Tin Việt Nam – 10/09/2019
Giám đốc Công an Đồng Nai
bị cách mọi chức vụ trong Đảng
Ông Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, vừa bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách mọi chức vụ trong Đảng và xử lý kỷ luật về hành chính tương ứng với kỷ luật đảng. Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 10/9/2019.
Theo truyền thông trong nước, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an tỉnh Đồng Nai, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, vi phạm quy định về điều tra hình sự, để cấp dưới vi phạm kỷ luật và pháp luật… Ngoài ra, khi còn là Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trực tiếp phụ trách Phòng Cảnh sát Giao thông, ông Mạnh đã để xảy ra nhiều vi phạm kéo dài và đặc biệt nghiêm trọng.
Ban Bí thư cho rằng, vi phạm của ông Mạnh là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín đảng và ngành Công an cần phải thi thành kỷ luật nghiêm minh.
Cũng trong ngày 10/9, Ban Bí thư cũng thi hành kỷ luật ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện không đúng nhiệm vụ, can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án, vi phạm chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị. Với cương vị Trưởng đoàn ĐBQH, ông Năm đã ký văn bản không đúng quy định của pháp luật.
Theo Ban Bí thư, vi phạm của ông Hồ Văn Năm là nghiêm trọng. Ngoài việc bị kỷ luật, ông Năm còn bị cách chức ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai, cách chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Nai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để ông Năm thôi làm ĐBQH khoá 14.
Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh bị khởi tố thêm tội
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hôm 10/9 đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng, nguyên thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, về tội “ra quyết định trái pháp luật” theo điều 371 Bộ luật hình sự năm 2015.
Truyền thông trong nước dẫn kết quả điều tra ban đầu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, phát hiện ông Phan Văn Vĩnh vào năm 2013 khi đó đang còn đương chức thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chỉ đạo và ra quyết định trái pháp luật trong việc xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá gỗ vật chứng của vụ án.
Hiện cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đang tiếp trục mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm và hành vi của những người có liên quan để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, hiện đang phải thụ án phạt 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án đánh bạc trực tuyến qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đứng đầu.
Vụ án Trương Huy Liệu kéo dài 8 năm với rất nhiều lần Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng phải trả hồ sơ bổ sung. Trong khi vụ án chưa có quyết định cuối cùng, số tang vật gỗ lậu thu được đã bị bán đấu giá với giá trị hơn 60 tỷ đồng.
Trong bản án sơ thẩm vào tháng 8/2018, hội đồng xét xử tòa án Nhân dân Đà Nẵng kiến nghị khởi tố, điều tra việc bán lô gỗ lậu vì cho rằng việc này gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước cùng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các đối tượng liên quan vụ án đã bị xét xử và nhận án tù, trong đó ông Trương Huy Liệu với mức án cao nhất lên tới 7 năm tù về tội “Buôn lậu”.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông bị Thủ tướng kỷ luật
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa ra quyết định kỷ luật đối với 4 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Truyền thông trong nước, vào ngày 9 tháng 9 cho biết thông tin vừa nêu.
Theo các quyết định của Thủ tướng vừa ban hành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021, ông Nguyễn Bốn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông nhiệm kỳ 2016-2021, ông Trương Thanh Tùng lần lượt bị kỷ luật với hình thức khiển trách và cảnh cáo.
Tin cho biết quyết định kỷ luật đối với hai ông Nguyễn Bốn và Trương Thanh Tùng dựa theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 31, rằng hai vị này đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, hai ông đã trực tiếp ký quyết định cho thuê đất, giao rừng, bồi thường rừng không đúng quy định pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai nguyên lãnh đạo trong vai trò nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bao gồm ông Đỗ Thế Nhữ và ông Nguyễn Đức Luyện cùng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo do để xảy ra những vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2011, cũng liên quan trong công tác cho thuê và giao đất, rừng không đúng quy định pháp luật.
Các vi phạm khuyết điểm của 4 vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông được Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho là làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và chính quyền địa phương, gây dư luận xấu nên phải bị thi hành kỷ luật.
Sẽ xét xử các vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La và Hà Giang
Tòa án Nhân dân hai tỉnh Sơn La và Hà Giang sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo là quan chức cán bộ giáo dục và công an tỉnh liên quan đến các vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 tại địa phương.
Truyền thông trong nước hôm 10/9 cho biết có 8 bị can ở tỉnh Sơn La và 5 bị can ở tỉnh Hà Giang sẽ bị đưa ra xét xử với cáo buộc ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ để trục lợi.
Cụ thể, 8 bị cáo sẽ được đưa ra xét xử ở Sơn La gồm các ông Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); bà Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); ông Đặng Hữu Thủy ( nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu); bà Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng); ông Lò Văn Huynh ( nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục); ông Nguyễn Thanh Nhàn ( nguyên Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục); ông Đỗ Khắc Hưng và ông Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Tại Sơn La, 47 phụ huynh có con được nâng điểm và 43 người làm chứng sẽ được triệu tập đến tòa.
Cáo trạng Viện Kiểm Sát tỉnh Sơn La bước đầu cho hay các bị cáo đã lợi dụng các mối quan hệ cá nhân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để cấu kết thực hiện hành vi rút bài thi, sửa, nâng điểm cho 44 thí sinh.
Theo truyền thông trong nước, ông Yến đã nhận thông tin của 13 thí sinh chuyển cho các bị cáo khác nâng điểm. Khi bị thanh tra, ông này đã chỉ đạo xóa dữ liệu máy tính để che giấu hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, bị cáo Nga khai nhận hơn 1 tỷ đồng để nâng điểm 4 thí sinh, bị cáo Sọn khai nhận 440 triệu để nâng điểm 1 thí sinh, bị cáo Huynh khai nhận 1 tỷ đồng để nâng điểm 2 thí sinh.
Tại tỉnh Hà Giang, 5 bị cáo sẽ được đưa ra xét xử gồm các ông Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), ông Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), bà Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), ông Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) và bà Lê Thị Dung (Phó đội trưởng thuộc phòng An ninh Chính trị nội bộ – Công an tỉnh Hà Giang)
Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Hà Giang) xác định các bị cáo trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 để sửa đáp án, nâng điểm cho 107 thí sinh.
Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ triệu tập 191 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm các phụ huynh có con được nâng điểm và người làm chứng.
Phiên tòa tại tỉnh Sơn La dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 20 tháng 9. Phiên tòa tại Hà Giang sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19/9 .
Những kiểu tra tấn tinh thần trong trại tạm giam
Diễm Thi, RFA
Bị dọa giết trong trại giam
Hôm 6/6/2019, kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên bản án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước, theo điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015. Ông Ánh bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ vào ngày 30/8/2018.
Theo cáo trạng tại tòa, trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2014, ông Ánh đã tạo một tài khoản mạng xã hội Facebook lấy tên là “Nguyễn Ngọc Ánh” với mục đích ban đầu chỉ để trao đổi thông tin liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên từ tháng 4/2016 đến tháng 8/2018, ông Ánh đã tạo một số tài khoản Facebook khác nhau, thường xuyên tham gia các buổi phát trực tiếp, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân về các chính sách, pháp luật và quan hệ ngoại giao của Nhà nước.
Khi bị kết án, ông Nguyễn Ngọc Ánh không chấp nhận bản án này và kháng cáo. Bà Nguyễn Thị Châu, vợ ông Ánh cho biết ông đang chịu sự khủng bố, đàn áp tinh thần của một người tù chung buồng giam. Tiếng lóng của những người tù gọi những người như thế này là “nhảy xô” – ám chỉ người của an ninh cài vào ở chung buồng với tù chính trị, một mặt để khai thác thêm những gì họ muốn biết, mặt khác để “thông báo” những điều khác đến người tù một cách không chính thức. Bà Châu cho RFA biết bà đi thăm chồng hôm 6/9/2019 và ông bị dọa giết. Bà kể:
“Khi vừa gặp vợ con thì ông xã em nói rằng em chỉ việc ngồi nghe thôi, để anh nói hết những gì đang xảy ra. Anh nói hai tháng qua anh bị đàn áp. Tháng trước bị đàn áp ít, gần đây bị đàn áp nhiều vì đang chờ phiên tòa phúc thẩm. Anh thì không thỏa hiệp với chúng là nhận tội, bỏ phiên phúc thẩm và đi thụ án.
Bây giờ anh bị chuyển phòng nào cũng có người của an ninh cài vô. Người tù chung buồng đã làm tay sai cho an ninh, làm phiền anh suốt ngày. Mỗi lần làm việc với an ninh xong thì nó vô nói to cho những buồng khác nghe luôn là ‘tao giết chết nó tao vẫn không bị ở tù’. Có hôm nó chỉ thẳng vô mặt anh nói ‘Ê thằng chó Ánh kia, tao giết chết mày tao cũng không bị tù!’”
Bà Châu cho biết ông Ánh (chồng bà) đã chuẩn bị cho cái chết của mình và dặn bà rằng nếu anh chết thì lấy tro của anh rải ra ba nơi: vùng biển chỗ vợ chồng anh chị lập nghiệp; vùng biển Nha Trang nơi anh học đại học; vùng biển quê của bà Châu. Anh cũng nói với vợ rằng nếu anh chết trong này sẽ không bao giờ tìm ra nguyên nhân, không bao giờ tìm ra người giết anh.
“Mỗi lần nó chửi bới, kiếm chuyện đánh anh thì anh chỉ ngồi cầu nguyện chứ không phản kháng, vì nếu anh phản kháng lại là anh mắc mưu của chúng nó.”
Ông Ánh kể với vợ rằng, có hôm tên “nhảy xô” trở về buồng sau khi làm việc với an ninh và trong túi nó có sợi dây dù. Ông Ánh lập tức báo cho quản giáo tại giam và quản giáo ép ông phải nhận sợi dây
dù của mình. Ông Ánh nhận định với vợ rằng sợi dây dù đó tên “nhảy xô” dùng để giết ông trong trại giam.
Trước khi chia tay vợ, ông Ánh cho bà biết thêm một thông tin mà ông khẳng định an ninh cho người tù hình sự chung phòng đàn áp ông:
“Sáng 6/9/2019, trước khi ra gặp em, người tù chung phòng thường đe dọa anh có nói với những người tù khác là: Tôi không muốn đánh thằng Ánh, cũng không muốn hại thằng Ánh đâu nhưng tại vì đã nhận lời của “họ” nên tôi phải làm!”
Ông Nguyễn Ngọc Ánh đang bị giam tại Trại giam Bình Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Bị giam hơn 1 năm chưa xét xử
Cùng ngày bà Nguyễn Thị Châu đi thăm chồng, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) lên tiếng kêu gọi cần có hành động khẩn cấp đối với trường hợp Nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng, người bị bắt giữ phi pháp vào ngày 2 tháng 9 năm ngoái và bị giam cho đến nay chưa đưa ra xét xử dù bà có một con gái nhỏ dưới 3 tuổi.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Đoàn Thị Hồng. Lý do đưa ra là vì bà Đoàn Thị Hồng bị giam giữ chỉ vì thực thi quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa.
Bà Đoàn Kim Khánh, chị gái của bà Hồng, người hiện đang nuôi dưỡng con gái của bà Hồng, cho RFA biết tình hình sức khỏe của em gái mình sau buổi thăm gặp hôm 4/9/2019:
“Hôm 4/9 lên thăm thấy mặt Hồng hốc hác xanh xao, mắt thì vàng, trên tay cầm chai thuốc nhỏ mắt. Em thấy Hồng không khỏe nên em hỏi nhưng Hồng chỉ nói là bị đau bao tử, chắc em gái sợ mình lo lắng nên nói vậy. Sau khi kết thúc cuộc gặp, cán bộ trại giam đưa toa thuốc cho mình đi mua thì được biết em gái bị rối loạn tiền đình, bệnh về da và bệnh về mắt.”
Bà Khánh kể thêm rằng khi vô trại giam bà Hồng có xin cán bộ cho bế con gái nhưng cán bộ không cho. Bé gái thì quá nhỏ, lâu quá không được gặp mẹ, lại không được mẹ bế nên giận mẹ, không chịu nhìn mẹ. Khoảng 20 phút sau cán bộ cho phép bà Hồng được bế con gái mình.
Bà Khánh cho biết đây là lần thứ hai bà được gặp mặt em gái. Lần đầu là hôm 2/8/2019, em gái có cho bà biết thông tin về việc ra tòa. Bà Khánh kể:
“Hôm 2/8, khi được gặp mặt lần đầu tiên thì Hồng có nói là lần sau chị đem cho em một bộ đồ cho đàng hoàng để tháng sau em ra tòa. Em có nói với Hồng là có thuê luật sư nhưng Hồng từ chối với lý do tội không có gì hết, nếu ra tòa cũng chỉ ở thêm 1 năm rồi về, đừng thuê luật sư tốn tiền. Nếu em chấp nhận làm việc với luật sư thì bên phía cơ quan công an sẽ không đem em ra tòa xét xử sớm.
Em có báo với luật sư. Luật sư cho biết họ gởi hai văn bản tới số 4 Phan Đăng Lưu và Viện Kiểm sát nhưng không được hồi đáp nên luật sư vô thẳng Viện Kiểm sát hỏi thì họ trả lời do bên số 4 Phan Đăng Lưu chưa chuyển hồ sơ qua.”
Bà Đoàn Thị Hồng bị bắt vào ngày 2 tháng 9 năm 2018 với cáo buộc ‘phá rối an ninh’ theo điều 118 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Bà tham gia nhóm xã hội dân sự độc lập có tên Hiến Pháp.
Vào dịp lễ Quốc Khánh năm ngoái, nhóm Hiến Pháp có kế hoạch tập trung biểu tình ôn hòa để lên tiếng về nhiều vấn đề như vi phạm nhân quyền, tình trạng tham nhũng có hệ thống, phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam đối với vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, ô nhiễm môi trường trên cả nước.
Còn trường hợp Nguyễn Đặng Minh Mẫn, một TNLT ra tù hôm 2/8/2019 sau 8 năm thụ án với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự cũ, và hiện đang chịu án quản chế 5 năm, thì cũng không thoát cảnh bị tra tấn tinh thần.
Theo thông tin từ blogger Mẹ Nấm, “Mới đây Công an quận 7, thành Hồ đã từ chối đóng dấu giấy tờ cho Minh Mẫn vì yêu cầu bác sĩ điều trị phải viết xác nhận lên toa thuốc…
8 năm tù và 5 năm quản chế là một chặng đường dài mà Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã và sẽ phải đi qua. Việc công an quận 7 gây khó khăn trong việc xác nhận giấy tờ theo đúng chức năng pháp luật quy định cho thấy đối với công an, những người bị xếp vào “thế lực phản động” sẽ không bao giờ có được cuộc sống bình yên. Quyền khám chữa bệnh là một yêu cầu tối thiểu cần phải được đáp ứng của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, nhất là sau 8 năm tù phải sống trong điều kiện thiếu thốn khó khăn.”
112 người nhiễm thủy ngân
sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông
30 trong số 38 kết quả xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu của người dân ở Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) có nồng độ thủy ngân trong máu, tuy nhiên kết quả nằm dưới ngưỡng 10 mcg/L (mức tối đa cho phép).
Thông tin vừa nêu được truyền thông trong nước loan đi ngày 10 tháng 9, nâng tổng số người bị nhiễm thủy ngân lên con số 112 người sau vụ cháy kho của nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng công bố, trong hơn 100 người tới khám, xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu và nước tiểu ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã có 82 trường hợp có thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép).
Tuy nhiên, báo chí nhà nước không cho biết con số chính xác thủy ngân trong máu của các trường hợp này là bao nhiêu và có phải điều trị hay thải độc gì cho những người này hay không.
Sở Y Tế Hà Nội còn cho biết thêm trong 5 ngày từ hôm 6 tháng 9 đến 10 tháng 9 có gần 1200 người đã đến khám bệnh tại các trạm y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết có gần 400 người đã được chuyển đến bệnh viện tuyến trên, 34 người trong số này được giữ lại bệnh viện điều trị. Tuy nhiên xét nghiệm trên 34 người này đều chưa phát hiện trường hợp nào có thủy ngân vượt ngưỡng cho phép.
Vào chiều ngày 10 tháng 9, Thành Ủy Hà Nội tiến hành họp giao ban và vụ cháy nhà máy Rạng Đông được cho là báo giới tập trung nêu câu hỏi. Tuy nhiên theo mạng báo Tiền Phong thì nhiều câu hỏi của phóng viên chưa được cơ quan chức năng Hà Nội trả lời thỏa đáng.
Mạng báo Tin tức thì cho biết nhiều người dân đến đăng ký khám chũa bệnh tại trạm y tế Hạ Đình và sinh sống gần khu vực nhà máy bị cháy có yêu cầu minh bạch thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm thủy ngân.
Văn phòng thủ tướng chính phủ Việt Nam vào ngày 9 tháng 9 có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả vụ cháy nhà máy Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông vào ngày 28 tháng 8 vừa qua.
Người dân lên kế hoạch khởi kiện công ty Rạng Đông
Cao Nguyên
Lãnh đạo thành phố Hà Nội sau gần hai tuần xảy ra vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông mới chính thức lên tiếng về tình hình liên quan; đặc biệt là vấn đề thủy ngân để làm bóng đèn bị phát tán ra môi trường gây hại đến sức khỏe của ngưởi dân. Phản ứng của dân chúng thế nào trước phát biểu của lãnh đạo?
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào ngày 9/9/2019, nói với báo chí nhà nước rằng việc xử lý hậu quả vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cần có quy trình và phải chờ kết quả từ cơ quan điều tra. Ông Chung khẳng định thành phố không thờ ơ với sức khỏe của người dân.
Ông cũng cho biết mình đã trực tiếp hỏi người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy và nghe ý kiến từ họ. Nhưng tất cả đều nói “không có bức xúc gì”.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông xảy ra vào đêm hôm 28/8 vừa qua đã gây lo ngại cho người dân Hà Nội về sự phát tán của thủy ngân dùng để sản xuất bóng đèn, cùng nhiều hóa chất độc hại khác.
Đến giờ, công ty chưa có bất kỳ động thái nào ngoài việc đang dọn dẹp những hậu quả của vụ cháy. Vấn đề bồi thường, đối thoại với người dân là chưa có. – Người dân
Tuy nhiên, ông Trọng Nguyễn, một cư dân sống ngay cạnh công ty Rạng Đông phản bác lại phát biểu này của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung:
“Tôi khẳng định là chưa thấy ông nào tới xem hay là có cử được một cơ quan nào đến khảo sát. Khu đô thị của chúng tôi là nơi sát nhất với nhà máy Rạng Đông thì cũng chưa hề thấy khảo sát bất cứ ý kiến nào.
Chúng tôi có một nhóm trên Facebook chung để tất cả người dân bàn bạc với nhau thì mọi người đều rất bức xúc và đang lên kế hoạch khởi kiện công ty Rạng Đông đồng thời có những biện pháp để ngăn ngừa độc hại trở lại.
Đến giờ, công ty chưa có bất kỳ động thái nào ngoài việc đang dọn dẹp những hậu quả của vụ cháy. Vấn đề bồi thường, đối thoại với người dân là chưa có.
Cũng có rất nhiều người dân bức xúc thậm chí vây quanh công ty Rạng Đông để đòi được đối thoại nhưng mà hiện giờ vẫn chưa có vấn đề đó xảy ra.
Tôi không hiểu cơ sở căn cứ ở đâu ra mà ông Chung có thể khẳng định một cách trơ trẽn như vậy. Về phía chúng tôi cả khu dân cư rất đông hộ gia đình đều chưa nhận được bất kỳ một khảo sát ý kiến nào lấy ý kiến từ người dân cả. Tôi xin khẳng định điều đó.”
Chia sẻ thêm về cuộc sống hiện tại ở khu vực xung quanh nơi xảy ra vụ cháy, ông Trọng nói rằng hầu hết các hộ dân đều đã dọn đi nơi khác:
“Thực ra ở chỗ tôi mọi người đã di dân hết rồi. Trước khi bộ y tế công bố kết quả thì mọi người đã tự cảm nhận được và đã di dân bởi vì mùi hóa chất bốc lên rất nồng nặc, có thể cảm nhận bằng giác quan bình thường.
Khu vực nhà nhà tôi cứ 10 căn hộ thì hết 8 nhà đã chuyển đi. Có nhà không thể chuyển đi được thì đóng kín cửa suốt cả ngày. Thậm chí những nhà có con đi học ở trường tiểu học Hạ Đình ở gần đó cũng cũng cho con nghỉ học cả.
Hiện giờ nhà tôi cũng đã di dời mỗi người đi một chỗ rồi nên cuộc sống có phần đảo lộn. Nhưng đó cũng là tình trạng chung của tất cả những người đang ở đây thôi.”
Cố tình giấu thảm họa ô nhiễm!?
Một ngày sau khi xảy ra vụ cháy nhà máy Rạng Đông trên địa bàn phường Hạ Đình xảy ra, Ủy ban Nhân dân phát đi thông báo đến người dân về những biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏa do rác dộng từ hậu quả vụ cháy. Tuy nhiên cấp cao hơn là Ủy ban Nhân Dân quận Thanh Xuân lại yêu cầu phường Hạ Đình thu hồi khuyến cáo đưa ra.
Đến ngày 4/9, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TN&MT) chính thức công bố kết quả quan trắc không khí, đất và nước tại khu vực hoả hoạn. Kết quả cho thấy rằng nồng độ thủy ngân trong không khí cao vượt ngưỡng cho phép từ 10-30 lần, bán kính 500m tính từ điểm cháy là không an toàn.
Tổng cục Môi trường cũng thông tin thêm rằng: Công ty Rạng Đông đã thừa nhận dùng thủy ngân lỏng độc hại trong 480.000 sản phẩm đèn huỳnh quang bị cháy.
Như vậy, từ kết quả này có thể thấy không chỉ có công ty Rạng Đông đã gian dối trong báo cáo là không sử dụng thuỷ ngân lỏng để sản xuất, mà kết quả đánh giá sơ bộ “các chỉ số đều an toàn với người dân” do UBND quận Thanh Xuân công bố trước đó cũng là sai sự thật.
Mạng báo Lao Động dẫn lời Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói rằng “Thông báo “an toàn” mà quận Thanh Xuân đưa ra “chính là sự dối trá trước người dân”.
Trước hết, bình luận về sự kiện cháy ở nhà máy công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cả luật sư Ngô Anh Tuấn và Phạm Công Út đều khẳng định đây không phải là sự cố hoả hoạn bình thường mà nó đã trở thành một “thảm hoạ môi trường”.
Luật sư Phạm Công Út nhận định:
“Đây là một vụ hỏa hoạn mà hậu quả tôi cho rằng có thể xem là một thảm họa về môi trường, tức là vụ hỏa hoạn này đã phát tán ra ngoài môi trường một lượng thủy ngân vượt mức cho phép rất nhiều lần, có những địa điểm lên đến gấp 30 lần. Nó đe doạ sự sống của con người nên đây không phải là một cuộc hỏa hoạn đơn thuần mà đã trở thành một thảm họa về môi trường.”
Cũng theo luật sư Phạm Công Út, hành vi của lãnh đạo công ty Rạng Đông ngoài việc có thể đối mặt với án tù, công ty này sẽ đứng trên bờ vực phá sản nếu phải bồi thường đúng và đủ cho người dân.
“Trong bộ luật mới quy định là sẽ xử phạt tù, thứ hai là buộc phải khôi phục lại nguyên trạng, khắc phục hậu quả, thứ ba là có thể tước giấy phép hoạt động. Với những hình phạt đó thì có thể công ty Rạng Đông đứng trước bờ vực phá sản.
Bây giờ nhà máy của họ đã bị thiêu rụi hết rồi, chỉ còn lại mảnh đất nằm giữa lòng thủ đô. Nhưng liệu mảnh đất này có đủ đền bù về mặt dân sự, và khắc phục hậu quả hay không. Chuyện đó tôi cho là không thể nào đủ được vì thảm họa môi trường này nằm trong một khu dân cư giày đặc của thủ đô.
Về các báo cáo không đúng sự thật của công ty Rạng Đông rằng không có thuỷ ngân nhưng sau đó khi kiểm tra thì người ta biết được là có thủy ngân phát tán ra môi trường, cần phải xem đây là sự cố ý hay vô ý hay là tai nạn thông thường.
Ngoài ra thì người ta cần phải điều tra về trách nhiệm trong việc phòng chống cháy nổ.
Đối với sự kiện hỏa hoạn ở Rạng Đông thì vấn đề che giấu sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc là đặc biệt nghiêm trọng cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Bộ luật mới quy định là sẽ xử phạt tù, thứ hai là buộc phải khôi phục lại nguyên trạng, khắc phục hậu quả, thứ ba là có thể tước giấy phép hoạt động. Với những hình phạt đó thì có thể công ty Rạng Đông đứng trước bờ vực phá sản – Luật sư Phạm Công Út
Về sự việc UBND quận Thanh Xuân đưa ra kết quả giám định ban đầu không đúng sự thật rằng tất cả các chỉ số trong không khí đều an toàn, điều này có thể khiến hậu quả của vụ cháy càng thêm nặng nề, luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng nếu muốn truy cứu trách nhiệm pháp luật của UBND quận Thanh Xuân trong trường hợp này, cũng cần phải xác định hành vi đó là vô tình hay cố ý:
“Thực tế nếu truy cứu trách nhiệm về pháp luật trong trường hợp này thì có thể là trách nhiệm hành chính sẽ khác và trách nhiệm hình sự sẽ khác.
Về công bố “chỉ số thủy ngân quanh công ty Rạng Đông ở ngưỡng an toàn” thì sẽ xem hành vi đó mục đích là cố ý hay là vô ý.
Nếu như họ cố ý che giấu các hành vi gây thảm họa có hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân thì có thể bị khởi tố theo tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc là các tội danh khác.
Còn ví dụ như kết quả trắc nghiệm ban đầu thì họ nói là do sơ suất về những cán bộ không đúng chức năng, chuyên môn, trình độ làm. Đó là sai sót vô ý thì có thể xem xét kỷ luật hành chính thôi.
Nhưng thực tế đến thời điểm này thì đa số các trường hợp chính quyền hoặc các cơ quan công quyền thường lý giải rất hợp lý. Một phần khác họ có thể đưa lý do là vì hoang mang dư luận nên phải đưa ra công bố như thế để bình ổn như luận. Họ sẽ tìm những nguyên nhân để giải thích cho mình một cách hợp lý.”
Nạn nhân có thể làm gì để đòi quyền lợi?
Ngày 4/9, tở Pháp Luật dẫn lại thông tin từ bệnh viện Bạch Mai cho biết đã có hơn 80 người bị phát hiện có nhiễm độc thuỷ ngân trong máu khiến nhiều người dân hoang mang.
Từ sau khi xảy ra vụ việc, công ty Rạng Đông chỉ lên tiếng cam kết sẽ xử lí vấn đề môi trường chứ không nhắc gì đến vấn đề bồi thường cho người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, điều đầu tiên người dân cần làm là chủ động đi khám sức khoẻ và chữa bệnh kịp thời:
“Điều đầu tiên, tự bản thân người dân phải tự đi khám. Nếu đợi chính quyền thì rất là lâu, phải đợi lên một kế hoạch, một chương trình thì cực kỳ lâu. Cho nên họ nên đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế thế uy tín ở Việt Nam để phát hiện được các bệnh tật.”
Ngoài ra, nạn nhân còn có thể khởi kiện cả công ty Rạng Đông và UBND quận Thanh Xuân. Luật sư Ngô Anh Tuấn nói tiếp
“Họ có thể kiện nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông và kiện UBND về việc họ gián tiếp gây ra vì các thông tin không chính xác khiến cho tình trạng nặng thêm.
Về công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông họ có thể kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tinh thần. Nếu có các cơ sở rằng sức khoẻ bị ảnh hưởng từ độc thuỷ ngân thì 100% công ty sẽ thua.
Việc kiện Ủy ban nhân dân bên hành chính thì khả năng thắng kiện thấp. Ở đây họ sẽ quy hết trách nhiệm sang cho công ty bóng đèn Rạng Đông.
Chính quyền bây giờ cũng cần một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm và công ty này sẽ bị nêu tên đầu tiên. Họ sẽ chịu trận thay cho chính quyền luôn. Trong trường hợp này, tôi nghĩ người dân sẽ được bảo vệ quyền lợi cho dù trong trường hợp này chính quyền cũng sai khá là nghiêm trọng.”
Luật sư Phạm Công Út bổ sung thêm rằng người dân nơi này ngoài khởi kiện yêu cầu bồi thường, họ còn có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
“Họ cũng được quyền khởi kiện vụ án dân sự, có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tức là buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với những người phải điều trị do tác hại môi trường hoặc là những vấn đề khác gây ra.
Phong tỏa tài sản, kê biên tài sản đối với công ty Rạng Đông để tránh trường hợp tẩu tán tài sản, tẩu tán tiền trong ngân hàng để bồi thường cho họ.’’
Chiều ngày 9/9, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông; Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; Tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rang-dong-fire-people-need-transparency-09102019110425.html
Luật sư phân tích về trách nhiệm bồi thường
sau vụ cháy nhà máy Công ty Rạng Đông
Huệ Linh
ANTD.VN -Sau vụ cháy tại Nhà máy Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 28/8/2019 gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, khiến môi trường tại khu vực bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, điều được nhiều người dân quan tâm hiện này là cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi thường đối với những tổn thất đã xảy ra?
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm
“Vụ cháy tại nhà máy của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông) mặc dù không có thiệt hại về người nhưng vẫn được coi là vụ cháy nổ rất nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường”- Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã gây ô nhiễm, Điều 112 Luật Bảo về môi trường 2014 đã nêu rõ, tổ chức gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân trong khu vực;
Ngoài ra, Điều 13 Nghị định 03/2015/NĐ-CP cũng quy định, tổ chức làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra.
Căn cứ vào quy định trên, Công ty Rạng Đông có thể sẽ phải chi trả các chi phí ngăn chặn và hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như bồi thường thiệt hại về việc làm ô nhiễm môi trường.
Về trách nhiệm dân sự, ngay sau khi vụ cháy nổ diễn ra, do lo sợ bị nhiễm thủy ngân từ hiện trường vụ cháy, đã có hộ dân sinh sống gần khu vực nhà máy đã đi khám sức khỏe, di chuyển đến nơi khác sinh sống, gây tốn kém về tiền của, sinh hoạt gia đình của hộ gia đình đó và cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Người dân bị thiệt hại có quyền yêu cầu đòi bồi thường
Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, về nguyên tắc chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: Phải có thiệt hại xảy ra (bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần); Phải có hành vi trái pháp luật; Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Mặt khác, tại Điều 602 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi.
Như vậy, trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy của Công ty Rạng Đông dù đơn vị này có lỗi hay không, nhưng nếu gây hậu quả làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tài sản… của người dân ở vùng lân cận thì vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Người dân ở nơi xảy ra vụ cháy có thể yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu có).
Hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường và phương thức bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được, người dân có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, để có căn cứ đòi bồi thường, người dân phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ về việc khám chữa bệnh, thu nhập thực tế bị ảnh hưởng…
Luật sư Lê Hồng Vân còn cho biết, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra và làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng này. Đây là căn cứ để xách định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức.
Nếu kết quả điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân cháy do lỗi của cá nhân nào đó có hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù giam.
Hà Tĩnh: Hàng chục tấn cá nuôi
chết không rõ nguyên nhân
Nhiều lồng, bè nuôi cá chẽm, cá hồng bị chết bất thường tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh trong mấy ngày qua. Ngoài cá nuôi lồng, một số cá tự nhiên trên sông cũng bị chết hàng loạt như cá lệch, cá cáy, cá bống…
Mạng Báo Mới trong nước dẫn lời những hộ dân nuôi cá nơi đây rằng họ không biết nguyên nhân nào khiến cá chết nên rất khó phòng ngừa và điều trị. Các chủ lồng bè đều cho biết tự nhiên cá bị lờ đờ rồi chết.
Ngày 9/9/2019, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà đã lấy mẫu cá, mẫu nước xét nghiệm, phân tích và quan trắc môi trường để tìm nguyên nhân. Ngày 10/9, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh có thể là do mưa lũ, nước bị ngọt hóa nhanh khiến môi trường thay đổi đột ngột, cá bị sốc nước. Tuy nhiên, trước mắt đó cũng chỉ là suy đoán, cần phải chờ kết quả kiểm tra từ các ngành chức năng.
Trong khi chờ kết luận nguyên nhân, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân không được sử dụng cá chết làm thức ăn, không được bán ra ngoài thị trường, không được vứt cá chết ra ngoài môi trường…
Đầu tháng 4/2016, nhiều hộ nuôi cá bè trên vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) phát hiện cá chết hàng loạt. Chỉ vài ngày sau đó, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cũng liên tiếp phát hiện hải sản chết hàng loạt dọc bờ biển.
Dư luận đặt nhiều nghi ngờ là nước thải xả ra từ nhà máy thép Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt. Nhưng công ty Formosa Hà Tĩnh lúc đó khẳng định công ty đã không làm gì sai sót và cho biết công ty đã đầu tư 450 triệu đô la vào hệ thống xử lý nước thải.
Ngày 28/6/2016, phía Formosa Hà Tĩnh chính thức thừa nhận trách nhiệm gây ô nhiễm môi trường với phía chính phủ Việt Nam và bồi thường 500 triệu USD.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mass-fishes-dead-in-ha-tinh-09102019083940.html
Thiết bị định vị đắt hàng
sau vụ học sinh trường Gateway tử vong
Tin từ Việt Nam, ngày 10/9/2019: Thiết bị định vị trở nên đắt hàng khi nhiều gia đình có con là học sinh đã nháo nhào đi mua để gắn cho con mình, sau vụ một học sinh của trường tiểu học Gateway ở Hà Nội bị tử vong.
Bậc cha mẹ thường tìm loại đồng hồ định vị có thể kết nối với ứng dụng được cài đặt trên smartphone của họ. Thiết bị này cũng có tính năng gửi và nhận tin nhắn giúp việc liên lạc giữa học sinh và cha mẹ khá tiện lợi.
Nhân viên một cửa hàng bán thiết bị định vị ở Hà Nội cho biết từ khi xảy ra tai nạn ở trường tiểu học Gateway, lượng khách hàng đến mua tăng đột biến đến nỗi anh không có thời gian ăn trưa. Có người mua cả chục cái về để trang bị cho con cháu trong nhà.
Nhân viên của hãngViettel ở Hà Nội cho biết nhu cầu về thiết bị định vị tăng vọt trong toàn hệ thống, nhiều mẫu được bán hết trong vòng 1 ngày. Khách hàng mua xong phải chờ cài đặt nên có thời điểm nhiều cửa hàng không còn chỗ trống cho khách ngồi đợi. Nhiều người khác đặt qua mạng nhưng cửa hàng không đủ người để đi giao hàng.
Giá bán thiết bị định vị từ 300 ngàn đến 1,4 triệu đồng. Loại phổ thông là dòng giá rẻ có chức năng chính là định vị và nghe gọi. Loại trung cấp được thiết kế chắc chắn hơn, chip định vị chính xác hơn. Trong khi loại cao cấp làm bằng chất liệu tốt, độ chính xác cao, và được tích hợp thêm nhiều tính năng hiện đại nhưVideo Call.
Việc cha mẹ đổ xô đi mua thiết bị định vị nói lên rằng người Việt không hoàn toàn tin tưởng vào sự quản lý của nhà trường, cho dù họ có thể phải đóng học phí rất cao so với thu nhập bình quân của
người Việt Nam. Gia đình phải đóng đến 30,000 Mỹ kim trong 1 năm nếu muốn có con học trong trường Gateway, hay một số trường tư thục khác.
Nhiều chuyên gia cảnh báo các loại đồng hồ thông minh chứa nhiều dữ liệu quan trọng của người dùng. Nếu không quản lý cẩn thận, tin tặc có thể sử dụng dữ liệu này để tìm và liên lạc với đứa trẻ mà gia đình hoàn toàn không hay biết.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/thiet-bi-dinh-vi-dat-hang-sau-vu-hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong/
Thầy giáo Việt ‘dạy đủ thứ’ ở Campuchia
Mỹ HằngBBC, Bangkok
Thầy hiệu trưởng kiêm giáo viên Nguyễn Văn Hào ở trường tiểu học Việt Nam – Khmer, Campuchia, dạy tất cả các môn và làm tới chục nghề.
Trong chuyến thăm tỉnh Preyveng nằm cách thủ đô Phnom Penh, Campuchia khoảng 60km, chúng tôi gặp thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào và chứng kiến thầy trò ở đây vật lộn để được học, được dạy, như thế nào.
“Tôi dạy chính tả, làm văn, toán, sinh học, lịch sử, tiếng Anh, thủ công, vẽ, thể dục, thậm chí dậy cả múa, hát, nấu ăn.Thầy Nguyễn Văn Hào
Nguyễn Văn Hào sinh năm 1985 tại Việt Nam, nhưng anh coi Campuchia là quê hương của mình – nơi ông bà, cha mẹ anh sinh sống.
Thời Khmer Đỏ (1975-1979), cha mẹ anh Hào chạy nạn diệt chủng về lại Việt Nam và sinh anh tại đó. Nhờ vậy, anh có quốc tịch Việt Nam và được học đến đại học.
Có tấm bằng ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh trong tay, Nguyễn Văn Hào về lại quê hương Campuchia, mong muốn đóng góp cho cộng đồng ở đây. Năm 2013, anh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường tiểu học Việt Nam – Khmer mới thành lập tại tỉnh Preyveng.
“Học trò ở đây thương lắm. Nhiều em học đến lớp Hai, lớp Ba là lên trả sách thầy để về phụ ba mẹ kiếm sống. Mà học được đến chừng đó, biết chữ, biết làm tính, đã là may mắn rồi. Có rất nhiều em chưa từng được đến trường,” thầy Hào kể lại.
