Tin khắp nơi – 05/09/2019
Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục
đàm phán thương mại cấp cao vào tháng 10
Tin từ Bắc Kinh, Trung Cộng – Vào hôm thứ Năm (5/9), Bộ Thương mại Trung Cộng cho biết Trung Cộng và Hoa Kỳ đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao vào đầu tháng 10 tại Washington, giữa những lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại ngày càng trầm trọng có thể gây ra tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong một tuyên bố trên trang chủ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết thông báo này được đưa ra sau một cuộc điện đàm vào đầu ngày giữa Phó Thủ tướng Trung Cộng Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin. Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Cộng Yi Gang cũng có tham gia cuộc điện đàm này. Bộ Thương mại cho biết các nhóm thương mại từ hai nước sẽ tổ chức các cuộc hội đàm vào giữa tháng 9, trước cuộc hội đàm cấp cao vào tháng tới. Cả hai bên đồng ý đưa ra hành động để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán.
Phát ngôn viên của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ xác nhận rằng ông Lighthizer và ông Mnuchin trò chuyện với ông Lưu Hạc. Họ đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp bộ trưởng tại Washington “trong những tuần tới”.
Vào hôm Chủ nhật (1/9), Washington bắt đầu áp thuế 15% đối với một loạt hàng nhập cảng của Trung Cộng, trong khi Trung Cộng bắt đầu áp thuế mới đối với dầu thô của Hoa Kỳ. Sự việc này khiến Trung Cộng nộp đơn khiếu nại Hoa Kỳ tại Tổ chức Thương mại Thế giới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-va-hoa-ky-se-tiep-tuc-dam-phan-thuong-mai-cap-cao-vao-thang-10/
Tổng thống Trump ‘trên cơ’ TQ
trong vấn đề Hồng Kông
Nhà phân tích Marc A. Thiessen của The Washington Post hôm 15/8 đã đưa ra một bài bình luận trên tờ báo này hôm 15/8, nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có lợi thế trong việc gây sức ép khiến chính quyền Trung Quốc không thể tùy tiện dùng vũ lực đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông.
Tổng thống Donald Trump đã khuyến cáo Trung Quốc nên có giải pháp xử trí “nhân đạo” đối với những người biểu tình Hồng Kông nếu muốn đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump ám chỉ việc Bắc Kinh sẽ phải trả giá nếu tái diễn thảm sát Thiên An Môn tại Hồng Kông.
Ông Thiessen nhận định, ngày nay, chính quyền Trung Quốc không thể thực hiện một cuộc đàn áp đẫm máu như sự kiện Thiên An Môn tại Hồng Kông.
Ông cho rằng tình thế mà Trung Quốc phải đối mặt ở Hồng Kông hiện rất khác so với ở Quảng trường Thiên An Môn cách đây 3 thập kỷ. Tại Thiên An Môn, người biểu tình đã tập trung tại một quảng trường công cộng rộng lớn, bị động ngồi đó như những mục tiêu dễ dàng bị đốn hạ.
Tại Hồng Kông, các chiến thuật biểu tình đặc thù đã được áp dụng để tránh một thảm họa Thiên An Môn khác. Người biểu tình “như nước” tràn qua một thành phố lớn và đông đúc. Những cuộc biểu tình được tổ chức nhanh chóng, thông qua phương tiện truyền thông xã hội và diễn ra đồng thời ở nhiều địa điểm. Nếu Trung Quốc đàn áp ở địa điểm này, người biểu tình có thể giải tán và tái hợp ở địa điểm khác.
Hơn nữa, phong trào biểu tình Hồng Kông không có lãnh đạo tối cao, điều đó có nghĩa là không tồn tại nhân vật nòng cốt có nguy cơ bị vây bắt và gây uy hiếp phá vỡ phong trào. Nếu Trung Quốc bắt giữ các lãnh đạo phong trào hiện tại, thì sẽ có những người khác đứng lên thay thế vị trí của họ.
Trung Quốc nói ‘đừng đùa với lửa’, người Hồng Kông rủ nhau ‘hãy như nước’
Tại Thiên An Môn, tội ác thanh trừng bẩn thỉu được tiến hành trong đêm tối và hoàn toàn che mắt truyền thông. Còn tại Hồng Kông, mọi tiến trình can thiệp đều được minh bạch cập nhật bởi các tập đoàn truyền thông và báo chí quốc tế, và dưới ống kính theo dõi sát sao của hàng triệu thiết bị ghi hình di động, không hành vi tàn bạo nào có thể che mắt được thế giới. Và vì thế, phong trào biểu tình có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Ở Hồng Kông, địa hình toàn thành phố rất có lợi cho người biểu tình. Quân đội nếu được điều động sẽ phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt nhất. Trung Quốc muốn phá vỡ sự ủng hộ của người dân đối với phong trào biểu tình, thế nhưng các nỗ lực đàn áp sẽ gây tác dụng ngược.
Người biểu tình kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump giải phóng Hồng Kông, trong một cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 26/6/2019 (ảnh: Reuters).
So với 30 năm trước đây, công nghệ hiện đại chính là lợi thế duy nhất mà Trung Quốc nắm giữ. Tại đại lục, chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang xây dựng một nhà nước giám sát với máy ảnh và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để theo dõi người dân.
Vẫn chưa có báo cáo về mức độ giám sát của Bắc Kinh tại Hồng Kông, nhưng người biểu tình hiện vẫn có thể tận dụng công nghệ để tạo lợi thế cho họ, truyền tải thông tin qua các ứng dụng nhắn tin được mã hóa và phương tiện truyền thông xã hội.
Theo ông Thiessen, việc chặn đứng các phương tiện liên lạc tại Hồng Kông tương đương với việc làm tê liệt ngành tài chính nơi đây, vốn phụ thuộc vào luồng thông tin tự do.
Trung Quốc và truyền thông nói láo: Người Hồng Kông biểu tình chống Mỹ?
Cuối cùng, can thiệp quân sự đồng nghĩa với ngày tàn của Hồng Kông, và đó là điều mà Bắc Kinh không gánh vác nổi, ông Thiessen bình luận. Nền kinh tế đại lục đang chậm chạp và thậm chí có thể suy thoái. Tổng thống Trump đang trừng phạt Trung Quốc bằng chính sách thuế quan. Nếu thẳng tay đàn áp, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khiến các quỹ đầu tư và giới tinh hoa tháo chạy khỏi Hồng Kông và tự tay bóp chết con ngỗng đẻ trứng vàng.
Ông Thiessen cho rằng Tổng thống Trump nên cảnh báo ông Tập rằng nếu ông ta phát động một cuộc đàn áp ở Hồng Kông, thì Mỹ sẽ bãi bỏ Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hồng Kông, trong đó Mỹ công nhận quyền bán tự trị của Hồng Kông và dành rất nhiều đối xử đặc biệt cho thành phố này.
Đạo luật dựa trên ý tưởng rằng Hồng Kông là một thực thể chính quyền độc lập, nhưng nếu Bắc Kinh tiến vào chiếm đóng thành phố, chấm dứt quyền tự trị của đặc khu này theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, thì lý do đối xử đặc biệt với Hồng Kông sẽ không còn. Điều đáng chú ý là gần 1.400 doanh nghiệp Mỹ hiện đang hoạt động tại Hồng Kông.
Hong Kong: Xuất hiện bức thư tiết lộ cảnh sát trưởng thông đồng với côn đồ tấn công người dân
Nhà phân tích của Washington Post nhận định, Tổng thống Trump cũng nên nói với ông Tập rằng nếu ông ta đàn áp Hồng Kông, thì Hoa Kỳ sẽ đón nhận người tị nạn Hồng Kông. Hồng Kông có nền kinh tế sôi động bậc nhất toàn cầu, với giới doanh nhân cần mẫn, sáng tạo – cũng chính là những người mà Trump nói mong muốn chào đón đến nước Mỹ.
Nếu Trung Quốc không muốn họ, ông Trump có thể đáp trả rằng nước Mỹ rất vui mừng đón nhận hết thảy nguồn năng lượng và sáng tạo của giới doanh nhân Hồng Kông.
Ông Thiessen cho rằng Tổng thống Trump cũng nên nói rõ rằng chi phí can thiệp quân sự sẽ như muối bỏ bể, khiến chảy máu chất xám và kết thúc vị thế tài chính – thương mại huy hoàng của Hồng Kông, đồng thời cũng sẽ dập tắt mọi hy vọng đàm phán thương mại với Mỹ.
Trung Quốc sẽ phải đương đầu với chính sách thuế quan nặng nề và lệnh trừng phạt quốc tế, sẽ khiến nền kinh tế nước này đi vào ngõ cụt, dẫn đến tình trạng bất ổn và làn sóng phản kháng sẽ nổ ra tại đại lục. Cái giá quá đắt cho một chiến dịch quân sự, dù thành hay bại.
Kết thúc bài phân tích, ông Thiessen khẳng định: “Tổng thống Trump hoàn toàn ‘trên cơ’ Trung Quốc trong vấn đề xung đột tại Hồng Kông. Ông Trump nên sử dụng ảnh hưởng của mình để cứu Hồng Kông”.
Ông Thiessen là tác giả của một số bài phân tích khác về vai trò của ông Trump ở Nhà Trắng, trong đó có bài bình luận rằng ông Trump có thể là “tổng thống trung thực nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại” và 10 điều tốt nhất mà ông Trump đã đạt được trong năm 2018.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30182-tong-thong-trump-tren-co-tq-trong-van-de-hong-kong.html
Chiến thuật “tốc chiến” hay “câu giờ”
trong trận “so găng” giữa Mỹ và TQ?
Trong khi Mỹ muốn đàm phán thương mại “tốc chiến tốc thắng” với Trung Quốc thì Bắc Kinh lại chơi bài câu giờ trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc.
Trong khi Tổng thống Mỹ Doland Trump muốn sớm kết thúc đàm phán thương mại thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại cho rằng đó là một cuộc đấu tranh lâu dài
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-9 cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, song không quên cảnh báo rằng Washington sẽ “cứng rắn hơn” trong đàm phán nếu Bắc Kinh kéo dài đàm phán cho đến nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, một thỏa thuận sẽ còn khó đạt được hơn nhiều nếu hai nước không giải quyết được căng thẳng thương mại và ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11-2020.
Tổng thống Donald Trump đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc trước đó 2 ngày đã bắt đầu đợt áp thuế bổ sung mới đối với hàng hóa của nhau. Theo đó, Washington áp thế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, trong khi Bắc Kinh đánh thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng có tổng trị giá 75 tỷ USD của Mỹ nhập vào Trung Quốc.
Song nếu nhìn vào cuộc chiến thương mại kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng tháng 1-2017 tới nay có thể thấy đương kim Tổng thống Mỹ rõ ràng không hài lòng với tiến triển trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Cuộc đàm phán mà ông Donald Trump đã “đặt cược” phải đi tới cái đích lớn mà ông đưa ra trong cam kết tranh cử là cân bằng cán cân thương mại Mỹ – Trung Quốc, đồng thời mở cửa thị trường Trung Quốc cũng như chấm dứt việc Bắc Kinh cưỡng ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ…
Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc đã trải qua hơn 10 vòng đàm phán cấp Bộ trưởng Tài chính và Thương mại nhưng triển vọng đạt được một thỏa thuận đáp ứng đòi hỏi của Tổng thống Donald Trump cho tới lúc này vẫn hết sức mờ mịt. Thậm chí, vào tháng 5 vừa qua, ngỡ rằng hai bên đã đi tới thỏa thuận cuối cùng với việc hào hứng tuyên bố đạt được 90% nội dung đàm phán, song cuối cùng vẫn chẳng đi tới đâu do Trung Quốc vẫn quyết không chấp nhận nhượng bộ những điều then chốt theo đòi hỏi của Mỹ.
Việc Tổng thống Donald Trump muốn nhanh chóng có một thỏa thuận thương mại cơ bản với Trung Quốc xem ra khó lòng đạt được bởi đối thủ không phải “tay vừa” mà là cường quốc kinh tế số hai thế giới với chủ trương đàm phán đối nghịch với Washington. Điều này thể hiện rất rõ trong phát biểu mới đây nhất của nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Lên tiếng ngày 3-9 trước các nhà lãnh đạo trẻ của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức giữ vững “tinh thần đấu tranh” dài lâu, chống lại hàng loạt đe dọa và thách thức ngày một phức tạp. Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cuộc đấu tranh này sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2049, tức là năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa và các quan chức nước này cần thể hiện “tinh thần đấu tranh” để vượt qua thách thức từ lo ngại an ninh đến rủi ro tài chính. Dù ông Tập Cận Bình không nói rõ cuộc đấu tranh với đối thủ nào, song tất cả đều hiểu đó là Mỹ.
Vậy, Mỹ với chiến thuật “tốc chiến” hay Trung Quốc với chiến thuật “câu giờ” sẽ giành phần thắng trong trận “so găng” thương mại hiện nay? Khó ai có thể đưa ra câu trả lời vào lúc này, dù cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phải gánh chịu những thiệt hại lớn do thương chiến. Trong đó với Trung Quốc là tốc độ tăng GDP xuống mức “đáy” thấp nhất trong mấy chục năm qua, sản xuất đình trệ và thất nghiệp gia tăng; trong khi mỗi hộ gia đình Mỹ phải bỏ thêm 1.000 USD mỗi năm do hàng hóa đắt đỏ thêm vì thuế cao, còn các công ty phải cắt giảm chi phí, ngừng đầu tư và tăng dự trữ hàng để giảm bớt tác động từ chiến tranh thương mại với Trung Quốc…
Mỹ đề xuất hàng triệu đôla
với thuyền trưởng tàu Iran
Một quan chức cấp cao của Mỹ đề xuất nhiều triệu đôla với một thuyền trưởng người Ấn Độ của một tàu chở dầu Iran bị nghi tới Syria, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận hôm 4/9, theo AFP.
Tờ Financial Times đưa tin rằng ông Brian Hook, người phụ trách vấn đề Iran của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã gửi email tới thuyền trưởng Akhilesh Kumar, trong đó ông đề xuất “tin tức tốt đẹp” về hàng triệu đôla tiền mặt để sống an nhàn nếu thuyền trưởng này chuyển hướng tàu Adrian Darya 1 tới một quốc gia để giới hữu trách có thể giữ tàu này.
“Chúng tôi đã đọc bài báo của Financial Times và có thể xác nhận rằng các chi tiết trong đó chính xác”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói.
Iran phát triển máy ly tâm để làm giàu uranium nhanh hơn
“Chúng tôi đã liên lạc một số thuyền trưởng tàu cũng như các công ty vận chuyển hàng hải để cảnh báo họ về các hệ quả từ việc hỗ trợ một tổ chức khủng bố”, người phát ngôn nói, đề cập tới việc hậu thuẫn lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran, theo AFP.
Tàu Adrian Darya 1 bị giữ trong sáu tuần bởi chính quyền lãnh thổ của Anh là Gibraltar vì bị nghi chuyển dầu từ Iran tới đồng minh Ảrập chính yếu của Iran là Syria, vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bất chấp phản đối của Mỹ, Gibraltar phóng thích con tàu từng được gọi là Grace 1 này hôm 18/8 sau khi nhận được sự đảm bảo bằng văn bản rằng tàu này sẽ không tới các quốc gia bị EU trừng phạt.
Chính quyền Mỹ nói rằng ông Kumar, 43 tuổi, đảm nhận vai trò thuyền trưởng của tàu ở Gibraltar. Theo AFP, sau khi ông này không phản hồi đối với đề xuất của Mỹ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuần trước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với con tàu cũng như bản thân ông Kumar, theo đó đóng băng bất kỳ tài sản nào mà ông có thể có ở Mỹ cũng như hình sự hóa bất kỳ hoạt động giao dịch tài chính nào của ông ở Mỹ.
San Francisco gọi NRA
là ‘tổ chức khủng bố quốc nội’
Chính quyền thành phố San Francisco đã chính thức gọi tổ chức Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) là “tổ chức khủng bố quốc nội”.
