Tin Biển Đông – 20/08/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tàu cá TQ ồ ạt đổ xuống Biển Đông

sau ba tháng rưỡi tạm nghỉ

Chiều thứ Sáu, khoảng hơn một ngàn tàu cá Trung Quốc từ khu vực miền nam nước này đã hướng tới khu vực Vịnh Bắc Bộ và các vùng biển có tranh chấp, ngay khi lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông vừa được Trung Quốc chấm dứt.

Tân Hoa Xã trong một chương trình livestream trên Facebook gọi ngày này là “Ngày hội Đánh cá” với hàng trăm tàu cá rời cảng ở Quảng Tây, đánh dấu kết thúc thời kỳ ba tháng rưỡi nghỉ ra khơi.

Dự kiến khoảng 3.000 tàu cá Trung Quốc sẽ ra khơi trong những ngày đầu tiên sau khi lệnh cấm đánh bắt cá được dỡ bỏ.

Việc tàu cá Trung Quốc ồ ạt đổ xuống Biển Đông khiến căng thẳng trong khu vực có thể tiếp tục dâng cao hơn nữa.

Ít hôm trước khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, hôm 13/8, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hộ tống đã quay trở lại khu vực Bãi Tư chính thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam sau một thời gian ngắn rút đi, khiến bầu không khí tưởng chừng đã dịu đi chút ít giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên căng thẳng trở lại.

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm được Trung Quốc bắt đầu đưa ra từ năm 1999.

Lệnh này, theo Trung Quốc, là nhằm để bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và môi trường sinh thái.

Tranh chấp về quyền đánh bắt cá

Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản đối và coi đây là lệnh cấm bất hợp pháp.

Năm nay, lệnh cấm của Trung Quốc được áp dụng từ ngày 1/5 đến 16/8/2019.

Việt Nam nói phạm vi Trung Quốc áp lệnh cấm đánh bắt cá bao gồm cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hôm 4/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố việc bảo vệ các nguồn tài nguyên, sinh vật biển “cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982”, “không được làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan”.

Phía Việt Nam cũng tuyên bố “phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương” của Trung Quốc.

Giới chức Việt Nam khuyến khích các địa phương “động viên, hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển” trong thời gian Trung Quốc áp lệnh cấm.

Năm nay, các chương trình như “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Một triệu lá cờ tổ quốc cùng ngư dân bám biển” đã được phát động tại nhiều tỉnh ven biển.

Tuy nhiên, giới chức cũng khuyến cáo các tàu cá tuy có giấy phép hoạt động trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ “không sang khai thác tại vùng biển phía đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ” trong thời gian này.

Quyền đánh bắt cá đã trở thành một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây đã rút lại thỏa thuận miệng mà ông nói đã hứa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi 2016, theo đó cho phép ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt ở vùng biển có tranh chấp quanh khu vực bãi Reed Bank, tờ South China Morning Post tường thuật.

Các nhà quan sát trong khu vực nói rằng sự cạnh tranh để giành quyền đánh bắt cá tăng sẽ dẫn đến nguy cơ nổ ra xung đột tăng theo.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49397119

 

Bãi Tư Chính: Trung Quốc muốn

‘quốc gia liên quan’ tôn trọng chủ quyền

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh hôm 19/8 nói rằng Trung Quốc muốn “quốc gia có liên quan” tôn trọng quyền chủ quyền của họ khi trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về thông tin tàu Hải Dương 8 quay trở lại hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Người phát ngôn Cảnh Sảng không nêu tên Việt Nam nhưng nói rằng Bắc Kinh hy vọng “quốc gia có liên quan sẽ tôn trọng một cách nghiêm túc các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.”

Các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc trong hơn 1 tháng qua đã “đối đầu” nhau tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

XEM THÊM:

Chuyên gia: Khả năng đụng độ vũ trang tại Bãi Tư Chính tăng cao

Hôm 16/8, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam và tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam sau 3 lần cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình vào đầu tháng 7.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 16/8 nói rằng các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về những thông tin trên, người phát ngôn của Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng, nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền với Quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.”

Bãi Tư Chính, nơi các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc được cho là đối đầu nhau trong hơn 1 tháng qua, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông nhưng nằm trong đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn mà Bắc Kinh tự đặt ra và đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ cách đây hơn 3 năm.

XEM THÊM:

Tuyên bố Biển Đông ‘không thể’ trao tận tay quốc hội

Ông Cảnh không nêu tên tàu Hải Dương 8 nhưng nói rằng “con tàu có liên quan của Trung Quốc đã luôn hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán” của nước này.

Tàu Hải Dương 8 được cho là đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 3/7 và hoạt động thăm dò địa chấn tại khu vực Bãi Tư Chính trong gần 5 tuần trước khi tạm rút ra khỏi đó ngày 8/8. Tuy nhiên, hôm 13/8, chính phủ Việt Nam cho biết “tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.”

Theo người phát ngôn của Trung Quốc nói với phóng viên ở Bắc Kinh hôm 19/8, “con tàu đã điều chỉnh đúng kế hoạch hoạt động của mình phù hợp với điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tế.”

Ông Cảnh nói Bắc Kinh hy vọng “quốc gia có liên quan” sẽ “hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hài hòa và yên ổn trong các vùng biển đó.”

Cập nhật của chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Hải chiến Mỹ Ryan Martinson hôm 20/8 cho thấy tàu Hải Dương 8 vẫn đang tiếp tục hoạt động ở khu vực Bãi Tư Chính trong khi Việt Nam.

Theo các nguồn tin không chính thức, Việt Nam cũng đã cử tàu hộ vệ có tên lửa dẫn đường hiện đại nhất là Quang Trung ra khu vực này.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/7 đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” các quốc gia láng giềng trong hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đầu tháng này đã chỉ trích hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc tại diễn đàn ASEAN tổ chức ở Bangkok.

https://www.voatiengviet.com/a/bai-tu-chinh-trung-quoc-yeu-cau-quoc-gia-lien-quan-tong-trong-chu-quyen/5049519.html

 

VN diễn tập hàng hải SEACAT

với Mỹ và các nước Ấn Độ-Thái Bình Dương

Hôm 19/8, Hải quân Hoa Kỳ và các lực lượng hàng hải từ 10 quốc gia đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu cuộc diễn tập hàng hải lần thứ 18 theo chương trình Hợp tác và Đào tạo Đông Nam Á (SEACAT) tại Singapore, theo Cổng thông tin của Tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ Thái Bình Dương (CPF).

Mục tiêu của cuộc thao dượt SEACAT là quy tụ các quốc gia đối tác trong khu vực tham gia khóa đào tạo “thế giới thực, thời gian thực” được thiết kế để tăng cường khả năng liên lạc và phối hợp chống buôn lậu và cướp biển. Ngoài ra, cuộc tập trận còn có các kịch bản huấn luyện thực tế cho các nhân sự thực hành định vị, theo dõi và tiếp cận các tàu tham gia cuộc theo dượt, cũng theo CPF.

Chuẩn đô đốc Joey Tynch, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 73 của Hải quân Hoa Kỳ, nói: “Năm nay, có nhiều quốc gia đối tác tham gia SEACAT hơn bao giờ hết, tất cả cùng đến để chia sẻ những thách thức và kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của họ.”

SEACAT giúp thúc đẩy các cam kết chung cho quan hệ đối tác hàng hải, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia tham gia bao gồm Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trong cuộc thao dượt, các lực lượng hàng hải trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ phối hợp hoạt động, thực hành một loạt các kịch bản thực tế được thiết kế để củng cố khả năng tương tác trong các lĩnh vực như tiếp cận, lên tàu, kiểm tra và thu giữ (VBSS), nhận thức về hàng hải và theo dõi các phương tiện lưu thông trên biển.

Trang CPF cho biết các bài tập VBSS tập trung vào các khả năng chống những mối đe dọa hàng hải.

Trang Naval Today cho biết một trung tâm điều phối hàng hải ở Singapore sẽ đóng vai trò điều phối khủng hoảng và chia sẻ thông tin theo dõi các tàu bè có liên quan trong suốt cuộc diễn tập.

Trang này cho biết cuộc thao dượt SEACAT năm nay có tổng cộng 14 tàu và hơn 400 nhân sự tham gia.

Báo Thanh Niên cho biết đây là lần thứ 3 Việt Nam tham gia sự cuộc thao dượt hàng hải này.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-dien-tap-hang-hai-seacat-voi-my-va-cac-nuoc-an-do-tbd/5049382.html