Tin Biển Đông – 27/08/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Gieo gió” tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông,

TQ ắt có ngày phải “gặt bão”

Tiếng nói và hành động phản đối hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng mạnh, nếu Bắc Kinh không tự xem lại mình, thì lại như dân gian thường nói: Kẻ gieo gió, ắt có ngày gặt bão.

Theo dõi các phát biểu của Trung Quốc tại các hoạt động ngoại giao đa phương, những tuyên bố đưa ra tại các hội nghị, hội thảo trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, người ta nghe được Trung Quốc thường xuyên tuyên bố là họ đang “trỗi dậy hòa bình”, trước sau như một tôn trọng luật pháp quốc tế, mong muốn giữ gìn hòa bình ổn định ở khu vực cũng như trên toàn thế giới; đối với những vấn đề khu vực Trung Quốc có lợi ích liên quan, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, họ sẽ tiếp cận và xử lý trên cơ sở “nước lớn có trách nhiệm”, đồng thời luôn kêu gọi các quốc gia có liên quan cùng Trung Quốc “hợp tác cùng thắng”… Nhưng theo dõi thực tế diễn biến tình hình Biển Đông trong nhiều năm qua, nhất là từ đầu năm 2019 đến nay lại thấy, Trung Quốc liên tiếp có những hành động xâm phạm chủ quyền các nước trong khu vực, vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) khiến tất cả các nước có liên quan cũng như đại đa số giới nghiên cứu khu vực và quốc tế phải cảnh giác, Trung Quốc có sự bất nhất giữa lời nói và hành động; là nước đã và đang liên tục “gieo gió” khiến cho tình hình Biển Đông “nổi sóng”, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực.

Những hành động gần đây nhất của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy sự bất nhất của họ: 1/ Từ ngày 10 đến ngày 27/05/2019, hai tàu hải cảnh mang số hiệu 35111 và 46302 của Trung Quốc đã liên tục tuần tra các khu vực xung quanh đá Luconia Breakers nằm ở ngoài khơi bờ biển bang Sarawak của Malaysia. Hai tàu trên đã áp sát và ngăn chặn hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza của công ty Sarawak Shell đang hoạt động tại lô dầu khí SK308 trên thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền của Malaysia. 2/ Đêm 09/06/2019, tàu cá Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đã lao thẳng vào tàu cá FB Gimbea1 của ngư dân Philippines đang neo đậu trên vùng biển bãi Cỏ Rong, khiến tàu này chìm nghỉm. Sau vụ đâm va, tàu Trung Quốc rời đi, cố tình bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên con tàu gặp

nạn. Nếu không có tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động gần đó tới cứu giúp kịp thời, số phận những ngư dân Philippines đó chưa biết ra sao. 3/ Từ ngày 03/07/2019 đến ngày 07/08/2019 và từ ngày 13/08 đến nay, Trung Quốc điều tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 cùng một số tàu hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính tiến hành khảo sát địa chấn; đồng thời các tàu hải cảnh 35111 và 3901 cùng tàu cá Quỳnh Tam Sa Ngư 00114 có hành động ngăn cản hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 của công ty Japan Drilling đang hoạt động tại lô dầu khí 06-01 trên thềm lục địa Việt Nam. 4/ Từ ngày 01 – 15/08/2019, Trung Quốc đã ra 25 thông báo về diễn tập quân sự và hành động dầu khí trên Biển Đông, kèm theo đó là lệnh cấm tất cả tàu bè đi lại qua khu vực này.

Những hành động trên của Trung Quốc được các học giả nghiên cứu nhận xét là động thái phô diễn sức mạnh “cơ bắp” của Bắc Kinh đi cùng chiến thuật cưỡng ép, chà đạp lên tinh thần thượng tôn pháp luật. Đáng chú ý, các hành động đó liên tiếp xảy ra trong 3 tháng 6, 7, 8 vừa qua và liên quan đến 3 nước có tranh chấp chủ quyền chủ yếu với Trung Quốc trong việc bác bỏ “đường 9 khúc” của họ là Malaysia, Philippines và Việt Nam. Điểm mấu chốt rất dễ nhận ra ở đây là trong khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí của một trong ba nước trên ở bất kỳ nơi nàobên trong phạm vi cái gọi là “đường 9 khúc” – tuyên bố chủ quyền phi lý, chồng chéo lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhiều nước khác trong khu vực, Bắc Kinh lại ngang nhiên tiến hành hoạt động thăm dò tài nguyên trong các vùng biển đó để tạo tranh chấp.

