Tin khắp nơi – 13/08/2019
Mỹ tham khảo ý kiến đồng minh
để triển khai tên lửa ở châu Á
Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết Washington đang tham khảo ý kiến của các đồng minh trong khi tiến hành kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á, một động thái mà Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả, theo AP.
Washington cho biết là đang có kế hoạch lắp đặt những vũ khí đó ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Hoa Kỳ cáo buộc Nga, nước đã ký kết hiệp ước INF, là gian lận khi phát triển các hệ thống vũ khí bị cấm trong hiệp ước.
Trả lời phỏng vấn báo chí qua điện thoại hôm 13/8, Bà Andrea Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, nói rằng các chính phủ sẽ quyết định liệu có nên cho phép lắp đặt tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ hay không.
“Đây là một quyết định của một nước có chủ quyền, do các lãnh đạo của chính phủ đó đưa ra” bà Thompson nói.
“Bất kỳ quyết định nào đưa ra trong khu vực sẽ được thực hiện qua sự tham khảo ý kiến của các đồng minh của chúng tôi – đây không phải là một quyết định đơn phương của Hoa Kỳ,” bà Thompson nói thêm.
Các đồng minh đã ký hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, được coi là các nước chủ yếu có thể thiết đặt hệ thống tên lửa, mặc dù Bắc Kinh cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào chấp nhận dàn xếp đó, sẽ phải đối mặt với biện pháp trả đũa của Bắc Kinh, có phần chắc là dưới hình thức tẩy chay kinh tế hoặc các chế tài tương tự, theo AP.
Trong khi quyết định của Hoa Kỳ rút ra khỏi INF đã đẩy tương lai của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai vào thế bất định, bà Thompson nói hành động này đã nhận được “phản ứng tích cực từ các đối tác và đồng minh trên toàn cầu, không chỉ các đối tác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mà thôi, mà cả đối tác NATO nữa.”
Sau Hạ viện, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ
cũng lên án tàu TQ hoạt động phi pháp ở Biển Đông
Hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc ở trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và việc triển khai các tàu hải cảnh là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp áp chế để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Risch; Thượng nghị sĩ Bob Menendez; Thượng nghị sĩ Cory Gardner và Thượng nghị sĩ Edward Markey thuộc Tiểu ban các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương (1/8) đã ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Risch cho biết, hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc ở trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và việc triển khai các tàu hải cảnh là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp áp chế để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Theo Thượng nghị sĩ Jim Risch, việc xác định cụ thể các biện pháp để đẩy lùi những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông nên là trọng tâm chương trình nghị sự của Mỹ trong các cuộc gặp với ASEAN tuần này tại Bangkok. Ngoài vai trò của Mỹ, điều quan trọng là các đối tác trong khu vực, nhất là ASEAN cần sát cánh bên nhau và vững vàng trước sự áp chế của Trung Quốc. Nếu không có sự phản đối mạnh mẽ với kiểu hành xử này, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động trái phép ở Biển Đông, làm suy yếu các lợi ích chung của Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cũng như thượng tôn pháp luật.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez cho rằng, điều quan trọng là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành xử của họ ở Biển Đông. Chúng ta cần một chiến lược phản ánh những lợi ích sâu sắc và lâu dài của Mỹ khi hợp tác với các đồng minh và đối tác để giúp xây dựng Biển Đông thành nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải được đảm bảo, các dòng chảy thương mại tự do, các tổ chức đa phương trong khu vực là trung tâm và các nước trong khu vực không bị áp chế.
Theo Thượng nghị sĩ Cory Gardner, việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và các hành động gây hấn với những quốc gia tuyên bố chủ quyền khác là bất hợp pháp, gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh mong đợi Ngoại trưởng Pompeo sẽ dùng cơ hội này để nhấn mạnh rằng Mỹ luôn sát cánh với các đối tác ASEAN, đồng thời kêu gọi một chính sách phối hợp trong khu vực nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Edward Markey cho rằng, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông – một trong những vùng biển quan trọng nhất hành tinh – gây bất ổn sâu sắc; khẳng định ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao để duy trì hòa bình tại đây và ủng hộ các đồng minh Đông Nam Á cũng như đối tác thực hiện các nỗ lực của họ, bao gồm cả ở Diễn đàn khu vực ASEAN tuần này. Theo Thượng nghị sĩ Edward Markey, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đã ra phán quyết rõ ràng rằng việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, và tất cả phải tôn trọng tự do hàng hải.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel (26/7) đã ra Tuyên bố về sự can thiệp trái phép của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam. Tuyên bố trên chỉ trích việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy bố cho biết: “Sự hung hăng gần đây ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong EEZ; cho biết, tuần trước, khi có các thông tin về các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc vào vùng EEZ của Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã cố tình bỏ qua. Hành vi gây rối này là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Cũng quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đã đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động ở khu vực”. Theo ông Eliot L.Engel, những sự việc như vậy chứng tỏ sự ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, tuyên bố nhấn mạnh: “Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác khác của chúng ta trong khu vực để lên án hành động hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc
rút ngay lập tức bất kỳ và toàn bộ các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng, và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này”.
Việc giới nghị sĩ Mỹ đồng loạt đưa ra các tuyên bố phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đã điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, cùng hàng chục tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trước hành động phi pháp này của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (31/7) nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (19/7) nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Như đã khẳng định tại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16/7, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.
Đối thoại “2+2” giữa Mỹ và Australia quan ngại
sâu sắc về các hành động phi pháp
của TQ ở Biển Đông
Hôm 4/8, Mỹ và Australia đã tổ chức cuộc Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng (Đối thoại “2+2”) tại thành phố Sydney, Australia để thảo luận về các vấn đề chiến lược nhằm thúc đẩy quan hệ đồng minh. Đáng chú ý, hai bên đã thảo luận về vấn đề Biển Đông và cùng quan ngại về các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở khu vực hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynold cho biết, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang “thịnh vượng hơn nhưng cũng đồng thời lo lắng nhiều hơn”. Một trong những lo lắng đó xuất phát từ những mối đe dọa đến tự do hàng hải. Bộ trưởng Linda Reynold nói “hôm nay chúng tôi cũng chia sẻ sự lo lắng về mối đe dọa đến tự do hàng hải cũng như việc cản trở đối với tuyến đường giao thương quốc tế tại vùng biển chiến lược ở Trung Đông cũng như ở trong khu vực, trong đó có Biển Đông”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định, cả Mỹ và Australia đều lo ngại trước những hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như những bẫy nợ mà Trung Quốc đang tạo ra với các quốc gia khu vực này. “Chúng tôi đều bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa và xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông. Chúng tôi cũng đồng thời theo dõi đến các khoản đầu tư đẩy bạn bè của chúng tôi vào tình trạng nợ nần”, ông Mike Pompeo cho biết
Thông cáo báo chí chung mà Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia cho biết, tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Australia và Mỹ hai bên thảo luận về nhiều vấn đề trong đó tập trung vào “hợp tác giữa Australia và Mỹ tại khu vực Đông Nam Á cũng như Tây Nam Thái Bình Dương”. Đồng thời, hai bên cũng thảo luận về tăng cường can dự của Australia tại Thái Bình Dương, mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự, chống khủng bố và các hình thức bạo lực cực đoan trên mạng cùng với một số vấn đề quan trọng của khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Maris Payne khẳng định sự hiện diện của quân đội Mỹ là đảm bảo an ninh quan trọng đối với khu vực: “Sự hiện diện của Mỹ và quân đội của nước này tại khu vực đã góp phần tạo nên sự ổn định của khu vực trong suốt nhiều thập kỷ và Australia tiếp tục chào đón sự có mặt của Mỹ cũng như quân đội của nước này”. Australia là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bắt đầu từ năm 1985, hai nước đã hình thành cơ chế họp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng thường niên để tăng cường trao đổi và thắt chặt mối quan hệ đồng minh lâu đờiAustralia là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bắt đầu từ năm 1985, hai nước đã hình thành cơ chế họp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng thường niên để tăng cường trao đổi và thắt chặt mối quan hệ đồng minh lâu đời
Hội nghị thường niên giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Australia và Mỹ năm 2019 thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh Mỹ đang xây dựng liên minh hải quân để tuần tra tại eo biển Hormuz ở Trung Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynold cho biết, Mỹ đã đưa ra đề nghị này song Australia đang cân nhắc và chưa có quyết định cuối cùng. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Australia đang phát triển thuận lợi và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận với Australia về việc sẽ tăng quân số lên 2.500 lính tại khu vực phía Bắc của Australia, gần với khu vực Đông Nam Á.
‘Quân bài’ của ông Trump
không hiệu quả trong thương chiến
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến mà sau cùng có thể trở thành một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Nhà bình luận Fareed Zakaria của báo Washington Post nhận định: Các loại thuế không hiệu quả. Trong nhiều thập niên gần đây, nỗ lực đã được đổ dồn để giúp các ngành công nghiệp bị suy yếu ở Mỹ. Theo ông Zakaria, không có trường hợp nào mà các loại thuế có thể giúp khôi phục những ngành đã suy yếu, ngoại trừ suy yếu là tạm thời.
Cùng xem ví dụ gần đây nhất, trước thời của ông Trump. Đó là khi các loại thuế được Tổng thống Barack Obama áp lên bánh xe. Năm 2009, sau khi các công ty Mỹ phàn nàn về các bánh xe Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ, chính phủ của Tổng thống Obama đã áp đặt mức thuế 35% với bánh xe Trung Quốc. Khoảng 1.200 công việc trong ngành sản xuất bánh xe đã được cứu vãn, theo Viện Peterson.
Tuy nhiên, theo ước tính của Viện Peterson, người tiêu dùng phải trả hơn 1,1 tỷ USD do giá thành tăng, khiến 3.700 công việc trong ngành bán lẻ bị mất. Số tiền tiết kiệm được đối với mỗi việc làm trong ngành sản xuất bánh xe là gần 1 triệu USD. Nhưng sau đó Trung Quốc trả đũa thuế đối với các nhà sản xuất thịt gà của Mỹ và việc này dẫn đến thiệt hại là 1 tỷ USD, Viện Peterson cho biết.
Vậy, tác động lâu dài ra sao? Năm 2008, có 60.000 người Mỹ làm việc trong ngành công nghiệp bánh xe. Song, năm 2017, con số này là 55.000.
Vào những năm 1980, khi người Mỹ lo sợ Nhật tàn phá kinh tế Mỹ bằng các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ, Robert E. Lighthizer – nhà đàm phán thương mại hàng đầu Mỹ, phó phụ trách thương mại của chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đã đưa ra một loạt rào cản thương mại nhằm cắt giảm hàng hoá nhập khẩu từ Nhật như ô tô và thép.
Douglas A. Irwin, thuộc Viện Peterson cho biết, có hai nghiên cứu toàn diện của Uỷ ban thương mại quốc tế và Văn phòng ngân sách nghị viện (CBO) kết luận rằng các biện pháp trên không hiệu quả. Kết luận của CBO rất đơn giản: “Các hạn chế thương mại không đạt được mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh quốc tế của các ngành công nghiệp có liên quan”.
Liên quan tới thuế nhôm và thép dưới thời Tổng thống Donald Trump, Liên minh các nhà sản xuất Mỹ ủng hộ thuế cho hay, có 12.700 việc làm đã được cứu hoặc bổ sung. Tuy nhiên, Viện Peterson tính toán được rằng giá thép cao khiến các công ty Mỹ (vốn phải mua thép như đầu vào cho sản phẩm của mình) tốn 11,5 tỷ USD/năm. Ngành sản xuất nhôm của Mỹ cũng khởi sắc chút ít nhưng vẫn thấp hơn mức hồi 2015.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29802-quan-bai-cua-ong-trump-khong-hieu-qua-trong-thuong-chien.html
Bộ Ngoại giao Mỹ:
Chính quyền TQ là ‘chế độ côn đồ’
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm (8/8) đã gọi chính quyền Trung Quốc là một “chế độ côn đồ” vì đã tiết lộ những bức ảnh và thông tin cá nhân của một nhà ngoại giao Mỹ từng gặp gỡ các thủ lĩnh sinh viên của phong trào dân chủ Hồng Kông.
SBS trích dẫn tuyên bố của nữ phát ngôn viên Morgan Ortagus trong cuộc họp báo hôm thứ Năm: “Tôi không nghĩ rằng việc rò rỉ thông tin cá nhân của một nhà ngoại giao Mỹ, các bức ảnh, danh tính con cái họ, tôi không nghĩ đó là một cách phản kháng chính thống, đó là cách mà một chế độ côn đồ sẽ làm”.
Cô nói thêm: “Đó không phải là cách thức mà một quốc gia có trách nhiệm sẽ hành xử”.
Cô Ortagus đã không nêu tên nhà ngoại giao Mỹ được đề cập, cũng không cho biết thêm những thông tin hay danh tính trẻ em nào đã bị tiết lộ.
Bình luận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra khi Trung Quốc yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ trú tại Hồng Kông “ngừng can thiệp” vào các vấn đề của thành phố. Trước đó, giới truyền thông thuộc kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin các nhà ngoại giao Mỹ đang liên lạc với các thủ lĩnh sinh viên của các cuộc biểu tình gây chấn động Hồng Kông trong 9 tuần qua, theo Reuters.
Tờ báo Hồng Kông Ta Kung Pao thân Bắc Kinh đã đăng một bức ảnh chụp một nhà ngoại giao Mỹ, có tên Julie Eadeh thuộc bộ phận chính trị của lãnh sự quán Hoa Kỳ, nói chuyện với các nhà lãnh đạo sinh viên trong sảnh của một khách sạn sang trọng. Bức ảnh xuất hiện dưới tiêu đề “Thế lực nước ngoài can thiệp”.
Theo SCMP, báo Ta Kung Pao đã đăng bài báo công bố một bài báo đăng thông tin cá nhân của cô Eadeh, trong đó gồm cả danh tính các con cô.
Một trong các nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã gặp cô Eadeh là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), sinh năm 1996, người nổi tiếng trong phong trào dân chủ Ô (umbrella) tại Hồng Kông năm 2014.
Đáp lại cáo buộc của Trung Quốc, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với AFP rằng các đại diện của chính phủ Hoa Kỳ “thường xuyên gặp gỡ một bộ phận lớn người dân trên khắp Hồng Kông và Ma Cao”.
Những diễn biến phát ngôn từ chính quyền Tổng thống Trump và Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh hai nước đang gia tăng căng thẳng xoay quanh một cuộc chiến tranh thương mại, tình trạng cạnh tranh quân sự ở phía tây Thái Bình Dương, và những chủ đề tranh chấp khác, theo Reuters.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã gọi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ là “bàn tay đen đằng sau hậu trường tạo ra sự hỗn loạn ở Hồng Kông”.
Theo Reuters, thuật ngữ này cũng từng được sử dụng để chống lại các nhà lãnh đạo phong trào biểu tình Thiên An Môn năm 1989 mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đáp trả bằng một cuộc thảm sát.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29797-bo-ngoai-giao-my-chinh-quyen-tq-la-che-do-con-do.html
Tổng thống Trump cân nhắc việc bổ nhiệm
đặc phái viên Bắc Hàn làm đại sứ tại Nga
Vào hôm thứ Hai (12/8), một nguồn tin trong cuộc cho biết ông Stephen Biegun- nhà ngoại giao đang dẫn đầu nỗ lực hồi sinh các cuộc đàm phán giải trừ nguyên tử của Hoa Kỳ với Bắc Hàn- hiện đang được xem xét để trở thành đại sứ tiếp theo tại Nga.
Hồi tuần trước, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ hiện tại ở Moscow- ông Jon Huntsman- sẽ từ chức vào tháng 10 sau hai năm tại vị. Có suy đoán rằng ông dự định sẽ tham gia tranh cử chức thống đốc bang Utah.
Vào hôm thứ Sáu (9/8), hãng tin Vox đã trích lời hai nguồn tin quen thuộc nội bộ của Tòa Bạch Ốc, đưa tin rằng ông Biegun, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Bắc Hàn, rất có thể sẽ được tổng thống Donald Trump giao cho trọng trách tại Moscow. Bộ Ngoại giao cho biết họ hiện vẫn chưa có thông báo hành chính nào để công bố.
