Đọc báo Pháp – 31/08/2019
Người Hồng Kông : Tự do bằng mọi giá
Phong trào phản kháng đòi tự do tại Hồng Kông vẫn là đề tài thu hút các tạp chí Pháp trong số cuối cùng của tháng 8/2019 này. Tuần báo Courrier International đặc biệt dành trang bìa, hồ sơ chính và bài xã luận cho điều được nêu bật trong tựa lớn : « Hồng Kông : Tự do bằng mọi giá », kèm theo tiểu tựa : « Vì sao mọi đối thoại với Bắc Kinh đều có vẻ bất khả thi. Năm câu hỏi để hiểu về cuộc khủng hoảng ».
Theo ghi nhận của Courrier International, sau ba tháng biểu tình đòi tự do và dân chủ ở Hồng Kông, Trung Quốc vẫn tiếp tục tố cáo bàn tay của ngoại bang. Trong khi đó thì cuộc đối đầu (giữa cả triệu người dân với chính quyền thân Bắc Kinh) vẫn chưa thấy lối thoát, và bạo lực ngày càng gia tăng.
Cuộc chiến giữa hai thế giới
Bài xã luận « Cuộc chiến giữa các thế giới » – lấy lại tựa đề tiểu thuyết nổi tiếng The War of the Worlds của nhà văn Anh H. G. Wells, xuất bản năm 1898 – đã nêu rõ lý do thúc đẩy phong trào phản kháng hiện nay tại Hồng Kông : Bảo vệ những quyền tự do mà trên nguyên tắc đặc khu này phải được hưởng, nhưng đang bị Trung Quốc trù dập.
Trước tiên, tuần báo ghi nhận là đã gần 3 tháng qua người dân Hồng Kông xuống đường chống lại dự luật cho dẫn độ sang Trung Quốc. Tuy đã bị đình chỉ ngay từ đầu, nhưng người biểu tình đòi chính quyền phải rút hẳn văn kiện này. Đồng thời, họ ngày càng tỏ rõ ý muốn có được những bảo đảm về dân chủ và quyền tự do ở Hồng Kông. Đa số những người phản kháng bảo vệ nguyên tắc « một đất nước, hai chế độ » (theo các nội dung đã được cam kết lúc Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc năm 1997), cho dù một số ít mơ tưởng đến độc lập.
Từ nhiều tuần lễ nay, Bắc Kinh đã gia tăng sức ép, lên án người biểu tình có hành vi bạo lực, tố cáo sự can thiệp của nước ngoài. Trung Quốc cũng phô trương uy lực, phát đi rộng rãi hình ảnh hàng ngàn cảnh sát triển khai ở Thẩm Quyến, làm nhiều người lo ngại một sự can thiệp thô bạo vào đặc khu hành chính.
Đối với Bắc Kinh, sắp kỷ niệm 70 năm nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, vấn đề Hồng Kông không tách rời với vấn đề Đài Loan mà ông Tập Cận Bình muốn sáp nhập về Trung Quốc.
Nhưng Hồng Kông không phải là Thiên An Môn, như lời giải thích của một nữ ký giả người Ý, cư ngụ tại Hồng Kông từ hơn 30 năm nay : Thế giới đã thay đổi từ 1989, và « ngày nay Trung Quốc sẽ mất mát nhiều hơn trong một cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào thường dân ».
Thế thì tình hình sẽ chuyển biến ra sao ? Cái gì sẽ thật sự diễn ra ? Courrier International trình bày hai quan điểm : Một, ủng hộ người biểu tình, được đăng trên Minh Báo, một nhật báo Hồng Kông có uy tín ; và Hai là của một học giả thân Bắc Kinh. Người đầu tiên nhấn mạnh đến đòi hỏi dân chủ của người biểu tình, trong lúc vị học giả kia thì tố cáo trên tờ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao), một nhật báo Hoa Ngữ Singapore, sự can thiệp của nước ngoài, tương đương trong thực tế với « công cuộc thực dân hóa gián tiếp » Hồng Kông.
Đối với tạp chí Pháp, đây là hai quan điểm không thể dung hòa tương tự như quan điểm của Bắc Kinh với người Hồng Kông.
Khủng hoảng Hồng Kông qua năm câu hỏi
Để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng này, Courrier International đã nêu lên năm câu hỏi và tìm lời giải đáp qua các bài báo trích dịch từ các tờ New York Times và Washington Post của Mỹ ; The Australian của Úc ; Liên Hợp Tảo Báo ở Singapore, và dĩ nhiên là các tờ báo Hồng Kông như Minh Báo (Ming Pao) và Tín Báo Tài Kinh Nguyệt Khan (Shunpo Monthly).
Thứ nhất, điều gì đang thật sự diễn ra ở Hồng Kông ? Câu trả lời nằm trong một bài báo của nguyệt san Tín Báo Tài Kinh (Shunpo Monthly), xuất bản ở Hồng Kông, nói đến một thế hệ « Tuổi trẻ yêu chuộng tự do ».
Tờ báo ghi nhận là từ ngày được trao trả lại cho Trung Quốc, vùng lãnh thổ này đã xuất hiện nhiều phong trào phản kháng ôn hòa tại Hồng Kông. Thế nhưng lần này người ta chứng kiến sự đoàn kết rõ rệt trong cả một thế hệ đấu tranh cho quyền được tự do.
Thứ hai, bối cảnh chính trị ra sao ? Về vấn đề này, bài viết trên nhật báo Úc The Australian tại Sydney cho rằng đối với Bắc Kinh, những gì đang diễn ra tại Hồng Kông là một điều bất bình thường của lịch sử.
Để tuân theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã phán rằng quyền bán tự trị của Hồng Kông cũng như tình trạng độc lập trên thực tế của Đài Loan phải biến mất.
Thứ ba, nguy cơ Trung Quốc can thiệp võ trang vào Hồng Kông có hay không ? Nhật báo Mỹ, The New York Times khẳng định Hồng Kông không phải là Thiên An Môn.
Tờ báo nhắc lại rằng mối lo ngại về một chiến dịch can thiệp thô bạo của Trung Quốc đã gia tăng khi người ta thấy binh lính Trung Quốc tiến vào Hồng Kông vào sáng sớm thứ Năm, 29/08/2019. Nhưng theo Bắc Kinh, đó chỉ là một hoạt động « thay ca » bình thường mỗi năm.
Như một nhà báo đã sinh sống hàng chục năm ở Hồng Kông đã viết, tâm trạng lo lắng thường dẫn đến những so sánh vội vàng, như so sánh Hồng Kông với Thiên An Môn. Vấn đề là Bắc Kinh vẫn không biết đối thoại với tuổi trẻ.
Thứ tư, những người biểu tình có lý hay không ? Trả lời cho câu hỏi này có hai xu hướng. Trên tờ Minh Báo ở Hồng Kông, một nhà nghiên cứu đại học cho là những người phản kháng có lý, vì cần phải có một xã hội nhân bản. Đằng sau các yêu sách rất cụ thể, những gì mà phong trào phản kháng mong muốn bao hàm những đòi hỏi dân chủ và nhân văn cơ bản.
Còn trên nhật báo Hoa Ngữ Liên Hợp Tảo Báo tại Singapore, một nhà nghiên cứu đại học thân Bắc Kinh nhận định rằng Hồng Kông phải đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ thời thuộc Anh. Dù không đặt lại vấn đề nhà nước pháp quyền, nhân vật này đã giải thích vì sao chế độ lai ghép của Hồng Kông phải hoàn toàn thần phục Trung Quốc.