Thầy giáo ‘dạy đủ thứ’
Từ khi trường tiểu học Khmer Việt Nam được thành lập tới nay thầy Hào đã dạy ở đây được tám năm. Nhân viên của thầy gồm bốn giáo viên, hai người việt, hai người Campuchia, dạy khoảng 200 em từ lớp Một đến lớp Năm.
Do thiếu giáo viên, anh Hào vừa là hiệu trưởng vừa dạy học luôn, và dạy tất cả các môn cho ba lớp.
Lối thoát nào cho người Việt bên lề xã hội Campuchia?
Người Việt ở Biển Hồ Campuchia lên bờ rồi đi đâu?
Vì sao tờ Cambodia Daily phải đóng cửa?
“Tôi dạy chính tả, làm văn, toán, sinh học, lịch sử, tiếng Anh, thủ công, vẽ, thể dục, thậm chí dậy cả múa, hát, nấu ăn,” thầy Hào liệt kê.
Thầy Hào đưa chúng tôi đi vòng quanh trường, cho xem những tấm biển nội quy trong ngoài lớp đều một tay thầy làm. Trên tấm bảng đen trong một lớp vẫn còn hình vẽ minh họa cho tiết Sinh học hôm trước, cũng là do thầy vẽ luôn. Khi tan lớp, học sinh ra về, thầy lại kiêm luôn chân lao công, quét dọn lớp học. Điện hay đường ống nước trong trường hỏng, một tay anh sửa. Nhiều bàn ghế, giá sách trong trường cũng do thầy đóng.
Vừa làm thầy, vừa làm thợ. Để nuôi vợ và con nhỏ, anh Hào làm đủ nghề. Trước cửa phòng thầy là quầy hàng tạp hóa bán nước ngọt, mì tôm, bim bim. Khách hàng là học sinh. Ăn gì tự lấy rồi tự bỏ tiền vào túi treo ngay ở quán cho thầy.
Chừng nào còn khả năng sống được thì tôi sẽ không bỏ trường đâu..Thầy Nguyễn Văn Hào
Căn phòng nhỏ trong trường là nơi gia đình thầy Hào sinh sống, không có gì đáng giá ngoài chiếc máy tính để bàn và máy photocopy – phương tiện kiếm sống của Hào. Ngoài bán đồ lặt vặt, thầy Hào còn photo tài liệu, chụp hình, sửa máy ảnh, lắp đặt camera, dạy thêm tiếng Anh… Tóm lại làm được việc gì ra tiền là thầy làm hết.
Vừa dạy, vừa ‘dỗ’ để học sinh chịu đi học, Hào nói nhiều khi còn là nơi để các em chia sẻ, tâm sự. Thế mà anh nói: “Tôi không hiểu tại sao mình vẫn sống sót được cho đến bây giờ.” Trong câu chuyện hào hứng của người vừa là thầy, vừa là anh, vừa là bạn với các học sinh của mình, xen lẫn tiếng thở dài.
Thầy Hào tâm sự, trăn trở nhất của anh là mức lương thấp và sự thiếu công bằng.
“Tôi có bằng Đại học Sư phạm đàng hoàng và đã dạy ở đây được tám năm, nhưng lương ngang một cô giáo làng không bằng cấp. Cái thiếu công bằng nữa, là tôi dạy vượt bậc ba lớp nhưng lương bằng người dạy một lớp. Ngoài ra, lương tôi 150 đôla/tháng, bằng một nửa lương đồng nghiệp Campuchia, 300 đôla/tháng, theo quy định của Bộ Giáo dục Campuchia. Như thế hạ thấp giá trị người Việt quá.”
“Tôi đã làm đơn kiến nghị nhiều lần, chỉ cần được lương ngang bằng đồng nghiệp Campuchia thôi mà 8 năm nay không được. Ngày lễ ngày tết giáo viên Campuchia được thưởng còn giáo viên Việt thì không. Tới ngày nhà giáo Việt Nam, ngày 8/3, nêu tôi không tự tổ chức cho các em thì cũng thôi luôn vì đâu có kinh phí.”
Giọng thầy giáo trẻ chùng xuống phút chốc, rồi sôi nổi trở lại khi cho chúng tôi xem hình các các hoạt động ngoại khóa mà anh tổ chức cho học sinh. Trường nghèo, thầy nghèo, trò nghèo, vậy mà đều đặn năm nào thầy trò cũng tổ chức trại hè. Thầy trò tự cắt dán, trang trí, mua bánh kẹo rồi đốt lửa cắm trại trong trường. “Học sinh vui lắm, chúng nói chưa từng được cắm trại bao giờ.”
“Chừng nào còn khả năng sống được thì tôi sẽ không bỏ trường đâu,” thầy Hào nói khi đưa chúng tôi từ trường ra quốc lộ để tới nhà một học sinh mới bỏ học để đi làm hương. Đoạn đường dài và loang lổ bùn đất, đầy ổ voi, ổ gà, vũng nước, trông như vừa qua một trận bom.
Học sinh gốc Việt ở Campuchia không ai học cao
Nỗi ngậm ngùi về sự thiếu công bằng của thầy Hào cũng là ngậm ngùi chung của cộng đồng gốc Việt tại đây.
Do không được thừa nhận là người Campuchia, dù sinh sống ở đây nhiều đời, người gốc Việt vẫn không được cấp hộ tịch, dẫn đến trẻ em sinh ra không được cấp giấy khai sinh.
Theo nghiên cứu “Tình trạng giáo dục của trẻ em gốc Việt vô chính phủ ở Campuchia” công bố tháng 5/2019, tổ chức Minority Rights Organization (MIRO) cho hay việc không có giấy khai sinh là rào cản khiến cộng đồng gốc Việt gặp trở ngại để được cấp các giấy tờ khác vốn có thể đảm bảo cho họ có các quyền cơ bản, như được đi học, hay được cấp hộ tịch. Đây là cái vòng luẩn quẩn.
MIRO chỉ ra rằng, chỉ có 5% trẻ trong cộng đồng gốc Việt ở Campuchia được đến trường công, cũng chủ yếu do không có giấy khai sinh. Ngoài ra, một nguyên nhân chính khác là cha mẹ gốc Việt không hiểu hết tầm quan trọng của giáo dục. Do nghèo và thất học, các gia đình chủ yếu muốn con ở nhà phụ đánh cá, hoặc đi làm thêm, hoặc trông em. Có đến 75% trẻ không đến trường là do phải đi đánh cá.
“Việc này làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng gốc Việt tại Campuchia, đồng thời làm tăng nguy cơ bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Nhưng nhìn chung, người gốc Việt ở Campuchia không thể tìm thấy việc làm gì khá hơn là đánh cá,” nghiên cứu cho hay.
Ông Phann Sarin, Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại tỉnh Preveng cho hay có tới 70% trẻ em gốc Việt mù chữ trên toàn tỉnh.
Ngoài vấn đề giấy khai sinh, chủ yếu là do trẻ gốc Việt nếu có học cao lắm thì cũng chỉ tới lớp Năm trong các trường tư do cộng đồng người Việt thành lập. Có học được lên nữa cũng không được cấp bằng, dẫn đến không xin được việc. Do đó cha mẹ muốn cho con ở nhà làm thuê luôn.
Thầy Nguyễn Văn Hào nói ban đầu khi mới tiếp nhận trường, tổng số học sinh là 400 em nhưng cứ rụng dần. Đầu năm học nào giáo viên đến từng nhà vận động cha mẹ cho con đi học nhưng không ăn thua.
Tại một xưởng làm hương mà thầy Hào đưa tôi đến, Nguyễn Thị Hà (tên học sinh đã được thay đổi) đang mải miết ngồi xếp hương và đóng gói. Mới tháng trước, Hà lên gặp thầy Hảo nói “con trả sách cho thầy, mai con nghỉ học đi làm hương.” Tiền công kiếm được ít ỏi, nhưng đủ mua gạo ăn mỗi ngày.
Gặp cha mẹ Hà trong một căn chòi tồi tàn ven sông Mekong, bà Nguyễn Thị Hương, 45 tuổi (mẹ Hà) nói cho con nghỉ học đi làm thêm vì nhà nghèo. Việc đánh cá ngày càng khó khăn do cá ít dần đi. Hai vợ chồng bà đều không biết chữ. Con cả học đến lớp Chín thì nghỉ đi lấy chồng.
“Cha mẹ gốc Việt được hỏi đều bày tỏ nỗ lo lắng cho tương lai không có thu nhập của con cái. Vì thế, ít nhất, họ muốn con phải biết câu cá. Đây là một khía cạnh khác về việc nghèo đói và tình trạng pháp lý yếu ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục và do đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Đây thực sự là mối quan ngại cho xã hội Campuchia,” báo cáo của MIRO cho hay.
Chúng tôi tạm biệt thầy Hào khi trời đã nhá nhem tối. Thầy đang bán nốt mấy cốc nước ngọt cho học trò rồi chuẩn bị sáng sớm mai, cuối tuần, phóng xe máy về Việt Nam đón vợ và hai con đang ở nhà ngoại ở Đồng Tháp. “Đứa lớn ngồi đằng trước, đứa nhỏ mẹ ôm ngồi sau,” thầy Hào mô tả.
Hỏi sao không đi ô tô cho an toàn, thầy Hào nói đi xe máy quen rồi, tiện hơn, mà rẻ nữa chứ tiền ô tô từ Campuchia về Việt Nam chịu không nổi, 8 năm nay rồi.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49575539
Trẻ em gốc Việt Nam ở nước ngoài
vẫn phải có tên ‘thuần Việt’
Vụ việc ở Ba Lan với giấy khai sinh cho các cháu bé sinh ra trong gia đình Việt Nam làm cộng đồng Việt Nam lo ngại vì con cái họ ‘chỉ được nhận tên tiếng Việt’.
Theo ông Ngô Hoàng Minh, phiên dịch viên tuyên thệ tiếng Ba Lan tại Warsaw thì một số cơ quan chính quyền Ba Lan đã cấm không cho công dân Việt Nam đăng ký giấy khai sinh cho con họ với tên Ba Lan hoặc tên châu Âu.
Họ giải thích chính phủ Việt Nam có văn bản yêu cầu chỉ cho đăng ký giấy khai sinh ở nước ngoài cho trẻ sơ sinh Việt Nam “bằng tên thuần Việt”.
Ông Ngô Hoàng Minh cho BBC News Tiếng Việt hay về đầu đuôi câu chuyện:
“Ở Ba Lan có nhiều bệnh viện phụ sản. Khi trẻ em được sinh ra, các giấy tờ chứng sinh được bệnh viện chuyển trực tiếp tới Phòng Hộ tịch của cơ quan chính quyền cấp quận phụ trách bệnh viện đó.
“Hôm 02/09 vừa qua, tôi đã cùng cha mẹ của em bé đến làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho bé và được phòng hộ tịch ở một quận thuộc Warsaw thông báo là theo yêu cầu của phía Việt Nam thì bé chỉ được nhận tên Việt Nam, kèm tên đệm, chứ không được nhận tên thứ hai bằng tiếng Ba Lan, mặc dù cha mẹ muốn đặt cho bé thêm tên thứ hai theo tiếng Ba Lan để sau này đi học cho dễ dàng giao tiếp.”
Theo ông Ngô Hoàng Minh, và căn cứ vào trao đổi trên các nhóm mạng xã hội của người Việt tại Ba Lan thì không ít gia đình muốn con họ có thêm tên Ba Lan hoặc tiếng Anh để dễ cho các cháu lúc đi học.
Luật gì mà lạ vậy trời, chỉ đặt tên cho con cũng biết cấm đoán là sao anh nhỉ?Lê Thị Hiền viết trên Facebook của ông Ngô Hoàng Minh
Lý do do tên ‘thuần Việt’ khó đọc, tạo tâm lý xa lạ với bạn bè cùng lứa và dễ thành lý do khiến khiến học sinh gốc Việt trong lớp bị phân biệt.
Cho tới gần đây, nhiều tên như Anna, Klara, Jessica, Jacek, Alan, Tony…đi kèm tên Việt Nam, đã được cha mẹ sinh sống tại Ba Lan đặt cho con.
Vẫn theo ông Ngô Hoàng Minh:
“Thấy chuyện vô lý, tôi có đến ủy ban quận khác, hỏi phòng hộ tịch thì họ cho biết là họ ủng hộ chuyện cho các bé đặt tên Ba Lan và sẵn sàng ghi thêm tên Ba Lan nếu cha mẹ muốn. Nhưng khi có giấy khai sinh Ba Lan rồi, sau đó bé phải đến Đại Sứ quán Việt Nam ở Warsaw làm hộ chiếu Việt Nam, phía chính quyền Ba Lan sẽ không chịu trách nhiệm nếu gia đình bị quan chức Việt Nam gây khó khăn là bé có thêm tên Ba Lan.”