Nghị quyết lên án nhóm vận động sở hữu súng mạnh nhất ở Hoa Kỳ đã được Hội đồng Giám sát San Francisco nhất trí thông qua hôm thứ Ba.
Động thái này diễn ra sau cuộc tấn công bắn vào Lễ hội Tỏi Gilroy, phía Nam thành phố này, khiến ba người chết vào tháng Bảy.
Đảng Dân chủ thường cáo buộc rằng lập luận và thông điệp của NRA châm ngòi cho các vụ xả súng hàng loạt.
Mỹ: hai vụ xả súng chết người trong 24 giờ
Bao giờ mới hết xả súng tại Mỹ?
Mỹ: Người chồng kinh ngạc khi hàng trăm người dự đám tang vợ
Nghị quyết trên nói rằng Hoa Kỳ “bị ảnh hưởng bởi một đại dịch bạo lực súng đạn” và cáo buộc NRA sử dụng “sự giàu có và sức mạnh tổ chức đáng kể của mình để thúc đẩy quyền mang súng và kích động người sở hữu súng có các hành vi bạo động”.
“Tất cả các quốc gia đều có những người hung bạo và thích gây thù ghét, nhưng chỉ ở Mỹ, chúng ta mới cho phép những người này tiếp cận được với vũ khí tấn công hàng loạt và các băng đạn có sức chứa lớn, phần lớn, nhờ vào ảnh hưởng của Hiệp hội Súng trường Quốc gia”, nghị quyết nói.
Dự luật cũng kêu gọi thành phố và quận xem xét lại mối quan hệ của mình với các công ty kinh doanh với NRA.
NRA phản ứng bằng cách gọi đây là một “trò lố bịch” nhằm mục đích “đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề thực sự phải đối mặt của San Francisco, như tình trạng vô gia cư tràn lan, lạm dụng ma túy và tội phạm tăng vọt”.
Giám sát viên quận Hai Catherine Stefani, người đã viết nghị quyết cho thành phố do đảng Dân chủ kiểm soát, nói, “NRA xứng đáng bị gọi như thế”.
Bà nói với đài KTVU-TV: “NRA được lập ra để truyền bá thông tin và cố tình đặt súng vào tay những kẻ sẽ làm hại và khủng bố chúng ta.”
Bà nói rằng bắt đầu viết nghị quyết sau cuộc tấn công chống lại Lễ hội Tỏi Gilroy, trong đó một tay súng đã giết ba người trước khi tự sát.
Nghị quyết trên đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ những người Cộng hòa bảo thủ, thường phản đối hầu hết các nỗ lực nhằm hạn chế quyền sở hữu súng tư nhân, và không đồng ý với nhiều chính sách được thông qua bởi một trong những thành phố tự do nhất ở Mỹ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49589770
Hơn 400 triệu người dùng Facebook
bị lộ số điện thoại
Hơn 400 triệu người sử dụng Facebook bị rò rỉ số điện thoại trực tuyến. Trong đó có 133 triệu người dùng tại Mỹ, 50 triệu dữ liệu người dùng tại Việt Nam và 18 triệu tài khoản ở Anh quốc.
Truyền thông Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 9 dẫn nguồn báo cáo từ trang công nghệ TechCruch cho biết như vừa nêu.
Theo báo cáo của TechCrunch thì dữ liệu thông tin của người sử dụng Facebook như số điện thoại, giới tính đều bị lộ và một số tài khoản còn hiển thị vị trí địa lý của họ.
TechCrunch giải thích tình trạng này xảy ra là do máy chủ lưu trữ nguồn dữ liệu này không dùng mật khẩu bảo vệ, do đó bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào dữ liệu và việc thông tin bị rò rỉ trực tuyến duy trì cho đến cuối ngày thứ Tư, 4/9/19.
Facebook lên tiếng xác nhận về báo cáo của TechCrunch, tuy nhiên cho rằng số lượng tài khoản người sử dụng bị rò rỉ thông tin trực tuyến chỉ vào khỏang một nửa của số liệu TechCrunch ghi nhận là 419 triệu.
AFP vào ngày 5 tháng 9 dẫn lời của đại diện Facebook nói rằng các dữ liệu đã bị lấy xuống và không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tài khoản người sử dụng bị xâm nhập.
Người sử dụng mạng xã hội bị lộ số diện thoại sẽ nhận được các cuộc điện thoại “rác” và tin tặc cũng có thể buộc người sử dụng cài đặt lại mật khẩu đối với các tài khoản bị xâm nhập.
Mỹ : YouTube bị phạt 170 triệu đô
vì thu thập dữ liệu cá nhân trẻ em
YouTube hôm 04/09/2019 thông báo sẽ trả số tiền phạt kỷ lục 170 triệu đô la tại Hoa Kỳ do vi phạm luật Mỹ về bảo vệ đời sống riêng tư của trẻ em.
Bị cáo buộc thu thập các dữ liệu cá nhân của trẻ em một cách bất hợp pháp, tập đoàn mẹ là Google đã thỏa thuận với tư pháp Hoa Kỳ để chấm dứt vụ kiện của nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em và người tiêu dùng.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve cho biết thêm chi tiết :
« YouTube bị tố cáo lấy trộm dữ liệu cá nhân của các trẻ em dưới 13 tuổi, thông qua các phim hoạt hình và các kênh video được các em ưa thích.
Từ địa điểm, thiết bị sử dụng cho đến số điện thoại… những thông tin này được thu thập một cách bất hợp pháp, không có sự đồng ý của trẻ em cũng như của phụ huynh. Thậm chí YouTube còn theo dõi lịch sử truy cập để dọ xét các thói quen, nhằm bán các quảng cáo nhắm vào những đối tượng cụ thể.
Theo FTC, cơ quan bảo vệ người tiêu thụ của Mỹ, YouTube cũng khoe sự nổi tiếng của mình đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, với nhiều nhãn hiệu như Mattel, nhà sản xuất búp bê Barbie. « YouTube không hề xin lỗi là đã vi phạm luật » – thông cáo của FTC viết như trên, tố cáo các kênh dành cho thiếu nhi chỉ nhằm thu thập dữ liệu cá nhân để thu được lợi nhuận lớn từ quảng cáo.
Tập đoàn mẹ của YouTube là Google chấp nhận chi trả 170 triệu đô la tiền phạt, để chấm dứt các vụ kiện được khởi động từ năm ngoái. Theo những người chống đối, đây chỉ là muối bỏ bể, so với số lợi nhuận 31 tỉ đô la của Google trong năm 2018. Hai trong số ba thành viên của FTC còn phản đối thỏa thuận được cho là quá có lợi cho Google, còn tập đoàn này hứa hẹn sẽ không đưa các quảng cáo có mục tiêu cụ thể vào những video dành cho trẻ em ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190905-my-youtube-bi-phat-170-trieu-do-vi-thu-thap-du-lieu-ca-nhan-tre-em
Ngũ Giác Đài ngưng 127 dự án xây dựng
để tài trợ tường biên giới
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho phép dùng 3,6 tỉ đô la dành cho những dự án xây dựng quân sự để xây 282 km tường dọc biên giới Mexico như Tổng thống Trump đã hứa.
Các giới chức Ngũ Giác Đài không nói 127 dự án nào chịu ảnh hưởng nhưng cho biết chi tiết sẽ được công khai sau khi các thành viên Quốc hội được thông báo. Họ cho biết thêm là một nửa số tiền này được trích từ các dự án quân sự tại Mỹ và số còn lại là từ các dự án ở các nước khác.
Quyết định ngày 3/9 của ông Esper làm phát sinh thêm những mâu thuẫn lâu nay giữa chính quyền ông Trump với Quốc hội về chính sách di dân và việc tài trợ xây tường biên giới. Và việc này tạo ra tranh luận gay go giữa các nhà lập pháp trước đây từ chối chấp thuận gần 6 tỉ đô la cho bức tường nhưng giờ phải quyết định xem liệu có hoàn lại tiền cho các dự án được dùng để cấp tiền hay không.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, bang New York, lãnh tụ khối thiểu số tại thượng viện nói “Đây là một cái tát vào mặt các binh sĩ đang phục vụ đất nước chúng ta vì Tổng thống Trump muốn cắt bớt ngân khoản dành cho quân đội để chỉ thỏa mãn cái tôi của ông và bức tường ông đã hứa là Mexico sẽ trả tiền xây dựng.” Ông Schumer nói thêm là việc chuyển tiền này sẽ ảnh hưởng đến Học viện Quân sự West Point.
Số tiền được chuyển bao gồm 600 triệu đô la từ quỹ tài sản bị cắt của Bộ Tài chánh; 2,5 tỉ đô la dành cho các hoạt động chống ma túy của Bộ Quốc phòng và nay là 3,6 tỉ đô la cho việc xây cất cho quân đội.
Ngũ Giác Đài duyệt xét lại danh sách các dự án quân đội và nói là không có dự án nào cung cấp nhà cửa hay những hạ tầng cơ sở cần thiết cho binh sĩ sẽ bị ảnh hưởng, sau khi có một vụ tai tiếng mới đây về những khu vực sinh sống tồi tệ của binh sĩ tại một vài nơi trong nước Mỹ. Các giới chức quốc phòng cũng cho biết sẽ chú trọng đến những dự án được dự trù bắt đầu vào năm 2020 và xa hơn nữa, với hy vọng là cuối cùng số tiến này sẽ được Quốc hội hoàn trả lại.
Chính phủ sẽ dùng tiền xây cất cho quân đội để xây 11 dự án tường biên giới tại California, Arizona và Texas, chính quyền cho biết. Dự án tốn tiền nhất là 84 km tường tại Laredo, Texas, với chi phí 1,27 tỉ đô la.
Bức tường dài 282 km được Ngũ Giác Đài tài trợ chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 3.145 km biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ ngày 3/9 nói sẽ xin lệnh của Tòa án ngăn chặn việc sử dụng tiền của quân đội. Trước đây tổ chức này đã kiện chính phủ về việc sử dụng tiền chống ma túy của Bộ Quốc phòng, nhưng Tối cao Pháp viện Mỹ đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa số tiền này vào tháng 7 vừa qua, cho phép bắt đầy xây dựng bức tường đầu tiên dùng tiền của quân đội vào tháng trước tại Arizona.
Luật sư Dror Ladin của Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ nói “Chúng tôi sẽ trở lại Tòa án rất sớm để ngăn chặn nỗ lực mới nhất của ông Trump tước đoạt tiền của quân đội để xây bức tường bài ngoại của ông.”
Thượng Viện California chấp thuận yêu cầu
mở rộng luật kiểm soát súng “red flag”
Theo tin từ đài KTLA5, các chủ lao động, đồng nghiệp và giáo viên có thể sẽ yêu cầu các thẩm phán mở rộng luật “red flag” nhằm tước đi súng của những cá nhân được coi là một mối nguy hiểm đối với chính họ hoặc người khác, theo một dự luật đã được thông qua tại Thượng viện California.
Tiểu bang California đã ban hành một luật gọi là luật “red flag” vào năm 2016. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, luật này chỉ cho phép các cơ quan hành pháp và các thành viên gia đình yêu cầu các thẩm phán đưa ra lệnh cấm sử dụng súng cho từng cá nhân.
Assembly Bill 61 do Nghị sĩ Dân chủ Phil Ting biên soạn sẽ mở rộng luật này. Ông Ting đã giới thiệu dự luật sau vụ nổ súng hàng loạt vào tháng 11 năm 2018 tại thành phố Thousand Oaks, California, khiến 12 người thiệt mạng. Theo gia đình và bạn bè, tay súng trong vụ nổ súng trên là ngi can Ian David Long có dấu hiệu bệnh tâm thần.
Các nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng và quyền tự do dân sự đã phản đối dự luật của ông Ting. Assembly Bill 61 vẫn phải được Quốc hội Tiểu bang California phê chuẩn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thuong-vien-california-chap-thuan-yeu-cau-mo-rong-luat-kiem-soat-sung-red-flag/
Kinh tế toàn cầu khốn đốn
vì chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm dậy sóng nền kinh tế toàn cầu, làm tổn thương niềm tin các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, làm suy giảm giao thương giữa các nền công nghiệp lớn ở châu Á và gây thiệt hại các nhà máy theo hướng xuất khẩu ở châu Âu, theo điều tra và khảo sát của tờ Wall Street Journal.
Bắt đầu từ ngày 1/9, Mỹ đã áp vòng thuế mới 15% đối với hàng hóa Trung Quốc bao gồm quần áo, dụng cụ và đồ điện tử. Đợt thuế quan trả đũa của Trung Quốc cũng bắt đầu có hiệu lực, nhắm vào đậu nành, dầu thô và dược phẩm nhập khẩu từ Mỹ.
Niềm tin kinh tế của các công ty nhỏ của Mỹ đã giảm trong tháng 8 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2012, theo một cuộc khảo sát hàng tháng của hơn 670 công ty nhỏ được thực hiện cho Wall Street Journal. Tỷ lệ những người cho rằng kinh tế Mỹ sẽ xấu đi trong 12 tháng tới đã tăng lên 40%, so với 29% vào tháng 7 và 23% một năm trước.
Các nước bị ‘lạc đạn’
Trong khi đó, hôm 3/9 Nhật Bản cho biết rằng chi tiêu vốn của các hãng chế tạo của họ đã giảm 6,9% trong quý 2, mức giảm đầu tiên trong hai năm do các công ty này đang lao đao với xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm gần hai chữ số. Hàn Quốc cũng cho biết xuất khẩu của họ sang Trung Quốc đã giảm 21,3% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, khiến tổng lượng xuất khẩu của họ giảm 13,6%.
Thuế quan đang gây áp lực lên chi phí cho các công ty đa quốc gia, buộc họ phải tìm cách bù đắp. Hơn nữa, sự bất định về triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các lãnh đạo công ty khó lên kế hoạch.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho biết tác động thuế quan đặc biệt rõ rệt ở các thiết bị và vật liệu công nghệ cao được các nhà máy ở Trung Quốc mua về, như phụ tùng ô tô Nhật Bản và chất bán dẫn của Hàn Quốc. Các nhà máy Trung Quốc sử dụng những sản phẩm đó để sản xuất thành phẩm, một số trong đó được xuất khẩu sang Mỹ
Khảo sát các giám đốc mua hàng tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia cũng cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất chế tạo trong tháng 8. Còn ở châu Âu sụt giảm trong hoạt động sản xuất được thấy rõ rệt nhất ở Đức, cường quốc xuất khẩu của châu lục và là nhà cung cấp máy móc và thiết bị hàng đầu trên thế giới.
Theo nhận định của đài CNN, Đức đang đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế. Cơ quan thống kê chính phủ báo cáo rằng nền kinh tế Đức đã giảm 0,1% trong quý hai. Ngân hàng Trung ương Đức dự đoán quý thứ ba cũng sẽ sụt giảm. Hai quý liên tiếp sụt giảm tăng trưởng cũng có nghĩa là kinh tế Đức chính thức bước vào suy thoái. Nếu Đức làm ra ít xe hơn thì các nhà cung cấp của họ ở Hà Lan, Ý, Ba Lan và các nơi khác sẽ thấy đơn đặt hàng giảm, sản xuất chậm và thất nghiệp tăng lên.
“Chiến tranh thương mại và thuế quan vẫn là mối quan tâm lớn nhất của các nhà sản xuất, và sự leo thang chiến tranh thương mại toàn cầu trong tháng 8 đã càng khiến mọi người ngại rủi ro hơn nữa,” ông Chris Williamson, kinh tế gia trưởng tại IHS Markit, đơn vị thực hiện cuộc khảo sát này, nói với Wall Street Journal.
CNN cũng chỉ ra trường hợp của Argentina nơi mà vị Tổng thống từng làm doanh nhân và có lập trường thân thiện với thị trường Mauricio Macri từng cam kết sẽ đảo ngược các chính sách tai hại của người tiền nhiệm cánh tả mang màu sắc dân túy. Khi Macri chuẩn bị ra tái tranh cử thì ông Trump bắt đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại đã khiến các nhà đầu tư bỏ chạy, khiến nội tệ lao dốc. Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất để hỗ trợ đồng peso, làm suy giảm tăng trưởng. Trong bối cảnh bất mãn ngày càng sâu sắc, các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Argentina đang lo ngại rằng ông Macri sẽ mất ghế Tổng thống.
Công ty Mỹ vật lộn
Cuộc khảo sát các công ty nhỏ ở Mỹ do Vistage Worldwide Inc., một tổ chức huấn luyện điều hành, thực hiện hồi tháng 8, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng trước khi ông ra lệnh cho các công ty Mỹ bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế Trung Quốc, cho thấy 45% các công ty nhỏ có doanh thu từ 1 đến 20 triệu đô la cho biết lời tuyên bố đánh thuế của ông Trump sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Trong cuộc khảo sát, một số chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết họ ủng hộ thuế quan, ngay cả thuế khiến họ khốn đốn trong ngắn hạn, và đa số cho biết họ lạc quan về tình hình tài chính của mình.
Nhưng các chủ doanh nghiệp cho biết sự bất định về việc liệu thuế có được áp dụng không và khi nào, mức thuế sẽ lớn đến đâu và sẽ được duy trì trong bao lâu, khiến cho họ khó lòng lên kế hoạch sản xuấtvà gây tổn hại cho việc làm ăn của họ, theo Wall Street Journal.
“Thật là ngộp. Thật mệt mỏi. Thật mất tinh thần,” bà Susan White Morrissey, người sáng lập White + Warren, một thương hiệu trang phục vải cashmere ở New York, nói với Wall Street Journal. “Nhân viên của tôi chỉ muốn biết phải làm gì. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, tôi không thể cho họ câu trả lời.”
“Điều chỉnh với chi phí gia tăng đã đủ khó nhưng không biết chắc chính sách sẽ như thế nào trong tương lai còn khó hơn đối phó hơn,” ông Richard Curtin, kinh tế gia thuộc Đại học Michigan, được Wall Street Journal dẫn lời nói. “Đối với các công ty nhỏ điều đó có nghĩa là thận trọng hơn trong kế hoạch đầu tư và tuyển dụng.”
Wiscon Products Inc., một cửa hàng máy móc chính xác ở Racine, bang Wisconsin, thường đặt hàng nguyên liệu trước sáu tháng, nhưng những ngày này họ gặp khó khăn khi yêu cầu khách hàng quyết định họ cần gì trong ba tuần. Một nhà sản xuất ô tô đã hủy đơn đặt hàng phụ tùng trị giá 2 triệu đô la dành cho Trung Quốc vì căng thẳng thương mại leo thang.
Công ty này đã tìm cách bù đắp khoảng 40% doanh thu bị mất thông qua tiếp thị mạnh mẽ và hy vọng sẽ có kết quả tốt hơn, với khách hàng đa dạng hơn. Tuy nhiên, họ đã hoãn kế hoạch mua máy móc mới.
“Đây là điều lạ lùng nhất mà tôi từng thấy,” Chủ tịch Wiscon, ông Torben Christensen, người đã điều hành công ty trong thập kỷ qua, nói. “Nền kinh tế đang bùng nổ, nhưng có nhiều bất trắc. Mà chủ yếu là do chính sách thương mại.”
Các cuộc đàm phán thương mại hầu như bị đình trệ kể từ cuối tháng 5, khi các nhà đàm phán được cho là tiến gần đến một thỏa thuận. Kể từ đó, các nhà đàm phán hai nước đã cố gắng đạt được một thỏa thuận sơ bộ, và cho đến nay vẫn không thành công, mà theo đó Trung Quốc cam kết mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và Mỹ đồng ý nới lỏng các hạn chế đối với tập đoàn viễn thông Huawei.
Mức thuế bổ sung 15% của Mỹ đối với 156 tỷ đô là hàng Trung Quốc bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồ chơi, trò chơi điện tử và các sản phẩm khác đã được ấn định vào ngày 15/12.
Argosy Cruises, một công ty tàu du lịch ở Seattle, gần đây đã hoãn kế hoạch thay thế hai tàu cũ sau khi được thông báo rằng chiếc thuyền 500 hành khách có giá 8,5 triệu đô la hai năm trước giờ sẽ tốn thêm khoảng 1 triệu đô la nữa mà nguyên nhân tăng giá là do thuế quan, giám đốc điều hành Argosy, ông Kevin Clark, nói. Ông Clark cũng lo ngại căng thẳng thương mại đang làm giảm lượng khách du lịch Trung Quốc.
“Cần phải có sự ổn định nào đó về thuế quan và giá cả,” ông Clark nói. “Tôi không muốn ký hợp đồng trong hai năm tới mà không có yếu tố chắc chắn.”
Travis Luther, người sáng lập Queen Anne Pillow Co., công ty sản xuất gối cao cấp có trụ sở tại Denver, cho biết các đối thủ lớn hơn đã tăng tốc mua hàng để né trước thuế quan, điều mà công ty còn non trẻ của ông không làm được. Công ty này đã trả mức thuế cao hơn đối với hàng dệt bông sản xuất tại Trung Quốc được nhập vào Mỹ để sản xuất gối.
Để thích nghi, một số công ty đang di dời.LumiGrow Inc., một công ty sản xuất đèn LED cho làm vườn với quy mô 30 nhân viên, đang dời sang một nhà máy ở Malaysia chỉ một năm sau khi họ đã dời từ Mỹ sang Trung Quốc để giảm chi phí.
Jay Albere, giám đốc điều hành của công ty có trụ sở ở California này, ủng hộ thuế quan nhưng không đồng tình với sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách thương mại. Một chuyến tàu xuất cảng đèn LED đang trên đường đi từ Trung Quốc thì có thông báo sẽ chịu thuế cao hơn trước có vài ngày. “Hãy cho phép tôi có khả năng lên kế hoạch và đưa ra quyết định kinh doanh thông minh,” ông nói. “Sự bất định thật sự rất, rất khó.”
Một số chủ doanh nghiệp nhỏ nói rằng bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc không phải là một lựa chọn. Công ty Remodeez có trụ sở tại Charlotte, bang North Carolina, cho biết các quốc gia khác không có kiến thức hoặc cơ sở hạ tầng để sản xuất thiết bị khử mùi cho họ. Ngay cả khi họ có thể tìm được nơi sản xuất mới, chi phí chuyển đổi sẽ làm suy yếu sự phát triển của công ty do họ đã bỏ ra một khoản đầu tư lớn ở Trung Quốc. Công ty này đang tính đến tự mình gánh chịu thuế thay vì tăng giá sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Trong khi đó, chi phí cao hơn đang chèn ép dòng tiền mặt và gây khó cho kế hoạch mở rộng, Giám đốc điều hành Jason Jacobs cho biết.
Do doanh nghiệp ‘tồi’?
Hôm 3/9, ông Trump đã bác bỏ quan điểm cho rằng các chính sách thương mại của ông đang gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Ông đổ lỗi cho ‘các công ty điều hành tệ và các công ty yếu kém’ về bất cứ những thất bại kinh doanh nào và kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong bài viết có tựa đề: ‘Chính sách thương mại ‘Nước Mỹ trên hết’ đang tàn phá kinh tế toàn cầu’, CNN cho rằng chính chính sách thương mại của ông Trump là nguồn gốc cho sự suy giảm nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Trên toàn cầu, các quốc gia đang cắt giảm dự báo tăng trưởng và nêu ra tranh chấp Mỹ-Trung là nguyên nhân chính.
“Ông Trump khăng khăng rằng nền kinh tế Mỹ rất mạnh và nói rằng ông không lo lắng về suy thoái. Ông cũng nói là ông sẽ dễ dàng chiến thắng trong chiến tranh thương mại; ông nói đi nói lại rằng Trung Quốc mới là phía phải trả thuế quan mà ông áp đặt lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cũng như ông đã từng nói rằng Mexico sẽ trả tiền xây bức tường biên giới – tất cả những tuyên bố này đều đã được chứng minh là nói bậy,” bài báo viết.
“Mặc dù Trump có thể phủ nhận rằng cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc có thể gây hỗn loạn cho nền kinh tế Mỹ, các quốc gia khác đã cảm thấy bị ảnh hưởng và ảnh hưởng này có thể sâu rộng – trong một số trường hợp có thể để lại hậu quả lâu dài sau khi thuế quan chấm dứt.”
Theo đài này, đó là lý do tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp, các thành viên của nhóm đã lên tiếng chống lại phát động chiến tranh thương mại. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã thẳng thừng nói về ‘những tranh chấp vô nghĩa’, cảnh báo rằng ‘chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến suy thoái’.
Trong khi đó, sự hứng thú của ông Trump đối với chiến tranh thương mại không có dấu hiệu thuyên giảm. Ông Trump và Bộ Thương mại của ông tuyên bố rằng ô tô nhập khẩu từ nước ngoài là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Và giờ đây, khi mọi việc rõ ràng rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không hề dễ dàng, ông có thể chuẩn bị áp thuế đối với ô tô châu Âu, CNN cho biết.
“Trung Quốc không phải là một đối tác công bằng trong thương mại và nếu chính sách của Trump bằng cách nào làm thay đổi hành vi của Trung Quốc, nhiều người sẽ vui mừng. Tuy nhiên, trong khi đó, thiệt hại đang lan rộng và những người chỉ trích cho rằng có nhiều cách tốt hơn để giải quyết vấn đề, bao gồm làm việc cùng với các đồng minh thay vì liên tục đe dọa họ,” bài báo nhận định.
Đảng Bảo thủ ‘khai trừ’ 21 nghị sỹ ra sao
trong nền dân chủ Westminster?
Vụ 21 nghị sỹ bị thủ tướng Boris Johnson ‘khai trừ’ khỏi Đảng Bảo thủ có thể được lý giải qua nguyên lý vận hành của hệ thống dân chủ Westminster tại Anh.
Trước hết, câu hỏi là hệ thống Westminster có bị sứt mẻ vì một ông Boris ‘độc tài’?
Trước vụ ‘đuổi 21 nghị sỹ khỏi đảng’ hôm 04/09, ông Johnson đã đề nghị Nữ hoàng Anh ‘tạm treo’ nghị viện trong 5 tuần.
Điều này bị phê là hành vi ‘độc tài’, phản dân chủ.
Có thật vậy không? Chúng ta hãy xem đằng sau những ồn ào của nghị trường, hệ thống chính trị Anh vận hành ra sao, quyền hạn của các bên thế nào.
Westminster là cha đẻ của nền dân chủ đại nghị.
Đây là hệ thống tam quyền phân lập: Quốc hội lập pháp; Chính phủ thi hành luật (hành pháp), và Toà án xử án (tư pháp).
Quyền lực đến từ Quốc vương
Ba cơ quan này độc lập với nhau, nhưng không hẳn là không có ràng buộc.
Các thẩm phán của hệ thống tòa án, do Quốc vương (Monarch) bổ nhiệm phải hoàn toàn phi đảng phái.
Trên tất cả là nguyên thủ quốc gia (head of state ) ở Anh hiện là Nữ hoàng Elizabeth II.
Bà được cho là ‘nguồn gốc quyền lực’ (reserves of power), nhưng không trực tiếp cầm quyền.
Về lý thuyết, mọi công dân Anh là ‘thần dân’ của Nữ hoàng, kể cả những người nhập tịch Anh.
Mọi thủ tướng, bộ trưởng, dân biểu (trừ nhóm Sein Fein của Bắc Ireland) đều tuyên thệ trung thành với bà.
Nhưng dân chủ Westminster khác hệ thống tổng thống chế (Pháp, Mỹ…), nên nguyên thủ quốc gia, Nữ hoàng không điều hành việc nước hàng ngày.
Bà ủy quyền cho thủ tướng Anh, người về nguyên tắc có nhiệm kỳ dài chừng nào Nữ hoàng vẫn tín nhiệm, ‘At Her Majesty’s pleasure’.
Thủ tướng Anh vẫn có chức danh đúng văn bản từ thời trung cổ là ‘First Lord of the Treasury, Minister for the Civil Service and Minister for the Union’, tạm dịch là Đại thượng thư thứ nhất phụ trách Ngân khố, Bộ trưởng Công vụ và Bộ trưởng Liên hiệp Anh’.
Chính phủ và Quốc hội
Ở Hoa Kỳ, dân biểu Hạ viện (Congressmen) không làm bộ trưởng, thứ trưởng trong chính phủ.
Nhưng ở Anh, đảng cầm quyền vẫn có các nghị sỹ Hạ viện giữ chức trong chính quyền.
Nhờ đó, đảng cầm quyền có vị thế rất mạnh bởi vừa điều hành việc nước hàng ngày, vừa có thể tạo đa số, gồm cả các bộ trưởng là nghị sỹ, để ra luật.
Nghị sỹ vào chính phủ nắm chức gọi là ‘frontbencher’ – hàng ghế trước, vì trong bố trí phòng họp của Hạ viện, họ ngồi ở hàng ghế đầu, cùng thủ tướng, thuộc dãy ghế bên cầm quyền.
Người không tham gia chính phủ thì ngồi hàng ghế sau, gọi là ‘backbencher’, cùng bên với chính phủ.
Chỗ ngồi không đánh số, không ghi tên nhưng một khi dân biểu thuộc đảng cầm quyền bỏ chỗ, bước qua vạch ‘lằn ranh’ giữa căn phòng, gọi là ‘crossing the floor’, sang ngồi bên đối diện, tức là bỏ sang, theo phe đối lập.
Dân biểu, bác sỹ Phillip Lee của đảng Bảo thủ đã làm việc đó trong tuần này.
Anh Quốc chấp nhận nhiều hành vi ‘ý tại ngôn ngoại’ nên việc ông Lee sang ngồi cạnh bà Jo Swinson, lãnh tụ đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democrats- Lib Dem), có nghĩa là ông theo đảng đó, chỉ trong vòng vài phút.
Giả sử ông Lee sang ngồi cùng hàng ghế của đảng Lao động (Labour) thì người ta hiểu rằng ông theo đảng đó.
Khác ông Lee, chừng 20 nghị sỹ Bảo thủ khác đã bỏ phiếu chống chính phủ của đảng mình, nhưng lại vẫn ngồi bên hàng nghế của Bảo thủ.
Họ làm vậy bất chấp tuyên bố khai trừ họ của ban kỷ luật đảng, còn gọi là Chief Whip.
Mở ngoặc giải thích một chút thì Whip là chiếc roi ngựa, hình tượng kỵ sỹ xưa vụt, lùa ngựa đi vào đúng đường, nay là hướng các nghị sỹ tuân theo đường lối của đảng, rất là Ăng-Lê và cũng nói về sự tàn bạo của chính trị.
Chief Whip – trưởng ban kỷ luật đảng có thể mua chuộc nghị sỹ bằng chức vụ, bằng quyền lợi, hoặc đe dọa (blackmail) nhưng không nghe sẽ tiết lộ scandal tình dục, bê bối trong quá khứ của dân biểu.
Toàn chuyện rất là đời sống.
Bị ‘đuổi khỏi đảng’ thì sao?
Trên thực tế, quy chế đảng viên ở Anh cho phép dân biểu vẫn giữ ghế trong Quốc hội sau khi ‘mất thẻ đảng’.
Vì các nghị sỹ có thể là thành viên một đảng, hoặc đứng độc lập.
Họ cần vào đảng để ra tranh cử nếu đảng đó đang mạnh, nhưng lại chịu trách nhiệm nhiều hơn trước cử tri ở địa hạt (khu vực bầu cử) đã bỏ phiếu cho họ.
Bởi vậy, dù bị khai trừ ra khỏi đảng Bảo thủ, các ông như Philip Hammond, Ken Clarke, bà Justine Greening vẫn là đại biểu quốc hội, vì cử tri chưa hề phế truất họ.
Vẫn là nghị sỹ, họ chỉ lùi lại, ngồi ở ghế sau (backbencher), và vẫn có quyền bỏ phiếu nguyên vẹn, kể cả bỏ phiếu chống lại đảng (cũ) của mình.
Uy thế của thủ tướng Boris, người cũng là lãnh tụ đảng, bị hạn chế ở đây và không thể ‘nặng đồng cân’ hơn lá phiếu cử tri.
