Quan hệ Mỹ–Trung: Tranh chấp thương mại chỉ là khúc dạo đầu
- Đại Nghĩa | ĐKN 11/08/19, 20:11
Tiến trình tranh chấp thương mại là diễn biến gây ồn ào nhất trong cuộc đối đầu toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ – Trung. Đối với chính quyền Donald Trump, bản chất của cuộc chiến thương mại này không chỉ đơn thuần là vấn đề thuế quan, mà còn là một quá trình gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi các chính sách căn bản.
Tuy nội dung thỏa thuận thương mại mới chưa được tiết lộ, nhưng trong đó có một số cáo buộc của phía Mỹ, đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải thay đổi, chúng được đề cập tới như sau:
– Chấm dứt chính sách ép công ty nước ngoài buộc phải chuyển giao công nghệ và liên doanh đối tác Trung Quốc.
– Xóa bỏ ưu đãi cho các công ty quốc doanh về vốn, lãi suất, đất đai, thông tin… tạo ra sự bất công bằng trong cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
– Thay đổi thực trạng Chính phủ chi phối Công đoàn, khiến tổ chức này không hoạt động vì lợi ích của công nhân mà chỉ là kênh tuyên truyền của chính quyền và chủ doanh nghiệp. Kết quả là mức lương thấp hơn so với cơ chế thị trường, tạo ra lợi thế chi phí sản xuất thấp cho hàng xuất khẩu.
– Chấm dứt hiện trạng không có cơ chế tư pháp độc lập, dung túng các hoạt động ăn cắp sở hữu trí tuệ tràn lan.
– Bãi bỏ cơ chế ngân hàng trung ương chịu sự chỉ đạo của chính phủ. Không cho phép chính phủ thao túng tiền tệ, duy trì lạm phát cao nhằm tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu, dù đánh đổi bằng thiệt hại cho người dân trong nước.
– Chấm dứt tình trạng chính phủ kiểm soát và ép buộc các doanh nghiệp tham gia hoạt động gián điệp thương mại, đánh cắp bí mật công nghệ – quân sự (Hoa Kỳ ước tính thiệt hại 600 tỉ USD mỗi năm) và nhiều hành vi bất minh khác.
– Dỡ bỏ luật an ninh mạng, cải thiện môi trường thông tin bất bình đẳng tại Trung Quốc.
Trong tình hình hiện nay, nếu xét đến bản chất của Chính phủ Trung Quốc và quan điểm quyết liệt của ông Trump, có thể nói, rất khó đạt được một thỏa thuận thương mại thực sự thỏa mãn yêu cầu của cả hai bên. Trung Quốc từ lâu đã coi các chính sách “bẩn” của họ là bình thường, vì chúng “đảm bảo sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc”. Có nghĩa là, nếu thay đổi căn bản các chính sách trên đây thì sẽ chạm đến vấn đề nhạy cảm nhất – quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo các tiền lệ giải quyết tranh chấp thương mại, chỉ cần Chính phủ Trung Quốc tỏ ra quyết liệt không nhượng bộ kết hợp đe dọa không hợp tác và dùng lợi ích kinh tế, chính trị để mua chuộc quan chức Chính phủ Mỹ, thì thông thường họ đều đạt được mục đích. Nhưng lần này dường như các giải pháp đó không hữu hiệu. Ví dụ, ngay từ giai đoạn đầu của cuộc thương chiến, ngày 3/6, BBC đưa tin “Trung Quốc đã cảnh báo rằng tất cả các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington sẽ bị vô hiệu nếu Hoa Kỳ thiết lập các biện pháp trừng phạt thương mại”. Nhưng diễn biến sau đó cho thấy ông Donald Trump vẫn giữ thế chủ động, trong khi Trung Quốc liên tục phải chạy theo.
Vài mốc quan trọng của cuộc thương chiến Mỹ – Trung
Ngày 23/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch tăng thuế đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá tương đương 50 tỉ USD).
Ngày 1/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp đặt thuế suất 15-25% lên 50 tỉ USD hàng hóa nhập từ Mỹ.
Ngày 13/9/2018, tổng thống Trump chỉ thị áp thuế 10% (sau đó nâng lên 25%) đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc trả lời ngay lập tức rằng Trung Quốc sẽ “phản công cứng rắn”.
Ngày 16/7/2019, tổng thống Trump tuyên bố sẽ tiếp tục đánh thuế lên 325 tỉ USD hàng nhập Trung Quốc.
Sau nhiều tuyên bố cứng rắn yêu cầu Mỹ hủy bỏ toàn bộ thuế quan để tiếp tục đàm phán, đối với thông điệp mới nhất từ ông Trump, Trung Quốc kêu gọi Mỹ hãy “quyết tâm và kiên trì”.
|
Có nhiều lý do dẫn đến quan điểm quyết liệt chưa từng có của Chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc. Những người chú ý phân tích các bài phát biểu của ông Trump về đường lối chính trị của Bắc Kinh, hoặc bài phát biểu tổng hợp về Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại viện Hudson, thì có thể thấy tranh chấp thương mại chỉ là phần nổi của núi băng trôi mà thôi. Do vậy, có thể dự đoán rằng kết quả cuối cùng của chuỗi sự việc này sẽ không đơn giản. Nó giống với một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới mà trong đó cả hai nền kinh tế vẫn cùng tồn tại, nhưng sẽ chỉ còn lại một thể chế chính trị áp đảo. Không đơn giản là thể chế dân chủ kiểu Mỹ sẽ chiến thắng nếu như họ không đủ trí tuệ và sự quyết đoán. Vì không phải ngẫu nhiên mà ngay tại Mỹ, một ứng viên tổng thống theo thiên hướng Xã hội Chủ nghĩa như Bernie Sanders suýt nữa giành được vai trò đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử gần đây nhất. Hiện nay, nhân vật này cũng đang có lượng cử tri ủng hộ đáng gờm cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2020.
Khác thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô, khi mà giao lưu kinh tế giữa các bên không đáng kể, tức là hai đối thủ vẫn có thể song song tồn tại với hai hệ tư tưởng riêng. Hiện nay, khi nền kinh tế Trung Quốc đã hòa nhập rất sâu rộng vào thế giới, sự ràng buộc của các định chế thương mại đã chặt chẽ đến mức rất khó phân tách. Cũng chính mức độ hòa nhập kinh tế như vậy đã làm cho mâu thuẫn về thể chế chính trị bị đẩy lên mức đỉnh điểm. Khả năng cao là một trong hai nước phải chấp nhận “lối chơi” của bên kia. Một là nền kinh tế Mỹ sẽ bị chi phối bởi hệ thống chính trị Trung Quốc. Hai là dưới áp lực của đòn bẩy kinh tế Mỹ, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ thể chế chính trị hiện nay. Trong đó, khả năng thứ hai cao hơn.
Trong mấy chục năm qua, nhất là từ sau khi Trung Quốc tham gia vào WTO, Chính phủ nước này đã dùng sự ràng buộc về kinh tế làm điều kiện trong quan hệ với các nước khác. Trong suốt thời gian ấy, không chỉ các nước nhỏ, mà các quốc gia phát triển như Mỹ cũng thường phải nhún nhường yêu sách của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thái độ của chính quyền Donald Trump lần này dường như càng ngày càng quyết liệt hơn, đa chiều hơn. Rõ ràng là họ đang tiến hành các bước xử lý tranh chấp theo một kế hoạch chặt chẽ, bao gồm cả việc sử dụng tất cả sức mạnh của Mỹ, như tài chính, công nghệ, quân sự, tài nguyên… Thậm chí, chính thái độ quyết liệt và hiệu quả của Mỹ đã khiến nhiều quốc gia và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trở nên mạnh mẽ và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Châu Âu, dù khá chậm chạp trong hành động, nhưng cũng đã liên tục nêu các điều kiện mới trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, như đòi xóa bỏ chính sách cưỡng ép chuyển giao công nghệ… Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Anh, Úc, Nhật, Đức, Canada… cũng sẵn sàng phối hợp với các tín hiệu từ Mỹ.
Ở phía bên kia, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng kiểm duyệt thông tin trong nước nhằm che giấu thực trạng rất xấu trong quan hệ quốc tế. Mặt khác, họ cũng đang huy động tất cả sức mạnh, kể cả các thủ đoạn đen tối nhất, để đối đầu với nước Mỹ trên mọi lĩnh vực xảy ra tranh chấp. Một trong số những hành động đó là việc quân sự hóa cấp tập các thực thể trên biển Đông hòng kiểm soát tuyến hàng hải hàng đầu thế giới. Bắc Kinh cũng không ngại dùng thủ đoạn bẩn thỉu là đầu tư mạnh vào hoạt động truyền thông ngay trong lòng nước Mỹ để định hướng dư luận và chi phối kết quả bầu cử, nhằm loại ông Trump khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Thậm chí, họ sẵn sàng chi tiền để đăng các bài viết trá hình có nội dung phê phán Chính phủ Mỹ trong thương chiến với Trung Quốc… Cũng không thể loại trừ khả năng chính Trung Quốc đang ngấm ngầm thúc đẩy Bắc Triều Tiên tiến hành các cuộc thử tên lửa mới đây, nhằm gây mất ổn định trong khu vực, chi phối nước Mỹ và đánh lạc hướng dư luận trong nước ra khỏi chuỗi sự kiện tranh chấp thương mại.
Điểm đáng ngại nhất trong các diễn biến tới đây là phía Trung Quốc sẽ không ngần ngại thi triển những thủ đoạn đen tối, bẩn thỉu kiểu “lưỡng bại câu thương” nhắm vào Mỹ và các đồng minh quân sự – kinh tế thân cận của họ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…