Tin khắp nơi – 14/08/2019
TT Trump hoãn đánh thuế
một số hàng hóa TQ bán mùa Giáng sinh
Hôm 13/8, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định lùi thời hạn áp dụng thuế 10% đối với một số mặt hàng trong số 300 tỷ đôla hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó có điện thoại di động, máy tính xách tay và các mặt hàng tiêu dùng khác, với hy vọng giảm ảnh hưởng của thuế đối với kỳ mua sắm dịp lễ Giáng sinh, theo Reuters.
Theo đó mức thuế tăng thêm 10% này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12/2019 đối với hàng ngàn sản phẩm bao gồm quần áo và giày dép. Trước đó, chính quyền Mỹ dự định áp dụng thuế suất tăng thêm này từ ngày 1/9/2019.
“Chúng tôi đưa ra quyết định này vì mùa Giáng sinh, phòng trường hợp một số mức thuế sẽ có tác động lên người tiêu thụ Mỹ,” ông Trump nói với các phóng viên ở bang New Jersey hôm 13/8.
Đại diện Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm 13/8 rằng việc hoãn đánh thuế các sản phẩm này dựa trên tiêu chí về sức khỏe, an toàn, an ninh quốc gia và các tiêu chí khác.
Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, sự trì hoãn thuế quan này sẽ áp dụng với các loại hàng hóa, bao gồm đồ điện tử như điện thoại di động, laptop, máy chơi game, giày dép, quần áo.
Trong diễn biến liên quan, hôm 13/8, Bộ Thương mại Trung Quốc loan tin rằng các nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc đã điện đàm với các đối tác Hoa Kỳ, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, theo AP.
Bộ thương mại Trung Quốc nói rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạ đã đồng ý sẽ tiếp tục điện đàm trong hai tuần tới với ông Lighthizer và ông Mnuchin.
Trump hy vọng
tình hình tại Hong Kong kết cục ‘vì tự do’
Tổng thống Donald Trump ngày 13/8 tuyên bố tình hình Hong Kong rất cam go, nhưng ông hy vọng sẽ được giải quyết tốt đẹp cho tất cả các bên, kể cả Trung Quốc, và “cho sự tự do” mà không ai bị thương hay bị thiệt mạng.
Ông Trump trích tin tình báo Mỹ nói rằng chính phủ Trung Quốc đang đưa quân đến biên giới Hong Kong, và ông kêu gọi bình tĩnh vào lúc những vụ đụng độ giữa người biểu tình và nhà cầm quyền tại cựu thuộc địa Anh này vẫn tiếp tục.
Hiện chưa rõ ông Trump đề cập đến việc điều động binh sĩ mới nhất hay là việc huy động sát biên giới đã được truyền thông loan tin.
“Tình báo của chúng tôi cho biết chính phủ Trung Quốc đã đưa binh sĩ đến biên giới Hong Kong. Mọi người hãy bình tĩnh và an toàn!” ông viết trên Twitter.
Tình hình tại Hong Kong rất khó-rất khó,” ông Trump nói với các phóng viên. “Chúng ta chờ xem chuyện gì xảy ra.”
“Đó là tình thế thật cam go, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt đẹp cho tất cả mọi người, kể cả Trung Quốc,” ông Trump nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì “đã có cuộc trao đổi quan điểm tích cực về quan hệ Mỹ-Trung” ngày 13/8 nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần này loan tin Trung Quốc đã tập họp Cảnh sát Vũ trang Nhân dân và diễn tập tại thành phố Thâm Quyến, gây nên những lo ngại là Trung Quốc có thể can thiệp trực tiếp để dẹp tan những cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Đơn vị Quân đội Giải phóng Nhân dân tại Hong Kong cũng vừa công bố một video cho thấy quân đội diễn tập chống bạo loạn giữa lúc chỉ huy cao cấp của thành phố cảnh cáo tuyệt đối không cho phép xảy ra bạo động.
Mỹ tìm cách lập cơ sở quân sự mới tại Australia
nhằm đối phó với TQ
Theo tiết lộ của qua chức đứng đầu ngoại giao Australia, quân đội Mỹ đang có kế hoạch chi trên 211,5 triệu USD nhằm xây dựng một cơ sở hạ tầng hải quân mới tại Vùng lãnh thổ phía Bắc, một động thái được xem là nhằm đối phó với Trung Quốc.
Hãng tin uy tín ABC News của Australia hôm 30/7 dẫn lời Ngoại trưởng Australia Marise Payne tiết lộ rằng quân đội Mỹ đang có kế hoạch chi trên 211,5 triệu USD nhằm xây dựng một cơ sở hạ tầng hải quân mới tại Vùng lãnh thổ phía Bắc. “Việc phát triển các cơ sở quân sự sẽ hỗ trợ Các sáng kiến bố trí lực lượng Mỹ-Australia”, Ngoại trưởng Payne cho biết khi đề cập tới các thỏa thuận mà hai nước đạt được vào năm 2011 nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng.Các sáng kiến trên bao gồm việc đưa 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ huấn luyện tại Australia mỗi năm, và các cuộc tập trận thường xuyên giữa không quân của hai nước đồng minh.
Các Thủy quân lục chiến Mỹ được triển theo chương trình huấn luyện luân phiên thường niên hiện đồn trú tại một căn cứ của Australia tại Darwin. Bà Payne không tiết lộ cơ sở hạ tầng mà Mỹ muốn xây dựng là gì, nhưng truyền thông Australia hồi đầu tháng 7 cho biết Washington có kế hoạch xây dựng một căn cứ cảng mới gần thành phố Darwin, thủ phủ Vùng lãnh thổ phía bắc của Australia. “Cảng là một mắt xích bị khuyết trong sự hợp tác quân sự của Mỹ ở Australia”, Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc gai tại Đại học La Trobe, nhận định.
Đại sứ quán Mỹ tại Canberra, Australia hiện chưa bình luận về thông tin trên, trong khi Bộ Quốc phòng Australia cho biết bộ này chỉ có thể có các kế hoạch cụ thể nếu kế hoạch trên được quốc hội Mỹ phê chuẩn. Nếu Mỹ xây một cơ sở hạ tầng tại Dawin thì nó sẽ nằm gần cảng Darwin, nơi tập đoàn Landbridge của Trung Quốc đã giành được hợp đồng thuê 99 năm hồi năm 2015, điều khiến Mỹ rất tức giận.
Thông tin trên được tiết lộ giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang kể từ cuộc bầu cử tổng thóng Mỹ 2016. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cũng gia tăng cường các cuộc tập trận quân sự của Mỹ tại khu châu Á – Thái Bình Dương.
Hai lính canh bị cho nghỉ, một quản ngục chuyển công tác
sau cái chết của Jeffrey Epstein
Theo tin từ CBS News, hôm thứ Ba (13 tháng 8), Bộ Tư pháp cho biết hai lính canh theo dõi ông Jeffrey Epstein vào đêm ông tự sát đã bị cho nghỉ hành chính, trong khi quản ngục Lamine N’Diaye được chuyển công tác.
Thông báo này được đưa ra khi cả FBI và thanh tra của Bộ Tư pháp đang điều tra cái chết của ông Epstein. Một quản ngục làm việc tại một cơ sở khác ở ngoại ô New York đã đảm nhiệm chức vụ quyền quản ngục Trung tâm Cải Huấn Metropolitan, nơi Epstein tử vong. Bộ Tư pháp cũng sẽ bổ sung nhân sự cho cơ sở này.
Theo ông Eric Young, chủ tịch hội đồng đại diện cho các quản ngục, quyết định chuyển công tác nhằm “đảm bảo sự toàn vẹn của các cuộc điều tra cho đến khi có bất kỳ hành động chính thức nào.”
Tuy nhiên, ông Jose Rojas, một lãnh đạo nghiệp đoàn tại một nhà tù liên bang ở Florida, nói rằng ông N’Diaye nên được nghỉ phép không lương, thay vì chuyển công tác. Ông Rojas cho rằng Cơ quan Nhà tù đang “bảo vệ ông N’Diaye và đổ lỗi cho hai người lính canh.”
Theo CBS News, Quốc hội cũng đã mở cuộc điều tra vụ tự sát của ông Epstein, khi xuất hiện các thông tin gây nghi vấn đối với nhà tù liên bang nơi ông bị giam giữ. Theo đó, một trong người canh giữ ông Epstein vào đêm ông thiệt mạng không phải là nhân viên thường trực của trung tâm cải huấn.
Hôm thứ Hai (12 tháng 8), Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã chỉ trích trung tâm cải huấn và cam kết sẽ điều tra rõ ràng. Ông Barr cũng đưa ra cảnh báo đến những cá nhân đang trốn tránh luật pháp. Sau khi ông Epstein tử vong, mọi sự chú ý giờ đây đổ dồn vào các đồng phạm có liên quan đến mạng lưới buôn bán tình dục.
CBS News cho biết anh của ông Epstein đã đến nhận diện ông. Văn phòng giám định y tế thành phố New York đã khám nghiệm tử thi, nhưng kết quả vẫn đang chờ công bố. (Mộc Miên)
21 tiểu bang khởi kiện chính phủ Trump
về kế hoạch năng lượng mới
Vào hôm thứ Ba (13 tháng 8), liên minh 21 tiểu bang Dân Chủ đã khởi kiện chính quyền Tổng thống Trump, vì đưa ra quy định nới lỏng hạn chế đối với các nhà máy điện đốt than.
Thống đốc California cho rằng tổng thống Trump đang cố gắng giải cứu một ngành kỹ nghệ lỗi thời. Vào tháng 6, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã loại bỏ kế hoạch điện sạch, và thay thế bằng một quy định mới cho phép các tiểu bang có thể nâng cấp cho các nhà máy nhiệt điện than.
Theo KTLA, ngoài 21 tiểu bang khởi kiện còn có chính quyền của sáu địa phương khác như Boulder, Colorado; Chicago, Los Angeles, thành phố New York, Philadelphia và South Miami, Florida.
Vụ kiện được đệ trình lên Tòa Kháng án quận Columbia, do quy định mới này vi phạm Đạo luật Không khí Sạch liên bang vì đã không thay thế các nhà máy điện thải ra khí nhà kính.
Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang West Virginia, ông Patrick Morrisey, tiên đoán vụ kiện sẽ thất bại tại Tối cao Pháp viện. Vì vào năm 2016, chính quyền Tổng thống Obama cũng đã thất bại với liên minh 27 tiểu bang. Ông Morrisey lập luận rằng các luật sư của đảng Dân Chủ nói chung hiểu sai về Đạo luật Không khí Sạch.
Trong khi đó, cơ quan EPA và Tòa Bạch Ốc đều kỳ vọng quy định mới sẽ được duy trì.
Theo phân tích của EPA, với các quy định mới, hằng năm Hoa Kỳ sẽ có thêm 300 đến 1.500 người tử vong trước năm 2030, do ô nhiễm không khí gia tăng từ mạng lưới điện. Tuy nhiên, hồi tháng 6 quản trị viên EPA Andrew Wheeler cho biết người Hoa Kỳ muốn sử dụng nguồn năng lượng đáng tin cậy mà họ có thể chi trả. Do đó, ông kỳ vọng sẽ có thêm nhiều kế hoạch xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than đá. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/21-tieu-bang-khoi-kien-chinh-phu-trump-ve-ke-hoach-nang-luong-moi/
FBI bắt giữ một thanh niên
đưa ra lời đe dọa trên mạng ở Ohio
Tin từ Ohio – Theo tin từ NBC News, chính quyền cho biết FBI đã bắt giữ Justin Olsen, một thanh niên 18 tuổi sinh sống ở tiểu bang Ohio, vì đã đe dọa chính phủ liên bang và Tổ chức Kế hoạch hóa gia đình trên mạng.
Ngoài ra, FBI cũng đã phát hiện nhiều loại vũ khí tại nhà riêng của người này. Theo đơn khiếu nại hình sự của FBI, khi cảnh sát đột kích căn nhà ở Boardman, Ohio, nơi Justin Olsen đang sinh sống. Họ đã thu hồi được 15 khẩu súng trường, 10 khẩu súng ngắn bán tự động và khoảng 10,000 viên đạn. Hôm thứ Hai (12 tháng 8), Olsen, đã bị buộc tội đe dọa tấn công một nhân viên hành pháp liên bang. Phụ tá Công tố viên quận Mahoning, ông Michael McBride quyết định chính quyền phải hành động nhanh chóng trước các mối đe dọa, sau các vụ nổ súng hàng loạt gần đây ở thành phố El Paso và Dayton.
Vụ án chống lại Olsen bắt đầu vào đầu năm nay, khi cảnh sát FBI ở Anchorage, Alaska, theo dõi một phòng chat mang tên “iFunny”. Họ phát hiện người dùng có tên ArmyOfChrist đưa ra những lời đe dọa. Vào ngày 6 tháng 8, người này viết trên mạng rằng y ủng hộ vụ đánh bom thành phố Oklahoma năm 1995, và vụ nổ súng nhằm vào các nhân viên của Cơ quan Rượu, bia, súng và thuốc lá Hoa Kỳ (ATF) tại khu phức hợp Branch Davidians ở Waco, Texas, năm 1993. Sau đó FBI đã đột kích nơi cư trú của Olsen vào ngày 7 tháng 8 và tìm thấy một số lượng lớn súng và đạn trong nhà.
Olsen đã nói với các cảnh sát rằng các bài viết của y “chỉ là một trò đùa”. Olsen hiện vẫn bị giam giữ, và dự kiến sẽ ra Tòa án quận Hoa Kỳ ở Youngstown vào thứ Sáu (16 tháng 8).
https://www.sbtn.tv/fbi-bat-giu-mot-thanh-nien-dua-ra-loi-de-doa-tren-mang-o-ohio/
Facebook mướn người ghi chép audio của khách hàng
Công ty Facebook đã trả tiền cho các nhân viên khế ước để ghi chép lại nội dung các clip âm thanh của người sử dụng, hãng tin Bloomberg hôm 13/8 dẫn lời những người biết rõ chuyện này cho biết.
Facebook xác nhận là trước đây từng ghi chép audio của khách hàng và nói rằng hiện không còn làm việc này nữa, Bloomberg loan tin.
Bloomberg, trích lời công ty Facebook, cho hay những người bị ảnh hưởng là những người chọn tính năng trong ứng dụng Messenger chuyển âm thanh thành chữ viết. Các nhân viên hợp đồng làm nhiệm vụ kiểm tra xem trí tuệ nhân tạo của Facebook có giải nghĩa đúng hay không.
Facebook đã đối mặt với những chỉ trích rộng rãi từ các nhà lập pháp và những người quản lý các qui định về tôn trọng quyền riêng tư.
Tuần trước một tòa phúc thẩm liên bang bác một nỗ lực của Facebook đòi hủy bỏ một vụ kiện cho rằng Facebook thu thập bất hợp pháp và lưu trữ dữ liệu cá nhân của hàng triệu người tiêu dùng mà không có sự đồng ý của họ.
Tháng trước, công ty cũng đồng ý mức chi kỷ lục 5 tỉ đô la tiền phạt để giải quyết cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ về dữ liệu riêng tư.
Châu Âu đánh thuế trên nhiên liệu sinh học
nhập từ Indonesia
Ủy Ban Châu Âu hôm qua, 13/08/2019, thông báo sẽ áp thuế trên nhiên liệu sinh học Indonesia. Lý do là vì chính quyền Jakarta đã tài trợ cho mặt hàng xuất khẩu này, điều mà châu Âu không chấp nhận.
Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Laxmi Lota giải thích :
Nhiên liệu sinh học đến từ Indonesia sẽ chịu thuế từ 8 đến 18%. Một cuộc điều tra của Ủy Ban Châu Âu đã dẫn đến quyết định này.
« Chúng tôi đã đưa ra ánh sáng việc các nhà sản xuất Indonesia được tài trợ của nhà nước, được hưởng các quyền lợi về thuế và mua nguyên liệu với giá thấp hơn thị trường. » Ủy Ban cho rằng điều này dẫn đến thiệt thòi về mặt kinh tế đối với các nhà sản xuất Châu Âu.
Thị trường nhiên liệu sinh học Châu Âu có trọng lượng 9 tỷ euro hàng năm : hàng nhập từ Indonesia có thể lên đến 400 triệu euro.
Biện pháp áp thuế vừa thông báo đã được Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Diesel Sinh Học Châu Âu hoan nghênh. Chính hiệp hội này đã đưa vấn đề ra kiện trước Ủy Ban Châu Âu.
Ngược lại, bộ trưởng Thương Mại Indonesia đã lên tiếng đe dọa tăng thuế trên sản phẩm sữa nhập từ Châu Âu để trả đũa.
Indonesia và Malaysia sản xuất đến 85% dầu cọ trên thế giới, và thường xuyên phản đối chính sách của Châu Âu về sản phẩm này. Hai quốc gia này đã rất bực tức trước một văn bản nội bộ gần đây của Châu Âu, xếp dầu cọ vào diện nhiên liệu sinh học không bền vững.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190814-chau-au-danh-thue-tren-nhien-lieu-sinh-hoc-nhap-tu-indonesia
Thượng Viện Ý bác yêu cầu
xét ngay kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ
Thượng Viện Ý hôm qua, 13/08/2019, đã họp lại để quyết định về ngày xem xét kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Các thượng nghị sĩ đã bác ngày do đảng Liên Đoàn, đảng cực hữu của bộ trưởng Nội Vụ Salvini, đề nghị là hôm nay 14/08, trong khi đảng 5 Sao thì muốn chờ đến ngày 20/08, như thủ tướng Giuseppe Conte đã chọn để phát biểu trước Thượng Viện.
Theo thông tín viên RFI tại Roma, Anne Le Nir, Phong Trào 5 Sao như vậy là đã thắng một ván nhờ sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân Chủ Ý.
Tiếng la ó vang lên từ tứ phía. Chủ tịch Thượng Viện đã phải rung liên hồi chiếc chuông nhỏ để vãn hồi trật tự, nhưng hoài công. Cảnh tượng huyên náo diễn ra vào lúc bộ trưởng Nội Vụ đồng thời là thượng nghị sĩ Salvini phát biểu, đòi là kiến nghị bất tín nhiệm của ông phải được đưa ra bỏ phiếu ngay ngày 14/08.
Ông Salvini cũng đã gây ngạc nhiên khi ủng hộ cựu đồng minh là Phong trào 5 Sao trong việc thông qua dự luật giảm số nghị sĩ, mà đảng này rất mong muốn, trước khi tổ chức bầu lại Nghị Viện.
Cuối cùng, với sự ủng hộ của đảng Dân Chủ của cựu thủ tướng Matteo Renzi, muốn thành lập một chính phủ liên minh trung tả – 5 sao, để chống lại Liên Đoàn của ông Salvini và đồng minh cực hữu của ông, ý kiến của Phong Trào 5 Sao của Luigi Di Maio đã thắng. Cuộc bỏ phiếu về kiến nghi được ấn định vào ngày 20/08.
Tuy nhiên, trong tình trạng hiện nay, chưa thể khẳng định là sẽ có một đa số chính trị mới được thiết lập để tránh bầu cử trước thời hạn.
Nga: Vụ nổ tên lửa khiến độ phóng xạ tăng 16 lần
Phóng xạ gần nơi xảy ra vụ nổ tên lửa chết người ở vùng cực bắc của Nga tăng 16 lần so với bình thường, trung tâm khí tượng Nga Rosgidromet cho biết.
Rosgidromet đã đo mức độ phóng xạ ở thành phố cảng Severodvinsk sau vụ nổ.
Vụ nổ xảy ra ngoài khơi thành phố tại một cơ sở quân sự ở Biển Trắng vào thứ Năm tuần trước.
Mỹ nghi vụ nổ ở Nga xuất phát từ thử tên lửa hành trình dùng năng lượng hạt nhân
Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân, đổ lỗi cho Nga
NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước tên lửa
Theo Cơ quan Hạt nhân Nhà nước Nga, Rosatom, vụ nổ xảy ra khi trong quá trình thử nghiệm một động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Năm chuyên gia hạt nhân thiệt mạng và ba người bị thương trong vụ tai nạn xảy ra gần làng Nyonoksa, cơ quan này cho biết.
Bức xạ đo được tại sáu trạm đo ở Severodvinsk, thành phố có 180.000 dân, dao động từ 4 đến 16 lần so với mức bình thường là 0,11 microsieverts mỗi giờ, Rosgidromet cho biết.
Bức xạ lên tới 1,78 microsievert/giờ được phát hiện tại một trạm, cao hơn mức bình thường nhưng dưới mức nguy hiểm. Ngay cả ở các cấp độ này, bức xạ ít gây hại cho con người, theo các chuyên gia hạt nhân.
Phát hiện của trung tâm khí tượng mâu thuẫn với các báo cáo ban đầu từ giới chức Severodvinsk.
Giới chức ở Severodvinsk, 47km về phía đông Nyonoksa, nói rằng độ bức xạ sau vụ nổ cao hơn bình thường trong khoảng 40 phút rồi trở lại bình thường. Ngược lại, Rosgidromet cho biết bức xạ tăng trong hai tiếng rưỡi.
Vụ nổ khiến người dân địa phương hoảng loạn, đổ xô đi mua i ốt vốn có thể hạn chế ảnh hưởng của phóng xạ.
Dự trữ i ốt của các nhà thuốc được cho là đang cạn kiệt ở các thành phố Arkhangelsk và Severodvinsk.
Hôm thứ Ba 13/8, phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov đã từ chối giải thích chi tiết về cuộc thử nghiệm, chỉ nói với các phóng viên rằng “tai nạn, không may, xảy ra”.
Tuy nhiên, ông nói rằng lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân của Nga “vượt xa đáng kể mức độ mà các quốc gia khác đã đạt được trong thời điểm hiện tại”.
Dân địa phương được sơ tán?
Có những báo cáo mâu thuẫn về việc sơ tán dân Nyonoksa.
Một số người dân địa phương nói với truyền thông Nga rằng họ được yêu cầu rời khỏi nhà vào thứ Tư 14/8 trước các cuộc tập trận quân sự đã được lên kế hoạch.
Giới chức Severodvinsk, được hãng tin Interfax trích lời, xác nhận lệnh sơ tán trong một tuyên bố sau đó.
Tuy nhiên, các quan chức Nga khác nhanh chóng bác bỏ các báo cáo về một cuộc di tản.
Sau đó vào thứ Ba, Interfax dẫn lời chính quyền địa phương Severodvinsk nói rằng quân đội đã hủy bỏ kế hoạch tập trận tại khu vực bãi thử ở Nyonoksa.
Chúng ta biết gì về vụ nổ?
Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nga cho biết vụ nổ ngày 8/8 có liên quan đến động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng và khiến hai người thiệt mạng, mà không xác định ai là nạn nhân.
Sau đó, Rosatom cho biết cuộc thử nghiệm có liên quan đến “nguồn năng lượng đồng vị” và xảy ra ngoài khơi.
Các kỹ sư đã hoàn thành thử nghiệm, nhưng đột nhiên một đám cháy bùng phát và động cơ phát nổ, hất tung người xuống biển, Rosatom cho hay.
Vụ nổ làm dấy lên suy đoán rằng nó liên quan đến một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân được gọi là “Burevestnik” hoặc “Skyfall”. Tổng thống Vladimir Putin đã mô tả tên lửa này trong bài phát biểu trước quốc hội Nga vào tháng 3/2018.
Một tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Nga thực sự đang thử nghiệm một hệ thống tên lửa như vậy, nói rằng Mỹ “biết được nhiều” từ vụ nổ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49340842
Điều gì dẫn đến các cuộc biểu tình ở Moscow?
Trong những tuần qua, tại thủ đô Moscow của Nga đã xảy ra những vụ biểu tình đông người và kéo dài chưa từng có kể từ nhiều năm nay.
Cảnh sát đã sử dụng vũ lực đối phó với những người biểu tình ôn hòa muốn đòi giới chức phải để các gương mặt đối lập tham gia tranh cử trong kỳ bầu cử địa phương sắp tới.
Những người biểu tình nói rằng họ không mang theo vũ khí, không có thái độ hung hăng, thế nhưng nhiều người trong số họ đã bị đánh đập trên đường phố.
Đáng chú ý là hôm 27/7, thái độ bạo lực của cảnh sát khi dùng gậy đánh đập người biểu tình và các hình ảnh gây sốc đã được quay chụp bằng camera, bằng điện thoại và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.
Cho đến nay, hầu như tất cả các ứng cử viên đối lập đều đã bị bắt giữ.
Tin tức nói có hơn 2.000 người biểu tình đã bị bắt, trong đó một số người bị phạt và giam giữ ngắn hạn.
Hơn 10 người bị án tù, với mức nặng nhất đến 8 năm tù giam.
Chính quyền gọi các cuộc biểu tình là bạo loạn, dẫu cho gần như tất cả các hành vi bạo lực đều do cảnh sát gây ra.
Nga đòi Google chặn video trực tuyến trên YouTube
Hôm 13/8, chính phủ Nga cảnh báo hãng internet khổng lồ Google rằng hãng phải ngăn chặn việc người dùng sử dụng YouTube để phát trực tuyến các cuộc biểu tình bất hợp pháp trong thời gian trước khi có kỳ bầu cử địa phương tại Moscow.
Roskomnadzor, tức Cơ quan Liên bang Quản lý về Viễn thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng, nói rằng họ quan ngại về việc chức năng quảng cáo của YouTube sẽ được dùng để quảng bá các kênh tới người dùng.
Moscow: Biểu tình đối lập ‘lớn nhất trong nhiều năm’
Hàng ngàn người biểu tình tại Moscow đòi bầu cử công bằng
Nga: Hơn 1.000 người biểu tình bị bắt ở Moscow
Cơ quan này nói YouTube có tính năng thông báo có video đang phát trực tuyến tới người dùng, kể cả những người không đăng ký theo dõi một kênh nào đó.
Roskomnadzor nói nếu Google không phản hồi thư của họ, thì “Liên bang Nga sẽ coi đây là sự can thiệp vào vấn đề chủ quyền của nhà nước, và là việc gây ảnh hưởng thù nghịch, cản trở việc tổ chức kỳ bầu cử dân chủ tại Nga.”
Chính phủ Nga trong trường hợp đó sẽ có hành động đối với Google, cơ quan này nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49337217
Nga tuyên bố thắng Mỹ
trong cuộc đua vũ khí hạt nhân mới
Hôm 13/8, Điện Kremlin tuyên bố Nga đã chiến thắng trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân mới bất chấp một vụ tai nạn tên lửa hồi tuần trước ở miền bắc nước này vốn đang gây lo ngại về nhiễm phóng xạ, theo Reuters.
Hãng tin Anh trích lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Tổng thống của chúng tôi đã nhiều lần nói rằng trình độ của Nga trong lĩnh vực này vượt xa các quốc gia khác và là độc nhất vô nhị.”
Rosatom, cơ quan hạt nhân Nga, cho biết tai nạn ngày 8/8 xảy ra trong vụ thử tên lửa ở Bạch Hải, làm ít nhất năm người chết và ba người bị thương.
Nga: mức độ phóng xạ tăng gấp 4 – 16 lần gần nơi xảy ra vụ nổ tên lửa
Hôm 12/8, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết trên Twitter rằng Hoa Kỳ có “công nghệ tương tự, nhưng tiên tiến hơn” và nói rằng người Nga đang lo ngại về chất lượng không khí xung quanh cơ sở thử hạt nhân và các khu vực khác, một tình huống mà ông mô tả là “không tốt!”
Hôm 13/8, khi được hỏi về những bình luận của ông Trump, Điện Kremlin nói rằng “Hoa Kỳ không phải là quốc gia tiên phong trong việc phát triển vũ khí hạt nhân mới.”
Căng thẳng giữa Moscow và Washington về kiểm soát vũ khí đã trở nên trầm trọng hơn sau khi Hoa Kỳ trong tháng này đã rút khỏi một hiệp ước hạt nhân mang tính bước ngoặt.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-tuyen-bo-thang-my-trong-cuoc-dua-vu-khi-hat-nhan-moi/5041772.html
Nga: Bí ẩn bao trùm vụ nổ tại nơi thử nghiệm tên lửa
Chuyện gì xảy ra vào trưa ngày 08/08/2019 tại trung tâm thử nghiệm tên lửa của Nga trong vùng cực bắc Arkhangelsk ? Thi hài của 5 chuyên gia hạt nhân của công ty Rosatom được an táng theo lễ nghi dành cho anh hùng liệt sĩ. Nhưng thiệt hại thật sự và tình huống tai nạn vẫn bị chính quyền Nga giữ kín như thông lệ, bất chấp bài học Tchernobyl 1986 và vụ nổ tàu ngầm Koursk năm 2000.
Nước Nga qua mặt Hoa Kỳ trong lãnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược. Trên đây là tuyên bố của điện Kremlin 5 ngày sau vụ nổ bí ẩn tại một dàn phóng tên lửa trên biển thuộc vùng cực bắc nước Nga làm chết năm kỹ sư theo thông báo chính thức.
Bất chấp tai nạn, Rosatom cam kết nước Nga tiếp tục phát triển vũ khí mới, còn phát ngôn viên điện Kremlin khẳng định Nga đang thắng Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang.
Một ngày trước, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố « Hoa Kỳ học được nhiều qua vụ nổ tại Nga. Mỹ cũng có công nghệ tương tự, nhưng tân tiến hơn nhiều ».
Tuy tìm cách tranh hơn thua với Mỹ, nhưng chính quyền Nga vẫn không tiến được một bước nào trong lãnh vực thông tin, vẫn bám trụ văn hóa bảo mật : tai nạn xảy ra trong tình huống nào ? tên lửa hay động cơ bị nổ ? động cơ chạy bằng nhiên liệu gì, tại sao độ phóng xạ đột ngột tăng cao làm chính quyền và dân địa phương hốt hoảng chạy mua iode để bảo vệ tuyến giáp trạng ?
Cái gì nổ ?
Sau tuyên bố mơ hồ và bốn ngày im lặng, tập đoàn hạt nhân Rosatom nhìn nhận vụ nổ liên quan đến đợt thử nghiệm vũ khí mới, nhưng vẫn không cho biết thêm chi tiết. Còn theo giới chuyên gia Mỹ, tên lửa bị tai nạn là loại « siêu thanh » 9M730 Bourevestnik, hay « chim bão », còn NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall, “từ trên trời rơi xuống”, cho dù không có ý mỉa mai. 9M730 Bourevestnik được tổng thống Nga quảng cáo trong một chương trình truyền hình hồi năm 2018 là « bất bại và không thể bị phát hiện ». Chủ nhân điện Kremlin lúc đó tuyên bố rất tự mãn : « Không ai muốn nói chuyện với chúng ta, không ai muốn nghe chúng ta. Từ nay hãy nghe đây ».
Nổ như thế nào?
Cho đến hôm thứ hai, một chi tiết mới được giám đốc khoa học trung tâm quân sự Sarov, Viacheslav Soloviev, tiết lộ : tai nạn « liên quan » đến một lò hạt nhân « nhỏ ». Nói cách khác, Nga đang tìm cách trang bị động cơ hạt nhân cho tên lửa « chim bão bay nhiều vòng trái đất”, như Putin giới thiệu. Vấn đề là « thu nhỏ một lò phản ứng hạt nhân thành động cơ tên lửa rất khó », rồi còn phải bảo vệ an toàn cho các nhà nghiên cứu và cho nhân viên thực hiện thử nghiệm. Hoa Kỳ đã làm chương trình này trong thập niên 1960, nhưng thấy quá nhiều bất trắc nên ngưng lại.
Hệ quả ?
Theo Reuters, tai nạn hạt nhân này, tuy chưa rõ có phải là do kỹ thuật kích hỏa chưa hoàn chỉnh hay không, có thể là một thất bại nặng nề và bất ngờ cho tham vọng vũ khí của Vladimir Putin, trong bối cảnh hiệp định giới hạn tên lửa chiến lược Mỹ-Nga sắp hết hạn vào năm 2021.
Khi vụ nổ xảy ra, Nga cấm tàu thuyền giao thông trong một phần vịnh Dvina, không rõ vì quan tâm đến môi trường hay để không cho người tò mò nhìn thấy cảnh vớt mảnh vụn tên lửa ?
Nằm cạnh nước Nga, Na Uy than phiền Matxcơva vẫn chứng nào tật nấy, che giấu thông tin. Căn cứ hạt nhân nơi xảy ra tai nạn, được lập ra từ năm 1954, là nơi chế tạo tên lửa đạn đạo, nhưng cũng như các căn cứ quân sự khác, không được ghi trên bản đồ địa lý cho đến gần đây. Tin lạc quan duy nhất là mây phóng xạ dường như chưa bay đến Bắc Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190814-bi-an-bao-trum-vu-no-tai-dan-thu-nghiem-ten-lua-sieu-thanh-cua-nga
Ukraina cấp quốc tịch cho nạn nhân bị đàn áp tại Nga
Sau các vụ đàn áp biểu tình chống chính quyền Putin tại Matxcơva, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua, 13/08/2019, đã ký sắc lệnh cho phép cấp quốc tịch cho những công dân Nga là nạn nhân đàn áp chính trị, và những người ngoại quốc đứng về phía Ukraina chiến đấu tại khu vực xung đột miền Đông.
Thông tín viên Sébastien Gobert từ Kiev tường trình :
« Để bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do », ông Volodymyr Zelensky giữ cam kết cấp quốc tịch Ukraina cho các nạn nhân của chế độ độc tài và nạn nhân đàn áp chính trị. Ông đã từng đưa ra cam kết vào tháng Tư vừa qua : « Chính người Nga là những người phải chịu khổ nhiều nhất ». Tuy vậy, vẫn phải có một số điều kiện : những người đăng ký thủ tục làm hộ chiếu xanh Ukraina phải từ bỏ hộ chiếu đỏ của Nga.
Đây là phản ứng của tổng thống Ukraina với một số sắc lệnh gần đây của ông Putin, cho phép những người Ukraina sinh sống tại khu vực tranh chấp miền Đông nước này được hưởng quốc tịch Nga.
Chương mới của cuộc « Chiến tranh hộ chiếu » khiến người dân Ukraina có những phản ứng khác nhau, do họ lo ngại những người Nga được cấp quốc tịch sẽ là một cộng đồng dân cư theo lệnh của Matxcơva.
Sắc lệnh này cũng sẽ khiến các cuộc thảo luận về một cuộc gặp giữa hai tổng thống Volodymyr Zelensky và Vladimir Putin trong khuôn khổ nhóm Normandie thêm phức tạp. Đây là nhóm đặc trách các cuộc hòa đàm, mà nhiều năm qua đã gặp bế tắc. »
Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản:
TQ xâm phạm lãnh thổ Việt Nam
Sau khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano cho rằng, “Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam”.
Theo ông Katsuhito Asano, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam là “hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, cần được cộng đồng quốc tế phê phán”; khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gây ảnh hưởng tới an ninh của Biển Đông và khu vực; nhấn mạnh Nhật Bản luôn tôn trọng Luật pháp quốc tế trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông, do vậy, Trung Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng UNCLOS. Ngoài ra, ông Katsuhito Asano cho rằng Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà gần đây đang gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông. Điều này kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế. Việt Nam có đủ chứng cớ và năng lực để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã từng làm trước đó.
Được biết, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã, đang tích cực đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và thúc đẩy giải quyết hòa bình, theo luật quốc tế các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việc Nhật Bản tăng cường các biện pháp đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực là do Tokyo có lợi ích thiết thực, mang tính sống còn ở Biển Đông. Nhật Bản là một nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có vùng biển giáp với Biển Đông, vì vậy sự ổn định về môi trường chính trị, an ninh và quốc phòng trong khu vực Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế của Nhật Bản.Lãnh đạo Nhật đã nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm đảm bảo trật tự hòa bình không để xảy ra xung đột leo thang toàn khu vực. Một khi xung đột xảy ra ở Biển Đông, nhiều khả năng nhiều nước sẽ bị kéo vào cuộc chiến gây bất ổn toàn bộ khu vực, làm tắc nghẽn tuyến giao thông hàng hải ảnh hưởng đến môi trường an ninh và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Nhật cho rằng tranh chấp Biển Đông hiện nay đã không còn đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa ASEAN và Trung Quốc mà đã chuyển thành vấn đề an ninh cho toàn khu vực mà Nhật Bản và Mỹ cũng như các nước khác đều phải can dự. Không những vậy, , Biển Đông có tuyến đường biển vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất đối với Nhật Bản; hiện có khoảng 42% hàng hóa của Nhật Bản, chủ yếu là nguyên liệu dầu mỏ, than đá, quặng… đi qua Biển Đông. Nếu tuyến đường giao thông hàng hải qua Biển Đông bị tắc nghẽn sẽ gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Trong nhiều năm trở lại đây, quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Về chính thống, Nhật Bản luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển; Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp; Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản; Nhật Bản giúp nâng cao năng lực tuần tra hàng hải cho một số nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Việc Nhật Bản tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông là nhằm: (1) Đảm bảo tự do hàng hải, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp bởi Biển Đông là tuyến đường thương mại, vận chuyển nguồn nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản; (2) Phân tán sự chú ý và nguồn lực trong tranh chấp Hoa Đông với Nhật Bản bởi nếu thành công ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ áp dụng mô hình, chiến thuật đối với tranh chấp Hoa Đông.Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu
dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển, khiến Trung Quốc rơi vào cảnh phải tác chiến trên cả hai mặt trận Biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản muốn nhân vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ASEAN là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng Biển Đông như một cái “hang trống”, sẽ hút hết sức mạnh của Trung Quốc vào đó; Trung Quốc càng cứng rắn thì càng lún sâu tại Biển Đông, nếu giành được chiến thắng tại đây thì cũng hao tổn sức lực, ảnh hưởng đến việc phát triển của Trung Quốc, nhất là quá trình trở thành cường quốc biển thế giới. (3) Hỗ trợ cho chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Vì Nhật Bản là đồng minh và cũng là quốc gia có lợi ích rất lớn ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ có những đóng góp quan trọng cho chính sách tái cân bằng nói chung và chính sách đối với Biển Đông nói riêng của Mỹ. (4) Nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á: Một mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông chính là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này.
Tuy nhiên, liên quan việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam, Nhật Bản chưa đưa ra phản ứng chính thức là do nước này vừa tiến hành bầu cử Thượng viện và Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương với Trung Quốc. Song, Trung Quốc với những hành vi phi pháp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định của khu vực đã đe dọa trực tiếp đến lợi ích cũng như an ninh của Nhật Bản. Điều này sẽ là động lực để Nhật Bản đưa ra các phản ứng cứng rắn với Trung Quốc.
Nikkei Asian Review: Các công ty Trung Quốc
chạy sang Việt Nam giữa thương chiến
Các công ty Trung Quốc đang nối gót với các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc để tìm các cơ sở sản xuất thay thế nhằm tránh tác động của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ, và theo Nikkei Asian Review, nước Việt Nam ở kế cận là đích đến lý tưởng đối với các công ty này.
Kể từ tháng 6 vừa qua, 33 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán đã thông báo với hai sàn chứng khoán Trung Quốc về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài, theo dữ liệu do Nikkei Asian Review thu thập được.
Đối với các nhà sản xuất nước ngoài, những đợt áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cộng với lương bổng và chi phí gia tăng, đang buộc các công ty Trung Quốc phải chuyển ra khỏi nước.
Theo dữ liệu của tờ báo tài chính lớn nhất toàn cầu, gần 70% trong số 33 công ty kể trên nói Việt Nam là đích đến mà họ ưa chuộng nhất, những công ty còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.
Trong số những công ty chọn Việt Nam có Jinhua Chunguang, một nhà sản xuất mặt hàng cao su – công ty này loan báo vào ngày 19/7 khoản đầu tư 4,53 triệu USD để thành lập một cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Công ty này hiện có các nhà máy ở Malaysia và Trung Quốc. Theo tạp chí Nikkei, công ty
Jinhua Chunguang có trụ sở ở tỉnh Triết Giang gần Thượng Hải, nói khoản đầu tư này là để đáp ứng “những thay đổi trong môi trường quốc tế,” cũng như là một phần trong các kế hoạch mở rộng trên toàn cầu của công ty.
Cũng theo tạp chí Nikkei của Nhật, một công ty khác ở Triết Giang chuyên sản xuất ghế, Zhejiang Henglin Chair Industry, cũng đang hướng về Việt Nam, nơi họ đã mua lại một nhà máy của Đài Loan trong gói đầu tư 48 triệu USD để thúc đẩy việc mở rộng sản xuất của công ty này.
Các nhà sản xuất trong ngành dệt may cũng quyết định tăng cường bộ phận sản xuất của họ tại Việt Nam, mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại về sự hiện diện của nhiều công ty may mặc đang hoạt động ở Việt Nam, theo Nikkei.
Huafu Faship công bố hồi tháng 12 rằng họ đang đầu tư 2,5 tỷ nhân dân tệ (362 triệu USD) để xây một nhà máy ở Việt Nam. Nhà sản xuất len cuộn nói thành lập một cơ sở sản xuất ở Việt Nam sẽ cho phép công ty có nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn, giảm chi phí lao động và tránh hàng rào thuế quan.
Nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý 1 năm nay tăng hơn 86% lên đến 10.8 tỷ USD, trong đó đầu tư từ Trung Quốc chiếm gần phân nửa, theo dữ liệu của tờ Thời báo Chứng khoán của Nhà nước Trung Quốc được South China Morning Post trích dẫn.
Giữa lúc cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc đang leo thang, các công ty nước ngoài đã và đang chuyển dây chuyền sản xuất của họ sang Việt Nam nhằm tránh các loại thuế mới của Mỹ.
Tổng thống Trump từng chia sẻ trên Twitter rằng “nhiều công ty đang chuyển đến Việt Nam” giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ? công bố hồi tháng 6, thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Triều Tiên: Mỹ triển khai tên lửa mới
là ‘hành động liều lĩnh’
Bất kỳ động thái nào của Hoa Kỳ nhằm lắp đặt các tên lửa tầm trung trên lãnh thổ Hàn Quốc đều có thể châm ngòi cho một “cuộc chiến tranh lạnh mới” và một cuộc chạy đua vũ trang leo thang trong khu vực, Reuters dẫn truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết hôm 14/8.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết ông ủng hộ việc đặt các tên lửa tầm trung, phóng từ mặt đất ở châu Á, một ngày sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết: “Hoa Kỳ hiện đang xem xét kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung đất đối đất ở khu vực châu Á và Hàn Quốc đã được chọn làm nơi triển khai.”
“Triển khai một vũ khí tấn công mới ở Hàn Quốc là một hành động liều lĩnh, leo thang căng thẳng khu vực, một hành động có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang mới ở khu vực Viễn Đông,” KCNA nói trong một bài xã luận.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chưa có cuộc thảo luận nào về việc đặt tên lửa tầm trung của Mỹ tại nước này và không có kế hoạch xem xét ý tưởng như thế.
Tuyên bố của KCNA cũng chỉ trích các động thái gần đây về việc Hàn Quốc nâng cấp các địa điểm quân sự, nơi thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn tầm cao (THAAD) của Hoa Kỳ, được thiết kế để đánh chặn phi đạn.
KCNA nói thêm: “Một bằng chứng rõ ràng là việc triển khai THAAD là thể theo chiến lược của Hoa Kỳ nhằm kìm tỏa các cường quốc và nắm giữ quyền lực tối cao ở Đông Bắc Á, chứ không phải làm nhiệm vụ “bảo vệ” cho Hàn Quốc trước sự “đe dọa” của ai đó.
Sân bay Hong Kong hoạt động trở lại
và tăng cường biện pháp an ninh
Sân bay Hong Kong đã hoạt động trở lại sau một đêm hỗn loạn, với cảnh người biểu tình đụng độ cảnh sát.
Hàng trăm chuyến bay bị hủy hôm thứ Ba sau khi người biểu tình tràn vào nhà ga.
Hỗn loạn ở sân bay Hong Kong đêm thứ Ba
Trung Quốc không cho tàu chiến Hoa Kỳ ghé cảng Hong Kong
Hong Kong: Vì sao có tin đồn Joshua Wong là người ‘gốc Việt’?
Vào đầu giờ sáng thứ Tư, các chuyến bay có vẻ như hoạt động trở lại theo lịch, nhưng một số chuyến vẫn bị hoãn hoặc hủy.
Sau vài ngày gián đoạn, Cơ quan Quản lý Sân bay nói họ đã xin được một lệnh cấm tạm thời từ tòa, theo đó không cho phép người biểu tình vào một số khu vực nhất định.
Cơ quan này trong một tuyên bố nói rằng người dân phải “kiềm chế đối với việc tham dự hoặc tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình, phản đối nào… tại sân bay, trừ phi ở các khu vực đã được Cơ quan Quản lý Sân bay chỉ định”.
Các biện pháp an ninh bổ sung đã được đưa ra nhằm hạn chế việc tiếp cận vào nhà ga – chỉ nhân viên và các hành khách có thẻ lên tàu hợp lệ mới được phép đi vào.
Hong Kong hiện đã sang tuần thứ 10 có các cuộc biểu tình chống chính quyền.
Chuyện gì xảy ra tại sân bay hôm thứ Ba?
Sân bay quốc tế Hong Kong, một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, đã là nơi xảy ra các cuộc biểu tình hàng ngày kể từ hôm thứ Sáu đến nay, nhưng hầu hết đều diễn ra một cách ôn hòa.
Hôm thứ Ba, người biểu tình đã chặn hành khách, không cho họ tới được các chuyến bay bằng cách dùng xe đẩy hành lý làm rào chắn, và tổ chức biểu tình ngồi đông đảo.
Một số người biểu tình giơ biển xin lỗi hành khách vì đã gây phiền toái.
Tuy nhiên, tình hình leo thang khi một người đàn ông bị người biểu tình tấn công vì cho rằng ông này là cảnh sát chìm.
Cảnh sát mang vũ khí chống bạo loạn và dùi cui sau đó đến sân bay và có đụng độ với người biểu tình.
Trong một video, một cảnh sát điên cuồng chĩa súng vào người biểu tình sau khi bị tấn công. Nhân viên cảnh sát này trấn áp một phụ nữ, và người biểu tình đã dồn ông ta vào góc tường sau khi giật dùi cui từ tay ông.
Sau khi bị ngã xuống sàn, viên cảnh sát cuối cùng được đồng đội kéo ra nơi an toàn.
Hong Kong hủy hơn 160 chuyến bay do có biểu tình
Ít nhất hai người khác, cũng bị nghi là nhân viên cảnh sát, đã bị người biểu tình chặn lại. Một người bị giữ trong vài giờ và bị trói tay. Các nhân viên y tế ban đầu bị chặn, không sơ tán được người dù ông này trông có vẻ như đã bất tỉnh.
Những diễn biến trên xảy ra sau khi cảnh sát Hong Kong hôm thứ Hai thừa nhận là có một số nhân viên cảnh sát trà trộn vào người biểu tình chống chính phủ.
Chủ biên của Hoàn cầu Thời báo sau đó nói rằng một trong những người bị tấn công là phóng viên của báo này.
Trong đêm, các nhóm người biểu tình đã ra lời xin lỗi trên mạng về tình hình bạo lực hôm thứ Ba và nói họ “sợ hãi” và kêu gọi được trợ giúp.
Hôm thứ Tư, một số người đã phân phát tờ rơi với nội dung xin lỗi cùng với chocolate cho những người tới trạm xe lửa của sân bay.
Phóng viên BBC Tiếng Trung tại Hong Kong, Pody Lui, nói rằng những tiếng hô “Đấu tranh cho tự do, sát cánh với Hong Kong” được nghe thấy trong sảnh tới của sân bay hôm thứ Ba.
Một người biểu tình là phụ nữ đã bị cảnh sát bắn vào mắt bằng túi đậu hạt, phóng viên BBC nói, và du khách rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi họ không thể tới được khu vực làm thủ tục an ninh.
Một số người khóc, một số người ngủ. Nhưng có những người biểu tình đến đề nghị giúp đỡ họ, từ việc trông đồ đạc, cho tới mời đồ ăn, thức uống, và đương nhiên là cả nói lời xin lỗi nữa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49344222
‘Bắc Kinh và người biểu tình Hong Kong
cần thỏa hiệp khi còn có thể’
Tina Hà GiangBBCVietnamese.com
Bắc Kinh đang tuyệt vọng tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc trầm trọng tại Hong Kong, nơi mà các cuộc biểu tình từ hơn hai tháng nay đã làm tê liệt nhiều sinh hoạt của vùng đặc khu hành chính này, Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, nhận định.
Trong bài Beijing’s HK Strategy, tác giả Adam Ni nói mục đích ngắn hạn của Bắc Kinh là chấm dứt sự leo thang liên tục của các cuộc biểu tình lớn, bằng vũ lực nếu cần; và mục tiêu dài hạn là đưa thành phố và người dân Hong Kong vào hệ thống chính trị của Trung Quốc, kiểm soát Hong Kong y như phần còn lại của đại lục.
Sân bay HK hoạt động trở lại và tăng cường an ninh
Hỗn loạn ở sân bay Hong Kong đêm thứ Ba
Ông Adam Ni vạch ra rằng để đạt được những mục tiêu trên Bắc Kinh có một chương trình hành động sáu điểm, gồm:
Hỗ trợ mạnh mẽ cho chính quyền và cảnh sát Hong Kong, khuyến khích và kích hoạt chiến thuật cứng rắn hơn với người biểu tình;
Tạo mặt trận thống nhất giữa giới kinh doanh và tinh hoa Hong Kong với các lực lượng thân Bắc Kinh;
Tăng việc tuyên truyền, đưa ra những thông tin sai lệch để phỉ báng giới biểu tình, tìm sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc đại lục cũng như gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế;
Đánh vào hầu bao những công ty hay tổ chức ủng hộ biểu tình như hãng Cathy Pacific;
Đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp bằng vũ lực để dẹp biểu tình nếu cần; và,
Tăng cường các nỗ lực hội nhập kinh tế và kết nối nhằm đưa Hong Kong vào quỹ đạo kinh tế của PRC.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt Ngữ hôm 13/8, giữa lúc có tin Trung Quốc đang chuyển quân tới khu vực biên giới với Hồng Kông, Adam Ni nói rằng tình hình hết sức cấp bách, và Bắc Kinh cùng giới biểu tình cần phải ‘nhanh chóng thỏa hiệp khi còn có thể.’
Adam Ni: Tình hình hiện giờ luôn luôn dao động và chúng ta khó có thể dự đoán hành động của người biểu tình. Chính sách “không lãnh đạo”, “lỏng như nước” và kết nối mạng mà các cuộc biểu tình này được tổ chức khá là độc đáo.
Nhưng chiến lược của giới biểu tình có hiệu quả hay không phụ thuộc vào mục tiêu được đặt ra. Nếu thành công được đo lường bằng yêu cầu ban đầu là gỡ bỏ dự luật chống dẫn độ, thì họ đã thành công, mặc dù việc chính thức hủy bỏ dự luật chưa xảy ra.
Tuy vậy, người biểu tình đã không thành công với những yêu cầu rộng lớn hơn, năm yêu cầu chính được đưa ra trong những tuần gần đây. Tôi nghĩ rằng tình hình leo thang liên tục, mức độ gia tăng bạo lực của cảnh sát và sự can thiệp từ Bắc Kinh, nếu có, sẽ có thể thay đổi tình thế.
Một lần nữa, rất khó để dự đoán việc gì sẽ xảy ra ngoài việc nói rằng tôi không thấy hai bên sớm gặp nhau trong thời gian trước mắt, vì ở cấp độ cơ bản nhất có một sự mâu thuẫn: Bắc Kinh muốn khẳng định quyền kiểm soát với người Hong Kong và người dân Hong Kong thì đang chống lại điều này.
Một sự thỏa hiệp sẽ là điều cần thiết hoặc một trong hai bên phải nhượng bộ, nhưng hiện giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó.
Biểu tình Hong Kong và một góc nhìn từ Việt Nam
Hong Kong: Vì sao có tin đồn Joshua Wong là người ‘gốc Việt’?
BBC: Nhiều người lo sợ rằng nếu tình trạng này tiếp tục, thảm sát tương tự như vụ Thiên An Môn năm 1989 không tránh khỏi. Ông nghĩ gì về việc Bắc Kinh có thể đưa quân đội đến Hong Kong để đè bẹp người biểu tình? Và Trung Quốc sẽ phải trả giá cho hành động này thế nào, nếu điều đó xảy ra?
Adam Ni: Vụ thảm sát Bắc Kinh năm 1989 diễn ra trong bối cảnh chính trị xã hội và thời điểm rất khác so với tình hình ở Hong Kong ngày nay. Bắc Kinh đã nhiều lần báo hiệu quyết tâm can thiệp bằng vũ lực và đàn áp các cuộc biểu tình nếu tình trạng này leo thang.
Theo tôi, đây sẽ là biện pháp cuối cùng của Bắc Kinh, khi giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bất ổn liên tục ở Hong Kong gây nhiều bất lợi cho sự cai trị của họ hơn là cái giá họ phải trả cho một cuộc đàn áp đẫm máu. Tại một thời điểm nào đó, Bắc Kinh có thể đưa ra phán quyết rằng tình hình ở Hong Kong cần đến sự can thiệp của quân đội bất kể là cần phải trả giá ở mức nào, nhưng chúng ta hiện đang chưa ở thời điểm đó.
Ngoài ra ngày 1/10 là kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC), đây là một ngày quan trọng. Bắc Kinh có muốn đánh dấu ngày lịch sử này bằng máu? Tôi nghĩ là không. Tuy nói vậy, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên thận trọng, không nên hoàn toàn loại bỏ trường hợp này.
BBC: Có hailối suy nghĩ, đó là sự gia tăng bạo lực của cảnh sát sẽ khiến người biểu tình cuối cùng phải phục tùng, và ngược lại, khi cảnh sát gia tăng bạo lựcthì người biểu tình sẽ trở nên bất chấp hơn. Ông nghĩ sao?
Adam Ni: Tôi nghĩ rằng bạo lực cảnh sát nhiều hơn đơn giản sẽ khiến người dân Hong Kong phẫn nộ tức giận hơn, và tạo thêm sự ủng hộ của công chúng đối với người biểu tình. Cảnh sát sẽ phải sử dụng lực lượng áp đảo để phá vỡ ý chí và sự phản kháng của người biểu tình, và tôi không thấy họ có máu lạnh để làm điều đó. Thế nhưng lực lượng có vũ trang của Trung Quốc thì có.
Cô gái ngồi thiền: Biểu tượng biểu tình ở Hong Kong
4 điều cần biết về biểu tình ở Hong Kong
BBC:Ông có nghĩ rằng các hoạt động tuyên truyền, thông tin sai lệch của Trung Quốc trong việc dán cho người biểu tình những nhãn như ”bạo loạn” và thậm chí ”khủng bố” đã gây được ảnh hưởng lên dư luận quốc tế và công chúng?
Adam Ni: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rất thành công trong việc định hình và thao túng dư luận trong Trung Quốc đại lục. Nhưng bên ngoài đại lục, tuyên truyền của họ khá kém hiệu quả. Thông tin sai lạc, tuy nhiên, vẫn gây ra nhiều hết sức bất lợi. Tôi nghĩ mục tiêu chính của Bắc Kinh là tràn ngập môi trường truyền thông và làm loãng những tường trình vẽ nên hình ảnh tốt cho người biểu tình, và tạo ra nghi ngờ trong tâm trí mọi người. Đây là điều mà Trung Quốc đã ngày càng làm tốt hơn – kể câu chuyện theo phiên bản của mình.
BBC: Bài viết của ông nói rằng qua biện pháp trừng phạt, Trung Quốc đã cắt đứt một cách hiệu quả sự hỗ trợ cho người biểu tình như của công ty Cathay Pacific. Điều ông nói liên quan đến hỗ trợ về mặt tinh thần, nhưng về mặt tài chánh, ngoài việc gây quỹ trực tuyến rất thành công, người biểu tình còn có thể có nguồn tài trợ nào khác?
Adam Ni: Tôi nghĩ nguồn hỗ trợ tài chánh của quần chúng là chiến lược tốt nhất cho người biểu tình. Lấy tiền từ chính phủ hay các tập đoàn nước ngoài sẽ làm suy yếu cách công chúng đánh giá về sự liêm chính của họ và cho Bắc Kinh vũ khí để đặt vấn đề về động cơ và ý định của người biểu tình.
BBC:Cuối cùng thì xung đột theo ông sẽ được giải quyết như thế nào? Ông có lời khuyên nào cho Bắc Kinh?
Adam Ni: Bắc Kinh cần phải hiểu rằng không phải mọi thách thức đối với chính quyền của họ đều là điều bất lợi. Và trên thực tế, một phản ứng cứng rắn sẽ gây ra sự kháng cự mạnh hơn nữa khiến mọi việc cứ ở trong một vòng luẩn quẩn. Họ nên dừng chu kỳ này, trước hết bằng cách giảm bớt những lời cường điệu và giải quyết sự bất bình của người biểu tình.
Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ không muốn bị coi là lùi bước vì sợ rằng sẽ bị cho là mềm yếu và điều đó sẽ làm phe biểu tình đưa ra nhiều yêu sách hơn nữa, nhưng Bắc Kinh cần phải nhận ra rằng con đường mà họ đang đi, áp dụng các chiến thuật hung hăng sẽ phản tác dụng, giống như chính sách của Trung Quốc trong quá khứ đã trực tiếp dẫn đến tình trạng bất ổn ngày hôm nay.
Nếu Bắc Kinh không muốn phải đối mặt với sự đối kháng dài hạn của người Hong Kong, thì họ cần phải giảm căng thẳng, thay vì gieo rắc thêm hạt giống cho những cuộc xung đột tương lai.
BBC: Về phía người biểu tình, ông khuyên họ nên làm gì?
Adam Ni: Người biểu tình đang leo thang căng thẳng theo cách mà tôi nghĩ khiến cho công chúng khó có thể tiếp tục ủng hộ phong trào này trong thời gian dài.
Đời sống kinh tế và xã hội của Hong Kong ngày càng bị ảnh hưởng, và theo thời gian, điều này sẽ làm giảm sự ủng hộ của cộng đồng mà từ trước cho đến nay vẫn hỗ trợ các cuộc biểu tình. Người biểu tình cần gặp Chính phủ Hong Kong và Bắc Kinh ở một khoảng giữa.
Tôi biết nói điều này sẽ không làm cho bất cứ bên nào vui. Nhưng đó là điều cần phải được nói: Người biểu tình và chính phủ cần phải thỏa hiệp. Quá trình đó cần phải xảy ra ngay bây giờ trước khi tình hình leo thang thêm nữa, khiến cho thỏa hiệp là điều không còn có thể làm được, nếu điều đó chưa quá muộn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49332843
Trung Quốc không cho tàu chiến Hoa Kỳ
ghé cảng Hong Kong
Trung Quốc không cho hai tàu chiến Hoa Kỳ ghé cảng Hong Kong trong bối cảnh căng thẳng thương mại và ngoại giao giữa hai nước, theo Bloomberg.
Chính phủ Trung Quốc từ chối cấp phép cho USS Green Bay và USS Lake Erie ghé cảng Hong Kong trong những tuần tới, Chỉ huy Nate Christensen, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết. USS Green Bay là tàu vận tải còn USS Lake Erie là tàu tuần dương thuộc lớp khu trục tên lửa dẫn đường.
“Hải quân Hoa Kỳ có một danh sách dài về các chuyến thăm cảng thành công tới Hong Kong và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục,” theo ông Christ Christensen. “Chúng tôi nghĩ các bạn nên hỏi chính phủ Trung Quốc để biết thêm vì sao họ từ chối yêu cầu thăm cảng của chúng tôi.”
Tàu Hải Dương 8 quay trở lại Bãi Tư Chính
Bãi Tư Chính: “Đã đến lúc VN kiện TQ ra tòa quốc tế”?
Bãi Tư Chính: TQ ‘đẩy vấn đề’ tinh vi hơn
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra cuộc chiến thương mại kéo dài và các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích chiến thuật của cảnh sát Hong Kong chống lại những người biểu tình trong hơn hai tháng qua. Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ kích động biểu tình bạo lực, trích dẫn thông tin liên lạc giữa các quan chức Mỹ và các nhà hoạt động – một cáo buộc mà Washington phủ nhận.
Tổng thống Donald Trump cho biết trong một tweet hôm thứ Ba rằng các báo cáo từ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho thấy chính phủ Trung Quốc đang chuyển quân đến biên giới với Hong Kong, làm dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc can thiệp Hong Kong bằng quân sự.
Tháng 9/2018, Bắc Kinh từng không cho tàu vận tải USS Wasp cập cảng Hong Kong, vài ngày sau khi Washington trừng phạt quân đội Trung Quốc về việc mua vũ khí của Nga.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49340844
Swarovski xin lỗi Trung Quốc
vì đã mô tả Hong Kong là quốc gia
Công ty trang sức Swarovski xin lỗi Trung Quốc vì đã mô tả sai, coi Hong Kong như một quốc gia trên trang web của mình.
Swarovski nói rằng họ “chịu trách nhiệm hoàn toàn” cho lỗi lầm này và đang cập nhật lại thông tin trên các website trên toàn cầu.
Một số công ty đã bị rà soát kỹ lưỡng trong tuần này vì không tuân thủ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
WeChat TQ dùng từ xúc phạm chủng tộc
Chính sách “Một Trung Quốc” là gì?
Trung Quốc đáp trả Mỹ về vụ Lưu Hiểu Ba
Versace đã xin lỗi vào cuối tuần trước, do hình ảnh trên một mẫu áo phông của họ có ngụ ý Hong Kong là một lãnh thổ độc lập.
Mọi việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hong Kong.
Tình trạng bất ổn diện rộng đã làm rung chuyển Hong Kong trong 10 tuần qua và không có dấu hiệu giảm bớt. Các cuộc biểu tình ban đầu xuất phát từ việc phản đối dự luật dẫn độ và đã phát triển thành một phong trào dân chủ quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Swarovski nói trong một bài đăng trên Facebook rằng họ luôn “tôn trọng” chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
“Xem xét những sự việc gần đây ở Trung Quốc, Swarovski hoàn toàn chịu trách nhiệm và xin lỗi chân thành đến người dân Trung Quốc, cũng như các đối tác và Đại sứ thương hiệu của chúng tôi,” bà Jiang Shuying, người đã bày tỏ thất vọng sâu sắc vì thông tin sai lệch về chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, cho biết.
“Chúng tôi đã tăng cường nhận thức thương hiệu toàn cầu của mình và chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét toàn diện các nền tảng kỹ thuật số của mình để khắc phục mọi sự không chính xác.”
Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt trong việc kiểm soát chính sách cách các công ty nước ngoài mô tả Hong Kong, vốn là một đặc khu có quyền tự chủ cao, là một phần của Trung Quốc đại lục.
Tuần này một số công ty nước ngoài đã bị cuốn vào những tranh cãi xung quanh mô tả về lãnh thổ Trung Quốc.
Versace phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc cho chiếc áo phông của mình, và phải thừa nhận đã phạm sai lầm và ngừng bán.
Các thương hiệu thời trang Givenchy và Coach cũng phải đối mặt với những phản ứng dữ dội vì cách họ thể hiện các lãnh thổ Trung Quốc trên các sản phẩm may mặc của mình.
Năm 2018, một số công ty khác bao gồm Marriott và Delta Airlines cũng đưa ra lời xin lỗi sau khi thông tin trên trang web của họ xuất hiện mâu thuẫn với các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49328831
Báo chí Trung Quốc kêu gọi mạnh tay với Hong Kong
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc vào ngày 14 tháng 8 lên tiếng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh đối phó quyết liệt hơn với những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong.
Kêu gọi vừa nêu được đưa ra sau khi xảy ra vụ được nói một phóng viên Trung Quốc bị người biểu tình bắt giữ với cáo buộc là công an chìm.
Bài bình luận đăng trên trang nhất của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, viết rằng ‘Việc sử dụng lưỡi kiếm luật pháp để chặn đứng bạo lực và lập lại kỷ cương là nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp nhất cho Hong Kong hiện nay.
Một bài xã luận khác trên China Daily do một nhà nghiên cứu tại Đại học Thâm Quyến bên Hoa Lục viết thì kêu gọi chính quyền trung ương phải giải quyết vấn đề Hong Kong một cách cương quyết hơn.
Trong khi đó thì những người biểu tình cho rằng họ đang tranh đấu vì sự sói mòn của chính sách ‘một quốc gia, hai thể chế’ được thống nhất từ khi Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tối ngày 13 tháng 8 trong một đoạn viết trên tài khoản Twitter cho biết chính quyền Bắc Kinh cho điều quân đội đến khu vực biên giới đặc khu hành chánh Hong Kong. Ông kêu gọi phải giữ bình tĩnh.
Dữ liệu vệ tinh từ công ty Maxar công bố hôm thứ hai 12/8 cho thấy, khoảng 500 xe quân sự của quân đội Trung Quốc tập trung ở trong và ngoài sân vận động vịnh Thâm Quyến sát biên giới với Hồng Kông.
Cũng tin liên quan, một quan chức Hoa Kỳ giấu tên vào ngày 13 tháng 8 cho biết Trung Quốc từ chối đề nghị cho phép hai tàu Hải quân Mỹ đến thăm Hong Kong trong thời gian tới.
Cụ thể Tàu Vận tại Green Bay đề nghị được đến thăm Hong Kong trong tháng 8 này và tàu có tên lửa dẫn đường Lake Erie thăm Hong Kong vào tháng 9. Phía Trung Quốc chưa nêu lý do cụ thể về việc từ chối đề nghị này của phía Hoa Kỳ.
AFP vào ngày 14 tháng 8 cho công bố kết qủa của một thăm dò mang tính học thuật cho thấy đa số những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong là những thành phần có trình độ đại học, chừng phân nửa những người tham gia ở độ tuổi 20 và hầu như tất cả mọi người đều khinh ghét cảnh sát.
Cuộc thăm dò do những nhà nghiên cứu từ 4 đại học của Hong Kong tiến hành qua điều tra những người tham gia trong 12 cuộc biểu tình từ ngày 9 tháng 6 đến ngày 4 tháng 8 vừa qua. Trong số những người được hỏi có 54% là nam và 46% là nữ.
Kết quả thăm dò cho thấy 87% những người tham gia biểu tình đòi hỏi bãi bỏ dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc, 95% bày tỏ bất mãn đối với cách cảnh sát hành xử với người biểu tình và 92% kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra độc lập.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/up-hk-08142019092831.html
Bắc Kinh: Người biểu tình Hồng Kông
hành xử như “khủng bố”
Chính quyền Bắc kinh hôm nay, 14/08/19, ra thông cáo lên án người biểu tình tại Hồng Kông hành xử không khác gì “khủng bố”.
Người biểu tình hôm qua, 13/08/19, tiếp tục chiếm đóng sân bay quốc tế Hồng Kông khiến hơn 300 chuyến bay bị hủy, sân bay phải đóng cửa. Theo hãng Reuters, cũng trong ngày hôm qua, 13/08/19, một nhóm người biểu tình đã bao vây, trói, và đánh đập hai người Trung Quốc, bị nghi là gián điệp của Bắc Kinh. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định một trong hai người bị đánh là phóng viên của họ. Người còn lại được Bắc Kinh nhận là một dân thành phố Thâm Quyến tới Hồng Kông du lịch.
Bà Từ Lộ Dĩnh, phát ngôn viên Văn phòng phụ trách Hồng Kông và Macao, cho biết : “Chúng tôi muốn lên án mạnh mẽ các hành động như khủng bố này”.
Bà cho rằng những hành động của người biểu tình “làm tổn hại hình ảnh thành phố Hồng Kông một cách nghiêm trọng”, đồng thời yêu cầu là những “hành động phạm pháp này phải bị trừng trị theo đúng luật pháp”.
Đã có thêm 5 người bị cảnh sát bắt giữ hôm nay, nâng con số người biểu tình bị bắt từ tháng 6 lên tới 600.
Một thông điệp tạ lỗi từ những người biểu tình được trưng bày tại sân bay Hồng Kông hôm nay, 14/08/19, cam kết để cho các hành khách được lên máy bay, hỗ trợ các nhân viên y tế và không cản trở công việc của giới báo chí.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190814-bac-kinh-nguoi-bieu-tinh-hong-kong-hanh-xu-nhu-khung-bo
Hoan nghênh thái độ kiên quyết của Manila!
Manila đã kiên quyết cấm tàu khảo sát Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hôm 12/8 Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. thông báo đã thêm Trung Quốc vào danh sách các nước không được phép đưa tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng biển Philippines.
Ngoại trưởng Locsin viết trên Twitter: “Tôi đã cấm các tàu khảo sát hàng hải, sửa đổi hạn chế đối với tàu Pháp và Nhật Bản bằng cách thêm vào Trung Quốc”. Ông tỏ thái độ dứt khoát: việc trao ngoại lệ cho một nước sẽ khiến lệnh cấm bị vô hiệu và gây ra những tiêu cực.
Từ hôm 10/8, ông Locsin cũng đã ra tuyên bố sẽ trao công hàm phản đối về sự hiện diện của 2 tàu khảo sát của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuyên bố của ông đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phản đối sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc trong EEZ của Philippines.
Mặc dù cuối tháng 8 Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tới Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các cơ quan ngoại giao, quốc phòng của Philippines vẫn có những tuyên bố và những hành động rất cứng rắn.
Tổng thống Duterte nói rõ lý do ông tới Bắc Kinh không phải để thăm thú ngoại giao mà là do Trung Quốc trì hoãn bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), gây ra nhiều sự cố trên biển, buộc ông phải gặp ông Tập để tỏ rõ thái độ. Cũng nhân dịp này ông Duterte sẽ bàn về việc thực thi phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài Thường trực LHQ tại Lahaye, kiên quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thời gian qua Tổng thống Durterte đã có nhiều phát ngôn gây sốc đối với dân chúng trong nước. Ông phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích về thái độ sớm nắng chiều mưa, về cách tiếp cận gây tranh cãi với Bắc Kinh, khi ông né tránh đối đầu với các vấn đề gai góc. Trong khi đó Trung Quốc ngày càng hung hăng thực hiện âm mưu bành trướng trên biển. Gần đây nhất là đưa tàu chiến vào khu vực EEZ của Philippines, Việt Nam.
Không chỉ có nguồn tin nội bộ, tuần trước, chuyên gia Ryan Martinson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ đã đăng tải loạt hình ảnh cho thấy hai tàu khảo sát của Trung Quốc là Zhanjian và Dong Fang Hong 3 đã hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Chính phủ Philippines đã trao công hàm phản đối Bắc Kinh vì sự hiện diện của hơn 100 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ trên Biển Đông, mà Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết là đã xảy ra vài lần kể từ tháng 2, gần đây nhất là vào tháng 7. Vụ phản đối mới của Manila là khi 2 tàu khảo sát của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Philippines, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Vì sao Bắc Kinh vẫn phớt lờ sự phản đối của các nước bị họ “bắt nạt”? Họ vẫn cố tình dùng đường 9 đoạn để biện hộ cho hành động xâm lược, dù cái “lưỡi bò” này đã bị cắt. Tòa trọng tài LHQ trong phán quyết ngày 12-7-2016 đã bác bỏ hoàn toàn sự phi lý này.
Là một thành viên UNCLOS, thậm chí từng tham gia dự thảo bộ luật biển này, nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết này. Phán quyết cũng đã nêu rõ không thực thể nào ở Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) có đủ điều kiện để có EEZ riêng, tức viện dẫn pháp lý của Trung Quốc là không có giá trị.
Mặc cho dư luận lên án. Mặc các nước gửi công hàm phản đối, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đưa các loại tàu chiến quần thảo trong “ao nhà” của họ. Ngay như việc Trung Quốc đã đưa tàu hải cảnh ra khỏi Bãi Tư Chính của Việt Nam nhưng đó cũng chỉ là cách thăm dò thái độ và phản ứng của đối phương. Tàu Trung Quốc sẽ quay trở lại, hoặc họ sẽ có những hành động bất ngờ nào đó, như các hoạt động quân sự trên các đảo tôn tạo trái phép, thăm dò dầu khí…
Vì thế việc Philippines tỏ thái độ dứt khoát trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Duterte là hành động tích cực. Trung Quốc là thế, mềm nắn, rắn buông. Những ngọn sóng bất thần sẽ nhấn chìm kẻ ngông cuồng không để anh ta bơi trên mặt nước bình yên quá dễ dàng
http://biendong.net/dam-luan/29818-hoan-nghenh-thai-do-kien-quyet-cua-manila.html
Thái Lan bắt thêm 4 nghi phạm đánh bom
lúc diễn ra hội nghị ASEAN
Hôm 14/8, chính quyền Thái Lan đã ra lệnh bắt thêm bốn người bị tình nghi là thủ phạm của một loạt vụ đánh bom khi thủ đô Bangkok đăng cai hội nghị ngoại trưởng các nước trong khu vực vào đầu tháng này, theo Reuters.
Sáu quả bom nhỏ và sáu thiết bị khác đã phát nổ ngày 2/8 khi các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp tại Bangkok, trong đó cũng có sự hiện diện của các nhà ngoại giao Trung Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc thế giới khác.
Vụ nổ làm bốn người bị thương, và cảnh sát nói rằng họ đang truy lùng ít nhất 15 nghi phạm liên can đến các cuộc tấn công phối hợp mà có thể liên quan đến các vấn đề chính trị.
Ông Krisana Pattanacharoen, phó phát ngôn viên cảnh sát, nói với Reuters rằng lệnh bắt giữ hôm 14/8 đối với bốn nghi phạm với tội danh gồm tội phạm có tổ chức, đốt phá, gây nổ và tàng trữ chất nổ trái phép.
“Sẽ có thêm nhiều lệnh bắt đối với những người khác có liên quan,” ông nói thêm, khi cuộc điều tra còn tiếp tục.
Trước đó, hôm 2/8, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ hai người đàn ông, bị buộc tội đặt bom trước trụ sở cảnh sát Bangkok, một ngày trước khi các vụ nổ đồng loạt xảy ra. Tuy nhiên, cảnh sát nói hai người này đặt bom giả.
Cảnh sát cho biết thêm rằng hai nghi phạm bị giam giữ có liên hệ với các phần tử nổi dậy Hồi giáo Malay ở miền nam Thái Lan, nơi các cuộc nổi dậy bạo động đã làm 7.000 người thiệt mạng kể từ năm 2004 cho đến nay.
Cảnh sát từ chối bình luận về việc bốn người vừa có lệnh bắt hôm 14/8 có liên quan đến các phần tử nổi dậy Malay này hay không.
Ấn Độ nới lỏng các biện pháp hạn chế
tại vùng Cachemire
Chính phủ Ấn Độ hôm qua, 13/08/19, thông báo dần dần nới lỏng các hạn chế tại vùng Cachemire thuộc Ấn, một tuần sau khi New Delhi tước quyền tự trị của vùng này. Tuy vậy, người dân vùng Cachemire vẫn đang bị cô lập với phần còn lại của Ấn Độ, và chính quyền New Delhi lo ngại làn sóng bạo lực sẽ bùng lên do quyết định này.
Thông tin viên Antoine Guinard từ New Delhi cho biết thêm :
“Tuyến đường cao tốc giữa hai thành phố Srinagar và Jammu, thuộc vùng Cachemire Ấn Độ, đã được mở lại. Người dân Cachemire nay có thể tới bệnh viện để được chăm sóc y tế. Các bệnh viện đã có thể tiếp tục dự trữ thuốc men sau khi chính quyền New Delhi giảm nhẹ các hạn chế được ban hành hôm thứ ba.
Cũng trong ngày hôm đó, tòa án tối cao Ấn Độ đã bác đơn kiến nghị yêu cầu khôi phục đường truyền internet và điện thoại tại vùng Cachemire, lấy lý do tình hình tại khu vực này còn « rất nhạy cảm » . Ngoại trừ khu vực Jammu, nơi phần lớn người dân theo đạo Hindu, được phục hồi đường truyền, đa số người dân vùng Cachemire hiện không thể liên lạc với bên ngoài, và các phóng viên ngoại quốc cũng không được phép đi vào khu vực.
Một số người Cachemire tới được Jammu và New Delhi trong vài ngày qua đã phản ánh một bầu không khí khiếp sợ tại đây. Họ cho biết, ngày lễ Aid al-Adha của người Hồi giáo đã diễn ra dưới sự giám sát nghiêm ngặt vào hôm thứ Hai. Hầu hết các nhà thờ Hồi giáo đều phải đóng cửa, và các giáo sỹ Hồi giáo đều nhận lệnh không được nhắc tới việc hủy bỏ điều 370 trong các bài thuyết giáo, nếu không sẽ bị bắt. Bầu không khí hiện tại vô cùng căng thẳng, sự yên bình vào lúc này là do vũ lực áp đặt, và người dân địa phương phần lớn phản đối việc chính quyền thay đổi quy chế của vùng Cachemire.”
Pakistan đề nghị Liên Hiệp Quốc họp khẩn về Cachemire
Bộ Ngoại Giao Pakistan hôm nay, 14/08/19, cho biết ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn về tình hình Cachemire. Trong bức thư yêu cầu cuộc họp, được hãng tin AP trích dẫn, ông Qureshi cáo buộc Ấn Độ áp dụng « tư tưởng phân biệt chủng tộc » lên vùng Cachemire, nhằm biến khu vực này từ phần lớn theo đạo Hồi giáo thành khu vực phần lớn theo đạo Hindu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190814-an-do-noi-long-cac-bien-phap-han-che-tai-vung-cachemire
Pakistan yêu cầu
Hội đồng Bảo an họp về vấn đề Kashmir
Pakistan ngày 13/8 yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp về chuyện Ấn Độ rút lại quy chế đặc biệt của Jammu và Kashmir, khu vực ở Himalaya từ lâu là điểm nóng trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi Ấn Độ quyết định thôi không cho Jammu và Kashmir tự làm luật, và đồng thời cho phép cư dân bên ngoài khu vực được mua tài sản tại đây. Đường điện thoại, mạng lưới internet và truyền hình đã bị chặn kể từ quyết định của Ấn hôm 5/8. Ngoài ra, quyền đi lại và tập hợp cũng bị hạn chế.
“Pakistan sẽ không khiêu khích gây xung đột. Tuy nhiên Ấn Độ không nêu hiểu lầm việc tự chế của chúng tôi là yếu đuối,” Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi viết trong một bức thư gởi Hội đồng Bảo an mà Reuters được xem.
“Nếu Ấn Độ chọn việc sử dụng vũ lực nữa, Pakistan bắt buộc đáp trả, tự vệ, với tất cả mọi khả năng,” Ngoại trưởng Pakistan khuyến cáo và nói thêm rằng Pakistan yêu cầu triệu tập cuộc họp “vì những hậu họa nghiêm trọng đó.”
Hiện chưa rõ 15 thành viên của Hội đồng phản ứng như thế nào trước yêu cầu này. Hôm 10/8, Pakistan thông báo họ được sự ủng hộ của Trung Quốc về việc này.
Khu vực tranh chấp được phân chia giữa Ấn Độ, Pakistan, và Trung Quốc. Ấn cai trị vùng Thung lũng Kashmir dân cư đông đúc và khu vực đông người Hindu sinh sống xung quanh thành phố Jammu. Pakistan kiểm soát một vệt lãnh thổ ở phía Tây. Trung Quốc chiếm giữ một vùng cao dân cư thưa thớt ở phía Bắc.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi Ấn Độ và Pakistan tự chế không có bước đi nào ảnh hưởng đến quy chế đặc biệt của Jammu và Kashmir. Ông Antonio Guterres cũng nói ông quan ngại trước những báo cáo về những hạn chế tại vùng Kashmir thuộc Ấn Độ.