Đọc báo Pháp – 10/08/2019
Con đường tơ lụa mới :
Tập Cận Bình « Tây du » để bao vây phương Tây ?
Trang bìa tờ Le Point tuần này (08/08/2019), trên nền ảnh Tập Cận Bình, chạy tựa nhận định: Sau Hán Vũ Đế, Marco Polo và bây giờ là Tập Cận Bình. Những con đường tơ lụa mới. Một trục mới của thế giới. Ở trang địa chính trị, với tấm bản đồ lớn chỉ rõ những con đường giao thương hàng hải và đường bộ, những hành lang kinh tế bao la của Trung Quốc, tuần báo khẳng định « Đất liền, Biển cả… Trung Quốc mở rộng đế chế ».
Những con đường tơ lụa mới này thể hiện rõ những tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình : Sự thống trị của Trung Quốc từ châu Á đến châu Phi. Và phải chăng là cả phương Tây sau này ? Le Point đặt câu hỏi.
Thương chiến Mỹ – Trung : Bắc Kinh phản đòn
Vào những ngày cuối tháng 4/2019, thế giới đang phấp phỏng mừng thầm trước thông tin thương chiến Mỹ – Trung sắp kết thúc. Nhưng tia hy vọng đó đã nhanh chóng bị dập tắt trước các dòng Tweet của tổng thống Donald Trump, thông báo ngưng đàm phán, tăng mức áp thuế từ 10 lên 25% nhắm vào 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông báo bất ngờ này khiến thị trường tài chính chao đảo.
Nguyên nhân : Đại diện đàm phán Mỹ, ông Bob Lighthizer ngày 25/04/2019 nhận được một bản thỏa thuận có sửa đổi dày 150 trang, theo đó Trung Quốc xét lại những cam kết trước đó, từ chối mọi sự nhượng bộ mở cửa thị trường cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài cũng như là lời hứa giảm vai trò lãnh đạo của đảng đối với nền kinh tế.
Vì sao Trung Quốc có thể « ngang nhiên trở mặt » như thế ? Theo Le Point, trước thành công của diễn đàn BRI – Một vành đai, Một con đường lần hai ở Bắc Kinh diễn ra cùng ngày, giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định đổi chiến thuật.
Hơn 5.000 đại diện tham gia và 67 tỷ đô la hợp đồng được ký kết, niềm tin của « Tập gia gia » như được củng cố, vốn dĩ đang bị chao đảo trước cuộc tấn công thuế quan của Donald Trump và mức tăng trưởng kinh tế trì trệ.
Lãnh đạo Trung Quốc như được trấn an, bởi vì « dự án BRI cho phép ông đủ thiết lập các mối liên hệ để có thể đối phó với khả năng bị cô lập trong trường hợp xảy ra xung đột với Hoa Kỳ » theo như phân tích của một nhà ngoại giao.
Giấc mơ bá quyền
Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư trường đại học Baptist tại Hồng Kông lưu ý thêm rằng « Những con đường tơ lụa mới còn là dự án mang dấu ấn trị vì của Tập Cận Bình ». Dự án này song hành cùng « giấc mơ Trung Hoa » của lãnh đạo Trung Quốc, vốn cho rằng thời kỳ hồi sinh của Trung Quốc đã điểm, giai đoạn « ẩn mình chờ thời » của Đặng Tiểu Bình đã qua.
Năm 2008 gióng hồi chuông suy tàn của phương Tây với cuộc khủng hoảng tài chính cũng như là chấm dứt một thế kỷ rưỡi nhục nhã trước những họng súng của thực dân Anh trong cuộc chiến « thuốc phiện » (1839-1842). Khi đưa ra dự án này, « người cầm lái mới » khẳng định đang vực dậy một đất nước mơ ước tìm lại vị thế của mình : Vị trí trung tâm thế giới.
Quả thật, với BRI, các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc, nhất là các công ty xây dựng, đang bị thừa thãi và hụt hơi tăng trưởng, có thể vươn vòi tới những vùng biên giới mới. Đồng thời, Bắc Kinh tiến đẩy những con chốt chính trị để mở rộng ảnh hưởng. Với các dự án đường sắt, hàng hóa Trung Quốc sẽ dễ dàng « Tây du » : Hoặc từ Lào đến tận châu Phi, đi qua Thái Lan và Indonesia. Hoặc từ Trung Quốc đến châu Âu qua ngả Trung Á.