Nếu nhận được chức vụ tại Moscow, ông Biegun sẽ để lại một lỗ hổng đáng kể trong nỗ lực của Hoa Kỳ để nối lại các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ vũ khí nguyên tử, một ưu tiên trong chính sách của tổng thống Trump. Ông Biegun đã dẫn đầu các cuộc đàm phán cấp sự vụ của Hoa Kỳ với Bắc Hàn trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại Hà Nội hồi tháng Hai. (Mộc Miên)
Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ
tăng kỷ lục- chi tiêu về y tế và quân sự tăng
Chính sách giảm thuế để kích thích kinh tế tăng trưởng của tổng thống Trump đang ngày càng lộ rõ nhược điểm: thâm thủng ngân sách đang ở mức kỷ lục do mất nguồn thu và tăng chi tiêu chính phủ.
Vào hôm thứ Hai (12 tháng 8), thâm hụt của chính phủ Hoa Kỳ đã lên 120 tỷ Mỹ kim vào tháng 7, do tăng chi tiêu trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hoạt động quân sự. Trước đó, quy mô thâm hụt đã được Reuters dự báo từ trước trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích.
Bộ Tài chính cho biết chi tiêu liên bang trong tháng 7 là 371 tỷ Mỹ kim, tăng 23% so với cùng thời kỳ năm 2018, trong khi các khoản thu là 251 tỷ Mỹ kim, tăng 12% so với tháng 7 năm 2018. Mức thâm hụt tính đến nay đã lên đến 867 tỷ Mỹ kim so với 684 tỷ Mỹ kim vào năm 2018.
Vị thế tài chính của chính phủ Hoa Kỳ đã giảm kể từ năm 2016, do sự già hóa dân số, dẫn đến việc ngày càng nhiều người ghi danh chương trình bảo hiểm y tế liên bang Medicare dành cho người già.
Chi tiêu quân sự gia tăng cũng đã thúc đẩy thâm hụt dưới thời tổng thống Trump. Đầu tháng này, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật ngân sách kéo dài hai năm. Dự luật sẽ tăng chi tiêu liên bang cho quốc phòng và các chương trình khác ở Hoa Kỳ. Điều này càng làm gia tăng đáng kể khoản nợ của chính phủ Hoa Kỳ. Vào tháng 7, Washington đã chi 53 tỷ Mỹ kim cho các hoạt động quốc phòng, tăng từ 43 tỷ Mỹ kim so với năm 2018.
Chi tiêu cho Medicare cũng tăng từ 34 tỷ Mỹ kim lên 66 tỷ Mỹ kim. Một viên chức Bộ Tài chính cho biết, vào tháng trước, thâm hụt ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ sau khi được điều chỉnh theo lịch kinh tế là 129 tỷ Mỹ kim, trong khi mức thâm hụt được điều chỉnh vào tháng 7 năm 2018 là 122 tỷ Mỹ kim.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo trước điều này. Theo họ, việc giảm thuế là điều tổng thống nào cũng muốn làm vì dễ được lòng dân. Nhưng việc giảm thuế mà không bị thâm thủng ngân sách mới là điều khó. Do đó, việc kinh tế Hoa Kỳ phát triển kéo dài hiện nay không phải là một điều hoàn toàn đáng lạc quan. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tham-hut-ngan-sach-hoa-ky-tang-ky-luc-chi-tieu-ve-y-te-va-quan-su-tang/
Truy tố người bạn của tay súng Dayton
đã mua áo giáp, băng đạn dùng trong vụ thảm sát
Tin KTLA vào hôm thứ Hai (12 tháng 8): Tòa án sẽ truy tố một người bạn lâu năm của nghi can nổ súng ở Dayton Ohio. Người này đã mua áo giáp, một băng đạn 100 viên, và một bộ phận của khẩu súng được sử dụng trong vụ tấn công thảm sát ngày 4 tháng 8. Nhưng không có dấu hiệu cho thấy người này biết nghi can đang lên kế hoạch cho vụ giết người.
Ethan Kollie nói với các điều tra viên rằng anh đã giúp nghi can Connor Betts lắp ráp khẩu súng AR-15 khoảng 10 tuần trước. Theo hồ sơ tòa án, Kollie lần đầu nói chuyện với các điều tra viên chỉ vài giờ sau vụ tấn công. Anh kể lại đã mua áo giáp, băng đạn và phần vỏ kim loại nòng súng (upper receiver), đồng thời giữ tất cả tại nhà của mình để giấu cha mẹ anh Betts.
Các điều tra viên liên bang nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy anh Kollie biết anh Betts sẽ sử dụng khẩu súng như thế nào, hay anh Kollie cố tình tham gia vào kế hoạch.
Theo KTLA, cáo buộc được đưa ra khi các công tố viên tiết lộ những tội danh chống lại Kollie, nhưng các tội danh này không liên quan đến vụ nổ súng ngày 4 tháng 8. Các công tố viên cáo buộc anh Kollie nói dối về việc không sử dụng cần sa trong tờ đơn ghi danh mua khẩu súng lục, nhưng khẩu súng này không được sử dụng trong vụ nổ súng ở Dayton. Theo luật, người sở hữu vũ khí khi đang sử dụng chất kích thích bất hợp pháp có thể chịu án tù 10 năm. Còn tội khai man liên quan đến súng có thể bị kết án tối đa 5 năm tù.
Cảnh sát cho biết lý lịch của hung thủ Betts đủ để cho phép y tự mua khẩu súng. Khẩu súng được mua trên mạng từ một đại lý ở Texas, và được chuyển đến một đại lý khác ở Dayton. (Mộc Miên)
FBI lục soát nhà riêng
của tỷ phú Jeffrey Epstein tại quần đảo Virgin
Theo tin từ Fox news, FBI thông báo cảnh sát đang có mặt tại nhà riêng của tỷ phú Jeffrey Epstein trên đảo Little Saint James thuộc quần đảo Virgin, nhưng không cung cấp chi tiết.
Ông Epstein được biết đến là người sở hữu khối tài sản khổng lồ ở Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ. Một nhân viên làm việc ở đó tiết lộ vị tỷ phú này giữ một két sắt bí ẩn bên trong căn nhà. Theo thông tin người này cung cấp cho Bloomberg, trong phòng làm việc của ông Epstein có chiếc két sắt không chỉ lưu giữ tiền mặt.
Theo Cơ quan Nhà tù Liên bang, hôm thứ Bảy (10 tháng 8), ông Epstein đã tử vong tại phòng giam thuộc Trung tâm Cải tạo Metropolitan, nguyên nhân tử vong ban đầu được cho là do tự sát. Ông Epstein tử vong sau khi tù nhân cùng phòng giam được chuyển đi vì một lý do không rõ. Theo báo cáo, ông Epstein đã treo cổ trong phòng giam bằng một tấm ga trải giường buộc quanh cổ và buộc trên đầu giường.
Sau khi mua hòn đảo Little St. James từ hai thập kỷ trước, ông Epstein đã xây dựng hòn đảo này bằng cách đốn hạ cây địa phương, trồng xung quanh căn nhà những cây cọ cao chót vót và treo hai lá cờ Hoa Kỳ ở hai đầu. Người nhân viên nói chuyện với Bloomberg cho biết khi ông Epstein đến thăm khu nhà, ông có một quy tắc rằng các nhân viên không được phép xuất hiện trước mặt ông. Người này tiết lộ đôi khi một số phụ nữ tắm nắng bán khỏa thân hoặc khỏa thân xung quanh hồ bơi gần khu nhà chính của đảo. Ngoài ra, người này cũng nhìn thấy một số ít phụ nữ trẻ trong nhà, nhưng tin rằng họ đều trên 18 tuổi. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/fbi-luc-soat-nha-rieng-cua-ty-phu-jeffrey-epstein-tai-quan-dao-virgin/
Mỹ: Giới chức phụ trách an toàn xe cộ từ chức
Bộ Giao thông Mỹ hôm 12/08 thông báo bà Heidi King, quan chức cấp cao phụ trách an toàn xe cộ của Mỹ, sẽ rời chức cuối tháng này.
Bà Heidi King, quyền trưởng Cục An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia (NHTSA), được Tổng thống Trump đề cử làm lãnh đạo chính thức của cơ quan này nhưng chưa được Thượng viện chuẩn thuận.
Bà King sẽ chính thức rời nhiệm sở vào ngày 31/08. Thay thế bà là ông James Owens, phó cố vấn của Bộ.
Thông tin về việc bà King từ nhiệm bắt đầu xuất hiện hồi tuần trước.
NHTSA là một phần của Bộ Giao thông, trông coi các hoạt động thu hồi xe vì lí do an toàn và quản lý các quy định về tiết kiệm nhiên liệu.
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-chuc-phu-trach-an-toan-xe-co-my-tu-chuc/5039848.html
Giới học thuật Mỹ lên án
việc ‘nhắm mục tiêu’ học sinh, học giả TQ
Gần 20 tổ chức tại Mỹ ngày 12/08 ra tuyên bố chống lại tình trạng ‘nhắm mục tiêu’ dựa trên sắc tộc, đáp lại việc chính phủ Hoa Kỳ thúc giục các trường đại học tăng cường giám sát các sinh viên cũng như học giả gốc Trung Quốc xuất phát từ quan ngại rằng họ có thể lấy cắp thông tin cho chính quyền Bắc Kinh, theo tờ South China Morning Post.
Các cơ quan tình báo tại Hoa Kỳ, bao gồm Cục Điều tra Liên bang (FBI), trong vài tháng gần đây, yêu cầu các cơ sở nghiên cứu của một số trường đại học phát triển những qui trình nhằm giám sát sinh viên và học giả đến từ các viện nghiên cứu có liên kết với nhà nước Trung Quốc.
Trong thư ngỏ thúc giục chính quyền ‘thận trọng’, 19 trường đại học và các hiệp hội như Hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ, Hội Các trường Cao đẳng và Đại học Hoa Kỳ …, nói chính quyền Mỹ có lí do chính đáng khi quan ngại rằng thể chế toàn trị của Bắc Kinh, với sự giúp sức của công nghệ, đang ngày càng vươn ra thế giới. Tuy nhiên, thư ngỏ nhấn mạnh rằng chuyện “giám sát các cá nhân dựa vào nguyên quán của họ là vi phạm các tiêu chuẩn về tố tụng hợp pháp và đáng báo động trong một nền dân chủ.”
Ngụ ý nhắc tới việc Bắc Kinh giám sát chặt chẽ công dân, thư nêu rõ: “Nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa độc tài vươn cánh tay ra toàn cầu không thể bắt chước những chiêu trò mà họ muốn bài bác.”
Lời cảnh báo chống lại việc ‘nhắm mục tiêu’ dựa trên màu da sắc tộc này được đưa ra trong bối cảnh những quan ngại ngày càng tăng về việc chính phủ Trung Quốc ăn cắp dữ liệu cũng như tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ thông qua những gián điệp cài bên trong hệ thống giáo dục cấp cao của Mỹ.
Trong một vài tháng gần đây, đã xuất hiện một số trường hợp bị sa thải trong giới học thuật ở Mỹ. Hồi tháng 5, cặp vợ chồng nghiên cứu thần kinh học là Li Xiaojiang và Li Shihua đã bị trường đại học Emory tại Georgia sa thải vì cáo buộc không khai báo những nguồn tài trợ có liên quan tới Bắc Kinh.
Ba nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa khác hồi tháng 4 bị Trung tâm Nghiên cứu Ung thư MD Anderson đuổi việc vì cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.
Một số nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa cho biết họ cũng bị FBI gọi hoặc tới gặp dù không hề có bất kì cáo buộc phạm tội nào.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa bị đưa vào danh sách theo dõi hay bắt giữ, nhiều người lo sợ rằng nhóm này đang bị cô lập một cách bất công và trở thành nạn nhân của những “gấu ó” giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh những vấn đề liên quan đến thương mại, kĩ thuật và an ninh quốc gia.
Trước thư ngỏ vừa kể, 15 trường đại học tại Mỹ, trong đó có trường Yale, Columbia và Stanford, đã đưa ra những tuyên bố ủng hộ những học giả và nhà nghiên cứu gốc Hoa.
Kể từ năm ngoái, các nhân viên FBI đã đến gặp ít nhất 10 thành viên trong Hội Các trường Đại học Mỹ, một nhóm gồm 62 trường đại học nghiên cứu trên cả nước.
Trong bức thư công bố hôm 12/08, các hiệp hội này kêu gọi các trường đại học “quyết liệt bảo vệ tính độc lập của mình – nhằm duy trì cam kết tự do học thuật.”
Các hội này cũng thúc giục các cơ quan công quyền sử dụng những hình thức khác – ví dụ như công bố những yêu cầu, chia sẻ thông tin và thực thi kiểm soát xuất khẩu – để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi tình trạng bị ăn cắp sản phẩm trí tuệ cũng như gián điệp, thay vì phủ bóng hoài nghi lên hàng trăm ngàn du học sinh và học giả.
Trong thư, các tổ chức này cũng khẳng định, nếu không được tiến hành cẩn thận, động thái này của chính phủ Hoa Kỳ có thể “ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đào tạo các nhà khoa học mới và gây phương hại tới những dự án đang được triển khai.”
“Việc theo đuổi kiến thức khoa học cần được tiến hành dưới điều kiện tự do học thuật, mà không bị ngăn trở bởi bất kì yếu tố chính trị hay ý thức hệ nào,” thư ngỏ nhấn mạnh.
Mỹ: Donald Trump bắt đầu
nhắm vào người nhập cư hợp pháp
Tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump giờ đây bắt đầu chĩa mũi dùi vào những người nhập cư hợp pháp. Nhà Trắng vào hôm qua, 12/08/2019, thông báo là quốc tịch Mỹ và Thẻ Xanh sẽ không được cấp cho những ai đang hưởng trợ cấp xã hội.
Theo thông tín viên RFI Loubna Anaki tại New York, đây là một biện pháp đánh vào tầng lớp nghèo:
« Hoa Kỳ muốn tiếp đón những người nhập cư có khả năng lo liệu cho mình, những người không phải là gánh nặng đối với đất nước ». Trên đây là tuyên bố của giám đốc Cơ Quan Di Trú Mỹ.
Nói một cách cụ thể, nếu một người muốn xin nhập cư vào Mỹ mà không có đủ phương tiện tài chính, thì đơn xin visa sẽ bị bác bỏ. Còn nếu người đó đã ở trên đất Mỹ, nhưng lại được trợ cấp xã hội, như tem phiếu lương thực hay trợ cấp về nhà ở, thì quốc tịch và Thẻ Xanh sẽ bị từ chối.
Mức thu nhập vốn đã nằm trong nhiều tiêu chí mà chính quyền Mỹ dựa vào, nhưng giờ đây đã trở thành nhân tố mang tính quyết định.
Đây là biện pháp do ông Stephen Miller, cố vấn về nhập cư của tổng thống Trump, đưa ra, được mệnh danh là « Gánh nặng đối với xã hội ». Khái niệm này đã có trong luật pháp, nhưng chưa bao giờ được định nghĩa rõ ràng, để ngỏ cho các quyết định căn cứ theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.
Đối với Nhà Trắng, biện pháp hạn chế vừa ban hành có mục tiêu « bảo vệ người đóng thuế Mỹ và dành trợ cấp xã hội cho những người Mỹ bị khó khăn ».
Biện pháp sẽ được áp dụng trong 60 ngày tới và rõ ràng nhắm vào tầng lớp nghèo. Thông báo đã khiến các tổ chức bảo vệ người nhập cư phẫn nộ, vì bị cho là một quyết định có tính kỳ thị. Các tổ chức này muốn đưa vấn đề ra kiện lên Tư Pháp. Theo một số tổ chức, gần 26 triệu người nhập cư hợp pháp sẽ bị liên lụy.
