HD-981 trên Biển Đông : Hà Nội càng hòa dịu, Bắc Kinh càng lấn lướt

Cac Bai Khac

No sub-categories

HD-981 trên Biển Đông : Hà Nội càng hòa dịu, Bắc Kinh càng lấn lướt

 

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc gần khu vực hạ đặt giàn khoan dầu HD-981 trên vùng Biển Đông, thuộc thềm lục địa Việt Nam ngày 13/06/2014.

REUTERS/Nguyen Minh
Theo RFI
Thứ năm 19/6/2014

Quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục căng thẳng. Các cuộc hội đàm vào hôm qua, 18/06/2014 giữa nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và các lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã không mang lại kết quả nào. Mặc dù về hình thức, Việt Nam đã tỏ dấu hiệu nhẫn nhịn, nhưng phía Bắc Kinh vẫn tỏ thái độ cứng rắn, thậm chí còn gia tăng các động thái từng bị cộng đồng quốc tế đánh giá là « khiêu khích ».

Hành vi có thể gọi là khiêu khích mới nhất của Trung Quốc là quyết định điều giàn khoan dầu thứ hai xuống Biển Đông, trong lúc vẫn duy trì giàn khoan thứ nhất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thậm chí các trang mạng Trung Quốc còn nói đến ít nhất bốn giàn khoan được đưa xuống Biển Đông.

Đây là một hành động mang tính chất khiêu khích vì được tiến hành ngay vào lúc Bắc Kinh đang bị dư luận quốc tế đả kích là đã khuấy động tình hình ổn định trong khu vực từ khi cho hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng Biển Đông nằm gần Hoàng Sa và ngay trên thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng Năm. Từ ngữ « khiêu khích » đã được nhiều nước, từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản, sử dụng để chỉ hành động coi thường luật lệ quốc tế đó của Trung Quốc.

Hành động khiêu khích đó được cho là trực tiếp nhắm vào Việt Nam vì được loan báo đúng vào lúc mà lãnh đạo Trung Quốc đến Hà Nội để thảo luận về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng phát sinh từ vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với việc đội tàu nhỏ bé của Việt Nam hàng ngày phải đương cự với đội tàu hộ tống hùng hậu của Trung Quốc, chỉ để thể hiện chủ quyền của Việt Nam trong khu vực.

Song song với chiến pháp « tung giàn khoan giành lãnh thổ » đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chiến lược « ngoại giao vu khống », đổ lỗi cho Hà Nội là bên gây hấn, trong lúc căng thẳng lại phát sinh từ chính hành động của Trung Quốc.

Điều đáng nói là trong các cuộc hội đàm tại Hà Nội vào hôm qua, lẽ ra phải nhằm mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên, thì nhân vật đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc lại nói với phía Việt Nam là phải chấm dứt các hành động phản đối Trung Quốc. Hãng tin Anh Reuters, trong bài viết về các cuộc tiếp xúc Việt-Trung nói trên đã không ngần ngại cho là « Trung Quốc mắng Việt Nam về việc ‘thổi phồng’ vụ giàn khoan ».

Thái độ kẻ cả của Trung Quốc đã được truyền thông chính thức của nước này nêu bật. Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, trong bản tin tiếng Việt, khi trích tin Tân Hoa Xã về cuộc gặp Việt -Trung, đã dùng từ ngữ « chỉ rõ » khi nêu lên tuyên bố của ông Dương Khiết Trì với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, trong lúc dùng từ cho biết để trích phát biểu của phía Việt Nam :

« Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chỉ rõ, đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan. Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn ».

Trước các động thái cứng rắn kể trên, phía Việt Nam, từ Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được cho là có thái độ rất hòa hoãn, nhẫn nhịn, nhưng về nội dung vẫn kiên quyết, tố cáo Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, đe dọa ổn định khu vực và đòi Bắc Kinh phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Bản tin trên trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết là ông Phạm Bình Minh đã xác định với phía Trung Quốc như sau : “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Dầu khí Hải dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải và hòa bình, ổn định của khu vực, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam và tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai nước”.

Phó Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 ».

Truyền thông Trung Quốc không thấy nhắc đến các tuyên bố lập trường của phia Việt Nam, mà chỉ xoáy mạnh trên những phát biều hòa hoãn của lãnh đạo Việt Nam, tựa như là phía Hà Nội đã nhận lỗi.

Nhận định chung về cuộc đối đầu Việt-Trung hiện nay liên quan đến vụ giàn khoan HD-981, có thể nói rằng Việt Nam càng nhẫn nhịn, thì Trung Quốc càng lấn lướt. Do tương quan lực lượng trên biển bất lợi, sắp tới đây khó khăn của Việt Nam được cho là sẽ tăng lên gấp bội nếu Trung Quốc tung thêm vài chiếc giàn khoan nữa vào vùng biển của Việt Nam.

Đối sách khả dĩ nhất mà Việt Nam có thể thực hiện, như nhiều nhà quan sát đã đề nghị là phải kiện Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế như Philippines đã làm. Đây cũng là một đề nghị của một đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa thuộc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. vào hôm nay.

Trong phiên họp sáng nay, ông Nghĩa đã bất ngờ xin phép phát biểu về Biển Đông, và kiến nghị Quốc hội đưa ra một tuyên bố, hay một nghị quyết về vấn đề này, điều mà theo ông, không thấy có trong chương trình nghị sự còn lại của khóa họp Quốc hội lần này.

Theo tường thuật của báo Thanh Niên, vị Đại biểu Quốc hội này cho rằng cần phải « vạch trần âm mưu “vừa đấm, vừa xoa”, “vừa đánh, vừa đàm”, “vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc », đồng thời « tiến hành mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, trong đó có biện pháp khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế. »