Tin Việt Nam – 05/08/2019
Hơn 1.200 đối tượng tội phạm Việt Nam
bỏ trốn ra nước ngoài
Bộ Công An cho biết, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam có hơn 1.200 đối tượng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ.
Báo trong nước đưa tin hôm 5/8/2019, trích dự thảo báo cáo của Bộ công an Tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ.
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 5/2019, có 317 đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol lẩn trốn vào Việt Nam, trong khi đó có hơn 1.200 đối tượng tội phạm trong nước bỏ trốn ra nước ngoài.
Cũng theo báo cáo này, Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gồm 21 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Úc, Séc; 14 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại với Anh, Hồng Kông, Nhật Bản, Thụy Điển.
Tính đến tháng 7, Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ.
Bộ Công an nhận định số lượng người nước ngoài đến Việt Nam và số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng và dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và ngược lại có xu hướng gia tăng. Do đó Bộ Công an kiến nghị Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong Luật tương trợ tư pháp năm 2007; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong hoạt động dẫn độ và xác định, phân định lại cơ quan quản lý nhà nước về dẫn độ…
Riêng về Luật tương trợ tư pháp 2007, Bộ Công an đánh giá nhiều quy định không phù hợp với các điều ước quốc tế có quy định về dẫn độ cũng như không phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế. Nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.
Hải quan Hải Phòng bắt giữ một container
hàng Trung Quốc dán nhãn “Made in Vietnam”
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng vừa bắt giữ một container chứa lô sản phẩm linh kiện điện thoại di động nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn là hàng Việt Nam, với dòng chữ “Made in Vietnam” ghi trên bao bì.
VTC News vào ngày 5 tháng 8 cho biết vụ bắt giữ này được tiến hành trong cùng ngày.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng cho biết cụ thể lô hàng vừa bị bắt giữ thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hoàng Bảo IMEX, có trụ sở tại thành phố Lạng Sơn nhập khẩu ủy thác cho một doanh nghiệp ở Hà Nội.
Công ty Hoàng Bảo IMEX được nói là làm giấy tờ nhập khẩu lô hàng có xuất xứ từ Trung Quốc; tuy nhiên thông tin in trên bao bì của sản phẩm là hàng Việt Nam và còn có thông tin bảo hành của một doanh nghiệp trong nước.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng được VTC News dẫn lời cho biết lô hàng này được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% vì trên giấy tờ khai xuất xứ từ Trung Quốc và khi doanh nghiệp bán hàng ra thị trường thì lại được hoàn thuế giá trị gia tăng 10% vì nhãn hàng ghi xuất xứ Việt Nam.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng nhấn mạnh đây là một hình thức doanh nghiệp gian lận và chiếm dụng hàng trăm triệu đồng tiền thuế.
Trong thời gian gần đây, truyền thông quốc nội loan tin cơ quan Hải quan Việt Nam bắt giữ hàng chục lô hàng Trung Quốc dán mác “Made in Việt Nam”, tạm nhập vào Việt Nam và tái xuất sang các thị trường khác trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ nhằm tránh mức thuế quan cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra căng thẳng.
Hàng ngàn nhân viên ngân hàng bị cho nghỉ việc
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 5 tháng 8 năm 2019 loan tin: trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang có sự biến động về nhân sự cũng như lợi nhuận.
Thống kê tại 20 ngân hàng cho thấy, có 6 ngân hàng bị sụt giảm lợi nhuận trước thuế so với cùng thời điểm năm trước. Thí dụ như ngân hàng mẹ VPBank chỉ đạt 3,626 tỷ đồng trước thuế, bị sụt giảm hơn 2,000 tỷ đồng, tương đương 36% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài giảm lợi nhuận, VPBank phải cắt giảm nhân sư mạnh, số lượng nhân viên tại ngân hàng mẹ bị giảm 1,983 người, còn lại 9,480 người.
VPBank là ngân hàng bị giảm lợi nhuận, và nhân sự nhiều nhất. Tại ngân Vietinbank, đội ngũ nhân sự của ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm 454 người. Đây là ngân hàng cắt giảm nhân viên nhiều thứ 2 trong số 20 ngân hàng trong báo cáo tài chính. Một số ngân hàng khá cũng cắt giảm nhân viên như ACB với 505 nhân viên nghỉ việc, OCB với 294 nhân viên.
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-nhan-vien-ngan-hang-bi-cho-nghi-viec/
NXB Tự do bị đóng tài khoản
vì ‘thách thức’ sự kiểm duyệt của nhà nước
Ba tài khoản ngân hàng của một nhà xuất bản ở Việt Nam được cho là bị an ninh ra lệnh khóa bởi vì các ấn phẩm của họ không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền.
Ông Nam Khánh, đại diện của NXB Tự do, hôm 4/8 cho VOA biết:
“Trong vòng một tháng qua, ba tài khoản ngân hàng của chúng tôi đã bị can thiệp khóa một chiều. Kể từ tuần trước, chúng tôi không thể rút tiền mặt và cũng không thể rút tiền online, mặc dù tài khoản vẫn nhận được chuyển khoản từ độc giả.”
Ông Nam Khánh cho biết ba tài khoản này được đăng ký ở các ngân hàng Vietcombank, VP Bank, và Eximbank.
“Chúng tôi đã liên lạc với ngân hàng nhưng họ chỉ phản hồi là ‘chờ kiểm tra lại và báo sau,’” ông Khánh chia sẻ.
VOA chưa liên lạc được với các ngân hàng trên để tìm hiểu lý do các tài khoản của NXB Tự do bị khóa.
Ra đời từ ngày 14/2/2019, Nhà Xuất Bản Tự Do, một tổ chức có phương châm “Nói ‘không’ với kiểm duyệt, lan tỏa tri thức và tôn trọng sự thật” gây chú ý với việc phát hành một loạt sách của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang: “Chính Trị Bình Dân,” “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực,” cùng một số sách của các tác giả khác có nội dung liên quan đến nhân quyền, tù nhân lương tâm, phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, theo báo Người Việt.
Xuất bản tự do: Cơ hội hay thử thách?
Được hỏi có phải vì xuất bản các quyển sách vừa nêu mà bị an ninh sách nhiễu chăng, ông Nam Khánh nói: “Việc NBX bị đánh phá, tôi cho rằng không phải chỉ vì chúng tôi hợp tác với cô Phạm Đoan Trang, mà vì tiêu chí không chịu kiểm duyệt của NXB.”
“Một NXB hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước, thường xuyên bị chính quyền đánh phá là điều không có gì lạ. Gần đây nhất là việc người giao sách của chúng tôi bị an ninh giả dạng mua sách để vây bắt 2 lần trong 3 ngày, các thành viên của NXB bị truy đuổi phải bỏ chạy khỏi nơi ở, lần đó chúng tôi đã mất gần như toàn bộ tài sản có giá trị.”
Trong một thông cáo hôm 1/8, NXB Tự Do nói: “Sự việc này (khóa tài khoản ngân hàng) cùng với việc người giao hàng của công ty dịch vụ vận chuyển sách bị gài bẫy chứng tỏ an ninh quyết phá cho bằng được các hoạt động xuất bản độc lập. Họ quyết chặn nguồn tài chính giúp duy trì và tái đầu tư cho việc in ấn và phát hành sách.”
Hôm 5/8, nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên Facebook:
“Sau lần “vồ hụt” người vận chuyển cuốn sách “Phản kháng phi bạo lực” và “Chính trị bình dân” sáng 30/7, lực lượng an ninh đã tiếp tục rình bắt các shipper…, trong đó có một lần an ninh huy động cả côn đồ vào cuộc đuổi bắt.
“Bên cạnh đó, gần như bất cứ tài khoản cá nhân nào được NXB Tự Do mở ra (để nhận tiền mua sách và ủng hộ từ bạn đọc) đều bị phong toả ngay lập tức.”
Ngoài ra, các hoạt động tặng sách miễn phí của Nhà Xuất Bản Tự Do trong thời gian gần đây được cho là khiến lực lượng an ninh văn hóa của chính quyền Việt Nam nổi giận và tìm cách ngăn chặn ráo riết, theo Người Việt.
Bà Phạm Đoan Trang cho biết thêm:
“Trước tình hình đó, Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi – một đài phát thanh của người Việt hải ngoại – đã đứng ra đảm nhận việc phát hành tác phẩm “Phản kháng phi bạo lực” ở bên ngoài Việt Nam, nhằm giúp NXB Tự Do quảng bá các ấn phẩm độc lập.”
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào cuối tháng 7, đại diện NXB Tự do cho biết:
“Sự cai trị độc đoán và kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Việt Nam đã dần biến Tự Do thành một cái gì đó rất xa xỉ đối với người Việt, vì vậy với mong muốn giúp người dân Việt Nam tiếp cận với kho tàng tri thức mênh mông của nhân loại và vén bức màn sắt đang bao phủ lên đời sống xã hội Việt Nam, cũng như góp phần thúc đẩy một ngành in ấn, xuất bản thật sự độc lập, chúng tôi muốn mục tiêu của mình thể hiện ở ngay từ cái tên của nhà xuất bản. Đó là tự do sáng tác, truyền thông báo chí tự do, xuất bản tự do, tự do học thuật, và cái tên Nhà xuất bản Tự Do đã ra đời như chính mục tiêu và lý do mà nó tồn tại.”
Khởi tố và bắt giam nguyên Chủ tịch HĐQT
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp VN
Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa bị khởi tố và bắt giam để điều tra về những vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 4/8.
Cùng bị bắt giam và khởi tố với cùng với ông Hà trong cùng ngày là ông Nguyễn Mạnh Chung – Giám đốc Công ty TNHH máy kéo nông nghiệp và ông Lâm Chí Quang – cựu Tổng giám đốc VEAM.
Ngoài ra, ông Vũ Từ Công, Phó tổng giam đốc VEAM cũng bị khởi tố nhưng được tại ngoại.
Trước đó, vào tháng 3 năm 2019, VEAM đã ban hành nghị quyết bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà.
Nguyên nhân là vì ông Hà có liên quan đến vụ mua bán 3.000 linh kiện phụ tùng ô tô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ với trị giá 1.600 tỷ đồng mà không thông qua hội đồng quản trị.
Kết luận thanh tra của Bộ Công thương cho thấy trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2018, VEAM đã có những sai phạm trong quản lý tài chính, quản lý và sử dụng đất. Một số khu đất quản lý không đúng quy định dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất tài sản ở các công ty thuộc Tổng công ty như công ty TNHH Cơ khí Trần Hưng Đạo, công ty TNHH một thành viên Diesel Sông Công.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-state-owned-enterprise-ceo-arrested-08042019152532.htmlhttps://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-state-owned-enterprise-ceo-arrested-08042019152532.html
18 người chết và mất tích do cơn bão Wipha
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống thiên tai, vào ngày 5/8 cho biết, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha) đã khiến hàng chục người chết và mất tích, nhiều nhà cửa bị sập và sạt lở tại nhiều tỉnh khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Báo cáo trong ngày 5/8 cho biết, có 5 người chết và 13 người mất tích tại Thanh Hóa, Bắc Kạn và Điện Biên. Nhiều tỉnh, thành phố Hưng Yên, Hà Nội và Thanh Hóa do mưa lớn kéo dài đã xảy ra 4 sự cố sạt lở đê tại khu vực sông Hồng, sông Đáy và sông Mã.
Tại khu vựa bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa là khu vực đang chịu thiệt hại nặng nề, nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 200 km sau khi lũ quét qua khiến 12 người trong bản bị cuốn trôi mất tích, 24 ngôi nhà bị sập và cuốn theo dòng nước cùng toàn bộ tài sản của người dân, khiến nhiều người hoang mang. Trong ngày 5 tháng 8, lực lượng chức năng tìm được xác của một trong những nạn nhân mất tích.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã huy động nhiều lực lượng tìm kiếm cứu nạn những nạn nhân mất tích. 100% các hộ dân ở Sa Ná đều là người dân tộc Thái, quanh năm làm nương rẫy. Người dân ở đây cho biết từ trước đến nay chưa bao giờ thấy cảnh tượng mưa lũ như vậy. Chỉ trong sáng 3/8 Sa Ná gánh chịu 2 cơn lũ quét cuốn trôi hàng loạt ngôi nhà.
Trong khi cơn bão số 3 đang đổ bộ vào các tỉnh khu vực miền Bắc thì tại khu vực biển phía Tây cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi sóng lớn đánh sập hàng trăm mét đê biển, nhiều hộ gia đình bị ngập trong nước.
Tính đến ngày 4/8 các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng thiệt hại do gió mùa Tây Nam làm gần 600 căn nhà bị sập và tốc mái, gần 400 cây ăn quả bị đỗ gẫy và sạt lỡ bờ sông, bờ biển tại Sóc Trăng.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục cung cấp các thông tin tình hình thời tiết và cảnh báo khả năng tiếp tục xuất hiện lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ sau bão và các diễn biến bất thường khác để người dân và các cấp chính quyền chủ động ứng cứu kịp thời.
Các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục thông tin về thiên tai và chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đoàn luật sư Hà Nội kiến nghị làm rõ sai phạm
khi khám xét văn phòng luật sư Trần Vũ Hải
Một bài báo về kiến nghị của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội gửi các cơ quan chức năng về những sai phạm trong việc khám xét văn phòng luật sư Trần Vũ Hải đã bị biến mất khỏi trang mạng báo Tiền Phong hôm 4/8 mà không rõ nguyên nhân.
Theo bài báo, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng cơ quan điều tra khi khám xét văn phòng luật sư Trần Vũ Hải đã thu giữ một số tài liệu, tiền bạc không liên quan… nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ để xử lý theo quy định.
Sáng ngày 2 tháng 7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nhà riêng cùng văn phòng làm việc tại Hà Nội đối với luật sư Trần Vũ Hải để điều tra về hành vi trốn thuế liên quan đến một vụ mua bán đất ở Khánh Hòa.
Theo văn bản của Đoàn luật sư Hà Nội gửi Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan tố tụng tỉnh Khánh Hòa, cơ quan điều tra có quyền khám nơi làm việc của cá nhân luật sư Trần Vũ Hải nhưng không được khám toàn bộ văn phòng và hồ sơ cá nhân của các luật sư, nhân viên khác. Tuy nhiên, công an tỉnh Khánh Hòa đã khám toàn bộ văn phòng khi không có sự chứng kiến của ông Hải ngay từ đầu là vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự.
Văn bản cũng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa không chỉ thu giữ những tài liệu có liên quan đến hành vi có dấu hiệu trốn thuế của luật sư Trần Vũ Hải mà còn thu giữ nhiều hồ sơ tài liệu khác không liên quan, bao gồm cả tiền bạc, phiếu thu, hóa đơn VAT, séc và các chứng từ khác liên quan đến khách hàng của văn phòng. Toàn bộ việc thu giữ cũng không có biên bản tạm giữ tài liệu.
Theo bài báo của Tiền Phong, luật sư Trương Thị Nga thuộc văn phòng luật sư Trần Vũ Hải có đơn trình báo sau khi khám xét xong, bà đã phát hiện trong xách cá nhân để ở văn phòng bị mất 10 triệu đồng, thẻ luật sư, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng ATM, đăng ký xe máy.
Ngoài ra, Đoàn Luật sư Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ quá trình khám xét có nhiều người mặc thường phục, không có trong thành phần làm việc; cơ quan điều tra khi khám xét đã phá dỡ hệ thống camera văn phòng mà đến giờ vẫn chưa khôi phục lại.
Sau buổi khám xét hôm 2 tháng 7, thông tin từ văn phòng luật sư Trần Vũ Hải cho biết hồ sơ vụ việc blogger Trương Duy Nhất, một khác hàng của luật sư, cũng bị tịch thu.
Blogger Trương Duy Nhất là người đang bị tạm giam ở Hà Nội và bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 355 Bộ Luật Hình sự 2015. Ông là người có nhiều bài viết chỉ trích chính phủ và đã từng sang Thái Lan để xin quy chế tị nạn trước khi bị “bắt cóc” đưa về Việt Nam vào hồi cuối tháng 1 vừa qua.
Nhiều đánh giá của những người quan sát trong nước cho rằng quyết định của công an khởi tố luật sư Trần Vũ Hải là để tìm cách ngăn cản ông tham gia vào các vụ án nhân quyền trong đó có vụ của blogger Trương Duy Nhất.
Sau vụ khám xét hôm 2 tháng 7, vào ngày 3/7, luật sư Trần Vũ Hải đã viết trên tài khoản Facebook cá nhân, tuyên bố ‘tạm nghỉ ngơi”. Ông cho biết ông sẽ vẫn đảm bảo cho những khách hàng là công việc dang dở vẫn sẽ được tiến hành bởi đội ngũ nhân viên, đồng thời ông cũng sẽ cố vấn khi cần thiết.
Công an từ chối
xử trị tài xế taxi đánh người ở bến xe
Tin từ Hà Nội, ngày 05/8/2019: Công an khu vực bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) đã từ chối xử lý vụ một lái xe taxi đánh đập 3 phụ nữ, sau khi họ từ chối không sử dụng dịch vụ của tên tài xế này.
Một phụ nữ đã chia sẻ trên Facebook: chị và hai người bạn nữ đã bị một lái xe taxi thuộc hãng Hoàn Kiếm chèo kéo khi họ vừa xuống bến xe. Sau khi 3 phụ nữ nói không đi xe này, hắn đã sử dụng ô/dù để đánh đập họ. Khi ba phụ nữ nói sẽ báo công an, thì tên này thách thức “Chúng mày gọi đi. Tao làm việc ở đây, không sợ bố con thằng nào hết.”
Ba nạn nhân đến quầy trực ban của bến xe trình báo thì, người trực ban lắc đầu nói không giúp được vì không quản lý đội taxi.Người này gợi ý cho họ liên lạc với cảnh sát khu vực tên Cường. Viên cảnh sát này đã trả lời“Anh không giúp được em đâu. Giúp được bọn em thì anh đã giàu!”
Ba phụ nữ rời bến xe trong ấm ức, nói sẽ khôngdám quay lại nơi này lần hai. Họ có kịp chụp tấm hình của tên lái xe hung hãn để đưa lên mạng xã hội.
Không rõ sự việc có được giải quyết rốt ráo bởi nhà cầm quyền Hà Nội không.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cong-an-tu-choi-xu-tri-tai-xe-taxi-danh-nguoi-o-ben-xe/
Dmitry Mosyakov nêu các sai lầm liên tiếp
của Hà Nội về Khmer Đỏ
Trong bài viết về nhân vật Nuon Chea, người được xem là ”anh Hai” của lực lượng Khmer Đỏ, vừa qua đời ở tuổi 93, The Guardian nhắc lại liên hệ ít được nói đến của của ông ta với Hà Nội.
Ông David Chandler, tác giả bài báo trên cho biết Noun Chea gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương đầu thập niên 1950, từng theo học hai năm của các trường của đảng tại Việt Nam trước khi trở về Campuchia vào năm 1955.
Năm 1960, Nuon Chea, lúc đó là phó tổng thư ký của Đảng Công nhân ở Campuchia, từng bí mật đi đến miền Bắc Việt Nam, nơi ông giải thích các chính sách của đảng mới thành lập cho những thành viên Việt Nam của Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Vẫn theo ông David Chandler, sau một cuộc đảo chính thân Mỹ chống lại Sihanouk năm 1970, Noun Chea, qua một số quan hệ của mình với Bắc Việt, đã nhờ Hà Nội giúp đỡ họ xây dựng một đội quân cách mạng để từ phế bỏ chế độ mới. Cộng sản Bắc Việt chiến thắng vào tháng 4 năm 1975 và Chea trở lại Phnom Penh với tư cách là chỉ huy thứ hai của Pol Pot.
Liên hệ giữa Hà Nội và Khmer Đỏ, trong đó Nuon Chea đóng vai trò quan trọng, được trình bày kỹ lưỡng hơn trong bài “The Khmer Rouge and the Vietnamese Communists:A History of Their Relations as Told in the Soviet Archives.” (Khmer Đỏ và những người cộng sản Việt Nam: quan hệ hai bên qua tư liệu Xô-Viết).
Tác giả Dmitry Mosyakov làm việc tại Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, cho rằng không lâu trước khi đem quân vào Campuchia hạ bệ chế độ Pol Pot, các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó vẫn tin vào giả thuyết “có hai phái trong nội bộ Khmer Đỏ”.
Ông Dmitry Mosyakov, sau khi nghiên cứu các hồ sơ ngoại giao của Liên Xô cũ, đã đánh giá quan hệ VN-Campuchia cho đến trước cuộc chiến 1978, và đi đến kết luận rằng Hà Nội từng tin lời Pol Pot và sau thì đặt cược vào ‘bạn tốt Nuon Chea’.
‘CPP nắm quyền thì VN-Campuchia còn ấm áp’
Báo VN phê phán Lý Hiển Long vì lời nói về Campuchia
40 năm hậu Khmer Đỏ: Campuchia nghĩ gì về VN?
Vào tháng 10/1978, hai tháng trước cuộc tổng tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam sang Campuchia, một quan chức cao cấp của Việt Nam “phụ trách Campuchia” nói với phía Liên Xô rằng:
“Có hai nhân vật quan trọng ở Phnom Penh thân với Việt Nam” – Nuon Chea, và cựu bí thư Chiến khu phía Đông So Phim.”
Một nhà ngoại giao Liên Xô tường thuật lại lời quan chức Việt Nam rằng “Nuon Chea chống lại chế độ Pol Pot, và thân Việt Nam sâu nặng, nhưng vì sợ bị trả thù nên ông ta không thể nói thật.”
Phía Việt Nam cũng giải thích cho Liên Xô rằng để “bảo vệ Nuon Chea, Việt Nam đã cắt đứt mọi quan hệ với ông ta”.
Niềm tin vào Nuon Chea
Lãnh đạo Việt Nam, TBT Lê Duẩn, được trích lời từng nói “Nuon Chea là bạn tốt của tôi”, và theo tác giả Nga, quan điểm này vẫn được duy trì đến phút chót, trái với thực tế rằng Nuon Chea hoàn toàn ủng hộ, trung thành với Pol Pot, chống Việt Nam.
Hà Nội tin rằng “nếu có điều kiện thuận lợi, Nuon Chea và So Phim sẽ có thể trở thành lãnh đạo cho phong trào cách mạng” ở nước láng giềng.
Điều này đã không xảy ra và chẳng có một lực lượng trong đảng cộng sản Campuchia (CPK) và quân đội Khmer Đỏ nổi dậy lật đổ Pol Pot cho Việt Nam cả.
Dmitry Mosyakov đánh giá rằng ngay từ 1976, Hà Nội đã “không chỉ mất kiểm soát mà còn mất cả nguồn tin chính xác về tình hình bên trong nội bộ lãnh đạo Khmer Đỏ.”
Điều lạ là lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã thừa nhận “tình hình bên đó không rõ ràng, và Việt Nam gặp khó khăn khi đánh giá thông tin Campuchia”, khi trao đổi với đại sứ Liên Xô vào tháng 7/1976, nhưng niềm tin về một phái thân Việt Nam vẫn còn đó đến tận cuối 1978.
Niềm tin này cũng giải thích vì sao sau xung đột vùng biên giới với quân Khmer Đỏ, phía Việt Nam vẫn không đánh vào sâu lãnh thổ láng giềng, vì họ chờ có cuộc nổi dậy nào đó của phe chống Pol Pot.
Nhưng Mosyakov cũng xác nhận Pol Pot, cựu đảng viên Việt Minh Khmer, đã đánh lừa Hà Nội bằng nhiều động tác.
Cũng năm 1976, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Thông Tấn Xã Việt Nam sang thăm Phnom Penh, Pol Pot đã nói những lời vàng ngọc mà Việt Nam muốn nghe từ 1975, rằng “tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, quan hệ hai đảng là tình cảm thiêng liêng (sacred feeling)”.
Sang tháng 3/1977, trong lúc phong trài bài Việt lên cao dưới sự chỉ đạo của Pol Pot, Chủ tịch Trường Chinh vẫn nói với đại sứ Liên Xô:
Nước Campuchia Dân chủ đang xây dựng chủ nghĩa xã hộiChủ tịch Trường Chinh
“Nước Campuchia Dân chủ đang xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng lãnh đạo của họ chỉ chưa rõ về hình thức của công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Hiện không có sự đồng nhất trong lãnh đạo Campuchia và mọi việc tùy vào ai sẽ thắng thế.”
Việc nhìn nhận sai tình hình Campuchia còn đưa đến chỗ ông Lê Duẩn đã cam đoan với đại sứ Liên Xô trong cuộc nói chuyện ngày 16/11/1976 rằng Pol Pot và Ieng Sary “đã bị loại khỏi quyền lực”.
Dmitry Mosyakov nhận xét:
“Chính vào lúc ông Lê Duẩn nói Pol Pot và Ieng Sary bị loại, trên thực tế, họ đang hoàn toàn kiểm soát quyền lực, và có đầy uy quyền ở Phnom Penh.”
Các nhân vật ‘thân Việt Nam’ như Keo Muni, Keo Meas và Nei Sarann đều đã bị bỏ tù, tra tấn.
Tính đến 1/11 năm đó, Bộ trưởng nông nghiệp Non Suon và hơn 200 đồng sự trong các bộ, Đảng và quân đội đã bị bắt.
Chỉ rõ ra từ 1977
Sang đầu năm 1977, tình hình mới hiện ra thật rõ cho lãnh đạo Việt Nam là không thể tin vào Pol Pot.
Khi đón thứ trưởng ngoại giao Hoàng Văn Lợi ở Phnom Penh tháng 2/1977, Pol Pot đã bác bỏ ý tưởng mở hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Việt Nam.
Nhưng phải đến cuối 1977, Việt Nam mới thừa nhận là hy vọng vào phái Nuon Chea nổi dậy chống Pol Pot và theo Việt Nam là vô nghĩa, theo lời thứ trưởng Hoàng Bích Sơn nói với đại sứ Liên Xô ngày 31/12/1977.
Giữa tháng 2/1978, các lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có cuộc họp quan trọng với nhóm nhỏ những người cộng sản Khmer sống ở Việt Nam và một số cựu thành viên Khmer Đỏ chạy sang Việt Nam.
Mục tiêu của cuộc họp là lập ra Mặt trận chống Pol Pot, và hai nhân vật nổi trội được nêu tên: ông Pen Sovan, thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, và ông Hun Sen, người chạy sang Việt Nam từ hàng ngũ Khmer Đỏ tháng 6/1977.
Đến tháng 4/1978 trung đoàn đầu tiên của lực lượng Khmer chống Pol Pot được huấn luyện ở căn cứ Mỹ cũ tại Xuân Lộc và Long Châu, theo Dmitry Mosyakov trích dẫn các sử liệu.
Tháng 6/1978, ông Lê Duẩn có chuyến đi sang Moscow, mang theo tướng Lê Trọng Tấn, để báo cáo và nhận sự ủng hộ không chính thức của Liên Xô cho chiến dịch dự kiến vào mùa khô tới, đánh sang Campuchia.
Tuy thế trong tính toán của Việt Nam khi đó lại có thêm một sai lầm nữa, theo Dmitry Mosyakov, là họ tin Trung Quốc sẽ không can thiệp để cứu Khmer Đỏ, một khi Hà Nội tấn công Campuchia.
“Phía Việt Nam liên tục đảm bảo với Liên Xô rằng Trung Quốc sẽ không đủ thời gian đưa các đơn vị lớn sang cứu Khmer Đỏ,” tài liệu Liên Xô ghi lại cuộc nói chuyện với quan chức Việt Nam ngày 20/10/1978.
Trên thực tế, tin tình báo của Liên Xô cho hay từ đầu 1977, Trung Quốc đã có mặt ở Campuchia và hỗ trợ quân sự lớn cho Khmer Đỏ.
“Các nhân viên quân sự Trung Quốc đã có mặt, huấn luyện quân Khmer Đỏ, trang bị vũ khí cho họ, xây đường xá, và căn cứ quân sự. Một trong số đó là căn cứ không quân ở Kampong Chhnang, cho phép phi cơ bay đến TPHCM chỉ trong vòng nửa giờ.”
Khi chiến sự xảy ra ở Campuchia, Trung Quốc đã tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, gây ra cuộc chiến biên giới 1979.
Việt Nam đã đóng quân lại Campuchia 10 năm, bị Asean và nhiều nước khác phản đối.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48635868
Giảm phụ thuộc nguồn vải từ Trung Quốc,
ngành dệt may Việt Nam sẽ thu lợi hàng tỉ đô
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 3,8 tỉ USD mua vải từ Trung Quốc, tăng hơn 10 % so với năm ngoái, khiến Trung Quốc hiện đang là quốc gia cung cấp vải may mặc lớn nhất cho Việt Nam với 60% tổng lượng vải may mặc nhập khẩu.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 5 tháng 8 cho biết nước đứng thứ nhì cung cấp vải may mặc cho Việt Nam là Hàn Quốc với 16% tổng lượng, kế tiếp là Đài Loan với 12% tổng lượng, và cuối cùng là Nhật chiếm 5,8%.
Báo Thanh Niên đưa tin, trong nửa đầu năm 2019, nhóm hàng vải may mặc các loại nhập khẩu vào Việt Nam đạt hơn 6,5 tỉ USD, chiếm 5,4% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước.
Theo đó, với tỷ lệ vải nhập từ nước ngoài lớn như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tận dụng được ưu đãi về thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU tại TP.HCM cuối tháng 7 qua cho rằng vướng mắc lớn nhất của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam là nguồn nguyên liệu vải phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, quốc gia không phải là thành viên EVFTA.
Theo EVFTA, để được cắt giảm thuế, nguyên liệu ngành may mặc phải đảm bảo được xuất xứ. Quy tắc cộng gộp của EVFTA chỉ chấp nhận sợi được nhập từ Trung Quốc nhưng vải phải được làm từ Việt Nam.
Cũng theo ông Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu giảm phụ thuộc vải từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ thu hàng tỉ USD lợi từ đơn hàng dệt may của EU trong tương lai gần.
Ông Vũ Đức Giang cũng cho rằng chính phủ và các địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp nhằm phát triển phần cung bị thiếu hụt.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ ra thực trạng các địa phương lo ngại ô nhiễm môi trường đối với các dự án dệt, nhuộm hiện nay, nhưng mặt khác cũng tin tưởng có những nhà đầu tư công nghệ tiên tiến cho việc xử lý nước thải dệt, nhuộm.
Nhà máy 11,000 tỷ không thể quyết toán
do nhà thầu Trung Cộng không hợp tác
Tin Vietnam.- Báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng 8 năm 2019 loan tin: nhà máy đạm Ninh Bình có số vốn đầu tư hơn 11,000 tỷ đồng, được xây dựng từ tháng 11 năm 2007. Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu của Trung Cộng trúng thầu, và thực hiện xây dựng với thời gian trong hợp đồng là 42 tháng.
Mãi đến tháng 9 năm 2012, phía nhà thầu Trung Cộng mới bàn giao dự án cho tập đoàn Hóa chất Cộng sản Việt Nam cai quản. Tuy nhiên, sau khi nhà máy vận hành thì gặp vấn đề, liên tục xảy ra trục trặc kỹ thuật nên phải dừng để sửa chữa, bảo dưỡng. Từ đó đến năm 2017, nhà máy đạm Ninh Bình mới được vận hành trở lại. Đến năm 2018, nhà máy này chỉ vận hành được 117 ngày, và phải tạm dừng đến 7 lần vì trục trặc kỹ thuật. Trong thời gian vận hành, nhà máy này luôn gặp thua lỗ nặng, năm 2017 nhà máy vận hành và thua lỗ 933 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 923 tỷ đồng; và quý một năm 2019 lỗ 135,8 tỷ đồng.
Ngoài thua lỗ lớn, thì đến nay dự án này vẫn chưa được quyết toán, vì phía nhà thầu Trung Cộng không chịu hợp tác với tập đoàn Hóa Chất để giải quyết các tồn tại của dự án như thanh toán chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng, chi phí chạy thử máy lần 2. Đồng thời, nhà thầu này không bồi thường hợp đồng vì đã thực hiện chậm 16 tháng, không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư, không bàn giao hồ sơ hoàn công, hồ sơ gốc để lập quyết toán. Trước tình trạng trên, phía tập đoàn Hóa chất đề nghị với nhà cầm quyền tiếp tục bỏ tiền ra thuê một tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán. Tuy nhiên, các lãnh đạo của nhà cầm quyền không đồng ý vì, cho rằng thiếu cơ sở pháp lý.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-may-11000-ty-khong-the-quyet-toan-do-nha-thau-trung-cong-khong-hop-tac/
Việt Nam tuân thủ lệnh trừng phạt của LHQ
về công nhân Bắc Hàn ở nước ngoài
51 trong số 94 công nhân Bắc Hàn làm việc ở Việt Nam đã được trả lại cho Bình Nhưỡng sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua các cấm vận đối với Bắc Hàn vì các vụ phóng tên lửa đạn đạo của nước này. Trang tin Nknews chuyên về các tin Bắc Hàn, hôm 5/8 trích báo cáo của Hà Nội gửi UN, cho biết như vậy.
Nghị quyết 2397 được Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 28/11/2017 nhằm thắt chặt hơn nữa các cấm vận với Bắc Hàn bao gồm nhập khẩu nhiên liệu và các thương mại khác, cũng như cấm người Bắc Hàn lao động ở nước ngoài.
Báo cáo của Việt Nam gửi UN cho biết 51 người Bắc Hàn đã được gửi trả lại cho Bình Nhưỡng vào đầu năm nay. Số còn lại ở Việt Nam vẫn chưa được cấp phép làm việc hoặc không được gia hạn giấy phép làm việc.
Báo cáo cho biết 43 người còn lại hiện đang phải đi qua quá trình thủ tục hành chính và bàn giao công việc trước khi về lại Bắc Hàn.
Hà Nội trong báo cáo của mình cũng cam kết sẽ tuân thủ chặt chẽ nghị quyết của UN đối với Bắc Hàn.
Theo Hà Nội, sau khi nghị quyết thông qua, chỉ có 3 nhà hàng của Bắc Hàn hoạt động ở 2 thành phố là Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo Nknews, đến đầu tháng 8, hai nhà hàng ở Hà Nội dường như vẫn hoạt động trong khi nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh đã đóng cửa trong năm 2018.