Một số nhà bình luận xem quyết định của chính quyền Trump đi ngược lại hình ảnh của một đất nước bao dung, như dòng chữ được ghi trên tượng Nữ Thần Tự Do, mở đầu bằng « Hãy cho ta những người nghèo… »
Thêm cả trăm thuyền nhân được vớt
trên Địa Trung Hải
Chiếc tàu Ocean Viking của 2 tổ chức từ thiện Pháp, SOS Địa Trung Hải và Y Sỹ Không Biên Giới, hôm qua 12/08/2019, đã cứu thêm 105 người tị nạn trên biển Địa Trung Hải, khiến tổng số thuyền nhân trên tàu lên tới 356 người.
Theo AFP, đây là cuộc giải cứu thứ 4 trong vòng 4 ngày của tàu Ocean Viking. Chiếc tàu được thiết kế để chứa từ 200 tới 250, nhưng theo hai tổ chức từ thiện Pháp vận hành tàu, con số thuyền nhân trên tàu có thể lên tới hơn 356 người.
Hai tổ chức từ thiện nói trên cho biết khí hậu biển Địa Trung Hải hiện đang thuận lợi, tạo điều kiện cho số người tị nạn từ Libya đi theo đường biển tăng cao. Thêm nữa, do ngày lễ Aid al-Adha của người Hồi Giáo chính thức bắt đầu vào ngày Chủ Nhật, 11/08/2019, mức độ kiếm soát an ninh ngoài khơi Libya giảm xuống.
Cũng trong khu vực biển Địa Trung Hải, chiếc tàu Ocean Arms của tổ chức từ thiện Tây Ban Nha Proactiva hiện đang chở 150 thuyền nhân. Tổ chức này hôm qua đã kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha cho phép 31 vị thành niên trên tàu được lên bờ.
Hy Lạp quá tải
Tại Hy Lạp, số người nhập cư tăng cao khiến quốc gia này quá tải. Chính phủ Hy Lạp hôm qua, 12/08/2019, kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu phân chia số lượng người nhập cư một cách công bằng hơn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190813-dia-trung-hai-hon-500-nguoi-nhap-cu-lenh-denh-tren-bien
Tàu chiến Anh gia nhập
sứ mạng hộ tống tàu dầu ở Vùng Vịnh
Tàu chiến HMS Kent của Anh hôm 12/08 khởi hành tới Vùng Vịnh gia nhập sứ mạng do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ các tàu vận chuyển thương mại đi qua khu vực, trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang giữa Iran với các quốc gia phương Tây.
Diễn biến này xảy ra sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Anh tại Eo biển Hormuz. Hôm 04/07, lực lượng thủy quân lục chiến Anh bắt giữ một tàu Iran, bị nghi chở lậu dầu tới Syria, ngoài khơi bờ biển Gibraltar.
“Trọng tâm của chúng tôi ở Vùng Vịnh là kiên quyết giảm căng thẳng hiện nay,” Andy Brown, sĩ quan chỉ huy tàu chiến HMS Kent cho biết.
“Nhưng chúng tôi dốc sức gìn giữ quyền tự do hàng hải và bảo vệ tuyến vận chuyển quốc tế, và đó chính là mục tiêu của đợt triển khai hoạt động này.”
Việc điều động tàu HMS Kent được công bố lần đầu tiên hồi tháng trước và tàu sẽ giúp giải tỏa bớt áp lực cho Duncan, một tàu chiến khác của Anh đang hoạt động trong khu vực.
Bí ẩn tên lửa:
Nga đang thử nghiệm vũ khí gì ở Bắc Cực?
Năm kỹ sư hạt nhân Nga thiệt mạng trong một vụ nổ động cơ tên lửa đã được chôn cất tại Sarov, một thị trấn tách biệt, nằm cách khoảng 373km về phía đông Moscow, nơi sản xuất đầu đạn hạt nhân.
Cơ quan hạt nhân nhà nước Nga, Rosatom, cho biết các chuyên gia lúc đó đang thử nghiệm động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết thông tin kỹ thuật chi tiết.
Vụ thử nghiệm diễn ra trên một cơ sở ngoài khơi ở Bắc Cực, tại bãi thử nghiệm của hải quân Nga.
Mỹ nghi vụ nổ ở Nga xuất phát từ thử tên lửa hành trình dùng năng lượng hạt nhân
Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân, đổ lỗi cho Nga
NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước tên lửa
Nga trước đó đã thử một tên lửa tuần du chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên là ‘Burevestnik’.
Tuy nhiên, giới chức không nêu rõ hệ thống nào được đưa ra thử nghiệm trong vụ tai nạn hôm thứ Năm, 8/8/2019.
Sau vụ nổ, đã xảy ra tình trạng tỷ lệ bức xạ tăng vọt trong suốt 40 phút tại Severodvinsk, thành phố cách 40km về phía đông của bãi thử nghiệm Nyonoksa nằm bên Bạch Hải.
Giới chức Severodvinsk cho biết mức độ bức xạ trong thành phố đạt 2 microsievert mỗi giờ, sau đó rơi trở lại mức bình thường là 0,11 microsievert. Cả hai mức này đều quá nhỏ để gây bệnh.
Ba kỹ sư khác bị thương trong vụ nổ, hiện đang ở trong bệnh viện, Rosatom nói.
Giới chuyên gia ở Nga và phương Tây cho biết, vụ thử này nhiều khả năng có liên quan đến 9M730 Burevestnik, có nghĩa là “petrel”, một loại chim biển. Tổng thống Vladimir Putin đã mô tả loại tên lửa này trong bài phát biểu trước quốc Qội Nga vào tháng 3/2018. Nato đã đặt cho tên lửa này tên gọi SSC-X-9 Skyfall.
Mark Galeotti, nhà phân tích và nghiên cứu hàng đầu về Nga tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute – Rusi), nói rằng lực đẩy hạt nhân đặt ra những thách thức lớn về kỹ thuật.
“Tốc độ di chuyển phải tương thích với trọng lượng tên lửa, và có nguy cơ là tên lửa sẽ xả khí thải phóng xạ ở bất cứ nơi nào nó trên đường bay của nó,” ông nói với BBC.
“Những hệ thống mới này có nguồn gốc từ thời Liên Xô – chúng được lôi ra, được đầu tư làm mới.”
Theo ông Putin, lực đẩy hạt nhân của Burevestnik sẽ cho nó tầm hoạt động “không giới hạn”.
Tuy nhiên, vụ nổ Nyonoksa có thể liên quan đến một loại vũ khí khác, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tương đương:
• một tên lửa tuần du đối hạm tầm xa loại mới, có tên là Zircon, di chuyển với tốc độ siêu thanh – nó có thể bay với tốc độ nhanh gấp tám lần tốc độ âm thanh, quân đội Nga nói.
• một thiết bị không người lái hoạt động dưới nước tầm xa loại mới, được phóng từ tàu ngầm, được gọi là Poseidon
Chúng ta biết gì về vụ nổ?
Năm kỹ sư hạt nhân thiệt mạng là các chuyên gia “tinh hoa” và “anh hùng”, những người hiểu về sự rủi ro và từng thực hiện các thử nghiệm trước đây trong “điều kiện cực kỳ khó khăn”, quan chức cấp cao của Rosatomông , Valentin Kostyukov, nói.
Ông Valentin Kostyuko là người đứng đầu trung tâm hạt nhân Sarov – một cơ sở bí mật thời Chiến tranh Lạnh phụ trách kho bom hydro của Nga.
Ông nêu danh tính năm người thiệt mạng, gồm: Alexei Vyushin (nhà thiết kế và chuyên gia phần mềm); Yevgeny Korotayev (kỹ sư điện cao cấp); Vyacheslav Lipshev (trưởng nhóm thử nghiệm khoa học); Sergei Pichugin (kỹ sư kiểm tra); Vladislav Yanovsky (phó trưởng phòng thử nghiệm khoa học).
Ban đầu, Bộ Quốc phòng nói vụ nổ ngày 8/8 có liên quan đến động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng, và có hai người chết nhưng không nêu rõ nạn nhân là ai.
Vụ cháy tàu ngầm Nga: 5 điều chúng ta đã biết
Nga công bố 14 sỹ quan cao cấp chết trong tàu ngầm
Tàu ngầm Nga xuống lòng Bắc Cực làm gì?
Sau đó, Rosatom cho biết cuộc thử nghiệm có liên quan đến “nguồn nhiên liệu đồng vị phóng xạ” và đã diễn ra tại một điểm thử nghiệm ngoài khơi.
Các kỹ sư đã hoàn thành thử nghiệm, nhưng đột nhiên một đám cháy bùng phát và động cơ phát nổ, khiến những người này bị văng xuống biển, Rosatom nói.
Ngay sau vụ nổ, chính quyền Severodvinsk đã báo cáo tình trạng tỷ lệ bức xạ tăng cao kéo dài 40 phút trong thành phố. Tin này đã khiến người dân địa phương đổ xô đi mua hết lượng iốt trong các hiệu thuốc trong thành phố.
Thuốc iốt cung cấp một số bảo vệ khỏi iốt phóng xạ – và nhu cầu đối với sản phẩm này đã tăng vọt trong thời kỳ xảy ra thảm họa Chernobyl năm 1986.
Trước cuộc thử nghiệm, Bộ Quốc phòng đã khoanh vùng cấm ở Vịnh Dvina – vùng biển phía bắc của bãi thử Nyonoksa. Khu vực này sẽ tiếp tục đóng cửa với tàu bè dân sự cho đến đầu tháng Chín.
Barents Observer, một trang web của Na Uy chuyên về tin tức Bắc Cực, tường thuật rằng một tàu hàng hạt nhân chuyên dụng của Nga, Serebryanka, đã ở trong khu vực cấm này vào ngày 9/8.
Có suy đoán rằng tàu được triển khai để thu dọn bất kỳ mảnh vỡ phóng xạ nào trong trường hợp thử nghiệm thất bại, và có thể hiện đang làm điều đó.
Nhưng khu vực cấm cũng có thể là một biện pháp phòng ngừa, nhằm đối phó với khả năng nhiên liệu tên lửa độc hại rò rỉ vào nước, nơi người dân địa phương đánh bắt cá.
Liệu tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể làm thay đổi cuộc chơi?
Mark Galeotti của Rusi nói rằng “có rất nhiều nghi ngờ đối với việc liệu Burevestnik có thành công hay không”.
Ông lưu ý rằng một tên lửa tối tân khác của Nga là Bulava, “đã có nhiều năm thử nghiệm thất bại”.
Tên lửa Zircon và Poseidon là những dự án tiên tiến hơn. Thiết bị không người lái hoạt động dưới nước Poseidon thì là sản phẩm vốn đã có ở dạng nguyên mẫu.
Nhưng Poseidon, giống như Burevestnik, có vẻ như là loại vũ khí “tận thế”, ông Galeotti nói – không thể sử dụng vào bất kỳ trường hợp nào trừ phi tiến hành chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Tờ báo của chính phủ Nga Rossiiskaya Gazeta hồi tháng trước mô tả Burevestnik là “vũ khí báo thù”. Đó cũng là cụm từ được Đức Quốc xã sử dụng để mô tả tên lửa V của họ, bắn vào Vương quốc Anh vào cuối Thế chiến thứ Hai.
Tờ báo cho biết Burevestnik – có khả năng bay dài và tránh được các hệ thống phòng không – sẽ nhắm vào bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào còn sót lại sau khi cá tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga đã tấn công lãnh thổ đối phương.
Với sự sụp đổ gần đây của Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), Mỹ hiện sẽ tập trung nhiều hơn vào việc “phát triển kho vũ khí tầm trung”, ông Galeotti nói.
“Quân đội Nga cũng muốn khả năng đó, bởi vì họ cũng lo lắng về Trung Quốc”, ông nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49320354
Nga: Vụ nổ tại căn cứ quân sự
là do thử nghiệm “vũ khí mới”
Matxcơva vào hôm qua, 12/08/2019, đã công nhận rằng vụ nổ xẩy ra hôm 08/08 làm ít nhất 5 người thiệt mạng tại một căn cứ quân sự vùng cực bắc Nga xuất phát từ việc thử nghiệm « vũ khí mới ».
Trong buổi tưởng niệm 5 nạn nhân là nhân viên của cơ quan hạt nhân Nga Rosatom, lãnh đạo cơ quan này là ông Alexeï Likhatchev đã tuyên bố sẽ « tiếp tục làm việc trên những loại vũ khí mới và đi đến việc hoàn tất ».
Nhân vật này không nói rõ về các vũ khí, nhưng theo đánh giá của chuyên gia Mỹ, Nga đang thử loại tên lửa hành trình Buresvestnik – mà NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall – một trong những vũ khí mới được cho là « bất bại », theo lời của tổng thống Nga vào đầu năm nay.
Theo hãng tin Pháp AFP, Quân Đội Nga đã cho biết có hai chuyên gia bị thiệt mạng trong vụ nổ, nhưng không rõ là họ có nằm trong số 5 nhân viên của Rosatom tử vong hay không. Ngoài ra, còn có 3 người bị thương trong tai nạn.
Ngay sau sự cố, bộ Quốc Phòng Nga cho biết là tai nạn xẩy ra trong lúc thử « động cơ tên lửa chạy bằng ergol lỏng », chứ không nói gì đến hạt nhân, thậm chí còn cho rằng « không hề có rò rỉ phóng xạ », một khẳng định đã bị dữ liệu đo lường tại một thị trấn gần nơi xẩy ra vụ nổ phản bác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua khẳng định là đã biết ‘‘nhiều’’ về vụ nổ, vì Hoa Kỳ cũng có một hỏa tiễn tương tự, nhưng một chuyên gia Mỹ ngay lập tức phủ nhận.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190813-nga-vu-no-mang-ti%CC%81nh-hat-nhan-la-do-thu-nghie%CC%A3m-vu-khi
Nga: mức độ phóng xạ tăng gấp 4 – 16 lần
gần nơi xảy ra vụ nổ tên lửa
Hôm 13/8, hàng ngàn người tham dự lễ tang tiễn đưa năm kỹ sư hạt nhân Nga chết trong một vụ nổ khi họ thử nghiệm một động cơ tên lửa mới vào tuần trước, một thảm kịch làm tăng lo sợ về nguy cơ nhiễm phóng xạ và đặt ra nghi vấn về một chương trình vũ khí bí mật của Moscow.
Hãng tin Reuters cho biết 5 kỹ sư qua đời hôm 8/8, đã được đưa đến nơi an nghỉ tại thành phố Sarov, nơi đặt trụ sở của trung tâm nghiên cứu vũ khí hạt nhân chính của Nga.
Ban đầu Bộ Quốc phòng Nga loan cáo chỉ có hai người chết và sáu người bị thương trong vụ nổ tại khu vực thử nghiệm của hải quân gần làng Nyonoksa thuộc tỉnh Arkhangelsk.
Mức độ phóng xạ ở thành phố Severodvinsk (cách làng Nyonoksa khoảng 50km) đã tăng tới 16 lần vào ngày 8/8, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn từ cơ quan khí tượng Nga cho biết hôm 13/8.
Bộ quốc phòng ban đầu cho biết phóng xạ nền vẫn bình thường sau sự cố hôm 8/8, nhưng chính quyền thành phố ở Severodvinsk cho biết mức độ phóng xạ đã có sự gia tăng đột biến.
Tổ chức Greenpeace cho biết mức độ phóng xạ tăng 20 lần.
Reuters dẫn nguồn tin từ Cơ quan khí tượng Nga Rosgidromet hôm 13/8 nói họ tin rằng mức độ phóng xạ đã tăng từ 4 đến 16 lần.
”Đối tác thương mại tin cậy”:
Tokyo phản đối Seoul
Chính quyền Tokyo hôm nay, 13/08/2019, phản bác cáo buộc « xuất khẩu bất hợp pháp » mà chính quyền Seoul đưa ra hôm qua, đi kèm với hành động Hàn Quốc xóa tên Nhật Bản khỏi danh sách “đối
tác thương mại tin cậy”. Bộ trưởng Công Nghiệp Nhật Bản cho rằng Seoul đã không đưa ra đủ lý lẽ chứng minh cho hành động này.
Hãng tin Reuters dẫn thông điệp của bộ trưởng Công Nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko, đăng tải trên Twitter, chỉ trích Seoul : « Ngay từ đầu, Hàn Quốc đã không nêu ra được các căn cứ rõ ràng nào cho thấy là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản vi phạm các quy định quốc tế trong lĩnh vực này ».
Ngoài phương diện thương mại, quan hệ hai nước thêm căng thẳng do vấn đề môi trường. Chính quyền Nhật Bản hiện đang cân nhắc thải nhiều hơn lượng nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xuống biển Thái Bình Dương, khiến Hàn Quốc lo lắng. Thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul cho biết thêm :
Mỗi tuần có 1.400 tấn nước nhiễm phóng xa được thu lại từ các mạch nước ngầm ở dưới nhà máy hạt nhân Fukushima. Hiện công nghệ để xử lý lượng nước này chưa được phát triển, và chính phủ Nhật Bản có thể sẽ quyết định thải lượng nước này xuống biển Thái Bình Dương.
Bà Chang Mari, đại diện tổ chức phi chính phủ Green Peace ( Hòa Bình Xanh ), cho biết : « Việc đổ lượng nước này xuống biển là biện pháp rẻ và nhanh nhất, và chúng tôi tin rằng biện pháp này sẽ được thực hiện. Một khi xuống biển, lượng nước nhiễm tritium sẽ theo dòng chảy đi khắp mọi nơi, bao gồm cả vùng biển phía tây Hàn Quốc. Chúng tôi ước tính sẽ phải mất 17 năm để lượng nước nhiễm xạ đủ loãng để độ nhiễm xạ có thể xuống mức an toàn. Phía Hàn Quốc bày tỏ lo ngại. Chúng ta cần kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn cản chính phủ Nhật Bản. Đây là một vấn đề liên quan tới toàn thế giới. »
Tổ chức Hòa Bình Xanh cáo buộc chính phủ Nhật từ chối đề cập đến rủi ro do phóng xạ tại Fukushima. Còn về phần mình, Seoul chỉ trích Tokyo không minh bạch về hàng tỉ tấn nước nhiễm phóng xạ đang đe dọa bờ biển Hàn Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190813-nhat-Han-ban-them-cang-thang
Sân bay Hong Kong đóng cửa ngày thứ hai
do biểu tình
Việc làm thủ tục lên máy bay bị dừng toàn bộ tại Sân bay Quốc tế Hong Kong liên tiếp qua ngày thứ hai , do tình trạng biểu tình chống chính quyền.
Là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, nơi đây đã trở thành địa điểm biểu tình trong suốt năm ngày qua.
Hong Kong hủy hơn 160 chuyến bay do có biểu tình
Biểu tình Hong Kong: Cảnh sát thừa nhận sử dụng lực lượng ‘cải trang’
Hong Kong: Vì sao có tin đồn Joshua Wong là người ‘gốc Việt’?
Các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh hành khách rất vất vả mới đi qua được những người biểu tình đang ngồi chặn bên trong khu vực khởi hành.
Lãnh đạo thành phố, bà Carrie Lam, trước đó ra lời cảnh báo mới đối với người biểu tình.
Bà Lam nói rằng Hong Kong đã “đi đến tình thế nguy hiểm” và rằng tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình có thể đẩy nơi này “xuống lối đi không thể quay trở lại”.
Trong lúc nhiều đám đông tiếp tục tụ tập, giới chức Hong Kong thông báo việc làm thủ tục lên máy bay của tất cả các chuyến đều bị dừng kể từ 16:30 giờ địa phương (10:30 GMT) hôm thứ Ba.
Hiện chưa rõ các chuyến bay đến Hong Kong bị ảnh hưởng tới mức nào.
Một số hình ảnh từ bên trong sân bay dường như cho thấy người biểu tình dùng các xe đẩy hành lý làm rào chắn, và một số hành khách cảm thấy căng thẳng, khó chịu.
“Các hoạt động ở nhà ga của Sân bay Quốc tế Hong Kong đã bị gián đoạn nghiêm trọng do tình trạng nhiều người dân tụ tập tại sân bay trong hôm nay,” Cơ quan Quản lý Sân bay (AA) nói trong một tuyên bố.
Tình trạng gián đoạn hôm thứ Hai đã khiến hàng trăm chuyến bay tại sân bay này bị hủy.
Tình trạng hỗn loạn rộng khắp đã làm rung chuyển Hong Kong trong 10 tuần qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các cuộc biểu tình lớn nổ ra ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ, là đề án nay đã bị dừng, nhưng sau tiếp tục phát triển thành phong trào đòi phải có thêm dân chủ cho Hong Kong.
Các cuộc biểu tình bùng lên từ nỗi lo là những quyền tự do mà Hong Kong được hưởng kèm theo quy chế vùng đặc khu hành chính của Trung Quốc đang bị bào mòn.
Hôm thứ Ba, Trưởng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet đã thúc giục giới chức kiềm chế trong lúc đối phó với người biểu tình.
Phóng viên Vincent Ni, BBC Tiếng Trung, bình luận
Các diễn biến tại Hong Kong đã lên tới mức cả hai bên đều cảm thấy mình không thể nhân nhượng.
Người biểu tình bị kích động bởi cách thức lực lượng cảnh sát Hong Kong đối phó biểu tình trong dịp cuối tuần rồi. Tuyên bố của Bắc Kinh ngày hôm nay về “những dấu hiệu khủng bố” nhiều khả năng sẽ khiến cho cơn tức giận của người biểu tình càng tăng thêm; một số người đã bắt đầu cảm thấy là họ không còn gì để mất.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, những gì đang diễn ra ở vùng đặc khu hành chính là một dấu hiệu đáng ngại, có thể dẫn đến cơn ác mộng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là việc người biểu tình kêu gọi độc lập cho Hong Kong.
Gửi quân đội tới vùng lãnh thổ này về mặt lý thuyết tất nhiên là một khả năng. Tuy nhiên, đây sẽ là biện pháp cuối cùng cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, khi không còn cách nào khác, mà họ thì vẫn rất muốn duy trì hình ảnh “một quốc gia, hai chế độ”.
Nếu như Bắc Kinh sử dụng vũ lực, các tác động ảnh hưởng tới Trung Quốc sẽ là rất đáng kể. Hong Kong là điểm để rất nhiều mối làm ăn của Trung Quốc được kết nối với thế giới bên ngoài. Nếu như Hong Kong sụp đổ, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất với Bắc Kinh là nếu như cách tiếp cận “một quốc gia hai chế độ” tại Hong Kong kết thúc bằng một cuộc trấn áp bạo lực gợi nhớ tới sự kiện Thiên An Môn 1989, thì điều đó sẽ khiến công thức này trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều đối với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai của mình.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49318378
Biểu tình Hong Kong: Cảnh sát thừa nhận
sử dụng lực lượng ‘cải trang’
Cảnh sát Hong Kong thừa nhận đã triển khai lực lượng sỹ quan cải trang thành người biểu tình chống chính phủ hôm Chủ Nhật 11/8.
Một số sĩ quan cải trang thành “các nhân vật khác nhau”, một phát ngôn viên cho biết thêm rằng việc này nhắm vào “những kẻ bạo loạn cực đoan”.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các video cho thấy các cảnh sát chìm tham gia bắt giữ người biểu tình trong các cuộc đụng độ vào Chủ nhật.
Người biểu tình đã kêu gọi một cuộc điều tra về hành động của cảnh sát.
Hong Kong hủy hơn 160 chuyến bay do có biểu tình
Hong Kong biểu tình kéo sang tuần thứ 10
Hong Kong: Hãng Cathay Pacific bị TQ ‘phát động tẩy chay’
Các cuộc biểu tình và tình trạng bất ổn tại Hong Kong không có dấu hiệu hạ nhiệt, sau khi được châm ngòi hơn hai tháng trước bởi dự luật dẫn độ gây tranh cãi hiện đã được tạm hoãn.
Hôm thứ Hai, người biểu tình đã chiếm sân bay quốc tế Hong Kong, khiến thành phố buộc phải hủy các chuyến bay. Giới chức cho biết sân bay đang trở lại hoạt động bình thường, nhưng một số hãng hàng không tiếp tục hủy hàng trăm chuyến bay vào thứ Ba 13/8.
Hôm thứ Hai, trong một cuộc họp báo, Phó Cảnh sát trưởng Tang Ping-Keung đã bảo vệ việc sử dụng các “sĩ quan cải trang”.
“Tôi có thể nói rằng khi các sĩ quan cảnh sát của chúng tôi cải trang … họ [không] khiêu khích bất cứ điều gì.” Ông này nói. “Chúng tôi sẽ không yêu cầu họ gây thêm rắc rối.”
“Hoạt động của chúng tôi … nhắm vào những kẻ bạo loạn,” ông Tang nói thêm. Ông Tang cho biết cảnh sát phản ứng lại những người biểu tình sử dụng súng cao su và ném bom xăng.
Cảnh sát còn nói gì?
Trợ lý Cảnh sát trưởng Mak Chin-ho, người cũng phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về những cảnh bạo lực hôm Chủ Nhật, cho biết không có bằng chứng nào cho thấy cảnh sát đã bắn một phụ nữ.
Hình ảnh một phụ nữ với con mắt chảy máu, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cuối tuần qua.
Hôm thứ Hai 12/8, những người biểu tình tại sân bay quốc tế Hong Kong đeo băng che mắt để phản đối việc này.
Trước đó, cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và hơi cay trong nỗ lực giải tán người biểu tình tại một số quận trung tâm của thành phố vào Chủ Nhật.
Video cũng cho thấy các sĩ quan xông vào các nhà ga, sau đó xịt hơi cay vào các toa tàu đóng kín và đánh người biểu tình bằng dùi cui.
Một số người, bao gồm một sĩ quan cảnh sát, bị thương trong các cuộc đụng độ.
Ông Mak cũng bảo vệ việc bắn đạn cao su ở cự ly gần, nói rằng cảnh sát đã đưa ra quyết định vào phút chót nhắm vào những người biểu tình cố gắng chạy trốn.
Giới chức Bắc Kinh lên án mạnh mẽ các cuộc đụng độ bạo lực hôm Chủ Nhật và gọi những người biểu tình bạo lực là “khủng bố”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49327411
Carrie Lam cảnh báo
Hong Kong đang bị đẩy đến bờ ‘vực thẳm’
Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đã cảnh báo những người biểu tình chống chính phủ không được đẩy thành phố vào một “vực thẳm”, trong một cuộc họp báo vào thứ Ba.
Bà Lam cảnh báo rằng Hong Kong đã “chạm tới ngưỡng tình huống nguy hiểm” và bạo lực sẽ đẩy mọi thứ “điểm không trở về được”.
Bà đã gặp phải thái độ thù địch vì né tránh các câu hỏi từ các phóng viên khi họ liên tục cắt lời và hét câu hỏi về phía bà.
Tình trạng bất ổn diện rộng đã làm rung chuyển thành phố trong 10 tuần qua và không có dấu hiệu giảm bớt.
Các cuộc biểu tình đầu tiên bắt đầu từ việc phản đối dự luật dẫn độ.
Nhưng mọi thứ đã dần trở thành một phong trào đòi dân chủ, được thúc đẩy bởi nỗi sợ rằng các quyền tự do mà Hong Kong được hưởng do là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc đang bị xói mòn.
Biểu tình Hong Kong: Cảnh sát thừa nhận sử dụng lực lượng ‘cải trang’
Hong Kong hủy hơn 160 chuyến bay do có biểu tình
Bà Lam dường như sắp rơi nước mắt tại cuộc họp báo hôm thứ Ba khi bà kêu gọi người biểu tình gạt bỏ sự khác biệt của họ.
“Hãy dành một phút để suy nghĩ, nhìn vào thành phố của chúng ta, nhà của chúng ta, tất cả các bạn có thực sự muốn thấy nó bị đẩy xuống vực thẳm không?” bà nói, theo hãng tin AFP.
Những bình luận của bà lặp các những nhận xét tương tự của một quan chức từ Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tại Hong Kong, người nói rằng thành phố sẽ trượt xuống “vực thẳm không đáy nếu việc khủng bố tàn bạo được phép tiếp tục”.
Bà Lam cũng lảng tránh một câu hỏi về việc liệu bà có quyền tự chủ để rút hoàn toàn dự luật dẫn độ hay không, một yêu cầu chính của người biểu tình, và nói rằng bà đã trả lời câu hỏi này trong quá khứ.
Bà lên tiếng bảo vệ hành động của cảnh sát, nói rằng họ ở trong “hoàn cảnh cực kỳ khó khăn”.
Trong cuộc biểu tình cuối tuần qua, các phương tiện truyền thông địa phương đã ghi lại cảnh quay cảnh sát bắn các loại đạn cao su vào người biểu tình ở cự ly gần.
Video cũng cho thấy các sĩ quan xông vào một nhà ga đường sắt trước khi bắn hơi cay vào bên trong và đánh người bằng dùi cui, làm dấy lên những lời cáo buộc về tình trạng vũ lực quá mức của cảnh sát.
Bạo lực bùng phát tại các nhà ga HK
Nhà lãnh đạo Hong Kong cho biết các hành động của cảnh sát không thể được “quyết định bởi một người như tôi”, nói rằng họ phải đưa ra “phán quyết tại chỗ”.
Bà Lam nói thêm rằng vai trò của bà là “đảm bảo rằng Hong Kong vẫn là một thành phố an toàn và trật tự”.
“Sau khi bạo lực đã chấm dứt và tình trạng hỗn loạn lắng xuống … Tôi sẽ chịu trách nhiệm [xây dựng lại nền kinh tế Hong Kong, lắng nghe một cách chăm chú nhất có thể sự bất bình của người dân tôi và cố gắng giúp Hong Kong tiến lên.”
Biểu tình Hong Kong: Giao thông công cộng tê liệt
Hong Kong: Chủ nhật vẫn biểu tình, bất chấp lệnh cấm
Trung Quốc ‘vào cuộc’ giải quyết bất ổn ở Hong Kong
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ được, luật này sẽ cho phép chuyển các nghi phạm đến Trung Quốc đại lục để xét xử.
Hong Kong là một phần của Trung Quốc nhưng công dân của họ có quyền tự trị nhiều hơn so với người ở đại lục.
Tại đây có một nền báo chí tự do và độc lập tư pháp theo cách tiếp cận được gọi là “một quốc gia, hai hệ thống” – thứ đang ngày càng bị xói mòn theo lo ngại của các nhà hoạt động.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49328480
Biểu tình mới tại Sân bay Hong Kong
vào khi lãnh đạo cảnh báo không có đường lui
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong vào ngày 13 tháng 8 tiếp tục đến sân bay khiến hoạt động tiếp tục bị xáo trộn sau một ngày xảy ra tình trạng hủy chuyến chưa từng có ở Hong Kong.
AFP loan tin với nhận định người biểu tình ủng hộ dân chủ thách thức cảnh báo của Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga về viễn cảnh không có đường lui.
Vào sáng ngày 13 tháng 8, Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại tổ chức họp báo và trong cuộc họp báo một số lần xúc động khi đưa ra cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm của tình trạng bạo lực leo thang không thể kiềm chế.
Theo lời của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thì bạo lực cho dù đó là sử dụng hay dung thứ bạo lực đều sẽ đẩy Hong Kong đi theo con đường không có lối lui trở lại.
Bà ngày cho rằng tình hình Hong Kong trong tuần qua khiến bà lo rằng đã đến mức độ nguy hiểm.
Tuy nhiên chỉ sau mấy giờ cuộc họp báo được tổ chức, hằng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ trở lại sân bay Hong Kong. Nhiêu người biểu tình ngồi trước cổng an ninh và sảnh đi của sân bay. Một số sử dụng xe đẩy hành lý lập thành phòng tuyến chướng ngại vật tại khu vực an ninh, chặn những hành khách muốc vượt qua.
Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu ‘Đứng về phía Hong Kong. Đứng về phía Tự do.’ Ngoài ra có người biểu tình viết lên tường câu ‘mắt đền mắt’. Điều này nhắc đến vụ một người biểu tình bị cảnh sát bắn đạn cao su trúng vào mắt và có thể bị mù.
Cuộc biểu tình mới cũng diễn ra vào khi Bắc Kinh đưa ra thêm những dấu chỉ báo điềm xấu nữa yêu cầu đợt biểu tình kéo dài 10 tuần lễ qua phải chấm dứt.
Vào ngày 12 tháng 8, giới chức Bắc Kinh cáo buộc những người biểu tình là ném bom xăng vào cảnh sát là dạng ‘khủng bố’.
Truyền thông Nhà nước Hoa Lục vào ngày 13 tháng 8 tiếp tục nặng lời với những ngưởi ủng hộ dân chủ tại Hong Kong cho rằng đó là những ‘tội phạm’. Tân Hoa Xã đưa ra cảnh báo là những người biểu tình cực đoan bạo động đang đẩy Hong Kong xuống vực thẳm.
Trong một video đăng trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, phát hình viên của kênh CCTV đọc lời cảnh báo “Khi đối phó với bạo lực, không có bàn tay mềm.”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hk-pro-air–08132019101002.html
“Vì sao tôi dịch hết các tweets
của ông Trump ra tiếng Trung?”
Phùng Triệu Âm (Zhaoyin Feng)BBC Tiếng Trung, Washington
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến chính phủ Trung Quốc nổi giận, nhưng nó cũng đã thu hút được một số sự ủng hộ của người dân Trung Quốc.
Một tài khoản Twitter được điều hành bởi những người di dân Trung Quốc ở Mỹ đã dịch tất cả tweet của ông Trump ra tiếng Trung cho hơn 100.000 người theo dõi – nhiều người trong số này xem Trump là người ủng hộ nhân quyền.
Trong ít nhất bốn giờ mỗi ngày, Jeff Ding, 45 tuổi, theo dõi sát sao tài khoản Twitter @realDonaldTrump.
Với mỗi tweet mới, Ding nhanh chóng dịch lời của Trump sang tiếng Trung cho tài khoản @Trump_Chinese. Nhà tư vấn kỹ thuật hành nghề tự do ở Los Angeles thường khoe rằng ông đến từ cùng tỉnh miền Trung của Trung Quốc như Chủ tịch Mao Trạch Đông, là một trong ba tình nguyện viên điều hành @Trump_Chinese.
Xuất khẩu Trung Quốc tăng dù thương chiến đang âm ỉ
TQ: Tập Cận Bình đang gặp thách thức lớn nào?
David Hutt: ‘Mục tiêu thương chiến kế tiếp của Trump là VN’
Họ đều là những người ủng hộ việc ông Trump chỉ trích chính phủ Trung Quốc và hy vọng sẽ “truyền bá thông điệp của Trump trong thế giới nói tiếng Trung”, ông Ding nói. Tài khoản này, được dịch là “tweet của Trump bằng tiếng Trung” ghi rằng nhiệm vụ của nó là giúp người theo dõi “hiểu các lý thuyết quản trị thông qua các tweet của Trump”.
Tài khoản @Trump_Chinese ra mắt tháng 9/2018 và được hơn 100.000 người theo dõi, mặc dù tài khoản duy nhất mà nó theo dõi dĩ nhiên chỉ là @realDonaldTrump.
“Chúng tôi nhắm đến việc phục vụ người dân Trung Quốc trên toàn cầu, đặc biệt là người Trung Quốc đại lục, những người phải sử dụng VPN để trèo qua Vạn lý Tường lửa”, ông Ding nói. Ding dịch các tweet thành tiếng Trung giản thể, được sử dụng ở đại lục. Tiếng Trung Quốc truyền thống là thứ ngôn ngữ được sử dụng ở Hong Kong và Đài Loan.
Trung Quốc chặn một số trang web nước ngoài, trong đó có Twitter, và ranh giới vô hình giữa internet trong nước và toàn cầu thường được gọi là Vạn lý Tường lửa. Một số người đại lục sử dụng VPN – mạng riêng ảo che giấu vị trí máy tính – để truy cập Twitter, nhưng khó có thể ước tính có bao nhiêu người dùng mạng ảo này.
Ông Ding nói động lực chính khiến ông duy trì @Trump_Chinese là niềm tin mãnh liệt rằng Trump là tổng thống ủng hộ nhất cho nhân quyền của Trung Quốc trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ding tin rằng cuộc chiến thương mại của Trump gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc, điều này sẽ kéo Trung Quốc vào suy thoái kinh tế. Sự suy thoái đó sẽ thách thức tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và dẫn đến sự sụp đổ của nó.
Khi ông Ding gặp phải những mẩu tin khó dịch, ông hỏi ông Đường Bách Kiều (Tang Baiqiao), một nhà bất đồng chính trị Trung Quốc 51 tuổi ở California, người đầu tiên nảy ra ý tưởng thành lập @Trump_Chinese. Ông Đường là một sinh viên hoạt động trong cuộc nổi dậy Thiên An Môn năm 1989 và đến Hoa Kỳ với tư cách là người xin tị nạn chính trị vào năm 1992.
Trong những năm gần đây, ông Đường Bách Kiều trở thành một trong những người ủng hộ Trump nhiệt thành nhất trong cộng đồng bất đồng chính kiến Trung Quốc ở nước ngoài. Ngoài ra, ông Đường còn có một người bạn trong Nhà Trắng – ông đã viết lời tựa cho ‘Chết Dưới Tay Trung Quốc’, một cuốn sách được viết bởi cố vấn thương mại Peter Navarro, người được coi là kiến trúc sư chính của chính sách thương mại Trung Quốc của Trump.
Cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc mang lại lợi ích “rõ ràng” cho nhân quyền của Trung Quốc, ông Đường nói. Những biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng nhằm dẹp bỏ rào cản thương mại của Trung Quốc với các dịch vụ như lệnh cấm dùng Gmail, Twitter và Facebook. Theo ý kiến của ông Đường, điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ không còn kiểm duyệt internet và hạn chế xuất bản nữa.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình, Trump đã sử dụng “Trung Quốc” như một kích hoạt để tập hợp những người ủng hộ.
“Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc hãm hiếp đất nước của chúng ta và đó là những điều họ đang làm”, ông Trump liên tục nói trong thời gian tranh cử, những lời nói của ông thường được đáp lại bằng những tiếng hoan hô vang dội. Và sau khi nhậm chức, cuộc chiến thương mại của ông đã cho thấy rất ít dấu hiệu sẽ dừng lại.
Chính sách thương mại diều hâu của Trump với Trung Quốc đã góp phần gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời thu hút sự ủng hộ của những người tức giận với chính phủ Trung Quốc.
@Trump_Chinese đã trở thành một điểm tụ tập của những người bất đồng chính kiến và không hài lòng với Bắc Kinh. Mỗi khi ông Trump chỉ trích Trung Quốc trên Twitter, tài khoản này nhận được số lượng bình luận đặc biệt lớn và thu hút hàng ngàn người theo dõi.
Vào tháng Năm, ông Trump tung ra một loạt tweet, công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 325 tỷ đôla. Người dùng Twitter nói tiếng Trung nhiệt tình hoan nghênh quyết định của ông bằng cách bình luận dưới các bài đăng liên quan của @Trump_Chinese. “Việc làm tuyệt vời!”, ”Hãy mạnh mẽ hơn!”, ” Quyết định khôn ngoan và đúng đắn!”
Một người mô tả động thái của Trump là “một cơ hội Chúa ban” để lật đổ chính phủ Trung Quốc. Một người khác chúc Trump sức khỏe tốt và tái đắc cử.
‘Vì sao chúng tôi muốn Trump tái đắc cử năm 2020?’
Trump nói sẵn sàng ‘nhận’ tin xấu về đối thủ từ nước ngoài
Thượng viện Mỹ chống Trump về bức tường biên giới
Một tháng sau, các cuộc đàm phán thương mại đã có dấu hiệu tốt hơn. Trump tweet rằng ông đã có cuộc “nói chuyện rất tốt” với Chủ tịch Tập Cận Bình và sẽ không tăng thuế. Tài khoản @Trump_Chinese ngay lập tức tràn ngập sự thất vọng và phẫn nộ.
“Tôi đã ngỡ ông là một trong những tổng thống Mỹ vĩ đại nhất… Hóa ra ông có thể chỉ là một doanh nhân không có nguyên tắc đạo đức,” một người bình luận. Một số người gọi Trump là “đạo đức giả”.
Mặc dù Trump thường xuyên gay gắt về Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, ông từng nhiều lần ca ngợi ông Tập là “nhà lãnh đạo [Trung Quốc] quyền lực nhất trong thế kỷ” và là “người bạn tốt” của mình. Tang hoàn toàn không bị những lời khen ngợi này làm cho bực bội, mà xem đó là kỹ năng đàm phán và tài ngoại giao của Trump. “Tát vào mặt bạn, rồi nhẹ nhàng vuốt ve nó,” Tang nói.
Tuy nhiên, không phải mọi nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đều cho Trump là người đấu tranh cho nhân quyền.
“Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại không nhằm mục đích thúc đẩy tự do và dân chủ ở Trung Quốc,” Đằng Bưu (Teng Biao), một luật sư nhân quyền lưu vong có trụ sở tại New York bình luận. “Nói một cách khách quan, chính sách thương mại diều hâu của Trump có khiến Bắc Kinh gặp khó khăn. Tuy nhiên, về cơ bản, Trump không chủ trương cải thiện nhân quyền cho Trung Quốc.”
Trước khi chạy sang Mỹ năm 2014, người đàn ông 46 tuổi này từng là luật sư và giáo sư luật tại Trung Quốc. Ông Đằng lo ngại rằng việc đặt hy vọng vào vị tổng thống “khiếm khuyết về mặt đạo đức” là một sai lầm và việc xem kẻ thù là bạn của mình sẽ sớm được chứng minh là “ngây thơ”.
Mặc dù các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông đã lên án tình trạng nhân quyền của Trung Quốc, nhưng bản thân ông Trump hiếm khi nói cụ thể về các vấn đề này.
Ông Trump cũng không đưa ra lời bình phẩm nào về các trại giam người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc và không nêu lập trường liên quan đến các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ của Hong Kong.
Hôm 22/7, Trump nói rằng ông “không liên quan [đến tình hình Hong Kong] lắm” và nói rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hành động “rất có trách nhiệm”. Hôm 1/8, ông Trump nói rằng việc đối phó với “bạo loạn” ở Hong Kong thế nào là tùy vào Trung Quốc.
Thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Trung, ông Đằng có một lượng lớn người theo dõi trên Twitter, nhưng ông nghĩ rằng trong số những người bất đồng chính kiến Trung Quốc dám nói mạnh, ông và những người không thích ông Trump chỉ thuộc thành phần thiểu số.
Nhưng có một điều mà hầu hết tất cả đều đồng ý – khi diễn giải quan điểm của Trump về Trung Quốc, cần có một ranh giới giữa đất nước Trung Quốc, người dân và chính quyền Cộng sản ở nước này.
Trên @Trump_Chinese, “Trung Quốc” thường được dịch là “Đảng Cộng sản Trung Quốc”, đặc biệt là trong các tweet mà ông Trump đang ráo riết nhắm vào Bắc Kinh. Điều này phản ánh tư duy chính trị của các nhà bất đồng chính kiến. “Chúng tôi là con dân của Trung Quốc, không phải của Karl Marx và Vladimir Lenin,” ông Ding nói, gọi đó là nguyên tắc chủ đạo của mình.
Trớ trêu thay, khi được dịch sang tiếng Trung Quốc, những tweet của Trump có nhiều điểm tương đồng nổi bật với chiêu bài tuyên truyền của ĐCSTQ.
“Nếu đem thay các từ ‘chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa cộng sản’ bằng từ ‘chủ nghĩa tư bản phương Tây’, và hoán đổi ‘nước Mỹ’ bằng ‘Trung Quốc’, thì về cơ bản bạn sẽ thấy đó là những nội dung ta nghe vẫn được từ hệ thống tuyên huấn của Trung Quốc,” một người bình luận trên @Trump_Chinese về các nội dung tweet của Trump chỉ trích chủ nghĩa cộng sản và thúc đẩy chủ nghĩa yêu nước Mỹ.
Trump thường sử dụng cụm từ “vĩ đại” để mô tả đất nước và những người liên quan đến chính quyền. ĐCSTQ cũng vậy.
Sự mất lòng tin của chính quyền Trump ở Trung Quốc khiến một số người lo lắng rằng một làn sóng “Sợ Đỏ” mới đang tiến đến gần. Ông Ding nói rằng cá nhân ông không cảm thấy tinh thần bài Trung đang trỗi dậy ở Mỹ. Ngay cả khi ác cảm với Trung Quốc ngày càng gia tăng, “Bắc Kinh sẽ bị đổ lỗi,” ông nói, và giải thích thêm, “Trump chỉ đang thực hiện các biện pháp đối phó.”
Ông Ding nhiều khả năng sẽ sớm trở thành công dân Mỹ. Ông nói, nếu có thể bỏ phiếu vào năm 2020, ông đã tìm thấy động cơ cho sự nghiệp tranh đấu của mình.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49288952
Đối đầu Mỹ đến cùng,
liệu TQ có tung đòn hiểm?
Cuộc thương chiến Mỹ-Trung leo thang chóng mặt trong tuần qua, với Bắc Kinh hạ giá đồng Nhân dân tệ sau khi Washington dọa đánh thuế lên mọi hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Trump thậm chí liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ.
Những ngôn từ và hành động đáp trả lẫn nhau giữa hai nước đã làm dậy sóng các thị trường toàn cầu và đe dọa nền kinh tế thế giới. Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết. Và nước này đang có trong tay một vũ khí vô cùng uy lực: Chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Về lý thuyết, Bắc Kinh có thể gây ra địa chấn ở các thị trường trái phiếu bằng cách bán tháo một phần số trái phiếu chính phủ Mỹ tổng trị giá 1,1 nghìn tỷ USD mà nước này đang sở hữu. Khi đó, giá sẽ sập, lợi tức (hoặc lãi suất) nhảy vọt còn chi phí vay mượn của người Mỹ sẽ tăng cao.
Nhưng có nhiều lý do mà Bắc Kinh không muốn “bóp cò”. Thứ nhất, nó có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Thứ 2, nó có thể phản tác dụng đối với chính nền kinh tế của Trung Quốc.
“Có lẽ đó không phải là công cụ hiệu quả nhất có sẵn”, CNN dẫn lời Brad Setser, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Các mối quan hệ đối ngoại và cũng là cựu kinh tế gia của Bộ Tài chính Mỹ.
Lựa chọn hạt nhân
Những ngày gần đây, Trung Quốc đã có nhiều bước đi để trợ giá đồng Nhân dân tệ, cho thấy sự giảm giá đồng nội tệ được trù tính như một tín hiệu cảnh báo. Nhưng Tổng thống Trump cũng có thể đáp trả, kể cả khi chính quyền của ông quyết tâm với các kế hoạch đàm phán thêm vào tháng 9.
Đây là một tình huống rất dễ leo thang, bởi có quan ngại việc Trung Quốc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ phát huy tác động.
Nếu Trung Quốc thực sự muốn gây hỗn loạn ở Mỹ thì nước này có thể sẽ vứt bỏ giá trị trái phiếu Mỹ bằng cách bán tháo ra thị trường. Điều này sẽ khiến lợi tức tăng đột biến. Và vì lãi suất trái phiếu Mỹ được xem là mốc đối chiếu cho tín dụng doanh nghiệp và tiêu dùng, nên nợ doanh nghiệp, thế chấp và các khoản vay tự động sẽ tăng lên, làm cho kinh tế Mỹ chững lại. Đồng đôla có thể chịu ảnh hưởng khi báo động lan rộng.
Bài toán hóc búa của Bắc Kinh
Trên thực tế, một bước đi như vậy chứa đựng nhiều rủi ro lớn, và không phù hợp với chiến lược hiện tại của Trung Quốc, theo Michael Hirson, chuyên gia thuộc hãng tư vấn Eurasia Group, người từng giữ vai trò trưởng đại diện của Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh.
“Rõ ràng chúng ta đang trong một vòng xoáy ốc”, ông Hirson nói. “Nhưng tôi nghĩ động lực chính hiện nay của Bắc Kinh trong cuộc thương chiến là phải trụ vững trước sức ép từ ông Trump”.
Ở góc độ đó, việc bán tháo trái phiếu Mỹ có thể phản tác dụng. Nếu Bắc Kinh khởi sự một đợt bán tống trái phiếu Mỹ thì chính họ sẽ phá giá số trái phiếu còn lại trong tay.
Các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ thực hiện một đợt giảm giá có kiểm soát cho đồng Nhân dân tệ, nhằm hạ bớt áp lực đối với nền kinh tế mà không khiến dòng vốn thoái ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc bán tháo trái phiếu Mỹ sẽ làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn và trái phiếu.
“Nước này đang cần dòng vốn nước ngoài chảy vào để lót đệm cho đồng nội tệ trong thương chiến. Nếu vũ khí hóa các trái phiếu Mỹ, Trung Quốc sẽ phát đi thông điệp đáng báo động tới các nhà đầu tư toàn cầu”, ông Hirson bình luận thêm.
Tác động đáng ngờ
Một câu hỏi nữa là liệu từ bỏ trái phiếu Mỹ có là đòn giáng trả Mỹ thực sự hay không. Brad Setser tỏ ra nghi ngờ điều này. “Thời điểm nó bắt đầu sẽ có một tác động tiêu cực lớn với Mỹ, Fed nhiều khả năng sẽ hành động”, chuyên gia này nhận định.
Trong một báo cáo gửi tới Quốc hội Mỹ năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Fed (Cục Dự trữ liên bang) “có đầy đủ năng lực” để mua các trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc bán tháo ra thị trường nhằm hạn chế các hậu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có rất ít lựa chọn để cất trữ 3,1 nghìn tỷ USD ngoại tệ quốc gia. Trái phiếu chính phủ Đức và Nhật cũng là một lựa chọn thay thế nhưng lại không có lãi. Mức lãi suất 1,63% của trái phiếu Mỹ loại 10 năm tốt hơn nhiều so với trái phiếu kỳ hạn tương đương nhưng lãi suất -59% của Đức. Điều này đồng nghĩa với việc phải trả cho chính phủ Đức thêm tiền để được cho Đức vay tiền.
Do vậy, đe dọa bán tháo trái phiếu Mỹ còn nằm đó trên bàn làm việc nhưng không hấp dẫn lắm với Trung Quốc hiện nay.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29803-doi-dau-my-den-cung-lieu-tq-co-tung-don-hiem.html
Thế giới Biểu tình ở Hong Kong
Mỹ cấm cửa Huawei Căng thẳng thương mại
Mỹ – Trung Thứ 2,ngày 12 tháng 8 năm 2019
Chủ tịch Tập Cận Bình và chảo lửa Bắc Đới Hà
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải tìm câu trả lời trước các “nguyên lão” tại hội nghị bí mật ở Bắc Đới Hà về cuộc thương chiến với Mỹ và những cuộc biểu tình dai dẳng tại Hong Kong.
“Không có lực lượng nào bên ngoài có thể hạ gục chúng ta bởi chúng ta là đảng chính trị lớn nhất thế giới. Người duy nhất có thể đánh bại chúng ta là chính chúng ta”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết trong “Cầu Thị” – ấn phẩm của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản mỗi hai tháng một lần, hồi tuần trước.
Những lời kêu gọi củng cố nội bộ Đảng được đưa ra trong lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ đang ngày càng căng thẳng, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và các cuộc biểu tình ở Hong Kong vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã chứng kiến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ. Nói như các học giả Trung Quốc, nếu cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình làm cho Trung Quốc trở nên giàu thì Chủ tịch Tập là người làm cho Trung Quốc mạnh hơn.
Giờ đây, sau 7 năm cầm quyền, ông Tập đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt trận cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng leo thang, phong trào dân chủ ngày càng phình to ở Hong Kong, còn Đài Loan ngày càng quyết đoán trong quan hệ với đại lục.
Đó là những mối nguy cho ông Tập và cách chống đỡ tốt nhất là củng cố vai trò lãnh đạo, uy tín trong Đảng, theo bình luận của tờ Washington Post.
“Nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt và khắc phục kịp thời, các vấn đề nhỏ sẽ phát triển thành những vấn đề lớn, những cú trượt nhỏ sẽ leo thang thành một trận lở đất, thậm chí có thể dẫn đến một thảm họa và lật đổ”, ông Tập viết trong ấn phẩm “Cầu Thị”.
Ông Tập đã dành nhiều năm để cúng cố vai trò lãnh đạo trong Đảng kể từ 2013 – Ảnh: REUTERS
“Trong mắt của ông Tập, một Đảng mạnh sẽ là chìa khóa cho một Trung Quốc thành công. Đó cũng là cách duy nhất để chống lại những đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ”, ông Richard McGregor, một chuyên gia nghiên cứu về Đảng Cộng sản Trung Quốc và vai trò lãnh đạo của ông Tập, nhận định.
Những cảm giác bất an đã đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến việc xem cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động không còn là một vấn đề thuần kinh tế mà đó là một nỗ lực rộng lớn hơn để kiềm chế Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, hội nghị Bắc Đới Hà, nơi tập hợp các nguyên lão và lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc, được cho là đã lặng lẽ bắt đầu từ tuần trước.
Kể từ năm 1953, khu nghỉ dưỡng ven biển Bắc Đới Hà (Hà Bắc) đã được gọi là “thủ đô mùa hè” của Trung Quốc khi các lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc tập trung tại đây để lắng nghe những đóng góp và thậm chí phê phán từ các lãnh đạo cấp cao đã về hưu.
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (bìa phải) tắm biển tại Bắc Đới Hà năm 1987 – Ảnh chụp màn hình Xinhua
Các lãnh đạo Trung Quốc thường lui tới Bắc Đới Hà để tránh cái nóng của Bắc Kinh nhưng bầu không khí mát mẻ này sẽ nhanh chóng bị xua đi bởi những vấn đề nóng bỏng sẽ được thảo luận.
Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến Bắc Đới Hà sớm nhất trong tuần này hoặc tuần sau. Với những gì đang diễn ra trong quan hệ Mỹ – Trung, ông Tập sẽ đóng vai trò một người lắng nghe hơn là một người đưa ra chỉ đạo tại đây, theo giáo sư Kerry Brown chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học King (Anh).
Chưa biết kết quả sẽ như thế nào nhưng hội nghị Bắc Đới Hà sẽ là dịp quan trọng để ông Tập nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách, cũng như học hỏi từ các lãnh đạo tiền nhiệm cách xử lý các vấn đề trong ngoài nước.
“Mọi sự kiện diễn ra trên Biển Đông gần đây đều có liên quan đến Bắc Đới Hà. Tuổi tác không làm giảm sức ảnh hưởng chính trị của các bô lão. Họ vẫn là lực lượng luôn phải được tính đến”, cây bút Katsuji Nakazawa của tạp chí Nikkei Review (Nhật) dẫn một nguồn tin chính trị từ Trung Quốc lập luận.
Việc Mỹ bất ngờ tuyên bố áp thuế nhập khẩu thêm 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc có thể là một lá bùa cứu ông Tập ở Bắc Đới Hà, theo Bill Bishop – chủ biên tờ Sinocism chuyên về Trung Quốc được đọc rộng rãi ở Mỹ.
“Ông Tập có thể sẽ lập luận rằng không ai có thể biết được ông Trump sắp làm gì và những người đang cố gắng quy trách nhiệm cho ông có động cơ thầm kín khác; rằng với bản tính đó của ông Trump, cho dù Trung Quốc có xuống nước nhượng bộ thì cũng không có gì đảm bảo ông Trump sẽ giữ lời hứa”, ông Bishop nhận định.
Trung Quốc ‘đang đánh bạc’
với bầu cử tổng thống Mỹ 2020
Trong bài phân tích trên The Epoch Times ngày 5/8, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Tony Shaffer, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách London cho biết Trung Quốc dường như ‘đang đánh bạc’ với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, hy vọng rằng một đảng viên Dân chủ sẽ chiến thắng Tổng thống Donald Trump và nhờ đó các vấn đề mà họ đang đối mặt sẽ được giải quyết.
Ông Shaffer nhận định, trong khi Tổng thống Trump gây áp lực để chính quyền Trung Quốc ngừng đánh cắp công nghệ từ các công ty Mỹ, các ứng viên Dân chủ đang hứa hẹn đảo ngược mọi khía cạnh trong cách tiếp cận thương mại của ông Trump.
Theo ông Shaffer, Trung Quốc thực sự yêu thích ứng viên Dân chủ Joe Biden, người từng là cấp phó trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Ông Shaffer đặt cho ông Biden biệt danh “Bắc Kinh Joe Biden” như một cách châm biếm về lập trường thân thiện với Trung Quốc của cựu phó tổng thống Biden. Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh vào tháng 12/2013, ông Biden bị chỉ trích vì mềm mỏng với Bắc Kinh khi đang đàm phán một loạt các vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc, bao gồm Biển Đông, thương mại, chuyển giao công nghệ. Gần đây nhất, ông bị lưỡng đảng Hoa Kỳ phê phán vì tuyên bố Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với Mỹ.
Ông Shaffer bình luận: “Không còn nghi ngờ gì, chính sách thương mại tồi tệ trước đây của Mỹ đã khuyến khích những thói quen xấu của Trung Quốc, cho phép họ mua lại công nghệ (trong thời chính quyền Clinton), giúp nước này hoàn thiện tên lửa hạt nhân xuyên lục địa. Giờ là lúc những thói quen xấu và hành vi liều lĩnh của Trung Quốc phải chấm dứt”.
Trung tá Tony Shaffer, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Luân Đôn (LCPR).
Trái lại, Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược lập trường mềm mỏng của chính quyền Obama, coi Trung Quốc là mối đe dọa nguy hiểm đối với nước Mỹ và khiến Bắc Kinh nhiều phen điêu đứng vì những quyết sách của ông. Mới đây nhất, chính quyền Trump tuyên bố Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” và cảnh báo sẽ áp dụng thuế quan 10% đối với lượng hàng 300 tỷ đô còn lại mà Trung Quốc xuất sang Mỹ kể từ ngày 1/9.
Các biện pháp gia tăng áp lực gần đây của ông Trump được đưa ra sau khi ông nhận thấy rằng Trung Quốc đang cố gắng trì hoãn tiến trình đàm phán thương mại tới năm 2020, nhằm “câu giờ” với hy vọng một ứng viên Dân chủ thắng cử.
“Các cuộc đàm phán thương mại vẫn đang tiếp tục, trong lúc đàm phán, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu áp dụng một thuế quan nhỏ bổ sung 10% đối với 300 tỷ đô la hàng hóa và sản phẩm còn lại đến từ Trung Quốc vào đất nước chúng ta, từ ngày 1/9 tới”, ông Trump viết trên trang mạng Twitter gần đây.
Ông Shaffer cho rằng đó không phải là một diễn biến tốt đối với Bắc Kinh. Hiện phải vật lộn với các biện pháp thuế quan của Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc gần đây đã tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập niên qua. Việc Mỹ áp đặt thuế quan bổ sung, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tồi tệ hơn.
Trung Quốc chìm trong bế tắc dưới thời Donald Trump
Giờ đây, Trung Quốc dường như đang đặt niềm hy vọng vào ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, Joe Biden.
“Ông Biden không chỉ đưa ra các chính sách nhất quán thân Trung Quốc nhất, mà ông ấy còn có một lịch sử thỏa thuận không công khai với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh biết ông Biden sẽ là một tổng thống phù hợp, có thể điều khiển được”, ông Staffer nhận xét.
Trên thực tế, các báo cáo gần đây cho thấy con trai ông Biden đã có một thương vụ lớn ở Trung Quốc vào năm 2013, khi ông Biden còn đương chức phó tổng thống Mỹ. Trong thương vụ này, con trai ông Biden được phép mua lại cổ phần tư nhân trị giá 1 tỷ USD, với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc. Thậm chí ông Biden được cho là đã giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán, đưa con trai mình đến Trung Quốc bằng máy bay Không lực số 2 (Air Force Two), chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận kinh doanh được ký kết.
Ông Shaffer nhận định: “Các chính sách mà ông Biden diễn thuyết trong cuộc tranh luận, sẽ có lợi cho Trung Quốc về lâu dài, trong khi làm tê liệt nền kinh tế Mỹ, khiến chúng ta rơi vào tình thế thậm chí còn tồi tệ hơn trước khi ông Trump được bầu, một mớ hỗn độn do ông chủ cũ của ông Biden để lại”.
Bài phân tích của ông Shaffer được đưa ra vài ngày sau khi một tỷ phú người Hoa hiện sống tại Mỹ tiết lộ chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm ngăn chặn Tổng thống Trump tái đắc cử.
Đáng buồn thay, dường như ông Biden hoàn toàn không biết hoặc phớt lờ mối đe dọa của Trung Quốc. Hồi đầu năm, ông tuyên bố rằng người Trung Quốc “không phải là người xấu”, nhấn mạnh rằng chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc không cạnh tranh với nền kinh tế Mỹ.
Theo ông Staffer, ông Biden không phải là ứng cử viên duy nhất của đảng Dân chủ nhu nhược với Trung Quốc. Đúng như Tổng thống Trump đã phát biểu tại cuộc mít tinh gần đây của ông ở thành phố Cincinnati, Trung Quốc sẽ rất hạnh phúc nếu ai đó không phải ông làm tổng thống Mỹ.
“Ông Donald Trump nói đúng, Trung Quốc sẽ cổ vũ tích cực cho ứng cử viên đảng Dân chủ vào năm 2020, và ‘Bắc Kinh Joe Biden’ là ‘cậu con trai’ yêu thích của họ”, ông Shaffer kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29800-trung-quoc-dang-danh-bac-voi-bau-cu-tong-thong-my-2020.html
TQ: Nguy cơ khủng hoảng kinh tế
vì thương chiến với Mỹ
Các nhà phân tích cho biết chi tiêu của người Trung Quốc có thể sẽ chậm lại trong những tháng cuối của năm do tác động của thương chiến với Hoa Kỳ, điều này sẽ kéo theo sự suy giảm mạnh của nền kinh tế.
Con số dự báo tụt giảm về mức chi tiêu sẽ gây thất vọng lớn vì Bắc Kinh đang trông chờ người tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro từ cuộc chiến mậu dịch với Hoa Kỳ.
SCMP cho biết, đóng góp của tiêu dùng trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn trong những năm gần đây, chiếm tới 76% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018, tăng từ mức dưới 50% vào năm 2011.
Các nhà phân tích cho biết sự thay đổi này chủ yếu là kết quả của sự sụt giảm trong đầu tư sản xuất. Sản xuất kém sẽ làm giảm tăng trưởng thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng khi một lượng lớn trong đó là công nhân làm việc trong các ngành sản xuất và xuất khẩu.
“Chắc chắn người tiêu dùng sẽ không thể giải cứu kinh tế Trung Quốc, bởi trong trường hợp của nước này, người tiêu dùng cũng đang phải chịu ảnh hưởng của thương chiến”, Julian It-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của Trung Quốc tại Capital Economics nhận định trên SCMP.
“Thực tế, cuộc chiến thương mại là tiêu cực đối với tiêu dùng vì nó ảnh hưởng đến niềm tin cũng như mức tăng thu nhập của họ”, ông Pritchard cho biết thêm.
Theo Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư của Matthews Asia, tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người dành cho chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc là khoảng 8% trong tháng 6, thấp hơn so với con số khoảng 10% vào cùng kỳ năm ngoái.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã hạn chế việc mua xe hơi, tài sản cũng như các mặt hàng khác. Một cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương Trung Quốc tuần trước cho thấy 79% số người được hỏi trả lời muốn tiết kiệm tiền hơn là chi tiêu.
Trong một báo cáo gần đây, Bank of America Merrill Lynch (BAML) đã dự đoán tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ xe so với một năm trước đó, chưa tính đến lạm phát, sẽ giảm từ 9,8% trong tháng 6 xuống mức 8,6% trong tháng 7
Tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến cũng có thể giảm sau các chương trình khuyến mãi hàng năm tại các nền tảng thương mại điện tử như JD.com và Tmall.com vào 18/6, BAML cho biết thêm.
