Tin Biển Đông – 14/09/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 14/09/2019

Cảnh giác mạng lưới UAV TQ ở Biển Đông

Trung Quốc đã triển khai hệ thống thiết bị bay không người lái ở Biển Đông nhằm phục vụ kế hoạch giám sát và kiểm soát toàn bộ khu vực.

Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc mới đây thông báo đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những quần đảo và vùng biển xa bờ, theo tờ South China Morning Post.

Phạm vi rộng khắp

Mạng lưới giám sát này gồm nhiều UAV được trang bị camera độ phân giải cao, có phạm vi quan sát rộng và cho chất lượng hình ảnh như thực. Các UAV thu thập hình ảnh hoặc quay phim trực tiếp và truyền về bộ phận thu phát tín hiệu trên mặt đất. Từ đây, dữ liệu tiếp tục được đăng tải lên mạng lưới vệ tinh viễn thông, giúp kỹ thuật viên ngồi ở trung tâm điều khiển tại tỉnh Quảng Đông có thể theo dõi diễn biến trực tiếp từ những hòn đảo, vùng biển cách xa hàng ngàn ki lô mét.

Theo tờ South China Morning Post, những chiếc xe thu phát tín hiệu có thể di chuyển linh hoạt trên đảo hoặc cũng có thể được đặt trên tàu thuyền, do đó phạm vi hoạt động của mạng lưới giám sát này được cho là rất rộng.

Mạng lưới UAV tầm thấp đóng vai trò bổ trợ cho hệ thống vệ tinh không gian của Trung Quốc, vốn bị hạn chế khả năng khi thời tiết xấu hoặc bị mây che phủ. Theo thông cáo của Cục Nam Hải, mạng lưới UAV giúp năng lực giám sát của Trung Quốc tại Biển Đông được gia tăng cực kỳ mạnh mẽ và mở rộng tầm bao phủ ra những vùng biển xa bờ hơn.

Mưu đồ kiểm soát UAV săn UAV

Tập đoàn quốc doanh khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc gần đây công bố mẫu UAV mới có khả năng săn mồi như người nhện. Theo CNN, chiếc UAV mang theo một tấm lưới rộng 16 m2 dùng để tóm UAV hoặc máy bay cỡ nhỏ và còn có thể thực hiện hoạt động tuần tra giám sát. Thiết bị này có khả năng hoạt động độc lập hoặc cũng có thể kết hợp với hệ thống phòng thủ chống mục tiêu cỡ nhỏ, tầm thấp của Trung Quốc.

Bấy lâu nay, giới quan sát quốc tế nhiều lần cảnh báo về việc Trung Quốc từng bước củng cố năng lực kiểm soát ở Biển Đông thông qua kế hoạch tổng thể là xây dựng mạng lưới thiết bị trên không, trên bờ, trên các thực thể và trong không gian. Theo kế hoạch được công bố trước đó, Trung Quốc dự tính hoàn tất chùm vệ tinh vào năm 2021 với tổng cộng 10 vệ tinh quang học, vệ tinh radar nhằm giám sát mọi bãi đá, đảo và tàu bè ở Biển Đông 24/24 giờ. Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng trái phép các trạm khí tượng trên những thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.

Theo thông cáo của Cục Nam Hải, mạng lưới UAV mới triển khai được cơ quan hàng hải sử dụng để tuần tra, kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ trên biển, đảo và đóng góp cho việc cứu hộ, ứng phó những tình huống khẩn cấp như tràn dầu hoặc thủy triều đỏ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo đây thực chất chỉ là lời chống chế của Trung Quốc vì các hệ thống giám sát hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, theo dõi hoạt động hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Qua đó, một mặt Trung Quốc có thể tuyên bố đóng vai trò tích cực, phục vụ lợi ích chung, nhưng mặt khác lại dùng khả năng giám sát để nâng cao năng lực kiểm soát và chiếm ưu thế với mưu đồ lâu dài là độc chiếm Biển Đông.

http://biendong.net/bi-n-nong/30346-canh-giac-mang-luoi-uav-tq-o-bien-dong.html

 

Biển Đông : Tàu khu trục Mỹ

 áp sát các đảo tranh chấp tại Hoàng Sa

Anh Vũ

Phát ngôn viên Hạm đội 7 Mỹ, Reann Mommsen xác nhận hôm 13/09/2017, khu trụ hạm hải quân Mỹ, USS Wayne E. Meyer đã áp sát nhiều đảo do Trung Quốc chiếm giữ tại Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải. Hành động này nhằm bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.

Chiến hạm USS Wayne E. Meyer mang tên lửa dẫn đường đã áp sát các hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa hiện Trung Quốc đang chiếm giữ. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Mommsen khẳng định hành động của hải quân Mỹ là nhằm « phản đối các hạn chế quyền qua lại vô hại do Trung Quốc áp đặt cũng như không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại quần đảo này ». Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền trong vùng biển này.

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy hai tuần chiến hạm USS Wayne E. Meyer thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Cuối tháng trước tàu USS Wayne E. Mayer đã đi vào trong khu vực 12 hải lý chung quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa. Đây cũng là 2 hòn đảo do Trung Quốc chiếm giữ.

Trong vài tháng qua, hải quân Hoa Kỳ liên tục tiến hành các hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải như vậy khiến Bắc Kinh bực tức.

Phát ngôn viên Hạm đội 7 nhấn mạnh « với hoạt động này, Hoa Kỳ muốn cho Trung Quốc thấy vùng biển này không thuộc chủ quyền của Bắc Kinh » và những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa là trái với luật pháp quốc tế.

Theo trang tin mạng The Japan Times, Trung Quốc đã điều các tàu chiến và máy bay đến để đuổi tàu Mỹ, nhưng chiến hạm USS Mayne E. Meyer vẫn hoàn thành hải trình như dự kiến.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190914-bien-dong-tau-khu-truc-my-ap-sat-cac-dao-tranh-chap-tai-hoang-sa