Trung Cộng Sẳn Sàng Xâm Chiếm Việt Nam – Phan Văn Song
« Si vis pacem, para bellum -Muốn được hòa bình, hãy sửa soạn chiến tranh – Si tu veux la paix, prépare la guerre – if you wish peace, prepare for war » – Julius Caesar (-100 TTC/-44 TTC).
Kính thưa quý thân hữu, quý bà con,
Từ bao năm nay, biên giới lãnh thổ, đất nước Việt Nam đã bị mất mát xâm chiếm khá bộn rồi, bởi tên láng giềng phương Bắc. Ải Nam Quan bị đẩy lùi vào đất Việt, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sát nhập vào huyện Tam Sa của Tàu Cộng, Đảng Cộng Sản đương quyền hèn với giặc ác với dân không một lời phản kháng. Thế nhưng vài tuần qua, lại lên tiếng khi Bãi Tư Chính bị Tàu xâm chiếm … Tại sao ? Tuồng hát gì đây ? Hò Quảng hay Hát Tiều, hát Xẩm ?
Dưới đây xin gởi đến quý bà con một bài viết, cũng đã xưa rồi, đăng trên The Observer, ngày 07 tháng 02 năm 2016, của tác giả Zhang Xiaoming trong một tài liệu nghiên cứu về cuộc chiến Trung Cộng xâm lược Việt Nam năm 1979. Nhận định tuy xưa, nhưng ta nên đọc rõ, để hiểu rằng Hán tộc đã, từ cả ngàn năm nay, luôn luôn thèm chiếm Việt Nam và ngày nay Trung Cộng luôn luôn mưu đồ sẳn sàng xâm chiếm Việt Nam… Chúng ta, vì vậy PHẢI có bổn phận, luôn luôn cảnh giác… Chống Tàu là Yêu Nước ! Chống Tàu để Việt Tộc Tồn Tại !
Trận Chiến của Đặng Tiểu Bình,
hay Cuộc Chiến Tranh Tàu Việt 1979-1991
Zhang Xiaoming,
Deng Xiaoping’s Long War: The Military Conflict between China and Vietnam, 1979-1991 (The University of North Carolina Press, 2015), Chapter 3, pp. 67-89 (22 trang)
Phan Văn Song phỏng dịch
Ngày 9 tháng 12 năm 1978, hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh nhận được chỉ thị phải sửa soạn quân đội dọc theo biên giới Việt Nam truớc ngày 10 tháng 1, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh “hạn chế về thời gian và không gian” với một “lực lượng áp đảo”. Ở thời điểm ấy, rất có nhiều binh sĩ Trung Cộng đã suy đoán rằng Trung Cộng sẽ tấn công Việt Nam, tuy nhiên họ không khẳng định được là họ sẽ đánh thắng hay không ?
Thật vậy, Quân đội Nhơn Dân Giải Phóng của Trung Cộng (PLA – People Liberation Army ), lúc bấy giờ, (và cả ngày nay – lời bàn của dịch giả PVS) chưa từng đánh một cuộc chiến tranh lớn nào trong gần ba mươi năm. Do đó, không có một sĩ quan nào từ cấp tiểu đoàn trở xuống có kinh nghiệm chiến đấu. Hơn nữa, cuộc Cách mạng Văn hóa vừa qua đã làm cho tinh thần và tiếng tăm của PLA xuống mức thấp nhứt từ truớc tới giờ. Các nhà lãnh đạo Trung Cộng, kể cả chính Đặng Tiểu Bình, đều không biết gì về khả năng chiến đấu của PLA. Trong cái không khí mơ hồ và đầy ảo tưởng đó, hai Quân khu, Quảng Châu và Côn Minh bắt tay vào việc vạch kế hoạch chi tiết và chuẩn bị cho cuộc xâm lăng vào Việt Nam..
– Trung Cộng chưa từng lập kế hoạch đánh Việt Nam, và quân đội Trung Cộng chưa bao giờ chuẩn bị cho một cuộc hành quân to lớn như vậy ! Lúc bấy giờ, lực luợng võ trang của Trung Cộng (dưới thời Đặng Tiểu Bình) quân số còn thiếu, trang bị còn kém và huấn luyện còn rất tồi. Và khó khăn nghiêm trọng nhứt là sự thiếu tinh thần chiến đấu. Rất nhiều binh sĩ Tàu tự hỏi tại sao họ lại đi tấn công một nước có vẻ giống như Tàu – và thường được gọi là – nuớc “đàn em”.