Hiện nay, được biết câu chuyện đang gây tranh luận trong cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan, và có người sẵn sàng không làm giấy tờ Việt Nam nữa “vì thấy vô lý”.
“Có bạn Việt Nam lấy chồng là người Ba Lan đã lên tiếng là họ sẽ chỉ đặt tên Ba Lan cho con mình và sẽ làm hộ chiếu Ba Lan. Nếu phía Việt Nam không cấp cho giấy tờ Việt Nam, gồm giấy khai sinh và hộ chiếu với nguyên nhân là bé chỉ có tên Ba Lan thì thôi, họ sẽ không cần giấy tờ Việt Nam nữa,” ông Ngô Hoàng Minh cho hay.
‘Tôi không nhập hàng Trung Quốc vào Ba Lan’
Ba Lan: Nhiều người Việt đến làm giấy tờ EU
Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?
Họ tên phải ‘thuần Việt’, cấm dùng ngoại ngữ?
Bộ Luật dân sự Việt Nam 2015, ở khoản 3, Điều 26 có ghi:
“Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.”
Tuy thế, có vẻ như hiện không văn bản nào ghi rõ ‘tên bằng tiếng Việt’ gồm những tên nào.
Được biết cộng đồng Công giáo vẫn có các tên theo Thánh của đạo Ki Tô, và người thiểu số Hồi giáo tại Việt Nam có tên theo tiếng Ả Rập.
Người Hoa ở Việt Nam cũng có tên theo truyền thống của họ.
Cũng có ý kiến nói điều luật này không ngăn cản việc có thêm một tên nữa ghi theo phiên âm tiếng Anh hoặc châu Âu.
Nhưng có vẻ như việc diễn giải điều này ở Ba Lan là “chỉ cho phép đăng ký tên duy nhất thuần Việt”.
Ông Ngô Hoàng Minh cho hay, “thường là người Việt không muốn gặp khó khăn với cơ quan đại diện nhà nước Ba Lan và Việt Nam, không dám đấu tranh để có thêm nhiều quyền lợi, nên có lẽ họ sẽ chỉ đặt tên Việt Nam”.
Trong các gia đình có một bên cha hoặc mẹ là người Ba Lan thì lại khác, ông Minh nói tiếp.
“Nếu cha mẹ thuần Việt thì có thể chấp nhận chỉ có tên Việt Nam, nhưng các cháu sinh ra trong gia đình cha mẹ cả Ba Lan và Việt Nam thì thường muốn con mình có cả tên Việt Nam và tên Ba Lan để phản ánh hai nền văn hóa.”
Nhưng điều này cũng có thể bị chặn lại.
Được biết chuyện tương tự đã xảy ra với một số Việt Kiều khi sinh con tại Việt Nam.
Câu trả lời của giới tư vấn pháp luật là “Tên của con (có quốc tịch Việt Nam) thì bắt buộc phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam.””Nếu chọn quốc tịch Việt Nam cho con ( tức là công dân Việt Nam) mà đặt tên con bằng tiếng nước ngoài thì không phù hợp với quy định pháp luật”.
Luật các nước châu Âu như Anh không bắt buộc phải chọn tên ‘thuần theo văn hóa, ngôn ngữ nào”, và khá tự do, trao quyền cho cha mẹ chọn tên con.
Các tên tiếng Do Thái, Hoa, Việt, Ấn…và cả những nhóm nhập cư ít người hơn từ Tonga, Samoa và các bộ tộc châu Phi đều được tôn trọng.
Tuy thế, một số từ bị cấm vì phản cảm như trường hợp một bà mẹ người Anh không được đăng ký giấy khai sinh cho con gái với tên Cyanide, loại thuốc độc Adolf Hitler dùng để tự sát.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49635916
Vingroup ‘ép nhân viên’ mua sản phẩm của hãng?
Bài của nhà báo John Reed từ báo tài chính Financial Times của Anh viết từ Tp HCM vào hôm 10/09 mô tả thư từ nội bộ của tập đoàn Vingroup bị rò rỉ cho thấy nhân viên chịu áp lực phải mua xe VinFast và sử dụng điện thoại Vsmart.
John Reed là tác giả một phóng sự dài về Vingroup đăng trên Financial Times cuối tháng 6 năm nay.
Nhà báo mô tả điều được gọi là giới quản lý cấp cao đối diện nguy cơ bị mất tiền thưởng nếu có quá ít người trong bộ phận làm việc của nhóm họ mua xe VinFast.
Ngoài ra, bài báo mô tả email nội bộ rò rỉ mà hai nhân viên của Vingroup xác nhận với Financial Times còn cho thấy tất cả nhân viên sẽ phải chuyển sang điện thoại Vsmart của hãng sản xuất.
Tác giả, Trưởng văn phòng Bangkok của tờ báo Anh, cho hay nhân viên của Vingroup cho biết VinFast sẽ sớm trở thành thương hiệu xe duy nhất được phép đỗ tại các cơ sở của công ty.
Fitch ngừng đánh giá Vingroup vì ông Phạm Nhật Vượng ‘chủ động dừng’
Thủ tướng Việt Nam thăm ‘kỳ tích ô tô VinFast’
VinFast ‘là niềm tự hào quốc dân’?
“Nhân viên cũng nói với Financial Times rằng Vingroup sẽ từ cuối năm nay cấm tất cả ô tô và xe máy không phải là xe VinFast được đậu tại bãi để xe của công ty.
“Có một số nhân viên sợ bị buộc thôi việc, vì vậy họ buộc phải mua xe,” một nhân viên nói, tác giả viết.
Ký giả John Reed cho hay trong thư gửi nhân viên vào tháng 6, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đặt hạn chót là ngày 1 tháng 12 để toàn bộ nhân viên cũng tập đoàn sẽ sử dụng điện thoại Vsmart, vốn được công ty ra mắt vào cuối năm ngoái.
“Những người Vingroup tuyển dụng mới sẽ phải chuyển sang sử dụng điện thoại Vsmart trong vòng hai tháng kể từ ngày ký hợp đồng lao động.
“Trong văn bản khác, một chuyên viên cấp lãnh đạo khác của Vingroup đã phàn nàn rằng chỉ có 8% nhân viên đã mua xe VinFast và cảnh báo nhân viên quản lý cấp cao rằng họ sẽ bị mất tiền thưởng nếu họ không tăng mức này lên ít nhất 30%. Một số nhân viên đã bị mất một phần tiền thưởng từ tháng trước khi trả lương, theo một nhân viên của tập đoàn này,” bài báo viết.
Ngoài việc ép nhân viên mua xe Vinfast, tác giả cũng cho biết Vingroup đã xử lý việc lạm dụng việc mua xe được giảm giá cho nhân viên.
Vingroup được cho là thông báo cho nhân viên rằng họ đã sa thải sáu người vì đã định bán xe VinFast trên mạng mà họ mua với giá ưu đãi này.
Tác giả cho hay Vingroup đã không phản hồi khi Financial Times yêu cầu bình luận.
Vào cuối tháng 10, VinFast sẽ lần đầu tiên tham dự Triển lãm Ô tô Việt Nam (Vietnam Motor Show), trình diễn các mẫu xe mới của hãng.
Vingroup là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, theo bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report và báo VietNamNet công bố đầu năm nay.
Theo bảng này, nhóm 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018 lần lượt là: Vingroup, Thế giới Di động, Vinamilk, DOJI, THACO, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VP Bank, Masan.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49652886
Không đầu tư, chỉ việc thu tiền phí lòng đường
vỉa hè, nhưng chính quyền vẫn báo lỗ
Tin Saigon.- Báo Lao Động ngày 9 tháng 9 năm 2019 loan tin, mặc dù không phải đầu tư bất kì một mét đường, vỉa hè nào, và mức phí đậu xe hơi trên lòng đường, vỉa hè ở Sài Gòn đã được tăng từ 4 đến 8 lần nhưng nhà cầm vẫn báo thua lỗ sau khi “đè” các chủ xe hơi ra để thu tiền.
Trước đó, bắt đầu từ ngày 1 tháng 6 năm 2018, nhà cầm quyền cộng sản tại Sài Gòn đã tăng thu phí đậu xe hơi luỹ tiến theo giờ tại 23 tuyến đường, với mức thu từ 20,000 đồng đến 30,000 đồng trên một xe đối với giờ đầu tiên đậu xe. Mức thu được tăng theo thời gian đậu của xe, nên với những xe đậu đến 5 tiếng thì mức phí là 170,000 đồng một xe.
Mục đích của việc tận thu này được nhà cầm quyền giải thích là để bảo vệ lòng đường, vỉa hè. Nhà cầm quyền ước tính, mỗi ngày sẽ thu được 400 triệu đồng từ các chủ xe hơi. Đơn vị được giao cho thực hiện thu phí trước đây là Trật tự đô thị, nhưng sau đó là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ công ích Thanh niên xung phong.
Nhưng dù lòng đường, vỉa hè là nơi đã có sẵn, không cần đầu tư bất kì một cái gì, chỉ việc đưa người ra để thu tiền các chủ xe hơi, nhưng chính quyền vẫn báo lỗ, thu không đủ bù chi. Theo lực lượng Thanh niên xung phong, trong hơn 1 tháng, từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 11 tháng 6 năm 2019, đơn vị này chỉ thu được 184,1 triệu đồng từ các chủ xe hơi, nhưng họ đã chi ra 840,5 triệu đồng tiền chi cho nhân viên đi thu phí.
Sự việc này khiến dư luận đặt nghi vấn: lực lượng Thanh niên xung phong lấy tiền ở đâu để chi “quá tay” cho người của mình thực hiện thu phí? Và tiền báo lỗ này ai sẽ là người gánh chịu? Hay nhà cầm quyền lại nghĩ ra cách khác để thu tiền của dân bù vào “cái lỗ” của hoạt động thu tiền này?
An Nhiên
Cán bộ làm sai,
châm ngòi tranh chấp ‘khó đỡ’ ở Hà Nội
“Hành động kỳ quặc” của cán bộ UBND xã Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội đã khiến sự việc trở nên rối rắm.
TAND TP Hà Nội vừa đưa vụ tranh chấp đất đai ở Long Biên ra xét xử dân sự phúc thẩm.
Theo bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Long Biên, bà Triệu Hồng Cẩm (SN 1964, ở TP.HCM) khởi kiện bà Lê Hồng Phong (SN 1951, ở Long Biên), yêu cầu tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), chủ sử dụng đất hợp pháp của bà Cẩm và buộc bị đơn cùng các hộ dân liên quan phải hoàn trả 200m2 đất, tại tổ 4, phường Ngọc Thụy.
Phiên tòa xử vụ tranh chấp dân sự ở Ngọc Thuy, Long Biên, Hà Nội
Theo đơn khởi kiện của bà Cẩm, thửa đất 200m2, có nguồn gốc do UBND xã Ngọc Thụy bán cho bà Lê Thị Hướng (SN 1950, ở quận Hai Bà Trưng) vào năm 1993 với giá 20 triệu đồng.
Tháng 6/1994, bà Hướng chuyển nhượng diện tích đất trên cho bà Cẩm. Việc chuyển nhượng đất được Chủ tịch UBND xã Ngọc Thụy xác nhận.
Tháng 6/2015, bà Cẩm nộp hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” đối với thửa đất trên và nhận được thông báo của UBND phường với nội dung: Thửa đất bà Cẩm đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ trùng với vị trí thửa đất mà UBND quận Long Biên đã cấp “sổ đỏ” cho gia đình bà Phong và một phần cấp cho gia đình bà Lê Hồng Lưu (em gái bà Phong)…
Vậy nên, bà Cẩm đề nghị Tòa buộc gia đình bà Phong, bà Lưu cùng một số hộ gia đình liên quan phá bỏ các công trình xây dựng, hoàn trả lại cho bà Cẩm 200m2 đất; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Phong và bà Lưu…
Vì đâu nên nỗi?
Về nguồn gốc đất tranh chấp, phía bà Phong và Lưu cho hay, diện tích đất mà họ đang sử dụng do bố mẹ để lại. Năm 2011, bà Phong, bà Lưu được UBND quận Long Biên cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Tại biên bản hòa giải có mặt đầy đủ các bên vào năm 2016, tổ dân phố số 4, Ngọc Thụy xác nhận: “Từ năm 2005 đến nay, chưa từng thấy bà Cẩm quản lý, sử dụng thửa đất”. Bà Lê Hồng Phong, Lê Hồng Lưu kê khai, đóng thuế đất hàng năm và không nhận được kiến nghị nào”.
Bà Hướng cũng đóng thuế. Tuy nhiên, theo luật sư tham gia tố tụng, phiếu thu ngày 8/11/1993 của bà Hướng có nội dung: “Lê Thị Hướng, nộp tiền đất hồ Trung Hà DT 200m2. Số tiền 20.000.000 đồng”.
