Tưởng niệm vị Ðại Sứ cuối cùng của VNCH ở Úc Ðại Lợi: ông Ðoàn Bá Cang
Tôi hân hạnh được quen biết ông cựu Đại sứ từ hơn ba thập niên trước. Hiệp định Paris 1973 là cơ duyên giúp chúng tôi gặp nhau. Cuối tháng 5/1987, Liên Minh Toàn Dân Quốc Gia -một tổ chức do ông Trần Văn Lắm cựu Ngoại trưởng và Chủ tịch Thượng Viện VNCH thành lập, đã cử ông Đoàn Bá Cang đến Paris tham dự một buổi hội thảo công khai về vấn đề trở lại Hiệp định Paris Cuộc hội thảo do Giáo sư Vũ Quốc Thúc và một số thân hữu như các cựu Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, Vương Văn Bắc, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thạch Vân, cựu Nghị sĩ Nguyễn Duy Tài, cựu đại tá Mai Viết Triết v.v. tổ chức tại Quận VI Paris.
Được tin này, ngày 9/6/1987 tôi gởi đến ông Lắm lá thư bày tỏ quan điểm về HĐ Paris và nội dung quyển sách nghiên cứu cuộc chiến VN của tôi sắp xuất bản có đề cập nhiều đến HĐ Paris 1973. Trong thơ hồi đáp đề ngày 15/6/1987, ông Lắm viết “Tôi xin thành thật cảm tạ sự để ý của ông đối với chúng tôi và với việc mà chúng tôi và các thân hữu đang theo đuổi. Các vấn đề ông nêu ra trong thơ chứng tỏ một sự nghiên cứu dày công phu và nhận xét sắc bén. Tôi xin ghi nhận các ý kiến của ông mà tôi xem như của một học giả đã cố công tìm kiếm và đúc kết. Rất tiếc chỉ được liên lạc với ông qua họp thơ cho nên không gặp gở được để trao đổi thêm ý kiến. Khi sách của ông phát hành, xin vui lòng cho tôi đạt mua trước một quyển”.
Cuối năm 1987, quyển sách của tôi vừa in xong, tôi gởi tặng ông Lắm. Trong thơ hồi đáp ông viết “Tôi đi vắng hơn một tháng nay, vừa về nhận được sách Việtnam Thắng và Bại, Mất và Còn và thơ của của ông. Xin ông nhận lời đa tạ của tôi và thứ lỗi vì hồi âm chậm trể. Tôi chưa kịp đọc trọn tác phẩm của ông, nhưng đã xem kỷ bài viết về Hiệp định Paris 1973. Các ngày tháng năm cũng như các dữ kiện nêu ra đều rất đúng và chính xác, chứng tỏ một sự nghiên cứu rất tỉ mỉ. Tôi ý niệm được sự dài công sưu tầm của ông để ghi nhận lại các giai đoạn lịch sử của nước nhà trong sự tranh đấu cho dân chủ và quyền dân tộc tự quyết. Tác phẩm của ông sẽ giúp cho các nhà khảo cứu sau nầy biết rõ hơn sự thật và cho các các thế hệ con em thông cảm với mọi hành động hy sinh của giới tiền bối”.
Do gợi ý của ông chủ tịch Liên minh Toàn dân Quốc gia, tôi bắt đầu liên lạc với các nhân sĩ yêu nước đang dấn thân đấu tranh vì sự mất còn của đất nước. Được ông Lắm giới thiệu, tôi trực tiếp đến gặp ông Đoàn Bá Cang tại tư thất ở Waratah Ave, Randwick. Tôi chưa hề biết ông, nhưng biết ít nhiều thân mẫu của ông là bà Lê Thị Ẩn chủ tịch Hội Dục Anh lâu đời ở Sàigòn. Năm 1966 bà được chính phủ mời tham gia Hội đồng Nhân sĩ. Lúc bấy giờ tôi đang thụ huấn tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Toàn khóa 22 được giao nhiệm vụ về nông thôn yểm trợ cuộc bầu cử Quốc hội Lập Hiến tháng 6/1966. Trước khi lên đường công tác, bà hội trưởng Hội Dục Anh, đại diện Hội đồng Nhân Sĩ đã đến trường Bộ Binh Thủ Đức trình bày với khóa sinh về tầm quan trọng của cuộc bầu cử này. Nghe bà thuyết trình, chúng tôi nhận thấy, ngoài tấm lòng nhân ái, bà chủ tịch Hội Dục Anh còn thể hiện một nữ lưu có lòng yêu nước nồng nàn, am tường chính trị và quan tâm đến vận mạng dân tộc.
Thế sự xoay vần, nào ngờ hai mươi năm sau, tôi lại được diện kiến với ngưòi con của vị nữ lưu mà tôi rất ngưỡng mộ, để cùng thảo luận về tiền đồ đất nước. Ông cựu đại sứ nói về động cơ nào mà Giáo sư Vũ Quốc Thúc tổ chức cuộc hội thảo công khai về vấn đề trở lại HĐ Paris? Giáo sư Thúc ở lại VN mãi đến năm 1987, một người bạn đồng khóa Thạc sĩ năm 1952 là Raymond Barre được cử làm thủ tướng Pháp đã vận động với Hà Nội giúp giáo sư đến định cư ở Pháp. Theo GS Thúc, năm 1975 những nhân vật quốc gia có danh nghĩa như các cựu tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, chủ tịch lưỡng viện Quốc hội đều thoát được ra nước ngoài, nhưng họ không lên tiếng đòi các cường quốc đồng minh cũ của VNCH trở lại hiệp định Paris 1973 để lập một Chính phủ Quốc gia lưu vong để tiếp tục đấu tranh với chính quyền Hà Nội.
HĐ Paris 1973 đã được một hội nghị quốc tế về VN bao gồm đầy đủ 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ ký một bản tuyên bố trước sự hiện diện của ông TTK/LHQ Kurt Waldheim, minh thị cam kết bảo đảm sự thi hành của hiệp định. Hà Nội đã vi phạm hiệp định, cưỡng chiếm Miền Nam khiến cả triệu người phải bỏ nước ra đi lánh nạn cộng sản. Nhưng các nướcÂu Mỹ Á cho rằng những người này ra đi không phải vì lý do chính trị mà chỉ vì lý do kinh tế. Vì thế cuộc hội thảo về việc trở lại HĐ Paris là để nhắc lại trách nhiệm của các cường quốc. Chính vì họ “bội ước” cho nên hàng triệu người đã phải bỏ VN ra đi. Họ không có quyền mạt sát nạn dân VN là những kẻ tị nạn giả hiệu.
Để chuẩn bị cuộc vận động, GS Thúc đã trực tiếp thảo luận với hai nhân vật có liên hệ chặt chẽ với cuộc hòa đàm Paris là cựu TT Thiệu và cựu Ngoại trưởng Trần Văn Lắm. Cả hai đều tán thành ý kiến của GS Thúc, nhưng cuộc vận động trở lại HĐ Paris đã thất bại. Dân biểu Georges Messmin một nhân vật có thế lực từng là Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Pháp cho rằng khi chính phủ Pháp đã chính thức yểm trợ Cộng sản Hà Nội gia nhập LHQ thì mặc nhiên Pháp đã xí xóa việc Hà Nội vi phạm HĐ Paris. Về phía Mỹ, tháng Giêng năm 1989, Bộ Ngoại giao đã chính thức trả lời hai luật gia Nguyễn Hữu Thống và Phạm Nam Sách là vì lý do chính trị không thể trở lại hiệp định Paris được nữa.
Mưu định trở lại HĐ Paris 1973 của cựu TT Thiệu, Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm và các Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, Vương Văn Bắc…bất thành. Kế hoạch này đã bị các đồng minh cũ của VNCH gạt bỏ hẳn. Ông Cang tỏ ra bi quan trước tình thế đó, tôi cho rằng việc vận động trở lại HĐ Paris 1973 là điều không cần thiết. Vì lẽ, sau 4 năm dài thương thảo, HĐ Paris 1973 đã được ba bên của VN cùng với Mỹ ký kết và được một Hội nghị quốc tế tuyên bố tán thành. Vấn đề kế tiếp là các bên ký kết lần lượt đón nhận những thành quả của hiệp định.
Dựa vào hiệp định, Mỹ chấm dứt can dự ở VN, mang tù binh về nước. Sau đó đến lượt CSVN thôn tính Miền Nam để bành trướng phe xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Đại hội Đảng III năm 1960. Và sẽ có ngày VNCH sẽ gặt hái thành quả cuối cùng vì hiệp định dựa “trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam”. Đó là lời mở đầu của HĐ Paris 1973.
Các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam được xác nhận ở Chương I với điều khoản duy nhất (Điều 1) ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Chương IV đề cập đến việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam được xác nhận rõ là “Thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng. Nhân dân miền Nam VN tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam VN thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế’. Hà Nội đã thống nhất đất nước, thì nay quyền dân tộc tự quyết là của toàn dân Việt Nam.
Tôi tin tưởng trong tương lai, vì mục tiêu chiến lược, Mỹ sẽ thực hiện cam kết của họ được ghi trong Điều 1. Và cuối cùng vì sự tồn vong của đất nước CSVN sẽ phải tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân. Tôi là một quân nhân VNCH được giao nhiệm vụ nghiên cứu cuộc chiến VN cùng các chiến hữu đồng minh tại Trung tâm Khai thác Tài liệu Hỗn hợp (Combined Documents Exploitaion Center). Linh tính của người tình báo khiến tôi tiên liệu sau HĐ Paris 1973, đất nước sẽ trải qua hai giai đoạn: Thắng và Bại – Mất và Còn. Hai vế Thắng và Bại, Mất và Còn liên hệ khắng khít với nhau. Cái Thắng bất chánh rồi sẽ Bại và dẫn đến Mất.Trái lại Bại vì nghĩa cả vì lợi ích dân tộc để đất nước thống nhất, đồng bào thoát khỏi họa chiến tranh. Bại cuối cùng sẽ Thắng để đưa đất nước tiến lên.
Sau gần 8 năm lao tù cải tạo, tôi vượt biên và được định cư ở Úc từ cuối năm 1984. Ba năm sau tôi hoàn thành bản Nghiên cứu tổng kết cuộc chiến VN trong bối cảnh chiến tranh lạnh với tựa đề Việt Nam Thắng và Bại – Mất và Còn.
Mỹ rút khỏi VN, giúp Hà Nội thôn tính Miền Nam thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng CSVN là tăng cường phe Xã hội chủ nghĩa. Nhưng phe XHCN nào, Trung Công hay Liên Xô? Ông Hồ Chí Minh từng là ủy viên Quốc tế CS, từ Liên Xô về nước thành lập Đảng CS Đông Dương để mở rộng ảnh hưởng Liên Xô ở đây. Lê Duẩn người học trò xuất sắc quyết tâm thực hiện ý nguyện của ông Hồ, lật lọng với Mỹ, cưỡng chiếm miền Nam, đưa cả nước thống nhất vào quỹ đạo của Liên Xô. Đặng Tiểu Bình cho đó là hành động phản bội Trung Cộng, nên xúi giục đàn em Khmer Đỏ gây hấn với CSVN.
Lê Duẩn liền đến Mạc Tư Khoa ký hiệp ước hữu nghị hợp tác với Liên Xô và đưa quân sang Cam Bốt lật đổ Pol Pot được Bắc Kinh hậu thuẫn. Đặng Tiểu Bình tức tốc đi Mỹ và Nhật thiết lập bang giao, kêu gọi Mỹ, Tây Âu và Nhật hợp tác với Bắc Kinh chống mưu đồ bá quyền của Mạc Tư Khoa. Đồng thời Đặng điều động quân tiến đánh VN. Các nước CS tấn công lẫn nhau là dấu hiệu báo hiệu ngày tàn của chủ nghĩa CS đã gần kề. Chỉ trong vòng một thập niên, Liên Xô sụp đổ, khối XHCN Đông Âu tan rả. Hà Nội quay về thần phục Bắc Kinh tại hội nghị Thành Đô tháng 9/1990. Nguyễn Cơ Thạch -nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao CSVN đã chua chát nhận xét: Thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu. Đất nước kể như mất, nhưng nội dung HĐ Paris 1973 vẫn còn giá trị, bảo đảm sự phục hưng đất nước.
Nhớ lại gần hai thập niên trước, ngày 17/12/1972, TT Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Kissinger quyết định dội bom Hà Nội, Hải Phòng nặng nề buộc Lê Đức Thọ trở lại bàn đàm phán ký HĐ Paris 1973. Hai ông đề ra mối giao hảo giữa Mỹ và CSVN sẽ trải qua 3 giai đoạn: chấm dứt thù địch, thiết lập bang giao và hợp tác. Những sự kiện trên lần lượt đã trở thành sự thật. Năm 1975: Mỹ rút khỏi VN. Năm 1995: Mỹ Việt thiết lập bang giao. Năm 2015: TT Obama tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục. Việt Mỹ xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện. Năm sau 2016, TT Obama đến Hà Nội cùng Chủ tịch Trần Đại Quang nâng mối quan hệ đối tác toàn diện lên tầm cao: CSVN yêu cầu Mỹ bải bỏ cấm vận để Hà Nội được mua vũ khí của Mỹ. Vừa hợp tác với Mỹ, lại xin mua vũ khí của Mỹ, để chống ai?
Mối quan hệ Việt Mỹ ngày càng khắng khít. Cuối năm 2017, TT Trump đến Đà Nẵng tham dự hội nghị thượng đỉnh khối APEC, sau đó ông đến Hà Nội nói chuyện với Trần Đại Quang. Trái với Tập Cận Bình, chỉ đến VN tham dự hội nghị và về nước ngay. Một sự kiện quan trọng, từ đầu năm 2018, chính quyền Trump công khai coi Bắc Kinh là kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ. Ông phát động cuộc chiến thương mại với Trung Cộng, đồng thời xây dựng liên minh 4 nước Nhật, Ấn, Úc và Mỹ để làm phá sản mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Những sự kiện trên cho thấy triển vọng Hà Nội và Hoa Thạnh Đốn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn vì lợi ích chung hai bên phù hợp với quyền lợi riêng của từng nước. Khi đó, không cần vận động triệu tập trở lại Hội nghị quốc tế về VN theo nội dung điều 7 này nọ. Đã đến thời điểm hai nước can dự trực tiếp vào chiến tranh VN và ký kết hòa bình tự động ngồi lại với nhau để hoàn thành hai mục tiêu then chốt của HĐ Paris 1973. Mỹ sẽ thực hiện điều 1 để bảo vệ những quyền dân tộc cơ bản của VN là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hà Nội sẽ tôn trọng và thực thi quyền tự quyết của nhân dân VN. Đó là mục tiêu khiến Mỹ can dự vào cuộc chiến VN.
Ánh bình minh vừa ló dạng, tôi rất đau buồn ông Đoàn Bá Cang không còn tại thế để chứng kiến ngày vinh quang của dân tộc mà ông ấp ủ suốt cuộc đời. Tôi viết đôi dòng để tưởng niệm ông, người đã tận lòng phục vụ đất nước và tình cảm nồng nàn đối với những người quen biết, không riêng gì cá nhân tôi. Ông là nhà ngoại giao khiêm cung, đức độ. Lần đầu tiên gặp ông sau khi ông tham dự cuộc hội thảo về vấn đề trở lại HĐ Paris hồi năm 1987, tôi nói thẳng việc làm đó không cần thiết và đáng lẽ ông không nên tham dự. Ông không tự ái, còn nghe tôi giải bày về hiệp định này và giới thiệu tôi liên lạc với Giáo sư Vũ Quốc Thúc ở Paris.
Ông đảm nhận chức vụ Đại sứ VNCH ở Úc vào buổi hoàng hôn của Miền Nam Tự do nên gặp nhiều nổi đắng cay. Theo lời Luật sư Lưu Tường Quang, sau biến cố 30/4/1975, thủ tướng Gough Whitlam đã bác đơn xin tị nạn chính trị của ông Đoàn Bá Cang và nhân viên tòa Đại sứ VNCH, chỉ cho tạm trú 6 tháng. Lúc bấy giờ, chính quyền Mỹ cũng có thái độ không thiện cảm đối với cựu TT Thiệu. Sau khi ông Thiệu đến Đài Loan, TT Ford nhờ bà Chenault làm sứ giả đến khuyến cáo ông Thiệu không nên đến Mỹ vào thời điểm sau 30/4/1975. Sự kiện này có thể giải thích, vì quyền lợi quốc gia TT Thiệu đã không chấp nhận HĐ Paris 1973, ông coi đó là văn kiện để Mỹ bán đứng MN tự do cho CS. Từ đó các đồng minh của VNCH mất dần thiện cảm đối với VNCH, họ coi chế độ VNCH là nhân tố cản trở hòa bình.
Đã từng chống HĐ Paris 1973, nay vị lãnh đạo VNCH lại ủng hộ ba cựu ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, Trần Văn Lắm, Vương Văn Bắc tham dự cuộc hội thảo để phục hồi HĐ Paris là điều không thích hợp, tiền hậu bất nhất. Vì thế kế hoạch trên đã bị các đồng minh cũ của VNCH bác bỏ. Uy tín của nhà ngoại giao Đoàn Bá Cang cũng bị ảnh hưởng. Nhưng đối cá nhân tôi và đông đảo đồng bào tị nạn cộng sản tại Sydney lại càng ngưỡng mộ ông hơn.
Vì quyền lợi sống còn của đất nước ông sẳn sàng nhận một công tác đáng lẽ ông phải từ chối. Đối với đồng hương ở Sydney, ông không vì thể diện của một cựu đại sứ, nhận làm thông dịch viên tại tòa án và bịnh viện. Hình ảnh một vị cao niên khả kính, ăn nói khiêm cung chửng chạc, trình bày vấn đề một cách mạch lạc. Người đó lại một trí thức tên tuổi, một cựu đại sứ của VNCH. Những yếu tố đó khiến các bác sĩ, các quan tòa dành nhiều thiện cảm đối với đất nước và dân tộc Việt chúng ta, nhờ đó họ tận tình chữa trị và đối xử tốt đối với những đồng hương không may vướng bệnh hoặc vi phạm pháp pháp luật.
Ông là vị đại sứ VNCH gương mẫu, hết lòng phục vụ đồng hương tại đất nước mà ông được cử làm đại diện. Ông mất đi, nhưng hình ảnh ông sống mãi trong tâm khảm những người đã được ông giúp đỡ, các bạn bè thân hữu và những người quen biết. Thành kính chia buồn cùng tang quyến. Nguyện cầu hương linh ông an vui nơi cỏi vĩnh hằng. Xin vĩnh biệt ông cựu Đại sứ khả kính, đức độ.
Lê Quế Lâm (Sydney 7/8/2019)