình bắt buộc của trẻ. Các bạn trẻ nam cũng như nữ được học sẽ có ý thức giá trị bản thân mình, không lạm dụng vấn đề. Một số phương pháp nữa trong việc giảm thiểu tình trạng nạo phá thai là giáo dục định hướng cho chính những gia đình đã kết hôn về hậu quả nạo phá thai đối với phụ nữ. Sử dụng các biện pháp ở Việt Nam giảm thiểu vấn nạn có thai do quan hệ tình dụng như chip, tiêm.”
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.
Vẫn theo phát biểu của ông Nguyễn Doãn Tú trong buổi hội thảo, theo kinh nghiệm từ quốc tế, nếu chi 1 đô la Mỹ cho kế hoạch hóa gia đình sẽ tiết kiệm được 31 đô la Mỹ chi cho xã hội.
Do đó, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình vẫn là một nội dung quan trọng của công tác dân số, trong đó, chú tâm nâng cao chất lượng kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng đa dạng và đầy đủ các phương tiện tránh thai…
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/0923-f-09232019145358.html
Du học sinh Việt Nam ‘một đi không trở lại’ – vì đâu?
100% du học sinh không muốn quay về. Và rất khó cho những người đã trở về áp dụng những gì được học vào thực tế tại Việt Nam, theo kết quả một nghiên cứu của TS Phạm Thị Liên, thuộc Đại học Công nghệ Sydney.
Sinh viên du học xong, trở về hay không trở về – một đề tài tưởng cũ, nhưng thỉnh thoảng lại được xới lên trên báo chí lẫn trên mạng xã hội.
Nhiều người cho rằng, lựa chọn – về hay ở lại – không chỉ là lựa chọn cá nhân, mà còn là phản ánh khả năng tiếp nhận nguồn vốn con người của một nền kinh tế.
Một ví dụ thường được nêu lên là trong số 17 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học Úc, chỉ 2 người chịu về nước.
Du học Nhật Bản: Làm sao để thành công?
Anh đổi chính sách visa, ‘cơ hội cho sinh viên Việt Nam’
Sinh viên Việt sang Anh phải vững vàng ra sao?
Sinh viên TQ đại lục ‘tấn công’ sinh viên Hong Kong ở Úc
Khoan hãy bàn cãi việc những học sinh này là những người học giỏi và có khả năng, hay đích thực đã là nhân tài, mà hãy chú tâm vào chuyện, tại sao nhiều du học sinh không muốn trở về nước làm việc?
TS Phạm Thị Liên, giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ Sydney, đã thực hiện một nghiên cứu có đối tượng tập trung là các du học sinh trở về nước mà kết quả là cuốn ‘International Graduates Returning to Vietnam: Experiences of the Local Economies, Universities and Communities’ do nhà xuất bản Springer phát hành năm 2019.
Theo số liệu được trích dẫn trong nghiên cứu này, năm 2016, có khoảng 130 ngàn du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài.
Nghiên cứu kháo sát 440 du học sinh, và phỏng vấn sâu hơn 48 người gồm 21 du học sinh, các thành viên gia đình, đồng nghiệp của họ, để xem mức độ thỏa mãn của họ với công việc hiện tại ở Việt Nam so với những kiến thức, kỹ năng mà họ học được tại nước ngoài, cũng như kỳ vọng của họ khi du học.
Trước đó, bà cũng đã làm một nghiên cứu khác, phỏng vấn sâu 20 du học sinh, đang theo học tại các trường đại học ở Sydney (Úc), về động lực của họ khi quyết định ở lại hay trở về.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 20/09 về kết quả nghiên cứu trên, TS Liên cho biết 100% du học sinh đều mong muốn ở lại nước họ đến học để làm việc, dẫu gia cảnh của họ có thể là khá giả hoặc họ đang có việc làm tại Việt Nam.
Còn việc học xong, họ ở lại hay trở về lại Việt Nam, lại phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có kiếm được việc làm hay không.
“Nếu kiếm được việc làm ở nước ngoài, tôi cam đoan là các bạn sẽ ở lại. Nếu không kiếm được việc làm và quốc gia họ đang học cũng không có dạng visa ở lại làm việc sau tốt nghiệp, cũng như họ không thể gia hạn visa, họ buộc phải quay về Việt Nam” – bà Liên nói.
Tại sao du học sinh không muốn về?
Lý do khiến nhiều du học sinh học xong không muốn về nước, theo kết quả nghiên cứu nói trên, là vì họ muốn kiếm việc làm. Nếu trở về, khả năng xin được việc làm có thể vận dụng được những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm mà họ học được vào bối cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam rất khó khăn. Đó là chưa nói đến tiền lương và các mối quan hệ xã hội.
GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Úc), trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 23/09, về những nhận xét do tiếp xúc thực tế với các sinh viên học tại Úc, rằng:
“Cũng như sinh viên nhiều nước khác, sinh viên từ Việt Nam muốn ở lại Úc chủ yếu là xuất phát từ điều kiện làm việc và nghiên cứu. ‘Điều kiện’ ở đây không chỉ gồm cơ sở vật chất khoa học (vốn cần thời gian để xây dựng) mà còn là hệ thống đề bạt và tưởng thưởng, và nhất là môi trường làm việc và sự tương tác giữa người với người. Ở Việt Nam, dân gian có câu nói về cơ hội như “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ” làm nản lòng rất nhiều người muốn về nước đóng góp.
Kế đến là vấn đề tài chánh. Họ ra nước ngoài học là một đầu tư khá lớn của gia đình, nên họ muốn có thu nhập tốt và ổn định để bù đấp những chi phí trong thời gian theo học. Một số trường hợp thì nghĩ xa cho tương lai con cái. Họ nghĩ rằng khi có con thì môi trường học hành cho con ở nước ngoài vẫn tốt hơn và có khi rẻ hơn so với ở trong nước.” GS Tuấn nói.
GS Tuấn cũng chia sẻ thêm: “Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm. Nhìn như vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên tại sao nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh muốn ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp. “
Rào cản với người về
Vấn đề là khi đã trở về, kiến thức và kỹ năng mà người trẻ tiếp thu được trong quá trình du học được tiếp nhận ra sao?
Theo nghiên cứu nói trên của TS Phạm Thị Liên, với những du học sinh tốt nghiệp có trình độ cử nhân, họ chỉ có thể áp dụng những kỹ năng mềm, chứ không áp dụng được các kỹ năng kỹ thuật hoặc chuyên môn, nghiệp vụ.
Lý do là du học sinh khi trở về, thường vào làm tại các công ty đa quốc gia nước ngoài. Nhưng chi nhánh các công ty đa quốc gia này tại Việt Nam lại thường không có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) mà chỉ sản xuất, bán hàng hay kinh doanh theo chuỗi cung ứng. Bởi vậy, các kỹ năng kỹ thuật trở nên không cần thiết.
Còn với những người học thạc sĩ nghiên cứu hay tiến sĩ, khi trở về, họ thường giảng dạy tại các trường đại học, nhưng tình trạng của họ cũng không khá hơn.
“Những gì họ học được ở nước ngoài không thể áp dụng vào thực tế giảng dạy ở Việt Nam bởi cách dạy ở trong nước vẫn theo kiểu một chiều, từ trên xuống. Các kỹ thuật giảng dạy ở nước ngoài khó áp dụng bởi học sinh không quen, không mấy mặn mà hưởng ứng. Ngay với những kiến thức mà họ học được ở nước ngoài cũng khó áp dụng, bởi việc giảng dạy ở nước ngoài thường chú trọng vào các ví dụ cụ thể. Trong khi tại Việt Nam, hợp tác giữa các doanh nghiệp với các cơ sở giảng dạy chưa chặt chẽ; doanh nghiệp ở Việt Nam ít khi giữ được dữ liệu hay có giữ cũng không muốn tiết lộ ra ngoài, nên việc đưa những ví dụ cụ thể vào bài giảng là rất khó. Còn về nội dung, ở Việt Nam, điều này gắn rất chặt với chương trình giảng dạy. Và nếu muốn đem nội dung từ nước ngoài về áp dụng ở trong nước, lại phải được sự chuẩn thuận từ trên. Vậy là, thêm lần nữa, nhóm này cũng chỉ có thể vận dụng các kỹ năng mềm mà thôi,” TS Liên phân tích.
Bởi vậy, không ngạc nhiên khi mức độ thỏa mãn của những du học sinh trở về Việt Nam với công việc hiện tại ở Việt Nam khá thấp. Theo nghiên cứu, chỉ khoảng 44% du học sinh trở về thấy hài lòng với công việc hiện tại.
Trong nhiều yếu tố, sự thỏa mãn với kỳ vọng về mức lương và kỳ vọng về sự phát triển nghề nghiệp khá thấp.
Không dễ dàng cho các du học sinh khi trở về Việt Nam để áp dụng những kiến thức và kỹ năng được học. Và nếu du học trở về mà chỉ áp dụng được những kỹ năng mềm thì “họ sẽ không sử dụng được những điểm mạnh mà họ có được thông qua việc du học và những kỹ năng kỹ thuật khác sẽ dần mất đi,” TS Liên nhận định.
Như vậy, vấn đề không nằm ở du học sinh mà ở khả năng tiếp nhận chất xám của Việt Nam.
Chảy máu chất xám – một cái nhìn khác
Lâu nay, báo chí vẫn thường thảo luận về chuyện ‘chảy máu chất xám,’ hay tình trạng du học sinh một đi không trở lại.
Nhìn nhận về hiện tượng này, Lê Hải Nam, nghiên cứu sinh tại Đại học Dublin (Ireland), trong một bài viết đăng trên báo trong nước cho rằng, chất xám hiện nay là tài sản chung, cần được lưu chuyển trên thế giới chứ không thuộc về một khu vực địa lý nào.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales, cũng đồng quan điểm khi cho rằng:
“Trong thực tế thì khái niệm ‘chảy máu chất xám’ (hay ‘brain drain’) không hẳn thích hợp trong thời đại toàn cầu hoá và thế giới phẳng. Ngày nay, những sinh viên học hành và được chấp nhận cho ở lại nước ngoài có những tác động tích cực đến cả nước xuất phát và nước sở tại, và cả cá nhân sinh viên. Một khi thành danh ở nước ngoài, họ có thể giúp cho quê hương mình không chỉ về chuyên môn khoa học mà còn về kinh tế. Nhiều nghiên cứu trong quá khứ để chỉ ra sự thật đó. Do đó, nói là ‘chảy máu chất xám’, nhưng trong thực tế thì ‘đôi bên cùng có lợi.”
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt cùng ngày, TS Nguyễn Tiến Vũ, nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Oxford (Anh), viện dẫn thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Thống kê này cho thấy trong giai đoạn 2007-2012, 86% số lượng bằng sáng chế độc quyền đứng tên người Việt được đăng ký khi họ đang làm việc tại nước ngoài. Đặt trường hợp nhóm người này quyết định ở lại quê nhà, các cống hiến của họ cũng khó lòng phát huy hết hiệu quả.
Bởi vậy, theo TS Vũ, “không nên cứng nhắc xem việc chảy máu chất xám là tiêu cực, mà phải xem đó là một phần tất yếu trong của sự phát triển chung của nhân loại.”
Để tạo động lực cho du học sinh trở về
Nhưng ngay cả khi thay đổi cái nhìn về hiện tượng ‘chảy máu chất xám,’ thì việc du học sinh ‘một đi không trở lại’ vẫn cho thấy những thất bại trong chính sách thu hút nhân lực của Việt Nam.
GS Nguyễn Văn Tuấn nhận xét:
“Tôi không rõ về chánh sách của Việt Nam, nên tôi không có ý kiến. Nhưng nhìn vào thực tế thì việc đa số sinh viên muốn ở lại ở nước ngoài phải làm cho nhà chức trách cao nhất ở Việt Nam phải suy nghĩ, làm sao tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho giới chuyên gia, không phải chỉ chuyên gia ở nước ngoài mà trước hết là ở trong nước, để họ có cơ hội bình đẳng và sự đóng góp của họ được ghi nhận thích đáng. Có thể tham khảo cách làm của Hàn Quốc (hay mới đây là Trung Quốc), những nước có khả năng làm đảo ngược trào lưu chảy máu chất xám.”
Còn xuất phát từ trải nghiệm của chính bản thân mình, TS Vũ tâm sự:”Khi đi du học, ai cũng muốn quay về nước. Tuy nhiên, mình phải tự hỏi là bây giờ về thì làm được gì. Theo em, làm việc ở bất kỳ quốc gia nào cũng là đóng góp vào sự phát triển chung. Hiện tại, có nhiều người Úc, Mỹ, Anh… cũng tới Việt Nam sống và làm việc. Do đó, lựa chọn tối ưu cho em tại thời điểm này là tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu ở các trường đại học lớn trên thế giới, chờ đến thời điểm thích hợp để quay trở về.”
Đúc kết từ công trình nghiên cứu của mình, TS Phạm Thị Liên đề xuất:
“Nếu Việt Nam muốn sử dụng những kỹ năng kỹ thuật và chuyên môn, chính phủ phải có các chương trình khuyến khích các tổ chức trong nước tiếp nhận các sinh viên du học trở về. Bởi chỉ có làm cho các công ty trong nước, họ mới vận dụng các kỹ năng này. Bên cạnh đó, các trường đại học ở nước ngoài cần mở rộng những kỳ thực tâp (internship) ra, để các du học sinh có cơ hội làm việc không chỉ với các doanh nghiệp sở tại mà cả trong các doanh nghiệp tại Việt Nam hay các nước khác. Từ đó, du học sinh sẽ có cơ hội tạo lập quan hệ, để khi trở về, họ không thấy bỡ ngõ. Qua đó, các bạn cũng có cơ hội tìm được những doanh nghiệp mà họ có cơ hội áp dụng những kỹ năng và kiến thức mà họ đã được học.”
TS Nguyễn Tiến Vũ đưa ra một đề xuất khác, đó là thay vào việc lôi kéo du học sinh về nước, Việt Nam có thể dành nguồn lực tăng cường chất lượng đào tạo giảng dạy trong nước, sao cho sinh viên đại học trong nước vẫn chất lượng bằng sinh viên đi du học ở nước ngoài.
“Làm được việc này thì ta không phải lo về ‘chảy máu chất xám’ nữa, mà lúc đó có thể nghĩ đến ‘xuất khẩu chất xám,’ vì sinh viên Việt Nam vốn bản chất thông minh, chăm chỉ,” vị TS trẻ này nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/49807442
Việt Nam khẩn cấp đối phó xói mòn,
sạt lở ở khu vực ĐBSCL
Reuters vào ngày 24 tháng 9 dẫn truyền thông trong nước cho biết, chính quyền 6 tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng và Cà Mau đã công bố tình trạng khẩn cấp chống sạt lở bờ sông do xói mòn.
Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau, hơn 25km bờ sông cần phải có biện pháp xử lý khẩn cấp nếu không một trong những khu vực bị ảnh hưởng sẽ là phía Tây Nam của TPHCM.
Đặc biệt, tình trạng sạt lở, xói mòn còn ảnh hưởng đến các khu dân cư, khu hành chính, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Thay đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân chính được nhắc đến nhiều năm nay khiến cho tình trạng sạt lở ở ĐBSCL càng tăng. Có thể nói, nguyên nhân chính là những con đập ở thượng nguồn các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc đã ngăn chặn sự bồi lắng ở hạ nguồn sông Mekong.
Trong tháng 7, độ sâu của sông Mekong đoạn biên giới giữa Lào và Đông Bắc Thái Lan đã giảm dưới 1.5 mét so với mức trung bình là 8m vào cùng thời điểm trong năm bởi vì khô hạn và hoạt động của các con đập ở thượng nguồn.
Chính quyền tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 74 tỉ đồng cho các dự án khẩn cấp bảo vệ kè biển chống xói lở phía Tây của tỉnh.
Hiện tại tỉnh Cà Mau, một khu vực mất khoảng 80 to 100m đất mỗi năm do xói mòn, sạt lở bao gồm cả khu vực rừng phòng hộ.
Việt Nam hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam nói muốn ‘phát huy nội lực’ cho các doanh nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng ở trong nước.
Thông cáo Báo chí của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mô tả bộ này “nhận thức rất rõ đây là Dự án trọng điểm của Quốc gia, có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bộ GTVT cho biết nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế sau hai tháng nhưng “số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao”.
“Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông,” thông cáo viết.
Dự án cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đi qua 20 tỉnh thành phố với 11 dự án gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư được. Bộ GTVT phê duyệt là 102.513 tỷ VN.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông được dẫn lời nói bộ này chính thức chính thức lựa chọn chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) của cao tốc Bắc – Nam phía đông.
“Tính cạnh tranh [đấu thầu quốc tế] không cao, rất ít nhà đầu tư nước ngoài tham gia ở đây, nên để phát huy nội lực thì lựa chọn như vậy”, ông Đông nói thêm. “Luật pháp cũng cho phép chủ đầu tư cân nhắc các yếu tố an ninh – quốc phòng khi tổ chức đấu thầu”.
Việt Nam mất gì khi làm cao tốc xuyên rừng nguyên sinh?
Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Lỗ cũng nên làm?
Truyền thông trong nước cho hay phần phần đầu tiên của cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cam Lộ – La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã được khởi công xây dựng vào ngày 16/9.
Bộ GTVT nói mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo “sẽ được kịp thời cung cấp để toàn thể nhân dân được biết và giám sát”.
Dự án Cao tốc Bắc Nam gây chú ý nhiều sau khi gần 120 văn nghệ sĩ vào giữa năm nay cùng ký vào bản kiến nghị không để Trung Quốc đầu tư và dự thầu.
Ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên khi đó ủng hộ bản kiến nghị này do những “bẫy nợ, bẫy kỹ thuật….”và đặc biệt là lĩnh vực An ninh quốc phòng và phòng thủ phía Đông đất nước”.
“Và qua nhiều kinh nghiệm cho thấy, ta sẽ khó kiểm soát nổi nạn hối lộ, đút lót, tham nhũng, đi đêm…mà ta đang dày công bài trừ chúng trong thời gian vừa qua, bước đầu đang có kết quả khả quan,” ông Khế viết trên Facebook cá nhân.
Nhà báo tự do Phan Thị Châu từ Tp HCM hôm 20/06 nói với BBC rằng hầu hết các công trình do Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam đều kém chất lượng, không đảm bảo tiến độ và luôn đội vốn lên quá cao so với giá thầu lúc ban đầu.”
Trong khi đó blogger, phóng viên tự do Thanh Ngọc nói với BBC nói về khả năng nhà thầu Trung Quốc “bỏ giá thầu rẻ nhất và “lại quả” mức cao để thắng thầu là không lạ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49815690
Việt Nam chọn nhà thầu trong nước
làm một số cao tốc Bắc – Nam
Đại diện Bộ Giao Thông- Vận Tải Việt Nam, ông thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vào ngày 24 tháng 9 được truyền thông dẫn lời: “Sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức lựa chọn chỉ đấu thầu trong nước với tám dự án thành phần dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) của cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đây là dự án lớn, quan trọng và nhận được sự quan tâm của cả xã hội, cả hệ thống chính trị trong và ngoài nước.”
Ông Nguyễn Ngọc Đông đưa ra đánh giá là các dự án đó chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, cạnh tranh không lớn. Xét bối cảnh quốc tế rất phức tạp, cân nhắc khả năng cũng như phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước nên Bộ Giao thông- Vận tải có báo cáo với các cơ quan khác nhau, thống nhất đấu thầu cạnh tranh trong nước để lựa chọn nhà đầu tư trong nước.
Hồi tháng 7/2019, công luận quan ngại trước tin doanh nghiệp Trung Quốc nộp hồ sơ tham gia sơ tuyển 7/8 các dự án thành phần thuộc đai dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Mạng báo VietnamFinance dùng từ ‘phủ sóng’ đối với sự có mặt hầu như khắp các dự án thành phần được mở thầu của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tiếp đó, ông Nguyễn Ngọc Đông khi trả lời báo chí hôm 4/9/2019 đã khẳng định kết quả nhà đầu tư trúng thầu tuyến cao tốc Bắc Nam “không thể công bố do đây là tài liệu mật”. Theo ông Đông, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được. (!?)
Vào thời điểm đó, trả lời RFA,ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương Mại, nhận định:
“Nhà thầu cao tốc Bắc – Nam mà ‘mật’ thì tôi thấy không đúng, bởi vì cao tốc Bắc – Nam là điều mà mọi người quan tâm, nhà nước quan tâm, nhân dân quan tâm… trong và ngoài nước quan tâm. Vì cao tốc Bắc – Nam liên quan vấn đề an ninh của cả nước, và hết sức liên quan khả năng của nền kinh tế, triển vọng của đất nước, mọi người quan tâm mà bây giờ Trung Quốc nhận thầu mà lại nói mật là bậy rồi, tôi không tán thành chuyện này là mật.”
Được biết dự án đường cao tốc bắc- nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, dự kiến trong giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư 11 dự án thành phần với chiều dài 654 km, tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, trong đó ba dự án đầu tư công (những đoạn được cho là không hấp dẫn với nhà đầu tư) và tám dự án BOT.
Tám dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc- Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT gồm các dự án Mai Sơn- Quốc lộ 45; Quốc lộ 45-Nghi Sơn; Nghi Sơn- Diễn Châu; Diễn Châu- Bãi Vọt; Nha Trang- Cam Lâm; Cam Lâm- Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Đồng Nai.
Ba dự án đầu tư công gồm Cao Bồ- Mai Sơn; Cam Lộ- La Sơn; và Cầu Mỹ Thuận.
Vào ngày 16 tháng 9, Bộ GT-VT đã khởi công dự án đường cao tốc Cam Lộ- La Sơn với nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ. Đoạn này dài 98 km với tổng mức đầu tư hơn 7600 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tiên của 11 dự án thành phần thuộc dự án lớn đường cao tốc bắc- nam phía đông giai đoạn 2017-2020 được khởi công.
Cao tốc Đà nẵng-Quảng Ngãi chất lượng kém
Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi lại xuất hiện ổ gà, gây khó khăn cho phương tiện đi lại. Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đổ lỗi do trời mưa.
Theo tin tức và hình ảnh báo chí trong nước loan tải, từ ngày 18 – 20/9 ở Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa nên tại đoạn vuốt nối tạm từ nút giao Túy Loan vào tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện 3 ổ gà, rộng từ 0,3 đến 0,8 m, sâu từ 7-12 cm.
Lý giải về việc xuất hiện ổ gà đoạn tuyến này, đại diện VEC chỉ ra nguyên nhân do đoạn vuốt nối có kết cấu tạm cùng với việc phương tiện giảm tốc, dừng, khởi động và tăng tốc… dẫn đến mặt đường đoạn tuyến này xuất hiện hằn lún, trồi trượt từ đầu năm 2018.
Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài 140 km, khởi công ngày 19/5/2013. Điểm đầu của cao tốc nằm tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) điểm cuối thuộc xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Toàn dự án có tổng 13 gói thầu xây lắp, với tổng mức đầu tư là 34.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của tổ chức JICA, WB và nguồn vốn đối ứng trong nước. Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chính thức thông tuyến vào ngày 2/9/2019. Hiện dự án vẫn đang trong thời hạn bảo hành.
7 người đi cùng Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân
vẫn ‘mất tích’ ở Hàn Quốc
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vừa chính thức xác nhận với Julie Yoon của BBC tiếng Hàn rằng hiện có “bảy người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc”.
BBC liên hệ với đường dây chính thức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sau khi đài MBC đăng phóng sự hôm 23/9 cho biết chín người trong đoàn đại biểu tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc hồi tháng 12/2018 đã mất tích.
Đài truyền hình lớn ở Hàn Quốc cho biết hơn 160 người Việt, trong đó có 20 quan chức cấp cao đã cùng bà Ngân sang Hàn theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang từ 4-7/12.
MBC cho biết đoàn người này bay đến sân bay quốc tế Gimhae trên một chuyến bay bao trọn gói (charter flight) của Vietnam Airlines – tức tất cả đều đi cùng một chuyến bay.
Bắt ba du khách Việt ‘mất tích’ ở Đài Loan
5 cách di cư chính của dân Việt thời nay
Thái Lan ‘điều tra tin Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’
Tuy nhiên, sau chuyến thăm 3 ngày 4 đêm, bao gồm cả Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt-Hàn, chín người trong đoàn đã “mất tích”.
Vẫn theo MBC, một người sau đó xuất hiện tại sân bay vào đầu năm 2019 và tự nguyện trở về Việt Nam.
Một người khác đã bị phía Hàn trục xuất, nhưng vẫn còn bảy người đang mất tích.
Đài MBC nghi ngờ rằng chín người này đã tìm cách cho hồ sơ họ vào danh sách đoàn đại biểu để bay qua Hàn và tìm cách ở lại.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói gì?
Trả lời Julie Yoon của BBC tiếng Hàn hôm 24/9, vị quan chức Bộ Ngoại giao nói:
“Trong chuyến thăm của phái đoàn Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, có 9 người nhập cư bất hợp pháp. Hai trong số họ đã được trở về nước.
“Bộ Ngoại giao xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng 7 người vẫn còn ở Hàn Quốc.
“Bộ Ngoại giao sẽ có hành động tiếp theo dựa trên cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, và dựa trên mối quan hệ Việt-Hàn và mối quan hệ liên Triều.”
Truyền thông nhà nước Việt Nam hiện chưa đưa ra thông tin gì về vụ mất tích này.
Hồi tháng 12/2018 báo Nhân Dân và Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin về chuyến thăm của đoàn đại biểu do bà Ngân dẫn đầu vào thời điểm đó.
Báo Nhân dân hôm 6/12/2018 viết “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vinh dự dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc”.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam gồm
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh…
Chuyến thăm “có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc và mong muốn phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới,” TTXVN cho biết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49806474
Hội nghị trung ương 11: xáo trộn ít hay đánh nhau lớn?
Ben Ngo
Không có nhiều xáo trộn!
Hội nghị trung ương 11, một sự kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019 để chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 13.
Hôm 23/9, trả lời RFA qua email, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, nhận định:
“Theo nguyên tắc chuẩn bị nhân sự từ thấp đến cao, Trung ương 11 nhiều khả năng sẽ bàn về quy hoạch cán bộ cấp ủy viên Trung ương dựa trên danh sách Bộ Chính trị phê duyệt và đệ trình, thay vì cán bộ cấp cao. Không loại trừ vấn đề lãnh đạo cấp cao được thảo luận, nhưng sẽ khó được đưa vào nghị trình chính thức. Như truyền thống của đại hội trước, vấn đề nhân sự cấp cao chỉ nóng lên vào năm bản lề – 2020.”
Nhận định về “cuộc đấu phe phái” trước khi hội nghị diễn ra, ông Giang viết: “Để phân biệt rõ ràng “phe” nào với nhau là rất khó khăn trong thời điểm hiện tại, bởi cái bóng quá lớn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khiến cho tất cả những ai muốn tranh đấu quyền lực phải ẩn mình chờ thời. Đây có lẽ là lần đầu tiên từ năm 1986 mà chúng ta không phân định được các nhóm lợi ích với ưu tiên chính sách rõ ràng, bảo thủ hay đổi mới. Điều này khiến cho việc đoán định chính sách của đội ngũ lãnh đạo mới sẽ khó khăn hơn.”
Ông Giang cũng đưa bình luận về ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật được suy đoán sẽ là tâm điểm chú ý tại Hội nghị trung ương 11 và Đại hội 13. Ông nói: “Chiếu theo Quy định 90 thì ông Trần Quốc Vượng hoàn toàn đủ tiêu chuẩn làm tổng bí thư, nhưng các thành viên cộm cán khác của Bộ Chính trị cũng đáp ứng được yêu cầu. Sự ủng hộ của Tổng bí thư Trọng sẽ là lợi thế lớn nếu ông Vượng muốn giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ tới, nhưng ông Vượng cũng có những hạn chế về kinh nghiệm quản trị và tuổi tác. Tiếng nói của ông Trọng có trọng lượng lớn, nhưng là không đủ để lấn át toàn bộ tiếng nói của Bộ Chính trị và đặc biệt là Ban chấp hành trung ương.”
Bàn về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm mới đây bị rò rỉ công văn mật liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG và liệu vụ này có ảnh hưởng gì đến cơ hội của ông ấy tại Hội nghị 11, ông Nguyễn Khắc Giang cho hay:
“Việc một số lãnh đạo chủ chốt bị tung “tin xấu” trước đại hội diễn ra không ít, nhưng không phải cá nhân nào cũng bị ảnh hưởng. Ông Tô Lâm trên thực tế đã làm tốt vai trò của mình trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là trong việc cải cách, thu gọn bộ máy công an và tham gia tích cực vào cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Lâm vẫn đủ tuổi để giữ thêm một nhiệm kỳ Bộ Chính trị nữa, trong bối cảnh hơn một nửa số ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ phải rút lui vì quy định tuổi. Do vậy theo tôi, khả năng ông Lâm rút lui là không cao.”
Cuối cùng, ông Nguyễn Khắc Giang nói thêm rằng “hãy còn sớm để bàn về danh sách ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không có quá nhiều xáo trộn”. Ông đưa ra dự báo rằng các thành viên Bộ Chính trị khóa mới “sẽ gồm ba nhóm lãnh đạo kế cận, có lẽ sẽ xuất hiện nhiều hơn thế hệ sinh năm 1970 trở đi vốn ít bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ hơn”.
‘Đánh nhau lớn’
Hôm 24/9, trả lời RFA, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nhận định: “Nếu Hội nghị trung ương 10 vào tháng 5/2019 chủ yếu ‘sắp ghế’ cho 200 ủy viên trung ương, thì Hội nghị trung ương 11 có nhiệm vụ chốt danh sách sơ bộ các gương mặt ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Do vậy, Hội nghị 10 chỉ là cuộc đấu giữa những ‘cá bé’, thì Hội nghị 11 thật sự là cuộc sát phạt của ‘cá mập’ với nhau.”
“Theo cách nhìn của tôi, cứ chuẩn bị xếp ghế cho Bộ Chính trị thì có đánh nhau lớn. Thời gian qua trở lại không khí như trước Đại hội 12, đơn thư tố cáo tung ra như bươm bướm. Nhưng lần này có đặc điểm khác, lần đầu tiên Đảng cầm quyền thừa nhận có luồng thông tin ngoài Đảng mà Đảng không thể phủ nhận và coi đó là thông tin không chính thức. Còn người đọc thì hiểu rằng thông tin này có độ tin cậy cao vì đó là tin từ nội bộ Đảng tuôn ra để đấu đá phe phái trước Hội nghị trung ương.”
Đề cập về khả năng tại vị của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Chí Dũng cũng nói thêm:
“Tôi tin rằng nhiều chính khách đang mong rằng ông Trọng phải nghỉ, nếu không phải vì lý do tuổi tác thì là vì sức khỏe. Và khi nghỉ thì ông ấy để lại khoảng trống quyền lực rất lớn, sẽ diễn ra cuộc tranh giành của các nhân vật mới nổi.”
“Nếu mà nói về gương mặt sáng giá thì 50/50, ẩn số lớn nhất là ông Trọng có tiếp tục coi mình là “trường hợp đặc biệt” hay không. Truyền nhân được nhìn thấy rõ ràng nhất của ông Trọng là ông Trần Quốc Vượng.”
“Mọi thứ đang diễn ra hết sức bát nháo, giới chức lo đấu đá với nhau, bỏ mặc Biển Đông, Bãi Tư Chính cho Trung Quốc quần thảo. Dường như chưa bao giờ có đảng Cộng sản đớn hèn như thế này.”
Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, nên trước mỗi kỳ họp quốc hội, trung ương đảng cộng sản đều họp. Mục tiêu được nói nhằm có chỉ đạo về đường lối.
Thông báo chính thức từ tổng thư ký quốc hội, chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc, th9i2 kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21 tháng 10 tới đây.
Như vậy theo thông lệ, hội nghị trung ương 10 của đảng cộng sản Việt Nam, khóa 12 sẽ diễn tra trước thời gian quốc hội nhóm họp; tuy nhiên đến nay thời điểm cụ thể cho hoạt động này vẫn chưa được tiết lộ.
Liệu có phải đấy là trò tung hứng nguy hiểm?
Nhân Hòa
Hơn 80 ngày sục sạo quanh Tư Chính, hôm 18/9/2019 Bắc Kinh leo thêm một nấc thang mới, đòi đuổi Việt Nam ra khỏi vùng EEZ của mình. Mãi 4 ngày sau, Hà Nội mới “thỏ thẻ” đề nghị Bắc Kinh đừng gây thêm phiền hà ở Biển Đông. Người dân liệu có lý do để tin rằng, đây đúng là trò toa rập giữa bọn cướp nước và một bộ phận rắp tâm dâng biển đảo cho Tàu?
————————-
Trò tung hứng không chỉ diễn ra qua tuyên bố của phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 22/9/2019, cũng như qua họp báo của phát ngôn viên Cảnh Sảng ngày 18/9/2019. Trước thời điểm đưa tàu xâm nhập Bãi Tư chính, ngày 27/5/2019, TQ đã bày trò Hội thảo quốc tế về cái gọi là Kiến nghị khai thác chung ở Biển Đông, trong đó các đại biểu dự hội thảo – đáng ngạc nhiên là có cả đại diện từ Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam[1] – đồng ý đưa Bãi Tư Chính vào diện khai thác chung (?)
Vải thưa che mắt thánh?
Phải nói “cho vuông”, những trò tung hứng rẻ tiền ấy, ngay từ đầu, làm sao qua mặt được những người yêu nước VN. “Vải thưa không che được mắt thánh!”. Hãy nhìn vào các mốc phản ứng của VN trong tiến trình TQ cho các loại tàu vào xâm nhập xung quanh Bãi Tư Chính! Trên thực tế, từ đầu tháng 6/2019, các tàu Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), nhưng suốt cho tới ngày 15/7/2019, Hà Nội hầu như “mất điện”.
Ngày 3/7/2019, tàu giặc kéo vào Tư Chính thì ngày 7/9 bà chủ tịch Quốc hội Kim Ngân bay sang Bắc Kinh, được nói là để mở rộng “quan hệ hợp tác”. Có phi lý nào hơn khi cướp vào nhà mà còn sang thăm thú nó để nâng cấp quan hệ? Mãi tới 16/7, “bóng hồng” Lê Thị Thu Hằng xuất hiện, phê phán vu vơ các “tàu lạ”. Vu vơ đến mức, một số báo lề phải, kể cả một “yếu nhân” tham gia “Bàn tròn” BBC còn lẫn, nói TQ và VN đối đầu nhau trong vùng biển “tranh chấp”.
Đến ngày 19/7, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao mới được phép “gọi sự vật đúng tên” và tuyên bố công khai, VN đã tiếp xúc nhiều lần với TQ để trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển EEZ, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN. Tiếp theo đó là chiều 25/7, người phát ngôn BNG nhắc lại các hành động của TQ là “nghiêm trọng” và khẳng định VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền.
Trong khi đó, Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng sau thời gian dài vắng mặt trên chính trường, xuất hiện trở lại vào dịp kỷ niệm thành lập công đoàn 28/7, đã cảnh báo người dân “tăng cường sức đề kháng trước sự chống phá, xuyên tạc của thế lực thù địch”[2]. Tàu giặc vào EEZ, ngỡ rằng Tổng chủ phải lên án hành tung cướp biển của giặc Tàu. Nhưng không, ông lại kêu gọi phải đề phòng người dân. Dư luận lập tức dấy lên, coi đấy là cách hành xử của một thái thú.
Trong khi tàu Trung Quốc tiếp tục vào ra EEZ như vùng biển vô chủ, ngày 4/9, người đứng đầu chính phủ, trong một tuyên bố đã rón rén: “Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta”[3]. “Kiên trì, kiên quyết đấu tranh” mà tên thằng kẻ cướp còn không dám xướng lên thì đấu tranh với ai? Thế giới hiện có 204 nước. Ông nói về 203 nước hay là sự khiếp nhược để không “phạm húy”?
Nhìn cách hành xử của “tam tứ trụ trong triều đình” ĐCSVN, bộ phận thần dân ngu ngơ có thể nhầm rằng, đảng đang nâng dần sách lược đấu tranh với Tàu, từ thấp lên cao, từ tuyên bố suông đến hành động quyết liệt. Nhưng liệu nay mai, khi Tàu chốt hạ tại khu vực Bãi Tư Chính một giàn khoan khủng như HD981 hồi tháng 5/2014, hoặc Tàu tìm mọi cách đuổi các công ty nước ngoài đang làm ăn với VN ra khỏi EEZ của mình, thì chính quyền VN sẽ phản ứng tiếp thế nào?
Hoạ phúc phải đâu một buổi
Với cách hành xử của chính quyền VN, Bắc Kinh có thể “đọc vị” được rằng, mình đánh nó mà nó vẫn “ôm chân mình” xin cải thiện quan hệ. Đánh tiếp, nó dí súng vào đầu dân, bảo với dân “hãy ngồi yên”. Đánh liên tục nữa thì nó đổ lỗi cho “các hoạt động của nước ngoài” chứ đâu dám phê phán mình. Và kết quả là, ngày 18/9/2019, người phát ngôn BNGTQ Cảnh Sảng đã tố cáo trước thế giới “Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc”[4].
Một blogger bình luận, muốn hiểu chính sách của chính quyền VN thì “đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy xem những gì cộng sản làm”. Trong hồ sơ Bãi Tư Chính, chỉ cần nhìn lại kết quả chuyến đi của bà Ngân, có thể có được một bức tranh đầy đủ. Bức tranh ấy mô tả, chính quyền Hà Nội đích thị là một đại diện của ĐCSTQ tại Việt Nam. Liệu có thể tin rằng, tất cả chỉ là việc tung hứng giữa ông chủ và kẻ làm thuê hòng qua mặt người dân Việt Nam?
Tiến sỹ Derek Grossman, một nhà nghiên cứu đang làm việc cho Tập đoàn RAND mới đây nhận xét, ĐCSVN giờ đây hoàn toàn bị tê liệt, đơn độc trong việc chống trả các cuộc xâm nhập của TQ (nguyên văn: VCP is now completely paralyzed – helpless to resist China’s actions). Nhưng cũng theo nhà nghiên cứu này, tuy nhiên chưa phải tất cả đã mất hết, VN còn một cơ hội tuyệt vời cần khai thác, đó là thúc đẩy sự can dự gần gũi hơn về an ninh với Mỹ.