Đường « Tây tiến » cũng gập ghềnh như trong « Tây Du Ký »
Chỉ có điều con đường « Tây du ký » đó của Tập Cận Bình không phải lúc nào cũng suôn sẻ do những khó khăn tự trong bản thân dự án và ở trong nước. Một mặt, Trung Quốc bị chỉ trích làm cho nhiều nước bị « ngập đầu trong nợ vay ». Hầu hết các dự án đầu tư là do các ngân hàng trung ương Trung Quốc tài trợ. Tuy không bị áp đặt các điều kiện về nhân quyền như phương Tây, nhưng các nước này phải chịu các mức lãi suất của thị trường, đặt các nước này trong thế mong manh và ngày càng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Hệ quả là có nước phải nhượng quyền khai thác những vị trí chiến lược như trường hợp Sri Lanka, có nước đòi thương lượng lại các hợp đồng đã ký như Malaysia và tệ hơn thì tuyên bố phá sản phải cầu cứu đến quốc tế như Pakistan…
Mặt khác, Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn ở trong nước. Tăng trưởng thấp nhất từ 27 năm qua. Ông Richard McGregor cảnh báo : « Do dân số già và tăng trưởng trì trệ, nguồn tài chính của Trung Quốc sẽ không còn dồi dào như trước nữa. Do vậy các tham vọng của BRI sẽ phải hạ thấp và tái tập trung vào những dự án khiêm tốn hơn »
Thực tế này đã được nhận thấy tại diễn đàn BRI lần 2. Lãnh đạo Trung Quốc tìm cách vỗ về các chính phủ tỏ ra hoài nghi khi cam kết « minh bạch » hơn trong việc gọi thầu và có những dự án bảo vệ môi trường bền vững hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á, Viện Montaigne, « Bắc Kinh làm ra vẻ lắng nghe, nhưng thay đổi thật sự có rủi ro chỉ là bề ngoài ».
Dù vậy, giới chuyên gia lưu ý, bất chấp những khó khăn trên, dự án của Tập Cận Bình được khởi động năm 2013, hiện vẫn được hình thành trong khắp vùng Á-Âu, vạch ra con đường đi xuyên qua các dãy núi, thung lũng và mạng lưới thông tin, đồng thời bao vây phe phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Một cuộc cược Lịch sử cho một vận mệnh bất định. Mọi sự giờ mới khởi đầu. Còn phải chờ ít nhất là 5 năm nữa để biết xem những con đường tơ lụa mới này sẽ đi đến đâu, như đánh giá của ông Richard McGregor.
Hồng Kông : « Một thế giới, hai hệ thống »
Le Point nhìn sang Hồng Kông nhận thấy, cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội tại cựu nhượng địa Anh Quốc đang làm cho các dòng vốn tư bản chảy sang Singapore. Cuộc khủng hoảng làm dấy lên nghi vấn về mô hình chuyên chế của Trung Quốc.
Đầu tiên hết, bài xã luận của Le Point nhắc lại mô hình « Một thế giới, hai thể chế » mà ông Đặng Tiểu Bình đề ra đã không còn ý nghĩa gì nữa kể từ khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia năm 2003, cải cách Quốc Hội năm 2010 và cuộc trấn áp phong trào « Dù vàng » năm 2014.
Người Hồng Kông mỗi lần như thế đều đứng lên phản đối nhằm bảo vệ quy chế của đặc khu và các quyền chính trị mà người dân được hưởng cho đến nay. Điều này lý giải vì sao lần này chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh bị bất ngờ và gặp khó khăn trong việc vạch ra các đối sách.
Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ như lần này, Tập Cận Bình chỉ có ba giải pháp. Thứ nhất là dùng vũ lực, nhưng với giá nào ? Kinh tế có thể bị tác hại. Hình ảnh Trung Quốc cũng bị sứt mẻ. Thứ hai là nhờ đến các dân biểu đối lập làm trung gian hòa giải – một khả năng ít có thể xảy ra – tìm kiếm một đồng thuận để thoát khủng hoảng. Thứ ba là để cho phong trào tự lụi tàn để làm mất uy tín của phong trào và thậm chí là ý tưởng dân chủ bằng thủ đoạn chặn nguồn thu tài chính có được từ 45 triệu du khách từ lục địa mỗi năm.
