Tin Biển Đông – 19/09/2019
Tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo:
Mỹ đang cảnh cáo TQ đừng đi quá giới hạn
Quân đội Mỹ (9-19/9) tổ chức tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo ở Biển Đông và Hoa Đông. Giới quan sát nhận định cuộc tập trận trên nhằm phát đi thông điệp đến Bắc Kinh về sức mạnh quân sự của Washington ở châu Á – Thái Bình Dương.
Theo thông tin trên, Đơn vị viễn chinh hải quân số 31 và Phân đội đổ bộ số 11 đã thực hiện các cuộc tập trận chung với sự tham gia của Nhóm tàu đổ bộ Wasp. Các bài tập diễn ra ở vùng biển Philippines và vùng biển Hoa Đông, xung quanh một căn cứ hải quân Mỹ ở Nhật Bản. Mục đích của cuộc tập trận nhằm luyện tập kỹ năng đổ bộ vào các bờ biển của lực lượng “thù địch” và chiếm giữ các đường băng. Trung tá Anthony Cesaro của quân đội Mỹ cho biết, “cuộc tập trận kiểu này nhằm cho phép lực lượng (Mỹ) tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương triển khai sức mạnh và tiến hành các chiến dịch viễn chinh tại các khu vực ven bờ có tranh chấp chủ quyền”. Trước đó, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (13/9) cho biết, Mỹ và Philippines đã nhất trí cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh khu vực như những người bạn, đồng minh và đối tác. Trong khi đó, phát biểu tại một diễn đàn ở Manila cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna cho rằng hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông đang gặp rủi ro nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.
Một số nhà quan sát cho rằng cuộc diễn tập như một lời cảnh báo gửi tới Bắc Kinh, theo đó quân đội Mỹ có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ xa nhà nếu Washington cảm thấy cần thiết phải can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ông Adam Ni, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Macquarie (Australia), cho biết cuộc tập trận gần Philippines và Okinawa cho thấy một chiến dịch như vậy sẽ bao phủ cả một khu vực rộng lớn, gồm cả vùng biển phía Nam và phía Đông Trung Quốc, những nơi Mỹ đã cùng với các quốc gia khác trong khu vực tiến hành các hoạt động tự do hàng hải kể từ năm 2015; đồng thời nhận định đó là một lời nhắc nhở rõ ràng cho Trung Quốc về ưu thế sức mạnh quân sự của Mỹ, cho dù khoảng cách về năng lực quân sự giữa hai bên trong những năm gần đây đã bị thu hẹp. Thông điệp gửi lần này là quân đội
Mỹ hoàn toàn có thể đoạt lấy những thực thể địa lý trên Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình của Trung Quốc cho rằng, chính phủ Mỹ chắc chắn đã mời Nhật Bản và Philippines quan sát cuộc tập trận trên nhằm thể hiện mối quan hệ chặt chẽ cùng với các cam kết đối với Manila và Tokyo, cho rằng đây cũng là thời cơ tốt để Mỹ chào hàng tàu chiến đổ bộ cùng mẫu máy bay mới cho Nhật Bản; đồng thời nhận định chưa biết liệu Washington có can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines, hay giữa Trung Quốc và Nhật Bản hay không, nhưng chắc chắn quân đội Mỹ sẽ tận dụng cơ hội tập trận này để tăng cường năng lực chiếm đảo và sân bay tại các vùng biển xa lạ. Trong khi đó, Hãng tin AFP nhận định, cuộc tập trận rõ ràng được thiết kế nhằm tăng cường khả năng của quân đội Mỹ trong việc đánh chiếm một hòn đảo tranh chấp và thiết lập căn cứ tiếp tế cho các chiến dịch không quân.
Trong thời gian gần đây, Mỹ thường xuyên tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo. Thủy quân lục chiến Mỹ (21/3) cho biết, Đơn vị Viễn chinh số 31 do sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 hỗ trợ cùng lực lượng đặc nhiệm, phi đội máy bay chiến đấu đã tiến hành phối hợp tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo với Nhật Bản tại đảo le Shima của Tokyo. Theo kịch bản, sau khi vượt qua lưới phòng thủ dày đặc giả định, nhiệm vụ của lính thủy đánh bộ là chiếm sân bay chiến lược trên đảo. Binh sĩ Mỹ ngay lập tức dọn dẹp khu vực để làm nơi máy bay cất và hạ cánh, tiếp nhiên liệu. Tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II Joint và vận tải cơ C-130J Super Hercules sau đó có mặt yểm trợ và vận tải thêm vũ khí lên đảo. Các tổ hợp pháo, rocket đa nòng triển khai từ vận tải cơ C-130 nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Ở trên bầu trời, tiêm kích F-35B tung các đòn tấn công chính xác từ xa dọn dẹp chiến trường. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết, cuộc tập trận trên thể hiện quân đội Mỹ sẵn sàng thực hiện sứ mệnh trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, nhấn mạnh đổ bộ chiếm đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lính thủy đánh bộ Mỹ. Ngoài ra, ông Joseph Dunford nêu rõ, quân đội Mỹ phải đối mặt với thách thức lớn hơn từ các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc. Ở Thái Bình Dương, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh, quân sự hóa Biển Đông và không giấu giếm ý định vượt qua chuỗi đảo thứ nhất.
