Bốn nhà hoạt động dân sự Việt Nam đến LHQ vận động nhân quyền

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bốn nhà hoạt động dân sự Việt Nam đến LHQ vận động nhân quyền

Ts Nguyễn Quang A, một người trong phái đoàn xã hội dân sự Việt Nam tại Genève. Ảnh tư liệu – Nguồn: internet

Theo RFI – Tú Anh – Thứ Sáu 20/6/2014

Hôm nay 20/06/2014, Việt Nam phải trả lời cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR tại Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ). Sự kiện đặc biệt lần này là  các luận điểm của chính quyền Việt Nam sẽ gặp phản biện của một phái đoàn xã hội dân sự gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sinh viên Phạm Lê Vương Các, luật gia Trịnh Hữu Long và luật sư Nguyễn Thị Vy Hạnh.

Theo bản tin trên mạng của Danlambao, một phái đoàn đại diện cho 10 tổ chức xã hội dân sự tranh đấu bảo vệ quyền con người, độc lập với chính quyền và thường bị sách nhiễu,  đã đến Genève ngày 19/06 để tiến hành một chiến dịch vận động quốc tế qua nhiều nước châu Âu.

Phái đoàn gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sinh viên luật Phạm Lê Vương Các, luật gia Trịnh Hữu Long   từ Việt Nam và luật sư Nguyễn Thị Vy Hạnh từ Hoa Kỳ đã đến Genève ngày 19/06.

Ngày hôm nay 20/06,  tại Genève,chính phủ Việt Nam phải trả lời trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là đồng ý thực thi  những khuyến nghị nào trong số 227 yêu cầu của hơn 100 quốc gia thành viên. Phiên họp Kiểm điểm của Việt Nam diễn ra trong vòng một giờ vào buổi trưa.

Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, mức độ cam kết của Việt Nam rất thấp, từ chối những khuyến nghị cụ thể như thả tù chính trị, tư nhân hóa báo chí, sửa đổi hệ thống pháp luật.

Sinh viên Phạm Lê Vương Các dự kiến  thái độ của phái đoàn chính phủ Việt Nam sẽ phản ánh mức độ uy hiếp của Trung Quốc.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Thị Vy Hạnh nhấn mạnh đến tác dụng của vận động quốc tế  phối hợp với  hoạt động tranh đấu trong nước.

Trả lời câu hỏi của RFI vào sáng nay  qua điện thoại, luật gia Trịnh Hữu Long cho biết sau phần trả lời của phái đoàn chính phủ Hà Nội thì phái đoàn xã hội dân sự  Việt nam sẽ có hai phút để trình bày thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. Tuy thời lượng phát biểu  ngắn ngủi nhưng phái đoàn dân sự có cơ hội  thúc giục và vận động quốc tế hỗ trợ cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Luật gia Trịnh Hữu Long  cho biết tiếp là  xã hội dân sự  Việt Nam có cơ hội chứng tỏ là đã trưởng thành. Theo chương trình, phái đoàn sẽ đi qua nhiều nước châu Âu, như Thụy Sĩ, Bỉ, Ba Lan, Cộng Hòa Séc,  tiếp xúc với cơ quan Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức quốc tế khác.