Ngoài tờ phiếu thu này, không có bất cứ văn bản nào xác định vị trí, ranh giới thửa đất bà Hướng được cấp. Vẫn theo các luật sư, việc UBND xã Ngọc Thụy bán đất cho bà Hướng là phạm luật.
Trước sai phạm của chính quyền địa phương, năm 2017, hàng loạt cá nhân liên quan, trong đó có cựu Chủ tịch UBND xã Ngọc Thụy đã bị TAND TP Hà Nội phạt tù. Người phải nhận mức án cao nhất là 3 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai.
Bản án cho rằng, từ năm 1992 đến 6/1994, tại xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, các bị cáo đã bán đất trái thẩm quyền 52.000m2, thu hơn 2 tỷ đồng.
Theo luật sư, để khắc phục tình trạng chính quyền xã bán, giao đất bừa bãi, ngày 6/10/1994, UBND huyện Gia Lâm ban hành quyết định về việc: “Thu hồi diện tích đất cấp không đúng thẩm quyền và mua bán đất trái pháp luật tại các khu vực thuộc xã Ngọc Thụy”.
Điều 1 của quyết định này nêu: “Hủy bỏ toàn bộ các văn bản cấp đất, giao đất không đúng thẩm quyền của UBND xã Ngọc Thụy từ năm 1988 đến nay”…
Luật sư đề nghị HĐXX phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Cẩm.
Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm buộc gia đình bà Phong, bà Lưu cùng các hộ dân liên quan phải dỡ bỏ công trình xây dựng và trả cho bà Cẩm 200m2 đất tại tổ 4, phường Ngọc Thụy.
Căn cứ quan trọng mà tòa án đưa ra là: UBND phường Ngọc Thụy đã “thiếu sót” trong việc xác lập hồ sơ để UBND quận Long Biên cấp “sổ đỏ” cho gia đình bị đơn cùng những hộ dân liên quan.
T.Nhung
Lạm dụng ‘tài liệu mật’ để khỏa lấp khuất tất?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, hôm 8/9/2019 đã viết trên trang cá nhân của mình: “Đóng dấu MẬT trong một số trường hợp là thủ thuật phục vụ lợi ích nhóm tham nhũng.”
Theo quy định mà “đóng”
Nhận định của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận khi gần đây nhiều người đặt nghi vấn, có phải những thông tin gì Chính phủ muốn bưng bít, giấu kín, không được công khai cho dân biết thì được đóng mác “tài liệu mật”?
Liên quan vấn đề này, RFA hôm 9/9 liên lạc Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, và được ông cho biết như sau:
“Vấn đề này có nguyên tắc, nước nào cũng có chính sách mật và bí mật, đều công khai cả. Vấn đề mật trước nhất là vì lợi ích quốc gia, vì an ninh quốc phòng, thì không thể công khai được. Còn trong làm ăn kinh tế thì công khai, nhưng cũng có những cái bí mật về nghề nghiệp, về kỹ thuật… Đó là những vấn đề chi tiết cần người có chuyên môn trao đổi mới làm rõ được.”
Trong nghị quyết của quốc hội về bảo mật quốc gia, họ có quy định nội dung nào là mật, nội dung nào là không mật. Vì vậy vấn đề đóng dấu mật hay không mật là phải theo nghị quyết đó của quốc hội.
-Thiếu tướng Lê Kế Lâm
Để tìm hiểu thêm về vấn đề ‘thông tin mật’, hôm 9/9/2019, RFA liên lạc, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn Đô Đốc Hải quân Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, và được ông giải thích:
“Trong nghị quyết của quốc hội về bảo mật quốc gia, họ có quy định nội dung nào là mật, nội dung nào là không mật. Vì vậy vấn đề đóng dấu mật hay không mật là phải theo nghị quyết đó của quốc hội.”
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 15/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Nhưng trong đó, một số quy định ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Luật quy định, bí mật nhà nước là thông tin quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, khi trả lời báo chí hôm 4/9/2019, đã khẳng định kết quả nhà đầu tư trúng thầu tuyến cao tốc Bắc Nam không thể công bố do đây là tài liệu mật. Theo ông Đông, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được. (!?)
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 9/9, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Nhà thầu cao tốc Bắc Nam mà ‘mật’ thì tôi thấy không đúng, bởi vì cao tốc Bắc Nam là mọi người quan tâm, nhà nước quan tâm, nhân dân quan tâm… trong và ngoài nước quan tâm. Vì cao tốc Bắc Nam rất liên quan vấn đề an ninh của cả nước, và hết sức liên quan khả năng của nền kinh tế, triển vọng của đất nước, mọi người quan tâm mà bây giờ Trung Quốc nhận thầu mà lại nói mật là bậy rồi, tôi không tán thành chuyện này là mật.”
Đóng dấu “mật” tùy tiện?
Được biết, doanh nghiệp Trung Quốc đã nộp hồ sơ tham gia dự thầu 7/8 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Cao tốc Bắc Nam từ khi mời thầu đã có dư luận bày tỏ lo ngại nhà thầu Trung Quốc sẽ trúng tuyển, việc này có thể gây hại đến an ninh quốc gia và lặp lại hậu quả như tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 10 năm vẫn chưa hoàn thành.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nhận định:
“Những gì ký kết với nhà thầu đâu có gì phải bí mật, nó đâu phải thỏa thuận quốc phòng an ninh gì đâu mà bí mật, tên đơn vị trúng thầu, chủ thầu, tất cả phải công khai. Kể cả việc khoan dầu ở biển Đông, như ở Bãi Tư Chính của mình, nước nào khoan, khoan ở lô thứ mấy phải công khai.”
Theo Luật sư Thuận, sở dĩ rất nhiều người dân không đồng tình nhà đầu tư Trung Quốc đối với dự án này vì trên thực tế các dự án nhà thầu TQ thực hiện đều không mang lại hiệu quả tốt, đơn cử như đường sắt trên không ở Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, gần 10 năm vẫn cứ treo đó. Vì vậy, nếu như cao tốc Bắc Nam để nhà thầu Trung Quốc làm thì chất lượng sẽ là vấn đề cần bàn tính, chưa kể đến việc nếu xảy ra bão lụt, thậm chí chiến tranh thì rất nguy hiểm, nên người dân có ý kiến là đúng. Do đó Luật sư Thuận đúc kết, nhiều vấn đề nên phải công khai, không thể không công khai được.
Còn Thiếu tướng Lê Kế Lâm thì cho rằng, là vấn đề dân sinh, nhất là xây dựng đường sắt, đường bộ, cảng… thì đã có chủ trương của chính phủ phải đấu thầu công khai, vậy nếu đã đấu thầu công khai thì phải cho dân biết, chứ việc gì lại giấu chuyện ai trúng thầu hay không trúng thầu…
Những gì ký kết với nhà thầu đâu có gì phải bí mật, nó đâu phải thỏa thuận quốc phòng an ninh gì đâu mà bí mật, tên đơn vị trúng thầu, chủ thầu, tất cả phải công khai. Kể cả việc khoan dầu ở biển Đông, như ở Bãi Tư Chính của mình, nước nào khoan, khoan ở lô thứ mấy phải công khai.
-LS. Trần Quốc Thuận
Cũng liên quan những bất cập về thông tin cần ‘bảo mật’, hôm 8/9/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gởi góp ý Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quy định Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương, trong đó VCCI nêu ra nhiều nội dung không cần đóng dấu mật và chỉ ra 6 ngành nghề, lĩnh vực không cần phải đưa vào danh mục bí mật Nhà nước ngành Công Thương.
VCCI dẫn chứng, điều 2.1 của dự thảo quy định: “Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược của ngành thương mại, cơ khí, luyện kim, năng lượng điện, hoá chất, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác chưa công khai” thuộc diện bí mật Nhà nước.
Nhưng theo VCCI, theo điều 2.1 này, hiện không rõ như thế nào là hợp đồng, đề án mang tính ‘chiến lược’? Chưa kể, quy định ngành thương mại là khái niệm rất rộng, bao gồm hầu hết các ngành kinh tế…
VCCI cho rằng, quy định vừa lỏng, vừa rộng như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tuỳ tiện. VCCI đề nghị chính phủ cần điều chỉnh theo hướng, chỉ áp dụng cơ chế ‘mật’ cho một số ngành rất hạn chế có liên quan đến an ninh quốc gia.
Việt Nam là một trong 10 nước
kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất thế giới
Việt Nam là một trong 10 nước kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất trên thế giới. Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) vào ngày 10 tháng 9 công bố phúc trình với nhận định như vừa nêu. Ngoài Việt Nam danh sách bị CPJ nêu tên gồm Eritrea, Bắc Hàn, Turmenistan, Ả Rập Xê Út, Trung Quốc, Iran, Guinea Xích Đạo, Belarus và Cuba.
Nhóm 4 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Iran bị cho đã bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo cùng gia đình họ; cơ quan chức năng cũng có những biện pháp giám sát mạng, kiểm duyệt Internet, mạng xã hội.
Báo cáo của CPJ cũng đề cập đến trường hợp của nhà báo – blogger Trương Duy Nhất, người được cho là đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và đưa về Việt Nam hồi cuối tháng 1 vừa qua.
Theo báo cáo của CPJ, việc kiểm duyệt báo chí tại Việt Nam được thông qua các chỉ thị từ chính phủ đến các biên tập viên các báo, đài, TV, bắt các chủ đề nào phải được nói tới, chủ đề nào phải bị lọa bỏ. Không có bất cứ một cơ quan báo chí nào độc lập khỏi nhà nước ở Việt Nam. Những phóng viên cơ quan báo chí thuộc giáo hội Công giáo hoặc báo nước ngoài thường trú ở Việt Nam bị theo dõi chặt chẽ và giới hạn hoạt động. Phóng viên nước ngoài có visa báo chí bị bắt phải thuê người của chính phủ để đi cùng họ.
Luật An Ninh Mạng bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam kể từ đầu năm 2019 cũng bị cho có những qui định tùy tiện, mơ hồ giới hạn quyền tự do biểu đạt của người dân. Theo CPJ, luật này cho phép giới chức chính quyền kiểm duyệt chặt chẽ hơn các nội dung trên mạng.
Theo CPJ, các nước trong nhóm 10 nước kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất trên thế giới sử dụng kết hợp những chiến thuật thẳng tay như sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện, cũng như theo dõi một cách tinh vi và đưa vào diện xâm nhập mạng với mục tiêu dập tắt truyền thông độc lập.
Việc xếp hạng các nước được căn cứ vào những dữ liệu gồm các biện pháp giới hạn truyền thông tư nhân hay độc lập; luật hình sự về tội phỉ bang; những hạn chế về thông tin giả; biện pháp chặn các trang chủ; cơ quan chức năng giám sát các phóng viên; những qui định về cấp phép truyền thông; hoạt động xâm nhập phi pháp vào các trang web…
Báo đảng viết về “âm mưu”
đại hội giới trẻ vì nhân quyền Việt Nam
Tin Vietnam.- Báo Công An Nhân Dân ngày 9 tháng 9 năm 2019 loan tải bài viết của tác giả Lê Vĩnh Bình, làm việc tại Học viện chính trị công an cộng sản Việt Nam. Theo ông Bình, vào cuối tháng 8 vừa qua, nhiều trang mạng xã hội, blog của người Việt hải ngoại cùng với nhiều trang truyền thông, tổ chức, cá nhân thù địch với cộng sản đã “hà hơi tiếp sức” truyền thông cáo báo chí về “Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền Việt Nam Lần 2”, được tổ chức vào tháng 4 năm 2019, tại Nhật Bản. Ông Bình nói rằng, người đứng đầu phong trào này là luật sư Trần Kiều Ngọc. Và bà Ngọc đã có những mưu đồ, phản động để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa của độc tài CSVN. Tác giả này cho rằng, Đại hội giới trẻ là nơi nuôi dưỡng các thành viên Việt Tân, là những người đang ở trong và, ngoài nước muốn chống độc tài toàn trị. Và chủ trương của phong trào giới trẻ vì nhân quyền là đưa thông tin cho người trẻ khắp nơi trên thế giới về tình hình Việt Nam, để lợi dụng vấn đề nhân quyền để đấu tranh, thực hiện cơ hội chính trị. Và mục đích cuối cùng là phong trào giới trẻ vì nhân quyền là lật đổ vai trò lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản; đưa Việt Nam thoát khỏi con đường chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, tình hình Hong Kong đang nóng bỏng. Giới trẻ Hong Kong đang làm cả thế giới khâm phục vì lòng yêu tự do dân chủ một cách dũng cảm. Không ít người trẻ trong nước Việt Nam cũng theo dõi
diễn tiến của phong trào dân chủ Hong Kong. Chính vì thế, CSVN đã lo sợ, tìm cách chặn đứng tinh thần yêu dân chủ, tự do nổi lên trong nước.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bao-dang-viet-ve-am-muu-dai-hoi-gioi-tre-vi-nhan-quyen-viet-nam/
Trung Quốc ‘sẽ còn gây sức ép’
với các dự án dầu khí VN
Một chuyên gia quan sát tình hình Biển Đông nói sau vụ Bãi Tư Chính và Rosneft sẽ đến lượt dự án của Việt Nam với ExxonMobil bị Trung Quốc gây sức ép.
Hôm 10/9, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát từ Úc thừa nhận với BBC News Tiếng Việt rằng ông không có thông tin để đánh giá có phải tập đoàn Mỹ ExxonMobil “muốn bán cổ phần trong dự án Cá Voi Xanh”.
Cây bút người Việt nổi tiếng, Huy Đức, hôm 9/9 đăng status trên Facebook: “ExxonMobil (US) bỏ cuộc! Trước sức ép của Tập các siêu cường đều bỏ mặc: UK (BP 2007), Nga 16, TBN (2018)…Xoay trục về đâu.”
Trên trang Facebook chính thức của ExxonMobil Việt Nam, người quản trị trang này viết trong một comment ngày 9/9: “ExonMobil Vietnam xin chào và cảm ơn bạn đã dành sự quan tâm cho Dự án Cá Voi Xanh. Hiện chúng tôi vẫn đang triển khai Dự án Cá Voi Xanh và sẽ không đưa ra ý kiến đối với những nguồn tin không chính thống.”
Trong khi đó, theo ông Carl Thayer, trả lời BBC hôm 10/09/2019 qua điện thư, một quan chức Việt Nam cho ông hay hôm 13/08 rằng sau vụ Tư Chính và Rosneft, sẽ đến lượt dự án Cá Voi Xanh (Blue Whale) bị Trung Quốc để ý đến.
Bill Hayton: ‘Cá Voi Xanh chặn Đường Lưỡi Bò’
Bãi Tư Chính: TQ ‘đẩy vấn đề’ tinh vi hơn
“Đối đầu” giữa các tàu TQ và VN lại xảy ra ở Biển Đông
Bãi Tư Chính: TQ ‘đẩy vấn đề’ tinh vi hơn
“Rất có khả năng Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách hai mũi. Họ sẽ gây sức ép với Việt Nam bằng cách quấy nhiễu các dự án khai thác dầu khí của Rosneft Vietnam ở lô 06/01. Và họ cũng sẽ gây sức ép để Việt Nam bắt đầu thảo luận về khai thác chung với Trung Quốc.”
“Nếu không thỏa mãn với tiến triển đó, Trung Quốc sẽ gây ra các vụ khiêu khích ở những lô dầu của ExxonMobil ở mỏ Cá Voi Xanh, nằm gần Đường chín đoạn.”
Một nguồn tin gần với giới khai thác dầu khí ở Biển Đông cho BBC hay hôm 10/09 rằng người này mới chỉ nghe “dự án Cá Voi Xanh đang tiếp tục được triển khai” bình thường.
Hôm 9/9, trang Zing.vn đưa tin phó bí thư Đảng ủy PVN Nguyễn Xuân Cảnh cho biết một số dự án dầu khí như Cá Voi Xanh, Lô B vì vướng cơ chế mà chậm trễ, từ đó hiệu quả dự án không còn như trước.
Dự án dầu khí Cá Voi Xanh được ông Nguyễn Xuân Cảnh nhắc đến tại hội nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 9/9.
“Các dự án như Cá Voi Xanh, Lô B như nồi cơm của PVN, nồi cơm của tăng trưởng GDP và thu ngân sách. Nhưng vướng cơ chế nọ, cơ chế kia nên bị chậm trễ hết rồi”, ông Cảnh nói.
Được biết, các việc bán, nhượng lại cổ phần của các tập đoàn dầu khí quốc tế đều diễn ra trong thời gian dài, đi kèm với việc tìm bên mua mới.
Ngoài ra, việc đặt, di chuyển các dàn khoan đều cần thông báo hàng hải quốc tế công bố công khai nhiều tuần trước khi xảy ra.
Do đó, việc một dự án lớn “rút đi”, khỏi vùng biển của Việt Nam hay nước nào khác đều không thể xảy ra tức thời, như một số suy đoán trên mạng xã hội tiếng Việt.
Chuyện không mới nhưng cơ sở hạ tầng của TQ thì mới
Việc Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam và đối tác nước ngoài khai thác dầu khí ở Biển Đông không phải là mới.
Hồi tháng 6/2017, trả lời BBC Tiếng Việt, ông Bill Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á” (2014), hiện ở Anh Quốc, nhận định:
“Trung Quốc quan ngại về hai dự án khai thác ngoài khơi cụ thể của Việt Nam. Đó là dự án Mỏ Cá Voi Xanh của ExxonMobil trong lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng, và dự án Cá Rồng Đỏ ở lô 136-03 hợp tác với Talisman.”
Vào thời điểm đó, ông Hayton cho rằng “Trung Quốc không sẵn sàng gây đối đầu vào thời điểm hiện nay, vì sắp diễn ra Đại hội Đảng tại Bắc Kinh [cuối 2017-BBC]”.
Ngoài ra, “các căn cứ đảo nhân tạo của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng”, để tạo sự hỗ trợ cho các hoạt động sâu về phía Nam của Biển Đông.
Còn nay, các công trình này đều đã hoàn tất và gần đây nhất, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã dùng căn cứ ở các đảo nhân tạo ở Trường Sa để tiếp liệu trước khi quay lại bãi Tư Chính lần hai.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49647849
Việt Nam dự Hội nghị tư lệnh Lục quân
khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trung tướng Nguyễn Tân Cương dẫn đầu một đoàn đại biểu quân đội cấp cao tham dự Hội nghị tư lệnh lục quân Ấn Độ Thái Bình Dương (IPACC) lần thứ 11, tổ chức ở Bangkok, Thái Lan từ ngày 9 đến 11 tháng 9.
Chủ đề của hội nghị lần này là “Đảm bảo an ninh bền vững – Quan điểm mới của lực lượng Lục quân các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Mục đích của hội nghị là hướng tới thúc đẩy niềm tin, hiểu biết và hợp tác giữa bộ binh của các nước trong khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc hội nghị hôm 9/9, Tư lệnh lục quân Mỹ James C. McConville, đồng chủ trì lễ khai mạc, cho biết hội nghị là cơ hội quan trọng để tập hợp các lãnh đạo nhằm phát triển các quan hệ liên minh, quan hệ đối tác và hợp tác.
“Quan hệ của chúng ta với các đồng minh và đối tác là một phần cốt yếu trong sức mạnh, dù chúng ta có khác nhau về ngôn ngữ văn hóa. Nó đem lại cho chúng ta năng lực lớn hơn để đảm bảo an ninh và an toàn trong khu vực”, vị tư lệnh Lục quân Mỹ khẳng định tại buổi khai mạc hội nghị.
Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mở đã được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu nói tới tại Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng vào năm 2017. Đây được coi là chiến lược nhằm củng cố vai trò của Mỹ trong khu vực trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Vào đầu tháng 6 năm nay, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới, nhấn mạnh đến hợp tác về quân sự với các đối tác và đồng minh trong khu vực.
Trước hội nghị lần này, vào cuối tháng trước, Hội nghị các Tư lệnh Quốc phòng các nước khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương do quân đội Mỹ và Thái Lan đồng chủ trì cũng đã diễn ra tại Bangkok.
Từ ngày 2 đến 6/9 vừa qua, một cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN đã diễn ra ở khu vực Vinh Thái Lan và vùng biển phía Nam mũi Cà Mau. Việt Nam đã cử tàu hộ vệ 18 tới tham dự cuộc tập trận này.
Bài về ‘khu mộ Chủ tịch Trần Đại Quang’ gây xôn xao
Khu mộ Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ở tỉnh Ninh Bình rộng khoảng 55.000 mét vuông, theo một nhà văn vừa đến tận nơi.
Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần ‘vì virus hiếm’
Liệu có còn chỗ chôn người chết?
Bí mật ẩn bên trong một tượng đài nổi tiếng
Ông Tạ Duy Anh, một nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, gây xôn xao hôm 10/9 với bài mô tả trên trang Facebook cá nhân.
Dường như đây là lần đầu tiên có một người đến thực địa, chụp hình và mô tả về khu mộ.
Ông cho biết mới đây, cùng một nhóm bạn, ông đã đến tận nơi để xem khu mộ chủ tịch nước ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình.
Một lý do, theo nhà văn, sau khi ông Trần Đại Quang từ trần, đã có nhiều tin đồn về khu mộ.
“Mạng xã hội đưa ra các con số khác nhau, dao động từ 5 đến 6,4 ha,” theo ông Tạ Duy Anh.
Đến nơi, ông Tạ Duy Anh mô tả: “Chiều dài của khu mộ dọc theo con mương kè đá trên dưới 600 mét (những người đưa thông tin 640 mét là do họ gộp cả phần đất còn lại của người dân, hiện nằm bên ngoài ranh giới với khu mộ.”
“Việc sắp tới nó có bị giải tỏa để khu mộ hoàn hảo hơn hay không, thì chúng tôi không biết), còn chiều rộng kéo từ bờ mương đến phần tiếp giáp ruộng lúa thì khoảng 100 mét.”
“Tóm lại, tính khiêm tốn thì khu mộ Chủ tịch nước rộng khoảng 55.000 mét vuông. Tức là 5 héc ta rưỡi, tức là khoảng 15 mẫu Bắc bộ.”
“Sống đã thế, chết về với cát bụi lại càng phải giản dị. Sống đã hy sinh vì dân, lo trước dân, hưởng sau dân, thì chết đi lẽ nào, như những lời đồn đại, chỉ vì ngôi mộ mà khiến hàng trăm người dân, vĩnh viễn qua các đời, không có đất cấy trồng!” ông Tạ Duy Anh viết.
Bài này, chỉ sau ba tiếng lên mạng, đã có hơn 400 người chia sẻ với các bình luận trái chiều.
Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời ngày 21/9/2018.
Trong sổ tang, người đứng đầu Đảng Cộng sản hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận xét: “Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49552560
Nuôi tham nhũng để… chống!
Trân Văn
Ông Phan Văn Vĩnh, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an Việt Nam, người đang thi hành bản án chín năm tù vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (sắp đặt, hỗ trợ cho Công ty Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao – CNC tổ chức đánh bạc trên Internet) lại vừa bị khởi tố vì “ra quyết định trái pháp luật” (1).
Năm 2011, Công ty Ngọc Hưng (trụ sở tại Quảng Trị) đưa 614 khối gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam để xuất sang Trung Quốc. Lô gỗ này đã bị tạm giữ tại Đà Nẵng vì Hải quan xem là buôn lậu (làm giả hồ sơ để nhập cảng và xuất cảng gỗ) nên những cá nhân có liên quan bị khởi tố, sau đó Hải quan chuyển cho công an điều tra. Ông Vĩnh là người chỉ đạo thuộc cấp bán sạch lô gỗ vốn là tang vật này…
Nếu đặt các vụ án liên quan tới ông Vĩnh bên cạnh những vụ án có yếu tố tham nhũng, gần nhất là vụ AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone, có thể thấy, các viên chức hữu trách càng ngày càng táo tợn, càn rỡ, tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng vì có thể dùng “an ninh quốc gia” và “ổn định chính trị” để che mọi thứ. Nói cách khác “an ninh quốc gia” và “ổn định chính trị” chẳng khác gì… cám để nuôi… tham nhũng.
***
Tại Việt Nam, công an và quân đội được đồng hóa với “an ninh quốc gia”. Sự đồng hóa này khiến cho công an, quân đội trở thành những lãnh địa riêng, tha hồ tự tung tự tác. “An ninh quốc gia” cho phép công an tuyển những cá nhân như Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘Nhôm’),… quân đội tuyển những cá nhân như Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc),… làm sĩ quan, dựng nên hàng loạt cái gọi là “công ty bình phong” để thâu đoạt, chia chác.
“An ninh quốc gia” bị biến thành thành “bùa hộ mạng”, thúc đẩy công an, quân đội thi nhau bán công thổ, soạn – thực hiện đủ thứ kịch bản để thu lượm, biến công sản thành tài sản cá nhân. Nếu dùng luật pháp kiểm soát công an, quân đội chặt chẽ như thiên hạ, không cho phép đồng hóa với “an ninh quốc gia”, làm gì có chuyện AVG vừa rao bán cổ phần là Bộ Công an khuyến cáo phải ngăn chặn giới đầu tư ngoại quốc nắm AVG, Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT) chỉ đạo MobiFone đứng ra mua, Bộ Công an dán nhãn “mật” lên thương vụ đó?..