Nhưng vụ 21 nghị sỹ Bảo thủ bị ‘khai trừ’ mà 20 người không chịu bỏ đảng khiến ông Johnson đau đầu.
Sang ngày 05/09, chừng 80 nghị sỹ khác, trên tổng số 289 người trong Hạ viện, viết thư yêu cầu ông Johnson phục hồi tư cách đảng viên của những người kia.
Nếu không cẩn thận vụ này, ông Johnson sẽ làm phá tan đảng Bảo thủ Anh, có tuổi đời không nhỏ, từ năm 1834.
Khả năng đảng Bảo thủ rút lại quyết định khai trừ 21 người này là rất cao.
Vì mới đụng vào Quốc hội, chỉ trong vòng 48 tiếng, ông Johnson bị thua bốn vòng bỏ phiếu liền.
Lý do là cán cân quyền lực Westminster nghiêng về Quốc hội trong các việc lâu dài, trọng đại, còn chính phủ chỉ mạnh trong việc hàng ngày.
Quốc hội, gồm cả các đảng đối lập có quyền:
Sa thải chính phủ qua cách chặn lại (withholding, blocking) luật ngân sách;
Thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng.
Ngược lại, thủ tướng chỉ có quyền kêu gọi bầu cử sớm, trên thực tế là giải tán Hạ viện, khiến mọi dân biểu mất ghế.
Đây là đe dọa ông Boris Johnson nói ông sẽ làm nếu Lưỡng viện Quốc hội thông qua luật gia hạn Brexit.
Nay thì ông đã thất bại trong cả hai tính toán chính trị này, cho thấy ‘sức khỏe’ của nền dân chủ đại nghị Anh vẫn rất tốt, và ông Johnson có muốn làm ‘nhà độc tài’ cũng khó.
Chả gì, lấy tên tên từ Điện Westminster (xây có từ 1016) ở London, Quốc hội Anh có tuổi thuộc hàng ‘gạo cội’ nhất thế giới.
Các nghị sỹ vẫn gọi nhau vẫn là ‘Quý ông quý bà đáng kính’ (Right Honourable) để công khai đấu đá, triệt hạ, khai trừ nhau.
Dưới màu sắc, ngôn ngữ truyền thống, các thủ tục có hàng trăm năm tuổi, xem ra nghị trường Anh ở thế kỷ 21 vẫn rất năng động, quyết liệt và hấp dẫn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49582991
Boris Johnson ‘thua liên tiếp’,
Anh gia hạn Brexit, không bầu cử sớm
Thủ tướng Boris Johnson đối mặt với một thất bại kép trước Hạ viện sau khi Hạ viện Anh bác đề xuất của ông về một cuộc tổng tuyển cử sớm.
Trước đó, các dân biểu đã bỏ phiếu 328 trên 301, giành lại nghị trình thảo luận để ngăn ông Boris Johnson đưa Anh ra khỏi EU mà không đạt thỏa thuận gì, còn gọi là no-deal Brexit, vào 31/10/2019.
Luật của Hạ viện yêu cầu ông Johnson phải xin EU cho gia hạn Brexit đến 31/01/2020.
Nay, Thượng viện Anh cho biết họ sẽ thông qua luật không đồng ý về khả năng Anh rời EU ngày 31/10 mà không có thỏa thuận gì.
Sẽ xong trước cuối tuần
Lord Ashton, thành viên Thượng viện (House of Lords) cho hay hôm 05/09 rằng Thượng viện sẽ cố gắng thông qua luật đúng 17:00 ngày 06/09, trước kỳ nghỉ cuối tuần.
Cuộc chạy đua 48 giờ qua của cả Hạ viện và Thượng viện đã đánh bại các sáng kiến lập pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình Brexit của Thủ tướng Johnson.
Các báo Anh nói kể từ 1718, chưa có một thủ tướng Anh nào bị thất bại nhanh chóng trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo như ông Johnson.
Boris thua vòng I và Hạ viện Anh muốn gia hạn Brexit
Thủ tướng Anh Johnson khôn khéo hay độc tài?
Cựu giám đốc tình báo Anh quan ngại về Brexit
Chỉ trong một ngày, ông Johnson đã mất cả 21 nghị sỹ Hạ viện của đảng Bảo thủ, và hiện không còn nắm đa số nào trong Hạ viện (House of Commons).
Phe đối lập nay nói họ chỉ đồng ý bầu cử sớm sau khi hạn ‘no-deal Brexit’ 31/10 đã hoàn toàn bị bác bỏ.
Cho đến sáng 05/09 giờ London, mọi việc vẫn còn chưa rõ ràng vì các dự luật sau khi được thông qua, về chuyện ngăn no-deal Brexit, hay bầu cử sớm, đều còn cần sự chuẩn thuận của Nữ hoàng Elizabeth II (royal assent).
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49589741
Pháp : Thắng kiện,
gà trống Maurice có quyền được gáy
Tòa án Rochefort (vùng Charente-Maritime) hôm 05/09/2019 đã cho phép bị cáo gà trống Maurice tiếp tục được gáy, bác đơn kiện của một cặp vợ chồng láng giềng về tội gây ồn ào.
Gà trống Maurice từ nhiều tháng qua đã trở thành biểu tượng của miền quê nước Pháp, lên cả báo Mỹ New York Times. Vụ tranh tụng giữa một cặp vợ chồng là sở hữu chủ một ngôi nhà nghỉ ở Saint
Pierre-d’Oléron với người hàng xóm chủ của con gà, bà Corinne Fesseau, từ trước mùa hè đã chiếm trang nhất báo chí, tạo ra một làn sóng ủng hộ chú gà trống.
Trong phán quyết công bố hôm 05/09, tòa án cho rằng các nguyên đơn « không có cơ sở », nêu ra các nhận định khác nhau của thừa phát lại tại hiện trường. Tòa buộc nguyên đơn phải bồi thường 1.000 euro cho gà Maurice, và phải trả án phí.
Bà Corinne Fesseau vui mừng nói với Reuters : « Hôm nay, Maurice đã thắng được một cuộc chiến đấu cho toàn nước Pháp, và cho vùng thôn quê. Giờ đây chúng tôi hy vọng quyết định của tòa sẽ được áp dụng khắp nơi, và các thị trưởng vùng quê không còn phải lo ngại. Khi đến đảo Oléron, cần phải chấp nhận những tiếng động của thôn dã ».
Các vụ kiện về tiếng động nơi miền quê (chuông nhà thờ, tiếng gà gáy, ve kêu, bò rống…) liên tục xảy ra trong những năm gần đây tại Pháp. Một số thị trưởng, trong đó có ông Bruno Dionis du Séjour của vùng Gajac nơi gà trống Maurice sinh sống, cho biết muốn xếp những tiếng động vùng thôn dã thành « tài sản quốc gia » của nước Pháp.
AFP cho biết thêm, cả nguyên đơn lẫn bị cáo gà trống đều vắng mặt trong phiên tòa hôm 05/09.
Trước đây, phóng viên New York Times khi đến Oléron viết bài phóng sự cho biết, từ khi phải « đáo tụng đình », bị thừa phát lại rình rập, gà Maurice đã bị rơi vào tình trạng trầm cảm, hiếm khi cất tiếng gáy vào sáng sớm.
http://vi.rfi.fr/phap/20190905-phap-thang-kien-ga-trong-maurice-co-quyen-duoc-gay
Ý : Chính phủ mới được thành lập
sau 8 tuần khủng hoảng chính trị
Sau 8 tuần căng thẳng, nước Ý đã có một chính phủ mới. Thủ tướng Giuseppe Conte chiều 04/09/2019 trình tổng thống Sergio Mattarella các bộ trưởng trong liên minh Dân Chủ và Phong trào 5 Sao. Chủ tịch đảng cực hữu Liên đoàn Phương bắc, Matteo Salvini, thất bại trong mưu đồ độc quyền lãnh đạo qua một cuộc bầu cử trước kỳ hạn, mất ghế phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội Vụ, phải quay về thế đối lập.
Từ Roma, thông tín viên Anne Tréca tường thuật :
“Một chính phủ trên danh nghĩa không thuộc cánh tả cũng không thuộc phe hữu, mục đích duy nhất là bảo vệ gia đình người dân nước Ý và công ăn việc làm. Với tuyên bố này, thủ tướng Giuseppe Conte giới thiệu thành phần nội các gồm 10 bộ trưởng, thành viên của Phong trào 5 Sao và 9 bộ trưởng thuộc đảng Dân Chủ, với một chính sách tập trung vào xã hội nhiều hơn .
Một trong những nhân vật nặng ký trong chính phủ là bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Roberto Gualtieri, nguyên là chủ tịch Ủy ban Kinh tế tại Nghị viện Châu Âu. Ông là người thông hiểu những trói buộc cũng như các cơ hội trong Liên Hiệp Châu Âu và sẽ trấn an được các đối tác và các định chế tài chính.
Về phía Phong trào dân túy 5 Sao, Luigi di Maio, nhà lãnh đạo tính khí khó lường được trao cho bộ Ngoại Giao. Chức ngoại trưởng là lô trúng an ủi sau khi mất hàm phó thủ tướng mà ông chia sẻ với thủ lĩnh cực hữu Matteo Salvini trong chính phủ trước.
Cương lĩnh hành động của nội các Giuseppe Conte có hai điểm thay đổi cơ bản.Thứ nhất là chính sách kinh tế sẽ không làm thâm thủng ngân sách quá mức. Thứ hai chính sách nhập cư sẽ được quản lý tốt hơn với nhiều biện pháp giúp di dân mới đến hội nhập vào xã hội Ý và có kế hoạch chung với châu Âu.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190905-y-chinh-phu-moi-duoc-thanh-lap-sau-8-tuan-khung-hoang-chinh-tri
Ba Lan và bài học
về ‘người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn’
Ba Lan đã tiến thêm một bước trong kế hoạch lôi kéo quân đội Mỹ đến xứ sở của mình: Mỹ đã đồng ý mở rộng phạm vi trú đóng của quân đội Mỹ, vào lúc này là sáu khu vực trên lãnh thổ Ba Lan. Hai bên đang tiếp tục thảo luận về việc đưa quân đội Mỹ đến trú đóng tại khu vực thứ bảy. Hai tháng trước, Ba Lan đã thuyết phục Mỹ tăng quân số trú đóng tại Ba Lan từ 4.500 lên 5.500 và thiết lập một bộ chỉ huy cấp sư đoàn đối với lực lượng trú đóng tại Ba Lan (1).
Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa xác định có đưa quân nhân Mỹ đến thường trú tại Ba Lan hay không, cho dù Ba Lan đã đề nghi chi hai tỉ Mỹ kim để xây dựng một căn cứ riêng cho quân đội Mỹ thường trú (2). Thường trú khác hoàn toàn với trú đóng. Để dễ hình dung có thể khái quát thế này: Lệnh điều động quân nhân Mỹ đến một căn cứ dạng thường trú thường có thời hạn là ba năm. Vì đó là lệnh điều động dài hạn, quân đội Mỹ có trách nhiệm sắp xếp để quân nhân Mỹ đưa gia đình cùng đi, cùng sống với họ trong ba năm ấy.
Cũng vì vậy, căn cứ dành cho thường trú không chỉ là nơi đóng quân, đó còn là chỗ sinh hoạt của cả một cộng đồng, thành ra phải có trường học, thư viện, bệnh viện, siêu thị, rạp chiếu phim, công viên, trạm xăng,… nhìn chung là y như ở Mỹ. Nói cách khác, căn cứ thường trú đồng nghĩa với việc tạo ra một cộng đồng dân cư Mỹ bên ngoài Mỹ, gắn chặt an ninh của cộng đồng đó với quốc phòng của quốc gia nơi cộng đồng đó hiện diện.
Còn trú đóng là điều động quân nhân Mỹ đến quốc gia nào đó tối đa chín tháng để thực hiện một kế hoạch, một chiến dịch. Quân nhân đi theo đơn vị, không có gia đình cùng đi. Sau chín tháng, nếu kế hoạch hay chiến dịch chưa kết thúc, quân đội Mỹ sẽ điều động đơn vị khác đến thế chỗ. Sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine (2014), NATO hối thúc Mỹ điều động quân đội đến trú đóng, gia tăng phối hợp tập luyện với quân đội các quốc gia Đông Âu nhưng không thường trú như ở nhiều quốc gia Tây Âu.
***
Nếu dành một chút thời gian đọc qua về lịch sử Ba Lan (3), có thể thấy xứ sở này rất giống Việt Nam ở chỗ liên tục phải đối đầu với ngoại xâm, liên tục bị ngoại bang chiếm đóng – đô hộ, bị chia năm – xẻ bảy. Để khôi phục độc lập, giành lại tự do, xương của nhiều thế hệ Ba Lan cũng cao như núi, máu của nhiều thế hệ Ba Lan cũng chảy như sông. Một trong những điểm trớ trêu, khiến lịch sử Ba Lan thấm đẫm máu và nước mắt cũng do láng giềng vừa tham, vừa tàn bạo.
Giống như Việt Nam – chẳng may kề cận Trung Quốc, Ba Lan chẳng may giáp vách với Nga. Nga chà đi – xát lại Ba Lan suốt từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20. Song không có giai đoạn nào trong lịch sử Ba Lan bi thương bằng thời điểm từ 1918 đến 1989 – thời điểm ra đời Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và tan rã. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, Lenin xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản sang các lân bang, đỡ đầu cho các đảng cộng sản tại đó giành chính quyền ở Ba Lan, Belarus, Ukraine.
Riêng tại Ba Lan, trong 20 năm, từ 1918 – 1938, Liên Xô – “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn” của đảng cộng sản Ba Lan đã điều động Hồng quân giết 119.000 người, hỗ trợ đảng cộng sản Ba Lan tạo lập các “vùng giải phóng”, xây dựng “chính quyền nhân dân”, bằng cách đưa hàng chục ngàn gia đình thuộc diện nguy hại cho “cách mạng xã hội chủ nghĩa” ở Ba Lan đến Kazakhstan. Bên cạnh đó, “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn” của đảng cộng sản Ba Lan ký với phát xít Đức “Mật ước Molotov – Ribbentrop”.
Theo đó, năm 1939, phát xít Đức chiếm một nửa Ba Lan, Liên Xô chiếm nửa còn lại. So với phát xít Đức, Liên Xô còn tàn bạo hơn. Khi tràn vào Ba Lan, Hồng quân đã bắt 22.000 người được xem như tinh hoa của dân tộc Ba Lan (tu sĩ, khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, sĩ quan cao cấp, doanh nhân,…) đưa hết về Liên Xô để giết rồi chôn ở Katyn. Khi xé bỏ “Mật ước Molotov – Ribbentrop”, đuổi Liên Xô khỏi Ba Lan, tràn vào Liên Xô, phát xít Đức phát giác rồi tố cáo vụ “Thảm sát Katyn” để cô lập Liên Xô.
“Thảm sát Katyn” được công khai lần đầu vào tháng 4 năm 1943 nhưng vì “tình hữu nghị” với Liên Xô, đảng cộng sản Ba Lan lờ đi. Dân Ba Lan chỉ có thể đề cập đến “Thảm sát Katyn” vào đầu thập niên 1990, sau khi đảng cộng sản Ba Lan bị tước mất quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Ba Lan… Năm 2004, Liên bang Nga – kế thừa Liên Xô – mới thừa nhận “Thảm sát Katyn” và năm 2010, Quốc hội Nga mới lên án Stalin và các viên chức Liên Xô dính líu đến vụ thảm sát (4).
Tội ác do “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn” của đảng cộng sản Ba Lan gây ra đối với dân Ba Lan không chỉ có chừng đó. Năm 1944, khi Hồng quân Liên Xô đã tiến đến ngoại ô Warsaw, dân Warsaw đồng loạt nổi dậy đánh đuổi phát xít Đức khỏi thủ đô của mình. Tuy nhiên Hồng quân không những không tiến vào hỗ trợ mà còn ngăn cản phi cơ của phía Đồng minh (Anh, Mỹ,…) thả dù tiếp tế vũ khí, đạn dược, thực phẩm. Kết quả, phát xít Đức rảnh tay đàn áp, từ 150.000 đến 200.000 người Ba Lan bị giết (5).