Trước đó, Lữ đoàn tác chiến đổ bộ nhanh của Nhật Bản và thủy quân lục chiến Mỹ (14-19/10/2018) đã tổ chức cuộc diễn tập đổ bộ trên đảo Tanegashima, phía Tây Nam Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa hai nước. Tham gia cuộc tập trên có 220 binh sĩ Nhật Bản và 10 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ. Đây là cuộc diễn tập bộ đầu tiên được tiến hành tại Nhật Bản, sau một cuộc tập trận ở Hawaii vào giữa tháng 7/2018. Trong cuộc diễn tập, Nhật Bản đã điều tàu vận tải Osumi chở theo 5 tàu đổ bộ và binh sĩ, trong khi Mỹ huy động các trực thăng CH-47 bay phía trên đảo. Sau khi đổ bộ lên đảo, lực lượng hai nước thực hành bài tập giành lại quyền kiểm soát một sân bay do đối phương chiếm giữ. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái quyết đoán tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông. Trong năm 2017, hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ và binh sĩ Nhật Bản (25/2/2017) cũng đã tiến hành cuộc tập trận chung dùng xe lội nước đổ bộ tấn công nhằm mục tiêu tái chiếm đảo hẻo lánh. Cuộc tập trận diễn ra tại Bãi biển Đỏ thuộc Căn cứ thủy quân lục chiến Pendleton (bang California, Mỹ). Theo kịch bản, hàng trăm binh sĩ Mỹ và Nhật diễn tập tấn công ồ ạt vào bãi biển bằng các xe lội nước đổ bộ tấn công được triển khai từ tàu đổ bộ USS Anchorage đậu cách bờ hơn 3,6 km. Sau khi lên bãi biển, những binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) chiếm giữ phía Nam, còn lính thủy đánh bộ Mỹ chiếm phía Bắc. Các xe lội nước tấn công giúp các lực lượng chiếm nhanh chóng một ngôi làng ở phía Bắc. Ở phía Nam, binh sĩ Nhật Bản phải chờ di chuyển sâu vào đất liền để chiếm một ngôi làng khác.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; nhấn mạnh duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực; tuyên bố việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tái khẳng định Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.
Triển khai UAV ra Biển Đông nhằm thiết lập ADIZ:
TQ đang thách thức luật pháp quốc tế
Việc Bộ Tài nguyên Trung Quốc (11/9) cho biết Bắc Kinh đang vận hành mạng lưới máy bay không người lái “theo dõi tình hình trên các đảo và thực thể tranh chấp ở Biển Đông cũng như những vùng biển rộng lớn”, làm dấy lên quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập trái phép Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
ADIZ trái phép của Trung Quốc ở Hoa Đông
ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng. Các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định và khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ. Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp phạt khác.
Quan ngại về khả năng Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông
Một số chuyên gia, học giả quốc tế nhận định động thái triển khai UAV “theo dõi” diễn biến tình hình trên biển của Trung Quốc chỉ là cách đánh lừa cộng đồng quốc tế, âm mưu của Bắc Kinh là lập ADIZ trong vùng biển này. Giáo sư Peter Dutton của Trường Cao đẳng Hải quân Hoa Kỳ (US Naval War College) cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông không chính thức. Giáo sư Seokwoo Lee, Đại học Inha, Hàn Quốc từng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ trên Biển Đông để gây sức ép buộc Mỹ phải rút ra khỏi khu vực này. Ý đồ của Trung Quốc nếu thiết lập ADIZ trên Biển Đông là “làm leo thang căng thẳng, tăng cường mức độ đối đầu đến một ngưỡng mà Mỹ không chịu đựng được và phải rút lui khỏi khu vực”, cho rằng “đây là một dạng ‘trò chơi thách đố’ trên Biển Đông, trong đó bên nào cảm thấy yếu thế hơn sẽ phải ngừng lại”.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hoàng Việt nhận định đây có thể là bước tiến của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Tuy không tuyên bố nhưng Trung Quốc sử dụng điều đó ngăn chặn máy bay các khu vực khác, đặc biệt là máy bay dân sự cũng phải xin phép, dù trên thế giới, về mặt lý thuyết, tất cả vùng nhận dạng phòng không chỉ áp dụng cho máy bay quân sự. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang âm thầm làm việc mà nước này muốn làm: kiểm soát được toàn bộ vùng Biển Đông bằng mọi cách khác nhau. Trung Quốc có thể đưa ra những lý thuyết rất khác nhau, lúc thì quyền lịch sử, lúc chủ quyền, lúc vùng đặc quyền kinh tế… nhưng bằng mọi giá Trung Quốc sử dụng các biện pháp và sức mạnh của mình trên thực tế để cưỡng bức các quốc gia khác phải tuân thủ theo nó và như vậy Trung Quốc đã đạt được mục đích. Nếu các quốc gia trong ASEAN đồng lòng, có sức mạnh đoàn kết thì Trung Quốc cũng phải ngại phần nào. Tuy nhiên, bản thân ASEAN cũng đang gặp phải thách thức và thách thức này đang chia rẽ nội bộ ASEAN. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc Trung Quốc lấn tới ở Biển Đông. Bên cạnh đó, phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng chưa đủ mạnh mẽ. Hệ quả là, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ bằng mọi cách chiếm hữu trên thực tế dù không có cơ sở pháp lý.
Trước đó, Tạp chí Quốc phòng Kanwa của Canada cho biết, Trung Quốc đã xác định khu vực lập ADIZ ở Biển Đông. ADIZ của Trung Quốc sẽ dựa trên vùng đặc quyền kinh tế của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 7 đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi lấp trên các thực thể chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nó sẽ bao trùm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, thời điểm công bố quyết định trên còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ không lập ADIZ ở Biển Đông, vì: Đầu tiên, Trung Quốc vẫn thích duy trì sự mơ hồ về bản chất những tuyên bố của họ ở Biển Đông (Trung Quốc vẫn chưa giải thích được về yêu sách “chủ quyền” theo “đường lưỡi bò”) trong lúc ráo riết củng cố các căn cứ, thay đổi hiện trạng và thiết lập thế đã rồi. Thứ hai, việc lập ADIZ ở Biển Đông chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ vấn đề địa lý, khí hậu và môi trường. Theo đó, môi trường biển rất khắc nghiệt, sự ăn mòn của muối biển sẽ khiến những hạ tầng có kim loại hay bêtông cốt thép xuống cấp nhanh chóng, khiến Trung Quốc sẽ phải duy trì lượng máy bay luân phiên lớn ở Biển Đông; những đảo đá nhân tạo được Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Trường Sa có kết cấu không bền vững, có khả năng lún sụt; hàng năm ở khu vực Biển Đông xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đớn lớn (trung bình có khoảng 13-16 cơn bão/năm); Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc dự trữ và vận tải nhiên liệu để duy trì đủ nhiên liệu cho máy bay và các trang thiết bị liên quan (máy phát điện)…
Trung Quốc từ lâu đã ngầm chuẩn bị thiết lập ADIZ ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa “quyền kiểm soát thực tế” trong khu vực
Về ngoại giao: Quan chức cấp cao của Trung Quốc (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) từng nhiều lần úp mở về khả năng Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở Biển Đông, cho rằng nước này “có quyền” thiết lập ADIZ nếu cảm thấy bị đe dọa về an ninh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng thông báo cho biết việc lập một ADIZ là “quyền của một quốc gia có chủ quyền”, và rằng “thời điểm tuyên bố một khu vực như vậy sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có đối diện các mối đe dọa từ trên không và mức độ mối đe dọa an toàn trên không là như thế nào”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên tuyên bố “ADIZ không phải là phát minh của Trung Quốc, mà là của một số cường quốc. Nếu an ninh của chúng tôi bị đe dọa, tất nhiên chúng tôi có quyền (tuyên bố ADIZ). Tất cả phụ thuộc vào phán đoán tình hình toàn cục”. Trước đó, tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng từng dẫn lời một quan chức quân đội Trung Quốc giấu tên cho biết Bắc Kinh đã hoàn tất kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông, song thời điểm Trung Quốc tuyên bố thiết lập sẽ tùy thuộc vào tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và các mối liên hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước láng giềng, nguồn tin nhấn mạnh “nếu quân đội Mỹ tiếp tục có những hành động để thách thức chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, thì điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh một cơ hội tốt để tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông”.
Về quân sự, quốc phòng: Đầu tiên, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, tiến hành cải tạo phi pháp nhiều đảo, đá, bãi cạn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm; cải tạo, nâng cấp sân bay trên đảo Phú Lâm; xây mới nhiều cầu cảng lớn. Tại Trường Sa, Trung bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại 7 đá, bãi cạn, biến chúng thành 7 đảo nhân tạo; xây dựng một đường băng 3.250m x 55m (dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu) trên đá Su Bi, hai đường băng ngắn hơn ở trên đá Chữ Thập và đá Vành
Khăn (2.644 m x 55m); xây dựng nhiều kho chứa máy bay chiến đấu, tên lửa, ụ pháo phòng không… trên các đảo, đá chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Thứ hai, Bắc Kinh cũng triển khai nhiều khí tài quân sự hiện đại có khả năng tấn công, phòng thủ và cảnh báo ở Biển Đông, trong đó có thiết bị gây nhiễu sóng và các radar quân sự tân tiến. Trung Quốc đã triển khai nhiều loại hình radar hiện đại, máy bay chiến đấu J-8, J-11, máy bay ném bom chiến lược H-6K ở cả Hoàng Sa và Trường Sa; triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B đến 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi. Thứ ba, Trng Quốc liên tục tiến hành tập trận phòng không, không quân và hải quân trong khu vực nhằm “nâng cao năng lực tác chiến” của các lực lượng quân sự và khả năng ứng phó khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, tại căn cứ quân sự ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc cũng triển khai hàng loạt khí tài quân sự tiên tiến, hiện đại để phục vụ kế hoạch thiết lập ADIZ trên Biển Đông khi cần thiết. Bên cạnh các tàu chiến, Hạm đội Nam Hải còn được biên chế thêm hai sư đoàn không quân trực thuộc hải quân, trang bị máy bay ném bom Tây An JH-7A và tiêm kích đánh chặn Thẩm Dương J-11B (đều sử dụng hệ thống radar nội địa đa chức năng và có khả năng tác chiến không đối, đủ khả năng thực thi ADIZ). Bắc Kinh cũng triển khai luân phiên máy bay cảnh báo sớm trên không như máy bay Thiểm Tây KJ-200 AEW ở căn cứ Lăng Thủy (Lingshui) trên đảo Hải Nam; triển khai nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa, tên lửa đất đối không…
Về tuyên truyền, định hướng dư luận: Ngày 23/11/2013, Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc (Bắc Kinh gọi là Tô Nham Tiêu trong khi Seoul gọi là Ieodo) để thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi quyết định mạo hiểm lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế, khiến Bắc Kinh trùn bước, không dám làm liều và thách thác công luận quốc tế.
Về pháp lý: Trung Quốc sớm nghiên cứu, đưa ra những căn cứ pháp lý để tiến hành âm mưu kiểm soát, thực hiện quyền bá chủ ở Biển Đông và tạo tiền đề, cơ sở để lập ADIZ trong khu vực, cụ thể: Năm 1996, Trung Quốc đã ra “Tuyên bố các đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa” thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông; năm 1998, Bắc Kinh tiếp tục thông qua “Luật Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc”, trong đó qui định rằng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của nước này kéo dài “200 hải lý tính từ đường cơ sở”;
Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ là hành động thách thức luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực
Việc tuyên bố ADIZ là hoàn toàn đơn phương và không dựa trên căn cứ pháp lý quốc tế hay thương thuyết với nước láng giềng. Nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng không dân dụng đi qua vùng biển này. Một số hãng hàng không không muốn phiền toái với Bắc Kinh có thể nộp lộ trình bay, đồng nghĩa với việc công nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Mỹ sẽ xem xét bất kỳ hành động lập ADIZ nào của Trung Quốc trên Biển Đông là “hành vi khiêu khích, gây mất ổn định khu vực, làm gia tăng căng thẳng và nghiêm túc đặt câu hỏi về cam kết của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao. Vì vậy, chúng tôi thúc giục Trung Quốc không đơn phương thực hiện các hành động khiêu khích”.
Không những vậy, Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông. Trong đó có Điều 3 (quy định “các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”) và Điều 5 (quy định về việc các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định của khu vực). Hành động trên cũng sẽ vi phạm các quy định về tự do hàng không trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Cụ thể, tại Điều 56, 76 đều quy định chung về quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình và Điều 58 quy định, “trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển… được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm”, khẳng định “khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước…”. Ngoài ra, thiết lập ADIZ ở Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế
(Pacta sunt servanda) – một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc. Đương nhiên, Trung Quốc sẽ vi phạm nội dung các thỏa thuận song phương và đa phương về Biển Đông, trong đó có thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc được ký kết vào ngày 11/10/2011.
Ngoài ra, nếu lập ADIZ trái phép ở Biển Đông, hoạt động hàng không ở khu vực sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn do các quy định Trung Quốc đưa ra. Việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông đồng nghĩa với việc tất cả máy bay (dân dụng, quân sự, tìm kiếm cứu trợ thiện tai…) đều phải thông báo lịch trình, kế hoạch bay cho Trung Quốc và phải tuân thủ hành lang bay do Trung Quốc chỉ định. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có biện pháp can thiệp, kể cả việc sử dụng máy bay quân sự tấn công, xua đuổi nếu máy bay nước ngoài “vi phạm” ADIZ do Trung Quốc đặt ra.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp trong lãnh hải được thành lập dựa trên UNCLOS. Nếu Trung Quốc ngang nhiên lập ADIZ ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, an ninh và lợi ích của Việt Nam ở trong khu vực. Để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia ở Biển Đông, Việt Nam cần tiếp tục nghiêm túc tuân thủ và hỗ trợ thực hiện các quy định, thủ tục của UNCLOS, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo cho đồng bào ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài hiểu được chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cần thông tin kịp thời, chính xác, cụ thể về âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông; tiếp tục đầu tư, nghiên cứu toàn diện về Biển Đông, phổ biến kiến thức về biển và Luật biển, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; tăng cường sức mạnh quân sự theo hướng tự vệ, đủ sức “ răn đe”, can thiệp khi đụng độ và hỗ trợ cho mặt trận chính trị, ngoại giao; đủ mạnh để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh bao vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước.
Mỹ tiếp tục điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải
ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Reann Mommsen cho biết, Hải quân Mỹ (13/9) đã điều tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tuần tra tự do hàng hải gần một số đảo, đá ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Mỹ tiếp tục phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc
Theo thông tin trên, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã di chuyển gần các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, một động thái thách thức chủ quyền vô lý mà Trung Quốc tự đặt ra. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Reann Mommsen cho biết “tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã thách thức những hạn chế đối với di chuyển vô hại do Trung Quốc đặt ra và cũng phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa; đồng thời khẳng định Trung Quốc đang tìm cách mở rộng khu vực nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhiều hơn những gì họ được cho phép theo luật quốc tế”.
Trước đó, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (28/8) cũng đã áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp, nhằm thể quyền qua lại vô hại trong vùng biển quốc tế và thách thức yêu sách chủ phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này. Ngoài ra, tàu USS Wayne E. Meyer (6/9) vừa kết thúc cuộc tập trận hàng hải đầu tiên giữa lực lượng hải quân Mỹ và 10 nước thành viên ASEAN. Cuộc tập trận có chủ đề “Tăng cường hiểu biết lẫn nhau và năng lực tác chiến hàng hải hỗn hợp”, nhằm mục đích thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận.
USS Wayne E. Meyer (DDG 108) là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, thuộc biên chế của Hải đoàn Khu trục số 1, Nhóm tác chiến Tàu sân bay Số 1 (CSG-1) do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz USS Carl Vinson làm kỳ hạm. Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer có chiều dài 155 m, chiều rộng ngang thân 20,4 m, lượng giãn nước đầy tải 9.200 tấn và có tốc tộ tối đa 32 hải lý/h. USS Wayne E. Meyer được biên chế 2 trực thăng SH-60 (LAMPS 3); trang bị hệ thống phóng ngư lôi Mk-32, pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx, 1 pháo đa năng Mk-45, 4 súng máy, 6 ngư lôi hạng nhẹ, 96 ống phóng thẳng đứng mang tên lửa hành trình, phòng không tầm xa, phòng không tầm trung, chống ngầm; hệ thống tác chiến hiện đại Aegis với radar hoạt động liên tục, cường độ cao cho phép định vị chính xác 100 mục tiêu ở khoảng cách 190 km.
Mỹ đang trực tiếp hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông
Theo giới chuyên gia, tuy Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh, Mỹ đã tích cực triển khai các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở
Biển Đông còn là cách để Mỹ thực hiện một số mục tiêu quan trong: (i) Gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. (ii) Thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. (iii) Duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cũng như hệ thống luật pháp quốc tế. Theo đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường ở Biển Đông. Từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo quân đội triển khai nhiều hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế cũng đánh giá những hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đã giúp ích cho Việt Nam trong đối đầu Việt – Trung liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định có ba lợi thế mà Việt Nam có được từ các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ: (1) Chương trình tuần tra tự do hàng hải của Mỹ duy trì thách thức về mặt pháp lý đối với các đòi hỏi quá đáng về chủ quyền không hợp lý của Trung Quốc…. (2) Chương trình tuần tra tự do hàng hải giúp duy trì cân bằng lỏng của cường quốc biển tại Biển Đông vì các tuần tra của Hải quân Mỹ cho thấy sự hiện diện và là biểu tượng hiện hữu là Mỹ có quyền lợi ở Biển Đông. (3) Tuần tra tự do hàng hải chuyển sự chú ý từ đối đầu Việt Trung trong trung tâm xung đột ở Biển Đông sang tập trung vào đối đầu Trung – Mỹ. Đáng chú ý, trong bối cảnh Philippines thay đổi thái độ trong vấn đề Biển Đông, chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc để đối lấy viện trợ kinh tế đã khiến Việt Nam rơi vào thế bị động và có phần cô lập khi đấu tranh chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tuần tra tự do hàng hải sẽ là “mồi lửa” hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Quan điểm của Việt Nam
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nữa nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Các nước châu Âu
quyết tâm hiện diện thường xuyên tại Biển Đông
« Việc gởi chiến hạm đến các vùng biển tranh chấp mang lại cho các chính phủ châu Âu thêm nhiều ảnh hưởng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc trên các vấn đề địa chính trị thiết thân ».
Nhật báo South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông dẫn lời các nhà phân tích nhận định, trong lúc căng thẳng đang tăng lên trong khu vực, các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp, Đức rất muốn chứng tỏ họ không phải là các đối tác thương mại thụ động.
Châu Âu nay phải chọn phe
Các nước lớn châu Âu tìm cách nâng cao vị thế tại châu Á-Thái Bình Dương. Theo các nhà phân tích, những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải và các tuyên bố quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông cho thấy ý muốn duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực của các quốc gia này.
Ông Frans-Paul Van Der Putten, nhà nghiên cứu thuộc Viện Clingendael, một think tank độc lập ở Hà Lan nhận xét : « Cho đến cách đây vài năm, các nước châu Âu thường chỉ thích đóng vai trò thứ yếu trong an ninh khu vực vùng Đông Á. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, họ thấy rằng cần phải khẩn trương tham gia ».
Vẫn theo ông Putten : « Việc gởi chiến hạm đến các vùng biển tranh chấp giúp cho các chính phủ châu Âu gia tăng ảnh hưởng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên các vấn đề địa chính trị thiết thân.
Châu Âu từ lâu đã quen với việc đứng giữa hai đại cường là Hoa Kỳ và Nga, tuy nhiên chính quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đang ngày càng làm châu Âu phải xác định lại quan điểm địa chính trị. Điều này đặt các chính phủ châu Âu vào thế lưỡng nan, họ chịu đựng áp lực ngày càng tăng là phải chọn phe ».
Đọc thêm: Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải
Đánh giá của ông Van Der Putten được đưa ra sau khi ba nước Anh, Pháp, Đức trong một thông cáo chung vào cuối tháng trước đã tuyên bố « quan ngại về tình hình Biển Đông, có thể dẫn đến mất an ninh và căng thẳng trong khu vực ».
Anh, Pháp, Đức cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ « có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực ».
Mỹ, Anh, Pháp tập trận và tuần tra Biển Đông
Trung Quốc vốn đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, liên tục lao vào tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei.
Hoa Kỳ tuy không yêu sách chủ quyền, nhưng coi khu vực này là một phần của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm ngăn chận sự bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trong nỗ lực chứng tỏ phô trương sức mạnh và sự đoàn kết, Hoa Kỳ và Anh quốc đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung trên Biển Đông hồi tháng Hai, trong khi Pháp gởi chiến hạm chở trực thăng Dixmude thuộc lớp Mistral hiện đại, và một khinh hạm đến quần đảo Trường Sa vào năm ngoái.
Anh quốc quyết tâm khẳng định quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, cùng với các đồng minh Hoa Kỳ và Úc, đã thẳng thừng bảo vệ các hành động tương tự chống lại một Trung Quốc ngày càng thêm hiếu chiến. Năm ngoái, Luân Đôn loan báo đã có kế hoạch đưa hàng không mẫu hạm mới mang tên HMS Queen Elizabeth đến châu Á-Thái Bình Dương trong lần triển khai hoạt động đầu tiên, dự kiến vào năm 2021.
Phát biểu tại Luân Đôn tuần trước, thiếu tướng Tô Quảng Huy (Su Guanghui), tùy viên quân sự Trung Quốc ở Anh nói : « Nếu Hoa Kỳ và Anh quốc liên kết lại để thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì đó sẽ là một hành động thù địch ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cuối tuần trước tuyên bố Hà Nội hoan nghênh tất cả các hoạt động nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
EU-Mỹ : Hợp tác quân sự, bất đồng về kinh tế chính trị
Mặc dù hợp tác về quân sự, Hoa Kỳ và châu Âu vẫn có những bất đồng trên lãnh vực kinh tế và chính trị.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Châu Âu loan báo một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế trong ba năm, khiến tổng thống Mỹ Donald Trump bực tức. Ông viết trên Twitter : « Họ đang thử và thành công trong việc hạ giá đồng euro để chống lại đồng đô la rất mạnh, làm phương hại đến xuất khẩu của Hoa Kỳ ».
Tháng trước, ông Trump cũng chỉ trích chính phủ Pháp về việc đánh thuế vào dịch vụ kỹ thuật số, mà ông cho rằng nhắm vào các tập đoàn công nghệ của Hoa Kỳ, đe dọa sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế vào rượu vang Pháp. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố, Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ « đáp trả tương tự » nếu Washington dùng đến biện pháp trừng phạt này.
EU-Trung Quốc : Xung đột về nhân quyền và kinh tế
EU cũng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột gay gắt với Trung Quốc, vì các doanh nghiệp châu Âu bị phân biệt đối xử khi hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Trong một văn bản công bố hồi đầu năm nay, Ủy ban Châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thông qua bản kế hoạch 10 điểm, coi Trung Quốc là « đối thủ cạnh tranh về kinh tế » và « địch thủ mang tính hệ thống, đang xúc tiến một mô hình quản trị thay thế ».
Về mặt nhân quyền, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Berlin gia tăng sau khi ngoại trưởng Đức Heiko Maas gặp gỡ nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) tuần trước. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói « rất không hài lòng » về cuộc gặp này, còn đại sứ Trung Quốc tại Đức cho biết đồng nhiệm Đức ở Bắc Kinh đã được triệu mời vì sự kiện trên.
