Leo thang gọi Trung Quốc thao túng tiền tệ, Mỹ mở đường cho trừng phạt
Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là “thao túng tiền tệ” và sẽ cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trấn áp các hình thức cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết như vậy trong một tuyên bố vào ngày 5/8.
Bước đi này của Washington càng làm gia tăng căng thẳng Mỹ – Trung, và hiện thực hóa lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Trung Quốc vào diện các nước thao túng tiền tệ.
Vượt ngưỡng 7 tệ ăn 1 USD
Trước đó, Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, chính thức vượt qua ngưỡng 7 tệ ăn 1 USD .
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters.Bắc Kinh sau đó cũng tuyên bố ngừng nông sản Mỹ, khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gay gắt.
Đồng nhân dân tệ giảm mạnh vài ngày sau khi Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, có hiệu lực từ 1/9, phá vỡ thế hòa hoãn ngắn ngủi trong cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và cản trở tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết tuyên bố từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 5/8 cho thấy rõ nhà chức trách Trung Quốc có quyền kiểm soát lớn đối với tỷ giá đồng tệ.
PBOC ngày 5/8 cho biết “sẽ tiếp tục… thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm chống lại các diễn biến (đẩy đồng tệ lên cao) trên thị trường ngoại hối”.
“Chính PBOC đã thừa nhận rằng họ có khả năng thao túng tiền tệ và sẽ tiếp tục làm vậy trong tương lai”, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc.
“Thao túng tiền tệ” là chỉ trích từ lâu của Washington đối với Trung Quốc dù về mặt chính thức, các đời tổng thống Mỹ gần đây đều tránh xếp Trung Quốc vào nhóm hành vi này – được coi là bước leo thang nghiêm trọng trong căng thẳng song phương.
Trong tuyên bố, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đổ lỗi cho ông Trump về “các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương và lệnh tăng thuế đối với Trung Quốc”.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã gọi lệnh tăng thuế của ông Trump là “vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước đạt được vào tháng 6.
Tác động tới nhiều nước
Bộ Tài chính Mỹ nói hành động của Trung Quốc vi phạm cam kết sẽ không phá giá đồng tiền, một trong những cam kết của nhóm 20 nước công nghiệp (G20).
Cơ quan này cho biết họ kỳ vọng Trung Quốc tuân thủ các cam kết đó và không phá giá đồng tiền để có lợi thế cạnh tranh.
Theo Reuters, luật pháp Mỹ đưa ra ba tiêu chí để đánh giá một nền kinh tế có thao túng tiền tệ hay không: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD và can thiệp một chiều (giảm giá hoặc tăng giá) liên tục lên thị trường ngoại hối, với lượng giao dịch vượt quá 2% GDP.
Sau khi kết luận một quốc gia đang thao túng, Bộ Tài chính Mỹ có trách nhiệm yêu cầu nước đó đàm phán đặc biệt nhằm điều chỉnh đồng tiền cho đúng giá trị, nếu không sẽ chịu các hình phạt như bị loại trừ khỏi các hợp đồng mua sắm của chính phủ Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ định Đài Loan và Hàn Quốc là các nền kinh tế thao túng tiền tệ vào năm 1988. Trung Quốc là nước gần đây nhất bị liệt vào diện thao túng tiền tệ vào năm 1994, dưới thời Tổng thống Bill Clinton.
Theo CNN, đồng tệ không được mua bán hoàn toàn tự do như các đồng tiền lớn khác. Mỗi ngày, ngân hàng trung ương Trung Quốc đặt giới hạn 2% mà trong đó tỷ giá đồng tệ có thể biến động. Nhưng lần này, Trung Quốc đã để đồng tệ giảm mạnh.
“Việc để giá đồng tệ hạ thấp – 7 nhân dân tệ đổi 1 USD – cho thấy họ đã hết hy vọng có một thỏa thuận thương mại với Mỹ”, Julian Evans-Pritchard, kinh tế gia về Trung Quốc ở Capital Economics, nói.
Phá giá đồng tiền cũng có thể khiến Trung Quốc thiệt hại. Nhiều công ty nước này trong các ngành như bất động sản hay công nghiệp nặng đã vay các khoản nợ lớn, tính bằng USD.
Đồng tệ yếu đi sẽ tăng gánh nặng trả các khoản nợ này. Các công ty phụ thuộc vào hàng hóa được định giá bằng USD như dầu mỏ cũng phải “chịu trận”.
Vì vậy, khi một cường quốc phá giá đồng tiền, giới đầu tư luôn lo ngại. Bốn năm trước, khi Trung Quốc phá giá đồng tiền, thị trường toàn cầu đã thiệt hại đáng kể, theo New York Times.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng tệ, các nước ở Đông Á và Đông Nam Á cạnh tranh cùng ngành với Trung Quốc sẽ chịu sức ép phải phá giá chính đồng tiền của mình.
Việc này có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, làm giảm tiêu dùng gia đình và khiến tiền luân chuyển một cách bất thường qua biên giới. Các lệnh áp thuế mới cũng như các biện pháp bảo hộ khác có thể sẽ diễn ra.