Bất kể là gì đi chăng nữa, trong trước mắt dòng vốn tư bản đang lũ lượt đổ về Singapore và điều này bất ngờ gợi nhắc đến ngày hết hạn quyền tự trị của Hồng Kông vào năm 2047. Các nhà đầu tư bắt đầu quan ngại về Trung Quốc, mô hình chuyên chế và tham vọng tiến nhanh đến vai trò lãnh đạo toàn cầu năm 2049.
Các cuộc biểu tình như nhắc nhở rằng người dân Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ quyền tự do và mô hình chuyên chế của Bắc Kinh đang bị giới trẻ đô thị ngày nay, có học và kết nối nhiều hơn lên án mạnh mẽ. Việc Hồng Kông hội nhập thất bại cũng khiến cho người dân Đài Loan nghi ngại và kháng cự mạnh hơn.
Và các cuộc biểu tình cũng nhắc nhở rằng nếu khẩu hiệu « một nhà nước, hai chế độ » chỉ là điều không tưởng, thì ở thế kỷ XXI này, nguyên tắc « một thế giới, hai hệ thống » là điều có thực!
Kim Jong Nam : Chết vì « vạ mồm »
Cũng về thời sự Đông Bắc Á, L’Obs trở lại vụ án mạng Kim Jong Nam, giải thích vì sao ông bị ám sát.
Đầu tiên hết tuần báo thuật sơ lại diễn biến vụ án mạng : Kim Jong Nam bị gián điệp Bắc Triều Tiên hạ sát như thế nào bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur ngày 13/12/2017. Sự việc diễn ra với sự « cộng tác ngây thơ » của hai cô gái, Siti Aisyah – người Indonesia và Đoàn Thị Hương, người Việt Nam. Hai người này suýt nữa thì bị kết án tù nặng, trong khi kẻ chủ mưu đã kịp thời « cao chạy xa bay »
Nhà báo Anna Fifield tờ Washington Post, vừa cho phát hành tập sách « The Great Successor », cho rằng « đây là một vụ ám sát hoàn hảo. Thông thường, Bắc Triều Tiên sử dụng chính các nhân viên tình báo để thanh trừng phe đối lập. Những cô gái này vì không có hiểu biết gì cả, nên khó có thể lần ra kẻ chủ mưu. »
Kim Jong Nam và Kim Jong Un tuy là anh em cùng cha khác mẹ, nhưng chưa bao giờ gặp mặt nhau. Là con trai cả, nhưng « Gấu Mập », lẽ ra phải kế thừa người cha lên nắm quyền lại bị gạt sang một bên, chỉ vì trong « tứ đổ tường », « Gấu Mập » mê đến cả ba : Rượu, Gái và Cờ bạc.
Vì vậy mà Kim Jong Un trở thành « lãnh đạo tối cao » khi mới có 27 tuổi sau cái chết của người cha là Kim Jong Il. Mê bóng rổ và phim của đạo diễn Jean-Claude Van Damme, nhà độc tài trẻ tuổi còn cho thấy còn đáng gờm hơn cả người cha khi không ngần ngại hành quyết người chú dượng.
« Gấu Mập », kẻ thất sủng, sống trong sợ hãi, nhiều lần thoát chết, đến nỗi từng viết thư nài nỉ xin tha mạng. « Anh xin em, hãy hủy lệnh trừng phạt chúng tôi đi. Bọn anh chẳng còn nơi nào để náu thân cả. Chỉ có tự tử là cách duy nhất để chạy trốn mà thôi. »
Dù tỏ ra im hơi lặng tiếng, nhưng « đây vẫn là một đối thủ tiềm tàng. Kim Jong Un buộc phải tiệt trừ. Và phải giữa thanh thiên bạch nhật, tại nơi công chúng chứ không trong hang cùng ngõ hẻm ở Ma Cau, để đưa ra một thông điệp cho toàn thế giới là không ai có thể thoát », giáo sư Nam Sung Wook, đại học Seoul và cựu chuyên gia phân tích tin cho tình báo Hàn Quốc nhận định.
Rồi « Gấu Mập » trở thành kẻ phản bội, bắt tay với CIA. Ngày Kim Jong Nam bị sát hại, người ta tìm thấy trong chiếc va-li của người này 120 ngàn đô la tiền mặt. Tiền có được từ « bán thông tin » hay là do « ăn bạc » ? Không ai biết cả.
Chỉ có điều như bà Juliette Morillot, chuyên gia của Pháp về Bắc Triều Tiên nhận định, « không chỉ cộng tác với CIA, Kim Jong Nam còn cung cấp thông tin cho cả tình báo Hàn Quốc. Và chắc chắn là có cả cho Pháp nữa. Trên khắp hành tinh này, quả thật Bắc Triều Tiên cứ như là một chiếc hố đen về phương diện thông tin. Do vậy, những người như Kim Jong Nam quả thật là một nguồn tin rất quý giá. »
Lạc chốn sao trời !
Mùa hè đến nên đi đâu chơi ? Lên rừng hay xuống biển ? Nhưng chỗ nào cũng ồn ào đông người cả. Le Point đưa ra một giải pháp khác, độc đáo và yên tịnh hơn : Đi ngắm Dải Ngân Hà. Một xu hướng mới đang rất thịnh hành.
Người Trái Đất giờ hiếm có thú vui khám phá dải Ngân hà, do bởi một nguồn ô nhiễm : ánh sáng đèn đêm. Và để giúp chúng ta tái khám phá những bí ẩn và vẻ đẹp lung linh của trời đêm, một nhãn hiệu quốc tế đã được thành lập : Khu Bảo tồn Quốc tế trời đầy sao (Rice). Đó là một không gian ở đó, người ta phải có thể quan sát đến cả những tia lấp lánh nhỏ nhất của ánh sao từ Trái Đất.
Ý tưởng này do các nhà thiên văn học nghiệp dư và chuyên nghiệp đưa ra, và được các chính quyền hưởng ứng và do tư nhân quản lý. Và tham vọng thành lập các khu bảo tồn đề cao giá trị sự trong sáng của bầu trời đã nên hình nên dạng, ban đầu xung quanh các đài quan sát khoa học rồi dần lan rộng ra những điểm tham quan khác chỉ dành để quan sát bầu trời truyền thống. Mô hình này nằm trong xu hướng chung bảo vệ môi trường ban đêm và bảo tồn các di sản khoa học của nhiều dãy núi.
Từ thế kỷ XIX cho đến cuối thế kỷ XX, những ngọn núi cao chỉ dành cho giới khoa học để lập các đài quan sát – phòng thí nghiệm vào thời ấy được xem như là những tác phẩm ngoại hạng và đầy vinh quang nhân danh sự tiến bộ. Nhưng từ khi nguồn hỗ trợ tài chính của các chính phủ giảm dần, những điểm khám phá này phải phát triển nhiều hoạt động khác (các hoạt động vui chơi – giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học) để tồn tại và tiếp tục theo dõi sự mầu nhiệm của bầu trời.
Kể từ khi thành lập nhãn hiệu Rice năm 2001, tính đến nay trên thế giới có 13 vùng lãnh thổ đã được International Dark-Sky Association nâng hạng. Tại châu Âu, nhãn hiệu Rice được trao cho đỉnh Midi ở Bigorre (Pháp), tiếp đến khu bảo tồn Cevennes (Pháp) và sắp tới đây là khu bảo tồn thiên nhiên Gantrisch ở Thụy Sỹ.
Không chỉ có ngắm sao trời, du khách còn có thể quan sát động vật hoang dã hay đi bộ dã ngoại khi trời hừng sáng ngắm cảnh mặt trời lên. Đây chẳng khác gì một lời mời gọi : Hãy tạm lánh cõi trần bụi bặm để đến gần hơn với cõi thần tiên !
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190810-con-duong-to-lua-moi-tap-can-binh-phuong-tay-db
Tin đọc nhanh
(AFP) – Hoa Vi công bố hệ điều hành riêng.
Trong một cuộc hội thảo ngày 09/08/2019 tại Đông Quản (Dongguan), giám đốc điều hành Richard Yu của tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã giới thiệu HarmonyOS, hệ điều hành sẽ được trang bị cho các loại máy của Hoa Vi. Tập đoàn Trung Quốc hiện nằm trong danh sách đen của Mỹ vì bị Washington tình nghi làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh. Hoa Vi là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới sau Samsung.
(AFP) – Lở đất ở Miến Điện, 34 người chết, hàng chục người bị thương.
Tai nạn xảy ra sáng 09/08/2019 tại một ngôi làng, ở phía đông Miến Điện do mưa lớn. Hình ảnh do AFP chụp lại cho thấy cả một sườn đồi bị sụt vì bùn lầy và đất đá đổ xuống làng Ye Pyar Kone, bang Mon, 16 ngôi nhà và một tu viện bị phá hủy.
(Reuters) – Iran công bố hệ thống phòng không mới, có tầm bắn 400 km.