Biển Đông : EU muốn trở thành một trong những nhân tố chính
Sarah Raine, nhà tư vấn về địa chính trị của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Chiến lược ở Luân Đôn nói rằng bà không ngạc nhiên trước việc Liên Hiệp Châu Âu muốn can dự vào tranh chấp Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Bà nhận xét : « Đó là hệ quả tự nhiên của một thực tế là tại châu Á, Liên Hiệp Châu Âu đã quá chán ngán khi luôn bị coi là một đối tác thương mại đơn thuần. Nói cách khác, coi như EU không liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn của lục địa này, cho dù vai trò của châu Á là quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu ».
Theo Sarah Raine, « Khi can dự chặt chẽ hơn vào các diễn tiến tại Biển Đông, các quốc gia hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu cùng phối hợp với nhau để ủng hộ các giải pháp đa phương, cho các vấn đề đa phương, thông qua các đối tác đa phương – theo kiểu ASEAN – tất cả nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ».
Còn theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu chủ chốt của chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự, thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Thụy Điển, Liên Hiệp Châu Âu cố gắng gia tăng ảnh hưởng lên Trung Quốc và Hoa Kỳ qua việc chứng tỏ EU cũng là một nhân tố chính tại vùng biển tranh chấp.
Ông nói : « Liên Hiệp Châu Âu không phải là Trung Quốc, và chắc chắn không phải là Hoa Kỳ của ông Donald Trump. EU muốn chứng tỏ là mình luôn hiện diện và vẫn đóng một vai trò. Ba quốc gia ký vào thông cáo chung về Biển Đông là Anh, Pháp, Đức đều có quyền lợi đặc biệt quan trọng trong khu vực, có lợi ích thương mại…Nếu có sự cố xảy ra trên Biển Đông, các ngành kỹ nghệ liên quan của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng ».
Trung Quốc : Phương Tây không nên « đổ dầu vào lửa » tại Biển Đông
Tác giả Trần Tướng Miểu (Chen Xiangmao) của Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc trên diễn đàn US China Focus tức tối cho rằng « Phương Tây không nên đổ dầu vào lửa tại Biển Đông » – tựa của bài viết. Tác giả này đặt câu hỏi, các nước Liên Hiệp Châu Âu lâu nay ít quan tâm đến Biển Đông, vì sao lại ra tuyên bố chỉ trích việc quân sự hóa vùng biển và nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016 vào lúc này ?
Trần Tướng Miểu cho rằng có ba lý do. Thứ nhất, Hoa Kỳ luôn mong có sự hỗ trợ của châu Âu để cùng ngăn chận Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ hai, Việt Nam cần có sự trợ giúp khẩn cấp về mặt tinh thần của các quốc gia châu Âu đối với việc khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính, mà tác giả này gọi là « hành động phi lý và đơn phương ». Thứ ba, Nhật Bản với tư cách thành viên G7 đã đòi ghi vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm này, với cùng mục đích với Việt Nam là tập hợp các lực lượng bên ngoài nhằm ngáng chân Bắc Kinh.
Theo nhà nghiên cứu của Viện Nam Hải, cả hai bản thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu và của ba nước Anh, Pháp, Đức « không chỉ gây áp lực lên Trung Quốc mà còn làm xấu đi quan hệ giữa châu Âu và Bắc Kinh ». Trần Tướng Miểu nhấn mạnh Biển Đông phải là « vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác », cáo buộc « các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang cố gắng phá hoại chủ trương này » của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190919-cac-nuoc-chau-au-quyet-tam-hien-dien-thuong-xuyen-tai-bien-dong
Biển Đông: Mỹ nên bỏ thái độ trung lập
trước việc Trung Quốc xâm lấn Bãi Tư Chính
Ngày 18/09/2019, bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại lên tiếng khẳng định rằng các hoạt động của tàu Trung Quốc tại vùng Bãi Tư Chính hoàn toàn hợp pháp, đồng thời tố cáo Việt Nam là đã “đơn phương” khoan dò dầu khí tại vùng Biển Đông “thuộc chủ quyền” Trung Quốc, và đòi Việt Nam phải “đình chỉ ngay lập tức các hoạt động xâm phạm đơn phương”.
Luận điệu của Trung Quốc đã lập tức làm dấy lên những tiếng nói từ giới chuyên gia, cho rằng Trung Quốc đã công khai biện minh cho những hành động vi phạm luật quốc tế. Do đó, Hoa Kỳ phải từ bỏ thái độ trung lập cố hữu và có những biện pháp cụ thể để chống lại các hành vi của Trung Quốc.
Tuyên bố ngày 18/09 của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lập tức bị giới chuyên gia đả kích.
Trên mạng Twitter, ngay từ hôm18/09, giáo sư Ryan Martinson thuộc trường Hải Chiến Hoa Kỳ, người đã theo dõi ngay từ đầu vụ Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và đội tàu bán quân sự hộ tống vào hoành hành tại vùng gần Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho rằng “chính quyền Mỹ có thể / nên chọn phe trong vụ này vì đây không phải là vấn đề chủ quyền các đảo mà là quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Phán quyết của Tòa Án (Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye) năm 2016 đã giải thích rõ điều đó.”
Theo giáo sư Martinson, điều mà chính quyền Mỹ trước mắt có thể tiến hành là:
1) Lên án Bắc Kinh vì đã sử dụng sự ép buộc để duy trì một yêu sách bất hợp pháp,
2) Cấm các tàu của cơ quan Khảo sát Địa Chất Trung Quốc tiếp cận các cảng của Hoa Kỳ và tiến hành nghiên cứu trong các vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ,
3) Chia sẻ thông tin về những gì đang diễn ra ở các khu vực đó.
Cùng một quan điểm với giáo sư Martinson, cũng vào ngày 18/09 trên Twitter, ông Mike Mazarr, chuyên gia nghiên cứu chính trị học cấp cao tại trung tâm tham vấn Mỹ Rand Corporation, chuyên trách các vấn đề quốc phòng Mỹ và an ninh Đông Á, cho rằng lập trường không đứng về bên nào của Mỹ trong vấn đề Biển Đông “thực sự là một hạn chế”.
Theo ông Mazarr, chính quyền Washington nhất thiết phải “gởi đi những thông điệp đa phương mạnh mẽ cho thấy là các hành vi ép buộc không thể chấp nhận được và thực hiện các bước có ý nghĩa để hỗ trợ Việt Nam”.
Đối với chuyên gia của Rand Corporation, đã đến lúc phải phá vỡ sơ đồ tranh chấp hiện hữu theo đó hễ Trung Quốc cưỡng chế là quốc gia bị cưỡng chế rút lui.
Theo ông Mazzarr, Mỹ nên sử dụng sức mạnh của mình để giúp những nước khác đứng lên bảo vệ chủ quyền của mình và khiến cho các hành vi ép buộc phải trả giá đắt.
Trong cuộc họp báo ngày 18/09/2019 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã đưa ra các biện minh và tố cáo Việt Nam.
Sau khi nhắc lại chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc đặt cho Trường Sa) và “quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển lân cận là Vạn An Than (Wan’an Tan – tên Trung Quốc gọi Bãi Tư Chính) thuộc quần đảo Nam Sa”, đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc tố cáo là “kể từ tháng 05/2019, phía Việt Nam đã tiến hành khoan dầu khí đơn phương tại vùng biển Vạn An Than của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Trung Quốc”.
Bắc Kinh còn tố cáo Việt Nam “vi phạm” các thỏa thuận song phương, Điều thứ năm của bản Tuyên Bố về ứng xử trên Biển Đông cũng như Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển!
Trung Quốc đã đòi Việt Nam “chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm đơn phương của mình để khôi phục sự yên tĩnh cho vùng biển liên quan”.
Bắc Kinh tiếp tục khẳng định rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính là “trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp, chính đáng và không thể chê trách”.
Ấn Độ – Malaysia: Diễn tập hàng hải,
tăng cường năng lực tác chiến trên Biển Đông
Hải quân Ấn Độ và Hải quân Hoàng gia Malaysia (12-16/9) đã tổ chức diễn tập hải quân ở Biển Đông, nhằm tăng cường năng lực tác chiến trên biển và giao lưu phối hợp giữa hải quân hai nước.
Theo đó, Hải quân Ấn Độ đã điều khu trục hạm tàng hình INS Sahyadri và hộ vệ hạm săn ngầm INS Kiltan tham gia diễn tập với tàu tuần tra KD Kelantan của Hải quân Hoàng gia Malaysia. Cuộc tập trận trên diễn ra từ 12-16/9; khu vực tập trận nằm ở Biển Đông, gần cảng Kota Kinabalu của Malaysia và sẽ tập trung vào vấn đề an ninh hàng hải. Được biết, đây là sự kiện thường kỳ diễn ra mỗi hai năm giữa lực lượng hải quân hai nước.
Chỉ huy Lực lượng Tàu ngầm Malaysia, Đô đốc Baharudin bin Wan Md No khẳng định cuộc diễn tập 2019 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ – Malaysia; nhấn mạnh hai nước đều chia sẻ “một sự cam kết và niềm tin không gì lay chuyển được vào hòa bình, ổn định khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế”, khẳng định “nếu có bất kỳ diễn biến tiêu cực nào xảy ra, các lực lượng quân sự đều có thể hoạt động hiệu quả”.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ thời thủ tướng Narenda Modi, vai trò của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông ngày càng được đề cao. Trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông” (AEP) và sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã từng bước tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khu vực trong lĩnh vực hàng hải. Mặc dù còn tồn tại những hạn chế trong cách tiếp cận, sự can dự của Ấn Độ góp phần làm đa dạng hóa lựa chọn hợp tác cho các quốc gia yêu sách nhỏ ở khu vực trong vấn đề Biển Đông.
Nền kinh tế Ấn Độ có mối liên kết chặt chẽ với khu vực. Biển Đông là vùng biển nửa kín và là đường kết nối tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trên 55% hoạt động thương mại Ấn Độ đi qua vùng biển này. Mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đối với AEP, mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN đóng vai trò như chất xúc tác và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Thương mại song phương đã tăng từ 2,4 tỉ USD năm 1990 lên tới 58,6 tỉ USD năm 2015, chiếm khoảng 2,6 % tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN. Bên cạnh lợi ích giao thương biển, lợi ích của Ấn Độ còn được thể hiện qua hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí, đặc biệt là với Việt Nam. Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác chung năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam từ cuối thập niên 80. Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước ONGC Videsh Limited (OVL) đã hợp tác với PetroVietnam và British Petroleum, bắt đầu khai thác ở Biển Đông vào năm 1992 và 1993, phát hiện được mỏ khí Lan Đỏ và Lan Tây, ước tính có trữ lượng khoảng 58 tỉ mét khối, và có thể khai thác khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt một năm. Hiện tại, hai nước đang tiếp tục các dự án khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khi quyết định gia hạn hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông. Việt Nam đã gia hạn quyền khai thác dầu khí giữa Petrovietnam và công ty ONGC Videsh của Ấn Độ tại lô 128 ở Biển Đông thêm 2 năm và cho phép khai thác ở một lô khác.
Khi lợi ích kinh tế ở khu vực ngày càng mở rộng, các hoạt động an ninh của Ấn Độ ở Biển Đông buộc phải bắt kịp để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình tại đây. Mục tiêu về an ninh của Ấn Độ là duy trì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở. Điều này được các quan chức cấp cao Ấn Độ liên tục khẳng định tại các diễn đàn song phương, đa phương, tuyên bố song phương cũng như trong Thông cáo báo chí của Ấn Độ về Phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông. Thông cáo khẳng định:“Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc luật quốc tế như đã được nêu trong UNCLOS….Giao thương đường biển qua Biển Đông là điều thiết yếu đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là Bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần tuân thủ tuyệt đối UNCLOS, Công ước thiết lập nên trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương”.
Trên khía cạnh cạnh tranh địa chiến lược, trong tính toán của Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Biển Đông có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca (một số đảo của Ấn Độ chỉ cách eo biển Malacca khoảng 145km). Do đó, việc Biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ gây ra những mối lo ngại lớn cho Ấn Độ.
Để đảm bảo những lợi ích của mình tại Biển Đông, mục tiêu bao trùm của Ấn Độ là tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở; giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định khu vực; và Tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Hướng tới mục tiêu này, Ấn Độ trước mắt sẽ muốn ngăn chặn sự hung hăng cũng như những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc. Mối quan ngại này chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng hành vi cải tạo đảo cũng như hoạt động tuần tra trên biển ngày càng quyết đoán. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đây có lẽ là lý do Ấn Độ không tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, tập trận song phương, đa phương có sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Ấn Độ mong muốn tất cả các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC, tiến tới hoàn thành COC mang tính ràng buộc pháp lý. Trong trung và dài hạn, Ấn Độ hợp tác tăng cường khả năng hoạt động trên biển cho các nước Đông Nam Á để cân bằng sức mạnh, tăng cường hiện diện và phát biểu tại các diễn đàn đa phương khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ba quốc gia chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này sẽ giúp Ấn Độ phục vụ mục tiêu lớn hơn là tạo sự ổn định, cân bằng ở Biển Đông nói riêng và hệ thống chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung. Đối với khu vực, trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ chủ động
tăng cường các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, quốc phòng; tham gia các cơ chế đa phương khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ở Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng tính đến các yếu tố quan trọng khác liên quan đến nhân tố Trung Quốc như vị trí địa lý (có đường biên giới chung gần 3.500km), mối quan hệ thương mại (Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ) cũng như truyền thống trong chính sách đối ngoại (độc lập, không liên minh, liên kết). Vì vậy, cách tiếp cận của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông tương đối mềm mỏng, gián tiếp, tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Theo đó, trên cơ sở AEP, Ấn Độ chủ yếu phối hợp, hợp tác với các quốc gia khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Indonesia, tích cực nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương. Lĩnh vực hợp tác chính là nâng cao năng lực biển, tăng cường năng lực cho các quốc gia, tuần tra chung, tập trận chung (ở các khu vực khác như eo biển Malaccar), phối hợp phát biểu trên các diễn đàn đa phương, và các dự án kết nối cơ sở hạ tầng.
Đáng chú ý, những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác trên biển giữa Ấn Độ và Malaysia vẫn đang được thúc đẩy, dù không nổi bật như với Việt Nam hay Indonesia. Vào tháng 7/2016, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia, hai bên đã quyết định tăng cường mở rộng hợp tác biển giữa Ấn Độ và Malaysia. Một năm sau, trong chuyến thăm của Thủ tướng khi đó là ông Najib Razak tới Ấn Độ, Công ty phát triển Cảng Adani và Đặc khu kinh tế (APSEZ) đã đề xuất hợp tác với đối tác Malaysia phát triển cảng Carey gần Kuala Lumpur. Trong khi đó, hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn thực hiện các chuyến viếng thăm tàu quân sự tới Malaysia. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nazia tới Ấn Độ hồi tháng 4/2017, Thủ tướng Ấn Độ đã tái khẳng định mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước trên các lĩnh vực: huấn luyện và nâng cao năng lực; bảo dưỡng trang thiết bị quân sự; an ninh biển; đối phó với thảm họa thiên nhiên. Không những vậy, trong chuyến thăm, Ấn Độ và Malaysia cũng ra tuyên bố chung kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp Biển Đông với sự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng. Hai nước cũng đề nghị các bên tranh chấp không đi đến việc đưa ra những lời đe dọa; nhấn mạnh các bên cần phải thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với UNCLOS.
Malaysia duy trì lập trường trung lập,
chống quân sự hoa Biển Đông
Chính phủ Malaysia hôm 18/9 công bố chính sách đối ngoại mới, kêu gọi phi quân sự hóa khu vực Biển Đông, đồng thời duy trì lập trường trung lập không liên kết của nước này giữa các cường quốc.
Đây là chính sách đối ngoại đầu tiên được chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad công bố kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm ngoái.
Tài liệu dài 80 trang có tên “Thay đổi liên tục” được coi nhưng khung hướng dẫn cho các chính sách liên quan của Malaysia.
Liên quan đến Biển Đông, tài liệu xác định: “Biển Đông phải là vùng biển của hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải nơi đối đầu hay xung đột”
Khi đề cập đến mối quan hệ với các cường quốc, tài liệu không nêu cụ thể tên Hoa Kỳ hay Trung Quốc nhưng nêu rõ “trong mối quan hệ với các cường quốc, Malaysia sẽ thực hiện hướng tiếp cận và chính sách không liên kết”.
Trong phát biểu của mình ở buổi lễ công bố chính sách mới, Thủ tướng Mahathir nói “chủ nghĩa đa phương hiện đang bị đe dọa và các cường quốc đang đơn phương áp đặt ý muốn của mình lên các nước khác”.
Malaysia là một trong những nước đòi chủ quyền ở Biển Đông cùng các nước khác bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Đài Loan.
Từ tháng 5 vừa qua, Malaysia đã phải đối đầu với những đe dọa từ Trung Quốc khi Bắc Kinh cho tàu hải cảnh vào vùng nước gần bãi Luconia của Malaysia để quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, chiếm đến gần 90% diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Quốc tế ở The
Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa.