Tin khắp nơi – 22/08/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 22/08/2019

“Mỹ và Bắc Hàn

sẽ sớm nối lại đàm phán hạt nhân”

Mỹ và Bắc Hàn có thể sẽ sớm nối lại đàm phán hạt nhân và cuộc đàm phán sẽ diễn ra tốt đẹp, phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong cho hay hôm thứ Năm 22/8, theo Reuters.

Ông Kim Hyun-chong nói như vậy sau khi gặp Đặc phái viên Mỹ về Bắc Hàn Stephen Biegun tại Seoul, thắp lại hi vọng về các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn sau một thời gian bế tắc.

“Ấn tượng của tôi là Bắc Hàn và Hoa Kỳ sẽ sớm tiến hành đối thoại, và nó sẽ diễn ra tốt đẹp,” ông Kim nói với các phóng viên sau cuộc họp kéo dài một giờ, mà không giải thích rõ thêm.

Trước khi gặp Trump, ông Tập thăm Kim Jong-un

VN ‘một vốn bốn lời’ từ hội nghị Trump-Kim

Điều gì khiến hội nghị thượng đỉnh Hà Nội sụp đổ?

Hoa Kỳ và Bắc Hàn chưa nối lại đàm phán kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai tại Hà Nội thất bại vào tháng 2/2019.

Sau đó, ông Trump và ông Kim đã gặp lại nhau vào tháng 6/2019 tại biên giới liên Triều và đồng ý mở lại các cuộc đàm phán.

Giới chức Hàn Quốc cũng nói rằng Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc sẽ nhóm họp vào thứ Năm 22/8 để xem xét một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản mà Seoul từng đe dọa hủy trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao và thương mại.

Thỏa thuận bảo mật chung về thông tin quân sự (GSOMIA) có thể hết hiệu lực vào thứ Bảy 24/8 nếu một trong hai bên quyết định không gia hạn.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49430828

 

Hoa Kỳ lên án Trung Quốc ép Việt Nam

bỏ hợp tác dầu khí với các nước khác ở Bãi Tư Chính

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 21 tháng 8 ra thông cáo lên án Trung Quốc đưa tàu khảo sát và tàu hộ tống có vũ trang vào vùng nước của Việt Nam gần Bãi Tư Chính hôm 13/8, gọi đây là hành động leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm đe dọa các nước khác trong việc khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Thông cáo có đoạn viết: “Những tuần gần đây, Trung Quốc đã có một loạt các bước gây hấn nhằm can thiệp vào các hoạt động kinh tế được công nhận và lâu dài của các nước có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhằm tìm cách ép các nước phải bỏ hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty của nhà nước Trung Quốc. Trong trường hợp ở Bãi Tư Chính, Trung Quốc đang ép Việt Nam trong hợp tác với công ty của Nga và các đối tác khác”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định các công ty của Mỹ là các công ty hàng đầu trên thế giới đang hoạt động ở Biển Đông. Vì vậy Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hoặc bắt ép các nước khác phải bỏ các hợp tác với các công ty ngoài Trung Quốc hoặc không thì sẽ có các hành động đe dọa.

Từ khoảng giữa tháng 6, Trung Quốc đã điều tàu Hải cảnh vào gần khu vực lô dầu khí 06.1 trong liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft của Nga để quấy nhiễu hoạt động khai thác ở lô dầu khí này.

Đồng thời từ đầu tháng 7, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào khu vực phía bắc Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam. Các tàu này chỉ rút đi vào ngày 8/8 nhưng sau đó đã quay lại vào ngày 13 tháng 8.

Khu vực xung quanh Bãi Tư Chính là nơi có nhiều lô dầu khí mà Việt Nam đã cho liên doanh với các nước khác bao gồm Nga, Ấn Độ và Mỹ.

Hồi năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã gây sức ép khiến Việt Nam phải yêu cầu công Repsol của Tây  Ban Nha ngưng khoang tìm dầu khi ở các lô 07/03 và 136/03 ở Bãi Tư Chính.

Trong một bản thảo Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN, Bắc Kinh đã đề nghị không cho phép các công ty bên ngoài khu vực được tham gia các hoạt động khai thác dầu khí với các nước trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20/7 cũng đã chính thức lên tiếng cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước trong khu vực.

Trong tuyên bố mới nhất của mình, Hoa Kỳ khẳng định cam kết đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia đồng minh và đối tác của mình ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, đảm bảo không có sự gián đoạn trong việc sản xuất dầu khí trên thị trường thế giới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-state-department-condemns-china-activities-in-vanguard-bank-08222019112229.html

 

Quyền lực của Mỹ ở châu Á đang xói mòn?

Chính sách ‘Nước Mỹ Trên hết’ của Tổng thống Donald Trump đã khiến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương bị xói mòn với việc khu vực này đang bị hỗn loạn trong khi chính quyền Mỹ không giúp ích được gì, theo các nhà phân tích.

Đây là nhận định được đưa ra trong bài báo nhan đề ‘Quyền lực Mỹ đang xói mòn? Trump chật vật với châu Á đang khủng hoảng’ đăng trên tờ New York Times hôm 13/8.

“Trong vòng hai năm rưỡi, Tổng thống Trump nói rằng cuối cùng ông cũng đã làm được điều mà ông khẳng định người tiền nhiệm Barack Obama đã không làm được ở châu Á với chính sách xoay trục: tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và tập hợp đồng minh để phản công lại ảnh hưởng của Trung Quốc,” bài báo viết.

“Nhưng khi bạo lực leo thang và những mối thù địch cũ trỗi dậy trên khắp châu Á, Washington đã chọn thái độ điềm nhiên tọa thị, và các nước trong khu vực không thèm đếm xỉa gì đến những lời khuyên lơn nhẹ nhàng cũng như kêu gọi bình tĩnh của chính quyền Trump.”

Bài báo dẫn chứng là trong những căng thẳng nội bộ ở Ấn Độ và Hong Kong hay sự thù nghịch của hai đồng minh thân thiết của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Trump và các cố vấn của ông chọn đứng bên lề.

‘Washington bất lực’

Việc Washington bất lực hay không sẵn sàng giúp tháo ngòi nổ các điểm nóng là một trong các dấu hiệu rõ ràng nhất về sự xói mòn của sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ dưới thời ông Trump, người luôn nhất quán với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ – tức là không can dự vào các vấn đề quốc tế nữa, New York Times dẫn lời giới phân tích nhận định.

“Nếu không có uy lực trung tâm vững vàng của ngoại giao Mỹ, sự hỗn loạn ở châu Á sẽ xảy ra theo mọi chiều hướng nguy hiểm,” ông William J. Burns, Thứ trưởng Ngoại giao dưới chính quyền Obama và là Chủ tịch của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, được New York Times dẫn lời nói. “Kết quả là không chỉ làm tăng nguy cơ hỗn loạn khu vực, mà còn sự xói mòn ảnh hưởng lâu dài của Mỹ.”

Và sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc kinh tế và Nga như là một lực lượng chống phương Tây có nghĩa là các yếu tố khác ngoài bản thân chính quyền Trump đang góp phần làm suy yếu sức mạnh của Mỹ, cũng theo bài báo này

Những người chỉ trích cho rằng các chính sách của ông Trump – vốn tập trung vào cắt giảm chi phí của Mỹ ở nước ngoài hơn là xây dựng quan hệ đối tác – đã càng đẩy mạnh sự xói mòn đó và khiến các nước càng trở nên mạnh bạo hơn đến nỗi họ không thèm nghe những lời kêu gọi của Washington.

Quân đội Ấn Độ đang đàn áp các cuộc biểu tình ở khu vực tranh chấp Kashmir sau khi New Delhi chấm dứt tình trạng tự trị của vùng lãnh thổ này bất chấp lời đề nghị của ông Trump vào tháng trước là sẽ làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Ấn Độ và Pakistan.

Hàn Quốc hôm 19/8 tuyên bố sẽ loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại được ưu đãi, làm leo thang cuộc tranh chấp gây tổn hại cho các mối quan hệ đồng minh quan trọng nhất của Washington ở châu Á. Các quan chức đối ngoại hàng đầu của ông Trump đã khuyên hai nước hòa giải khác biệt nhưng không ăn thua.

Trong khi đó, Triều Tiên, mối đe dọa an ninh lớn nhất ở Đông Á, mới đây đã năm lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc hệ thống tên lửa mà không gặp phải sự lên án nào từ phía ông Trump, vẫn theo bài phân tích.

Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng những người biểu tình ở Hong Kong đang bắt đầu có những dấu hiệu ‘khủng bố’ – một chỉ dấu cho thấy Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh có thể dùng đến các biện pháp cứng rắn hơn để chấm dứt bất ổn. Khi Trung Quốc chuyển quân đến biên giới Hong Kong, ông Trump không đưa ra cảnh báo nào ngoài lời kêu gọi: “Mọi người nên bình tĩnh và an toàn!”

“Sự bất lực trong việc quản lý các vấn đề cho thấy một điểm yếu thực sự trong cam kết của Tổng thống đối với chiến lược hay bất kỳ sự can dự ngoại giao đi trước nào ở châu Á,” ông Michael J. Green, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định với New York Times.

Ông Green, hiện là giáo sư tại Đại học Georgetown, nói thêm rằng mặc dù chính quyền Trump đang có một số chiến lược hoặc chiến thuật hữu ích ở châu Á, nhưng ‘thật đáng ngạc nhiên về sự không hiệu quả của chính quyền Trump trên vấn đề Nhật Bản – Hàn Quốc này và im lặng như thế nào trên vấn đề Kashmir.”

Cách tiếp cận ‘buông tay’

Mặc dù ông Trump đã áp dụng cách tiếp cận ‘buông tay’ ở châu Á kể từ khi lên làm Tổng thống, một số quan chức trong chính quyền, bao gồm ông Matthew Pottinger, giám đốc cấp cao châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã làm việc để xây dựng một chiến lược tổng thể cho châu Á, với mục đích thúc đẩy cạnh tranh với Trung Quốc. Họ đã cam kết chi tiền cho các chương trình khu vực trong khuôn khổ chiến lược ‘Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương mở và tự do’, tăng tần suất các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông và cố gắng thuyết phục các quốc gia ngưng sử dụng công nghệ của tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Theo New York Times, những người chỉ trích cho rằng ông Trump làm suy yếu vị thế của Mỹ thông qua các hành động tự phá hoại liên tục, bao gồm từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại 12 quốc gia mà ông Obama đã thúc đẩy nhằm tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc.

Ông Trump cũng không tiếc lời khen ngợi cho những nhà lãnh đạo độc đoán ở châu Á – ông nói rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ‘yêu quý nhau’, và rằng ông và Chủ tịch Tập Cận Bình ‘sẽ luôn là bạn bè’.

Cho đến nay, ông và các quan chức hàng đầu của ông đã không gửi bất kỳ tín hiệu mạnh mẽ nào về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ Hong Kong. Vào ngày 1/8, ông Trump đã sử dụng chính ngôn từ mà các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng khi ông nói rằng Hong Kong đã ‘xảy ra bạo loạn trong một thời gian dài’, cũng theo New York Times.

“Ai đó nói rằng đến một lúc nào đó họ sẽ chấm dứt điều đó,” ông nói thêm. “Nhưng đó là chuyện giữa Hong Kong và Trung Quốc, bởi vì Hong Kong là một phần của Trung Quốc.”

New York Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng những bình luận đó sẽ được các quan chức Trung Quốc diễn giải như là ‘bật đèn xanh’ để thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để dập tắt các cuộc biểu tình.

Ông Trump đã tuyên bố hồi tháng 6 rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc là ‘đối tác chiến lược’ và chính quyền đã không có một số hành động nhất định vốn sẽ gây khó chịu cho Bắc Kinh – chẳng hạn như áp đặt trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có vai trò trong việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo trong các trại cải huấn.

Chỉ tập trung vào thương mại?

Mục tiêu chính của ông Trump với Trung Quốc là đạt được thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan tốn kém, mặc dù hai bên đã leo thang tranh chấp sau các cuộc đàm phán thất bại, cũng theo tờ báo này.

Ông Trump cũng lùi lại trong sự thù nghịch ngày càng leo thang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Hôm 16/8, ông Trump đã nói rằng: “Hàn Quốc và Nhật Bản phải ngồi lại và hòa thuận với nhau.”

Các quan chức Mỹ nói rằng họ không muốn trung gian hòa giải tranh chấp này, mặc dù lợi ích an ninh của Mỹ trong khu vực có thể bị ảnh hưởng xấu – nhất là khi Seoul và Tokyo chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo vốn được Washington bảo trợ nhằm kiềm chế Triều Tiên.

Hồi cuối tháng 7, ông John R. Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã kêu gọi cả hai bên chấm dứt thù địch, và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đưa ra yêu cầu tương tự với Bộ trưởng Ngoại giao của các nước này tại một cuộc gặp ở Bangkok.

Các quan chức Nhật và Hàn không thèm đếm xỉa đến lời kêu gọi của Mỹ. Hôm 19/8, Seoul nói rằng họ không chỉ chấm dứt quan hệ đối tác thương mại ưu đãi với Tokyo mà còn nêu Tokyo là quốc gia đầu tiên trong danh sách các quốc gia được cho là có hành vi xuất khẩu tồi tệ. Đầu tháng này, Nhật Bản tuyên bố rằng Hàn Quốc không còn là đối tác thương mại được ưu đãi.

“Với việc không hành động và nắm quyền lãnh đạo trong khu vực, ông Trump đang để cho phép các nước có lịch sử quan hệ phức tạp rơi trở lại vào sự thù nghịch cũ,” bà Jean H. Lee, một chuyên gia về Hàn Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Wilson, nói với New York Times.

“Các nước này càng cảm thấy Hoa Kỳ là một đối tác không đáng tin cậy chừng nào,” bà nói thêm, “thì họ sẽ càng cảm thấy buộc phải tự bảo vệ mình. Tôi đã bắt đầu nghe thấy những lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ ở Hàn Quốc rằng họ phải có vũ khí hạt nhân cho riêng mình.”

Còn ở Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã thúc đẩy kế hoạch của các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo để kiểm soát Kashmir, một khu vực có đa số dân theo Hồi giáo.

Một số nhà phân tích Ấn Độ nhận định rằng ông Modi có thể đã đẩy nhanh động thái này vì những phát ngôn của ông Trump sau cuộc gặp vào tháng trước với Thủ tướng Imran Khan của Pakistan. Khi đó ông Trump nói rằng ông Modi trước đó đã gợi ý ông có thể đứng ra hòa giải tranh chấp Kashmir hay không. “Nếu tôi có thể giúp đỡ, tôi rất thích trở thành một người trung gian,” ông Trump nói.

Đó là một lập trường được Pakistan hoan nghênh, trong khi Ấn Độ phản đối sự can dự bên ngoài. Bộ Ngoại giao Ấn Độ phủ nhận rằng ông Modi có bất kỳ cuộc trò chuyện nào như vậy với ông Trump. Ngay sau đó, vào ngày 5/8, chính phủ Ấn Độ đã thu hồi quy chế tự trị của Kashmir và bắt đầu bắt giữ các chính trị gia hàng đầu Kashmir. Điều này cũng giống như bác bỏ toàn diện lời đề nghị hòa giải của ông Trump vậy.

‘Mỹ cần đồng minh’

Trao đổi với VOA, ông Ngô Vĩnh Long, Giáo sư tại Đại học Maine, nói rằng việc cho rằng ‘quyền lực của Mỹ ở châu Á đang bị xói mòn’ là ‘nhận định rất chính xác’.

“Bất cứ nước nào dù mạnh đến mấy cũng cần có đồng minh,” ông Long giải thích. “Ông Trump lên đã phá hết các liên minh của Mỹ không chỉ ở châu Á-Thái Bình Dương mà còn ở châu Âu nữa.”

Ông Long đưa ra dẫn chứng là ‘Mỹ đã mất mười mấy năm để xây dựng lòng tin với các nước châu Á-Thái Bình Dương, rồi mất 10 năm để chuẩn bị Hiệp định TPP (Đối tác Xuyên Thái Bình Dương’ vì ‘Mỹ thấy rằng một mình Mỹ không đủ đương đầu với Trung Quốc nên muốn có 12 nước cùng hợp tác’.

“Ông Trump vừa mới lên đã rút khỏi TPP liền khiến cho tất cả các nước khác đều hổng chân hết,” ông Long nói.

“Tổng thống Trump đã làm cho nước Mỹ suy yếu,” ông nói. “Và nhờ đó những nước khác như Trung Quốc mới có cơ hội để thách thức Mỹ.”

Theo Giáo sư Long thì các vấn đề chủ quyền và an ninh được tất cả các nước trên thế giới quan tâm ‘ngoại trừ ông Trump’. “Ông ấy chỉ để ý đến những vấn đề khác,” ông nói.

Quan tâm lớn nhất của Tổng thống Trump, theo lời ông Long, là chiến tranh thương mại. Nhưng ngay cả trong vấn đề này thì ông Trump cũng không nghe theo lời khuyên của giới chuyên gia là ‘dùng quan thuế là sai vì chỉ làm cho người tiêu dùng ở Mỹ bị khó khăn trong khi Trung Quốc hạn chế mua nông sản của Mỹ làm cho nông dân Mỹ gặp rất nhiều khó khăn’, ông Long nói.

Về các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, Giáo sư Long nói: “Từ khi lên làm Tổng thống, nhân quyền không phải là vấn đề lớn đối với ông Trump. Vấn đề lớn của ông ấy là buôn bán thương mại. Nhưng thương mại chỉ là vấn đề trước mắt chứ không phải lợi ích lâu dài.”

“Không phải mới bây giờ mà ngay từ đầu ông Trump đã khen ngợi ông Tập,” ông Long lập luận. “Ông ấy thích những người độc tài, những người mạnh cho nên những người đấu tranh cho nhân quyền ông ấy không để ý.”

Ông Long cũng cho rằng nếu như Trung Quốc nhượng bộ trên vấn đề thương mại thì ‘ông ấy sẽ bán đứng Hong Kong’ cũng như sẽ ‘không thách thức ‘chủ quyền’ của Trung Quốc trên Biển Đông’.

Khi được hỏi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do có phải cách tiếp cận của chính quyền Trump để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc hay không, ông Long không cho rằng chiến lược này mang dấu ấn của ông Trump.

“Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã có từ thời Tổng thống Barack Obama (với chiến lược xoay trục sang châu Á), ông Trump đã phá rồi nên phải lấy cái gì đó mới để coi đấy là chuyện ông ấy làm,” ông giải thích và cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do hiện ‘vẫn chưa đi đến đâu hết’.

https://www.voatiengviet.com/a/quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-%E1%BB%9F-ch%C3%A2u-%C3%A1-%C4%91ang-x%C3%B3i-m%C3%B2n-/5051806.html

 

Trump nghiêm túc tính chuyện

bỏ quyền có quốc tịch theo nơi sinh

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/8 tuyên bố chính quyền của ông nghiêm túc cân nhắc tới chuyện chấm dứt quyền có được quốc tịch Mỹ đối với trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ nhưng cha mẹ không phải là công dân Mỹ hoặc cha mẹ là những di dân tới Mỹ bất hợp pháp.

“Chúng tôi đang điều nghiên việc này rất nghiêm túc, quyền có quốc tịch theo nơi sinh, nghĩa là quý vị sinh con trên đất của chúng tôi, quý vị vượt biên vào lãnh thổ chúng tôi, sinh con – chúc mừng, đứa trẻ ấy trở thành công dân Mỹ… Thật là nực cười,” Tổng thống Trump nói với báo giới tại Tòa Bạch Ốc.

Ông Trump đặt vấn đề trấn áp di dân làm trọng tâm của chiến dịch tranh cử và tái tranh cử Tổng thống của ông, nhưng nhiều thay đổi luật lệ và sắc lệnh hành pháp của ông Trump đã bị kiện ra tòa.

Từ tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Trump loan báo sẽ dùng sắc lệnh hành pháp để chấm dứt quyền có quốc tịch theo nơi sinh, nhưng các chuyên gia e rằng việc này trái với Hiến pháp Hoa Kỳ.

Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, được thông qua sau Nội chiến hầu đảm bảo cho người Mỹ da đen có được đầy đủ quyền về quốc tịch, công nhận quốc tịch cho tất cả mọi người sinh ra trên đất Mỹ hay được tuyên thệ nhập tịch ở Mỹ.

Kể từ đó, tu chính án này được diễn giải để cấp quốc tịch cho đa số những người sinh ra ở Mỹ, cho dù cha mẹ của họ có là công dân Mỹ hay không, có cư trú hợp pháp ở Mỹ hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-nghi%C3%AAm-t%C3%BAc-t%C3%ADnh-chuy%E1%BB%87n-b%E1%BB%8F-quy%E1%BB%81n-c%C3%B3-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%8Bch-theo-n%C6%A1i-sinh/5051772.html

 

Học khu Garden Grove mở lại cuộc điều tra

về video học sinh chào theo kiểu quốc xã

Tin Garden Grove, California – Học khu Garden Grove tại  quận Cam vào tối thứ Ba, 20 tháng 8, đã thông báo mở lại cuộc điều tra về đoạn video cho thấy một số học sinh của trường giơ tay chào theo kiểu quốc xã.

Thông báo này được đưa ra ngay trước khi hội đồng trường có cuộc họp căng thẳng với các giáo viên và người dân, những người đang rất tức giận vì việc các viên chức trường học đã che giấu sự việc, dù đã biết từ nhiều tháng trước.

Hiệu trưởng trường trung học Pacifica, ông Steve Osborne, đã xin lỗi vì đã không thông báo sự việc cho cộng đồng sớm hơn. Ông cho biết ban quản lý trường đã nhận thêm được nhiều bằng chứng và

cáo buộc mới, khiến nhà chức trách phải mở lại cuộc điều tra. Đoạn video được quay từ tháng 11 năm ngoái cho thấy một số học sinh trường Pacifica giơ tay chào kiểu quốc xã, và ít nhất 1 học sinh đã hát bài nhạc hành quân thời phát xít Đức. Đoạn video dài 8 giây được quay tại một dạ tiệc của học sinh, bên ngoài khuôn viên trường, và không được người lớn giám sát.

Sau khi một số học sinh đăng video này lên mạng xã hội, ban quản lý trường đã phát hiện sự việc vào tháng 3, và đã làm việc với các học sinh và các gia đình liên quan. Tuy nhiên, các viên chức học khu không biết gì về chuyện này, cho tới khi tờ báo The Daily Beast công bố sự việc vào đầu tuần.

Nhiều giáo viên và phụ huynh đã rất tức giận trước sự che giấu của trường Pacifica, khiến học khu phải hứa sẽ điều tra thêm, để nghiêm cấm mọi tư tưởng thù ghét và thành kiến trong trường học.

Học Khu Gardnen Grove là nơi có rất nhiều các em học sinh gốc Việt theo học, với kết qua học tập rất cao. Có hai ủy viên Học Khu Garden Grove là người gốc Việt. (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoc-khu-garden-grove-mo-lai-cuoc-dieu-tra-ve-video-hoc-sinh-chao-theo-kieu-quoc-xa/

 

Một video thứ hai: đội bóng nước

trường Pacifica High School chào kiểu Đức Quốc Xã

Tin từ Garden Grove — Theo tin từ đài CBSLA, có thêm một video thứ hai cho thấy các thành viên của đội bóng nước (water polo) của trường trung học Pacifica High School tại thành phố Garden Grove đang thực hiện kiểu chào Quốc xã, chỉ hai ngày sau khi một video với hình ảnh tương tự xuất hiện khiến cộng đồng phẫn nộ.

Đoạn video mới, được quay bởi một cựu học sinh của Pacifica High vào khoảng năm 2018, cho thấy các thành viên của đội water polo của nhà trường đang thực hiện kiểu chào Quốc Xã ở rìa của một hồ bơi. Cựu học sinh nói trên cho biết anh đã thấy các thành viên trong đội thực hiện nghi thức này một cách thường xuyên, và đã quyết định quay lại video một cách bí mật.

Vào thứ hai (ngày 19 tháng 8), Học Khu Garden Grove đã xác nhận một video thứ hai với những hình ảnh tương tự đã được quay tại một bữa tiệc của thành viên đội water polo của trường Pacifica High School. Video thứ hai cho thấy một nhóm khoảng 10 học sinh thực hiện kiểu chào Quốc Xã và cầu nguyện bằng tiếng Đức. Video này đã được đăng tải trên ứng dụng Snapchat, nhưng đến tháng 3 năm nay Học Khu mới nhận được thông tin về video.

Theo CBSLA, Học Khu sẽ không tiết lộ liệu các học sinh có liên quan có bị kỷ luật hay không, trích dẫn luật riêng tư giáo dục liên bang.

Vào tối Thứ Ba (ngày 20 tháng 8), hàng chục phụ huynh và giáo viên giận dữ đã xuất hiện tại một cuộc họp của Học Khu Garden Grove, yêu cầu Học Khu đưa ra lời giải thích. Sở Cảnh sát Garden Grove đã gửi một số cảnh sát đến cuộc họp sau khi trường Pacifica High School nhận được một số tin nhắn đe dọa.

Đây chỉ là vụ mới nhất trong chuỗi các sự kiện tương tự trên khắp vùng miền Nam. Một bức ảnh gây tranh cãi xuất hiện trên mạng xã hội vào ngày 3 tháng 3 cho thấy các sinh viên tại một bữa tiệc thực hiện kiểu chào Quốc Xã và xếp những chiếc cốc đỏ thành hình chữ vạn, một biểu tượng  của Đức Quốc Xã.

Pacifica High School là nơi có nhiều học sinh gốc Việt theo học. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/mot-video-thu-hai-doi-bong-nuoc-truong-pacifica-high-school-chao-kieu-duc-quoc-xa/

 

Canada ‘không lùi bước’ trước Trung Quốc

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 21/8 nói rằng ông sẽ không làm leo thang tranh chấp thương mại và ngoại giao vốn đã nghiêm trọng với Trung Quốc, nhưng tuyên bố rằng chính phủ của ông không có ý định lùi bước để bảo vệ các quyền lợi của Canada, theo Reuters.

Phát biểu tại Montreal vài ngày sau khi Bắc Kinh cảnh báo Ottawa không can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong, ông Trudeau cũng lặp lại lời kêu gọi kiềm chế và tôn trọng nhân quyền trong các cuộc biểu tình ở cựu thuộc địa của Anh.

Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada và ngưng nhập khẩu một số mặt hàng của Canada kể từ khi cảnh sát Vancouver bắt một quan chức cấp cao của tập đoàn Huawei theo trát bắt của Mỹ tháng 12 năm ngoái.

XEM THÊM:

Mỹ, Canada bàn về Hong Kong, Trung Quốc

“Chúng ta phải thừa nhận rằng Trung Quốc là một cường quốc đang lớn mạnh và ngày càng khẳng định vị trí trong trật tự quốc tế. Nhưng đừng nhầm lẫn – chúng ta sẽ bảo vệ công dân Canada và các quyền lợi của Canada”, ông Trudeau nói.

“Chúng ta có truyền thống lâu đời về quan hệ trực tiếp và thành công với các đối tác lớn hơn. Chúng ta không làm leo thang, nhưng chúng ta cũng không lùi bước”.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 22/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng các vấn đề trong mối quan hệ song phương hoàn toàn là trách nhiệm của Canada, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/canada-kh%C3%B4ng-l%C3%B9i-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-trung-qu%E1%BB%91c/5052561.html

 

Rừng Amazon cháy liên tục:

TT Brazil đổ tội cho các tổ chức phi chính phủ

Trọng Thành

Từ đầu năm đến nay, số vụ rừng cháy tại Brazil tăng 83%. Hôm qua 21/08/2019, tổng thống Brazil nêu khả năng rừng cháy có thể là do các tổ chức phi chính phủ gây ra để thu hút sự chú ý quốc tế, nhằm được hưởng tài trợ.

Trong một họp báo tại Brasilia, tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tỏ ra nghi ngờ : « Có thể là có các hành động tội phạm của một số tổ chức phi chính phủ chống lại cá nhân tôi, chống lại chính phủ Brazil, cho dù tôi không khẳng định điều này một cách chắc chắn ». Nguyên thủ Brazil thậm chí đã không đưa ra bất cứ bằng chứng nào để chứng minh cho lời khép tội nghiêm trọng nói trên.

Lập luận của tổng thống Brazil là các tổ chức phi chính phủ bị cắt 40% tài trợ từ nước ngoài, bên cạnh đó, chính quyền trong nước cũng chấm dứt các khoản trợ giúp công dành cho việc bảo vệ rừng. Theo ông Bolsonara, túng tiền, nên có thể các tổ chức phi chính phủ đã làm liều để gây chú ý. Ông Bolsonaro giải thích với các nhà báo là lửa xuất hiện tại « các địa điểm chiến lược » và có nhiều bằng chứng cho thấy là các tổ chức này cử người đến nơi quay phim để gửi ra nước ngoài.

Tổng thống Brazil thường xuyên bị cáo buộc đã khuyến khích các hoạt động kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và khai khoáng tại các khu bảo tồn trong rừng Amazon. Lập trường chống lại việc bảo vệ rừng khiến hai quốc gia tài trợ chính cho Quỹ rừng Amazon, là Na Uy và Đức, quyết định đình chỉ tài trợ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190822-rung-amazon-chay-lien-tuc-tt-brazil-do-toi-cho-cac-to-chuc-phi-chinh-phu-ok

 

Nga và Trung Cộng yêu cầu họp Hội Đồng Bảo An LHQ

về việc thử nghiệm hỏa tiễn của Hoa Kỳ

Tin từ Liên Hiệp Quốc — Theo tin từ Reuters, Nga và Trung Cộng đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tiến hành họp vào hôm thứ Năm 22/08,, liên quan đến “các tuyên bố của viên chức Hoa Kỳ về kế hoạch phát triển và khai triển hỏa tiễn tầm trung”.

Moscow và Bắc Kinh đang muốn triệu tập hội đồng gồm 15 thành viên về vấn đề nghị sự “các mối đe dọa đối với nền hòa bình và an ninh quốc tế”, và yêu cầu người đứng đầu các vấn đề giải giới quân sự của Liên Hiệp Quốc thông báo cho hội đồng này.

Vào hôm thứ Hai (19/8), Ngũ Giác Đài cho biết họ đã thử nghiệm một hỏa tiễn hành trình được lắp đặt bình thường, và đã bắn trúng mục tiêu sau khi bay hơn 500 km (310 dặm). Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ khi nước này rút khỏi Hiệp ước Lực lượng nguyên tử tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Channel vào hôm thứ Tư (21/8), khi được hỏi liệu cuộc thử nghiệm này có nhằm gửi một thông điệp tới Trung Cộng, Nga hay Bắc Hàn hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper nêu rõ rằng mối quan tâm chính của cuộc thử nghiệm này là Trung Cộng. Ông Esper cho biết trong chuyến thăm Australia trong tháng này, ông đã ủng hộ việc bố trí các hỏa tiễn tầm trung trên bộ ở châu Á tương đối sớm.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Esper cũng được hỏi về một vụ tai nạn thử nghiệm hỏa tiễn ở Nga trong tháng này. Đây là sự việc mà các viên chức Hoa Kỳ tin rằng có liên quan đến chương trình hỏa tiễn hành trình siêu thanh của Kremlin. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/nga-va-trung-cong-yeu-cau-hop-hoi-dong-bao-an-lhq-ve-viec-thu-nghiem-hoa-tien-cua-hoa-ky/

 

G7 : Pháp sẽ đề cập nhiều vấn đề

gây bất đồng như thuế GAFA

Trọng Thành

Hai ngày trước thượng đỉnh G7, trong cuộc họp báo tại phủ tổng thống hôm qua, 21/08/2019, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron khẳng định, tại thượng đỉnh lần này, ông sẽ nhấn mạnh nhiều vấn đề hệ trọng dễ gây bất đồng, đặc biệt với Mỹ, như thuế đánh vào các tập đoàn kỹ thuật số (nhóm GAFA) hay khủng hoảng Iran.

Theo AFP, tổng thống Macron lên án tình trạng mà ông gọi là « điên rồ » hiện nay, khi các đại tập đoàn kỹ thuật số được hưởng « quy chế thiên đường thuế thường trực » : tuy hoạt động tại Pháp, nhưng các tập đoàn này lại không phải nộp thuế cho Pháp, do sử dụng các chi nhánh đặt tại những nước thuế thấp hơn như Ailen. Từ Ailen, thông qua Hà Lan, lợi nhuận của các tập đoàn này được chuyển sang cất giữ tại « các thiên đường thuế », mà không phải nộp lệ phí.

Tổng thống Pháp khẳng định việc các đại tập đoàn kỹ thuật số « không đóng góp tài chính cho lợi ích chung » sẽ không thể kéo dài. Ông Macron cũng lưu ý là hệ thống vô lý này đã hình thành dưới thời tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Ông Emmanuel Macron cho biết đã trao đổi với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump hồi đầu tuần về vấn đề này.

Trong lúc quốc tế chưa thống nhất về việc đánh thuế, Pháp cùng khoảng một chục nước châu Âu đã đơn phương đưa ra các sắc thuế nhắm vào các tập đoàn kỹ thuật số. Trong những tuần gần đây, tổng thống Mỹ kịch liệt phản đối quyết định của Pháp và đe dọa trả đũa nặng nề, đặc biệt với việc tăng thuế 100% đối với rượu vang Pháp.

Ông Macron cũng vạch rõ mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Mỹ. Trong lúc tổng thống Trump lên án hành động của Paris, bộ trưởng Tài Chính Mỹ cùng các bộ trưởng nhóm G7 khác, họp tại Pháp giữa tháng 7/2019, đã đạt đồng thuận, mở đường cho việc cộng đồng quốc đi đến một thỏa thuận quốc tế về một sắc thuế đánh vào các tập đoàn kỹ thuật số.

Về khủng hoảng Iran, nguyên thủ Pháp giải thích : G7 sẽ phải có một thảo luận về phương thức xử lý hồ sơ Teheran, trong lúc nội bộ G7 bất đồng sâu sắc, trong bối cảnh ba nước châu Âu, cùng Nhật Bản, có lập trường khá rõ ràng, bảo vệ các cam kết với Iran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân 2015, ngược lại chính quyền Mỹ đã quyết định xé bỏ thỏa thuận này. Ông Macron cũng cho biết trước thượng đỉnh G7, đã có một cuộc họp riêng với phía Iran, nhưng không thông báo chi tiết.

Đức và Anh bác bỏ đề xuất để Nga sớm trở lại G7

Theo AFP, trong cuộc họp báo chung hôm qua 21/08/2019, tại Berlin, thủ tướng Anh Boris Johnson và đồng nhiệm Đức Angela Merkel cùng bác bỏ việc để Nga tái hội nhập nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất G7 trong tình hình hiện nay, theo đề xuất của tổng thống Mỹ. Thủ tướng Anh nhấn mạnh là Matxcơva tiếp tục có những hành động khiêu khích không chỉ tại Ukraina, mà còn tại nhiều nơi khác, đặc biệt với việc « sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Anh », cụ thể là vụ đầu độc một cựu gián điệp Nga và con gái tại Salisbury mùa hè 2018.

Tổng thống Pháp, tuy cũng ủng hộ việc Nga hội nhập trở lại với nhóm G7, nhưng nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết để tái kết nạp Matxcơva là Nga phải có được một giải pháp với chính quyền Ukraina trên cơ sở thỏa thuận Minsk 2015.

http://vi.rfi.fr/phap/20190822-g7-phap-se-de-cap-nhieu-van-de-gay-bat-dong-nhu-thue-gafa

 

Thủ tướng Đức cho rằng

vẫn có khả năng đạt thỏa thuận về Brexit

Gia Hưng

Nhân dịp tiếp đón tân thủ tướng Anh Quốc Boris Johnson, tại Berlin, thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua, 21/08/2019, đã đề cập tới khả năng Luân Đôn và Liên Hiệp Châu Âu vẫn có thể đi tới thỏa thuận làm hài lòng đôi bên trên hồ sơ Brexit, trước hạn chót là 31/10/2019.

Hãng tin AP trích dẫn phát biểu của thủ tướng Đức trước báo giới :”Có lẽ chúng ta có thể đạt được giải pháp trong 30 ngày tới, tại sao không ?”. Phát biểu này của bà Merkel trái ngược lại các thông điệp tiêu cực giữa Anh Quốc và châu Âu trong thời gian gần đây. Về phần mình, thủ tướng Anh Johnson cho rằng 30 ngày là gấp rút, nhưng ông “rất hài lòng” về thời gian biểu này.

Về điều khoản “backstop” liên quan tới biên giới Bắc Ireland và Cộng Hòa Ireland, thủ tướng Anh cũng thừa nhận phần trách nhiệm của Luân Đôn phải “đưa ra những giải đáp, những ý tưởng để cho thấy chúng tôi có thể giải quyết vấn đề biên giới Bắc Ireland, và đây là điều chúng tôi muốn làm”.

Hôm nay, 22/08/2019 ông Johson sẽ tới Paris ăn trưa làm việc với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Élysée cũng nhằm tìm lối thoát cho hồ sơ Brexit. Trái ngược lại với thái độ tích cực của bà Merkel, tổng thống Pháp luôn phản đối kịch liệt các đề nghị tái đàm phán Brexit.

Tổng thống Macron tối hôm qua, 21/08/2019, cho rằng việc tái đàm phán thỏa thuận do chính quyền cựu thủ tướng Anh Theresa May đã ký “không phải là một lựa chọn, và điều này đã được chủ tịch Tusk làm rõ nhiều lần”. Hơn nữa, ông Macron nói rõ: “Chúng ta cần phải giúp Anh Quốc đối đầu với khủng hoảng dân chủ nội bộ này, nhưng chúng ta cũng không thể trở thành đầy tớ của họ”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190822-thu-tuong-duc-cho-rang-van-co-kha-nang-dat-thoa-thuan-ve-brexit-ok

 

Iran nhắm đến bỏ bớt bốn số không

trên đồng tiền đang mất giá

Tổng thống Iran Hassan Rohani mới đưa ra quốc hội một dự luật theo đó sẽ bỏ bớt bốn số không trên đồng rial đang mất giá trầm trọng.

Các hãng tin bán chính thức đưa tin về động thái này, nói rằng ông Rohani đưa dự luật ra một cách gấp gáp để quốc hội xem xét.

Đồng rial của Iran đã mất giá mạnh do quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi năm 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt giữa Tehran và các cường quốc thế giới và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Động thái của Mỹ đã làm dừng các giao dịch kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la và ngăn chặn việc Iran bán dầu thô ra nước ngoài.

Vào ngày 21 tháng 8, đồng rial giao dịch ở mức 116.500 đổi 1 đô la. Tại thời điểm đạt thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng rial giao dịch ở mức 32.000 đổi 1 đô la.

Hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ dự báo nền kinh tế Iran sẽ giảm 6% trong năm nay và lạm phát có thể lên tới 40%, khi nước này phải vật lộn với tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-nham-den-bo-bot-4-so-0-tren-dong-tien-dang-mat-gia/5051360.html

 

Nhật: cần thu hẹp khoảng cách về thương mại

với Hoa Kỳ sau các cuộc đàm phán “rất khó khăn”

Tin từ WASHINGTON, DC — Vào hôm thứ Tư (21/8), Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Tokyo và Washington vẫn còn phải lấp đầy nhiều khoảng trống, trước khi hai bên có thể ký kết một thỏa thuận thương mại song phương, và các cuộc đàm phán với người cùng cấp Hoa Kỳ là “rất khó khăn”.

Theo Reuters, ông Motegi hiện đang đến thăm Washington, D.C., để đàm phán với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, và hai bên hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách trong các lĩnh vực như nông nghiệp và xe hơi để sớm tiến tới thỏa thuận. Các cuộc đàm phán này được tổ chức để đặt ra nền móng cho cuộc gặp khả thi giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần này tại Pháp.

Các cuộc đàm phán thương mại riêng biệt của Mỹ với Trung Cộng và châu Âu hiện cũng chưa đạt được nhiều tiến triển. Tổng thống Donald Trump đang quyết tâm ký kết một thỏa thuận sớm với Nhật Bản, để khai mở ngành nông nghiệp nhạy cảm về chính trị của quốc gia này, cũng như kiềm chế lượng xuất cảng xe hơi của Nhật Bản đến Hoa Kỳ. Phía Nhật Bản lại đang muốn Hoa Kỳ cắt giảm thuế đối với phụ tùng xe hơi và hàng công nghiệp nhập cảng – điều mà Washington không muốn thực hiện.

Ông Motegi cho biết ông và ông Lighthizer đã không dành nhiều thời gian để thảo luận về thời điểm ký kết thỏa thuận. Họ sẽ gặp lại nhau vào chiều hôm thứ năm (22/8), sau cuộc hội đàm cấp sự vụ giữa hai bên. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/nhat-can-thu-hep-khoang-cach-ve-thuong-mai-voi-hoa-ky-sau-cac-cuoc-dam-phan-rat-kho-khan/

 

Hàn Quốc hủy bỏ thỏa thuận

chia sẻ tin tình báo với Nhật

Hãng tin Anh nói rằng quyết định này có thể làm leo thang cuộc tranh cãi về lịch sử và thương mại cũng như ảnh hưởng tới hợp tác an ninh về Triều Tiên giữa hai nước.

Thỏa thuận trên nhằm chia sẻ thông tin về mối đe dọa từ các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

XEM THÊM:

Triều Tiên phóng thêm tên lửa, hủy đàm phán với Hàn Quốc

Quyết định hủy bỏ thỏa thuận được đưa ra sau khi Triều Tiên tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắm để phản đối điều nước này nói là việc củng cố quân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thỏa thuận viết tắt là GSOMIA dự kiến sẽ tự động gia hạn vào ngày 24/8 nếu không bên nào quyết định hủy bỏ.

Quyết định được thông báo sau một cuộc thảo luận kéo dài một giờ đồng hồ của Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%A7y-b%E1%BB%8F-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-chia-s%E1%BA%BB-tin-t%C3%ACnh-b%C3%A1o-v%E1%BB%9Bi-nh%E1%BA%ADt/5052691.html

 

Bình Nhưỡng không hào hứng

tái đàm phán với Mỹ về hạt nhân

Ngày 22/08/2019, Bắc Triều tiên tuyên bố « không hứng thú » tái khởi động đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề hạt nhân , trong khi Washington vẫn « tiếp tục lao thang các hoạt động quân sự thù địch » chống Bình Nhưỡng.

Đặc phái viên Hoa Kỳ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Biegun đang có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ tối ngày 20/08 cho biết, Mỹ sẵn sàng mở lại các cuộc đàm phán và chỉ chờ câu trả lời từ phía Bắc Triều Tiên.

Đáp lại, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, thông qua kênh thông tin chính thức KCNA, đã dập tắt hy vọng này và chỉ trích việc Mỹ đã tiến hành thử tên lửa tầm trung.

Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng phản đối việc Washington dự định đưa máy bay chiến đấu F-35 vào khu vực và tố cáo đây là dự án « nguy hiểm », « có thể gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới ». Do vậy, Bắc Triều Tiên cho rằng « phải cân nhắc một cách thực tế » là « nên tập trung tăng cường khả năng răn đe » của nước này.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn để ngỏ khả năng tái đàm phán khi tuyên bố « sẽ giữ lập trường của mình, bao gồm việc giải quyết các vấn đề một cách hòa bình bằng con đường đối thoại và đàm phán. »

Lần cuối cùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau là vào hồi tháng 6, tại khu vực phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây là cuộc gặp bất ngờ sau khi cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 02/2019 tại Hà Nội bị đổ bể.

Hôm 10/08, trên trang Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ bức thư mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gửi cho ông và tuyên bố ông Kim muốn nối lại đàm phán sau khi các cuộc tập trận kết thúc. Hiện, Mỹ và Hàn Quốc đang có các cuộc tập trận chung thường niên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190822-binh-nhuong-khong-hao-hung-tai-dam-phan-voi-my-ve-hat-nhan

 

Hong Kong: Phong trào biểu tình có lãnh đạo hay không?

Tina Hà Giangbbcvietnamese.com

Phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong được cho là không có người lãnh đạo, từ những đợt biểu tình nhỏ cho tới những cuộc xuống đường thu hút hàng triệu người, trong các tình huống hỗn loạn và bạo động, cũng như những cuộc tuần hành ôn hòa.

Không ít người trong giới phân tích chỉ ra giới hạn của chiến thuật ”không lãnh đạo” trong phong trào đấu tranh của người dân Hong Kong.

Những người này cho rằng trong tình trạng không người lãnh đạo, thì không sớm thì muộn, hành động quá khích của một thiểu số cực đoan sẽ làm tổn hại uy tín chung của cả triệu người ôn hòa bày tỏ chính kiến, làm tập thể mất đi hậu thuẫn của quần chúng.

Nhận định này không phải vô căn cớ.

Biểu tình ôn hòa quy mô lớn ở Hong Kong

Người Trung Quốc đại lục nghe gì về biểu tình Hong Kong?

Biểu tình Hong Kong lan rộng trên toàn cầu

Hong Kong: Tài phiệt ủng hộ Bắc Kinh, giáo viên ủng hộ học sinh

Tuy đa số các cuộc biểu tình tại Hong Kong diễn ra trong ôn hòa trật tự, tình trạng xô xát giữa người biểu tình và Hong Kong đã xảy ra ngày càng nhiều, lên đến đỉnh điểm hôm 13/8/2019, khi sân bay quốc tế Hong Kong bị các cuộc biểu tình lớn làm tê liệt, phải đóng cửa hai ngày liên tiếp.

Sau khi chính quyền giới hạn sinh hoạt của giới biểu tình và sân bay Hong Kong được mở cửa lại hôm 14/8, sự bế tắc trầm trọng làm thế giới nín thở theo dõi, nhất là khi người biểu tình không có dấu hiệu nao núng trước việc Trung Quốc rầm rộ đưa quân tới biên giới Hong Kong, động thái được cho là chuẩn bị thẳng tay đàn áp của Bắc Kinh.

Hôm Chủ Nhật 18/8, khi mặc cho cho mưa to gió lớn, bất chấp không được phép, hơn 1,7 triệu người Hong Kong, con số do các nhà tổ chức đưa ra, xuống đường trong ôn hòa không có đụng độ nào, thì cả Hong Kong thở phào nhẹ nhõm.

Câu hỏi được đặt ra là, vẫn trong khuôn khổ hoạt động ”không lãnh đạo” ấy, ai đã làm gì, và làm thế nào để đột nhiên kêu gọi tất cả những người biểu tình cực đoan trước đây ứng xử khác đi, tránh được những đụng độ căng thẳng?

Tôi tình cờ nhận được một tài liệu Google Doc do kênh trên ứng dụng chat Telegram có tên ‘Kwan Kung Temple – Hongkongers’ Press Room’ (Phòng tin Đền Quan Công của người Hong Kong) gửi đến.

Cánh cửa dẫn vào những ngóc ngách của giới hoạt động Hong Kong bỗng từ từ hé mở.

Nơi chia sẻ tin (chat room) trên Telegram

Tài liệu này là thời khóa biểu của các sự kiện chống luật dẫn độ được lên lịch từ giờ cho đến hết tháng Chín, do các tình nguyện viên của kênh này thiết lập và phổ biến.

Tài liệu cũng có phần ghi chép tỉ mỉ kết quả những cuộc biểu tình trong quá khứ, kể từ khi phong trào chống dự luật dẫn độ bùng nổ vào đầu tháng Sáu.

Thời khóa biểu cho thấy phong trào đấu tranh của Hong Kong được nhiều thành phần trong xã hội tham gia việc đòi hỏi chính quyền phải đáp ứng năm yêu cầu căn bản mà người dân đã đưa ra từ hơn hai tháng nay.

Sau đây là vài ví dụ trích thời khóa biểu của ‘chat room’ này:

Thứ Tư 21/8: Sinh hoạt của MTR Non-Cooperation Movement, kêu gọi sự đình công của nhân viên tàu điện ngầm MRT, với lưu ‎ý: ”Nếu chính quyền không đáp ứng trước ngày 2/9, nhóm tổ chức sẽ kêu gọi đình công mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày.”

Thứ Năm 22/8: Cuộc biểu tình Hong Kong Secondary School Students, kêu gọi tham dự của học sinh, với lưu ‎ý: ”không cần mặc đồng phục nhưng ban tổ chức khuyên mọi người nên đeo mặt nạ”.

Thứ Sáu, 23/8, 12 giờ trưa: Cuộc xuống đường ”Demonstration of the Accountants” của giới kế toán, với lưu ý: ”Cảnh sát đã được thông báo theo luật định.”

Thứ Sáu, 23/8, 7 giờ tối: Cuộc biểu tình Rally of the Christians của các tín đồ Thiên Chúa Giáo, với lưu ‎ý: ‘Đang chờ kết quả giấy xin phép”.

Và còn nhiều cuộc biểu tình khác nữa đã được lên lịch trước cả một tháng.

Sau khi hoàn tất vài thủ tục chứng thực mình là nhà báo, tôi được tiếp xúc với một tình nguyện viên của Kwan Kung Temple Hongkongers’ Press Room, qua một tài khoản Telegram riêng của người này.

Tự giới thiệu tên là Qwan, tình nguyện viên trên cho biết Kwan Kung Temple Hongkongers’ Press Room mới được nhóm thiết kế hôm 5/8 và khởi động một ngày sau đó.

“Chúng tôi muốn phổ biến tin về phong trào biểu tình Hong Kong một cách đa dạng và chính xác, và dịch ra Anh ngữ các thông cáo báo chí, để cung cấp cho các cơ quan truyền thông địa phương và quốc tế.” Qwan nói, và giải thích thêm:

”Nhóm tụi tôi khoảng 100 người thay nhau làm việc ngày đêm. Ngoài cung cấp tin, tụi tôi còn giúp các phóng viên báo chí tìm đối tượng phỏng vấn qua những ”virtual rooms” [phòng ảo]. Nếu bạn có nhu cầu phỏng vấn gì, cứ gửi vào chat room một yêu cầu, chúng tôi sẽ qua mạng lưới của phong trào tìm đối tượng đáp ứng nhu cầu của quý vị.”

Tuy mới thiết lập được hơn hai tuần, đến sáng ngày 22/8, Kwan Kung Temple Hongkongers’ Press Room đã có được 5,614 người ghi danh tham gia và hơn 90 yêu cầu phỏng vấn.

Yêu cầu phỏng vấn số IR 084 viết:

Cơ quan truyền thông quốc tế, cần phỏng vấn những người tham dự biểu tình trong vai trò hậu cần. Muốn tìm hiểu cụ thể công việc hỗ trợ biểu tình của họ như vận chuyển công cụ, thiết kế poster, cũng như đánh giá của họ về tương lai của phong trào. Hình thức phỏng vấn: Video. Có thể đeo mặt nạ và dùng tên giả. Xin liên lạc…

Yêu cầu phỏng vấn số IR 087 viết:

Cần tiếp xúc và phỏng vấn nhiều người Hong Kong từng tham dự biểu tình, ít nhất là từ ngày 9/6, và đã tham dự những cuộc xuống đường then chốt từ đó đến nay, cũng như dự tính sẽ tiếp tục biểu tình. Chúng tôi muốn làm một phim tài liệu dài 60 phút có tiềm năng tạo ảnh hưởng quốc tếvề Hong Kong. Cần người tham dự biểu tình nam và nữ đứng ở chiến tuyến, người biểu tình ôn hòa, và học sinh biểu tình. Chúng tôi sẽ tiếp xúc đối tượng qua phôn trước, rồi sau đó qua Telegram hay WhatsApp. Có thể ẩn danh hay không, tùy trường hợp.”

Được hỏi phòng tin Kwan Kung Temple có cho người Trung Quốc đại lục vào tham gia không, Qwan trả lời: ”Có chứ, chúng tôi không kỳ thị bất cứ ai, đây là một phòng tin mở, đây là Hong Kong, chứ không phải đại lục.”

Từ kênh ‘Kwan Kung Temple – Hongkongers’ Press Room’ tôi liên lạc được với một tình nguyện viên xưng tên là England Hermit, thuộc phòng tin ‘Hong Kong Protest Press Liason Group’, và vào đó xem sinh hoạt của họ.

‘Hong Kong Protest Press Liason Group’ có quy trình đòi hỏi nhà báo phải chứng minh thân thế kỹ hơn, và đặc biệt chỉ phục vụ cho giới báo chí.

Tại đây các phóng viên, đa số từ nước ngoài, có thể yêu cầu được giúp đỡ, như nhờ tìm thêm hay kiểm chứng thông tin, giải đáp thắc mắc, hay hỏi cách liên lạc với các tổ chức hoặc đối tượng phỏng vấn, thậm chí những cơ quan hay cơ sở địa phương.

Một nhóm khoảng 25 tình nguyện viên thay phiên nhau phục vụ trên 100 nhà báo đã ghi danh tham gia. Mọi yêu cầu đều được phòng tin cố gắng đáp ứng, miễn là yêu cầu nhắm vào mục đích tường trình về hoạt động của phong trào.

England Hermit cho biết tình trạng biểu tình kéo dài đã khiến ngày càng có nhiều nhóm tương tự như thế mọc lên:

”Những nhóm như thế này đều sinh hoạt tự túc, nhờ vào các tình nguyện viên, mỗi nhóm tập trung vào những gì họ có thể làm tốt nhất để hỗ trợ toàn bộ phong trào.”

Theo England Hermit, phòng tin Hong Kong Protest Press Liason Group trước đó có tên ‘General Strike Press Liason Group’, được thiết lập vào đầu tháng Tám, với mục đích kêu gọi mọi người tham gia cuộc tổng đình công ngày 5/8. Nhưng sau ngày đình công, đã đổi tên vì muốn tiếp tục hỗ trợ phong trào đấu tranh có viễn cảnh sẽ còn kéo dài.

Nhắc đến cuộc đình công thu hút hàng chục ngàn công nhân viên thuộc đủ mọi ngành hôm 5/8, thì không thể không nhắc đến Diễn đàn LIHKG (連登).

Nghỉ làm, bạn có thể mất việc, nhưng nếu không nghỉ làm, bạn sẽ mất Hong Kong và mất quê nhà! Tự do không tự nhiên mà có, tôi năn nỉ các bạn, hãy cùng nhau đòi lại Hong Kong!”

Đó là lời kêu gọi đình công được một thành viên đăng trên diễn đàn LIHKG, công cụ chính của phong trào đấu tranh ‘không lãnh đạo’ của người biểu tình, khoảng một tuần trước ngày đình công.

Lời kêu gọi này nhanh chóng được 11,000 người bỏ phiếu đồng thuận, và nhờ đó giữ được vị trí ở trang đầu của diễn đàn, tiếp tục lôi cuốn sự chú ý.

Kết quả là hôm 5/8 Hong Kong xảy ra cuộc tổng đình công khiến thành phố hoàn toàn tê liệt, lần đầu tiên trong vòng 50 năm.

Ra mắt năm 2016 và thường được gọi là phiên bản Reddit của Hong Kong, LIHKG là một diễn đàn đa thể loại, hoạt động bằng tiếng Trung phồn thể.

LIHKG được ưa chuộng vì diễn đàn này là nơi ẩn náu an toàn cho những người dân Hong Kong không dám ra mặt chống chính quyền, nhưng vẫn muốn tham gia đấu tranh và hoạt động chính trị.

Với hơn 300,000 người ghi danh tham dự (con số này gia tăng hàng giờ), LIHKG là nơi những cuộc thảo luận về bước kế tiếp của phong trào biểu tình liên tục diễn ra. Tại đây, thành viên đưa ra đề nghị hoặc chủ đề cần bàn thảo. Mọi đề nghị sẽ được bỏ phiếu đồng thuận (upvote) hoặc chống (downvote) bởi các thành viên khác.

Đề nghị hay nhất, hay chính xác hơn, được nhiều phiếu đồng huận nhất, sẽ xuất hiện trên trang đầu của diễn đàn, và có triển vọng trở thành bước đi kế tiếp của phong trào.

Từ diễn đàn chính này, chương trình hành động sẽ tràn qua các nền tảng khác như những phòng tin trên Telegram nói trên, hoặc trên Facebook, và Instagram v.v… và từng nhóm tình nguyện viên sẽ đóng góp công sức theo khả năng của họ.

Trở lại với câu hỏi ai đã làm gì và làm thế nào mà sau nhiều tuần xung đột đã khiến cho cuộc diễn hành 1,7 triệu người bỗng nhiên diễn ra hết sức ôn hòa hôm 18/8, câu trả lời là quyết định tập thể đó đến từ diễn đàn LIHKG.

Hai tình nguyện viên Qwan và England Hermit, cùng là thành viên của diễn đàn LIHKG như đa số thành viên các nhóm nhỏ khác, cho tôi biết họ chứng kiến những cuộc thảo luận trong diễn đàn này LIHKG về các sự kiện xảy ra tuần lễ trước đó.

”Đa số thành viên đồng ý là việc chiếm giữ sân bay đã vượt quá ranh giới của một cuộc biểu tình bất bạo động, ngay cả trong mắt của truyền thông ngoại quốc, giới sẵn có thiện cảm với mục tiêu của phong trào.” England Hermit kể lại.

Trong khi đó, Qwan cho biết ngay sau những cuộc thảo luận, một bản văn được phổ biến trong diễn đàn vào rạng sáng thứ Tư, vài giờ sau khi sân bay bị đóng cửa thêm một ngày nữa.

Chúng ta phải thừa nhận hành động của nhóm tại sân bay quốc tế Hong Kong tối hôm trước là quá bốc đồng. Chúng ta phải quyết tâm dũng cảm đối mặt với những sai sót của mình. Chúng ta phải chân thành xin lỗi những người dân đã luôn ủng hộ phong trào,” văn bản viết.

Và thế là ngay trong ngày hôm sau, nhiều thanh niên thiếu nữ đã mang những áp phích và tờ rơi xin lỗi hành khách và người dân Hong Kong nói chung đến rải ở một góc của sân bay, cũng như phổ biến những áp phích này trên mạng lưới internet.

Và cứ thế phong trào đấu tranh ‘không lãnh đạo’ tiếp tục hoạt động.

Những nhóm hỗ trợ khác

Ngoài diễn đàn LIHKG và những phòng tin trên Telegram, phong trào đấu tranh của người dân Hong Kong còn được nhiều nhóm hỗ trợ khác tiếp tay.

”Mọi thứ đều rất hữu cơ. Bất cứ ai cũng có thể thiết lập ra một hai nhóm để làm bất cứ điều gì vào bất cứ lúc nào, tùy theo khả năng hay sở thích, để hỗ trợ mục đích chung. Tụi tôi không cần phải xin phép ai hoặc đăng ký ở bất cứ đâu. Mấy đứa bạn tôi cũng hoạt động trên Telegram, nhưng chúng thuộc nhóm thiết kế áp phích.” Qwan kể.

Một trong những nhóm thiết kế Qwan nói đến có tên ‘Anti-Extradition Promo Channel’ tụ họp những người chuyên thiết kế áp phích, tờ rơi, hay infographics, bằng nhiều thứ tiếng, để cổ động phong trào, giúp quần chúng hiểu rõ mục đích đấu tranh của người dân Hong Kong, hay tố cáo những hành động họ cho là phạm luật của chính quyền Hong Kong và chính quyền Bắc Kinh.

Tính đến chiều 20/8, kênh Anti-Extradition Promo Channel, có 17,576 người theo dõi, và tùy theo tình hình, có ngày gửi ra khoảng vài chục áp phích, tờ rơi hay inforgraphics mới.

Nhóm Fight for Freedom – Stand with Hong Kong, trong khi đó, hoạt động qua nhiều nền tảng khác nhau gồm Facebook, Twitter và website riêng, là nhóm chuyên viết và thiết kế các trang quảng cáo cho phong trào.

Khởi đầu từ việc soạn tài liệu, thiết kế website và áp phích để vận động sự ủng hộ của người dân Anh Quốc, cũng như thúc đẩy chính phủ Anh áp lực Trung Quốc phải thực hiện các lời hứa và bảo vệ các quyền tự do của Hong Kong theo Tuyên Bố Chung ký năm 1984, nhóm dần dà đảm nhận việc soạn và thiết kế các trang quảng cáo cho phong trào bằng nhiều ngôn ngữ, để đăng trên các tờ báo lớn quốc tế.

Fight for Freedom – Stand with Hong Kong hoạt động chặt chẽ với nhóm chuyên gây quỹ từ cộng đồng (crowdfunding) để có tiền chi trả chi phí quảng cáo, với cuộc vận động gần đây nhất thu được hơn hai triệu đôla chỉ trong vài giờ.

Theo trang Facebook của Fight for Freedom – Stand with Hong Kong, sáng hôm 19/8 một lá thư ngỏ do nhóm soạn và thiết kế đã được đăng tải cùng một lúc trên 11 tờ báo lớn trên thế giới, với thông điệp chung, nhưng lời kêu gọi được điều chỉnh để thích hợp với từng đối tượng độc giả.

Nhóm 全民罷買日 Bye Buy Day HK, với hơn 1000 thành viên và khoảng 50 tình nguyện viên, chủ trương kêu gọi người Hong Kong không tiêu tiền trong hai ngày thứ Sáu và Chủ Nhật hàng tuần, với mục đích dần dà tạo áp lực kinh tế lên chính quyền, cũng tạo cơ hội an toàn nhất và tiết kiệm nhất cho những người ủng hộ phong trào không thể hay ngại không tham dự biểu tình.

Một đại diện dấu tên của nhóm nói với BBC:

”Nếu người tiêu dùng có thể được trao quyền bày tỏ ý kiến chính trị của họ với chính phủ qua việc tiêu dùng có chủ ý, chính phủ sẽ cảm thấy áp lực phải đáp ứng nhu cầu của họ. Xét cho cùng, mọi chính phủ đều quan tâm đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, với Hong Kong đặc biệt quan tâm đến doanh số bán lẻ, du lịch và giá bất động sản, và việc người dân bớt mua bán dần dà sẽ ảnh hưởng kinh tế”.

“Mặt khác, chúng tôi cũng khuyến khích người tiêu dùng khi cần mua sắm thì nên ủng hộ những cửa hàng nhỏ tại địa phương, thay vì mua hàng của những hệ thống buôn bán lớn, thường có khuynh hướng ủng hộ Bắc Kinh,” người đại diện nói thêm.Và còn nhiều những nhóm khác cung ứng những gì cần thiết để hỗ trợ phong trào.

Lợi thế và nguy cơ

Có lẽ không có phương cách đấu tranh nào là hoàn hảo, nhưng chủ trương ‘không lãnh đạo’ mang lại một số lợi thế nhất định.

Trước hết, mô hình ‘không lãnh đạo’ giúp phong trào không bị tàn lụi khi một vài lãnh đạo bị bắt.

Vào thời điểm cuộc diễn hành 2 triệu người hôm 16/6, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ hơn 100 người. Cho đến nay, khoảng 750 người biểu tình đã bị bắt, nhưng phong trào vẫn hoạt động mạnh, vì không đóng góp của riêng cá nhân nào là then chốt .

Thứ hai, việc trưng cầu dân ý qua các diễn đàn giúp những ý kiến hay được ủng hộ và thực hiện, khiến phong trào không chỉ tận dụng được trí não của một vài người, mà trí não của cả một tập thể.

Về điểm này, cụm từ ‘không lãnh đạo’ chưa chắc đã mô tả đúng phương cách đấu tranh của họ, mà có lẽ phải nói đây là phong trào có một mạng lưới nhiều nhà lãnh đạo tản quyền mới chính xác hơn.

Lịch sử cho thấy các phong trào đấu tranh bền vững trên thế giới thường có một mạng lưới kết hợp rất nhiều nhóm nhỏ và nhiều tầng lớp lãnh đạo, như thế lãnh đạo của của các nhóm chỉ được giới hoạt động biết đến, và không dễ bị chính quyền điểm mặt.

Thứ ba, mô hình ‘không lãnh đạo’ tước đi nhiều quyền lực của giới cầm quyền, khiến cho họ khó đối phó hơn, vì đơn giản là không thể điểm mặt, bắt bớ hay giam cầm tất cả mọi người.

Sở dĩ Hong Kong đã có thể huy động một lúc hai triệu người xuống đường như hôm 16/6 và 1,7 triệu người hôm 18/8 (theo con số của các nhà tổ chức), không phải vì phong trào không có lãnh đạo, mà vì phong trào là một tập thể có nhiều lãnh đạo tản quyền, trong đó có Mặt trận Nhân quyền Dân sự (gồm 50 nhóm khác nhau), các Đoàn thể Sinh viên Học sinh, công đoàn Lao động, Công đoàn Sinh viên, Công đoàn Lao động, Hội các bà mẹ, và hàng trăm những nhóm sinh hoạt trên các nền tảng truyền thông xã hội nói trên.

Người biểu tình Hong Kong cho đến nay đã thành công vì mô thức lãnh đạo tản quyền khiến mọi người tham gia đều được trao quyền.

Họ không chỉ đi biểu tình, mà còn tùy theo sở trường và hoàn cảnh, phối hợp nỗ lực để cung ứng những thứ cần thiết, như ô dù, mặt nạ, thực phẩm, nước uống, rào chắn, cung cấp thông tin về các nguy cơ như sự hiện diện của cảnh sát, dịch vụ tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, cố vấn tâm lý, giao tiếp v.v…

Quan trọng hơn, họ thành công vì có một mục đích chung, đi kèm với hấu hiểu sâu sắc về tinh thần dân chủ, biết tôn trọng sự khác biệt, không đả kích nhau, ngay cả khi có những khuynh hướng đấu tranh khác biệt, nhờ thế tránh được chia rẽ khiến phong trào bị suy yếu.

Đương nhiên, nguy cơ lúc nào cũng rình rập một phong trào ‘không lãnh đạo’ vẫn là luôn luôn phải đối diện với một tình huống khó khăn do một thiểu số quá khích hoạt động tùy hứng gây ra, và tình hình có thể chuyển từ ôn hòa qua bạo động trong vài tích tắc.

Trong trường hợp đó, thái độ đặt mục đích chung lên hết, và đồng lòng điều chỉnh kịp thời như chúng ta đã thấy cách đây hơn một tuần là điều tối quan trọng.

Chưa biết phương thức đấu tranh ‘không lãnh đạo’ cuối cùng có giúp người biểu tình Hong Kong đạt được kết quả mong muốn không, nhưng có lẽ ngày nào mọi người còn chia sẻ một một mục đích chung, thì ngày đó phong trào còn có thể tồn tại.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49409925

 

Ngân hàng Hong Kong lên án bạo lực, kêu gọi hòa bình

Vào thứ Năm 22/8, một số ngân hàng lớn nhất Hong Kong đăng quảng cáo trên báo kêu gọi giữ gìn luật pháp và trật tự, đồng thời lên án bạo lực, trong bối cảnh các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại đây chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngân hàng HSBC, Standard Chartered và Ngân hàng Đông Á (Bank of East Asia), đã đăng các quảng cáo trên các tờ báo lớn ở của Hong Kong, kêu gọi khôi phục trật tự xã hội.

Hàng ngàn người Hong Kong biểu tình phản đối chính phủ hôm thứ Tư 21/8 tại một ga tàu điện ngầm ở ngoại ô – nơi họ từng bị một đám đông mặc áo trắng tấn công vào tháng trước. Họ tức giận vì chưa có ai bị truy tố vì hành vi bạo lực đó.

Biểu tình ôn hòa quy mô lớn ở Hong Kong

Người Trung Quốc đại lục nghe gì về biểu tình Hong Kong?

Biểu tình Hong Kong lan rộng trên toàn cầu

Hong Kong: Tài phiệt ủng hộ Bắc Kinh, giáo viên ủng hộ học sinh

Cuộc đối đầu đã tạm dừng sau các đụng độ dữ dội gần đây với cảnh sát, những người lần này đã kiềm chế không sử dụng hơi cay với người biểu tình. Chỉ có một hòn đá được nhìn thấy ném vào lá chắn của cảnh sát và hầu hết những người biểu tình về nhà trước nửa đêm.

Một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ được lên kế hoạch trong những tuần tới, bao gồm một cuộc biểu tình của sinh viên vào thứ Năm và một cuộc đình công khác ở các quận trên toàn thành phố vào đầu tháng Chín.

Các cuộc biểu tình liên tục có thể làm tăng thêm tác động đến nền kinh tế của thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Đông Á (Bank of East Asia) đưa ra cảnh báo hôm thứ Tư sau khi báo cáo giảm 75% lợi nhuận ròng nửa đầu năm do các khoản vay của khách hàng ở Trung Quốc đại lục sụt giảm.

Các cuộc biểu tình đã gây thiệt hại cho kinh tế và du lịch Hong Kong, đẩy trung tâm tài chính châu Á đến gần bờ vực suy thoái lần đầu tiên trong một thập kỷ.

Standard Chartered cho biết trong các quảng cáo vào Thứ Năm rằng họ đã hỗ trợ chính quyền khu vực hành chính đặc biệt trong việc duy trì trật tự xã hội và bảo vệ vị thế của Hong Kong như một trung tâm tài chính quốc tế.

HSBC cho biết tất cả các bên phải giải quyết bất đồng thông qua đối thoại thay vì bạo lực. Cả HSBC và Bank of East Asia đều không đề cập đến chính phủ trong các quảng cáo của họ.

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đã nhắc lại hôm thứ Ba rằng dự luật dẫn độ đã chết nhưng không đề cập đến việc rút hoàn toàn dự luật như những gì người biểu tình yêu cầu.

Những người biểu tình cũng đang kêu gọi một cuộc điều tra độc lập, ngừng mô tả về các cuộc biểu tình như là bạo loạn, và hủy các cáo buộc chống lại những người bị bắt và nối lại cải cách chính trị.

Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt và cáo buộc nước ngoài, bao gồm cả Hoa Kỳ, gây ra tình trạng bất ổn. Trung Quốc cũng đã gửi cảnh báo rằng có thể can thiệp bằng vũ lực, với các hoạt động diễn bán quân sự ở Thâm Quyến, ngay sát Hong Kong.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49431307

 

Sinh viên Hong Kong

tuyên bố bãi khóa để tiếp tục biểu tình

Các thủ lĩnh sinh viên Hong Kong hôm 22/8 tuyên bố bãi khóa hai tuần bắt đầu từ đầu năm học mới để tiếp tục biểu tình gây sức ép lên chính quyền. AFP loan tin này vào cùng ngày.

Các thủ lĩnh sinh viên đại diện cho các trường đại học lớn ở Hong Kong nói các sinh viên sẽ không lên lớp từ ngày 2/9 đến ngày 13/9 và đe dọa sẽ tiếp tục có hành động nếu chính quyền không có đáp ứng đầy đủ đối với các yêu sách của những người biểu tình. Những yêu sách này bao gồm việc bỏ dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc, chấp nhận việc bầu cử dầu phiếu và điều tra độc lập đối với việc cảnh sát lạm dụng vũ lực đối với người biểu tình.

Anh Davin Wong, quyền chủ tịch Hiệp hội sinh viên các trường đại học Hong Kong cho biết 2 tuần cũng đủ để chính quyền xem xét cách đáp ứng những đòi hỏi này.

Những cuộc biểu tình phản đối ở Hong Kong đã diễn ra suốt hơn 2 tháng nay với sự có mặt của nhiều sinh viên. Những cuộc biểu tình lớn nhỏ kéo dài liên tục nhiều tuần lễ đã khiến chính quyền Hong Kong phải hoãn lại luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc. Tuy nhiên người biểu tình vẫn muốn chính phủ bỏ toàn bộ luật.

Đã có khoảng 700 người bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ khi tham gia những cuộc biểu tình này với cáo buộc gây bạo động. Những người biểu tình phản đối cáo buộc này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hong-kong-students-to-boycott-new-terms-as-protests-continue-08222019091355.html

 

Vì bất ổn,nhiều triệu phú Hong Kong tìm đường sang Úc

Úc đang chứng kiến nhiều người Hong Kong giàu có quan tâm tới chương trình visa dành cho các triệu phú, trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng chính trị tại Hong Kong, các luật sư về nhập cư nói với Reuters.

Tin cho hay, cơ quan nhập cư của tiểu bang New South Wales cho biết đã “thấy sự tăng mạnh các đơn xin” từ Hong Kong trong những tháng gần đây.

Cơ quan này nói rằng sự quan tâm đối với chương trình visa 3,4 triệu đô với tên gọi SIV, vốn cấp quy chế thường trú trực tiếp cho người nộp đơn, trùng với “sự khởi đầu của tình hình bất ổn hiện nay ở Hong Kong”, theo Reuters.

XEM THÊM:

Nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hong Kong bị bắt ở TQ vì ‘mua dâm’

Hãng tin Anh dẫn lời ông Bill Fuggle, một nhân viên của công ty luật Baker & McKenzie có trụ sở ở Sydney cho biết đã thấy một sự gia tăng người nộp đơn cho chương trình SIV.

Các cuộc biểu tình bùng ra ở Hong Kong hồi đầu tháng Sáu về dự luật dẫn độ mà nay đã bị hủy bỏ.

Hiện vẫn tiếp tục xảy ra các cuộc biểu tình vì người Hong Kong lo ngại sự xói mòn các quyền cơ bản, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/v%C3%AC-b%E1%BA%A5t-%E1%BB%95n-nhi%E1%BB%81u-tri%E1%BB%87u-ph%C3%BA-hong-kong-t%C3%ACm-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-sang-%C3%BAc/5052775.html

 

Dân Hồng Kông tố cáo chính quyền

dung túng xã hội đen hành hung người biểu tình

Trọng Thành

Tối hôm qua, 21/08/2019, hàng trăm người dân ở Hồng Kông đã tập hợp tại một trạm metro, nơi xẩy ra các vụ hành hung của xã hội đen đối với người biểu tình, để lên án bạo lực và thái độ dung túng của chính quyền đặc khu này.

Cuộc tập hợp diễn ra tại ga metreo Yuen Long (Nguyên Lãng), ở phía tây thành phố, giáp với Hoa lục. Tất cả người biểu tình đều bịt mặt. Nhiều người mang theo mũ bảo hiểm công trường, mặt nạ chống hơi cay. Cuộc tập hợp diễn ra ôn hòa cho đến khi nhiều đơn vị cảnh sát áp sát nhà ga. Nhiều người sử dụng bình cứu hỏa, phun thuốc tẩy rửa, bia và dầu ăn lên sàn nhà ga để cản đường cảnh sát.

Trả lời AFP, Chloe, một thanh niên 23 tuổi, cho biết mọi người tập hợp ở đây để thể hiện với chính quyền « nỗi giận dữ » của họ và yêu cầu các thủ phạm vụ tấn công « phải được đưa ra xét xử ».

Ngày 21/07 cũng chính tại nơi này, nhiều phần tử xã hội đen ập đến hành hung người biểu tình chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc của chính quyền đặc khu, đang trên đường về nhà. Nhiều khách qua đường cũng bị đánh đập. Những kẻ tấn công mang theo gậy góc, thanh sắt, gậy đánh golf, và phần lớn đều mặc áo thun trắng.

Tổng cộng gần 50 người bị thương, trong đó có nhiều người bị rất nặng. Những kẻ lạ mặt mặc sức hành hung trong hơn một giờ đồng hồ, trước khi cảnh sát đến nơi. Không một người nào bị bắt.

Nhà ga Yuen Long được biết đến là nơi mà các băng đảng xã hội đen thân Bắc Kinh hoạt động mạnh.

Lãn đạo cảnh sát Hồng Kông Lô Vĩ Thông (Stephen Lo) lên án hành động « vu khống », khi cho rằng có sự đồng lõa giữa cảnh sát và các băng nhóm xã hội đen, và cam đoan là các thủ phạm sẽ bị truy tố. Hôm thứ Ba, 20/08, cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt giữ 28 người bị tình nghi tham gia vào cuộc tấn công ngày 21/07. Việc cảnh sát Hồng Kông can thiệp chậm gây tổn hại trầm trọng cho uy tín của lực lượng an ninh đặc khu.

Nhiều ngân hàng lớn kêu gọi lập lại trật tự

Theo Reuters, hôm nay, nhiều ngân hàng lớn của Hồng Kông ra thông cáo kêu gọi tôn trọng luật pháp và trật tự tại đặc khu hành chính, lên án bạo lực. Các thông cáo của ba ngân hàng HSBC, Standard Chartered và Ngân Hàng Đông Á được đăng tải trên đa số nhật báo số ra hôm nay.

Tình hình Hồng Kông sẽ được thảo luận tại G7

Căng thẳng tại Hồng Kông kéo dài từ gần ba tháng nay sẽ là chủ đề được thảo luận tại thượng đỉnh khối G7 – 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, khai mạc tại thành phố Biarritz, Pháp, ngày thứ Bảy 24/08. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết như trên, trong cuộc họp báo tại điện Elysée hôm qua. Nguyên thủ Pháp cũng tuyên bố sẽ trao đổi « thẳng thắn và chân thành » với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Hồng Kông trong chuyến công du Trung Quốc tháng 11 tới.

Trong những ngày gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói trong chính giới Pháp, kể cả trong đảng cầm quyền yêu cầu chính phủ có thái độ rõ ràng về cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông. Ngày 15/08, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định lập trường của Pháp là ủng hộ triệt để nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », mà Bắc Kinh chấp nhận trước khi Hồng Kông được Anh trả lại cho Trung Quốc. Với nguyên tắc này, đặc khu Hồng Kông được hưởng nhiều quyền tự trị rộng rãi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190822-hong-kong-ki-niem-1-thang-vu-xa-hoi-den-hanh-hung-nguoi-bieu-tinh

 

Báo Trung Quốc:

nhân viên ngoại giao Anh bị bắt giữ vì mua dâm

Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 22/8 trích lời cảnh sát Thẩm Quyến cho biết nhân viên ngoại giao Anh ở Hong Kong đã bị bắt giữ vì mua dâm khi đến Trung Quốc đại lục.

Hôm 21/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Simon Cheng thuộc tổng lãnh sự Anh ở Hong Kong đã bị bắt giữ ở thành phố Thẩm Quyến.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, ông Simon Cheng bị cảnh sát bắt giữ 15 ngày dựa theo điều 66 luật hành chính vì tội mua dâm. Theo luật này, người tham gia vào việc mua bán dâm có thể bị tạm giữ từ 10 đến 15 ngày và có thể phải chịu phạt 5.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 700 đô la.

Trước đó, các thông tin từ báo Hong Kong cho biết ông Simon Cheng đã mất tích khi đến Hong Kong dự một cuộc họp về kinh doanh hôm 8/8. Ông Cheng đã không về lại Hong Kong theo dự kiến vào ngày 9/8.

Hong Kong nhiều tuần qua đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối chính quyền. Trung Quốc cáo buộc Anh và các nước phương Tây đã can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, kích động các cuộc biểu tình của người dân Hong Kong.

Hong Kong từng là thuộc địa của Anh trước khi được trao trả lại về cho Trung Quốc vào năm 1997.

Anh và Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc phải tôn trong chính sách một nước hai hệ thống áp dụng đối với Hong Kong theo thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc trước đó.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/employee-at-britains-hong-kong-mission-detained-in-china-over-prostitution-08222019092059.html

 

“TQ muốn được tôn trọng thì phải biết tôn trọng nước khác”

Vị quan chức Philippines cho rằng, 1 quốc gia muốn những quy tắc và đường biên giới của mình được tôn trọng thì họ cũng nên làm như vậy với nước khác.

Mỹ đã nhiều lần tố Trung Quốc có hành vi bắt nạt ở Biển Đông.

Mỹ lại tố Trung Quốc “bắt nạt”

Nhà Trắng hôm 20/8 vừa qua đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc sử dụng “các thủ đoạn bắt nạt” trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, nhấn mạnh Washington sẽ chống lại cách hành xử kiểu này.

“Những nỗ lực leo thang gần đây của Trung Quốc nhằm đe dọa, buộc những nước khác phải từ bỏ việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông là đáng lo ngại. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các quốc gia chống lại hành vi cưỡng ép và các thủ đoạn bắt nạt, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực”, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton viết trên Twitter.

Theo Phil Star, Trung Quốc bị tố triển khai tàu chiến, quân sự hóa các tiền đồn trên những hòn đảo nhân tạo mà nước này bất chấp luật pháp quốc tế để tạo ra trên Biển Đông, sẵn sàng sử dụng các biện pháp thô bạo với tàu đánh cá của các nước ở vùng biển mà cả Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền.

Mỹ – quốc gia vốn khẳng định rõ lập trường không đứng về bất kỳ bên nào trong tranh chấp Biển Đông đã nhiều lần chỉ trích tham vọng của Trung Quốc thống trị Biển Đông – một trong những tuyến đường vận tải hàng hải nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Trung Quốc đã làm gì để xâm nhập vùng biển Philippines?

Từ Manila, Bộ trưởng Nội các Philippines Karlo Alexei Nograles nói rằng dù Tổng thống Rodrigo Duterte có thể đã không hài lòng khi nghe thông tin về sự xâm nhập của các tàu Trung Quốc vào vùng biển của Philippines nhưng chính quyền của ông không từ bỏ các biện pháp hòa bình để giải quyết bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng họ đã làm chuyện gì đó với Hệ thống nhận dạng tàu thuyền… Họ đã tắt hệ thống này khi đi qua vùng biển của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể giám sát các tàu thuyền thương mại”, ông Nograles nói về lời trách móc hiếm hoi của Tổng thống Duterte đối với việc Trung Quốc điều tàu chiến đến khu vực ngoài khơi chỉ cách bờ biển của Manila vài hải lý.

Người phát ngôn của Tổng thống Duterte, Salvador Panelo hôm 20/8 đã đưa ra yêu cầu đảm bảo tính minh bạch trong bối cảnh quân đội Philippines bày tỏ sự thất vọng khi nhiều lần phát hiện tàu chiến Trung Quốc di chuyển trong vùng lãnh hải 12 hải lý của nước này, tại nhiều địa điểm khác nhau.

Ông Panelo nói: “Toàn bộ tàu nước ngoài đi qua lãnh hải của chúng tôi phải thông báo trước và nhận được sự chấp thuận từ cơ quan chính phủ chuyên trách trước khi thực hiện hành động này… Chúng tôi chấp thuận một cách hữu nghị hoặc chúng tôi sẽ hành xử một cách không thân thiện”.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã sẵn sàng

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết, họ sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Tổng thống.

“Chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện các mệnh lệnh. Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó và triển khai tàu. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác và làm theo hướng dẫn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC)”, người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Armand Balilo cho biết.

Phát biểu tại một diễn đàn truyền thông, ông Nograles cho biết, Tổng thống Duterte đã ra lệnh giám sát kỹ lưỡng tất cả tàu thuyền (cả tàu thương mại lẫn tàu quân sự) đi qua vùng biển Philippines.

“Đó là một thách thức bởi vì Tổng thống đã tuyên bố như vậy. Thành bại của điều này sẽ phụ thuộc vào lực lượng an ninh của chúng tôi”, Nograles nói.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nội các Philippines khẳng định Chính phủ sẽ tuân thủ giao thức trong việc đối phó với các tàu nước ngoài xâm phạm. Trong đó, việc lên tiếng phản đối thông qua con đường ngoại giao cũng là một trong những giao thức được ưu tiên.

Theo ông Nograles, giới chức Philippines muốn tìm hiểu tất cả các lựa chọn có thể để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình với các nước bạn bè trong khu vực.

“Như những người hàng xóm thân thiện, chúng ta vẫn có thể nói chuyện, các đường dây liên lạc vẫn đang mở, đó là điều mà chúng tôi hiện đang theo đuổi thực hiện. Có rất nhiều cơ hội để chúng ta xoa dịu căng thẳng ngay bây giờ bởi vì đây có thể chỉ là vấn đề hiểu lầm. Và những hiểu lầm có thể được giải quyết tốt nhất nếu như có những cuộc thảo luận lành mạnh”, ông Nograles nhấn mạnh.

Các Thượng nghị sĩ Philippines cũng đã lên tiếng ủng hộ chỉ thị của Tổng thống Duterte yêu cầu các tàu nước ngoài khi đi qua vùng biển của nước này cần phải xin phép.

“Tổng thống xứng đáng nhận được sự ủng hộ của mọi người đối với hướng dẫn mới nhất này”, ông Panfilo Lacson, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Thượng viện Philippines nói và lưu ý rằng chỉ thị của Tổng thống là rõ ràng cho tất cả các cơ quan của Chính phủ có liên quan để đưa ra động thái cần thiết đối phó với bất kỳ tình huống nào liên quan đến vấn đề này.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Juan Miguel Zubiri thì nói rằng Philippines với tư cách là một quốc gia có chủ quyền cần được đối xử tôn trọng.

“Tôi tin vào quy tắc vàng ‘bạn hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn được đối xử”. Những quốc gia muốn những quy tắc và đường biên giới của họ được tôn trọng thì bản thân họ cũng nên làm như vậy đối với chúng tôi”, ông Zubiri nói với các phóng viên.

Ông Zubiri cũng nhấn mạnh các bước mà Chính phủ Philippines nên thực hiện để đối phó với tình hình hiện nay bao gồm cả việc hiện đại hóa quân đội, lực lượng cảnh sát biển để có thể giám sát các tàu nước ngoài xuất hiện trái phép trong vùng biển nước này.

http://biendong.net/doc-bao-viet/29967-tq-muon-duoc-ton-trong-thi-phai-biet-ton-trong-nuoc-khac.html

 

Tương lai nào cho thỏa thuận hợp tác dầu khí

ở Biển Đông giữa TQ và Philippines

sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte?

Giới quan sát cho rằng tương lai của kế hoạch khai thác chung dầu khí ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines trong năm 2019 sẽ còn xa vời và khó có thể đạt được kết quả như hai bên mong đợi, nhất là theo như ý đồ tính toán của Trung Quốc khi đặt ra hình thức hợp tác khai thác chung với Philippines. Đây sẽ là thách thức lớn cho chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống PhilippinesR. Duterte.

Trở ngại từ mặt pháp lý

Cho đến nay, cả Trung Quốc và Philippines đều chưa đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về thỏa thuận khai thác chung dầu khí ở Biển Đông, trong khi hai bên vẫn còn có những cách diễn giải khác nhau về nội hàm của khai thác chung. Phía Trung Quốc cho rằng khai thác chung là khái niệm dùng để chỉ hai hay nhiều quốc gia đạt được hiệp định hợp tác giữa chính phủ trong việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các khu vực chồng lấn, qua đó phối hợp thực thi quyền tài phán trong khu vực và tạo điều kiện để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, phía Philippines cho rằng hợp tác khai thác chung giữa hai nước là việc cùng thăm dò tài nguyên, chứ không phải khai thác toàn diện trong khu vực chủ quyền Philippines và hiện do Philippines kiểm soát (Trung Quốc cũng đang tuyên bố chủ quyền).

Hai bên cũng có sự khác biệt trong cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung. Hiện nay cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung chủ yếu đến từ hai khía cạnh, một là dựa trên “nguyên tắc hợp tác” và “nghĩa vụ đàm phán” được đề cập trong Hiến chương Liên hợp quốc. Nguyên tắc còn lại là dựa trên các biện pháp “sắp xếp tạm thời” được đề cập trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Đây là cơ sở chính của luật quốc tế về vấn đề khai thác chung trong các cuộc tham vấn và đối thoại giữa hai nước Trung Quốc và Philippines trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do phán quyết của Toà ủng hộ chủ trương của Philippines, do đó dư luận Philippines nhận định rằng đây là cơ sở quan trọng để Philippines giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông cũng như các vấn đề về khai thác chung trong tương lai. Tổng thống Philippines R.Duterte từng nhấn mạnh rằng ông sẽ không từ bỏ phán quyết của Toà trọng tài Biển Đông, đồng thời cho rằng đây là một “chiến thắng mang tính lịch sử” của Philippines và đưa ra đề xuất về việc sử dụng phán quyết của Toà tại một thời điểm thích hợp.

Trở ngại từ dư luận nội bộ

Về mặt xã hội, đang có nhiều tiếng nói tiêu cực ở Philippines trong nội bộ chính quyền và người dân Philippines. Do khai thác chung có thể là hành động vi phạm luật pháp của Philippines. Theo quy định của luật pháp liên quan ở Philippines, việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này phải được đặt dưới sự kiểm soát và giám sát chung của nhà nước. Philippines phải nắm giữ ít nhất 60% cổ phần trong hợp tác khai thác chung các nguồn lực. Thêm nữa, Philippines vẫn chưa có đủ “lợi ích” trong việc khai thác chung. Thành tựu duy nhất của chính phủ Philippines hiện nay là Trung Quốc có thể cho phép ngư dân Philippines quay trở lại vùng biển ngoài bãi cạn Scarborough để đánh bắt cá, nhưng điều này không đủ để đánh đổi lấy việc Philippines đồng ý khai thác tài nguyên dầu khí với Trung Quốc trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines. Do vậy, chính phủ Philippines nên cho phép các công ty dầu khí trong nước thành lập các công ty con chuyên khai thác trước, sau đó mời phía Trung Quốc cùng tham gia dưới hình thức liên doanh. Song điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc gián tiếp thừa nhận các quyền chủ quyền của

Philippines điều mà phía Trung Quốc cho rằng điều này là không thể chấp nhận được. Hoặc là Tổng thống Duterte phải trực tiếp sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan khác để cho phép các nước khác cùng tham gia khai thác tài nguyên dầu khí trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines và hạ thấp các điều kiện.

Hôm 23/01/2019, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên tiếng chỉ trích việc chính phủ nước này và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông hồi tháng 11/2018. Thực tế cho thấy Philippines đang ngày càng phụ thuộc về kinh tế từ Trung Quốc. Mặc dù phía Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư và cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính ưu đãi lên đế hàng chục tỉ USD cho mục tiêu phát tiển nền kinh tế Philippines. Song đến nay nguồn vốn này vẫn chưa đổ về Philippines, cũng như chưa có bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được khởi công. Bên cạnh đó, các khoản vay của Trung Quốc thường không quan tâm khả năng trả nợ của đối tác, nhưng đổi lại cũng đòi hỏi lãi suất “cắt cổ” hoặc yêu cầu tài sản thế chấp hoặc có giá trị kinh tế lâu dài hay có vị trí an ninh, chiến lược đặc biệt quan trọng trong khu vực như mỏ khoáng sản hay cảng biển để giành thêm quyền kiểm soát trong trường hợp bên đi vay vỡ nợ. Những dự án hạ tầng có vốn đầu tư Trung Quốc đang gây ra hệ lụy nhãn tiền đối với Philippines vì thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp và lao động địa phương, điều kiện gói vay của Trung Quốc kèm theo việc phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công hoặc phải sử dụng lao động nhập cư người Trung Quốc, khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc do nhà nước nắm quyền quản lý các dự án đầu tư tại Philippines. Họ biến các địa phương của Philippines thành những khu người Hoa trên đất Philippines.

Thách thức từ những hoạt động thực địa của TQ

Trên biển, Trung Quốc đã lợi dụng nghiên cứu khoa học để đòi hỏi chủ quyền. Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines (2/2018) đã phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho năm cấu trúc trong rãnh Benham mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Trong khi rãnh Benham là khu vực nằm hoàn toàn trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines. Không những vây, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ trang để dọa nạt Philippines trên biển. Cảnh sát biển của Trung Quốc liên tục ngăn cản và tịch thu toàn bộ cá đánh bắt của ngư dân Philippines tại vùng biển Scarborough nằm trong EEZ của Philippines. Thất vọng với cách tiếp cận quá mềm mỏng của chính quyền Tổng thống R. Duterte, nhiều quan chức quốc phòng hàng đầu của Philippines đang có xu hướng phản đối hợp tác khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines thông qua việc công bố các thông tin liên quan tới việc Trung Quốc đang dần từng bước củng cố hạ tầng và sự hiện diện ở Biển Đông cho giới truyền thông hoặc cho những người chỉ trích ông Duterte tại Quốc hội. Bộ phận chính trị gia khác tại Toà án, Quốc hội và các đảng chính trị đối lập tại Philippines liên tục chỉ trích thái độ nhu nhược trước Trung Quốc của Tổng thống Duterte, cho rằng Chính quyền Philippines đã bỏ qua phán quyết của Tòa, chấp nhận đánh đổi chủ quyền cho Trung Quốc để lấy lợi ích kinh tế. Người người dân Philippines đã phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc vi phạm phán quyết, xâm phạm chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough. Chắc chắn, chính sách thực dụng của chính quyền Philippines hiện nay và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tiếp tục gây ra làn sóng phản kháng nhất định trong nội bộ chính quyền,người dân và công luận tại Philippines. Đây chính là những cản trở chính khiến kế hoạch hợp tác phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ không như hai bên mong đợi.

Kết luận:

Có thế nói, con đường phía trước của việc hợp tác khai thác chung dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông còn rất xa vời. Bản thân ông R.Duterte người xúc tiến việc hợp tác khai thác chung ở phía Philippines còn đang vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn trong nội bộ và việc phải đối mặt với sức ép người dân ngày càng lớn khi thời điểm cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống Philippines 2022 đến gần. Đối với Trung Quốc, trên bình diện quốc tế nước này đang phải chịu những dư luận chỉ trích gay gắt về chính sách ở Biển Đông, thậm chí dư luận đó còn mạnh mẽ hơn ở Philippines. Vì vậy, chuyến thăm Bắc Kinh tới sẽ là một phép thử đối với chính sách thực dụng trong quan hệ với Trung Quốc của Chính quyền Tổng thống Duterte.

http://biendong.net/bien-dong/29964-tuong-lai-nao-cho-thoa-thuan-hop-tac-dau-khi-o-bien-dong-giua-tq-va-philippines-sau-chuyen-tham-bac-kinh-cua-tong-thong-duterte.html

 

Trung Quốc hứng đòn “đau” chưa từng có

từ kỳ phùng địch thủ

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo cho Quốc hội về kế hoạch bán các chiến đấu cơ F-16 trị giá lên tới 8 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan. Động thái này chắc chắn sẽ làm thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng đang cháy âm ỉ suốt thời gian qua giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Trung-Mỹ.

Hai quan chức Mỹ và một trợ lý trong Quốc hội Mỹ cho biết, chính quyền của ông Trump đã thông báo với các nghị sĩ về đề xuất bán vũ khí cho Đài Loan vào giữa tuần. Tuy nhiên, các quan chức trên không được phép thảo luận về vấn đề này và chỉ có thể tiết lộ thông tin trong tình trạng giấu tên.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra lời bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, các thành viên Quốc hội Mỹ đến từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều hoan nghênh đề xuất của chính quyền Trump.

Chủ tịch và một thành viên cấp cao hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ – Eliot Engel và Michael McCaul cho biết trong một tuyên bố rằng, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan “sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Mỹ đối với an ninh và dân chủ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đồng thời nó sẽ “giúp răn đe Trung Quốc khi họ đang đe dọa đối tác chiến lược Đài Loan của chúng tôi cũng như hệ thống chính quyền dân chủ của họ.”

“Với việc Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự để đe dọa chúng tôi và các đồng minh, cũng như với việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hướng hàng ngàn tên lửa nhằm vào Đài Loan, triển khai các chiến đấu cơ dọc Eo biển Đài Loan, bây giờ là lúc quan trọng hơn bao giờ hết để Đài Loan có được sự hỗ trợ mà họ cần để bảo vệ chính họ”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz – một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho hay.

Một thông báo không chính thức về vấn đề bán chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan sẽ khởi động tiến trình tham vấn với Quốc hội và sau đó một thông báo chính thức về vấn đề này có thể sẽ được đưa ra sớm nhất vào tháng tới trừ khi các nghị sĩ không ủng hộ.

Vừa mới trong tuần này, các đại diện hàng đầu của Mỹ ở Đài Loan đã cho biết, Washington mong đợi hòn đảo này sẽ tiếp tục tăng chi tiêu cho quân sự khi mà các mối đe dọa về an ninh từ Trung Quốc đối với đồng minh của Mỹ đang gia tăng.

Thỏa thuận F-16 chắc chắn sẽ gây tranh cãi lớn bởi Trung Quốc kịch liệt phản đối mọi hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ.

Vấn đề Đài Loan luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn duy trì một mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Đài Loan.

Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến, và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.

Kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Bà Tsai công khai thực hiện nhiều bước đi nhằm đối phó với Trung Quốc như tăng chi tiêu quân sự, tăng cường mua sắm vũ khí và mở rộng hợp tác với các nước lớn, đặc biệt là đồng minh Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên không thể chấp nhận một Đài Loan ngày càng thách thức khi hòn đảo này luôn luôn được Trung Quốc coi là một vùng lãnh thổ của họ.

Tình hình càng nghiêm trọng khi Mỹ cũng tăng cường giúp đỡ cho Đài Loan, đặc biệt trong vấn đề vũ khí, quân sự. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều lần lên xuống thất thường và bị gián đoạn bởi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Mỗi lần Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì nước này đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc từng tạm ngưng các quan hệ quân sự với Mỹ và đe dọa dùng đòn trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/29936-trung-quoc-hung-don-dau-chua-tung-co-tu-ky-phung-dich-thu.html

 

Bắc Kinh lại dọa trừng phạt

các công ty Mỹ dính líu đến vụ bán vũ khí cho Đài Loan

Gia Hưng

Bắc Kinh hôm qua, 21/08/2019, lên tiếng phản đối Washington bán 66 chiến đấu cơ F-16V cho Đài Loan và cho rằng đây là một hành động « can thiệp nghiêm trọng tới vấn đề nội bộ » Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc lại đe dọa trừng phạt các doanh nghiệp Hoa Kỳ có liên quan tới thương vụ này.

Thông tín viên Stephane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết thêm:

“Bắc Kinh không cung cấp thông tin cụ thể về các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp Mỹ, nhưng đối với chính quyền Trung Quốc hành động này trước đó đã có cơ sở pháp lý. Trung Quốc của chủ tịch Tập Cận Bình và Hoa Kỳ của Donald Trump không có chung cách hiểu về Luật Quan hệ Đài Loan, được ký vào năm 1979, đặt Đài Loan dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ.

Đối với Nhà Trắng, Đài Loan hoàn toàn có quyền tự vệ. Thương vụ 66 chiến đấu cơ F-16V Block 70/72 Viper và 75 động cơ, radar và phụ kiện phù hợp với các thỏa thuận và quan hệ lịch sử giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ngược lại, đối với chế độ cộng sản, đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc và xâm hại tới chủ quyền và các lợi ích của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh.

Bắc Kinh trước đó đã từng đe dọa trừng phạt vào tháng 7, sau khi Hoa Kỳ bán cho quân đội Đài Loan 108 xe tăng M1A2T Abrams, 250 hỏa tiễn Stingers. Các cơ quan truyền thông Nhà nước đã từng nói tới việc các doanh nhân cực kỳ giàu có của Trung Quốc có thể tẩy chay, không mua các phi cơ cá nhân của một trong những công ty Mỹ có liên quan đến việc xuất khẩu vũ khí cho Đài Loan.”

Từ khi trở thành chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình liên tục bày tỏ mong muốn thống nhất Đài Loan và Hoa Lục sớm nhất có thể, thậm chí dùng vũ lực nếu cần thiết. Nguyên thủ Trung Quốc đe dọa: “ Sự chia rẽ chính trị giữa Đài Loan và Trung Quốc không thể kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Trong khi đó, ngày 20/08, tổng thống Đài Loan gửi lời cảm ơn Hoa Kỳ chấp thuận thương vụ này. Bà Thái Văn Anh nói :” Những đề nghị này tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ hòa bình và sự ổn định của Đài Loan”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190822-bac-kinh-lai-de-doa-trung-phat-cac-cong-ty-my-dinh-liu-den-vu-ban-vu-khi-cho-dai-loa

 

Lần thứ 5 sang thăm BắcKinh, Tổng thống Duterte

sẽ tập trung thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác dầu khí

đang gây tranh cãi ở Biển Đông với TQ?

Truyền thông Philippines và các nước đang rộ lên các thông tin liên quan việc Tổng thống Philippines R.Duterte sẽ thăm Bắc Kinh trong tháng 8 này và thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cân Bình về hàng loạt vấn đề, trong đó nhiều khả năng là về các thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí giữa hai nước ở Biển Đông.

Bối cảnh chuyến thăm

Chuyến công du sắp tới của ông Duterte diễn ra giữa lúc Trung Quốc liên tục có các hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của khu vực và quốc tế, nổi lên ba đặc điểm sau: i) Thứ nhất, vụ tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc ở khu vực Bãi Cỏ Rong, khiến dư luận Philippines dậy sóng. ii) Thứ hai, tình trạng Trung Quốc sử dụng chiến thuật bao vây đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát và ngăn cản ngư dân, tàu thuyền Philippines hoạt động xung quanh khu vực này liên tục diễn ra. iii) Thứ ba, Trung Quốc đã cử các tàu khảo sát địa chất được hộ tống bởi số lượng lớn tàu hải cảnh, tàu cá vào khu vực Đặc quyền kinh tế của Philippines. Điều này cho thấy những tuyên bố, cam kết của giới lãnh đạo Philippines và Trung Quốc hoàn toàn không có

giá trị, hay nói cách khác, Chính quyền Tổng thống Duterte đã thất bại trong việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.

Về khả năng hai bên bàn thảo về các thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí chung ở Biển Đông

Trong phát biểu ngày 8/8, Tổng thống Rodrigo Duterte nói ông thấy không cần phản đối đề xuất của Trung Quốc chia nguồn tài nguyên trên Biển Tây Philippines, cách Philippines gọi một phần phía đông của Biển Đông. “Họ đề xuất thỏa thuận 60-40 (với Philippines nhận phần nhiều hơn). Chúng ta sẽ bàn luận thêm về đề tài này khi có thời gian”, ông Duterte cho biết. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines vào năm 2018, hai nhà lãnh đạo đã ký bản ghi nhớ về thăm dò dầu và khí đốt trên vùng biển khu vực. Tròn một năm kể từ chuyến thăm này, hai bên vẫn chưa có bước đi cụ thể nào về các thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí giữa hai nước ở Biển Đông. Trong khi dư luận nội bộ Philippines vẫn đang tranh cãi và có phần phản đối, bài trừ việc chính phủ hợp tác với Trung Quốc trong khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Dư luận hiện nay trong nội bộ và người dân Philippines về các thỏa thuận hợp tác chung dầu khí với TQ

Giới chính trị Philippines phản đối mạnh mẽ. Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III chỉ trích việc chính phủ nước này và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông hồi tháng 11/2018 là thiếu công bằng và có thể vi Hiến. Lãnh đạo Tòa án Philippines cho rằng việc hợp tác khai thác chung với Trung Quốc không thể giúp Philippines bảo vệ chủ quyền, thậm chí còn đánh mất, chỉ trích Tổng thống Duterte thiếu trách nhiệm và đi ngược lại lợi ích của người dân.

Giới chuyên gia, học giả tại Philippines đa phần đều có chung quan điểm trên. Do khai thác chung có thể là hành động vi phạm luật pháp của Philippines. Theo quy định của luật pháp liên quan ở Philippines, việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này phải được đặt dưới sự kiểm soát và giám sát chung của nhà nước. Philippines phải nắm giữ ít nhất 60% cổ phần trong hợp tác khai thác chung các nguồn lực. Thêm nữa, Philippines vẫn chưa có đủ “lợi ích” trong việc khai thác chung. Một số học giả Philippines cho rằng thành tựu duy nhất của chính phủ Philippines hiện nay là Trung Quốc có thể cho phép ngư dân Philippines quay trở lại vùng biển ngoài bãi cạn Scarborough để đánh bắt cá, nhưng điều này không đủ để đánh đổi lấy việc Philippines đồng ý khai thác tài nguyên dầu khí với Trung Quốc trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines. Do vậy, có học giả đưa ra kiến nghị chính phủ Philippines cho phép các công ty dầu khí trong nước thành lập các công ty con chuyên khai thác lô SC72, sau đó, mời phía Trung Quốc cùng tham gia dưới hình thức liên doanh. Song điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc gián tiếp thừa nhận các quyền chủ quyền của Philippines (phía Trung Quốc cho rằng điều này là không thể chấp nhận được). Hoặc là Tổng thống Duterte phải trực tiếp sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan khác để cho phép các nước khác cùng tham gia khai thác tài nguyên dầu khí trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines và hạ thấp các điều kiện.

Nhìn lại quá khứ, việc thúc đẩy các thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông đều “không thuận buồm xuôi gió”. Từ tháng 6/2011, Bộ Năng lượng Philippines đã khởi động vòng thứ 4 của các dự án ký kết năng lượng, cho phép các công ty nước ngoài thăm dò lô thứ ba và thứ tư trong tổng số 15 lô thuộc phạm vi “đường chín đoạn”. Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, các hoạt động đấu thầu của Philippines không nhận được sự hưởng ứng của các công ty dầu khí lớn của phương Tây. Vì thế, vào năm 2012, Công ty dầu mỏ Philippines Ferrex đã bắt đầu liên hệ với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc để thảo luận về vấn đề khai thác chung tại lô SC72. Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila trước đó diễn ra tốt đẹp, nhưng vào phút cuối cùng trước khi đi vào ký kết thỏa thuận hợp tác, chính phủ Philippines bất ngờ yêu cầu thêm vào nội dung văn bản thoả thuận cái gọi là “thỏa thuận mở rộng”, đồng thời yêu cầu xác định vai trò của các bên phải dựa trên phương thức của chủ sở hữu và đối tác khai thác chung. Điều này tương đương với việc Manila yêu cầu Bắc Kinh công nhận chủ quyền của Philippines đối với lô SC72, dẫn đến các cuộc đàm phán về vấn đề này lâm vào bế tắc. Vào năm 2013, Philippines đã đệ trình Vụ kiện trọng tài Biển Đông, trong đó trang thứ 8 đề cập trực tiếp đến việc khai thác chung tài nguyên dầu khí. Đối với lô SC72 còn gây tranh cãi này, Philippines cho rằng theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Bãi Cỏ Rong là một phần của thềm lục địa Philippines. Việc Philippines tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí tại khu vực Bãi Cỏ Rong là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và không vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc.

Hiện nay mối quan hệ Trung Quốc – Philippines có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho hai nước cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, song quá trình này vẫn còn nhiều phức tạp, do hai bên có các cách hiểu khác nhau về nội hàm của khai thác chung. Các học giả Trung Quốc thường cho rằng khai thác chung là khái niệm dùng để chỉ hai hay nhiều quốc gia đạt được hiệp định hợp tác giữa chính phủ trong việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các khu vực chồng lấn, qua đó phối hợp thực thi quyền tài phán trong khu vực và tạo điều kiện để giải quyết tranh chấp. Về vấn đề này, một số học giả Philippines nhận định rằng hai nước vẫn còn tồn tại sự khác biệt trong cách hiểu. Ví dụ, học giả Jay Batongbacal chỉ ra rằng điểm tham chiếu của Trung Quốc về vấn đề khai thác chung nằm ở việc xác định các vùng biển tranh chấp và tận dụng khai thác nguồn tài nguyên biển, đề cập đến phạm vi bao gồm cả lô SC72 và lô SC57. Trong khi đó, Philippines có xu hướng sử dụng khái niệm để thể hiện hai nước đang thực hiện hợp tác thực tế trên biển, theo đó nhấn mạnh hơn vào việc cùng thăm dò tài nguyên, chứ không phải khai thác toàn diện, đề cập tới phạm vi cơ bản giới hạn trong lô SC57. Philippines và Trung Quốc cũng có sự khác biệt trong cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines. Mọi người thường cho rằng cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung chủ yếu đến từ hai khía cạnh, một là dựa trên “nguyên tắc hợp tác” và “nghĩa vụ đàm phán” được đề cập trong Hiến chương Liên hợp quốc. Nguyên tắc còn lại là dựa trên các biện pháp “sắp xếp tạm thời” được đề cập trong Công ước. Đây là cơ sở chính của luật quốc tế về vấn đề khai thác chung trong các cuộc tham vấn và đối thoại giữa hai nước Trung Quốc và Philippines trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do phán quyết của Toà ủng hộ chủ trương của Philippines nên dư luận cho rằng đây là cơ sở quan trọng để Manila giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông cũng như các vấn đề về khai thác chung trong tương lai.

Kết luận: Biển Đông là vùng biển quan trọng đối với khu vực và thế giơi. Nơi đây có khoảng 20 tỷ đến 30 tỷ tấn dầu và trữ lượng khí gas tự nhiên khoảng 200 tỷ m3. Đây là một trong những bồn trũng chứa dầu và khí đốt lớn nhất trên thế giới. Vì tài nguyên dầu khí là nguồn tài nguyên chiến lược, nên việc khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng biển tranh chấp của Biển Đông luôn là mối quan tâm đặc biệt của tất cả các nước liên quan. Biển Đông có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, song việc đẩy mạnh khai thác dầu khí của các nước gặp khó khăn, phức tạp do tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và trực tiếp là các hành động, tuyên bố đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Có thể nói khai thác chung là một tính toán chiến lược trong chủ trương và chính sách bánh trướng toàn Biển Đông của Trung Quốc. Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã thúc đẩy và tìm kiếm đạt được các thỏa thuận gần đây giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về dự thảo văn bản tham vấn duy nhất của “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC) và hướng lái quan hệ tốt đẹp trong quan hệ Trung Quốc – Philippines kể từ cuối năm 2016 với việc thành lập một cơ chế tham vấn song phương trên Biển Đông. Vì vậy, chắc chắn việc thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác cùng khai thác dầu khí của Philippines với Trung Quốc sẽ không thể giúp Manila bảo vệ chủ quyền của mình trước những ý đồ của Bắc Kinh. Điều cần thiết hiện nay của Chính quyền của Tổng thống Duterte đó là tham gia vào các nỗ lực đa phương chung của ASEAN và các nước nhằm duy trì, bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, lên án những hành vi quân sự hóa đơn phương ở Biển Đông.

http://biendong.net/bien-dong/29966-lan-thu-5-sang-tham-backinh-tong-thong-duterte-se-tap-trung-thuc-day-cac-thoa-thuan-hop-tac-dau-khi-dang-gay-tranh-cai-o-bien-dong-voi-tq.html

 

Hộ chiếu in “đường lưỡi bò”: TQ bị Philippines chơi đau

Năm 2012, Trung Quốc phát hành hộ chiếu điện tử mới với hình ảnh “đường 9 đoạn” mập mờ và không có cơ sở pháp lý nhằm tìm cách tuyên truyền và củng cố yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông. Năm 2019, Philippines làm tương tự, xong con dấu in hình bản đồ của Philippines được đóng trực tiếp lên hộ chiếu của người dân Trung Quốc.

Cách làm khiêu khích của Trung Quốc

Hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc, trong đó có in chìm tấm bản đồ mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình, đã bắt đầu được cấp phát hồi trung tuần tháng 5/2012. Trong bản đồ này, ngoài “đường lưỡi bò” (đường đứt khúc chín đoạn nêu lên yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông), còn có đảo Đài Loan và hai khu vực ở Ấn Độ đang do New Dehli kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình.

Các nhà quan sát cho rằng hành động khiêu khích này của Bắc Kinh chỉ khuấy động thêm những mối tranh chấp và làm gia tăng sự kháng cự từ các nước láng giềng. Giáo sư John Blaxland, một nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, cho rằng việc in bản đồ như vậy trong hộ chiếu là một thủ đoạn ranh ma. Điều này trên cơ bản sẽ buộc các nước có yêu sách chủ quyền thừa nhận yêu sách của Trung Quốc qua việc đóng dấu vào hộ chiếu mới. Đây là một việc làm khá tinh ranh. Nhưng nó sẽ làm cho nhiều người bực bội và làm gia tăng sự kháng cự của các nước láng giềng đối với cách thức mà Trung Quốc sử dụng để đạt được mục tiêu của mình ở Biển Đông. Giáo sư Blaxland cho rằng hộ chiếu lưỡi bò là một phần của mưu đồ lâu dài của Trung Quốc. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam của Đại học New South Wales cho rằng đây chỉ là một trò chính trị khác nữa của Trung Quốc hay một sự khẳng định dần dần về quyền quản hạt của họ.

Trong khi đó, Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada cho rằng việc ấn hành hộ chiếu điện tử mới – trong đó có in hình tấm bản đồ cố ý thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trên vùng lãnh hải đang tranh chấp – là thâm ý mà Bắc Kinh tìm cách buộc các quốc gia trên thế giới và trong khu vực thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên tất cả các vùng tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Hơn ai hết, Việt Nam và Philippines nhận thức sâu sắc được mối nguy ác ý tiềm ẩn này. Còn đối với các nước không có quyền lợi gì cụ thể trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, việc đóng dấu thị thực nhập cảnh vào thật chẳng phải là điều đáng bận tâm lắm, dù có thể họ biết rằng việc đóng dấu vào tấm hộ chiếu ấy là mặc nhiên chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các khu vực mà các nước khác trong khu vực còn đang tranh chấp. Và theo thời gian, sự việc có thể chính thức trở thành một sự mặc nhiên chấp nhận yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc từng nổi tiếng với những mưu chước kiểu “đánh bùn sang ao, đặt cái cày trước con trâu”. Sự kiện bản đồ trên hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc có thể là một hành động có tính toán nhằm thử thách phản ứng của các nước trong khu vực kể cả Ấn Độ, một nước lớn đang có những cạnh tranh đáng kể với sức vươn dậy của Trung Quốc trên bàn cân chính trị kinh tế thế giới. Thật không may, cho đến nay trước sự khiêu khích ngày càng tăng của Trung Quốc, tình trạng rời rạc mất đoàn kết, thiếu quyết đoán và không hành động của các quốc gia khiếu kiện đã và đang gây tai họa cho các tranh chấp tại Biển Đông và ngăn chặn các giải pháp hòa bình.

Để tìm cách biện minh cho hành động vô lối của minh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng: “Hình ảnh trên hộ chiếu không nên bị diễn giải quá lên. Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước liên quan và thúc đẩy trao đổi hòa bình giữa nhân dân Trung Quốc và thế giới. Vấn đề về bản đồ trên hộ chiếu mới của Trung Quốc không nên bị săm soi. Mục đích của họ chiếu điện tử mới chỉ là tăng cường về tiện ích về công nghệ và giúp các công dân Trung Quốc thuận tiện hơn khi xuất nhập cảnh một quốc gia”.

Philippines dùng “gậy ông đập lưng ông”

Trước đây, theo chính sách cũ, hải quan Philippines không đóng dấu lên các visa Trung Quốc in hình bản đồ với đường 9 đoạn trên các trang giấy. Nhưng Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr (5/8) đã đề xuất đóng dấu lên visa trong hộ chiếu của các công dân Trung Quốc muốn vào Philippines thay vì đóng dấu vào tờ rời. Tuy nhiên, con dấu đóng lên hộ chiếu Trung Quốc sẽ có hình bản đồ của Philippines với toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Theo Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo, Tổng thống Duterte đã đồng ý với đề xuất này.

Đây được cho là cách chính phủ Duterte giải quyết những lo ngại rằng đóng dấu vào hộ chiếu Trung Quốc có đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) có thể được coi là sự công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông – điều đã bị tòa án trọng tài tuyên vô hiệu năm 2016. Thậm chí, theo như cách nói của Ngoại trưởng Locsin, đây là một cách “Ăn miếng trả miếng”, ông Locsin khẳng định, nói thêm rằng chính sách mới cũng sẽ giúp kiểm soát du khách Trung Quốc tốt hơn khi thị thực được đóng thẳng lên hộ chiếu.

Ông Duterte chấp nhận thay đổi về chính sách đóng dấu visa đối với công dân Trung Quốc chỉ 1 tuần sau khi chính phủ Philippines gửi phản đối ngoại giao đến Bắc Kinh về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trên đảo Thị Tứ thuộc Biển Đông mà Philippines đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền vì cho rằng nó nằm trong khu vực “đường 9 đoạn”.

Việt Nam đã có biện pháp đối phó với hộ chiếu in “đường lưỡi bò”

Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, công dân Trung Quốc mang hộ chiếu “đường lưỡi bò” sẽ không được cấp thị thực điện tử, tuy nhiên Việt Nam vẫn giải quyết cho những công dân Trung Quốc mang hộ chiếu trên nhập cảnh nhưng không đóng dấu vào hộ chiếu mà cấp thị thực rời để giữ mối quan hệ 2 nước.

Cụ thể, theo Nghị định số 07/2017/NĐ-CP được Chính Phủ ban hành ngày 25/1/2017, Việt Nam sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài là công dân của 40 quốc gia như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Cuba, Philippines, Myanmar… Tuy nhiên việc thí điểm cấp thị thực điện

tử không áp dụng cho công dân Trung Quốc mang hộ chiếu điện tử trong đó có in bản đồ “đường lưỡi bò” vì việc này vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.

Người dân Trung Quốc phản đối hộ chiếu in “đường lưỡi bò”

Tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) có trụ sở ở Hồng Kông đã có bài viết nhận định, việc Trung Quốc in hình bản đồ có “đường lưỡi” bò phi lý vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này là hành động “ngu ngốc” và “đi quá xa”.

Trong khi đó, việc người dân Trung Quốc gặp phiền toái khi sử dụng hộ chiếu điện tử in chìm bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông đã trở thành tâm điểm tranh luận tại các diễn đàn trực tuyến ở nước này thời gian qua. Điều được các cư dân mạng lặp đi lặp lại là các nhà chức trách không hề cảnh báo người dân về những trở ngại khi dùng hộ chiếu mới để nhập cảnh vào một số nước láng giềng. Cư dân mạng có nick Hbomb ta thán: “Dù sửa thế nào cũng không thể sửa được diện mạo vốn có của tấm hộ chiếu này. Giờ đây, dùng nó chỉ chuốc lấy phiền phức và bực dọc”. Một cư dân mạng khác châm biếm: “ Hộ chiếu Trung Quốc vốn đã không dễ dùng. Giờ tốt rồi, người ta lại có thêm lý do để gây khó khi mình nhập cảnh”.

Thậm chí, có một số người bi quan đến mức độ đòi đổi quốc tịch như nick Mumbojumbo: “Xem ra sẽ có nhiều người dân Trung Quốc muốn từ bỏ quốc tịch của mình và năm nay sẽ cao kỷ lục. Nếu ngày mai, Philippines, Việt Nam hay Ấn Độ cũng đổi hộ chiếu mới thì sao nhỉ?”. Một phụ nữ ngao ngán:“Thật không may cho các công dân bình thường, cầm hộ chiếu Trung Quốc mà bị kỳ thị trên thế giới. Thế thì thà rằng đừng xuất ngoại nữa”.

Một số người tỏ ra khó chịu và hy vọng các nhà chức trách mau chóng đưa ra hướng giải quyết ổn thỏa. Một cư dân mạng viết: “Hộ chiếu liên quan lợi ích thiết thân của công dân Trung Quốc, việc in đường lưỡi bò vào hộ chiếu mới chẳng khác nào lấy công dân Trung Quốc để thăm dò, xem như một phép thử. Hành động này rất vô đạo đức”.

http://biendong.net/bien-dong/29965-ho-chieu-in-duong-luoi-bo-tq-bi-philippines-choi-dau.html