Một Ba Lan kiệt quệ cả về nhân lực lẫn kinh tế sau Thế chiến thứ hai đã giúp đảng cộng sản Ba Lan trở thành tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Ba Lan với sự hỗ trợ của Liên Xô – “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn” của đảng cộng sản Ba Lan. Sau Thế chiến thứ hai, Liên Xô điều động 500.000 lính đến Ba Lan, giúp đảng cộng sản Ba Lan “ổn định chính trị” để xây dựng chủ nghĩa xã hội. 80% sĩ quan quân đội Ba Lan là sĩ quan Hồng quân…
Đó cũng là cách đảng cộng sản Nga sử dụng để tạo lập, củng cố Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết và xây dựng khối quốc gia xã hội chủ nghĩa ở khu vực Đông Âu. Đó cũng là lý do tại sao cuối thập niên 1980, Liên Xô tan rã rất nhanh và dân chúng các quốc gia Đông Âu đồng loạt vứt bỏ chủ nghĩa xã hội không hề đắn đo. Đó cũng là nguyên nhân chính, sau khi Nga “thu hồi” bán đảo Crimea vốn là lãnh thổ của Ukraine, 80% dân Ba Lan xem Nga là ẩn họa đối với xứ sở của họ. Chính phủ Ba Lan cũng như chính phủ nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô hoặc ở khu vực Đông Âu tìm mọi cách gia nhập NATO và mời gọi quân đội Mỹ đến trú đóng hay thường trú.
***
Bước tiến mới của Ba Lan trong kế hoạch lôi kéo quân đội Mỹ đến xứ sở của họ khiến kẻ viết bài này liên tưởng đến đề nghị mà Mỹ từng nêu ra với Việt Nam cách nay vài năm: Hợp tác thành lập một hệ thống kho dự trữ quân nhu, quân cụ tại Việt Nam để quân đội Mỹ có thể có đủ vật dụng thực hiện ngay các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, ứng phó với thiên tai trong khu vực Đông Nam Á. Đề nghị đó chẳng biết có còn giá trị không vì chưa thấy tiến triển nào mới.
Dẫu nỗ lực đẩy mạnh hợp tác về an ninh – quốc phòng với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì “chính sách ba không”: Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác. Cần lưu ý, tự thân “chính sách ba không” không sai, cũng chẳng xấu, thậm chí là nhất thiết phải như thế nếu có thể bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.
Vấn đề nằm ở chỗ, “chính sách ba không” lại do những cá nhân nhất mực khẳng định: Việt Nam và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”, với “đặc trưng cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo” nên “tạo ra mối quan hệ đặc biệt”, “chi phối cách ứng xử của cả hai”, thành ra “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (6) – soạn thảo.
Cứ so sánh hiệu qủa việc thực thi “chính sách ba không” với thực tế ắt sẽ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền hay không. Xét cho đến cùng “chính sách ba không” có tương quan mật thiết đến việc đảng CSVN vẫn tìm đủ mọi cách níu giữ đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của riêng mình. Do vậy, mâu thuẫn với Trung Quốc về lợi ích quốc gia, xa hơn là sự an nguy cho tương lai của dân tộc không quan trọng bằng việc được “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác”, nhằm giữ cho bằng được “sự thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Quan hệ Việt – Trung và những diễn biến gần đây ở biển Đông chỉ là một trong vô số ví dụ minh họa. Có lẽ đã đến lúc, người Việt nên dành nhiều thời gian hơn trong việc nghiên cứu cả về lịch sử Ba Lan, lẫn lịch sử của các quốc gia từng là thành viên của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, các quốc gia từng nằm trong khối “xã hội chủ nghĩa” – anh em với Việt Nam để đối chiếu, ngẫm nghĩ về bài học liên quan tới “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn”, đặc biệt khi “người bạn” ấy sát vách nhà mình.
Chú thích
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Poland
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Katyn_massacre
(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Poland-Russia_relations
(6) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm
https://www.voatiengviet.com/a/ba-lan-trung-quoc-viet-nam-ban-lon-xa-hoi-chu-nghia/5071210.html
Người Kazakhstan biểu tình phản đối Trung Cộng
Tin Nur-Sultan, Kazakhstan – Theo bản tin từ Reuters, vào thứ Tư, 4 tháng 9, nhiều người Kazakhstan đã biểu tình tại 3 thành phố, phản đối kế hoạch xây dựng các nhà máy Trung Cộng, vốn được chính phủ Kazakhstan kỳ vọng sẽ đem lại tiền đầu tư và việc làm.
Trung Cộng hiện đang là một trong các nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Kazakhstan. Tuy nhiên, sự hiện diện quá nhiều của Trung Cộng và các vụ đàn áp người Hồi giáo Tân Cương đang thổi bùng lên tâm lý chống Trung Cộng tại quốc gia vùng Trung Á.
Các cuộc biểu tình xuất hiện lần đầu tiên vào Chủ Nhật, 1 tháng 9, tại thị trấn nhỏ Zhanaozen ở miền tây Kazakhstan. Khoảng 100 người đã tụ tập để yêu cầu chính phủ cấm kế hoạch di dời các nhà máy Trung Cộng, vốn bị cho là lỗi thời và ô nhiễm, đến Kazakhstan. Đến thứ Hai, đám đông biểu tình tăng lên 300 người. Lãnh đạo địa phương Serikbai Trumov nói với người biểu tình rằng hiện không có kế hoạch xây nhà máy nào được thực hiện, dù chính phủ từng cho biết đang thảo luận một số dự án đầu tư với các công ty Trung Cộng. Tuy vậy, cuộc biểu tình vẫn tiếp tục kéo dài đến thứ Tư, lan đến cả thủ đô Nur-Sultan và thành phố Almaty lớn nhất quốc gia. Tại Almaty, khoảng 30 người đã tụ tập bên ngoài văn phòng thị trưởng, cầm biểu ngữ phản đối Trung Cộng và hát quốc ca. Tại Nur-Sultan, khoảng 20 người đã tuần hành tại một quảng trường, cầm các biểu ngữ có nội dung tương tự.
Trung Cộng là nhà đầu tư lớn trong ngành năng lượng của Kazakhstan, và mua rất nhiều dầu và khí đốt từ quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, giới chỉ trích cáo buộc các công ty Trung Cộng thuê mướn rất ít người địa phương, và trả lương cho họ ít hơn so với nhân viên nước ngoài. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/nguoi-kazakhstan-bieu-tinh-phan-doi-trung-cong/
Iran phát triển máy ly tâm
để làm giàu uranium nhanh hơn
Ngày 4/9, Iran nói sẽ bước đi một bước nữa rời xa hiệp ước hạt nhân 2015 bằng cách bắt đầu phát triển những máy ly tâm để nhanh chóng làm giàu chất uranium nhưng cũng cho các cường quốc châu Âu thêm hai tháng nữa để cứu vãn hiệp ước đa phương.
Trong một bài diễn văn truyền hình, Tổng thống Rouhani nói Iran, từ ngày thứ Sáu 6/9 sẽ bắt đầu phát triển các máy ly tâm để tăng tốc việc làm giàu uranium có thể dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hay bom hạt nhân, như là một bước kế tiếp để giảm bớt những cam kết hạt nhân của nước này.
Theo hiệp ước 2015, Iran được phép giữ một số lượng hạn chế các máy ly tâm thế hệ đầu tiên tại hai nhà máy hạt nhân. Sự thành công của việc phát triển những máy ly tâm tân tiến hơn sẽ giúp Iran có thể sản xuất chất liệu cho bom hạt nhân vài lần nhanh hơn.
“Từ ngày thứ Sáu, chúng ta sẽ chứng kiến việc nghiên cứu và phát triển nhiều loại máy ly tâm khác nhau và những gì cần thiết để làm giàu uranium một cách nhanh chóng,” Ông Rouhani nói. “Tất cả những giới hạn về Nghiên cứu và Phát triển của chúng ta sẽ được gỡ bỏ vào ngày thứ Sáu.”
Iran nói chỉ làm giàu chất uranium để dùng trong các nhà máy điện hạt nhân, nhưng Hoa Kỳ từ lâu đã nghi ngờ chương trình này cuối cùng nhằm sản xuất vũ khí.
Kể từ khi Washington rút khỏi hiệp ước, Tehran đã có hai hành động khác vi phạm hiệp ước, dù Iran nói vẫn nhằm cứu vãn thỏa thuận.
Iran tuyên bố tiến hành
« nghiên cứu và phát triển hạt nhân vô giới hạn »
Đàm phán với Pháp để bảo vệ kinh tế Iran đang bị lệnh trừng phạt của Mỹ làm điêu đứng, chiều hôm qua 04/09/2019, tổng thống Hassan Rohani tuyên bố « bỏ hết những trói buộc » liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran theo các điều kiện của hiệp định 2015.
Quyết định này có thể xem là một dạng gây áp lực với châu Âu và cùng lúc là một bước kế tiếp phủ nhận hiệp định.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi phân tích :
“Tổng thống Rohani đã chính thức ra lệnh cho Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran chuẩn bị những biện pháp cần thiết về nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân của quốc gia.
Quyết định của Teheran được loan báo ngay vào lúc diễn ra những cuộc thương lượng quan trọng với nước Pháp, nhân danh các nước châu Âu, bảo đảm cho Iran một phương tiện lách né lệnh trừng phạt của Mỹ. Cụ thể là cho phép Iran xuất khẩu dầu hỏa và thu về ngoại tệ.
Nhưng cuộc đàm phán này không đi đến kết quả mong muốn. Teheran quyết định vượt qua làn ranh giới hạn thứ ba trong khuôn khổ hiệp định hạt nhân 2015.
Thông báo này chứng tỏ Iran sắp tăng tốc chương trình chế tạo hệ thống máy ly tâm mới để tinh lọc uranium và sẽ đào sâu thêm sự khác biệt lập trường giữa Iran và các nước Tây phương.
Teheran quyết định khởi động lại chương trình hạt nhân để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Washington, cấm xuất khẩu dầu hỏa, bóp nghẹt kinh tế Iran.
Phản ứng như thế, Teheran hy vọng tạo được sức ép để các nước châu Âu thi hành các biện pháp cụ thể chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ “.
Tiếp theo thông báo của tổng thống Iran, Israel kêu gọi quốc tế « gia tăng áp lực » không cho Iran đạt được mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản ứng như trên vào sáng thứ Năm 05/09/2019 trước khi bay sang Luân Đôn.
Trước đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng tuyên bố không để bị áp lực ngăn cản « trang bị vũ khí hạt nhân » trong khi nhiều nước đã có vũ khí này.
Về phía Mỹ, Washington thông báo một loạt trừng phạt mới đánh vào « mạng lưới vận chuyển hàng hải » gồm 16 công ty, 11 thương thuyền và 10 cá nhân bị xem thuộc đường dây kinh tài của Vệ Binh Cách Mạng Iran và lực lượng can thiệp bên ngoài Al Qos.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190905-iran-nghien-cuu-va-phat-trien-hat-nhan-vo-gioi-han
Nhật – Trung “cạnh tranh” ở châu Phi
: “Chất” đấu “lượng”
Bế mạc “Hội thảo Quốc tế Tokyo về sự phát triển của châu Phi” lần thứ 7 (28-30/08/2019) tại Yokohama (ngoại ô Tokyo), thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định tăng cường hiện diện ở châu Phi, “thay đổi mối quan hệ giữa Nhật Bản và châu Phi”, “hỗ trợ châu Phi nhưng cũng phải tính đến gánh nặng nợ nần của đất nước nhận giúp đỡ và làm thế nào để gánh nặng đó không trở nên quá đáng”. Với phát biểu này, thủ tướng Abe ám chỉ đến những “bẫy nợ” của Trung Quốc.
Nhật Bản và châu Phi thiết lập đối thoại ngay từ năm 1993, thông qua “Hội thảo Quốc tế Tokyo về sự phát triển của châu Phi” (Tokyo International Conference on African Development, TICAD), được Ngân Hàng Thế Giới, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Phi đồng tổ chức. Nhật Bản đầu tư vào châu Phi khi lục địa này còn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, châu Phi hiện trở thành miền đất hứa, nơi mà cả châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Trung Quốc tìm cách cạnh tranh và gây ảnh hưởng. Đối với Nhật Bản, đây là những đối thủ nặng ký, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy, từ năm 2013, thay vì 5 năm một lần, hội nghị TICAD được tổ chức 3 năm một lần và luân phiên giữa châu Phi và Nhật Bản.
Trung Quốc ở châu Phi : Tiền nhiều nhưng uy tín không cao
Trung Quốc nối gót Nhật Bản khi tổ chức hội nghị riêng về phát triển của châu Phi. Tại thượng đỉnh năm 2018, Trung Quốc hứa đầu tư 60 tỉ đô la vào châu Phi, cao gấp đôi số ngân sách đầu tư của Nhật Bản vào châu Phi được công bố năm 2016 (30 tỉ đô la trong vòng 3 năm, tập trung vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống y tế…).
Tuy nhiên, các nước châu Phi ngày càng dè chừng tín dụng của Trung Quốc, vì thường trở thành “bẫy nợ”. Trường hợp mới đây là Tanzania đã từ chối khoản tín dụng 10 tỉ đô la để cải tạo một hải cảng trong khu du lịch Bayamago. Theo giám đốc nghiên cứu Akiko Suwa-Eisenmann của Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia Pháp (INRA), khi trả lời France 24 : “các dự án được phát triển với các khoản vay có lãi suất ưu đãi trên giấy tờ, có thể sẽ dẫn đến một khoản nợ nặng nề cho một số nước”. Đây là trường hợp của Djibouti, nơi Trung Quốc có căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên. Năm 2015,
Djibouti ồ ạt vay Trung Quốc để chi trả cho các dự án kiến thiết. Kết quả : nợ công của nước này tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm, hiện chiếm 89% GDP.
Khi được triển khai năm 2013, dự án “Con đường tơ lụa mới” nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi bị lên án ưu ái các doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương, chuốc nợ cho các nước tham gia dự án và không quan tâm đến nhân quyền và môi trường.
Khẩu hiệu hợp tác “đôi bên cùng có lợi” mà Bắc Kinh vẫn quảng bá ở châu Phi không còn tiếng vang như trước đây, vì, theo chuyên gia Akiko Suwa-Eisenmann, “sự xuất hiện của Trung Quốc ở châu Phi đã tham gia vào việc chiếm đoạt của cải gây thiệt hại cho người dân. Thậm chí, một số người còn nói đến cướp bóc nguồn tài nguyên, trong đó có gỗ ở Cameroun hoặc ở Ghana”.
Nhật Bản tăng cường hiện diện và hợp tác “lành mạnh” tại châu Phi
Dù đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào châu Phi thấp hơn Trung Quốc đến 5 lần, nhưng Tokyo hướng đến hợp tác “lành mạnh”, theo tường trình của thông tín viên RFI Frédéric Charles tại lễ bế mạc Hội thảo TICAD ngày 30/08 ở Yokomaha :
“Để thể hiện khác biệt với một Trung Quốc bị lên án là đẩy châu Phi vào vòng nợ nần, Tokyo nhấn mạnh đến chất lượng đầu tư của Nhật Bản và các sản phẩm. Điều này được khẳng định qua phát biểu của ông Motoharu Wakabayashi, trợ lý giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Nhật Bản : “Chúng tôi chú trọng vào chất lượng của sản phẩm và của công việc”.
Đối với ông Tetsuo Yamashita, tổng giám đốc tập đoàn Japan Asia Group, chuyên về năng lượng tái tạo, châu Phi là biên giới cuối cùng của sự phát triển : “Dân số châu Phi tăng nhanh. Sắp tới một phần năm dân số thế giới là người châu Phi. Tiêu thụ sẽ tăng, công nghệ cũng thế, châu Phi phát triển rất nhanh”.
Đây cũng là nhận định của ông Yofi Grant, chủ tịch trung tâm xúc tiến đầu tư của Ghana : “Từ giờ đến năm 2050, châu Phi sẽ chiếm đến 1/4 dân số địa cầu. Người ta không thể làm ăn trên thế giới mà không qua châu Phi”.
Có thể là vậy nhưng điều mà Guinea tìm kiếm ở Nhật Bản, theo tổng giám đốc công ty xây dựng Sogecopres, đó là kĩ năng hơn là tiền bạc. Ông Nabe Amara nói : “Chúng tôi cần được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và nếu như chúng tôi chia sẻ kỹ thuật cho nhau, cuối cùng chúng tôi sẽ trở thành những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên quy mô quốc tế”.
Nhật Bản được thực sự tín nhiệm ở châu Phi, nơi có khoảng 800 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động. Những công ty này muốn tăng cường hiện diện tại lục địa nhưng không quá xâm lấn như các đối thủ Trung Quốc”.
Để thể hiện khác biệt với Trung Quốc ở châu Phi, Nhật Bản nhấn mạnh đến việc đặt con người làm trọng tâm chương trình hợp tác, đề cao vai trò của phụ nữ, như khẩu hiệu “Thúc đẩy sự phát triển của châu Phi thông qua con người, công nghệ và sáng tạo” của hội thảo năm 2019.
Đầu tư của Nhật vào châu Phi trước tiên là nhằm cải thiện dịch vụ công : cung cấp điện, phát triển y tế phổ thông, cải thiện hệ thống giao thông công cộng, đào tạo 574 thực tập viên châu Phi về lĩnh vực cung cấp nước… Từ năm 2017, một chương trình về các thành phố sạch ở châu Phi thông qua quản lý rác thải đã được triển khai với sự hợp tác của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency, JICA).
Trong 9 năm, từ 250 doanh nghiệp vào năm 2010, hiện có 796 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Phi, trong đó phải kể tới tập đoàn lương thực Ajinomoto, tập đoàn vận tải Yamaha… nhờ Tokyo khuyến khích đầu tư của các đại tập đoàn tư nhân Nhật Bản nhằm tăng cường hiện diện. Tại TICAD 7, các chủ đề như phát triển nhân lực, đào tạo nghề và tăng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được đưa ra thảo luận.
Dường như nhắm đến “bẫy nợ” của Trung Quốc, tổng giám đốc ban châu Phi của JICA cho biết “JICA sẽ tổ chức các chương trình đào tạo cho các cán bộ châu Phi về quản lý nợ công. Chúng tôi (Nhật Bản) cũng đã cử nhiều cố vấn quản lý nợ và chính sách kinh tế vĩ mô đến một số nước gặp vấn đề về nợ công”.
Ngăn làn sóng Trung Quốc ở châu Phi
Sau hội thảo TICAD 7, Tokyo thông báo đầu tư 3,4 tỉ euro để xây dựng hệ thống phong điện ở Ai Cập và các nhà máy địa nhiệt ở Djibouti ; một nhà máy lắp ráp xe hơi của Toyota sẽ được xây dựng ở Côte d’Ivoire ; một số công ty khác cũng đã thông báo những dự án tương tự ở Ghana… để tạo việc làm cho lao động địa phương. Việc làm là yêu cầu đầu tiên của các nhà lãnh đạo châu Phi đối với các đối tác nước ngoài. Hàng năm có đến 15 triệu người châu Phi gia nhập thị trường lao động.
Trung Quốc, đối thủ thương mại của Nhật Bản, dĩ nhiên là mục tiêu tấn công đầu tiên của Tokyo khi tăng cường hiện diện và hợp tác với các nước châu Phi đang ngả theo “Con đường tơ lụa mới”. Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Akiko Suwa-Eisenmann của Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia Pháp (INRA), “từ nhiều năm nay, Tokyo tìm hậu thuẫn của các nước châu Phi để có được một ghế ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”, trong khi các nước châu Phi chiếm đến 1/3 thành viên Liên Hiệp Quốc.
Trong lĩnh vực quốc phòng, tại Djbouti nơi Trung Quốc có một căn cứ quân sự, Nhật Bản cũng có một căn cứ với 180 quân nhân, nằm sát với Camp Lemonnier của Mỹ. Theo nhận định của ông Sébastien Le Belzic, quản trị của trang Chinafrique, được Le Monde trích lại, “cả Tokyo lẫn Washington đều có một mục tiêu : đó là ngăn làn sóng Trung Quốc ở châu Phi”. Tuy nhiên, ông cho rằng “châu Phi cần thận trọng, không nên rơi vào bẫy phải lựa chọn giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tâm trạng chiến tranh lạnh sẽ không mang lại điều tốt đẹp gì cho lục địa này”.
(Tổng hợp từ RFI, France 24 và Le Monde)
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190905-nhat-trung-canh-tranh-o-chau-phi-chat-dau-luong
Trưởng đặc khu Hong Kong tuyên bố
rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, đưa ra 4 hành động
Quyết định này đồng nghĩa với việc chính quyền Hong Kong nhượng bộ 1 trong 5 yêu sách của người biểu tình.
Vào khoảng 17h51′ cùng ngày, các đài truyền hình địa phương đã bắt đầu phát sóng đoạn phát biểu được ghi hình từ trước của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trong đó bà chính thức đưa ra tuyên bố rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ.
Hong Kong trở thành một nơi xa lạ
Mở đầu bài phát biểu, bà Lâm nói:
“Hơn hai tháng qua, các cuộc biểu tình nổi lên từ Dự luật về Tội phạm Bỏ trốn vẫn tiếp diễn. Các công dân, cảnh sát và phóng viên của chúng ta đã bị thương trong các vụ bạo lực”.
“Có những cảnh tượng hỗn loạn ở sân bay và ga tàu điện ngầm; đường phố và hầm bỗng nhiên bị chặn, gây ảnh hưởng và bất tiện tới cuộc sống thường nhật. Các du khách băn khoăn liệu thành phố của chúng ta có còn là một nơi an toàn để du lịch và làm ăn hay không”.
“Gia đình và bè bạn hứng chịu áp lực, các cuộc tranh cãi bùng phát. Chúng ta cũng đã chứng kiến tình trạng ngược đãi, bắt nạt ở một số trường học và trên mạng internet. Đối với nhiều người, Hong Kong đã trở thành một nơi xa lạ”.
“Các vụ việc trong hơn 2 tháng qua đã khiến người Hong Kong bàng hoàng và buồn bã. Tất cả chúng ta đều rất lo lắng về Hong Kong, về quê nhà của chúng ta. Tất cả chúng ta đều hy vọng tìm được cách để vượt qua bế tắc và các thời đoạn bất ổn hiện nay”.
Rút hoàn toàn luật dẫn độ
Tiếp đó, lãnh đạo Hong Kong đề cập tới những yêu cầu của người biểu tình và quan điểm của chính quyền Hong Kong.
Trong số “5 yêu cầu” mà công chúng đưa ra, trên thực tế chúng tôi đã phản ứng trong nhiều dịp:
(i) Trước tiên là về vấn đề rút Dự luật. Ngày 15/6, tôi đã thông báo tạm đình chỉ Dự luật và sau đó tái khẳng định rằng “Dự luật đã chết”, rằng toàn bộ công tác lập pháp đã ngừng lại.
(ii) Thứ hai là về vấn đề thành lập Ủy ban Điều tra. Chính phủ tin rằng các vấn đề liên quan tới các hành động khi thi hành luật của cảnh sát đã được xử lý tốt nhất bởi Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC) hiện hành, cơ quan được thiết lập chính xác cho mục đích này. Ngoài giải quyết các khiếu nại về các sĩ quan cảnh sát, IPCC còn đảm nhiệm tiến hành một cuộc nghiên cứu tìm hiểu tình hình thực tế về việc xử lý các sự kiện do công chúng đề nghị ở quy mô lớn đã diễn ra sau ngày 9/6.
Tâm điểm sẽ là vụ Yuen Long ngày 21/7, sự kiện khiến công chúng lo ngại nghiêm trọng. Nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thực, đánh giá cách cảnh sát xử lý các vụ biểu tình và đưa ra đề xuất cho chính phủ. IPCC đã thiết lập một nhóm gồm nhiều chuyên gia quốc tế để hỗ trợ công việc cho mình và sẽ công khai các kết quả nghiên cứu, cũng như đề xuất.
(iii) Thứ ba là vấn đề biểu tình biến thành bạo động. Chúng tôi đã giải thích rằng, thực ra không có tác động pháp lý về cách mô tả hoặc phân loại những sự vụ như vậy. Cơ quan pháp lý đã đảm bảo với công chúng rằng mỗi quyết định khởi tố đều dựa trên bằng chứng thu thập được và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp, cũng như Bộ quy tắc Khởi tố.
(iv) Thứ tư là về vấn đề hủy bỏ cáo buộc nhằm vào người biểu tình, đối tượng bạo động và bỏ truy tố. Tôi đã giải thích rằng việc này đi ngược lại pháp quyền và không thể chấp nhận được. Nó cũng đi ngược lại Luật Cơ bản, trong đó khẳng định rằng quá trình khởi tố hình sự phải do cơ quan tư pháp xử lý, không bên nào được can thiệp.
(v) Thứ năm là về vấn đề tổ chức phổ thông đầu phiếu. Thực ra, đây là mục tiêu sau cuối được trình bày trong Luật Cơ bản. Như chúng tôi đã nói trước đó, nếu chúng ta đạt được điều này thì các cuộc thảo luận phải được tiến hành trong khuôn khổ pháp lý và trong một bầu không khí có lợi cho sự tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau, không khiến xã hội bị phân cực thêm nữa.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, phản ứng của chính quyền Hong Kong đối với 5 yêu cầu của người biểu tình đã được cân nhắc kỹ lưỡng và nói: “Nhiều người nói rằng chúng ta cần một cơ sở chung để bắt đầu một cuộc đối thoại và việc này phải bắt đầu từ Trưởng đặc khu”.
Bà đưa ra 4 đề xuất nhằm khởi động cuộc đối thoại nêu trên:
1) Chính quyền sẽ chính thức rút lại dự luật
2) Chính quyền sẽ hoàn toàn hỗ trợ Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC)
3) Bắt đầu từ tháng này, Lam cùng các quan chức của bà sẽ đi tới các khu dân cư để tìm hiểu những phàn nàn của người dân và tìm kiếm giải pháp.
4) Một nghiên cứu độc lập về nguồn cơn các vấn đề xã hội sẽ được tiến hành.
Cuối cùng, Trưởng đặc khu Hong Kong nhấn mạnh rằng, ưu tiên trước nhất của chính quyền Hong Kong là chấm dứt bạo lực, bảo vệ pháp quyền và khôi phục trật tự, cũng như an toàn xã hội.
“Để làm được như vậy, chính quyền phải nghiêm khắc thi hành luật pháp nhằm vào những hành vi bạo lực và phi pháp. Tôi và nhóm của mình hy vọng 4 hành động vừa được thông báo có thể giúp xã hội của chúng ta tiến về phía trước. Chúng ta hãy cùng thay bất đồng bằng đối thoại và cùng tìm kiếm giải pháp”.
Với quyết định rút hoàn toàn dự luật dẫn độ của chính quyền Hong Kong, SCMP cho rằng điều này đồng nghĩa với việc chính quyền đặc khu đã chấp nhận nhượng bộ 1 trong 5 yêu sách do người biểu tình đưa ra.
Trước đó, SCMP dẫn nguồn tin cho biết, trưởng đặc khu Hong Kong có cuộc gặp với những thành viên thân Bắc Kinh vào chiều nay tại tư gia. Các đại biểu Hong Kong tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc cũng được mời tới cuộc gặp.
Carrie Lam: Trung Cộng “tôn trọng và hỗ trợ”
quyết định thu hồi dự luật dẫn độ
Tin từ HỒNG KÔNG – Vào hôm thứ Năm (5/9), đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cho biết rằng Trung Cộng “hiểu, tôn trọng và ủng hộ” hành động từ chính phủ của bà về việc chính thức thu hồi một dự luật dẫn độ, một phần trong các biện pháp mà bà hy vọng sẽ giúp thành phố “tiến lên” sau nhiều tháng bất ổn.
Trong một cuộc họp báo, bà Lam nhiều lần bị hỏi về lý do khiến bà mất quá nhiều thời gian để thu hồi dự luật dẫn độ, bất chấp các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội, nhưng bà né tránh các câu hỏi này. Bà cho biết thêm rằng việc thu hồi dự luật triệt để là một quyết định từ chính phủ của bà với sự ủng hộ của Bắc Kinh.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng hơn 4% lên mức cao nhất trong một tháng trước khi công bố này được đưa ra. Tính đến giữa trưa hôm thứ Năm (5/9), thị trường chứng khoán tăng 0.4%.
Bà Lam cũng công bố các biện pháp khác, bao gồm mở một cuộc đối thoại với xã hội, để cố gắng giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị nghiêm trọng, bao gồm nhà ở và khả năng di chuyển cho những người trẻ tuổi. Bà cho rằng đây là những vấn đề đang góp phần vào tình trạng bế tắc hiện nay.
Việc thu hồi dự luật là một trong năm yêu cầu của những người biểu tình ủng hộ dân chủ, mặc dù nhiều người biểu tình và các nhà lập pháp cho rằng hành động này là quá ít và quá muộn. Bốn yêu cầu
còn lại bao gồm: rút lại việc dùng từ “bạo loạn” để mô tả các cuộc biểu tình, trả tự do cho tất cả những người biểu tình, tiến hành một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát, và trao quyền để người dân Hồng Kông tự chọn lãnh đạo của họ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/carrie-lam-trung-cong-ton-trong-va-ho-tro-quyet-dinh-thu-hoi-du-luat-dan-do/
Hồng Kông: Người biểu tình
bác bỏ kêu gọi đối thoại của chính quyền
Một ngày sau khi thông báo chính thức rút lại dự luật dẫn độ, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông tổ chức họp báo hôm 05/09/2019 kêu gọi nối lại đối thoại và chấm dứt bạo động.
Những cử chỉ hòa hoãn của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) không thuyết phục được đa số người biểu tình, bởi chính quyền chỉ nhượng bộ 1 trong số 5 đòi hỏi của phong trào đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông.
Đặc phái viênStéphane Lagarde từ Hồng Kông gửi về phóng sự ngắn sau đây :
“Cuộc cách mạng trong thời đại của chúng ta”, “Giải phóng Hồng Kông”, trên đây là những biểu ngữ xuất hiện trở lại trước Nghị Viện Hồng Kông, vài giờ sau thông báo chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ.
Trong cuộc họp báo không được chuẩn bị trước vào khuya hôm qua (04/09), những người lên tiếng phát biểu đeo mặt nạ và đội mũ bảo hiểm của công trường tuyên bố : không hài lòng với thông báo của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Họ giải thích, thông báo này tựa như người ta “dùng băng keo dính để băng bó cho người bị thương nặng “.
Cô Jina làm việc cho một công ty đa quốc gia tại một trong những tòa cao ốc bằng kính trong khu vực cho rằng “nếu như ba trước tháng đây, lãnh đạo Hồng Kông rút dự luật dẫn độ, tất cả các bên sẽ hài lòng. Giờ đây, chúng ta đã trông thấy những cảnh tượng cảnh sát đánh đập thường dân trong xe điện. Thành thử cần tiếp tục đấu tranh vì công lý”.
Đấu tranh vì công lý, là động lực thúc đẩy sinh viên một trường kỹ sư dân sự suốt mùa hè vừa qua liên tục chiếm đóng những con lộ đông người mua bán tại khu Wanchai, cách không xa các văn phòng chính phủ.
Chiều qua, nhiều tiếng còi xe chào đón tin chính quyền rút lại dự luật dẫn độ. Tom 21 tuổi, coi đây là một tin vui. Anh nói : ”Đây là một tin vui, chúng tôi đã đấu tranh nhiều để có được thành quả này”.
Một kết quả tốt nhưng chưa đủ, theo như ghi nhận của ông Andy Yep. Nay đã 70 tuổi và nghỉ hưu, thỉnh thoảng ông đi đá bóng ở sân vận động tại trung tâm thành phố. Ông nói : “Hồng Kông đang trở thành đất dụng võ của cảnh sát. Đâu đâu cảnh sát cũng có mặt, từ ở tầu điện ngầm đến trước cửa trường học. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã sai lầm nghiêm trọng”.
Riêng có giới doanh nhân dường như sẵn sàng tha thứ những sai lầm nói trên. Số này tỏ ra hài lòng về quyết định rút lại dự luật dẫn độ và đang nóng lòng chờ đợi kinh tế Hồng Kông hoạt động trở lại”.
Bắc Kinh “tôn trọng và ủng hộ” rút lại dự luật dẫn độ
Trong buổi họp báo chiều 05/09/2019, lãnh đạo Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga một lần nữa nhắc lại : quyết định chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ không cần được đem ra Nghị Viện để thảo luận hay biểu quyết.
Đây là “sáng kiến” của chính quyền Hồng Kông để thoát khỏi bế tắc. Bà Lâm đồng thời bác bỏ nghi vấn cho rằng chính quyền đưa ra quyết định này do Bắc Kinh chỉ thị. Tuy nhiên, lãnh đạo đặc khu hành chính nhấn mạnh là Trung Quốc “tôn trọng và ủng hộ” việc rút lại dự luật, nguyên nhân đẩy một phần dân chúng Hồng Kông liên tục xuống đường trong gần ba tháng vừa qua.
Tờ báo Anh Ngữ China Daily số ra ngày 05/09 cho rằng với việc chính quyền Hồng Kông rút lại dự luật dẫn độ, người biểu tình Hồng Kông “không còn lý do gì tiếp tục đi theo con đường bạo động”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190905-phong-trao-phan-khang-hk-bac-keu-goi-doi-thoai-cua-Carrie-Lam
Hồng Kông : Tiến trình hòa giải, đường còn dài
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông đã có một bước nhượng bộ lớn khi bất ngờ thông báo “chính thức” rút lại dự luật cho dẫn độ sang Trung Quốc nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài từ ba tháng qua. Tuy nhiên, từ giới quan sát đến phong trào dân chủ Hồng Kông đều cho rằng “con đường hòa giải còn nhiều chông gai”.
Trong 24 giờ qua, cụm từ “quá ít và quá muộn” được các phương tiện truyền thông phương Tây lập đi lập lại khi bình luận về các diễn biến tại Hồng Kông.
“Quá ít” bởi lãnh đạo Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), thỏa mãn một điểm duy nhất trong số năm đòi hỏi của người biểu tình. Chính quyền đồng ý dẹp bỏ dự luật đe dọa đến mô hình “một quốc gia hai chế độ” của Hồng Kông, nhưng từ chối nhượng bộ bốn đòi hỏi quan trọng khác trong mắt các nhà dân chủ Hồng Kông.
Bốn đồi hỏi đó gồm : thứ nhất là cho mở điều tra về các vụ bạo hành của cảnh sát nhắm vào người biểu tình ; thứ hai là trả tự do cho hơn 1.200 người biểu tình bị bắt giữ từ khi phong trào phản kháng bùng lên trước mùa hè vừa qua. Điều kiện thứ ba là rút lại việc gọi người biểu tình là những “kẻ gây bạo loạn”. Cuối cùng và đây là điều kiện mà Bắc Kinh chắc chắn không thể chấp nhận, là đòi hỏi tổ chức bầu cử tự do theo thể thức phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông.
Nhượng bộ của chính quyền Hồng Kông vừa được thông báo hôm 04/09 bị cho là “quá muộn”, bởi trong ba tháng qua, xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát liên tục xảy ra, bạo lực, hình ảnh những người biểu tình ôn hòa bị côn đồ tấn công, phi trường Hồng Kông bị chiếm đóng, hay những cảnh tượng hỗn loạn trong các trạm xe điện ngầm … đã làm làm xấu đi hình ảnh của một trong những thị trường năng động nhất tại châu Á này.
Giới đầu tư thận trọng với uy tín của Hồng Kông, vốn thường xuyên được đánh giá là nơi “dễ làm ăn nhất trên thế giới”. Chính lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã phải công nhận rằng khủng hoảng lần này “không chỉ đơn thuần liên quan đến dự luật dẫn độ”, mà đã “làm lộ rõ những căng thẳng chính trị, kinh tế và xã hội tại một trong những nơi mà chênh lệnh giàu nghèo thuộc vào bậc nhất thế giới”.
Một trong những gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Hồng Kông, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) trên mạng Twitter khẳng định “sự can thiệp thô bạo của cảnh sát gia tăng hàng tuần thời gian qua đã để lại một vết hằn trong xã hội Hồng Kông, khiến không còn ai tin vào lực lượng bảo vệ an ninh và trật tự” cho đặc khu hành chính này nữa.
Không chỉ có những người trong cuộc, Hiệp hội các Luật gia Hồng Kông cũng đã phải lên tiếng tố cáo cảnh sát Hồng Kông “lạm quyền” trấn áp người biểu tình.
Giới quan sát cho rằng chính thái độ chậm trễ của lãnh đạo Hồng Kông khiến phong trào phản kháng thêm quyết liệt và đã mở rộng ra thêm những đòi hỏi khác, thay vì chỉ tập trung vào một vấn đề đó là đòi chính quyền dẹp bỏ luật dẫn độ.
Sai lầm trong cách đối phó với khủng hoảng lần này của chính quyền khiến phe dân chủ Hồng Kông không tin vào hứa hẹn “đối thoại” và “bàn tay thân thiện” của trưởng đặc khu hành chính này. Phe dân chủ tiếp tục chuẩn bị xuống đường vào ngày Thứ Bảy 07/09.
Ngoài việc đánh giá nhượng bộ hôm 04/09 của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là “quá ít và quá trễ”, có một câu hỏi được đặt ra là liệu ban lãnh đạo Hồng Kông hiện nay có còn đủ uy tín với cả Bắc Kinh lẫn hơn 7 triệu dân Hồng Kông để tiếp tục điều hành vùng lãnh thổ này hay không. Câu trả lời có lẽ là không.
Trong một đoạn video mà hãng tin Reuters có được, chính bà Lâm thừa nhận khả năng hành động của bà “rất, rất hạn chế”. Điều đó có nghĩa là nhất cử nhất động của bà đều phải được Bắc Kinh thông qua. Việc bà lùi bước, theo phân tích của nhà chính trị học Dixon Sing đại học Oxford tại Hồng Kông xuất phát từ “ý muốn của Trung Quốc muốn vãn hồi trật tự” tại vùng đất này.
Chính vì vậy, lời kêu gọi đối thoại của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khó có sức thuyết phục. Đấy là chưa kể, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông luôn bị một phần công luận coi là “con rối của Bắc Kinh” và bà bị chỉ trích mạnh mẽ chơi ván bài nguy hiểm khi tìm cách khơi dậy hiềm khích giữa một bên là phe ủng hộ và bên kia là phe chống đối chính quyền với hy vọng dẹp tan phong trào biểu tình. Thế nhưng, sau 12 tuần lễ liên tiếp, các cuộc xuống đường không thuyên giảm. Chiến lược này của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thất bại.
Thứ Bảy 07/09 sẽ là một cuộc trắc nghiệm về hiệu quả bước nhượng bộ mới nhất của chính quyền Hồng Kông.
Có điều, theo chuyên gia Dixon Sing, trong tình cảnh này, giải pháp khả dĩ nhất là phải nhượng bộ nhiều hơn nữa đặc biệt là phải cho mở điều tra về các vụ bạo hành của cảnh sát. Bởi theo ông Sing, trường đại học Oxford Hồng Kông, đây là một trong những đòi hỏi được công luận hưởng ứng đông đảo nhất.
Một vấn đề khác đã được nhà báo Brian Wong của tờ The Diplomat nêu lên trong bài viết hôm 31/08/2019, đó là nếu chính quyền Hồng Kông thực lòng muốn mở một cuộc “đối thoại” theo mô hình cuộc tham khảo ý kiến người dân trên toàn quốc từng được áp dụng tại Pháp hồi đầu năm 2019, cần cân nhắc kỹ về tính “cân bằng” của các bên tham gia, tránh để phe thân Bắc Kinh áp đảo.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190905-hong-kong-tien-trinh-hoa-giai-duong-con-dai
Giáo sư TQ: ‘Tiếng Anh có gốc Hán
và văn minh châu Âu từ TQ
Một giáo sư Trung Quốc nêu ra thuyết rằng tiếng Anh chẳng qua là một nhánh của tiếng Trung và văn minh châu Âu đến từ Trung Hoa.
Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung
Thần thoại Ấn Độ ‘đã có phi cơ và tế bào gốc’
Khái niệm ‘Hán tộc’ có từ bao giờ và để làm gì?
Ông Địch Quế Lâm, chủ tịch Hội Nghiên cứu Văn minh Thế giới ở Trung Quốc đã có buổi nói chuyện được tường thuật trên mạng xã hội Trung Quốc hôm 22/07.
Nhưng gần đây tin này mới được các báo tiếng Anh như Taiwan News đăng tải lại, với sự nghi ngờ nhất định.
BBC News Tiếng Việt đã tìm hiểu bài nói chuyện của ông Địch thì được biết, ông nêu ra một số ví dụ để cho rằng tiếng Anh ‘có nguồn gốc từ tiếng Trung’.
Ví dụ màu vàng (yellow), có gốc từ ‘lá vàng rơi’ trong Hán ngữ ‘yeluo’ (葉落 – diệp lạc).
Shop có gốc từ ‘shangpu’ (商铺-thương phổ)- cũng là cửa hiệu buôn bán.
Heart có gốc từ ‘hede’ (核的 – hạch đích).
Không chỉ dừng ở tiếng Anh, ông Địch còn cho rằng các tiếng Nga, Đức, Pháp…đều trải qua quá trình ‘Hán hóa’ để có diện mạo như ngày hôm nay.
Cũng từ hội nghiên cứu này, một giáo sư khác là Chu Huyền Thức thì cam đoan rằng văn minh châu Âu “là một nhánh sinh sau của văn minh Trung Hoa”.
Ông Chu cho rằng vào thế kỷ 15, người châu Âu vì xấu hổ do thua kém Trung Hoa nên đã bịa ra các chuyện về văn minh Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, hoàn toàn “dựa trên lịch sử Trung Quốc”.
Được biết hội này có kế hoạch lập các chi nhánh ở Hoa Kỳ, Canada, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc và cả Madagascar để “phục hồi” sự thực về văn minh nhân loại, phản đối các câu chuyện do người châu Âu “bịa ra” về văn minh cổ đại.
Có liên hệ gì không?
Đây không phải là lần đầu tiên tại Trung Quốc có nhà nghiên cứu nêu ra mối liên hệ họ cho là rất mật thiết giữa Anh ngữ và Hán ngữ.
Hồi 2007, một giáo sư đại học ở tỉnh Hồ Nam, ông Vương Bội Lương đã nêu ra thuyết về quan hệ giữa hai ngôn ngữ này và còn công bố từ điển ‘Anh Hán đồng nguyên’ với hàng nghìn từ.
Tuy nhiên, các đề xuất mang tính lấy Trung Hoa làm tâm điểm của nghiên cứu văn hóa thế giới nói trên, thường ít được giới khoa học quốc tế để ý.
Ngay tại Trung Quốc, quan điểm chính thống cho rằng tiếng Trung thuộc nhóm ngôn ngữ Hán – Tạng (Sino-Tibetan) ở Đông Á.
Ngôn ngữ này ban đầu chỉ tập trung ở phía Tây Bắc, không có liên hệ gì với cả tiếng Mãn Châu, các tiếng miền Đông Nam và Tây Nam của Trung Quốc.
Chừng 6000 năm trước thì hình thành văn tự tượng hình sơ khai cho Hán ngữ.
Đa số các tiếng châu Âu hiện đại, gồm cả Anh, Đức, Nga, Pháp, Ý…có gốc từ một trong hai nhánh lớn của ngôn ngữ Ấn -Âu (Indo-European languages).
Một nhánh xuất xứ từ vùng Anatolia, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, và một nhánh hình thành ở khu vực Ấn Độ – Iran. Ngoài ra còn có các nhánh nhỏ tạo ra tiếng Hy Lạp cổ, tiếng Celtic, Đức cổ, Armenian, Tocharian, tiếng Balto-Slavic và Albanian.
Giới nghiên cứu cho rằng tiếng Ấn – Âu đã hình thành ít nhất 9500 năm trước.
Không chỉ ở Trung Quốc mới có hiện tượng tự tôn dân tộc qua cách tìm về quá khứ văn hóa, ngôn ngữ của một quốc gia.
Gần đây, ở Ấn Độ còn có phong trào đòi viết lại sách giáo khoa để đưa vào “bằng chứng” nói thần thoại Ấn Độ đã mô tả hết cả các vụ thử nguyên tử, tàu vũ trụ và phẫu thuật hiện đại.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-49582990
Tương lai doanh nghiệp TQ giữa thương chiến
Nếu các công ty Mỹ rời khỏi thị trường Trung Quốc, cơ hội lấp đầy khoảng trống sẽ nằm trong tay những doanh nghiệp trong nước.
Trung Quốc hôm 23/8 thông báo tăng thuế với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/9 và 15/12. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố chính quyền của ông sẽ tăng thuế với 550 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng nghĩa tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều sẽ phải chịu thuế.
Hàng rào thuế quan Trump dựng lên sẽ tạo thêm gánh nặng cho các công ty Trung Quốc, vốn đã phải chịu áp lực vì kinh tế trong nước giảm tốc. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các doanh nghiệp Trung Quốc không vì thế mà tuyệt vọng, trái lại, họ đang nỗ lực tìm mọi cách để phục hồi, bù đắp chi phí thuế.
“Tôi tin rằng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ kéo dài lâu”, Wei Jianguo, cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận xét. Ông cho biết trong lúc chờ đợi một thỏa thuận thương mại công bằng và bình đẳng, phía Trung Quốc vẫn chuẩn bị sẵn sàng để chống lại bất kỳ tác động tiêu cực nào từ thương chiến.
“Chúng tôi không sợ hãi”, Wei nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC. Ông hiện là phó chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, trụ sở ở Bắc Kinh.
Wei liệt kê ra 4 cách mà Trung Quốc đang áp dụng nhằm củng cố các doanh nghiệp của mình, bao gồm: Tăng hỗ trợ từ chính phủ; Mở ra các kênh tới những thị trường quốc tế khác thông qua các chương trình như khu thương mại tự do và Sáng kiến Vành đai, Con đường, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ do Bắc Kinh dẫn dắt; Phát triển một môi trường hoạt động chất lượng cao hơn cho các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài, đồng thời áp dụng những chính sách như giảm thuế giảm phí.
Đòn thuế mới nhất mà Mỹ và Trung Quốc tung ra đánh dấu bước ngoặt từ một thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6, khi họ thống nhất xóa bỏ hàng rào thuế quan lên hàng hóa của nhau.
“Sự thay đổi này cùng với việc Mỹ không có những động thái đáng kể nhằm nới lỏng các biện pháp kìm kẹp với Huawei cho thấy Chủ tịch Tập đã từ bỏ những nỗ lực cải thiện quan hệ với Tổng thống Trump”, Michael Hirson, chuyên gia tại công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định. “Giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ sẽ không đưa ra quyết định dứt khoát loại trừ một thỏa thuận thương mại với Trump cho tới sau cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, họ đang ngày càng hoài nghi về khả năng đàm phán với Trump và không còn sẵn sàng đưa ra các nhượng bộ”.
Trong bối cảnh đó, nếu giới đầu tư bắt đầu lo lắng về tác động của thương chiến đối với các tập đoàn Mỹ, các công ty Trung Quốc có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh từ đây.
“Trong ngắn hạn, hàng rào thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các công ty Trung Quốc”, Wang Zhe, nhà kinh tế tại tập đoàn nghiên cứu tài chính Caixin Insight, cho hay. “Trong dài hạn, nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung không hạ nhiệt, nó sẽ gây ảnh hưởng tới chuỗi công nghiệp toàn cầu. Tất nhiên, điều này buộc các công ty Trung Quốc phải thay đổi phương pháp sản xuất và đẩy nhanh quá trình nâng cấp, cải tiến hoạt động”.
