Trung Cộng ‘không hy sinh chủ quyền’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Cộng ‘không hy sinh chủ quyền’
Tại Hà Nội, Dương Khiết Trì tiếp xúc các lãnh đạo Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo BBC – 11:05 GMT – thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp trên biển thông qua “đối thoạI và đàm phán, dựa trên sự tôn trọng sự thật lịch sử và luật quốc tế”.

Ông Lý Khắc Cường phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Hàng hải Trung Quốc – Hy Lạp trong chuyến thăm Athens hôm thứ Sáu.

Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Trung Quốc và Việt Nam căng thẳng vì vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Việt Nam nói việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Đáp lại, Trung Quốc nói giàn khoan này thăm dò tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

Bắc Kinh nói quần đảo này là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, không tồn tại bất cứ tranh chấp nào”.

Phát biểu tại Athens, ông Lý Khắc Cường nêu lập trường chung của Trung Quốc về các vấn đề trên biển.

“Trung Quốc quyết tâm theo đuổi con đường phát triển hòa bình và cương quyết phản đối mọi hành động bá quyền trong các vấn đề hàng hải.”

“Phát triển đại dương thông qua hợp tác đã giúp nhiều quốc gia phát triển, còn dùng đến xung đột đánh nhau trên biển chỉ mang lại tai họa cho nhân loại.”

‘Không nuốt quả đắng’

Trong một diễn biến khác, phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì nói Trung Quốc có kiên nhẫn và chân thành nhằm đàm phán.

Ông Dương vừa mới hoàn tất chuyến đi đến Hà Nội tuần này để nói chuyện với Việt Nam về vụ giàn khoan.

Nói tại Bắc Kinh sau khi trở về, ông Dương nhấn mạnh Trung Quốc không hy sinh chủ quyền.

Ông Dương hôm 21/6 có phát biểu khai mạc tại Lễ khai mạc Diễn đàn Hoà bình Thế giới lần thứ 3 ở Bắc Kinh.

Ông này nói Trung Quốc “kiên quyết giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.

Trung Quốc “không lấy lợi ích cốt lõi của mình để trao đổi, không nuốt quả đắng phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc,” theo nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.

Ủy viện Quốc vụ, người đứng cao hơn chức ngoại trưởng Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc “luôn dốc sức cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển với nước hữu quan thông qua phương thức hoà bình, nguyện thúc đẩy đàm phán đối thoại giải quyết vấn đề với thiện chí và lòng kiên nhẫn lớn nhất”.

Ông nhắc lại: “Trung Quốc chủ trương tranh chấp về biển Hoa Đông, Nam Hải cần do nước đương sự trực tiếp hữu quan đàm phán giải quyết thông qua thương thảo hữu nghị trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật quốc tế.”

Một số nhà quan sát nhận định Trung Quốc đang cố gắng chứng tỏ họ kiên nhẫn muốn thương lượng với các nước có tranh chấp, nhưng sẽ không nhượng bộ, đặc biệt về vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa.

Đánh bắt ‘phi pháp’

Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5 được kéo về cảng Đà Nẵng

Những ngày gần đây, truyền thông Trung Quốc tiếp tục có những bài viết phê phán Việt Nam vì tranh chấp biển đảo.

Tân Hoa Xã ngày 20/6 nói hoạt động đánh bắt “phi pháp” của các tàu cá Việt Nam quanh Hoàng Sa “tăng lên những năm gần đầy, đe dọa an toàn của ngư dân Trung Quốc và tài nguyên cá ở Nam Hải”.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc dẫn lời một lãnh đạo tuần duyên trên Thành phố Tam Sa nói tính từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm nay, lực lượng này đã phát hiện ra 237 tàu của Việt Nam đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa.

Cũng theo Tân Hoa Xã, số tàu cá Việt Nam đánh bắt trong khu vực này không ngừng gia tăng:

“Theo số liệu từ chính quyền địa phương, trước năm 2000, chỉ có hơn 20 tàu cá Việt Nam được phát hiện mỗi năm.”

“Con số này tăng lên gần 100 tàu trong năm 2004.”

” Tính trong năm ngoái, chính quyền [Trung Quốc] đã bắt được 319 tàu”.

Tân Hoa Xã dẫn lời Phó Chủ tịch thành phố Tam Sa nói chính sách của Việt Nam về việc đền bù thiệt hại cho ngư dân trong trường hợp đụng độ với tàu Trung Quốc đã “khuyến khích các hoạt động đánh bắt trái phép”.

Ông Sun Xiaoying, một nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, nói rằng số tàu cá của Việt Nam ở các tỉnh dọc bờ biển phía đông nam đã tăng từ dưới 1.000 lên đến 5.000 trong thời gian gần đây, chủ yếu hoạt động trên Biển Đông.

“Chính sách hỗ trợ của chính phủ Việt Nam được xây dựng rất kỹ lưỡng và năng động, là một sự khích lệ mạnh mẽ đối với ngư dân Việt Nam,” ông Sun nói.

Tàu cá bảo vệ chủ quyền

“Chính sách hỗ trợ của chính phủ Việt Nam được xây dựng rất kỹ lưỡng và năng động, là một sự khích lệ mạnh mẽ đối với ngư dân Việt Nam” – Sun Xiaoying, nhà nghiên cứu Trung Quốc

Căng thẳng gữa hai nước đã lên cao từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Các vụ đụng độ liên tiếp giữa tàu hai nước khiến giới quan sát lo ngại tranh chấp có thể leo thang thành xung đột.

Phía Việt Nam luôn khẳng định chỉ sử dụng tàu chấp pháp và tàu ngư dân để khẳng định chủ quyền, trong lúc cáo buộc Trung Quốc điều hơn 100 tàu các loại, bao gồm tàu quân sự, để bảo vệ giàn khoan.

Trong thời gian quan, Hà Nội đã công bố hàng loạt chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển.

Hồi đầu tháng Sáu, ngân hàng trung ương của Việt Nam đã công bố sẽ cùng các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho ngư dân.

Khoản tiền này sẽ được sử dụng để “giúp đỡ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu hiện có để đảm bảo công suất cao hơn cũng như độ chắc chắn an toàn cho tàu lớn hơn nhằm nâng cao năng suất đánh bắt cá xa bờ cũng như thực hiện quyền chủ quyền của đất nước ta trên Biển Đông”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được báo trong nước dẫn lời nói.

Ông Bình cũng cho biết tất cả các tàu đóng mới sẽ được bảo hiểm và chính phủ sẽ hỗ trợ 70% chi phí bảo hiểm cho ngư dân.

Hôm 9/6, Quốc hội Việt Nam cũng đã biểu quyết thông qua phương án chi 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và nâng cấp lực lợng cảnh sát biển, kiểm ngư