Những hành động trên của Trung Quốc cũng cho thấy một sự thật là, cho đến nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối sự hòa giải hay can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề Biển Đông và muốn giải quyết các vấn đề dưới hình thức song phương theo chiến thuật “bẻ đũa từng chiếc” và tìm cách định hình câu chuyện về hòa bình và sự ổn định theo quan điểm của riêng mình. Họ tiếp tục áp dụng chiến thuật “vùng xám” quen thuộc với 2 đặc trưng cơ bản: (1) Không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng; (2) Từ từ tịnh tiến nhằm thay đổi hiện trạng, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp, chia rẽ và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng. Đây là chiến thuật mà Trung Quốc cho là tối ưu khi nó đáp ứng ý đồ giải quyết lợi ích về lãnh thổ cho Trung Quốc mà không bắt buộc họ phải dùng vũ lực một cách quy mô và trực tiếp bởi dùng biện pháp này thì họ ngay lập tức bị lên án và cô lập. Nhưng Trung Quốc lại không hề nhận ra rằng những sự kiện nghiêm trọng xảy ra như kể trên ở vùng biển chiến lược quan trọng này đang thử thách niềm tin của khu vực đối với sự chân thành của Bắc Kinh trong lời nói và hứa hẹn của họ về trách nhiệm bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.

Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, hành động “hung hăng” như trên của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng không phải là ngẫu nhiên mà là phản ứng có tính toán: Trung Quốc đang rất tích cực trong việc cản phá các nước láng giềng khai thác dầu khí ở Biển Đông nếu không có sự tham gia của Bắc Kinh và cũng không muốn các nước trong khu vực có mối quan hệ hợp tác với nước ngoài để làm việc đó.Việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật “vùng xám” chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải có biện pháp đối phó và đẩy lùi, điều này có thể làm cho các cuộc đối đầu trên Biển Đông leo thang.

Philippines – một trong các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã “hạ giọng” rất nhiều trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Tuy nhiên, khác với Tổng thống, các quan chức quốc phòng nước này vẫn liên tục đưa ra những tuyên bố “cứng rắn” đối với Trung Quốc.Ngày 30/07/2019, khi được đề nghị bình luận về tuyên bố trước đó cùng ngày của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa rằng, Bắc Kinh sẽ không tìm cách chi phối Biển Đông và “sẽ không nổ phát súng đầu tiên”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh: “Họ nói rằng chúng tôi không bắt nạt những người xung quanh, họ tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng tôi khẳng định, Trung Quốc không làm điều đó, những gì các bạn nói không giống những gì các bạn làm trên thực tế một chút nào”.Ông Lorenzana đánh giá, việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough sau tranh chấp kéo dài năm 2012 là “hành động ức hiếp”.

Những diễn biến phức tạp trong 3 tháng gần đây ở Biển Đông phần lớn do Trung Quốc gây ra. Chính Trung Quốc đã và đang sử dụng sức mạnh để gây sức ép, bắt nạt các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ông Richard Heydarian – chuyên gia nghiên cứu Biển Đông đến từ Đại học De La Salle của Philippines cho rằng, cách hành xử của Trung Quốc không thể giúp họ tạo lập được chủ quyền với những đòi hỏi phi lý mà còn khiến cho các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng như các nước có lợi ích ở khu vực này càng quyết tâm hơn trong hành động, đưa ra phản kháng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Trên thực tế, những tiếng nói phản kháng, những kiến giải về biện pháp đáp trả các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Mới đây nhất, trong một cuộc họp của Hiệp hội Luật gia Philippines ở Manila vào tối 31/07/2019, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario cho rằng: “Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên cân nhắc việc đi đến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để có thể có được số phiếu cần thiết nhằm thuyết phục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài”. Người ta hiểu ý của ông Albert Del Rosario là đã đến lúc, cơ quan quyền lực cao nhất của Liên Hợp Quốc cần phải lên tiếng trước những hành động sai trái của Trung Quốc.

Trước đó (03/2019), ông Del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales của Philippines đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) về “những hành động sai trái của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông”.Trong đơn kiện, ông Del Rosario và bà Morales kêu gọi Công tố viên Fatou Bensouda của ICC khởi xướng “cuộc khảo sát sơ bộ” nhằm “đánh giá các hành vi phạm pháp của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác ở Biển Đông”. Khẳng định mình là đại diện cho hàng trăm ngàn ngư dân, ông Del Rosario và bà Morales cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các thực thể ở Biển Đông là “sự hủy diệt gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Vụ kiện của hai người trêntuy không thành nhưng nhận được sự ủng hộ, tán thành của hàng ngàn người dân Philippines.

Ngay đầu tháng 8/2019, trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài, Giáo sư Carl Thayer cũng đề xuất:Các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ diễn ra với Việt Nam mà còn với cả Philippines và Malaysia ở cùng thời điểm, nên hơn lúc nào hết, các nước ASEAN phải thể hiện lập trường đoàn kết, cứng rắn hơn trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh tiếp tục có ý định thâu tóm toàn bộ Biển Đông. Thậm chí, các nước ASEAN phải tính đến việc dừng đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nếu cần thiết.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Praha, Tiến sĩ Takashi Hosoda – chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á-Thái Bình Dươngthuộc trường Đại học Tổng hợp Charles (CH Séc)cho rằng, cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp, Anh… cần có tiếng nói mạnh mẽ và hành động cụ thể để kiềm chế các hoạt động leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên thực địa. Giải quyết vấn đề Biển Đông là quá trình phức tạp, lâu dài, nên điều quan trọng nhất là các nước ASEAN phải tăng cường đoàn kết nội khối, tạo sức mạnh tổng hợp để không bị chia rẽ. Các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần kiên quyết và kiên trì đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mang tính răn đe và cưỡng ép của Trung Quốc trên thực địa, đồng thời xử lý tranh chấp theo hướng không để ảnh hưởng tới quan hệ song phương với Trung Quốc, vì lợi ích chiến lược phát triển của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Giáo sư Go Ito thuộc trường Đại học Meiji (Nhật Bản) nhấn mạnh, trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông hiện nay, Việt Nam cần củng cố sức mạnh thông qua việc mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị với các nước, nhất là những nước có đồng quan điểm với chính sách biển của Việt Nam. Việt Nam cũng cần xây dựng một chính sách biển mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia có tàu thuyền đi qua Biển Đông.

Một quốc gia khá có “trọng lượng” trong tác động ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông, lâu nay, vì quyền lợi quốc gia và sự tế nhị trong quan hệ ngoại giao nên thường tỏ ra “đứng ngoài” các sự kiện xảy ra ở Biển Đông hoặc có lên tiếng thì cũng chung chung hoặc có khuynh hướng nghiêng về “bênh vực” cho quan điểm của Trung Quốc là Liên Bang Nga, giờ đây có sự chuyển dịch đáng chú ý: Sự kiện Trung Quốc đưa tàu Địa chất Hải Dương 8 vào khu vực bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam lần này được truyền thông Nga đưa tin có xu hướng nghiêng về Việt Nam. Nếu như trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, truyền thông Nga đưa tin nghiêng về Trung Quốc với những trích dẫn đậm nét các tuyên bố chính thức của Bắc Kinh, trong khi tỷ lệ thông tin về lập trường của Việt Nam lại chiếm rất ít, thậm chí có những bài bình luận mang tính chủ quan, công kích Việt Nam, gây phẫn nộ từ công chúng Việt, thì đến sự kiện này, truyền thông Nga đưa tin theo hướng ưu tiên trích dẫn các phát biểu và tuyên bố chính thức bất lợi cho Trung Quốc từ phía các nước như Mỹ, Philippines. Thậm chí, hãng thông tấn TASS của Nga còn giật tít đầy ẩn ý rằng, “Trung Quốc cần kiềm chế các hành động khiêu khích tại Biển Đông” khi trích dẫn phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngày 17/07/2019, hãng tin TASS đã dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài tại các vùng biển của Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm

luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Những thông tin này đặt ra câu hỏi, phải chăng giới truyền thông, thậm chí là giới ngoại giao Nga giờ đây đã “tỉnh ngộ” và nhận thức ra chân lý và lẽ phải thuộc về các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Và họ không có sự lựa chọn nào khác là ủng hộ lập trường và những giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Hiện nay, trong quan hệ quốc tế, các nước đang nói nhiều đến niềm tin chiến lược, coi đó là cơ sở để các bên thúc đẩy quan hệ. Thế nhưng, những hành động và việc làm gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như thế, làm sao để các nước “có đủ dũng khí và niềm tin” để “hợp tác cùng thắng” với Bắc Kinh được đây. Dân gian thường nói:Có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả. Nếu Trung Quốc cứ hành động bất chấp luật pháp quốc tế, không tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các nước ở Biển Đông, thì niềm tin vào Trung Quốc không biết bao giờ mới xuất hiện. Và “Con giun xéo lắm cũng quằn”, các nước trong và ngoài khu vực chắc chắn sẽ không để cho Trung Quốc muốn “làm mưa làm gió” gì ở Biển Đông cũng được. Tiếng nói và hành động phản đối hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng mạnh, nếu Bắc Kinh không tự xem lại mình, thì lại như dân gian thường nói: Kẻ gieo gió, ắt có ngày gặt bão.

http://biendong.net/bien-dong/30031-gieo-gio-tranh-chap-chu-quyen-o-bien-dong-tq-at-co-ngay-phai-gat-bao.html

 

Nên có “diệu pháp” cải hoán tư duy của lãnh đạo TQ

trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Để giải quyết được vấn đề từ gốc rễ thì có lẽ, cộng đồng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong ứng xử với Trung Quốc nên chăng cần hợp sức với nhau đưa ra “diệu pháp” nào đó để cải hoán tư duy trên của lãnh đạo Trung Quốc thì may ra Biển Đông mới có thể là biển thái bình của Thái Bình Dương.

Liên tiếp trong các ngày 06 và 07/08/2019, hải quân Trung Quốc lại tung ra lệnh cấm biển để tổ chức diễn tập quân sự ở vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động trên diễn ra đúng một tuần sau Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 52 (AMM52) vừa diễn ra ở Bangkok, Thailand và nó như một câu trả lời đối với tất cả các thành viên dự hội nghị này liên quan đến những bày tỏ của họ trong Thông cáo chung của hội nghị thể hiện “lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Mặc dù Thông cáo chung đã không có một từ nào đả động đến Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu rằng kẻ khiến người ta “lo ngại” chính là Trung

Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng hiểu điều đó và thế là, sau khi đoàn của Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị tham dự hội nghị trên trở về, sau khi vấp phải sự lên án và không đồng tình của các nước trong và ngoài khu vực về những hành động vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông, Trung Quốc không những không lùi lại mà còn thách thức, đáp trả công luận bằng hành vi “diễu võ giương oai” trên biển. Thực ra, cách làm này của Trung Quốc không có gì mới, bởi họ từ lâu đã toan tính việc dùng sức mạnh quân sự để hậu thuẫn cho ý đồ khống chế Biển Đông.

Còn nhớ, ngay từ năm 1951, sau khi lần đầu tiên chính thức đưa ra đòi hỏi “chủ quyền” đối với Biển Đông, đơn phương vạch đường biên giới trên biển này với tổng diện tích trên 3 triệu km2, trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã khẳng định: “…nếu không có hải quân lớn mạnh làm hậu thuẫn thì hoạt động kinh tế biển sẽ bị uy hiếp, đấu tranh đối ngoại sẽ mềm yếu, điều tra nghiên cứu khoa học hải dương không được đảm bảo, luật biển khó có thể thực hiện được, bảo vệ quyền lợi biển chỉ là lời nói suông…” và kêu gọi xây dựng một lực lượng hải quân lớn mạnh để đảm bảo “thu hồi lãnh thổ”, đồng thời có khả năng “đẩy” chiến trường của cuộc chiến tranh tương lai “ra xa lãnh thổ Trung Quốc” bằng cách ra ngoài biển. Từ đó đến nay, họ ra sức đầu tư xây dựng tiềm lực cho hải quân cả về phát triển lực lượng, nghệ thuật quân sự cũng như trang bị vũ khí.

Đầu tiên là họ đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược hải quân, chuyển lực lượng này từ “phòng ngự bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải” sang “phòng ngự tích cực bảo vệ quyền lợi đại dương” hay “phòng ngự tích cực biển khơi”, từ thế “phòng thủ” sang thế “tấn công”. Nội dung cơ bản của chiến lược “phòng ngự tích cực biển khơi” là xây dựng lực lượng hải quân với 3 mục tiêu chính:

Một là tác chiến ngoài khơi: Lực lượng hải quân Trung Quốc phải có khả năng thực hiện tác chiến độc lập trên biển, kiểm soát toàn bộ lãnh hải của Trung Quốc, thống nhất Đài Loan.

Hai là phục vụ chiến lược biển: Bảo vệ các nguồn lợi kinh tế và hoạt động của các lực lượng khác trên biển, hỗ trợ phòng thủ quốc gia.

Ba là hiện đại hóa lực lượng: Hiện đại hóa trang bị và vũ khí hải quân theo hướng giảm lực lượng chiến đấu thủy lôi, tăng dần lực lượng chiến đấu mặt nước, tập trung vào các tàu khu trục mang tên lửa, tăng tàu ngầm tiến công loại hiện đại để thay thế các loại tàu ngầm cũ, nhanh chóng nghiên cứu, tự chế tạo tàu sân bay.

Hải quân Trung Quốc vạch ra 3 khu vực phòng ngự gồm:

Khu vực “phòng ngự tập trung”: Là khu vực biển kéo dài từ bờ ra xa 150 hải lý (278km). Trong khu vực này, chủ yếu dùng xuồng cao tốc, tàu pháo và tàu tên lửa kết hợp với tên lửa bờ đối hạm để tác chiến.

Khu vực “phòng ngự lớp giữa” hay còn gọi là “khu cơ động gần bờ”: Trong phạm vi 150 – 300 hải lý (278 – 556km), dùng tàu hộ vệ đa năng và tàu hộ vệ tên lửa, các loại tàu cỡ lớn tập trung binh lực đánh trả tàu đối phương.

Khu vực “tác chiến lớp ngoài”: Từ eo biển Triều Tiên ở phía bắc đến quần đảo Ô-ki-na-oa của Nhật Bản ở phía đông, đến quần đảo Trường Sa ở phía nam, chủ yếu dùng các loại tàu ngầm, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích thực hành tác chiến trên biển, trên không, dưới nước.

Với 3 lớp tác chiến tổng thể như trên, Trung Quốc hi vọng sẽ giành được quyền chủ động trên biển.

Năm 2003, trên cơ sở nền kinh tế phát triển nhanh, quốc phòng, an ninh được củng cố, tiềm lực tổng hợp quốc gia không ngừng tăng lên, họ lại đề ra “chiến lược kiểm soát biển ba bước” được mệnh danh bằng cái tên mỹ miều là “chiến lược chuỗi ngọc trai”, chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Khống chế trực tiếp vành đai đảo thứ nhất, trong phạm vi từ bờ ra khoảng 500 – 600 hải lý gồm Hoàng Hải, Đông Hải, Nam Hải (Biển Đông)…mà Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền”;

Giai đoạn 2: Đến năm 2020, mở rộng kiểm soát ra phạm vi 1500 hải lý;

Giai đoạn 3: Đến năm 2050, sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát ra toàn bộ các vùng biển của thế giới.

Sau khi hoàn thành mục tiêu giai đoạn 3, Trung Quốc sẽ trở thành “cường quốc đại dương” và cũng chính thức là một “siêu cường” cạnh tranh ngang ngửa với các “siêu cường” khác trên các lục địa và đại dương. Vì thế, báo cáo của Chính phủ Trung Quốc tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 11 của nước này có đoạn nhấn mạnh: “Kiên trì phát triển quân đội theo hướng thông tin hóa kết hợp với cơ giới hóa. Lực lượng không quân và hải quân tiếp tục được xác định là đột phá trong quá trình hiện đại hóa…”. Thực chất là thuyết phục quốc hội nước này ủng hộ chiến lược 3 giai đoạn trên.

Những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho phát triển tiềm lực quân sự, tăng nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội, nhất là lực lượng hải quân, không quân và đặc biệt ưu tiên cho hướng Biển Đông. Ngân sách quốc phòng của nước này liên tục tăng ở mức trên 10% hàng năm. Theo đó, ngân sách

quốc phòng năm 2005 mới là 33 tỷ USD, đến năm 2010 tăng lên mức 77,9 tỷ USD và đến năm 2015 đã là gần 130 tỷ USD, tính ra, cứ sau mỗi 5 năm, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lại tăng gần gấp đôi.

Trên hướng Biển Đông, Trung Quốc coi trọng việc nâng cao hơn nữa sức mạnh của Hạm đội Nam Hải và củng cố các tuyến phòng ngự biển phía nam nhằm uy hiếp các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cạnh tranh với Mỹ về khả năng kiểm soát vùng biển này. Theo đó, Trung Quốc đã: 1/ Đẩy mạnh củng cố công trình quân sự trên đảo và quân cảng thuộc Hạm đội Nam Hải. Trong đó thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống sân bay lưỡng dụng và cơ bản hoàn thành xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Tam Á – Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam, nâng cấp sân bay và căn cứ hải quân trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; tiến hành cải tạo, bồi đắp, mở rộng các đảo đá, bãi cạn ở Trường Sa để tạo điều kiện cho việc “quân sự hóa” các đảo này; tiếp tục nâng cấp căn cứ quân sự hỗn hợp trên đảo Chữ Thập và các đảo họ cưỡng chiếm được ở quần đảo Trường Sa. Ba căn cứ trên tạo thế “kiềng ba chân” khống chế toàn bộ khu vực trung tâm của Biển Đông và hành lang nhìn ra Thái Bình Dương. 2/ Xây dựng lực lượng phản ứng nhanh và đầu tư trang bị nhằm hiện đại hóa Hạm đội Nam Hải và trang bị cho lực lượng không quân các loại máy bay mới, có khả năng tiếp nhận nhiên liệu trên không (như máy bay Su-30MK2, Su-30MK3) và thế hệ tiêm kích bom (FBC-1A), nhằm mở rộng bán kính hoạt động tuần tra, tác chiến đến các đảo trên Biển Đông. Gần đây, hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế máy bay chiến đấu đa năng J-11B cho lực lượng không quân Nam Hải, bố trí ở sân bay Lĩnh Thủy và Lạc Đông để tăng cường khả năng tác chiến. Hoàn thành việc mở rộng sân bay trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa đáp ứng cho việc bố trí máy bay báo động sớm cỡ lớn loại “Không cảnh – 2000” cất hạ cánh. Xây dựng mới sân bay dã chiến ở đảo Chữ Thập, Vành Khăn thuộc Trường sa. 3/ Quy hoạch lại hệ thống chỉ huy tác chiến khu vực Biển Đông, thiết lập hệ thống chỉ huy 3 cấp (trong đó lập sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tham mưu ở căn cứ Trạm Giang; thành lập phân khu quân sự “Tam Sa” trực thuộc quân khu tỉnh Hải Nam; lập Bộ chỉ huy mặt trận Trường Sa để thống nhất chỉ huy các lực lượng và đặt sở chỉ huy phía trước ở đảo Chữ Thập) và sử dụng Biển Đông làm địa điểm luân phiên diễn tập cho các biên đội tàu hải quân; đồng thời gia tăng các cuộc diễn tập phối hợp hiệp đồng ba binh chủng không quân – hải quân – lính thủy đánh bộ theo hạng mục tiến công đổ bộ đánh chiếm đảo.

Bên cạnh đó, hải quân Trung Quốc đã bước đầu hình thành hệ thống tác chiến cơ động, phòng ngự căn cứ, phản kích trên biển, đảo; thành lập lực lượng hậu cần trên biển để có thể đảm bảo cho các lực lượng tác chiến của hải quân hoạt động dài ngày hơn, phạm vi hoạt động mở rộng hơn. Về trang bị, Trung Quốc đã mua của Nga 4 tàu khu trục tên lửa hiện đại lớp Sovremenny, 12 tàu ngầm thông thường lớp Kilô; đã tự đóng được tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Hạ và tàu khu trục tên lửa thế hệ 3 có lượng giãn nước 7.000 tấn; cuối năm 2012, đã hạ thủy và đưa vào biên chế hải quân tàu sân bay tự đóng đầu tiên mang tên Liêu Ninh 16. Vì thế, sức mạnh của Hạm đội Nam Hải được tăng cường rõ rệt. Hạm đội này đã tổ chức ra các lữ đoàn tàu khu trục, lữ đoàn tàu vận tải – đổ bộ, các biên đội tàu săn ngầm, tàu ngư lôi, tàu hộ vệ…

Trung Quốc cũng coi trọng và đầu tư xây dựng, phát triển lực lượng không quân và lực lượng chiến lược nhằm hỗ trợ cho lực lượng hải quân và coi đây là lực lượng răn đe sự can thiệp của Mỹ khi Trung Quốc tiến hành “thống nhất” Đài Loan hoặc “thu hồi chủ quyền” Biển Đông bằng vũ lực.

Dựa vào các bước triển khai và sức mạnh trên biển được tăng cường như trên nên Trung Quốc ngày càng tỏ ra “hung hăng” hơn trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước. Hễ tình hình khu vực có vấn đề gì tác động đến lợi ích của Trung Quốc là họ lại đem lực lượng quân sự trên ra “khua chiêng, gõ mõ” trên Biển Đông để “ra oai”. Đơn cử như năm 2016, sau khi tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật biển (PCA) xử thua Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines, họ liền tổ chức tập trận quân sự lớn trên Biển Đông… Đặc biệt, trên trường ngoại giao và pháp lý quốc tế, cứ đụng vào vấn đề chủ quyền trên Biển Đông là Trung Quốc lại đuối lý, thất thế, thậm chí bị cộng đồng các nước trong khu vực và trên thế giới lên án, cô lập. Lâm vào thế đường cùng, Trung Quốc lại quay về giở “bài cùn” là diễn tập quân sự, huấn luyện chiến đấu hay “cứu hộ cứu nạn” trên biển để “trả đũa”, thách thức.

Xem ra, tư duy “mạnh được, yếu thua” trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước vẫn ăn sâu “thâm căn cố đế” trong đầu óc giới lãnh đạo và tướng lĩnh Trung Quốc. Tư duy trên không những kích thích họ gia tăng hoạt động “quân sự hóa” Biển Đông để “không cho phép” kẻ nào vượt trội Trung Quốc ở đây, mà còn gián tiếp lôi cuốn các nước khác vào cuộc chạy đua vũ trang trên biển để tự bảo vệ mình. Với tư duy ấy, cho dù các nước trong khu vực và trên thế giới có muốn tìm giải pháp hòa bình nào đi nữa để thuyết phục, đàm phán, thương lượng với Trung quốc thì kết cục chắc cũng chỉ là

vô vọng. Thiết nghĩ, để giải quyết được vấn đề từ gốc rễ thì có lẽ, cộng đồng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong ứng xử với Trung Quốc nên chăng cần hợp sức với nhau đưa ra “diệu pháp” nào đó để cải hoán tư duy trên của lãnh đạo Trung Quốc thì may ra Biển Đông mới có thể là biển thái bình của Thái Bình Dương.

http://biendong.net/bien-dong/30032-nen-co-dieu-phap-cai-hoan-tu-duy-cua-lanh-dao-tq-trong-giai-quyet-tranh-chap-chu-quyen-o-bien-dong.html

 

Sau ba năm phán quyết của PCA,

Biển Đông sóng có yên, biển có lặng

Cách đây ba năm, ngày 12/07/2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế về Luật Biển (PCA, được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – UNCLOS 1982), đã ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc xung quanh việc nước này xâm phạm chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, trong đó phần thắng nghiêng về phía Philipppines. Sau vụ kiện, nhiều chuyên gia dự báo tình hình Biển Đông sẽ xoay chuyển theo hướng có lợi cho các nước có yêu sách chủ quyền chính đáng, phù hợp với UNCLOS 1982, bất lợi cho Trung Quốc. Thậm chí, có người lạc quan rằng trước phán quyết như thế của PCA, Trung Quốc sẽ có thể “xuống thang”, đi vào “tìm giải pháp” với các nước có liên quan để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình. Song, ba năm sau phán quyết của PCA, tình hình thực tế ở Biển Đông không như dự báo trên mà có vẻ như đang trở nên “tồi tệ” hơn khiến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 52 nhóm họp ngày 31/07/2019 tại thủ đô Bangkok của Thailand phải quan tâm đưa vào nghị trình thảo luận và ra thông cáo chung.

Quả có thế, sau thất bại cay đắng bởi những nội dung phán quyết của PCA không có điều nào bênh vực cho lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và mặc dù tuyên bố tẩy chay phiên tòa cũng như không chấp nhận phán quyết của Tòa, Trung Quốc, với ưu thế sức mạnh đang lên và tham vọng cố hữu, vẫn cố tìm cách xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình trên tất cả các mặt trận để nắm quyền “kiểm soát” Biển Đông.

Trên mặt trận pháp lý, do biết chắc rằng phần thắng sẽ không thuộc về mình, nên trước khi Philippines đưa vụ kiện trên ra PCA, Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ một phán quyết nào từ các tòa trọng tài. Khi PCA ra phán quyết cuối cùng bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” và các đòi hỏi phi lý khác của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh đã thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế khi một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trong buổi gặp mặt Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu vào ngày 12/07/2016 đã nói rằng: “Từ cổ chí kim, các đảo ở Biển Đông đều là lãnh thổ của Trung Quốc. Trong bất cứ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của PCA. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết của PCA”. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng, vụ kiện này là “một trò hề đội lốt pháp luật”, đồng thời biện hộ “Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia PCA là nhằm bảo vệ nền pháp quyền quốc tế và quy tắc khu vực theo pháp luật”… Không biết bộ này của Trung Quốc có bị “chập mạch” không khi PCA là tòa trọng tài quốc tế, ra phán quyết theo pháp quyền quốc tế, nhưng Trung Quốc không chấp hành tòa này thì họ thực hiện và bảo vệ pháp luật nào nữa đây?

Chưa dừng lại ở đó, sau vụ kiện, Trung Quốc tìm mọi cách củng cố, ngụy tạo các chứng cứ pháp lý về Biển Đông, diễn giải luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 theo hướng có lợi cho nước này, chủ trương không chấp nhận giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp pháp lý. Trung Quốc còn đẩy mạnh chiến dịch vận động ngoại giao, tuyên truyền để phản đối phán quyết của PCA, nhưng cũng giảm thiểu việc đề cập đến yêu sách “đường lưỡi bò” là điểm yếu chí tử của họ. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc lại giở thủ đoạn “lắt léo” khi chủ động đưa ra cách giải thích mới liên quan đến cơ sở pháp lý về “chủ quyền” ở Biển Đông theo luận điểm “Tứ Sa”. Theo đó, trong một đối thoại kín giữa quan chức Trung Quốc và Mỹ về luật pháp quốc tế vào cuối tháng 8/2017, Trung Quốc đã đưa ra quan điểm về yêu sách “chủ quyền” đối với “Tứ Sa”, tức là “chủ quyền” đối với bốn nhóm đảo ở Biển Đông bao gồm: Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa (Macclesfield); đồng thời, cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng biển rộng lớn (gần như toàn bộ Biển Đông) xung quanh bốn khu vực quần đảo này. Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, khu vực này là

“vùng nước lãnh hải lịch sử” của Trung Quốc và cũng là một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ. Bắc Kinh cũng nêu yêu sách quyền sở hữu bằng việc khẳng định “Tứ Sa” là một phần của thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn “mượn mồm” giới học giả của họ để thăm dò dư luận về đường biên giới trên biển hình chữ “U” trên cơ sở nối liền các đoạn của “đường chín đoạn”, thậm chí huy động lực lượng nghiên cứu, xuất bản sách “phản biện” phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines.

Đáng chú ý, phán quyết của PCA được nhiều nước trên thế giới ủng hộ, đồng thời họ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết trên, thể hiện là một nước lớn “có trách nhiệm” và nêu gương trong tôn trọng và thực thi pháp luật quốc tế. Nhưng tiếc thay, sau ba năm, phán quyết của PCA vẫn chỉ là một chiến thắng mang tính biểu tượng của chính quyền tiền nhiệm ở Philippines và là công cụ để tổng thống Philippines đương nhiệm sử dụng để mặc cả với Trung Quốc. Những khoản viện trợ và cho vay hậu hĩnh từ Bắc Kinh đã khiến cho Philippines hầu như không đả động gì đến phán quyết của PCA trong quan hệ với Trung Quốc thời gian qua.

Trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, giao thiệp để làm như là họ vẫn rất có “thiện chí” trong vấn đề Biển Đông, như chủ động thúc đẩy đàm phán COC (nhưng từ chối tham gia một COC mang tính ràng buộc mà có thể thách thức mục tiêu biến Biển Đông thành “ao nhà” của Bắc Kinh), thúc đẩy hợp tác đa phương về các lĩnh vực kinh tế biển, an ninh hàng hải… với ASEAN; chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, trong đó tăng cường quan hệ với Philippines, khai thác tối đa tính thực dụng của Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte để thúc đẩy một số tiến triển nhất định về các vấn đề trên biển với Philippines (như tàu cá Philippines được phép hoạt động trở lại ở bãi cạn Scarborough, triển khai cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông, ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí trên biển…) nhằm “đánh bóng” bản thân. Đi cùng với đó, Trung Quốc ra sức bóp méo, xuyên tạc rằng, một số nước đang lợi dụng khoảng thời gian đàm phán COC để gia tăng các hoạt động trên các đảo, đá, bãi cạn, kiểm soát các vùng biển và khai thác tài nguyên trên biển… nên Trung Quốc phải triển khai các hoạt động “bảo vệ chủ quyền”.

Trên thực địa, từ sau phán quyết của PCA, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn âm thầm triển khai hoạt động cải tạo, bồi đắp các đảo, đá, bãi cạn và tìm cách “quân sự hóa” trên diện rộng khắp Biển Đông. Theo những hình ảnh vệ tinh nước ngoài thu được, đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện 3 đường băng sân bay dài 3.000m, thiết lập hệ thống tên lửa, mạng lưới radar, anten… tại quần đảo Trường Sa; lắp đặt trang thiết bị mở rộng phạm vi giám sát trên không, trên biển và tác chiến điện tử ở quần đảo Hoàng Sa; đồng thời có kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thành “căn cứ hậu cần chiến lược”. Tại đảo Hải Nam, Trung Quốc đã nâng cấp 4 căn cứ không quân và xây dựng căn cứ tên lửa chiến lược liên lục địa. Nếu triển khai các loại máy bay chiến đấu hiện đại với phạm vi hoạt động từ 1.000 – 1.500km tại các căn cứ trên, Trung Quốc sẽ đủ khả năng kiểm soát trên không toàn bộ Biển Đông và một phần lãnh thổ các nước ven Biển Đông. Không chỉ tập trung kiểm soát trên không và trên mặt biển, Trung Quốc còn đẩy mạnh triển khai hệ thống cảnh báo, giám sát dưới mặt biển. Các chuyên gia quân sự cho biết, Trung Quốc đã, đang bí mật triển khai Khu nhận dạng hàng hải (MNIZ) và Khu nhận dạng âm thanh dưới mặt biển (UAIZ) ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện lực lượng hải quân, chấp pháp, tàu cá dân binh để tuần tra, xua đuổi, bắt giữ phương tiện, tàu thuyền của các nước hoạt động ở Biển Đông; tích cực sử dụng hàng nghìn tàu cá vỏ sắt có công suất lớn, tàu cá dân binh như một mạng lưới trinh sát trên Biển Đông; gây sức ép rồi đâm chìm tàu cá ngư dân Philipppines tại khu vực đảo Thị Tứ, ngăn cản hoạt động bình thường của tàu dân sự Malaysia quanh bãi cạn Luconia, đưa tàu khảo sát địa chất xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính… Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức nhiều cuộc tập trận với tần suất và quy mô ngày càng mở rộng, trong đó phải kể đến cuộc duyệt binh hải quân trên biển (tháng 4/2018) ở gần đảo Hải Nam với quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm phô trương sức mạnh, xa hơn là răn đe các nước.

Việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa, đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên thực địa tại Biển Đông đã khiến các nước, các bên liên quan buộc phải tăng cường năng lực quốc phòng, cũng như triển khai các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích, khiến cho tình hình an ninh Biển Đông phức tạp hơn. Không kể hoạt động tăng cường quốc phòng của các nước trong khu vực, Mỹ và nhiều nước ngoài khu vực cũng đã gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, bề ngoài nói là để phản đối các hành động quân sự của Trung Quốc, nhưng thực chất là tiếp tục triển khai ý đồ chiến lược của họ tại vùng biển này. Từ khi lên nắm quyền năm 2017, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng cường điều tàu chiến, tàu sân bay, máy bay tiến hành tuần tra ở Biển Đông, đặc biệt đã tiến hành 13 đợt hoạt

động tự do hàng hải (so với 5 đợt dưới thời Tổng thống B.Obama), để ngỏ khả năng lập căn cứ quân sự mới gần Biển Đông. Mỹ cũng lôi kéo các đồng minh gia tăng hiện diện quân sự và tập trận chung ở Biển Đông và khu vực xung quanh, như tập trận chung với Nhật Bản, Anh, Australia và Philippines; tập trận chung chống ngầm với Anh, Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương, lên kế hoạch cho các cuộc tập trận đa quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào “kịch bản Biển Đông”.

Nhật Bản lần đầu tiên đã cử tàu ngầm tham gia diễn tập chống ngầm ở Biển Đông. Australia thường xuyên cho máy bay hoạt động trinh sát ở Biển Đông. Các nước Anh, Pháp… cũng bắt đầu cử tàu chiến tới Biển Đông hoạt động, thậm chí Anh còn tuyên bố sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Mặc dù các nước ngoài khu vực cũng có lợi ích ở Biển Đông, nhưng tình hình phải như thế nào mới khiến họ phải “động chân, động tay” như thế. Nếu như Trung Quốc không có các hoạt động như kể trên thì việc gì các nước ngoài khu vực phải hiện diện và hoạt động quân sự đến mức như vậy?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu không thể phủ nhận và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Việc Philippines sử dụng PCA để giải quyết yêu sách về chủ quyền của mình là một cách lựa chọn biện pháp hòa bình. Thế nhưng, mặc dù đã có phán quyết của PCA nhưng Trung Quốc chẳng những không chấp nhận, mà còn có nhiều hành động phi pháp nhằm “lật ngược” tình thế của mình ở Biển Đông. Đây chính là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu khiến cho tình hình Biển Đông ba năm sau phán quyết của PCA vẫn không “sóng yên, biển lặng”, thậm chí còn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm hơn trong tương lai.

http://biendong.net/bien-dong/30034-sau-ba-nam-phan-quyet-cua-pca-bien-dong-song-co-yen-bien-co-lang.html