Theo chính quyền Teheran ngày 10/08/2019, hệ thống này có khả năng chống tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Truyền hình Iran đăng hình ảnh một hệ thống rada di động, có tên là Falaq. Đây là phiên bản cải tiến từ hệ thống Gamma, mà theo giới chuyên gia, do Nga sản xuất. Thông báo được chính quyền Teheran đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh.
(AP) – Kinh tế Anh bất ngờ tụt giảm trong quý 2 2019, lần đầu tiên kể từ năm 2012.
Theo số liệu chính thức công bố ngày 09/08/2019, tốc độ tăng trưởng hàng năm trong quý 2 của Anh Quốc chỉ còn là 1,2% so với 1,8% vào quý 1. Theo các chuyên gia phân tích, tình trạng phát triển khựng lại này xẩy ra trong bối cảnh những yêu tố không rõ ràng của tiến trình Brexit đang đè nặng trên các công ty. Kinh tế Anh Quốc có nguy cơ trải qua một cuộc suy thoái đầu tiên từ một thập kỷ nay.
(AFP) – Hà Lan : Có thêm gần 400 ca tử vong trong đợt nắng nóng tháng Bảy.
Theo cơ quan thống kê Hà Lan ngày 09/08/2019, có 2.964 người chết trong vòng một tuần, từ 22 đến 27/07/2019, đúng vào đợt nắng nóng. Như vậy, có thêm khoảng 400 ca tử vong so với mức trung bình một tuần vào mùa hè, trong đó có đến 300 trường hợp là người cao tuổi. Dù đợt nắng nóng không kéo dài, nhưng rất dữ dội với nhiệt độ vượt quá mọi kỷ lục đo được ở Hà Lan.
(AFP) – Ý : Đòi bầu cử Quốc Hội sớm, bộ trưởng Nội Vụ bắt đầu vận động.
Sau khi quyết định phá vỡ liên minh với Phong trào 5 Sao hôm 08/08/2019, ông Matteo Salvini, thuộc đảng cực hữu Liên Đoàn, liên tục tổ chức hội họp nhằm tìm cách tổ chức bầu lại Quốc Hội sớm nhất. Thứ Hai 12/08, lãnh đạo các đảng ở Thượng Viện Ý sẽ họp để xác định lịch trình cho cuộc khủng hoảng chưa từng có này. Vì, nếu chuyện thay đổi chính phủ vẫn xảy ra ở Ý, nhưng đây là lần đầu tiên người dân đi bầu lại Quốc Hội vào mùa Thu, đúng dịp phải thảo luận ngân sách cho năm 2020.
(AFP) – 70 người bị bắt trong chiến dịch chống nạn buôn bán trẻ em.
Theo thông báo ngày 09/08/2019 của Cảnh sát châu Âu Europol, chiến dịch được tiến hành trong tháng Sáu ở 18 nước châu Âu và do Anh Quốc chỉ đạo. Trong số 206 nạn nhân, có 53 trẻ em, có thể bị sử dụng vào mục đích khai thác tình dục, ăn xin và cưỡng bức lao động.
(AP) – Thủ đô Đan Mạch bị một vụ nổ bom thứ hai trong vòng 4 ngày.
Theo nguồn tin cảnh sát, vụ nổ xẩy ra vào sáng sớm ngày 10/08/2019 ở bên ngoài một đồn cảnh sát khu phố ở thủ đô Copenhagen, làm hư hỏng phần bên ngoài tòa nhà nhưng không có ai bị thương. Đây là một vụ nổ thứ hai tại Copenhagen trong vòng bốn ngày. Hôm thứ Tư 06/08,một vụ nổ lớn đã làm hỏng Cơ quan Thuế Vụ Đan Mạch. Cảnh sát Đan Mạch cho rằng “còn quá sớm” để nói là hai vụ nổ có liên quan với nhau hay không.
(AFP) – Nga : Đối lập lại xuống đường đòi bầu cử công bằng ở Matxcơva.
Chiều 10/08/2019, trong tuần thứ 4 liên tiếp, hàng nghìn người tiếp tục tuần hành trên đại lộ Sakharov, gần trung tâm thủ đô Matxcơva. Cuộc tuần hành chỉ được phép kéo dài hai tiếng. Hầu hết các thủ lĩnh của phe đối lập đều bị bắt giam, trừ nữ luật sư trẻ Lioubov Sobol vì cô có con nhỏ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190810-tin-doc-nhanh