1,7 triệu người Hồng Kông lại xuống đường bất chấp mưa gió
Mặc cho cơn mưa tầm tã, trên 1 triệu người Hồng Kông hôm nay 18/08/2019 lại xuống đường. Những người tổ chức mong muốn cuộc biểu tình ôn hòa này sẽ chứng minh rằng phong trào đòi dân chủ đã kéo dài 11 tuần lễ luôn được ủng hộ, cho dù bị đàn áp và Trung Quốc đe dọa can thiệp quân sự.
Để đập tan cáo buộc « khủng bố » của Bắc Kinh, Mặt trận Dân sự Nhân quyền (FCDH), vốn đã tập hợp được hàng triệu người trong hai cuộc biểu tình đại quy mô hồi tháng Sáu và tháng Bảy, kêu gọi xuống đường « không bạo lực ». Cô Lương Dĩnh Mẫn (Bonnie Leung), một phát ngôn viên của FCDH tuyên bố : « Nếu chiến thuật của Bắc Kinh là để cho phong trào lụi tàn dần, thì họ đã lầm. Chúng tôi đấu tranh không ngơi nghỉ ».
Theo các nhà tổ chức, có ít nhất 1,7 triệu người xuống đường hôm nay, còn cảnh sát không cung cấp con số. Đây là một thành công mới của phong trào.
Đám đông biểu tình mặc áo đen, mang dù vừa để che mưa vừa nhắc lại cuộc Cách mạng Dù vàng trước đây, tập trung tại công viên Victoria với các khẩu hiệu « Tự do cho Hồng Kông », « Dân chủ ngay bây giờ ! ». Reuters ghi nhận có đủ mọi lứa tuổi, và những gia đình mang theo em bé. Khu công viên nhanh chóng bị bão hòa, người biểu tình tiến về phía trung tâm tài chính của thành phố, phong tỏa nhiều con đường.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Aabla Jounaïdi nhận định :
«Bạo lực trong những lần biểu tình gần đây, nhất là ở sân bay quốc tế tuần này luôn gây băn khoăn. Trước hết, những vụ này đã làm nhòa đi phần nào hình ảnh của những người phản kháng. Và khi mang lại một cái cớ cho chính quyền đặc khu và kể cả Bắc Kinh, các vụ bạo động đã giúp cho lực lượng an ninh có thể mạnh tay hơn.
Bắc Kinh cố ý cho phổ biến những hình ảnh quân đội tập trung tại biên giới. Về phần bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu, dường như đã để mặc cho cảnh sát hành động. Người ta lo ngại cuộc xuống đường không được phép hôm nay diễn biến xấu đi, vì người biểu tình kiên quyết tổ chức cuộc tuần hành này.
Tối qua tại khu Vượng Giác (Mongkok), người ta chứng kiến những hình ảnh cho thấy sự mất lòng tin giữa những người trẻ Hồng Kông và cảnh sát. Các vụ đụng độ đã xảy ra ngay sau khi cảnh sát giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa. Dù vậy các nhà tổ chức cũng trông cậy vào tâm trạng bất bình của người dân đối với chính quyền, và sự can thiệp của Bắc Kinh, để tập hợp được một triệu người ».
Phong trào phản kháng tại Hồng Kông kéo dài đến tuần thứ 11 là một thất bại nặng nề của chế độ Trung Quốc. Jean-Philippe Béja, giám đốc trung tâm nghiên cứu CNRS, chuyên gia về Trung Quốc giải thích :
« Từ 1997, Hồng Kông trở về vòng tay nước mẹ Trung Hoa. Ý tưởng lúc đó là sau 50 năm chung sống trong khuôn khổ « một quốc gia hai chế độ » Hồng Kông và Trung Hoa lục địa sẽ không còn khác biệt nhau nữa, người dân Hồng Kông sẽ yêu thương Trung Quốc, sẽ yêu đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Thế mà, qua cuộc phản kháng, chúng ta thấy cả xã hội Hồng Kông đứng dậy chống dự án này. Những người đứng ở tuyến đầu chính là những người trẻ sinh sau thời thuộc địa. Đây là lần đầu tiên người dân Hồng Kông giương lá cờ Anh Quốc trong một cuộc biểu tình, điều chưa bao giờ xảy ra trong suốt 140 năm bị Anh Quốc cai trị.
Đây là sự thất bại nặng nề của Bắc Kinh. Trung Quốc có thể tung hết lực lượng giải phóng quân chiếm đóng Hồng Kông nhưng không làm thay đổi thực trạng. Giải pháp duy nhất là thay thế hết dân cư Hồng Kông. Nhưng dù có làm như thế cũng vô ích, bởi vì trong hàng ngũ những người tiên phong xuống đường chống Trung Quốc có những người đến từ Hoa lục, sinh trưởng tại Hoa lục. »
Biểu tình Hồng Kông lan đến Anh, Pháp, Canada
Phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông đã có ảnh hưởng lan rộng sang các nước. Tại Luân Đôn, 1.000 người đã xuống đường hôm qua ủng hộ dân chủ Hồng Kông. Ở Paris, hai phe chống và ủng hộ Bắc Kinh khoảng 100 người đã đối đầu nhau ; còn tại Canada, nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo, hàng ngàn người xuống đường tại Vancouver, Toronto, Calgary gồm cả hai phe ủng hộ và phản đối phong trào phản kháng ở Hồng Kông.
Về phía Bắc Kinh, một phát ngôn viên Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội Trung Quốc lên án việc một số dân biểu Mỹ ra tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông, tuy không nêu đích danh, cho rằng đây là việc « can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ».
AP cho biết, Quốc Hội Mỹ có thể gây ảnh hưởng với việc thông qua luật về nhân quyền và dân chủ Hồng Kông, đòi hỏi ngoại trưởng hàng năm phải chứng minh rằng đặc khu này vẫn được tự trị, để tiếp tục được hưởng các ưu đãi. Thậm chí tổng thống Donald Trump có thể ra quyết định ngưng tư cách đặc biệt trong thương mại, sẽ tác động mạnh đến kinh tế Hồng Kông.
Theo RFI