Chính việc đồng hóa công an, quân đội với “an ninh quốc gia” đã biến giới lãnh đạo công an, quân đội trở thành bất khả xâm phạm. Bất kỳ góp ý nào cho hoạt động của công an, quân đội, bất kỳ thắc mắc nào về công an, quân đội cũng có thể bị quy chụp là xâm hại… “an ninh quốc gia”. Thậm chí, những cá nhân là viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng phải nhìn trước, ngó sau, lựa lời để góp ý, nêu thắc mắc với công an, quân đội.
Nếu không đồng hóa công an, quân đội với “an ninh quốc gia”, thực thi nghiêm cẩn “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, năm 2013, ông Phan Văn Vĩnh có dám ra lệnh bán tang vật trong vụ Công ty Ngọc Hưng buôn lậu, khiến vụ án trở thành… “kỳ án”, hệ thống tư pháp thụ lý suốt tám năm mà đến nay vẫn bế tắc, hay không? Tương tự, sau khi “ra quyết định trái pháp luật”, ông Vĩnh có còn yên vị để biến CNC thành “công ty bình phong”, tổ chức đánh bạc trên Internet trong phạm vi toàn quốc hay không?..
Cho dù trong hai năm vừa qua đã có khoảng 20 viên tướng của cả công an lẫn quân đội bị kỷ luật, một số bị phạt tù nhưng vì công an, quân đội vẫn được đồng hóa với “an ninh quốc gia”, chống tham nhũng vẫn chỉ là những vở kịch tồi. Nếu không, khi điều tra vụ AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone, làm sao Bộ Công an dám lờ đi những yếu tố liên quan đến trách nhiệm của mình, dám biến Kết luận Điều tra thành bản báo công cho Phạm Nhật Vũ, thậm chí còn vẽ ra “chính sách hình sự đặc biệt” để trả công cho Vũ?Trước những chỉ trích càng ngày càng dữ dội từ phía công chúng, một số viên chức hữu trách và một số cá nhân biện bạch rằng, tuy nằm ngoài khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, song cần công nhận và thực thi “chính sách hình sự đặc biệt”. Đó là giải pháp cần thiết để buộc những viên chức trót nhúng… chàm như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà,… phải “thành khẩn” nhận tội, nhờ vậy có thể thu hồi tài sản đã bị thất thoát
***
Trên thực tế, đúng là số lượng viên chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN,… dường như càng ngày càng nhiều, song gần như chẳng có ai bị “bắt tận tay, day tận trán” vì tham nhũng hoặc thú nhận đã nhận hối lộ như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà,… Đúng là công sản thất thoát càng ngày càng lớn nhưng gần như không thể thu hồi… Tuy nhiên thực trạng này không phải do thiếu “chính sách hình sự đặc biệt”!
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố chống tham nhũng đã hai thập niên, gần đây, tiến thêm một bước bằng… tuyên bố: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ! – nhưng vẫn dứt khoát không áp dụng các biện pháp mà thiên hạ vẫn dùng để ngăn chặn, bài trừ tận gốc tham nhũng, thu hồi công sản. Tại sao cam kết “chỉnh đốn đảng” nhưng nghiêm cấm tiết lộ bản kê khai tài sản của các viên chức? Tại sao xem tham nhũng là quốc nạn nhưng gạt bỏ đề nghị hình sự hóa “giàu có bất minh”?
Nếu đảng thật tâm muốn “chỉnh đốn”, có giải pháp nào giúp “chỉnh đốn” hiệu quả hơn công bố bản kê khai tài sản của các viên chức cho đồng chí, đồng bào cùng kiểm tra, giám sát và kẻ nào man trá sẽ bị vạch mặt, chỉ tên ngay lập tức? Giữa áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” như một giải pháp để buộc các viên chức phạm tội phải nhận tội, qua đó thu hồi công sản bị thất thoát, với việc đặt định, sử dụng các qui phạm pháp luật, tống giam tất cả những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản cá nhân và gia đình, tịch thu sung công, chí ít là buộc nộp thuế, giải pháp nào giúp ngăn ngừa, xử lý hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vài lần tâm tình, tuyên bố, đại loại, chống gì thì chống nhưng phải… nhân văn, không thể làm vỡ… bình, rằng công bố bản kê khai tài sản của các viên chức là vấn đề… phức tạp (2). Tuy ông không giải thích tường tận nhưng đối chiếu những tâm tình, tuyên bố của ông về chống tham nhũng, người ta hiểu rằng, “phức tạp” không phải là khó, mà “phức tạp” nằm ở chỗ chống tham nhũng triệt để có thể gây mất “ổn định chính trị”.
“Ổn định chính trị” không liên quan đến an bình hay loạn lạc, “ổn định chính trị” chỉ thuần túy là đảng có duy trì được quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hay không, giống như bảo vệ “an ninh quốc gia” không phải là bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm trật tự, trị an mà là bảo vệ đảng… trường tồn với tư cách tổ chức chính trị duy nhất có thể hiện diện ở Việt Nam.
“An ninh quốc gia” và “ổn định chính trị” đã cũng như đang được trộn thành một thứ cám tổng hợp nuôi tham nhũng. Cũng vì vậy, cho dù chống tham nhũng càng ngày càng có vẻ sôi động nhưng muốn xác định viên chức nào là tham quan thì phải chờ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của BCH TƯ đảng xem xét, lựa chọn. UBKT của BCH TƯ đảng không chọn thì không ai có quyền bận tâm tại sao những Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch thành phố Đà Nẵng), những Ngô Văn Khánh (cựu Phó Tổng Thanh tra chính phủ), Phạm Sĩ Quý (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái),… lại giàu có như vậy!
“An ninh quốc gia” và “ổn định chính trị” vẫn đang là thực phẩm nuôi tham nhũng, dùng chống tham nhũng để trấn an công chúng nhằm duy trì cả “an ninh quốc gia” lẫn “ổn định chính trị”. Vừa nuôi, vừa chống là một chu trình nhất quán. Viên chức thành tham quan không phải là vì y tham mà vì y không gặp may, do yếu tố “thời thế” mà bị chọn để tế “an ninh quốc gia” và “ổn định chính trị” thôi!
https://www.voatiengviet.com/a/phan-van-vinh-tham-nhung/5077584.html
Những kịch bản xấu và đỡ xấu hơn ở mỏ Cá Rồng Đỏ
Gần một năm rưỡi sau lần chính thể ‘đảng em’ ở Việt Nam lần đầu tiên gián tiếp thừa nhận rằng họ đã yêu cầu Repsol – một hãng dầu khí Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam – dừng khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính, mà nguồn cơn thực chất là do bị ‘đảng anh’ Trung Quốc gây sức ép và phá bĩnh, đã xuất hiện thông tin không chính thức, nhưng có cơ sở, về việc chính quyền Việt Nam đã phải phủ phục nhượng bộ trước Bắc Kinh tại mỏ này.
Repsol phải dừng hẳn khai thác dầu?
Nhà báo Chu Vĩnh Hải, một hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, viết trên trang web Tiếng Dân, rằng một nguồn tin cực kỳ khả tín và có trách nhiệm ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nói với ông: Vào sáng ngày 06-9-2019, PVN và hãng dầu khí Repsol đã đi đến thỏa thuận cuối cùng là, Repsol sẽ dừng hẳn việc triển khai dự án dầu khí Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03 và lô 07.03.
Theo nguồn tin trên, PVN và Repsol sẽ không đưa nhau ra tòa trọng tài quốc tế mà sẽ tự thỏa thuận đền bù cho Repsol. Thỏa thuận đền bù dân sự này cao hơn tổng mức đầu tư mà Repsol đã đầu tư vào Cá Rồng Đỏ là 300 triệu USD nhưng không vượt quá 1 tỉ USD.
Tuy chưa được xác nhận chính thức bởi một hãng thông tấn hay tờ báo nào của nước ngoài, nhưng thông tin trên của nhà báo Chu Vĩnh Hải là khá phù hợp với bầu không khí trĩu nặng và trống rỗng tại liên doanh Cá Rồng Đỏ trong hơn hai năm qua, kể từ ngày Trung Quốc mở màn chiến dịch gây hấn tại mỏ dầu khí này từ tháng 7 năm 2017 khiến Repsol phải ‘tháo chạy’ lần đầu tiên. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác mỏ này đã bị đình trệ.
“Bản lĩnh Việt Nam” và những lần tháo chạy
Cá Rồng Đỏ, còn gọi là Red Emperor, là một phần Lô 07/03 tại bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km.
Ước tính trữ lượng của mỏ là khoảng 45 triệu thùng dầu thô, gần 4,9 tỷ m3 khí tự nhiên và 2,3 triệu thùng condensate – một dạng dầu thô siêu nhẹ, chủ yếu là một phụ phẩm của việc khai thác khí đốt.
Nhưng lô này nằm gần đường 9 đoạn, còn gọi là ‘đường lưỡi bò’, mà Trung Quốc đã vạch ra để tuyên bố chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông. Vào năm 2017, Trung Quốc đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã quét qua đến 67 lô dầu khí – chiếm phần lớn trong số các mỏ dầu khí của Việt Nam. Khu vực bị ‘liếm’ nhiều nhất là Bãi Tư Chính.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại Giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam.” Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại Giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí. Sau vụ bỏ chạy không ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam – Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.
9 tháng sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. Tháng Ba năm 2018, một lần nữa, Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Vẫn bởi sức ép của ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc – như cái cách tụng ca một thời của giới chóp bu Việt Nam, bất chấp giới hạn dưới của phạm trù liêm sỉ.
Ngay sau vụ Cá Rồng Đỏ lần hai, Tập Cận Bình đã cử Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc – đến Việt Nam với một “tối hậu thư”: Việt Nam phải “cùng hợp tác khai thác” mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, “bản lĩnh Việt Nam” sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Cho tới lúc đó, “bản lĩnh Việt Nam” chỉ còn cách “tự xử”: nếu ở “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD – kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba năm 2018, con số bồi thường nghe nói lên đến 200 triệu USD.
Còn bây giờ là từ trên 300 triệu USD đến 1 tỷ USD. Đó là cái giá phải trả vì PetroVietnam, mà đứng đằng sau nó là Bộ Chính trị Việt Nam, đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng với Repsol.
Cũng có thông tin từ giới chuyên gia dầu khí về việc PetroVietnam phải bồi thường khoảng 400 triệu USD cho Repsol.
Thông tin ngoài lề về việc PetroVietnam chấm dứt liên doanh với Repsol trong khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ cũng khá logic với phản ứng ‘kịch liệt phản đối’ đến mức nổ súng cảnh cáo còn không dám của lực lượng tuần duyên Việt Nam, khi tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay như vào chốn vô chủ quyền.
‘Khấu đầu’ hay tiếp tục vật lộn?
Vấn nạn hiện thời tại mỏ Cá Rồng Đỏ là chính thể Việt Nam không những rơi vào tình trạng rất có thể phải chấm dứt liên doanh và bồi thường cho Repsol, mà còn có thể đã nhúng thêm một chân xuống miệng vực thẳm nếu quả thật đã phải nhượng bộ cho Trung Quốc ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’. Nếu đúng vậy, sắp tới tàu Hải Dương 8, tàu cẩu Lam Kình và các tàu hải cảnh của Trung Quốc sẽ biến mất khỏi khu vực Bãi Tư Chính, mà thay vào đó sẽ là sự hiện diện của một công ty khai thác dầu khí Trung Quốc, để mọi chuyện lại trở về vạch xuất phát ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười Sáu Chữ Vàng’ cực kỳ đãi bôi và giả dối. Khi đó, một phần đáng kể dầu thô từ Cá Rồng Đỏ đáng lý chạy vào ngân sách để nuôi bộ máy đảng CSVN thì sẽ chui thẳng vào túi ‘đảng anh’.
Nhưng cũng còn một kịch bản khác – đỡ tệ hại hơn. Đó là chính thể Việt Nam chỉ cúi mình chấm dứt hoạt động liên doanh với Repsol, chịu bồi thường cho Repsol để tạm thời thỏa mãn yêu sách của Bắc Kinh và chấp nhận để PetroVietNam tự khai thác dầu mà không có sự hỗ trợ kỹ thuật tối tân của các quốc gia châu Âu, nhưng mặt khác cũng không để Trung Quốc can dự vào mỏ Cá Rồng Đỏ. Tuy nhiên, phần tiếp theo của câu chuyện này sẽ gay cấn không kém gì cái cách mà Bắc Kinh đã làm để đẩy đuổi Repsol trở về Tây Ban Nha. Cuộc chiến giành ăn dầu khí chỉ tạm lắng một thời gian, rồi sau đó sẽ vẫn tái diễn. Và với nỗi sợ mất mật đã trở thành bản năng, Bộ Chính trị Việt Nam sẽ khó mà khoan được thùng dầu nào từ mỏ Cá Rồng Đỏ để có tiền nuôi đảng và trả nợ nước ngoài…
https://www.voatiengviet.com/a/repsol-ca-rong-do-tu-chinh-ca-voi-xanh/5077433.html