Thứ năm, trọng lượng của Hồng Kông trong kinh tế Trung Quốc là gì ? Câu trả lời đến từ nhật báo Mỹ The Washington Post, ghi nhận một thực tế ít ai chú ý : Đó là Hồng Kông là một địa điểm được giới giàu có tại Trung Quốc ưa chuộng, trước hết là vì hệ thống pháp lý và kinh tế của đặc khu này cho phép họ cất giữ tiền bạc tránh được sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Theo Washington Post, các nhà bình luận thường nghĩ rằng đối mặt với Trung Quốc, Hồng Kông như là chàng tí hon David chống lại gã khổng lồ Goliath, và cuối cùng chỉ có thể thua mà thôi. Tuy nhiên giới bình luận đã bỏ qua một yếu tố quan trọng trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Hồng Kông : tiền của tư nhân. Những người giàu có ở Hoa Lục – trong đó có nhiều người gắn rất chặt với đảng Cộng Sản – có nguy cơ bị mất nhiều tiền của nếu Hồng Kông rơi vào hỗn loạn.
Nhà nước Trung Quốc, tức là đảng Cộng Sản, không cần đến Hồng Kông để thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc. Điều đó khiến Bắc Kinh có thể phản ứng mạnh mẽ trước biểu tình ở Hồng Kông. Nhưng giới giàu có và ưu tú ở Bắc Kinh nằm trong thành phần “Nhà Nước-Đảng”, có những quyền lợi phức tạp hơn. Trấn áp Hồng Kông một cách mạnh bạo sẽ không có lợi cho sự giàu có của bản thân họ.
L’Obs: Người Hồng Kông phải đơn độc chiến đấu
Cũng quan tâm đến tình hình Hồng Kông, tuần báo L’Obs đã dành một bài bình luận cho cuộc « nổi dậy rầm rộ » của người Hồng Kông, có lúc tập hợp được một phần ba cư dân vùng lãnh thổ này. Đối với L’Obs, đây là một sự kiện mang tầm vóc lịch sử, nhưng « Hồng Kông đang đơn độc trên thế giới », tựa bài nhận định.
Theo tuần báo Pháp, ước muốn bảo vệ và củng cố quyền tự trị và tự do của vài triệu người Hồng Kông trước cỗ xe hủ lô gồm 1,4 tỷ đồng hương do đảng Cộng Sản kiểm soát, phải khiến người ta tôn trọng
và ngưỡng mộ. Nhưng người Hồng Kông đang đơn độc trong cuộc chiến trước một đối thủ cứng rắn, xem việc thỏa hiệp hay nhượng bộ là những dấu hiệu yếu đuối, đe dọa quyền lực tuyệt đối của mình.
Donald Trump đã nói lên suy nghĩ của ông vào giữa tháng 8 khi nói đến những vụ « bạo loạn», một từ ngữ mà Bắc Kinh sẽ không phản đối, trước khi nói thêm : « Đó là vấn đề giữa Hồng Kông và Trung Quốc, vì Hồng Kông thuộc về Trung Quốc. Họ phải giải quyết vấn đề với nhau. Họ không cần lời khuyên ».
Vài ngày sau, thì ông đã nói cứng hơn với Bắc Kinh sau khi bị chỉ trích ngay trong đảng Cộng Hòa, nhưng sự việc đã rồi : Khi tố cáo CIA và phương Tây là « những bàn tay đen tối » giật dây phong trào phản kháng, lãnh đạo Trung Quốc biết rõ là Washington, sẽ không làm gì để bảo vệ người Hồng Kông, cũng như là Châu Âu hoàn toàn im hơi lặng tiếng.
Đối với L’Obs, quả đúng như ông Trump đã nói, Hồng Kông là một vấn đề nội bộ Trung Quốc, nhưng Hồng Kông lại nằm trong một cái khung quốc tế : Thỏa thuận ký kết lúc trao trả lại cho Trung Quốc, giữa lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và thủ tướng Anh Margaret Thatcher, năm 1984, có giá trị một hiệp định quốc tế.