PLA phát triển trên một quan niệm riêng về chiến tranh và một kiểu cách độc đáo về thể chế. Phần lớn khái niệm sanh hoạt quân sự của PLA đều dựa vào học thuyết, chiến lược và cũng là một sự kế tục, của việc tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa Mao, kể cả khi đánh nhau với một kẻ thù « yếu » như Việt Nam. Tư tưởng quân sự của Mao dẫn dắt“hệ thống công tác chánh trị” của PLA ; việc huy động toàn thể xã hội toàn dân để phục vụ tất cả các hành động quân sự đóng một vai trò quan trọng trong mọi chỉ đạo, lập kế hoạch và chuẩn bị cho cuộc chiến nầy. Các đặc điểm về thuật dùng binh của PLA trong các chiến dịch quân sự trong cuộc xâm lăng này cho ta thấy rõ tánh cách kế tục nầy. Và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Việt Nam là cả một công cuộc có tầm vóc quốc gia, phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của các lãnh đạo Trung Cộng thời bấy giờ.
Các di sản lý luận và thể chế của PLA*
Năm 1979, các sĩ quan cấp cao của PLA vẫn là các tướng của Mao, có kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh chống Nhựt, nội chiến với Quốc Dân đảng, và chiến tranh Triều Tiên. Họ đã thuộc nằm
lòng quan điểm của Mao đối với mọi cuộc chiến. Khi lập kế hoạch và chuẩn bị xâm lược Việt Nam, họ đi theo đúng các nguyên tắc do Mao đã đề xuất hồi thập niên 1930 và 1940.
Lệnh của Quân Ủy Trung Ương có chứa một số những nguyên tắc của Mao, như yêu cầu hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh “tập trung lực lượng vượt trội”, dùng chiến thuật “bao vây và thọc suờn”, và đánh một “trận đánh hủy diệt” quyết định. Do đó, muốn tìm hiểu cách thức PLA áp dụng các di sản về lý luận và thể chế của Mao trong giai đoạn lập kế hoạch và chuẩn bị cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979, đòi hỏi chúng ta phải xem xét chính cái nguồn di sản này.
Di sản Mao Trạch Đông trong chiến lược và chiến thuật* :
Quan điểm quân sự của Mao tập trung vào cách làm thế nào để một lực lượng kém về vũ khí, trang bị lẫn huấn luyện lại có thể đánh bại một đối thủ vượt trội. Thực chất của « cách tiếp cận » của Mao là tạo ra một môi trường chánh trị để huy động cả nước và tập hợp sự ủng hộ trong toàn nhơn dân Tàu cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Một nguyên tắc cốt lõi về lý luận mà Mao vận dụng trong quan điểm chiến tranh của họ Mao là “phòng thủ tích cực” (jiji fangyu/积极防御 – tích cực phòng ngự) thông qua việc “kiên quyết đánh” bằng cách sử dụng ba nguyên tắc hoạt động chủ động, linh hoạt, và có kế hoạch.
– Thứ nhứt, Mao tin rằng nắm lấy và giữ đuợc thế chủ động là cốt yếu đối với một lực lượng yếu hơn trong cuộc chiến bất cân xứng.
– Thứ hai, Mao khẳng định rằng sự linh hoạt là cốt yếu để đạt được sự chủ động hoạt động.
– Thứ ba, Mao cho rằng việc lập kế hoạch rõ ràng và trù liệu được những thay đổi cần thiết sau này trong cuộc chiến sẽ giúp vượt qua những nhầm lẫn, những chỗ tối tăm, và không chắc chắn cụ thể của cuộc chiến.
Mao tin rằng việc áp dụng những nguyên tắc này đòi hỏi phải có các chỉ huy biết “sử dụng mọi phương pháp có được trong tiến hành trinh sát” và “lọc lựa thông tin” bằng cách “loại cái râu ria, chọn cái cốt yếu; bỏ cái giả, giữ cái thật” và sau đó “xử dụng từ cái này đến cái khác và từ ngoài vào trong.” Bằng cách xem xét cẩn thận các mối tương quan giữa các điều kiện của quân đội của chính mình và của quân đội đối phương, một người chỉ huy khôn ngoan có thể “đạt tới kết luận, quyết định, và đề ra kế hoạch của mình.”
Vào cuối những năm 1940, khi lực lượng cộng sản Tàu đang phát triển về quy mô và sức mạnh sau hơn mười năm chiến đấu chống lại thù trong giặc ngoài, Mao xác định lại chiến lược quân sự và lý luận hoạt động của Trung Cộng, rút ra bốn nguyên tắc bổ sung:
– 1) Tiêu diệt sức mạnh thực tế của đối phương (yousheng liliang/有生力量: hữu sinh lực lượng) chứ không phải là chiếm giữ một thành phố hoặc một nơi;
– 2) Tập trung lực lượng vượt trội (jizhong youshi bingli/集中优势兵力: tập trung ưu thế binh lực) với các cuộc tấn công trực diện và bọc suờn đồng thời tránh bị sa lầy vào một cuộc chiến tiêu hao;
– 3) Tạo ra các chuẩn bị để bảo đảm chiến thắng trong bất kỳ tình huống nào;
– 4) chiến đấu anh dũng trong các trận đánh liên tục mà không sợ hy sanh hay mệt mỏi.
Và PLA đã sử dụng những nguyên tắc quân sự này để giành được chiến thắng năm 1949 khi chống lại chế độ Quốc Dân Đảng, và các nguyên tắc nầy, từ đó đã trở thành đặc điểm lâu bền về quan niệm chiến thuật và hoạt động của PLA (People liberation Army – Quân đội Giải phóng Nhơn dân) !
Đảng chỉ đạo : Súng phải đặt dưới sự kiểm soát của Đảng *:
Kể từ ngày Hồng quân Tàu thành lập vào cuối những năm 1920, Mao đã đặt nặng tầm quan trọng quyền kiểm soát tuyệt đối của Đảng Cộng Sản (Tàu) đối với quân đội rồi ! Mao lúc nào cũng cổ vũ việc « lồng tổ chức đảng vào trong quân đội ở tất cả các cấp » để bảo đảm quân đội phải theo đúng đường lối của Đảng. Mao, đặc biệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của đảng ở cấp đại đội. Bởi vì quân đội của hắn ta lúc bấy giờ, rất yếu và đang gánh chịu vô vàn khó khăn, do đó Mao tin rằng chỉ có một quân đội chánh trị hoá mới có thể giữ vững đức tin và tinh thần đoàn kết. Vì vậy, Đảng Cộng Sản phải đóng một vai trò tích cực và quyết định trong việc đưa ra các quy tắc, các quy định và cả các quyết định cho quân đội. Binh sĩ, quân nhơn các cấp, phải hành động theo lệnh của Đảng thay vì lệnh của nguời Chỉ huy quân sự. Cách suy nghĩ này đã dẫn đến việc tạo ra một thể chế đặc biệt trong lực lượng võ trang Cộng Sản. Tóm lại, đây là một trong những nguyên tắc quân sự quan trọng của Mao : Súng phải đặt dưới sự kiểm soát của Đảng ; Súng không do của quân đội nắm.
Các thành phần quan trọng nhất của hệ thống công tác chánh trị trong Quân đội Tàu, PLA là hệ thống đảng uỷ và hệ thống chính uỷ. Các đảng ủy được chỉ định làm nhiệm vụ lãnh đạo, hướng dẫn và đoàn kết trong các quân nhơn, truyền đạt chỉ thị và mệnh lệnh tới các tổ chức đảng cấp dưới và bảo đảm các
binh sĩ quân nhơn tuân thủ, thi hành nghiêm chỉnh. Dưới sự lãnh đạo của các đảng uỷ, một cơ quan quyết định tập thể được thành lập trong đó các chỉ huy quân sự và các chính ủy cùng chia sẻ trách nhiệm mọi công tác của đơn vị mình. Đảng uỷ thảo luận và đưa ra tất cả các quyết định quan trọng, trừ vài trường hợp chiến thuật hay khẩn cấp.
Dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng ủy, một hệ thống chỉ huy kép cho các chỉ huy quân sự và chính ủy cấp bậc ngang nhau. Chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề quân sự, trong khi chính ủy thường là bí thư đảng ủy, phụ trách việc đề bạt, an ninh, tuyên truyền, dịch vụ công cộng, và làm công tác tư tưởng. Các nguyên tắc cơ bản của công tác chánh trị (sự thống nhứt giữa sĩ quan và binh sĩ, sự thống nhứt giữa quân đội và nhơn dân, và (do đó) phân hoá lực lượng địch, lập thành cơ sở chánh trị cho việc đoàn kết giữa các quân nhơn, nhờ đó đánh bại được kẻ thù. Từ kinh nghiệm có được từ thập niên 1920 đó, lãnh đạo Đảng Cộng Sản Tàu và quân đội Trung Cộng tin rằng hệ thống chánh trị của Đảng Cộng Sản (Tàu) đóng một vai trò tích cực trong sự trung thành của quân đội với Đảng và trang bị hữu hiệu cho các binh sĩ, nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Các Lực Lượng :
Các lực lượng do Đảng Cộng Sản Tàu lãnh đạo gồm ba thành phần cơ: lực lượng chánh quy, lực lượng địa phương, và dân quân tự vệ.
– Lực lượng chánh quy không bị giới hạn về địa bàn hoạt động, trong khi lực lượng địa phương và dân quân bị giới hạn trong địa phương mình.
Do đó, từ năm này qua năm khác, các lực lượng địa phương và dân quân lập thành một hệ thống chằng chịt, quan trọng, đi sâu vào xã hội, ảnh hưởng sâu rộng vào quần chúng trong địa bàn mình và nhờ đó, nắm vững những chi tiết về điều kiện địa phương và những phương thức hoạt động. Vào cuối năm 1948, nhờ sự phát triển các lực lượng quân đội cộng sản vượt bực, đặc biệt trong những năm cuối cùng của cuộc nội chiến, Quân Ủy Trung Ương bèn tổ chức lại quân đội Cộng Sản Tàu, chia thành thành bốn quân đoàn (field army) :
Lúc mà nước Cộng Hòa Nhơn Dân Trung Hoa (Trung Cộng) vừa thành lập,
– Quân đoàn 1 dưới quyền của nguyên soái Bành Đức Hoài và nguyên soái Hạ Long, đã thiết lập một sự có mặt đáng kể ở vùng Bắc và Tây Bắc Trung Hoa.
– Quân đoàn 2, dưới quyền của nguyên soái Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình, thống trị vùng Trung tâm và Tây Nam xứ Tàu.
– Quân đoàn 3, do nguyên soái Trần Nghị và đại tướng Túc Dụ chỉ huy, chiếm đóng vùng Đông.
– Cuối cùng, quân đoàn 4, dưới quyền của Lâm Bưu, phụ trách vùng Đông Bắc đến miền Nam.
Quân đoàn từ đó đã trở thành một đơn vị tổ chức với cả một cá tánh xác định. Các quân nhơn và binh sĩ sống, sanh hoạt, với một sự trực thuộc vào một đặc điểm, một cá tánh của một địa phương, của các cá nhơn các vị chỉ huy, và cùng với thời gian thâm niên công vụ, chung sống cộng đồng, « tam cùng sanh hoạt », của các quân nhơn binh sĩ các cấp trong một đơn vị cụ thể, đã đặt một nền móng cho mối quan hệ ‘anh cả-đàn em’ sống chết có nhau, đồng kham đồng khổ – rất quý giá giữa các chỉ huy và thuộc hạ binh sĩ tạo sự tin cậy trung thành, nhưng cũng rất là nguy hiểm vì lại nuôi dưỡng và phát triển « đầu óc phe phái » rất có hại trong một chánh sách lãnh đạo. Những di sản và đặc điểm của thể chế nầy đã ăn sâu trong PLA trong những năm ấy ( 1979) và ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định của Trung Cộng phải « chiến tranh chống Việt Nam ».
Vạch kế hoạch xâm lược*
Nhà báo chánh trị gia Gia Nả Đại sanh năm 1953 Gerald Segal, Chủ nhiệm Viện Nghiên Cứu quốc tế Khoa học Chiến lược tại London-Anh Quốc – Director of Studies at the International Institute for Strategic Studies in London – cho rằng động cơ chính của Trung Cộng trong việc tấn công Việt Nam là kềm chế tham vọng và sự bành trướng của Việt Nam ở Đông Nam Á, ngăn chặn mối đe dọa Việt Nam đối với an ninh quốc gia (Trung Cộng).
Tuy nhiên, vì tính toán về chánh trị quá tồi, qua việc cố tạo ra một lẽ phải để trừng phạt Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Trung Cộng đã vô tình đặt mình trong một vị thế thực sự mà nói, không thể thắng được— Cái quyết định của Trung Cộng là nêu công khai “dạy cho Việt Nam một bài học” đã tạo cho dư luận thế giới, một ấn tượng rằng, mục đích chính của cuộc chiến chỉ đơn giản là một “hành động trả thù”. Vì, ngay từ đầu, Bắc Kinh đã hạn chế nghiêm ngặt các mục tiêu, thời gian và phạm vi, và khi thực hiện, tiến hành chiến tranh, không vượt hơn một cuộc xung đột biên giới giữa hai nước.