Lisheng Wang, một nhà phân tích tại ngân hàng Nomura Bank của Nhật Bản nhận định, xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc sẽ biến động rất lớn trong năm nay, do việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và các biện pháp khác để kích thích tiêu dùng của chính phủ Trung Quốc có tác dụng hạn chế.
“Các dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong năm nay. Yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất tới tốc độ tăng trưởng thực sự đến từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung và căng thẳng có thể sẽ leo thang”, SCMP dẫn lời ông Lisheng Wang.
Ông Wang dự đoán rằng Mỹ sẽ còn tăng thuế suất đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 25% vào cuối năm nay sau khi gói hàng này bị áp 10% thuế bắt đầu vào ngày 1/9.
Nếu Mỹ tăng thuế suất lên 25%, GDP của Trung Quốc sẽ sụt giảm trực tiếp 0,4% do xuất khẩu giảm và mức thuế suất đó gián tiếp làm giảm 1% GDP do mức đầu tư sản xuất thấp vì gián đoạn chuỗi cung ứng. Tác động của thuế quan 10% sẽ thấp hơn theo tỷ lệ, ông Wang phân tích.
Cho đến nay, Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa đưa ra thông báo chính thức nào về các kế hoạch tăng trưởng kinh tế hoặc các biện pháp làm giảm thiểu tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Trump.
Robin Xing, một nhà kinh tế tại Morgan Stanley cho biết: “Môi trường kinh doanh hiện tại phản ứng tiêu cực với chính sách thương mại tăng cao, niềm tin của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc dường như vẫn không được cải thiện và hiệu quả của việc cắt giảm thuế đã bị giảm sút”.
Ông Xing dự đoán rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể chậm lại 6% vào quý IV. Nếu Mỹ tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 25% trong vòng bốn đến sáu tháng và Bắc Kinh đáp trả, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống 5,7%.
Ngoài ra, số lượng các vụ vỡ nợ và khủng hoảng niềm tin của các công ty Trung Quốc ngày càng tăng cũng làm giảm hiệu quả của việc nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ của chính phủ, dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể tỷ lệ dự trữ và trưc tiếp bơm tiền vào hệ thống, ông Evans-Pritchard nhận định.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29795-tq-nguy-co-khung-hoang-kinh-te-vi-thuong-chien-voi-my.html
Ngân hàng Trung ương TQ:
‘đồng tệ đang ở mức phù hợp’
Một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói hiện tại giá trị đồng nhân dân tệ đang ở mức thích hợp và dao động hai chiều của đồng tiền không nhất thiết khiến dòng vốn bị rối loạn, hãng Reuters loan tin hôm 13/8.
Đồng nhân dân tệ đã giảm giá gần 2,4% kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi đầu tháng này đe dọa sẽ áp đặt thêm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9, mặc dù có dấu hiệu Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn sự suy giảm của đồng nhân dân tệ.
Bà Zhu Jun, trưởng phòng quốc tế của Ngân Trung ương Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “Mức giá đồng nhân dân tệ hiện nay được điều chỉnh phù hợp với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc và cung cầu của thị trường.”
Bà Zhu nói quyết định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ hồi tuần trước, đã gây “sốc” tại Bắc Kinh.
Nhưng bà Zhu khẳng định rằng Trung Quốc sẽ “vượt qua được tất cả những khó khăn trong mọi kịch bản” phát sinh từ quyết định của chính quyền Tổng thống Trump.
Trong khi đó, ông Chen Yuan, cựu chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc – ngân hàng chính sách lớn nhất nước, nói mục đích thực sự của việc Hoa Kỳ quy Trung Quốc thao túng tiền tệ là nhằm phá vỡ thị trường tài chính Trung Quốc và nền kinh tế của nước này.
“Bước đi của Hoa Kỳ, liệt kê Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ, là một hành động quan trọng nhằm leo thang cuộc chiến tranh thương mại thành một cuộc chiến tranh tài chính,” Reuters trích lời ông Chen nói tại một diễn đàn vào cuối tuần qua.
https://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-trung-uong-tq-dong-te-dang-o-muc-phu-hop/5040220.html
TQ sắp phát hành tiền kỹ thuật số
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần như đã sẵn sàng cho việc phát hành tiền kỹ thuật số của quốc gia, Reuters ngày 12/8 dẫn lời một quan chức ngân hàng trung ương cho biết.
Mu Changchun, phó giám đốc bộ phận thanh toán của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đưa ra loan báo này hôm thứ bảy tại một diễn đàn ở tỉnh Hắc Long Giang, phía bắc Trung Quốc.
Năm 2014, ngân hàng trung ương Trung Quốc lập một nhóm nghiên cứu để tìm hiểu khả năng tung ra loại tiền kỹ thuật số của riêng mình, giảm bớt chi phí lưu hành tiền giấy truyền thống và đẩy mạnh sự kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ của giới hoạch định chính sách. Tuy nhiên, rất ít chi tiết của kế hoạch này được tiết lộ cho đến nay.
Ông Mu Changchun cho biết việc phát hành tiền kỹ thuật số sẽ dựa trên hệ thống hai cấp, mà qua đó cả ngân hàng trung ương lẫn các định chế tài chính đều sẽ là nhà phát hành hợp pháp.
Ông cũng nói thêm rằng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ không chỉ dựa vào công nghệ blockchain vì công nghệ blockchain hiện tại không thể xử lý nổi khối lượng giao dịch khổng lồ ở Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-sap-phat-hanh-tien-ki-thuat-so/5039240.html
Hệ OS riêng cho smartphone:
Hoa Vi đối phó với khả năng bị Mỹ cô lập
Ngày 19/08/2019 tới là hết thời gian mà tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận kéo dài cho một số công ty Mỹ có quan hệ làm ăn với tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei). Theo các nhà quan sát, sau thời điểm đó tương lai hoàn toàn bất định. Các bạn hàng truyền thống của Hoa Vi như Google, Microsoft có thể sẽ buộc phải cắt đứt với công ty Trung Quốc, bị cáo buộc làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh.
Tập đoàn số một của Trung Quốc sẽ đối phó ra sao ? Chế tạo hệ điều hành độc lập Harmony cho điện thoại di động được coi là một vũ khí hàng đầu mà Hoa Vi dự phòng trong cuộc chiến công nghệ sống còn.
Không khí ra sao tại đại bản doanh của Hoa Vi ?
Trước mắt, cho dù chưa đầy một tuần nữa là đến hạn chót của tổng thống Mỹ, Hoa Vi vẫn tỏ ra bình thản. Tập đoàn ra thông báo trấn an khách hàng, là sau ngày 19/08 sẽ không có thay đổi nào. Đối với toàn bộ điện thoại di động, điện thoại bảng và máy tính của Hoa Vi đã bán và những phương tiện đang có trên thị trường, việc cập nhật các dịch vụ an toàn mạng, cũng như các ứng dụng của Android và Microsoft vẫn sẽ tiếp tục, dù quyết định của tổng thống Mỹ ra sao. Tuy nhiên, vấn đề là, nếu tổng thống Trump quyết định xuống tay, tức kịch bản tồi tệ nhất, thì các sản phẩm mới của Hoa Vi sẽ không còn có quyền sử dụng hệ điều hành Android do Google chế tạo, hệ điều hành số một thế giới cho điện thoại di động.
Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm 12/08 cho biết có trong tay một thông báo nội bộ mới đây của nhà sáng lập Hoa Vi Nhậm Chánh Phi (Ren Zhengfei), gửi đến các nhân viên của tập đoàn này. Trong đó, ông Nhậm trình bày chiến lược 5 năm tới của Hoa Vi, đồng thời khẳng định chắc chắn sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Để thực hiện mục tiêu nói trên, Nhậm Chánh Phi tuyên bố sẽ phải cải tổ triệt để, lập ra một « đội ngũ vững vàng bất khả chiến bại ».
Người sáng lập Hoa Vi cũng báo trước với bộ phận khách hàng của tập đoàn là cuộc chiến hứa hẹn sẽ « kéo dài và gian khó ». Năm 2019 này, doanh số của Hoa Vi trên thị trường quốc tế dự kiến sẽ sụt giảm 40%, tương đương ít nhất với khoảng 30 tỉ đô la thua lỗ. Nhậm Chánh Phi động viên tinh thần nhân viên với hứa hẹn tình hình sẽ tươi sáng trở lại vào năm 2021. Hoa Vi sẽ hoàn toàn không phụ thuộc vào các công nghệ của Hoa Kỳ, đặc biệt vào hệ điều hành Android do Google sản xuất.
Hôm 09/08/2019, trong một diễn đàn doanh nghiệp công nghệ tin học, tập đoàn Hoa Vi thông báo đang phát triển một hệ điều hành hoàn toàn tự sản xuất để thay thế Android, với tên gọi Harmony OS, tiếng Hoa là Hong Meng (Hồng Mông hay Hỗn Mang). Tập đoàn Trung Quốc nhiều lần trì hoãn việc thông báo rầm rộ kế hoạch thay thế Android, với hy vọng tránh chọc giận Washington, nhằm tiếp tục duy trì quan hệ làm ăn hai bên cùng có lợi với Google.
Một số nhà quan sát chú ý đến sự tương phản đầy kịch tính giữa cái tên hệ điều hành của Hoa Vi bằng tiếng Anh « Harmony » (hay Hài hòa) với cái tên tiếng Hoa là « Hồng Mông (có nghĩa là « Hỗn Mang »), hay thời điểm vũ trụ sinh thành, tạo thiên lập địa theo huyền thoại Trung Hoa cổ. Một cái tên gọi đầy ẩn ý để nói về vị trí của hệ điều hành OS của Hoa Vi trong cuộc chơi thương mại – ngoại giao Mỹ – Trung đang ngày càng biến hóa, khó lường.
Tự sản xuất hệ điều hành riêng có ý nghĩa thế nào với tập đoàn Trung Quốc ?
Hệ điều hành (OS / Operating Systems) là các chương trình chạy trên máy tính hay các thiết bị di động như điện thoại cầm tay, dùng để điều hành, quản lý các thiết bị phần cứng và các tài nguyên phần mềm trên máy tính, hay các thiết bị di động. Hệ điều hành được coi là đầu não của toàn bộ vũ trụ kĩ thuật số di động, cho phép nối kết giữa các năng lực kỹ thuật của máy (như bộ nhớ, bộ vi xử lý, phần ngoại vi… ) với các phần mềm hay các ứng dụng. Nói cách khác, không có hệ điều hành, vũ trụ kỹ thuật số này không thể vận hành.
Hiện tại, thị trường hệ điều hành toàn cầu cho smartphone do hai tập đoàn Mỹ, Google và Apple, thống trị. Apple là nhà sản xuất hệ điều hành iOS, được trang bị riêng cho các điện thoại iPhone của công ty này. Google sản xuất hệ điều hành Android, bán cho gần như toàn bộ các đối thủ của Apple, trong đó có Hoa Vi.
Chế tạo được một hệ điều hành riêng là điều hoàn toàn không đơn giản. Trong quá khứ, chỉ mới có rất ít công ty mạo hiểm lao vào chế tạo hệ điều hành riêng. Hãng Black Berry ngay từ những năm 1999 đã thử nghiệm trên các điện thoại di động của hãng, với lúc mặt hàng này bắt đầu phát triển. Về phần mình, Microsoft bắt đầu cuộc phiêu lưu vào năm 2010. Tuy nhiên, hai công ty đều phải chấm dứt tham vọng chế tạo hệ điều hành riêng cách nay hai, ba năm. Vào cuộc quá chậm là một trong những nguyên nhân chính khiến các nỗ lực nói trên thất bại. Tập đoàn điện thoại di động hàng đầu thế giới Samsung đã từng toan tính, nhưng chưa bao giờ dám thực sự dấn thân.
Trong trường hợp Hoa Vi, đây là một thử thách một sống một còn. Điện thoại smartphone chiếm khoảng một nửa trong doanh thu hơn 100 tỉ đô la của Hoa Vi, và là mặt hàng tăng trưởng rất mạnh trong bốn năm gần đây (với tổng tăng trưởng 45%). Khoảng một nửa doanh thu của tập đoàn Hoa Vi hiện nay là trên thị trường quốc tế. Nếu bị Mỹ cô lập, Hoa Vi hoặc sẽ hạ vũ khí, hoặc buộc phải thành công trong cuộc phiêu lưu chế tạo hệ điều hành riêng.
Tập đoàn Trung Quốc có lợi thế trong cuộc chạy đua ?
Tập đoàn Trung Quốc có nhiều lợi thế trên « mặt trận » mới này. Lợi thế trước hết là Hoa Vi có thể dựa vào thị trường rộng lớn trong nước với hơn 800 triệu người sử dụng điện thoại di động smartphone, vốn đã có một hệ thống các ứng dụng riêng như WeChat, Alipay… Bối cảnh hiện nay cũng được nhiều nhà quan sát cho là thuận lợi cho Trung Quốc, khi tinh thần dân tộc của dân chúng có thể dễ dàng bị kích thích bởi những căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ, về thương mại cũng như trong một số lĩnh vực khác. Khách hàng có thể ưu tiên mua điện thoại do các tập đoàn trong nước như Hoa Vi sản xuất.
Về phía các thị trường nước ngoài khác, Ấn Độ, Indonesia hay châu Phi, là các thị trường mới nổi, nơi điện thoại smartphone bắt đầu có xu hướng tràn đến, người sử dụng vẫn còn chưa quen hẳn với một hệ điều hành nào, do vậy không loại trừ đầu thủ mới nổi Hoa Vi có cơ hội chinh phục thị trường.
Theo chuyên gia kỹ thuật số Joel Plat, trả lời phỏng vấn BFM TV, một điểm đáng chú ý là Hoa Vi dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ đô la hàng năm cho việc chế tạo hệ điều hành OS cho điện thoại cầm tay, đầu tư như vậy là đáng kể, nếu diễn ra trong dài hạn, thì có thể sánh với đầu tư của Apple trước đây.
Tuy nhiên, trước mắt muốn thành công trên thị trường quốc tế, Hoa Vi phải vượt qua một thách thức khổng lồ : thuyết phục được các nhà xây dựng phần mềm thích ứng các ứng dụng của họ với hệ điều hành tương lai Harmony OS. Với những người quen xài Android, điều này hoàn toàn không dễ. Trước đây tập đoàn khổng lồ Microsoft cũng từng đại bại với dự án hệ điều hành riêng Windows Phone.
Việc Hoa Vi phát triển hệ điều hành riêng có đe dọa Mỹ ?
Theo AFP, nếu tập đoàn Trung Quốc tự sản xuất được hệ điều hành thì đây sẽ là một tai họa cho Google, tập đoàn này có thể là một trong các nạn nhân chủ yếu của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Và cùng với Hoa Vi là nhiều công ty Trung Quốc, đang nắm giữ các thị phần quan trọng điện thoại di động như Xiaomi, OPPO hay Vivo. Toàn bộ các công ty Trung Quốc hiện chiếm khoảng 42% thị trường smartphone thế giới, và hơn 55% đối với smartphone sử dụng hệ điều hành Android của Google.
Và cuộc chiến này sẽ không chỉ dừng ở điện thoại di động, Hoa Vi cũng muốn phát triển hệ điều hành riêng cho cả hệ thống các đồ vật kết nối. Tuy nhiên, theo một chuyên gia văn phòng tư vấn Bearing Point, việc phá vỡ thế độc quyền của Google chưa hẳn đã là dở đối với nhiều doanh nghiệp.
Trước mắt, tập đoàn Trung Quốc luôn khẳng định là buộc phải tìm cách thay thế hệ điều hành Android truyền thống bằng một hệ tự chế, là do các trừng phạt của Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190813-he-os-rieng-cho-smarphone-hoa-vi-doi-pho-voi-kha-nang-bi-my-co-lap
Bắc Kinh đổi chiến lược đối phó
với biểu tình ở Hồng Kông
Tuần thứ 10 liên tiếp của phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông được đánh dấu bằng những cuộc tập hợp ở nhiều nơi, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, đặc biệt là chiến dịch tọa kháng từ tối 09/08/2019 tại sân bay quốc tế Hồng Kông nhằm đánh động công luận quốc tế. Đỉnh điểm là sự kiện sân bay phải đóng cửa, hủy hàng trăm chuyến bay khi gần 5.000 người biểu tình đổ về đây vào ngày 12/08.