Chính thỏa thuận này cho phép Hồng Kông trở về dưới trướng Trung Quốc ngày 01/07/1997, và bảo đảm quyền tự trị của Hồng Kông trong 50 năm. Do đó, thế giới có quyền đòi hỏi Bắc Kinh tôn trọng điều đã được ký kết. Thế nhưng tại sao vấn đề tự do của người Hồng Kông chỉ được thế giới ủng hộ trên đầu môi chót lưỡi.
Quyền can thiệp nhân đạo nay còn đâu !
Đối với L’Obs, có lẽ quyền can thiệp gọi là nhân đạo hay vì tự do mà Pháp đã có thời cổ vũ, ngày nay đã mất đi hào quang của nó. Cũng có thể là những lãnh đạo như Donald Trump không còn quan tâm đến những vấn đề liên quan đến nhân quyền hay là vì tương quan lực lượng quốc tế đã thay đổi.
Về phần Trung Quốc, nước này biết rất rõ vấn đề, và họ sẽ tránh lập lại một Thiên An Môn thứ hai ở Hồng Kông – tức là đàn áp bằng vũ lực – mà sẽ sử dụng biện pháp hù dọa với việc triển khai lực lượng cảnh sát vũ trang ở Thẩm Quyến được truyền thông đưa tin rầm rộ.
Bắc Kinh cũng đánh cược trên sự sa lầy của phong trào, hay thúc đẩy cho phong trào phạm lỗi, chia rẽ, tuyên truyền làm mất uy tín của họ. Chính quyền Trung Quốc đã thành công trong việc tuyên truyền ở Hoa Lục, làm họ tin rằng phong trào ở Hồng Kông là do CIA giựt dây.
Còn những người Hồng Kông, mà vài người biểu tình đã phất cờ Anh hay Mỹ, thì biết là họ đang đấu tranh đơn độc, cho dù là họ gởi đến thế giới một thông điệp tuyệt vời về niềm tin vào dân chủ, trong lúc mà nhiều thế lực đang tìm cách thuyết phục mọi người rằng đó là điều đã lỗi thời.
L’Express : Bất động sản tại Pháp,
ai cũng muốn mua
Ngoài chủ đề Hồng Kông, số ra cuối hè của các tuần báo Pháp vẫn hứng thú với những đề tài tản mạn, nặng tính xã hội, chẳng hạn như L’Express, trên trang bìa, đã thông báo một hồ sơ « Đặc biệt bất động sản » ghi nhận tình trạng « Paris đang bùng lên » về giá cả. Hồ sơ của L’Express phân tích về giá bất động sản tại 80 khu phố trong thủ đô Paris và 670 thành phố ở Pháp
Tạp chí Pháp tỏ ra rất ngạc nhiên, cũng như giới địa ốc, trước sức khỏe hiện nay của thị trường địa ốc, được xem là ngoạn mục. Các vụ mua bán phá kỷ lục, như về số lượng hiện nay gần một triệu.
Tạp chí lược qua giá nhà ở 80 khu phố Paris, cho là khó với đến, hay ở các thành phố lớn Lyon, Nantes, thị trường rất náo nhiệt, nhà cũ, nhà mới đều bán chạy như tôm tươi.
Thị trường địa ốc thường được xem như thước đo sức khỏe của nền kinh tế, và theo L’Express, tình hình nói trên có thể được giải thích bằng sức khỏe tốt hiện nay của kinh tế Pháp, thất nghiệp giảm, người Pháp tin tưởng trở lại. Nhưng cụ thể hơn, đó là do lãi suất tiền vay mua nhà, vốn đã thấp, lại giảm thêm, gần như lãi cho không.
Theo giáo sư kinh tế Michel Mouillart, còn có thêm một yếu tố khác có tính chất quyết định : Đó là thời gian trả tiền vay kéo dài ra. Ngày nay, thời hạn trả trung bình là 20 năm, nhưng càng lúc càng có nhiều người vay trong 25 năm: 40% người mua nhà đang sử dụng yếu tố này.
Le Point : Màn hình thực sự là mối nguy
Cũng khai thác đề tài xã hội, tuần báo Le Point dành một hồ sơ dài 18 trang nói về những tác hại của việc ngồi quá lâu trước màn hình. Trang bìa đề tựa lớn : « Những mối nguy thực sự của màn hình » đối với trí nhớ, sự tập trung tư tưởng, khả năng bị trầm cảm…
Tờ báo khẳng định rằng hậu quả của việc ngồi lâu trước màn hình đã được khoa học chứng minh. Ngay cả các chuyên gia của Silicon Valley cũng báo động. Ngay chỉ khi mới 2 tuổi, trẻ em các nước phương Tây đã ngồi mỗi ngày gần 3 tiếng trước màn hình. Đến độ tuổi 8 – 12, thì thời gian lên đến gần 4 tiếng 45 phút và qua tuổi 13 – 18 thì gần 6 tiếng 45.
Theo tính toán của ông Michel Desmurget, tác giả quyển « Những nguy hiểm của màn hình đối với con em chúng ta » (nhà xuất bản Seuil phát hành), thì trong một năm, trẻ em mẫu giáo sử dụng màn hình khoảng 1.000 giờ, tức là nhiều hơn số giờ của cả một niên học. Đối với một học sinh trung học, thời gian bỏ ra tương đương với 2 năm rưỡi.
Trước tình hình này và sự hoang mang của các bậc cha mẹ, thì hiện có nhiều dịch vụ « cai nghiện » màn hình đang nở rộ, một ngành dịch vụ phát triển mạnh ở Mỹ. Bệnh nhân bị nghiện được điều trị trong vòng 8-12 buổi và phải trả 80 đô la/một giờ. Rất nhiều cha mẹ phải chịu tốn kém vì họ hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lãnh vực này.
Le Point cho biết tại Paris có hai nơi cai nghiện, bệnh viện Marmottan cho người lớn và trung tâm Pierre – Nicole cho trẻ vị thành niên.
L’Obs : Người thầy đã thay đổi đời tôi
Tạp chí L’Obs trên trang bìa chạy một tựa thoạt nhìn khó hiểu : « Người giáo sư đã thay đổi đời tôi ». Xem kỹ lại thì đây là một hồ sơ dài cả 15 trang, ghi lại lời kể của nhiều người về người thầy đã có ảnh hưởng lớn lên cuộc đời của họ sau này.
Trong số những hồi ức được L’Obs ghi lại, có kỷ niệm của một số nhân vật nổi tiếng, chẳng hạn như cầu thủ bóng đá Lilian Thuram, hay giải « nobel toán học » Pháp Cédric Villiani….
L’Express : Phẫu thuật thẫm mỹ và smartphone
Cũng về đề tài xã hội, L’Express ghi nhận hiện tượng ngày càng có nhiều phụ nữ nay đi sửa sắc đẹp theo hình mẫu họ nhìn thấy trên điện thoại thông minh.
Bác sĩ Christian Marinetti, người sáng lập bệnh viện thẩm mỹ Phénicia, ở Marseille giải thích với tuần báo rằng rất nhiều cô gái trẻ hiện nay lao vào sửa sắc đẹp dưới sức ép của « sự độc tài của các smartphone ».
Theo ông, giới trẻ hiện nay không còn nhìn mình qua gương nữa mà là qua các hình ảnh trên các mạng xã hội. Họ đến phòng khám với chiếc điện thoại trên tay và chỉ cho xem hình của họ.
Vấn đề là ống kính của các chiếc iPhone bé tí đã làm méo mó hình thật, và khi được đăng lên, đã làm dấy lên những lời bình luận rất dữ dội, khiến cho chủ nhân của bức hình bị những mặc cảm trước đây không có.
Vẫn theo bác sĩ Marinetti, tình trạng « nghiện mạng xã hội » còn làm gia tăng hiện tượng sửa mũi ở lứa tuổi 16-25 (với sự đồng ý của cha mẹ đối với trẻ vị thành niên).
L’Express : Cả một đại dương rác đổ bừa bãi ở Pháp
Tạp chí Pháp cho biết : Trong năm 2018, lượng rác đổ bừa bãi ở Pháp lên đến 520.000 tấn, bao gồm đủ loại, từ các túi rác do các cá nhân vứt bỏ trong rừng, cho đến những thùng fibro xi măng lén đổ xuống sông của các xí nghiệp. Chi phí thu dọn loại rác đổ bừa bãi này rất tốn kém : Từ 100 đến 500 euro một tấn, tính trung bình là nửa triệu euro cho mỗi tỉnh tại Pháp.
Theo L’Express, các công ty xây dựng vừa và nhỏ là thủ phạm chính của tệ nạn này. Lý do cũng dễ hiểu : Tại Pháp các công ty vừa và nhỏ chỉ có 500 điểm đổ rác, trong lúc mà họ thải ra 10 triệu tấn rác mỗi năm. Cho nên một số phải tìm chỗ vứt lén lút.
Đôi khi sự lén lút này cũng xuất phát từ vấn đề tiền nong. Thải rác một cách đúng luật thì phải trả chi phí, tính ra không rẻ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190831-nguoi-hong-kong-tu-do-bang-moi-gia
Tin đọc nhanh
(AFP) – Ngành công nghiệp chế biến Trung Quốc sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Theo một số liệu chính thức được Bắc Kinh công bố hôm 31/08/2019, chỉ số PMI của nước này ở mức 49,5, sụt 0,2 điểm so với tháng trước. Chỉ số ngành công nghiệp chế biến Trung Quốc sụt trong bối cảnh nhu cầu nội địa chững lại và chiến tranh thương mại với Mỹ gia tăng.
(AFP) – Mỹ trừng phạt nhiều công ty hàng hải và cá nhân làm ăn với Bắc Triều Tiên.
Danh sách trừng phạt được nêu trong thông cáo ngày 30/08/2019 của bộ Tài Chính Mỹ, gồm ba công ty hàng hải có trụ sở tại Hồng Kông (Jui Pang Shipping Co Ltd, Zui Zong Ship Management Co Ltd và Jui Cheng Shipping Comany Limited) và hai cá nhân sống ở Đài Loan (Huang Wang Ken và Chen Mei Hsiang). Ngoài ra, tầu Shang Yuan Baon, theo cáo buộc của Liên Hiệp Quốc đã lách lệnh trừng phạt quốc tế, cũng nằm trong số tài sản bị đóng băng. Trước đó, con tầu này bị Liên Hiệp Quốc cấm cập các cảng trên thế giới.
(Yonhap) – Bình Nhưỡng dần mất kiên nhẫn đàm phán với Washington.
Tuyên bố được thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên nêu lên hôm 31/08/2019 sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo miêu tả thái độ của Bình Nhưỡng như là của một « kẻ lưu manh ». Trong khi chưa tìm được tiếng nói với Mỹ, Bắc Triều Tiên sẽ đón ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ thứ Hai 02/09, trong chuyến công du ba ngày, theo lời mời của đồng nhiệm Ri Yong Ho.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên sẽ có khoảng 42% dân số bị đói trong 10 năm tới.
Bản báo cáo hàng năm của bộ Nông Nghiệp Mỹ xếp Bắc Triều Tiên là một trong những nước châu Á có « tình trạng mất an toàn lương thực tồi tệ nhất », tương đương với Yemen. Vẫn theo báo cáo, 57,3% người Bắc Triều Tiên (14,6 triệu người) gặp khó khăn về lương thực trong năm 2019. Chỉ riêng tháng 07, Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) đã tài trợ cho Bắc Triều Tiên 2.188 tấn lương thực, chủ yếu là ngũ cốc và bánh dinh dưỡng. Tuy nhiên, con số này thấp hơn một chút so với 2.287 tấn vào tháng Sáu.
(AFP/Reuters) – Mỹ muốn ký một hiệp ước về mạng 5G với Ba Lan trong chuyến công du của phó tổng thống Mike Pence.
Ông Pence đến Vacxava trong hai ngày 31/08 và 01/09/2019 nhân kỷ niệm 80 năm ngày Thế Chiến II nổ ra. Theo phát biểu ngày 30/08 của một quan chức Mỹ, tuyên bố của hai bên sẽ nhấn mạnh đến « tầm quan trọng trong cách tiếp cận chung giữa Mỹ và Ba Lan về mạng 5G » nhằm loại công nghệ 5G của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ và Ba Lan đã nhất trí về 6 địa điểm cho lực lượng Mỹ sắp đến đóng ở Ba Lan và tiếp tục thảo luận về địa điểm thứ 7. Liên quan đến Nga, chính quyền Vacxava muốn Washington tiếp tục trừng phạt Matxcơva vì đã sáp nhập bán đảo Crimée.
(AFP) – Ukraina phủ nhận đang đúc kết tiến trình trao đổi tù nhân với Nga.
Ngày 30/08/2019, phủ tổng thống Ukraina cho biết hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán về tiến trình này và việc trao đổi tù nhân có thể diễn ra « vào tuần tới », nhưng chưa ấn định ngày.
(AFP) – Algérie : Phong trào phản kháng tuần hành ngày thứ Sáu lần thứ 28 liên tiếp.
Phong trào đòi bầu cử dân chủ tại Algérie tiếp diễn với cuộc xuống đường đông đảo hôm 30/08/2019. Đây là cuộc biểu tình lớn cuối cùng trước khi hết hè. Kể từ khi tổng thống Abdelaziz Bouteflika thoái vị hôm 02/04, tư lệnh quân đội Algérie – người nắm quyền điều hành đất nước trên thực tế – vẫn không chấp nhận mở cửa cho tiến trình bầu cử tự do để dân chúng chọn tổng thống kế nhiệm.
(RFI) – Trợ lý riêng của tổng thống Trump từ chức.
Madeleine Westerhout bất ngờ rời Nhà Trắng tối 29/08/2019 sau khi tiết lộ một số thông tin về gia đình Trump cho báo chí. Theo trang Politico, dường như trợ lý của tổng thống nói rằng cô có quan hệ rất tốt với Ivanka và Tiffany Trump cũng như với chủ nhân Nhà Trắng, hoặc tổng thống không thích chụp hình chung với Tiffany vì ông thấy cô con gái quá béo.
(AFP) – Cháy rừng Amazon : Tổng thống Brazil chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu và xích gần với Mỹ.
Ngày 30/08/2019, ông Jair Bolsonaro cho rằng châu Âu không phải « lên lớp » cho Brasilia, đồng thời tái khẳng định chủ quyền của Brazil về rừng Amazon trong cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Bolsonaro thích được trợ giúp từ phía các nhà lãnh đạo « đồng minh », như hai nguyên thủ Mỹ và Chilê. Trên thực địa, lửa vẫn tiếp tục lan rộng bất chấp lệnh tạm cấm đốt rừng làm rẫy, cũng như việc 18 máy bay và 3.900 người được huy động cứu hỏa ở Amazon từ tuần trước.
(AFP) – Dịch Ebola giết hơn 2.000 người tại Congo.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 31/08/2019, bắt đầu chuyến công du Congo, châu Phi. Theo lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, một trong các ưu tiên hiện nay của cộng đồng quốc tế là khẩn cấp ngăn chặn dịch Ebola, ở miền đông Congo. Hơn 200.000 người được tiêm chủng từ khi dịch bùng phát. Kể từ đợt dịch bệnh năm 2014, khiến 11.000 người thiệt mạng tại miền tây châu Phi, đây là đợt dịch Ebola lớn nhất.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190831-tin-doc-nhanh