Hiến kế của nhà nghiên cứu trên chỉ đúng một phần. VN còn có một cơ hội tuyệt vời khác, đó là “can dự gần gũi hơn” với chính người dân. Chính quyền không nên sợ dân hơn sợ địch! Sợ như qua sự thảng thốt của Tổng chủ: Hãy “án binh bất động”, bà con mà đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược là sẽ bị “các lực lượng thù địch lợi dụng ngay”. “Gen” chống xâm lược của dân VN là vốn quý, nhưng sao ĐCS lại sợ bị lợi dụng? Có phải ở đây có sự thao túng của Tàu cộng?
Một vị đại sứ tên tuổi từ BNGVN[5] từng đưa ra nhận xét: Chúng ta không sống trong thời trung cổ, ngày này, LPQT vẫn là xu thế chủ đạo. VN không có lý do gì để đánh mất biển đảo, nếu Biển Đông luôn ở trong mỗi trái tim của 96 triệu người dân. Bãi Tư Chính chỉ mất khi niềm tin, ý chí tự cường, tự tôn của dân tộc bị đốn ngã. Phảng phất đâu đây lời cảnh báo của Churchill: “Một dân tộc tìm cách né tránh chiến tranh bằng cách cúi đầu chịu nhục thì dân tộc ấy sẽ lãnh đủ cả hai thứ: cả chiến tranh lẫn sự nhục nhã!”
Không người dân VN nào lại muốn chiến tranh và có ảo tưởng đất nước dưới triều cộng sản đủ sức đánh nhau với Tàu. Nhưng quyền lợi hợp pháp của người dân là quyền được thông tin về chủ quyền quốc gia. Nghĩa vụ của người dân là bảo tồn toàn vẹn chủ quyền lãnh hải quốc gia. Trách nhiệm của chúng ta là đồng hành cùng với nhau, chống lại bất kỳ mưu đồ của bộ phân nào trong chính quyền có mưu toan tung hứng, toa rập với chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc./.
[1] http://www.iis.fudan.edu.cn/_upload/article/files/9f/21/992faf20465fae26c23ccce1ecc6/f003a68f-eb6a-4b09-a506-3c00897b0862.pdf Phóng viên Nga Pham của đài BBC đã bình luận: Trong một nghiên cứu chung do Đại học Phục Đán, Thượng Hải chủ trì, nhóm tác giả trong đó có bà Bùi Thị Thu Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN, đưa ra một số khuyến cáo về chính sách. Bắt đầu phát triển chung ở những khu vực chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền… Một số khu vực hứa hẹn cho phát triển (khai thác) chung là cửa vịnh Bắc Bộ (chỉ có TQ và VN tuyên bố chủ quyền) và Bãi Tư Chính (chỉ có TQ và VN tuyên bố chủ quyền)… Khuyến cáo này cho thấy sự công nhận cửa Vịnh Bắc Bộ và Bãi Tư Chính là khu vực tranh chấp giữa VN và TQ???
[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tang-cuong-suc-de-khang-truoc-chong-pha-xuyen-tac-cua-the-luc-thu-dich-551945.html
[3] https://nguoidothi.net.vn/chu-quyen-bien-20355.html
[4] VOA, tiếng Việt ngày 29/9/2019: “Bắc Kinh nói Việt Nam vi phạm quyền và lợi ích của TQ ở Biển Đông”
[5] https://www.youtube.com/watch?v=QEfhHwjTc0E Bài báo bị gỡ: Đại sứ Nguyễn Trường Giang: “Không thể để mất Biển mất bãiTư Chính được”
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dangerous-game-09232019112420.html
Cao tốc Bắc Nam: Nhà thầu ‘ta’
hay nhà thầu ‘lạ’ cũng … rứa
Nhiều người Việt thở phào khi chỉ có các doanh nghiệp của “ta” đầu tư và thi công đoạn cao tốc từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên – Huế).
Đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn dài khoảng 100 cây số là 1/11 đoạn cao tốc cần thi công để hoàn tất tuyến cao tốc chạy suốt từ Bắc vào Nam.
Theo chính phủ thì hệ thống công quyền sẽ dùng ngân sách đầu tư 3/11 đoạn góp phần cấu thành cao tốc Bắc Nam, 8/11 đoạn còn lại sẽ được thực hiện theo hình thức BOT.
Đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn là một trong số 8 đoạn được đầu tư theo hình thức BOT. Tổng vốn đầu tư cho đoạn này khoảng 7.700 tỉ đồng.
Có nhiều lý do khiến người Việt âu lo và đòi giới hữu trách không vay, không giao bất kỳ công trình giao thông nào ở Việt Nam cho nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc.
Thể theo nguyện vọng của đồng chí, đồng bào, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã chọn hai liên danh thuần… Việt, thực hiện đoạn Cam Lộ – La Sơn của cao tốc Bắc Nam: Liên danh thứ nhất gồm hai doanh nghiệp là Công ty Đầu tư Xây dựng 703 và Tổng Công ty Thành An. Liên danh thứ hai gồm ba doanh nghiệp là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 và Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.
Nếu tuyến metro Cát Linh – Hà Đông đã tạo thêm một trái đắng qua việc vay vốn Trung Quốc, sử dụng nhà thầu Trung Quốc và dù rất… ráng nhưng cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn dân chúng Việt Nam vẫn khó mà nuốt cho trôi thì giao các đoạn của cao tốc Bắc Nam cho những nhà đầu tư, nhà thầu thuần… Việt liệu có… ngọt hơn không? Khẳng định là không thì võ đoán vì công trình xây dựng đoạn Cam Lộ – La Sơn chỉ mới khởi công nhưng ai dám bảo là… có vì quả sẽ… “ngọt” hơn?
***
Trong năm doanh nghiệp thuộc hai liên danh được chọn tham gia đầu tư, thi công đoạn Cam Lộ – La Sơn có hai doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng Công ty Thành An và Tổng Công ty Trường Sơn. Tuy cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng thông báo giải thể “14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty” (36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Thành An, Trường Sơn) (1) nhưng về bản chất, vốn liếng, phương tiện, nhân lực của các tổng công ty này vẫn rút từ nguồn dành cho quốc phòng!
So với Trung Quốc, Thành An và Trường Sơn nếu không hơn thì có lẽ cũng bằng ngoại nhân cả về năng lực thi công lẫn mức độ thiện lương. Cả hai tổng công ty này cùng với Tổng Công ty 789 (cũng thuộc Bộ Quốc phòng) là 3/5 nhà thầu thực hiện đoạn quốc lộ chạy ngang Phú Yên và Bình Định. Dẫu đoạn đó của quốc lộ 1 chỉ chừng 140 cây số, ngốn gần 8.000 tỉ và ngay trong thời hạn bảo hành, trên mặt đường có tới 5.300 hố, ổ, gây ra đủ thứ thiệt hại, kể cả thiệt hại nhân mạng nhưng không nhà thầu nào thèm sửa chữa (2)…
Ba doanh nghiệp còn lại thuộc hai liên danh được chọn tham gia đầu tư, thi công đoạn Cam Lộ – La Sơn cũng thế. Công ty Đầu tư Xây dựng 703 chính là bạn đồng hành với Tổng Công ty Trường Sơn trong thi công đoạn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (3), vốn nổi tiếng vì vừa khánh thành đã lún, lõm, bề mặt bể thành vô số hố, ổ, cầu bị nứt, thấm, (4)… Muốn biết chi tiết hơn về chất lượng đoạn cao tốc trị giá 34.500 tỉ đồng này thế nào, cứ dùng google!
Còn Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68? Doanh nghiệp này nổi tiếng vì “đấu đâu, thắng đó”. Một số tờ báo ở Việt Nam từng thú nhận, họ không hiểu tại sao Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 liên tục thắng các gói thầu lớn (chừng 15 gói thầu, tổng giá trị khoảng 1.600 tỉ) trong đủ mọi lĩnh vực! Gần đây, Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 tiếp tục thắng gói thầu xây dựng đường sá ở TP.HCM trị giá 200 tỉ mà báo giới ví von là “gói thầu cấm cửa báo chí” (5)…
Doanh nghiệp cuối cùng trong số năm doanh nghiệp tham gia hai liên danh thực hiện đoạn Cam Lộ – La Sơn: Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 cũng thuộc loại lẫy lừng vì tên tuổi gắn chặt với Tổng Công ty Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) trong mua – bán các gói thầu (6). Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 cũng lả doanh nghiệp mà tên tuổi gắn chặt với trễ hạn, nhiều
hạng mục chưa nghiệm thu đã hư khi tham gia thực hiện tuyến tránh Pleiku thuộc dự án đường Hồ chí Minh (7)…
***
Ý tưởng dùng vốn của Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc để hoàn tất cao tốc Bắc Nam từng khuấy động dư luận, khiến đồng chí, đồng bào xúc động mạnh. Chẳng phải công chúng, báo giới mà ngay cả các chuyên gia cũng phản đối tiêu chuẩn chọn thầu (phải có sẵn khoản vốn tối thiểu là 20% tổng giá trị dự án, tìm được ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nào đó khẳng định cho vay phần còn lại). Hạ tiêu chuẩn chọn thầu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia, trở thành… nguyện vọng chung (8)!
Cho dù càng ngày càng nhiều người Việt bất bình vì cách thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BOT: Thiếu cả năng lực tài chính lẫn thi công, chất lượng công trình tồi, dự án trở thành gánh nặng mà cả kinh tế lẫn xã hội khó kham (do có thể vay hơn 90% tổng giá trị dự án, nhà đầu tư biến hệ thống ngân hàng thành con tin, vì vậy được thu phí cao, thời gian thu phí bất hợp lý so với suất đầu tư,…) nhưng ý tưởng chọn Trung Quốc đã đẩy công chúng đến chỗ tự nguyện ủng hộ nhà đầu tư – nhà thầu “ta”!
Nhìn một cách tổng quát, ý tưởng chọn Trung Quốc đã thúc đẩy đồng chí, đồng bào “đại xá” cho nhà đầu tư – nhà thầu “ta”. Viễn cảnh tồi tệ nếu dùng vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc khiến đồng chí, đồng bào bỏ qua chuyện chính phủ sẽ dùng ngân sách hỗ trợ các nhà đầu tư – nhà thầu “ta” hoàn tất những đoạn thuộc cao tốc Bắc Nam theo hình thức BOT để nhà đầu tư, nhà thầu “ta” thu… phí! Chưa kể đó còn có thể là cơ hội để nhà đầu tư – nhà thầu “ta” vừa nhận tiền hỗ trợ của chính phủ, vừa tăng phí ở các dự án BOT khác (9).
Không rõ ý tưởng chọn Trung Quốc – gióng lên hồi chuông cảnh báo dự án, công trình rơi vào tay Trung Quốc – có quan hệ thế nào với Dự luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến. Theo đó, để nhà đầu tư – nhà thầu “ta”, mạnh dạn tranh thầu trong các dự án thuộc loại PPP, chính phủ cam kết sẽ “chia sẻ” đến 50% phần thiếu hụt nếu doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự kiến. Điều mà ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, xem là bất hợp lý vì “thua lỗ thì nông dân phải ráng chịu, còn nhà đầu tư – nhà thầu BOT thì được… chia sẻ” (10).
***
Rõ ràng, vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc là một thứ… “vỏ dưa” không người Việt nào muốn vấp để quốc gia, dân tộc trượt dài như đã và đang phải trượt theo những dự án kiểu như Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông. Song nhà đầu tư – nhà thầu “ta” có khá hơn hay cũng chỉ là một thứ vỏ như… “vỏ dừa”? Liệu có kẻ nào dùng “vỏ dưa” để dụ đồng chí, đồng bào tự nguyện chọn… “vỏ dừa” không? Chưa rõ nhưng ít nhất có một điều đã rõ là nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện tại vẫn có quyền lựa chọn như trước nay thì đường chúng ta đi sẽ còn vô số loại vỏ do chính họ chọn và bày ra. Tránh được vỏ này sẽ đụng nhằm vỏ kia, không tử thương cũng trọng thương!
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/thoi-su/bo-quoc-phong-giai-the-hang-loat-don-vi-3860230.html
(3) https://baodautu.vn/2400-ty-dong-xay-88km-duong-cao-toc-da-nang-quang-ngai-d2293.html
(5) https://baodauthau.vn/dau-thau/chan-dung-nha-thau-trung-goi-thau-cam-cua-bao-chi-105646.html
(8) https://tuoitre.vn/dau-thau-cao-toc-bac-nam-nha-dau-tu-trong-nuoc-gap-bat-loi-20190812080934284.htm
(9) https://tuoitre.vn/bo-xay-dung-de-nghi-khong-dung-ngan-sach-cuu-du-an-bot-20190703143618074.htm
https://www.voatiengviet.com/a/cao-toc-bac-nam-nha-thau-ta-hay-tau-cung-rua/5095057.html