Ý đồ của Bắc Kinh để cho phong trào tự tan rã dường như đã thất bại khi cuộc khủng hoảng ngày càng đi đến bế tắc. Bắc Kinh buộc phải thay đổi chiến lược, không còn coi đây là một « cuộc cách mạng màu », mà đã nâng thành « mầm mống khủng bố » khi nói về phong trào dân chủ Hồng Kông và mức độ bạo lực trong các vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình.
Chiến lược mới của Bắc Kinh có thể được tóm lược trong ba mặt trận. Trước tiên, trên lĩnh vực truyền thông, từ vài ngày nay, đặc biệt từ sau sự kiện sân bay Hồng Kông đóng cửa, các cơ quan truyền thông Nhà nước được tự do chỉ trích mạnh mẽ người biểu tình dân chủ Hồng Kông.
Từ « khủng bố », được phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao nêu lần đầu tiên trong cuộc họp báo chiều 12/08, đã được đài truyền hình CCTV nhắc lại đến ba lần trong bản tin thời sự cùng ngày. Hoàn Cầu Thời Báo tiếp tục đăng một đoạn video quảng bá các cuộc thao dượt của « cảnh sát vũ trang », dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc, « có vẻ đang diễn tập trên quy mô lớn » ở Thâm Quyến, giáp với Hồng Kông.
Tiếp theo, lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Hồng Kông vừa được tăng cường thêm ba xe vòi rồng trị giá gần 3,4 triệu đô la mỗi chiếc. Theo phát biểu ngày 09/08 của bà Regina Ip, một lãnh đạo chính trị thân chính quyền trung ương, « Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho chúng tôi để cảnh sát cứng rắn hơn nữa ». Cảnh sát tiếp tục đàn áp phong trào dân chủ bằng lựu đạn hơi cay, đạn cao su và dường như nhận được sự tăng viện của an ninh Hoa lục.
Phương pháp thứ ba là đe dọa các doanh nghiệp, giới hoạt động nghệ thuật Hồng Kông, mà lợi ích kinh tế gắn liền với Hoa lục. Hãng hàng không Cathay Pacific là một ví dụ. Ngay khi Bắc Kinh yêu cầu hãng cấm những nhân viên tham gia biểu tình hôm 05/08 bay vào hoặc bay qua Hoa lục, tổng giám đốc của hãng đã phải đổi thái độ, y lệnh của Bắc Kinh với đe dọa kỷ luật, thậm chí sa thải những nhân viên tham gia biểu tình. Quyết định này là dễ hiểu vì gần một nửa doanh thu của Cathay Pacific là nhờ Trung Quốc. Ngoài ra hãng hàng không Air China chiếm 30% cổ phần của Cathay Pacific.
Nạn nhân thứ hai, bị Hoàn Cầu Thời Báo điểm mặt chỉ tên hôm 10/08, là trung tâm thương mại Harbour City, vì ban giám đốc đã hai lần để người biểu tình lấy cờ Trung Quốc. Đến tối 11/08, ông Peter Woo, chủ sở hữu trung tâm Harbourg City, đã nhanh chóng lên án « hành vi bạo lực bất hợp pháp, mang tính chất hăm dọa nhắm vào thường dân vì các mục đích chính trị ».
Nếu không được Bắc Kinh bật đèn xanh, các cơ quan truyền thông Nhà nước sẽ không được tự do và dồn dập cảnh cáo người biểu tình Hồng Kông như vậy. Trả lời Le Monde (13/08), ông Sebastian Veg, giáo sư lịch sử Trung Quốc, trường Nghiên cứu về Xã hội Paris (EHESS), nhận định : « Loạt cảnh cáo này điển hình cho kiểu hoạt động của chính quyền Trung Quốc : một chỉ thị từ trung ương đưa xuống, ngay sau đó tất cả các cơ quan, tổ chức phải hành động theo đúng tinh thần của chỉ thị ».
Trong bản tin của CCTV, người biểu tình Hồng Kông bị coi là những « kẻ nổi loạn », « bùn bẩn trong Lịch sử cần phải trút bỏ. Chúng ta có đủ tự tin và dũng cảm để gột rửa họ ». Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo (phiên bản tiếng Trung) đe dọa : « Nếu những kẻ nổi loạn Hồng Kông không hiểu được thông điệp về việc cảnh sát vũ trang nhân dân tập hợp ở Thâm Quyến liệu, thì đúng là họ muốn hủy diệt ».
Trung Quốc có biến những đe dọa đó thành hành động không ? Liệu Bắc Kinh quyết tâm « dọn sạch » Hồng Kông trước kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 01/10/2019 ? Phát biểu ngày 13/08, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cảnh báo : « Bạo lực, dù là được sử dụng hay được khuyến khích, sẽ đẩy Hồng Kông vào con đường không thể thối lui ». Tuy nhiên, cảnh sát càng trấn áp, người biểu tình càng chống đối bằng mọi cách. Hồng Kông có lẽ sẽ vẫn là cái vòng luẩn quẩn, chưa có lối thoát.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190813-bac-kinh-doi-chien-luoc-doi-pho-voi-bieu-tinh-o-hong-kong
Bắc Kinh lên giọng với người biểu tình Hồng Kông
Vào lúc sân bay quốc tế Hồng Kông bị tê liệt hôm 12/08/2019 vì gần 5.000 người tọa kháng, lần đầu tiên, chính quyền Bắc Kinh lên án hành động của người biểu tình là « mầm mống khủng bố ».
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
« Lời lẽ cáo buộc nghiêm trọng hơn một nấc, với ngôn từ tỏ rõ thái độ cứng rắn của chính quyền Trung Quốc đối với người biểu tình.
Phát biểu trước truyền thông Trung Quốc chiều thứ Hai (12/08), phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao, nhấn mạnh : « Điều mà người biểu tình đã làm (hôm 11/08) là điên rồ », nhiều hành động có thể được coi là dấu hiệu « mầm mống khủng bố »
Các phóng viên nước ngoài không được mời đến buổi họp báo trên, chỉ một nhóm nhỏ nhà báo Hồng Kông được tham dự.
Đối với ông Dương Quang, tình trạng bạo lực ở Hồng Kông phải chấm dứt ngay lập tức. Ông phát biểu : « Phải bền bỉ đấu tranh chống kiểu tội phạm này, không khoan dung và đúng theo luật pháp. Chúng tôi ủng hộ cảnh sát Hồng Kông và chúng tôi hy vọng rằng những cá nhân gây ra các hành động này phải nhanh chóng bị đưa ra xét xử. Đặc khu hành chính đang trải qua giai đoạn nguy kịch. Những người ủng hộ vận mệnh của đặc khu phải lên án những người biểu tình cực đoan. Phải nhanh chóng lập lại ổn định ».
Tại buổi họp báo lần thứ ba, trong vòng hai tháng biểu tình, của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao, phóng viên không được phép đặt câu hỏi.
Từ tối Chủ Nhật (11/08), truyền thông Nhà nước liên tục chiếu hình ảnh một nhân viên cảnh sát bị cháy vì bị ném bom xăng. Dường như võng mạc của 12 cảnh sát Hồng Kông bị ảnh hưởng vì bị người biểu tình chiếu laser, một người khác có lẽ bị thương ở cấp độ 2.
Trong khi đó, hình ảnh người biểu tình bị thương thì bị kiểm duyệt tuyệt đối trên báo chí Hoa lục ».
Không dừng ở việc lên án, chính quyền Bắc Kinh gia tăng mức độ răn đe khi điều động quân đến khu vực tiếp giáp với Hồng Kông. Ngày 12/08, nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng hình ảnh một đoàn dài nhiều xe bọc thép chở lính và nhiều xe tăng trên quốc lộ dẫn đến thành phố Thâm Quyến. Trong đoạn video đăng trên mạng Twitter, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết đoàn xe trên đến Thâm Quyến để thao dượt.
Hoa Kỳ và Canada đã lên tiếng sau khi sân bay quốc tế Hồng Kông phải đưa ra quyết định hy hữu đóng cửa sân bay và hủy nhiều chuyến bay đi và đến. Một quan chức cao cấp của Mỹ đã kêu gọi « các bên kiềm chế mọi hình thức vũ lực », tôn trọng « những quan điểm chính trị khác nhau ». Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 12/08 cho biết « quan ngại sâu sắc » về tình hình ở Hồng Kông, đồng thời kêu gọi chính quyền Trung Quốc « thận trọng » và « tôn trọng » những yêu cầu của người biểu tình.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190813-okbac-kinh-len-giong-voi-nguoi-bieu-tinh-hong-kong
Tổng thống Philippines
bị coi là “bán rẻ” đất nước cho Bắc Kinh
Trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông Mỹ Bloomberg vào hôm nay 13/08/2019, phó tổng thống Philippines cho biết rằng công dân nước bà đang lo lắng trước việc tổng thống Duterte đã « bán đổ bán tháo » đất nước cho Bắc Kinh và kêu gọi ông có lập trường mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền của đất nước ở vùng Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Bloomberg TV ở Manila, phó tổng thống Leni Robredo cho rằng tổng thống Duterte đã không biết tận dụng lợi thế của một phán quyết quốc tế khẳng định các quyền kinh tế của Philippines trong vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Phó tổng thống Philippines giải thích : « Tôi hiểu vì sao chính quyền mới của chúng tôi lại thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng cần có một đường lối rõ ràng trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước chúng tôi… Tổng thống (Duterte) đã đưa ra rất nhiều tuyên bố khiến mọi người có cảm giác là Philippines đang chấp nhận mọi đòi hỏi của Trung Quốc ».
Bà Robredo khẳng định là công luận Philippines đang lo sợ là « một ngày nào đó mở mắt thức dậy thì thấy nhiều vùng lãnh thổ của mình không còn là của mình nữa. »
Luật lệ tại Philippines quy định tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng rẽ, vì vậy, bà Robredo hiện đang ở trong một tư thế bất bình thường : là lãnh đạo đối lập, nhưng lại làm phó tổng thống. Chính vì là chính khách đối lập nên bà liên tục bị tổng thống Duterte tấn công. Từ khi lên cầm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã tìm cách bỏ tù hoặc loại trừ những người chỉ trích ông ra khỏi guồng máy chính quyền.
Trong bối cảnh đó, Robredo cho biết bà sẵn sàng ra tranh cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới đây, nhưng chưa quyết định xem là có nên trở thành ứng cử viên chính của đảng Tự Do đối lập hay không. Ba năm nữa cử tri Philippines sẽ bầu người kế nhiệm ông Duterte.
Bà Robredo đã đắc cử phó tổng thống nhờ một chương trình tranh cử chủ trương thúc đẩy việc chống đói nghèo, hứa hẹn sẽ giúp đỡ những người sống bên lề xã hội. Tuy nhiên, trong những cuộc thăm dò gần đây, chỉ số được lòng dân của bà dưới mức 50%, trong lúc tỷ lệ tín nhiệm của ông Duterte mới đây đã tăng cao lên trên 68%.
Vùng Kashmir thuộc Ấn:
Giới nghiêm bước sang ngày thứ 9
Tình trạng giới nghiêm tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã bước sang ngày thứ 9 liên tiếp hôm 13/8, và cư dân đang lâm vào cảnh thiếu nhu yếu phẩm, theo AP.
Ấn Độ áp đặt lệnh giới nghiêm gần như liên tục, cắt đứt mọi liên lạc để tìm cách ngăn chặn phản ứng dữ dội của người dân đối với quyết định của New Delhi hôm 5/8, tước quyền tự trị của khu vực này.
Bầu không khí tiếp tục căng thẳng dọc theo Làn Ranh Kiểm soát ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, nơi cư dân Chakothi, một thị trấn ven biên hẻo lánh nói họ đang sống trong tình trạng bất định.
“Chúng tôi luôn luôn là nạn nhân bất cứ khi nào có căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ,” bà Cameron Rubina Bibi, một bà nội trợ 40 tuổi, nói với AP.
Trong một tuyên bố hôm 12/8, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan lên án chính quyền Ấn Độ là hạn chế quyền tự do tôn giáo trong lễ hội Eid tại khu vực tranh chấp trên dãy núi Himalaya.
Tuyên bố này viết:
“Những hạn chế và hành động bóp nghẹt các quyền tự do tôn giáo cơ bản của hàng triệu tín đồ Hồi giáo ở Kashmir cấu thành một sự vi phạm nghiêm trọng đối với luật nhân quyền quốc tế hiện hành, mà Ấn Độ đã ký kết.”
Pakistan kêu gọi quốc tế lên án động thái của Ấn Độ, nhưng Ấn Độ vẫn cho rằng đó là một quyết định nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.
Hôm 12/8, Trung Quốc nói với Ấn Độ rằng họ rất quan ngại về tình hình Kashmir, theo trang South China Morning Post.
Thông điệp đó được Ngoại trưởng Vương Nghị và Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn đưa ra trong các cuộc họp riêng rẽ ỏ Bắc Kinh với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm 13/8, trong chuyến công du 3 ngày đến thăm Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc chớ nên xen vào cuộc khủng hoảng ở Kashmir.
Trang Telegraph trích lời Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết các quyết định về Kashmir là “một vấn đề nội bộ bên trong lãnh thổ Ấn Độ.”
https://www.voatiengviet.com/a/vung-kashmir-thuoc-an-gioi-nghiem-buoc-ang-ngay-thu-9/5040473.html
Lũ lụt ở Ấn Độ, gần 200 người chết
Các hoạt động cứu hộ tiếp diễn tại 4 bang của Ấn Độ, nơi lũ lụt do mưa mùa đã cướp đi sinh mạng của gần 200 người và buộc hơn 1 triệu người khác bị thất tán.
Các bang Kerala, Karnataka, Gujarat và Maharashtra bị nhận chìm bởi các trận mưa tầm tã và những con sông tràn bờ.
Bang Kerala, một địa điểm du lịch có các bãi biển và khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tử vong tại bang này tính tới ngày 12/8 là 76 người. Số thiệt mạng tại ba bang còn lại là 116 nạn nhân. Dự kiến số tử vong còn lên cao.
Gần 125 người bị mắc kẹt trên một con đường bị nước lũ dâng ngập được không vận tới nơi an toàn bởi Không lực Ấn.
Mưa mùa dù cần thiết cho quốc gia hay bị hạn hán Ấn Độ nhưng cũng là nguyên nhân khiến hàng trăm người thiệt mạng trên cả nước hằng năm.
Năm ngoái, bang Kerala bị trận lụt nghiêm trọng nhất trong gần một thế kỷ, với khoảng 450 người tử vong.
https://www.voatiengviet.com/a/lu-lut-o-an-do-gan-hai-tram-nguoi-chet-/5039378.html
Đất lở tại Myanmar – 59 người thiệt mạng
Số người chết vì đất lở ở phía Đông Nam Myanmar đã lên đến con số 59, theo lời nhà chức trách.
Vụ lở đất xảy ra ở tiểu bang Mon hôm thứ Sáu sau những ngày mưa xối xả. Những nỗ lực cứu hộ đã bị cản trở bởi bùn và mưa lớn.
Myanmar, miền đất phủ đầy vàng
Lụt lội ở châu Á cũng có yếu tố chính trị
Đập Myitsone và thế tiến thoái lưỡng nan của Aung San Suu Kyi
Những cơn mưa vì mùa gió mùa đã gây ra lũ lụt khắp nơi trên Myanmar, nhấn chìm các ngôi nhà và những cây cầu đổ nát.
Hơn 80.000 người đang phải trú ẩn tại các địa điểm sơ tán trên toàn quốc, Liên Hợp Quốc nói.
Lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân của vụ lở đất hôm thứ Sáu, đã phá hủy 27 ngôi nhà tại một ngôi làng ở thị trấn Paung.
Nhiều vùng ở Myanmar bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nhưng tiểu bang Mon dường như bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Phó Tổng thống Henry Van Thio đã đến thăm khu vực vào thứ Hai và cam kết rằng nhiều tàu thuyền sẽ triển khai trong các nỗ lực cứu hộ.