Dù việc thực hiện có đúng với sự thực hay không, cuộc chiến cũng đã tiết lộ rằng rất nhiều suy nghĩ đã dành cho việc thảo ra kế hoạch nầy, cũng đã cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Cộng quyết định ăn thua đủ với Việt Nam, bất chấp cái giá phải trả. Cũng cần nói rõ thêm, kế hoạch này phản ánh rõ ràng tác dụng điều hòa của Đảng Cộng Sản Tàu Công đối với nỗi căm giận sôi sục của Quân đội Nhơn Dân Tàu. Các sĩ quan PLA muốn sử dụng vũ lực để đánh mạnh vào Việt Nam, mà theo họ, không khác gì hơn là một cựu đồng minh phản bội phải bị trừng phạt. Thay vì đưa cho quân đội một khuôn khổ không gò bó để thực hiện sự trừng phạt mong muốn đó, Đảng Cộng Sản Tàu Cộng lại giới hạn hoạt động của quân đội cả về thời gian lẫn không gian.
Thoạt đầu, Quân Ủy Trung Ương yêu cầu Quân khu Quảng Châu cho hai đại đoàn [army] 41 và 42 và sư đoàn (division) 129 thuộc đại đoàn 43, tấn công thực sự Việt Nam ở khu vực Cao Bằng, trong khi hai đại đoàn khác 43 và 55, cùng tham gia trong các cuộc tấn công nghi binh vào Đồng Đăng và Lộc Bình trước cuộc tấn công toàn diện cuối cùng vào Lạng Sơn. Quân khu Côn Minh được lệnh phải sử dụng hai đại đoàn 13 và 14 để tiêu diệt một sư đoàn Việt Nam tại Lào Cai cũng như các đơn vị địa phương khác gần biên giới Vân Nam. Quân Ủy Trung Ương cho phép cho các chỉ huy khu vực quyền tự chủ hoạt động nhưng vẫn giữ quyền quyết định về thời gian và không gian của cuộc chiến dưới sự chỉ huy của lãnh đạo trung ương Đảng ở Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình kiên quyết, nhưng vẫn né tránh ngại rằng tình trạng cuộc xâm lăng Việt Nam biến thành một vũng lầy cho Trung Cộng.
Theo tướng Chu Đức Lễ (Zhou Deli/周德礼) thì tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou/许世友), tư lệnh Quân khu Quảng Châu, đã nhận nhiệm vụ lập kế hoạch ngày 9 tháng 12 năm 1978 và sau đó bắt đầu xem xét chiến lược quân sự chống Việt Nam. Tướng Hứa nghĩ ngay đến một cuộc tấn công bất ngờ áp đảo vào quân đội Việt Nam, nắm thế chủ động và ngăn không cho Việt Nam khôi phục sức mạnh. Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu của mình, Hứa Thế Hữu đề nghị kế hoạch đặt tên là niudao shaji (牛刀杀鸡 [ngưu đao sát kê]: (dùng dao mổ trâu giết gà), mô tả một bạo lực khổng lồ. Là một học trò của Mao về quan điểm chiến thuật, Hứa tin rằng chiến thuật này là áp dụng thích đáng học thuyết và quan điểm quân sự của Mao để tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt Việt Nam. Có ba thành phần:
– 1) tập trung đánh vào các bộ phận phòng thủ trọng yếu của địch nhưng không vào điểm mạnh của địch,
– 2) sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo để đè bẹp sự phòng vệ của địch vào thời điểm mở trận và
– 3) đánh nhanh và sâu vào tim của địch. Bằng cách này, Tướng Hứa dự kiến rằng PLA sẽ cắt hàng phòng thủ của đối phương ra manh mún và sau đó tiêu diệt các lực lượng đã nhắm trước từng mảng một.
Tuần tới Bài 2 Chuẩn bị
Hồi Nhơn Sơn, đầu tháng chín, 4 tháng nữa trước 2020
Ghi chú :
* Những đầu đề do người dịch để làm sáng bài viết.
Xin phép tạm dịch Field Army là Quân đoàn, Tàu gọi là « phương diện quân » và Army là Đại đoàn, Tàu gọi là « tập đoàn quân » … các đơn vị tiếp theo là sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội …