Khó có Thiên An Môn thứ hai

Cac Bai Khac

No sub-categories

Khó có Thiên An Môn thứ hai

Mặc Lâm 21/8/2019

Trong khi diễn biến các cuộc biểu tình rầm rộ tại Hong Kong tiếp tục xảy ra nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu có một Thiên An Môn thứ hai sẽ diễn ra hay không vì những cuộc biểu tình này đang đe dọa một cách nghiêm trọng chính sách đối nội của Trung Quốc, luôn muốn người dân phải vâng phục tất cả mọi chủ trương của Đảng và mọi biến động chính trị đều không được phép xảy ra.
Thắp nến cầu nguyện cho dân chủ tại Victoria Park, Hong Kong, 4 tháng Sáu, 2019.
Hôm 13 tháng 6, tờ Independent của Anh dẫn nguồn của hãng tin AFP cho biết, hàng trăm xe quân sự của Trung Quốc đã được phát hiện tại Thâm Quyến, theo báo cáo để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược có thể xảy ra của quân đội Trung Quốc vào Hong Kong. Nhóm xe quân sự Trung Quốc đã được hiển thị trong một video tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc.
Trước đó ngày 11 tháng 6 đài Á Châu Tự Do cho biết đã có bộ đội chống bạo động và xe bọc thép tập trung gần khu vực cầu Hong Kong-Chu Hải-Macau, đồng thời cũng có người trong nội bộ xác nhận, có bộ đội cảnh sát vũ trang tại ngũ mặc thường phục đến Hong Kong.
Ngày 16 tháng 8 một đoạn video dài một phút do tài khoản mạng xã hội WeChat của báo Global Times công bố cho thấy cảnh hàng trăm cảnh sát cơ động và có vũ trang tập hợp tại một địa điểm không xác định ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc. Tất cả mọi chỉ dấu này làm người ta dễ dàng đặt câu hỏi về một cuộc tàn sát sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không có cơ hội nào khác làm dịu tình hình cháy bỏng tại đây.
Tuy nhiên 30 năm sau biến cố Thiên An Môn là cả một chuỗi thời gian đăng đẳng đã giúp cho người dân Hong Kong hiểu rõ hơn bản chất của Bắc Kinh và chắc chắn khi đồng loạt xuống đường biểu tính họ đã chuẩn bị sẵn sàng kịch bản tồi tệ nhất kể cả Thiên An Môn thứ hai. Nhưng liệu Tập Cận Bình có đủ liều lĩnh để thực hiện điều mà 30 năm trước các tay “lão thành cách mạng” của Trung Quốc đã nhúng vào máu của hàng ngàn sinh viên Bắc Kinh?
Không ai hiểu rõ Thiên An Môn bằng người Hong Kong. Hầu như hằng năm vào đúng ngày 4 tháng 6 là một cuộc tập trung tưởng nhớ ngày đẫm máu này. Họ cùng nói tiếng Hoa, cùng văn hóa, cùng huyết thống nên sự cảm xúc nhiều lần hơn những dân tộc khác. Buổi tưởng niệm nào cũng gây ra ký ức ăn sâu vào người Hong Kong, mỗi năm mỗi khác nhưng năm nào họ cũng nhận ra một chân lý rằng người cộng sản không bao giờ từ bỏ sự tàn nhẫn để đi tới mục đích. Chân lý này ăn sâu vào tiềm thức người Hong Kong và nhắc nhở rằng họ sẽ mãi mãi trở thành con dân của đế chế cộng sản sau 50 năm từ ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.
Sau 30 năm tưởng nhớ, Thiên An Môn không đáng sợ đối với người Hong Kong, nó chỉ đáng lên án và đáng bị loài người nguyền rủa.
Một tâm lý như vậy thật không dễ dàng cho Tập Cận Bình mang Thiên An Môn ra áp dụng cho Hong Kong trong khi còn khá nhiều lực cản khác khiến sự nông nổi nếu có của tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh cũng không dễ vượt qua nhằm tiến tới đồng thuận cho giải pháp đường cùng này.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang làm kinh tế Trung Quốc chao đảo nếu tăng thêm đàn áp tại Hong Kong sẽ khiến cho đặc khu hành chánh này trở thành nạn nhân của bạo lực. Với tư cách là một trung tâm tài chính an toàn và đáng tin cậy đối với cả thế giới Hong Kong vẫn là cửa ngõ tài chính dẫn đầu tư của nước ngoài vào đại lục. Nếu sự cố đẫm máu xảy ra các nước phương Tây sẽ cấm cửa các công ty tài chánh của họ giao dịch tại Hong Kong và hình ảnh sụp đổ của Hong Kong không khó tiên đoán.
Yếu tố thứ hai đến từ Mỹ, mặc dù trước nay tổng thống Donald Trump chưa có động thái nào tích cực đối với các vụ biểu tình của người dân Hong Kong nhưng hôm 18 tháng 8 ông cảnh báo Trung Quốc rằng nếu một Thiên An Môn nữa xảy ra tại Hong Kong thì vấn đề đàm phán thương mại coi như không hiện hữu. Hơn nữa ông khó ngồi yên trước những yêu cầu bức thiết của lập pháp Mỹ nếu Tập Cận Bình theo vết xe cũ tắm máu người dân Hong Kong.
Năm 1992, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ-Hong Kong nhằm tiếp tục coi thành phố này là một thực thể riêng biệt với Trung Quốc đại lục. Đạo luật này cung cấp cho Hồng Kông các đặc quyền kinh tế và thương mại, như tiếp tục được tiếp cận các công nghệ nhạy cảm và tự do trao đổi đồng đô la Mỹ với đồng đô la Hong Kong.
Tuy nhiên đạo luật này cũng trao quyền cho tổng thống Hoa Kỳ ban hành một sắc lệnh hành pháp đình chỉ một số hoặc tất cả các đặc quyền của Hồng Kông nếu họ xác định rằng “Hong Kong không đủ tự chủ để xứng đáng với một sự đối xử đặc biệt theo một đạo luật cụ thể của Hoa Kỳ”.
Mang quân vào Hong Kong Bắc Kinh sẽ mất trắng Đài Loan nơi hơn một nửa dân số muốn độc lập và Trung Quốc vẫn luôn lôi kéo người dân xứ này tin vào sự rộng mở của chính quyền đại lục. Đài Loan sẽ là chốn dung thân cho người Hong Kong nếu xảy ra một vụ tắm máu và hình ảnh này thật khó coi đối với bộ mặt nước lớn như Trung Quốc.
Thiên An Môn bị thế giới bỏ rơi nhưng Hong Kong thì không. Với cách mà những người trẻ Hong Kong tổ chức biểu tình hiện nay thì bất cứ một manh động nào của Trung Quốc đối với họ đều được lan tỏa khắp thế giới. Nếu Thiên An Môn chỉ có một người đứng trước xe tăng của Trung Quốc thì Hong Kong sẽ có hàng ngàn người trẻ tuổi sẵn sàng làm công việc đó. Biến loạn càng lớn thì thế giới càng phải thay đổi thái độ vì máu chảy sẽ lay động con tim nhân loại, nhất là tại Anh Quốc nơi trách nhiệm trực tiếp vì đã ký kết văn bản “Một quốc gia hai chế độ”.
Sự thông minh và ngoan cường của người dân Hong Kong đủ sức làm cho họ tin rằng Bắc Kinh không bao giờ dám lập lại vết xe mà 30 năm trước đã vẽ vết máu vĩnh cữu trên quảng trường Thiên An Môn để đời đời con cháu người Trung Hoa nguyền rủa. Cơ hội thành công của người dân Hong Kong đã nhỏ mà niềm hy vọng dập tắt cơ hội này bằng một cuộc tắm máu lại càng nhỏ hơn.
Tuy nhiên lịch sử vốn được lập lại. Nếu người dân Hong Kong lần này có bị hy sinh thì chắc họ cũng toại nguyện vì trong tim họ luôn vững tin rằng nếu không tranh đấu thì họ sẽ vĩnh viễn trở thành người Trung Quốc đại lục, vĩnh viễn cúi đầu lau dọn vết máu mà nhân dân đổ xuống và cũng vĩnh viễn chia tay với hai chữ tự do mà họ từng sống cả trăm năm qua.
Và Tập Cận Bình sẽ vĩnh viễn là tội đồ của dân tộc Trung Hoa cho dù khoác dưới danh nghĩa nào bởi máu thịt người Hoa không cho phép họ Tập mang ra làm thí điểm cho tư duy mông muội của một hoàng đế cộng sản.
Mặc Lâm (Blog VOA)