Hồng Kông: Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và giới trẻ đi về đâu?
Qui’ Bạn Trẻ thân mến,
Tại Hồng Kông chỉ vài triệu thanh niên sinh viên học sinh trẻ đã dám dũng cảm đứng lên thách thức 90 triệu đảng viên CSTQ.
Triệu triệu Giới Trẻ Việt Nam sẽ phải sớm trả lời trước Lịch sử và Dân tộc là
Tại Việt Nam: Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và giới trẻ đi về đâu?
BBT
Hồng Kông: Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và giới trẻ đi về đâu?
Người biểu tình tại sân bay Hồng Kông ngày 13/08/2019.
Thái độ của Trung Quốc ngày càng hung tợn, đe dọa một Thiên An Môn thứ hai. Washington và Paris kêu gọi Bắc Kinh đối thoại với đối lập Hồng Kông, Tây phương lo âu nhưng giới trẻ không nao núng. Tại Nga, Putin đối đầu với thành phần đối lập trẻ và kiên quyết. Nước Đức và nguy cơ bạo lực cực hữu. Đó là một số chủ đề quốc tế trên báo Pháp 16/08/2019.
Đảng Cộng sản Trung Quốc bị thách thức
Sau hai tháng xuống đường, phong trào phản kháng tại Hồng Kông không giảm cường độ. Đứng trước thái độ đe dọa ngày càng thô bạo của Trung Quốc, đưa quân đến sát biên giới « chỉ cách có 10 phút » cộng đồng quốc tế bắt đầu phản ứng nhưng không có gì bảo đảm là Bắc Kinh sẽ lắng nghe. Thái độ hung hăng của Bắc Kinh mang ý nghĩa gì ?
Hành động thô bạo của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông trong thời gian gần đây cho thấy tính chất độc đoán của chính quyền cộng sản, La Croix nhận định trong bài xã luận « Hồng Kông và hơn thế nữa ». Washington, Luân Đôn, Paris hay Berlin yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trong nhà nước pháp quyền, nhân quyền và chế độ tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây sức ép chính trị, gia tăng tuyên truyền một chiều thô bạo và đưa quân đến Thâm Quyến, sát biên giới của đặc khu tự trị này.
Theo La Croix, hy vọng là hai bên sẽ đối thoại nhưng giải pháp này rất khó xảy ra. Bởi vì đảng Cộng sản Trung Quốc và tổng bí thư Tập Cận Bình xem cuộc nổi dậy tại Hồng Kông là một hành động thách thức uy quyền và mô hình chế độ chính trị tại Hoa lục.
Đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, chỉ có một chế độ độc tài, bá quyền mới có thể lãnh đạo một khối 1,3 tỉ dân. Do vậy, nhìn từ châu Âu, người ta không khỏi lo ngại trước chính sách kềm kẹp dân chúng, chính sách thương mại gian trá, chiến dịch lấn chiếm biển đảo của các láng giềng. La Croix kêu gọi quốc tế phải hành động khẩn cấp.
Le Figaro trong bài báo « Trung Quốc ngày càng đe dọa » đặt câu hỏi, liệu hành động này là dấu hiệu sắp can thiệp quân sự hay chỉ là lời đe dọa ?
Dù việc điều quân tới Thâm Quyến được tuyên bố chính thức là để chuẩn bị diễu binh nhân dịp 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Bắc Kinh, cách Hồng Kông đến 2.000 km, thì trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh gián tiếp đe dọa can thiệp trực tiếp để tái lập trật tự của đặc khu tự trị qua tuyên bố cuộc biểu tình hiện nay là hành động « khủng bố » và có « bàn tay nước ngoài ».
Nhiều chuyên gia lại cho rằng, hành động của Trung Quốc thực chất chỉ là lời đe dọa. Bởi vì, điều kiện để can thiệp vào Hồng Kông thì trước hết, thành phố này phải chìm trong hỗn loạn, khi đó Bắc Kinh mới có thể nói chủ quyền và lợi ích đang bị đe dọa. Thứ hai là chính quyền và cảnh sát Hồng Kông không kiểm soát được tình hình, khi đó Bắc Kinh mới có khả năng can thiệp. Và « các điều kiện này chưa hội đủ » theo lời ông Alexander Neil thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế của Singapore. Bắc Kinh cũng không thể dùng quân sự như ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi không có nhân chứng hay ở Thiên An Môn, chỉ là một quảng trường. Hồng Kông, trái lại là một quần đảo đô thị.
Theo chuyên gia Valérie Niquet, viện Nghiên Cứu Chiến Lược, (FRS), trên La Croix, hai tháng sau khi nổ ra cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ, hai kịch bản bắt đầu hiện ra : Một là phong trào tranh đấu rơi vào bẫy bạo lực và yếu dần, tuyên truyền của Bắc Kinh thành công. Hai là biểu tình tiếp diễn và lan rộng, lúc đó Trung Quốc can thiệp quân sự. Nhưng muốn chiến thuật Thiên An Môn thành công ở Hồng Kông, thì quy mô phải đàn áp toàn diện và bắt nhiều ngàn người. Vấn đề là hình ảnh Trung Quốc đã rất tồi tệ từ nhiều năm nay, Bắc Kinh sẽ bị lên án nặng nề hơn. Tập Cận Bình đã nhận được nhiều lời khuyến cáo của Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, chuyên gia Valérie Niquet thận trọng : Tập Cận Bình vẫn có thể trực tiếp ra lệnh can thiệp quân sự bất chấp nguy cơ giết chết con gà đẻ trứng vàng.
Tuổi trẻ Hồng Kông dấn thân
Theo Le Monde, lần đầu tiên bộ Ngoại Giao Mỹ có thái độ thẳng thắn khi ra thông cáo « ủng hộ quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa » tại Hồng Kông. Le Figaro dành hai trang để tóm lược tình hình : Donald Trump tìm cách « dỗ ngọt » Tập Cận Bình. Thành phố sợ sóng thần suy thoái kinh tế nhưng giới trẻ Hồng Kông không sợ đoàn xe bọc thép của Hoa lục.
Bình luận về hình ảnh đoàn xe bọc thép của Trung Quốc đóng tại Thâm Quyến loan trên các mạng xã hội, một thanh niên Hồng Kông cho biết anh « không một chút lo âu, sẽ tiếp tục xuống đường và không tin Trung Quốc có can đảm tấn công ». Giới tài phiệt, trái lại, bỏ tiền quảng bá trên hai trang báo South China Morning Post, kêu gọi giới trẻ « ngưng xuống đường ». Một thanh niên họ Mã bác bỏ : « Những ông tỉ phú này cần Trung Quốc để làm giầu thêm nữa, nhưng chúng tôi không sống cùng một thế giới với họ, vì tương lai, giới trẻ chúng tôi không muốn dính dáng đến Hoa lục ». Nếu lính Trung Quốc tràn qua thì sao ?: « Chúng tôi rút về nhà và chờ cơ hội. Khủng hoảng vẫn nằm đó ».
Nhưng đâu phải chỉ có dự luật dẫn độ, bầu cử tự do và quan hệ độc lập với Hoa lục cũng nằm trong danh sách 5 yêu sách tranh đấu. Trên mạng xã hội, họ kêu gọi nhau xuống đường vào thứ Bảy tới, lần thứ 11.
RFIViet