Các nhà phân tích lưu ý rằng một hệ quả tiềm ẩn khác của chiến tranh thương mại là các công ty Trung Quốc sẽ chiếm được thị phần lớn hơn trong khi các doanh nghiệp Mỹ loay hoay. Dữ liệu thị trường và báo cáo của một số công ty cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển từ mua nông sản Mỹ sang các nước khác, đặc biệt là những quốc gia châu Mỹ Latin.
Trong một dòng tweet hôm 23/8, Tổng thống Trump nói ông đã ra lệnh cho các công ty Mỹ tìm “phương án thay thế Trung Quốc”. Chưa rõ ông chủ Nhà Trắng sẽ có biện pháp nào để buộc các công ty thực thi mệnh lệnh này.
“Nếu điều đó xảy ra với các công ty Mỹ, ở những mức độ khác nhau, việc bỏ trống thị trường Trung Quốc có lẽ sẽ mang tới cơ hội để các công ty Trung Quốc lấp đầy khoảng trống”, Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Hinrich, nhận xét.
Quan trọng hơn, theo ông, “một động thái như vậy sẽ tạo ra rạn nứt chưa từng có trong mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”, gây nên tình trạng hỗn loạn, không tốt cho cả các công ty Mỹ lẫn Trung Quốc.
Việc kinh doanh ở Trung Quốc có rất nhiều thách thức nhưng rời bỏ nó không phải một lựa chọn, Jake Parker, thành viên cao cấp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung, cho hay. “Nếu công ty Mỹ rời Trung Quốc, họ chắc chắn sẽ bỏ lỡ một cơ hội tăng trưởng toàn cầu lớn”, ông nói.
“Cách duy nhất để giải quyết những thách thức mà công ty Mỹ phải đối mặt ở thị trường Trung Quốc là đôi bên cần tiếp tục đàm phán để thỏa hiệp xóa bỏ hàng rào thuế quan, đồng thời đưa mối quan hệ song phương phát triển theo hướng ổn định, dễ đoán và mang tính xây dựng hơn”, Parker bình luận.
Chính quyền Trump coi đánh thuế là công cụ gây áp lực chính trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng hiệu quả của chúng trong việc gây khó khăn cho Bắc Kinh hiện vẫn chưa rõ ràng.
Phân tích của Chris Rogers, chuyên gia tại S&P Global Market Intelligence, cho thấy giá một số hàng hóa, chẳng hạn như hóa chất và đồ nội thất, đã sụt giảm khi thuế quan được áp dụng.
Wei cho biết vài công ty Trung Quốc đang tự hấp thụ chi phí thuế quan, tuy nhiên con số không nhiều. Thay vào đó, đa phần doanh nghiệp Trung Quốc đang kiên nhẫn chờ đợi một giải pháp cho tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán thương mại.
Tuần trước, Parker từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung, cũng nhận xét rằng hầu hết các công ty Trung Quốc đang tính toán xem thuế quan sẽ được duy trì trong bao lâu trước khi thay đổi kế hoạch kinh doanh của mình.
“Các công ty có nguồn cung chịu ảnh hưởng bởi thuế quan đang cân nhắc. Một số chuyển nguồn hàng, số khác duy trì chuỗi cung ứng hiện tại và số còn lại hoặc chấp nhập giảm biên lợi nhuận hoặc sang tay chi phí thuế hết mức có thể”, ông nói.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30186-tuong-lai-doanh-nghiep-tq-giua-thuong-chien.html
Trung Cộng nhập cảng bã đậu nành, dầu hạt cải,
bã hướng dương, bã củ cải đường từ Nga
Tin từ Bắc Kinh, Trung Cộng – Vào hôm thứ Năm (5/9), Trung Cộng cho biết rằng họ cho phép nhập cảng bã đậu nành, khô dầu hạt cải, bã hướng dương và bã củ cải đường từ Nga.
Trong một tuyên bố trên trang chủ, Quan thuế Trung Cộng cho biết các nhà xuất cảng các thành phần thức ăn chăn nuôi này phải được chính quyền Nga kiểm tra và phê duyệt, cũng như ghi danh với cơ quan quản lý Trung Cộng.
Hành động này được đưa ra sau khi Trung Cộng chấp nhận việc tăng cường nhập cảng đậu nành, lúa mì và lúa mạch từ Nga, khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ làm giảm lượng hàng nông nghiệp của Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
Tập Cận Bình coi Hong Kong, Macau, Đài loan
là nguy cơ lớn nhất cho đảng cộng sản Trung Cộng
Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Chủ Tịch Tập Cận Bình mới đây đã chỉ đích danh Hong Kong, Macau, và Đài Loan, gọi các vùng lãnh thổ này là các rủi ro và thách thức lớn nhất đối với đảng cộng sản Trung Cộng.
Trong bài diễn văn hôm thứ Ba, 3 tháng 9, ông Tập đã liệt kê một loạt các thách thức mà Trung Cộng đang đối mặt, và đặt vấn đề Hong Kong, Macau, Đài Loan, lên trên cả các chính sách liên quan đến nước ngoài, bao gồm cả cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Một số rủi ro khác được chủ tịch Trung Cộng nhắc đến bao gồm kinh tế, chính trị, văn hóa, và môi trường.
Trong bài diễn văn tại trường huấn luyện trung ương đảng, ông Tập kêu gọi các cán bộ phải chuẩn bị sẵn sàn để có thể chiến thắng trong mọi tranh chấp, dẹp yên mọi thách thức và trở ngại đối với đảng cộng sản, chủ quyền quốc gia, và các mục tiêu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Tập cũng khẳng định rằng các cán bộ cần phải biết rõ nghệ thuật đấu tranh và phải học cách linh hoạt.
Đây không phải lần đầu tiên Hong Kong, Macau, và Đài Loan, bị Bắc Kinh coi là các mối nguy cơ. Sự mô tả này từng xuất hiện trong văn bản do Ủy ban trung ương Đảng Cộng Sản Trung Cộng phát hành năm 2017, để hướng dẫn cán bộ cách làm việc. Theo giới phân tích, việc Hong Kong, Macau, và Đài Loan được nhắc đến trong diễn văn của Chủ Tịch Tập cho thấy tình thế khó khăn của 3 vùng lãnh thổ này. Một chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có thể đang lo ngại về nguy cơ bị lật đổ quyền lực, nếu tình hình tại 3 vùng lãnh thổ không được giải quyết tốt. (Ngô Bảo)
Tin tặc TQ theo dõi người Uighur ở nhiều nước?
Tin tặc làm việc cho chính phủ Trung Quốc đã đột nhập vào các mạng viễn thông để theo dõi người Uighur đi tới Trung Á và Đông Nam Á, nhiều nguồn tin điều tra các vụ tấn công nói với Reuters.
Hệ thống viễn thông ở các nước bị hacker Trung Quốc nhắm tới là Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Hãng tin Anh dẫn lời các nguồn tin nói rằng các vụ tấn công mạng này là một phần của chiến dịch do thám lớn trên mạng nhắm vào các cá nhân như các nhà ngoại giao hay các nhân viên quân sự nước ngoài.
Nhưng tin cho hay, Trung Quốc cũng đặt ưu tiên theo dõi sự di chuyển của người thiểu số Uighur gồm phần đông các tín đồ Hồi giáo, vốn bị Bắc Kinh coi là mối đe dọa an ninh.
Trung Quốc thời gian qua đã đối mặt với các chỉ trích của các cộng đồng quốc tế về việc nước này đối xử với người Uighur ở Tân Cương.
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận sự can dự vào các vụ tấn công mạng cũng như việc đối xử tệ bạc với người Uighur, theo Reuters.
Ngoại trưởng Philippines: Công hàm gửi TQ
như giấy ném vào tường gạch
Dù như giấy ném vào tường gạch, Ngoại trưởng Locsin xác nhận chính phủ Philippines gửi khoảng 60 công hàm phản đối hành động của Trung Quốc từ 2016 đến nay.
“Khi tôi còn làm việc tại Liên hợp quốc, tôi chất vấn thẳng mặt với họ mỗi vụ xâm phạm. Khi tôi trở thành ngoại trưởng, dù tôi biết gửi công hàm phản đối giống như ném giấy vào tường gạch, tôi vẫn cứ làm”, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr ngày 4/9 cho biết trong phiên điều trần quốc hội về đề xuất ngân sách 2020 của bộ phận đối ngoại.
Ông Locsin cho biết Bộ Ngoại giao đã 39 lần lên tiếng phản đối kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào giữa năm 2016. Kể từ khi ông Locsin được bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ Ngoại giao Philippines , cơ quan này có thêm 24 lần gửi công hàm phản đối.
“Chúng tôi đã đệ trình công hàm phản đối mỗi khi có diễn biến. Mỗi khi chúng tôi có thông tin về một vụ xâm nhập, tôi gửi công hàm phản đối luôn”, ông Locsin nói.
“Tôi đã thay đổi ngôn ngữ các công hàm phản đối từ thông thường sang trực tiếp, không còn những lời hay ý đẹp nữa”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu Manila từ chối yêu cầu cung cấp bản sao các công hàm của Đại diện Đảng Bayan Muna, Carlos Zarate, nói rằng “đó là những thông tin liên lạc độc quyền giữa chúng tôi.”
“Chúng tôi chỉ phản đối khi đó là Trung Quốc. Chúng tôi chỉ phản ứng với sự hiện diện của Trung Quốc”, ông nói.
Các nhà phê bình trước đó nhắc đến lập trường mềm mỏng của chính phủ Philippines đối với Trung Quốc trước hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông. Chính quyền dù vậy nhiều lần nói rằng họ đã hành động.
Năm tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu ở mũi phía Nam Philippines vào tháng 7 và tháng 8 mà không thông báo cho chính quyền Philippines. Trung Quốc gần đây đồng ý với yêu cầu của ông Duterte về việc các tàu chiến cần xin phép trước khi vào Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines nói.
Bên cạnh đó, ông phủ nhận thông tin nói Tổng thống Duterte đã “xin lỗi” khi đề cập đến chiến thắng tòa trọng tài năm 2016, vô hiệu hóa các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước. Ông khẳng định Tổng thống đều đề cập đến chiến thắng ở tòa trọng tài mỗi lần đến Trung Quốc.
World Cup 2022: Thái Lan ‘sẵn sàng phục thù’
nhưng fan VN tin vào ‘đại thắng’
Ngôi sao của đội tuyển Thái Lan, Chanathip Songkrasin vừa nói với Bangkok Post rằng họ đã sẵn sàng để phục thù Việt Nam sau những trận thua gần đây bằng trận đấu vòng loại World Cup sắp tới vào thứ Năm, 5/9.
Đây sẽ là trận tái đấu giữa hai kỳ phùng địch thủ với chiến thắng 1-0 của Việt Nam ở Cúp nhà vua hồi tháng 6.
Chanathip, người đã vắng mặt ở Cúp nhà vua vì chấn thương, cho biết anh đã sẵn sàng cho trận đấu sắp tới với Việt Nam.
King’s Cup: Việt Nam thắng kịch tính Thái Lan
Euro 2020: Tại sao VTV mua bản quyền sớm?
VFF và chuyện chọn SEA Games hay World Cup
Công Phượng và chuyện xuất ngoại
“Luôn có kẻ thắng và người thua. Mỗi lần thua, chúng tôi sẽ dùng nó làm động lực. Chúng tôi sẽ cố gắng đánh bại Việt Nam”, Chanathip hiện đang đá cho câu lạc bộ Consadole Sapporo của Nhật Bản cho biết.
“Điểm mạnh của Việt Nam là sự dính kết. Họ rất khao khát đánh bại Thái Lan.
“Đây là trận đấu trên sân nhà của chúng tôi và người hâm mộ bóng đá của chúng tôi đang kỳ vọng rất nhiều từ trận đấu này. Vì vậy, chúng tôi muốn giành chiến thắng sau khi chúng tôi thua họ trong trận đấu trước. Chúng tôi phải chơi cho người hâm mộ của mình.”
Phóng viên Thùy Linh của BBC News Tiếng Việt có mặt bên ngoài sân vận động cho biết các fan từ Việt Nam qua đều rất phấn khích trước trận đấu.
Một cổ động viên mặc áo, mang khăn màu cờ Thái giải thích anh không thể mua vé ở VN và phải mua vé Thái Lan nên không được mang áo ‘màu tổ quốc’.
Tuy thế, anh tin rằng đội Việt Nam “sẽ đại thắng”.
Xem tường thuật trên Facebook của Thùy Linh:
Đây sẽ là trận đấu đầu tiên của huấn luyện viên người Nhật Akira Nishino kể từ khi ông bắt đầu dẫn dắt đội bóng Thái Lan vào tháng Bảy.
Somyot Poompunmuang, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT), nói truyền thông Việt Nam đã làm “gián điệp”.
“Đây là về vấn đề tác phong và họ không nên làm điều này. Mặc dù mọi người đều muốn giành chiến thắng, đây không phải là cách thích hợp,” ông Somyot chỉ trích phóng viên Việt Nam.
“Tôi phải cảm ơn truyền thông Thái Lan vì đã không có hành vi như vậy.”
HLV Nishino có vẻ rất muốn giữ “bí mật” về chiến thuật nên đã tìm cách cấm cửa các phóng viên và cổ động viên Việt Nam.
Chính ông Nishino đã yêu cầu FAT sắp xếp các buổi tập kín.
Trận đấu sẽ diễn ra tại sân vận động Thammasat ở Rangsit vào lúc 7 giờ, thứ Năm ngày 5/9.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-49575463
Thái Lan lên kế hoạch
thu hút các công ty muốn rút khỏi TQ
Thái Lan đang lên kế hoạch sử dụng các biện pháp ưu đãi để thu hút các công ty nước ngoài muốn rút hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, theo Reuters.
Tin cho hay, khả năng giảm thuế, nới lỏng các quy định cũng như đẩy nhanh việc cấp phép sẽ được các quan chức về kinh tế thảo luận vào ngày 6/9.
Chính phủ Thái tìm cách thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á, vốn tăng trưởng ở mức thấp nhất trong gần năm năm trong quý hai.
Kinh tế toàn cầu khốn đốn vì chiến tranh thương mại
Reuters dẫn lời một quan chức của văn phòng Bộ Công nghiệp nói rằng hỗ trợ việc chuẩn thuận nhanh chóng hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là điều quan trọng.
Quan chức này được trích lời nói rằng để thu hút các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, “chúng tôi cần hiểu rằng họ đang tìm cách thoát khỏi cái chết, nên tốc độ là điều quan trọng”.
Theo Reuters, Thái Lan tìm cách thu hút khoảng 100 công ty, phần lớn là của Trung Quốc.
Quần đảo Solomon sắp cắt đứt quan hệ
với Đài Loan, xích lại gần TQ
Quần đảo Solomon dự kiến cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và xích lại gần hơn với Trung Quốc, lãnh đạo của một nhóm cấp cao của chính phủ, đại diện cho quần đảo ở Nam Thái Bình Dương này, cho biết, theo Reuters.
Nhà lập pháp Peter Shanel Agovaka nói với một ủy ban quốc hội rằng sau bốn thập kỷ độc lập và có mối quan hệ liên minh lâu dài với Đài Loan, đã đến lúc phải thay đổi.
Ông Agovaka là một bộ trưởng cấp cao và là lãnh đạo của một nhóm chính phủ mới tập hợp để trao đổi trực tiếp với Bắc Kinh.
Các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ ủng hộ bán 8 tỉ đôla F-16 cho Đài Loan
Theo Reuters, chính phủ vẫn đang chờ một báo cáo của nhóm làm việc về vấn đề trên trước khi chính thức chuyển hướng quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Tin cho hay, nhóm làm việc này gồm đa số các nhà lập pháp ủng hộ sự thay đổi ngoại giao.
Đài Loan cho biết đang theo dõi diễn biến ở Quần đảo Solomon.
Theo Reuters, hiện chỉ có 17 quốc gia công nhận Đài Loan.