Tin Biển Đông – 24/08/2019
Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu
đến Bãi Tư Chính
Máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu trên không nằm trong nhóm hỗ trợ cho tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc trở lại khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hai mạng báo IBTimes và Wionews của Ấn Độ loan tin vừa nêu vào ngày 22 và 21 tháng 8, đồng thời nói rõ Tập đoàn Dầu Khí ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ có quyền lợi thương mại tại khu vực đó.
Ngoài máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu trên không bị phát hiện như vừa nêu; số lượng tàu Trung Quốc trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 13 tháng 8 được nói tổng cộng 20 chiếc. Trong số này có 6 tàu hải giám, 10 tàu cá và hai tàu dịch vụ. Hai tàu hải giám được bố trí gần lô dầu khí mà ONGC đang thăm dò.
Bản tin của Wionenews còn cho biết phía Trung Quốc cho phát loa kêu gọi các tàu khoan thăm dò của Việt Nam rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính.
Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Đia Chất 8 và các tàu hộ tống đi vào khu vực Bãi Tư Chính lần đầu vào ngày 3 tháng 7. Đến ngày 7 tháng 8, tin nói các tàu rút về Đá Chữ Thập ở Trường Sa; và đến ngày 13 tháng 8 trở lại với lực lượng hộ tống hùng hậu như vừa nêu.
Trong lần đầu số tàu được nói là 35 chiếc mà không có nhiều máy bay như lần vào ngày 13 tháng 8.
Wionenews cho biết sau lần đầu, phía Việt Nam tiến hành giao thiệp với phía Trung Quốc 30 lần, sau lần trở lại thứ hai, Việt Nam đến nay đã giao thiệp với phía Trung Quốc 7 lần.
Đại diện Việt Nam cũng thông báo cho Nga và Ấn Độ là hai nước có quyền lợi thương mại với những hợp tác cùng Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng tiếp xúc với các đối tác như Hoa Kỳ, Australia, và 16 đối tác đối thoại để thông tin về căng thẳng tại Bãi Tư Chính.
Hồi năm 2011, Trung Quốc từng cho cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, đến năm 2014 thì cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Hành vi sai trái của Trung Quốc
ở Biển Đông dưới góc nhìn chuyên gia
Nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong thời gian vừa qua, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi ) của Trung Quốc đã vào thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đi theo bảo vệ tàu này có các tàu cảnh sát biển Trung Quốc và các tàu dân quân biển.
Dư luận quốc tế và trong nước lên án quyết liệt hành vi của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Từ góc độ pháp lý, hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế như thế nào? Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Hội Luật quốc tế Việt Nam đã có những phân tích cụ thể về vấn đề này. [*Đây là ý kiến của cá nhân Tiến sĩ Lan Dung, không đại diện cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào].
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các quốc gia có quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên sinh vật hoặc không sinh vật tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Quốc gia có quyền tài phán về lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; về nghiên cứu khoa học biển; về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Tại vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền đặt dây cáp ngầm.
Như vậy, các quốc gia khác không được tiến hành thăm dò, khảo sát tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc sử dụng các trang thiết bị và tiến hành thăm dò và khảo sát trong quá trình đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế cho thấy dấu hiệu vi phạm quyền chủ quyền về thăm dò tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Việc nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 (lúc đông nhất lên đến hàng chục tàu hộ tống) đi như kẻ ô bàn cờ trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và thực hiện các hoạt động thăm dò thì mức độ vi phạm càng rõ ràng hơn. Nếu tàu cảnh sát biển của Việt Nam yêu cầu tàu khảo sát của Trung Quốc ngừng hoạt động thăm dò và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền chủ quyền ở vùng đặc quyền kinh tế mà các tàu của Trung Quốc vẫn có các biện pháp gây hấn thì mức độ vi phạm càng trầm trọng.
Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết luận từ góc độ pháp lý trong những trường hợp như trên, nhiều yếu tố cần được cân nhắc xem xét kỹ lưỡng.
Xác định vị trí và quy chế pháp lý vùng biển nơi có hành vi vi phạm
Vị trí nơi xảy ra các hoạt động của nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 có vai trò quan trọng trong việc xác định hành vi vi phạm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Qua tuyên bố này, có thể thấy các hành vi thăm dò xảy ra ở vùng biển nằm cách bờ biển Việt Nam không quá 200 hải lý, không chồng lấn hoặc tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc không có cơ sở nào để có bất kỳ yêu sách gì đối với vùng biển này của Việt Nam.
Thứ nhất, bờ biển Trung Quốc cách nơi này hơn 500 hải lý.
Thứ hai, các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa, theo phán quyết Trọng tài trong vụ Philippines – Trung Quốc, không thể có vùng biển rộng hơn 12 hải lý, do đó việc Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể ở Trường Sa không thể tạo ra bất cứ cơ sở nào cho Trung Quốc yêu sách vùng biển nêu trên của Việt Nam. Hơn nữa, Trường Sa không phải quốc gia quần đảo nên không thể có đường cơ sở quần đảo.
Thứ ba, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng họ có chủ quyền với bãi san hô ngầm ở khu vực Nam Biển Đông này là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo quy định của luật biển quốc tế, những rạn san hô chìm ngầm dưới nước không phải là đối tượng yêu sách chủ quyền riêng rẽ. Trung Quốc cũng như không một quốc gia nào có thể yêu sách chủ quyền riêng rẽ với những bãi san hô ngầm ở khu vực này. Khu vực nào của những bãi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt nam là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam có quyền lắp đặt đảo nhân tạo, xây dựng công trình và thăm dò, khai thác tài nguyên tại đây vì đó là quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Các tình huống và biện pháp trên thực địa
Trên thực địa, khi xảy ra tình huống như đã nêu ở trên, tàu chấp pháp của quốc gia ven biển có thể thực hiện các hành động lại gần giám sát, tìm hiểu rõ vấn đề, yêu cầu tàu khảo sát của Trung Quốc ngừng hoạt động thăm dò và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trong trường hợp đã yêu cầu nhưng không thực hiện, các tàu chấp pháp của quốc gia ven biển có thể tiếp cận gần hơn để thực hiện chức năng của mình, tiếp tục yêu cầu, không cho phép tàu khảo sát được tiếp tục thăm dò.
Trong trường hợp cần thiết, nếu tàu khảo sát hoặc các tàu hộ tống của Trung Quốc có các hành vi cản trở, chống đối tàu chấp pháp của quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền tại vùng đặc quyền kinh tế thì các tàu chấp pháp được quyền thực hiện các biện pháp tương xứng để đáp trả nhằm mục đích tự vệ và thực hiện chức năng của mình.
Theo quy định của luật quốc tế, việc thực hiện các biện pháp này cần đáp ứng được yêu cầu về sự cần thiết và tính tương xứng. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hoà bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Xác định loại tàu thâm nhập trái phép
Việc xác định các tàu của Trung Quốc là loại tàu nào cũng có ý nghĩa quan trọng từ góc độ pháp lý. Tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 thuộc quyền quản lý và sử dụng của chính phủ Trung Quốc, ngoài ra còn được hộ tống bởi các tàu cảnh sát biển/ tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Trung quốc (tạm dịch từ tiếng Anh “China Coast Guard) và tàu dân quân của Trung Quốc nên có cơ sở để xác định hành vi vi phạm của tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 là của Trung Quốc. Các tàu hộ tống nếu thực hiện các biện pháp cản trở hoặc chống đối tàu chấp pháp của quốc gia ven biển cũng cần xem đó là loại tàu nào.
Trong các đụng độ, các nước thường tránh không dùng lực lượng quân đội chính quy như hải quân vì hành động sử dụng vũ lực của quân đội chính quy theo luật pháp quốc tế là hành động tấn công vũ trang và là cơ sở để các nước khác có thể sử dụng quyền tự vệ.
Việc dùng các tàu chấp pháp hoặc tàu cảnh sát biển, tàu dân quân để hộ tống vừa phù hợp với đặc thù vụ việc và trong trường hợp chủ động gây hấn ở những vùng mà Trung Quốc cố tình yêu sách ngược lại với các quy định của luật quốc tế thì họ ngang nhiên coi đó là hoạt động chấp pháp của họ.
Các biện pháp được các bên sử dụng cụ thể như thế nào khi có đụng độ cũng rất quan trọng từ góc độ pháp lý. Các biện pháp ngăn cản, ép, tạt cánh, chặn đầu hay phun vòi rồng có thể sẽ được phân tích rất kỹ lưỡng về mức độ và hậu quả gây ra để xác định mức độ vi phạm, để xem xét có phải là sử dụng vũ lực không, đặc biệt nếu vụ việc được đưa ra các tòa án quốc tế xét xử.
Kể cả trong trường hợp lực lượng chấp pháp thực hiện nhiệm vụ của mình để bảo vệ quyền chủ quyền của quốc gia ven biển thì việc sử dụng vũ lực của họ cũng được xem xét có vượt quá mức cần thiết hay không, có tương xứng không?
Các biện pháp từ góc độ quốc gia
Từ góc độ quốc gia, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đã kiên trì trao đổi quan điểm với Trung Quốc, áp dụng biện pháp đàm phán theo quy định của luật quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Nghĩa vụ trao đổi quan điểm cũng là yêu cầu đầu tiên các quốc gia cần đáp ứng trước khi muốn đưa một vụ việc ra xét xử ở các toà án quốc tế theo quy định của UNCLOS 1982.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc diễn ra tại Bangkok, Thái Lan hồi cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã nêu rõ, những hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực