Đọc báo Pháp – 03/08/2019
« Tứ nhân bang » Dân Chủ :
Chống Trump nhưng làm lợi cho Trump
Bốn nữ dân biểu Dân Chủ da màu tiến hành một cuộc thập tự chinh vụng về chống lại ông chủ Nhà Trắng. Vụ tranh luận về tin Twitter mang tính kỳ thị của Donald Trump đã che khuất các vấn đề lớn khác, khi đảng Dân Chủ bắt đầu cuộc tranh cử sơ bộ.
Đã vào mùa hè, L’Express ra số đặc biệt giới thiệu 20 địa điểm đi nghỉ tại nước Pháp : tu viện, hồ, thung lũng…với những cảnh sắc tuyệt vời giúp cho tâm hồn thanh tịnh. Le Point nói về những lợi ích khi đi xe đạp : trui rèn sức khỏe, luyện tính kiên cường, gần gũi với thiên nhiên…
Hồ sơ của L’Obs lùi lại 500 năm về trước, dành cho « 1519, năm đã thay đổi thế giới ». Theo tuần báo Pháp, thời điểm quan trọng nhất của thời kỳ Phục Hưng không phải là năm 1492, khi Christophe Colomb (Kha Luân Bố) khám phá ra châu Mỹ, hay năm 1515 với trận đánh Marignan mà phần thắng thuộc về vị vua trẻ Pháp François I. Mà đó là năm 1519, khi nhà vua Pháp dòm ngó Đế quốc La Mã Thần thánh, nhà thám hiểm Magellan lần đầu tiên đi vòng quanh thế giới, Charles Quint đưa Công giáo lên tầm toàn cầu, và là năm danh họa Leonardo de Vinci qua đời.
« Biệt đội chống Trump »
Liên quan đến nước Mỹ, L’Express dành sáu trang báo cho « Những chệch choạc của ‘đội đặc nhiệm’ chống Trump ». Bị Donald Trump tấn công bằng một tweet phân biệt chủng tộc, bốn nữ dân biểu Dân Chủ da màu tiến hành một cuộc thập tự chinh vụng về chống lại ông chủ Nhà Trắng.
Bản thân bốn phụ nữ này cũng tự coi là « The Squad » (đội đặc nhiệm), còn Donald Trump mệnh danh họ là « những nữ kỵ sĩ của ngày tận thế ». Nhưng đối với thế giới, đơn giản bốn nhân vật Dân Chủ này là những khuôn mặt mới chống Trump. Vừa mới đắc cử vào tháng 11 năm ngoái, họ hợp thành « Tứ nhân bang » với những điểm chung là có năng lực, trẻ tuổi, thiên tả và là thiểu số da màu.
Từ khi nhậm chức vào đầu năm, họ thổi một làn gió mới, đúng ra là mang lại một trận bão vào Washington, xuất hiện gần như hàng ngày trên truyền hình. Trong số những chủ đề đấu tranh có thể kể : chuyển đổi sinh thái, bỏ trừng phạt di dân bất hợp pháp, dẹp các trại tạm cư – mà họ không ngần ngại gọi là « trại tập trung » – giải thể cơ quan cảnh sát biên phòng. Còn về đối ngoại, họ đòi tẩy chay, rút đầu tư và trừng phạt Israel.
L’Express điểm qua từng khuôn mặt. Người trẻ nhất, Alexandria Ocasio-Cortez (thường được gọi tắt là AOC), 29 tuổi, gốc Mỹ la-tinh cũng là người nổi tiếng nhất với 5 triệu người theo dõi trên Twitter. Rashida Tlaib, 43 tuổi là phụ nữ gốc Palestine đầu tiên trở thành dân biểu Mỹ. Ngay sau hôm đắc cử, bà Tlaib đã gây sốc với tuyên bố « Chúng ta sẽ truất phế tên khốn nạn ! ».
Ilhan Omar, 37 tuổi, là nữ dân biểu đầu tiên đội khăn choàng Hồi giáo trong Quốc Hội. Là người Somalia, được Hoa Kỳ cho tị nạn cùng với cha mẹ lúc 12 tuổi, bà nổi tiếng bài Do Thái dữ dội và khi nói về các vụ khủng bố ngày 11/9 còn nhập nhằng cho rằng « không phải vì một số người làm điều gì đó mà cả cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ phải trả giá ».
Người lớn tuổi nhất, Ayanna Pressley, 45 tuổi, gốc châu Phi, từng là cộng sự của thượng nghị sĩ John Kerry trong 13 năm. Khi nói về tổng thống Donald Trump, bà chỉ dùng từ « người đang ở Nhà Trắng » vì theo bà « ông ta không xứng đáng với chức vụ ». Tóm lại, cả bốn bà « đặc nhiệm » đều bảo đảm những « sô » gay cấn, không thua gì ông Trump.
Donald Trump có lợi khi đánh đồng « Tứ nhân bang » với Dân Chủ
Thế rồi cuối cùng ông tổng thống cũng phải thốt ra trên Twitter một câu nhắm vào « băng nhóm cộng sản » này. Ông viết : « Thật thú vị khi nghe các đại diện của một Hạ Viện ‘cấp tiến’, đến từ những nước mà chính phủ hoàn toàn là thảm họa, tệ hại nhất, tham nhũng nhất, giải thích cho nhân dân Hoa Kỳ rằng chính quyền phải lãnh đạo như thế nào. Tại sao các bà ấy không quay về nguyên quán, nơi tội phạm hoành hành, để giải quyết vấn đề ở đó, rồi quay lại chỉ dẫn cho chúng ta… »
Có điều trong « Tứ nhân bang », chỉ có Omar là người tị nạn, ba bà còn lại đều sinh ở Mỹ. Tweet của ông Trump làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp nơi. Hai ngày sau, Hạ Viện thông qua nghị quyết lên án tính chất phân biệt chủng tộc, một sự kiện chưa từng thấy. Nhưng theo nhà tư vấn chính trị Matt Mackowiak, chính Donald Trump là người được lợi.
Đánh hơi được khả năng gây hại của « biệt đội », ông Trump muốn tạo ra vụ đối đầu để làm nổi bật « Tứ nhân bang », khiến ngày càng nhiều người đánh đồng đảng Dân Chủ với phe cực đoan nhất trong đảng này. Ông biết bốn nữ dân biểu trên rất bị ghét ở vùng Rust Belt (đông bắc), trong đó cả các cử tri Dân Chủ, trong khi các lá phiếu của vùng Đại Hồ này rất quan trọng. Chỉ có 22% người được thăm dò có cảm tình với bà AOC, còn bà Omar chỉ có 9% người chấp nhận.
Chưa hết. Sau tweet của Donald Trump, chỉ riêng AOC đã có 4,8 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội, bằng cả 23 ứng cử viên khác cộng lại, nên rốt cuộc toàn « đội đặc nhiệm » đã che khuất việc khởi động chiến dịch tranh cử sơ bộ của đảng Dân Chủ. Phải chăng ông Trump muốn tranh thủ cử tri da trắng, hướng cuộc tranh luận về vấn đề chủng tộc, nhập cư ? Chưa kể ông còn được sự hỗ trợ của chính… « Tứ nhân bang ».
Trước đó AOC đã tấn công thủ lãnh phe Dân Chủ ở Hạ Viện là bà Nancy Pelosi trong cuộc bỏ phiếu ngân sách 4,6 tỉ đô la cho an ninh biên giới (trong đó có một phần dành cho trẻ em di dân). Tuy nhiên toàn bộ 227 dân biểu Dân Chủ có mặt đã bỏ phiếu thuận, chỉ có « Tứ nhân bang » – hoàn toàn lẻ loi – bỏ phiếu chống. Bà Pelosi bực tức nhắc nhở, ngoài mạng xã hội, trọng lượng của « đội đặc nhiệm chống Trump » chỉ vỏn vẹn bốn phiếu.
Theo nhà bình luận Heather Mac Donald, vấn đề lớn của đảng Dân Chủ là nhánh cực tả tin rằng nước Mỹ về bản chất là kỳ thị chủng tộc, quan điểm này khiến nhiều người Mỹ cảm thấy bị xúc phạm. Hơn nữa, nếu Hoa Kỳ là một quốc gia bất công, khủng khiếp và kỳ thị như « biệt đội » mô tả, thì tại sao mỗi tháng có đến hàng trăm ngàn người cố gắng nhập lậu vào nước Mỹ bằng mọi giá ?
Bắc Kinh muốn cứng rắn,
nhưng chính quyền Hồng Kông tê liệt
Về châu Á, The Economist nhận xét, Bắc Kinh đòi hỏi phải có thái độ cứng rắn đối với phong trào phản kháng Hồng Kông, tuy nhiên chính quyền đặc khu dường như tê liệt.
Sau 8 tuần lễ biểu tình, tin chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị mở một cuộc họp báo hiếm hoi khiến người Hồng Kông hồi hộp, nhưng rốt cuộc trong phát biểu của đại diện Trung Quốc không đề cập đến việc gởi quân đội sang. Đến khi một nhà báo đặt câu hỏi, người này chỉ nhắc lại quy định trong luật, và không quên ca ngợi cảnh sát Hồng Kông.
Báo chí nhà nước tỏ rõ sự bực tức của đảng Cộng Sản. Nhân dân Nhật báo ra lệnh cho cảnh sát đừng ngần ngại tỏ ra cứng rắn hơn. Cuối tuần trước, cảnh sát đã xịt hơi cay và bắn đạn cao su vào người biểu tình, 44 người bị bắt có nguy cơ bị quy kết tội « nổi dậy » có khung hình phạt đến 10 năm tù.
Nhưng những người đấu tranh không sợ hãi, nhiều người tập hợp trước sở cảnh sát để phản đối bắt bớ. Trưởng đặc khu không thấy xuất hiện suốt cả tuần. Dù Bắc Kinh khẳng định ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) – không thể để bà từ chức kẻo mất mặt – nhưng chắc bà không tồn tại được lâu.
Sau đợt bắt bớ, những người phản kháng có lẽ thận trọng hơn, dù ít nhất 7 cuộc tuần hành sẽ diễn ra riêng trong ngày 5/8. Cảnh sát chẳng làm được gì nhiều trước những hình thức bất tuân dân sự nhẹ nhàng như đình công, biểu tình ngồi…Công chức, lính cứu hỏa, tài xế xe buýt…đều ủng hộ yêu sách của phong trào phản kháng.
Theo The Economist, phương cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng là Trung Quốc giữ lời hứa để cho người dân Hồng Kông tự chọn lựa người lãnh đạo của mình. Việc một số người đấu tranh trở nên cực đoan một phần là do chiến lược đàn áp các nhà đối lập ôn hòa. Hiện nay, Bắc Kinh tuyên truyền rằng người Hồng Kông « chủ trương ly khai », kiểu như Tây Tạng, Tân Cương. Chính trong bối cảnh dân tộc chủ nghĩa đã xảy ra các vụ sinh viên đại lục đụng độ với sinh viên Hồng Kông ở Mỹ, Úc, Canada, New Zealand.
Trung Quốc luôn có thể sử dụng đến biện pháp cuối cùng là điều quân đội đến Hồng Kông, đó cũng là điều mà cựu trưởng đặc khu Lương Chấn Anh ủng hộ. Tuy nhiên sẽ chỉ làm nhạt nhòa thêm tính chính danh của chính quyền, khiến quốc tế phẫn nộ lên án, và chỉ riêng thảo luận về việc này cũng đã là dấu hiệu cho thấy mọi chuyện đang xấu đi.
Ngày nước Nhật
suýt biến mất trên bản đồ thế giới
Cũng về châu Á, Le Monde Diplomatique nói về « Ngày mà nước Nhật suýt bị xóa sổ ». Vào lúc còn một năm nữa là đến Thế vận hội Tokyo, Nhật Bản muốn chứng tỏ với thế giới là vùng Fukushima, nơi xảy ra tai nạn nguyên tử do sóng thần ngày 11/03/2011, đã trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên cựu thủ tướng thời đó đã lên tiếng kể lại những khó khăn khi xử lý thảm họa.
Cựu thủ tướng Kan Naoto cho biết, báo cáo của chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản hôm 25/3 mang tên « Kịch bản tệ hại nhất », yêu cầu cho sơ tán trong khu vực bán kính lên đến 250 kilomet. Có nghĩa là thủ đô Tokyo và 40% dân số nước Nhật, khoảng 50 triệu người, phải di tản đi nơi khác sống trong vài chục năm. Như vậy Nhật Bản có còn tồn tại với tư cách một quốc gia ?
Ban giám đốc Tepco liên tục đề nghị cho sơ tán nhân viên nhà máy Fukushima Daiichi, đó là đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên nếu cả sáu lò phản ứng lần lượt bị nóng chảy, thải ra lượng phóng xạ vô cùng lớn, rồi đến bốn lò nhà máy Fukushima Daini cách đó 12 km…thì Nhật và có thể cả các nước láng giềng sẽ ra sao. Nếu không có kiểm soát, plutonium trong nhiên liệu thải sẽ phát ra lượng phóng xạ tồn tại suốt 24.000 năm.
Ông Kan Naoto lập ra ủy ban xử lý khẩn cấp gồm các thành viên chính phủ và Tepco, yêu cầu trước tình hình nước Nhật có nguy cơ bị xóa sổ phải sẵn sàng hy sinh kể cả mạng sống. Với nỗ lực tối đa của lính cứu hỏa, cảnh sát, quân đội, nhân viên Tepco…và một số yếu tố may mắn khác, thảm họa đã được tránh khỏi. Ngày nay khi thuật lại, cựu thủ tướng Nhật gióng lên tiếng chuông cảnh báo với điện nguyên tử vì không thể bảo đảm an toàn 100%. Hiện không có đất nước nào dân chúng sống cách nhà máy điện nguyên tử hơn 250 km, và một khi xảy ra tai nạn, thì hậu quả không khác nào một trận đại chiến.
Quốc phòng châu Âu yếu đi vì Brexit
Tại châu Âu, tác giả Luc de Barochez trên Le Point than thở « Quốc phòng châu Âu bị yếu đi với Brexit ». Cuộc khủng hoảng Iran cho thấy sự tự chủ chiến lược của Liên hiệp chỉ là mơ tưởng.
Việc Anh bắt tàu dầu Grace I của Iran là đúng theo quy định trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu (EU), còn Iran bắt chiếc Stena Impero của Anh là « hải tặc cấp nhà nước », theo tờ báo. Luân Đôn kêu gọi thành lập lực lượng hải quân châu Âu để bảo đảm tự do hàng hải trong vùng Vịnh, nhưng không được hưởng ứng mấy vì nhiều lý do.
Trước hết, hạm đội các nước châu Âu bị ảnh hưởng vì giảm ngân sách. Anh chỉ còn 19 khu trục hạm và chiến hạm, và chỉ 1/3 trong số đó hoạt động. Thời kỳ đế quốc Anh làm bá chủ trên biển đã trở thành xa xưa lắm rồi, Đức thì vẫn còn bị trói tay với chủ trương hòa bình sau Đệ nhị Thế chiến. Nhưng nhất là Brexit đã làm phương hại cho viễn cảnh quốc phòng châu Âu thống nhất : không thể có sự hợp tác an ninh chặt chẽ giữa Anh, Pháp, Đức. Tân thủ tướng Boris Johnson cũng không thích thú với ý tưởng một lực lượng hải quân châu Âu – do đối thủ Jeremy Hunt đưa ra, mà mong có sự can dự của Hoa Kỳ.
Một khi thương mại quốc tế bị mất an ninh thì Đức, nước xuất khẩu hàng đầu sẽ bị ảnh hưởng trước nhất. Pháp, mạnh nhất về quân sự, cần có sự hợp tác của Anh, đồng minh có năng lực xưa nay, còn Anh quốc dù ra khỏi EU cũng cần chứng tỏ không cô đơn về ngoại giao và vẫn giữ nguyên ảnh hưởng. Như vậy cả châu Âu đều sẽ yếu đi với một Brexit không thỏa thuận.
Cuộc chiến giữa các đại cường để kiểm soát vũ trụ
Nhìn lên không gian, tác giả Nicolas Baverez nhận thấy đây là « mẹ của các trận chiến ». Vào thế kỷ 21, ai kiểm soát được không gian sẽ nắm được cả Trái Đất. Trước tham vọng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, châu Âu cần phải thức tỉnh.
Năm mươi năm sau khi con người đặt chân lên Mặt Trăng, vũ trụ luôn đóng vai trò quan trọng. Giấc mơ không gian quay lại, Hoa Kỳ muốn đưa người thăm Chị Hằng năm 2024, Trung Quốc năm 2029, còn NASA hứa phóng phi thuyền có người lái lên Hỏa tinh năm 2033. Vũ trụ đang trở thành nơi thiết yếu cho hoạt động của nhân loại, với trên 1.500 vệ tinh đang hoạt động, cung cấp các dịch vụ có thể lên đến 1.200 tỉ đô la trong 20 năm tới ; nên đang trở thành nơi cạnh tranh của các cường quốc.
Về công nghệ, các hỏa tiễn có thể tận dụng và vệ tinh thu nhỏ giúp giảm giá thành, tăng gấp đôi năng lực cả dân sự lẫn quân sự. Về kỹ thuật số, kết nối qua vệ tinh rất cần thiết cho 5G và lượng dữ liệu của các xe tự hành, vật dụng kết nối. Về kinh tế, các Nhà nước không còn độc quyền mà có sự tham gia của các đại gia tư nhân như Space X của tỉ phú Elon Musk hay Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos. Về chiến lược, vũ trụ đang bị quân sự hóa với các hoạt động do thám, chiến tranh điện tử, tấn công bằng laser hay hỏa tiễn. Về địa chính trị, Hoa Kỳ không còn đối đầu với Liên Xô như trong thập niên 60, mà nay là Trung Quốc.
Hoa Kỳ dự trù dành 60 tỉ đô la ngân sách cho chương trình không gian năm 2020, lập ra lực lượng quân đội chuyên trách. Trung Quốc còn tham vọng hơn, Sách Trắng quốc phòng coi không gian là ưu tiên hàng đầu, đã phóng lên 39 vệ tinh trong năm 2018. Còn châu Âu hiện chỉ dành 12 tỉ đô la/năm. Theo Le Point, Pháp, cường quốc nguyên tử duy nhất của EU hậu Brexit có trách nhiệm lịch sử trong vấn đề này, nhưng khiếm khuyết lớn nhất vẫn là tài chính. Cả trên vũ trụ, chiến tranh, như Napoléon đã nhấn mạnh, « là một nghệ thuật đơn giản », chỉ lệ thuộc vào ba thứ : tiền, tiền và tiền !
Tin đọc nhanh
(USNI News) – Tướng Nhật Bản tố cáo Trung Quốc gia tăng xâm phạm không phận.
Tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ngày 02/08/2019, tướng Koji Yamazaki, tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản, cho biết tính đến đầu tháng Tám, Trung Quốc đã 20 lần xâm phạm không phận Nhật Bản trên khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cao hơn con số 19 lần trong năm 2018. Tướng Koji Yamazaki đánh giá đó là mối đe dọa trực tiếp mà Nhật Bản phải đối phó.
(AFP) – Đảng đối lập mới tại Singapore.
Một đảng đối lập mới đã chính thức được thành lập hôm nay, 03/08/2019, tại Singapore, với sự ủng hộ của người em trai của đương kim thủ tướng Lý Hiển Long. Đảng Tiến bộ Singapore dự tính sẽ tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội dự trù vào năm 2021, nhưng, theo ý kiến của nhều người, có thể diễn ra sớm hơn.
(AFP) – Pháp : Tai nạn máy bay cứu hỏa, phi công thiệt mạng.
Tai nạn xảy ra chiều 02/08/2019 khi phi công này đang tham gia dập lửa cháy rừng ở Générac, tỉnh Gard. Chiếc máy bay cứu hỏa lao xuống đất và phi công bị thiệt mạng. Hiện chưa rõ nguyên nhân tai nạn. Lực lượng cứu hỏa được huy động dập cháy rừng ở Générac từ ngày 30/07 và đến sáng 03/08 đã làm chủ được tình hình. Tuy nhiên, lửa đã thiệu rụi hơn 800 hecta rừng. Hai người bị tình nghi là thủ phạm các vụ hỏa hoạn đã bị tạm giam.
(AFP) – Ngoại trưởng Canada – Trung Quốc gặp nhau.
Cuộc họp diễn ra ngày 02/08/2019 tại Bangkok, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Đây là cuộc họp đầu tiên của hai lãnh đạo ngoại giao sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Hoa Vi. Ngoại trưởng Freeland đã đề cập đến việc hai công dân Canada bị bắt tại Trung Quốc mà theo bà là đòn trả đũa của Bắc Kinh. Còn ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ quan ngại về « thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu » sang Mỹ theo yêu cầu của Washington. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận về chủ đề này.
(AFP) – Sudan : Phe quân sự sắp chuyển giao quyền lực cho dân sự.
Ủy ban quân sự hiện lãnh đạo Sudan và các đại diện phe đối lập đã đạt được một thỏa thuận về một bản tuyên bố hiến pháp, mở đường cho việc chuyển giao quyền lực cho giới dân sự. Thông tin được Mohamed El Hacen Lebatt, một nhà trung gian của Liên Hiệp Châu Phi, thông báo hôm 03/08/2019. Đây là kết quả của hai ngày đàm phán tại Khartoum giữa Liên minh vì Tự do và Thay đổi, đứng đầu phe đối lập, và Hội đồng quân sự, giữ quyền điều hành đất nước từ khi tổng thống Omar El Béchir bị lật đổ hôm 11/04.
(AFP) – Tổng thống Venezuela dọa đưa Mỹ ra Liên Hiệp Quốc.
Phát biểu trên truyền thông hôm 02/08/2019, ông Maduro cho rằng việc tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng cấm vận và cô lập Venezuela là một « lời đe dọa bất hợp pháp ». Trước đó, vào tháng 04/2019, Washington đã ban hành các biện pháp cấm vận dầu lửa đối với chính quyền Caracas nhằm gia tăng sức ép buộc tổng thống Maduro từ bỏ quyền lực. Trong khi đó, phe đối lập và chính phủ Venezuela tiếp tục đàm phán tại đảo Barbados, do Na Uy làm trung gian, để tìm ra một giải pháp phù hợp với hiến pháp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190803-tin-doc-nhanh