Tin Biển Đông – 12/09/2019
TQ triển khai drone do thám Biển Đông
nhiều hơn bao giờ hết
Trung Quốc đang đẩy nhanh việc thiết lập một hệ thống do thám tầm xa nhờ vào các máy bay không người lái (drone) để tăng cường khả năng tổ chức các hoạt động viễn thám ở những khu vực khó tiếp cận trên Biển Đông – một tuyên bố của Bộ Tài nguyên nước này cho hay.
Hệ thống trên – dựa vào các drone được kết nối với các trung tâm chỉ huy/kiểm soát cố định và di động nhờ mạng lưới thông tin và truyền thông hàng hải – sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng truyền tin, do thám và trinh sát thay vì phải sử dụng tới hình ảnh cung cấp bởi vệ tinh cùng các trạm kiểm soát khu vực như trước đây.
Các drone với khả năng di chuyển linh hoạt có thể cung cấp những hình ảnh có độ phân giải cao và video thời gian thực, trong khi trước đây các hoạt động này thường bị cản trở do trời nhiều mây.
“Hệ thống này sẽ cho phép chúng tôi tăng cường sự giám sát đối với khu vực Biển Đông” – văn phòng của Bộ Tài nguyên Trung Quốc giải thích – “Khả năng giám sát giờ đã đạt lên một tầm cao mới”.
Theo Bộ trên, hệ thống này hiện cũng đang được ứng dụng vào công tác quản lý giao thông hàng hải. Dù cho báo cáo trên không đề cập tới khả năng ứng dụng hệ thống vì mục đích quân sự, nhưng Bộ Tài nguyên Trung Quốc vốn đã hợp tác chặt chẽ với lực lượng hải quân Trung Quốc, và việc tăng cường giám sát hảng hải chắc chắn sẽ mang lại một số lợi thế chiến lược nhất định.
Trung Quốc đang tuyên bố yêu sách chủ quyền phi lý chiếm trọn gần như toàn bộ Biển Đông. Họ đã cho xây dựng nhiều tiền đồn trên khắp vùng biển này và lắp đặt vô số các hệ thống vũ khí nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình. Cùng lúc, Trung Quốc cũng tăng cường khả năng do thám.
“Mạng lưới drone này rõ ràng là nhằm cải thiện tầm kiểm soát ở cả trên biển và trên không” – Peter Dutton, sỹ quan hải quân Mỹ về hưu và hiện đang là giảng viên của Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, viết trên Twitter.
Greg Poling – chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – giải thích rằng việc nâng cấp mạng lưới do thám có thể giúp ích rất nhiều cho Trung Quốc trong trường hợp họ muốn thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực.
Trung Quốc cũng đang phóng các vệ tinh để xây dựng chòm sao vệ tinh Hải Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2021, trong đó sẽ giúp họ kiểm soát khu vực Biển Đông theo thời gian thực nhờ vào 2 vệ tinh siêu phổ, 2 vệ tinh radar và 6 vệ tinh quang học.
http://biendong.net/bi-n-nong/30358-tq-trien-khai-drone-do-tham-bien-dong-nhieu-hon-bao-gio-het.html
Việt Nam lên án Trung Quốc cản trở
hoạt động dầu khí ở Biển Đông
Hôm 12/09, Việt Nam nói các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Báo Lao Động dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, nói: “Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền, được xác định theo đúng quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên.”
Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về thông tin liên quan tới ExxonMobil và dự án Cá Voi Xanh, bà Hằng nói: “Theo chúng tôi được biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam hay PVN) đã có thông tin cho biết về các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được các tổ hợp nhà thầu gồm PVN, công ty thăm dò khai thác dầu khí và ExxonMobil triển khai theo kế hoạch.”
Cũng hôm 12/09, PetroVietnam ra thông cáo ngắn trên trang web của tập đoàn: “Các dự án Dầu khí ở miền Trung Việt Nam (bao gồm các dự án trên biển và trên bờ) được Tổ hợp nhà thầu (ExxonMobil, PVN và PVEP) triển khai theo kế hoạch.”
“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ý kiến bình luận đối với thông tin không chính thức xung quanh các Dự án này.”
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các đồn đoán về việc tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, hiện thăm dò mỏ Cá Voi Xanh với PetroVietnam “bỏ cuộc,” trong lúc có tin nói rằng Trung Quốc “gây áp lực” với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông.
Hôm 12/09, giáo sư Úc Carl Thayer chuyên nghiên cứu về tình hình Việt Nam, viết trên Twitter rằng: “Rất có thể lý do ExxonMobil bán mỏ Cá Voi Xanh của Việt Nam, một dự án nhỏ ở khu vực không cốt lõi, để thoái vốn 15 tỷ đôla nhằm cân đối hạng mục đầu tư cho 5 khu vực khác” ngoài Việt Nam.
Liên quan tới việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay lại vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Bãi Tư Chính, Bộ Ngoại giao ngày 12/09 khẳng định đã xác nhận và cho biết kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc.
Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu HD (Hải Dương 08) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”
Biển Đông : Việt Nam yêu cầu
Trung Quốc rút ngay các tàu khỏi bãi Tư Chính
Theo báo chí trong nước, bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay 12/09/2019 yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng các tàu hải cảnh đi kèm ra khỏi bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo chiều nay tuyên bố : « Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ».
Phía Việt Nam « yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu này ra khỏi vùng biển Việt Nam », khẳng định việc vi phạm này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi bãi Tư Chính. Chiếc tàu khảo sát này đã ba lần xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và liên tục hoạt động tại đây, lần mới nhất vào ngày 7/9. Còn các tàu hải cảnh Trung Quốc đi kèm thường xuyên quấy nhiễu, đe dọa các tàu cảnh sát biển Việt Nam đang bảo vệ giàn khoan Rosneft ở lô dầu 06.1.
Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales khi trả lời trang tin Energy News ngày 11/9 cho biết theo những thông tin ông có được, thì ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov cho ngưng các hoạt động của Rosneft tại Việt Nam, nhưng ông Lavrov từ chối. Đề nghị này được đưa ra khi cả hai gặp gỡ ngày 2/8 bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok hôm 2/8.
Về tin đồn tập đoàn Mỹ ExxonMobil ngưng dự án khí đốt Cá Voi Xanh tại miền trung Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khi trả lời câu hỏi của hãng tin Pháp AFP cho biết đối tác Việt Nam là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã có thông cáo khẳng định các dự án hợp tác trên biển và trên bờ vẫn được triển khai theo kế hoạch. PVN không bình luận đối với những thông tin không chính thức.